CHƯƠNG 21 : CÁC THƯ LẠI CỦA NINEVEH
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Vào năm 1849 khi Sir Henry Layard, nhà tiên phong của ngành khảo cổ Anh tại Iraq, đang khai quật cung điện Sennacherib ở Nineveh thì ông mở được ‘hai phòng lớn mà toàn bộ diện tích của nó chất đầy các bảng đất sét khắc chữ’ lên đến chiều cao một bộ hoặc hơn nữa. Ba năm sau người phụ tá của Layard, Hormuz Rassam, có được một phát hiện tương tự tại mô gò Kuyunjik, trong cung điện cháu nội của Sennacherib, Ashurbanipal. Trong tất cả hơn 25,000 bảng chữ và mảnh vỡ được thu thập và gửi về viện Bảo tàng Anh, tại đó chúng tạo thành bộ sưu tập phong phú nhất thuộc loại này trên thế giới. Sau khi khảo sát, người ta thấy rằng ‘thư viện Ashurbanipal’ có thể được phân chia thành hai phần: phần thứ nhất một số lượng tương đối nhỏ là ‘văn thư lưu trữ’, như bảng khắc hoàng gia, thư từ và văn bản hành chính, phần kia, ‘tư liệu thư viện’ gồm các văn bản thư viện đúng nghĩa (chẳng hạn, thần thoại và huyền thoại) và một khối lượng các văn bản ‘khoa học’ trong số đó các văn bản về bói toán, điềm báo và bùa chú chiếm đa số. Nhiều bảng chữ là bảng sao chép các văn bản cổ đại của Sumer và Babylonia được thực hiện ở Nineveh theo yêu cầu của nhà vua, trong khi những bảng khác lấy được từ Babylon. Một vài thư từ hoàng gia cung cấp chứng cứ rằng các vua Assyria khao khát văn hóa và đã tổ chức một cuộc tìm kiếm sâu rộng các văn bản cổ, đặc biệt trong các xứ có nền văn minh cao như Sumer và Akkad.
Khi khanh nhận được thư này (Ashurbanipal viết ông Sha-duna) hãy đem theo cùng với khanh ba người (có ghi tên họ ba người) và các người có học thức ở thành phố Barsippa, và truy tìm tất cả bảng chữ, tất cả bảng chữ ở trong nhà họ và tất cả bảng chữ cất giữ tại đền thờ Ezida ….
Hãy săn tìm những bảng chữ có giá trị trong các kho lưu trữ của khanh và không có ở Assyria và mang chúng về cho trẫm. Trẫm đã viết cho các viên chức và các giám sát. .. và không ai được giấu giếm bảng nào với khanh; và khi khanh bắt gặp bất kỳ bảng nào hoặc nghi thức nào không có trong danh sách trẫm viết cho khanh, nhưng nếu xét thấy hữu ích cho cung điện trẫm, cứ truy tìm, thu giữ và gửi đến cho trẫm.
Các cung điện không phải là nơi duy nhất cất giữ những bảng khắc quý giá. Mọi thủ phủ tỉnh lỵ và các thị trấn chính ở Assyria đều có các thư viện tại đền thờ và thậm chí thư viện tư gia. Có các thư viện quan trọng tại Assur và Nimrud, và các cuộc khai quật của Anh-Thổ tại Sultan Tepe, gần Harran, đã đem ra ánh sáng một bộ sưu tập các văn bản văn học và tôn giáo thuộc sở hữu một thầy tu thần mặt trăng Sin có tên Qurdi-Nergal và bao gồm, ngoài các tác phẩm nổi tiếng như Thiên Hùng ca Gilgamesh, Truyền thuyết Narâm-Sin và ‘Truyện Người Gặp Nạn Chính’, và các tuyệt tác văn chương – như ‘Truyện Người Nghèo ở Nippur’ hấp dẫn – chưa hề biết trước đây.
