Trong suốt những ngày qua, có nhiều hiện tượng lạ trong cách tiến hành chiến tranh của Nga tại Ukraine. Dưới đây tôi sẽ nêu các hiện tượng và lý giải của cá nhân tôi:
1. Quân Nga đang tiến đi đâu?
Trước hết, một điều đập ngay vào mắt là Nga bao vây các thành phố chứ không tấn công vào đó. Các lực lượng của họ thâm nhập các thành phố để thăm dò lực lượng phòng thủ. Nếu hệ thống phòng thủ của Ukraine phản ứng mạnh, họ sẽ rút lui và bao vây thành phố đó. Hiện nay quân Nga đang vây các thành phố lớn và quan trọng nhất như Kiev, Kharkov và Sumy. Trường hợp Sumy sẽ nói sau vì sao lại quan trọng. Quân Nga đã chiếm được Kherson và đang tiến về phía Bắc, bỏ qua Nikolaev chứ không tiến về phía Tây nhắm tới Odessa.
Một hiện tượng khác là hàng chục xe tăng, thiết giáp, các xe quân sự khác của Nga bị bỏ lại dọc đường. Đa số các xe này bị bỏ lại là do hỏng hóc và chỉ có một số ít là bị quân Ukraine chặn đánh và phá hủy. Việc này cũng là thường xảy ra trong chiến tranh.
Thời chiến tranh vùng Vịnh, các đơn vị tăng thiết giáp của Mỹ khi tiến vào thủ đô Iraq cũng phải bỏ lại nhiều xe bị hỏng hóc và hết xăng dọc đường. Vào thời đó chưa có mạng xã hội và nguồn tin cho thế giới chỉ duy nhất từ phía Mỹ thì đã bị kiểm soát nên người ta không thấy các cảnh đó.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là quân Nga vẫn tiếp tục bỏ lại các xe cộ của mình trên đường hành tiến. Từ đầu cuộc chiến tranh tới giờ không hề có một cuộc đụng độ nào cấp tiểu đoàn giữa quân Nga và quân Ukraine. Quân Nga tuyên bố số thiệt hại lớn của Ukraine nhưng không công bố hình ảnh thiệt hại vì họ còn muốn đoạt được sự ủng hộ của người dân Ukraine sau chiến tranh (nếu Nga thắng). Tuy nhiên tin tức của phía Nga là khả tin vì họ đã thể hiện khả năng tiêu diệt các đội hình lớn của quân Ukraine như thế nào hồi 2015 ở vùng Donbass. Quân Ukraine thì ngược lại, liên tục công bố cảnh chết chóc của quân Nga nhưng tất cả các hình ảnh cho thấy rằng đây chỉ là các cuộc phục kích nhỏ không quá cấp đại đội.
Vậy câu hỏi đặt ra là quân Nga đang tiến đi đâu và quân đội Ukraine đang ở đâu?
Trước hết nên nhìn lại lịch sử một chút. Cuộc giải phóng Ukraine của Hồng Quân năm 1944 kéo dài khoảng 8 tháng. Trong cuộc giải phóng này, Hồng Quân với khoảng 2,3 triệu quân, gần 29.000 pháo và cối, 2.000 xe tăng và 2.370 máy bay đối diện với 1,8 triệu quân Đức, gần 17.000 pháo và súng cối, 2.200 xe tăng và gần 1.500 máy bay. Sau 8 tháng, Hồng Quân mới đánh quỵ quân Đức. Điều đó cho thấy lãnh thổ của Ukraine là một không gian rộng lớn có thể là bãi chiến trường cho 2 đạo quân với hàng triệu binh lính tác chiến. Tuy nhiên, vào năm 2022, quy mô tham chiến của cả Nga và Ukraine đều nhỏ hơn rất nhiều, bằng khoảng 1/20 số lượng các bên tham chiến năm 1944.
