Vào đêm trước cuộc diễu hành quân sự hàng năm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm 1985, một người Mỹ đến thăm Moskva đã bày tỏ sự kính trọng đối với sức mạnh của những người lính Liên Xô trẻ tuổi so với “những đứa trẻ Mỹ yếu đuối”. Người bạn đồng hành ở Liên Xô của anh ta nhún vai và mỉm cười: “Đúng, nhưng đây là thời đại điện tử. Chúng tôi lo lắng về việc con trai của anh học cách chơi với máy tính”. Phản ứng có phần vui vẻ của người đàn ông Liên Xô che giấu mối lo ngại nghiêm trọng rằng nền giáo dục máy tính của Mỹ đang tạo ra khoảng cách công nghệ ngày càng lớn và đáng lo ngại đối với khoa học, công nghiệp và quân sự Liên Xô trong tương lai. Loren R. Graham, một chuyên gia về chính sách khoa học của Liên Xô tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Họ thực sự lo ngại về những gì họ thấy đang diễn ra ở Mỹ”, “họ nhìn thấy những đứa trẻ Mỹ học về máy tính từ khi còn đi học và họ sợ rằng nếu họ không làm điều gì đó, họ sẽ không thể cạnh tranh. . . với thế hệ tiếp theo”. Nguyên soái Ogarkov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô đã gióng lên hồi chuông báo động. Đầu năm 1984, ông nói với các biên tập viên của Sao Đỏ, tờ báo của quân đội Liên Xô, rằng một loạt các đổi mới trong công nghệ phương Tây đang làm cho khả năng tấn công của vũ khí thông thường tăng ít nhất gấp mười lần.
LỊCH SỬ CÔNG NGHIỆP MÁY TÍNH LIÊN XÔ
Khởi nguồn của ngành công nghiệp máy tính Liên Xô được bắt đầu vào năm 1948 trong một phòng thí nghiệm bí mật ở gần Kiev. Công việc được giám sát bởi Sergei Lebedev, lúc đó là Giám đốc Viện Kỹ thuật Điện. Các hệ thống máy tính ban đầu ở Liên Xô không được thống nhất theo một tiêu chuẩn chung, ngay cả trong giới hạn của một dòng sản phẩm duy nhất. Máy tính thế hệ sau không thể đọc được dữ liệu từ những máy tính tiền nhiệm của chúng. Các máy không tương thích dựa trên các tiêu chí chung như dung lượng chữ số và thiết bị ngoại vi. Vì thiếu các tiêu chuẩn thống nhất và một chiến lược phát triển sai lầm, ngành công nghiệp máy tính của Liên Xô đã bắt đầu tụt hậu nghiêm trọng vào đầu những năm 1970.
Năm 1969, các nhà chức trách Liên Xô quyết định chấm dứt những phát triển này và bắt đầu tạo ra các máy tính trên nền tảng IBM / 360. Nói cách khác, họ quyết định ăn cắp công nghệ máy tính của phương Tây. Yury Revich, một nhà sử học và lập trình viên người Nga nói: “Đây là quyết định tồi tệ nhất có thể…Thực tế là ngành công nghiệp này đã không còn phát triển độc lập…Một số giải pháp công nghệ có thể dễ dàng vay mượn từ các tạp chí khoa học phương Tây”.
Theo ý kiến của Revich, việc phụ thuộc vào sao chép công nghệ phương Tây khiến ngành công nghiệp máy tính của Liên Xô dần bị tụt hậu. Vào thời điểm Liên Xô ra mắt máy tính cỡ lớn ES EVM đầu tiên vào năm 1971, Mỹ đã chuyển đổi sang máy tính IBM / 370 thế hệ tiếp theo. Trong những năm 1980, ngành công nghiệp máy tính Liên Xô rơi vào tình trạng đình trệ. Các nhà lãnh đạo thừa nhận rằng ngành công nghiệp máy tính đang đi sau phương Tây một cách vô vọng. Aleksandrov, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, về vấn đề này đã trả lời: ” Điều nghịch lý là sao chép một cách mù quáng một ý tưởng khoa học hoặc kỹ thuật nước ngoài thường chính xác là nguyên nhân dẫn đến tụt hậu. Thói quen mua hàng của nước ngoài đôi khi là do nỗ lực của chúng ta đang chùng xuống”. Bằng cách sao chép các thiết bị cũ của phương Tây, Liên Xô cũng tự nhốt mình vào những công nghệ đã lỗi thời.
