CHƯƠNG 10 : SỰ TÁI SINH 661-1008 SH [1263-1600 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Trận đại hủy diệt Mông Cổ không giống thời kỳ Tăm Tối của Châu Âu. Nó không chìm xuống chậm chạp và dần dần trỗi dậy. Nó là một trận bùng phát khủng khiếp nhưng ngắn ngủi, giống như đại dịch có biệt danh Tử Thần Đen đã quét qua Châu Âu vào thế kỷ 14, hoặc các trận thế chiến chấn động địa cầu trong thế kỷ 20.
Sử gia Đại học Princeton Bernard Lewis, trong số những người khác, dựa vào điều này cho rằng bọn Mông Cổ thực sự không quá tệ. Vâng, họ hủy diệt toàn thành phố, nhưng nếu nhìn vào mặt tích cực, họ cũng để nguyên toàn thành phố khác. Lewis thậm chí cho rằng “xét theo tiêu chuẩn hiện đại” sự hủy diệt mà quân Mông Cổ gây ra là “không đáng kể.” Lập luận của ông dựa một phần vào sự kiện là bên trong thế giới Hồi giáo, văn minh đạo Hồi hấp thu nhanh chóng người Mông Cổ. Nhóm Mông Cổ cuối cùng nắm quyền ở Ba Tư sớm tiến hóa thành triều đại Il-Khan dòng Shi’i tốt bụng. Bằng cách cải sang đạo của thần dân mình, người Mông thậm chí còn thổi một luồng gió mới, một tinh thần mới, một nhóm ý tưởng mới vào thế giới Hồi giáo.
Tất cả điều này rất thực, nhưng chẳng khác nào nói Thế Chiến ở thế kỷ 20 là, trong phân tích rốt ráo, “không đáng kể” vì cho dù hàng triệu người bị giết chết, hàng triệu người khác vẫn sống, và cho dù các xứ như Nga, Đức, Anh, Pháp đều bị tàn phá, chúng được nhanh chóng xây dựng lại và hãy nhìn chúng bây giờ.
Một số thán phục thậm chí được gán cho Thành Cát Tư Hãn và các người kế vị ông dựa vào lý do là họ tiến hành thảm sát hàng loạt là do chiến lược quân sự khôn ngoan chứ không vì tính tàn bạo, hủy diệt hoàn toàn một số thành phố để khiến các thành phố khác khiếp sợ phải đầu hàng mà không cần đánh. Đọc cách phân tích như thế, người ta dễ cho rằng quân Mông cố hết sức để tránh đổ máu!
Đúng là các nhà chinh phục Mông Cổ lừng danh nhất từ Thành Cát đến Húc Liệt Ngột trông gần như nhân từ khi so sánh với hậu duệ của họ Thiếp Mộc Nhi (phương tây gọi là Tamerlane), người trỗi dậy ở Trung Á vào cuối thế kỷ 14 và tiến hành một cuộc tắm máu điên cuồng đã lấy đi vô số sinh mạng. Y đại điện cho đợt bùng phát khủng bố cuối cùng đã khởi đầu từ Thiết Mộc Chân, hơi giống các con quái vật trong phim ảnh quẫy đuôi trước khi chết hẳn, gây thêm chết chóc và đổ nát.
Đối với Thiếp Mộc Nhi, tắm máu không chỉ là chiến lược quân sự khôn ngoan. Y hình như lấy làm khoái trá khi làm chuyện ấy. Chính ý (chứ không phải Thiết Mộc Chân) khoái trá khi chất đống các tháp thủ cấp bên ngoài cổng thành mà y vừa đánh chiếm. Cũng chính y là người hành hình các tù binh bằng cách ném rơi họ, khi còn sống, xuống các tháp cao, không cửa sổ cho đến khi ý đã chất đầy tháp đến miệng. Thiếp Mộc Nhi vừa đi vừa tàn sát cho đến tận Tiểu Á và rồi quay lại vừa đi vừa tàn sát đến Ấn Độ, tại đó y để lại nhiều xác chết phân hủy trên các con đường đến Delhi đến nổi dân chúng không thể sống được nhiều tháng trời. Cuộc chém giết của y quá khủng khiếp đến nỗi không lịch sử thế giới nào không nhắc đến, nhưng nó không đáng đề cập nhiều vì nó hoàn toàn vô nghĩa: y đến, y thấy, y giết, và rồi y chết và vương quốc mênh mông của y sụp đổ cái một và không ai còn nhớ nhiều đến y nữa trừ ra y thật đáng sợ.
Vâng, là một hiện thân của tính dã man thuần túy, Thiết Mộc Chân Đại hãn có vẻ tử tế so với hậu duệ của ông Húc Liệt Ngột (ít ra Húc Liệt Ngột tuyên bố Thiết Mộc Chân là tổ tiên của mình, mặc dù gia phả khá mơ hồ). Nhưng các cuộc chinh phục Mông Cổ ban đầu có tác động lớn hơn: chúng làm thay đổi quỹ đạo của lịch sử.
Trên hết, chúng đốt lên tia lửa cho cuộc khủng hoảng thần học Hồi giáo, và hệ quả là ra đời các phân nhánh mà chúng ta còn vật lộn với chúng ngày nay. Sự khủng hoảng bắt nguồn từ sự kiện là các nhà thần học và học giả Hồi giáo, và thật ra người Hồi nói chung, từ lâu cảm thấy rằng thắng lợi quân sự của đạo Hồi chứng tỏ mặc khải của họ là có thật. Vâng, nếu thắng lợi có nghĩa các mặc khải là thật, thì thảm bại có nghĩa là gì?
Người Hồi từ trước chưa từng trải qua các thảm bại hàng loạt như thế, không ở đâu trên thế giới, không thậm chí trong cơn ác mộng của họ. Sử gia Ibn al-Athir gọi cuộc tấn kích ào ạt của Mông Cổ là “thảm họa khủng khiếp” mà thế giới có thể không bao giờ chứng kiến lần nữa từ “bây giờ cho đến tận thế.” Một sử gia Hồi giáo lớn khác ức đoán rằng sự xuất hiện của người Mông Cổ là điềm báo trước ngày tận thế. Theo một sử gia khác, các thắng lợi của Mông Cổ cho thấy Allah đã bỏ rơi người Hồi.
Thập Tự quân ít ra cũng là người Cơ đốc, còn người Mông Cổ họ thậm chí không phải “dân tộc trong thánh kinh.” Các thắng lợi của họ đặt ra một câu đố nhức nhối cho các nhà thần học và kiểm tra đức tin của tín đồ theo một cách thâm sâu nào đó mà nhiều người ắt hẳn cảm nhận được nhưng không giải thích bằng giáo thuyết được. Nhất là trong vùng Mesopotamia thời hậu Thập Tự Chinh, sau vụ cướp phá Baghdad, nơi cộng đồng Hồi giáo đã chịu đựng tai họa thảm khốc nhất, bất cứ ai có suy nghĩ về tiền đề rằng phổ quát hóa cộng đồng Hồi giáo là mục tiêu của lịch sử có thể tự hỏi “Có điều gì sai đây?”
Câu trả lời mang tính phê phán gay gắt nhất đến từ nhà luật học Syria Ibn Taymiyah. Gia đình ông xuất thân ở Harran, một thị trấn gần vùng giao giữa Syria, Iraq, và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đúng ngay lộ trình xâm lược của quân Mông. Họ chạy trốn cơn thịnh nộ của Húc Liệt Ngột mà không mang theo gì trừ sách, đến tận Damascus, nơi đó Ibn Taymiyah lớn lên. Ông nghiên cứu các tín điều Hồi giáo chuẩn mực với sự xuất sắc bất thường và tạo được, ở tuổi rất sớm, một chỗ đứng có thể đưa ra các fatwa, các điều luật tôn giáo.
Nỗi khủng khiếp cực kỳ có khuynh hướng phát sinh các ý kiến cực đoan, và Ibn Taymiyah bắt rễ trong thời đại mình. Không nghi ngờ gì nữa nỗi sầu muộn của một gia đình mất gốc rễ đã tạo động lực giúp ông muốn lý giải ý nghĩa của tai họa Mông Cổ, hoặc cũng có thể cá tính ông thúc đẩy ông đến với các quan điểm ông đề xuất cho dù ông sinh ra khi nào và ở đâu – ai biết được? Nhưng trong đất nước Syria vừa bị người Mông Cổ làm nát tan và còn chịu đựng các Thập Tự Chinh còn lại, Ibn Taymiyah ít ra cũng tìm được một số thính giả sẵn sàng lắng nghe các tư tưởng của ông. Nếu ông chưa hề sinh ra, số thính giả đi theo ông có thể cũng tìm được ai đó diễn tả cùng các tư tưởng như ông.
Ibn Taymiyah đề xuất ba luận điểm chính. Thứ nhất, ông nói rằng không có gì sai với đạo Hồi, không có gì sai với các mặc khải, và không có gì sai với việc xem các thắng lợi Hồi giáo như là chứng cứ của những điều đó. Vấn để là, ông đề xuất, nằm ở người Hồi: họ đã ngưng thực hành đạo Hồi “thực sư,” và vì vậy Allah đã làm họ yếu đi. Để trở về với các cách thức chiến thắng, người Hồi phải trở về với kinh và thanh tẩy đạo Hồi khỏi mọi tư tưởng, lý giải và cách tân mới: họ phải trở lại với các đường lối tín ngưỡng của Mohammed và các bạn đồng hành của ông, trở lại với các giá trị và tư tưởng đó, trở lại với tính giản dị trong đời sống hàng ngày của họ: các điều luật có sớm nhất là các điều luật tốt nhất. Đó là cốt lõi trong giáo luật của ông.
Thứ hai, Ibn Taymiyah xác nhận rằng jihad là nghĩa vụ cốt lõi của mọi tín đồ Hồi giáo ngang hàng với cầu nguyện, ăn chay, không dối lừa, và các phép thực hành thiêng liêng khác; và khi Ibn Taymiyah nói “jihad” ý ông muốn nói “đai mang gươm.” Umma, ông nói, là đặc biệt vì nó có chiến đấu tính. Trước đây không có ai đón nhận mặc khải từ Thượng Đế đã “bắt mọi người phải làm điều đúng, ngăn cấm mọi người làm điều sai.” Một số họ không “đứng lên chiến đấu vũ trang gì hết,” trong khi một số khác chỉ chiến đấu vì “mục địch đánh đuổi kẻ thù ra khỏi đất nước, hoặc chỉ đấu tranh chống kẻ áp bức mình.” Đối với Ibn Taymiyah, ý tưởng về một jihad có tính hạn hẹp và phòng vệ này là không chính xác: jihad có nghĩa là đấu tranh tích cực, thậm chí đánh nhau, không chỉ để bảo vệ mạng sống, nhà cửa, và tài sản mà còn để mở rộng cộng đồng của những ai tuân phục Allah.
Chính Ibn Taymiyah cũng ra trận, chống lại người Mông Cổ. Lần này người Mông Cổ ông chống lại đã cải sang đạo Hồi, từ đó dấy lên câu hỏi về việc người Hồi chống người Hồi. Nhưng đánh nhau với người Hồi này là jihad hợp pháp, Ibn Taymiyah giải thích, bởi vì họ không phải là người Hồi thực sự. Ông cũng chống người Cơ đốc, Do Thái, Sufi, và người Hồi thuộc giáo phái khác với ông – chủ yếu là giáo phái Shi’i. Có lần ông nghe một người Cơ đốc phê phán bất kính đối với Nhà Tiên Tri, thế là đêm đó, ông và một người bạn lần tìm gã Cơ đốc đó và dần cho gã một trận.
Bạn có thể thấy tại sao lập trường quá khích của ông có thể gây tiếng vang đối với một số người đương thời với ông. Về cơ bản, ông nói, “Chúng ta không thể xích qua nhường chỗ cho bọn ngoại giáo Mông Cổ và Thập Tự quân; hãy hợp lực và đánh lại, tìm sức mạnh trong đoàn kết và đoàn kết trong một giáo điều đơn lẻ!” Tiếng hô hào tập kết này có sức kêu gọi không cưỡng được trong các xã hội bị tấn công từ bên ngoài, và vào lúc này thế giới Hồi giáo đã nằm dưới vụ tấn công đáng sợ hơn một thế kỷ.
Ibn Taymiyah mở rộng danh sách những mục tiêu của jihad, bao gồm không chỉ người phi-Hồi giáo mà còn ngoại giáo, phản giáo, ly giáo. Trong các loại này ông bao gồm người Hồi rắp tâm tu chính đạo Hồi hoặc xiển dương sự chia rẽ bằng cách lý giải Qur’an và hadith theo cách ra xa khỏi những gì văn bản phát biểu.
Ibn Taymiyah không hề nhận rằng mình ép buộc phải chấp nhận cách lý giải của mình thay vì cách lý giải khác. Ông giữ ý kiến là mình chỉ ra sức loại bỏ các lý giải tự thân không bảo đảm và thúc giục người Hồi trở về với kinh Qur’an, ám chỉ rằng kính Qur’an (và hadith) tồn tại dưới hình thức tuyệt đối, không cần cách lý giải của con người.
Một số cho rằng loại bỏ người dị giáo và ly giáo không phải là tinh thần của đạo Hồi thuở ban đầu. Còn các tranh luận về quyền kế vị nữa, vâng; cho dù các tranh luận đổ máu. Nhưng chính Mohammed và người Hồi buổi đầu nói chung có khuynh hướng chấp nhận rằng ai muốn là người Hồi giáo thì là người Hồi giáo. (“Những tên giả đạo đức” – bọn phản bội giả vờ làm người Hồi giáo nhằm chống phá cộng đồng từ bên trong- tất nhiên là trường hợp khác.) Có bao nhiêu người sắp sửa được nhận vào Hồi giáo là có bấy nhiêu bất đồng về vai trò của “người Hồi”. Ibn Taymiyah, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng chỉ có một cách làm người Hồi, và nghĩa vụ chủ yếu của người Hồi là biết chắc cách duy nhất đó và làm theo đó. Lý giải không có mặt trong đó, vì mọi thứ cần biết về đạo Hồi là nằm ngay trong kinh giấy trắng mực đen.
Ibn Taymiyah huyền thoại hóa sự hoàn hảo của đời sống trong cộng đồng đầu tiên đó, gọi các bạn đồng hành của Mohammed là al-salaf al-salihin, “bậc căn nguyên sùng tín.” Các phiên bản của học thuyết ông cuối cùng xuất hiện lại ở Ấn và Bắc Phi trong phong trào có tên Salafi, vẫn còn đến ngày nay. Từ này thường xuất hiện trong các bản tin về người Hồi cực đoan. Nó bắt đầu ngay đây, trong bóng đen của trận đại hủy diệt Mông Cổ.
Trong thời mình, Ibn Taymiyah chỉ tạo được một số vừa phải người đi theo. Quần chúng không quan tâm đến ông nhiều, ắt hẳn bởi ông trừng phạt dân Hồi vì đã gắn kết các tập quán dân gian họ trong tư tưởng của mình về đạo Hồi và cũng vì họ thăm viếng các điện thờ. Ibn Taymiyah cho rằng biểu lộ niềm tôn kính với người phàm, cho dù họ vĩ đại, cũng là đi ngược với giáo luật của các Bậc Căn Nguyên Sùng Tín.
