Nơi đâu có hồ, đàn thiên nga sẽ bay đến- Thuật sử Phật Giáo tại đất Mỹ (Bài 12)

Rick Fields

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG MƯỜI HAI

VÀ KHOẢNG NHỮNG NĂM 60

I

“Nơi đâu có tu tập, nơi đó có giác ngộ.” Đây là thông điệp hàng đầu mà Thiền sư Shunryu Suzuki mang đến nước Mỹ. Xin đảm bảo, nghe vậy mà không đơn giản chút nào, chỉ cần tình cờ liếc mắt vào Chính Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên thì rõ. Nhưng nó trực tiếp,  nó cắt đứt mọi thứ làm chướng ngại trước mắt quá trình – quá khứ, tương lai, nỗi sợ thất bại và niềm hi vọng thành công. Nằm mơ giữa ban ngày về một con người siêu phàm một khi được giác ngộ là cách tu tập sai lầm, than vãn quá khứ vì đã dẫn đến hiện tại khốn khổ là tu tập sai lầm. Tu tập đích thực có thể đủ lớn để ôm trọn quá khứ và tương lai, nhưng nó chỉ có thể xảy ra trong giây phút hiện tiền, hơi thở này, hít vào thở ra, “như một cánh cửa xoay”, theo lời một thiền sư.

Thế là họ ngồi. Thiền sư lặng lẽ đi rảo quanh phía sau họ, chỉnh sửa tư thế, đẩy cằm vào trong, xê dịch vai một chút sang trái hay phải, điều chỉnh các ngón tay tạo hình thủ ấn, tay trái đặt tên tay phải, hai ngón cái chạm nhẹ sao cho một tờ giấy quyến mỏng dính có thể qua được, đại loại không chặt cũng không lỏng. Các thiền sư của thế hệ trước,  Sokei-an  và Senzaki, không mấy chú ý đến tư thế tọa thiền. Các học viên của họ chỉ ngồi trên ghế. Họ là những người đã lớn tuổi, xương đã cứng, cơ đã căng, dường như không thể nào ngồi yên không nhúc nhích. Nhưng những người trẻ tuổi ở thế hệ 60 đã loại bỏ các cứng nhắc xưa cũ: họ đã tập luyện yoga, họ đã ăn gạo lứt, họ đã lang thang qua những cánh rừng. Họ đã làm tất cả việc đó và tỏ ra hoài nghi, ít nhất là đối với những người tìm đường đến trụ sở Thiền Tào Động ở San Francisco, rằng bấy nhiêu thế vẫn chưa đủ, hoặc,  thật ra (như họ sẽ bắt đầu nói sau khi đã nếm một chút Thiền) là quá nhiều. Vậy là đã dư thừa. Chỉ là ngồi. Chỉ là  ăn. Chỉ là ngủ. Chỉ là làm việc. Chỉ là xách nước và chẻ củi, như một Thiền Tổ đã dạy – đó là phép mầu.

II

Shunryu Suzuki bay từ Tokyo đến San Francisco vào ngày 23/5/1959. Một bức ảnh chụp tại khu khởi hành cho thấy Sư vẫy tay chào vui vẻ trong sân bay tấp nập,  một tay cầm bó hoa, tay kia xách hành lý, mặc áo choàng đen, chân mang sandal với vớ trắng. Gương mặt Sư rạng rỡ với miệng cười to như vành trăng lưỡi liềm.

Shunryu Suzuki được thành viên Chùa Soko (Soko là San Francisco trong tiếng Nhật) tiếp đón tại sân bay San Francisco. Chùa Soko được thành lập vào năm 1934 bởi Hosen Isobe, một thầy tu truyền giáo của dòng Tào Động, trước đây từng lập chùa tại Triều Tiên,  Hawaii và Los Angeles. Shunryu Suzuki là tu sĩ thứ 6 được trụ sở Thiền Tào Động ở Nhật phái đến.

Chùa, cũng được dành làm trụ sở Thiền Tào Động, là một tòa nhà gỗ tọa lạc tại số 1881 Phố Bush, thường được gọi Khu phố Nhật.

Chùa tưởng chừng bị mất trong chiến tranh khi mọi người đều phải vào trại tập trung, nhưng họ đã phần nào xoay sở tiếp tục trả đủ nợ thế chấp từ trại, và khi chiến tranh kết thúc, ngôi chùa vẫn còn ở đó.

Trước khi Shunryu Suzuki đến Chùa Soko, đã có một số người Mỹ đến hành lễ tại chùa. Trong số này có một học viên cũ của Viện Thiền Thứ Nhất Hoa Kỳ tại New York, đã đọc các bài thuyết giảng của Sư Sokei-an, người thành lập Viện, cho một nhóm nhỏ vào mỗi tối thứ sáu. Nhưng khi Sư Shunryu đến, việc này ngưng lại. “Chúng tôi được một thiền sư mới,” anh viết thư cho một người bạn ở miền Đông,” nói tiếng Anh rất đáng khâm phục, và Sư là một người uy nghi. Mọi người chúng tôi ở chùa đều vô cùng phấn khởi.” Họ ngồi đối diện bức tường, “mọi ngọn đèn đều tắt hết, chỉ chừa một ngọn nến trên áng thờ. Tiên sinh đi vòng quanh, cầm một cây gậy lớn – một vài người bị nện.” Có khoảng từ 11 đến 30 người cùng ngồi tọa thiền vào các đêm thứ tư, theo lời một bức thư được viết vào năm 1961, “một số họ trông như các chàng trai beatnik, râu tóc xồm xoàm, mặc áo thun dài tay, một số mang dép sandal, nhưng tôi phải nói họ trông rất thành tâm.”

Dù thế nào, trong vòng vài năm số người Mỹ đến chùa tăng lên một cách ấn tượng. Đối với mọi người đến Sư đều nói cùng một câu: “Tôi ngồi tọa thiền mỗi sáng từ 5:00 a.m. Mời mọi người đến tham gia.”

Như mọi thiền sư Nhật,  Shunryu Suzuki theo nghiệp thân phụ. Thật ra, địa vị này gần như có tính kế thừa. Nhưng khác với các nhà sư ở vào địa vị mình, Suzuki không trở thành môn đệ của thân phụ. Thay vào đó, ông rời nhà vào tuổi 13 đến thọ giáo với Thiền sư Gyakuju So-on, một môn đệ của cha ông, vốn là một người kỷ luật nghiêm ngặt. Trong số 5 môn đệ của thời kỳ này, Shunryu Suzuki là người duy nhất không bỏ đi. Đến tuổi 19 ông hoàn tất trung học tại một trường liên kết với Đại học Phật giáo Komazawa, và rồi tiếp thu lên đại học này. Trong năm đầu đại học, ông ở trọ cùng với một phụ nữ Anh, bà Ransome, cô giáo dạy kèm cho Thái tử. Bà Ransome không quan tâm nhiều đến Phật giáo, và bà thường trêu chọc người bạn trọ của mình về tôn giáo của cậu ta. Nhưng khi ông tốt nghiệp và tiếp tục tu tập tại Chùa Eihei, bà Ransome đã trở thành môn đệ đầu tiên của Sư. Chính trong thời điểm này mà mong ước đến Mỹ dạy đạo của Sư mới bắt đầu biểu lộ. Sư cảm thấy, theo lời của Richard Baker, một môn đệ thân cận nhất của mình, “rằng đạo Phật cần một cơ hội tươi tắn nào đó, một nơi nào đó mà tâm trí con người chưa định hình về Phật giáo.” Nhưng Sư thầy của Shunryu không thích suy nghĩ này, và Sư yêu cầu,  như một lựa chọn thứ hai, đi đến Hokkaido, một vùng biên giới mới được thành lập gần đây. Khi Sư lại bị từ chối lần nữa, Sư an cư tại Nhật, và trở thành trụ trì Chùa Zounji. Sau khi Sư thầy qua đời, Sư về tiếp nhận chùa Rinso-in.

Trong thời Thế Chiến II Shunryu Suzuki bị để ý đến vì không chịu giúp chính quyền khơi dậy tinh thần võ sĩ đạo trong dân chúng. (Binh sĩ Nhật trước khi ra mặt trận thường được gửi đến chùa học một khóa tọa thiền ngắn.) Thay vào đó Sư tổ chức các buổi thảo luận tại địa phương bàn về nguy cơ của chủ nghĩa quân phiệt. Sư không hề nói nhiều về những gì xảy ra trong cuộc chiến, nhưng rõ ràng Sư đã tiếp tục phát biểu và cho in một số bài nói chuyện của mình. Khi chiến tranh kết thúc, và quân đội chiếm đóng thu hồi giấy phép giảng dạy Thiền của tất cả nhà sư đã hậu thuẫn chiến tranh, thì các bản sao bài nói chuyện của Sư là bằng chứng việc nhà nước ưu ái cho phép Sư được dạy tiếng Anh tại trường trung học.

Sau cuộc chiến, Shunryu Suzuki làm việc cật lực để xây dựng lại đất nước. Sư hoàn thành tâm nguyện của Sư thầy là phục dựng Chùa Rinsoin – một công việc lâu hơn bình thường vì Sư khăng khăng mọi thứ phải sử dụng phương pháp làm mộc truyền thống. Sư cũng tái lập hai nhà trẻ. Người vợ đầu tiên của Sư đã mất trước chiến tranh, và Sư kết hôn với hiệu trưởng một nhà trẻ, Mitsu Matsuno. Sau khi Sư chấp nhận việc bổ nhiệm làm trụ trì Chùa Soko tạm thời trong nhiệm kỳ 3 năm, mọi người đều ngạc nhiên. Sau hai năm rưỡi ở Mỹ, vợ và con của Sư được phái đến Mỹ để gọi Sư trở về. Nhưng họ cũng ở lại. Và khi cuối cùng rõ ràng là Sư sẽ không bao giờ trở về,  trưởng nam của Sư, Hoichi, được cử làm trụ trì Chùa Rinsoin.

Tọa thiền là trung tâm giáo pháp của Shunryu Suzuki. Chân bắt chéo,  lưng thẳng, cằm thu vào, mắt khép hờ, nhìn xuống,  tay gấp. Toàn thân vừa thẳng thốn vừa thư giãn. Tập trung vào hơi thở, đếm từ 1 đến 10 và trở lại. Chỉ cần ngồi như một con cóc trên lá sen trên tọa cụ đen hình tròn mà Suzuki đã mang từ Nhật – lúc đầu trên các băng ghế tầng trệt, rồi trên thiền đường Sư đã xây cất trên lầu, rồi khi thiền đường chật người, ngồi lan trên hành lang.

Việc tọa thiền này về bản chất đã là thể hiện Phật tánh. “Theo Phật luật, ” Shunryu Suzuki trích dẫn lời Tổ Đạo Nguyên của Tào Động, “thân và tâm bản thể là một; tinh thần và vật chất là không hai.” Nói cách khác, tư thế của tọa thiền không khác với thái độ của tâm trí mà nó tuyên xưng. “Những hình thức này không phải là phương tiện đạt được trạng thái đúng đắn của tâm trí,” Shunryu Suzuki dặn dò với học viên trong buổi toạ thiền sáng. “Lấy tư thế này thì chính là để có trạng thái đúng đắn của tâm trí.”

Chỉ là ngồi. Không cần đạt được điều gì. Không nhắm tới hoặc tìm kiếm cái thấu thị hoành tráng nào, cái đột phá tuyệt vời nào. Trong một bài giảng Sư kể chuyện một người phụ nữ đến vấn an Sư vì bà nóng giận với con trai mình mà đành bất lực; bà muốn biết toạ thiền có thể làm thay đổi tình trạng đó không. “Sư cười ha hả về suy nghĩ,” một học viên nhớ lại,  “cho rằng Thiền sẽ biến đổi ai đó. Thầy nói thầy từng là một cậu bé rất lười nhác, còn bây giờ là một ông già rất lười nhác.” “Chừng nào mà việc tu tập của bạn dựa trên việc muốn đạt được điều gì đó,” Sư nói, “bạn thực sự không thể đạt được lý tưởng của mình. Hơn nữa,  bạn đã đánh mất điều cốt lõi của việc tu tập.”

