CHƯƠNG 21 : VINH QUANG CỦA ASSYRIA
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Thời trị vì của Ashurbanipal, như thời trị vì của Hammurabi, là một thời kỳ trọng đại trong lịch sử Iraq cổ đại và cần phải tạm dừng lại để xem xét. Đã mô tả dài dòng đế chế Assyria được thành lập như thế nào, sẽ là hợp lý khi giờ đây chúng ta cần nên xem xét những gì xảy ra đằng sau tiền cảnh của chiến tranh và các động thái ngoại giao. Chẳng hạn, đâu là cấu trúc xã hội và kinh tế của đơn vị chính trị rộng lớn này, ôm trọn vùng Lưỡi Liềm Màu Mỡ và vươn dài – ít ra trong lúc này – từ Biển Caspian đến thung lũng sông Nile? Đâu là các hàng hóa, tuyến đường và quy mô của mậu dịch nội và ngoại? Ràng buộc nào liên kết trong thời bình Nineveh với các bang chư hầu? Sự thống trị của Assyria có tác động gì lên đời sống tình thần và vật chất của người Babylon, Syria, Iran và các dân tộc thần dân khác và lên cuộc sống của chính người Assyria? Tóm lại, đế chế Assyria là gì?
Câu hỏi cực kỳ khó trả lời này có thể trả lời được nếu đế chế Assyria được am hiểu hoàn toàn với đầy đủ chi tiết, nhưng việc này đòi hỏi nhiều tư liệu hơn có sẵn hiện giờ. Các lĩnh vực ngoại vi, đặc biệt, thì nghèo nàn tư liệu, vì rất ít trung tâm hành chính Assyria ở Syria, Phoenicia, Anatolia, Armenia và Iran đã được khai quật, hoặc thậm chí định vị trên bản đồ. Hiện giờ, khối thông tin đồ sộ của chúng ta đến từ các thư khố nhà nước tại Assur, Nineveh và Kalhu và từ các tài liệu chính thức hoặc riêng tư khác nhau được tìm thấy trong một ít thành phố khác của chính Assyria và Babylonia. Dù nhiều và thú vị, các văn bản chỉ cung cấp những cái nhìn lướt qua bất chợt tại các tỉnh lỵ xa xôi, và, thậm chí đối với trái tim của đế chế, kiến thức mà chúng ta thu được từ chúng về các chủ đề như điều kiện xã hội và kinh tế, thuê đất và mậu dịch trong nước, chẳng hạn, vẫn rất hạn chế và đầy những lỗ hổng hoặc đáng ngờ. Xét chung, các chủ đề chúng ta được thông tin tốt nhất là nhà vua và triều đình, bộ phận hành chính trung ương và vùng miền, quân đội và, tất nhiên, nghệ thuật, và vì các chủ đề này, suy cho cùng, tạo nên các thành tố chủ chốt của sức mạnh đã biến mất và vinh quang còn tồn tại của Assyria, nên chính trên các chủ đề này mà chúng ta nên tập trung. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ nhờ đến thư viện lừng danh của Ashurbanipal để mô tả trình độ mà các ngành khoa học khác nhau của Mesopotamia trong thế kỷ 7 TCN đạt được. Làm được như vậy chúng ta hy vọng xoá đi ấn tượng dễ gây ra khi đọc toàn là các ghi chép về cuộc chiến vô tận: sẽ hoàn toàn sai lầm khi xem như một bầy sói một dân tộc thông minh, thường có trình độ văn minh cao và ít khát máu hơn là khao khát sự hiểu biết và văn hóa.
Nhà Nước Assyria
‘Vua vĩ đại, vua hùng mạnh, vua của Vũ Trụ, vua của xứ Assur’, còn người ngồi trên ngai vàng tại Nineveh hiện thân mọi quyền lực bao trùm của một quốc gia săn mồi và nắm lấy những trọng trách tôn giáo và chính quyền cao nhất. Các viên chức phò tá ông, các thống đốc tỉnh luôn tuân theo mệnh lệnh ông, các đại sứ chuyển tải thông điệp của ông không phải là các người trợ thủ mà chỉ là các ‘tôi tớ’. Về nhiều phương diện nhà vua chính là nhà nước. Vậy mà sự khác biệt giữa một Ashurbanipal, chủ nhân tối thượng của hàng triệu người, và vị ensi của một thành bang Sumer buổi đầu, vốn cai trị chỉ một vài mẫu đất, lệ thuộc vào mức độ quyền hành của họ, chứ không phải về bản chất của nó, và một cách lý tưởng Vua của Assyria chỉ là một con người được chọn ra trong số những người khác để hành động theo ý chí của thần linh cho lợi ích của bá tánh. Ông ta là đại diện và công cụ của Ashur trên trần thế, cũng như Gudea của Lagash là đại diện và công cụ của Ningirsu. Thật ra, trước khi Shamshi-Adad I vào thế kỷ 18 TCN lấy tước hiệu ‘vua’ (sharrum) tất cả các nhà cai trị buổi đầu của Assyria tự xưng mình là ishakkum (= ensi) của thần Ashur, và cách gọi này vẫn duy trì một thời gian dài trong danh sách dài các vương hiệu Assyria.
Nguyên tắc thần linh tuyển cử đã quá cổ và quá lý thuyết để có thể được tra vấn, nhưng một nguyên tắc hợp tác, ắt hẳn có nguồn gốc từ các thời kỳ khi nhà vua Assyria ‘sống trong các lều trại’ và chỉ là một tộc trưởng trong số các tộc trưởng, lý giải đồng thời hệ thống limmu – theo đó các chức sắc cao cấp lấy tên mình đặt tên cho các năm trị vì – và tính không ổn định tương đối của vương triều. Nhà vua chọn người kế vị trong số các con trai, vậy mà sự lựa chọn của ông ta – dù được viện dẫn là do Ashur cổ vũ và được Sin và Shamash khẳng định qua các sấm truyền – phải được sự hậu thuẫn của các thành viên hoàng gia khác và của giới quý tộc đế chế, và nền hòa bình của vương quốc phụ thuộc vào việc họ có công nhận hay là không. Cách mạng cung đình, như chúng ta đã biết, xảy ra tiếp sau sự trị vì của Ashur-nirâri V và Sennacherib chủ yếu là do sự ganh tị giữa các anh em và do vài quan chức cao cấp hậu thuẫn các hoàng tử khác hơn là người mà nhà vua chỉ định. Tuy nhiên, xét chung, hệ thống cha truyền con nối được tôn trọng, và trong các bảng khắc vài quân vương Assyria tỏ ra vô cùng hãnh diện với dòng dõi tiên vương dài kế vị nối tiếp nhau đi ngược về, trong một số trường hop, đến vị anh hùng thần thoại Adapa.