Giới có thẩm quyền còn không ưa ông hơn vì ông bác bỏ các giáo luật họ đã thiết lập và được nhìn nhận. Khi được gọi ra trước một ban ulama để bảo vệ các giáo điều của mình, ông bác bỏ thẩm quyền của họ, kết án là họ đã đánh mất tính hợp pháp của mình vì đã khuất phục trước sự đổi mới và đã lý giải. Hết giáo điều được tranh cãi này đến một giáo điều khác, Ibn Taymiyah không hề thuận ý. Các luận điểm thực sự được tranh cãi đối với người ngoại đạo là quá tiểu tiết: chẳng hạn, ly hôn chỉ cần được thốt ra ba lần là có tính chung thẩm hay chung thẩm bất khả hồi tố? Luật định là bất khả hồi tố; còn Ibn Taymiyah cho rằng chung thẩm nhưng không hẳn là bất khả hồi tố. Trong tình huống này, giới thẩm quyền giải quyết cuộc tranh luận bằng cách tống Ibn Taymiyah vào tù. Ông trải nhiều thời gian trong tù. Thật ra, ông mất ở đó.
Ibn Taymiyah không tổng hợp những gì đạo Hồi là, cũng không những gì đạo Hồi đã là trong thế kỷ 13 – có quá nhiều trường phái tư tưởng, có quá nhiều cách tiếp cận – nhưng chính các thái độ khiến nhiều giáo sĩ và viên chức nổi sùng với Ibn Taymiyah lại khiến nhiều người khác thán phục ông. Ibn Taymiyah thuộc về trường phái luật học Hồi giáo được Ibn Hanbal thành lập. Nhà học giả thời kỳ Abbasid này vốn có lập trường ngoan cường chống lại sự ưu việt và đầy đủ của lý trí. Ibn Hanbal đã chủ trương việc đọc kinh Qur’an theo nghĩa đen và những phương pháp áp dụng theo kinh từng chút một, phần lớn là bác bỏ ngay cả lối lý luận tương tự như một cách thức mở rộng học thuyết, và Ibn Taymiyah cũng vậy. Cả hai người đều có khí chất chiến đấu và không khoan nhượng. Sự kiện cả hai đều đi tù vì các lý tưởng của mình khiến di sản họ trở nên cao quý chứ không hẳn vì ý tưởng của họ có giá trị trí tuệ.
Ibn Taymiyah được cho là đã viết 4,000 cẩm nang và 500 quyển sách. Với công trình này, ông đã gieo một hạt mầm. Hạt mầm không nảy ngay lập tức, nhưng nó không bao giờ chết khô. Nó chỉ nằm đó, bên dưới lớp mặt của nền văn hoá Hồi giáo, sẵn sàng ra chồi khi gặp đủ cơ duyên. Bốn thế kỷ rưỡi sau, cơ duyên sẽ đến.
Có một đáp ứng khác đối với vài thế kỷ suy sụp mà đỉnh cao là trận đại hủy diệt Mông Cổ, một đáp ứng phổ biến hơn và nhẹ nhàng hơn chủ nghĩa Salafi, và đây là sự nở hoa của giáo phái Sufi, không chặt chẽ và hạn hẹp như ý thức hệ của Ibn Taymiyah mà khoáng đạt và không giáo điều. Thật ra, giáo phái Sufi mê đắm (ngược với “giáo phái Sufi tỉnh táo”) quấy rối Ibn Taymiyah nhiều gần như bọn xâm lược ngoại đạo, bởi vì đối với ông bọn ngoại giáo chỉ là kẻ thù bên ngoài, công kích đạo Hồi, trong khi giáo phái Sufi là kẻ thù bên trong, làm suy yếu hiểm độc Umma bằng cách mở rộng và xóa nhòa tính đơn lẻ của giáo thuyết đã xác định nó.
Giáo phái Sufi là đặc trưng của loại đạo Hồi thần bí vốn có chung một số ý tưởng và sức tác động với Phật giáo và Ấn giáo. Các Sufi là những cá nhân, vốn không hài lòng với tính quan liêu hóa tôn giáo, hướng vào bên trong và tìm đến các phương thức nhằm đạt đến cảnh giới hoà nhập với Thượng Đế.
Tất cả Sufi có khá chung ý tưởng về mục tiêu được kỳ vọng đến, nhưng có các ý tưởng khác nhau về cách đi đến đó, vì thế các Sufi khác nhau sử dụng các kỹ thuật tâm linh khác nhau. Một khi một Sufi nào dường như đã đột phá, tin tức lan truyền và những kẻ đang tìm kiếm đổ xô đến người được khai sáng để được khải đạo, hy vọng tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp họ thêm năng lượng tìm kiếm sự siêu việt của mình. Theo cách này, “Tình huynh đệ Sufi” được hình thành quanh các nhân vật Sufi tiếng tăm: các nhóm tìm kiếm sống, làm việc, và thực tập dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy được gọi là asheikh hay pir (cả hai từ đều có nghĩa là “lão gia”, một là tiếng Ả Rập, tiếng kia là Ba Tư).
Theo cách điển hình, một ít đệ tử thân tín nhất của một thủ lĩnh bộ tộc nhận được danh hiệu bậc thầy Sufi do năng lực mình. Khi một thủ lĩnh bộ tộc mất đi, một trong các đệ tử này sẽ thừa kế quyền hành của ông và tiếp tục lãnh đạo cộng đồng. Một số người khác có thể bỏ đi và thành lập cộng đồng mới, tiếp tục thuyết giảng thuật thần bí của sư phụ mình nhưng lôi kéo các đệ tử riêng của mình. Do đó tình huynh đệ Sufi đã tiến hóa thành dòng tu Sufi, các truyền thống của phương pháp luận thần bí truyền xuống trực tiếp từ thầy đến môn sinh nhập môn, xuống qua nhiều năm tháng và thập niên và thế kỷ.
Các dòng tu Sufi thành công có thể tự hào có nhiều thủ lĩnh sắc tộc được khai sáng tại một thời điểm bất kì, thường cùng với các mureed (môn sinh tâm linh) sống tại những nơi khác nhau, trong các nhà nghỉ gọi là khanqa, nơi họ cũng cung cấp thức ăn cho khách du lịch và nguồn an ủi cho người lạ. Thế thì, theo một cách nào đó, tính huynh đệ Sufi trở thành một điều gì đó tương đương với dòng tu kín của Cơ đốc, mà trong thời trung cổ, dựng lên các tu viện và nữ tu viện trên khắp châu Âu, những nơi người ta lui về và lấy nỗ lực tâm linh làm lẽ sống đời mình.
Nhưng hội huynh đệ Sufi cũng khác một cách căn cơ với các dòng tu kín Cơ đốc. Trước hết, mỗi dòng tu kín có một bộ luật nghiêm ngặt mà các thầy tu và nữ tu phải tuân thủ, dưới sự quản đốc của một tu viện trưởng. Hội huynh đệ Sufi thì lỏng lẻo hơn và thân thiết hơn, có tình đồng đội nhiều hơn và ít kỷ luật áp đặt từ bên ngoài hơn.
Hơn nữa, tuyên thệ theo dòng tu kín Cơ đốc có nghĩa là từ bỏ thế giới và tự nguyện “hành xác.” Đó là bởi vì Cơ đốc giáo cơ bản tập trung vào sự cứu rỗi cá nhân, và xem sự cứu rỗi như là điều gì đó cần thiết bởi vì họ sinh ra là mắc “tội lỗi nguyên thủy,” tội phát hiện ra bản năng giới tính trong Vườn Địa Đàng. Vì tội này, nhân loại bị kết án cầm tù trong thân xác sống (và chết) trong thế giới vật chất.
Thầy tu và nữ tu tham dự dòng tu kín đặc biệt để tách mình ra khỏi thế giới, biểu hiệu cho tình trạng sa ngã của con người. Việc tận tu của họ nhằm trừng phạt thân xác mình, bởi vì thân xác là vấn đề. Họ thực hành cuộc sống độc thân như lẽ đương nhiên, bởi vì Cơ đốc giáo xem tâm linh là thuốc chữa của xác thịt.
Tuy nhiên, trong đạo Hồi, trọng tâm không nằm trên sự cứu rỗi linh hồn cá thể bị cô lập mà trên sự thiết lập một cộng đồng hoàn hảo. Con người không phải là tội đồ để được cứu rỗi mà là tôi tớ để chịu tuân thủ. Con người sinh ra là vô tội và có khả năng bước lên mức tôn quý cao nhất nhưng cũng có thể đi xuống đến tận cùng trụy lạc. Các huynh đệ trong dòng tu Sufi tham gia không phải được cứu rỗi mà để đạt tới một trạng thái cao hơn; các nghi thức của họ có mục đích không phải để hành hạ thể xác mình mà chỉ tập trung năng lượng vào một mình Allah; nếu họ ăn chạy, chẳng hạn, đó không phải để hành xác mà để củng cố kỷ luật tự giác. Họ không thấy sự tương đồng giữa đời sống độc thân với tính chất tinh thần và không tách biệt với xã hội. Các Sufi hay tín đồ Sufi tương lai thường chăm chỉ làm ăn, mua bán, lập gia đình, nuôi dạy con cái, và ra trận.
Thật ra, một số huynh đệ Sufi trở thành các nhóm hiệp sĩ thần bí, tán thành một bản sắc gọi là futuwwah, tương tự quy tắc xử sự mã thượng, tình yêu kiểu hiệp sĩ trung cổ và danh dự hiệp sĩ. Liệu ảnh hưởng đi từ tây sang đông, hay ngược lại, hay cả hai là một vấn đề gây tranh cãi tôi không muốn vây vào
Trong bất kỳ trường hợp nào, các Sufi minh họa các lý tưởng futuwwah qua các giai thoại mang tính thi ca-thần thoại về các người hùng Hồi giáo của cộng đồng đầu tiên. Một chuyện như thế, chẳng hạn, kể về một lữ khách trẻ bị bắt vì tội giết một ông lão. Các con trai của nạn nhân bắt người này ra trước Kha-lip Omar. Chàng lữ khách nhận tội của mình. Vụ án có tình tiết giảm khinh, nhưng lữ khách không muốn van xin; anh đã cướp đi một mạng người nên phải trả bằng một mạng người. Nhưng anh có một yêu cầu: xin hoãn việc hành hình lại ba ngày để anh đi về dàn xếp việc nhà. Anh có nuôi một đứa bé mồ côi, anh đã chôn tiền thừa kế của nó tại một nơi không ai biết, và nếu anh không đào nó lên trước khi anh chết, đứa bé sẽ không một xu dính túi. Như thế thật không công binh cho đứa bé phải chịu khố sở vì tội ác của người bảo hộ nó. ‘Nếu các ông để tôi đi hôm nay,” tên sát nhân nói, “tôi hứa sẽ trở lại ba ngày sau và chịu tội chết.”
Vị kha-lip nói, “Được, đồng ý, với điều kiện ngươi phải đưa ra người bảo lãnh, người sẽ đồng ý chịu nhận hình phạt thay ngươi nếu nhà ngươi không trở lại.”
Thế là chàng lữ khách trẻ cụt hứng. Anh không có bạn bè và.người thân ở đây. Có người lạ nào dám hy sinh mà liều mạng sống của mình bảo lãnh cho anh?
Ngay lúc đó, Abu Dharr, một người bạn đồng hành của Nhà Tiên Tri, lên tiếng xin nhận làm người bảo lãnh cho chàng trai. Và thế là tên sát nhân khởi hành.
Ba ngày sau anh không trở lại. Không ai ngạc nhiên nhưng họ thương xót cho Abu Dharr tội nghiệp, giữ lời hứa và kê đầu mình lên thớt trảm thủ. Đao phủ vừa thoa dầu vào chiếc rìu, chuẩn bị chặt đầu thì chàng trai trẻ phí ngựa tới nơi, người ngựa phủ đầy bụi đường và ướt đẫm mồ hôi. “Tôi rất tiếc, tôi rất tiếc, tôi đến muộn,” anh hổn hển nói, “nhưng tôi đây rồi. Hãy tiến hành hình phạt.”
Đám người chứng kiến quá đỗi kinh ngạc. “Anh đã được cho tự do, anh đã hoàn toàn biệt tăm. Không ai có thể tìm được anh và bắt anh quy án. Sao anh lại trở về?”
“Bởi vì tôi đã hứa sẽ trở về, và tôi là người Hồi giáo,” chàng trai đáp. “Làm sao tôi lại cho thế giới cái cớ để nói rằng người Hồi không còn biết giữ lời nữa?”
Đám đông quay sang Abu Dharr. “Ông có quen biết chàng trai này không? Ông có từng biết đến phẩm chất của anh ta chứ? Có phải đó là lý do tại sao ông đồng ý bảo lãnh cho y?”
“Không,” Abu Dharr đáp, “Tôi chưa hề gặp y trước đây, nhưng làm sao tôi có thể là người mà thế giới vịn vào đấy để nói người Hồi không còn có lòng trắc ẩn nữa.”
Thân nhân nạn nhân giờ cũng quỳ mọp xuống. “Xin đừng hành hình anh ấy,” Họ van xin. “Làm sao chúng tôi lại có thể là người khiến thế giới nói rằng người Hồi không còn biết tha thứ nữa.”
Nhiều người hậu thuẫn cho tính mã thượng của Sufi lần về nguồn gốc đến Ali, không nhất thiết vì họ là người Shi’i mà vì Ali có được tiếng tăm huyền thoại là hiệp sĩ hoàn hảo, một phối hợp lý tưởng của sức mạnh, lòng can đảm, sùng tín, và trọng danh dự. Chẳng hạn, người ta cho rằng trong một trận đánh biểu tượng thời kỳ đầu Hồi giáo, một chàng trai trẻ đến gặp Ali, huơ cao thanh gươm. Ali nói, “Bộ cậu không biết tôi là ai sao, hỡi chàng trai trẻ điên rồ kìa? Tôi là Ali! Cậu không đánh nổi tôi đâu. Tôi sẽ giết chết cậu. Tại sao cậu muốn tấn công tôi?”
“Bởi vì tôi đang yêu,” chàng trai trẻ nói, “và người yêu tôi nói rằng nếu tôi giết được ông, nàng sẽ thuộc về tôi.”
“Nhưng nếu chúng ta đánh nhau, tôi chắc chắn sẽ giết được anh,” Ali cảnh báo.
“Có điều gì tốt đẹp hơn chết cho tình yêu?” chàng trai trẻ nói.
Sau khi nghe những lời này, Ali tháo chiếc mũ sắt khỏi cổ và vươn cổ dài ra. “Chém ngay chỗ này nè!”
Thấy Ali sẵn lòng chịu chết vì tình yêu, tuy nhiên, khiến trái tim chàng trai trẻ bốc lửa và biến tình yêu cho một người con gái thành một điều gì đó cao cả hơn – tình yêu đối với Allah. Trong phút chốc, Ali đã biến đổi một thanh niên bình thường thành một Sufi được giác ngộ. Những truyền thuyết như thế đã gây cảm hứng cho những hiệp sĩ Hồi giáo này.
Người Ottoman (Khoảng 700 đến 1341 SH)
Mặc dù các dòng tu Sufi sinh sôi khắp thế giới Hồi giáo, họ gây được ảnh hưởng sâu xa nhất ở Tiểu Á, cũng được biết dưới tên Anatolia, lãnh thổ lập ra Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Chính tại nơi đây mà sự phục hồi hậu-Mông Cổ của đạo Hồi bắt đầu.
Ở Tiểu Á, các dòng tu Sufi kết nối với các phường hội thương buôn và thợ thủ công gọi là akhi (từ Thổ Nhĩ Kỳ là futuwwah). Các tổ chức này bảo hộ cho dân thường chống lại những rủi ro của thời gian. Chắc chắn dân chúng cần có được sự bảo hộ nào đó. Vùng Tiểu Á từ lâu đã là biên giới giữa người Hồi gốc Thổ và Cơ đốc Âu châu. Giới Seljuk và Byzantine đã xâu xé vùng đất đó, đánh nhau giành giựt nó. Một ông hoàng Seljuk đã lập ra một nhà nước có chủ quyền ở đó gọi là Vương quốc Rum (Rum là Rome (La Mã) được Ả Rập hóa) nhưng rồi các đạo quân Thập Tự dọc ngang qua đây đã làm đứt gãy sự trật tự, và người Seljuk nội bộ đánh nhau đã làm sói mòn tính ổn định hơn nữa.