Phải nhìn nhận rằng rất ít người cảm thấy như Đức Phật ngay lúc họ ngồi xuống, hoặc ít ra, như họ nghĩ Đức Phật có thể cảm thấy. Không làm gì cả cũng cho thấy đủ khó khăn rồi. Có thể có những thứ bậc thư giản khác nhau trong việc đếm hơi thở, nhưng cũng có các thứ bậc khác nhau về buồn chán, nôn nóng, đau đớn, bồn chồn. Như hầu hết các hoạt động đáng giá, tọa thiền bắt đầu thì dễ mà tiếp tục mới khó. Nó không phải là cách thức để giải trí. Và đó là điểm mấu chốt.

“Khi cá lội trong nước không có tận cùng,” Sư Shunryu nhắc lại lời dạy của Tổ Đạo Nguyên và tiếp tục:

Thật thú vị khi việc tu tập không có chỗ tận cùng. Vì việc tu tập không có tận cùng, nên điều đó là tốt. Ngươi không thấy thế sao? Thường ngươi kì vọng sẽ tu tập hiệu quả để có thể kết thúc việc tu tập gian khổ. Nếu ta nói chỉ cần tu tập cật lực trong hai năm,  thế thì nhà ngươi sẽ hăng hái tu tập. Nhưng nếu ta nói việc tu tập kéo dài đến suốt đời,  thế thì nhà ngươi sẽ bất mãn  . . . Ngươi sẽ kêu lên: “Thiền không phải cho tôi!” Nhưng nếu ngươi hiểu được rằng lý do để ngươi quan tâm đến việc tu tập là vì việc tu tập là không cùng. Đó sẽ, là sự thấu hiểu đích thực. Đó là lý do tại sao ta hứng thú với đạo Phật. Không có tận cùng.

III

Ngay từ đầu rõ ràng là Shunryu Suzuki thấy nước  Mỹ thoải mái như ở nhà. Sư không buồn để ý các học viên Mỹ của mình hiếm khi hiểu được giáo lý Phật hoặc văn hoá Thiền. Theo một cách nào đó, việc tu tập thuận lợi cho những kẻ sơ tâm. Việc tu tập tâm linh ở phương Tây đã từ lâu liên kết với những thành tựu vượt bậc và năng lực bí ẩn. Nhưng như Shunryu giải thích, “Trong tâm trí những kẻ sơ tâm, không có tư tưởng, ‘tôi đã đạt được một điều gì đó.’ Khi chúng ta không có tư tưởng muốn thành tựu, không có ý tưởng về bản ngã, chúng ta là những người khởi đầu đích thực. “

Bằng cách đồng nhất tâm trí của người khởi đầu với việc tu tập Thiền, Shunryu Suzuki lật ngược trong một cú sự tự ti mặc cảm mà người Mỹ thường cảm thấy khi đối mặt với các truyền thống phức tạp và bí ẩn bao trùm của phương Đông. Điều có thể dường như là vấn đề lại trở thành khả năng. “Trong tâm trí người khởi đầu,” như Sư nói, “có nhiều khả năng; trong tâm trí những kẻ chuyên môn, lại có ít.”

Nhưng mở rộng cửa đối với Phật giáo Hoa Kỳ không có nghĩa là mọi việc dễ dàng hơn. Thiền sư Suzuki thuyết giảng bằng tiếng Anh về các văn bản truyền thống, khó hiểu. Bích Nham Lục (một tuyển tập cổ điển các công án Thiền) và Kinh Liên Hoa. Đầu tiên là các buổi tiếp tâm vào các ngày cuối tuần, và rồi, vào năm 1962, một phiên tiếp tâm đầy đủ kéo dài 7 ngày. Chậm chậm, Sư bắt đầu bổ sung các yếu tố của điều Sư gọi là “phương thức chính thức cứng nhắc của việc tu tập Thiền. Những quy tắc ấn định từ lâu đời chi phối mọi động thái trên thiền đường, và việc tuân thủ quy tắc này là một nhát chém vào bản chất của chủ nghĩa cá nhân Mỹ – cái khái niệm rằng tự do có nghĩa,  như lời thiền sư Suzuki, là “tự do thân xác, tự do hành động.” Nhưng chính cái khái niệm này, theo lôgic tu tập Thiền,  đã phát sinh đau khổ. “Đó không phải là vấn đề tốt hay xấu,  thuận tiện hay bất tiện,” như Sư giải thích. “Bạn chỉ cần làm theo mà không thắc mắc. Cách đó tâm trí bạn được tự do.”

Sư thậm chí đi xa hơn khi đề nghị – trước sự sửng sốt của mọi người  – rằng Thiền Mỹ cần nhiều quy tắc hơn Thiền Nhật. “Bạn nghĩ 250 giới luật cho tăng và 500 giới luật cho ni là đáng sợ và cần đơn giản hóa hơn,” Sư nói. “Nhưng tôi nghĩ bạn nên đương đầu với khó khăn khi tu tập tọa thiền ở Mỹ hơn chúng tôi ở Nhật. Loại khó khăn này nên được tiếp tục mãi mãi nếu không chúng ta khó có được hoà bình trên thế giới. “

Sư từ chối không nói phải thêm giới luật nào, nhưng ông đúng là có tăng số lạy từ 3 đến 9 sau buổi toạ thiền. Khi có người cho rằng việc này có thể làm thối chí một số người, Sư trả lời,  “Đúng vậy, rất đúng. Tôi biết nhiều người sẽ thối chí. Tôi biết chúng tôi đang làm cho nhiều người Mỹ nản lòng khi bắt họ phải lạy 9 lần, trong khi ở Nhật chỉ lạy 3 lần. Tôi biết điều đó chứ. Vì thế ở Mỹ tôi lạy chín lần.”

Luận án của Shunryu Suzuki tại Đại học Phật giáo Komazawa là về việc vái lạy, và Sư thầy của Sư, thiền sư Gyakuju So-on có một cục chai to ở trán vì lạy. Sư Suzuki giải thích,  “Sư biết mình cố chấp, bướng bỉnh, vì thế Sư cứ lạy, lạy, và lạy.” Lạy đặc biệt quan trọng đối với người Mỹ, Sư nói, vì văn hoá Mỹ thiếu các hình thức bày tỏ sự tôn kính đối với một Đức Phật – “một con người chứ không phải là một vị thần nhưng đã đạt được sự hoàn hảo.” Nhưng,  tất nhiên, Phật có mặt khắp nơi. “Đôi khi, chúng ta lạy chó với mèo; đôi khi thầy lạy trò.” Sư nói, “Bạn phải sẵn sàng để lạy, thậm chí vào giờ phút cuối cùng. Cho dù không thể thoát khỏi các ham muốn tự ngã. Bản chất đích thực của chúng ta muốn chúng ta làm thế.”

Bởi thế mới có quy tắc, phép lịch sự, phép xã giao. Những điều này không làm thay đổi ai cả. Nếu bạn muốn ngồi tọa thiền vào buổi sáng, bạn hãy ở đó, trên tọa cụ, vào lúc 5:30 sáng. Vẫn tự do nhưng trong khuôn khổ. Như thiền sư Suzuki giải thích điều đó, trong lối phân tích sắc sảo mối xung đột thế hệ đó vốn ám ảnh cả một thập niên, những người lớn tuổi hơn có thể hiểu được Bát Nhã Tâm Kinh muốn nói gì trong câu “không tức thị sắc,” còn người trẻ hiểu được Kinh muốn nói gì trong câu “sắc tức thị không,” nhưng cả hai đều cần thiết.

V

Thiền sư Hakunn Yasutani đến nước Mỹ ba năm sau Shunryu Suzuki. Khi đó Sư đã 77 tuổi, một người cao lớn xương xẩu, có đôi tai to vểnh ra. Theo một vài khía cạnh, có thể cho rằng Thiền của Yasutani bổ khuyết cho Thiền của Suzuki – mặt bên kia của tấm gương, có thể nói như thế. Trong khi Suzuki lặng lẽ làm việc tại Chùa Soko, đợi người đến toạ thiền với mình, thì Yasutani xuôi ngược khắp nước Mỹ 7 lần giữa câc năm 1962 và 1969. Phần lớn Sư chỉ dừng lại đủ lâu để điều hành các khóa tiếp tâm.

Yasutani đã từng có thiền đường của riêng mình, nhưng Sư bỗng cảm nhận rằng, như Aitken đã viết, “Pháp có thể duy trì trong thế giới những con  người bình thường.” Sư sớm có môn đệ đến từ khắp Tokyo, nơi  “người ta thường thấy Sư,” như Philip Kapleau nhớ lại, “lê bước đến các buổi toạ thiền trong bộ áo choàng tả tơi, chân đi giày mềm, tập sách bài giảng lủng lẳng trên vai, hoặc đứng giữa đám hành khách trên xe điện.

Vì Yasutani quan tâm đến việc dạy Thiền cho những người thế tục, nên người nước ngoài đến tìm Sư là điều tất nhiên. Cả Robert Aitken và Philip Kapleau, do Thiền sư Soen giới thiệu, đều theo Sư học Thiền trong 8 năm. Chính hai người này cùng với Soen đã lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên của Yasutani đến Mỹ. Thông dịch viên và phụ tá của Yasutani là tăng sĩ trẻ, Tai Shimano, môn đệ của Thiền sư Soen, vốn đã thường trú tại Thiền đường Koko-an ở Hawaii từ năm 1960.

Trong khi Sư Suzuki nhấn mạnh tính thường nhật của việc tọa thiền và nghe Pháp, và hiếm khi đề cập đến đốn ngộkiến tánh, còn Yasutani có đặc điểm nổi bật là tiến hành các buổi tiếp tâm, theo Sư cũng như Sư thầy Harada của mình, vốn được coi là cơ hội ưu việt cho các thiền sinh trải nghiệm sự kiến tánh. Các buổi tiếp tâm của Yasutani đã được mô tả (và đôi khi bị chỉ trích) như là không khí trong nồi áp suất. Ắt hẳn chúng là trận tập kích thôi thúc kịch liệt vào thực tại không chừa thứ gì nhằm đẩy học viên vượt qua chướng ngại đầu tiên của Mu. Đối với Yasutani, kiến tánh là bước đầu tu tập Thiền đích thực, và Sư hi vọng một hoặc hai người thoáng thấy được nó trong mỗi lần tiếp tâm.

Lần tiếp tâm đầu tiên của Yasutani ở Mỹ không làm Sư thất vọng. Nó xảy ra ở  Honolulu năm 1962 với 20 người tọa thiền. Tai Shimano, tăng sĩ thường trú tại Diamond Shanga (Tăng đoàn Kim cương), vốn đã học tiếng Anh tại Đại học Hawaii hai năm trước, làm thông dịch viên. Yasutani nói trước khi bắt đầu buổi tiếp tâm: “Trải nghiệm kiến tánh là điều cốt lõi, nhưng chúng ta lại biếng nhác như thế. Vì vậy, trong thời gian tiếp tâm chúng ta phải tạo dựng một bầu không khí đặc biệt để mọi người tham gia đều có thể thẳng tiến đến mục tiêu. Thứ nhất, yên lặng tuyệt đối phải được tuân thủ. Thứ hai, các bạn không được nhìn quanh quất. Thứ ba,  hãy quên các phép tắc lịch sự thông thường.”

Hakuun Yasutani sinh năm 1985, nắm chặt – theo lời kể của Sư – một hạt nhỏ trong tràng hạt bé tí mà mẹ ông đã nuốt theo lời khuyên một ni cô khi bà có mạng Sư để được bình an. Ở tuổi lên 5, cậu bé đã cạo đầu, và bước vào chùa để học chữ và học Kinh Liên Hoa. Cậu vào trường công lập khi trở thành sa di trong chùa Tào động ở tuổi 13, đồng thời theo học trường Phật Học do phái Tào Động điều hành và sau đó trường Sư phạm. Lập gia đình ở tuổi 30, Yasutani bắt đầu sự nghiệp lâu dài với vai trò giáo viên rồi hiệu trưởng.