Một khi đã được chọn, thế tử rời cung điện của vua cha và bước vào bît redûti, tức ‘Nhà Kế Nghiệp’, toạ lạc tại Tarbisu (Sherif Khan ngày nay) trên bờ sông Tigris, cách Nineveh vài dặm về phía thượng lưu. Tại đó anh được chuẩn bị cho các chức năng vương trị và dần dần được giao phó các nhiệm vụ quân sự và hành chính quan trọng, trong đó có việc thay thế vua đứng đầu nhà nước trong thời chiến. Một số thế tử nhận được một nền giáo dục toàn diện. Ashurbanipal, chẳng hạn, mô tả việc rèn luyện học vấn và quân sự của mình như sau:
‘Nghệ thuật của Đại Sư Adapa ta đã thụ đắc: kho báu ẩn dấu của mọi tuyệt học, các dấu hiệu của trời và đất (thiên văn và địa lý)… và ta đã nghiên cứu thiên văn với các bậc thầy thông thái về thuật bói toán dựa vào vết dầu loang; ta đã giải các bài toán chia và nhân gian nan, thật không dễ dàng; ta đã nghiền ngẫm văn phẩm Sumer và Akkad uyên áo, rất khó làm chủ, tìm vui trong việc xem xét các tảng đâ để dự đoán lũ lụt … Đây là thời khóa trong một ngày của ta: ta leo lên lưng ngựa, và phi nhanh một cách vui vẻ, ta đi đến trại săn. Ta giương cung, ta bắn tên, dấu hiệu của lòng dũng cảm của ta. Ta ném những cây trường thương nặng như ném một chiếc lao. Giữ cương ngựa khéo léo như một người đánh xe, ta khiến bánh xe quay tít. Ta học cách cầm aritu và các tấm khiêng kababu như một cung thủ trang bị nặng … Đồng thời ta học các nghi thức hoàng gia, bước đi theo kiểu vuơng giả. Ta đứng trước mặt vua cha, người sinh thành ra ta, ra lệnh cho các quý tộc. Không được sự đồng ý của ta, không thống đốc nào được bổ nhiệm; không quận trưởng nào nhậm chức trong khi ta vắng mặt.’
Khi nhà vua băng hà, mọi người Assyria đều than khóc, ông được an táng không ở Nineveh hay Kalhu, mà ở cố đô cổ nhất của vương quốc, Assur, nơi năm áo quan nặng bằng đá đã từng chứa các thi thể của Ashur-bêl-kala, Ashurnasirpal, Shamshi-Adad V, và có thể cả Sennacherib và bà vợ của Esarhaddon, Esharhamat, nhưng đã bị cướp mộ vào thời cổ đại, được tìm thấy trong các phòng có vòm bên dưới Cung điện Cổ. Một bảng chữ được phổ biến gần đây chỉ ra rằng thi thể các vì vua quá cố chắc chắn nổi trong dầu chứa trong áo quan của họ. Người ta nghĩ ngay đến các kho báu chứa trong lăng mộ hoàng gia qua một phát hiện gây sửng sốt tại Nimrud vào năm 1989 bởi một đội khảo cổ Iraq. Tại đó, dưới nền của gian nội cung Ashurnasirpal là ba lăng mộ vẫn chưa bị trộm. Một lăng mộ chứa một bộ xương đàn ông kèm theo không ít hơn 200 món trang sức bằng vàng. Trong một ngôi mộ khác là hai phụ nữ, được nhận diện phỏng đoán là Taliya, vợ của Sargon II, và Yaba, ắt hẳn là người phối ngẫu của Shalmaneser V. Theo một báo cáo đáng tin cậy nhất, lăng mộ này chứa khoảng 200 món nữ trang vàng, như vòng cổ, bông tai, nhẫn, vòng tay, vòng chân và dây thắt y phục, cũng như hàng trăm món trang trí quần áo nhỏ bằng vàng và ba bát bằng vàng khối. Cần phải bổ sung một hộp bằng ngà, một gương bằng đồng và ngà và hai bình bằng đá tuyết hoa với vết tích của thức ăn cho kiếp sau. Lăng mộ thứ ba là của bà vợ Ashurnasirpal, Mulisu, nhưng áo quan lớn bằng đá đặt ở giữa phòng trống trơn, gợi ý thi thể của hoàng hậu đã được chuyển đi nơi khác. Vậy mà 440 món kim hoàn, trong đó có một vương miện, được tìm thấy trong ba hòm đồng bao quanh là tàn tích của vài bộ xương. Tổng trọng lượng vàng tím thắy trong ba ngôi mộ này ước tính 57 kí, nhưng giá trị thực sự của đồ tùy táng này nằm trong vẻ đẹp của chúng, một cuộc hôn phối hấp dẫn giữa vàng với ngà, đá tuyết hoa, thủy tinh và các đá màu bán quý và kỹ năng chế tác điêu luyện: trong một số món chạm lộng vài sợi chỉ vàng quá mảnh đến nỗi chỉ có thể được quan sát bằng kính lúp mới thấy rõ chi tiết. Vài cuộc khai quật tiếp theo đang được lên kế hoạch nhằm tìm kiếm thêm các lăng mộ thì Cuộc Chiến Vùng Vịnh bùng nổ.
Lễ đăng quang theo sau đám tang hoàng gia chỉ một quãng thời gian ngắn và tổ chức ở Assur. Đó là một nghi thức đơn giản. Được khiêng trên một chiếc ngai và đi trước là một thầy tế miệng hô vang ‘Ashur là vua! Ashur là vua!’, thế tử đi tới Ekur, đền thờ của vị thần chủ . Ông buớc vào điện thờ, dâng lên một bát vàng chứa đầy dầu, một bình bạc và một bộ y phục may thêu rực rỡ. Nằm xấp trước tượng thần, ông được thầy trưởng tế xức dầu và trao biểu tượng của vương quyền: ‘vương miện của Ashur và vương trượng của Ninlil, trong khi những lời sau được xướng lên:
‘Vương miện trên đầu người – cầu xin Ashur và Ninlil, chúa tể của vương miện, đội trên đầu người cho đến 100 năm.
