“Nhà nước đầu tiên của người Thái ở nước Thái là do người người Thái ở Vân Nam Trung Quốc dựng nên?”

1

Người Thái (泰族) ở nước Thái trong lễ hội té nước

Tích Dã dịch và giới thiệu

Văn minh sớm nhất của nước Thái (Kingdom of Thailand) là Văn minh Ban Thanh (Ban Chiang Culture), văn minh Ban Thanh sớm nhất đã bắt đầu từ năm 3.500 BC, cư dân Ban Thanh vào năm 3.500 BC đã biết sử dụng công cụ bằng đồng xanh, so với văn minh Mễ Tố Đạt Mễ Á (Mesopotamia Civilization) của phương Tây và văn minh Hạ-Thương của Trung Quốc còn sớm hơn 500 năm. Văn minh Ban Thanh là văn minh sử dụng đồ đồng xanh sớm nhất trên thế giới.

3

Bình gốm của văn minh Ban Thanh

Các vương quốc sớm nhất của nước Thái và nước Miến Điện đều là do người Môn (孟族/Mun people) dựng nên. Người Môn là gì? Người Môn là một dân tộc xa xưa cư trú ở nước Thái và nước Miến Điện. Dân tộc chủ thể của nước Thái ngày nay là người Thái (泰族/Thai people), dân tộc chủ thể của nước Miến Điện ngày nay là người Miến (緬族/Bamar people). Người Thái và người Miến đều là từ đất Vân Nam của Trung Quốc di dời đến nước Miến Điện và nước Thái.

Người Miến (緬族/Bamar people) có gốc từ đất Vân Nam của Trung Quốc, vào thời nhà Đường di dời vào lưu vực sông Y Lạc Ngõa Để (Ayeyarwady River) rồi dần dần thay thế người Phiếu (驃人/Pyu people) và người Môn bản địa để trở thành dân tộc chủ thể của nước Miến Điện.

Người Thái (泰族) ở nước Thái cũng là người Thái (傣族) ở đất Vân Nam của Trung Quốc. Người Thái (泰族) và người Thái (傣族) là cùng một dân tộc, từ khi nước Trung Quốc mới (中華人民共和國/Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) thành lập đến nay để phân biệt với người Thái (傣族) trong nước với người Thái (泰族) ngoài nước mới dùng chữ Thái (傣) này.

2

Các cô gái người Thái (傣族) ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc

Người Thái (傣族) thời xưa gọi là người Bãi Di (擺夷族), trong tiểu thuyết 《Thiên long bát bộ》của Kim Dung thì mẹ của Đoàn Dự tên là Đao Bạch Phượng là người Bãi Di, người Bãi Di tức là người Thái (傣族). Người Thái (傣族) cũng tức là người Thái (泰族) là dân tộc chủ thể của nước Thái. Người Thái phân bố trên phạm vi rất rộng lớn, tức là người Thái (傣族) ở Trung Quốc, người Shan (撣族)-người Khamti (康迪人) ở nước Miến Điện, người Lào (佬族) ở nước Lào, người Assam (阿薩姆)-người Ahom (阿豪姆) ở nước Ấn Độ, đều là người Thái (泰族).

Người Thái (泰族) ở các nước Thái-Miến Điện-Lào-Ấn Độ đều là từ đất Vân Nam của Trung Quốc di dời đến từ thời xưa. Người Thái có tổ tiên là người Bách Bộc (百濮) hoặc người Điền Việt (滇越) trong nhóm Bách Việt (百越). Bách Bộc và Bách Việt không phải là cùng một dân tộc, trước mắt giới học thuật còn có nhiều tranh luận. Căn cứ vào thành quả nghiên cứu di truyền phân tử DNA thì Bách Bộc là dân tộc ngữ hệ Nam Á, Bách Việt là dân tộc ngữ hệ Đồng-Tày. Tiếng Thái là ngữ hệ Choang-Đồng. Do đó người Thái (泰族) rất có khả năng là người Điền Việt trong nhóm Bách Việt thời Tiên Tần mà không phải là Bách Bộc.

5

Hình thế các nước và bộ tộc ở Trung Quốc vào thời Tiên Tần (trong đó người Bách Bộc (百濮) ở phía nam các tỉnh Tứ Xuyên và phần lớn tỉnh Vân Nam và tỉnh Qúy Châu ngày nay.)

 

Bách Bộc (百璞) phân bố phạm vi rất rộng ở phía tây nam của nước Sở thời Tiên Tần. Người Sở (楚人) cùng người Tứ Xuyên thời xưa (古代四川人) và người Bách Bộc có quan hệ chặt chẽ. Phía tây nam huyện Cung Hiệp tỉnh Tứ Xuyên ngày nay có sông Bộc (濮水); sách xưa chép rằng “bên sông Bộc có cây táo ngon”; lưu vực sông Bố Bộc (布濮水) và sông Bộc (濮水) đều có người Bộc (濮人) cư trú. Đương nhiên Bộc có Bách Bộc, Việt có Bách Việt, Bộc và Việt đều phân bố phạm vi rất rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc.

Thời Tây Hán gọi tổ tiên người Thái (泰族先民) là người nước Điền (滇國), thời Đông Hán gọi là Đàn (撣), thời Đường-Tống gọi là Hắc Xỉ Man (黑齒蠻)-Kim Xỉ Man (金齒蠻)-Ngân Xỉ Man (銀齒蠻)-Tú Diện Man (繡面蠻)-Mang Man (茫蠻)-Tú Cước Man (繡腳蠻)-Bạch Y Man (白衣蠻), thời Nguyên-Minh-Thanh cho đến thời Dân quốc gọi là Bạch Di (白夷)-Bãi Di (擺夷)-Bách Di (百夷).

