Bổ sử ký – Tam Hoàng bản kỷ: Truyền kỳ về thời Tam Hoàng trong lịch sử Trung Quốc

van lang

Tích Dã dịch

(Đường 唐 – Tư Mã Trinh 司馬貞 biên soạn và chú giải)

Người dịch chú thích rằng:

– “Người thời Hán 漢 là Tư Mã Thiên 司馬遷 làm Sử ký 史記 chỉ chép từ thời Ngũ Đế 五帝 về sau mà không chép về thời Tam Hoàng 三皇, chỉ gián tiếp nhắc đến mà thôi. Tuy nhiên các sách vở trước đó và đời sau đều có chép đến Tam Hoàng theo thể văn truyền kỳ. Thời Đường 唐 có Tư Mã Trinh 司馬貞 cóp nhặt các ghi chép đời trước về thời Tam Hoàng gọi là Tam Hoàng bản kỷ 三皇本紀 để bổ sung vào Sử ký. Tuy nhiên thời Tam Hoàng vẫn là thời hồng hoang, không thể xem là chính sử.”

Ông Tư Mã nhỏ (Tiểu Tư Mã Thị 小司馬氏: tức Tư Mã Trinh tự xưng) nói:

– “Ông Thái Sử (Thái Sử Công 太史公: tức Tư Mã Thiên 司馬遷) làm Sử ký 史記, ghi chuyện vua tôi xưa nay, nên phải trên từ thời mở mang, dưới đến thời nay, để cho thấy chuyện đầu đuôi của một nhà. Nay (Sử ký) thiếu chuyện Tam Hoàng 三皇 mà lấy chuyện Ngũ Đế 五帝 làm đầu, chính là vì sách Đại Đái lễ 大戴禮 có chương Ngũ Đế đức 五帝德, lại nữa sách về các đời vua đều chép chuyện từ thời Ngũ Đế về sau, cho nên nhân đó lấy Ngũ Đế bản kỷ 五帝làm đầu. Thực ra từ thời Tam Hoàng về trước ít có sách vở ghi chép. Nhưng cái gốc của vua tôi, cái nguồn của giáo hóa, đã nói ở sử cũ, cũng không nên để sót. Gần đây Hoàng Phủ Mật (Hoàng Phủ Mật 皇甫密: tác giả thời Tây Tấn) làm Đế vương đại kỷ (Đế vương đại kỷ 帝王代紀: thường gọi là Đế vương thế kỷ 帝王世紀), Từ Chỉnh (Từ Chỉnh 徐整: tác giả thời Tam quốc) làm Tam ngũ lịch 三五曆, đều nói chuyện từ thời Tam Hoàng về sau. Đấy cũng là một lời chứng cho chuyện về thời gần xưa, nay tôi nhặt hết lại mà soạn nên Tam Hoàng bản kỷ 三皇本紀. Tuy còn nông cạn, nhưng tạm chắp vá cho chỗ thiếu sót vậy.”

Thái Hạo 太皡, còn gọi là ông Bào Hy (Bào Hy Thị 庖犧氏) , thuộc họ Phong (Phong tính 風姓), thay ông Toại Nhân (Toại Nhân Thị 燧人氏), vâng mệnh trời mà làm vua. Mẹ ông là Hoa Tư 華胥, dẫm vào vết chân người lớn ở đầm Lôi Trạch 雷澤 mà (có chửa) sinh ra Bào Hy ở đất Thành Kỷ 成紀. Ông mang thân rắn nhưng đầu người. [1] Ông có đức thánh, ngẩng lên thì xem hình tượng ở trên trời, cúi xuống thì nhìn muôn vật ở dưới đất. Nhìn xem vết chân của muông thú, hình thế tiện lợi của đất đai, gần thì xét ở thân mình, xa thì xét ở muôn vật, bắt đầu vẽ ra tám quẻ (bát quái 八卦: tám hình vẽ biểu thị cho muôn vật) để thông với cái đức của thần minh, để biết cái tình của muôn vật. Làm ra thư khế (thư khế 書契: nét vẽ lúc đầu của chữ viết) để thay cho lối thắt gút (kết thằng 結繩: dùng dây buộc thắt gút để ghi nhớ sự việc). Do đó bắt đầu đặt ra lệ cưới gả (làm vợ chồng), dùng da hươu để làm lễ hỏi. [2] Ông dạy người dân buộc tấm lưới võng để săn bắt (chim muông và tôm cá), cho nên gọi là ông Mật Hy (Mật Hy Thị 密羲氏). [3] Ông dạy người dân nuôi con thú hy sinh (gia súc để xẻ thịt như bò, dê, lợn…) để nấu bếp, cho nên cũng gọi là Bào Hy 庖犧 . Có điềm lành rồng hiện, cho nên lấy tên ‘Long’ để gọi quan lại, hiệu là Long sư 龍師. Làm ra đàn sắt (sắt 瑟: một loại đàn thời xưa) có ba mươi lăm dây. Ông theo đức thuộc hành Mộc 木 mà làm vua, chủ về mùa xuân. Cho nên kinh Dịch 易 chép đế vương nổi lên ở quẻ Chấn 震 (chủ về phương đông), chương Nguyệt lệnh 月令 chép đầu mùa xuân có đế vương làm chủ là Thái Hạo 太皡 vậy. [4] Đóng đô ở đất Trần 陳, sang phía đông làm lễ tế trời ở núi Thái (Thái sơn 太山), làm vua được mười một năm thì mất. [5] Dòng dõi của ông vào thời Xuân thu có người các nước Nhâm 任, Túc 宿, Tu 須, Câu 句, Chuyên Du 顓臾, đều là người thuộc họ Phong vậy.

[1] Xét: Chỗ chép ông Phục Hy thuộc họ Phong, là từ sách Quốc ngữ 國語. Chỗ chép từ Hoa Tư về sau là từ Đế vương thế kỷ. Lôi Trạch là tên đầm, là chỗ Thuấn (Thuấn 舜: là vị vua hiền thời Ngũ Đế) bắt cá, ở (quận) Tế Âm 濟陰. Thành Kỷ cũng là tên đất. Xét (quận) Thiên Thủy 天水 có huyện Thành Kỷ.

[2] Xét: Cổ sử khảo 古史考 của Tiếu Châu (Tiếu Châu 譙周: tác giả thời Tam quốc) chép Phục Hy 伏羲 đặt ra lệ cưới gả, lấy da hươu làm lễ hỏi.

[3] Xét: Chỗ chép này là từ Hán thư lịch chí 漢書曆志 . Mật, còn đọc là ‘phục’.

