Tất cả các cuộc chiến tranh cũng là cuộc chiến tranh ngôn từ. Xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraina cũng không phải là ngoại lệ. Trung tâm của trận chiến thông tin chính là từ “chiến tranh”.
Nga đã cấm sử dụng các từ “chiến tranh” và “xâm lược” trong các bản tin trên các phương tiện truyền thông tại nước này với luật phạt những người vi phạm lên tới 15 năm tù. Thay vào đó, Nga khẳng định họ đang tiến hành một “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraina.
Trong thế giới ngoại giao, việc có hay không sử dụng từ “chiến tranh” cho thấy một quốc gia đang đứng trong đội hình lên án hoặc ủng hộ Nga trong thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tránh dùng từ này trong các bài phát biểu chính thức và báo chí của mình, trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây nói rằng việc các thành phố bị pháo kích, hàng triệu người phải di dời và dân thường bị bắn chết không là gì khác ngoài chiến tranh.
Vậy Liên Hợp Quốc đứng ở đâu?
Tổng thư ký António Guterres và các quan chức cấp cao khác của Liên Hợp Quốc đã gọi cuộc xung đột là một “cuộc chiến tranh” và coi các hành động của Nga là một “cuộc xâm lược” trong cả bài phát biểu và thông điệp trên Twitter.
“Cuộc chiến ở Ukraina không chỉ có tác động đáng kể đến cuộc sống của dân thường mà còn gây ra những hậu quả toàn cầu”, ông Guterres đăng trên Twitter vào chiều 8/3 trong một lần nhắc lại công khai rằng ông thực sự gọi cuộc xung đột này là một cuộc chiến.
Ồn ào bắt đầu khi một văn phòng khu vực của Liên Hợp Quốc ở Tây Âu gửi email cho nhân viên của mình mà không phối hợp với trụ sở chính và yêu cầu các nhân viên hạn chế sử dụng các từ “chiến tranh” và “xâm lược” khi đề cập đến cuộc xung đột Ukraina, Stéphane Dujarric – phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc – xác nhận hôm 8/3. Mâu thuẫn này lần đầu tiên được The Irish Times đưa tin.
Điều này dường như có lợi cho Nga khi nước này đang cố gắng kiểm soát câu chuyện về cuộc chiến ở Ukraina.
Ông Dujarric cho biết Liên Hợp Quốc ngay lập tức bác bỏ email trên, nói rằng văn phòng khu vực Tây Âu đã tự xử lý và email trên không phản ánh chính sách của tổ chức này.
Ông Dujarric nói: “Hướng dẫn chính thức của chúng tôi không nói rằng không được sử dụng những từ như ‘chiến tranh’ và ‘xâm lược’.”
Liên Hợp Quốc đã gửi một email tới các nhân viên toàn cầu của mình vào ngày 4/3 yêu cầu rằng “họ quy định bất kỳ thông tin liên lạc nào về Ukraina theo cách phù hợp với vị trí của Liên Hợp Quốc và tuyên bố của tổng thư ký,” và “ghi nhớ các quyền và nghĩa vụ của họ như các công chức quốc tế, vốn yêu cầu chúng ta hành động độc lập và không thiên vị.”
– Cù Tuấn dịch từ The New York Times.