Trong thời gian dạy học, Yasutani tiếp tục nghiên cứu Thiền học với các sư thầy Tào Động khác nhau,  nhưng ông bực bội vì không thấy họ đề cập đến vấn đề kiến tánh. “Theo tài liệu ghi chép,” Sư viết sau này,  “rõ ràng là những Tổ kế thừa Thích Ca, không loại trừ ai, đều đã trải nghiệm sự kiến tánh. Tại sao bắt đầu từ Nishiari Bokusan và tiếp nối cho đến các sư kế vị xuất sắc và tài năng của Sư,  không ai đề cập đến điểm cốt lõi hoặc có hoặc không trải nghiệm kiến tánh như thế. Tại sao họ không chỉ chúng ta con đường đến kiến tánh. Tại sao họ không hướng dẫn chúng ta? Tôi thật không thể hiểu.”

Đối với Yasutani,  tuyên bố của Tổ Đạo Nguyên rằng giác ngộ và tu tập là một đã được các sư thầy Tào Động sử dụng mà không quan tâm đúng mức đến vế “giác ngộ” của phương trình trên. “Việc họ [các sư thầy Tào Động] giải quyết sự giác ngộ một cách chung chung mơ hồ, ” Philip Kapleau viết, “khiến cho việc chứng ngộ đích thực dường như xa xôi,  hão huyền.” Tuy vậy,  Yasutani cũng kiên trì tu tập và cuối cùng nhận được công việc toàn thời gian do giáo hội Tào Động biệt phái làm Sư truyền giáo cho giáo phái Tào Động. Nhiệm vụ mới yêu cầu Sư phải giảng dạy thâm sâu khắp Tokyo, và trách vụ tăng dần dường như đẩy mối hoài nghi của Sư đến điểm tan vỡ. “Tôi như người.mù,” Sư viết sau này,  “và tâm trí tôi chưa hề được nghỉ ngơi. Tôi đang ở cao điểm phiền não tâm trí. Khi tôi thấy không thể chịu đựng việc tự lừa dối mình và người khác bởi lối giảng dạy không chân thực và những bài giảng vô trách nhiệm lâu hơn được nữa, nghiệp tôi mở ra, và tôi có thể đổi điện với các Thiền sư Daiun Shitsu, Soraku Harada.  Ánh sáng từ chiếc đèn lồng soi sáng bóng đêm trong nỗi hoan hỉ tột cùng của tôi.” Đó là năm 1924 khi Yasutani 39 tuổi.

Harada là một trong những thành tố tiên phong của một  phong trào (có cội nguồn từ thời Mình Trị) của các giảng sư Tào Động đã có nghiên cứu các công án với các thiền sư của phái Lâm Tế. Thiền mà Thiền sư Harada phát triển theo một số mặt có tính chiết trung (dung nạp nhiều giáo thuyết khác nhau) nhưng cũng phát triển phong cách riêng của mình. Nó nhấn mạnh nhiều hơn vào bước kiến tánh thứ nhất – quá nhiều đến nỗi học viên nào qua được chướng ngại thứ nhất, thường là Mu, được chứng nhận trong một nghi lễ vào cuối khóa tiếp tâm, một việc không hề được thực hiện trong phái Lâm Tế. Thiền sư cũng có công trong việc hiện đại hóa và làm sáng tỏ Thiền. Trong Thiền truyền thống, những hướng dẫn nhập môn hiếm khi được đưa ra, để mặc thiền sinh tự tìm theo cách riêng của mình, dù phải mất thời gian bao lâu, còn Harada thì mở đầu khóa tiếp tâm của mình bằng các bài giảng nhập môn trình bày nhiều như có thể cách tiếp cận thích đáng đối với việc tu thiền.

Thiền viện Hosshini của Harada tọa lạc trên bờ biển phía bắc của Nhật. (Khi Sư được giao làm trụ trì một ngôi chùa tại một miền khí hậu ấm áp hơn, Harada từ chối, nói rằng cái lạnh ở chùa Hosshini sẽ khiến họ đau thấu đến gan ruột, nơi thực tại có thể được tìm thấy.) Bất cứ ai cho rằng tọa thiền là yên tĩnh và trầm lặng sẽ thấy sốc khi bước vào không gian của thiền đường Harada. Trong thời gian tiếp tâm các lão Sư giám sát thúc giục thiền sinh ra sức tối đa, và gậy thiền được sử dụng không dè dặt, như một cây roi, để thúc đẩy các thiền sinh. Đó chính xác là điều mà Yasutani mong đợi. Sự tham dự khóa tiếp tâm với Thiền sư Harada vào năm 1925. Hai năm sau mối ngờ vực về việc kiến tánh của Sư đã tan mất, và đến năm 1938, Sư hoàn tất việc tụ tập công án. Sư nhận được Pháp chứng vào năm 1943.

Như Sư thầy Harada,  Yasutani ít khi tham gia tranh luận giáo phái giữa hai trường phái chính của Thiền, Tào Động và Lâm Tế. Sư viết, “Lâm Tế và Tào Động đều có những điểm mạnh yếu của riêng mình, nhưng các điểm mạnh dễ biển thành điểm yếu và điều ác, bằng cách học tập một cách đúng đắn các tông thiền, các điểm mạnh của cả hai đều được tiếp thu, khiến tránh được những thiếu sót và hậu quả xấu của cả hai dễ dàng sinh ra. . . .Rồi mỗi người có thể thiết kế các phương pháp đặc thù của mình không cần bắt chước ai cả, phù hợp với thời đại, và thích ứng với xứ sở.”

Yasutani khởi đầu khá muộn,  nhưng khi Sư nhận được Pháp chứng của Harada, Sư làm việc không ngừng. Đã dành thời gian cho đến tuổi 40 để dạy học và nuôi sống gia đình 5 mặt con, giờ đây Sư dành trọn thời gian để giảng dạy cho người thế tục. Năm 1954, khi tổ chức của Sư, Sanbo Kyodan (Hội Ái Hữu Tam Bảo) trở nên độc lập với Giáo hội Tào Động, có hơn 25 thiền đường trong khắp Tokyo và vùng phụ cận.

Thiền sư Nakagawa Soen gặp Yasutani lần đầu tại Chùa Hosshini. (Dù là một thiền sư và trụ trì Chùa Ryutaku, Soen thường vận áo choàng cũ của một nhà sư đến chùa Hosshini để tiến hành tiếp tâm với Harada.) Hai người trở thành bạn thân, và khi thân mẫu của Thiền sư Soen lâm bệnh vào năm 1962, khiến không thế thực hiện được chuyến đi Mỹ theo dự định, Sư nhờ Yasutani thay thế mình.

Buổi tiếp tâm đầu tiên của Yasutani trên nội địa được tiến hành tại Los Angeles, với sự trợ giúp của Tai Shimano và Maezumi (giờ là Thiền sư Hakuyu Maezumi của Trung Tâm Thiền Los Angeles), một nhà sư trẻ đã đến chùa Zenshu Tào Động Los Angeles vào năm 1956. (Chùa Zenshu, trụ sở tại phái Tào Động ở Mỹ đã được thành lập bởi Hosen Isobe, cũng là tăng sĩ đã thành lập Chùa Soko ở San Francisco vào năm 1934.)

Sau khi thăm viếng phần mộ của Nyogen Senzaki trong nghĩa trang Nhật Bản ở đông Los Angeles, Yasutani và Tai Shimano bay đến Pendle Hill, một trung tâm tu học của giáo phái Quaker ở Pennsylvania, để điều hành khóa tiếp tâm năm ngày tiếp theo. Ít người đến tham gia đã từng thực tập tọa thiền, và ai cũng mang theo đệm ngồi, đủ cỡ và đủ màu sắc. Nhóm lại tổ chức tiếp khóa tiếp tâm tại New York, rồi tiếp tục đến Boston, nơi Hội Phật học Cambridge tổ chức tiếp tâm tại một ngôi nhà ở Cape Cod.

Yasutani không để ý đến những gì xảy ra trong thiền đường trong lúc tiếp tâm, giao việc cho các sư giám sát và nhân viên tổ chức sự kiện. Sư chỉ tiếp xúc với từng người khi họ bước vào phòng vấn thiền. Sư không biết tiếng Anh nhiều,  nhưng rất vui thích khi sử dụng được một số từ Sư biết – và Sư phải cần người thông dịch, thường là Maezumi, cho cả việc vấn thiền và chủ xướng. Nhưng Sư không chỉ trông cậy vào lời nói. Sư còn diễn kịch câm. Thật ra,  vấn thiền của Sư có hai loại: có lời (thiền sinh mới thường chọn cách này) và không lời.

Sau chuyến thứ 2 đến Mỹ vào năm 1963, Sư và Shimano làm một tua vòng quanh thế giới. Tại Bồ đề Đạo tràng, Sư nhận ra nỗi mơ ước từ lâu được ngồi tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề; tại Sarnath một nhà sư Tích Lan tặng cho hai tu sĩ Nhật áo cà sa vàng truyền thống của tăng sĩ Theravada. “Chúng tôi cỡi bộ áo choàng của nhà sư Nhật và mặc vào áo cà sa vừa được tặng theo cách truyền thống chỉ che phủ vai trái,” Shimano viết. “Thình lình 2,500 năm biển mất, để lại một nhà sư già gầy còm vì tu tập, đứng ngay trên mảnh đất nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên, như thể Sư đang lắng nghe Tứ Diệu Đế.”

Vào năm 1964, tình hình phát triển đến mức Yasutani nghĩ đến việc về hưu ở Hawaii. Một nhóm thiền sinh đã tham dự các khóa tiếp tâm của Sư ở Bờ Đông đã bắt đầu tọa thiền tại Viện Phật Học Hoa Kỳ, Bosatsu-kai California (do các môn đệ của  Senzaki và Soen thành lập), đã trở nên tích cực hơn và được hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Dù các môn đệ khẩn khoản xin Sư hoãn viêc nghỉ hưu, nhưng cùng lúc đó các viên chức nhập cư Hoa Kỳ, sau một xét nghiệm về bệnh  lao, phát hiện một vết nám trong hình X-quang của Sư, nên không thể cấp visa thường trú cho Sư được. Thế là kế hoạch phải bãi bỏ và Sư tiếp tục phải đi về hàng năm.

Sau một thời gian suy tính, cuối cùng Shimano quyết định rời Hawaii đến New York để có nhiều cơ hội xiển dương Thiền giáo. Sư đến Phi trường Kennedy vào đêm cuối năm 1964, mang theo một tượng Phật nhỏ, một gậy thiền, và một túi hành lí. Không ai đón Sư, Sư ở nhờ trong căn hộ một người bạn, và chẳng bao lâu thuê được một căn hộ ở Phố Upper West Side. Căn hộ trống trơn chỉ trừ tượng Phật Sư đặt trên bệ cửa sổ

Shimano bắt đầu tiếp xúc với các nhóm nhỏ vốn đã tập ngồi thiền trong một căn phòng ở  Viện Phật Học Hoa Kỳ. Trước tòa nhà Viện trên mặt Riverside Drive (Lối vào từ Bờ sông)  là một pho tượng lớn của Tổ Honen, người sáng lập nên Tịnh Độ Chân tông,đội nón rơm rộng vành, tay chống thiền trượng – một tặng phẩm của Phật tử vùng Hiroshima. Người thành lập Viện Phật học Hoa Kỳ, tăng sĩ Hozen Seli, là một người nhỏ thó, hòa nhã nhưng cương quyết, đã đến New York với hy vọng hoằng pháp giáo lí Tịnh Độ cho những người bên ngoài cộng đồng Nhật. Về lãnh vực này, Sư chỉ thành công chút ít, nhưng, là một người phóng khoáng, Sư làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ các nhóm Phật giáo khác. Sư đã quen biết Sokei-an những năm 40 và thân thiết với D.T. Suzuki thời gian Suzuki ở Columbia. D.T. Suzuki thật ra luôn quan tâm đến Tịnh Độ tông, và ông coi đường lối tariki (trợ lực) là bổ súng cho đường lối jiriki (nội lực) của Thiền tông. Ông là vị khách thường xuyên của Viện Phật học, và từng thuyết giảng một loạt bài tại đó, sau này in thành cuốn Phật giáo Tịnh Độ.

