Trích từ “Thiên Quốc này chẳng thái bình“
Tác giả Đào Đoản Phòng
Đỗ Trung Thành dịch
Thạch Đạt Khai e là thủ lĩnh nhiều truyền thuyết nhất trong Thái Bình Thiên Quốc, một người tiếng tăm lớn nhất nhưng cũng là người có “truyền thuyết sơn trại” phong phú nhất.
Thân thế, tài năng, sự sống chết hay ông có biết làm thơ? Có con gái nuôi hay không? Rốt cuộc thì ông thân với Hồng Tú Toàn hay với Dương Tú Thanh? Vì sao phải “rời nhà ra đi”, ông rốt cuộc là “Nghĩa Vương” hay là “người thuộc chủ nghĩa ly khai”? Thái độ của ông đối với Cơ Đốc giáo hay Bái Thượng đế giáo là như thế nào? Từ khi ông còn tại thế đến giờ, mọi người đều tranh luận nghị biện rất sôi nổi những vẫn đề này. Theo lý thì một nhân vật bị phía quân Thanh bắt giữ, trước lúc chết còn lưu lại bản cung khai, không nên có nhiều nghi vấn như vậy, mà sự thực thì lại chính là như vậy.
Ông là người ở đâu?
Khi Thạch Đạt Khai danh tiếng lẫy lừng, trở thành nhân vật được quân Thái Bình và bên phía Thanh triều vô cùng coi trọng, câu hỏi ông là người ở đâu đã trở thành chủ đề nóng bỏng được quan tâm bởi những gián điệp thu thập tình báo bên phía Thanh triều và những nhân sĩ địa phương tò mò thuần túy.
“Tặc tình hối toản” tập tình báo nổi tiếng bởi tính xác thực, tỉ mỉ được Tăng Quốc Phiên gợi ý biên soạn đã xưng Thạch Đạt Khai là “người thôn Đại Thoa huyện Quế Bình phủ Tầm Châu, tỉnh Quảng Tây”; Đại tướng Tương quân Lý Nguyên Độ viết thư khuyên hàng Thạch Đạt Khai vào năm 1858 gọi ông là “phú hộ Quế Lâm”; Ghi chép của văn nhân vùng Nam Kinh, An Khánh và Giang Tây thì đủ loại, có thuyết nói ông là “chư sinh Quảng Tây”, có thuyết nói ông là “cự khấu Quảng Đông”, còn có thuyết nói ông là phú thương Hồ Nam, buôn bán ở Quảng Tây bị ép phải nhập hội. Có một vị thành phần tri thức không biết công tác ở cơ quan nào tại Thiên Kinh tên là Trương Hiểu Thu, đặc biệt giỏi về thu thập những sự tích về những nhân vật lãnh đạo cao cấp của Thiên Quốc, rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở thời kỳ sau như Mông Thời Ung, Lại Văn Quang ở thời kỳ đầu chẳng chút tiếng tăm mà ông ta cũng có thể tìm được manh mối, thời đó có ghi lại, trở thành tài liệu đầu tay quý giá của ngày nay, nhưng đối diện với vấn đề tịch quán của Dực Vương Thạch Đạt Khai đỉnh đỉnh đại danh, vị cao thủ về hồ sơ này lại vò đầu bứt tai, chẳng chút manh mối, cuối cùng nâng bút, viết ba chữ lớn: người Quảng Tây, coi như giữ được phong cách học tập nghiêm chỉnh biết sao nói vậy của mình.
May mà Thạch Đạt Khai có để lại bản cung khai, may mà tự thời Dân quốc đã không ngừng có người đi thăm thực địa Quảng Tây, ngày nay vấn đề này đã không còn là câu đố nữa rồi.
Trương Hiểu Thu, con người cẩn thận từng li từng tí cuối cùng vẫn chỉ là nói đúng có một nửa: Thạch Đạt Khai sinh ở Quảng Tây, nhưng nguyên tịch lại là huyện Hòa Bình tỉnh Quảng Đông. Ông sinh tại thôn Na Bang, ấp Kỳ Thạch phía đông bắc sơn khu Long Sơn huyện Quý tỉnh Quảng Tây, sinh vào tháng hai năm Đạo Quang thứ mười một nhà Thanh (1831), cũng chính là nói, khi khởi nghĩa Kim Điền nổ ra vào cuối năm 1850, vị thủ lĩnh “một trong số thất kiệt” này vẫn còn là thanh niên chưa đầy 20 tuổi.
Dường như tất cả những ghi chép bên phía Thanh triều đều nói nhà ông là một đại tài chủ, “Tặc tình hối toản” nói ông đã quyên hơn 10 vạn lạng bạc trắng để nhập hội, tiểu thuyết ca ngợi ông viết thời Dân quốc tô vẽ ông hiến toàn bộ gia tài cho tổ chức, ở vào cái thời mà “chả có thân thích gì hết chỉ có phân giai cấp” lại dựa vào đó mà coi ông là “người phát ngôn của giai cấp địa chủ”. Kỳ thực nhà ông tuyệt đối chẳng phải là rất giàu có, “đỉnh kiến độ thuyền bi ký” (bia ghi chép lại việc xây dựng bến đò) được phát hiện sau này là một tấm bia đá ghi lại họ tên những người đã quyên tiền xây dựng bến đò, được huyện Quý dựng sau khi hoàn thành bến đò, trên đó có tên của Thạch Đạt Khai, số tiền quyên góp chỉ có 1000 quan tiền, con em Thạch gia được ghi rõ trên bia đá không ít, người quyên nhiều nhất là 4000 quan, ít nhất là 300 quan, đồng thời không có ai là người chủ sự, có thể thấy Thạch gia chỉ là gia tộc bình thường ở địa phương, mà nhà Thạch Đạt Khai thì bất quá là phú nông mà thôi. Ghi chép của Thái Bình Thiên Quốc thì đáng tin cậy hơn một chút, “Thiên tình đạo lý thư” chỉ nói chung chung là Thạch Đạt Khai và Vi Xương Huy “đều là nhà phú hộ”, còn Lý Tú Thành thì nói ông “gia phú độc thư, văn võ bị túc”, chuyện này về cơ bản là ăn khớp với lời ông tự nói “cày cấy đọc sách là nghề”, cũng chính là nói, ông là con em nhà trung nông, gia cảnh sung túc, cơm no áo ấm, nhưng ruộng đất không nhiều, có lúc còn cần phải tự mình ra đồng làm việc.
Khi khánh thành bền đò, Thạch Đạt Khai chỉ mới mười mấy tuổi, còn là thiếu niên chưa nhược quán (thời xưa gọi thanh niên khoảng 20 tuôi là nhược quán), 1000 quan tiền tuy không phải là con số lớn nhưng đối với một thiếu niên mà nói thì đã là rất đáng quý. Xếp ngang hàng với ông trên văn bia, rất nhiều người đều là hàng chữ “Xương”, tức là hàng thúc phụ của ông; Bia miệng ở địa phương nói phụ mẫu ông qua đời từ rất sớm, ông tự mình gánh vác việc nhà, trọng nghĩa khinh tài, thích ra mặt giúp người, làm trung gian điều đình, tuổi còn trẻ đã có biết hiệu “Thạch tướng công”.
Ông không có anh em trai, Thạch gia ở địa phương cũng không phải là gia tộc lớn, nhưng do ông tuổi trẻ đã sớm biểu hiện tấm lòng hiệp nghĩa và tài năng xuất sắc, do đó người trong tộc, đồng hương đều rất tôn sùng, khâm phục ông, khi Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn bí mật mưu đồ khởi sự ở sơn khu Tử Kinh Sơn, đã học theo Lưu Bị tam cố mao lư, đích thân tìm đến nhà, trịnh trọng mời người thanh niên trẻ tuổi này xuất sơn. Năm 1853-1854, Thái Bình Thiên Quốc mới định đô Thiên Kinh, đã biên soạn một bộ thông tục sử thư, trong đó lại có một đoạn “thăm Thạch tướng công”. Tuy rằng tên bộ sách lịch sử này là “tân chiếu thư” và không truyền được tới ngày nay, thậm chí có thể căn bản chưa được xuất bản, nhưng uy vọng, địa vị của Thạch Đạt Khai có thể tưởng tượng được.