Đến thời các cuộc Thập Tự Chinh chùng xuống, những ông hoàng Thổ ít nhiều kiểm soát Tiểu Á, nhưng chỉ ít nhiều thôi; người Byzantine thì ít nhiều kiểm soát các khu vực phía tây, nhưng chỉ ít nhiều thôi; và không có vùng nào mà bên kia đòi chiếm hữu mà bên này không tranh chấp. Tiểu Á đã trở thành vùng đất không người vô pháp, được người Thổ Nhĩ Kỳ và người Cơ đốc cũng cư trú nhưng không có ai cai trị.
Sự bùng phát Mông Cổ đuổi những dân du mục đồng cỏ Thổ ra khỏi Trung Á. Họ trôi giạt cho đến khi đến được Tiểu Á, và ở đây cuối cùng họ thấy như ở nhà. Tại sao chọn ở đây? Bởi vì dân du mục đồng cỏ có khuynh hướng thích loại môi trường vô pháp này. Là những bộ tộc tự trị, họ có thủ lĩnh và luật lệ riêng, và sẽ cảm thấy gò bó với loại luật lệ và trật tự mà chính quyền áp đặt. Trên vùng biên giới bị tranh chấp họ được tự do bay nhảy nơi đâu mình muốn, và chăn thả gia súc nơi đâu mình chọn, và giải quyết nhu cầu bằng cách đột kích dân định cư theo truyền thống lâu đời của vùng thảo nguyên mà có lần họ gọi là nhà.
Người Cơ đốc còn sống trong vùng vô chính phủ này, thị trấn và làng mạc nhỏ vẫn còn, nhưng không có chính quyền bảo đảm an ninh trên đường, không cảnh sát đến can thiệp hay giúp đỡ khi ai đó bị cướp bóc, và không cơ quan nào chạy đến cứu giúp khi có hoả hoạn, lũ lụt hoặc các tai ương khác. Trong những lúc bức bách người ta chỉ còn biết quay ra nhờ họ hàng mình, bạn bè mình, và – huynh đệ Sufi của mình.
Khi giáo thuyết Sufi mới nảy nở trên khắp vùng đất này, các nhà thần bí dong ruổi lang thang trên miền này. Một số đến từ Ba Tư và xa hơn về phía đông; một số xuất hiện tại địa phương. Nhiều người là dervishe (thầy tu khổ hạnh), những người tình nguyện đi theo cuộc sống bần hàn như một cách thực hành tâm linh. Họ không làm việc đề sinh nhai mà sống nhờ vào của bố thí để họ có thể rảnh rang mà chiêm nghiệm Thượng Đế.
Nhiều vị lang thang thần bí cũng là những người lập dị; nếu bạn sống nhờ bố thí, ắt hẳn có lợi thế nào đó khi nổi bật giữa đám đông. Kalendar, một trong những thầy tu lang thang sớm nhất này, dong ruổi từ thị trấn đến thị trấn với các băng đệ tử đi theo, vừa đi vừa trống kèn inh ỏi, hát hò ồn ào, huênh hoang kêu gọi điên cuồng dân chúng hãy đến với Allah và thúc giục họ đánh bọn ngoại giáo, đánh chúng, đánh! Ông và các đệ tử tóc tai bù xù, ăn mặc rách rưới, quấy rối trật tự, nhưng họ khơi dậy nhiệt tình cháy bỏng và các ý tưởng kỳ lạ, và Kalendar đi đến đâu, thì các nhóm huynh đệ Kalendari mọc lên đến đó.
Gần như là một cách phòng thủ chống lại phe Kalendar, những người đáng kính hơn đi theo một nhà thần bí khác có tên Bektash, một thầy tu khổ hạnh. Đối với tất cả sự tỉnh táo tu tập, Bektash cũng dữ dội không kém, nhưng ít ra ông không la hét. Ông trở thành người được các ulama ưa chuộng.
Rồi còn có phái tu Mevlevi, được giới trí thức và học giả trân trọng. Họ nổi lên quanh một nhà thơ có tên Jalaludin, ra đời tại Balkh, vì lý do đó, ở Afghanistan, ông được biết dưới tên Jalaludin-i Balkhi. Ông còn là một bé trai khi quyền lực Mông Cổ bắt đầu kết tinh quanh Thành Cát Tư Hãn. Thân phụ ông đánh hơi thấy có rắc rối sắp đến nên di chuyển cả gia đình về miền tây tới khu vực còn sót lại của vương quốc Rum, vì lý do đó phần đông thế giới đều biết thì sĩ này dưới tên Jalaludin-i Rumi (“Jalaludin người La Mã.”)
Người cha học thức của Rumi thành lập một ngôi trường, và Rumi bắt đầu đứng lớp khi đến tuổi, bởi vì ông đạt được tiếng tăm là người có kiến thức. Ông chấp bút các luận thuyết tôn giáo quy ước khiến ông tranh thủ được sự tôn kính và thu hút được nhiều học viên, chen chúc trong giảng đường và nuốt từng lời ông nói.
Cao điểm trong tiểu sử huyền thoại của Rumi xảy ra vào một ngày khi một người lạ rách rưới bước vào lớp học ông. Người lạ ngồi tận phía sau nhưng không chịu giữ mồm giữ miệng. Y cứ nghêu ngao hát, cắt đứt lời giảng bài của Rumi – y có vẻ điên dại. Các học trò của ông liền túm lấy tên hành khất và định tống y ra khỏi.phòng, nhưng thầy họ đã ngăn lại và hỏi người lạ là ai và muốn gì.
“Qua là Shams-i Tabrez,” người lạ nói, “và qua đến đây vì cậu em đó.”
Trước sự kinh ngạc của học viên, Rumi đóng sách vở, cởi bỏ chiếc áo choàng học giả của mình, và nói với học trò, “Việc dạy học của ta xong rồi. Đây là sư phụ ta.” Nói xong, ông bước ra khỏi lớp với Shams, và không bao giờ trở lại.
Jalaludin và người hành khất trở thành cặp đôi không hề chia cắt. Hai người gắn kết nồng nhiệt nhưng trên mức độ tâm linh thuần túy, gắn kết quá toàn diện đến nổi Rumi bắt đầu lấy tên sư phụ ký vào các thi phẩm của mình: các bài thơ trữ tình của ông trong thời kỳ này đã sưu tập thành Tác Phẩm của Shams-i Tabrez. Trước khi gặp Shams, Rumi là một nhà văn được trọng vọng mà tác phẩm của ông có thể đã được đọc suốt một trăm năm. Sau khi gặp Shams, ông trở thành một trong những nhà thơ thần bí vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương.
Sau một số năm, Shams biến mất một cách bí mật, và Rumi tiếp tục sáng tác trường thi 1,000 trang có tựa đề Mathnawi Ma’nawi (Bản Thảo Tâm Linh). Trong đoạn mở đầu nổi tiếng, Rumi đặt ra câu hỏi: tại sao giai điệu của sáo sậy buồn da diết đến vậy? Rồi ông tự trả lời câu hỏi mình đặt ra: bởi vì sáo sậy khởi đầu là cây sậy, mọc ven bờ sông, bắt rễ từ trong lòng đất. Khi nó được sử dụng làm sáo, nó bị cắt khỏi gốc. Nỗi sầu than khóc trong tiếng hát của nó là ký ức nuối tiếc về nguồn cội đã mất. Trong 30,000 cặp thơ tiếp sau, Rumi kể hơn hàng trăm câu chuyện theo một thứ ngôn ngữ bập bùng cảm xúc tôn giáo được tình dục hóa, minh họa bằng cách nào chúng ta những cây sáo sậy con người có thể phục hồi mối kết nối với nguồn cội. Rumi vẫn còn có ảnh hưởng thậm chí trong thế giới nói tiếng Anh, tại đó bản dịch tác phẩm ông bán chạy hơn tác phẩm của bất kì nhà thơ nào khác.
Tóm lại, giáo phái Sufi có điều gì đó cho mọi khẩu vị và tầng lớp. Các Sufi cải đạo các dân du cư sang đạo Hồi, vì thế các bộ tộc này hấp thụ nhiệt tình của đạo Hồi trước khi tiêu hóa giáo thuyết của nó. Các dòng tu Sufi hòa quyện với các phường hội thợ thủ công, với hiệp hội nhà buôn, với giới nông dân, với các nhóm quân sự quý tộc – như một mạng nhện. Giáo phái Sufi kết nối mọi nhóm khác biệt trong thế giới phân tán này.
Một số hội huynh đệ Sufi tận hiến cho các lý tưởng futuwwah phát triển thành các tập đoàn ghazi. Từ ghazi có nghĩa như là “vị thánh chiến binh.” Các ghazi khiến ta nhớ đến các Hiệp Sĩ Đền Thánh và các dòng tu quân sự Cơ đốc sinh sôi trong các cuộc Thập Tự Chinh, trừ ra không có ai phong chức họ, đạo Hồi không có nhân vật như giáo hoàng để đảm nhận việc phong chức. Thay vào đó, các ghazi tự phong chức mình, qui tụ chung quanh một hiệp sĩ bậc thầy và lấy cảm hứng từ một thủ lĩnh bộ tộc nào đó. Họ mang khăn trùm đầu và áo choàng đặc biệt và các phụ kiện khác như huy hiệu thành viên trong nhóm mình. Họ có các nghi thức nhập môn gồm tuyên thệ, cam kết, các đồ tạo tác biểu tượng và các thánh tích bí ẩn.
Các thành viên của dòng tu ghazi tập trung cuộc sống của mình quanh các chiến dịch xông vào lãnh thổ Cơ đốc để thực hiện các chiến tích dũng cảm cho sự thăng tiến của đức tin đích thực. Họ rất giống một phiên bản Hồi giáo của các hiệp sĩ bàn tròn Arthur theo truyền thuyết.
Hàng trăm nhóm ghazi này nổi lên, lớn có nhỏ có. Tìm kiếm tiếng tăm và của cải, các hiệp sĩ này xông vào các cuộc “hành quân” nơi biên giới, dải đất mà người Byzantine vẫn còn chính thức tuyên bố của mình nhưng nơi đó quyền hành của họ vẫn còn mù mờ. Thỉnh thoảng một thủ lĩnh ghazi chiếm được một lãnh thổ để tuyên bố thành lập một nhà nước nhỏ của riêng mình, và nhanh chóng tự xưng là amir (hay emir: Tiểu vương). “Amir” là một tước hiệu Hồi giáo từng có nghĩa là “người chỉ huy” nhưng giờ đây có nghĩa là “ông hoàng”.
Với đông Anatolia kết tinh thành nhiều tiểu vương quốc ghazi nhỏ, quyền lực Byzantine thu nhỏ và vùng biên giới vô pháp lùi dần về phía tây và các cuộc hành quân biên giới là nguồn sữa mẹ cho các nhà nước ghazi. Khi vùng tranh chấp di chuyển, các hiệp sĩ ghazi cũng vậy; họ lẻn đi khỏi các tiểu vương quốc đã thành hình và vào miền tây hoang dã, nơi một người đàn ông còn có thể tự chứng tỏ trong trận chiến và luôn tiện kiếm được của cướp bóc.
Tại một thời điểm nào đó, tuy nhiên, miền tây hoang dã ngưng thoái lùi vì biên cương tiến đủ gần đến Constantinople cho phép người Byzantine có thể cầm cự được. Các hiệp sĩ Ghazi rút về từ phía đông để tập trung vào các tiểu vương quốc sát biên giới này nằm mũi kề mũi với quyền lực Byzantine. Các hiệp sĩ có thể tìm được việc làm ở đây ít nhất 50 năm sau khi chiến tranh đã lụi dần trong phần còn lại của Anatolia. Các tiểu vương quốc dọc biên giới nhờ đó càng ngày càng mạnh hơn trong khi các tiểu vương quốc miền đông càng ngày càng yếu đi. Vì vậy chính tại đây trên vùng biên cương quân sự hóa này mà một một đế chế thế giới mới ra đời.
Vào năm 1258 CN, ngay năm Húc Liệt Ngột hủy diệt Baghdad, một bé trai có tên Othman ra đời trong một gia đình ghazi cầm đầu ở Anatolia.Các hậu duệ của Othman được gọi là Othmanlis, hay Ottomans, theo cách người Tây phương phát âm nó và cuối cùng họ gầy dựng nên một đế chế hùng mạnh.
Không phải chính Othman là người xây dựng đế chế; ông chỉ xoay sở xây dựng được tiểu vương quốc ghazi nhỏ ngoan cường nhất ở Anatolia. Các tổ tiên gần đây của ông là người du cư điền dã ra khỏi vùng Trung Á, một bộ tộc khoảng 400 người trốn thoát quân Mông Cổ, và ông đã không đi xa nguồn cội của mình. Cung điện của ông là chiến mã của ông, ngôi vua của ông là yên ngựa của ông, và phòng làm việc của ông là túi yên ngựa của ông. Kinh đô của ông là bất cứ nơi đâu ông cắm trại qua đêm. Tất cả điều ông thực sự trao lại cho những người kế vị là một tiến trình. Trong mùa chinh chiến, ông sẽ dẫn đầu binh sĩ vào các tỉnh lỵ biên giới và thu hoạch chiến lợi phẩm nhờ đánh nhau với người Cơ đốc. Trong mùa hưu chiến, ông thu thuế từ dân định cư có làm ăn mà ông bắt gặp trong những vùng đất ông kiểm soát.
Khi người Ottoman mạnh hơn, họ bắt đầu xáp nhập các tiểu vương quốc ghazi khác, đôi khi phải chinh phục chúng, đôi khi mua lại bằng bất cứ cách nào. Các thủ lĩnh Ghazi đã từng là tiểu vương trở thành các quý tộc phong kiến, vẫn còn mạnh thực sự nhưng phải phục tùng một quyền lực còn hùng mạnh hơn, người cầm đầu triều đại Ottoman.
Triều đại Ottoman có được may mắn làm nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại cho một triều đại cha truyền con nối: nó có một loạt các nhà cai trị sống thọ, tất cả đều có năng lực. Trong số đó có Murat I, xông qua Biển Đen và bắt đầu tích cóp từng vùng lãnh thổ châu Âu vào lãnh thổ của mình. Trong kỷ nguyên của ông (1350-1389 CN) triều đại Ottoman không còn cai trị trên lưng ngựa mà đã có một kinh đô, một cung điện một bộ máy chính quyền, một chính sách thuế, một quốc khố. Các nhà cai trị Ottoman sử dụng một lớp sơn bóng của nền văn minh Hồi giáo cao, không nói đến một số nghi thức, sự phồn hoa, và các nghi lễ của triều đình Byzantine.
Một nhà cai trị Ottoman khác, Bayazid I (1389-1402) phát động một chương trình có tên devshirme, nhằm nuôi dưỡng các bé trai từ châu Âu Cơ đốc bị bắt làm tù binh đem về cung điện của ông, nuôi dưỡng thành người Hồi, và rèn luyện chúng trở thành các chiến binh cừ khôi. Đây thực sự là các mamluk thân thiết của lịch sử Hồi giáo với một tên khác; các mamluk là các bé trai Thổ lớn lên ở triều đình Ả Rập hoặc Ba Tư, còn đây là các bé trai Cơ đốc lớn lên tại triều đình Thổ. Các chiến binh được đào tạo bởi chương trình devshirme được gọi là janissary (lực lượng đặc biệt) , đọc trại từ cụm từ Thổ Yeni Ceri, có nghĩa là “lính mới.”