Theo lời tăng sĩ Seki nói với Shimano, lúc Sư đến New York lần đầu tiên, tại đó chưa có ngôi chùa Phật giáo nào hết. Nhóm Phật tử duy nhất tồn tại, ngoại trừ nhóm nhỏ của Sokei-an, là Hội Ái Hữu Phật Học New York, một nhóm nghiên cứu thường gặp nhau tại Sảnh Carnegie dưới sự lãnh đạo của một di dân Nga, Boros Erwit. Seki chỉ gặp toàn khó khăn.  Sư trải qua một năm ròng đầu tiên ở New York chỉ để chèo thuyền trong Central Park, dự các buổi thuyết giảng tại Columbia,  quan sát New York và người dân New York. “Này, thầy Shimano,” Sư nói, “hãy kiên nhẫn trong 10 năm. Đừng nôn nóng ngay từ đầu.”

Tai Shimano rất kiên nhẫn, dù sao Sư cũng là người tu thiền – nhưng Sư cũng có dòng máu võ sĩ đạo, một người trẻ với thân thể cường tráng và một quyết tâm sắt đá. Nghiệp duyên của Sư đã gắn liền với nước Mỹ ngay  từ những ngày đầu ở  chùa Ryutaku  – trước tiên với Thiền sư Soen, và qua đó làm thị giả cho Senzaki, và rồi tại Thiền đường Koko-an và Thiền Sư Yasutani. Tất cả họ đã đào nên nền móng, và bây giờ là lúc xây dựng.

Nhóm dời từ căn phòng mượn trong Viện đến căn hộ của Shimano. Thiền sinh phải mang gối và chăn đến, cho đến khi Shimano chỉ dẫn cách thức cắt và khâu các tấm vải đen để làm bồ đoàn (tọa cụ). Để kiếm tiền thuê nhà, Shimano phải bươn chải tìm việc làm, lần đầu tiên trong đời Sư phải làm một việc như thế. Một quản lý tốt bụng của Ngân hàng Tokyo đề nghị Sư làm tài xế cho các doanh nhân đến thăm viếng, nhưng Sư từ chối. Sư nhận làm công việc tổng hợp tất cả tên của người Nhật trong sổ niên giám điện thoại Manhattan để lập danh sách gửi thư. Tai Shimano có thể đảm đương công việc này trong giờ rảnh. Tiền thuê tháng đầu tiên đã được trả.

Tăng đoàn tăng lên. Shimano thuyết giảng về Thiền tại Trường Nghiên cứu Xã hội New York, rồi chuyển về một căn hộ tầng trệt rộng hơn ở Đại lộ West End, trước đây là phòng mạch một bác sĩ. Mỗi tháng họ ngồi thiền suốt ngày cuối tuần, và vật dụng cần thiết cho một thiền đường tự nhiên  xuất hiện như bởi phép thần thông. Đến San Francisco trong một lần đón Yasutani, Shimano tìm thấy một cái chiêng đồng to. Khi đánh lên, âm vang trầm lằng, thâm nghiêm. Nét chữ khắc trên chiêng ăn khớp. Chiêng được đúc vào năm 1555 cho Chùa Daitoku. Chủ cửa hàng đồ cổ ra giá 1,000 đô. Shimano chỉ có trong túi 250 đô, chủ tiệm chịu lấy hết, và cho Sư khất số tiền còn lại trong ba tháng. Một khoảng thời gian sau đó, Sư bắt gặp một tượng Phật bằng đồng trưng bày trong tủ kính một cửa hàng đồ cổ ở New York. Kích cỡ thật vừa vặn cho thiền đường mới. Khi Sư thấy tượng bám đầy bụi Sư chỉ nghỉ đến việc mang tượng về thiền đường để thắp hương.  Nhưng giá quá cao, may nhờ một thành viên trong nhóm đứng ra mua. Khi Shimano tắm cho tượng Phật,  Sư đọc thấy dòng chữ khắc cho biết tượng được làm cho một ngôi chùa nhánh trong Chùa Empuku ở Chichibu, ngôi chùa nơi Sư đầu tiên thọ giới.

Khi nhóm lớn dần, Shimano nghĩ đến nhu cầu có một tổ chức có thực chất hơn. Bạn hữu góp ý Sư nên thành lập một tổ chức hợp pháp, miễn thuế. Nhưng chi phí cho dịch vụ pháp lý liên quan dường như khá cao. Tai Shimano chợt nhớ đến sự tồn tại của Hội Nghiên cứu Thiền, một tổ chức mà Cornelius Crane lập ra để cổ vũ các công trình của D. T. Suzuki vào năm 1956. Mục đích của Hội là để giới thiệu các khía cạnh văn hoá, giáo dục và tâm linh của Thiền tông đến phương Tây. Một người bạn của Shimano,  Bác sĩ Bernard Philips, là một thành viên trong ban giám đốc của Hội và là khoa trưởng của khoa tôn giáo của Đại học Temple. Mặc dù Hội thực sự không còn hoạt động khi ông Crane qua đời và ngài Suzuki đã trở về Nhật, nhưng về pháp lý thì nó vẫn còn tồn tại. Bác sĩ Philips giới thiệu Shimano với luật sư của Hội, ông George Yamaoka. Các giấy tờ được ký. Và Shimano trở thành thành viên trong ban lãnh đạo Hội. Hội Nghiên cứu Thiền không có trụ sở và tài sản gì cả. Tai Shimano nhớ, “không có gì để ông ta bàn giao cho tôi, tôi không có gì để tiếp nhận.” Sư cho rằng đây là một cơ hội thuận lợi để bắt đầu một tổ chức Phật giáo.

V

Vào năm 1965 Philip Kapleau đã sẵn sàng trở về nhà. Ông đã ở Nhật 13 năm  – lúc đầu với Thiền sư Soen, rồi ở chùa Hosshini với tư cách một tu sĩ thế tục dưới sự dẫn dắt của Thiền sư Harada, và cuối cùng với Thiền sư Yasutani. Việc tu tập không phải dễ dàng. Ông đã bắt đầu nghiên cứu về Thiền như một triết lý vào năm 1948 khi ông gặp D. T. Suzuki trong thời gian ông làm phóng viên tại các phiên xử của Tòa án Tội phạm Chiến tranh Quốc tế, và sau đó đã trở thành một thành viên của nhóm nội bộ tham dự các buổi thuyết giảng của Suzuki tại Columbia. Nhưng triết lý, nói chi là triết lý Thiền, giúp ông thoát khỏi cảm giác vô vọng khi trở về với công việc tại Connecticut với vai trò phóng viên tòa án sau khi trải qua thời gian dự các phiên tòa tội ác chiến tranh tại Nuremberg và Tokyo.

Nghe theo lời khuyên một bạn Nhật, cho rằng “Thiền không chỉ là một triết lý mà còn là một lối sống lành mạnh. Nếu anh thực sự muốn học Phật pháp ở Nhật, và không chỉ để nói về nó, cuộc đời anh sẽ biến đổi hoàn toàn,” ông trở lại Tokyo ở tuổi 44. Hai thiền sư ông tìm được từ chối hướng dẫn ông vì ông không thể nói tiếng Nhật. Dù ông phản đối quyết liệt là theo ông nghĩ, dạy Thiền không cần nương tựa vào từ ngữ, thì cũng không ích gì. Cuối cùng,  Thiền sư Soen nhận ông vào. Sư cho phép ông cư ngụ tại chùa Ryutaku và cho phép ông “tọa thiền, quỳ gối kiểu Nhật, hoặc ngồi ghế.” Rồi Kapleau vào chùa Hosshini, tại đó ông học ngồi tư thế hoa sen dù chân, lưng và cổ đau nhừ, và tại đó ông trải nghiệm khóa tiếp tâm đầu tiên của mình. Ông lưu lại Hosshini trong 3 năm với tư cách cư sĩ cho đến khi bị buộc phải rời đi vì sức khỏe sa sút “do môi trường căng thẳng và kham khổ và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn.”

Ông tiếp tục tu tập, theo lời khuyên của Thiền sư Soen, với Thiền sư Yasutani. Vì Yasutani không có thiền viện nên, như các thiền sinh khác, Kapleau phải sống ở khu trọ riêng, và sức khỏe ông cải thiện. Yasutani từng nhắn nhủ Kapleau,  “Sứ mệnh của anh là mang Thiền đến phương Tây. Đừng cằn nhằn và bỏ cuộc chỉ vì đau đớn và cực nhọc.” Vào mùa hè 1958, trong lần tiếp tâm thứ 20 với Thiền sư Yasutani,  Kapleau “ném mình vào công án Mu với một sự buông xã viên mãn đến nỗi tôi hoàn toàn biến mất.” Trải nghiệm kiến tánh vủa ông để lại cho ông, như ông mô tả trong nhật ký,  một cảm giác tự do như một con cá trong một đại dương nước mát rượi, trong veo sau.khi bị mắc kẹt trong một thùng keo nhựa . . . Ôi tôi hàm ơn biết bao!” Ông lưu lại Nhật và tu tập tiếp với Yasutani – và được Sư phong là Thiền tăng, và lãnh nhiệm vụ phiên dịch cho Sư trong các buổi vấn thiền cho một số tăng dần người Tây phương đến Nhật.

Dokusan – vấn thiền  – luôn là sự gặp gỡ hết sức riêng tư, nhưng bây giờ Sư Yasutani cho phép Kapleau ghi chép chi tiết những trao đổi giữa thiền sư và thiền sinh – một công việc mà Kapleau, với kỹ năng của một phóng viên tòa án, tiếng Nhật lưu loát và một kiến thức tu tập về Thiền, là người rõ ràng thích hợp nhất. Hợp tác với Thiền sư Koun Yamada, một nhà quản trị bệnh viện hút xì gà, cũng là môn đệ thân cận nhất của Yasutani, Kapleau biên soạn một tác phẩm, Ba Cột Trụ của Thiền, có chứa các đoạn ghi chép trong buổi vấn thiền, các sozan – lời mở đầu trước các khóa tiếp tâm của Yasutani, môt điểm cách tân của Sư thầy Harada, và các bản dịch các bài viết về Thiền khác. Tác phẩm cũng mô tả các trải nghiệm về kiến tánh  bởi các môn đệ Nhật và Mỹ của Yasutani. Đây là quyển sách đầu tiên viết bởi một người Tây phương từ bên trong truyền thống Thiền, và việc Kapleau thuyết phục được Sư thầy Yasutani cho phép mình sử dụng các đoạn ghi chép về vấn thiền và các trải nghiệm kiến tánh khiến tác phẩm trở nên độc đáo trong bất kì ngôn ngữ nào. Ba Cột Trụ của Thiền làm rõ rằng việc tọa thiền là trung tâm của Thiền và đưa ra hướng dẫn về cách ngồi thiền,  khiến ta có thể tự tu tập dù không có thầy bên cạnh.

Ba Cột Trụ của Thiền được xuất bản đầu tiên ở Nhật vào năm 1965, ngay khi Kapleau chuẩn bị trở về Mỹ. Cuốn sách đã được Chester Carlson và bà vợ Doris của ông, đọc. Ông này là luật sư về bằng sáng chế và người sáng lập Tập đoàn Xerox chuyên sản xuất máy photocopy, còn bà có chân trọng nhóm nghiên cứu về Kinh Vệ Đà của Ấn giáo ở Rochester. Hai người rất ấn tượng. Họ mua 5,000 bản sách Ba Cột Trụ của Thiền và phân phát miễn phí cho các thư viện công cộng; họ cũng mời Kapleau đến thăm họ tại Rochester. Đã lâu xa nước Mỹ, Kapleau cảm thấy đôi chút lạc lõng khi trở lại. Ông đi nhiều nơi để phổ biến Ba Cột Trụ, giờ đây được in ở Mỹ, nhưng ông đặt cơ sở ở Rochester. Bà Carlson nhờ ông thuyết giảng cho nhóm nghiên cứu của bà, gồm 20 bà và 2 ông, hầu hết đều trạc tứ tuần. “Họ tiếp thu mọi thứ được đưa ra,” ông nhớ lại. Ông  dạy họ tọa thiền – họ từng mặc định trên ghế – và ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy họ ngồi kiết già dễ dàng,  không như ông trước đây. Nhưng nhóm không dễ dàng cải đạo. Khi thấy không ai đến toạ thiền vào sáng chủ nhật, Kapleau phát hiện ra rằng hầu hết các bà bận đi nhà thờ.