Tháng 7 năm Đạo Quang thứ 30 (1850), Thạch Đạt Khai tiếp nhận mệnh lệnh Đoàn doanh Kim Điền, triệu tập hơn 1000 người tại quê nhà, trong đó có không ít con em họ Thạch, đi đường đèo Lục Ô, sau hơn một tháng tụ tập ở gò Bạch Sa, tới Kim Điền. Đội quân con em họ Thạch này về sau trở thành một trong những chủ lực của quân Thái Bình.
Đệ nhất danh tướng của quân Thái Bình.
Do nguyên nhân ai cũng biết, hơn 100 năm nay những lời đánh giá chính trị về Thạch Đạt Khai có lên có xuống, đến nay cũng còn có những ý kiến khác nhau, nhưng có một điểm mà các bên dường như không có sự bất đồng: Thạch Đạt Khai là danh tướng, thậm chí là danh tướng số một của Thái Bình Thiên Quốc.
Tăng Quốc Phiên, người từng bị Thạch Đạt Khai ép tới mức phải nhảy xuống nước tự sát trong trận Hồ Khẩu, từng bị vây trong thành Nam Xương tới mức hết cách xoay sở, vào giai đoạn sau từng gửi tấu triết lên Hoàng đế, trong đó chê bai sức chiến đấu của quân viễn chinh Thạch Đạt Khai, nói ông rời xa căn cứ địa, nhiều lần gặp thất bại, đã “không khôi phục được khí thế năm đó”, thế nhưng cho dù là có ý đồ khác thì trong văn kiện vị tất đã là khách quan, ông ta cũng thẳng thắn thừa nhận, tuy rằng quân viễn chinh của Thạch Đạt Khai không bằng quân Tây chinh năm đó, nhưng năng lực của bản thân Thạch Đạt Khai là điều không thể nghi ngờ. Tháng 7 năm 1864, Thiên Kinh thất thủ, Lý Tú Thành bị bắt, Tăng Quốc Phiên vội vàng từ An Khánh chạy tới để thẩm vấn, vẫn thận trọng hỏi “Thạch Đạt Khai đã chết chưa”, mà lúc này quân của Thạch Đạt Khai đã bị tiêu diệt bên sông Đại Độ được hơn một năm rồi, có thể thấy được sự kiêng dè của ông ta với Thạch Đạt Khai. Tả Tông Đường gọi Thạch Đạt Khai là “tông chủ của bọn giặc”, “đáng cho ta úy kị”. Lý Tú Thành, Trần Ngọc Thành đều tự nhận mình là danh tướng kiệt xuất của quân Thái Bình, Hồng Nhân Can càng là kiểu người khoe khoang đã thành tính, nhưng bọn họ đều không có ngoại lệ: ca ngợi Thạch Đạt Khai giỏi dụng binh. Các nhà sử học, binh gia, văn nhân mặc khách thời Dân Quốc và sau thời Dân Quốc càng khâm phục tài dụng binh của Thạch Đạt Khai. Thế nhưng trong giai đoạn đầu của quân Thái Bình, danh vọng trên chiến trường của Thạch Đạt Khai dường như không quá vang dội. Thời kỳ ở Kim Điền, Tử Kinh, “giặc phỉ hung hãn” trong các tấu báo của tướng lĩnh tiền tuyến của quân Thanh là La Đại Cương và Tiêu Triều Quý; Trong bản cung của Hồng Đại Toàn, tức Tiêu Lượng, “thiện chiến nhất” trong quân Thái Bình là Vi Xương Huy; Trong “Tặc tình hối toản” và một số ghi chép của văn nhân bên phía Thanh triều, vòng hào quang “danh tướng số một” tỏa sáng trên đầu những người như Tiêu Triều Quý, Lý Khai Phương. La Đại Cương, Tăng Thiên Dưỡng.
Ngược lại, trong những ghi chép giai đoạn đầu, Thạch Đạt Khai mang lại cho người ta cảm giác ông không giỏi chiến đấu, thậm chí trước giờ đều chẳng giống một võ tướng.
Trong rất nhiều ghi ghép lịch sử công và tư có liên quan đến giai đoạn 1853-1854, Thạch Đạt Khai nhận được sự đánh giá là “tính cách ôn hòa”, “thành thực”, giống như một cán bộ hành chính trung hậu lương thiện, còn “Tặc tình hối toản” thì dứt khoát nói ông là “nhãi con sặc mùi tiền, chẳng chút tri thức” – chút bản lĩnh cũng chẳng có.
Ngày nay giở đọc sử liệu, có thể biết rằng ngay từ giai đoạn đầu, Thạch Đạt Khai cũng đã chủ trì rất nhiều hành động quân sự quan trọng.
Trong thời kỳ chuyển chiến các nơi như Kim Điền, Đông Hương, Thạch Đạt Khai là Tả quân chủ tướng. Đánh bại Hướng Vinh trong trận Quan Thôn Lĩnh, đặt nền móng cho việc công chiếm Vĩnh An, người chỉ huy là Tiêu Triều Quý, Thạch Đạt Khai. Trong trận chiến Trường Sa năm 1852, khi Tiêu Triều Quý trọng thương mà chết, toàn quân Thái Bình bị viện binh quân Thanh vây ở phía đông Tương giang, thời khắc nguy cấp trong khu vực nhỏ hẹp phía nam thành Trường Sa, cô quân của Thạch Đạt Khai vượt sông Tương, không chỉ đả thông cục diện phía tây Tương giang, tiếp đó còn hội chiến ở châu Quất Tử, mai phục đánh bại Hướng Vinh, để quân Thái Bình triệt vây rút đi, biến bị động thành chủ động, mở ra một con đường máu. Sau đó phá Nhạc Châu, phá Thái Thạch, trên thực tế đều do Thạch Đạt Khai phụ trách quân sự. Nhưng những chiến công này đều nhiều năm sau mới phổ biến, như chiến công dưới chân thành Trường Sa, là được ghi chép trong “Thiện Hóa huyện chí” được biên soạn thời Thanh mạt, năm đầu Dân Quốc có sửa chữa, còn kỳ tích quân sự Thạch Đạt Khai “một phát pháo xông lên Thái Thạch” thì cũng là trước tiên được hát trong các bài dân ca, mấy chục năm sau mới được ghi vào trong sử sách. Vậy rốt cục là bởi nguyên nhân gì? Đầu tiên, mối quan hệ tế nhị giữa ông và Tiêu Triều Quý.
Tiêu Triều Quý là “con rể Thượng đế”, “thay Thiên huynh truyền lời”, là nhân vật thông thiên nửa người nửa thần, người này kết minh với Dương Tú Thanh, đã gạt bỏ cán bộ cốt cán của hội Bái Thượng đế thời kỳ đầu như Phùng Vân Sơn, kỵ nhất là nhà họ Vương thôn Tứ Cốc ở huyện Quý, bởi vì dòng họ này là thân thích của Hồng Tú Toàn, tư cách, huyết thống thuần chính, tạo nên sự uy hiếp đối với sự chuyên quyền của ông ta. Thôn Tứ Cốc và thôn Na Bang của Thạch Đạt Khai đều ở huyện Quý, nhà họ Thạch và nhà họ Vương quan hệ mật thiết, người dẫn Hồng, Phùng “thăm Thạch tướng công” rất có thể chính là Vương Ngọc Tú của nhà họ Vương ở thôn Tứ Cốc. Tháng 12 năm Kỷ Dậu (đầu năm 1850), hội chúng Bái Thượng đế hội dưới sự chỉ huy của Thạch Đạt Khai, Vương Ngọc Tú giao chiến với quân Đoàn luyện Lục Khuất của Chu Phượng Minh giành được thắng lợi, Tiêu Triều Quý với danh nghĩa Thiên Huynh hạ lệnh ban sư, Thạch Đạt Khai, Vương Ngọc Tú ngang nhiên cãi lại, “đều nói không thể ban sư”. Đây là điều độc nhất vô nhị trong cả bộ “Thiên Huynh thánh chỉ”. Lòng dạ Tiêu Triều Quý chẳng chút khoáng đạt, ông ta tuy rằng tiếp tục tin dùng Thạch Đạt Khai nhưng thường xuyên đề phòng Thạch và nhà họ Vương “cấu kết”. Trong “Thiên Huynh thánh chỉ” số lần nhắc tới Thạch Đạt Khai vẻn vẹn đếm trên đầu ngón tay, sự nhạt nhẽo trong mối quan hệ giữa hai người nhìn sơ cũng có thể thấy. Trong tình hình như vậy, Thạch Đạt Khai đương nhiên khó xuất đầu, đã không dễ dàng độc lập một mặt, cho dù có cơ hội và công lao cũng sẽ bị cố ý làm cho nhạt đi. Đêm trước khởi nghĩa Kim Điền, Dương Tú Thanh, người bệnh nặng mới khỏi, độc nắm đại quyền trung ương, Tiêu Triều Quý “lui về tuyến hai” đành phải chuyển qua nắm quân sự, điều này đương nhiên cũng cướp đi không ít cơ hội “lên hình” của Thạch Đạt Khai. Khi Tiêu Triều Quý tử trận, quân Thái Bình rất nhanh chóng lại bước vào thời kỳ toàn thịnh đại tiến quân, toàn quân xoay quanh trung ương Hồng, Dương thống nhất Đông hạ, trên có Dương Tú Thanh chủ trì tất cả, dưới có các tướng lãnh cụ thể như Lý Khai Phương, Lâm Phượng Tường, La Đại Cương, Lại Hán Anh xung phong hãm trận, “tiền địch tổng chỉ huy” Thạch Đạt Khai ở giữa cũng khó mà tỏa sáng được.