Vào thời Tần-Hán ở đất Vân Nam của Trung Quốc có nước Điền cổ, lịch sử nước Điền ở đất Vân Nam bắt đầu khoảng từ năm 390 BC vào thời Chiến quốc và bị tiêu diệt vào giữa thời Đông Hán. Theo sách 《Sử kí – Tây Nam Di liệt truyện》chép vào thời nước Sở cường thịnh thì đã từng khuếch trương lãnh thổ đến nước Điền. Vào thời Tần Thủy Hoàng từng làm con đường rộng năm thước để đến nước Điền. Cuối thời Tần thì đất Trung Nguyên đại loạn, nước Điền không còn liên hệ với đất Trung Nguyên nữa. Đến năm Nguyên Phong thứ 2 (năm 109 BC) thời Hán Vũ Đế thì nước Điền quy hàng, nhà Hán lấy nước ấy đặt thành quận Ích Châu (益州郡), đất Vân Nam nạp vào lãnh thổ nhà Hán, đồng thời ban ấn của Điền Vương (滇王之印) cho vua nước Điền và cho vua nước Điền tiếp tục quản lí thần dân của vùng đất Vân Nam. Vào thời Đông Hán, chế độ quận huyện của nhà Hán ở vùng đất Vân Nam đã tiến bộ hơn và củng cố vững chắc hơn, lại thêm di dân người Hán đến, người Điền dần dần bị đồng hóa, cuối cùng nước Điền vào năm Nguyên Sơ thứ 2 (năm 115 BC) thời Đông Hán bị diệt vong.

6

Hình thế các nước và bộ tộc ở Trung Quốc thời Tây Hán (nước Điền màu đỏ, bộ tộc Ai Lao màu xanh lơ ở phía tây nước Điền, nước Dạ Lang màu tím ở phía đông nước Điền, nước Nam Việt màu vàng…)

Liên quan đến nguồn gốc của người Điền (滇族), vì tư liệu có hạn nên giới học thuật đến nay còn tranh luận không dứt. Giới học thuật quốc tế bao gồm cả giới học thuật của nước Thái có một phái cho rằng người Điền (滇族) là tổ tiên của người Thái (泰族), còn giới học thuật Trung Quốc lại cho rằng người Thái là một nhánh của người Bách Việt, trên thực tế người Bách Việt là khái niệm rất rộng lớn. Hiện nay một phái cho rằng người Điền (滇族) là tổ tiên của người Thái (傣族) ở Trung Quốc và người Thái (泰族) ở các nước Miến Điện-Thái-Lào…

7

Hình vẽ người Điền (滇族) của nước Điền cổ

Sau khi nước Điền diệt vong thì người Điền đã đi đâu? Người Điền có hai khả năng: một là dung hợp với người người Hán; hai là di dời về phía nam đến vùng phía nam của tỉnh Vân Nam, tiếp tục giữ gìn tập tục và văn hóa dân tộc vốn có của mình, cùng lúc ở đây lại dung hợp với người Ai Lao (哀牢人), sau đó trở thành người Thái (傣族) ở Trung Quốc và người Thái (泰族) ở nước ngoài sau này.

Sau khi đã hình thành người Thái (泰族), họ tiếp tục di dời về phía nam và khuếch trương phân bố khắp vùng phía nam tỉnh Vân Nam đến các nước Miến Điện-Lào-Thái-Việt Nam-Ấn Độ.

Vào thời nhà Tùy-Đường ở nước Thái ngày nay đã có người Thái (泰族) cư trú, vào khoảng trước sau thế kỉ thứ 11 CE thì người Thái đã dựng nên vương quốc đầu tiên ở nước Thái, thời này ứng với thời nhà Bắc Tống của Trung Quốc.

Vương quốc đầu tiên ở nước Thái là Vương quốc Tố Khả Thái (素可泰王國/Sukhothai Kingdom), thủ đô của vương quốc ở thành Tố Khả Thái (Sukhothai Thani) có vị trí là đồng bằng trung tâm của nước Thái, ở phía bắc thành phố Mạn Cốc (Bangkok City) khoảng 427 cây số. Thành Tố Khả Thái vốn là vùng đất thuộc quản lí của người Cát Miệt (người Khmer), vào năm 1238 CE thì có hai viên tướng người Thái là Khôn Bang Cương Đào (坤邦鋼陶/Khun Bang Klang Thao) và Khôn Phạ Mãn (坤帕滿/Khun Pha Muang) cát cứ độc lập, dựng nên vương quốc Tố Khả Thái (素可泰王國/Sukhothai Kingdom). Khôn Bang Cương Đào được suy tôn là Ấn Lạp Đệ Vương (印拉第王/King Sri Intratit), trở thành vị vua của nước Thái đầu tiên.

8

Di tích của vương quốc Tố Khả Thái ở nước Thái

Đương nhiên, quan hệ của chặng đường Bách Việt – người Điền thuộc nước Điền cổ – người Thái ở trên là còn được giới học thuật tranh luận, nhưng chúng tôi ít nhất cũng được thừa nhận là người Thái (傣族) ở Trung Quốc và người Thái (泰族) ở các nước Miến Điện-Lào-Thái-Ấn Độ-Việt Nam là cùng một dân tộc. Tiếng Thái (泰語) cùng tiếng Choang (壯語)-tiếng Đồng (侗語) có liên hệ chặt chẽ, tiếng Thái thuộc ngữ tộc Đồng-Tày ngữ hệ Choang-Đồng.

9

Bản đồ phân bố của các dân tộc ngữ hệ Choang-Đồng

Đến thời Minh-Thanh, có nhiều người Hoa (華人) di dời đến vùng đất Đông Nam Á, vào khoảng thế kỉ 18 CE thì người Hoa ở nước Thái đã lập nên vương triều Thôn Vũ Lí (吞武里王朝), người lập nên vương triều Thôn Vũ Lí mang dòng máu lai Hoa-Thái, người đó là Trịnh Tín (鄭信/Taksin).