Một khi các bảng chữ cổ đại đã được đưa về Assyria, chúng được cất giữ hoặc sao chép theo chữ viết hình nêm nhỏ, gọn gàng đặc trưng của thời kỳ. Nhiều văn bản một phần hay hoàn toàn được viết lại và thích hợp với phong cách lúc đó, nhưng số khác được sao chép nguyên văn, và thường xảy ra chuyện người ghi chép để khoảng trống cho những chữ hoặc câu mà ở bản gốc đã bị hư hủy, và chêm thêm lời bình của mình hoặc viết bên lề ul idi, ‘tôi không hiểu’, hoặc hepu labiru, ‘chỗ ngắt cũ’. Thỉnh thoảng người ghi chép không viết trên bảng đất sét mà viết trên sáp trải một lớp trên ngà hoặc bảng gỗ, vài bảng buộc vào nhau bằng bản lề kim loại như các tấm bình phong nhỏ gấp lại được. Vào năm 1953 một số bảng như thế, một vài bảng còn giữ lại dấu vết của một cách sắp xếp thiên văn, được phát hiện tại Nimrud trong lòng giếng nơi chúng đã bị ném xuống trong khi thành phố bị cướp phá. Trong khi các tài liệu hành chính và thương mại thường được cất giữ trong các bình hoặc giỏ, các bảng ở thư viện dường như được xếp trên giá kệ, nhưng vì chúng đều được tìm thấy nằm vươn vãi trên sàn của toà nhà đổ nát, thật cực kỳ khó nếu muốn biết được phương pháp phân loại của người xưa. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các bảng chữ thuộc cùng một chuỗi thì được đánh số, hoặc được kết thúc với một câu sẽ được nhắc đến làm câu đầu tiên của bảng văn tiếp theo. Chẳng hạn, bảng III của Ena elish (thiên hùng ca sáng thế) kết thúc với câu:
Họ xây cất cho ông một phòng ngự dành cho ông hoàng
Và câu này mở đầu bảng IV. Bảng XI của phiên bản Assyria của ‘Gilgamesh’ có các ‘chú thích cuối sách’ như sau:
Bảng XI của ‘Người Mà Nhìn Thấy Mọi Sự’ (của loạt truyện Gilgamesh). Chép lại theo nguyên bản và có đối chiếu. Hoàng cung Ashurbanipal, Vị Vua Vũ Trụ, Vua Assyria.
Sự kiên trì mà các di vật chữ viết này của quá khứ được sưu tập và chăm chút bảo quản vinh danh không chỉ các thư lại ghi chép mà còn vinh danh các vị vua, những chủ nhân của họ. Thật nghịch lý, người Assyria vốn là kẻ gây quá nhiều hủy diệt lại giữ lại cho hậu thế nhiều kho báu tinh thần của Sumer, Akkad và Babylon và của riêng đất nước mình.
Khoa học Mesopotamia
Không mấy chắc là bản thân nhà vua sử dụng thường thư viện Ashurbanipal của mình. Ông có thể, vì lạc thú vương giả, đã giải mã ‘các viên đá trước trận lũ lụt‘, hoặc đọc các thiên anh hùng ca vĩ đại – Gilgamesh, Etana, Adapa – nhưng ông hiếm có thời gian đọc hàng ngàn bảng khắc mà ông ra lệnh sưu tập. Thư viện hoàng cung ắt hẳn là nơi triều thần và thư lại đền thờ có thể đến để tra cứu tài liệu tham khảo khi cần đến. Thư viện có thể là một bộ phận của một ‘học viện’ (bît mummi, ‘Ngôi Nhà Kiến Thức’), như đã nảy nở tại các thành phố khác nhau vào những thời kỳ khác nhau, có lẽ được thành lập để thu hút và giữ lại Nineveh những học giả của Mesopotamia. Họ được tùy nghi sử dụng không chỉ các tác phẩm văn chương, lịch sử và tôn giáo với số lượng lớn mà còn các công trình về ngữ học, danh sách cây cỏ, động vật và các chất khoáng sản, danh sách địa lý, các toa thuốc, các bảng cửu chương, quan sát thiên văn, nói tóm lại một sao lục các tài liệu khoa học, một bách khoa toàn thư, có thể nói như thế, về kiến thức Assyria-Babylonia. Những tài liệu này vô giá đối với chúng ta như đối với các học giả cổ đại, mặc dù với các lý do khác nhau, nhưng cho dù chúng kêu gọi một sự điều tra tổng quát về khoa học Mesopotamia, chỉ riêng chúng thì không đủ cho mục đích này. Do đó trong chương này chúng tôi sử dụng những nguồn tài liệu gần đây hơn hoặc cổ xưa hơn các bảng chữ Kuyunjik thế kỷ 7, đặc biệt những văn bản từ Nippur, Mô gò Harmal, Assur và Uruk nằm từ cuối thiên niên kỷ 3 đến xấp xỉ thế kỷ 3 TCN.
