Trần triều nghi vấn : Gia thế họ Trần

luong son (12).jpg

Đặng Thanh Bình

(1) Việt sử lược chép: “Canh Ngọ [1210] Tháng giêng, vua sai thượng phẩm phụng ngự Đỗ Quảng đến nhà Trung Tự rước vương tử Sảm (…) Tháng 7, Đàm Dĩ Mông đem 28 người nhận tước phong của vương tử dâng vua. Đỗ Anh Doãn kể tội Dĩ Mông (…) Tháng 10, Cao Tông băng, lấy thái phó Đỗ Kính Tu làm thái úy (…) Tháng chạp, chi hậu phụng ngự Đỗ Quảng bắt Kính Tu đưa cho Trung Tự đem dìm ở bến Đại Thông, lấy cớ rằng Kính Tu mưu giết Trung Tự (…) Tô Trung Tự nghe tin quan nội hầu Đỗ Thế Quy cùng chi hậu phụng ngự Đỗ Quảng và tiểu thị vệ nhân hỏa đầu Phí Lệ mưu phế lập nên toan đánh (…) Trung Tự bắt tiểu thị vệ là Đàm Nhập giết ngoài cửa Trường Quảng vì về phe vương tử Thầm (…) vua [Huệ Tông] lấy Trung Tự làm chiêu thảo đại sứ, Đàm Dĩ Mông làm thái úy (…) xuống chiếu chém Đỗ Anh Doãn ở Phong Pha (…) Cho Dĩ Mông lên tước vương (…) Tân Mùi [1211] Tháng giêng, Trung Tự và Đỗ Quảng đánh nhau ở cửa bến Triều Đông (…) Vua cùng thái hậu ngự ở cửa Cảnh Diên nghe xử án Đỗ Quảng. Quảng bảy người đều bị chém”.

– Theo như Việt sử lược thì vào tháng 12/1210 Đỗ Thế Quy, Đỗ Quảng, Phí Lệ mưu phế lập. Chi tiết Tô Trung Tự chém tiểu thị vệ Đàm Nhập vì về phe vương tử Thầm cho chúng ta biết, Đỗ Quảng mưu tính phế Huệ Tông lập Lý Thầm. Sự kiện Trung Tự được phong chiêu thảo đại sứ, Đàm Dĩ Mông làm thái úy cho thấy sau khi Cao Tông chết, tại kinh thành xuất hiện hai phe đảng là: Lý Sảm với Đàm Dĩ Mông cùng Tô Trung Từ và Lý Thầm với Đỗ Quảng cùng Đỗ Anh Doãn.

– Khi nhận được sự giúp sức của họ Trần phe Lý Sảm đánh bại phe Lý Thầm. Nhưng không lâu sau xảy ra xung đột giữa Lý Sảm và Tô Trung Từ. Rốt cục tháng 11/1211 Trung Từ chết. Việc xảy ra xung đột trong nội bộ các phe phái gợi ý cho chúng ta về mối quan hệ giữa Đỗ Quảng và Tô Trung Từ. Vào tháng 1/1210 Trung Từ còn nhờ Đỗ Quảng xin với Cao Tông nhưng tháng 11/1210 Quảng và Từ đã trở thành kẻ thù. Rất nhiều các mối quan hệ trong thời gian biến loạn này đều rất lỏng lẻo, thù bạn cũng chỉ tính theo tháng.

– Sự kiện Đỗ Anh Doãn mắng Đàm Dĩ Mông, cho chúng ta biết Anh Doãn cũng như Đỗ Quảng là ngoại thích triều Cao Tông. Trần Lý tôn Lý Sảm lên ngôi hoàng đế, Tô Trung Từ và Đàm Dĩ Mông đều nhận sắc phong của Lý Sảm nên khi Trần Lý chết, Trung Từ đã đoạt Sảm từ họ Trần đưa về kinh sư, nhờ Đỗ Quảng tấu xin miễn tội, còn Dĩ Mông thì lấy người ở Gia Mưu và Thanh Hóa tấn công Tức Mặc, bắt và đem nộp 28 người nhận tước phong của Sảm cho triều đình. Nhưng sự kiện Đỗ Quảng bắt Đỗ Kính Tu đưa cho Tô Trung Từ đem dìm ở bến Đại Thông thực sự rất khó hiểu. Thêm nữa, theo như Việt sử lược thì vào năm 1210, Đỗ Quảng làm thượng phẩm phụng ngự nhưng sau cái chết của Cao Tông, năm 1211 Quảng làm chi hậu phụng ngự.