11

Lãnh thổ nước Thái (bấy giờ gọi là Xiêm/ Siam) của vương triều Thôn Vũ Lí do người gốc Hoa dựng nên

Nói tóm lại, lịch sử các vương triều của nước Thái là:

– Vương triều Tố Khả Thái (素可泰王朝) là do người Thái lập nên.
– Vương quốc A Du Đà Da (阿瑜陀耶王朝) là do người Hoa lập nên.
– Vương quốc Thôn Vũ Lí (吞武里王朝) là do người Hoa lập nên.
– Vương triều Mạn Cốc (曼谷王朝) là do người Môn lập nên.

Vương triều Mạn Cốc hay là Vương triều Tức Khắc Lí (却克里王朝), người thành lập nên vương triều này là con nuôi của Trịnh Tín, do đó vương thất của quốc vương nước Thái có quan hệ chặt chẽ với người Hoa.

Vì nước Thái và Trung Quốc có quan hệ nguồn gốc sâu xa, người Thái ở nước Thái và người Thái ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đều là cùng một dân tộc, mà người Hoa ở nước Thái cũng rất nhiều, cho nên quan hệ giữa nước Thái với Trung Quốc cũng rất thân thiện.

12

Cựu thủ tướng nước Thái là Anh Lạp (英拉) vốn là dòng dõi người Hoa

Hiện nay văn hóa nước Thái thu nạp ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ, nhưng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc sâu đậm hơn. Đương nhiên khi tiến nhập vào thời kì hiện nay thì văn hóa phương Tây cũng bắt đầu ảnh hưởng sâu đậm vào nước Thái.

Nguồn bài đăng

16 thoughts on ““Nhà nước đầu tiên của người Thái ở nước Thái là do người người Thái ở Vân Nam Trung Quốc dựng nên?”

  1. Tôi thấy người Việt Nam ít quan tâm đến lịch sử nước Thái cũng như người Thái nên mới tìm dịch những bài như vầy. Chúng ta nên dành thời gian tìm hiểu lịch sử văn hóa của các nước xung quanh, không gì cứ chăm chú cả vào Tây-Tàu.

    Thích

  2. Cảm ơn dịch giả Tích Dã.

    Tôi có một suy nghĩ vầy:
    Nước Thái rốt cuộc là do tộc người Thái lập nên thời xa xưa. Thời đó tộc người Thái có nhiều nhóm như nhóm Thái ở Đại Lý, nhóm Thái ở các nơi. Sau này họ lập nên nhà nước Thái, có thể do nhóm Thái Đại Lý bắt đầu trước.

    Nói vậy để tránh tình trạng lịch sử bị chính trị xuyên tạc như nó đang xảy ra ở Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á và các nới khác trên thế giới. Một khi đã có những cán bộ Trong cộng ở Bắc Kinh hiện tại nói rằng “South China Sea” có nghĩa là sea của China và China Beach có nghĩa bãi biển của China, thì việc nêu ra rằng nhà nước Thái là do người Vân Nam Trung quốc dựng lên thật sự là một cơ hội cho các cán bộ Trung cộng đánh tráo khái niệm theo ý đồ của họ.

    Hơn nữa, thời người Thái lập nhà nước thì chưa có địa phương Vân Nam. Và vùng ‘Vân Nam” cũng chưa thuộc “Tung Quốc”.

    Vài lời,

    QX

    Thích

    • Baì viết mới về chủ đề mới, nhưng bạn cần phải có nguồn gốc của sử liệu bạn dùng. Chẳng lẽ do bạn nghĩ ra cả, tôi nghĩ ad cũng cần khắt khe khi đăng bài lên đây.
      Các học giả như Đào Duy Anh, TTK các đây cả trăm năm, họ viết cái gì đều có trích dẫn tư liệu mà họ tham khảo, rõ ràng, đàng hoàng. Ngay cái đàng hoàng cũng ko làm đc, thì viết cái gì cho người ta nghe ?

      Thích

      • Đa tạ bạn đã góp ý. Tôi có gửi bài dịch này ở chủ đề khác có ghi rõ nguồn, thấy hay nên dịch chia sẻ với mọi người.

        Tiêu đề trên là gốc của bài viết của người Hoa nên như vậy. Xin admin có thể thay đổi lại tiêu đề thành: “Nhà nước đầu tiên của người Thái ở nước Thái là do người người Thái ở Vân Nam Trung Quốc dựng nên?” được không?

        Thích

  3. Cái gì cũng Hoa, Hoa là cái gì, dân tộc ấy chẳng lẽ nó thuần chủng, duy nhất ? Thế sao hàng trăm năm bị người Mông, người Thanh cai trị , cắt tóc đuôi sam, ko có dân tộc nào trên thế giới bị lăng nhucj như vậy cả? Nó càng tự tô vẽ nó to, nó văn minh, ….thì càng chứng tỏ cái bản chất nó rất kém mà thôi,

    Thích

  4. Người Âu Lạc cổ phân chia thành Thái và Tráng(Choang), Tày, Nùng vào thời điểm nào, xin tác giả cho biết được chăng? Tôi rất cần thông tin này, vì tôi tin rằng sự kiện lịch sử ấy chính là niềm cảm hứng tạo nên huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ.

    Thích

  5. @Tích Dã: “Vào thời Tần Thủy Hoàng từng làm con đường rộng năm thước để đến nước Điền”. Đây là bằng chứng chính người TQ cũng đọc ko hiểu sử TQ nữa. Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc nên mê tín số 6, lấy số 6 làm đơn vị, thành một bộ. Đường 5 thước ở đây có lẽ ý nói pháp luật nhà Tần lỏng lẻo tại vùng tây nam.

    Nguyên văn đoạn này trong Sử Ký tôi dịch như sau: “Thời Tần thường làm những trục lộ chính năm thước, đặt quan nhỏ tại một số nơi. Hơn mười năm Tần bị diệt. Đến Hán hưng, những khu vực này bị quên lãng, triều đình chỉ quán xuyến đến đất Thục cũ mà thôi”.

