
Cảnh đẹp « Ao trên » nằm trước đền Mạc Công Miếu. Hình: Nguyễn Lê Thủy, Hà Tiên, năm 2017
Patrice Trần Văn Mãnh
Nói đến lăng Mạc Cửu thì ta không thể không nói tới ba cái ao sen nằm trước ngôi đền thờ các vị công thần họ Mạc. Thực ra thì ba cái ao sen hay nói một cách chính xác thì cái ao sen duy nhất nằm ngay trước mặt đền Mạc Cửu là không có liên quan gì đến ngôi đền nầy cả. Chúng ta đừng nghĩ là khi người ta lập đền thờ ba vị: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh (tên đền ngày xưa được gọi là Đền Mạc Công, hay Mạc Công Từ) rồi người ta cho đào ao và trồng sen để làm đẹp cho đền thờ. Thực tế là hoàn toàn không phải như vậy vì cái ao sen duy nhất nằm trước mặt đền thờ Mạc Cửu là đã có trước khi ngôi đền thờ được lập ra, và cái ao sen nầy hoàn toàn không có liên quan gì đến đền thờ cả.
Chúng ta phải đi ngược lại thời gian để sắp xếp các sự kiện theo thứ tự thời gian:
A/ Mạc Cửu đến đất Hà Tiên (lúc đó tên là Mang Khảm hay Phương Thành) vào năm 1700, ông chiêu dụ dân chúng đến lập nghiệp và mở ra các thôn xóm.
B/ Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Mang Khảm cho Chúa Nguyễn và được tấn phong làm Tổng Binh.
C/ Năm 1718 quân Xiêm tấn công đốt phá Hà Tiên, Mạc Cửu đưa vợ chạy giặc đi đất Lũng Kỳ (còn có tên là Trủng Kè, Long Cả, Lũng Cả, miền đất nầy nằm ở phía tây bắc của đảo Phú Quốc, cách Phú Quốc một eo biển tên là Koh Thmay, eo biển Phú Dự, vùng đất nầy ngày nay đã thuộc về nước Kampuchéa hay Cambodge). Tại Lũng Kè nầy vào năm 1718 đó Bà Mạc Cửu đã sinh ra ông Mạc Thiên Tích.
D/ Sau đó năm 1719 giặc chấm dứt, Mạc Cửu đưa vợ và con trở về Hà Tiên xây dựng lại xứ sở. Chính trong thời gian nầy Mạc Cửu cho đào một cái ao lớn hình gần như vòng tròn để cung cấp nước cho dân chúng Hà Tiên. cái ao nầy sau đó chính là cái ao nằm trước mặt ngôi đền Mạc Công Miếu. Lúc nầy chưa hề có ngôi đền và cũng chưa có 2 cái ao sen nằm hai bên đường Mạc Cửu như sau nầy…
E/ Mạc Công Miếu lần đầu tiên được Mạc Công Du xây dựng vào năm 1818-1819 nằm ở bên trái chùa Tam Bảo xưa (lúc đó chùa Tam Bảo do ông Mạc Cửu cất cho mẹ ông tu, chỉ là cái am tự nhỏ nằm phía sau dinh thự của ông).
F/ Năm 1833 có giặc loạn làm phản do Lê Văn Khôi cầm đầu, Mạc Công Du và các con theo phía Lê Văn Khôi nên sau khi giặc loạn bị dập tắt, Mạc Công Du và các con đều bị tội. Ngôi Đền Mạc Công cũng bị bỏ hoang phế.
G/ Năm 1845 vua Thiệu Trị nghĩ công lao dựng đất của Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích, nên cho phép xây dựng lại ngôi đền mới, nhưng thay đổi vị trí, đền hoàn thành năm 1847, tọa lạc dưới chân núi Bình San, đó chính là Mạc Công Miếu hiện tại ngày nay mà chúng ta đã biết từ lúc còn rất bé thơ đến bây giờ.
Vào năm 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đến năm 1869 Pháp vẻ một bản đồ vùng đất Hà Tiên, trên bản đồ nầy có ghi rỏ ngôi đền Mạc Công Miếu và một cái ao hình gần như tròn trước mặt ngôi đền, trên bản đồ vẫn chưa có hai cái ao kế bên. Như vậy hai cái ao hình chữ nhật nằm hai bên đường Mạc Cửu là chưa có vào năm 1869. Sau nầy trong những năm người Pháp bắt đầu xây dựng đường xá Hà Tiên, họ làm bờ kè đá cho bờ ao trước mặt Mạc Công Miếu nên cái ao nầy trở thành hình bán nguyệt vì có một bờ thẳng theo con đường trước Mạc Công Miếu (vì thế ao trong thời kỳ nầy có tên « Bán Nguyệt Liên Trì »). Sau đó người Pháp cho đào thêm hai cái ao hình chữ nhật ở hai bên đường Mạc Cửu để lấy đất làm đường, mở chợ. Trong bản đồ Hà Tiên năm 1951 có ghi rỏ vị trí ba cái ao trước ngôi đền Mạc Công Miếu.