Chân người ở Ekur và tay người vươn dài đến Ashur, thần linh của người – cầu xin chúng được ban ân.
Trước Ashur, thần linh của người, cầu xin tăng lữ của người và con trai người được ban ân.
Với vương trượng của người hãy mở rộng lãnh thổ người.
Cầu xin Ashur ban cho người toại nguyện, công chính và yên bình.
Sau đó nhà vua tiến về hoàng cung, tại đó giới quý tộc và triều thần đãnh lễ và từ bỏ các huy hiệu chức vụ của mình. Trong đa số trường hợp việc này chỉ có tính tượng trưng, mang ý nghĩa nhắc nhở những người hiện diện là họ chỉ là tôi tớ của nhà vua và có thể bị bãi chức bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể giả định một cách an toàn là buổi lễ kết thúc bằng một lễ hội vui chơi công cộng tưng bừng.
Vua Assyria trị vì không khác các quân vương Mesopotamia khác, mặc dù các văn thư nhà nước cho thấy các chính quyền địa phương được chủ động sáng kiến nhiều hơn, chẳng hạn, vào thời Hammurabi. Ngày qua ngày ông được báo cáo về mọi vấn đề quan trọng nảy sinh trong đế chế và tại các xứ ngoại bang; ông ra lệnh và cố vấn, bổ nhiệm các quan chức hành pháp, giải quyết khiếu nại, tiếp đón và chiêu đãi các quan chức cao cấp và sứ thần nước ngoài, và trao đổi khối lượng thư từ khổng lồ với sự giúp đỡ của một đội quân thư ký. Là tỏng tư lệnh quân đội, ông vạch ra những kế hoạch cho các chiến dịch quân sự, thanh sát binh sĩ và thường đích thân điều hành cuộc chiến. Rời chiến trường ông phô trưởng lòng can trường và thiện xảo của mình trong việc săn bắn thú rừng bằng cung tên trên chiến mã xa, hoặc chiến đấu với sư tử bằng giáo trong sân cung điện. Giải quyết hành chính, tiếp tân, săn bắn, các hoạt động này có thể so sánh với hoạt động của một nguyên thủ quốc gia ngày nay nhưng với sự kiện Vua Assyria cũng là một thầy tế và như thế ông trở thành nô lệ cho một hệ thống phức tạp các nghi thức tôn giáo thần bí chiếm nhiều thời gian và góp thêm gánh nặng cho nhiệm vụ thường ngày của mình. Là bậc tôi tớ thứ nhất của các đấng thần linh và đứng đầu giới tăng lữ, ông có nhiệm vụ xây dựng hoặc bảo dưỡng đền thờ, bổ nhiệm một số giáo sĩ và đóng vai trò chủ đạo trong các nghi lễ tôn giáo chính ở Assyria và Babylonia, cũng như Lễ Tân Nguyệt và Lễ Tân Niên, cũng như trong một vài nghi thức dường như được đặt riêng cho ông, đặc biệt nghị thức tâkultu (‘ẩm thực’) – một buổi tiệc cúng tất cả thần linh để đổi lấy sự hộ trì của các ngài – và nghi thức bit rimki (‘nhà tắm’) – hoàng gia thanh tẩy giữa những lời cầu nguyện gửi đến các vị thần khác nhau. Là đại diện của dân tộc minh, nhà vua được ‘vận dụng như một loại bùa chú – hoặc ông trở thành con dê tế thần bị kết tội trước các thần linh vì các tội lỗi của cộng đồng’ Ông thỉnh thoảng buộc phải tiết thực, cạo đầu theo nghi thức hoặc các hình thức nhục nhã khác, và khi điềm triệu cực kỳ xấu cho Assyria ông chỉ thoát chết qua hình thức tránh né bằng việc thế thân. Chúng ta đã gặp trường hợp tập tục Mesopotamia kỳ lạ này được áp dụng trong thời kỳ Isin-Larsa, trong đó một thợ làm vườn thế mạng vua rồi vua bất ngờ chết thật và y nhất quyết đòi làm vua thật. Một bức thư được viết trong thời trị vì của Ashurbani-pal nhắc đến một trường hợp tương tự: chuyện là để cứu sống Shamash-shum-ukin một gã Damqi nào đó, con của quan giám sát Akkad, đã được chọn bởi một nữ tiên tri khi lên đồng, được kết hôn với một phu nhân trong triều và bị hành hình cùng với vợ mình sau một thời gian ‘trị vì’ ngắn ngủi. Đây chỉ là trường hợp cực kỳ hiếm được vận dụng theo một tín ngưỡng đã ăn sâu. Người Mesopotamia tín rằng thần linh thể hiện ý nguyện của mình theo nhiều cách nên họ liên tục theo dõi các dấu hiệu và điềm báo. Hoặc là nó dựa trên cách chuyển dịch của các ngôi sao và hành tinh, các giải đoán mộng và các hiện tượng thiên nhiên, cấu hình của gan cừu thiêng, cách chim bay, sự ra đời các quái vật, các dạng tạo hình khi nhểu một giọt dầu vào nước, hoặc hình dạng lửa cháy, việc bói toán ở Assyria là một ‘khoa học’ phát triển cao và chính thức. Nhà vua được cảnh báo đúng lúc, bằng miệng hoặc thư, về những điềm triệu lành hay dữ, và không có quyết định nào được đưa ra mà không tham vấn giáo sĩ bói toán hoặc nhà chiêm tinh hoàng triều. Sau đây là hai ví dụ rút ra từ thư từ hoàng gia.
Bêl-ushezib viết cho Vua Esarhaddon:
- Khi một vì sao chiếu sáng rực như một ngọn đuốc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn thì mờ đi, đó là điềm quân đội của kẻ thù sẽ tấn công bằng vũ lực.
- Khi gió nam nổi lên thình lình và tiếp tục mạnh thêm, mạnh thêm nữa cho đến khi thành bão – một ngày của sự hủy diệt – thế thì ông hoàng, dù đang đi trong chiến dịch nào, cũng sẽ thu được của cải.
