Chiến Tranh Trăm Năm: một thế kỷ đẫm máu

100 Years War Map

Jason Ho /ncls group

Là một trong những khu vực có tầm chiến lược quan trọng ở Châu Âu, là một vương quốc rộng lớn và thịnh vượng thời Trung Cổ, Pháp luôn là một quốc gia xoay vòng trong đấu tranh, âm mưu, chiến tranh và tranh giành quyền lực. Kể từ khi thành lập, Pháp đã là một giải thưởng được săn đón bởi các vị vua cuồng nhiệt của Châu Âu; và một trong số những con quạ luôn ngắm nghía ngai vàng nước Pháp chính là Vương quốc Anh. Trong suốt Chiến Tranh Trăm Năm, gia tộc thống trị nước Anh lúc đó là gia tộc Plantagenet rơi vào cuộc xung đột gay gắt và lâu dài với triều đại Capet nước Pháp của gia tộc Valois. Trung tâm của cuộc xung đột chính là dành quyền kiểm soát Vương quốc Pháp — mà điều đó có nghĩa là nắm được quyền lực, tài sản và tầm ảnh hưởng khắp Châu Âu.

Cuộc xung đột lâu dài giữa hai vương quốc lớn nhất Châu Âu thời Trung Cổ này đã tạo ra một sự kiện quan trọng của thời đại, ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống ở khu vực — từ kinh tế đến chánh trị. Chúng ta hãy cùng điểm qua những nét chính của cuộc chiến này, khởi đầu từ năm 1337 đến năm 1453.

HOÀN CẢNH XẢY RA CHIẾN TRANH TRĂM NĂM

Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc xung đột tranh dành ngai vàng giữa Anh và Pháp chính là cái chết của Vua Pháp Charles IV Hào Hoa. Nhà vua chết vào năm 1328 ở tuổi 33 mà không có người nam nối dõi nào, triều đại Capet có nguy cơ phải chấm dứt tại đây. Ngay khi biết nhà vua không có người nối dõi, tranh dành ngai vàng bắt đầu diễn ra. Charles IV đám cưới 3 lần, và ngay thời điểm ông chết là ông đã cưới người em họ là Jeanne d’Evreux và lúc này bà đang có thai. Cuối cùng bà lại sanh con gái và vấn đề người kế thừa rốt cuộc càng trở nên trầm trọng.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi họ hàng gần nhất của Vua Charles lại là Vua nước Anh, Edward III, người mà có mẹ là Isabella nước Pháp. Thực tế này không được chấp nhận bởi giới quý tộc Pháp và người dân mà không chịu bị cai trị bởi một vị vua ngoại quốc. Vậy nên ngai vàng được trao lại cho người anh em thân thiết với Vua Charles, Công tước Valois là Phillip. Gia tộc Valois là nhánh cao cấp cuối cùng của vương triều Capet và là sự lựa chọn hợp lý trong mắt người Pháp.

Một điều tối quan trọng ngăn Vua nước Anh là Edward III ngồi lên ngai vàng nước Pháp chính là Luật Salic. Điều luật được ban hành vào năm 500 Công Nguyên bởi vị vua người Frank đầu tiên là Clovis, và điều trước tiên nhất chính là luật này không cho phép người nam thừa kế ngai vàng thông qua mẹ của họ. Một cách miễn cưỡng, Edward III đành đồng ý tỏ lòng kính trọng người cai trị mới của nước Pháp, Phillip VI, như nước Anh vào thời điểm đó đang cai trị Công quốc Aquitaine.

Edward phải nhượng bộ dựa trên sự kiện nước Anh và Scotland đang chuẩn bị đối mặt với một cuộc xung đột mới mà ông phải chú tâm vào. Nhưng khi Phillip tỏ ý ủng hộ David Bruce xứ Scotland thì điều này đã châm ngòi cho một thùng thuốc nổ lớn chuẩn bị bùng phát.

Mọi thứ leo thang vào năm 1337, khi Phillip VI quyết định tịch thâu lại Công quốc Aquitaine và đặt dưới sự kiểm soát của người Pháp để xác nhận lại quyền lực của người cai trị mới. Điều này được Phillip lý giải là do Vua nước Anh đã chứa chấp Robert III d’Artois — kẻ thù của người Pháp. Để đáp lại việc bị cướp mất Công quốc Aquitaine, Edward III thách thức quyền hợp pháp của Phillip đối với ngai vàng nước Pháp — châm ngòi cho cuộc chiến trường kỳ giữa hai quốc gia.