Tuy nhiên có một ý kiến khác về nguồn gốc của hai cái ao sen sau nầy như sau: Ngày xưa ở Hà Tiên có ông bang trưởng tên là Trần Thăng, ông là ba của ông Tỷ và là ông nội của chị Trần Lệ Hà. Ông là người bang trưởng trong cộng đồng người Triều Châu (hay Tiều Châu, Teochew). Theo lời truyền lại của gia đình, Ông bang trưởng Trần Thăng huy động các ông bang khác trong khu chợ Hà Tiên ngày xưa và cho xây cất ngôi trường Hữu Đức để con em người gốc Hoa có chỗ để theo học ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, về việc nầy theo lời truyền lại của gia đình, cũng chính ông bang trưởng Trần Thăng là người khởi xướng cho đào hai cái ao sen ở trước lăng ông Mạc Cửu, cái ao thứ nhất đã có từ thời ông Mạc Cửu vì chính ông Mạc Cửu cho đào vào năm 1719. Việc ông Trần Thăng cho đào hai cái ao sen sau nầy là do ý kiến của gia đình, vì ít ai người Hà Tiên biết đến sự kiện nầy, mong rằng các nhà nghiên cứu về lịch sử Hà Tiên tiếp tục tra cứu và cho ý kiến chính xác). Việc cất ngôi trường Hữu Đức xảy ra khoảng trong những năm 1920. Đến năm 1936, ông Trần Thăng qua đời lúc 53 tuổi.
Tại sao lại gọi là « Ao sen »? Điều nầy chúng ta cũng không biết rỏ là vào năm nào thì người ta cho trồng sen trong ba cái ao nầy, chỉ biết là từ rất lâu năm (ngay trước những năm 1950 có thể đã có sen mọc trong ba cái ao rồi và người Hà Tiên thường ngày vẫn dùng nước ngọt tại ba cái ao nầy. Chính ba cái ao sen nầy đã cung cấp nước cho toàn dân Hà Tiên từ thời xa xưa và vì thế tại Hà Tiên có nghề chở nước bằng xe đẩy đến tận nhà khách hàng, tên nghề gọi là « đổi nước » (vì không thể nói là « bán nước » !!). Có những thời kỳ khô cạn ao cũng khô nước hết cả để lộ ra đáy ao toàn là đất sét và cỏ xanh. Chánh quyền thời xưa kêu gọi dân chúng góp công góp sức đào thêm cho ao sâu rộng thêm, mỗi nhà phải đào vài m3, mình còn nhớ hồi lúc còn nhỏ, mình cũng có tham gia vào phong trào đào ao sen đó. Cũng trong thời gian hạn khan hiếm nước nầy, nhà nào ở Hà Tiên cũng tự lấy xe đạp chở 2 thùng nước phía sau yên xe (loại thùng chứa dầu lửa bằng thiếc) và tự cung cấp nước cho gia đình, mình cũng đã có nhiều lần chở nước như cách nầy cho gia đình. Trong thời trẻ con, học trò ở Hà Tiên cũng thường la cà trong khu vực ao sen để móc đất sét và bắt cá lia thia…Đất sét thì đem về nặn hình con trâu, con bò làm đồ chơi, còn cá lia thia thì cho vô hủ (loại hủ đựng chao) và nuôi từ từ để cho tham dự vào các cuộc đá cá giữa bạn bè…
Một trong những bức hình xưa nhất về ao sen mà mình có, có lẻ là bức hình bạn Nguyễn Đình Nguyên (bạn thân học trên mình một lớp trường Trung Học Hà Tiên) chụp trước bờ ao sen:
Nguyễn Đình Nguyên còn rất trẻ, chụp tại bờ ao sen ngay trước lăng Mạc Cửu (Hà Tiên) trong những năm 1960
Trong bức hình ta để ý thấy con đường Mạc Cửu chạy ngang ngôi đền thờ họ Mạc là đường đất, và bờ ao sen vẫn là bờ đất với cây cỏ chứ không có xây cất thẳng hàng bằng xi măng như một cái hồ nhân tạo.