Người Hy Lạp vốn biết – và ngưỡng mộ – ‘người Chaldea’ phần lớn như các nhà ma thuật và bói toán đã gây tác hại đáng kể cho ký ức của họ. Đúng là ma thuật theo nghĩa rộng hơn của thuật ngữ (tức những lời nói và hành động nhằm gây ảnh hưởng đến các sức mạnh siêu nhiên) đã luôn liên hệ mật thiết với tôn giáo Sumer-Akkad và nghệ thuật bói toán của họ đã được hoàn thiện và hệ thống hóa ở Mesopotamia vào một niên đại rất sớm, nhưng sự thông tục hóa việc làm trò ma thuật chỉ phát triển đầy đủ cho đến cuối thời tiền Cơ đốc. Còn lâu mới là biểu hiệu của trình độ mình triết Babylonia, trái lại, trò phù phép và chiêm tinh phổ biến lan tràn là biểu hiệu một tình trạng băng hoại của một nền văn minh đang dảy chết, và giờ đây chúng ta biết chắc chắn rằng người Sumer và cũng như người Assyria-Babylonia được phú cho gần như mọi phẩm chất cần thiết của một thái độ thực sự khoa học. Trên hết, họ có óc tò mò không hề biết chán, một óc tò mò thúc đẩy họ phải sưu tập những bảng khắc cổ đại, lập ra các viện bảo tàng các thời cổ đại và mang về đây từ các xứ sở xa xôi những chủng loại quí hiếm cây cỏ và động vật mới lạ. Họ có tính nhẫn nại, tận lực đến từng chi tiết trong mọi hoạt động của mình, từ việc tổng hợp các ghi chép đến các tác phẩm nghệ thuật của họ. Họ sở hữu một trị giác quan sát bén nhạy, nghiên cứu thiên nhiên với nhiệt tình, ghi chép và đối chiếu một số lượng lớn dữ kiện, vì các mục đich thực tiễn không nhiều hơn vì khao khát kiến thức thuần túy, và ít nhát trong một số lĩnh vực, tiến được một đoạn đường dài trên hành trình khám phá. Cuối cùng, ngành toán học của họ chứng tỏ rằng họ có khả năng tư duy trừu tượng đến một mức độ hiếm thấy trong thời cổ dại tiền-cổ điển. Tài năng duy nhất họ thiếu là dường như là ý thức về tổng hợp.
Ngay lúc còn đang học người thư lại (thư ký) Mesopotamia tương lai có nhiều cơ hội vận dụng các phẩm chất bẩm sinh này. Vì việc dạy học thuần túy chỉ là truyền khẩu – không có tài liệu giáo khoa về bất kỳ môn học nào đã được phát hiện – nên việc học tập phát huy được ký tính thính giác của anh ta. Rồi, những phức tạp của chữ viết hình nêm, ở đó mỗi ký hiệu có thể được đọc hoặc như một từ hoặc như một vần với vài âm trị, và sự kiện là hai ngôn ngữ khác nhau nhiều – chữ Sumer và Akkad – phải được làm chủ buộc anh ta phải ngay lập tức lao vào những nghiên cứu ngữ học khá nhiêu khê. Thay vì một bảng chữ cái, anh ta phải nhớ một danh sách dài các ký hiệu với tên của chúng, cách phát âm của chúng và ý nghĩa của chúng trong cả hai ngôn ngữ. Một vài ‘sách học vần’ còn sống sót, điều may mắn nhất, vì không có chúng chúng ta có thể không bao giờ hiểu được ngôn ngữ Sumer. Trong giai đoạn thứ hai học viên phải sử dụng bảng chia động từ, bảng từ vựng – danh sách các vật thế, các thuật ngữ kỹ thuật hoặc lối diễn tã thuộc cùng một loại – và các từ điển song ngữ hoặc tam ngữ bao gồm phương ngữ Sumer, Kassite, Hittite và, sau này, Hy Lạp. Thú vị đặc biệt là những bảng khắc các ký hiệu hình ngữ cổ bên cạnh các ký hiệu tương ứng Tân Assyria. Vì chữ hình ngữ đã không còn được sử dụng khoảng 2,600 năm trước khi những bảng này được viết và có thể không có mấy giá trị thực tế nào đối với người Assyria, đây là chứng cứ thêm nữa cho tình yêu của họ đối với công việc nghiên cứu thuần túy. Khoa học nói chung nằm trong lãnh vực của thần Enki-Ea và dưới sự phù trợ của thần Nabû, con trai của Marduk, trong khi nữ thần Nisaba, ‘người nắm trong bàn tay mình cây bút trâm (viết lên đất sét’, chủ tọa ngành thư pháp khó nhọc nhưng đầy vinh dự này.