Hầu hết các sinh viên Liên Xô học máy tính chỉ dựa vào sách giáo khoa và được giảng dạy bởi những giáo viên có thể chưa bao giờ được chạm vào cái máy tính đang hoạt động. Một nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô đã so sánh điều đó với việc dạy trẻ em đi xe đạp nhưng “không có xe đạp”.
Để so sánh, có gần 2 triệu máy tính cá nhân trong các trường học ở Mỹ thời điểm năm 1986, nhiều trong số đó thường được sử dụng cho cả học sinh mẫu giáo. Năm 1985 các quan chức Liên Xô đã công bố một chương trình lớn kéo dài 5 năm đến năm 1990 để đưa 1 triệu máy tính cá nhân vào 60.000 trường trung học. Mục tiêu đó được coi là bước đầu tiên trong kế hoạch của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail S. Gorbachev để hồi sinh ngành công nghiệp kém hiệu quả của Liên Xô với sự trợ giúp của tin học hóa rộng rãi. Marshall Shulman, giám đốc bộ phận nghiên cứu về Liên Xô tại Đại học Columbia cho biết Gorbachev nhận ra rằng những tiến bộ công nghệ rất quan trọng để Liên Xô có thể cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới và ông coi công nghệ là chìa khóa để gia tăng khả năng sản xuất của Liên Xô.
Việc công bố kế hoạch giáo dục máy tính của Liên Xô năm 1985 trùng với việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu của phương Tây đối với máy tính nhỏ đã thu hút hàng chục nhà sản xuất máy tính của Mỹ và châu Âu đến Moscow. Trong số các nhà sản xuất máy tính đang muốn khám phá thị trường Liên Xô có IBM và Commodore, cũng như Apple, công ty máy tính thống trị thị trường Mỹ thời điểm đó.
Tuy nhiên, mặc dù các điều kiện thương mại được cải thiện – và thậm chí là thuận lợi – mọi thứ vẫn ít tiến triển. Loren R. Graham tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Ở Mỹ, máy tính lây lan như cháy rừng vào ngân hàng, kinh doanh và công nghiệp. Hiện ngành công nghiệp máy tính ở đây đang được thúc đẩy bởi nền kinh tế dân sự, và Liên Xô đã không thể theo kịp”.
VÌ SAO LIÊN XÔ KHÔNG THỂ THU HẸP KHOẢNG CÁCH VỚI HOA KỲ?
Một số chuyên gia Mỹ đổ lỗi cho các yếu tố kinh tế và chính trị gây ra. Liên Xô có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD ngoại tệ quý giá nếu mua máy tính của nước ngoài nhằm đáp ứng mục tiêu 500.000 máy tính cho trường học. Đơn đặt hàng nước ngoài đáng kể duy nhất mà họ dám thực hiện là mua 10.000 máy tính MSX của Nhật. Các máy tính này dù chỉ giới hạn ứng dụng trong ngành giáo dục nhưng đã có giá 10 triệu USD.
Hơn nữa, nội bộ giới cầm quyền Liên Xô cũng bất đồng về cách công chúng sử dụng các máy tính như thế nào? Ở một quốc gia có truyền thống hạn chế tự do ngôn luận, máy tính cá nhân có thể sao chép và lưu trữ thông tin nhạy cảm là một thách thức lớn đối với những người ủng hộ kiểm soát chặt chẽ truyền thông.