Thư Zakir gửi Vua Ashurbanipal:
Vào ngày 15 tháng Tebet, vào nửa đêm về sáng, xảy ra nguyệt thực. Nguyệt thực bắt đầu tại phía đông rồi quay sang tây. Sẽ có rối rắm trong lãnh thổ Amurru (Assyria) và các lãnh đia của nó sẽ làm hại nó. Rắc rối xảy ra là lỗi của Vua Amurru và đất nước của ngài vì đã cho phép kẻ thù của nhà vua, chúa tể của tôi, ở trong lãnh thổ của Amurru. Nhà vua, chúa tể của tôi, hãy làm những gì ngài muốn. Bàn tay của nhà vua, chúa tể của tôi, sẽ bắt được hắn. Nhà vua sẽ hoàn toàn đánh bại hắn.
Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Assyria là do mê tín quyết định, khi những gi chúng ta biết về lịch sử của nó đều mang dấu ấn của hiện thực. Các chiêm tinh gia và bốc sư chỉ cho nhà vua một tập hợp tổng quát các tình huống theo đó nhà vua cảm thấy tự do ‘làm gì ngài muốn’, và thậm chí có trường hợp ông hỏi xin điềm triệu vài lần liên tiếp đến khi có được điềm thích hợp cho kế hoạch của mình.
Để điều hành một đế chế rộng lớn Vua Assyria trông cậy vào bộ máy hành chính có thể so sánh với bộ máy hành chính của đế chế Ottoman (kể cả các hoạn quan), nhưng chắc chắn hiệu quả hơn nhiều. Chung quanh ông là các quan chức cao cấp, như turtânu (tổng tư lệnh), rab shaqê (tiếp tửu trưởng), nâgir ekalli (thư ký hoàng cung), abarakku (giám sát) và sukallu dannu (tổng quản), không kể các quan chức nhỏ hơn chăm sóc hoàng cung, chuồng ngựa và nhà kho. Những người mang các chức vụ được tôn quý này không phải là những người thừa hành theo nghĩa hiện nay. Ngoại trừ chức vụ turtânu, chúng dường như có chức năng chủ yếu như các cố vấn và thi hành các nhiệm vụ khác nhau khi tình huống đòi hỏi, kể cả chính quyền tỉnh lỵ. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh lỵ thường được giao phó cho các quan chức cao cấp khác mà chúng ta đã gặp dưới thời Tiglath-pileser III, và chúng ta tìm gặp ở đây những chức năng được xác định rõ ràng và một tổ chức có cấu trúc vững chắc hơn, bởi vì dưới các thống đốc tỉnh (bêl pihâti orshaknu) là quận trưởg (rab alâni (‘xếp thị trấn’) và dưới nữa là ‘thị trưởng’ (hazannu),và Hội đồng Bô Lão của thị trấn hoặc làng xã. Các quan chức cao cấp hơn cư ngụ trong các dinh thự ở thị xã hoặc dinh tỉnh. Họ có triều đình riêng và lãnh thổ riêng, thuê mướn hàng trăm nhân công và nô lệ và có thể lập các đạo quân riêng nếu muốn. Hùng mạnh và giàu có họ có thể đe doạ vương triều – như từng đã làm trong quá khứ – nếu nhà vua không kềm giữ họ bằng cách sử dụng pha trộn giữa răn đe và ban thưởng: răn đe để họ không dám phá vỡ lời thề trung thành (adû) mà họ đã tuyên thệ và sợ bị bãi chức hoặc thậm chí hành hình (mặc dù không có chứng cứ hình phạt thể xác đã từng được áp dụng đối với họ), và ban thưởng dưới hình thức phong tặng ruộng đất hoàng gia, phân chia chiến lợi phẩm và được chia tiền thuế bội thu đánh vào Assyria và các xứ chư hầu. Để thêm an toàn một số chức vụ được chia ra, chẳng hạn, dưới triều vua Sennacherib có chức turtânu ‘bên hữu’ và ’ và chức turtânu ‘bên tả’.
Một cách kiếm soát khác được nhà vua áp đặt lên các thành phố lớn của đế chế và giới tăng lữ, bói toán, thư ký, y sĩ, thợ thủ công và nghệ nhân, như giới trí thức, thỉnh thoảng hãy gây rối. Họ cũng đã tuyên thệ adû và có thể bị trừng trị nghiêm khắc nếu phản loạn, nhưng họ là đối tượng quan tâm và ưu ái của vương triều. Chính cho giới ‘tiểu tư sản’ đô thị này mà Sargon đã giải thích về chiến dịch lớn của mình ở Kurdistan, và một số thành phố, như Adsur, họ được hưởng gần như tự do hoàn toàn trong khi các thành phố khác, thậm chí ở Babylonia, họ được miễn thuế, miễn đóng lệ phí và miễn làm dịch vụ công ích.
Do các thuật ngữ không chính xác và sự khan hiếm tương đối tài liệu, các điều kiện kinh tế trong đế chế Assyria vẫn còn chưa hoàn toàn biết rõ. Cơ bản của kinh tế, lúc nào cũng vậy, là nông nghiệp, kỹ nghệ rút lại chỉ là các hãng xưởng mỹ nghệ quanh thành phố. Về lý thuyết, mọi đất đai thuộc về nhà vua, và đúng là nhà vua sở hữu nhiều đất đai và đất được giao cho nông dân làm thuê cho mình hoặc cho bọn thi hành nghĩa quân dịch, nhưng từ điều tra dân số phát hiện tại Harran và từ những hợp đồng mua bán đất chúng ta biết rằng tồn tại các điền chủ tư nhân nhỏ và các điền trang khá lớn thuộc về hoàng gia hoặc đền thờ, hoặc do các quan chức cao cấp tậu được. Về mậu dịch trong nước chúng ta gần như không biết gì, ắt hẳn bởi vì từ thế kỷ 8 trở đi hầu hết các giao dịch thương mại đều được viết bằng tiếng Aramaic trên giấy da hoặc giấy cói và vì vậy đã bị hư hủy.
Được nhà vua cổ vũ, mậu dịch với nước ngoài phát triển, với Ai Cập, các xứ vùng Vịnh qua ngõ Dilmun và vùng Aegea được các thuyền buôn Phoenicia lui tới. Hàng hóa phần lớn được trao đổi với kim loại và các thứ khan hiếm như bông vải, vải xơ, thuốc nhuộm, các loại đá quý và ngà voi. Cần chú ý rằng các cuộc chính phục lãnh thổ đã cho.phép người Assyria tự do đến các mỏ sắt ở Lebanon và mỏ bạc ở Anatolia. Bạc được dùng để thanh toán trong mọi giao dịch. Thuế được đánh trên hàng hóa ghé qua đế chế.