Chẳng bao lâu, qua quyển sách và những bài thuyết trình mà Kapleau đi giảng khắp xứ, một nhóm học viên mới bắt đầu xuất hiện tại ngôi nhà Kapleau và một ít học viên vừa mới thuê trên con đường rợp bóng cây ở Rochester. Họ nhanh chóng thay thế những thành viên lớn tuổi hơn của nhóm nghiên cứu là lực lượng chính của Trung Tâm Thiền định Rochester mà Kapleau thành lập vào năm 1966. Những học viên mới trẻ hơn “đón nhận nó như cá gặp nước.”

Ngay khi về đến Mỹ, Kapleau nhận thức được rằng Thiền không thể nào duy trì nếu xem nó như điều gì đó ngoại lai và xa lạ. Người Mỹ có thể thích học Thiền với một ông thầy Nhật sử dụng tiếng Nhật, nên một ông thầy Thiền là người Mỹ dường như không được tự nhiên. Trong chuyến hành hương đến Đông Nam Á, Kapleau có dịp thấy Phật giáo đã khoác những hình thức khác nhau trong các nền văn hoá khác nhau. Chắc chắn sự biến đổi tương tự sẽ xảy ra ở Mỹ.

Yasutani tiến hành các buổi tiếp tâm tại Rochester trong những lần đến Mỹ,  nhưng thời gian còn lại Kapleau tự xoay sở. Ông bắt đầu thử nghiệm – các bản kinh bằng tiếng Anh được tụng trong thiền đường, các kiểu áo tràng Tây phương hơn để ngồi thiền thoải mái hơn, các pháp danh Tây phương cho người thọ giới và các nghi lễ, nghi thức , hình thức phù họp hơn với truyền thống Tây phương.” Khi ông đề nghị với Yasutani Trung Tâm Rochester sẽ dịch Bát Nhã Tâm Kinh ra tiếng Anh, Thiền sư Yasutani không bằng lòng. “Ôi thật là một cuộc tranh đấu với Sư thầy về việc đó,” Kapleau nhớ lại nhiều năm sau đó. “Ông cực lực chống lại việc đó.” Sư,phản bác rằng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Nhật và tiếng Hoa, được tụng mỗi ngày trong mỗi ngôi chùa Thiền, “đã tiến hóa qua nhiều thế kỷ tụng niệm; nó nghe trôi chảy và rất dễ thuộc; ý nghĩa của câu chữ chỉ là phụ. Nói tóm lại, không cần có bản dịch tiếng Anh.” Sư cũng “có một quan điểm u ám như vậy” đối với các đề nghị khác của Kapleau.

Bát Nhã Tâm Kinh gốc viết bằng tiếng Phạn (Sanskrit). Trung Quốc,  Triều Tiên, Nhật và Tây Tạng đã dịch và tụng bằng tiếng của họ. Kapleau,  người đã có đủ kiên trì tu học ở Nhật 13 năm, không chịu nhượng bộ. Ông lập luận rằng Thiền Tào Động không phát triển ở Nhật cho đến khi Keizan, Tổ thứ hai của tông Tào Động thay đổi hình thái Trung Hoa  mà Đạo Nguyên đã mang theo vào nước Nhật thành hình thái Nhật. Tất nhiên, người ta phải giữ lại cái gì là cốt yếu và loại bỏ cái gì chỉ là phần bồi tụ văn hoá, và Kapleau tin chắc rằng việc tu tập và cư ngụ lâu năm ở Nhật sẽ “giúp tôi tránh được việc phải đổ cả hài nhi khi đổ nước tắm của bé.”

Trong bất kì trường hợp nào, vấn đề Tâm Kinh và đặc điểm biến đổi văn hoá khác đã như một nhát dao cắt đứt hai người đã từng làm việc lâu dài ở Nhật. Sự đổ vỡ xảy ra vào năm 1967 thật đau lòng và không thể cứu vãn. Hai người không bao giờ nói chuyện với nhau lần nữa. Sau 13 măm ở Nhật, giờ Kapleau phải tự dựa vào sức mình. Ông quyết tâm tìm ra cách thức đưa Thiền của Sư phụ ông phát triển đến chín mùi ở Mỹ.

VI

Như Tai Shimano và các người khác đã nhận xét,  năm 1960 đánh dấu thời điểm Thiền Mỹ chuyển từ tri thức sang thực hành. Vào giữa những năm 60, vô số nhóm thiền đã mọc lên như nấm sau cơn mưa xuân trên miền đất, vốn đã được Soyen Shaku, Sokei-an,  Senzaki, D. T.Suzuki và nhiều người khác đã tưới tẩm,

Trong khi đó một thiền sư khác, Joshua Sasaki đã đến Los Angeles. Tất cả những sư mới này, trừ Nakagawa Soen và Hakuun Yasutani thích đi đây đi đó, có một điểm chung: họ đến để ở lại.

Như Sensaki, Sư nói Sư sẽ chôn nắm xương tàn tại đất Mỹ. Sư thuộc tông Lâm Tế, đến Los Angeles vào tháng 6, 1962, theo lời mời của hai người, một Bác sĩ Harmon và Gladys Weisberg nào đó, làm thầy dạy thiền.

Thiền sư thời gian đầu cư ngụ trong một ngôi nhà khung nhỏ một phòng ngủ trong vùng ngoại ô Gardenia ở Los Angeles. Sư lấy nhà xe làm thiền đường, phòng ngủ làm phòng vấn thiền. Chính Sư phải ngủ trên một tấm đệm ở phòng khách. Không có học viên nhiều kinh nghiệm phụ giúp, nên Sư một mình quán xuyến mọi viêc, làm giám sát khi học viên tọa thiền, làm thiền sư khi vấn thiền, và, thường thường sắm vai đầu bếp khi cần. Vì số học viên tăng dần, mỗi khi đến học làm tắt nghẽn giao thông khiến lối xóm thân phiền, Sư phải thay phiên dạy Thiền tại nhà các học viên khác nhau, cho đến năm 1966, Sư mới thành lập được Trung Tâm Thiền Cimarron ở Los Angeles.

Sasaki sử dụng công án truyền thống theo một cách phi truyền thống  – hoặc nói chính xác hơn, Sư phát biểu các công án truyền thống theo cách diễn đạt rất Mỹ, chẳng hạn, “Làm cách nào bạn nhận ra Phật tánh khi đang lái xe?” Sư sử dụng người thông dịch trong giai đoạn teisho (đề xướng), nhưng khi vấn thiền thì vốn tiếng Anh hạn chế nhưng trực tiếp của Sư cũng đủ cho Sư sử dụng. Thiền của Sư rất linh hoạt. Sư dịch từ shunyata, tính không, là số không, nhưng không dừng lại ở đó. Như Sư nói khi đầu tiên đến Los Angeles, “Chính Đức Phật lịch sử, Thích Ca Mâu Ni, là người đã phát hiện ra rằng Số Không tồn tại qua hoạt động của Số Không. Hoạt động Số Không này cũng được gọi là sự trống rỗng.”

Đến một mức độ nào đó, những tăng sĩ Thiền của thập niên 60 thể hiện một bình phong đoàn kết, nhưng ngay dưới cái bề mặt phẳng lặng đó, mặc dù không công khai, cũng  tồn tại những khuấy động của tai tiếng, bất hòa, tránh chấp và những lời bóng gió thị phi. Tăng sĩ này, mới chân ướt chân ráo ra khỏi thiền viện, quen với khuôn khổ đạo lý quy ước bản địa, lập tức bị vấp ngã trước tính phóng túng của phụ nữ Mỹ, nên đã dan díu với các học viên của mình. Một tăng sĩ khác không có khả năng giảng dạy. Người này không biết gì về công án, người kia mù tịt về Shikantaza (Chỉ cần tập trung việc ngồi thôi, là chủ trương của Thiền sư Đạo Nguyên, người du nhập phái thiền Tào Động  từ Trung Quốc sang Nhật Bản.) Lẩn khuất trong hậu trường là truyền thống kình địch lâu đời hàng thế kỷ giữa hai tông phái Tào Động và Lâm Tế ở Nhật, một sự kình địch mà phần đông các thành viên hai phái đến Mỹ không mấy quan tâm đến, nhưng dù sao cũng tác động lớn đến cách thức họ suy nghĩ. Cuộc tranh cãi chủ yếu là cuộc đột kích ngầm giữa những người chủ trường đi thẳng đến sự kiến tánh và những người đề cao “tu tập và giác ngộ là một.”

Phần đông những việc này nếu các học viên Mỹ phát hiện ra đều khiến họ băn khoăn, thậm chí bị sốc đến há hốc khi phát hiện ra vị tăng sĩ mà bạn bè họ học tập bị thầy họ phán một câu, chẳng hạn, “một thầy Thiền phân phát mọi người một thỏi sắt mà gọi nó là thỏi vàng.” Học viên Mỹ nói chúng thường được khen ngợi là cởi mở, năng động và không có định kiến. Điều này ai cũng công nhận. Nhưng những gì không được nói công khai, ắt thường phải được thổ lộ ở chốn riêng tư, là việc cũng các người non nớt tuyệt vời này thật hơi quá ngây thơ về toàn bộ sự việc. Phật giáo không có trung tâm cấp phép trung ương, không có giáo hoàng, không có hội đồng các trưởng lão. Mỗi tông phái đều có hệ thống riêng, nhưng cho dù như thế, “giấy phép dạy” có thể mang ý nghĩa khác nhau, và một sư thầy giác ngộ của người này có thể là một tên ngu ngơ của kẻ khác, và tệ hơn nữa một gã giả hiệu.

VIII

Aitken làm việc với vai trò một cố vấn tuyển quân trong thời chiến tranh Việt Nam, cho dù khi một học viên tại Koko-an hỏi Thiền sư Yasutani, “Nếu xứ sở tôi gọi tôi phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, tôi có nên đi không?” Thiền sư trả lời không do dự, “nếu đất nước bạn gọi bạn, bạn nên đi.”

“Tôi không thể đồng ý với Thiền sư của tôi,” Aitken viết vài năm sau đó. Nhưng niềm tin của tôi vào Sư không hề thay đổi mảy mai. Tôi biết Sư và tôi sinh ra trong những thời thế khác nhau – ông ta trong không khí sôi động sô-vanh của cuộc chiến Nga-Nhật, còn tôi trong thế giới đầy hoài nghi mang tính nhân văn. Trách nhiệm của chúng ta đối với nhau nằm trong việc đạt được sự tiếp xúc tại một nơi ở sâu hơn văn hoá hoặc lịch sử.” Và kết quả là Thiền sư Yasutani và phe chống đi nghĩa vụ đi đến một dạng hưu chiến, hai bên không ai theo đuổi vấn đề đó nữa. 

Chiến tranh, như Sokei-an Sasaki đã nhận xét ngày đầu Thế chiến II khoảng 20 năm trước,  có cách  mang các quốc gia gần lại với nhau. Ở Việt Nam phần đông dân chúng theo đạo Phật, mặc dù Đạo Thiên Chúa mà thực dân Pháp mang đến đã có nền tảng vững chắc. Có các nhà Sư đại thừa từ Trung Quốc đi vào, cả Tịnh Độ tông và Thiền tông, cũng như ảnh hưởng của Tiểu Thừa Theravada từ các nước Đông Nam Á. Các Phật tử Việt Nam đã gánh vác vai trò tích cực và nổi bật trong cuộc đấu tranh cho đất nước mình. Họ dường như tạo thành một đối trọng với chính quyền được Mỹ hậu thuẫn, theo Thiên Chúa giáo của Thủ tướng Diệm và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Phật tử là một lực lượng thực sự và chính quyền Mỹ thấy cần vì lợi ích chính trị phải lưu ý đến họ.

Bộ Ngoại giao còn đi quá xa khi thành lập một Văn phòng Phật Vụ. Nhân vật được chọn để tổ chức bộ phận mới là Richard Gard, một học giả Phật học từ Clairemont, người có công dàn xếp cho chuyến đến Mỹ thời hậu chiến của D. T.Suzuki, và là người quen cũ của Aitken. Gard đã từng làm việc một vài năm với vai trò cố vấn Á châu cho USIS (Phòng Thông Tin Hoa Kỳ,) khi một buổi chiều ông được thông báo là mình đã được chọn để thuyết trình vắn tắt cho Ngoại trưởng Cabot Lodge về Phật giáo. Ông được cho hay Ngoại trưởng chỉ dành cho ông đúng 10 phút để trình bày. Gard suy nghĩ cặn kẻ và ước tính rằng, nếu muốn trình bày sơ lược về Phật giáo trong 10 phút, ông phải nói với tốc độ khoảng  60 từ mỗi giây.