Liên Xô mong muốn sản xuất máy tính của riêng mình và phát triển hơn nữa ngành công nghiệp máy tính trong nước nhưng những nỗ lực đó đã được đánh dấu bằng sự thất vọng. Việc kiểm soát chất lượng kém, bộ máy quan liêu xung đột với nhau và yếu tố người tiêu dùng không có nhu cầu mua máy tính trong một nền kinh tế được kiểm soát tập trung đã khiến việc sản xuất hàng loạt máy tính trở thành giấc mơ thay vì hiện thực.
Máy tính cá nhân của Nga – chiếc Agat thô kệch, đắt tiền, tương đương với khoảng hai năm lương ở Liên Xô và được định hướng là một sản phẩm giống như máy tính Apple II của Mỹ nhưng nó chạy khá chậm so với máy tính phương Tây và chỉ có thể sản xuất một số lượng ít ỏi. Ngành công nghiệp Liên Xô có thể dễ dàng sản xuất nhiều mặt hàng với số lượng cực lớn nhưng lại không đủ khả năng để sản xuất những mặt hàng đòi hỏi có độ chính xác cao và kích thước rất nhỏ, cấu trúc tinh vi như linh kiện điện tử. Các thiết bị của Liên Xô gia công kém đến mức nhiều lúc một đĩa ghi đưa vào máy tính này có thể đọc được dữ liệu nhưng đưa vào máy tính khác cùng loại thì không đọc được.
Phần lớn bất lợi của Liên Xô trong công nghệ vũ khí bắt nguồn trực tiếp từ hệ thống kinh tế của họ. Mỹ và các đồng minh được hưởng lợi từ những đột phá thương mại trong vi mạch điện tử, thiết kế máy tính và phần mềm. Nhiều tiến bộ trong số đó xuất hiện bởi nhu cầu về các sản phẩm mới, từ thiết bị tự động hóa văn phòng đến robot công nghiệp trong các ngành kinh tế dân sự. Ví dụ, công nghệ chip do Honeywell phát triển cho quân đội Mỹ trước đó đã xuất hiện trong các hệ thống đánh lửa trên xe hơi và cảm biến áp suất để đo lưu lượng máu. Loren R. Graham tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Ở phương Tây, ngành công nghiệp máy tính nổi lên từ bên dưới, do nhu cầu của người tiêu dùng” còn người Liên Xô đang cố gắng áp đặt yêu cầu từ phía trên, bằng sắc lệnh của chính phủ.
Ngay cả khi Liên Xô có thể mua công nghệ phương Tây hoặc cải tiến quy trình sản xuất của chính mình, thì những trở ngại đáng kể đối với sự phổ biến máy tính vẫn sẽ tồn tại. Ví dụ, việc chính quyền Liên Xô đặt ra các chỉ tiêu sản xuất trong một thời gian nhất định không khuyến khích sự đổi mới công nghệ nhằm đạt được hiệu quả lâu dài. Marshall Shulman, giám đốc bộ phận nghiên cứu về Liên Xô tại Đại học Columbia giải thích: “Ban quản lý được khen thưởng vì đã đáp ứng các chỉ tiêu sản xuất và điều đó có tác dụng chống lại sự đổi mới. Khi bạn đổi mới – cài đặt một hệ thống máy tính – bạn có thể trải qua một giai đoạn vật lộn khi chuyển đổi hệ thống. Nếu sản lượng của bạn giảm và bạn không đạt được chỉ tiêu ở Liên Xô, bạn sẽ mất tiền thưởng. Vì vậy, đặc tính phổ biến là chọn giải pháp an toàn.” Một ví dụ là các kỹ thuật viên tại một nhà máy mạ kẽm của Liên Xô được trang bị dây chuyền sản xuất tự động đã phát hiện ra sau khi máy tính được cài đặt thì không có phần mềm để chạy hệ thống. Thay vì giải quyết vấn đề phần mềm, họ ngắt kết nối máy tính để dây chuyền sản xuất có thể chạy theo cách thủ công như cũ.
Hầu hết các cơ sở công nghiệp máy tính của Liên Xô đều đã giải thể sau khi liên bang sụp đổ năm 1991.
—
@Võ Quỳnh / ncls group