Tản mạn lịch sử : Góc nhìn lệch từ sử triều Nguyễn

Y phục thân vương nhà Thanh (màu kim hoàng). Vua Quang Trung trong triều phục An Nam (màu đỏ)

Nguyễn Duy Chính

Từ một phát hiện ngẫu nhiên – Bão Tất vs Bão Kiến – cần đánh giá lại toàn bộ sử triều Nguyễn viết về thời Tây Sơn

Đầu thập niên 2000, người bạn vong niên là anh Phạm Xuân Hy ở Paris có gửi tặng tôi một quyển sách nhan đề Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu, tác giả Trang Cát Phát.

Đây là một nghiên cứu mở rộng về “cái gọi là” mười võ công (Thập Đại Võ Công) mà vua Càn Long đã thực hiện trong thời gian ông trị vì và cũng là một trong nhiều ý nghĩa để ông chọn biệt hiệu Thập Toàn Lão Nhân.

Trong số mười cuộc chiến đời Càn Long mà nhà Thanh chủ động, có một lần đem quân sang An Nam (tức nước ta). Lần động binh này đã được quan tâm nhiều từ đầu thế kỷ XX khi Việt Nam rơi vào tay người Pháp, việc nhắc lại những chiến công chống ngoại xâm cũng là một cách gián tiếp nung đúc chí khí con dân và ngày lễ kỷ niệm trận Đống Đa trở thành một ngày quốc lễ được tổ chức từ nam chí bắc. Tuy suốt triều Nguyễn, nhà Tây Sơn chưa bao giờ được đề cao và những gì viết về họ chỉ được chép qua loa trong mục “tiếm thiết” (tức là những kẻ loạn thần chiếm ngai vàng của nhà vua) nên đến khi triều Nguyễn mất dần ảnh hưởng, những người muốn khôi phục lại một giai đoạn lịch sử bị che khuất chỉ có thể dựa vào Đại Nam Liệt Truyện và một số dã sử, tiểu thuyết chương hồi mà việc tường thuật không có gì chắc chắn. Chính vì thế, nói đến nhà Tây Sơn thì hầu như sách vở chỉ còn biết đến chiến thắng quân Thanh mà bỏ qua việc nối lại bang giao, nếu có chăng thì chỉ đề cao sự đánh lừa phương bắc.

Khi đọc về giao thiệp của nhà Thanh với An Nam, tôi phát hiện một chi tiết quan trọng – cái nghi lễ mà triều Nguyễn gọi là “ôm gối” (bão tất lễ) thực ra là “bão kiến thỉnh an” (ôm lưng áp mặt) hết sức tôn quí của nhà Thanh. Từ trước đến nay, hầu như mọi người đều có ấn tượng rõ rệt là triều đại Quang Trung, một “giả vương” của nước ta đã sang Bắc Kinh làm một lễ rất nhẹ thể gọi là “lễ ôm gối” (bão tất lễ) vua Càn Long. Hai chữ ôm gối không khỏi khiến chúng ta hình dung những động từ tương cận như ôm chân, bợ đỡ, quị luỵ …

Tra lại các văn bản [gốc] của chính nước ta, từ các thư từ của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích gửi sang Bắc Kinh đến văn bản trong tài liệu gốc của nhà Thanh thì rõ ràng đây là một chỉnh sửa cố ý của sử quan triều đình muốn hạ thấp đối phương, chỉ xuất hiện sau khi triều đại Tây Sơn đã diệt vong hơn 30 năm.

Mục tiêu của nhà Nguyễn càng rõ ràng hơn khi chúng ta biết được rằng chính vua Minh Mạng đã đặt ra một nghi lễ mà ông đặt tên là “ôm gối” dành cho tướng lãnh thắng trận vào chầu với kiểu cách và nghi thức hoàn toàn khác hẳn. Cũng chính vua Minh Mạng đặt ra một thể thức mới là “ban ngự tửu” cho tướng lãnh. Hai nghi thức, ôm gối và ban rượu của triều Nguyễn đều vay mượn từ nghi lễ của nhà Thanh nhưng không nhằm mục đích vinh danh bầy tôi như cách thức của người Mãn Châu (bão kiến thỉnh an và ban rượu là cách Đại Hãn tiếp đón và chia sẻ với tướng lãnh khi thắng trận trở về trong thời tiết giá rét vốn là tục lệ của người du mục) mà chỉ xuất hiện trong lịch sử nước ta từ năm Minh Mạng 16 (Ất Mùi, 1835) do “chính vua Minh Mạng đặt ra”.[1]

Bắt đầu cho bầy tôi có công được làm lễ ôm đầu gối vua [bão tất lễ]. Trước đây, đại viên thống lĩnh 3 đạo Tuyên, Cao, Thái về Kinh, chiêm cận. Vua dụ Nội các rằng : “Đề đốc Phạm Văn Điển, Tổng đốc Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức, 2 lần đi đánh giặc, 3 năm được có thành tích, trải bao gian nan hiểm trở nên công lớn. Đó tuy là đạo bề tôi làm theo bổn phận nên làm, nhưng hết sức khó nhọc vì nước, để ta được thư lòng lo về miền Bắc, thì há có lẽ nào nỡ không hậu đãi họ sao ? Vậy ra lệnh cho bộ Lễ soạn nghi tiết, chọn ngày tốt, ta sẽ ngự cửa đại cung, chuẩn cho các đại thần đã rút quân về đó tiến vào chầu. Ban cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức làm lễ ôm đầu gối, để tỏ cho biết là ta coi họ như lũ hoàng tử mua vui ở dưới gối. Đó là lễ do ta bắt đầu đặt ra, kể về tình, rất là thân ái. Tình và lễ giữa vua và tôi không gì hơn được nữa. Vậy nên đem ý này truyền dụ trước cho họ biết.

“Lại, ngày hôm ấy, lễ ôm gối xong, thì tuyên Chỉ cho các Tham tán Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Thuỵ, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hựu tiến đến bên cạnh ta cũng sẽ chính tay ban rượu, để đền công khó nhọc”.

Bộ Lễ nghĩ định nghi tiết : (Trước 1 ngày, quan phần việc bày ngai, treo màn trướng ở gian chính giữa cửa đại cung, đến sáng sớm ngày chính nhật, rước vua lên ngự bảo toạ. Hoàng tử, các tước công, văn võ phẩm quan đều mặc áo thường triều, theo ban thứ đứng hầu. Bọn Thống soái, Tham tán đều mặc áo đại triều, do ban bên tả, rảo bước đến sân rồng, làm lễ chiêm cận. Dâng ấn quan phòng về việc quân của Đề đốc, Tổng thống, Tổng đốc, Thống đốc và Tham tán đi đánh dẹp xong rồi, bộ Binh trước hết dẫn Đề đốc Phạm Văn Điển do bên tả đường ống((1) Lối đi hai bên có tường cao.1), lên bên đông thềm giữa, đến phía trước bảo toạ, quỳ, phủ phục xuống đất, đợi tuyên Chỉ tiến lên. Điển giắt hốt vào đai, đi bằng đầu gối, tiến lên. Vua ruỗi một chân ra, Điển chìa hai tay ôm lấy, ngẩng lên, khấu đầu một cái. Được đặc Chỉ ban khen và thưởng, Điển liền giơ lên trán, nhận lĩnh, rồi lại khấu đầu một cái, đi bằng đầu gối lui ra đến chỗ phủ phục trước, cầm hốt, lại khấu đầu một lần nữa, rồi rảo bước đi ra. Thứ đến dẫn Tổng đốc Tạ Quang Cự ; lại thứ nữa, dẫn Tổng đốc Lê Văn Đức : đều như nghi tiết trước.

Rồi bộ Binh vâng mệnh dẫn Tham tán Nguyễn Công Trứ do gian tả nhị, lên thềm, đến bên chỗ vua ngồi, hơi lệch về phía bắc, quỳ xuống giắt hốt vào đai, được phụng Chỉ khen ngợi. Chính tay vua ban rượu, Trứ kính cẩn lĩnh lấy, uống rồi giao lại chén cho thị vệ đón lấy. Trứ làm lễ khấu đầu một cái, cầm hốt rảo bước đi ra.

Thứ đến, dẫn Lê Văn Thuỵ, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hựu vào nghi tiết cũng như trước. Rồi các Thống soái, Tham tán đều làm lễ tạ ơn mà lui).

Ngày ấy là ngày Quý Mão. Vua ngự cửa đại cung, cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức lần lượt được làm lễ ôm đầu gối. Làm lễ xong, lại tuyên Chỉ cho bọn Tham tán Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Thuỵ, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hựu được tiến vào, vua đều chính tay rót rượu ban cho…[2]

Thế còn lễ bão kiến thỉnh an của nhà Thanh thì như thế nào?