[4] Xét: Ngôi vị ở phương đông, tượng trưng cho ánh sáng của Mặt Trời, cho nên gọi là Thái Hạo. Hạo là sáng vậy.

[5] Xét: Hoàng Phủ Mật nói Phục Hy được chôn ở đất Nam Quận 南郡, có thuyết nói gò mộ ở phía tây (huyện) Cao Bình 高平 (quận) Sơn Dương 山陽.

Ông (bà) Nữ Oa (Nữ Oa Thị 女媧氏) cũng thuộc họ Phong, mang mình rắn nhưng đầu người, có đức của thần thánh, thay ông Mật Hy làm vua, gọi là ông (bà) Nữ Hy (Nữ Hy Thị 女希氏), không làm nên cái gì thêm, chỉ làm ra cái khèn bè. [6] Cho nên kinh Dịch 易 không nói đến, không ứng theo ngũ vận (chỉ ngũ hành 五行). Có thuyết nói Nữ Oa cũng theo hành Mộc mà làm vua, có lẽ là sau thời ông Phục Hy đã trải mấy đời nữa, các hành Kim-Mộc (và các hành Thổ-Hỏa-Thủy) xoay chuyển xong một vòng lại về như lúc đầu (ngũ hành khởi đầu từ Mộc), chỉ nêu Nữ Oa vì có công lớn mà xếp vào Tam Hoàng, cho nên giống theo hành Mộc mà làm vua vậy. Vào lúc cuối thời (bà Nữ Oa), chư hầu có ông Cộng Công (Cộng Công Thị 共工氏) dùng trí xảo mà lớn mạnh nhưng không được làm vua, muốn theo hành Thủy để tiếp nối hành Mộc, bèn đánh nhau với ông Chúc Dung (Chúc Dung 祝融), không thắng mà tức giận, bèn đâm đầu vào núi Bất Châu 不周山, làm cho núi lở, cột chống trời bị gãy, bốn góc đất bị sụt. Nữ Oa liền nấu đá năm màu để vá trời, chặt bốn chân con ngao (ngao 鰲: một loài rùa lớn thời xưa) để làm bốn cây cột chống bốn góc, chất tro cây lau để ngăn nước lụt, để cứu vớt đất Ký châu 冀州 (một trong chín châu thời xưa ở Trung Quốc). [7] Do đó đất bằng trời cao, không đổi vật cũ. Bà Nữ Oa mất, ông Thần Nông (Thần Nông Thị 神農氏) lên thay làm vua. [8]

[6] Xét: Lễ minh đường vị 禮明堂位 và Hệ bản 系本, đều chép bà Nữ Oa làm ra khèn bè.

[7] Xét: Chỗ chuyện này chép từ Hoài Nam Tử 淮南子.

[8] Xét: Các sách chép về Tam Hoàng không giống nhau. Tiếu Châu cho rằng Toại Nhân thuộc Tam Hoàng, Tống Quân 宋均 cho rằng Chúc Dung thuộc Tam Hoàng. Trịnh Huyền 鄭玄 theo sách Xuân thu vĩ 春秋緯 cho rằng Nữ Oa thuộc Tam Hoàng, là người tiếp nối Phục Hy, Hoàng Phủ Mật cũng giống như vậy, cho nên nay tôi dựa vào đó mà nói.

Viêm Đế 炎帝 là ông Thần Nông (Thần Nông Thị 神農氏), thuộc họ Khương (Khương tính 姜姓). Mẹ ông là Nữ Đăng 女登, là con gái của ông Hữu Oa (Hữu Oa Thị 有媧氏), làm vợ của ông Thiếu Điển 少典, cảm rồng thần mà (có chửa) sinh ra Viêm Đế. Ông mang thân người nhưng đầu bò, lớn lên ở bên sông Khương (Khương thủy 姜水), nhân đó đặt ra họ ấy. [9]

[9] Xét: Quốc ngữ chép Viêm Đế-Hoàng Đế 黃帝 đều là con trai của ông Thiếu Điển, mẹ của hai ông ấy lại đều là con gái của ông Hữu Oa. Dựa theo sách của các nhà và sách Cổ sử khảo chép thì dòng dõi của Viêm Đế có tám đời, trải hơn năm trăm năm thì ông Hiên Viên (Hiên Viên Thị 軒轅氏) tiếp nối lên làm vua. Lẽ nào Viêm Đế-Hoàng Đế là anh em và cùng cha mẹ được đây? Hoàng Phủ Mật cho rằng Thiếu Điển-Hữu Oa là tên nước chư hầu, vậy thì hai vua họ Khương 姜 (chỉ Viêm Đế) và họ Cơ 姬 (chỉ Hoàng Đế) cùng sinh ra bởi ông Thiếu Điển, mà mẹ của Hoàng Đế lại là con gái đời sau của mẹ ông Thần Nông, cho nên cùng là con gái của ông Hữu Oa vậy.

Ông theo hành Hỏa 火 mà làm vua, cho nên gọi là Viêm Đế, lấy tên ‘Hỏa’ để gọi quan lại. Chặt cây là cày, đẽo gỗ làm bừa, làm các đồ cày cấy để dạy cho muôn dân. Bắt đầu dạy dân cách trồng trọt, cho nên gọi là ông Thần Nông. Do đó đặt ra lễ tế chạp (lạp tế 蜡祭: lễ tế tông miếu tổ tiên vào cuối năm). Dùng cái roi màu đỏ để đập cây cỏ (truyền thuyết nói là ông Thần Nông có cây roi thần đập vào cây cỏ để biết có độc hay làm thuốc được hay không). Bắt đầu nếm trăm loại cỏ. Bắt đầu làm ra thuốc chữa bệnh. Lại làm nên đàn sắt có năm dây. Dạy dân giữa ngày họp chợ, trao đổi (đồ dùng hàng hóa) xong thì về, đều đâu ra đó. Lại chồng tám quẻ thành sáu mươi tư hào quẻ. Mới đầu đóng đô ở đất Trần 陳, sau (dời đến) ở đất Khúc Phụ 曲阜. [10]

[10] Xét: (Quận) Hoài Dương 淮陽ngày nay có giếng Thần Nông. Lại theo Tả truyện 左傳 chép nước Lỗ 魯 có kho chứa của ông Đại Đình (Đại Đình Thị 大庭氏) là vậy.