Hóa ra vị Ngoại trưởng đã biết ít nhiều về Phật giáo. Ông bảo Gard mình có một cậu em họ, William Sturgis Bigelow, đã từng là Phật tử. “Trong nhánh đó của dòng họ tôi, chúng tôi đã nghe biết về Phật giáo,” ông nói. “Đạo đó không có gì sai cả.” Sau đó ngài ngoại trưởng ngồi xuống bàn giấy, lấy ra một cuốn sổ tay. Người phụ tá nhắc Gard rằng ông có 10 phút trình bày,  nhưng ngài ngoại trưởng đã gạt y đi. “Nếu nó quan trọng, chúng ta thử nghe đi nào,” ngài nói. Gard đưa ra đề nghị với vị ngoại trưởng, ngoài các đề nghị khác, là  nếu ông muốn tìm hiểu Phật giáo, ông có thể thử đi gặp các lãnh đạo Phật giáo Á đông, một điều chưa có ai trong Bộ Ngoại giao từng làm trước đây. Lodge đồng ý, và vào năm 1963, ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo Nhật và Việt, khiến họ rất đỗi ngạc nhiên.

Ở Việt Nam Phật tử đang tham gia trong một trận chiến đấu sinh tử chống lại các biện pháp đàn áp của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc đấu tranh này thu hút sự chú ý đầy xúc động của người Việt và truyền thông thế giới bởi hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn vào ngày 11/5/1963. Hành động này, vốn có nguồn gốc Trung Hoa, được đưa vào Việt Nam và dựa vào các đoạn trong ba Kinh Đại thừa Ấn, có tính truyền thống,  nhưng hiếm khi được thực hiện trong Phật giáo Việt Nam. Theo một nguồn tin có thẩm quyền, “nó đã được thực hiện tại các địa điểm ở miền Bắc ngay từ 1950 bởi các nhà sư đã đạt đến trình độ cao nhất của sự viên mãn thiền định.”

Nhưng giờ nó trở thành hình ảnh thống khổ của cuộc chiến đó: một nhà sư, ngồi trong thế tọa thiền, các bàn tay bắt trong thế thủ ấn của thiền định, lửa đỏ bao trùm thân thể, được mang vào tận tổ ấm gia đình Mỹ qua nhật báo, tạp chí và truyền hình. Theo Tiến sĩ Thích Thiên Ân, một nhà sư và học giả (sau này là người sáng lập Trung Tâm Thiền Định Phật Giáo Quốc Tế tại Los Angeles, ông và 20,000 tăng ni, Phật tử, người tri thức đã bị chính quyền Diệm bắt giữ ngay giữa đêm. Không ai biết mình bị bắt và mọi người tin mình sẽ chết bất cứ lúc nào. Chính Tiến sĩ Thiên Ân cũng bị bịt mắt dẫn ra ngoài một số lần. “Đó là một tình trạng khẩn cấp,” ông nói về các vụ tự thiêu của các nhà sư. “Tôi được phóng thích ra tù là cũng nhờ sự hy sinh của họ. Bởi vì khi các nhà sư này tự thiêu, lập tức nhật báo,  tạp chí và truyền hình thế giới loan tin. Thế rồi một phái đoàn Liên Hiệp Quốc bay đến Việt Nam để điều tra.” Tiến sĩ Thiên Ân – và nhiều người khác – được phóng thích ngay trong đêm trước khi phái đoàn đến nơi. “Ở Việt Nam,” ông nói, “chúng tôi xem nhà sư đầu tiên tự thiêu là một vị bồ tát. Vào lúc đó, nếu không ai làm chuyện đó, chắc chúng tôi sẽ chết rục trong tù mà không ai biết.” Ông biết rằng nhiều người hụt hẫng trước một hành động kỳ cục được gọi là hy sinh. “Trong đạo Phật, giới luật quan trọng nhất là không sát sanh,” ông nói, “không giết mình và không giết người. Nhưng trong tình trạng khẩn cấp,  không có cách nào khác. Họ sử dụng thân xác mình như một ngọn đèn cầu cứu.”

Một số Phật tử Mỹ đáp ứng với cảm tình. Trung tâm Thiền San Francisco tổ chức một lễ cầu siêu cho Hòa thượng Thích Quảng Đức, và gửi một thư thỉnh nguyện đến Washington thúc giục họ hành động ngăn ngừa tình trạng bức hại Phật tử tại Miền Nam thêm nữa. Trung tâm Thiền Rochester tổ chức một lễ tiếp tâm hướng về những người đã chịu đau khổ trong chiến tranh, và quyên tiền cứu trợ nạn nhân cuộc chiến. Ở Thành phố New York, Boris Erwit, tăng sĩ Tịnh Độ tông, dẫn đầu một đoàn biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc, tạo một tin tức 6 giờ chiều nổi bật. Và đến cuối thập niên, Gary Snyder, Richard Baker, và một số thành viên của Trung Tâm Thiền San Francisco phản đối bằng cách ngồi thiền trước hàng rào sắt của khu Navy Yard ở Oakland. Và ở Hawaii, Robert Aitken hoạt động tích cực trong phong trào phản chiến. 

Cùng lúc đó cánh bất bạo động của phong trào hoà bình tìm được đồng minh trong nhà sư Thiền tông Việt Nam, Thích Nhất Hạnh. Ông đi khắp nước Mỹ cũng với Jim Forrestal của phong trào Chống Đối. Về phần mình, ông viết một cẩm nang thiền định cho những người hoạt động. Phương pháp giới thiệu chánh niệm trong hơi thở.

Có thể nêu ra các ví dụ khác về ảnh hưởng của chiến tranh đối với Phật tử Mỹ, nhưng phần lớn sự chống đối chiến tranh chỉ là vấn đề cá nhân. Phật tử đúng nghĩa không đi theo đường hướng hoạt động xã hội như những người Cơ Đốc giáo thường làm. Giữa cơn nhiễu nhương biến loạn, dường như ngồi yên là cách hiệu quả và thực tiễn nhất mọi người có thể làm được.

IX

Vào mùa thu 1966 gần 150 người tọa thiền và nghe pháp tại Trung Tâm Thiền San Francisco, 50 đến 60 người ngồi ít nhất một lần một ngày, và 80 người, nhiều gấp hai năm trước, tham gia khóa tiếp tâm 7 ngày. Khi Trung Tâm phát triển, một số trung tâm vệ tinh ra đời do các môn đệ lớn tuổi của Thiền sư Suzuki điều hành.

X

Như Richard Baker nhớ lại, “Thiền sư Suzuki lúc đầu ra sức khiến cho việc thực tập Thiền lúc nào cũng sẵn sàng tiến hành trong điều kiện sống bình thường của học viên.  Nhưng sau một ít năm sư thấy rằng không đi đến đâu, vì thế Sư hy vọng lập được một thiền viện truyền thống tại một chốn hoang vắng nơi miền núi hoặc vùng quê.” Vào năm 1966, Richard Baker tìm được một phần đất dường như hoàn hảo trong trí của Thiền sư: 160 mẫu đất hoang dã giữa Rừng Quốc Gia Los Padres trên bờ đông của dãy Coast Range chạy từ Carmel đến Santa Barbara. Kế hoạch mua vùng đất hoang chỉ vừa mới bắt đầu thì một khu đất kế cận, Suối Nước Nóng Tassajara tỏ ra tiềm năng hơn. Nó nằm lọt thỏm trong khe núi sâu, ở cuối con đường đất cụt ngoằn nghèo, uốn khúc dài 20 dặm leo lên cao 5,000 bộ trước khi rơi xuống Hẽm Tassajara. Nó heo hút như bất cứ thiền viện trên núi nào ở Trung Hoa hay Nhật Bản, mà nó còn có suối nước nóng, các cabin cho khách viếng, nhà nghỉ và bếp bằng đá.

Như  người chủ trước đây của Tassajara,  ông bà Beck, chủ sở hữu từ năm 1963, dành một tình cảm đặc biệt với nơi này. Họ mong ước các suối nước nóng được điều hành bởi những người rành rẽ với truyền thống tắm tập thể của người Nhật. Ông bà Beck cảm kích khi biết Trung Tâm Thiền mở rộng cửa Tassajara cho khách viếng (nhiều người trong họ đã đến đây trong các năm qua.) Về phần mình, Trung Tâm nhận thấy rằng số lượng khách quen sẽ giúp Trung Tâm phát triển thực tiễn hơn trong liên hệ với lối sống Mỹ.

Nhưng dù đã ưu ái, giá phải chăng mà ông bà Beck đưa ra cũng quá cao, nhất là với nhóm gồm phần lớn các thành viên trẻ thiếu nguồn tài chính dồi dào. Nhưng thời điểm đã chín mùi là động lực giành lấy một cơ hội khó thể bỏ qua.

Nguồn động viên và hậu thuẫn đến từ nhiều khu vực. Từ Hawaii,  Robert Aitken viết, “Việc phát triển Trung Tâm Thiền Núi Tassajara trong một cánh rừng ở Mỹ sẽ là thành tựu của 80 năm lịch sử Phật giáo Tây phương.” Gary Snyder viết: “Ngắm nhìn và tản bộ dọc triền núi, trên cánh đồng, lội trong các hố nước lạnh và ngâm mình trong hồ suối nóng của Tassajara, tôi biết đây chính là nơi chúng ta phải có. Người Dạ Đỏ đã ở đây. Dãy Coast Range lởm chởm như các ngọn núi Trung Hoa. Núi đá khô, cái ấm áp, và các rừng cây đầy bóng mát như Ấn Độ. Có rất nhiều người sẵn sàng sử dụng nơi này. Chúng ta không thể để nó vuột mất khỏi tầm tay.” Và cuối cùng Alan Watts: “Đã đến lúc người Mỹ chúng ta biết rằng mục tiêu hành động là sự thiền định.  Nếu không chúng ta mãi mãi mắc kẹt trong sự tiến bộ giả hiệu, loay hoay trong điều mà Đức Phật gọi là cõi ta bà, vòng luân hồi của sống và chết. Việc chúng ta phải chung sức để tậu được tài sản này để tu tập Thiền là một trong những  dấu hiệu đầy hy vọng của thời đại chúng ta.”

Tiền đóng góp đến từ hơn 1,000 người và nhiều nghệ sĩ đóng góp từ các cuộc biểu diễn gây quỹ. Trung tâm Thiền Tassajara mở vào tháng 7, 1966 khi Thiền sư Suzuki, tăng sĩ Maezumi, Hòa thượng Togen Sumi, đứng đầu tông phái Tào Động ở Mỹ, tổ chức nghi thức đặt tượng Phật trên một bệ thờ trong thiền đường. Nhà sư dẫn đầu cho thời kỳ tu tập đầu tiên là Richard Baker, đã cạo đầu và đã trở thành sư hoằng pháp trong một nghi thức vào đêm hôm trước. (Một cái đầu trọc, Thiền sư Suzuki bảo với một phóng viên,  là “kiểu tóc tối thượng.”

Thiền sư Suzuki gọi Tassajara là “thiền viện bé cưng,” nhưng nó không phải là tu viện theo ý nghĩa Tây phương của từ này. Nó là nơi để tu tập Thiền cật lực, không phải là nơi sống ẩn dật trốn tránh thế gian. Về phương diện này nó giống các thiền viện ở Nhật hoặc chùa tu tập – với một sự khác biệt quan trọng. Ở Tassajara có cả đàn ông lẫn phụ nữ. Đây chính là điểm khởi hành nền tảng khỏi truyền thống Phật giáo Á châu. Các cặp vợ chồng có khu vực riêng,  còn các ông bà độc thân có phòng trọ riêng. Cách sắp xếp dường như rất hiệu quả, và người Tassajara tự hỏi tại sao trước đây chưa ai thử lối sắp xếp này.

Thời kỳ tu tập ba tháng bắt đầu vào tháng 7 là tập quán có từ thời Đức Phật. Trong những ngày đó tăng đoàn đi lang thang hầu hết năm cho đến khi mùa mưa bắt đầu, khi đó họ cùng nhau dừng lại tại tịnh xá để ẩn cư tập thiền quán. Tập quán gọi là an cư kiết hạ này vẫn còn  tiếp tục tại hầu hết các quốc gia châu Á, và tạo thành nền tảng của thời kỳ tu tập siêng năng  ba tháng tại các thiền viện Trung Hoa và Nhật.