Theo Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng q. XV (Đáng Án xbx, 1991) tr. 411 – 412 thì:

… Nguyễn Quang Bình nhận được phong tước cùng nhiều ơn lớn liên tiếp, năm nay sẽ lên cung khuyết chúc thọ chiêm cận, thực quả xuất từ dạ chí thành, đợi khi quốc vương đó đến kinh đô sẽ ra lệnh thi hành bão kiến lễ (抱見禮) để tỏ sự ưu đãi khác thường đồng thời ra lệnh cho quân cơ đại thần diễn tập lễ nghi trước một ngày.

Vì quốc vương kia lần đầu nhập cận, chưa am tường lễ chế thiên triều, sau khi tiến quan rồi Phúc Khang An hãy nói cho biết lần này tiến kinh chúc hỗ, đại hoàng đế rất là khen ngợi nên khi quốc vương đến kinh đô triều kiến, đại hoàng đế ra lệnh cho quốc vương làm lễ bão kiến thỉnh an, ấy là thi ân vượt mức, chỉ đại thần của thiên triều có công lao to lớn trứ danh mới được hưởng phần thưởng đặc biệt này, còn lại dù là thân quí cũng khó mà được.

Từ trước tới giờ chỉ có công tước Triệu Huệ (趙惠) tướng quân bình định Hồi bộ, công tước A Quế (阿桂) bình định Kim Xuyên khi đại công cáo thành, thắng trận trở về nhập cận, đại hoàng đế khao thưởng tướng sĩ mới ra lệnh cho Triệu Huệ, A Quế làm lễ bão kiến, vậy mà hôm nay quốc vương được thưởng cho đại lễ long trọng này quả là sủng vinh hi hữu …

Về hình thức, bão kiến thỉnh an vốn là đại lễ mà đại hãn vùng du mục tiếp đón tiểu hãn. Đại hãn thiết lập lều vàng (hoàng ác) là một loại cung điện di động ở thảo nguyên. Khi tiểu hãn đến nơi, đại hãn bước ra khỏi lều vàng, hai người ôm lưng áp mặt hết sức thân mật tôn quí rồi đi bộ trở về lều cùng tướng lãnh yến ẩm, khác hẳn lối “đi bằng đầu gối, ôm chân vua …” của nhà Nguyễn.

Sự nhập nhằng về cả danh xưng lẫn hình thức nhằm xoá đi những vinh dự của triều đại trước trong ngoại giao với phương bắc đã gây ra những ngộ nhận làm lệch hướng toàn bộ lịch sử. Khi những nghi lễ đó bị “dung tục hoá”, cách nhìn của quần chúng về triều đình Tây Sơn cũng đi theo, củng cố cho cái thuyết “giả vương” sang Trung Hoa mà đến nay vẫn còn nhiều người tin tưởng.

Không chỉ một biến cố khi vua Quang Trung sang Trung Hoa bị bóp méo, nhiều nỗ lực mang tầm vóc quốc gia cũng bị “xú hoá” (醜化)[3] khơi sâu mâu thuẫn Thanh – Việt, mà triều Nguyễn khai thác như những động thái gây hấn, tráo trở còn hậu nhân thì coi như một nỗ lực “chống Tàu”. Việc phúng thích phương bắc cũng là niềm thích thú của người bình dân qua các truyện dân gian kiểu Trạng Quỳnh – Đoàn Thị Điểm, vẽ ra một hình ảnh người Tàu khả ố và đề cao tính tai quái, láu cá của ngưởi nước ta, nhằm che dấu mặc cảm của kẻ yếu.

Cuộc chạy loạn khốn khổ của gia đình họ Lê

Trong ba lần đem quân ra bắc, quân Tây Sơn gần như vào chỗ không người. Việc quân đội từ phương nam tiến như vũ bão không phải là lần đầu. Trong sử nước ta, khi nhà Trần suy vi, Chế Bồng Nga đã từng đánh đâu thắng đó, mỗi lần quân Chiêm ra thì vua tôi chỉ biết “ôm nhau mà khóc”. Hiện tượng đó nay lập lại gần như trọn vẹn.

Vua Chiêu Thống bỏ chạy khỏi Thăng Long, cung quyến chạy lên Cao Bình (Bằng), và khi bị truy sát, nhóm người nhà họ Lê đã liều mạng vượt biên giới sang Trung Hoa. Trong chuyến chạy loạn này, hơn 2/3 nhân số trong đoàn người già trẻ lớn bé bị quân Tây Sơn bắt giết, sau cùng chỉ còn 62 người may mắn chạy thoát. Trong số người lưu vong còn được mẹ, vợ, con nhỏ của vua Lê và một số cận thần.

Sau nhiều ngày ẩn mình trong hang động, sống bằng rau cỏ kiếm được trong rừng, quan quân nhà Thanh nghe biết nên tìm đến và báo lên trên khi những người tị nạn khai là hoàng tộc của An Nam. Nguyên nhân và hậu quả của việc đào thoát này trước nay chưa từng được đề cập đến vì sự việc không có tài liệu rõ ràng và nhiều chi tiết đã bị cả hai bên sử Việt và sử Thanh dấu bớt. Ngoại sử chỉ chép rằng thái hậu cùng bầy tôi chạy sang Long Châu, ôm cháu vào dinh tổng đốc gào khóc xin cứu viện còn nhà Thanh thì nói rằng chính họ đã ra mặt cứu nhóm nhà Lê khi họ bị truy sát tạo nên một vị thế chính đáng biện minh cho sự can thiệp vào nước ta.

Quan nhà Thanh khai thác thời cơ và đẩy mạnh chiêu bài “hưng diệt kế tuyệt”

Đối với quan nhà Thanh, cái tin gia đình vua Lê chạy sang Trung Hoa là một cơ hội bằng vàng để lập công với vua Càn Long. Trong qui chế đời Thanh, chỉ những ai tạo nên được một chiến thắng mới có cơ hội thăng quan tiến chức, nhất là trên chỏm mũ được cài thêm chiếc lông công, một, hai hay ba mắt như một loại biểu chương mà ngày nay tướng lãnh đeo trên ngực. Phúc Khang An mới 36 tuổi nhưng vì đưa quân dẹp loạn Lâm Sảng Văn ở Đài Loan mà được nâng lên tước công (Gia Dũng Công),  cài lông công hai mắt, coi như danh tướng bậc nhất của nhà Thanh lúc đó.

Trước đây những tướng lãnh lẫy lừng [dù chỉ là danh nhiều thực ít] đều là người gốc Mãn Châu (A Quế, Phó Hằng, Minh Thuỵ …), có liên hệ thân tộc với hoàng gia. Nay gặp dịp thực hiện thêm một chiến thắng xem ra dễ dàng, lại có cớ để thăng cấp cho một văn quan người gốc Hán cho có vẻ công bằng nên vua Càn Long rất hào hứng chấp thuận kế hoạch của Tôn Sĩ Nghị đề nghị đem quân sang An Nam. Chinh phạt An Nam có nhiều ưu điểm trước nay chưa từng có nhất là theo báo cáo thì Nguyễn Huệ chỉ là một thổ tù từ Quảng Nam đem quân ra vơ vét, cướp bóc, nay đã rút về và hiện ở Thăng Long chỉ còn một số đầu mục loại nhỏ. Nguyễn Huệ lại đang có tranh chấp với anh là Nguyễn Nhạc nên không thiết tha với việc chiếm giữ miền bắc và cũng không dám bỏ ngỏ phía sau để đem quân trực diện với quân Thanh.

Quan trọng hơn cả trong chiến dịch An Nam, vua Càn Long vẫn cho rằng việc thất bại gần đây khi đem quân sang Miến Điện chính là vì tướng lãnh thiếu khả năng không biết điều binh đúng phép. Trong thâm tâm ông hết sức mong mỏi một lần chiến thắng do chính ông chủ trì. Trước đây ông nội ông là vua Khang Hi đã từng thân chinh cầm quân, còn ông tuy lên ngôi đã nửa thế kỷ nhưng lại chưa có dịp nào đóng vai tướng lãnh trực tiếp chỉ huy một trận địa.