    Thích

    • Liên quan đến đường rộng năm thước (Ngũ xích đạo/五尺道) người Tàu cũng nghiên cứu nhiều rồi. Ví dụ bài “Khảo cứu thời đại khai thông đường rộng năm thước” (Ngũ xích đạo khai thông thời đại khảo/五尺道开通时代考) của tác giả Đoàn Du (段渝), link: http://www.bswh.net/ReadNews.asp?NewsID=644&BigClassName=%B3%C9%B9%FB%D5%B9%CC%A8&SmallClassName=%D7%A8%D6%B0%C8%CB%D4%B1%C2%DB%CE%C4&SpecialID=45

      Đại khái cho rằng đường rộng năm thước được làm từ nước Thục cổ, là con đường quan hay đường cái từ nước Thục thông đến các nước Tây Nam Di, vì nó rộng năm thước cho nên gọi là “đường rộng năm thước/ngũ xích đạo/五尺道”. Số 5 cũng là con số người Thục ưa chuộng (ví dụ theo truyền thuyết người Thục có “Ngũ đinh lực sĩ”, Thục quận thú là Lí Băng dùng 5 tượng con bò đá để trấn áp thủy tinh, khảo cổ học di chỉ Tam Tinh Đôi cũng có một số đồ vật liên quan đến số 5…). Người Thục ưa chuộng số 5 cũng như người Tần ưa chuộng số 6 vậy. Con đường rộng 5 thước mà người Thục làm thì đến thời Tần Thủy Hoàng chỉ có tu bổ hoặc sửa sang thêm, nếu theo phép tắc của nhà Tần thì đơn vị đo lường của nhà nước lấy số 6 làm đơn vị, thì lẽ ra nhà Tần nên làm “con đường rộng sáu thước” mới phải? Hoặc có lẽ làm đường ở miền Tây Nam Di núi cao sông sâu muôn vàn khó khăn nên chỉ làm rộng có 5 thước thôi?

      Lại nói nhà Tần ư chuộng số 6. Sử kí – Tần Thủy Hoàng bản kỉ: 數以六為紀,符、法冠皆六寸,而輿六尺,六尺為步,乘六馬。【集解】張晏曰:「水,北方,黑,終數六,故以六寸為符,六尺為步。」瓚曰:「水數六,故以六為名。」Lấy số 6 làm phép tắc, đo lường như dải mũ đều dài 6 tấc, xe thì rộng 6 thước, 6 con ngựa kéo. Tập giải: Trương Yến nói: “Hành thủy (nước) là phương bắc, màu đen, cuối cùng là số 6, cho nên lấy 6 tấc là 1 phù, lấy 6 thước là 1 bộ.” Toản nói: “Hành thủy (nước) là số 6, cho nên lấy số 6 làm đầu.”

      Như vậy nhà Tần ưa chuộng số 6 có lẽ là theo quan niệm Âm dương Ngũ hành mà thôi. Nhà Tần tự cho mình thay nhà Chu (nhà Chu hành hỏa), cho nên mình thuộc hành thủy, mà thủy khắc hỏa, cho nên chuộng hành thủy, dùng nghi trượng cờ xí màu đen, đô lường dùng số 6 làm cơ sở vậy.

      Thích

      • @Tích Dã: Tội nghiệp mấy anh Tàu mất gốc, chả hiểu tổ tiên nói gì. Hành thủy của Tần Thủy Hoàng là số 1, ngón út trên bàn tay trái, đó là ngũ hành. Hành thủy ý nói đầu tiên, số một…

        Thích

      • @Trương Thái Du: Đa tạ bác vì đã tội nghiệp cho kẻ học thức nông cạn này. Dù sao thì tôi cũng chỉ nghe người khác giảng dạy, học thế nào thì nói thế đó. Có gì sai xin được chỉ giáo thêm cho.

        Âm dương ngũ hành bao gồm rất rộng lớn, cả Hà đồ Lạc thư, kinh Dịch.

        Hà đồ https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/d6/Shishutu.png

        Hà đồ có 10 số (âm và dương):

        – Số dương là 1,3,5,7,9 (hình chấm trắng)
        – Số âm là 2,4,6,8,10 (hình chấm đen).

        Số 1 (hình chấm trắng) và số 6 (hình chấm đen) vị ở phương bắc, hành thủy. Số 1 là khởi đầu, số 6 là thành tựu. Cho nên học giả thời Hán là Trương Yến mới nói là 水,北方,黑,終數六.

        Sử kí – Tần Thủy Hoàng bản kỉ: 始皇推終始五德之傳,以為周得火德,秦代周德,從所不勝。方今水德之始,改年始,朝賀皆自十月朔。衣服旄旌節旗皆上黑。數以六為紀,符、法冠皆六寸,而輿六尺,六尺為步,乘六馬。更名河曰德水,以為水德之始。剛毅戾深,事皆決於法,刻削毋仁恩和義,然後合五德之數。於是急法,久者不赦。Thủy Hoàng xét ngũ hành xoay chuyển đầu cuối, cho rằng nhà Chu được khí tốt của hành hỏa, nhà Tần thay nhà Chu phải có khí tốt mà nhà Chu không thắng được. Nay đang là lúc bắt đầu của hành thủy, đổi tháng đầu năm, chầu hội chúc mừng đều đầu tháng mười. Quần áo, cờ mao, cờ tiết đều chuộng màu đen. Số đếm thì lấy số sáu làm một mối; phù, mũ đều dài sáu tấc, còn xe thì dài sáu thước, sáu thước là một bước, một cỗ xe có sáu con ngựa kéo. Đổi tên sông Hà là sông Đức Thủy, cho là bắt đầu của hành thủy. Làm việc nghiêm ngặt cứng rắn, mọi việc đều xét theo hình pháp, khắt khe không có nhân nghĩa ôn hòa, sau mới hợp số thứ tự của ngũ hành. Do đó hình pháp kín kẽ, lâu ngày không tha lỏng.