Ông làm vua một trăm hai mươi năm thì mất, chôn ở đất Trường Sa 長沙. Ông Thần Nông vốn nổi lên ở núi Liệt Sơn (Liệt Sơn 烈山) , cho nên ông Tả (Tả Thị 左氏: tức tác giả của Tả truyện 左傳 là Tả Khâu Minh 左丘明) chép “Con của ông Liệt Sơn tên là Trụ (Trụ 柱: một tên gọi của các đời vua sau ông Thần Nông) cũng gọi là ông Lệ Sơn (Lệ Sơn Thị 厲山氏) thời xưa có được thiên hạ” là vậy. [11]

[11] Xét: Trịnh Huyền nói núi Lệ Sơn (Lệ sơn 厲山) là chỗ mà Thần Nông nổi lên, cũng gọi là núi Liệt Sơn. Hoàng Phủ Mật nói núi Lệ Sơn ở (làng) Lệ Hương 厲鄉 thuộc (huyện) Tùy 隨 ngày nay vậy.

Thần Nông lấy con gái của ông Bôn Thủy (Bôn Thủy Thị 奔水氏) tên là Thính Bạt 聽詙 làm vợ, sinh ra Đế Ai 帝哀. Đế Ai sinh ra Đế Khắc 帝克. Đế Khắc sinh ra Đế Du Võng 帝榆罔. Cả thảy là tám đời vua, trải năm trăm ba mươi năm (530 năm) thì ông Hiên Viên nổi lên thay làm vua. [12]

[12] Xét: Dòng dõi của Thần Nông cả thảy là tám đời vua, chuyện này chép từ Đế vương đại kỷ và Cổ sử khảo. Tuy các sách cổ đã mất rồi, nhưng hai ông Tiếu-Hoàng (Tiếu Châu và Hoàng Phủ Mật) đều là người quân tử nổi danh thời trước, xét theo sách cũ mà soạn nên sách ấy. Đến nay há lại bỏ trống sao? Cho nên tôi dựa vào đó để chép (Tam Hoàng bản kỷ). Kinh Dịch chép “Ông Thần Nông mất”, tức ông Du Võng mất. Du Võng vẫn nối dùng hiệu Thần Nông vậy.

Dòng dõi của ông là vua các nước Châu 州, Phủ 甫, Cam 甘, Hứa 許, Hí 戲, Lộ 露, Tề 齊, Kỷ 紀, Di 怡, Hướng 向, Thân 申, Lữ 呂, đều thuộc họ Khương, cùng làm chư hầu, hoặc chia ra nắm giữ chức Tứ nhạc 四岳. Vào thời nhà Châu có Phủ Hầu 甫侯 và Thân Bá 申伯 đều làm Tể tướng giỏi của nhà vua (nhà Châu), có vua các nước Tề và nước Hứa xưng bá ở Trung Quốc. Có lẽ đức trạch của thánh nhân rộng lớn, cho nên dòng dõi được hưởng phúc rạng rỡ lâu dài vậy.

Có một thuyết khác nói về Tam Hoàng, gọi Thiên Hoàng 天皇, Địa Hoàng 地皇, Nhân Hoàng 人皇 là Tam Hoàng. Như vậy vào buổi đầu mở mang, lúc mới có vua tôi, là chuyện mà sách Đồ vĩ 圖緯chép lại, không nên bỏ hết, cho nên tôi chép luôn ở đây.

Vào lúc trời đất mới sinh, có ông Thiên Hoàng, trên mình có mười hai cái đầu, ông sống đạm bạc không làm gì mà muôn dân tự giáo hóa, theo hành Mộc mà làm vua, mở đầu lúc sao Tuế (tức sao Mộc, chu kỳ 12 năm trên vòm trời) mọc ở chòm sao Nhiếp Đề 攝提. Có mười hai người anh em, đều ở ngôi vua được một vạn tám nghìn năm (18.000 năm). [13]

Ông Địa Hoàng có mười một cái đầu, theo hành Hỏa mà làm vua, trong họ có mười một người, nổi lên ở các núi Hùng Nhĩ 熊耳-Long Môn 龍門, cũng đều ở ngôi được một vạn tám nghìn năm (18.000 năm).

Ông Nhân Hoàng có chín cái đầu, cưỡi xe mây có sáu cái cánh chim, nổi lên ở cửa hang, có chín người anh em, chia ra làm vua của chín châu (cửu châu九州: chỉ đất Trung Quốc xưa), đều dựng thành ấp, cả thảy trải một trăm năm mươi đời, cộng lại là bốn vạn năm nghìn sáu trăm năm (45.600 năm). [14]

Từ sau thời ông Nhân Hoàng có thời ông Ngũ Long (Ngũ Long Thị 五龍氏), [15] thời ông Toại Nhân (Toại Nhân Thị 燧人氏), [16] thời ông Đại Đình (Đại Đình Thị 大庭氏), thời ông Bách Hoàng (Bách Hoàng Thị 栢皇氏), thời ông Trung Ương (Trung Ương Thị 中央氏), thời ông Quyển Tu (Quyển Tu Thị 卷須氏), thời ông Lật Lục (Lật Lục Thị 栗陸氏), thời ông Li Liên (Li Liên Thị 驪連氏), thời ông Hách Tư (Hách Tư Thị 赫胥氏), thời ông Tôn Lô (Tôn Lô Thị 尊盧氏), thời ông Hồn Độn (Hồn Độn Thị 渾沌氏), thời ông Hạo Anh (Hạo Anh Thị 昊英氏), thời ông Hữu Sào (Hữu Sào Thị 有巢氏), thời ông Chu Tương (Chu Tương Thị 朱襄氏), thời ông Cát Thiên (Cát Thiên Thị 葛天氏), thời ông Âm Khang (Âm Khang Thị 陰康氏), thời ông Vô Hoài (Vô Hoài Thị 無懷氏). Đấy có lẽ là hiệu của những người có thiên hạ từ thời Tam Hoàng về sau này. [17] Nhưng sách vở không ghi, chẳng biết tên họ, số năm làm vua và chỗ đóng đô. Mà sách Hàn thi 韓詩 cho rằng thời xưa có hơn một vạn vị vua từng tế trời ở núi Thái và tế đất ở núi Lương Phủ 梁甫, Trọng Ni 仲尼 (tức Khổng Khâu 孔丘 tên chữ là Trọng Ni) xem qua nhưng không thể nhớ hết. Quản Tử 管子 (tức Quản Trọng 管仲 tên chữ là Di Ngô 夷吾) cũng nói thời xưa có bảy mươi hai vị vua từng tế trời ở núi Thái. Di Ngô cũng chỉ biết được tên mười hai vị, đứng đầu là ông Vô Hoài, nhưng trước ông Vô Hoài, từ thời ông Thiên Hoàng về sau thì số năm xa xôi, biết sao được vị vua nào lên núi Thái mà tế trời? Dù sách xưa đã mất, không ghi lại được, há vì thế mà cho rằng không có vị vua nào (thời Tam Hoàng) sao? Cho nên Xuân thu vĩ 春秋緯 chép từ thủa mở mang đến lúc bắt được con lân (chỉ năm thứ mười bốn thời Lỗ Ai Công 魯哀公 đi săn bắt được con lân) cả thảy là ba trăm hai mươi bảy vạn sáu nghìn năm (3.276.000 năm), chia làm mười kỷ, mỗi đời là bảy vạn sáu trăm năm (70.600 năm). Một là kỷ Cửu Đầu (Cửu Đầu kỷ 九頭紀), hai là kỷ Ngũ Long (Ngũ Long kỷ 五龍紀), ba là kỷ Nhiếp Đề (Nhiếp Đề 攝提紀), bốn là kỷ Hợp Lạc (Hợp Lạc kỷ 合雒紀), năm là kỷ Liên Thông (Liên Thông kỷ 連通紀), sáu là kỷ Tự Mệnh (Tự Mệnh kỷ 序命紀), bảy là kỷ Tu Phi (Tu Phi kỷ 脩飛紀), tám là kỷ Nhân Đề (Nhân Đề kỷ 因提紀), chín là kỷ Thiền Thông (Thiền Thông 禪通紀), mười là kỷ Lưu Cật (Lưu Cật kỷ 流訖紀). Có lẽ kỷ Lưu Cật là thời Hoàng Đế 黃帝, gọi tên cho chín kỷ trước. Cho nên tôi chép ở đây, chắp vá thêm vào vậy.