Dân số Assyria được phân chia làm ba hạng: người tự do (dù địa vị xã hội của họ như thế nào và kể cả người du cư), người lệ thuộc vào Nhà nước hoặc vào các điền chủ giàu có (từ mushkênu được sử dụng trong một số văn bản) và ‘nô lệ’ bị chiêu nạp trong các gia đình thiếu nợ và các tù binh, nhưng nô lệ cũng hưởng các quyền pháp lý và có thể vươn lên nắm giữ vác chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính. Để chỉ dân cư của xứ sở mình các viên chức Assyria chỉ sử dụng các từ mơ hồ như nishê (‘dân chúng’), napshâti(‘con người’) và ardâni (‘tôi tớ’) mà không phân biệt chức vị, chức năng hoặc nghề nghiệp. Điều này gợi ý rằng trong mắt viên chức hành chính toàn bộ dân chúng của đế chế được coi như một khối người hoàn toàn nằm dưới sự sai khiến của nhà vua (dullu sharri), một sự sai khiến không chỉ gồm những công việc lao dịch cho các công trình công cộng mà còn tham gia vào một bộ máy được coi là ‘ngành kỹ nghệ quốc gia’: chiến tranh.
Quân đội Assyria
Được triệu tập gần như mỗi năm trong suốt ba thế kỷ, xua đi từ những ngọn núi phủ tuyết ở Armenia và Iran cho đến các đầm lầy ở vùng Biển-Đất và sa mạc cát nóng ở Ai Cập, không biết mệt mỏi và gần như chưa hề biết thảm bại, quân đội là công cụ không có đối thủ của sức mạnh Assyria. Như đội hình pha-lăng của Macedonia và binh đoàn La Mã, bí quyết thành công của quân đội Assyria là phẩm chất của binh sĩ, tính ưu việt của vũ khi và, như chúng ta có thể tưởng tượng, tính kỷ luật sắt của nó.
Thuở đầu, Quân đội Assyria được chiêu mộ từ giới nông dân ở bắc Iraq, một chủng tộc pha trộn giữa chiến binh bẩm sinh kết hợp tính gan lì của dân du mục với sự nhẫn nại của nông dân và tính lì lợm của dân miền núi.
Tuy nhiên, từ thời trị vì của Tiglathpileser III, có ba loại lính có thể gọi là lính chuyên nghiệp, lính nghĩa vụ và lính dự bị. Lính chuyên nghiệp, được tuyển chọn, tuyển mộ và đóng quân tại các thành phố chính của Assyria và trong các tỉnh của đế chế, tạo thành lực lượng vũ trang thường trực hay chính quy (kisir sharruti). Một số họ là người gốc Assyria nhưng đa số đến từ các xứ sở độc lập trước kia như Babylonia hoặc các vương quốc Syria. Người Aramaea chiếm đa số, và trong số đó các bộ tộc Itusi’ và Guraya cung cấp nhiều đạo quân xung kích lừng lẫy. Cũng có các đạo binh hỗ trợ trong số dân Medes, Cimmeria, Ả Rập và thậm chí người Elam. Một số đơn vị được tuyển chọn trong lực lượng chính quy tạo thành đội cận vệ ngự lâm. Đến lượt lính nghĩa vụ có thể phân làm hai nhóm: lính của vua (sabê sharri) thường là các chàng trai trẻ được tạm thời động viên để hoàn thành nghĩa vụ ilku của họ. Họ cũng được tuyển mộ trên khắp đế chế và từ mọi thành phần xã hội; họ nhận khẩu phần hàng ngày và đợi, tại nhà hay trong doanh trại, để được triệu tập, nếu cần, cho chiến dịch. Lính dự bị (sha kutalli, nghĩa đen là ‘người ở phía sau’) là những người sẵn sàng bị động viên bất cứ khi nào cần đến, để thay thế số tổn thất, chẳng hạn. Cuối cùng, mọi đàn ông đều có thể bị gọi vào lính, ngoài những binh chủng kể trên, trong trường hợp chiến tranh kéo dài hoặc cực kỳ khốc liệt. Trong một số cuộc chiến, như trong cuộc viễn chinh Ai Cập, Vua Assyria phải yêu cầu các chư hầu của mình đưa lực lượng vũ trang của họ cho mình điều động.
Hệ thống tuyển quân phức tạp này có lợi thế to lớn. Thứ nhất, có binh sĩ tại mọi nơi trên đế chế, sẵn sàng dập tắt một vụ nổi loạn địa phương hoặc đẩy lùi một cuộc tấn công bất ngờ trên biên giới Assyria. Thứ hai, sự hiện diện của một đạo quân chính quy thường trực khiến có thể tổ chức nhanh chóng các lực lượng cần cho một chiến dịch quân sự quy mô và tiến hành các cuộc chiến kéo dài, trong khi với hệ thống cũ một số chiến dịch phải bị rút ngắn để các chiến sĩ có thể tiếp tục các hoạt động nông nghiệp vào đúng thời vụ. Chúng ta phải nói thêm rằng quân đội Assyria thừa hưởng những lợi thế chủ yếu khác, đáng kể là một hệ thống liên lạc được tổ chức hiệu quả gồm đội truyền tin nhanh chóng hoặc đôi khi lửa hiệu, và một hê thống an ninh và gián điệp nhà nước có thể so sánh ngang ngửa với các quốc gia hiện đại.