Các “lính mới” của Bayazid giải phóng ông khỏi các lãnh chúa phong kiến của mình, các ghazi quý tộc có chủ quyền gần đây có dòng dõi tận Trung Á. Họ cung ứng cho Bayazid lính bộ binh, nhưng các janissary trao cho ông một nhóm sĩ quan chuyên nghiệp để chỉ huy họ.
Các trận đột kích của Bayazid càng lúc càng tiến sâu vào châu Âu. Các vua Pháp và Hung bắt tay nhau và tổ chức lực lượng để ngăn chận ông, nhưng Bayazid đánh tan đạo quân liên minh của họ vào năm 1396, tại Nicopolis, một thị trấn ở Bulgaria ngày nay. Giờ thì vị amir của dòng họ Ottoman thực sự cai trị một đế chế. Thật ra, Bayazid đã vượt qua tước vị amir (tiểu vương). Ông tự xưng là vị sultan (vua Thổ), do đó tuyên bố mình là trưởng điều hành của Dar al-Islam, một phiên bản thế tục của chức vị kha-lip. Các cuộc phiêu lưu quân sự của ông trở thành các chiến dịch bừng nở, và mỗi năm ông phát động một chiến dịch mới, đánh phía tây năm này, năm sau tiến về đông để xáp nhập thêm các tiểu vương quốc ghazi và mở rộng quyền cai trị vào đến vùng trung tâm Hồi giáo cũ. Trở đi trở lại như con thoi, ông di chuyển với tốc độ chóng mặt khiến dân chúng bắt đầu gọi ông là Sấm Sét. Bayazid có dáng dấp khệnh khạng của một Caesar.
Rồi mọi thứ đều sụp đổ. Trong một lần đánh phá miền đông, Bayazid đụng độ một chiến binh ngoan cường hơn ông – tên Thiếp Mộc Nhi đáng sợ. Các lãnh chúa phong kiến của Bayazid đã kêu gọi Mộc Nhi vào Anatolia. Họ bất mãn vì đã đánh mất chủ quyền về tay dòng họ Ottoman, và vì thế họ gửi một thông điệp cho Mộc Nhi, phàn nàn rằng Bayazid đang bỏ quá nhiều thời gian ở Châu Âu, ông đang biến thành một người Cơ đốc. Vâng, Thiếp Mộc Nhi không thể chịu được điều ấy, bởi vì ngoài việc là một tên dã man không khoan nhượng có tâm địa tàn bạo vô song, Mộc Nhi còn là một tín đồ Hồi giáo cho mình là một người bảo trợ các ngành nghệ thuật, một học giả chính cống, và một người bảo vệ tận tụy của đạo Hồi.
Vào năm 1402, gần thành phố Ankara, hai nhà bảo trợ nghệ thuật lịch sự này tạm gác các chuyện tinh tế qua một bên và xông vào choảng nhau dao đấu với rìu, và biết đâu người tệ nhất sẽ thắng. Thiếp Mộc Nhi cho thấy mình là người tàn nhẫn hơn. Y đè bẹp quân Ottoman, bắt chính Hoàng đế Bayazid làm tù bình, nhốt ông trong lồng như nhốt một con thú và lôi ông về hang ổ cẩn đá quý của mình ở Trung Á, thành phố Samarqand. Nỗi tuyệt vọng và nhục nhã nhấn chìm Bayazid khiến ông tự tử. Ở ngoài miền tây, các con trai của Bayazid bắt đầu giao đấu nhau để giành phần manh mún còn lại của đế chế một thời của ông.
Dường như đã đến ngày tận số của dòng họ Ottoman. Dường như cuối cùng họ cũng chỉ là một trong nhiều vương quốc Thổ giống như sao băng chợt lóe lên rồi tắt ngấm. Nhưng thật ra, vương quốc này lại khác. Từ Othman đến Bayazid, người Ottoman đã không chỉ biết chinh phục mà còn thêu dệt một trật tự xã hội mới (mà tôi sẽ mô tả trong một it trang sau). Hiện giờ đủ để nói rằng sau trận cướp bóc của Thiếp Mộc Nhi, họ còn có tài nguyên xã hội để sử dụng. Mộc Nhi mất trong vòng vài thập niên, đế chế ông tả tơi nhanh chóng thành một vương quốc nhỏ (nhưng rực rỡ về mặt văn hoá ở tây Afghanistan. Đế chế Ottoman, ngược lại, không chỉ được phục hồi, nó bắt đầu trỗi dậy.
Vào năm 1452 nó nhảy lên một bậc cao hơn, một giai đoạn bắt đầu khi một hoàng đế mới có tên Sultan Mehmet lên ngôi. Mehmet thừa kế một đế chế trong tình trạng tốt đẹp, nhưng ông mang đến một vấn đề cho ngai vàng của mình. Ông chỉ mới 21 nên những người dạn dày hơn, lớn tuổi hơn, vây quanh ông một cách tham lam, mỗi người đều nghĩ là một người lớn tuổi hơn, dạn dày hơn, tham lam hơn (như chính y) có thể làm một vị sultan tốt hơn. Mehmet biết rằng mình phải thi thố gì đó thật ngoạn mục để đánh đổ các tên cạnh tranh tiềm năng và củng cố quyền lực.
Vì thế ông quyết định chinh phục Constantinople.
Constantinople không còn biểu thị một giá trị quân sự thực sự quan trọng nữa. Người Ottoman đã đi quanh nó, xông vào tận miền đông Âu. Constantinople giờ chỉ có giá trị tâm lý: thành phố có giá trị biểu tượng to lớn cho cả đông và tây.
Đối với phương tây, một đường không đứt đoạn chạy từ Constantinople trở lại La Mã của Augustus và Julius Caesar. Đối với người Cơ đốc, đây còn là kinh đô vừa Đế chế La Mã mà Constantine đã truyền bá Cơ đốc giáo. Chính về sau các sử gia nhìn vào giai đoạn phía đông này trong lịch sử La Mã mới gọi nó bằng cái tên khác. Chứ người Byzantine tự xưng mình là người La Mã, và cho thành phố mình là La Mã mới
Về phần người Hồi, Nhà Tiên Tri Mohammed đã từng nói thắng lợi cuối cùng của đạo Hồi sẽ đến tay khi người Hồi lấy được Constantinople. Vào thế kỷ 3 của đạo Hồi, triết gia Ả Rập al-Kindi đã ức đoán rằng người Hồi nào lấy được Constantinople sẽ làm mới đạo Hồi và tiếp tục cai trị thế giới. Nhiều học giả nói rằng người chinh phục Constantinople sẽ là Mahdi, “Người Được Kỳ Vọng”, nhân vật thần bí mà nhiều người Hồi kỳ vọng được chiêm ngưỡng khi lịch sử tiến gần đến đích. Mehmet do đó có đủ lý do tin rằng chiếm được Constantinople sẽ là một cú đảo chính về mặt quan hệ quần chúng sẽ khiến thế giới nhìn ông với cặp mắt khác.
Nhiều chuyên gia kỹ thuật giờ đang làm việc cho Ottoman trong đó có một kỹ sư người Hung tên là Urban, chuyên ngành chế tạo đại bác, vốn còn là một loại vũ khí tương đối mới. Sultan Mehmet nhờ Urban chế tạo cho mình một điều gì đó thật đặc biệt theo hướng này. Urban xây cất một xưởng rèn cách Constantinople khoảng 150 dặm để đúc đại pháo. Tuyệt tác của ông là một khẩu đại bác dài 27 bộ và quá lớn đến nổi một người có thể bò vào trong nòng súng. Khẩu pháo với tên Basilic có thể bắn một tảng đá granit nặng 1200 cân đi xa một dặm.
Phải cần 90 con bò và khoảng 400 người mới vận chuyển được khẩu pháo kỳ quái ra đến trận địa. Và hóa ra, Basilic thật quá khủng khiếp: phải mất hơn 3 giờ để nạp đạn, và mỗi lần nó khai hỏa nó giật lùi quá mạnh đến nỗi thường giết chết nhiều người đứng phía sau hơn là phía trước nó. Ngoài ra, ở khoảng cách một dặm, nó bắn không chính xác đến nỗi có khi bắn hụt cả thành phố Constantinople; nhưng điều này không thành vấn đề. Đại pháo không phải là một lợi thế quân sự quan trọng mà là một lợi thế biểu tượng quan trọng – loan báo với thế giới rằng đây là loại vũ khí người Ottoman mang đến chiến trường. Ngoài Basilic, tất nhiên, họ còn có nhiều đại bác nhỏ hơn. Họ là quân đội được trang bị tốt nhất và tiên tiến nhất về mặt kỹ thuật của thời đại mình
Constantinople: thành phố bất khả xâm phạm của thế giới
Cuộc vây hãm Constantinople kéo dài 54 ngày, thành phố như bao thành phố khác trừ một điều là bất khả xâm phạm. Tọa lạc trên một mũi đất hình sừng tê giác, nó đối diện một bên là Eo biển
Bosporus và bên kia là Biển Marmara. Trên những mặt này nó có bức tường biển cao và các doi đất khống chế các eo biển hẹp, từ đó quân Byzantine có thể bắn đá vào bất cứ con thuyền nào tiến đến gần thành phố. Trên đất liền, nó có một loạt tường thành bằng đá vươn dài ngang qua toàn bộ bán đảo từ biển đến biển, mỗi tường thành đều có hào thành riêng. Càng vào trong mỗi hào thành càng sâu hơn và rộng hơn và tường thành càng cao hơn và dày hơn. Tường thành trong cùng cao 90 bộ và dày hơn 30 bộ; không ai có thể vượt qua chướng ngại vật đó, nhất là quân Byzantine có một vũ khí bí mật gọi là lửa Byzantine, một chất thiêu đốt dạng keo được máy bắn ra và khi chạm đất tóe ra, dính vào da thịt. Nó không thể dập tắt bằng nước – đúng ra, nó ắt hẳn là một dạng bom napalm sơ khai.
Tuy nhiên, quân Ottoman vẫn ngoan cường. Đại bác tiếp tục bắn phá, các janissary tiếp tục xung phong, đoàn quân vây hãm khổng lồ tạo bởi các tân binh từ nhiều bộ tộc và dân tộc khác nhau trong đó có người Ả Rập, Ba Tư, và thậm chí người Cơ đốc Âu châu liên tiếp tràn vào các thành lũy, nhưng cuối cùng, trận đánh thay đổi cục diện nhờ ai đó quên đóng một cửa ra vào nhỏ tại một góc tường thành thứ ba khó xâm nhập nhất. Một ít quân Thổ xông được vào đó, làm chủ khu vực, mở cổng thành lớn cho đại quân tràn vào, và bất ngờ kinh đô lâu đời nhất của đế chế lâu đời nhất của thế giới Tây phương sụp đổ trong khói lửa.
Mehmet cho phép binh sĩ được cướp bóc Constantinople trong ba ngày nhưng không hơn một phút. Ông muốn binh sĩ mình bảo toàn thành phố, không được phá hủy nó, vì ông muốn sử dụng nó làm kinh đô của mình. Từ lúc này trở đi, thành phố được biết không chính thức dưới tên Istanbul (Việc đổi tên chính thức chỉ xảy ra vài thế kỷ sau) và vị sultan chiến thắng từ đó mang danh hiệu Mehmet Nhà Chinh Phục.
Hãy thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu người Hồi chiếm được Constantinople trong thời đạo Hồi bành trướng đến cao điểm, nếu Constantinople thay vì Baghdad là kinh đô của triều Abbasid: giạng chân qua biển nối Biến Đen với Địa Trung Hải, sở hữu toàn bộ cảng họ cần để phát động lực lượng hải quân khắp Biển Aegean và Địa Trung Hải đến Hy Lạp và Ý và tiến đến Tây Ban Nha và Bờ biển nước Pháp và qua eo Gibraltar lên bờ biển Đại Tây Dương đến nước Anh và Scandinavia, phối hợp với lực lượng bộ binh tinh nhuệ- toàn bộ châu Âu ắt hẳn đã bị xáp nhập vào đế chế Hồi giáo.
Nhưng 700 năm đã trôi qua kể từ thời đỉnh cao của vương triều kha-lip. Âu châu không còn là một lục địa khốn khổ sống lay lắt trong cảnh nghèo khó bẩn thỉu. Nó là một lục địa đang trỗi dậy. Trên bán đảo Iberian, các vương triều Cơ đốc đang bận bịu đánh đuổi những người Hồi quyết chiến cuối cùng trở lại châu Phi và tài trợ cho các thủy thủ như Columbus đi thám hiểm thế giới. Bỉ đã phát triển thành một kinh đô tài chính, Hà Lan đang bận rộn hoàn thiện các phương thức kinh doanh khủng, lục địa Ý đang lên gân cốt bước vào thời Phục Hưng, Anh và Pháp đang kết tinh thành các nhà nước-quốc gia.
Constantinople (Istanbul) tạo cho người Ottoman một căn cứ hành quân vô đối, nhưng châu Âu Cơ đốc cũng không còn dễ xơi. Tuy nhiên, ngay lúc này, không ai biết phe nào đang trỗi dậy và phe nào đang suy thoái, và với khải hoàn Ottoman, đạo Hồi có vẻ như đang nổi lên để biến thành một thế giới Hồi giáo đại đồng.
Tai thời điểm chinh phục ấy, Istanbul chỉ có khoảng 70 000 dân, vì thế Mehmet Nhà Chinh Phục ban hành một số chính sách như giảm thuế và trợ cấp để tái định cư kinh đô mới của mình. Mehmet cũng tái lập các nguyên tắc chinh phục của Hồi giáo cổ điển: những người phi-Hồi giáo được hưởng tự đó tín ngưỡng và được quyền sở hữu đất đai và tài sản nhưng phải nộp thuế jizya. Dân chúng mọi tôn giáo và sắc tộc tràn vào, biến Istanbul thành một tiểu đế chế với nhịp đập của cuộc sống đa dạng.
Giờ người Ottoman cai trị một đế chế giạng chân qua châu Âu và châu Á với các vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả hai lục địa. Thành phố lớn nhất thế giới là thành phố của họ. Thành tựu vĩ đại nhất của họ tuy nhiên không phải là chinh phục. Phần nào đó trong quá trình 15 thập niên cai trị, họ đã hình thành một trật tự xã hội mới độc nhất. Phần nào đó, hỗn hợp vô chính phủ gồm dân du cư, nông dân, chiến binh bộ tộc, nhà thần bí, hiệp sĩ, thợ thủ công, con buôn, và dân linh tinh khác cư trú ở Anatolia đã kết tinh thành một xã hội của bộ máy phức tạp như đồng hồ gồm các bộ phận đan quyện nhau và cân đối nhau, mỗi bộ phận như đòn bẩy và nút kiểm soát các bộ phận khác. Trước đây chưa hề tồn tại một điều như thế, và không có điều gì như thế được nhìn thấy lần nữa. Chỉ có xã hội Mỹ đương thời mới cho ta một hình ảnh khá tương tự với độ phức tạp của xã hội Ottoman – nhưng chỉ về độ phức tạp. Cái quái quỷ nằm ở chi tiết, và thế giới chúng ta khác biệt với thế giới Ottoman đúng là ở mọi chi tiết.
Nói rộng ra, thế giới Ottoman phân chia hàng ngang giữa một giai cấp cai trị có nhiệm vụ đánh thuế, tổ chức, ra lệnh, và chiến đấu, và giai cấp thần dân có nhiệm vụ sản xuất và đóng thuế. Nhưng nó cũng tổ chức theo hàng dọc bởi các dòng tu Sufi và nhóm huynh đệ. Vì thế những người bị tách biệt bởi giai cấp mình có thể thấy mình hợp nhất trong cùng niềm tôn kính đối với cùng một thủ lĩnh.