– Sau khi Cao Tông băng thì Kính Tu được làm thái úy nếu như thế Kính Tu phải cùng phe với Lý Sảm, thế thì thật khó giải thích vì sao Trung Từ cũng cùng phe với Lý Sảm lại dìm chết Kính Tu, phe Lý Sảm vốn yếu thế hơn phe Lý Thầm thì việc Lý Sảm tự cắt bỏ chân tay lại càng khó hiểu. Kính Tu họ Đỗ, không rõ có cùng thuộc gia tộc với Quảng ? Nếu đúng thì phải chăng đây là kế làm đối phương tin tưởng mất cảnh giác, nhưng xem ra không phải như thế, vì vào thời điểm Trung Từ nghe tin Đỗ Quảng mưu phế lập, Từ định tấn công nhưng do quân lực không đủ nên đành tính kế hoãn binh, rõ ràng là họ Đỗ nhỉnh hơn Trung Từ thì cần chi phải bày mưu kế, cứ tấn công trực diện là lợi thế hơn rồi.

Toàn thư chép: “Tân Sửu [1181] Mùa xuân tháng giêng, thái tử Long Xưởng cầm đầu bọn gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn (…) Nhâm Dần [1182] Mùa xuân tháng giêng, lấy Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân, đem quân thủy bộ đi tuần bắt trộm cướp. Lấy Lý Kinh Tu làm đế sư, trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm mưu khác nữa (…) Canh Ngọ [1210] Mùa đông tháng 10, vua không khỏe gọi Đỗ Kính Tu và nhận mệnh ký thác”.

Việt sử lược chép: “Tân Sửu [1181] Mùa hạ tháng 4 sao Huỳnh Hoặc phạm vào sao Nam Đẩu (…) Nhâm Dần [1182] Tháng 3, lấy Đỗ An Thuận làm phụ chính, lúc bấy giờ mọi người đều sợ uy An Thuận”.

– Trong bài Lý triều tân biên: Anh Tông hoàng đế, tôi có mô tả về xung đột giữa họ Đỗ với người đứng đầu là Anh Vũ và họ Nguyễn với người đứng đầu là Chiêu Linh thái hậu. Sự kiện thái tử Long Xưởng làm loạn năm 1181 là xung đột cuối cùng và sự kiện này hẳn là tương ứng với ghi chép sao Huỳnh Hoặc phạm vào sao Nam Đẩu trong Việt sử lược. Sự biến Long Xưởng diễn ra sau 2 năm kể từ khi Tô Hiến Thành mất năm 1179. Sách Việt sử lược chép rằng ai cũng sợ uy quyền của Đỗ An Thuận, nếu thế thì như Toàn thư chép sau khi Hiến Thành chết thái hậu lấy An Di làm phụ chính thì việc thái tử làm loạn rất khó xảy ra, do đó mà người thay Hiến Thành làm phụ chính là Trần Trung Tá, nhưng đến năm 1182 thì An Thuận thế chỗ của Trần Trung Tá.

– Ghi chép năm 1182 của Toàn thư và Việt sử lược cho thấy sự sai khác rất nhiều, trong khi Toàn thư chép rằng việc lấy Đỗ Kính Tu làm đế sư đã khiến Chiêu Linh thái hậu từ bỏ dã tâm thì Việt sử lược chép rằng lấy Đỗ An Thuận làm phụ chính, mọi người đều sợ uy của Thuận. Tuy mỗi sách ghi chép về quyền lực của các nhân vật khác nhau song lại không mẫu thuẫn. Và phạm vi quyền lực của Đỗ An Thuận cũng như Lý Kính Tu có lẽ cũng chỉ vượt ra ngoài kinh sư không đáng kể vì như Việt sử lược ghi nhận năm 1184, sách Tư Mông, Trịnh, Ô Mễ làm phản và năm 1185 người Sơn Lão ở sách Linh làm phản. Những sách này có thể đều làm phản từ sự rối loạn của kinh thành năm 1181.