Bức hình thứ hai cũng xưa nhất về ao sen là hình các người lính Mỹ đóng quân tại Pháo Đài (Hà Tiên), lấy xe chở thùng phuy để lấy nước về dùng trong sinh hoạt hằng ngày.
Xe chở nước của lính Mỹ từ ao sen chở về Pháo Đài (Hà Tiên). Hình: Mc Carthy (1970). credit: E. « Doc » Riojas
Trong hình ta thấy rỏ con đường đất ngang lăng Mạc Cửu, đoạn về phía đường Chi Lăng. Bên phải hình là một lô cốt nhỏ (hay là một bót điện lực hồi xưa). Bên phải hình nối dài ra là ngôi chùa hay nhà của Ông Năm Ô (ta không thấy trong hình). Theo góp ý của bạn Lê Phước Dương thì cái lô cốt nầy là nơi đặt máy nổ bơm nước lên trên hai trạm lọc nước đặt trên đỉnh núi Bình San ở cuối đường Lam Sơn. Chính từ độ cao nầy nước được chảy xuống cung cấp cho các trụ nước trên các lề đường phố Hà Tiên. Phía trên đầu các trụ nước nầy có một đỉa sắt tròn và dầy và có một núm tròn làm tay nắm để khi người muốn lấy nước phải nắm tay vào đó và quay nhiều vòng cho nước chảy ra và hứng nước vào trong thùng nước (thường thùng nước dưới dạng hình hộp bằng thiếc sử dụng lại sau khi dùng hết dầu lửa chứa trong thùng). Trong mùa cạn hiếm nước, dân chúng Hà Tiên thường phải xếp hàng trước các trụ nước công cộng nầy để lần lượt lấy nước về nhà dùng. Còn ngôi chùa của Ông Năm Ô trụ trì nói ở trên tên là chùa Ông Bắc thờ ông Bắc Du Chơn Võ. Hiện nay chùa đã bị phá hủy không còn dấu vết gi nữa.
Ở giữa hình ta còn thấy một phần núi Bình San với vài tảng đá vôi màu trắng. Bên trái là ao sen. Trên bờ có hai chiếc xe sẳn sàng chở nước: một chiếc xe cây chứa các thùng nước nhỏ, có ba trẻ em đang tò mò đứng xem người Mỹ, và một chiếc xe loại thùng phuy lớn của nhà binh có lính Mỹ ngồi trên đó.
Ngôi đền Mạc Công Miếu vào năm 1953, phía trước mặt đền ta còn thấy một phần bờ ao sen với cây cỏ. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.
Ngày xưa, quang cảnh chung quanh ba cái ao sen ở lăng Mạc Cửu rất đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên do nước, sen, bờ ao, cây cỏ đất đá tạo nên, có rất ít hình thể nhân tạo bằng xi măng cốt sắt của con người tạo ra…Ta hãy quan sát một số cảnh đẹp của ao sen ngày xưa:
Quang cảnh đền Mạc Công Miếu (Hà Tiên) và một phần bờ kè đá của ao sen chính nằm ngay trước đền, bờ ao còn cây cỏ xanh rất đẹp. Hình: Trần Văn Mãnh, năm 1994
Sau năm 2013, quang cảnh ao sen trước đền Mạc Công Miếu đã hoàn toàn thay đổi, toàn bộ các bờ ao đã được xây xi măng, tráng gạch, khung cảnh ba ao sen trở thành một công viên, « Công viên ao sen » !!. Để tiện việc định vị trí các ao, người ta gọi « Ao trên », « Ao giữa » và « Ao dưới ». Khái niệm « Trên » và « dưới » được so với hai khúc trên và dưới của con đường Mạc Cửu. « Ao trên » tức là ao nằm về phía chùa Lò Gạch, tức là cái ao nằm ngay trước mặt ngôi đền Mạc Công, cái ao đã có từ năm 1719 do Mạc Cửu cho đào. « Ao giữa » thì rất dể định vị trí, đó là ao nằm giữa trong ba cái ao, « Ao dưới » tức là cái ao nằm giữa hai con đường Mạc Cửu và Chi Lăng, tức là ao về phía tịnh xá Ngọc Hồ, về phía con đường tỉnh lộ 28 nối dài để đi ra Mũi Nai. Như trên đã nói hai cái ao: Ao giữa và Ao dưới là được đào sau nầy, sau năm 1869 và trước năm 1951. Đặc biệt là ao dưới cũng đã được nới rộng thêm ra, vượt qua khỏi con đường Mạc Cửu và qua phía bên kia đường (sau năm 2013), để dân chúng tiếp tục đi lại trên con đường Mạc Cửu trên khúc nầy, người ta cất thêm một cây cầu (cũng dưới dạng xi măng cốt sắt!!) và trang trí cho chiếc cầu đèn màu ban đêm trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên với cơn sốt « xi măng cốt sắt » toàn bộ khu ao sen lăng Mạc Cửu đã hoàn toàn biến thành một công viên tráng xi măng sạch sẽ, hiện đại, không còn một nét nào thiên nhiên với cây xanh, phượng đỏ như ngày trước…Tất cả tùy thuộc vào quan điểm « cảnh đẹp », đẹp theo kiểu công viên ghế đá ở thành phố, không giữ được cái nét cỗ xưa với thiên nhien chung quanh.