Mặt khác, xã hội Ottoman như một toàn thể được phân ngăn thành những cộng đồng tôn giáo lớn, mỗi cộng đồng có sự phân chia riêng theo hàng ngang và hàng dọc, và mỗi quốc gia bán-tự trị hoặc millet, chăm lo các nghi lễ tôn giáo, giáo dục công lý, từ thiện, và dịch vụ riêng.
Chẳng hạn, người Do Thái là một millet, cầm đầu bởi một đại giáo trưởng ở Istanbul, một cộng đồng to lớn bởi vì người Do Thái đến sống đông đúc trong thế giới Ottoman suốt thế kỷ 14 và 15, trốn khỏi sự bức hại ở Tây Âu – Anh đã xô đuổi họ trong thời Thập Tự Chinh, họ đã chịu đựng các vụ khủng bố ở đông Âu, họ đang đối mặt với Tòa Dị Giáo Tây Ban Nha ở Iberia, và sự phân biệt chủng tộc săn lùng họ gần như ở khắp nơi.
Cộng đồng Chính Thống giáo Miền Đông là một millet khác, cầm đầu bởi giáo trưởng Constantinople (như người Cơ đốc còn gọi họ), và ông ta có quyền hành đối với mọi người Cơ đốc gốc Slav trong đế chế, một con số cứ tăng lên.khi người Ottoman mở rộng các cuộc chinh phục vào châu Âu.
Rồi có millet Armenia, một cộng đồng Cơ đốc khác nhưng tách biệt với người Hy Lạp bởi vì giáo hội Armenia và Hy Lạp coi giáo thuyết bên kia là dị giáo.
Thủ lĩnh của mỗi cộng đồng đại diện cho dân mình tại triều đình và trả lời trực tiếp với vị sultan. Theo một nghĩa nào đó, người Hồi cũng là một millet khác, và họ cũng có một thủ lĩnh tối cao, Sheikh al-Islam, hay “Lão gia của đạo Hồi,” một tước vị được Bayazid đặt ra không lâu trước khi bị Thiếp Mộc Nhi nghiền nát. Sheikh al-Islam ban hành luật phù hợp với shari’a và chỉ đạo một tập đoàn các muffti lo việc lý giải luật, các quan tòa lo việc thi hành luật, và các mullah dẫn dụ người trẻ đến với tín ngưỡng, cung cấp nền giáo dục tôn giáo cơ bản, và các nghi lễ được quản trị trong địa phương và làng mạc.
Tuy nhiên, shari’a không phải là luật lệ duy nhất ở trong xứ. Còn có bộ luật của vị sultan, một hệ thống luật pháp song hành liên quan đến các vấn đề hành chính, luật thuế, luật giáo tiếp giữa các millet, và quan hệ giữa các tầng lớp khác nhau, nhất là tầng lớp thần dân và tầng lớp cai trị
Đừng cố đi theo sự phức tạp này: sự phức tạp của hệ thống Ottoman thách thức việc mô tả ngắn ngủi. Tôi chỉ muốn cho bạn chút hương vị của nó. Toàn bộ hệ thống luật pháp song hành này, bao gồm luật sư, viên chức hành chính, và quan tòa định hình và áp dụng nó, nằm dưới quyền hạn của tể tướng, đứng đầu bộ máy hành chính cung đình (một thế giới toàn vẹn trong chính nó). Vị tể tướng này là nhân vật có quyền lực lớn thứ hai trong đế chế chỉ sau vị sultan
Hay lớn thứ ba? Suy cho cùng, Sheikh al-Islam có quyền duyệt xét mỗi sắc luật thế tục và phủ quyết nó nếu ông cho rằng nó xung đột với giáo luật shari’a, hoặc trả nó về để sửa đổi.
Trái lại, vị Sheikh al-Islam hưởng thụ địa vị của một sultan, và chính bộ luật của sultan là bộ luật mà tể tướng đang quản trị. Vì thế nếu vị sultan và tể tướng xung đột nhau … bạn đoán coi ai phải nhượng bộ? Và y có nhượng bộ không?
Bạn có thể nhìn thấy đó là: kiểm soát, cân đối, kiểm soát, cân đối …
Một bộ các hoạt động kiểm soát và cân đối khác được cấu kết vào trong xã hội Ottoman liên quan đến devshirme (chương trình đào tạo các trẻ em Cơ đốc Âu châu thành lực lượng đặc biệt các janissary) do Bayazid thiết lập. Lúc đầu, như tôi đã đề cập, đây chỉ là hệ thống mamluk có một cái tên khác. Như mamluk, các janissary được đào tạo để lãnh nhiệm vụ làm vệ sĩ cho nhà cai trị – lúc đầu. Nhưng rồi chức năng của các janissary mở rộng.
Trước hết, tất cả họ không được đào tạo làm chiến binh nữa. Một số được huấn luyện các kỹ năng hành chính. Một số khác nhận luyện tập văn hoá. Vị sultan bắt đầu bổ nhiệm các janissary vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền cũng như trong quân đội và hải quân. Ông cũng cắt cử các janissary trong coi các định chế văn hoá quan trọng. Sinon, kiến trúc sư Ottoman người có trách nhiệm nhiều nhất trong việc thiết lập phong cách đặc trưng của thánh đường Hồi giáo – một tòa nhà mái là một chiếc vòm lớn và nhiều vòm nhỏ hơn như nấm và bốn tháp canh có đầu nhọn như viết chì tại bốn góc – là một janissary.
Xuất xứ, chương trình devshirme chỉ nhận các bé trai từ các gia đình Cơ đốc tại các lãnh thổ mới bị chiếm đóng. Nhưng Mehmet Nhà Chinh Phục tiến hành một cách tân trọng yếu: ông mở rộng chương trình devshirme vào khắp đế chế. Từ đó, bất kỳ gia đình nào sống dưới nền cai trị Ottoman, có đạo Hồi hay không, sang hay hèn, có thể thấy con trai mình bị hút vào hình thức “nô lệ” đặc biệt này, nhưng, nghe như nghịch lý, lại là con đường đi đến giai tầng cao nhất trong xã hội Ottoman.
Qua chương trình devshirme, người Ottoman tháp ghép một giới ưu tú quyền lực mới toanh cho xã hội họ. Không giống giới ưu tú của các xã hội khác, tuy nhiên, các janissary bị cấm lập gia đình hoặc có con (hợp pháp). Do đó, họ không thể có người kế thừa đặc quyền. Đúng ra, chương trình devshirme là một cơ chế để liên tục xới đất xã hội. Nó săn tìm các thiếu niên đầy hứa hẹn từ mọi bộ phận của xã hội, trao cho họ chương trình đào tạo thể lực và trí tuệ cam go nhất, và rồi giao cho họ gánh vác công việc của đế chế. Tự nhiên, họ sẽ thu hút nhiều quyền lực khỏi tay các giới quý tộc quân đội Thổ già nua, truyền thống, thuộc các gia đình có gốc gác tổ tiên tận Trung Á, như vậy cũng tốt cho người Ottoman. Nó làm yếu đi các đối thủ cạnh tranh của họ
Và vậy mà người Ottoman không loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng này dù họ đã có thể. Không, thiên tài kiểm soát và cân đối của người Ottoman đã giữ yên vị các gia đình quý tộc lâu đời và cho họ một số quyền lực có vai trò kiểm soát các janissary nếu lực lượng này có ý đồ đen tối nào đó.
Giới quý tộc cũ được quyền lực nào? Vâng, trước hết, họ duy trì địa vị là các điền chủ lớn nhất trong đế chế và người đóng thuế chủ yếu. Tuy nhiên, gọi “điền chủ” thì không chính xác lắm, bởi vì chính thức thì mỗi tấc đất trong đế chế đều là sở hữu của vị sultan. Ông chỉ cho thuê từng mảnh cho những người ông ưu ái, dưới dạng các timar (nông trại nộp thuế).
Timar là tài sản nông thôn mà những nông dân sống nhờ nó phải đóng thuế hoa lợi cho người sở hữu timar. Các chủ timar này có quyền thu thuế nhiều ít tùy ý họ muốn từ các nông dân tá điền này. Để đổi lấy đặc quyền này, họ phải trả cho chính quyền một mức phí cố định mỗi năm. Lợi tức còn.lại sau khi nộp phí đều thuộc về họ, và không có giới hạn số lợi tức họ được phép bắt tá điền phải nộp. Phí đóng vào chính quyền không tuỳ thuộc vào lợi tức họ thu được từ tá điền mà tùy thuộc số diện tích đất họ lãnh “chăm sóc,” Đó là đánh thuế trên đất chứ không trên lợi tức. Nếu đất đai sản xuất nhiều hơn kỳ vọng, người hưởng lợi là trại chủ chứ không phải chính quyền. Nếu một timar sản xuất kém, trại chủ phải chịu thiệt. Nếu các trại chủ không thể nộp phí cho nhà nước một số năm, các timar bị lấy lại và giao cho người khác.
Sau một chiến dịch thành công, vị sultan có thể tưởng thưởng các timar cho các tướng lĩnh xuất sắc. Điển hình, tất nhiên, trừ tại các lãnh thổ mới chinh phục, vị sultan phải tước timar từ người này để thưởng cho người khác. Sự kiện người ta có thể đánh mất timar có nghĩa là giới quý tộc điền chủ chỉ có quyền bán-thừa kế. Đây lại là một cơ chế khác xiển dương tính linh hoạt xã hội và giữ cho thế giới Ottoman trôi chảy.
Bạn có thể cho rằng hệ thống timar này khuyến khích các quý tộc Ottoman vắt kiệt các nông dân, vì họ được quyền giữ lại lợi tức họ thu được sau khi nộp phí cho nhà nước. Nhưng thật ra các chủ timar không được tự do làm như họ muốn, bởi vì người nông dân có thể kiện lên tòa án shari’a để đòi công lý. và các tòa án này là một định chế hoàn toàn tách biệt, một cơ sở quyền lực tách biệt của xã hội, do các ulama kiểm soát và bổ nhiệm. Giới quý tộc không có đường tắt vào đó. Nếu một gia đình muốn “cắm” một con trai mình vào hệ thống luật pháp này, thì anh ta phải trải qua một tiến trình dài như mọi người khác để được gia nhập giới ulama, một tiến trình dài đến nỗi, khi anh đã vào được đó, mối quan hệ xã hội của anh phần lớn là với các ulama khác. Vì thế các mối quan tâm của anh sẽ đồng điệu với các mối quan tâm của họ và được định hình bởi các học thuyết cổ xưa hơn là bởi nguồn gốc dòng dõi hoặc gia tộc.
Dù có quyền lực tỏa khắp, tuy nhiên, tổ chức giáo sĩ không sở hữu đời sống tín ngưỡng của người Hồi trong đế chế Ottoman. Giáo phái Sufi tiếp tục phát triển thành tín ngưỡng quần chúng, hầu hết mọi người đều nhìn nhận, ít nhất trên danh nghĩa, mình thuộc một dòng tu Sufi nào đó và rất nhiều người hoạt động tích cực trong các hội huynh đệ. Điều này không có ý muốn nói tất cả (hoặc rất nhiều) thường dân trong đế chế đang thực hành các phép tu thần bí. Đúng hơn là nói giáo phái Sufi, đối với phần đông, đã trở thành tập quán, mê tín, thờ cúng, bùa chú, phương thuốc, thần chú, và việc tôn sùng các “thánh” Sufi được cho là sở hữu các năng lực siêu phàm.
Ngoài ra, các dòng tu Sufi này hòa quyện với các akhi, các phường hội thợ thủ công và thương nhân mà tôi đã đề cập trước đây. Các phường hội akhi có vị thế tự trị riêng như là các tổ chức xã hội. Họ đặt ra các tiêu chuẩn cho các thành viên, cấp phép các doanh nhân mới, thu thuế, mở rộng tín dụng, trả hết nợ cũ, trang trải chi phí mai táng, chăm sóc sức khỏe hoạt động cứu tế và bếp ăn từ thiện, cấp học bổng, và cũng tổ chức hội chợ, lễ hội, đám rước, và các khoản giải trí công cộng khác. Mỗi phường hội có chủ tịch, hội đồng, thủ lĩnh, và các quy trình chính trị nội bộ. Các thành viên có khiếu nại có thể đi gặp các viên chức phường hội. Nếu cần, các viên chức phường hội sẽ đại diện thành viên mình trong các vụ kiện và thỉnh nguyện với nhà nước vì lợi ích của thành viên mình. Cũng cùng lý do đó, nhà nước quy định các phường hội, áp đặt các tiêu chuẩn của riêng nhà nước và kiểm soát giá cả vì lợi ích quần chúng.
Mỗi thợ thủ công thuộc về một phường hội, và nhiều thành viên phường hội cũng thuộc về một hội huynh đệ Sufi nào đó có thể cắt ngang ranh giới phường hội. Các hội huynh đệ thường có các trụ sở nơi các thành viên có thể hội họp giao lưu, không chỉ với nhau, mà cũng với các thương nhân và các khách lữ hành ghé qua, bởi vì các trụ sở akhi-Sufi hoạt động tích cực như các hội hỗ trợ các du khách và các trung tâm chiêu đãi.
Nhìn lướt vào bộ máy xã hội Ottoman không cho biết hết tính phức tạp có tính phân dạng của nó: nhìn sát hơn và sâu hơn vào xã hội Ottoman và bạn sẽ thấy cùng một mức độ phức tạp tại bất cứ thứ bậc nào. Mọi thứ kết nối với mọi thứ khác và kết nối theo nhiều cách, sẽ rất tốt đẹp khi mọi nối kết cân đối nhau và tất cả mọi phần đều hoạt động. Nhiều thế kỷ sau, khi đế chế bước vào thời kỳ suy thoái, tất cả các bộ phận hòa quyện nhau và các định chế ăn khớp nhau trở thành một bất lợi đặc thù Ottoman; tính phức tạp của chúng có nghĩa là rắc rối ở chỗ này hoặc lĩnh vực này lại lan một cách bí mật đến chỗ khác hoặc lĩnh vực khác – nhưng chuyện đó để sau hãy nói. Vào thế kỷ 16, đế chế Ottoman là một bộ máy chạy trơn tru một cách tuyệt vời.
Việc bành trướng về phía đông của Othman bị ngăn cản bởi một quyền lực đang lớn khác, triều đại Safavid (sẽ nói sau), nhưng người Ottoman đơn giản hướng về phía nam tại thời điểm đó và chinh phục vùng trung tâm Ả Rập từ Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải, rồi chinh phục Ai Cập, loại bỏ triều đại mamluk khỏi lịch sử, và sau đó tiếp tục mở rộng về phía tây dọc theo bờ biển Bắc Phi.
Tại đỉnh cao của mình, trong thời trị vì vào thế kỷ 16 Suleiman the Magnificent (tước hiệu Cự Phách người Châu Âu gán vào ông – còn trong xứ ông thường mang danh hiệu cao quý Suleiman Người Ban Luật) đế chế Ottoman chắc hẳn được xếp hạng hùng mạnh nhất thế giới. Nó giạng chân lên Châu Âu và châu Á, nó sở hữu cả La Mã (tức Constantinople) và Mecca, không kể Cairo; và vương quốc của họ cai trị nhiều dân chúng và lãnh thổ hơn bất cứ nước nào khác. Không có gì ngạc nhiên khi nhà cai trị Ottoman bắt đầu tự xưng là kha-lip. Không ai tranh cãi về chức vị này. Lúc này tước hiệu này chỉ có tính nghi lễ, nhưng đáng ghi nhận rằng hoàng đế Ottoman nhận hai tước hiệu quan trọng nhất có quyền lực bao trùm trong đạo Hồi: lần đầu tiên trong lịch sử kha-lip và sultan là cùng một người. Đối với công dân Hồi bình thường, điều này có nghĩa chắc chắn lịch sử đáng tiến về phía trước một lần nữa: Umma trở lại lộ trình cũ và trở thành cộng đồng toàn cầu.