Theo truyền thống tu Thiền ở Nhật,  các thiền sinh mới phải thi hành tangaryo, tức tọa thiền 7 ngày, chỉ giải lao trong các bữa ăn. Nhưng thể thức này dường như quá khắt khe đối với  những học viên chưa trải nghiệm việc toạ thiền dài hơi, vì vậy các sư quyết định thi hành tangaryo trong ba ngày, và rồi khóa sau lên đến 5 ngày.  Thậm chí như thế, nhiều học viên còn than đó là việc khó khăn nhất họ từng gặp phải. Thiền sư chỉ nói, “Hãy sẵn sàng ngồi thiền” thay cho lời hướng dẫn. Từ  4 giờ sáng đến 10 giờ khuya, không có gì ngoài tiếng dòng sông con bên ngoài vách đá mà họ ngồi đối diện, học viên bị bỏ mặc một mình. Chỉ yêu cầu họ phải ngồi trên tọa cụ, còn ngồi thế nào thì tùy ý. Trong số 70 người hưởng ứng, chỉ có 55 học viên hoàn thành.

Tassajara đi theo truyền thống, nhưng Thiền sư Suzuki cũng thích cho các thiền sinh một chút tự do. (“Cách để điều khiển một con bò,” Sư nói, “là cho nó một đồng cỏ.”) Thoạt đầu có nhiều bàn luận về liệu có vận áo tràng hay không,  đọc kinh bằng ngôn ngữ nào, thời khóa biểu phải nghiêm ngặt tới mức nào, và phải sử dụng các dạng thực tập nào.

Cuối cùng họ thấy mình đi theo một phiên bản bộ quy tắc được điều chỉnh mà Tổ Bách Trượng đã quy định cho các thiền viện Trung Hoa gần 1,000 năm trước. Tăng đoàn đầu tiên ở Ấn Độ hình thành bởi các tăng sĩ khất thực như các nhà tu khổ hạnh thường làm vào thời đó; sau này tăng đoàn thường được các nhà hảo tâm giàu có hoặc vua chúa cúng dường. Nhưng ở Trung Hoa,  đạo Phật là một tôn giáo mới của ngoại bang, có thời gian phải cạnh tranh với đạo Khổng và Lão bản địa. Không được sự bảo trợ của chính quyền, các chùa chiền phải tự lực cánh sinh, do đó mới có giáo luật nổi tiếng của Bách Trượng: “Ngày nào không lao động,  ngày đó không được dùng cơm.” Các nhà sư thiền Trung Hoa phải làm ruộng, đốn củi và nấu ăn, và nhiều dịp chạm trán giữa thầy và trò xảy ra ngay trên đồng ruộng hoặc nhà bếp, sau này trở thành công án được ghi chép lại Lao động tay chân – sa mu – là một phần thiết yếu của việc tu học Thiền. Chính Thiền sư Suzuki là một thợ nề khéo tay, thích xây các công trình đá. Tại Tassajara Sư đã xây một bức tường đá nâng đỡ cầu, và đang bắt đầu thực hiện một vườn đá. Dù nhỏ con, Sư có khả năng làm việc vượt trội người to con hơn Sư gấp hai lần.

Tiếng chuông cao vút đánh thức mọi người lúc 4 giờ sáng. Rồi đến tiếng búa gỗ gõ vào tấm ván gỗ gồ ghề  theo nhịp độ tăng dần trong ba hồi,  cho học viên 15 phút loạng choạng đi qua con đường lờ mờ dưới ánh đèn dầu treo để đến thiền đường. Hai thời tọa thiền tiếp theo, tụng kinh sáng bằng tiếng Nhật và Anh, rồi đến giờ ăn sáng, ba giờ lao động, lượt tọa thiền khác, ăn trưa,  nghỉ ngơi, học tập, lại lao động, tắm rửa, hành lễ, ăn tối nhẹ, nghe thiền sư giảng pháp, và cuối cùng hai thời tọa thiền. Mỗi thời trong ngày được báo bằng các dụng cụ phát âm truyền thống của thiền viện – chuông đồng, chuông lắc tay, thớt gỗ, và ba đợt trống phật đánh liên hồi. Tất cả dụng cụ này quá quan trọng đối với không khí tĩnh mịch của Tassajara đến nỗi phải được gửi từ Trụ sở Thiền Tào Động ở Nhật qua như một tặng vật.

Thức ăn ở thiền viện là thực phẩm chay và khá đạm bạc so với tiêu chuẩn Mỹ – gạo trắng với dưa muối là chủ yếu. Cái gọi là chế độ ăn thực dưỡng theo Thiền đang thịnh hành giữa những năm 60. (Philip Kapleau bảo với các học viên của mình ở Rochester rằng thời điểm duy nhất ông thấy tăng chúng nổi loạn là họ được phục vụ cơm gạo lứt theo lời khuyến nghị của một vị khách Mỹ.) Sau một vài lần thử nghiệm, các bếp trưởng, Bill Kwong và Ed Brown, tìm ra một chế độ hợp lý. Thực phẩm gồm rau củ, gạo lứt được phục vụ khá thường cùng với phô mai và trứng. Súp mì sợi với dung lượng đạm cao có trong thực đơn mỗi ngày, còn cháo buổi sáng được chế biến từ gạo nấu nhừ với thức ăn còn dư lại các ngày trước tỏ ra ngon miệng một cách ngạc nhiên. Bánh mì tươi toàn ngũ cốc toàn phần, đặc ruột mới ra lò.

Ẩm thực Tassajara cuối cùng được Ed Brown tuyển chọn vào hai cuốn sách dạy nấu ăn.  Chúng ra mắt và bán rất chạy, tái bản nhiều lần. Chính các cuốn sách trên, hơn mọi thứ khác, đã lôi kéo du khách trên khắp nước Mỹ đến với Tassajara. Thiền sư Đạo Nguyên ắt hẳn hài lòng vì chính Tổ, vốn cắt đặt các tăng sĩ tiến bộ nhất vào phụ trách nhà bếp, cũng là người đã viết Tenzo Kyokun dành cho đề tài trên.

Những buổi thọ thực trưa thường ngày được diễn ra trên những chiếc bàn gỗ dưới cặp mắt canh chừng của bọn chim giẻ cùi to màu lam; chúng kiểm tra những ai ăn không chánh niệm là sà xuống gắp lấy mẫu thức ăn bỏ lại chưa đề phòng trong tích tắc. Vào những dịp chính thức hơn như khóa tiếp tâm thì thọ thực ngay trong thiền đường, sử dụng oryoki – một bộ gồm ba bát (bát lớn nhất tượng trưng cho bình bát khất thực của Đức Phật), bát này nằm trong bát kia, với một khăn ăn bằng vải len, một giẻ lau đĩa, thìa, đũa, và setsu, chất tẩy bát cất trong túi vải cá nhân, toàn bộ được che đậy bằng một tấm vải, khi mở ra dùng làm khăn trải cho bộ bát.

Bữa ăn oryoki bắt đầu sau ba hồi trống, báo hiệu trước tiên dâng thức ăn lên bàn thờ Phật. Thức ăn được phục vụ từ trên xuống dưới trong tiếng đọc kinh và chắp tay khấn nguyện, mọi người dùng cơm trong chánh niệm, tĩnh lặng và nhanh. Khi đệm gỗ đập xuống, cùng đọc hồi kinh kết thúc buổi thọ thực, và người phục vụ mang vào nước ấm hoặc trà nhạt, được sử dụng để rửa bát đã sạch thức ăn. (Điều này được ngầm hiểu mọi thực phẩm phải được dùng hết.) Nước rửa bát rửa từ bát này đến bát kia, một phần được uống, một phần, phần đổ vào xô, sau đó sẽ tưới cho vườn. Một ít mẫu thức ăn được cho vào bát và mang ra cho các cô hồn thọ hưởng vào chiều tối trong bộ dạng gấu mèo hoặc động vật hoang dã khác. Các bát lại được đặt lồng vào nhau, các giẻ được xếp và đặt lên trên và tấm khăn ngoài cùng bọc gói lại.

Toàn bộ quá trình tiến hành nhanh gọn, hiệu quả,  khép kín; nó cũng là một nghi thức trang trọng, ấn tượng  – một nghi thức nói lên một hành động dù là bình thường nhất như ăn uống, được lột trần đến mức thiết yếu nhất, cũng trở thành một việc quán chiếu. Nó cũng là thước đo chánh niệm,  vì chỉ cần lơ đãng một chút là thiền sinh lạc nhịp với những người khác trong thiền đường. Tất nhiên, lúc đầu không phải ai cũng xem oryoki dưới cặp mắt ưu ái như thế. Không ít người cho rằng mình đang “chương trình hóa”, nhưng vào cuối khóa tu, Chuông Gió, tạp chí của Trung Tâm Thiền cho biết rằng “nhiều học viên rời Tassajara mang theo cảm tưởng là điều quan trọng nhất mà họ thu hoạch được là cách thức dùng bữa theo một cách giản dị và viên mãn nhất.”

Khóa tu kết thúc với thời tiếp tâm 7 ngày, kết thúc bằng cuộc đối thoại pháp chính thức với Thiền sư Suzuki.

Tầm quan trọng của Tassajara với vai trò một vùng núi tu tập Thiền Mỹ  càng tăng lên khi các thiền sư Yasutani,  Soen và tăng sĩ Shimano, Maezumi đến thăm vào mùa hè 1968. Hai thiền sư vừa kết thúc khóa tiếp tâm ở Ojai, và họ cùng với Shimano đang trên đường đến New York để mở Thiền đường Shobo New York tại một nhà kho được cải tạo trên Phố 67 East. Thiền sư Soen gửi đến một tượng Phật lớn được phát hiện tại Chùa Ryutaku, “Đức Phật Vô Biên Chánh Pháp”; Sư cũng mang đến tượng Phật Dược sư và Phật Di Lặc, và một phần tro cốt của Nyogen Senzaki.

Trước tiên nhóm khách cùng tắm suối nước nóng với Thiền sư Suzuki. Sau đó Suzuki và tăng sinh Kobun Chino cùng tiến hành tang lễ không chính thức cho Nyogen Senzaki, và Thiền Sư Soen nói vài lời về Senzaki và tặng một phần tro cốt của Senzaki cho Tassajara. Sau đó họ lái xe lên đỉnh núi và đi bộ trên con đường mòn mới dọn lên tận đỉnh. Rồi họ tiến hành nghi thức trăng rằm ngẫu hứng. Khi đứng thành vòng tròn, họ vỗ tay, tụng Bát Nhã Tâm Kinh, rồi nhảy múa, trong khi vầng trăng tròn lừng lững lên cao trên đỉnh núi. Rồi Soen rắc tro cốt của Senzaki lên một đỉnh mà Suzuki chỉ đến. Một vài năm tới, một phần tro cốt của chính Thiền sư Suzuki cũng nằm yên trên một đỉnh kế cận.

Một phần tro cốt khác của Senzaki được mang về New York và được đặt trên bệ thờ của thiền đường mới, những phần khác được giữ lại ở Los Angeles và Honolulu. Tro bụi của thân xác ông nằm rải rác khắp nước Mỹ, tại  những nơi người ta học pháp mà ông đã dạy quá lâu trong lặng lẽ.

Một năm trước người cuối cùng trong nhóm bạn bè tiên phong của ông đã theo gót chân ông. Ruth Fuller Sasaki mất vào năm 1967. Một năm trước đó, 1966, đồng môn của Senzaki tại chùa Engaku, D.T.Suzuki, đã qua đời tại Kamakura, làm việc tại bàn giấy đến phút cuối cùng, hưởng thọ 96 tuổi. Lời nói cuối cùng của ông phản ánh mối quan tâm gia tăng của ông đối với Tịnh Độ Tông trong tâm tưởng: “Đừng lo lắng! Cám ơn! Cám ơn!” Một kỷ nguyên đã kết thúc.

XI

Năm 1969 Trung Tâm Thiền tìm được và mua một tòa nhà gạch đỏ lớn làm trụ sở mới trên góc đường Page và Laguna. Nhà có bếp và phòng ăn như khách sạn,  và có phòng ở chỗ đủ 70 người trên cả hai tầng trên, và một khu vườn mà Thiền sư lên kế hoạch sẽ biến thành vườn đá Nhật Bản.