– Theo bài viết Những tư liệu mới về nhân vật lịch sử Đỗ Kính Tu của tác giả Nguyễn Vinh Phúc đăng trên báo Hà Nội Mới số 7120 ngày 6/3/1988 thì Đỗ Kính Tu người làng Hậu Ái thuộc xã Kim Hoàng huyện Hoài Đức nay thuộc xã Vân Canh huyện Hoài Đức. Tuy tác giả dựa vào Thần tích của làng Hậu Ái vốn có những thông tin đáng ngờ như Đỗ Kính Tu sinh năm Nhâm Thìn hoặc thông tin liên tưởng về cái chết như “mọi người mới vớt lên đem về làng chôn cất”. Nhưng theo tác giả Lê Mạnh Thát thì năm 1214 Trần Tự Khánh đóng quân ở bến Đại Thông xây lũy ở Nghĩa Trú, mà Nghĩa Trú được xác định tại huyện Mỹ Hà, Hưng Yên, do vậy bến Đại Thông có thể chính tại xã Xuân Lâm, huyện Văn Giang. Còn theo tác giả Trần Quốc Vượng thì Nghĩa Trú một mặt gần miền sông Đáy một mặt gần Bắc Giang, cứ vào Thiền uyển tập anh truyện sư Bản Tịch nói hương Nghĩa Trú thuộc quận Bình Lạc, mà Bình Lạc gần Quốc Oai, nên Nghĩa Trú gần miền Đan Phượng, Hoài Đức song không rõ đích xác chỗ nào.

– Theo như Việt sử lược thì tháng 1/1213 Vương Thường, Phan Thế, Ngô Nãi tấn công kinh sư, Tự Khánh đang đóng ở bến Đại Thông nên không hay biết, tức giận Tự Khánh kéo quân đột cầu Ngoạn Thiềm rồi lại kéo quân về đóng tại bến Đại Thông. Rồi Khánh cho triệu Nguyễn Nộn từ Bắc Giang về để trị tội, hẳn là đại quân của Tự Khánh đóng ở bến Đại Thông, tiền quân do Nộn chỉ huy đóng ở Bắc Giang, nhưng Nộn đã sơ suất để Vương Thường, Ngô Nãi tấn công kinh sư mà không biết, xem thế rất có thể bến Đại Thông gần Bắc Giang. Sau đó vua tấn công Tự Khánh ở Mễ Sở [Đan Phượng, Hà Tây] Khánh buộc phải đánh Quốc Oai để làm bản doanh, nên rất có thể bến Đại Thông gần Đan Phượng. Vào tháng 4/1214 khi Phan Cụ ở Cam Giá [Sơn Tây] làm phản bị bắt đưa về Mỹ Lộc thì bộ tướng Đỗ Bị thế, Tự Khánh sai Phan Lân đi đánh nhưng bị thua, Lại Linh tới cứu cùng bị thua, Trần Thừa đem quân đánh cũng không thắng phải rút về, đồng thời Nguyễn Nộn ở Bắc Giang cũng làm phản, trong khi Đỗ Năng Tế đang trấn giữ đất Binh Hợp [Phúc Thọ, Hà Nội] cho nên Tự Khánh đến bến Đại Thông đắp lũy Nghĩa Trú hẳn là để ngăn Đỗ Bị từ Cam Giá và Nguyễn Nộn từ Bắc Giang. Do vậy tôi cho rằng chú thích của tác giả Trần Quốc Vượng là phù hợp nên làng Hậu Ái chưa hẳn đã là bản quán của Lý Kính Tu, đó rất có thể là nơi đế sư họ Đỗ bị Tô Trung Từ dìm chết nên được nhân dân lập đền thờ, lâu dần thành ngộ nhận.

Việt sử lược chép: “Tân Mùi [1211] Tháng 6, Nguyễn Tự nghe Tô Trung Từ chết, bèn về kinh cướp tài vật trong phủ vua [rồi] trốn đến Khô Sách, được vài tháng lương ăn áo mặc thiếu thốn, Tự định theo về với Trần Tự Khánh (…) Quý Dậu [1213] Tháng giêng, Tự Khánh sai người đi Bắc Giang triệu viên tướng Nguyễn Nộn. Nộn đến bị trói bằng dây thép 5 vòng”.

An Nam chí lược chép: “Tướng giặc châu Quốc Oai là Nguyễn Niên, xưng hiệu là Kim Thiên đại vương, cùng với người Hồng Lộ là Đoàn Ma Lôi nổi dậy làm phản”.