Từ đầu chiến tranh tới nay, chúng ta thấy rất nhiều các đội hình lớn của quân Nga. Tuy nhiên về phía Ukraine thì không thấy hình ảnh của bất kỳ đội hình lớn nào. Một lý do dễ hiểu là do Nga đã khống chế bầu trời nên các đơn vị Ukraine không thể đi lại trên đất của mình mà không bị không tập tiêu diệt. Do đó họ chọn cách cố thủ tại các vị trí của họ (như khoảng 50% quân số của Ukraine hiện nay đang làm ở phía Donbass) hoặc trong các thành phố có đông dân (vì quân Nga tới giờ vẫn tránh tấn công vào các thành phố đông dân để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường). Họ thậm chí không kéo về cứu Kharkov (gần hơn) hay thủ đô Kiev (xa hơn nhưng quan trọng hơn).
Với quân số bằng 1/20 quân số mà nguyên soái Zhukov sử dụng trong năm 1944 để giải phóng Ukraine, các tướng lĩnh Nga ngày nay chắc chắn hiểu rõ là họ không thể đánh như năm 1944.
Thậm chí với không gian rộng như Ukraine, họ cũng không thể lập được các chiến tuyến liên tục. Thực tế đang xảy ra như vậy, người dân ở các thị trấn nhỏ của Ukraine thấy quân Nga tới rồi lại biến đi đâu mất. Lý do của việc này, theo tôi nghĩ là người Nga đang chấp nhận thiệt hại về việc bỏ lại các xe hỏng (và bị dân Ukraine đốt phá) để chiếm được các mục tiêu chính. Các mục tiêu đó, chắc chắn là các nút giao thông quan trọng để bao vây và chia cắt binh lực Ukraine.
Nhìn bản đồ màu đỏ có thể thấy rõ người Nga đã tạo ra một vòng vây nhỏ với lực lượng Ukraine đóng quanh Donbass và có vẻ đang tạo ra một vòng vây lớn hơn rất nhiều với điểm hợp vây của cánh quân phía Bắc (qua ngả Kiev) và cánh quân phía Nam (qua ngả Kherson) ở đâu đó về phía Nam của Kiev.
Có một tình tiết ít người để ý là trong cuộc điện đàm giữa tổng thống Macron của Pháp và Putin, Macron có đề nghị phía Nga giữ gìn đường xá ở phía Nam của Kiev. Có vẻ là khác với năm 1956 và 1968, lần này phương Tây biết rất rõ kế hoạch hành quân của quân Nga và họ biết được điểm hợp vây ở đâu đó phía nam Kiev.
Nếu Nga hợp vây được như vậy thì quân Ukraine sẽ nằm trong một cái túi khổng lồ và bị chia đôi theo trục Bắc – Nam bởi con sông Dnieper. Quân Nga sẽ lần lượt thanh toán từng khu vực phía Tây và Đông Dnieper mà quân Ukraine không thể ứng cứu cho nhau. Đó là lý do khiến cho quân Nga (với lực lượng ít và chỉ bằng 1/20 lực lượng của Hồng Quân năm 1944) chọn cách thọc sâu để chiếm các nút giao thông.
Với việc khống chế trên không và chốt các nút giao thông thì mặc dù không đủ quân để lập chiến tuyến liên tục quân Nga vẫn có thể hợp vây và tiêu diệt các đội hình lớn của Ukraine. Với một vòng vây lỏng như vậy của quân Nga, quân Ukraine có thể thoát ra theo từng nhóm nhỏ và không có vũ khí hạng nặng – nhưng điều đó có nghĩa là cánh quân phía Đông sẽ tan rã.
Tới ngày thứ 9 của cuộc chiến, việc Kiev không nắm được và điều động các đơn vị quân đội của mình đã rõ ràng. Chúng ta không thấy hình ảnh các đơn vị xe tăng, cơ giới hay thậm chí là bộ binh hành quân bộ tiến từ phía Tây sang giải cứu thủ đô Kiev hay Kharkov (thành phố lớn thứ 2 của Ukraine).
Tất cả cái chúng ta thấy là hình ảnh người dân Ukraine được phát súng và tự làm chai cháy Molotov. Ở VN, ai từng sống qua năm 1979 thì sẽ thấy cảnh khác. Song song với việc thanh niên nhập ngũ thì là những đoàn dài quân đội chính quy, tăng thiết giáp và vũ khí từ phía Nam kéo qua Hà Nội để lên biên giới phía Bắc. Ngày đó, tôi còn bé tí nhưng vẫn được các anh chị cùng khu tập thể dẫn ra phố Huế xem bộ đội hành quân từ Nam ra. Ở Ukraine hiện nay, chúng ta không thấy cảnh đó.