        Tất cả các việc nhà Tần chuộng màu đen, đơn vị đo lường chuộng số 6, hình pháp nghiêm ngặt, đổi sông Hoàng Hà thành sông Đức Thủy, đều do nhà Tần tự cho mình là hành thủy mà ra cả.

        Số 6 trong kinh Dịch cũng là số âm. Ví dụ phần Hào từ dùng từ lục (số 6) để chỉ hào âm, trái ngược với từ cửu (số 9) để chỉ hào dương.

        Thích

  6. Lịch sử người Thái

    Người Thái có lịch sử xa xưa, văn hóa sáng lạn, tổ tiên của họ được chép trong sách sử cũ gọi là người Bách Việt. Người Bách Việt là một nhóm dân phân bố rộng khắp một dải đất phía đông nam và nam Trung Quốc ngày nay; phía đông từ các tỉnh Chiết Giang-Phúc Kiến ngày nay, phía nam đến các tỉnh Quảng Tây-Vân Nam ngày nay, liền một dải vùng đất rộng lớn Đông Nam Á ngày nay đều có dấu chân hoạt động của họ. Hậu duệ của người Bách Việt bao gồm các dân tộc Thủy, dân tộc Bố Y, dân tộc Đồng, dân tộc Lê. Vì trong lịch sử họ có cùng phong tục, cùng nguồn gốc, chi nhánh phát triển rậm rạp, phân bố trên một vùng đất rộng lớn cho nên được gọi là người Bách Việt để biểu thị sự đông đúc của họ.

    Tên gọi Bách Việt xuất hiện vào cuối thời Chiến quốc, sớm nhất thấy ở sách 《Lữ thị xuân thu – Thị quân lãm》chép: “Phía nam miền Dương Hán, khoảng giữa miền Bách Việt.” Học giả thời Đường là Nhan Sư Cổ chú《Hán thư – Địa lí chí》dẫn Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê, trong khoảng bảy-tám nghìn dặm, người Bách Việt ở lẫn, đều có chủng tính của mình.” Quận Giao Chỉ là miền Bắc Việt Nam ngày nay, quận Cối Kê là tỉnh Chiết Giang ngày nay, thêm cả vùng đất phía nam tỉnh Vân Nam nữa tạo thành dải đất hình trăng khuyết (lưỡi liềm), đấy là vùng đất văn hóa Bách Việt thời xưa. (Theo sách 《Từ người Việt đến người Thái》 của tác giả Hoàng Huệ Côn, Nhà xuất bản dân tộc Vân Nam tháng 12 năm 1992, trang 5-6.) Từ thời nhà Ân Thương về sau, trên vùng cao nguyên Vân Qúy đã có người Bách Việt hoạt động. Các di chỉ thời kì Đồ Đá cũ và mới ở vùng đất của người Thái hoặc vùng đất xung quanh người Thái cũng được phát hiện. Từ những năm thập niên 60 thế kỉ 20, ở vùng đất bên bờ sông Lan Thương ở thành phố Cảnh Hồng (thuộc Châu tự trị Tây Song Bản Nạp của người Thái) cũng đã phát hiện các di chỉ thời Đồ Đá mới như di chỉ Man Bạng Nam, di chỉ Man Doãn, di chỉ Man Cảnh Lan, di chỉ Man Sảnh, thu tập được các đồ dùng bằng đá như rìu đá, búa đá, dao đá, chài lưới bắt cá và các đồ dùng làm bằng gốm, vỏ sò. (Theo sách 《Di chỉ thời Đồ Đá Mới ở vùng xung quanh Cảnh Hồng》 chương Khảo cổ, kì 11 năm 1965.) Ở các di chỉ thời Đồ Đá Mới như di chỉ Man Đảm-di chỉ Mang Ước bên bờ sông Thụy Lệ huyện Đức Hoành (thuộc tỉnh Vân Nam) cũng phát hiện được các đồ vật như đồ gốm vẽ sơn đỏ kèm theo sơn đen, mảnh gốm khắc hoa văn, xẻng đá, trong đó có xẻng đá có vai, chài lưới đá và đồ gốm có khắc hoa văn, đây đều là đồ vật điển hình của văn hóa Bách Việt thời xưa, rõ ràng là đặc tính của văn hóa Bách Việt, giống với các đồ vật phát hiện trong di chỉ thời Đồ Đá Mới ở vùng đất ven biển miền Đông Nam Trung Quốc.

    Theo sách 《Sử kí – Đại Uyển liệt truyện》ghi chép: “Phía tây đất Côn Minh khoảng một dặm có nước Thừa Tượng, gọi là Điền Việt.” Học giả thời Đường là Trương Thủ Tiết chính nghĩa rằng: “Điền Việt, Việt Tủy cùng gọi là Việt, chia ra có các tên gọi là Tủy, Điền.” Đây là ghi chép rõ ràng về tổ tiên người Thái ở thế kỉ 1 BC. Vào năm 69 CE, nhà Đông Hán ở vùng đất của người Bách Việt phía tây tỉnh Vân Nam đặt ra quận Vĩnh Xương (sở trị ở huyện Bảo Sơn ngày nay), tức là quản hạt của tổ tiên người Thái ở vùng đất biên giới rộng lớn. Trong quá trình phát triển lịch sử, tổ tiên người Tháu lại nhiều lần được chép đến trong sách sử. Trong sách 《Hậu Hán thư – Tây Nam Di liệt truyện》chép là Đàn, trong sách Man thư của Phàn Xước thời nhà Đường dựa vào đặc trưng văn hóa của họ mà gọi các tên là Hắc Xỉ, Kim Xỉ, Tú Cước, Tú Diện. Thời nhà Tống lại gọi là Kim Xỉ, Bạch Y Man. Thời nhà Nguyên gọi là Bách Di. Sau thời nhà Thanh gọi là Bãi Di, nay gọi là Thái. Tên gọi Hắc Xỉ, Kim Xỉ thực tế là một tập tục trang sức nhuộm răng, phần lớn người Thái ngày nay đều sơn răng đen để làm đẹp, hoặc là do thói quen ăn trầu cau làm cho răng đen, hoặc lấy vàng-bạc trám len răng. Tên gọi Tú Diện, Tú Cước là xăm mình, là một tập tục phổ biến của người Thái. Lại nữa trong sách sử chép đến “thông thân khố”, “bà la lung”, tức là váy áo, đây là trang phục truyền thống của phụ nữ người Thái. Sử sách gọi là “ở trên lầu”, đây là kiến trúc truyền thống của người Thái, tức là kiến trúc nhà sàn, đều là đặc trưng văn hóa giống nhau giữa người Thái ngày nay với người Bách Việt thời xưa.