Toàn thư chép: “Kỉ Sửu [1229] Sau khi kiêm tính quân của Đoàn Thượng, Nộn tự xưng là Đại Thắng vương”.

– Theo An Nam chí lược, Nguyễn Nộn người Quốc Oai và rất có thể Nộn thuộc gia tộc họ Nguyễn rất thế lực mạn Quốc Oai với những nhân vật tầm cỡ như thiền sư Trí Bảo, Nguyễn Tự. Theo Việt sử lược thì Nguyễn Nộn vốn là thuộc hạ của Trần Tự Khánh được coi giữ đất Bắc Giang, cũng rất trùng hợp khi mà Nguyễn Tự giữ Khô Sách vài tháng do thiếu lương nên toan về với Tự Khánh, như thế hẳn là Nguyễn Tự có mối quan hệ tốt với Tự Khánh.

– Theo bản Việt sử lược của dịch giả Nguyễn Gia Tường, tôi cho rằng nguyên nhân Nguyễn Nộn chống lại họ Trần là vì Trần Tự Khánh dan díu với vợ của Nguyễn Nộn. Theo bản Việt sử lược của dịch giả Trần Quốc Vượng, thì xem ra không phải, tháng 1/1213 Trần Tự Khánh cho gọi thuộc hạ Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, khi Nộn đến thì liền bị trói, nguyên nhân có thể là do Khánh nghi ngờ Nộn có liên quan tới sự kiện Vương Thường, Phán Thế, Ngô Nãi ở Bắc Giang tấn công kinh sư. Tháng 9/1213 Tự Khánh thả Nộn, rồi gả em con dì đồng thời trao cho hai ấp mạn ven biển là Thần Khê và Cả Lũ. Khánh thả Nộn vì Khánh cần tướng tấn công kinh sư từ Quốc Oai vào tháng 1/1214. Sau cuộc tấn công kinh sư, Huệ Tông phải chạy lên Lạng Sơn, Khánh cử Nguyễn Nộn tiến giữ Bắc Giang, mưu này của Khánh rất cao, kết cục Huệ Tông và Nguyễn Nộn đánh trận sống chết tại cánh đồng Nhuế Duệ. Tháng 4/1214 Nộn giữ Bắc Giang làm phản, nên Tự Khánh cho vợ của Nộn cũng đồng thời là em gái con dì về Bắc Giang, hẳn là với mục đích dò la tin tức. Chúng ta không biết chính xác kết cục của người em gái con dì của Tự Khánh ra sao nhưng tôi ngờ rằng nàng rất có thể đã bị Nguyễn Nộn giết, vì theo Toàn thư năm 1228 họ Trần gả công chúa Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn. Người em gái con dì của Tự Khánh về danh phận thì rất khó để trở thành công chúa được nên việc họ Trần phải gả công chúa Ngoạn Thiềm cho thấy họ Trần không còn nội gián ở Bắc Giang. Thêm nữa, sự kiện Nộn chia nha tướng riêng cho công chúa nên Ngoạn Thiềm không báo được tin tức, cho thấy Nộn biết mưu kế của họ Trần và khi họ Trần không nhận được tin tức từ Ngoạn Thiềm, họ Trần hiểu rằng Nguyễn Nộn đã phát hiện ra mưu kế nên đã quyết định ra tay trên cơ sở hạ độc, dẫn tới cái chết của Nộn vào năm 1229.