Nay đem quân sang An Nam, tiếng là Tôn Sĩ Nghị tiết chế nhưng thực ra mọi việc lớn nhỏ đều do vua Càn Long chỉ đạo từ Bắc Kinh, chuyển tin theo đường dịch trạm[4] 500/600 dặm một ngày (là cách truyền tin nhanh nhất của nhà Thanh hồi đó) nên cũng là một phép thử về việc điều binh từ xa. Tôn Sĩ Nghị lại là một văn quan “cáo già”, có kinh nghiệm làm hài lòng hoàng đế nên mọi việc đều mớm ý cho vua Càn Long, nhất nhất những chiến thắng dù nhỏ cũng đều do “thần cơ diệu toán” của thiên tử.

Nhà Thanh đem quân sang nước ta với mục tiêu gì?

Quan nhà Thanh mau mắn bắt lấy cơ hội, mà vua Càn Long thì nêu cao chiêu trò nhân nghĩa “hưng diệt kế tuyệt” (khôi phục một họ đã mất, tiếp nối một triều đại bị đứt), nhân danh nước tông chủ cứu vớt một thuộc quốc. Hơn thế nữa, trong lối sắp đặt nhiều huê dạng, vua Càn Long vẫn mong mỏi có mặt một phiên vương trong đại lễ Bát Tuần Khánh Thọ như một sự kiện vô tiền khoáng hậu (mà vua Chiêu Thống sẽ vào vai sang triều cận[5] theo kế hoạch của Tôn Sĩ Nghị).

Nhằm mua chuộc vua nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị và quan lại vùng biên giới hết sức tô vẽ những đụng độ lẻ tẻ thành chiến công lẫy lừng, tái lập Lê triều trong mục tiêu “tự tiểu tồn vong” (nuôi kẻ nhỏ, giữ kẻ đã mất).

Trong chiến dịch đem quân sang nước ta, kẻ tung người hứng, Tôn Sĩ Nghị đã khiến cho vua Càn Long hết sức đẹp lòng. Có những việc do chính bầy tôi nhà Lê hiến kế, chẳng hạn việc “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Sương[6] ở sông Thị Cầu, tuy xảy ra trước khi lệnh vua Càn Long đến quân doanh cũng được Tôn Sĩ Nghị nói là do cái viễn kế “vận trù duy ác chi trung, quyết thắng thiên lý chi ngoại[7] của hoàng thượng từ Bắc Kinh gửi xuống.

Việc tiến quân như chẻ tre, chưa đầy một tháng đã lấy lại Thăng Long thực ra chẳng có gì đáng nói vì quân Tây Sơn không luyến chiến, họ đi khỏi trước khi quân Thanh tới nơi. Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị cũng vẽ ra được vài chiến công “vang dội” khi vượt qua ba con sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương  (tam giang chi hiểm) vốn là phòng tuyến chính để ngăn quân Thanh từ Lạng Sơn kéo xuống. Sau này vua Càn Long đã sai thợ vẽ lại theo miêu tả đưa những trận đánh này vào trong bộ An Nam Chiến Đồ. Chính vì rất hào hứng về cuộc viễn chinh này nên tuy chưa đến đâu, vua Càn Long vẫn tức tốc gửi sắc dụ thăng cho Tôn Sĩ Nghị lên tước công, các tướng lãnh lớn nhỏ đều được lên chức.

Điều chỉnh lại tình hình giao thiệp giữa nước ta với nhà Thanh

Sau khi chiếm được Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị phải đóng quân tại đó. Vì chưa nhận được lệnh chính thức để rút quân về và cũng không có kế hoạch để đi xa hơn như dự tính, Tôn Sĩ Nghị vẫn phao lên là sau Tết âm lịch sẽ tiến quân xuống Thuận Hoá nhất quyết “đảo huyệt cầm cừ” (đánh vào tận hang ổ, bắt đầu sỏ) bắt anh em Nguyễn Huệ đem về Bắc Kinh để làm lễ “hiến phù” như những lần trước đây quân Thanh đánh bắt được một số đầu mục người Hồi ở Kim Xuyên.

Thế nhưng đó chỉ là “giết gà doạ khỉ”, phô diễn bề ngoài để che dấu một âm mưu bên trong. Sau khi nhận được báo cáo của Tôn Vĩnh Thanh,[8] nhà Thanh thấy việc thiết lập thêm vài chục dịch trạm, lương trạm để đánh xuống phương nam thật vượt quá khả năng của những tỉnh tây nam, vốn dĩ đất xấu dân thưa, lương thực ít ỏi, không thể hoàn thành được một đầu cầu tiếp vận theo kế hoạch “quân đến đâu, lương đến đó”.

Với tính toán một lính cần năm phu phục dịch hậu cần,[9] nếu đem mười vạn quân đi, dân phu thường trực lên đến 50 vạn, số lượng đó sẽ trở nên không tưởng[10]. Nếu trông vào cung ứng của triều đình nhà Lê thì trong những năm nội chiến, mất mùa quốc khố đã bị vét sạch nên việc yêu cầu vua Lê cung cấp gạo thóc, quân dụng là điều bất khả. Đến vài nghìn quân túc vệ nhà Lê còn không kham nổi phải kêu gọi các thổ hào vào giúp, huống chi là cung cấp cho một đoàn quân hàng chục vạn người.

Sau khi lượng đình tình hình, vua Càn Long ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị tìm cách bí mật rút về và giao lại việc “chiêu hàng” Nguyễn Huệ cho Ô Đại Kinh (đề đốc Vân Nam, không phải thuộc cấp trực tiếp của Tôn Sĩ Nghị). Chính vì thế những ngày cuối năm, Tôn Sĩ Nghị chỉ ậm oẹ, phùng xoè cốt che dấu những toan tính bỏ rơi triều đình miền bắc để họ tự lo lấy mình, hi vọng rằng bọn giặc Quảng Nam sẽ không quay lại.[11]

Việc vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị không ngờ tới là Nguyễn Huệ (đã đình chiến với Nguyễn Nhạc) nên đích thân kéo quân ra bắc một trận đánh tan quân Thanh ở Thăng Long khiến những mưu tính tưởng như đang hình thành nay tan tành như bóng nước. Trong một thời gian ngắn, vua Thanh gần như tê liệt nên khi Phúc Khang An (khi đó đang là tổng đốc Mân Chiết) ưỡn ngực xin sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thay Tôn Sĩ Nghị để “kinh lý việc An Nam” thì vua Càn Long như chết đuối thấy được phao, trông mong rằng họ Phúc sẽ tìm ra được một đối sách khả thi và một hướng đi mới. Cũng may cho nhà Thanh, vua Chiêu Thống và một số tòng vong chạy được sang Quảng Tây nên dù chưa biết sẽ phải làm gì nhưng cũng có nhiều hơn một giải pháp nếu quả thực muốn tái lập triều Lê.

Tuy thua trận nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn không quên nhiệm vụ tối hậu của y không phải là thắng trận mà làm sao có một phương nam thần phục thiên triều và một quốc vương phiên thuộc đích thân sang tham dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ. Thay vì tính toán để đem đại quân sang lần thứ hai lấy lại nước cho nhà Lê như vua Càn Long chỉ thị, Tôn Sĩ Nghị bí mật thực hiện một hướng đi mới, vừa đái công chuộc tội mà cũng rút ngắn được thời gian, tuy có phải muối mặt chấp nhận thất bại nhưng còn hơn làm cỗ sẵn cho người khác hưởng.

Trong khoảng thời gian chờ Phúc Khang An từ Phúc Kiến sang nhậm chức, Tôn Sĩ Nghị cùng một số thuộc cấp dưới quyền xúc tiến ngay việc giao thiệp với triều đình Tây Sơn ở Thăng Long, hứa hẹn giúp cho Nguyễn Huệ trở thành An Nam quốc vương mà không phải rạch đôi sơn hà với vua Chiêu Thống. Những thư từ bí mật qua lại nay còn tìm thấy trong bộ sách Hịch Dụ An Nam Quốc Trấn Phủ[12] đã tiết lộ những “phái đoàn con thoi” giữa hai bên, xây dựng một tiến trình gấp gáp để nhà Thanh công nhận một triều đại mới ở An Nam. Những thay đổi quá nhanh chóng khiến cho Nguyễn Huệ không ngờ được mà chính những thành phần có liên quan cũng không tin rằng sự việc nay quay ngược chiều đưa đến những vẽ vời, suy đoán và giả tưởng mà người ta nghĩ ra để trám vào khoảng trống không biết rõ.