Ngay khi vừa bắt đầu xung đột, Edward đã thực hiện chiến dịch khôn ngoan hơn một chút so với người Pháp. Vì vào thời điểm đó, ông ở về bên yếu thế hơn — nước Anh chỉ có khoảng 4 triệu người trong khi nước Pháp có tới 17 triệu cư dân — nên ông cần phải cẩn trọng. Edward sử dụng chiến lược “chia để trị”, một mặt ủng hộ giới quý tộc Pháp chống lại đối thủ của họ, đồng thời cố gắng móc nối liên minh trong lòng nước Pháp, để làm suy yếu thêm tình hình chánh trị ở Pháp.

Trong suốt những bước đầu của cuộc chiến, người Anh liên tục tổ chức các cuộc hành quân dọc theo bờ biển nước Pháp để cướp phá. Vào thời điểm đó, hải quân của Pháp tập hợp một hạm đội khổng lồ đe dọa nước Anh từ bên kia eo biển. Edward đã đối phó với hạm đội này trong một trận chiến táo bạo và là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Chiến Tranh Trăm Năm — Trận Hải chiến Sluys.

NHỮNG CHIẾN THẮNG ĐẦU TIÊN CHO NGƯỜI ANH

Trận đánh diễn ra vào tháng 6 năm 1340, khi hạm đội Pháp — gồm 230 chiến thuyền — đụng độ với hạm đội của Anh với khoảng 150 tàu chiến. Với những thao tác điêu luyện, hạm đội Anh đã chiếm thế thượng phong, và họ hoàn toàn đè bẹp hạm đội Pháp tại vùng biển xung quanh cảng Sluys. Thương vong của quân Pháp lên tới 2 vạn người trong khi bên Anh chỉ hi sanh có 600 nhân mạng. Hơn nữa, người Anh còn tịch thâu được 166 thuyền Pháp, đánh đắm 24 thuyền. Với chiến thắng này, người Anh không còn lo sợ hạm đội Pháp nữa, và toàn tâm toàn trí cho các trận đánh trên đất liền.

Vài năm tiếp theo, cuộc chiến tiếp tục diễn ra, chủ yếu bên phần đất Anh, với chiến thắng chia đều cho hai bên nhưng không có sự kiện nổi bật nào. Chỉ có vào năm 1346, Edward dẫn dắt một cuộc tấn công chớp nhoáng vào đất Pháp từ dọc theo kênh đào. Caen bị chiếm trọn trong vòng 1 ngày, khiến người Pháp mất cảnh giác.

Để đáp lại, Vua Pháp Phillip VI tập hợp quân đội và tấn công Edward. Hai đội quân đụng độ tại Trận Crécy vào ngày 26 tháng 8 năm 1346. Đối với người Pháp, trận này hoàn toàn là một thảm họa. Edward cho quân đội sử dụng chủ yếu là nỏ dài, và trong suốt trận chiến vũ khí này đã được chứng minh chánh là nhân tố quyết định.

Vào trận mở màn, đội cung nỏ đánh thuê người Pháp bị bao vây bởi đội cung đội cung dài người Anh và xứ Wales với vị trí và tầm bắn tốt hơn. Đợt tấn công tiếp theo là do đội kỵ sĩ Pháp triển khai nhưng cũng bị bao vây với thương vong trầm trọng. Vào cuối ngày, Vua Pháp rút lui, bản thân thì bị thương bởi 1 mũi tên. Thương vong bên Pháp rất lớn, đến hàng ngàn nhân mạng, trong đó có gần 4000 hiệp sĩ tử trận, có cả Công tước xứ Loraine. Bên kia chiến tuyến, người Anh chỉ thiệt hại có 300 người.

HẮC HOÀNG TỬ HÀNH QUÂN VÀO TRẬN CHIẾN

Edward III hành quân vào sâu hơn trong lòng nước Pháp. Năm 1347, ông cho tấn công thành Calais, là một vị trí chiến lược, cho phép ông tập hợp quân đội ở phía Bắc nước Pháp. Nhưng cuộc chiến bị dừng lại một cách đột ngột — vào năm 1348, Châu Âu bị hoành hành bởi dịch Cái Chết Đen, diễn ra đến tận năm 1355. Trong thời kỳ này, vào năm 1350, Vua Phillip VI qua đời, và con trai của ông nối ngôi, John II Người Tốt.