Người Safavid (906-1138 SH)
Tuy nhiên, “kha-lip” và “sultan” không phải là tước hiệu duy nhất có quyền lực bao trùm trong đạo Hồi: còn có “imam” nhưng được biết bởi giáo phái kia của người Hồi, giáo phái Shi’i. Giáo phái này mang chúng ta đến với người Safavid xứ Ba Tư, những người cản trở sự bành trướng của Othman về phía đông.
Người Safavid nắm lấy quyền lực một cách bất thường nhất. Nguồn gốc họ đi ngược về một nhóm huynh đệ Sufi thành hình ngay sau khi Mông Cổ bùng phát. Dòng tu kết tinh ở bắc Ba Tư quanh một người thầy tâm linh có tên Sheikh Safi al-Din và sau đó được biết dưới tên nhóm Safavid.
Trong ba thế hệ, nhóm huynh đệ này hoạt động không khác các dòng tu Sufi khác vào thời ấy: đó là một nhóm hoà bình, phi chính trị, nhằm cung ứng sự đồng hành tâm linh và chỗ trốn tránh khỏi các náo loạn của thế giới. Nhưng rồi dòng tu bắt đầu thay đổi. Trước hết, khi vị thủ lĩnh thứ ba mất, con trai ông trở thành thủ lĩnh mới, và khi ông này mất, con trai ông kế vị, và cứ thế trở về sau. Tóm lại, quyền lãnh đạo nhóm có tính kế thừa.
Thứ hai, đâu đó trên lộ trình hoạt động , các thủ lĩnh này bỗng nổi lên tham vọng chính trị. Họ chiêu mộ các môn sinh được tuyển chọn vào các đoàn ưu tú, không chỉ học tập các kỹ thuật thanh lọc thân tâm mà còn rèn luyện kỹ năng chiến đấu. Họ trở thành vệ sĩ của thủ lĩnh, rồi người chấp pháp và rồi họ trở thành một tầng lớp quân sự đúng nghĩa.
Như một biểu hiệu thành viên của đội vệ sĩ Safavid, các chiến binh thần bí này đội mũ đỏ đặc biệt, vì thế họ được gọi là Qizilbash, tiếng Thổ có nghĩa là “bọn đầu đỏ.” Mũ họ đội có thiết kế 12 nếp gấp phân biệt, phản ánh sự thay đổi thứ ba và quan trọng nhất trong dòng tu Safavid: họ chuyển sang giáo phái Shi’i.
12 nếp gấp tượng trưng 12 vị imam của giáo phái Shi’i dòng chính. Như tôi đã từng đề cập, người Shi’i cảm thấy rằng uy quyền tôn giáo có tính thừa kế thuộc về một nhân vật gọi là imam, đại diện của Allah trên trần gian. Lúc nào cũng hiện diện độc nhất một vị imam trên thế gian; không bao giờ có hai; và vị imam thực sự của thời kỳ luôn xuất thân từ dòng dõi Tiên Tri Mohammed qua con gái Fatima của ông và chồng Ali của bà.
Bất cứ khi nào vị imam có nhiều hơn một con trai, cái chết của ông ta lại có khả năng gây ra bất hoà về việc xác định đứa con nào mới là vị imam tiếp theo. Mối bất hoà như thế xảy ra đúng vị imam thứ 5, phát sinh một giáo phái nhánh thiểu số có tên Zaidi (Phe Thứ Năm.) Mối bất hoà khác về vị imam thứ 7 lại sinh ra giáo phái Isma’ili (tức Phe Thứ Bảy).
Những người Shi’i còn lại đều nhất trí với danh sách các imam đến đời thứ 12 kể từ Ali, nhưng vị imam thứ 12 biến mất khi còn là đứa trẻ. Những người không theo giáo phái Shi’i cho rằng ông bị sát hại. Tuy nhiên, người Shi’i tin rằng ông ta không hề chết mà chỉ đi vào cảnh giới “khuất bóng” một khái niệm kỳ quặc của người Shi’i: khuất bóng nghĩa là ông trở nên vô hình đối với mắt người thường.
Người Shi’i dòng chính (tức Phe 12) gọi vị imam này là “vị imam giấu mặt”. Học thuyết Shi’i cho rằng Vị Imam Giấu Mặt đang và sẽ luôn còn sống, rằng ông vẫn còn giao tiếp trực tiếp với Allah và còn đang khải đạo thế gian theo một cách bí ẩn nào đó. Giáo thuyết không nói chính xác bằng cách nào Vị Imam Giấu Mặt vẫn còn ẩn nấp. Giáo thuyết không nói ông đã trở nên vô hình, giả trang, thay hình đổi dạng, hay ẩn cư trong một hang động nào đó, hoặc gì gì đó. Cách lý giải máy móc như vậy là thuộc phạm trù khoa học, còn việc khuất bóng là một khái niệm huyền bí không thích hợp cho cách lý giải máy móc.
Học thuyết Shi’i tuyên bố rằng vị imam thứ 12 sẽ tự hiện hình vào ngày tận thế, khởi phát sự hoàn thành viên mãn của cộng đồng Hồi giáo và khánh thành Thời đại Công chính tối hậu, điểm kết thúc được mọi người Hồi tốt lành mong ngóng, lịch sử sẽ chấm dứt, người chết sẽ được sống lại, và Allah sẽ phán xét để phân loại tất cả ai từng sống vào thiên đường hay địa ngục tùy theo nghiệp của mình. Vì sự trông đợi này Vị Imam Giấu Mặt sẽ tái xuất lần nữa vào ngày tận thế, người Shi’i đôi khi gọi ông là Mahdi “người được kỳ vọng” (một khái niệm cũng tồn tại trong đạo Hồi Sunni, nhưng kém sống động hơn.) Phần đông người Iran ngày nay đi theo nhánh Shi’i này, khiến cho nhóm 12 trở thành dòng Shi’i chính của thời hiện đại.
Vào giữa thế kỷ 15, người Safavid ôm lấy mớ tín điều phức tạp này. Mười hai nếp gấp trên mũ đỏ mà nhóm Qizilbash đội tượng trưng cho 12 vị imam. Nhưng lần này người Safavid là một nhóm giáo phái do một thủ lĩnh đầy tham vọng cầm đầu với một đạo quân lớn dần dưới sự chỉ huy của ông. Các binh sĩ xem ông không như một vị tổng tư lệnh mà như đường sống của họ đến thiên đường.
Các Safavid chính trị hóa này hoạt động trong một khung cảnh xã hội chao đảo. Thế giới Ba Tư, đã bị đập tơi bời bởi Thành Cát Tư Hãn rồi bị đập lại nữa bởi Thiếp Mộc Nhi, giờ đã bị phân mảnh thành các công quốc nhỏ do các tộc trưởng Thổ cai trị. Tất cả các tộc trưởng Thổ đều là người Sunni cương quyết. Ngược lại, người Shi’i từ lâu được nhận diện là lực lượng khởi nghĩa Ba Tư chống lại bọn lạ mặt xâm lược, giờ đây quay ra chống lại người Thổ lên nắm quyền. Sau thảm họa Mông Cổ , giáo phái Shi’i chiến đấu này được biết dưới tên Safavid dễ dàng kết nối được với mọi lực lượng cách mạng chống nhà nước đang hoạt động. Không có gì ngạc nhiên khi người Safavid khiến các ông hoàng địa phương bất an
Vào năm 1488, một trong số các ông hoàng này quyết định hành động. Y cho người giết chết thủ lĩnh dòng Safavid. Rồi để nhổ cỏ tận gốc, ông lại cho sát hại trưởng nam của ông ta. Ắt hẳn ông sẽ tiếp tục trừ khử luôn đứa con trai 2 tuổi có tên Ismal, nhưng nhóm Qizilbash đem anh bạn nhỏ giấu biệt, ngay trước khi bọn sát thủ được nhà nước thuê mướn kịp ra tay.
Mười năm trôi qua, dòng Safavid đã lớn mạnh thành một hội kín khủng khiếp. Ismail đã trưởng thành, sống chui từ nơi này đến nơi khác cho an toàn. Trong suốt thời gian đó, tổ chức Qizilbash luôn coi cậu như thủ lĩnh của họ, không như một tên bù nhìn. Họ tôn kính cậu bé và tin tưởng cậu có ngọn lửa thần thánh trong người. Hãy tưởng tượng cậu đã xem thế gian (và chính mình) ra sao suốt thời gian cậu đến tuổi vị thành niên, lúc nào cũng sống trong vòng bí mật, luôn đầy đẫy hiểm nghèo, và vây quanh, trong tận cùng ký ức, bởi bóng dáng đội quân mũ đỏ luôn cúi đầu trước cậu, nuốt từng lời cậu nói, và tuân theo mọi ý muốn thất thường của mình. May mắn, cậu trai được nuôi dưỡng trong ý thức tự xem mình là quan trọng lại tỏ ra xuất sắc và ngoan cường.
Đến khoảng 12 tuổi, Ismail ra khỏi tình trạng ẩn nấp cùng với lực lượng Qizilbash của mình. Cậu triệt hạ nhanh chóng ông hoàng đã sát hại cha mình. Các ông hoàng khác hè nhau đến đập cậu, nghĩ rằng, đánh bại một thằng nhóc 12 tuổi có khó khăn gì đâu? Hóa ra là rất khó.
Vào năm 1502, ở tuổi 15 Ismail tự xưng là Shahanshah xứ Iran. Shahanshah có nghĩa là “vua các vì vua”. Đó là danh hiệu mà nhà Sassanid đã sử dụng, cũng như vương quyền Ba Tư cổ đại đã sử dụng trước họ. Bằng cách ném bỏ tước vị “kha-lip” và “sultan”, Ismail chối bỏ truyền thống lịch sử Ả Rập và Thổ để lấy lại nhân thân Ba Tư sinh quán của mình. Bằng cách gọi lãnh thổ mình là Iran, ông khiến ta nhớ lại vị vua cổ đại có tên trong thiên hùng ca của Firdausi của dân tộc Ba Tư, Sách các Vua. Thật ra, cơ quan tuyên truyền của Ismail cho biết ông có quan hệ huyết thống với nhà Sassanid ngày xưa.
Ismail cũng tự tách mình khỏi người láng giềng bằng cách tuyên bố đạo Shi’i 12 là quốc giáo. Ông cho bộ hạ mình công khai nguyền rủa ba vị kha-lip đầu tiên của đạo Hồi: Abu Bakr, Omar, và Othman. Nhà nước tuyên bố chỉ có Ali là người kế vị hợp pháp duy nhất và các imam xuất thân từ ông là các thẩm quyền tôn giáo duy nhất. Các nhà tuyên truyền của Ismail lan truyền tin rằng ngoài việc xuất thân từ nhà Sassanid, Ismail cũng là hậu duệ của Ali. Họ còn cho rằng ông có liên lạc trực tiếp với vị imam giấu mặt người tất nhiên có tiếp xúc trực tiếp với Allah. Thật ra, Ismail thiếu điều tuyên bố rằng mình chính là vị Imam Giấu Mặt – làm sao không thể chứ, với cách được nuôi dưỡng của ông? Một số người còn nói ông thậm chí nghĩ mình là Thượng Đế.
Tin chắc vào ý thức vận mệnh của mình, Ismail phái các nhà thuyết giáo vào tận đế chế Ottoman để truyền bá thông điệp tôn giáo của mình. Các đặc vụ của ông kêu gọi thần dân Ottoman cải sang giáo phái Shi’i và nhìn nhận Ismail là nhà lãnh đạo duy nhất được Allah khải đạo. Ông cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch bức hại người Sunni trong lãnh thổ mình. Một số người nhìn ra dấu hiệu điên loạn trong hành vi của nhà vua nên vội vã di dân sang đế chế Ottoman. Trong số những người ở lại, nhiều người bị cầm tù hay bị giết.
Vâng, trong trường hợp bạn không biết: Vị sultan Ottoman Selim đáp trả bằng cách bỏ tù hoặc hành hình người Shi’i sống trong lãnh thổ của mình. Thế là, trong khi người Sunni chuồn về tây vào Anatolia, thì người Shi’i chạy về đông vào Ba Tư. Toàn bộ tiến trình dẫn đến sự tập trung ngày càng đông người Shi’i vào đế chế Safavid (và Sunni vào Ottoman) và người Safavid làm hết sức mình để xúc tiến chiều hướng này cũng như hòa nhập giáo thuyết Shi’i với nền văn hóa Ba Tư. Sự hòa nhập giáo điều Shi’i với chủ nghĩa dân tộc Ba Tư trở thành nền tảng ý thức hệ của đế chế mới của họ, mà hạt nhân của nó sau này trở thành quốc gia Iran hiện đại.
Như một phần của chiến dịch này, người Safavid nâng Tazieh lên thành một bi kịch mang tính nghi thức quốc gia. Tazieh là một chu kỳ hoạt động thương khó của người Shi’i kể lại việc tử đạo của Hussein ở Karbala. Hoạt động xuất phát từ nghi thức than khóc được tiến hành trong các tòa nhà đặc biệt gọi là takiah khanas. Theo truyền thống, vào ngày thứ 10 của tháng Muharam (ngày Hussein tử vì đạo), người Shi’i tụ họp tại những nơi này để than khóc với nhau, tập quán này đã có hàng thế kỷ. Trong lễ than khóc, nếu ai có muốn kể lại một đoạn của câu chuyện có thể nhảy lên và làm thế để kích động và chất chứa thêm phiền não. Người Shi’i trở nên hoàn toàn thân thiết với mọi chi tiết của việc tử đạo và mọi câu chuyện có thể được kể về nó. Để kể các vở kịch này họ phát triển một phong cách phát ngôn đặc biệt nhằm mục đích kích động nỗi sầu não. Tuyển tập các câu chuyện này hình thành nên bộ Tazieh, và mỗi năm, vào ngày 10 Muharam, giờ người Safavid đang nắm vững quyền lực, người Shi’i trên khắp đế chế đổ ra đường phố thể hiện nỗi ai oán công khai và sau đó đi đến các nhà hát do nhà nước tài trợ tại đó các nghệ sĩ chuyên nghiệp do nhà nước trả lương diễn lại nghi thức này trên sân khấu.
Khi Ismail 27 tuổi, ông phát hiện ra rằng mình không phải là Allah gì hết. Người Ottoman dạy cho ông bài học này bằng cách xâm chiếm lãnh thổ ông. Hậm hực đánh nhau, Ismail vội vàng đi nghênh chiến. Hai bên đụng độ trên bình nguyên Chaldiran, gần thành phố Tabrez. Quân Ottoman có súng, nhưng quân Safavid cho rằng mình có vũ khí tốt hơn: nhiệt tình tôn giáo lỗi thời và một thủ lĩnh được Allah khải đạo. Lần này súng cho thấy hữu ích hơn. Selim đè bẹp lực lượng Ismail, suýt giết chết ông, và chiếm kinh đô Tabrez của ông.
Trận đánh Chaldiran quan trọng như Trận Hastings, đánh dấu sự ra đời của Anh quốc như một quốc gia. Các sử gia thường ghi điểm thắng cho quân Ottoman, nhưng xét tổng thể đúng hơn là trận hòa vì Selim.không thể giữ được
Tabrez. Khi mùa đông đến ông rút quân về các căn cứ an toàn hơn sâu trong lãnh thổ Anatolia, và đến năm sau người Ba Tư chiếm lại Tabrez và tiến hành chiến dịch vườn không nhà trống đề phòng bọn xâm lược tấn công lần nữa. Vì thế trận Chaldiran thực sự rốt cục xác định biên giới giữa lãnh thổ Ottoman và Safavid, và cuối cùng định hình biên cương vĩnh viễn giữa hai nhà nước kế nghiệp, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến ngày nay.