    Sách sử ghi chép nước Điền Việt là một nhóm phía tây xa nhất của Bách Việt, hoạt động ở vùng đất huyện Đức Hoành phía tây tỉnh Vân Nam liền với vùng bang Shan phía bắc và nam nước Miến Điện. Trong sách 《Hán thư – Trương Khiên truyện》 chép là nước Thừa Tượng, là con đường phải qua thông từ Vân Nam đến các nước Miến Điện-Ấn Độ. Thừa Tượng là cưỡi voi, là một thói quen đặc trưng của người Bách Việt. Trong sách 《Luận hành》có chép người Việt nuôi voi như sau: “Sách xưa chép vua Thuấn được táng ở núi Thương Ngô, voi đến cày ruộng; vua Vũ được táng ở núi Cối Kê, chim đến cày ruộng.” Trong sách《Man thư》thời nhà Đường cũng chép: “Từ miền Khai Nam cề phía nam, người dân nuôi voi, lớn như bò nước (con trâu), mỗi nhà thường nuôi mấy con để cày ruộng thay bò. Voi cũng lớn hơn bò nước, dân thường nuôi voi để cày ruộng, lại đốt phân của nó.” Miền Khai Nam ở huyện Cảnh Đông ngày nay, tức là vùng đất trung tâm của người Thái miền nam, thuộc quản hạt Châu tự trị Tây Song Bản Nạp, như thế rõ ràng vào thời nhà Đường thì xã hội người Thái đã tiến vào thời kì làm nông nghiệp cày bừa. Tổ tiên người Thái thời xưa nuôi voi để làm việc hoặc đi lại, hoặc đánh trận, sách sử còn ghi chép.

    Thích

    • Thời nhà “Ngô” mà người Việt nói chính là thời kì nhà Minh mà Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”. Trùng với thời kì Mông Cổ đánh đuổi biết bao nhiêu nước. Có 1 nước là “Kitay” được ghi lại âm chính xác từ người Mông cổ và Nga. Ngày ngay người Tày Thái ở VN nhận mình là Tay/Táy/Tày. Có nhiều điều trong lịch sử đã viết không đúng với thực tế cuộc sống và cổ vật lịch sử. Sách vở, người có học, vàng bạc châu báu bị cướp đưa hết về kitay bấy giờ. Chúng bắt thiết kể tử cấm thành, vạn lý trường thành. Rồi chuyển âm từ chữ Nho thành đọc kiểu TAY của họ. Suốt gần ngàn năm bị Mông cổ đánh đuổi, rồi chiếm văn hóa, vùng đất của phía nam thành trung quốc ngày nay. Ai đảm bảo rằng sử liệu của kẻ cướp và quyết tâm đồng hóa dân tộc khác mà trung thực với sử???
      Người Việt (kinh) ở phần đất Đại Việt xưa (Trung quốc nay) đã đi đâu? Họ bị đồng hóa thành Hoa, Choang từ gốc là Tay (ý kiến riêng tôi).
      Sự phát hiện ra con đường biến hóa về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, khảo cổ cho thấy sử liệu cổ của TQ không đúng/ không trung thực mà xuyên tạc để hòng biến hóa hoàn toàn sử và văn hóa của người Việt và nước Việt…
      vài lời mạo muội…