Quang cảnh nhìn rỏ ba cái ao sen và chiếc cầu trên Ao dưới. Hình trích trong vidéo « Hà Tiên Quê Tôi » của Alexander Duy, 2017
Tóm lại, Hà Tiên của chúng ta ngày càng phát triển trên đủ mọi mặt. Đó là một điều tốt đẹp cho quê hương chúng ta, tuy nhiên, về phương diện lịch sử văn hóa, nếu chúng ta biết bảo tồn các giá trị và nền tảng đã có lâu đời, giữ được cái sắc thái cổ kính của những chùa chiền, đền thờ, các quang cảnh thiên nhiên mà từ xa xưa đã đem lại cho Hà Tiên một danh tiếng về phong sắc đẹp đẻ thanh tao, thì giá trị của các phong cảnh Hà Tiên càng được nâng cao. Thành phố, nhà cửa, dinh thự, công viên, mọi thứ đều cần được bảo trì, sửa đổi, xây cất cho mới và đẹp, nhưng những dấu vết lịch sử lâu đời thì lại cần được bảo tồn, tuy có củng cố xây dựng nhưng vẫn tôn trọng và giữ nguyên sắc thái tự nhiên thì vẫn hay và có giá trị trường tồn.
Viết xong ngày 06/11/2018 Patrice Trần Văn Mãnh
TVM thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », xin trân trọng cám ơn nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã viết quyển Nghiên Cứu Hà Tiên (Họ Mạc với Hà Tiên) trong đó tác giả bài viết nầy đã tham khảo rất nhiều tư liệu lịch sử, xin cám ơn các bạn: Lâm Thị Lan, Trương Thanh Hào, Trần Phương Nhu, Alexander Duy đã không ngừng nỗ lực động viên, khuyến khích và cung cấp thông tin hình ảnh cho bài viết. (Trần Văn Mãnh)
Thông tin bổ túc:
Ngày xưa ở Hà Tiên có ông bang trưởng tên là Trần Thăng, ông là ba của ông Tỷ và là ông nội của chị Trần Lệ Hà. Ông là người bang trưởng trong cộng đồng người Triều Châu (hay Tiều Châu, Teochew). Theo lời truyền lại của gia đình, Ông bang trưởng Trần Thăng huy động các ông bang khác trong khu chợ Hà Tiên ngày xưa và cho xây cất ngôi trường Hữu Đức để con em người gốc Hoa có chỗ để theo học ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa và việc nầy theo lời truyền lại của gia đình, cũng chính ông bang trưởng Trần Thăng là người khởi xướng cho đào hai cái ao sen ở trước lăng ông Mạc Cửu, cái ao thứ nhất đã có từ thời ông Mạc Cửu vì chính ông Mạc Cửu cho đào vào năm 1719. Việc ông Trần Thăng cho đào hai cái ao sen sau nầy là do ý kiến của gia đình, vì ít ai người Hà Tiên biết đến sự kiện nầy, mong rằng các nhà nghiên cứu về lịch sử Hà Tiên tiếp tục tra cứu và cho ý kiến chính xác. Việc cất ngôi trường Hữu Đức xảy ra khoảng trong những năm 1920. Đến năm 1936, ông Trần Thăng qua đời lúc 53 tuổi. (Viết theo lời kể lại của chị Trần Lệ Hà).
Cảm ơn đồng nghiệp Patrice Trần Văn Mãnh đã ghi lại những kỷ niệm , gợi lại trí nhớ tôi khi là “lính vnch vãng lai vài năm” , cư ngụ tại Thành 18 .
ThíchThích
Dạ cám ơn anh Trương Đình Liêm đã đọc bài và có nhận xét.
ThíchThích