Sau khi cơn đại dịch qua đi, nước Anh tiếp tục động binh. Con trai của Edward III, Edward xứ Woodstock, còn được biết đến với biệt danh Hắc Hoàng Tử (Black Prince), dẫn đầu một vài chiến dịch tấn công khắp nước Pháp ở Limousin, Auvergne, Carcassonne, Avignonet, và nhiều nơi khác nữa. Một trong những chiến dịch này, Hắc Hoàng Tử đụng độ với đội quân của Vua John II, là tiền đề dẫn đến Trận Đánh Poitiers.

Sự kiện này xảy ra vào ngày 19 tháng 9 năm 1356, và là một thất bại thảm hại của người Pháp. Trong trận chiến này, lực lượng của họ đã bị bao vây bởi một cuộc tấn công bất ngờ từ quân đội Anh, với đường rút lui hoàn toàn bị cắt đứt và đường tiến quân của họ bị dừng lại. Thương vong nặng nề cho người Pháp, ngay cả Vua John II cũng bị bắt, cùng với một số quý tộc khác. Sau thất bại tan nát này cộng với việc nhà vua bị bắt, nước Pháp rơi vào hỗn loạn.

Mặc dù vậy, Edward đã không thành công trong nỗ lực đánh chiếm các thành lớn như Reims và Paris. Và quân đội Anh, đóng quân gần Chartres, bị kẹt trong một trận bão khủng khiếp vào Lễ Phục Sinh năm 1360. Được nhiều người miêu tả như là “cơn cuồng nộ của thiên nhiên”, trận bão tàn khốc gồm lốc xoáy, sấm sét, và mưa đá này gây hỗn loạn lên các doanh trại quân đội Anh, làm thiệt hại nhân mạng vào khoảng 1000. Điều này dẫn đến việc Edward phải ký Hiệp định Brétigny vào tháng 5 năm 1360 để hòa hoãn. Hòa bình kéo dài từ năm 1360 đến năm 1369.

Nhưng sau chín năm hòa bình giữa hai quốc gia, căng thẳng lại một lần nữa gia tăng. Trong cuộc chiến tranh giành vương miện Castille đang diễn ra, Anh và Pháp ra mặt ủng hộ các phe đối lập. Anh sau đó đánh thuế vùng Aquitaine nhiều hơn bình thường, với hy vọng trang trải các khoản nợ. Người dân Aquitaine phản ứng gay gắt với việc đánh thuế và giới quý tộc của họ đã chuyển hướng sang Pháp để cầu giúp đỡ. Pháp một lần nữa tịch thâu Công quốc Aquitaine, khơi lại cuộc chiến vào năm 1369.

Năm tháng trôi qua, những người chơi trên chiến trường bắt đầu thay đổi. John II chết trong khi bị giam ở London, và ông được kế vị bởi Charles V Thông Thái. Vị vua mới của Pháp sở hữu một vị chỉ huy tài ba ở bên — Bertrand du Guesclin xứ Breton, một bậc thầy về chiến tranh du kích và chiến tranh tiêu thổ. Họ cùng nhau giành lại nhiều lãnh địa bị mất của Pháp.

Nhưng sau một thời gian, quân đội Anh cho kiểm tra lại các chiến lược của họ và dẫn đến bế tắc, do không có bất kỳ trận chiến cao độ nào để tiến hành. Hơn nữa, Hắc Hoàng Tử qua đời vào năm 1376, và cha của ông là Vua Edward III qua đời vào năm sau đó, truyền ngôi lại cho Richard II, một cậu bé chỉ mới 10 tuổi. Ông ngồi lên ngai vàng mà không có bất kỳ quyền nhiếp chính nào, mặc dù ông vẫn còn là một đứa trẻ. Sự cai trị ban đầu của ông đã gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là ở Anh, khiến cuộc chiến với Pháp tạm thời yên ắng.

MỞ ĐẦU CHO TRẬN AGINCOURT — KHOẢNH KHẮC SÁNG CHÓI NHẤT CỦA NƯỚC ANH

Năm 1380, Charles V và vị chỉ huy Du Guesclin đều lần lượt qua đời. Vua Pháp truyền ngôi cho Charles VI lúc đó mới 11 tuổi. Điều này cũng dẫn đến việc tạm dừng cuộc chiến với nước Anh lại. Tình hình tạm thời yên ắng cho cả hai bên.

Giờ đây, cả Pháp và Anh đều phụ thuộc vào việc thu thuế trên đất của họ để tiếp tục cung cấp quân phí cho chiến tranh. Nhưng việc đánh thuế cao đã gây ra nhiều bất bình trong dân chúng. Vì vậy, do tình hình ngày càng thay đổi ở cả hai quốc gia, giai đoạn từ năm 1389 đến năm 1415 được đánh dấu bằng sự hòa bình tương đối giữa các bên tham chiến.