      Thích

  7. Người Thái cũng có thể được coi là Bách Việt, văn minh Bách Việt đã phát triển từ trước khi văn minh Hoa Hạ được hình thành. Đồ đồng tìm thấy ở Thái Lan có niên đại sớm hơn Hoa hạ cả nghìn năm.
    Sự di cư của các dòng người gốc Tày Thái không diễn ra một đợt mà thành nhiều đợt ở nhiều thời điểm khác nhau. Đồ đồng ở Bắc Thái Lan, Quảng Tây, Quảng Đông được cho là cùng phong cách chế tác với đồ đồng Đông Sơn nên vẫn được gọi chung là đồ đồng Đông Sơn. Không có nghĩa Đông Sơn là nơi đầu tiên chế kim loại. Quảng Tây giờ thuộc TQ mà người Hoa hạ được cho là làm chủ TQ không có nghĩa đồ kim khí là của người Hoa hạ phát minh. Đó là thành tựu chung của nhân loại chứ không phải của riêng dân tộc nào.
    Bộ lạc Mễ của Thần Nông đã phát triển từ vùng Vân Nam được cho là phát minh ra nông nghiệp. Điều đó không có nghĩa họ đem giống cây trồng đi nhiều nơi mà là sự canh tác có quy hoạch theo khí tượng mùa vụ. Mọi người nghĩ họ di cư xuống phía Nam và mang theo lúa gạo. Nhưng thực tế các bộ tộc bản địa phía Nam đã biết trồng lúa gạo nhưng chỉ là thô sơ, trồng theo cảm tính tại dọc các lưu vực sông suối mà không có quy hoạch hoặc các ghi chép dự báo khí tượng. Lúa gạo được người Hoa hạ gọi là Mễ theo tên bộ lạc này. Nhưng người bản địa gọi là Cạo Gạo Trấu hay Cấu đều có nghĩa là thóc hoặc gạo chứ không phải là Mễ. Người Tày Thái con cháu của bộ lạc Mễ này cũng gọi cơm là Cấu hoặc Cẩu. Vậy là họ chỉ mang đến phương pháp canh tác.
    Sự di chuyển xuống phía Nam của bộ lạc Mễ gắn liền với truyền thuyết về thời kỳ Hồng Bàng thị. Truyền thuyết về sự phân chia lãnh thổ của Đế Minh cho hai con là Đế Nghi và Lộc Tục. Lộc Tục tiếp tục di chuyển xuống phía Nam để hình thành Bách Việt. Sùng Lãm hay Lạc Long Quân là con lại tiếp tục đi sâu xuống phía Nam. Truyền thuyết có chi tiết Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là con gái Đế Nghi làm vợ, tức là cháu lấy cô ruột. Âu là Âu Việt hay hậu duệ là người Tày Nùng bây giờ, Cơ có nghĩa là người con gái đẹp. Chi tiết này là nhầm lẫn để tránh yếu tố ngoại lai là Mon Kmer trong đó. Người Thổ Mường chi hệ của Mon Kmer hay người Autraloid đã là người bản địa ở phương Nam. Người Thổ Mường có địa bàn sinh sống cạnh người Tây Âu hay người Tày Thái. Sự kết hợp này sinh ra người Lạc Việt người Lạc Việt lại tiếp tục phân tách bộ phận ở lại đã thành lập nước Văn Lang. Bộ phận kia đi xuống chinh phục đồng bằng Bắc Bộ và vùng Duyên hải.
    Ở phương Bắc con cháu Đế Nghi lập nên nước Sở, thì ở phương Nam con cháu Đế Trực hay Lộc Tục lập nước Văn Lang. Các vua nước Sở mang họ Hùng thì các vua Hùng của Văn Lang cũng mang họ Hùng. Họ Hoàng của người Tày cung là họ Hùng, sở dĩ người Tày phân tách thành hai dân tộc là Tày và Nùng. Là do sự khởi nghĩa của Nùng Trí Cao đòi độc lập khỏi Đại Việt và TQ hậu duệ của những người khởi nghĩa thờ vua Nùng nên được gọi là Dân tộc Nùng họ Nông cũng là họ Nùng. Ở TQ ngày nay những người này được gọi là là Choang. Người Tày hay Tây Âu có quan hệ mật thiết với nước Đại Lý hay Vân Nam mà người TQ gọi là Điền Việt, cũng có quan hệ mật thiết với Đại Việt và bộ phận Bách Việt. Người Tày lập quốc gia riêng hết lấy tên là Đại Lý quốc rồi lại đổi thành Nam Việt. Giống như người Sở, người Tày rất thiện chiến và rất dũng cảm, quân nhà Tống đã thật bại nhiều lần khi đối mặt với quân đội của người Tày. Nếu không có sự mua chuộc trong nội bộ của nhà Tống làm cuộc khởi nghĩa tan rã. thì có lẽ người Tày đã lập được quốc gia riêng An Dương Vương cũng là người Tày nước Âu Lạc được khi An Dương Vương thôn tính được Văn Lang. Âu Lạc cái tên đó thể hiện sự tôn trọng của người Tây Âu với người Lạc Việt.
    Về ngôn ngữ người Lạc Việt có khác so với Bách Việt. Lạc Việt sử dụng phần lớn ngôn ngữ Mon Kmer, Bách Việt là Tày Thái nhưng thực tế Lạc Việt cũng là trực hệ của Bách Việt tuy khác biệt ngôn ngữ nhưng văn hóa chủng loại thì tương đồng. Ở Thái Lan hay Myanma những người thuộc Tày Thái thay dần người Mon Kmer làm người Mon Kmer phải di chuyển dần xuống phía Nam là Campuchia ngày nay hay tự biến mình thành người thiếu số hoặc bị đồng hóa. Ở Việt Nam thì khác họ lại hòa nhập thành một dân tộc mới mang những nét chung của cả hai chủng người.
    Đó là khái quát của người Bách Việt phương Nam, gia đình Bách Việt còn rất đông U Việt Mân Việt….. Người Bách Việt cũng tham gia vào cuộc chiến giành giật TQ với người Hoa Hạ người Miêu. Nước Sở đã rất thành công và đã là bá chủ Trung Nguyên một thời gian dài. Cho đến khi bị người Hán tiêu diệt và hòa vào cái chung dân tộc Hán. Vì sao nước Sở không phản kháng, vì Hán là Sở, Hán bắt nguồn từ Sở và Hán Sở bắt nguồn từ bộ tộc Mễ hay gói gọn lại là người Tày Thái.