Hệ thống giáo dục này tự nhiên có khuynh hướng khiến học giả Assyria-Babylonia ghi chép các quan sát của mình và trình cho các đồng nghiệp và đệ tử của mình dưới hình thức các danh sách. Chẳng hạn, ngành động vật học, thực vật học và khoáng vật học của Mesopotamia đã truyền lại cho chúng ta dưới dạng các từ vựng, đôi khi được sấp xếp lộn xộn, đù sao cũng cho thấy một nỗ lực nghiêm túc trong việc phân loại một dữ liệu rộng lớn. Các văn bản địa lý bao gồm hầu hết các danh sách các xứ sở, núi non, sông ngòi hoặc thành phố, và các tuyến đường cực kỳ hữu ích đối với sử gia ngày nay, nhất là khi họ tính bằng bêru, tức ‘canh giờ’ (xấp xỉ 10 cây số đường đi bộ trong hai giờ), khoảng cách giữa hai thành phố. Theo như chúng ta hiểu, không có bản đồ đúng nghĩa, chỉ có những bản vẽ ruộng đất và thành phố đã được phục hồi, thú vị nhất là bản thiết kế Nippur khớp đáng kể với bản khảo sát phế tích đổ nát do các nhà khảo cổ hiện đại thực hiện. Chúng ta cũng sỏ hữu một ‘bản đồ thế giới’ phôi thai trên đất sét, có niên đại từ thế kỷ 6 TCN: trái đất là một đĩa tròn dẹt bao quanh là ‘Con Sông Cay Đắng’; ở giữa là sông Euphrates; những xứ sở không quen thuộc ở bốn hướng địa bàn được mô tả bằng vài lời, vùng cực bắc gọi là ‘vùng đất nơi không thấy mặt trời’ – có thể chỉ đến hoặc một vùng tối tăm (thuộc thần thoại), như được tìm thấy trong một số văn bản văn chương, hoặc do sự kiện khi nhìn từ Mesopotamia mặt trời không hề đi qua phần phía bắc của bầu trời. Nếu chúng ta gác qua một bên các niên giám và các bảng khắc hoàng cung, vốn thực sự không mang tính lịch sử mà chỉ là các văn bản tuyên truyền và tế lễ, chúng ta thấy rằng lịch sử cũng được trình bày dưới dạng bảng: danh sách vua, danh sách các tên ghép nhân danh và triều đại, danh sách đồng bộ …v…v Thậm chí các biên niên Mesopotamia, vốn gần các tường thuật lịch sử hơn, cũng thật ra không hơn danh sách các sự kiện diễn biến. Thêm nữa, chúng ta có các bảng toán và thiên văn và danh sách y khoa các triệu chứng và cách chẩn đoán – nếu không muốn kể ra danh sách các thần linh, đền thờ, lễ hội, điềm triệu và vân vân. Thật ra, khoa học Mesopotamia đã được gọi, phần nào có vẻ chế giễu, là ‘ngành khoa học về danh sách’, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng việc giảng dạy chủ yếu là truyền khẩu, các tài liệu còn sống sót đều là ‘các cẩm nang’ hoặc ‘sổ tay’ hơn là sách giáo khoa. Không nghi ngờ gì người Assyria-Babylonia biết nhiều hơn những gì mà văn bản họ cho thấy: việc vận chuyển và dựng lên các khối đá khổng lồ, chẳng hạn, hoặc việc xây dựng các ống dẫn nước dài ngoằng, là tiền đề của một vốn kiến thức tiên tiến về một số định luật vật lý; tương tự, một vài nguyên tắc hóa học, được giấu giếm cẩn thận dưới hình thức các toa thuốc bí mật, được vận dụng thành công để pha chế thuốc và phẩm màu, và việc sản xuất kính màu và gạch tráng men.
Hơn nữa, trong ít nhất hai lĩnh vực – toán học và thiên văn học – chúng ta có thể hiểu cơ chế trí tuệ đã ngự trị trên sự phát triển khoa học, và chính xác là trong lĩnh vực này mà người Mesopotamia đã có những bước tiến dài nhất của mình.
Trong một xứ sở nơi hầu như mọi người đều dốt chữ, các thư ký, thường xuất thân từ các gia đình có truyền thống thư ký, có thu nhập cao và được mọi người kính trọng, đóng một vai trò quan yếu; thật ra là vai trò quan trọng nhất trong mọi thời đại, vì không có họ xã hội Mesopotamia đã không tồn tại, hoặc đã sụp đổ.