Bài viết Một số vấn đề về lịch sử – văn hóa qua văn bia chùa Thiệu Long của hai tác giả Trường Phong và Nguyễn Dung viết: “Theo ghi chép trong thần tích của hai thôn Miếu và Mỹ Giang, rõ ràng thần Tế công và nhân vật lịch sử Đỗ Năng Tế có sự khu biệt, tuy nhiên cũng dễ nhận thấy giữa hai hình tượng có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau. Đối chiếu giữa bia chùa Thiệu Long đầu thời Trần với thần tích, có thể thấy một số chi tiết về vợ chồng Đỗ Năng Tế và chùa Thiệu Long ghi trong bia đã ánh xạ thành tín niệm dân gian và để lại dấu vết trong bản thần tích. Chẳng hạn từ tên nhân vật lịch sử Đỗ Năng Tế sang thần tích thành hai cha con Đỗ Năng và Đỗ Tế. Quê cha Đỗ Năng Tế ở quân Kinh Triệu thành quê ở xứ Sơn Nam. Đỗ Năng Tế từ chỗ là Tiết cấp nhập nội thái tử và Trung tín thái tử thành Tiết cấp nhập nội thái tử quốc chính Trung tín hầu. Từ một người vợ của Đỗ Năng Tế là Đặng Ngũ Nương thành 3 bà vợ, trong đó vẫn có một bà họ Đặng (…) từ chùa Thiệu Long do Đỗ Năng Tế lập đầu thời Trần thành chùa Long do Tế công lập thời Hai Bà Trưng. Tóm lại bản thần tích đã biến nhân vật lịch sử Đỗ Năng Tế cuối triều Lý đầu triều Trần thành vị Tế công thời Hai Bà Trưng, tức là dịch chuyển nhân vật lịch sử này thành người của hơn ngàn năm trước đó, song vẫn giữ lại một số dấu vết từ mẫu gốc (…) hương Binh Hợp thời Trần là đất thang mộc của Đỗ Năng Tế, để tạo phúc truyền lại cho đời sau, vợ chồng Đỗ Năng Tế đã cho xây dựng chùa Thiệu Long (…) nên sau khi mất, có thể vợ chồng ông đã được nhân dân thời phụng (…) trải qua thời gian, dần dần vợ chồng Đỗ Năng Tế được thờ, suy tồn thành thần, đồng thời các chi tiết về cuộc đời thực bị lu mờ dần, trong khi đó Tam Hiệp là một trong các vùng đất liên quan mật thiết đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, các truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng để lại dấu ấn sâu đậm trên mảnh đất này nên Đỗ Năng Tế từ nhân vật lịch sử bị truyền thuyết hóa thành nhân vật Tế công thời Hai Bà Trưng, thậm chí là thầy dạy Hai Bà Trưng”.

Sách Đền Hát Môn của tác giả Phạm Thị Thúy Vinh viết Ngọc phả về hai vợ chồng vị Đại thần phụ quốc Triều Trưng Vương họ Việt Thường là Đỗ Tế công như sau: “Lúc bấy giờ đương vào thời thuộc Hán, ở vùng đất thuộc trang Đông Cảo huyện Đông Yên phủ Khoái Châu xứ Sơn Nam có nhà Bộ trưởng họ Đỗ húy là Năng, lấy vợ người bản ấp họ Đào (…) Tế công nãi [phụ] lập Trưng Trắc vi vương nữ. Tiền Lạc Tướng dĩ giá Trưng Trắc phối dữ Thi Sách, Chu Diên chi nhân, vi Tô Định sở tễ. Thử gian, Giao Nam ngã quốc Thái thú Hán đế nãi khiển Tô Định nhậm chi. Kì Tô Định chi nhân vi chính tham bạo, thả sát thất Trưng nữ phu, do thử đại phấn hùng binh dĩ Tế công vi Phụ quốc”.

Tôi cho rằng ngoài nguyên nhân đất Binh Hợp mang dấu ấn sâu đậm về các truyền thuyết thời Hai Bà dẫn đến sự chuyển dịch nhân vật từ cuối thời Lý về thời Đông Hán thì còn liên quan tới những nhân vật họ Tô. Theo Việt sử lược tháng 3/1211 vua lấy chiêu thảo đại sứ, quan nội hầu Tô Trung Tự làm thái úy nên rất có thể dân gian đã nhầm lẫn giữa Tô thái úy Trung Từ với Tô thái thú Định, thành ra sự kiện Tế công giúp Trưng vương đánh thái thú Tô Định là ánh xạ của sự kiện Đỗ Năng Tế giúp Trần Tự Khánh đánh thái úy Tô Trung Từ.

– Theo ghi chép của Việt sử lược thì xung đột giữa Từ với Tự Khánh chỉ có thể xảy ra vào 2 thời điểm: trước là khi Tô Trung Từ dẫn quân đánh châu Khoái rồi nhân tấn công Hải Ấp đón vương tử Sảm vào tháng 1/1210 và sau là khi Tự Khánh đóng quân ở bến Tế Giang để xin cậu là Trung Từ được viếng Cao Tông vào tháng 11/1210. Qua việc Tô Trung Từ nghi ngờ chuyện viếng của Trần Tự Khánh cũng như ngay sau đó Huệ Tông xin rước Trần thị nhưng Tự Khánh không chịu, nên tôi cho rằng xung đột được dùng làm nguyên mẫu của thần tích là vào tháng 11/1210.