[13] Xét: Có lẽ vào lúc trời đất mới sinh ra thì có người thần bắt đầu đi giáo hóa, cho nên số tuổi đời mới lâu dài như vậy. Nhưng nói là có mười hai cái đầu, không phải là mười hai cái đầu trên mình của một người. Có lẽ là vì thời xưa sánh mình như số cái đầu của muông thú vậy.

[14] Xét: Chỗ chép từ Thiên Hoàng về sau đây đều từ sách Hà đồ 河圖 và Tam ngũ lịch.

[15] Ông Ngũ Long có năm anh em đều cưỡi rồng đi lại, cho nên gọi là ông Ngũ Long.

[16] Xét: Vua thời này dùi khoan ra lửa, dạy dân nấu chín đồ ăn, ở trước thời ông Phục Hy. Tiếu Châu cho rằng (Toại Nhân) là đứng đầu của Tam Hoàng vậy.

[17] Xét: Hoàng Phủ Mật cho rằng từ thời ông Đại Đình về sau có mười lăm vị vua đều tiếp nối gọi là Bào Hy. Chuyện này tôi chưa biết qua, khó mà dựa vào đây. Nhưng xét những vị vua thời xưa từng tế trời ở núi Thái, đứng đầu có ông Vô Hoài, là vị ở trước thời Thái Hạo, sao giống như lời mà (Hoàng Phủ) Mật nói?

10 thoughts on “Bổ sử ký – Tam Hoàng bản kỷ: Truyền kỳ về thời Tam Hoàng trong lịch sử Trung Quốc

  1. Đọc xong bài này tôi bị nổ tung luôn ! ! ! Thời hồng hoang của TQ lên đến 3.270.000 năm? ? ? Phép cân đâu vân của Tề Thiên còn kém xa luôn !!! Không biết cái ông Tư Mã con này lấy nguồn từ đâu nhỉ ??? Ngay như tên của các vị như Đế Lai thì sửa lại là Đế Ai và các vị khác nữa khiến cho người đọc không hiểu những người đó là ai nữa có lẽ tài bốc khoét của ông ta mà thôi ! ! ! Ngay cả tên họ của những người này quá rõ ràng vậy mà vẫn nói sai thì thử hỏi những gì ông ta viết có gì đúng với sự thật không ???
    Viêm Đế tức là Du Dõng ( Đế Du ) là con của Đế Lai . Mẹ là HỮU Kiều ( thuộc tộc họ là HỮU ) thuộc thì tộc Khương ( thời bấy giờ một thị tộc có nhiều tộc họ ) thuộc tộc yêu . thị tộc này là thờ rắn và thần mặt trời trời ( vì họ là một trong các chủng người được một chủng người đại văn minh CHÍ DƯƠNG bảo trợ ) . bà này trước ưng Thiếu Điển thuộc họ tộc Hùng ( gấu ) thuộc thị tộc Thần Nông ( ở vùng Hoa Dương ở phía Tây Trùng Khánh ngày nay nay ) sinh ra Hiên Viên về sau đánh thắng Viêm Đế ( em cùng mẹ khác cha ) và lên ngôi Hoàng Đế. Mẹ của bà HỮU Kiều là Nhậm Tự thuộc thị tộc Thần Nông . Như vây Hiên Viên Hoàng Đế chỉ có 25 % gen di truyền của thị tộc Khương mà thôi ! ! !
    Phục Hy và Nữ Oa là con của Bàn Cổ và cũng là vợ chồng, được vua nước Mễ ( ở vùng núi Ba Thục Thiểm Tây nhường ngôi cho ( nay là ở Thành Đô ) và làm vua được 100 năm . Có lẽ ông ta di chuyển từ hướng tây bắc xuống thời tiết băng giá nên chủng người này lấy da thú cuốn quanh người chỉ chừa phần đầu lộ ra và phần dưới tớp lại giống như một con rắn nên mới bị gọi là mình rắn! !!
    Đế Ngưu Thuâ’n có nguồn gốc ở núi Cửu Nghi Sơn thuộc Nam Lĩnh thì chỗ ông ngồi câu cá chắc cũng ở vùng này mà thôi ! ! ! Vậy mẹ của Phục Hy có mang tại ông ta tại vùng này. Vậy thì ông ta phải có nguồn gốc tại vùng này mới đúng chứ ? ? ?
    Như vây Đế Lai sau khi để mất Âu Cơ ( bà Âu Cơ có mẹ là tộc họ là Hùng ( gấu ) ông ta mới đi ngược dòng sông Trường Giang khi qua khỏi Trùng Khánh ( ngày nay ) ông ta ghé lại bờ tây của con sông Háng Thủy là nơi của tộc họ Hùng ( gấu ) và gặp bà HỮU Kiều ở đây và sinh ra Du Dõng tức Viêm Đế ( ông ta đi đường sông này để về Trường An ) 《 vào thời điểm này vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ 》
    Phục Hy làm vua ở Thành Đô và sau đó chuyển về Hàm Dương chứ không có phải ở đất Trần của tỉnh Hà Nam ngày nay ! ! . Đế đô này là của Thanh Kiền ( Thanh Đế ) là con trai cả của Phục Hy. Và là một trong năm vị Ngũ Đế ” Thanh Đế, Xích Đế ( Châu Tước con thứ hai ) ở Xích Đế Thành sau đổi thành thành Bạch Đế nay nằm trong lòng hồ của đập Tam Hiệp. , Bạch Đế là Hoàng Nam là con thứ ba Đế đô là ở Thành Đô , Hắc Đế là Huề Mặc Kiềm là con út Đế đô ở U Đô thuộc tỉnh Thái Nguyên ngày nay, Hoàng Đế chính là ông ta Đế đô sau là Trường An ngày nay. Đây mới đúng là Ngũ Đế
    Tóm lại những dữ liệu này có lẽ họ tự bịa đặt ra mà thôi! ! ! ( Ngay như Phục Hy có sách ghi là sinh vào khoảng 4600 năm TCN ) là số năm lớn nhất vậy mà số liệu ở bãi này. ? ? ?