Vạn Quốc Lai Triều

(tranh đời Càn Long miêu tả sự thịnh trị của đế quốc Đại Thanh khi sứ thần các nước đến Bắc Kinh. Trong đám đông phía bên trái có một phái đoàn cầm cờ với hai chữ An Nam)

Việc cầu phong và phong vương

Hợp thức hoá và chính danh hoá tân triều

Cho tới lúc đó, Nguyễn Huệ chỉ mong nhà Thanh công nhận một nước Quảng Nam (vốn dĩ là Chiêm Thành, trước đây đã được nhà Minh thừa nhận) thành một thuộc quốc chính thức, thay cho cái trật tự cũ thời Trịnh – Nguyễn khi vương triều ở Phú Xuân tồn tại như một vùng biên địa do một “phụ chính” của nhà Lê trông coi, chưa bao giờ được coi như một lãnh thổ riêng biệt.

Việc Tôn Sĩ Nghị nhắn nhủ triều đình Tây Sơn mau mau cầu phong đã vượt ra ngoài dự liệu của Nguyễn Huệ nên trong những ngày đầu các văn quan rất dè dặt, sợ rơi vào một cái bẫy mà nhà Thanh giương ra. Cứ như truyền thống, việc đòi Trung Hoa công nhận một triều đại mới thường kéo dài rất lâu, điển hình là khi nhà Lê mới thành lập, sau khi đuổi được quân Minh ra khỏi đất nước, suốt đời Lê Lợi vẫn chỉ “quyền thự quốc sự” (tạm quyền coi việc nước – acting king of Annam) chứ chưa bao giờ được chính thức phong An Nam quốc vương.[13]

Vậy mà nay nhà Thanh không những giục nước ta làm cho mau, lại bí mật cho biết sẵn lòng đóng vai tay trong khiến triều đình Tây Sơn ngờ rằng họ có giấu sau lưng một con dao sắc. Tôn Sĩ Nghị tìm đủ mọi cách vẽ lại diện mạo của kẻ trước đây nhà Thanh gọi là thổ tù, là loạn thần tặc tử, là giặc cướp từ Quảng Nam … Nguyễn Quang Bình (tên thật của Nguyễn Huệ) nay được miêu tả là kẻ “bố y” (tức dân thường không quan tước mà sử dịch là anh hùng áo vải), đối với nhà Lê không có nghĩa quân thần nên không phạm tội thoán nghịch, lại có dạ “chí thành”, giết quân Thanh và tướng lãnh chẳng qua chỉ là vì “thiên binh” xung sát, trong đêm tối đành phải chống cự, “lỡ tay gây chuyện” chứ bản chất chỉ định ra lý luận với nhà Lê. Để chuộc tội tân triều xin trao trả lại những quan binh “lạc đường” bị bắt, lập miếu thờ binh sĩ nhà Thanh tử trận và gửi biểu tạ tội để xin vua Càn Long công nhận Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương.

Để che dấu sự thực của màn kịch, nhà Thanh làm ra vẻ bất cần ném trả tờ biểu xin hàng đến ba lần rồi mới chịu chấp thuận cho nước ta cầu hoà.[14] Thay cho cái lệ cống người vàng (đại thân kim nhân) sang Bắc Kinh chuộc tội, triều đình Tây Sơn nay cử một nhân vật quan trọng mang biểu sang, lấy tiếng là “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng cũng không khác gì chính mình) để khi được chấp thuận sẽ mang sắc và ấn về nước. Đó chính là nguyên do việc phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sang Trung Hoa vào triều kiến và nhận ấn tín, một đại mỹ sự được ghi lại trong bức tranh “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến” là hoạ phẩm sau cùng của bộ An Nam chiến đồ.[15]

Tuy nhiên, nếu đợi Nguyễn Quang Hiển về đến nhà thì việc phong vương có thể mất thêm vài tháng. Vì thế, ngay khi phái đoàn Tây Sơn còn trên đường đi, vua Càn Long đã cho người sang làm lễ phong vương cho vua Quang Trung ở Thăng Long, mặc dầu không có việc trao ấn và sắc thư như hội điển từ xưa đến nay. Chính những khập khiễng về nghi thức đó dấy lên quan ngại từ triều đình Tây Sơn, không biết thực sự nhà Thanh có âm mưu gì.[16] Việc đòi hỏi Nguyễn Huệ sang tham dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ càng dậy thêm nghi vấn nhất là nhóm thân Lê ở miền bắc phao lên tin đồn là một khi vua Quang Trung ra khỏi Nam Quan thì thuỷ bộ quân Thanh sẽ bốn mặt kéo xuống đánh vào Thăng Long, Thuận Hoá.

Vua Càn Long biết thế nên càng hết sức hậu đãi Nguyễn Quang Bình và triều đình Tây Sơn khiến cho trong một giai đoạn ngắn chuyển từ thù sang bạn, mở đầu cho một thời kỳ nước ta và nhà Thanh cực kỳ thân thiết. Ông cũng chỉ thị cho Phúc Khang An tìm cách ngăn chặn những thành phần chống Tây Sơn ở trong nước, đưa tất cả gia đình họ Lê đã sang Quảng Tây lên Bắc Kinh để không liên lạc được với các nhóm cần vương và bắt họ cắt tóc đổi y phục cho dứt hậu hoạn. Những người cực đoan nhất (nhóm Lê Quýnh) bị họ Phúc tìm cách dụ sang Trung Hoa rồi giam lại không cho liên lạc với các đồng chí ở quê nhà. Mặc dù có nhiều trục trặc lúc cuối – trong nội tình An Nam cũng như nghi lễ ngoại giao – nhưng sau cùng mọi việc êm xuôi khi vua Quang Trung đồng ý sang Bắc Kinh tham dự lễ khánh thọ.

Những biến chuyển ngoại giao và qui luật mới

Nếu chỉ thuần tuý xét tiến trình giao thiệp giữa hai bên, chúng ta khó có thể hình dung được những định lệ mới mà về sau hai bên phải tuân thủ. Trong một thời gian ngắn, nhiều thủ tục vốn bỏ ngỏ nay đưa lên thành qui luật. Từ những ghi chép trong Đại Việt Quốc Thư[17] (mà chúng tôi tin rằng từ kho sách của gia đình Phan Huy Ích), nước ta đã có một bộ lễ tắc đầy đủ khi phải giao thiệp với Trung Hoa. Không phải ngẫu nhiên mà Phan Huy Chú (con Phan Huy Ích) soạn Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, đã ghi chép những qui luật rất chi tiết trong phần Bang Giao và sau này Đại Nam Hội Điển Sự Lệ triều Nguyễn lập lại gần như nguyên vẹn. Nhiều tập tục có tính áp đặt trước đây vẫn được dùng để gây sức ép nay không còn nữa, chẳng hạn việc cống người vàng, các cống phẩm ngoài phương vật kể cả cống voi.[18]

Những định lệ rõ ràng về việc phân bố tiếp đãi, các công quán từ Lạng Sơn xuống Thăng Long đã thành qui luật mà không còn bị hạch hỏi, hạnh hoẹ như đời Lê.[19] Công lao biến các nghi lễ tuỳ tiện thành công thức phải kể đến nỗ lực và khả năng thuyết phục của các văn quan, điển hình là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Trước đây, khi chép sử, người ta thường nhấn mạnh vào công nghiệp của tướng lãnh nhưng trong nhiều trường hợp, chính ngòi bút của giới nho gia mới thực là thiên binh vạn mã.

Sự việc không ngừng lại ở định lệ hành chánh và nghi lễ phong vương, nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan trọng hơn cả là việc biên giới, quân sự, thông thương, cứu nạn được áp dụng trong suốt thế kỷ XIX cũng bắt nguồn từ thời kỳ này.

Phái đoàn Đại Việt và lễ khánh thọ của vua Cao Tông

Sự nâng cấp và đề cao có chủ đích

Ngay từ khi có ý đem quân can thiệp vào An Nam, vua Càn Long đã thuận theo lời đề nghị và kế hoạch của Tôn Sĩ Nghị. Ấy là sau khi ra tay cứu giúp triều đình nhà Lê, vua Chiêu Thống sẽ sai hoàng đệ Lê Duy Chỉ đem biểu sang tạ ơn, dọn đường cho phái đoàn quốc vương đích thân sang Bắc Kinh dự lễ khánh thọ vua Cao Tông 80 tuổi.[20] Theo tài liệu còn lưu lại, vị thế của vua Chiêu Thống cũng đã được định trước – trên quận vương, dưới thân vương – trong thứ tự nhà Thanh tại triều đình.