Tiếp đó, tình báo bên phía nhà Thanh về tổng thể thu thập không đủ.
Do từ đầu tới cuối đều coi quân Thái Bình là “thảo khấu”, nên có sự coi thường một cách vô thức hoặc có ý thức đối với các loại thể chế của nó, do đó trong thu thập tình báo của quân Thanh , chỉ về mặt quân sự mà nói, ban đầu chỉ chú trọng những thông tin của tướng lĩnh tiền tuyến, còn với người chỉ huy chiến dịch cao cấp thì lại coi thường, do đó những người có thể đánh giết như La Đại Cương, Lý Khai Phương, Lâm Khởi Dung,Vi Tuấn, thậm chí Hoàng Tái Hưng, Tăng Thủy Nguyên đều rất được chú ý, những người mấy lần phụ trách chỉ huy chiến khu như Thạch Đạt Khai, Tần Nhật Cương lại bị coi nhẹ vai trò quân sự của nó, chỉ nói bọn họ “lủi” chỗ này, “lủi” chỗ nọ, nhưng lại rất ít đề cập đến cái sự “lủi” của họ, chính là để điều phối hành động quân sự các nơi.
Tới tháng 1 năm 1855, Tăng Quốc Phiên đánh trận nào thắng trận đó, từ Tương giang Hồ Nam nhất lộ đánh giết thẳng tới Hồ Khẩu của Giang Tây, gặp phải đội quân Thái Bình vừa được chỉnh lý lại từ những lộ tàn binh, bại tướng và quân tiếp viện, thủy lục bài binh bố trận chờ sẵn dưới sự chỉ huy của Thạch Đạt Khai, và ở vào lúc đỉnh điểm cúa sự kiêu ngạo đắc chí của Tương quân, Thạch Đạt Khai, mới chỉ 25 tuổi, trước hết chia cắt thuyền lớn của thủy sư quân Thanh với thuyền nhỏ. Sau đó liên tục đánh đêm, công phá các nơi, tiếp tục phản công ngàn dặm, thu phục Vũ Hãn tam trấn, lại khi quân Thanh phản kích thì né thực đánh hư, chuyển chiến Giang Tây, đoạt được 8 phủ 42 huyện, vây khốn Tăng Quốc Phiên ở Nam Xương, hết đường xoay sở, danh hiệu quang vinh “Thiên Quốc đệ nhất danh tướng” của Thạch Đạt Khai , không có gì cần phải tranh luận.
Lúc này, Tăng Quốc Phiên lật giở cuốn “Tặc tình hối toản”, khi đọc tới “nhãi con sặc mùi tiền, chẳng chút tri thức”, không biết sẽ có cảm tưởng gì? “Tặc tình hối toản” là tổng hợp tình báo, thuộc về yêu cầu quân sự, nhưng bộ sách này sau này lại không được viết tiếp, nội dung của nó chỉ tới tháng 7 năm Hàm Phong thứ 5 (1855), tức nửa năm sau vụ binh bại ở Hồ Khẩu, mà Trương Đức Kiên, người biên soạn ra nó cũng không được trọng dụng, quan hàm cuối cùng mà lịch sử ghi lại chỉ là tức bổ huyện thừa hàm lục phẩm, phủ kinh lịch (theo như phẩm cấp huyện thừa thì chỉ có bát phẩm) – hoặc giả, những thông tin sai sót nghiêm trọng như kiểu về Thạch Đạt Khai là nguyên nhân dẫn tới việc cơ quan biên soạn thông tin tình báo bị giải tán?
Vai trò trong Thiên Kinh sự biến.
Thiên Kinh sự biến là bước ngoặt quan trọng quân Thái Bình từ thịnh tới suy, “Thiên phụ sát Thiên huynh, giang sơn đánh không thông”, phần lớn lãnh tụ, cốt cán chết trong lần đó, ma lực tông giáo tiêu tán, tráng chí “đánh thiên hạ” suy giảm, mới là điều quan trọng nhất.
Ngoại trừ Hồ Dĩ Hoảng không sớm không muộn vừa khéo ốm chết trước sự kiện Thiên Kinh chi biến, chư vương xây dựng Thái Bình Thiên Quốc đều bị cuốn vào cuộc hỗn chiến này: trước tiên Hồng Tú Toàn hạ mật chiếu cho Vi Xương Huy giết Dương Tú Thanh, tiếp tục lại hạ mật chiếu bảo Thạch Đạt Khai cần vương, thảo phạt Vi Xương Huy, điều này không có gì cần tranh luận; trách nhiệm trong việc Vi Xương Huy giết Dương Tú Thanh rốt cuộc ai phải gánh tạm thời không bàn đến, sau khi diệt trừ Đông Vương, ông ta bị Thạch Đạt Khai chỉ trích là “lạm sát”, thẹn quá hóa giận, tắm máu phủ Dực Vương, phái Tần Nhật Cương truy sát Thạch Đạt Khai, tội danh này khẳng định là không thể chối bỏ; Tần Nhật Cương là con dao, là một con chó của Hồng Tú Toàn, không có chủ kiến riêng nhưng giết Dương, ông ta có phần, truy sát Thạch Đạt Khai, ông ta cũng có phần, hai tay nhuốm đầy máu tươi đồng liêu, cuối cùng chết oan chết uổng, cũng là đáng tội.
Duy chỉ có vai trò của Thạch Đạt Khai là khó hiểu bất minh.
Theo như cách nói của Lý Tú Thành thì Thạch Đạt Khai và Vi Xương Huy bất bình thay cho Hồng Tú Toàn, đã hợp mưu giết chết Dương Tú Thanh trong hoàn cảnh mà Hồng không biết; Còn theo Thạch Đạt Khai thì Vi Xương Huy thấy Dương Tú Thanh chuyên quyền bèn thượng tấu Hồng Tú Toàn phải mật mưu diệt trừ Dương, Hồng “miệng nói không chịu”, nhưng lại cố ý gia phong cho Dương Tú Thanh làm “vạn tuế” để kích động Vi Xương Huy, cuối cùng dẫn đến Vi Dương tàn sát lẫn nhau. Còn theo sử liệu được phát hiện thì rõ ràng, trừ Dương là Hồng Tú Toàn hạ mật chiếu, để Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương với người đứng đầu triều thần Trần Thừa Dung nội ứng ngoại hợp ra tay. Nhưng Thạch Đạt Khai có giống như ba người Vi Xương Huy trước sự việc nhận được mật chiếu hay không thì mỗi người nói một kiểu.