Mặc dù có cả một gia tài các ghi chép quân sự còn sống sót, điều ngạc nhiên là chúng ta lại biết rất ít về quy mô, tổ chức và các chiến thuật của Quân đội. Số binh lính tham gia chiến dịch rất hiếm khi được cho biết – Ashurnasirpal có lần đề cập đến 50,000 quân; tại trận đánh Qarqar, Shalmaneser III dàn 120,000 quân đánh với 70,000 quân địch – và nếu tổn thất của địch thường được thổi phồng một cách thô thiển, thì thương vong của bình lính Assyria thực sự chưa hề được đề cập đến. Nếu một ước tính tổng số được yêu cầu , chúng tôi bạo dạn đoán rằng trong thế kỷ 7 TCN Vua Assyria trong một hoàn cảnh phải động viên một quân đội từ 400,000 đến 500,000 quân, không kể lực lượng dự bị. Có một số lỗ hổng trong kiến thức chúng ta về hệ thống quân hàm: từ bậc turtânu và rab shaqê (thường được coi là phó của tổng tư lệnh) chúng ta hầu như sụt xuống đến cấp bậc ‘đội trưởng 70’ và ‘đội trưởng 50). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng có các cấp bậc khác nhau trong giới sĩ quan kỵ binh, chẳng hạn, vệ sĩ của vua ‘người-dao găm’, và các đơn vị khác có chức ‘đại tá’. Các trận đánh đều được mô tả mơ hồ như nhau, mặc dù từ ngữ thì đầy màu sắc, khiến chúng ta mù tịt về chiến thuật được áp dụng, và chỉ trường hợp hiếm hoi chúng ta mới tìm được các tham chiếu về các vụ phục kích và tấn công bất ngờ. Xét chung, nguồn thông tin chủ yếu chúng ta vẫn chỉ là vô số cảnh tượng đánh nhau được điêu khắc trên bia đá trong cung điện ở Nimrud, Khorsabad và Nineveh hoặc trên các cổng đồng ở Balawat. Bộ binh được mô tả thành hai loại: bộ binh nhẹ (cung thủ và linh bắn ná) và bộ binh nặng (lính cầm thương). Bộ binh nhẹ mặc áo chẽn ngắn và không mang vũ khí phòng thân, trong khi lính cầm thương được che chắn bằng áo giáp và một tấm khiêng tròn hay hình thuôn, đôi khi cao hơn người họ. Lính bắn ná, theo quy luật, để đầu trần, nhưng cung thủ và lính cầm thương đội mũ sắt hình nón, hoặc, hiếm hơn, mũ có mào giống lính Hy Lạp. Ngoài các vũ khí khác biệt, binh sĩ nào cũng mang kiếm ngắn, dao găm hoặc rìu. Tất cả bọn họ, ít nhất từ thời Tiglathpileser III, mang giày ống thắt dây phía trước . Kỵ binh mặc ‘quân phục’ tương tự và trang bị cung nhỏ và giáo dài. Họ phi ngựa không yên hoặc bàn đạp, nhưng vào cuối thời hậu duệ Sargon ngựa được phủ giáp, vì vậy cả người và ngựa giống một cách kỳ lạ với kỵ sĩ trung cổ. Loại binh sĩ thứ ba chiến đấu trên các chiến mã xa hai bánh, nhẹ có hai hay ba ngựa kéo, mỗi chiến mã xa chở ba đến bốn người: một người lái, một hay hai cung thủ và hai người cầm khiêng. Các tôi tớ nam hay nữ, cùng những xe ngựa chất nặng quân nhu và hành lý đi theo Quân đội trong chiến dịch. Qua sông hoặc bằng thuyền bình thường hoặc bằng bè lau sậy bịt kín bằng nhựa đường (bitumen, qûfa của người Ả Rập, còn được sử dụng trên Thượng lưu Tigris), hoặc trên các túi da dê thổi phồng.
Một trong những lợi thế chính yếu của Quân đội Assyria là các thiết bị vây hãm hiệu quả. Nhiều thị trấn, đặc biệt ở Armenia và Suria, được củng cố vững chắc, và đánh chiếm chúng là nhiệm vụ không tầm thường. Nhưng Quân đội có chuẩn bị một bộ phận quan trọng gồm các kỹ sư công bình để lấp các thành hào, đắp đất vào bờ thành lũy và đào hầm xuyên ngầm dưới tường, trong khi bình sĩ tấn công bắn tên từ các tháp gỗ cố định hoặc lưu động, hoặc húc vào cổng hoặc tường thành bằng những trụ cột húc và tiến lên dưới sự che chắn của các tấm khiêng lớn. Địch trên tường thành bị vây hãm ra sức kháng cự bằng cách đổ dầu sôi và và bắn tên lửa vào các chiến cụ địch hoặc quấn các trụ húc bằng dây xích. Đợt tấn công cuối cùng được tiến hành khi tường thành hay cổng thành bị phá vỡ hoặc binh lính trèo thang dựng lên tường thành và nhảy qua được tường thành với đủ số lượng làm thay đổi cục diện. Một khi thị trấn đã bị chiếm và cướp bóc, dân cư bị tàn sát hoặc bị bắt, thị trấn sẽ bị phóng hỏa, phá hủy hoặc san bằng, hoặc củng cố lại, tùy thuộc vào lợi ích chiến lược.
Chiến tranh là một đối tượng của niềm tự hào vô hạn của các quân vương Assyria, các nhà điêu khắc chính thức đã mô tả nó trong mọi tình huống nhiều lần vói nhiều chi tiết phong phú. Nhiều hình chạm nổi, hiển nhiên là để minh họa văn bản chữ viết chạy vô tận trên các bảng trang trí viền duới chân tường, trên bia ký, trên cự thạch, trên vách núi và các bức tượng, mô tả cảnh bình sĩ tuần hành, chiến đấu, cướp bóc, giật sập tường thành và dẫn giải tù binh. Trong các loạt ghi chép quân sự bằng hình này vốn không có tương tự ở bất kỳ xứ sở nào, trong số những cảnh phơi bày nỗi hãi hùng gần như đơn điệu phải được để riêng qua một bên một số hình chạm nổi không có văn bản đi kèm, cho thấy binh lính đang nghỉ ngơi trong doanh trại và dưới lều của họ, săn sóc ngựa chiến, giết mổ gia súc, nấu nướng, ăn uống, tham gia các trò chơi và nhảy nhót. Những cảnh tượng nhỏ này dạt dào sức sống góp vào thảm kịch của chiến tranh nét chấm phá nhân văn tươi mát. Qua tên sát thủ không thương tiếc của ngày xưa bỗng hiện lên một nhân vật thân thiết và vui tinh: hàng ngũ binh sĩ hèn mọn, giản dị, hồn nhiên của mọi quân đội, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thế tử Shalmaneser III tấn công một thành phố
Cung thủ Assyria tấn công một thành phố
Quân đội Assyria vây hãm một thành phố
Assyria tàn sát kẻ thù
Tù binh và chiến lợi phẩm
Các ngành Nghệ Thuật Assyria
Quân đội Assyria đã biến mất từ lâu, đã tháo chạy và bị tiêu diệt trong đại thảm họa của những năm 614-609 TCN, nhưng các đài tưởng niệm của nghệ thuật Assyria đã may thay sống sót, ấn tượng về chất lượng cũng không kém hơn về số lượng.