2. Thiệt hại của hai bên và truyền thông:
Có một sự khác nhau hoàn toàn giữa truyền thông của Ukraine và Nga. Truyền thông của Ukraine khai thác tối đa hình ảnh các lính Nga bị chết, phương tiện bị phá hủy, tù binh Nga bị sỉ nhục. Trong khi đó thì mặc dù thiệt hại của Ukraine chắc chắn nhiều hơn nhưng phía Nga không hề tiết lộ các hình ảnh đó. Họ cố cho ta thấy hình ảnh lính Nga thân thiện với người dân, cứu trợ nhân đạo và sự chính xác của vũ khí của họ. Rõ ràng là Nga đang truyền thông với tầm nhìn hậu chiến – lúc mà họ sẽ phải chiếm được con tin và khối óc người Ukraine. Người Nga phải trả giá bằng máu rất đắt cho chính sách này của mình.
Ngoài các đợt tấn công chính xác bằng tên lửa thì không quân Nga, khi ném bom, bắn phá các mục tiêu trong khu dân cư buộc phải bay thấp để ném bom cho chính xác. Điều này bộc lộ yếu điểm của Nga là (trái với những gì họ khoe về bom thông minh ở Syria) số lượng bom đạn mà không quân Nga đang sử dụng vẫn chủ yếu là loại thường (bom “ngu”). Việc bay thấp để ném cho chính xác đã khiến cho không quân Nga phải trả giá bằng nhiều máy bay bị bắn rơi.
Các đơn vị Nga khi tiến vào các thành phố cũng không được sử dụng hỏa lực pháo binh hay xe tăng để chế áp quân Ukraine (nhằm tránh thiệt hại cho dân). Điều này dẫn tới việc họ bị phục kích bởi các đơn vị bộ binh Ukraine trong các khu dân cư. Hình ảnh các xác chết của lính dù Nga tại Gostomel ngày hôm qua cho thấy họ bị phục kích ở khoảng cách rất gần. Lính Nga chết ngay trên xe, khi chưa kịp nhảy xuống. Điều này cho thấy, trái với những gì Nga thể hiện ở Syria, các đơn vị của Nga vẫn không được trang bị các thiết bị trinh sát hiện đại như UAV.
Việc Nga trong 2 vòng đàm phán gần đây với Ukraine luôn đặt vấn đề hành lang nhân đạo để dân thường rời khỏi các thành phố bị vây cho thấy họ đang cố tách dân thường ra khỏi quân đội Ukraine (những người mà Nga nói thẳng là dùng dân làm lá chắn sống). Phía Ukraine rất hiểu một khi dân di tản hết thì thành phố của họ, nếu không đầu hàng, sẽ giống Grozny năm 2000. Do đó, khả năng lớn là quân đội Ukraine sẽ ngăn cản dân di tản trở thành vấn đề sống hay chết với họ. Đến lúc này cuộc di tản khỏi Mariupol đã thất bại hoàn toàn vì ở hành lang an toàn có đấu súng.
3. Phản ứng của phương Tây, Nga và Ukraine:
Tôi không bàn về việc cấm vận vì đã có nhiều người nói về vấn đề này. Tôi nêu ở đây phán đoán về những vận động, đàm phán ngầm giữa NATO, Nga và Ukraine. Những vận động, đàm phán ngầm này chắc chắn đang diễn ra và không ai nói công khai. Do đó cần phán đoán trên các phát biểu của các bên và hoàn cảnh phát biểu.
Khởi đầu cuộc chiến, tất cả các nước NATO đã chọn cách họ đã làm như ở Gruzia 2008. Họ phản đối Nga, nhưng không có hành động thực sự mạnh mẽ nào. Để bù lại họ hứa đưa tổng thống Saakashvili ra đi nếu tình hình xấu. Tương tự, vào năm 2022, họ cũng làm đúng như thế với tổng thống Zelensky. Cái mà họ không tính được và chắc là cả Nga cũng không ngờ là tổng thống Zelensky lên TV nói toạc móng heo là phương Tây bỏ rơi Ukraine (ông kể chi tiết là đã gọi cho tất cả bọn họ và tất cả đều từ chối).