Việc điền khuyết phái đoàn Quang Trung vào chỗ đáng lý ra của vua Chiêu Thống không êm ả vì hai bên bản chất khác nhau, nhất là Tây Sơn vốn là thù nay chuyển sang thành bạn nên nhiều vấn đề mới nảy sinh. Để bảo đảm rằng không có gì dối trá, nhà Thanh sắp xếp để cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển sang cầu phong (với ý nghĩa là tuy thay mặt nhưng cũng không khác gì chính mình – tuy đại do thân) được gặp vua Chiêu Thống và những người đi cùng, nay đã gióc tóc, đổi áo theo y phục nhà Thanh để khẳng định họ không còn yểm trợ cựu triều và việc công nhận triều đại Tây Sơn là thành thực. Nhiều phái đoàn Trung Hoa bí mật sang Thăng Long, cung cấp những tin tức mà họ thu lượm được về các lực lượng thân Lê đang trú đóng ở vùng biên giới. Việc tấn công, bắt và giết Lê Duy Chỉ (tức ông Hoàng Ba, em út vua Chiêu Thống) có lẽ cũng nhờ vào tin tình báo mà nhà Thanh bí mật cung cấp cho Ngô Văn Sở.[21]

Việc mời được vua Quang Trung sang Trung Hoa là một thắng lợi lớn đối với vua Càn Long. Một phái đoàn phiên vương rầm rộ gần 200 người đi dọc suốt chiều dài Trung Hoa từ Nam Quan lên Nhiệt Hà không những xoá đi cái tiếng đồn không tốt về thất bại của nhà Thanh ở vùng tây nam mà còn là cơ hội để vua Càn Long phô trương một “chiến thắng mà không cần dùng binh”, thử nghiệm một chiến lược mới, lấy ngoại giao thay thế biện pháp quân sự, đưa chủ trương ki mi lên một tầm vóc khác. Hình ảnh “vạn quốc lai triều” trở thành một đề tài nổi trội trong chính sách đối với bên ngoài, còn ghi lại trong nhiều bức tranh với đầy đủ chi tiết phô trương niềm tự hào của triều đình Trung Hoa.

Quan điểm mới đã khiến vua Càn Long thay đổi nhiều truyền thống nên sau khi phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa năm 1790, chúng ta lại thấy nhà Thanh đón tiếp phái đoàn Anh lên triều kiến vua Càn Long năm 1793 để xin khai mở một lãnh sự quán và buôn bán. Tuy trước sau nhà Thanh vẫn coi biến cố này chỉ là một phái đoàn từ xa đến thần phục vì ngưỡng mộ văn minh Hoa Hạ, những món quà đem sang đều là cống phẩm nhưng nay đã thành một tiền lệ mới. Các phái đoàn ngoại quốc đến Trung Hoa cũng lại tạo ra những khe hở để người ngoài nhòm ngó vào nội tình nhà Thanh, làm đòn bẩy cho liệt cường Âu châu uy hiếp mở ra những thương cảng dọc theo duyên hải. Những biến động liên tiếp đó xảy ra chỉ vừa tròn một nửa thế kỷ sau chuyến đi của vua Quang Trung.

Thuận gió đẩy thuyền

Phái đoàn Quang Trung sang Trung Hoa là đại sự của triều đình Càn Long, một trọng điểm trong lễ Bát Tuần Khánh Thọ. Chi phí riêng cho việc đưa đón, tiếp đãi lên hàng triệu lượng bạc, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử triều đại Trung Hoa. Phái đoàn được đưa đi theo một lộ trình mới, ngang qua những thị trấn phồn hoa, thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều bài thơ của sứ thần nước ta được khắc trên đá tại núi non, chùa chiền, miếu mạo có thể nay còn tồn tại.[22]

Vua Quang Trung và phái đoàn được đón tiếp theo nghi lễ mới qui định gọi là “tân chủ lễ” (lễ đón khách), được mời trà ở ngoài kinh đô, và quốc vương được ban cho mũ áo bản quốc màu đỏ, màu vàng và một vạn lạng bạc. Vinh dự hơn nữa – để chữa một sai lầm về việc nước ta ái mộ y phục nhà Thanh – vua Càn Long đã đặc biệt ban cho Nguyễn Quang Bình (tên thật vua Quang Trung) y phục thân vương (kèm theo mọi phụ kiện và nhất là một áo khoác gọi là hoàng mã quái). Ông cũng được ban cho một con ngựa tốt, với yên cương màu vàng, và theo như danh sách phụ tùng kèm theo thì hoàn toàn đầy đủ bộ lệ như một võ tướng cao cấp nhất của nhà Thanh.

Đặc biệt hơn hết, nước ta được dùng hệ thống dịch trạm để có thể chuyển thư từ Bắc Kinh về Lạng Sơn rồi đưa về Thăng Long. Từ nơi xa vua Quang Trung đã trực tiếp chỉ thị cho tướng lãnh giải quyết việc quân cơ, còn các tuỳ thần đi theo được gửi thư về thăm nhà … là điều xưa nay chưa từng có trong lịch sử đi sứ.

 

Giao thiệp đời Quang Trung

Lễ nghi qua lại

Trước đây, sử triều Nguyễn đặt triều đại Tây Sơn vào thế xung đột liên tục với nhà Thanh, mọi biến cố đều “giả dối” nên các sử gia cũng nhìn vấn đề theo hướng đó, phần lớn coi như những việc trí trá không đáng đi xa thêm. Thế nhưng, với những tài liệu gốc còn để lại thì chưa một thời kỳ nào mà liên lạc hai bên mật thiết đến như thế. Bên cạnh những phái đoàn nghi lễ như triều cống, tạ ơn, khánh hạ, báo tang … không ít lần có những phái đoàn mang sứ mạng hành chánh, ngoại giao, quân sự để xây dựng liên hệ triều đình với triều đình, quốc gia với quốc gia.

Tương quan giữa nước ta và Trung Hoa trước đây nặng phần hình thức, thù tạc, là những nhiệm vụ bắt buộc phải làm, kể từ sau chuyến đi của phái đoàn Quang Trung đã nâng lên một tầm vóc khác hẳn. Ngoài những định lệ cũ, triều đình hai bên cũng tiến thêm những bước mới, nói như ngày nay là hiệp ước quân sự hỗ tương (việc hợp tác với nước ta giữ an ninh mặt bể hay việc hợp đồng tiễu trừ các biến loạn ở biên giới …), trao đổi các cơ nghi chiến lược (nhà Thanh cho nước ta biết các chiến dịch ở Tây Tạng, còn nước ta cũng báo cáo về việc đối phó với ngoại hoạn ở phía tây, nội loạn ở tây bắc …), hiệp ước thương mại kinh tế (thông thương theo đường bộ và thiết lập các đặc khu kinh tế dọc biên giới Quảng Tây). Những định lệ mới về trao đổi hàng hoá, số lượng mua bán trước đây thất thường nay được đưa thành qui tắc trên giấy trắng mực đen.

Củng cố vai trò tông phiên

Hệ thống tông phiên của nhà Thanh chia làm hai cấp, một cấp gần gũi hơn vì có liên hệ văn hoá và huyết thống với người Mãn Châu (Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương …) đặt dưới sự trông coi của Lý Phiên Viện, còn một cấp độ tương đối xa hơn đặt dưới sự  điều hành của bộ Lễ. Bộ Lễ trông coi việc giao thiệp với những quốc gia đồng văn như An Nam, Lưu Cầu, Triều Tiên và những tiểu quốc khác ở kế cận như Nam Chưởng, Xiêm La, Miến Điện … cùng nhiều nước ngoài đại dương xa xôi giao tiếp nặng phần hình thức.

Có lẽ trong chuyến công du năm Canh Tuất (1790), triều đình Tây Sơn nhận ra rằng hai hệ thống có sự đối xử khác biệt và nếu được nâng cấp để trở thành một “nội phiên” như các nước vùng mạc bắc (sa mạc phía bắc) thì việc liên minh có nhiều ưu điểm hơn.[23] Tuy không biết rõ thực sự ý định của triều đình Tây Sơn như thế nào nhưng những vận động tiếp theo không thể không mang theo một chủ ý. Đó là An Nam cần được coi trọng hơn trong thứ bậc có sẵn, nếu không trở thành một liên minh quân sự như Mông Cổ thì cũng phải được ngang hàng với Triều Tiên chứ không thể chỉ bình đẳng với Xiêm La hay Miến Điện.