Ismail trở về nhà sau trận Chaldiran, buồn rầu và suy sụp. Bại trận khiến ông suy nghĩ lại nhân thân của mình. Ông trải qua quãng đời còn lại ít nhiều ẩn dật, chiêm nghiệm vũ trụ và viết các bài thơ tôn giáo. Đế chế của Ismail không chỉ sống qua giai đoạn buồn nản của ông mà còn phất lên, một phần vì nó thừa hưởng một loạt các nhà cai trị tài năng và sống thọ.
Với biên cương ít nhiều được củng cố, hận thù giữa đế chế Ottoman và Safavid dịu bớt và mậu dịch bắt đầu nhộn nhịp theo hai hướng có lợi cho cả đôi bên. Đế chế Safavid lúc nào cũng nhỏ hơn đế chế Ottoman và không hùng mạnh bằng , nhưng nhờ chỉ có quốc giáo và nhóm sắc tộc thống trị đơn lẻ, nó có tính đoàn kết hơn về mặt văn hoá.
Đế chế Ba Tư này đạt đến đỉnh cao dưới triều cháu cố của Ismail là Shah Abbas Đại để, mất năm 1629 sau thời trị vì 42 năm. Abbas trang bị quân đội của mình bằng súng và đại bác, và trong kỷ nguyên của ông Iran phát triển vượt bậc nghề dệt, gốm sứ, may mặc và kỹ nghệ thảm được nhà nước tài trợ, và xuất khẩu hàng hoá đến những nơi xa xôi như châu Âu, châu Phi, và Ấn Độ.
Nghệ thuật hội hoạ, và đặc biệt ngành “tiểu họa Ba Tư” – nhũng cảnh chi tiết sắc sảo bao quanh bởi các đường viền hoa lá và hình kỷ hà – mà đỉnh cao là vào thời Ba Tư Safavid. Nghệ thuật thư pháp, được xem như là dạng nghệ thuật chủ yếu trong thế giới Hồi giáo nhờ vào sự tôn kính bản Kinh Qur’an viết tay, và đạt đến sự hoàn hảo ở đây. Hai ngành nghệ thuật đến với nhau trong các bộ sách được minh họa, các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao nhất của thời đại, và tác phẩm đỉnh cao trong thể dạng này là Sách các Vua, thiên hùng ca của Firdausi, được sản xuất cho triều đình Safavid: nó có 258 bức hoạ và 60, 000 hàng thư pháp tạo bởi các nghệ sĩ khác nhau – đúng là một viện bảo tàng giữa hai bìa sách.
Tính sáng tạo thời Safavid lên đến đỉnh cao trong ngành kiến trúc. Chẳng hạn, không giống các thánh đường Ottoman đồ sộ – nhưng mô gò u ám các mái vòm với các tháp canh – người Safavid xây dựng các cấu trúc thông thoáng lấp lánh các mái ngói khảm bóng láng và dường như trôi nổi, khiến cho ngay cả các thánh đồ sộ trông như được làm bằng ren và ánh sáng.
Nếu kiến trúc là hình thức nghệ thuật cao cấp nhất của Ba Tư thời Safavid, thì thiết kế đô thị là siêu nghệ thuật. Người Safavid cứ luôn đời kinh đô của mình (để tìm an toàn khỏi người Ottoman lúc nào cũng lù lù ra đó) và mỗi lần họ chọn một thành phố mới làm kinh đô thì họ lại làm đẹp nó thêm lên. Vào năm 1598, sau khi chọn Isfahan làm kinh đô mới, Shah Abbas phát động một chương trình xây dựng nhằm biến đổi toàn bộ thành phố thành một hòn ngọc tích hợp đơn lẻ: vào lúc ông đã xong việc, kinh đô tràn ngập các quảng trường công cộng, vườn hoa, thánh đường, lâu đài, hồ nước, cung điện, và trụ sở nhà nước đan xen với các đại lộ xinh đẹp. Các du khách choáng váng đặt ra cụm từ Isfahan Nisfi-Jahan, “Isfahan, phân nửa thế giới” (ý họ muốn nói nếu bạn chưa nhìn thấy Isfahan, bạn đã lỡ mất phân nửa những gì đáng xem trên thế giới).
Thế giới Ottoman và Safavid có sự khác biệt, vậy mà, với tất cả thù địch giữa các chính quyền, một thể loại thống nhất về văn minh diễn ra giữa họ. Họ không khác nhau nhiều hơn, để coi, như Anh và Pháp, và có thể ít hơn thế. Một du khách đi từ Istanbul đến Isfahan hoặc ngược lại sẽ cảm thấy hai nơi ít nhiều thân thiết nhau. Điều hoàn toàn nổi bật là hai đế chế hùng mạnh và khác biệt như thế lại có thể xuất hiện trong cùng một thời kỳ cạnh bên nhau. Càng kinh ngạc hơn là còn có một đế chế Hồi giáo khác to lớn, khác biệt, phi thường, và hùng mạnh kết tinh gần như khoảng thời kỳ này: đế chế của người Moghul, trải dài từ Miến Điện, băng qua Ấn Độ, đến giữa Afghanistan tại đó nó đụng đầu với biên giới Safavid.
Người Moghul (Khoảng 900 đến 1273 SH)
Người Moghul ngang hàng với người Ottoman về sự giàu có và sức mạnh. Khoảng 20 phần trăm dân số thế giới hiện nay sống trên lãnh thổ mà họ từng cai trị, bao gồm toàn bộ hoặc một phần của 5 quốc gia hiện đại, Afghanistan, Pakistan, Ấn, Bangladesh, và Miến Điện. Con người gầy dựng nên đế chế khổng lồ này gần như sống cùng thời với Shah Ismail có tên Babur, nghĩa là “hổ”, và trong một vài khía cạnh, thậm chí ông còn nổi bật hơn cả chàng thiếu niên Safavid phi thường.
Babur tuyên bố mình là hậu duệ của cả Thiếp Mộc Nhi và Thành Cát Tư Hãn. Thực ra huyết thống như thế nào, không ai biết, nhưng Babur rất coi trọng gia phả của mình; nó gợi cho ông ý thức về sứ mạng đời người. Cha ông cai trị một vương quốc nhỏ tên Farghana, ngay phía bắc Afghanistan ngày nay, và khi vua cha mất vào năm 1495, Babur thừa kế ngai vàng. Lúc đó ông chỉ mới 12 tuổi.
Trong vòng một năm ông đã đánh mất vương quốc mình, điều không có gì ngạc nhiên: ông chỉ 12 tuổi! Nhưng ông chiêu tập lại và chinh phục Samarqand huyền thoại, kinh đô một thời của Thiếp Mộc Nhi – rồi lại để mặt đất nó. Ông trở lại Farghana và tái chiếm nó. Nhưng kẻ thù đánh chiếm lại. Sau đó ông chinh phục Samarqand lần thứ hai, lần này chỉ với 240 người – nhưng cũng không thể giữ nó. Ở tuổi 18, Babur đã được và mất hai vương quốc mỗi vương quốc hai lần và thấy mình phải chạy thụt mạng qua vùng núi non Afghanistan cùng với mẹ và các chị em gái và vài trăm tùy tùng. Trong ba năm, ông và băng nhóm mình lang thang khắp nơi hoang đã, tìm kiếm một vương quốc mới: làm vua là tất cả những gì ông biết, và chức vua là tước hiệu duy nhất ông đang tìm kiếm.
Tôi dám nói bất kỳ thiếu niên nào có thể giữ được một băng nhóm chiến binh trưởng thành suốt nhiều năm lưu vong không nhà ắt hẳn phải có điều gì đó đặc biệt; và Babur chắc chắn là một mẫu người đáng sợ về mặt thể chất. Chuyện kể là ông có thể kẹp nách mỗi bên một người lớn và phóng qua con suối. (Chuyện không cho biết hai người lớn bị kẹp nách nghĩ gì về bài thể dục này?) Tuy nhiên, không giống phần đông kẻ gan lì, Babur là người nhạy cảm, yêu nghệ thuật, và lãng mạn. Ông giữ một nhật ký trong suốt quãng đời phiêu lưu của mình, và cuối đời chấp bút một thiên hồi ký trở thành một tác phẩm văn chương Thổ cổ điển. Sau khi cháu nội ông cho dịch ra tiếng Ba Tư có uy tín hơn, quyển sách chiếm được địa vị cao trên văn đàn. Trong tác phẩm này, Babur thể hiện mình với tính chân thật phi thường. Sau một thất bại quân sự quan trọng, chẳng hạn, ông thổ lộ cho chúng ta là ông không thể cầm được nước mắt. Có kẻ gan lì nào dám thú nhận một điều như thế không? Sau đó ông cho biết về cuộc hôn nhân sắp đặt của mình và việc ông dù cố hết sức cũng không thể hứng lên được với cô vợ. Ông chỉ một hai tuần mới đến thăm nàng, ông nói, mà cũng bởi vì bà mẹ nói ra nói vào. Rồi ông yêu – một chàng trai ông gặp trong một cửa hàng. “Trong cơn dâng trào đam mê và ham muốn và dưới áp lực của tính điên cuồng tuổi trẻ, tôi thường lang thang đầu trần, chân trần, qua phố rồi đường quê, qua vườn cam và vườn nho; không thèm tỏ vẻ lịch sự với bạn bè hoặc người xa lạ, không ngó ngàng đến mình hoặc người khác….” Vị hoàng đế tương lai đã thổ lộ với chúng ta đam mê tuổi mới lớn dễ tổn thương của mình như thế đó – vậy mà đây cũng là anh chàng đã hai lần chinh phục và đánh mất Samarqand.
Trong quá trình đi lang thang, Babur và băng nhóm vừa lên đến đỉnh đồi thì trông thấy một thành phố xinh xắn nằm gọn gàng giữa thung lũng bên dưới. Babur lại yêu lần nữa, lần này với Kabul. Và Kabul, ông kể với chúng ta, đáp lại tình cảm của ông: cư dân căm ghét kẻ cai trị và xin Babur lên làm vua của họ. Điều này nghe có vẻ là món tuyên truyền khó tin của người chinh phục. Có thể, nhưng tôi phải cho bạn biết là tình cảm của Kabul dành cho Babur vẫn còn lưu luyến đến ngày nay. Những công trình ông xây dựng nhìn qua thành phố vẫn còn là một công viên được ưa chuộng, và ngôi mộ ông ở đó vẫn còn là một điện thờ được yêu quý.
Babur lên ngôi vua ở Kabul vào năm 1504, và giờ ông đã có căn cứ. Ông cân nhắc và bác bỏ một toan tính tấn công khác vào Samarqand. Ông và nhóm cố vấn quyết định đi nam, như quá nhiều nhà chinh phục Thổ-Mông khác đã làm trước đây. Babur vào Ấn Độ với 10 ngàn quân và vị sultan xứ Delhi tiếp ông trên đồng bằng Panipat với 100 ngàn quân. Mười chống một – chuyện huyền thoại!
Hơn nữa, vị sultan có 1000 quân tượng, nhưng Babur cũng có một lợi thế: súng ống. Công nghệ mới ăn đứt sinh học cũ. Babur đánh đuổi vị sultan và chiếm Delhi. Như Ottoman và Safavid, quân Moghul ào lên kẻ thù vì họ lấy đạn súng và đạn đại bác để đánh với giáo và tên. Đế chế Hồi giáo “thuốc súng” thứ ba giờ có mặt trên bản đồ.
Người Moghul, hơn cả người Safavid, hưởng lợi nhờ một loạt các nhà cai trị xuất sắc và sống thọ. Chỉ 6 người đầu tiên đã cai trị đế chế đến 200 năm. Hầu hết là những nhà vua năng nổ, lãng mạn, và yêu nghệ thuật. Ít nhất có 3 người là các thiên tài quân sự. Chỉ có một người quản trị tồi, nhưng được bà vợ Nur Jahan tiếp sức cai trị từ phía sau ngai vàng. Bà không kém bất cứ vị vua tốt nhất nào – một phụ nữ quán xuyến hiểu biết, một nhà thơ và người tài trợ các bộ môn nghệ thuật, một nữ thể thao phi thường, và một trong các chính trị gia sắc sảo nhất của thời đại mình.
Chỉ có một trong 6 người là vô dụng, và đó là con trai của Babur. Chỉ mất 10 năm tên vua say xỉn này đã đánh mất toàn bộ đế chế mà vua cha đã gầy dựng. Tuy nhiên, trong lúc y chạy thoát thân qua vùng núi Afghanistan, cô vợ thân yêu của ông hạ sinh một bé trai sau này sẽ trở thành Akbar Đại Đế, vị quân vương nổi bật nhất của thời đại mình, người đồng thời và ngang hàng với Nữ hoàng
Elizabeth nước Anh. Vua cha xoay sở lấy lại ngôi báu đúng lúc Akbar mừng sinh nhật thứ 12. Không lâu sau đó, vua cha nghe lời loan báo đến giờ cầu nguyện khi đang đứng trên đầu cầu thang trong thư viện của mình và thình lình nổi hứng muốn cải thiện đời mình. Ông vội vã bước xuống để bắt đầu sống như một vị thánh, nhưng trên đường xuống cầu thang ông sẩy chân và té gãy cổ, và thế là hoàng tử thiếu niên lên ngôi.
Akbar củng cố lãnh thổ mà vua cha chinh phục và mở rộng nó, và thiết lập trật tự trên toàn đế chế. Chỉ những thành tựu này thôi cũng đủ khiến ông là một quân vương xuất chúng, nhưng Akbar không chỉ là một nhà chinh phục.
Ngay từ sớm, ông đã nhận ra điểm yếu cốt lõi của đế chế: một nhóm nhỏ người Hồi cố cai trị một dân số áp đảo người Hindu (Ấn giáo) đã bị người Hồi cướp bóc giựt giọc, và giết chóc từ những ngày dưới triều của Sultan Mahmud the Ghaznavid, khoảng 5 thế kỷ trước. Akbar giải quyết khuyết điểm này bằng một nguyên tắc ông gọi là sulahkul, “khoan dung toàn bộ.” Để chứng tỏ lòng thành của mình, ông cưới một công chúa Hindu và tuyên bố con trai trưởng của cô sẽ là người kế vị.
Akbar mở rộng mọi vị trí trong chính quyền cho người Hindu bình đẳng với người Hồi. Ông bãi bỏ thuế phạt mà các nhà cai trị Hồi trước đây tại vùng này áp đặt lên khách hành hương đến viếng thăm các đền thờ Hindu. Akbar cũng bãi bỏ thuế jizya, loại thuế tôn giáo đánh vào dân không theo đạo Hồi. Ông thay thế hai loại thuế này bằng thuế đất áp dụng bình đẳng với mọi công dân, sang hay hèn.
Gần như không có nhà nước nào trên thế giới vào thời kỳ này đánh thuế giới quý tộc, nhưng Akbar phá vỡ khuôn khổ. Ông cũng ra lệnh cho binh sĩ bảo vệ các điện thờ và thánh địa của mọi tôn giáo, không chỉ đạo Hồi.
Hoàng đế Moghul vĩ đại này bãi bỏ giới quý tộc quân sự chính quy mà các tiên vương đã trông cậy và thiết lập một bộ máy hành chính trong đó mỗi viên chức được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ chỉ trong một thời hạn ấn định, sau đó ông ta phải chuyển sang công tác khác tại một nhiệm sở mới. Về cơ bản, Akbar là người tiên phong đưa ra khái niệm về nhiệm kỳ, cắt đứt một tiến trình vốn hay phát sinh ra quá nhiều các lãnh chúa vùng miền hay gây rối trong quá khứ.