Bất kể có mật chiếu hay không, màn kịch lịch sử là, Vi Xương Huy ở Giang Tây, Tần Nhật Cương ở Đan Dương, ngày đêm khởi hành về Thiên Kinh giết chết Dương Tú Thanh, mà Thạch Đạt Khai lúc này lại vẫn đang ở tiền tuyến Hồ Bắc tác chiến với quân Thanh, hai tay ông không nhuốm máu người của mình. Được biết Vi Xương Huy đại khai sát giới, ông chỉ mang theo hai người là Tăng Cẩm Khiêm, Trương Toại Mưu vội vàng trở về Thiên Kinh khuyên can, kết quả là bị Vi Xương Huy thẹn quá hóa giận giết hại toàn gia, ba người phải leo thành bỏ trốn, rồi lập tức triệu hồi đại quân Tây chinh thảo phạt Vi Xương Huy, nhưng khi hành quân được nửa đường biết tin Ninh Quốc bị quân Thanh vây khốn, bèn lo cho đại cuộc giải vây cho Ninh Quốc trước. Vi Xương Huy làm ngược lại dẫn tới sự phẫn nộ trong thành Thiên Kinh, Hồng Tú Toàn dùng kế trừ khử được hắn, cho người mang thủ cấp tới và mời Thạch Đạt Khai về triều phụ chính.
Giai đoạn lịch sử này đối với mỗi người trong Thái Bình Thiên Quốc mà nói thì đều có chỗ khó nói, vì thời gian đã qua, hoàn cảnh đã thay đổi, những người tham gia vụ việc đều có sự lí giải riêng và giải thích sao cho có lợi nhất cho mình khi thuật lại chuyện này, chân tướng thế nào, chỉ e là một bí mật thiên cổ. Nhưng có một điều rõ ràng, trong chuyện này Thạch Đạt Khai là người vô tội nhất, cũng là thủ lĩnh lo nghĩ cho đại cuộc nhất.
Thị phi chuyện “viễn chinh” và “hồi triều”
Ngày 2 tháng 6 năm 1857, sau hơn nửa năm nắm quyền phụ chính, Thạch Đạt Khai mượn cớ đến Vũ Hoa đài ở ngoài cửa nam thành Thiên Kinh để “giảng đạo lý”, mang theo tùy tùng thân tín rời khỏi Thiên Kinh, trong ngày hôm đó từ Đồng Lăng, An Huy vượt sông Trường Giang, đi về An Khánh, từ đó không bao giờ trở về nữa.
Hành vi này của ông, quan thư Thái Bình Thiên Quốc hay tự mình viết đều gọi đó là “viễn chinh” chứ không gọi đó là bỏ trốn hay tạo phản – chí ít là bề ngoài tỏ ra như vậy, và quân đội của Thạch Đạt Khai tuy rằng càng đi càng xa, cuối cùng cách xa Thiên Kinh vạn dặm nhưng thủy chung vẫn kéo cờ hiệu Thái Bình Thiên Quốc, bản thân Thạch Đạt Khai vẫn luôn tự xưng là “chân thiên mệnh Thái Bình Thiên Quốc thánh thần điện thông quân chủ tướng Dực Vương Thạch”, đến chết không đổi.
Vì sao ông phải bỏ đi, lí do là rất rõ ràng.
Sau khi ông bỏ đi, dọc đường có dán một bản cáo thị văn vần ngũ ngôn:
Vi lịch phẫu huyết thành, chuân dụ chúng quân dân: Tự hận vô tài trí, Thiên ân quý hà thâm. Duy thỉ trung trinh chí, thượng khả đối hoàng thiên, hạ khả chất cổ nhân. Khứ tuế tao họa loạn, lang bá cản hồi Kinh, tự vị thử ngu trung, định mông thánh quân minh. Nãi sự hữu bất nhiên, chiếu chỉ giáng tần nhưng, trùng trùng sinh nghi kỵ, nhất bút nan tận trần. Dụng thị tự phấn lịch, xuất sư tái biểu chân, lực thù Thượng đế đức, miễn báo chủ ân nhân. Tinh trung nhược kim thạch, lịch cửu kiến chân thành. Duy kỳ yêu diệt tận, dư chí phục quy lâm. Vị thử hành chuân dụ, biến cáo chúng quân dân: Y nhiên thủ bổn phận, chiếu cựu kiến công lao. Hoặc tùy bổn chủ tướng, diệc túc tiêu nguyên huân, nhất thống thái binh nhật, các yêu thiên ân vinh.
Trong bản cáo thị lời lẽ uyển chuyển đau xót, ông nói mình tuy trung thành với Thái Bình Thiên Quốc nhưng lại không nhận được sự tín nhiệm của Hồng Tú Toàn, ngược lại còn sinh lòng nghi kỵ, đành phải rời bỏ Thiên Kinh, dùng hành động thực tế để chứng minh tấm lòng của mình.
Theo cách nói của Lý Tú Thành thì Hồng Tú Toàn bị những kẻ như Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy “làm cho sợ hãi”, không dám tin tưởng người ngoài bèn đề bạt hai người anh của mình là Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt làm An Vương và Phúc Vương lại sắp xếp một lượng lớn thân thích, cận thần nắm giữ cương vị quan trọng, để kiềm chế Thạch Đạt Khai, những kẻ này năng lực có hạn nhưng mánh khóe thì vô cùng, khiến Thạch Đạt Khai cảm thấy sự uy hiếp vô cùng.
Thạch Đạt Khai nói mình bỏ đi lánh nạn tuyệt đối không phải chuyện người nước Kỷ lo trời sập. Hồng Tú Toàn chỉ dùng một bức mật chiếu đã có thể giết cả nhà Dương Tú Thanh, nhân vật lợi hại có thể lên trời, lại cũng chỉ dùng một bức mật chiếu đã khiến kẻ đang say máu chém giết như Vi Xương Huy trong chớp mắt phải diệt vong. Nếu ông ta thật sự cảm thấy Thạch Đạt Khai hình thành sự uy hiếp mà có ý gia hại, Thạch Đạt Khai ở Thiên Kinh rất khó phản kháng, vì Hồng Tú Toàn là quân, Thạch Đạt Khai là thần, phản kháng tức là mưu phản.
Thạch Đạt Khai là khai quốc công thần, là con trai thứ sáu của Thượng đế, “thiên đệ” của Hồng Tú Toàn, là “thánh thần điện”, cũng giống như Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, là nhân vật nửa người nửa thần (cho dù con người căm ghét mê tín như ông dường như chưa bao giờ dùng đến công năng này), ngón bịp sở trường nhất của Hồng Tú Toàn là mượn những “thần thoại” về Thượng đế để nói về mình, không thể sử dụng với Thạch Đạt Khai, điều này cũng khiến ông rất khó ép dạ cầu toàn như Lý Tú Thành, một đối tượng cũng bị nghi kỵ khác, bởi vì “ép dạ” cũng chưa chắc có thể cầu toàn.
Đương nhiên, ông vẫn còn hai sự lựa chọn: tạo phản hoặc hàng Thanh.
Nếu tạo phản, ông với Vi Xương Huy, kẻ mà ông công khai phản đối đâu khác gì nhau, thực sự trở thành tội nhân tàn hại đồng liêu, phản bội Thiên Quốc, điều này không phù hợp với tính cách coi trọng trung nghĩa của ông. Càng huống hồ, từ khi Bái Thượng đế giáo nổi lên, Hồng Tú Toàn chính là thần tượng của Thái Bình Thiên Quốc, cho dù rất nhiều tướng sĩ bất mãn với những hành vi của ông ta, nhưng thật sự muốn tạo phản thì lại là chuyện khác. Đến lúc “Nghĩa Vương bất nghĩa”, các tướng sĩ trước đây ủng hộ Thạch Đạt Khai chưa chắc đã không trở giáo.
Con đường đầu hàng quân Thanh, không ít vật hi sinh chính trị cùng đường quả thực cũng đã chọn, như Vi Tuấn, em trai của Vi Xương Huy. Nghe nói khi Thái Bình Thiên Quốc nảy sinh nội loạn, tuần phủ Giang Tây Phúc Tề, Tương quân đại tướng Lý Nguyên Độ đều viết thư khuyên hàng Thạch Đạt Khai, thậm chí tại miền bắc xa xôi, đương bị cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai làm cho sứt đầu mẻ trán nhưng vua Hàm Phong cũng hạ ý chỉ đặc biệt tìm cơ hội du thuyết. Nhưng Thạch Đạt Khai là “nghĩa vương”, lấy trung thành với Thái Bình Thiên Quốc để hiệu triệu, ông đã không chịu khởi binh tạo phản thì đương nhiên cũng không chịu đầu hàng kẻ địch.