Kể từ khi những bức tượng đá khổng lồ ‘mà đôi mắt băng giá đã nhìn ngắm Nineveh’ đến được châu Âu lần đầu tiên, cách đây hơn 100 năm, cụm từ ‘nghệ thuật Assyria’ gợi nhắc đến điêu khắc và đặc biệt chạm nổi. Điêu khắc tượng được thể hiện nghèo nàn trên bờ sông Tigris trong thiên niên kỷ 1. Vì một lý do không rõ, các thủ phủ của Assyria cho rất ít tượng, và các tượng tốt nhất – như bức tượng Vua Ashurnasirpal ở Bảo tàng Anh – có phong cách quy ước, vô hồn và thấp kém về nhiều phương diện so với các tác phẩm của các bậc thầy Tân Sumer. Tranh chạm nổi, ngược lại, lúc nào cũng hấp dẫn, thường đạt đến vẻ đẹp chân thực và không nghi ngờ gì đại diện cho thành tựu ‘vĩ đại nhất và độc đáo nhất của người Assyria’.
Kỹ thuật chạm nổi gần như lâu đời như chính Mesopotamia, nhưng một thời gian dài nó chỉ dành cho bia ký dựng trong các đền thờ. Nó tìm được cách thể hiện đầu tiên của mình trong ‘bia săn bắn’ ở Warla (thời kỳ Uruk hoặc Jemdat Nasr) và được truyền qua các tuyệt tác như ‘Bia Kền kền” ở Eannatum và ‘Bia Chiến Thắng’ ở Narâm-Sin xuống đến các bia dựng nơi biên giới ở Kassite và Trung Babylonia. Người Assyria đi theo truyền thống với một ít đề tài tôn giáo (chẳng hạn tượng thần Ashur vị thần trồng trọt tại Bảo tàng Berlin), nhưng chẳng bao lâu ly khai với nó để tập trung vào việc thể hiện nhà vua. Các bia hoàng triều, thường được dựng trong các xứ bị chính phục để tưởng niệm các chiến thắng của Assyria, cùng lắm cũng chỉ là các nghệ phẩm tạm được, nổi bật vì giá trị lịch sử của nó hơn là chất lượng tạo tác. Các hình chạm nổi trên đá tấm, ngược lại, ắt hẳn có nguồn gốc nước ngoài. Ý tưởng áp dụng điêu khắc để trang trí các yếu tố kiến trúc dường như xuất phát ở Anatolia giữa những người Hittite, mà, ngay từ thiên niên kỷ thứ 2 TCN, đã trang trí các bức tường lâu đài họ bằng các đá tấm điêu khắc ốp dọc theo chân tường. Tại các ngọn đồi trong xứ sở mình người Assyria tìm thấy thừa thãi đá vôi, hơi xốp và dòn nhưng đủ dùng cho hầu hết mục đích, hoặc họ nhập khẩu những chất liệu tốt hơn từ nước ngoài. Họ sở hữu sức lao động vô giới hạn để khai thác đá và vận chuyển khối đá, và nhiều nghệ sĩ tuyệt vời để sáng tác, các thợ thủ công để thao tác dụng cụ đục đẻo. Họ công nhận phát minh của người Hittite và đưa nó lên một trình độ phi thường của sự thiện nghệ. Những tượng bò-người có cánh sống động và sư tử-người canh gác cổng cung điện và dường như bước ra từ cổng (hình dưới) được xử lý với một sự tỉnh táo hài hoà và chính xác đến từng chi tiết vô cùng độc đáo. Các phiến đá được điêu khắc chìm, viền quanh phòng và hành lang và được chế tác để được nhìn gần hơn, nổi bật vì tính cân bằng hoàn hảo của bố cục, tính sắc sảo của quan sát mà chúng hiển thị – nhất là khi chạm các động vật – và cảm giác của chuyển động lan tỏa chúng. Đây thực sự là ‘nghệ thuật bậc thầy’, vượt trội so với tất cả những gì thế giới đã sản sinh trong lĩnh vực này và chỉ đứng thứ hai sau điêu khắc Hy Lạp cổ điển.
Trong khi chúng ta không thể trình bày ở đây một bài phân tích vắn tắt về nghệ thuật chạm nổi của Assyria, chúng tôi sẽ nhấn mạnh tính độc đáo của hình thức nghệ thuật này khiến nó tách biệt với những sản phẩm tương tự của Cận Đông. Tất cả những đài tưởng niệm từ trước đến giờ sở hữu một ý nghĩa tôn giáo và xoay quanh, bằng cách này hay cách khác, các thần linh. Trong điêu khắc Assyria, tuy nhiên, chủ đề trung tâm thường là Vua – không phải một vị vua siêu nhiên trong chủ nghĩa anh hùng và trong kích cỡ như vua thần thánh của tín ngưỡng Ai Cập, nhưng là một vij vua phàm trần, mặc dù thống trị và cực kỳ dũng cảm. Hơn nữa, trong khi vua được miêu tả đi tuần hành, đi săn, nghỉ ngơi, tiếp kiến hoặc nhận đồ cống nạp, hoặc dẫn đầu binh sĩ ra trận, ông thực sự chưa hề được mô tả đang thi hành các chức năng tế lễ. Thần, bán thần, anh hùng cũng được thể hiện, nhưng các thần linh rõ ràng là vắng mặt – trừ ra trên điêu khắc vách đá – hoặc chỉ còn rút gọn thành biểu tượng: một ngọn giáo cắm trên áng thờ hoặc một đĩa có cánh trên bầu trời. Vì vương quyền ở Assyria cũng gắn chặt trong tôn giáo như ở Sumer hay Babylonia, chỉ có một cách lý giải duy nhất: các phiến đá điêu khắc trang trí trong cung chỉ là một hình thức tuyên truyền chính trị; có tính tường thuật không kém tính trang trí, chúng nhằm không phải để lấy lòng hoặc xoa dịu thần linh, mà để kêu gọi sự tôn kính, sự ngưỡng mộ và khiếp sợ cho con người. Từ một quan điểm tổng quát, tác phẩm của nhà điêu khắc Assyria xuất hiện như một trong những nỗ lực đầu tiên từng được thực hiện để ‘nhân văn hoá’ nghệ thuật và để tước khỏi nghệ thuật ý nghĩa thần bí hoặc tôn giáo truyền lại từ các thời đại tiền sử.