– Theo Thần tích Đỗ Năng Tế người Khoái Châu, thông tin này không phải là không có cơ sở bởi vì theo bia chùa Thiệu Long thì nghiêm khảo của Đỗ Năng Tế có vợ thuộc lệnh tộc họ Trần và tuy viết rằng cha của Thái tử trung tín người quận Kinh Triệu nhưng cũng có thể đó là lấy quê quán theo tổ tiên gần. Theo Việt sử lược tháng 2/1213 vua dẫn quân đánh Trần Tự Khánh ở Mễ Sở [Đan Phượng, Hà Tây] buộc Tự Khánh phải dẫn quân chiếm Quốc Oai, việc này giải thích vì sao khi Trần Tự Khánh xâm phạm cửa khuyết vào cuối năm 1213 thì vua và thái hậu lại chạy sang huyện Binh Hợp như ghi chép trong Toàn thư. Việt sử lược chép tháng 1/1214 Trần Tự Khánh tấn công kinh sư buộc Huệ Tông phải bỏ thành nhưng đến tháng 4/1214 tướng quân Cam Giá [Sơn Tây, Hà Nội] là Phan Cụ làm phản, như thế xem ra sau cuộc tấn công kinh sư Trần Tự Khánh đã làm chủ vùng đất kéo dài từ biển tới kinh thành và sang tới đất Cam Giá. Phan Cụ được giữ Cam Giá, Nguyễn Nộn được giữ Bắc Giang và Đỗ Năng Tế được giữ Binh Hợp, đến tháng 8/1216 Hiển Tín vương Nguyễn Bát tấn công Binh Hợp, Đỗ Tế phải chạy sang Đan Phượng.

– Theo sách sử năm 1179 Tô Hiến Thành chết, triều đình theo tiến cử của thái úy dùng thái phó Trần Trung Tá làm phụ chính, đến năm 1181 xảy ra nạn đói, thái tử Long Xưởng cầm đầu đám gia nô trộm cướp bừa bãi, mưu làm loạn. Năm 1182 Đỗ thái hậu dùng Ngô Lý Tín làm thượng tướng quân mà vùng Hải Ấp là lãnh địa của họ Trần nên việc đi tuần thủy bộ của Ngô thái phó hẳn sẽ gây ra sự căng thẳng. Cùng năm triều đình lấy Đỗ An Thuận làm thái sư phụ chính, như thế họ Trần không chỉ bị ảnh hưởng về đặc quyền kinh tế mà quyền lực trong triều đình cũng bị giảm đáng kể. Cuối cùng việc dùng Đỗ Kính Tu là thầy dạy của vua đã thực sự củng cố vị trí thống trị của họ Đỗ tại Đại Việt và đúng như sách sử chép: Chiêu Linh thái hậu từ đó về sau không còn manh tâm nữa.

Nhưng tôi cho rằng: giống như trường hợp của Đỗ Năng Tế, Kính Tu không thuộc gia tộc họ Đỗ của Anh Vũ mà thuộc gia tộc họ Đỗ đến từ quận Kinh Triệu. Gia tộc này có số lượng thành viên ít và cũng không có nhiều người giữ những địa vị quan trọng, nhưng lại có kiến thức vượt trội nên được cử làm đế sư và đó cũng là lý do giải thích vì sao Kính Tu được ban quốc tính nhưng lại không được giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Toàn thư chép năm 1182 lấy Lý Kính Tu làm đế sư, trong thì hầu việc giảng sách ngoài thì dạy dân trung hiếu, rõ ràng đây là người rất có kiến thức, Việt sử lược chép năm 1204 Đỗ Kính Tu đã là thái bảo đem quân đánh Đại Hoàng, Toàn thư chép tháng 10/1210 Kính Tu nhận ủy thác của Cao Tông. Việt sử lược chép tháng 11/1210 vua [Huệ Tông] lấy thái bảo Đỗ Kính Tu làm thái úy. Nhưng tôi cho rằng thái bảo Lý Kính Tu được làm thái úy là do chiếu của vua Cao Tông, vào cùng thời điểm Kính Tu nhận mệnh ủy thác phò tá Hạo Sảm.