    Đã thích bởi 1 người

    • Ông Tiểu Tư Mã thời Đường chỉ dựa theo các sách cũ mà chép thôi, là sách Quốc ngữ 國語, Tả truyện 左傳 thời Chiến quốc, là sách Hoài Nam Tử 淮南子 thời Hán, là sách Cổ sử khảo 古史考, Tam ngũ lịch 三五曆 thời Tam quốc, là sách Đế vương thế kỷ 帝王世紀thời Tây Tấn. Do niên đại xa xôi, những chuyện về Tam Hoàng là truyền kỳ, không được xem là chính sử.

      Các sách cũ từng chép thế hệ 8 đời Thần Nông, do sao chép lỗi hoặc sai sót truyền kỳ nên có tên gọi khác nhau, nhưng đều ghi là 8 đời. Ở đây Tiểu Tư Mã chỉ ghi tắt là Đế Ai, Đế Khắc, Đế Du Võng vậy.

      Nhiều chuyện nữa, phải đọc nhiều sách nữa mới có cái nhìn tổng quát.

      Thích

  2. Ngay cả Tam Hoàng bản kỷ 三皇本紀 do Tiểu Tư Mã soạn từ thời Đường, trải hơn 1.000 năm đến nay, sao chép qua lại, hoặc người đời sau chú giải thêm, cũng có bản in khác.

    Ví dụ theo bản in này: https://zh.m.wikisource.org/zh-hant/%E4%B8%89%E7%9A%87%E6%9C%AC%E7%B4%80

    神農納奔水氏之女,〈〉曰聽訞為妃,生帝魋。魋生帝承,承生帝明,明生帝直,直生帝氂,氂生帝哀,哀生帝克,克生帝榆𦊀。凡八代,五百三十年而軒轅氏興焉。
    Thần Nông lấy con gái của ông Bôn Thủy, [Có chỗ chép Thần Nông lấy con gái của ông Bôn Thủy là Thính Phi Bạt làm vợ.] là Thính Yêu làm vợ, sinh ra Đế Khôi. Khôi sinh ra Đế Thừa. Thừa sinh ra Đế Minh. Minh sinh ra Đế Trực. Trực sinh ra Đế Li. Li sinh ra Đế Ai. Ai sinh ra Đế Khắc. Khắc sinh ra Đế Du Võng. Cả thảy là tám đời, năm trăm ba mươi năm thì ông Hiên Viên nổi lên.

    ________

    Theo đó thế hệ dòng Thần Nông là: Thần Nông 神農 – Đế Khôi 帝魋 – Đế Thừa 承 – Đế Minh 帝明 – Đế Trực 帝直 – Đế Li 帝氂 – Đế Ai 帝哀 – Đế Khắc 帝克 – Đế Du Võng 帝榆𦊀.

    – Vợ của Thần Nông là Thính Bạt 聽詙, nhầm mặt chữ Bạt 詙 và Yêu 訞, nên cũng gọi là Thính Yêu 聽訞.

    – Đế Li 帝氂 tức Đế Lai 帝來, vì Li 氂 và Lai 來 đồng âm.

    – Đế Trực 帝直 tức Đế Nghi 帝宜, vì Trực 直 và Nghi 宜 nhầm mặt chữ.

    Thích

  3. Tác giả nghĩ sao về con sô 3.270.000 năm ? ? Ở vào thời điểm này liệu có một quốc gia nào có chế độ vua chúa không vậy? ? ?
    Đọc nhiều sách thì rất tốt nhưng cũng phải biết phân biệt đâu là tư liệu đúng, phù hợp v v đâu là tư liệu sai lệch, không phù hợp vv. Có như vậy thì ta mới có được những kiến thức bổ ích, còn nếu ta không phân biệt được thì chẳng khác gì ta có được một ” ĐỐNG PHẾ LIỆU ” mà thôi ! ! !
    Tác giả cũng thừa biết tệ nạn TAM SAO THẤT BẢN hay tự bịa đặt ra vì một mục đích nào đó v v Chứ ? ? ? Chẳng hạn như các sách sử của ta từ thời Trần -Lê trở về sau tự bịa đặt đặt ra KỶ HỒNG BÀNG THỊ và cho rằng Đế Minh và con là Kinh Dương Vương là tổ tiên của người Việt v v mà không hề có một chút dữ liệu nào hết! ! ! ! Điều đáng buồn cười nhất là họ nhận giặc làm tổ tiên của mình vì những kẻ này chẳng có liên quan gì đến miền bắc của VN cả ! Và cũng không có liên quan gì đến 18 đời vua Hùng Vương cả ! Vì các con của Lạc Long Quân lấy theo họ của người mẹ điều là Hùng ( gấu ) còn các vua Hùng ở miền bắc VN là Hùng ( gà ) . Ngay cả 18 vị vua Hùng ở miền bắc VN cũng là những kẻ ngoại bang đến xâm chiếm miền bắc của VN . Như vây có nghĩa là miền bắc của VN đã bị bọn người phương bắc đô hộ từ đời vua Hùng Vương thứ nhất. Và phải gần 1700 năm bị đô hộ chứ không phải là một ngàn năm đâu nhé ! ! !
    Suốt thời gian đô hộ này họ đã hủy hoại toàn bộ nền văn hoá và sử sách của những người sống ở miền Bắc của VN. Tổ tiên của 18 vị vua Hùng là bại tướng của triều đại nhà Ân họ chạy thoát xuống phương nam rồi cướp ngôi vua ở vùng Độn Thủy mãi đến đời Chu Trang Vương có một vị thái Tử đi xuống xâm chiếm miền Bắc của VN và lập nên nước Văn Lang .
    Nhân đây tôi cũng góp ý với tác giả về bài viết về nước Thục. NƯỚC Thục phía bắc là vùng núi Thục ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay phía nam giáp với bờ bắc của Thượng nguồn sông Trường Giang đối diện bờ nam là tỉnh Vân Nam ngày nay phía đông giáp với huyện Trùng Khánh ( Trùng Khánh xưa là đất Ba sau nhập vào nước Thục sau đời Hán đổi là Kiền vi hoặc Kiền Ba v v ) Nói tóm lại lại vùng đất này là vùng bồn địa của tỉnh Tứ Xuyên xưa là của thị tộc Thần Nông phía đông bắc giáp với Hàm Dương và Sông Vị Thuỷ gần với Đế đô Trường An vậy sao không qua lại hoặc là giao tiếp với vùng Trung Nguyên của TQ chứ ? ? ?
    Nước Thục được thành lập trên lãnh địa của nước Thần Nông Thị thì làm gì có chuyện có tới 37.000 năm chứ ? ? ?
    Các vị vua nước Thục này cũng không hề có liên quan gì đến An Dương Vương cả ! ! ! Tác giả biết chữ CỔ thì chắc cũng biết An Dương Vương viết như thế này là viết theo hệ ngữ Pháp của TQ chứ ? ? ? Còn viết theo hệ ngữ Pháp của VN thì phải viết là Vua Duong An ( vì chữ Vương =vua , chức vị ) . Ông là con của vua Dương Kinh mà sử sách hoặc lăng mộ , đền thờ ở Bắc Ninh chép là Kinh Dương Vương ( viết theo hệ ngữ Pháp của TQ ) .
    Tổ tiên của ông ta xưa ở vùng Vũ Hán, Nam Xương, Giang Tô của TQ ngày nay đến giai đoạn cuối đời nhà Ân nước của họ Dương bị nước Ân đánh bại và chạy xuống vùng đất phía nam Ngũ Lĩnh mà xâm chiếm và lập nên nước mới v v
    SỬ liệu của VN đã bị bọn Tàu man sữa đổi gần hết sự thật về nguồn gốc của dân tộc, còn các vị sử gia của ta thì viết theo ý của các vị vua chúa v v Cho nên đọc mà không có chịu khó tư duy thì cũng chẳng hiểu biết gì hết ! ! !