Từ lâu người ta biết rằng một số bức tượng và tranh chạm nổi được tô màu. Trái lại, các viên gạch sáng bóng màu sắc rực rỡ mang mô típ trang trí hoặc hình vẽ được sử dụng trong đền thờ và hoàng cung, tạo thành, theo một cách nào đó, một sự chuyển tiếp giữa tranh chạm nổi với tranh tường. Trên cơ sở các khai quật gần đây giờ ta có thể cho rằng các tranh tường trang trí các bức tường của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các dinh thự công quyền và của nhiều tư gia. Vì màu được tô trên lớp vôi mỏng manh, nó dần dần biến mất hết, nhưng ở Khorsabad, Nimrud và Mô gò Ahmar (Til-Barsip) những mảnh tróc lớn được tìm thấy đã được sao chép tại chỗ rồi gửi về các viện bảo tàng. Các tranh tường, như tranh chạm nổi, có nguồn cội sâu xa trong nước, và ít nhất là tại Assyria, ưa chuộng các đề tài phàm tục. Những đề tài này thay đổi tùy theo kích cỡ và chức năng của gian phòng. Chúng đi từ các bích họa đơn giản các kiểu dạng hình học đến các pa-nô công phu bao phủ gần hết mặt tường và kết hợp các mô típ hoa lá, động vật, cảnh chiến tranh, cảnh săn bắn và hình các nhân vật hoàng triều, sắp xếp từng băng nằm ngang. Từ các minh họa phát hiện cho thấy hội hoạ Assyria không thua kém điêu khắc Assyria, và các bích họa ở Mô gò Ahmar, thể hiện một tính cách miêu tả phóng khoáng và kỷ năng điêu luyện (hình dưới).
Người Assyria là chuyên gia – hoặc có lẽ chúng ta nên nói thuê mướn các chuyên gia – trong tạo tác kim loại, và họ đã để lại cho chúng ta một số các tác phẩm đồng, vàng và bạc rất đẹp dưới hình thức đĩa, bình, và các món trang trí đủ loại. Các nữ nô lệ của họ, làm việc trong các hãng xưởng của triều đình, dệt thảm với họa tiết tinh xảo và được thêu bằng các đôi tay thần kỳ, như có thể nhìn thấy trên các trang phục của vua quan và thể hiện bằng đá trong chi tiết nhỏ nhất. Những người thợ cắt đá của họ, trái với thợ điêu khắc, ưa chuộng các mô típ truyền thống, tôn giáo và thần thoại hơn các đề tài thế tục, và các con dấu niêm hình ống của Tân Assyria, được chạm trổ cực kỳ khéo léo và chăm chút, phô bày một vẻ đẹp lạnh lùng nhưng đầy mê hoặc. Nhưng trong số ngành nghệ thuật được cho là ‘tiểu nghệ thuật’, một địa vị vinh dự nên dành cho các điêu khắc ngà tìm được ở Assyria.
Được biết đến ở Mesopotamia vào các thời kỳ Triều đại Sớm, điêu khắc nhà rơi vào cảnh không được sử dụng, và xuất hiện lại vào giữa thiên niên kỷ 2 tại các xứ chịu ảnh hưởng của Ai Cập: Palestine (Lachish, Megiddo) và bờ biển Địa Trung Hải (Ugarit). Sự thịnh vượng của các thành phố Phoenicia, của vương quốc Israelite và của các thành bang Aramaea ở Syria, và quan hệ thương mại nhộn nhịp với Ai Cập (vốn cung cấp nguyên liệu thô), là động lực cho sự phát triển phi thường của hình thức nghệ thuật này không chỉ ở Syria-Palestine (Samaria, Hama) mà cũng ở Assyria, Iran (Ziwiyeh) và Armenia (Toprak Kale) vào đầu thiên niên kỷ 1 TCN. Không nghi ngờ gì đa số tác phẩm ngà phát hiện ở Assur, Khorsabad, Arslan Tash (Hadâtu) và đặc biệt ở Nimrud – di chỉ phong phú nhất trong tất cả – đã được nhận như hàng triều cống hoặc chiến lợi phẩm từ các khu vực phía tây của đế chế. Nhưng một số tác phẩm, thuần túy phong cách và cảm hứng Assyria, ắt hẳn được chế tác trong các hãng xưởng Assyria, mặc dù khó xác định chúng do các nghệ sĩ Syria-Phoenicia hay do chính nghệ sĩ Mesopotamia sáng tác. Vận dụng để trang trí ghế, ngai, giường, bình phong và cửa, hoặc tạo thành hình các hộp, bát, bình, thìa, kim, lược và cán, ngà được tạo tác theo nhiều cách: chạm trổ, điêu khắc nổi, điêu khắc tượng, cẩn với đá bán quý, để nguyên, tô màu hoặc lát vàng. Không kém nổi bật là tính đa dạng của đề tài. Ngoài những mô típ thuần túy Ai Cập, như sự khai sinh của Horus hoặc nữ thần Hathor, cũng có ‘các phụ nữ bên khung cửa’, bò, hưu và quái vật sư tử đầu chim vốn có tính Phoenicia một cách đặc biệt hơn về phong cách, và các động vật chiến đấu nhau, các người hùng đánh nhau với dã thú, phụ nữ và nữ thần khỏa thân, cảnh săn bắn và các đám rước đuợc các chuyên gia coi như chịu một phần ảnh hướng Syria một phần ảnh hướng Mesopotamia. Những đề tài này, cần chú ý, nhấn mạnh đến hoà bình. Một ít tác phẩm mô tả nhân vật khô cứng của ‘Vua Assur hùng mạnh’ đứng một mình hoặc cùng với bình sĩ, nhưng các phụ nữ mỉm cười đó – các ‘Mona Lisa’ đáng ngưỡng mộ từ Nimrud, chẳng hạn – đám nhạc công và vũ nữ vui vẻ đó, bọn nhân sư trầm tĩnh, bí ẩn đó, đám bò cho bê bú đó, và trong một động tác duyên dáng, đáng yêu quay đầu liếm chúng, thật là thoải mái thú vị. Dù làm tại Assyria hoặc không, các nghệ phẩm bằng ngà ném một ánh sáng mới lên tâm thức của người sở hữu chúng. Chúng là chứng cứ cho thấy người Assyria nhạy cảm với sự duyên dáng và tinh tế, như thư viện của họ minh chứng cho khẩu vị của họ về sự uyên bác.