Thế này không được, thế kia không xong, đã không thể tạo phản, lại muốn bảo toàn tính mạng, còn phải ăn nói với bộ hạ đi theo, vậy thì một hướng đi chính đáng – rời Kinh viễn chinh, giữ mối quan hệ nhất định với Hồng Tú Toàn, trở thành sự lựa chọn tối ưu. Từ những sử liệu hiện thời có thể thấy, sau khi Thạch Đạt Khai viễn chinh trước sau vẫn duy trì liên hệ cách quãng với Thiên Kinh. Trong thời gian ông ở An Khánh vẫn có thể lấy danh nghĩa “thông quân chủ tướng” điều động đại bộ phận quân Thái Bình, phản công Hoản Bắc, cứu viện Cửu Giang, đều là chấp hành kế hoạch của ông; Sau khi ông vượt sông nam hạ, Hồng Tú Toàn phái người đưa tới kim bài và kim ấn Nghĩa Vương, mời ông quay về giúp Thiên Kinh, tuy rằng ông không tiếp nhận phong hiệu Nghĩa Vương nhưng trình thư lên Hồng Tú Toàn, kiến nghị để mình đi đánh Chiết Giang, phân tán binh lực của đại doanh Giang Nam, lại một lần nữa giải vây. Điều này trên thực tế giống hệt với “nét đắc ý của giặc” trong “vây Ngụy cứu Triệu” mà sau này Lý Tú Thành áp dụng để đại phá đại doanh Giang Nam.
Ông cũng đích thực có bao vây Cù Châu, tiến đánh Chiết trung. Tới năm 1859, Hồng Nhân Can được phong vương, lĩnh ấn quân sư, nghe nói ông vẫn từ Quảng Tây viết thư chúc mừng, và muốn thương nghị cùng Hồng Nhân Can, Lý Tú Thành nam bắc hội quân, thu phục Quảng Tây.
Những kế hoạch phối hợp này cuối cùng không thể thực hiện được. Một mặt, Thanh đình đã kịp trở tay phát huy tối đa ưu thế đất rộng, quân nhiều, trang bị tốt, lương hưởng đầy đủ, chia cắt hai cánh quân Thái Bình, quân chủ lực Thái Bình nắm giữ căn cứ địa và đường thủy vẫn còn có thể gắng sức chèo chống, Thạch Đạt Khai không có căn cứ địa cố định, chỉ có thể không ngừng tác chiến lưu động, hết lần này đến lần khác cố gắng xây dựng lại căn cứ địa, đâu có thời gian phối hợp tác chiến; Mặt khác, Hồng Tú Toàn cũng không muốn Thạch Đạt Khai tái xuất uy phong, trận đánh Chiết nam, trước tiên ông ta trùng phong 5 chủ tướng, trên thực tế là tước bỏ quyền chỉ huy toàn quân của Thạch Đạt Khai, tiếp đó lại lôi kéo thuộc hạ cũ của Đông Vương là Dương Phụ Thanh, người kề vai chiến đấu cùng Thạch Đạt Khai, phong Dương Phụ Thanh làm trung quân chủ tướng, khiến người này bỏ kế hoạch phối hợp với Thạch Đạt Khai, quay về đầu quân Thiên Kinh. Đợi đến khi Thạch Đạt Khai bị ép từ bỏ kế hoạch nam hạ, cách Thiên Kinh ngày càng xa, Hồng Tú Toàn lại giở quyền thuật chính trị xe nhẹ đường quen, ít tốn sức, bề ngoài thì vẫn giữ phong hiệu Dực Vương của Thạch Đạt Khai, thậm chí còn gia phong “điện tiền lại bộ hựu chính thiên liêu công trung hựu phó quân sư”, không gọi Thạch Đạt Khai là phản nghịch, ngầm trong đó lại thủ tiêu kị húy tên họ của Thạch Đạt Khai, thủ tiêu đi những phong hiệu nửa người nửa thần như “Thánh thần điện”, “Điện sư”, “Thiên phụ đệ lục tử”, “Ngũ thiên tuế”, khiến ông trở thành hạng triều thần phổ thông địa vị còn dưới cả Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt, Hồng Nhân Can, thậm chí cả dưới cả bọn con cháu phò mã miệng còn hôi sữa của Hồng Tú Toàn. Đến trước và sau năm 1860, rất nhiều tướng sĩ quân Thái Bình đi theo Thạch Đạt Khai nam hạ đã quay về Thiên Kinh mà Thiên Kinh vừa phá được đại doanh Giang Nam, trước sau chiếm được Tô nam, Chiết Giang, thực lực đạt tới cực thịnh giai đoạn hậu kỳ thì trong mắt Hồng Tú Toàn, Thạch Đạt Khai chẳng còn chút giá trị gì.
Rất nhiều nhà lý luận thừa nhận sự lo lắng của Thạch Đạt Khai là có lý, nhưng lại không đồng tình với việc ra đi của ông, cho rằng Thạch Đạt Khai nên ép dạ cầu toàn, tiếp tục đi theo Hồng Tú Toàn để tránh chia rẽ; Một số người khác thì dựa vào “bản cung của Lý Tú Thành”, cho rằng Thạch Đạt Khai đã đem đi “quân giỏi tướng tài” khiến cho “Thiên Quốc không còn người”. Ép dạ cầu toàn là phi thực tế, ở trên đã phân tích rồi, vậy thì, Thạch Đạt Khai đã mang đi rất nhiều “quân giỏi tướng tài” ư?
Khi Thạch Đạt Khai ra đi từ Vũ Hoa Đài, bên mình chỉ có một số ít tùy tùng; Khi ông ở An Khánh vẫn là thông quân chủ tướng, chấp chưởng quân quyền, nhưng khi vượt sông đến Giang Tây, đi theo ông cũng chỉ có số ít bộ hạ như Trương Toại Mưu, chủ lực quân Thái Bình ở Hoản Bắc như Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành, Trần Sỹ Chương (cũng là quân cơ động quan trọng nhất thời kỳ này của Thiên Quốc) đâu có đem theo, cũng đâu điều động quân địa phương – các nguyên lão, lão tướng quân Thái Bình thời hậu kỳ đều là ở Hoản Bắc, thống soái thủy quân thời kỳ đầu Khang Chính Tài, Hầu Dụ Khoan từng là đầu bếp của Thiên Vương, quan điện tiền giám trảm Ngụy Siêu Thành, từng quản lý Thánh khố Hầu Thục Tiền, thân thích của Hồng Tú Toàn như Trương Triều Tước luôn ở địa bàn này cho tới khi Anh Vương Trần Ngọc Thành binh bại, cứ điểm Hoản Bắc bị mất; Khi ông từ Giang Tây tiến quân vào Chiết Giang, Phúc Kiến, lục bộ nhân mã mà ông dẫn theo trên cơ bản là bộ thuộc cũ của Quốc tông và Dực điện, vốn không phải thuộc hạ của ông cùng liên hiệp tác chiến, ngoại trừ Dương Phụ Thanh, bộ thuộc cũ của Đông điện thì chỉ có số ít người bất mãn và không có tên tuổi như Lý Thọ Huy, Lý Dự Sinh, những đại tướng ở Giang Tây không thuộc hệ thống Dực điện như Lâm Khởi Dung ở Cửu Giang, Hoàng Văn Kim, Lý Viễn Kế đều không bị ông điều động. Càng huống hồ, đánh Chiết Giang phải báo cáo Thiên Kinh và nhận được sự phê chuẩn của Hồng Tú Toàn, ông ta là thông quân chủ tướng, điều động các lộ nhân mã phối hợp cũng không có gì là không thỏa đáng.
Đương nhiên, do uy tín cao cả của Thạch Đạt Khai, cũng như rất nhiều tướng sĩ bất mãn với Hồng Tú Toàn, tướng sĩ ở rất nhiều quận huyện ở Hoản Nam ào ạt tự bỏ nơi trú đóng đi theo Thạch Đạt Khai, tạo nên sự hỗn loạn ở rất nhiều nơi, những vùng như Cú Dung, Lật Thủy chính là trong lúc hỗn loạn này bị quân Thanh thừa cơ đánh phá. Nhưng trách nhiệm này e rằng không thể do Thạch Đạt Khai đơn phương gánh vác được.