Hơn thế nữa, ông nói luôn chuyện họ hứa cho ông một lối đào thoát nhưng ông từ chối. Điều này đã khiến cho cả phương Tây shock và xấu hổ. Trước Zelensky chưa có 1 tổng thống nào làm điều đó – và thành thực mà nói, điều đó có hiệu quả như một tiếng sét nổ giữa trời quang. Các nước phương Tây vì thể diện của mình buộc phải đưa ra những biện pháp cấm vận mạnh nhất chưa có tiền lệ với Nga. Putin, bị cuốn vào theo dòng thời sự, đã lớn tiếng ám chỉ rằng sẵn sàng sử dụng cả vũ khí hạt nhân nếu phương Tây can thiệp.
Đó là một cú lội ngược dòng ngoạn mục mặc dù là phi truyền thống và không có tiền lệ của tổng thống Zelensky. Thành thực mà nói, tôi đánh giá tổng thống Zelensky có tác dụng bằng ½ quân đội Ukraine trong những ngày qua.
Tuy nhiên, rõ ràng là Putin đã thấy tác dụng ngược của lời đe dọa của mình (khi các nước truyền thống trung lập như các nước vùng Scandinavia cũng tuyên bố viện trợ vũ khí cho Ukraine và Thụy Sỹ lần đầu tiên từ bỏ trung lập để cấm vận Nga). Chính vì thế, ông đã chủ động gọi và nói chuyện với tổng thống Pháp gần 1 tiếng rưỡi.
Với ông Macron (và thông qua ông tới các thành viên khác của NATO), Putin nói rằng ông sẽ vẫn tiến hành chiến dịch quân sự đến cùng và những gì ông đòi hỏi vẫn chỉ là mức tối thiểu. Những điều tệ nhất còn chưa xảy ra – ông đe dọa.
Tuy ở bên trong là như vậy nhưng ở bên ngoài, đoàn đại biểu Nga rất kiên nhẫn và chiều lòng đoàn đại biểu Ukraine trong việc sắp xếp 2 vòng đàm phán. Cả 2 lần, bình luận về kết quả đàm phán của phái đoàn Nga đều có vẻ lạc quan hơn lời phát biểu của đoàn Ukraine. Tuy miệng thì nói như vậy nhưng các đơn vị của Nga vẫn tiến liên tục và bắt đầu chiếm các thành phố quan trọng nếu quân Ukraine bỏ ngỏ (như Kherson). Điều này cho thấy người Nga đang chơi bài bàn tay sắt bọc nhung.
Có vẻ như các cuộc vận động ngầm của Putin đã có hiệu lực nên khi ông Zelensky tung tin ra là các nước Đông Âu sẽ viện trợ 70 máy bay chiến đấu cũ của Sô Viết thì cả tổng thư ký NATO lẫn tổng thống Ba Lan đều thẳng thừng từ chối và nói rõ là họ không muốn đối đầu Nga. Tiếp theo đó đề nghị của Zelensky về việc lập vùng cấm bay trên trời Ukraine cũng bị từ chối. Như đã nói ở đầu, việc Nga khống chế bầu trời đã khiến toàn bộ quân đội Ukraine không thể di chuyển.
Do đó việc NATO từ chối lập vùng cấm bay có nghĩa là làm cho tình hình Ukraine càng nguy ngập thêm. Tiếp đó, thủ tướng Đức lại tuyên bố rằng việc không để Ukraine gia nhập NATO vào năm ngoài là việc đúng đắn.
Đến lúc này thì Putin lại đưa ra một tuyên bố mới thoạt nghe là xuống nước. Ông ấy nói rằng các nước phương Tây không nên cấm vận Nga. Ông ấy nói đại ý là kiểu gì thì cũng phải làm ăn với nhau (và Nga thậm chí có thể lợi dụng sự cấm vận này cho sự phát triển của mình) và Nga vẫn đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Nếu nghe kỹ thì dường như ông nói với Phương Tây là công việc của ông với Ukraine sắp xong và phương Tây nên tính tới chuyện làm ăn sau đó. Tôi suy nghĩ mãi về ý mà Putin nói là Nga vẫn tuân thủ các nghĩa vụ của mình là gì.