    Thích

    • Các sách sử Tàu và Việt thời xưa viết theo thể văn ngôn (là tiếng Hán cổ), những tên gọi như Kinh Dương Vương 涇陽王, Hùng Vương 雄王, An Dương Vương 安陽王 cũng như vậy.

      Vương 王 là vua, kẻ đứng đầu quốc gia hoặc bộ tộc thời xưa. Tên gọi Kinh Dương 涇陽, Hùng 雄, An Dương 安陽 hẳn nhiên là tên hiệu hoặc tên nước. Ví dụ Nam Việt Vương 南越王 thì Vương 王 là vua, Nam Việt 南越 là tên nước.

      Vậy thì:

      – Kinh Dương Vương 經陽王 là vua của nước Kinh Dương 涇陽. Kinh Dương 涇陽 là nước ở phía bắc sông Kinh (Kinh thủy 涇水), ở gần sông Khương (Khương thủy 姜水) nơi ông Thần Nông (Thần Nông Thị 神農氏) lớn lên. Đế Minh 帝明 là dòng dõi của Thần Nông, phong cho con là Lộc Tục 祿續 làm vua phương nam, gọi là Kinh Dương Vương là ở chỗ ấy. Chỗ ấy không phải là đất Kinh 荊 và Dương 揚 ở sông Giang (Giang thủy 江水).

      – Hùng Vương 雄王 hoặc chép là Lạc Vương 雒王. Là do mặt chữ giống nhau nên 2.000 năm nay lẫn lộn. Là vua của nước Lạc 雒 hoặc Hùng 雄, tức tên đất quận Giao Chỉ 交趾 thời Hán 漢, có ruộng Lạc (Lạc điền 雒田) hoặc ruộng Hùng (Hùng điền 雄田).

      – An Dương Vương 安陽王 là vua nước An Dương 安陽. Con vua Thục (Thục Vương tử 蜀王子) đánh chiếm nước Lạc 雒 (hoặc Hùng 雄) xong thì xưng hiệu ấy, còn gọi là Âu Lạc 甌駱.

      Sử sách ghi chép như vậy. Người đọc phải biết phân tích tên gọi cũng như nội dung có đáng tin hay không vậy.

      Thích

  4. Tác giả nghĩ sao về đoạn văn này; ” Diệt Văn Lang quốc cải hiệu Âu Lạc, quốc nhi vương Chi Trúc thành U Việt Thường chi địa ‘ ? ? ? trích trong truyện số 13 ” truyện rùa vàng ” của sách Lĩnh Nam chích quái. Đoạn văn này đã nói rõ nguồn gốc của các vị vua Hùng và An Dương Vương rồi đấy ! !
    Nếu tác giả của cuốn sách này đã biết rõ nguồn gốc của An Dương Vương và Hùng Vương thì hà cớ gì lại viết An Dương Vương là con của vua nước Thục ? ? ? Và viết Các vị vua Hùng là con của Lạc Long Quân chứ ? ? ? Có phải do ai đó đã cố tình xoá đi sự thật và bịa đặt ra như vậy không ? ? ? Vì sơ sót nên mới để sót lại đoạn văn này! ! Đây là chiếc chìa khóa mở ra sự thật đấy ! ! !
    Về chữ Âu Lạc thì chữ Lạc của tác giả là không đúng rồi ! Phải dùng chữ Lạc có bộ trải mới đúng ( vì từ Lạc này mới có nghĩa là MỪNG )
    Riêng về triều đại Thần Nông Thị thì có sách không phải là 8 đời đâu vì họ của Phục Hy thay phiên làm vua tới 1000 năm rồi mới trao lại cho họ Thần Nông như vây họ Thần Nông làm vua khoảng từ năm 3600 TCN . Đến đời vua thứ 7 có một vị thái Tử ( là cha của Đế Minh ) dẫn một đoàn người vượt qua sông ở phía tây của Huyện Trùng Khánh ngày nay nay chia ra làm 2 nhánh tiến về chiếm Xích Đế Thành ( sau đổi thành thành Bạch Đế ) nay là vùng lòng hồ của đập Tam Hiệp và một phần của tỉnh Hồ Nam và trọn tỉnh Hồ Bắc ĐÂY MỚI LÀ KINH ĐÔ VÀ VÙNG ĐẤT MÀ LỘC TỤC ( KINH DƯƠNG VƯƠNG ) cai quản còn vùng đất mà Đế Nghi cai quãn đó là vùng Quang Trung của Trung Nguyên gồm Đế Đô Trường An +Lạc Dương +Sơn Tây .
    Ngay như đoạn sử liệu này cũng không có phù hợp vì Đế Minh truyền ngôi lại vào năm 2789 TCN mà vua Thần Nông lên ngôi vào năm 3600 TCN như vậy có khoảng 811 năm mà chỉ có 9 đời người theo hệ cha con . Nếu như tuổi cha lớn hơn con cao lắm là 40 năm thì 9 thế hệ này chỉ có 360 mà thôi ! ! ! Qua đây cho chúng ta thấy rằng những gì sử sách ghi lại chưa hẳn là đúng hết đâu .!! Tiêu biểu nhất là 18 đời vua Hùng mà làm vua trên 2532 năm.
    Hay nói về thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn chỉ có 8 chữ mà ngày lại có 4 bản chữ khác nhau khiến cho người đọc ít có ai biết được dạng chữ nào là sự thật cả ! ! !