Hai ba năm sau, cục diện thay đổi: ngàn vạn tướng sĩ ban đầu đi theo Thạch Đạt Khai, lại xa xôi vạn dặm trở về Thiên Kinh, tự xưng là “hồi triều”, “khởi nghĩa”, 67 viên tướng lĩnh “hồi triều” như Cát Khánh Nguyên, Chu Y Điểm dâng thư lên Hồng Tú Toàn, giải thích hành động của mình là “khởi nghĩa xuất giang”, là do bất mãn Thạch Đạt Khai “sửa đổi nhiều chân thánh chủ quan chế lễ văn” và tự ý hành động ở Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến.
Ở trên đã nói, hành động tiến quân vào Giang Tây, Chiết Giang của Thạch Đạt Khai là được sự đồng ý của Hồng Tú Toàn, thậm chí bản thân việc “viễn chinh” cũng được sự mặc nhận thậm chí vui mừng của Hồng Tú Toàn (như vậy giữa mình với nhân vật nguy hiểm có được khoảng cách an toàn, hơn là ở ngay trước mặt mình hoặc dứt khoát tạo phản), không thể tính là “tự ý hành động”, còn việc sửa đổi bộ phận quan chế, quân chế là sự thật, nhưng trung ương Thái Bình Thiên Quốc lúc đó còn sửa đổi nhiều hơn, tướng bên ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua, cũng đâu thể coi là vấn đề gì quá lớn. Càng huống hồ, quan hàm của bản thân Thạch Đạt Khai trước sau không đổi một chữ, sửa đổi quan chế, thiết lập số lượng lớn chức vị cao cấp, để thỏa mãn lòng ham muốn gia quan tấn tước của các tướng sĩ theo ông viễn chinh, trách nhiệm “sửa đổi nhiều” kỳ thực càng nên do những người “khởi nghĩa xuất giang” gánh chịu.
Vậy thì tại sao đến năm 1860, phần lớn các tướng sĩ ban đầu đi theo Thạch Đạt Khai lại “trở về”? Thạch Đạt Khai tự cho là trung nghĩa, thủy chung không chịu tạo dựng ngọn cờ riêng, điều này đương nhiên khiến người ta khâm phục, nhưng khâm phục là một chuyện, có thể khiến người ta tiếp tục đi theo hay không lại là chuyện khác. Không ít tướng lĩnh đi theo ban đầu đều có ý định “dựa dẫm quyền thế”, muốn cùng Thạch Đạt Khai đánh lấy một mảnh giang sơn khác, nay Thạch Đạt Khai thủy chung vẫn tôn phụng chính sóc của Hồng Tú Toàn khiến họ hụt hẫng, khi gặp bất lợi, không tránh được việc nảy sinh ý niệm “làm trung thần của trung thần, chẳng bằng trực tiếp làm trung thần”, thêm vào Hồng Tú Toàn vẫn dùng chức cao lộc hậu để thu hút, Thạch Đạt Khai lại “người đến không miễn cưỡng, kẻ đi chẳng giữ”, người bỏ đi đương nhiên không ít.
Mục đích của những người bỏ Thạch Đạt Khai đi là muốn tìm một con đường tốt hơn chứ chưa chắc đã là “về triều phò chủ, do đó không ít người đi được nửa đường, thấy rằng hàng Thanh tiền đồ sáng hơn, bèn không tiếc sát hại chiến hữu, bán rẻ thân mình, như Vũ vệ quân chính thống nhung Trương Chí Công đã hại chết những chủ tướng không chịu đầu hàng, mặt khác đuổi diệt các chiến hữu khác; Một số người khác như Đồng Dung Hải, Cát Khánh Nguyên, Chu Y Điểm trở về Thiên Kinh, đương nhiên là phải tìm một lý do đường hoàng cho việc mình năm xưa ra đi và ngày nay trở về. Đẩy trách nhiệm cho Thạch Đạt Khai, người không có mặt, chính là sự lựa chọn tự nhiên nhất. Người đứng dưới mái nhà thấp đâu thể không cúi đầu. Bọn họ lựa chọn như vậy, vốn cũng có thể lí giải – nhưng lí giải và tin là hai chuyện khác nhau.
Điều đáng để đề cập là, không phải tất cả tướng sĩ viễn chinh hồi triều đều là chủ động rời bỏ Thạch Đạt Khai, như đội ngũ tương đối lớn của Lý Thọ Huy, Đàm Thể Nguyên đều là được Thạch Đạt Khai phái đi phối hợp với quân của Thạch Trấn Cát tấn công Quế Lâm, chẳng ngờ trên đường hành quân biết tin quân của Thạch Trấn Cát bại trận tan rã, đường về thì bị quân Thanh cắt đứt, đành phải di chuyển lên phía bắc, hội sư với quân của Lý Thế Hiền.
Cho dù là bị ép bất đắc dĩ, năm 1859 Thạch Đạt Khai từ Bảo Khánh lui về Quảng Tây, với lòng quân, sĩ khí lại là một lựa chọn bất lợi. Các tướng sĩ quê ở Quảng Tây chiến đấu bao năm qua đều không có bụng khác, trở về quê nhà lại sinh buông thả, không ít người từ đây hồi hương, khi Thạch Đạt Khai rời khỏi Quảng Tây, những người này bị Thanh triều bức hại không chốn nương thân, hoặc phải bỏ trốn ra hải ngoại, hoặc trở lên phía bắc về Thiên Kinh (như trường hợp Lý Dự Sinh sau khi xin Thạch Đạt Khai cho nghỉ vì mẹ mất đã trở về Thiên Kinh trả phép là một ví dụ), bất luận động cơ là gì, kết cục như thế nào, sự buông thả của “những anh em cũ quê Quảng Tây” này đã thêm một bước làm dao động sỹ khí quân viễn chinh. Giai đoạn sau Thạch Đạt Khai chuyển chiến tây nam, thủ hạ cơ hồ chẳng còn bao nhiêu tướng lĩnh gọi là có tên tuổi ở giai đoạn đầu nữa, có quân mà không tướng, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của quân viên chinh.
Học vấn, thi ca và con gái nuôi.
Thạch Đạt Khai nghe nói tướng mạo bình thường, “mặt ngắn vuông có râu”, nhưng kiến thức bất phàm, tại An Huy, Giang Tây đều có thể “không quá miễn cưỡng tiếng lóng của tà giáo”. Sửa đổi những phương pháp trưng thu khoán canh tác như “đánh tiên phong”, “cướp bóc”, thực hành “theo lệ cũ giao lương nộp thuế” và bớt lao dịch giảm thuế khóa. Giang Tây có văn nhân phía nhà Thanh tên là Trâu Thụ Vinh, khi nhắc tới Thạch Đạt Khai không kìm được đã viết thơ ca tụng “truyền văn tặc thủ xưng Dực Vương, nhân từ nghĩa dũng đầu phát trường, sở đáo chi xứ nghênh hồ tương, canh thị bất kinh dân như thường” (Nghe nói tướng giặc là Dực Vương, nhân từ nghĩa dũng để tóc dài, tới đâu bách tính cũng giỏ cơm bầu nước ra nghênh đón, dân ở nơi thành thị hay thôn quê vẫn bình thường không hề sợ hãi); Tuần phủ Giang Tây là Phúc Tề viết thư khuyên hàng, xưng tụng ông là “Vãng lai Ngô Sở, chuyển chiến thiên dư lý, hiệu lệnh nghiêm túc, bộ phạt chỉnh tề, sĩ tốt vị chi dụng mạng, phụ nhụ diệc thả tri danh, vị thường bất tâm yên bội chi”; Cho tới năm 1858, quân Thái Bình rút khỏi Giang Tây đã lâu, Tương quân triệu tập yến hội hương thân, còn có thân sĩ trước mọi người ca tụng Thạch Đạt Khai là “dáng dấp như rồng phượng, người thường không thể bì kịp”.
Một trong những sai sót lớn nhất của Thái Bình Thiên Quốc là không giỏi dùng người, đặc biệt là không giỏi dùng thành phần tri thức, ở điểm này thì Thạch Đạt Khai làm tương đối tốt, rất nhiều đại tướng trong quân của ông xuất thân là thư sinh, khoa cử hoặc do chiêu hiền mà tới, như đại tướng Chu Y Điểm là do chiêu hiền mà tới, mạc liêu quan trọng Lý Lam Cốc, Phan Hàm Nhũ là xuất thân khoa bảng ứng thí, giai đoạn sau độc lập cầm quân tác chiến, Lý Phục Tù được xưng là “rất biết sắp xếp” vốn là “cướp cạn Quảng Tây”, một cánh quân Thái Bình do Lý Văn Thái làm thủ lĩnh kiên trì tới năm 1872 thì khởi nghĩa ở Hoàng Giang, một dạo quy thuộc lực lượng vũ trang người Tráng “Đại Thành Quốc”. Ông giỏi dùng người cho đến khi Thái Bình Thiên Quốc sụp đổ hoàn toàn, vẫn có rất nhiều tướng sỹ vẫn mãi không quên.