Sau khi tôi nhìn vào bản đồ các đường ống dẫn khí qua Ukraine thì hiểu (bản đồ màu vàng). Đó chính là việc Nga vẫn bán và phương Tây vẫn mua khí đốt tự nhiên qua đường dẫn trên đất Ukraine. Tất cả các thành phố lớn mà Nga bao vây chứ không đánh (Kiev, Kharkov hay Summy) đều là các đầu mối đấu nối của các đường dẫn khí từ Nga sang.
Ngay cả phía Ukraine cũng không dám cắt các đường ống khí này hay phá hoại nó để gây sức ép với Nga và phương Tây. Điều này cho thấy, dù Ukraine có tuyệt vọng, phương Tây vẫn buộc họ không được phá hoại các đường ống dẫn khí. (Còn nhớ hồi chiến tranh vùng Vịnh lần 1, quân Iraq đã đốt toàn bộ các giếng dầu của Kuwait trước khi rút lui).
Có lẽ vừa bị từ chối từ máy bay tới vùng cấm bay lẫn việc vẫn phải giữ đường cung cấp khí cho Nga khiến cho Zelensky nổi khùng lên và buộc tội các nước NATO là hèn nhát và tự kỷ ám thị nỗi sợ Nga. Việc cơ quan an ninh Ukraine bắt giữ một thành viên đoàn đàm phán với Nga vì tội phản quốc dẫn tới cái chết của ông này lại càng cho thấy sự rối ren của Ukraine. Vụ lên đồng của Zelensky cho thấy ông lên cơn vì dường như Nga và phương Tây đang ngầm đàm phán sau lưng Ukraine.
4. Người tị nạn và không hạ cờ Ukraine.
Trái với việc cho rằng quân Nga đã không tính toán kỹ khi tiến vào Ukraine, người Nga cho thấy họ đã tính toán rất nhiều yếu tố. Chỉ trong vòng 9 ngày đã có hơn 1 triệu người Ukraine tị nạn sang phương Tây. Các nước phương Tây giờ đây buộc phải tính toán quota nhận người tị nạn với số lượng sẽ lên tới nhiều triệu trong thời gian tới. Những người tị nạn sẽ là một gánh nặng lên hệ thống phúc lợi châu Âu vừa chịu một đòn nặng khủng khiếp của covid trong 2 năm qua.
Anh đã tuyên bố họ chỉ có thể tiếp nhận 200 ngàn người tị nạn. Mặc dù châu Âu có tuyên bố về việc thời gian bước đầu là 1 năm phúc lợi cho người tị nạn nhưng ai cũng biết là họ sẽ ở lại rất nhiều năm ở phương Tây như những người tị nạn từ Trung Đông trước đó. Cả Nga và Belarus đã biết điều này khi vào năm ngoái, Belarus tạo điều kiện cho người tị nạn cố tràn vào châu Âu qua ngả Ba Lan.
Một tình tiết thứ hai đáng lưu ý là ở các thành phố mà quân Nga chiếm ngoài vùng đất của 2 nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass thì lính Nga không hạ cờ Ukraine xuống. Rõ ràng là phía Nga, dù có muốn chia cắt Ukraine thì cũng sẽ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý như ở Crimea nên không để lính của mình hạ cờ Ukraine như là một hành vi chiếm đóng.
Điều này cho thấy người Nga đã nghĩ tới cả những tình tiết rất nhỏ trong kế hoạch của họ. Và cuộc trưng cầu dân ý bầu chính quyền mới hay tuyên bố độc lập nào đó của vùng Đông Ukraine lại liên quan chặt chẽ tới người tị nạn. Đa phần người tị nạn đi từ vùng này và họ có lý do để không thích hoặc sợ quân Nga. Việc hàng triệu người bỏ sang châu Âu sẽ khiến cho họ không bỏ phiếu ở vùng Đông Ukraine. Đây là một cách “khéo léo” thanh lọc những người không ủng hộ mình của Nga.
Trên đây chỉ là một vài nhận định của tôi. Mọi thứ còn đang ở phía trước.
–/-
Cre: Luật sư Thái Bảo Anh