    Thích

    • Sách Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 thời Trần (thế kỷ 14) ghi Hồng Bàng Thị truyện 鴻龐氏傳 và Kim Quy truyện 金龜傳, theo đó:

      – Phả hệ dòng Thần Nông nam theo sách Lĩnh Nam chích quái: Đế Minh 帝明 -> Kinh Dương Vương 涇陽王 -> Lạc Long Quân 貉龍君 -> Hùng Vương 雄王.

      – Phả hệ dòng Thần Nông bắc: Đế Minh 帝明 -> Đế Nghi 帝宜 -> Đế Lai 帝來 -> Đế Du Võng 帝榆罔.

      Những tên đất, tên nước hoặc tên núi, tên sông được nhắc đến trong truyện, tôi giải nghĩa luôn:

      – Ngũ Lĩnh 五嶺: dải núi có năm ngọn núi lớn ở phía nam, giao giới của đất Kinh Sở 荊楚 và Nam Việt 南越. Nơi này Đế Minh 帝明 tuần thú gặp và lấy con gái của Vụ Tiên 婺仙, sinh ra con trai thứ hai Lộc Tục 祿續.

      – Kinh Dương 涇陽: vùng đất phía bắc sông Kinh. Là nơi Đế Minh phong cho con trai là Lộc Tục 祿續 làm Kinh Dương Vương 涇陽王.

      – Xích Quỷ 赤鬼: là tên nước của Kinh Dương Vương, tức đất Kinh Dương 涇陽, ở phía bắc sông Kinh.

      – Động Đình 洞庭: tên hồ lớn ở đất Kinh Sở 荊楚. Nơi này Kinh Dương Vương gặp và lấy con gái của Long Vương 龍王 của hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm 崇纜 hiệu là Lạc Long Quân 貉龍君, nối ngôi trị nước Xích Quỷ (hoặc là Kinh Dương 涇陽).

      – Phong châu 峰州: tên đất ở vùng ngã ba sông Thao, Đà, Lô hợp lại thành sông Cái (sông Hồng 紅 ). Là nơi con trai của Lạc Long Quân đóng đô, hiệu là Hùng Vương 雄王. Xét Phong châu là tên châu thời Đường 唐, vốn là huyện Mê Linh 麊冷 thuộc quận Giao Chỉ 交趾 thời Hán 漢.

      – Văn Lang 文郎: tên nước của Hùng Vương, phía bắc đến hồ Động Đình 洞庭, phía tây đến Ba Thục 巴蜀, phía đông đến Nam Hải 南海, phía nam đến nước Hồ Tôn Tinh 狐猻精. Xét Văn Lang 文郎, còn chép là Dạ Lang 夜郎 vì nhầm mặt chữ.

      – Việt Thường 越裳: là tên bộ tộc ở phía nam của Giao Chỉ, tức quận Cửu Đức 九德 thời Đông Ngô 東吳, ở phía nam của sông Lam (Lam giang 藍江). Sử Việt ghi An Dương Vương đắp thành ở Việt Thường là sai.