Quan hệ tông phiên dưới thời Tây Sơn không còn giới hạn trong những qui định  chật hẹp về  nghi lễ truyền thống như triều cống, phong vương, cáo ai, khánh hạ … mà nay tiến sang những hợp tác kinh tế, quân sự, trị an, cứu nạn … Một chi tiết đáng chú ý là trong một số biến cố quan trọng liên hệ đến hoàng gia chẳng hạn việc vua Càn Long thoái vị để nhường ngôi cho vua Gia Khánh (1796) hay khi thái thượng hoàng Cao Tông qua đời (1799) thì vua Cảnh Thịnh đã đưa một người thân trong họ Nguyễn [mà chúng ta chưa biết liên hệ thân tộc như thế nào] là Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Quang Dụ cầm đầu sứ bộ sang Bắc Kinh, cho thấy trong một mức độ nào đó, triều Tây Sơn không chỉ là một phiên thuộc bình thường mà ít nhiều có vai trò hoàng tộc ngoại biên, củng cố mối quan hệ đã từng được vua Càn Long viết trong thư coi vua Quang Trung như con và sau đó lại xác nhận là ông coi Nguyễn Quang Toản như cháu nội.[24]

 

Những chủ điểm ngoại giao mới

Triều Tây Sơn tồn tại một thời gian rất ngắn nên chúng ta khó đo lường cho chính xác việc quan hệ tông phiên với nhà Thanh sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên trong thời kỳ này xuất hiện những yêu sách, đòi hỏi, đặt vấn đề vượt ra ngoài truyền thống và trong khung cảnh của trật tự thiên hạ vùng Đông Á có thể là dấu hiệu thúc đẩy những liên kết rộng rãi hơn (mà triều Nguyễn cho rằng gây hấn).

Thay đổi cống kỳ

Từ trước đến nay, nước ta vẫn theo lệ ba năm một lần triều cống, sáu năm sai sứ sang Trung Hoa một lần, mang theo cả hai lần cống phẩm. Nhà Thanh muốn tỏ ra vai trò nước lớn, việc triều cống không phải là một hình thức vòi vĩnh tham lam mà chỉ cho đi nhận lại nên đặt ra nguyên tắc “hậu vãng bạc lai” (cho đi nhiều, đem về ít) nên những món đồ ban thưởng bao giờ cũng nhiều hơn của đem đến. Cống kỳ (thời gian giữa hai lần triều cống) cũng là một cách để đánh giá việc thân sơ, nhặt thì hàng năm (Mông Cổ, Triều Tiên), thưa thì ba năm (Lưu Cầu, An Nam) còn sơ hơn nữa thì năm năm, mười năm (Xiêm La, Miến Điện). Đến như các nước Tây dương ở xa thì đem quà cáp tới lúc nào cũng được.

Sau khi xem xét, tính toán, triều đình Tây Sơn xin được thay đổi cống kỳ và Thanh triều miễn cưỡng nâng cấp từ ba năm lên hai năm một lần, bốn năm một lần sai sứ mang sang. Định lệ này còn được tiếp tục tới triều Nguyễn mặc dù sau đó có đổi lại như cũ mà nhà Thanh viện cớ thể tuất kẻ ở xa.

Việc xin thay đổi cống kỳ chắc chắn không phải vì nước ta thích được tiến cống mà để được hưởng những ưu đãi của cận phiên, nếu không bằng Mông Cổ thì cũng bằng Triều Tiên, một cái ấn An Nam quốc vương bằng vàng núm hình rùa thay vì ấn bạc mạ vàng, núm hình lạc đà. Những sứ bộ sang Trung Hoa cũng là dịp để mua hàng nội địa mà không phải đóng thuế. Đồ sứ nước ta mua từ Trung Hoa còn nhiều cũng là khởi đầu từ thời Tây Sơn.

Xin ngựa

Việc xin một con ngựa thay con ngựa được vua Càn Long ban cho khi sang Bắc Kinh đã chết có lẽ phải được hiểu như phép thử của vua Quang Trung muốn biết xem đó là một món quà cá nhân hay một phẩm trật được xác định. Triều đình nhà Thanh – nhất là dưới thời vua Càn Long – có những ban thưởng tưởng như bề ngoài nhưng thực ra ẩn chứa những thông điệp cá nhân rất quan trọng. Ngựa, bảo kiếm, giáp trụ, mũ miện, đai lưng, y phục và cả những món đồ tưởng như trang sức như chỏm mũ, triều châu, hà bao … đều ẩn chứa sự xếp đặt tinh tế trong thứ bậc và danh dự của triều đình. Ngựa, nhất là tuấn mã vùng ký bắc hay tây vực, vốn là quà đặc biệc chỉ dành riêng cho các bậc thân vương có võ công vượt trội nên con vật có thể coi như một phụ tùng trong chuỗi giá trị mà nhà Thanh ban cho.[25]

Cầu hôn và hệ thống liên nhân

Việc vua Quang Trung cầu hôn một hoàng nữ nhà Thanh[26] phải được đặt trong chính sách “liên nhân” (hai bên lấy lẫn nhau theo tục chỉ hôn nghĩa là đặt đâu ngồi đấy) của nhà Thanh vốn là những  hiệp ước ngầm về liên minh quân sự và hỗ trợ lẫn nhau của người Mãn Châu với các dân tộc du mục (sống trong vùng sa mạc giữa Trung Hoa và Tây Bá Lợi Á, nay là Nội và Ngoại Mông). Những dân tộc này có vai trò rất lớn và là những che chắn cho kinh thành, bảo vệ triều đại, được đối xử như một đặc khu riêng biệt. Trong tổ chức quân sự, nhà Thanh có bát kỳ bao gồm bát kỳ Mãn Thanh, bát kỳ Mông Cổ và bát kỳ Hán quân. Đối chiếu tương quan các lực lượng, trong khi Hán quân chủ yếu lo việc trị an địa phương, kỳ binh Mãn Châu và kỳ binh Mông Cổ chính là xương sống của triều đình và chỉ khi nào đối đế lắm mới mang ra sử dụng. Những cấp chỉ huy của các kỳ binh này đều là người Mãn Châu hay người Mông Cổ, có những qui chế đãi ngộ riêng cao hơn người Hán. Những phiên vương Mông Cổ cũng được ban cho một chiếc ấn bằng vàng khối.

Đòi đất và án lệ hành chánh cũ

Việc nước ta có hàng nghìn cây số biên giới tiếp giáp với Trung Hoa nảy sinh nhiều tranh chấp đất đai, nhất là những vùng núi non mà cư dân đều là các bộ lạc, sơn động thiểu số, lâu nay vẫn ngả nghiêng, khi thần phục bên này, lúc chạy sang bên kia. Việc tranh giành sự qui thuận của những sắc dân đó luôn luôn là một công tác quan trọng không phải chỉ để bảo vệ đất đai của cha ông mà còn là những bức thành che chắn ngăn chặn sự xâm lăng của người Hán.

Đời Ung Chính khi đòi khám định khu vực sông Đổ Chú, nước ta đã lấy lại được 40 dặm đất (mặc dù đất bị mất có thể hơn nhưng nhà Thanh chỉ trả có bấy nhiêu) với lời lẽ kẻ cả của vua Thanh là “đất đai dưới gầm trời đều là của thiên tử, dân chỗ nào cũng là con đỏ nên dù có thuộc về nội địa hay ban cho An Nam thì cũng không khác gì”.

Dựa theo án lệ này, đời Lê và sau này đời Tây Sơn (đời Nguyễn cũng đề cập nhưng không thành công) đã yêu cầu nhà Thanh trả lại 7 châu ở Hưng Hoá tương tự như đời Ung Chính nhưng vì tấu biểu không vượt qua được ngưỡng cửa biên thần nên không thành công. Nếu sự việc lên đến vua Càn Long mà không bị các cấp địa phương ngáng trở, rất có thể triều đình nhà Thanh cũng đi theo cách giải quyết của tiên đế mà “ban cho An Nam” những vùng đất nước ta yêu cầu.[27]

Thông thị và hiệp ước giao thương

Thông thị là hậu quả của chính sách đóng cửa biên giới vùng tây nam khi nhà Thanh có chiến tranh với Miến Điện, giận cá chém thớt khiến nước ta bị vạ lây. Trước đây, những vận chuyển hàng hoá buôn bán nhỏ theo các đường mòn xuyên qua vùng rừng núi biên giới cung cấp phần lớn những gì nước ta cần, tuy không qui mô nhưng đã có cầu thì cũng có cung. Nước ta cũng đem các loại thổ sản, khoáng sản qua biên giới bán cho thương nhân Trung Hoa và rất đông Hoa kiều vượt biên sang khai thác các mỏ đồng, mỏ thiếc là những vật liệu mà người nước ta chưa am tường kỹ thuật.