    Người Hoa hạ cũng là một chi hệ của Tày Thái từ Vân Nam họ di cư lên phía Bắc. Họ mang theo lúa Mạch và nghề chăn thả gia súc tại đây họ kết hợp với người Miêu Tạng bản địa thành người Hoa hạ. Ngôn ngữ và văn hóa của Hoa hạ cũng không thể tách khỏi yếu tố Tày Thái trong đó. Văn minh Hoa hạ và Bách Việt cùng tồn tại song song nhưng đều có chung một gốc . Ở thời kỳ đầu văn minh Bách Việt phát triển hơn do sử dụng đồ đồng sớm hơn, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Thái Lan nằm có rất nhiều mỏ đồng. Nhưng về sau người Hoa hạ biết sử dụng đồ sắt sớm hơn Bách Việt nên họ lại lấn lướt. Kỹ thuật đúc sắt này có lẽ được học từ người Miêu. Người Miêu tộc người Xi Viu, người Tien ty là tên gọi của họ hậu duệ của người Miêu ở Việt Nam là các dân tộc H’momg Dao. Kỹ thuật đúc sắt của người H’mong ở Việt Nam vẫn là đỉnh cao ai đã biết đến Dao Mèo hay lưỡi cày Mông thì sẽ hiểu. Dao Mèo chặt sắt phi sáu phi tám như người ta chặt cái que củi. Lưỡi cày sắt của người Dao cày trên ruộng đá mà không mẻ.
    Đó là những khái quát về sự hình thành Bách Việt và Hoa hạ. Tôi không muốn đề cập nhiều về Hoa hạ vì không biết và cũng không tìm hiểu nhiều về Hoa hạ. Có thể người Hoa hạ mang nét Miêu Tạng nhiều hơn Tày Thái giống như chúng ta mang nét Mon Kmer nhiều hơn. Tôi muốn nói nhiều hơn về văn hóa Mon Kmer hay văn minh của người Autraloid nhưng như thế sẽ bị lạc đề. Nhưng là con cháu có thể chỉ là cháu ngoại nhưng cũng không thể phủ nhận, văn hóa Mon Kmer đã giúp cho người Việt Nam độc lập tự chủ. Người TQ cổ gắng bôi nhọ chủng ta họ nói người Việt Nam không có tên họ, không biết gì về Lễ nên đã phải đặt ra Lễ. Nhưng thực tế cả người Việt Nam và người Hoa hạ đều tiếp thu cái Lễ ấy từ bộ lạc Mễ ấy . Người Sở, Hán người Bách Việt cũng là hậu duệ của bộ lạc này. Nên những phong tục kế thừa là đương nhiên đều được cha ông truyền lại. Về văn hóa thì tương đồng thậm chí ở thời kỳ đồ đồng chúng ta còn phát triển hơn.
    Nhiều vùng xưa kia của Lạc Việt nói riêng và Bách Việt nói chung đã trở thành đất đai của TQ. Người TQ ngày nay cũng đang cố gắng chối bỏ nguồn gốc Tày Thái của mình họ dùng ngôn ngữ Madarin ngôn ngữ của người Mãn Thanh. Hán hay Hoa hạ chỉ còn là thành tựu trong dĩ vãng. Bộ lạc Mãn Thanh đã từng bị coi như những kẻ mọi rợ nhưng đã thành chủ thể bao trùm TQ làm chủ vùng đồng bằng Trong Nguồn. Mọi người cứ nghĩ TQ là trung tâm truyền bá văn hóa và Việt Nam là vùng ảnh hưởng nhưng đó là trung tâm tiếp nhận văn hóa. Topic gợi nên sự tự ti tiểu nhược của một đất nước nhỏ. Dân tộc Thái người anh cả của Bách Việt và Hoa hạ nếu vẫn còn ở lại Vân Nam họ đã là một dân tộc thiểu số của người em TQ. Người Việt Nam cũng thế đã độc lập tự chủ, đất nước con người văn hóa phong tục do cha ông chúng ta truyền lại. 5 nghìn năm lịch sử chúng ta phát triển song song cùng Bách Việt và Hoa hạ.
    Thử đặt giả thuyết nếu vua Quang Trung sống lâu hơn, chiến tranh Đại Việt- Mãn Thanh xảy ra chắc gì TQ bây giờ đã nói tiếng Quan Thoại tầng lớp Hán bị Mãn Thanh o ép đến cắt trụi cả tóc liệu có vùng lên ủng hộ Đại Việt, người anh em đồng chủng đồng văn.
    Từ khi dành độc lập tự chủ năm 910 đến nay hết Đường Tống Nguyên Minh Thanh đến chính quyền TQ bây giờ luôn dè chừng Việt Nam. Một nghìn năm trước họ không đồng hóa nổi Việt Nam thì nghìn năm sau cũng thế. Mặt khác họ vẫn sợ Việt Nam sẽ là một thế lực đủ mạnh để tiến vào Trung Nguyên. Họ luôn tuyên truyền rằng chúng ta là những kẻ mọi rợ nằm ngoài giá thú. Vùng biên giới quanh Việt Nam đều được ban quyền tự chủ để làm vùng đối chọi với Việt Nam. Suốt thời kỳ phong kiến cho đến bây giờ ở phía bắc người Tày hay người Choang luôn được người TQ xúi bẩy để gây chiến với Việt Nam. Ở phía Nam là Champa và bây giờ là Campuchia. Trong thời gian nội chiến Việt Nam với cái tên đánh Mỹ xâm lược họ cũng đứng sau lưng xúi bẩy. Vừa tuồn vũ khí đạn dược vừa bắt tay Hoa Kỳ, đến lúc chúng ta thống nhất họ vội vàng xây dựng chính quyền Campuchia để gây chiến. Chính phủ Việt Nam thì như người bệnh ốm lâu ngày sợ nắng sợ gió luôn bị thế lực thù địch vô hình bủa vây. Cái mà họ muốn là chúng ta không bao giờ lớn mạnh.
    Dân tộc ta lịch sử bị đánh cắp, văn hóa bị đánh cắp. Những nhà Sử học thì giáo điều dập khuôn cắm mặt vào khảo cứu sách Tàu mà quên mất thực tế. Chúng ta không có chữ viết không có nghĩa chúng ta không có lịch sử, chúng ta có cả kho tàng sử thi truyền miệng có hàng ngàn di chỉ dọc dãy Trường Sơn. Chúng ta ngơ ngác như kẻ hoang dã bước ra từ ánh sáng nguyên thủy.
    Topic gợi nên sự tự ti và nhược tiểu của một đất nước nhỏ, không hiểu chủ topic có ý định gì trong đó. Định đồng hóa mềm chăng.

    Thích

  8. Với trách nhiệm của một thành viên thường trực Hội đồng Liên Hợp Quốc, với hiểu biết lịch sử về các tộc Bách Việt, Trung Quốc nên trả lại đất Vân Nam cho Thái Lan (tộc Điền Việt), đất Quảng Tây cho Việt Nam (tộc Âu Việt). Nếu chủ thớt muốn tìm hiểu về lịch sử nước Thái thì nên tham khảo cả tài liệu tiếng Thái của người Thái chứ cứ dịch từ nguồn tiếng Trung của người Tàu thì không khách quan.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s