      Thích

  5. Tác giả nói đi đâu vậy ? ? ? Tôi hỏi là tác giả nghĩ sao về đoạn văn viết ở chuyện thứ 13 có tên là ” Chuyện Rùa Vàng ” ở trong sách Lĩnh Nam Chích Quái đoạn văn này từ khi ra đời đến nay gần 700 năm rồi thì tại sao các nhà sử gia và nho học không nhận ra cái bi mật của nguồn gốc các vị vua Hùng và An Dương Vương chứ ? ?
    “Diệt Văn Lang quốc cải hiệu Âu Lạc, quốc nhi vương Chi Trúc thành U Việt Thường chi địa ”
    Tác giả có biết rõ câu ” QUốc nhi vương Chi Trúc, thành U VIỆT Thường chi địa “” Không vậy ? ? ? ( Có cần tôi dịch ra nghĩa không vậy? )
    Đoạn văn này là một kết luận ngắn gọn của một sự kiện lịch sử rất là trọng đại của một dân tộc cho nên mọi người điều biết điều thuộc khó mà quên được vì nó cũng quá là ngắn gọn .!
    Còn về Lĩnh Nam là vùng đất ở phía nam của dãy núi Ngũ Lĩnh .năm dãy núi này chạy theo hướng đông bắc – tây nam nằm ở phía nam của tỉnh Hồ Nam là dãy núi Việt Thành Sơn ( là dãy núi cao và lớn nhất trong năm dãy núi ) có đỉnh cao nhất là Miêu Nhi Sơn cao 2142 m .Từ Cổ gọi núi này là ” VIỆT THÀNH LĨNH ” có nghĩa là :núi cao như một tòa thành của Việt Thường , ngày nay vẫn còn đôi câu đối cổ khắc vào vách núi Đại Minh ” THIÊN ĐÀI ĐẠI ĐẠI PHÂN NAM BẮC /
    LĨNH ĐỊA NIÊN NIÊN GIỮ VIỆT THƯỜNG ” Nơi đây cũng còn đền thờ Nam Thiên ( khi xưa Đế Minh đến đây vọng bái và sau đó cưới được con gái của bà bà Vụ Tiên ( thuộc bộ tộc Lộc )
    Dãy núi thứ hai là :Đô Bàng Lĩnh có đỉnh núi của Cửu Thái Lĩnh cao 2009 m
    Dãy núi thứ ba là : Manh Chữ Lĩnh có đỉnh là Mã Đường
    Dãy núi thứ Tư là : Kỵ Điền Lĩnh có đỉnh núi cao nhất cùng tên cao 1510 m
    Dãy núi thứ năm là :Đại Dữu Lĩnh có đỉnh núi Du Sơn cao 1073 m . Ở phía đông của dãy núi này tiếp giáp với dãy núi Cửu Nghi Sơn là quê hương và nơi có lăng mộ của vị Đế Ngưu Thuâ’n .
    Tác giả nghĩ sao về nước Việt Thường này đây ? ? ? Còn nói Việt Thường ở Nghệ An là một sai lầm lớn chẳng qua nơi đây có một dãy núi mang tên Thường Sơn rồi gán ghép bừa bãi mà thôi !!! Ở tỉnh Hà Bắc thuộc nước Triệu của TQ cũng có núi Thường Sơn hay núi Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông của TQ còn có một tên nữa là núi Thái Thường nữa đấy ! ! !
    Điều đáng buồn cười cho các nhà sử gia học giả của VN cứ vớ ở đâu ra cái gì có tên giong giống thì lại ghép bừa bãi vào mà không chịu tư duy gì hết ! ! !
    Tác giả có thấy những điều sai lệch về phương vị của nước Văn Lang được các sách sử ghi chép lại không vậy ? ? Chẳng hạn như phía nam giáp với nước Hồ Tôn ( chiêm Thành ) mà các công trình khảo cứu thì nước Chiêm Thành được thành lập vào thế Kỷ thứ 2 sau C công nguyên vậy gần 3000 năm trước lại có tên của nước này chứ ? ? Nước này biết du hành thời gian à ? ? Hay hướng tây của vùng Phong châu có đúng với nước Thục không vậy ? ? Và phía chính Bắc có đúng là Hồ Động Đình không vậy? ? ? Nên lấy bản đồ ra mà kẻ hướng thì sẽ rõ
    Nước Sở được thành lập vào năm 1030 ( do Sở Dục Hùng sáng lập ) đến năm 223 bị nước Tần tiêu diệt, tồn tại được 807 năm và 50 đời vua bình quân mỗi vị vua chỉ làm vua được 16;14 năm hay nhà Chu được Châu Thái Vương thành lập vào năm 1134 TCN và bị nhà Tần tiêu diệt vào năm 247 TCN tồn tại được 887 năm và có đến 37 đời vua bình quân mỗi vị vua làm vua được 23;97 năm còn nếu tính từ khi Đế Minh trao quyền cho Lộc Tục cai quản vào năm 2789 TCN đến năm 258 TCN bị An Dương Vương tiêu diệt tổng cộng là 2531 năm chỉ có 20 đời vua trung binh mỗi vị vua phải làm vua tới 126;55 năm . Nếu là người có một tí thông mình thôi thì họ cũng biết là quá sai lệch rồi ! ! ! Hơn nửa vần đề cha truyền cho con trai trưởng độ tuổi chênh lệch giữa cha và con cao lắm là 35 năm mà thôi !vì vậy nếu vua Hùng thứ nhất mới mở mắt chào đời và được lên ngôi vua và làm vua 126, 55 năm thì người con trai lớn cũng ở vào 90; 55 tuổi rồi liệu ông ta có đảm nhiệm được 126;55 năm hay không ? ? Và khi ấy cơn trai của ông ta là trên 186 tuổi cứ như thế đến đời thứ 18 thì vị này phải sống đến 2000 năm tuổi thì mới làm được. ! ! !
    Vận chuyển Đế này hơn 40 năm trước tôi từng chỉ dạy cho các vị g/v. Và một số bậc nho sĩ lão luyện v v thấy rõ sự sai lầm nghiêm trọng của sử sáchcủa VN rồi ! ! !

    Thích

    • Lĩnh Nam chích quái – Kim quy truyện
      嶺南摭怪 – 金龜傳

      (Trần 陳 – Trần Thế Pháp 陳世法 soạn, Hậu Lê 後黎 – Vũ Quỳnh 武瓊 hiệu chính, Kiều Phú 喬富 san định )

      Âu Lạc quốc An Dương Vương, Ba Thục nhân dã, tính Thục danh Phán. Nhân tiên tổ cầu Hùng Vương chi nữ Mị Nương vi hôn, Hùng Vương bất hứa, oán chi. Phán dục thành tiền chí, cử binh công Hùng Vương, diệt Văn Lang quốc, cải hiệu Âu Lạc quốc chi vương chi. Trúc thành ư Việt Thường chi địa.
      甌貉國安陽王,巴蜀人也,姓蜀名泮。因先祖求雄王之女媚娘為婚,雄王不許,怨之。泮欲成前志,舉兵攻雄王,滅文郎國,改號甌貉國而王之。築城於越裳之地。
      Vua nước Âu Lạc là An Dương Vương, người đất Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ tiên ngày trước cầu hôn lấy con gái Hùng Vương là Mị Nương nhưng Hùng Vương không gả cho, bèn mang oán. Phán muốn hoàn thành chí người trước, dấy binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, đổi tên thành nước Âu Lạc mà làm vua ở đấy. Xây thành ở đất Việt Thường.
      ________

      Các sách cũ trước thời Trần và Hậu Lê đều ghi là Hùng Vương (hoặc Lạc Vương) bị Thục Vương tử đánh diệt xưng là An Dương Vương, không nói Hùng Vương có 18 đời hay không.

      Sách cũ cũng ghi Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ, có sách nói là ở quận Cửu Đức 九德 thời Đông Ngô, đến thời Đường vẫn còn huyện Việt Thường ở đó, là đất cũ của nước Việt Thường từng cống chim trĩ thời nhà Châu 周.

      Vậy mà Chích quái ở đây chép Phán đắp thành ở đất Việt Thường, là sai lầm. Đúng là đắp thành ở đất Phong Khê mà thôi.

      Tên gọi của 5 ngọn núi Ngũ Lĩnh cũng chỉ xuất hiện ở thời sau, theo Nhan Sư Cổ 顏師古 thời Đường 唐 chú Hán thư Trương Nhĩ truyện 漢書張耳傳 dẫn Nam Khang ký 南康記 của 鄧德明 thời Lưu Tống 劉宋 có ghi Việt Thành lĩnh 越城嶺 ở huyện Thủy An 始安. Có lẽ trên đất Nam Việt 南越 hoặc Bách Việt 百越 xưa nên gọi tên như thế, không phải là Việt Thường 越裳 ở phía nam Giao Chỉ 交趾.

      Sau này còn có thuyết nước Việt Thường nằm ở nước Lâm Ấp 林邑, Phù Nam 扶南 nữa. Nhưng không ai nói Việt Thường ở Ngũ Lĩnh hoặc bao gồm cả Văn Lang Âu Lạc (tức Giao Chỉ).

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s