Cùng lúc này, nước Anh có vị vua mới. Richard II thoái vị vào năm 1399, Henry IV dành lên ngai vàng, để rồi qua đời vào năm 1413. Henry V thừa kế ngai vàng và trở thành vị vua mới của Vương quốc Anh. Việc đầu tiên khi Henry nắm quyền chính là khai chiến.

Vua Henry V đầy tham vọng dẫn dắt một đạo quân khổng lồ băng qua eo biển và xâm lược nước Pháp một lần nữa. Sau một vài chiến thắng nhỏ ban đầu, quân đội Anh thấy mình bị áp đảo bởi quân số khi với quân đội Pháp tại Agincourt. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ vẫn được ghi vào lịch sử như một chiến thắng vĩ đại nhất của người Anh.

Trận Đánh Agincourt nổi tiếng bắt đầu vào ngày 25 tháng 10 năm 1415, là ngày Lễ Thánh Crispin. Người Anh tập hợp được một đội hình đông hơn rất nhiều, và quân đội của họ gần như 80% là lính bắn cung. Tuy nhiên, thật bất ngờ, họ có một số lợi thế chính, chủ yếu là ở cách bố trí địa hình. Những cánh đồng mới cày trên chiến trường nhanh chóng biến thành bùn nhớp nháp, và khiến việc tiến quân trở nên rất khó khăn đối với binh lính Pháp, những người đã bị tiêu diệt hàng loạt bởi tầm bắn vượt trội của cung tên Anh. Agincourt là một chiến thắng áp đảo khác cho người Anh.

NGƯỜI HÙNG ĐƯỢC DẪN DẮT BỞI CHÚA CHẤM DỨT CUỘC CHIẾN TRĂM NĂM

Một lần nữa, Pháp phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong chính hàng ngũ của mình. Các quý tộc xứ Burgundy và Orleans tranh dành quyền lực, còn Vua Charles VI thì phát điên, do hầu hết các con trai của ông đều chết trẻ. Không còn một nhà cai trị tài ba nào, Pháp đã không thể chống lại các cuộc chinh phục của người Anh trên đất của họ.

Đó là khi, Joan xứ Arc xuất hiện. Vào năm 1422, Charles VI và Henry V đều qua đời. Đứa con mới 9 tháng tuổi của Henry thừa kế ngai vàng, là Henry VI. Vì thế nên Công tước xứ Bedford là người dẫn dắt cuộc chiến trên đất Pháp.

Người Pháp đã dành được chiến thắng quân sự lớn đầu tiên của họ vào năm 1429. Người Anh bao vây thành Orleans và trong trận chiến sau đó, họ đã bị quân Pháp đánh bại. Với sự xuất hiện của nữ anh hùng Joan xứ Arc — một cô gái trẻ xuất thân từ một gia đình nông dân — tinh thần dân tộc Pháp đã hồi sinh vô cùng.

Cô tuyên bố có được mặc khải của Chúa và các Thánh, ra lệnh cho cô khôi phục các vùng đất của Pháp và đặt Charles VII lên ngai vàng. Sau chiến thắng quyết định tại Orleans, Joan xứ Arc dẫn đầu quân đội tham gia Trận Patay trong cùng năm, đây là một chiến thắng quyết định khác. Sau đó, trọng tâm chuyển sang nghiêng về phía Pháp, và lực lượng Anh dần trở nên yếu hơn. Pháp từ từ dành lại lãnh thổ của mình trong vài năm sau đó, cuối cùng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài mà ngày nay được gọi là Chiến Tranh Trăm Năm.

CUỘC LỘI NGƯỢC DÒNG CỦA THẾ KỶ

Joan xứ Arc bị buộc tội dị giáo và bị thiêu ở tuổi 19. Nhưng dù vậy, cô vẫn là một anh hùng dân tộc của nhân dân Pháp và những đóng góp của cô trong việc thay đổi cục diện chiến tranh vẫn được khắc ghi theo thời gian.

Sau chiến tranh, nhà cầm quyền Anh suy yếu dần dần và cuối cùng dẫn đến Cuộc Chiến Hoa Hồng. Mặt khác, chế độ quân chủ của Pháp được củng cố và bản sắc dân tộc được nâng cao. Nhưng điều không bao giờ có thể hoàn tác được là vô số sinh mạng đã mất trong nhiều trận chiến do tham vọng của các vị vua.


Bình luận về bài viết này