Từng có Hoa kiều vào năm 1856 nghiên cứu sách vở của Thái Bình Thiên Quốc có viết câu “một nước hai vua, câu hỏa hồ minh (trù hoạch khởi nghĩa), tự cổ chưa từng thành sự nghiệp”. Rất nhiều người cũng canh canh trong lòng với việc Hồng Tú Toàn quá đắm chìm vào tôn giáo, chỉ nói lời trời không nói lời người. Hồng Tú Toàn “coi thiên tình là sự thật”, đến tận lúc sắp chết vẫn bảo “mọi người yên tâm”, nói mình lên trời lãnh thiên binh thiên tướng xuống cứu Thiên Kinh, còn quân viễn chinh của Thạch Đạt Khai từ năm 1860 sau khi rời khỏi Quảng Tây, trên cơ bản đã từ bỏ “Thiên Phụ Thiên huynh”. So sánh một chút, Lý Tú Thành, cũng phản cảm với “lời trời”, đánh hạ được mỗi một thành vẫn phải tụ tập mọi người để “giảng đạo lý”; Còn quân Thái Bình của Lý Thế Hiền, Uông Hải Dương thậm chí một năm rưỡi sau khi Thiên Kinh thất thủ vẫn còn bảo lưu Thượng đế giáo, bộ hạ tướng sỹ khi chửi rủa kẻ nhiễu dân vẫn không kìm được thốt ra câu “tránh được Thiên phụ giáng tai ương”.
Chính vì Thạch Đạt Khai kiến thức hơn người lại giỏi kết giao với văn nhân, thân sĩ, vì thế Thanh triều và dân gian một dạo cho rằng ông là người có công danh. Hàm Phong từng căn cứ vào tấu báo từ tiền tuyến, gọi Thạch Đạt Khai là “chư sinh Quảng Tây”, Phúc Tề trong bức thư khuyên hàng thì nói “các hạ là người trong học đường, đọc sách hiểu rõ lý lẽ”, cũng tin rằng Thạch Đạt Khai có tước hàm như tú tài, cử nhân, sánh ngang với các tướng lĩnh của Tương quân.
Trên thực tế, Thạch Đạt Khai có học hành là thật nhưng tú tài thì không có – không những không thi đỗ, thậm chí căn bản cũng không từng đi thi. Điều này có lẽ không phải vì ông còn trẻ tuổi, những người như Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Đường lần đầu tham dự khoa cử đều không đến 20 tuổi, dựa vào bia miệng ở huyện Quý thì Thạch Đạt Khai bất mãn với sự hủ bại của Thanh đình, từng lập thệ không thi những kỳ thi của Thanh đình, không làm quan cho triều đình, điều này e rằng là nguyên nhân chính việc ông không dấn thân vào khoa cử. Đương nhiên, song thân ông mất sớm, lại không có anh em, phải tự mình gánh vác việc nông của cả nhà, cũng chẳng thể phân thân ra để dùi mài kinh sử.
Thạch Đạt Khai biết làm thơ, điều này khi đó được đồn đãi rất rộng rãi, nhưng lại chẳng có bài thơ nào lưu truyền đến ngày nay. Tới thời Thanh mạt, bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều “di thi của Thạch Đạt Khai”, hịch văn, ngôn từ khảng khái, khiến người ta không cầm được nước mắt, rất nhiều người chính là xem những thơ văn này mới tự nhiên sinh ra lòng căm thù Thanh đình, gia nhập vào cách mạng Tân Hợi. Nhưng những văn thơ này lại đều là giả, mục đích hoặc là để kích động dân khí, tuyên truyền cách mạng, hoặc chỉ là một loại tình cảm ký thác cá nhân nào đó. Do người tham gia tạo phản hầu như đều là đại tài tử, đại thi nhân (có Lương Khải Siêu, Cao Thiên Mai), do đó giá trị nghệ thuật của tác phẩm rất cao, rất nhiều đều được truyền đi rất xa. Năm 1934, Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hy thi công đình Dực Vương tưởng niệm Thạch Đạt Khai ở huyện Quý Quảng Tây (huyện Quý là nơi sinh của Thạch Đạt Khai), câu đối trên cột đình “Nhận lệnh thượng quốc y quan luân ư di địch, tương suất trung nguyên hào kiệt hoàn ngã hà sơn” là thủ bút của Bạch Sùng Hy, chính là đến từ thiên “Thạch Đạt Khai hịch văn” ngụy tạo. Còn như bài thất luật trứ danh “Dương tiên khảng khái lị trung nguyên. Bất vị cừu thù bất vị ân. Chỉ giác thương thiên phương hội hội, dục bằng xích thủ chủng nguyên nguyên. Tam niên lãm bí bi doanh mã, vạn chúng thê sơn tựa bệnh viên. Ngã chí vị thù nhân dĩ khổ, đông nam đáo xứ hữu đề ngân” thì đến tận ngày nay vẫn có người tin rằng là tác phẩm của Thạch Đạt Khai. Tiểu thuyết gia Ngạc Hoa trong tác phẩm “chiếc ô của Dực Vương” nói, nguyên tác của Thạch Đạt Khai là “mạc bằng chỉ thủ”, “nhân do khổ”, tác phẩm ngụy tạo của Cao Thiên Mai chỉ sửa có vài chữ, rất nhiều người lại tin là thật, thực ra người hiểu niêm luật thơ cận thể nhìn qua là biết ngay đây là vô căn cứ – “nhân dĩ khổ” niêm luật không sai, còn “nhân do khổ” thì lại sai luật rồi, Thạch Đạt Khai nếu như biết làm thơ, có thể qua loa đến vậy sao?
Nhưng Thạch Đạt Khai đích thực là biết làm thơ. Năm 1860 ông đi công cán phủ Khánh Viễn (nay là Nghi Sơn, Quảng Tây), từng dẫn 10 người thuộc hạ đi thăm động Bạch Long ở ngoại thành, tổng cộng đã lưu lại 11 bài ngũ luật, 1 bài cổ phong, còn giữ được đến ngày nay, trong đó bài ngũ luật của bản thân ông là:
Đĩnh thân đăng tuấn lĩnh (hiên ngang lên đỉnh núi cao), cử mục chiếu dao không (ngước mắt nhìn tiên cảnh); Hủy Phật sùng thiên đạo, di dân phục cổ phong. Lâm quân xưng tướng dũng, ngoạn động tiện thi hùng; Kiếm khí xung tinh đẩu, văn quang xạ nhật hồng.
Nhìn từ bài thơ ngũ luật này, niêm luật rất chỉnh, bốn câu đều là vế đối, nói ông “biết làm thơ” thật không chút khoa trương, nhưng ý cảnh cương cường có thừa, dư vị không đủ, là “thơ của võ tướng” điển hình, không thể coi là một trường phái đẹp đẽ được.
Do Thạch Đạt Khai bận bịu việc chinh chiến, thơ từ chỉ là “sở thích nghiệp dư”, đồng thời cùng với sự tan vỡ của Thái Bình Thiên Quốc mà mai một đi phần nhiều, còn giữ lại được đến ngày nay nhiều nhất chỉ có hai nửa bài: Bạch long động ngũ luật; Năm 1861 Thạch Đạt Khai cùng liên hoan với người Miêu tại Hóa Ốc Cơ Quý Châu, viết một bài thất tuyệt: “Vạn khỏa minh châu nhất ủng thu, quân vương đáo thử dã đê đầu. Ngũ long bão trụ kình thiên trụ, hấp đắc Hoàng Hà thủy đảo lưu”; gọi là “nửa bài” chính là chỉ bài cáo thị viết theo thể cổ phong khi ra đi đã nhắc tới ở phần trước, vì loại văn cáo này đã có thể là thân bút cũng có thể là thư ký viết hộ, cho nên chỉ có thể tính là “nửa bài”
Còn một loạt hịch văn, thi từ của Thạch Đạt Khai được “phát hiện” những năm gần đây thì nhìn qua cũng biết là hàng giả – những “tác phẩm” này câu cú thô lậu, niêm luật lộn xộn, lẽ nào lại là do Thạch Đạt Khai “người biết làm thơ” viết ra ư?