Khi các đường thông thương này bị nghiêm cấm, việc qua lại buôn bán nay thành bất hợp pháp khiến cho việc cung cấp nhu yếu phẩm trở nên thất thường, việc mua bán hàng hoá đều tiềm tàng nguy hiểm. Khi vua Quang Trung được công nhận, việc đầu tiên ông yêu cầu là mở lại các mạng lưới giao thương và vua Càn Long đã nhanh chóng chấp thuận ngay từ trước khi phái đoàn nước ta sang Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chỉ đến sau chuyến đi, mọi việc sắp xếp mới ổn định, hai bên đều có đại diện và cơ cấu hành chánh kiểm soát việc qua lại, thuế má, số ngạch. Một hiệp ước thông thương 16 điều đã được Phúc Khang An trình lên để vua Càn Long ban chiếu chỉ thi hành.

Từ trước đến nay, sử nước ta vẫn coi việc khai quan thông thị chỉ là một chi tiết nhỏ, cũng không ai nghiên cứu cho tường tận về nguyên nhân, hậu quả và việc tiến hành như thế nào? Tuy nhiên, 50 năm sau khi khai quan thông thị (1791), nhà Thanh đã phải mở ra cửa biển Quảng Châu (1842) với những điều khoản tương tự nên có thể nói chính hiệp ước Thanh – Việt là tiền thân và là bước mở đầu của những cánh cửa thương mại từ bên ngoài vào Trung Hoa.

 

Kết luận

Giả và thực

Sự xuất hiện và biến mất quá nhanh của triều đại Tây Sơn đã khiến cho một giai đoạn lịch sử bị khép kín, nhất là triều Nguyễn khi viết về thời kỳ này đã không khách quan, nếu không nói là xuyên tạc, nên nhiều việc bị bóp méo, thu nhỏ, dung tục hoá và bịa đặt. Những thành tựu của triều đại Tây Sơn cần được xét lại, đánh giá thêm và tìm hiểu một cách cặn kẽ. Trong nhiều năm qua, hầu như các sử gia trong và ngoài nước, Việt Nam và ngoại quốc đều không ai quan tâm đến những giao thiệp của nhà Thanh với nước ta giai đoạn này. Nói cho cùng, việc Trung Hoa và An Nam xích lại gần nhau có những nguyên do rất “cá nhân” nhưng không phải vì thế mà mọi việc không lớp lang, bài bản. Xét chung chính sách của nhà Thanh và việc các nhà ngoại giao nước ta tìm cách khai thác những ưu thế mới, tuy từ những hướng đối nghịch xem ra có vẻ khác thường nhưng thực ra đều có cơ sở và đáng cho chúng ta đi xa hơn.

Đọc lại những văn thư qua lại, những yêu cầu của triều đình Tây Sơn tưởng như lần đầu mà thực ra đều dựa theo định lệ của nhà Thanh nhưng không mấy người nghiên cứu cho rốt ráo. Điều đó cho thấy nước ta đã quan tâm rất kỹ đến các chính sách của phương bắc và khai thác cái trật tự có sẵn để tìm một vai trò đắc thể hơn từ trước đến nay. Đối chiếu với tình hình thực tế đang xảy ra, nếu các chính sách ngoại giao mới được tiếp tục thì có thể tiến tới những giao thiệp trực tiếp giữa hai triều đình và quan lại địa phương vùng tây nam Trung Hoa  sẽ mất đi cái tư thế phong cương đại thần có sẵn.[28]

Sự mau chóng điều động Phúc Khang An đi khỏi Bắc Kinh để chỉ huy một chiến dịch xa xôi không lấy gì làm quan trọng chắc chắn có liên hệ đến nước ta chủ yếu là tạo một khoảng trống, cắt đứt những mắt xích mà trước đây chính họ Phúc đã cố gắng hình thành. Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng giải mã cho rốt ráo thì có lẽ khó mà tìm được.

Nguyễn Duy Chính

1-2023

Tôn Sĩ Nghị

Phúc Khang An

(hình ảnh trong Tử Quang Các nhà Thanh)

Thọ Xương Giang Chi Chiến

Phú Lương Giang Chi Chiến

Thị Cầu Giang Chi Chiến

Tam Dị Trụ Hữu Chi Chiến

(4 bức tranh trong bộ An Nam Chiến Đồ đời Càn Long

Trái: Ấn An Nam quốc vương đóng trên hoa tiên của vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn)

Giữa: Ấn An Nam quốc vương đóng trên văn thư của vua Hiển Tông (đời Lê)

Phải: Ấn An Nam quốc vương đóng trên tạ biểu của vua Chiêu Thống (ấn mới được cấp)

Ba chiếc ấn này rất giống nhau, phải so sánh kỹ mới thấy khác biệt ở một số chi tiết

Tấu thư của vua Lê Hiển Tông ngày 24 tháng Tư năm Càn Long 36, có đóng dấu An Nam quốc vương[30]

Việt Nam quốc vương chi ấn nhà Thanh ban cho vua Gia Long

Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Tome XII

Sigilographie Annamite (1937)

Y phục thân vương nhà Thanh         Vua Quang Trung trong triều phục An Nam

(màu kim hoàng)                                                       (màu đỏ)

(so sánh y phục thân vương vua Quang Trung được ban cho và triều phục nước ta) [29] 


[1] Đại Nam Thực Lục, tập 4, đệ Nhị kỷ (Hà Nội: Giáo Dục, 2004) tr. 662.

[2] Đại Nam Thực Lục, tập 4, đệ Nhị kỷ (Hà Nội: Giáo Dục, 2004) tr. 662-663

[3] Miêu tả xấu hơn thực sự.

[4] Trạm truyền tin theo từng chặng bằng ngựa chạy, mỗi trạm cách nhau chừng 30 km là sức của ngựa có thể chạy được, tới trạm kế tiếp thì đổi người, đổi ngựa. Lối truyền tin này có nhiều tốc độ từ 300 đến 600 dặm một ngày (nhanh nhất). Hệ thống dịch trạm bắt đầu từ đời Nguyên, được tiếp nối trong đời Minh và đời Thanh. Người Trung Hoa khi phòng ngừa quân Hung Nô ở miền bắc tràn xuống còn sử dụng hai hệ thống báo động là đốt lửa và đánh trống để truyền tin.

[5] đến triều đình yết kiến hoàng đế, ở đây là việc chúc tụng trong lễ Bát Tuần Khánh Thọ

[6] 明修栈道, 暗度陈仓Giả vờ bề ngoài tu sửa sạn đạo nhưng bí mật đem quân qua đường Trần Sương (kế của Hàn Tín đánh Hạng Võ), ý chỉ bề ngoài làm một việc nhưng thực ra làm chuyện khác. Trong trận Thị Cầu, Tôn Sĩ Nghị giả vừa đem quân vượt sông nhưng lén theo hạ nguồn 20 dặm đi qua đánh tập hậu vào đại quân của Phan Văn Lân. Kế này thực ra do Lê Duy Đản bày cho nhưng Tôn Sĩ Nghị lại nói là do kế của vua Càn Long chỉ bảo.

[7] 运筹帷幄之中,决胜千里之外tính toán trong màn trướng mà thắng được ngoài ngàn dặm.

[8] Tuần phủ Quảng Tây, người đảm trách chính yếu trong việc thiết lập hệ thống truyển tin và vận tải lương thực trong chiến dịch đánh An Nam.

[9] Theo kế toán của nhà Thanh, trong chiến đấu thì một người lính cần ba người phu phục vụ hậu cần nếu chiến tranh tại nội địa và năm người phu nếu chiến tranh bên ngoài biên giới.

[10] Dân công chỉ có thể ép họ làm ba tháng mỗi năm vì họ đều là người lao động trụ cột trong gia đình, nếu chiến dịch kéo dài hơn 3 tháng thì phải đổi toán khác. Nhà Thanh chuyển vận lương thực từ Nam Quan xuống Thăng Long theo lối “cổn vận” nghĩa là người phu phải mang quân lương + lương thực cho chính mình, tới nơi bỏ lại (nhưng vẫn phải mang theo phần chính mình cần dùng trên đường đi) để quay về làm chuyến tiếp theo. Từng nhóm đi tới, vòng về như xích xe thiết giáp và chỉ đi bộ (đường núi nước ta không có điều kiện dùng bò, ngựa, xe hay thuyền) nên hiệu năng rất kém mà chi phí lại nhiều. Nước Nam những năm đó bị mất mùa, đói kém nên không thể trưng thu hay mua gạo ở địa phương.

[11] Việc rút quân về để giao lại cho Phú Cương (tổng đốc Vân Quí) và Ô Đại Kinh (đề đốc Vân Nam) chiêu hàng Nguyễn Huệ cũng là một vấn nạn lớn vì nếu thành công thì bao nhiêu công lao Phú Cương và Ô Đại Kinh sẽ hưởng trọn mà Tôn Sĩ Nghị thì không muốn lâm vào cảnh “cốc mò cò xơi”. Đây cũng là lý do mà Tôn Sĩ Nghị không chuẩn bị việc rút quân dù biết đang lâm vào bế tắc.