– Với thân thế là thầy của Cao Tông nên Đỗ Kính Tu được làm thái úy phò tá Huệ Tông nhưng Kính Tu không có thực quyền, sau khi Cao Tông băng tại kinh thành tồn tại 3 thế lực là họ Đỗ, họ Đàm, họ Tô. Tháng 11/1210 Trần Tự Khánh mượn tiếng đến viếng Cao Tông nhưng thực muốn nhân tang lễ mà chiến kinh thành, mưu kế bị Tô Trung Từ phát hiện ra và rất có thể đã xảy ra xung đột giữa hai cậu cháu, với mối quan hệ tốt giữa Trung Từ và Đỗ Quảng từ tháng 1/1210 nên trong xung đột rất có thể Đỗ Quảng đã giúp Trung Từ, kết cục Tự Khánh phải đem quân về. Tận dụng mối quan hệ với họ Đỗ quận Kinh Triệu, Tự Khánh lên kế hoạch sát hại Tô Trung Từ thông qua Lý Kính Tu nhưng sự không thành. Sau khi đẩy lui được Tự Khánh lại phá được âm mưu của Kính Tu, Đỗ Quảng nhận thấy quyền lực rơi dần vào tay Trung Từ nên đã bàn việc phế Hạo Sảm lập Lý Thầm. Việc bị lộ nên Trung Từ mưu diệt nhưng do quân số thua kém nên dùng kế hoãn binh, xin cùng phù trợ Huệ Tông hứa sẽ chia sẻ quyền lực, Đỗ Quảng tin theo, nhưng Trung Từ ngầm tăng viện binh nhân đó tấn công Đỗ Quảng, hai bên giữ nhau không phân thắng bại, cuối cùng Trung Từ phải xin quân của Tự Khánh mới bắt được Quảng. Lượng quân tăng viện cho Trung Từ trong đêm rất có thể của Đàm Dĩ Mông.

(2) Việt sử lược chép: “Giáp Tuất [1214] Thàng giêng, Chương Thành hầu Trần Tự Khánh họ binh các đạo ở đền thờ Đỗ thái úy ở Đông Phù Liệt, định đánh kinh sư (…) Phan Lân, Nguyễn Nộn đem quân ở Quốc Oai, theo đạo Bình Lạc mà đánh bằng đường bộ (…) Trần Thừa và Trần Tự Khánh đánh bên hữu ngạn sông Lô. Trần Thủ Đạt, Trần Hiến Sâm, Nguyễn Ngạnh đánh bên tả ngạn sông Lô. Vương Lê, Nguyễn Cải đánh cầu Nổi ở bến Triều Đông (…) Bọn Thủ Độ, Hiến Sâm thừa thắng tiến đến bến Từ Điệu, lại thắng được địch”.

– Theo sử liệu trên thì các đạo binh họp ở đền thờ Đỗ thái úy ở Đông Phù Liệt [Thanh Trì, Hà Nội] vị Đỗ thái úy được thờ có lẽ là Đỗ Anh Vũ chăng ? Nhưng như chúng ta đã thấy tháng 3/1213 Tự Khánh đã thả Nguyễn Nộn lại còn gả em gái con dì cho hắn với mong muốn Nộn sẽ dẫn đạo quân tấn công kinh sư từ Quốc Oai, rõ ràng Trần Tự Khánh đã tính toán cho cuộc tấn công kinh sư, Tự Khánh đã dự tính việc tấn công kinh sứ sau khi thả Doãn Tín Dực vào tháng 3/1213 với mục đích Tín Dực tấu xin cho Tự Khánh nhưng không thành công. Nên việc Tự Khánh chọn họp các đạo binh tại đền Đỗ thái úy không phải là ngẫu nhiên, rất có thể sau thảm sát họ Đỗ năm 1210 Trần Tự Khánh đã mượn tiếng xấu đó để vấy lên triều đình, mà có cớ tấn công, nên sau khi chiếm được kinh sư lại không nắm giữ được Huệ Tông, Tự Khánh đã tính lập người con trai của Anh Tông là Huệ Văn vương ở Hạc Kiều là vua, rất có thể Huệ Văn vương là hoàng tử của Anh Tông với Đỗ thị, chúng ta biết ít nhất có 2 nàng Đỗ thì là cháu của Anh Vũ làm phu nhân của Anh Tông.