Nghĩa nữ của Thạch Đạt Khai càng là một vụ huyền án đầy thú vị, từ lời của tiểu thuyết gia thời Thanh mạt cho tới phim truyền hình “Thái Bình Thiên Quốc” chiếu trên truyền hình mấy năm trước, nghĩa nữ đếm không hết, có thể kể tên được thì có Hàn Bảo Anh, Thạch Quân Chiếu, Thạch Khởi Tương, Thạch Ích Dương vân vân, trong đó “tứ cô nương” Hàn Bảo Anh một dạo gần như được coi là chính sử, nói cô được Thạch Đạt Khai cứu, để báo ơn muốn lấy thân đền đáp, sau khi bị cự tuyệt liền nhận Thạch Đạt Khai là nghĩa phụ, sau này được gả cho Mã Sinh, một người có tướng mạo giống Thạch Đạt Khai.
Khi Thạch Đạt Khai tới Tương Nam, quê hương của Hàn Bảo Anh, Thạch Ích Dương, bất quá chỉ là thanh niên 21 tuổi, làm sao có thể thu nhận một đại cô nương trưởng thành làm nghĩa nữ? Với sự phổ biến các sự kiện lịch sử, ngày nay một số người yêu thích lịch sử của Thái Bình Thiên Quốc đã “tiến hóa” tới mức trước tiên xem có “con gái nuôi” hay không rồi mới xem “tân sử liệu” có liên quan đến Thạch Đạt Khai – nếu như có, đa phần cũng là hàng giả.
Bí ẩn về sự sống chết của Thạch Đạt Khai.
Ngày 13 tháng 6 năm 1863, Thạch Đạt Khai bị vây khốn ở sông Đại Độ đã lâm vào tuyệt địa, để bảo toàn tính mạng cho thuộc hạ, đã tự động đến đại doanh quân Thanh để đầu hàng, ngày 25 tháng 6, khảng khái tựu nghĩa tại Thành Đô, trước khi chết còn nói dõng dạc, mặt không chút sợ hãi, khi phải chịu cực hình lăng trì không những chẳng kêu một tiếng, còn khuyên can thuộc hạ Tăng Sĩ Hòa vì quá đau đớn không chịu nổi mà rên la, khiến ngay cả đến quan viên, mạc liêu nhà Thanh tận mắt chứng kiến đều cực kỳ khâm phục.
Nhưng Thạch Đạt Khai rốt cục đã chết hay chưa, phương diện Thanh triều, quân Thái Bình lúc đó đều có không ít kẻ mang mối hoài nghi, đến mức ngay đến cả người xử chết Thạch Đạt Khai là Lạc Bỉnh Chương cũng phải nhiều lần giải trình với Hoàng đế, Thạch Đạt Khai mà mình giết là thật, tuyệt đối không thể là giả (năm 1852 tuần phủ Hồ Nam Trương Lượng Cơ từng hoang báo là “đánh trận giết chết” Thạch Đạt Khai ở Trường Sa), còn những người như Tăng Quốc Phiên, Thẩm Bảo Trinh từ đầu đến cuối vẫn nghi ngờ, đến mức năm lần bảy lượt truy vấn tù binh Lý Tú Thành, Thạch Đạt Khai đã chết hay chưa, mọi người có cao kiến gì?
Trong serial truyền thuyết về nghĩa nữ, Hàn Bảo Anh để người chồng có tướng mạo giống Thạch Đạt Khai chết thay, còn Thạch thì lưu lạc giang hồ, sau này trên thuyền bỏ lại một chiếc ô sắt có khắc “Vũ Dực Vương chế”. Đây đương nhiên là những lời vô căn cứ, Thạch Đat Khai thông minh hơn người, trong lúc tránh nạn lại mang theo một vật chứng rõ ràng như vậy sao? Huống hồ chữ “Vũ Dực Vương” cũng không hợp với quy định của Thái Bình Thiên Quốc. Còn có một biến thể khác, là nói Thạch Đạt Khai phát hiện ý định của Hàn Bảo Anh, liền đánh ngất Mã Sinh, tự mình đi Thành Đô chịu chết. “Dực Vương” sau này hành tẩu giang hồ, cổ súy cách mạng chính là Mã Sinh đóng giả. Đây đương nhiên cũng là chuyện vô căn cứ, ở trên đã nói, bản thân thuyết nghĩa nữ cũng hoàn toàn chẳng có cơ sở.
Có điều vào thời Thanh mạt lại quả thực có rất nhiều hội đảng, quân cách mạng ở Tứ Xuyên giả mượn danh nghĩa của Dực Vương để hiệu triệu. Đương nhiên, thời gian qua đã lâu, bọn họ giả thác là hậu nhân, cựu thuộc hạ, kẻ kế thừa của Thạch Đạt Khai. Tới thời Dân Quốc quân phiệt hỗn chiến, một viên Đoàn trưởng xuất thân thổ phỉ Thạch Định Vũ tự xưng là hậu đích của Thạch Đạt Khai, phái binh bao vây phủ đệ của hậu nhân tướng Thanh Đường Hữu Canh, người trước kia vây khốn Thạch Đạt Khai, cướp đi những di vật của Thạch Đạt Khai mà Đường phủ lưu giữ. Một di chứng lớn khác của những truyền thuyết này chính là đủ loại truyền thuyết về “kho báu của Dực Vương”, liên tiếp những năm trước có kỳ nhân giang hồ kéo cờ hiệu “tiến kinh hiến bảo”, hiến lên chính là cái gọi là “Dực Vương cất vào hầm”, đương nhiên chẳng có món nào được quy ra tiền mặt.
Khi Thạch Đạt Khai đến bước đường cùng đã đề thơ lên vách đá “đại quân phạt thực khất thùy thiếu, tung tử Nga giang định bất hàng”, nhưng cuối cùng ông vẫn “đầu hàng”, cũng vì thế mà một dạo bị biếm là “phản đồ”, một số người không cam tâm rằng thần tượng của mình “đầu hàng” thì một mực rằng Thạch Đạt Khai “trá hàng”.
Ông có “trá hàng” hay không, vô bằng vô cứ, chẳng cách nào chứng thực hoặc làm sai lệch, nhưng việc “đầu hàng” của ông, theo như lời ông viết trong thư gửi Lạc Bỉnh Chương, thì “xả mệnh vì ba quân”, trong tình huống không có hi vọng phá vây đã hi sinh thân mình để bảo toàn tính mạng của thuộc hạ, đây là sự thể hiện “nghĩa khí” mà ông trước nay luôn đề cao. Nói từ một ý nghĩa nào đó thì ông đã đạt được một phần mục đích, thuộc hạ bị vây khốn của ông đông tới mấy ngàn người được sống sót. Người bạn quốc tế đến từ New Zealand Rewi Alley khi bình luận về “đầu hàng” trong bản cung của Lý Tú Thành đã từng chất vấn, lẽ nào để đổi lấy tính sự sống của thuộc hạ, tự mình buông vũ khí và hi sinh bản thân là một ý niệm và hành vi vô sỉ hay sao? Câu chất vấn này cũng giống như một sự tuyên truyền giác ngộ cho những đánh giá thị phi về Thạch Đạt Khai vậy.
Hơn 100 năm đã qua, những đánh giá về Thái Bình Thiên Quốc khi thì lên trời, khi thì xuống đất, có thể nói là khen chê bất nhất. Nhưng tuyệt đại đa số vẫn gửi gắm sự đồng tình sâu sắc với Thạch Đạt Khai. “fans” của ông được cho là nhiều nhất trong số những thủ lĩnh của Thái Bình Thiên Quốc (có người nói rằng nó vượt quá tổng số fans của các tướng lĩnh khác), ngoài ra những công trình tưởng niệm mang tên ông cũng là nhiều nhất – chỉ “đình Dực Vương” đã có 5 ngôi ở Quý Cảng, Nghi Sơn, Thạch Miên, Nam Ninh, Hoàng Thạch.