[12] Hịch Dụ An Nam Quốc Trấn Phủ (檄諭安南國鎭府) (146 trang) mang số hiệu A.3010 trong kho lưu trữ Viện Hán Nôm (Hà Nội). Đây là một tập hợp nhiều văn thư mà các quan địa phương của Trung Hoa gửi sang nước ta, bao gồm hai phần, phần trước (1-93) là thư của nhà Thanh từ khi bắt đầu giao thiệp sau chiến tranh đến khi phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sang Trung Hoa, phần 2 (94-146) là các văn thư giao thiệp sau khi vua Quang Trung sang Bắc Kinh trở về nước.

[13] Hai đời Thái Tổ và Thái Tông nhà Lê chỉ được nhà Minh công nhận “quyền thự quốc sự” (1427-1443) chứ không được phong làm An Nam quốc vương. Mãi đến năm 1443, vua Lê Nhân Tông mới được nhà Minh phong vương chính thức. Trong 16 năm (1427-1443 nước ta đối với Trung Hoa không có vua, chỉ có người tạm thời coi việc nước.

[14] Cho đến nay, thông sử Trung Hoa vẫn chép rằng nước ta “tam độ khất hàng” (ba lần xin hàng) mới được nhà Thanh đồng ý.

[15] Đây là phái đoàn đi sứ lớn nhất xưa nay, lên tới hơn 60 người, được tiếp đãi như một Phó Vương. Các sứ đoàn của nước ta từ trước tới nay đi sang Trung Hoa chỉ giới hạn trên dưới 30 người.

[16] Cho tới lúc này phái đoàn Nguyễn Quang Hiển còn đang trên đường về nước nên triều đình Tây Sơn chưa có một tin tức cụ thể nào về thành ý của nhà Thanh, mọi việc chỉ là suy đoán. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao nước ta tìm cách kéo dài thời gian và bắt sứ thần nhà Thanh chờ ở công quán đến hơn một tháng, khi thì vì Nguyễn Huệ bị ốm, lúc thì có tin tàu ô ngoài khơi, đường sá hư hỏng vì lụt lội …

[17] Khuyết Danh, Đại Việt Quốc Thư (大越國書) (6 quyển). (bản chép tay) số hiệu A.144 Paris EFEO MF II.85.

[18] Sang đời Thanh – Tây Sơn, cống phẩm chủ yếu là phương vật, có gì đem nấy, thiếu chút ít cũng không sao khác với đời Minh chủ trương vơ vét thuộc quốc. Nhà Thanh cũng chủ trương “hậu vãng bạc lai” (cho đi nhiều, đem tới ít) cho ra vẻ nước lớn.

[19] Đời Lê nhà Minh và nhà Thanh bắt vua nước ta phải quì đón khâm sứ ở vệ đường, từ đời Tây Sơn thì vua và triều thần đợi trong điện Kính Thiên và một phái đoàn ra ngoài đón khâm sứ nhà Thanh vào làm lễ.

[20] Hai chi tiết này được ghi rõ trong tờ biểu tạ ơn của vua Chiêu Thống tháng Chạp năm Mậu Thân (1788). Đá 向南山而刻石,馳北闕以傾葵。願習中土之音,敢煩梯航重譯。

Hướng Nam sơn nay khắc tạc ơn cao. Đến Bắc khuyết để tỏ lòng thần phục

Nguyện sẽ học tiếng Trung thổ. Để khỏi phiền phiên dịch qua lại khó khăn

[21] Theo Hoa Bằng: Quang Trung Nguyễn Huệ anh hùng dân tộc (1788-1792) Saigon: Thư Lâm ấn quán, 1958 tr. 269 thì: … Các tướng Tây Sơn, với một số binh tinh nhuệ, do cửa ải Tụ-long sang qua đất nhà Thanh, sấn vào thành Bảo Lạc, bắt sống hoàng Ba với Phúc Tấn và Văn Đồng, giải về Tụ-long rồi sai đóng cũi đưa về Thăng long … Diều này cho thấy việc tiêu diệt dư đảng nhà Lê có sự thuận tình của nhà Thanh và Tây Sơn.

[22] Xem thêm Trần Ích Nguyên (陳益源), Thanh Đại Việt Nam Sứ Tiết Ư Trung Quốc Khắc Thi Lập Bi Chi Văn Hiến Ký Tải (清代越南使節於中國刻詩立碑之文獻記載). Trung Chính Đại Học, Trung Quốc Văn Học Hệ,Tạp chí Trung Chính Hán Học Nghiên Cứu 2017, đệ Nhất kỳ tr. 173-20.

[23] Khi ngồi ăn và triều kiến, các vương công Mông Cổ và thân vương, quận vương nhà Thanh ngồi riêng một bên (có vua Quang Trung trong số này), các sứ bộ quốc gia khác ngồi cùng hàng phía (sau) quan lại nhà Thanh. Ban thứ nhà Thanh rất quan trọng để nhận ra ai trên, ai dưới. Đời Minh Mạng, đã có lần sứ bộ nước ta bị xếp dưới Lưu Cầu, Nam Chưởng không phải vì nhầm lẫn như nhà Nguyễn nhận định mà là một sự cố ý làm bẽ mặt Việt Nam, có lẽ vì nước ta tự ý đổi tên là Đại Nam mà không được phép của họ.

[24] Cũng cần biết thêm, trong sứ bộ triều cống sau cùng mà vua Bảo Hưng (Nguyễn Quang Toản) gửi sang Trung Hoa năm Nhâm Tuất (1802), [xin gộp 4 lần làm một để triều cống thay vì 2 lần], ngoài phái đoàn chính thức còn có một nhân vât được miêu tả là “thân thần” (bầy tôi nhưng là người trong họ) tên là Nguyễn Quang Triệu cùng đi (phái đoàn cũng xin gặp riêng tổng đốc Lưỡng Quảng nhưng bị từ chối) mà nhà Thanh ngờ rằng đại diện triều đình Tây Sơn sang cầu viện. Sứ đoàn đang trên đường lên Bắc Kinh thì nhà Thanh có tin vua Gia Long đã chiếm được Thăng Long (bắt giữ hai anh em Nguyễn Quang Toản) nên sứ bộ bị đuổi về và tống giam tại Quảng Châu. Sau đó, tất cả phái đoàn đều xin về nước. Không biết số phận của Nguyễn Quang Triệu ra sao nhưng nhà Thanh cũng ban cho một đặc ân là nếu ai muốn ở lại Trung Hoa thì cũng được an tháp như con cháu nhà Lê.

[25] Trong Bang Giao Hảo Thoại còn một tờ biểu xin ngựa nhan đề Khất Mã Biểu.

[26] Trong Bang Giao Hảo Thoại còn tờ biểu xin cầu hôn một hoàng nữ (Thỉnh Hôn Biểu).

[27] Trong Bang Giao Hảo Thoại còn tờ biểu xin trả lại 7 châu Hưng Hoá (Thỉnh Hoàn Hưng Hoá Thất Châu Biểu)

[28] Trong lịch sử, mọi giao thiệp của nước ta với Trung Hoa đều phải đi qua sự kiểm duyệt của các quan lại địa phương như tuần phủ, tổng đốc Vân Quí, Lưỡng Quảng ở vùng tây nam Trung Hoa. Chỉ khi nào được họ chấp thuận, văn thư mới chuyển lên Bắc Kinh. Nếu những vận động đời Tây Sơn thành công thì họ chỉ còn là những trạm trung chuyển vì mọi giao thiệp trở thành quốc gia với quốc gia tương tự như chính sách đối với các dân tộc phía bắc.

[29] Trích từ Portraits of the Court: Chinese Paintings of the Qing Dynasty (Imperial Prtince Yinxiang, 1686-1730), 1993. Tàng trữ trong Viện Bảo Tàng Arthur M. Sackler Gallery, Smithsonian Institution, USA

[30] Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc: Tư văn của vua Hiển Tông Lê Duy Đoan (tên nước ta là Duy Diêu) ngày 24 tháng Tư, Càn Long 36 trả lời tổng đốc Vân Quí Lý Thị Nghiêu về việc bắt Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam, số hiệu 014093. Hình vua Quang Trung là bức vẽ của nhà Thanh trong chuyến công du năm 1790 được Sotheby bán đấu giá tháng June năm 1981 (Catalogue of Chinese Decorative Arts tr. 77)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s