– Ghi chép đầu tiên của Việt sử lược về Trần Thủ Độ lại rất khó hiểu, theo văn bản thì tên nhân vật được nhắc tới là Trần Thủ Đạt nhưng theo ghi chép lần thứ hai thì có vẻ như ghi chép lần thứ nhất là nhầm lẫn. Việt này rất khó để đoán định nên đành dựa vào chú thích của các dịch giả vậy. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp tồn tại nhân vật Trần Thủ Đạt và đáng lẽ trong ghi chép lần thứ hai của Việt sử lược thì tác giả phải chép là Thủ Đạt, Hiến Sâm thừa thắng tiến đến bến Từ Điệu, nhưng vì lý do nào đó mà chép Đạt thành Độ ?

Việt sử lược chép: “Giáp Tuất [1214] Tháng giêng, lúc bầy giờ bọn hộ vệ nhiều người bỏ đi, duy có bọn nội thị phán thủ Trần Hân 30 người cùng đi, vua và thái hậu lên thuyền ngự đến núi Tam Trĩ ở tại nhà Hoàng Ngũ (…) Năm Ất Hợi [1215] Tháng 3, Tự Khánh nghe tin Nguyễn Đường bị hại, dẫn quân tới cứu, lại sai tướng là Trần Thủ Khánh, Trần Hiến Sâm, Đào Phán đóng ở Lan Kiều đánh tướng của Nguyễn Nộn là Phí Thám (…) Ất Dậu [1225] Mùa đông tháng chạp, vua [Chiêu Thánh] sai nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, nội thành khiển tả ti lang trung Trần Trí Hoành đem văn võ bá quan, sửa soạn thuyền xe đến đến phủ Tinh Cương”.

Toàn thư chép: “Giáp Tí [1264] Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao ? Vua bèn thôi”.

Bia ma nhai trên núi Cô Phong [Hoa Lư, Ninh Bình] viết: “Năm Bình Ngọ niên hiệu Kiến Gia là năm đại hưng thịnh. Đời vua thứ hai nhà Trần, có một người tu hành từ phía nam tới, thiền sư mở tiệc ở núi Cô Phong, nhờ ân huệ của An Quốc đại vương, lại mở ra nham Bảo Phúc, cho mãi mãi thờ cùng, đời sau nếu ai qua đây, thấy lời này, giúp đỡ thêm cho nhà thiền”.

– Việc xuất hiện nhân vật Trần Thủ Khánh năm 1215 tạo ra sự hồ nghi về nhân vật Trần Thủ Đạt năm 1214 và rất có thể An Quốc đại vương trên bia ma nhai tại núi Cô Phong là em trai của thái sư Trần Thủ Độ. Việc An Quốc đại vương giúp đỡ vị thiền sư đến từ phương nam mở nham Bảo Phúc gợi ý chúng ta đất Hoa Lư là ấp thang mộc của An Quốc đại vương.

Tiểu kết: Kết thúc loạt bài Trần triều nghi vấn tôi gom lại vài điểm đang cố gắng chứng minh

– Trần Lý chết trong cuộc tấn công kinh sư vào tháng 8/1209. Trần Tự Khánh quản lĩnh mọi việc của họ Trần và rất có thể bị Trần Thừa hạ độc vào tháng 12/1223.

– Họ Trần là gia tộc rất mạnh ở phía đông và rất có thể có những người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình, những nhân vật có thể kể đến trong buổi đầu kiến lập như Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần thị, Trần Tam Nương, Ngoạn Thiềm công chúa, Trần Báo, Trần Hiến Sâm và Trần Thủ Độ.

– Việc sử dụng phụ nữ cũng như y thuật trong chiến tranh của họ Trần rất mạnh, trong buổi đầu kiến lập Trần Thủ Độ là hình ảnh bên ngoài của Trần Thừa.

– Lấp ló những mối quan hệ giữa họ Trần với các dòng họ khác, rất có thể thông qua hôn nhân mà từ đó gợi ý cho chúng ta về việc mở rộng họ Trần tới thái bảo Trần Trung Tá.

Bình luận về bài viết này