Sinh ra và được nuôi dưỡng như một người Hồi giáo, Akbar ắt hẳn xem mình là một quân vương Hồi, nhưng ông cũng tò mò một cách sâu xa về các tôn giáo khác. Ông mời các nhà tôn giáo hàng đầu của Ấn giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Kỳ Na giáo, Hỏa giáo, Phật giáo, và các đạo khác đến triều để giải thích và tranh luận các quan điểm của họ trong khi vị hoàng đế ngồi lắng nghe. Cuối cùng ông khẳng định mọi tôn giáo đều có một chút chân lý trong đó nhưng không có tôn giáo nào chứa toàn bộ chân lý, vì thế ông quyết định lấy ra điều tốt nhất trong mỗi tôn giáo và trộn lẫn chúng với nhau thành một tôn giáo mới ông gọi là Din-i Illahi, “Thiên Đạo.” Các học thuyết của tôn giáo mới này bao gồm, trước tiên, là Thượng Đế, một đấng toàn năng đơn lẻ; thứ hai, vũ trụ là một toàn thể tích hợp đơn lẻ phản ánh các tạo vật của ngài; thứ ba, nghĩa vụ tôn giáo của mỗi người là không xâm hại đến người khác; thứ tư, con người có thể và nên sống theo gương mẫu Các Cuộc đời Hoàn hảo từng tồn tại – như Mohammed, như các vị imam Akbar nói, và tiếp tục nhún nhường đề xuất mình cũng là một tấm gương như thế.
Bừng bừng nhiệt huyết cho tôn giáo mới của mình, Akbar cho xây dựng một thành phố mới hoàn toàn để tưởng niệm nó. Kiến tạo bằng đá đỏ, Fatehpur Sikri vươn lên từ sa mạc chung quanh ngôi mộ và đền thờ của một nhà thần bí Sufi mà ông ngưỡng mộ. Tòa nhà chính ở đây là sảnh tiếp tân, một khán phòng rộng có trần mái vòm cao và chỉ có một vật dụng duy nhất: một cột trụ cao nối với các ban công chạy dọc theo bức tường bởi các lối đi hẹp. Akbar ngự trên cột trụ này. Thần dân nào muốn thỉnh nguyện hoàng đế sẽ tâu với ngài từ ban công. Quần thần và các nhóm quan tâm khác ngồi theo dõi từ sàn bên dưới.
Bằng chứng cho tính uy nghi và sức thu hút của Akbar là không ai nổi dậy chống lại ông khi ông ra sức quảng bá cho tôn giáo mới này, nhưng tôn giáo của ông không bắt rễ. Nó không có đủ tính Hồi giáo cho người Hồi hoặc không đủ tính Hindu cho người Hindu. Fatehpur Sikri không kéo dài lâu: nguồn nước của thành phố khô cạn và thành phố lụi tàn.
Nhưng các ý tưởng của Akbar không bừng nở từ số không. Các phong trào hòa trộn những điều tốt đẹp nhất của đạo Hồi và đạo Hindu đã thấm đẫm trên tiểu lục địa kể từ ngày Babur, với chủ nghĩa thần bí cung cấp điểm giao hòa. Vào năm 1499, chẳng hạn, một người tên Nanak có một trải nghiệm tôn giáo dẫn dắt ông đến với tuyên bố, “Không có đạo Hindu, không có đạo Hồi.” Mặc dù sinh ra là người Hindu, ông đi đến giáo phái Sufi và dành trọn đời bác bỏ và tẩy chay hệ thống giai cấp. Ông phát động một truyền thống các kỹ thuật tâm linh được truyền trực tiếp từ sư phụ đến môn sinh, gây tiếng vang đến cả các bậc thầy Hindu và các thánh Sufi. Các đệ tử của Guru Nanak cuối cùng tự xưng mình là tín đồ Sikh, một tôn giáo mới.
Một người đương thời của Guru Nanak, nhà thơ mù chữ Kabir, con của một bà mẹ góa Hindu nhưng được nuôi dưỡng bởi một gia đình thợ dệt Hồi giáo. Ông bắt đầu phun ra các vần thơ ca ngợi tình yêu trong một tinh thần thoang thoảng hương vị Sufi và Hindu, và các thư ký lúi húi ghi chép những lời ông thốt ra. Các vần thơ còn tồn tại đến ngày nay.
Trong khi các nhà thần bí dân gian ở Ấn Độ thời Moghul đang sáng tác các vần thơ nồng nàn bắt rễ vào truyền thống truyền khẩu, các thi sĩ cung đình đang trau chuốt một phong cách siêu hình phức tạp về thi ca tiếng Ba Tư. Đồng thời, các nghệ sĩ Moghul đang phát triển một phiên bản khỏe khoắn riêng của mình về ngành tiểu họa “Ba Tư” và ngành minh họa sách.
Sức sáng tạo Moghul lên đến đỉnh cao trong kiến trúc, khéo léo phối hợp tính đường bệ vững chãi trong phong cách Ottoman với tính thanh thoát bay bổng trong phong cách Safavid. Quân vương Moghul thứ 5 Shah Jahan đúng là một thiên tài trong lĩnh vực này. Trong thời ông, ông được gọi Vị Vua Công Chính, nhưng ngày nay ít người còn nhớ nhiều thành tựu chính trị và quân sự của ông: những gì họ nhớ về ông là tình yêu ám ảnh dành cho người vợ. Mumtaz Mahal, “món trang sức của cung điện,” vốn vắn số qua đời sau khi Shah Jahan bắt đầu trị vì một thời gian ngắn. Vị hoàng đế phiền muộn dành 20 năm sau cho việc xây dựng một đài tưởng niệm cho bà: Đền Taj Mahal. Thường được xem là tòa nhà xinh đẹp nhất thế giới, Taj Mahal là tuyệt tác độc đáo và nổi tiếng khắp nơi như Mona Lisa của Da Vinci hoặc Nhà Nguyện Sistine của Michelangelo. Điều nổi bật là người nghệ sĩ có công cho thành tựu xuất chúng này hàng ngày phải điều hành hoạt động của đế chế, bởi vì trong khi nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế đóng góp công sức cho Taj Mahal, chính hoàng đế là người giám sát mọi chi tiết của việc xây dựng: cặp mắt của ông là cặp mắt bậc thầy.
Con trai của Shah Jahan, Aurangzeb, người Moghul vĩ đại cuối cùng, không có kiến thức nghệ thuật. Âm nhạc, thi ca, và hội hoạ ông ta không màng. Đam mê của ông ta là tôn giáo, và không có gì làm ông phẫn nộ hơn là truyền thống khoan dung mà dòng họ ông đã đi tiên phong trên tiểu lục địa. Vào cuối thời trị vì của vua Shah Jahan, Aurangzeb chống đối với vua cha và chiếm lấy quyền lực. Ông bắt giam vua cha trên một thành lũy, tại đó vị hoàng đế già sống hết cuộc đời của mình trong một căn phòng chỉ có một cửa sổ quá cao đến nổi ông không thể nhìn qua. Sau khi ông qua đời, lính canh mới tìm thấy một chiếc gương nhỏ gắn vào bức tường. Trong chiếc gương đó, hóa ra, từ giường mình, Shah Jahan có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài, và thứ duy nhất ông có thể trông thấy ở ngoài đó qua khung cửa sổ cao là Đền Taj Mahal.
Phục hồi đạo Hồi chính thống trở lại vị trí đặc quyền trong đế chế Moghul là nỗi ám ảnh ảnh của Aurangzeb. Ông là thiên tài quân sự không kém ông cố nội Akbar của mình, và như Akbar, ông cai trị 49 năm, vì thế ông có thời gian và quyền lực để thực hiện các thay đổi sâu xa trong tiểu lục địa.
Những thay đổi ông nhắm đến và thực thi chính xác ngược lại với những điều mà ông cố nội ông Akbar Đại Đế xiển dương. Ông tái lập jizya. Ông tái áp đặt các sắc thuế đặc biệt đánh vào người Hindu. Ông cho lực lượng an ninh đập bỏ các điện thờ Hindu mới. Ông sa thải các viên chức Hindu khỏi bộ máy chính quyền và gây chiến với người Rajputs, các nhà cai trị Hindu bán tự trị ở phía nam, để bắt họ nằm ngoan ngoãn dưới quyền lực của chính quyền Moghul và thiết chế giáo sĩ Hồi, giới ulama của Ấn Độ.
Aurangzeb cũng ra sức tận diệt người Sikh. Guru Nanak từng là một người chủ hòa cương quyết nhưng việc bức hại của Aurangzeb biến người Sikh thành một giáo phái chiến đấu mà các vật dụng nghi thức thiêng liêng của họ từ đây có thêm một con dao lưỡi cong mà mọi tín đồ Sikh luôn mang theo bên mình.
Cho dù người Moghul khổng lồ cuối cùng là một kẻ cuồng tín hung bạo, triều đại này vẫn cắt một vạt rực rỡ qua lịch sử, và ở đỉnh cao của nó, khoảng năm 1600, nó chắc chắn là một trong ba đế chế vĩ đại và hùng mạnh nhất của thế giới.
Thật ra, vào năm 1600, một du khách có thể giương buồm từ quần đảo Indonesia đi đến Bengal, băng qua Ấn Độ, đi qua vùng Kush Hindu đến các thảo nguyên ở phía bắc Sông Oxus và trở lại đi xuống Ba Tư, Mesopotamia, và Tiểu Á đến Balkan và rồi trở lại băng qua hoặc đi quanh Biển Đen xuyên qua vùng Caucusus và đi về nam qua Ả Rập vào Ai Cập và rồi đi theo hướng tây đến Morocco, và vẫn luôn thấy mình trong một thế giới hoàn toàn quen thuộc thấm đượm một nền văn minh cố kết đơn lẻ – tương tự như một du khách hiện đại đi lang thang từ San Francisco đến London và băng qua khắp châu Âu vẫn tìm thấy mình trong một nền văn minh hoàn toàn quen thuộc với mùi vị Đức ở đây, mùi vị Thụy Điển ở đó, một mùi vị Tây Ban Nha, Anh, hoặc Hà Lan ở nơi khác
Vâng, người du khách thế kỷ 17 đó đi quá thế giới Hồi giáo sẽ bắt gặp các tập quán địa phương khác nhau và tiếp xúc với đa dạng ngôn ngữ, và vâng, y sẽ đi qua biên giới và trình giấy cho các viên chức thuộc các vương quốc khác nhau, nhưng mọi nơi y đi, y cũng sẽ tìm thấy một số yếu tố chung.
Trong tất cả ba đế chế Hồi giáo vĩ đại và các vùng vệ tinh của chúng, chẳng hạn y sẽ thấy người Thổ thường nắm giữ quyền lực chính trị và quân đội. (Thậm chí ở Ba Tư Safavid, hoàng tộc thực sự thuộc sắc tộc Thổ, và nhiều thành viên Qizilbash cũng vậy.) Trên khắp thế giới này, du khách sẽ tìm thấy giới trí thức có khuynh hướng biết tiếng Ba Tư và văn chương cổ điển viết bằng ngôn ngữ đó. Mọi nơi y sẽ nghe azan, lời báo đến giờ cầu nguyện, được cất giọng bằng tiếng Ả Rập một vài lần trong ngày từ nhiều tháp canh, và y sẽ nghe tiếng Ả Rập lần nữa bất cứ khi nào người ta cử hành nghi thức tôn giáo thuộc bất kỳ loại nào.
Mọi nơi y đi, không chỉ trong ba đế chế mà trong vùng biên giới bên ngoài như Indonesia và Morocco, xã hội được thấm nhuần một mạng lưới quy luật và điều răn phát triển thành luật lệ và kết tinh thành tập quán và nghi thức trong đời sống thường nhật không có biên giới giữa hai loại. Và mỗi xã hội đều có giới ulama của nó, tập thể hùng mạnh tự tái sinh, không do tuyển cử, có sức siết chặt đầy ảnh hưởng đối với đời sống thường nhật. Mọi nơi, du khách cũng sẽ bắt gặp các dòng tu Sufi. Nhà buôn và doanh nghiệp có vị thế được nâng cao, nhưng vẫn còn thấp hơn nhóm viên chức hành chính trong có quan hệ với triều đình, cũng tạo thành một tầng lớp khác biệt và thế lực.
Đi qua khu vực công cộng, du khách sẽ không gặp nhiều phụ nữ. Trên khắp thế giới này trải dài từ Indonesia đến Morocco, y sẽ tìm thấy một xã hội được phân chia theo mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn thành hai lĩnh vực công tư, và các bà thường lầm lũi trong thế giới riêng tư, trong khi cánh đàn ông gần như chiếm lĩnh toàn bộ lĩnh vực công cộng.
Điều mà các du khách thấy ở phụ nữ ngoài đường phố – đi mua sắm, chẳng hạn, hay đi từ nhà này đến nhà khác để thăm viếng – ắt hẳn là một bộ y phục sẫm màu kín đáo và có thể che kín khuôn mặt. Nếu y trông thấy một phụ nữ không che mặt, y phải biết đó là hạng phụ nữ thuộc giai cấp thấp hơn: họ có thể là nông dân, hoặc người làm thuê nào đó. Dù cho các bà mặc gì, thì cũng không được phơi trần chân tay hoặc khe ngực, và đầu phải đội một thứ gì đó.
Phong cách ăn vận của các ông khác nhau từ nơi này đến nơi khác, nhưng mọi nơi du khách đến, đầu các ông lúc nào cũng đội khăn, quần áo thì rộng thùng thình chứ không vừa khít, và họ phải mặc gì đó để không lộ mông khi cúi xuống cầu nguyện.
Trên khắp thế giới này, thư pháp có giá trị như một môn nghệ thuật, loại nghệ thuật thể hiện (ngược với trừu tượng và trang trí) rất hiếm trừ trong các bộ sách có minh họa, và ngôn ngữ nói hoặc viết đều được trân trọng.
Mỗi thành phố du khách đi qua sẽ là một tập hợp các ngôi làng không có nhiều đường phố lớn; không thành phố nào thiết kế dạng bàn cờ như các thành phố Hy Lạp Mỗi khu lân cận có cửa hàng bách hóa riêng, mỗi thành phố có thánh đường ngoạn mục, và thánh đường luôn có mái vòm với tháp canh và rất thường trang trí với ngói khảm bóng loáng.
Nếu du khách gợi chuyện với một người lạ trong thế giới này, y sẽ nhận thấy mình cùng người lạ chia sẻ một vài nguồn gốc thần thoại: cả hai đều biết các nhân vật hàng đầu trong truyền thống thuộc Abraham – Adam, David, Moses, Noah, vân vân; cả hai cũng biết không chỉ mọi thứ về Mohammed mà còn về Abu Bakr, Omar, Ali và Othman, và họ sẽ có ấn tượng và ý kiến về những con người này. Họ sẽ chia sẻ kiến thức về những sự kiện nổi bật trong lịch sử; họ sẽ hiểu, chẳng hạn, về nhà Abbasid và Thời đại Hoàng kim mà họ chủ trì, và họ cũng biết về quân Mông và sự hủy diệt họ gieo rắc.
Năm 1600, thật ra, dân chúng mọi nơi trên thế giới này sẽ cho rằng các đế chế Hồi giáo và các lãnh thổ giáp với biên cương chính là toàn bộ thế giới. Hoặc, nói như sử gia Marshall Hodgson của Đại học Chicago, “Trong thế kỷ 16 của kỷ nguyên chúng ta, một du khách từ sao Hỏa rất có thể cho rằng loài người trên thế giới đang trên bờ trở thành người Hồi giáo.”
Tất nhiên, người sao Hỏa đã lầm lẫn; hành trình lịch sử đã nghiêng cán cân, bởi vì tình hình đã thay đổi ở châu Âu kể từ các cuộc Thập Tự Chinh.