Trong một thời gian ngắn Phố Page cùng với Tassajara trở thành một loại mô hình mẫu hoặc dự án kiểu mẫu của nền Phật giáo Mỹ vừa mới xuất hiện. Tại Phố Page, phác đồ thường nhật quy chuẩn của việc tu tập Tào Động theo truyền thống được kết hợp với lối sống cộng đồng Mỹ. Một ít người dành toàn bộ thời gian làm việc ở đó trong lúc những người khác vẫn hàng ngày ra ngoài làm việc. Doanh nghiệp cũng bắt đầu hình thành, khởi đầu là Alaya Stitchery, đầu tiên là người cung cấp nội bộ các loại tọa cụ hay bồ đoàn, tức gối dùng để tọa thiền, và rồi mở ra một cửa hàng thiết kế và sản xuất các gối thiền đủ màu sắc bán cho thị trường.

Trung Tâm Thiền dường như trở thành một chỗ dừng chân bắt buộc đối với Phật tử viếng thăm. Nhiều nghệ sĩ có cảm tình với Phật giáo đã triển lãm tác phẩm của mình ở  đó. Một số học giả về Phật học cũng tổ chức các buổi xê-mi-na về Phật giáo.

Trong thời khóa tu tập đông-xuân năm 1969, Thiền sư nằm dưỡng bệnh tại Phố Page trong một cơn cúm. Đến tháng giêng Sư trở về Nhật trong 6 tháng. Richard Baker, cùng với vợ con, đã học Phật giáo,  và văn hoá và ngôn ngữ Nhật tại Kyoto, và bây giờ ông đồng hành với Thiền sư Suzuki đến chùa Rinso-in để Sư chính thức công nhận Baker làm người thừa kế đạo pháp của mình.

Khi Suzuki trở lại Mỹ, Sư phải vào bệnh viện cắt bỏ túi mật. Vào mùa hè 1971, Sư về Tassajara,  sức khỏe có vẻ hồi phục. Thật ra Sư bị ung thư gan và các bác sĩ cho tiên lượng xấu, nhưng Sư và bà vợ quyết định tạm thôi không nói gì cho học viên biết. Trong khi ở Tassajara Sư tiếp tục làm việc như thế không có gì xảy ra. Cho dù nhiệt độ lên đến hơn 100 (độ F), Sư vẫn theo thời khóa quy chuẩn, làm việc trong vườn đá, chủ trì vấn thiền, giảng pháp đến tận khuya, và chuẩn bị làm lễ quy y cho 55 học viên – một công việc kéo theo phải tìm 55 pháp danh và viết bằng thư pháp pháp danh vào mặt sau các rakusu (miếng vải truyền thống đeo quanh cổ, chứng nhận mình là thiền sinh) và giấy tờ Pháp chứng.

Bà Suzuki cố khuyên chồng bớt làm việc lại nhưng không ích gì. Sư dường như thích  đùa như một đứa trẻ nghịch ngợm, và khi Sư làm việc ngoài vườn đá, Sư cắt đặt người hầu canh chừng, dặn hể nhác thấy bà Suzuki thì huýt sáo cho Sư hay. Một buổi chiều Sư tập hợp mọi nhân viên nhà bếp, cùng một số người khác, giúp Sư làm mì udon khoản đải các học viên lớn tuổi vào bữa tiệc chiều mai mà Sư đã dự tính. Sư cứ xúc thêm bột vào đống bột đang nhồi trên sàn bếp vừa mới cọ rửa sạch, cho đến khi toàn bộ gian bếp toàn là mì udon. Khi bà Suzuki xuất hiện bảo Sư dừng tay ngủ trưa , Sư từ chối, và hai người nghe như cãi nhau bằng tiếng Nhật. Bà Suzuki dậm chân bỏ đi và Sư đắc ý lại tiếp tục cho thêm bột. Một hay hai giờ sau bà trở lại,  lần này với vẻ quyết tâm sắt đá hiện ra trong đôi mắt, bà chụp lấy cánh tay chồng và lôi Sư ra khỏi cửa. Suzuki vẩy tay chào và cười ha hả, và suốt tuần đó mọi người ở Tassajara chỉ ăn món mì udon.

Nhưng Sư đang bệnh nặng. Vài tuần trước Sư nói trong một bài thuyết giảng ở San Francisco rằng “Người ta cho rằng đạo Phật đang chết ở nước Nhật. Nhưng khi có cái gì đó đang chết thì đó là ông thầy vĩ đại nhất.” Vì thế Sư tiếp tục làm việc và làm việc. Lái xe từ Tassajara về San Francisco, Sư ghé lại Retreat House St. Francis, nơi Thiền sư Yasutani, Soen và tăng sĩ Shimano đang tổ chức khóa tiếp tâm. Sư tham gia lễ kết thúc, và Thiền Sư Soen pha trà cho Sư trong một bát mà Soen đã mua ở Jerusalem.

Sư trở lại trụ sở trên Phố Page, và ngã lưng trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ đầy nắng nhìn qua sân vườn. Sư chỉ rời bỏ nó một lần để làm Lễ Tọa Sơn phong cho Robert Baker làm người thừa kế Sư và trụ trì Trung Tâm Thiền.

Richard Baker đã từng là một trong các học viên đầu tiên của Thiền sư Suzuki. Ông từng học ở Harvard, làm việc tại Grove Press ở New York và rồi theo học bằng Cao học về Lịch Sử Đông Phương tại Berkeley, tại đó ông tổ chức một số hội thảo quan trọng cho bộ phận Giáo dục Thường xuyên – trong đó có Hội thảo Thi ca Berkeley nổi tiếng và Hội thảo LSD (chất gây ảo giác) đầu tiên.

Một khoảng thời gian nào đó sau khi ông gặp Thiền sư Suzuki, Baker đang uống bia với một người bạn trong một khách sạn Mễ tại Bờ Biển Bắc. Thình lình bạn ông quay nhìn ông với vẻ nghiêm nghị và nói, “Anh biết đấy, Dick, nếu chúng ta thực sự muốn sống nghiêm túc, chúng ta phải bỏ tất cả và chỉ cần nghiên cứu Phật giáo.” Baker đã nhìn thẳng bạn mình và nhận ra anh ta không có ý đó, nói chỉ là nói vậy trong một thoáng bốc đồng, nhưng những lời đó đi thẳng vào lòng ông và ông biết bạn mình nói đúng, dù anh ta nói chơi hay nói thiệt. Ông đã cảm thấy, như ông có lần nói, “như thể tôi đã bỏ xuống 1,000 chiếc xách tay.” Sáng hôm sau ông đến Trung Tâm Thiền và bắt đầu tọa thiền từ đó.

Giờ đây 10 năm đã trôi qua, và ông thấy mình ở bên ngoài ngôi nhà của tăng sĩ Katagiri, dẫn đầu một đám rước xuống Phố Page, đồng hành có chuông và trống. Ông vận áo choàng có thêu hình chim phượng hoàng màu xanh và vàng mà Thiền sư Suzuki đã trao tặng ông,  và tay cầm phất trần. Ông dừng lại để dâng hương và đọc kệ tại một vài nơi khác nhau: cửa vào Trung Tâm, bàn thờ ở chánh điện và thiền đường, phòng của Thiền sư Suzuki.

Án thờ của Lễ Tọa Sơn là một bục lớn đặt ở cuối Chánh điện. Tăng đoàn đang quỳ phía trước trên chiếu tatami; khách mời – Lạt ma Kunga, Trụ Trì Hsuan Hua của Kim Sơn Tự, Thiền sư Sasaki từ Los Angeles, chỉ kể một vài tên – ngồi trên các chiếc ghế bố trí quanh phòng. Sau đó Thiền sư Suzuki xuất hiện ngay đầu đám rước, được con trai dìu đi. Sư trông tiều tụy và gầy gò thật đáng thương, nện cây trượng trên chiếu. Tiếng trống ngưng bặt. Thiền sư Baker (như chức vị người thầy đã công nhận) đứng thẳng, dâng hương, và đọc bài kệ của Sư:

Nén hương này

Tôi đã có từ rất rất lâu

Tôi dâng lên không dùng đến bàn tay

Cho thầy tôi, cho bạn tôi, Đại Sư Shunryu Suzuki

Người đã sáng lập nên các chùa này.

Không thể đo lường hết công lao của người.

Bước đi với người trong cơn mưa dịu êm của Đức Phật

Áo choàng chúng tôi đều ướt đẫm,

Nhưng trên mặt lá sen

Không một giọt mưa đọng lại

Tăng sĩ Katagiri đọc một bài kệ chứng ngộ thay Suzuki.

Bài thuyết pháp của Thiền sư Zentatsu Baker chỉ ngay điểm chính: “Không có gì để nói.” Một quan sát viên mô tả:

Thiền sư được dìu đứng lên và tiến đến trước án thờ cúi lạy. Nhưng khi Sư quay mặt đối diện tăng chúng trên gương mặt liền bộc lộ một vẻ vừa nghiêm nghị vừa buồn bã. Cánh mũi phập phồng theo hơi thở, và Sư trông như ráng hết sức muốn nói ra điều gì đó, có lẽ muốn tán thán các môn đệ của mình đã tu tập kiên trì, hoặc khuyên hãy đi theo Richard Baker với niềm tin tưởng; không ai biết. Sư đối mặt với tăng chúng như để nói, nhưng chỉ xoay chiếc trượng giữa lòng bàn tay, lắc vòng hai lần, một lần nhìn sang bên trái, một lần nhìn sang bên phải của khán phòng. Như thể có một cơn chấn động lướt qua khán phòng; mọi người đều nín thở, rồi thình lình khắp nơi mọi người đều bật khóc lặng lẽ. Nhưng ai thân thiết với Thiền sư nhất giờ đấy mới thấu hiểu họ mất mát như thế nào khi mất người, và lòng tràn ngập niềm đau buồn rất con người. Khi người thầy loạng choạng choạng bước đi khỏi chánh điện, từng bước tựa vào chiếc trượng chống, mọi người đều chắp tay và quỳ mọp lạy. Và buổi lễ kết thúc. Rất đơn giản và trực tiếp. Trước sau kéo dài hơn một giờ một chút.

Shunryu Suzuki mất hai tuần sau đó, vào sáng sớm ngày 4/12/1971 đúng ngay sau tiếng chuông mở đầu khóa tiếp tâm nhân ngày Thích Ca Thành Đạo. Lúc đó có mặt bên Sư là bà vợ, con trai, và người kế vị, Thiền sư Baker. Sư đã ở Mỹ gần 12 năm, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Sư đã phát hiện ra tiếng nói đích thực của nền Phật giáo Mỹ và dọn đường cho cộng đồng Phật giáo đầu tiên. Cuộc đời Sư thật viên mãn.

Thiền sư Yasutani mất hai năm sau, vào ngày 28/3/1973, ở tuổi 88, ba ngay sau khi làm lễ quy y cho khoảng 30 người tại Kamakura. Sư giao lại Sanbo Kyodan cho Thiền sư Koun Yamada, người thừa kế Pháp chính, một thiền sư thế tục, mỗi ngày phải di chuyến từ Kamakura đến Tokyo làm việc với chức vụ quản trị bệnh viện.  Công việc của Sư ở Mỹ  tại Trung Tâm Thiền Los Angeles được Thiền sư Taizan Maezumi tiếp tục, vốn đã nhận pháp chứng của Sư vào năm 1970, cũng như được Philip Kapleau tiếp tục ở Rochester, Thiền sư Eido ở New York và Robert Aitken ở Hawaii.

Sokei-an,  nhà tiên phong Thiền đầu tiên đến Mỹ 1906, có lần nói rằng đem Thiền đến Mỹ giống như cắm rế cây sen trong đá. Vào cuối những năm 60, nhờ công lao của Thiền sư Shunryu Suzuki và Hakuun Yasutani, không ai còn nghi ngờ là cây sen đã bắt rễ.

Thiền sư Shunryu Suzuki

Thiền sư Hakunn Yasutani

Thiền sư Eido Shimano

Thiền sư Gyoun Aitken

Thiền sư Zentatsu Baker

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s