Toán học và Thiên Văn học
Hiểu biết của chúng ta về toán học Mesopotamia rút ra từ hai loại văn bản: danh sách các số được sắp xếp theo nhiều cách (dãy số tăng dần hoặc giảm dần, bảng nhân và chia,…) và các bài toán. Ngạc nhiên thay, đa số các bài toán này là các bài tập cho các học viên tiên tiến (hoặc thậm chí có thể là trò tiêu khiển trí tuệ) và không phải, như người ta vẫn hy vọng trong một xã hội gọi là ‘sơ khai’ hay ‘cổ lỗ’, là những bài toán liên quan đến kiến trúc, khảo sát đất đai, thủy lợi hoặc thuộc vấn đề có tính thực tiễn khác. Những ví dụ sau đây đặc biệt có tính minh họa
Bài toán 1
‘Tôi tìm thấy một tảng đá nhưng không cân nó; đoạn tôi thêm một phần bảy và tôi thêm một phần mười một. Tôi cân: một mana. Hỏi trọng lượng ban đầu của tảng đá?
Chú thích: mana bằng 60 shekel, đơn vị đo sức nặng của Mesopotamia.
Bài toán 2
‘Nếu có ai hỏi bạn thế này: tôi đào một hố hình vuông sâu xuống đất, và tôi múc đất ra một musaru (60³) và còn nửa thể tích đất. Đáy hố tôi cũng hình vuông như miệng hố. Hỏi tôi đã đào sâu bao nhiêu?
Câu giới thiệu bài toán đầu tiên cho thấy nó thuần túy giả thiết. Đáp số được cho nhưng cách giải ắt hẳn được trình bày bằng miệng do thầy giáo truyền đạt. Trong bài toán hai, trái lại, cách giải được phát triển đầy đủ. Có thể thấy rằng đây là bài toán dính líu với căn bậc 3 mà các nhà toán học Babylonia rất thành thạo, ngay từ thế kỷ 17 hay 18 TCN, là niên đại của bài toán này. Họ cũng biết, tất nhiên, căn bặc hai và có thể tinhd căn bậc hai của 2 với một sai số rất nhỏ (1.414213 thay vì 1.414214). Các tính toán liên quan cũng chỉ đến hai đặc tính chính của toán học Mesopotamia; nó dựa vào hệ lục thập phân (so với chúng ta là hệ thập phân), và trong khi mọi hệ thống đếm số sử dụng trong thời cổ (kể cả hệ thống La Mã) đều có tính “ghép kế cận”, chẳng hạn trong chữ số La Mã thì số XVI là X + V + I = 16, chỉ riêng Mesopotamia sử dụng ký hiệu giá trị theo vị trí, đó là hệ thống mà giá trị của một chữ số thay đổi tùy theo vị trí của nó (chữ số đứng ở hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm … ) trong cơn số viết ra. Đó là hệ thống ta dùng ngày nay, khi ta viết, chẳng hạn, 3,333, cùng chữ số 3 nhưng có giá trị khác nhau, chữ số 3 đầu tiên có giá trị 3 ngàn, số 3 thứ hai của giá trị 300, số 3 thứ 3 30, số 3 cuối cùng 3, tức 3,333 = 3000 + 300 + 30 + 3. Cả hai hệ thống 60 và hệ thống theo vị trí cho ta những tiện lợi nhất định khi làm phép tính, nhưng khổ thay, hệ thống thập phân cũng được sử dụng bên trong các đơn vị của hệ thống lục thập phân, và con số ‘không’ chỉ được biết vào thời.kỳ Seleucid. Vì vậy giải thích các bài toán Mesopotamia thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối với các chuyên gia, và chúng ta phải giả định rằng trong nhiều trường hợp học viên được hưởng dẫn giải bằng lời với những chỉ dẫn cần thiết.
Một điểm khác cần nhấn mạnh là không cần sử dụng ký hiệu các nhà toán học Babylonia có thể tính toán bằng phương pháp đại số hơn là số học. Nhiều bài toán của họ chứng tỏ rằng chúng chỉ có thể giải được bằng cách sử dụng phương trình bậc hai, chẳng hạn bài toán sau đây:
‘Tôi đã cộng 7 lần cạnh của hình vuông tôi và 11 lần diện tích của nó: kết quả là 6,15 (trong cơ số lục thập phân). Hỏi cạnh hình vuông.’
chính là giải phương trình bậc hai 11x² + 7x = 6,15.
Cũng thấy xuất hiện trong vài bảng khắc việc người Babylonia quen thuộc với khái niệm hàm số và các phép tính của họ thỉnh thoảng liên quan đến mối liên hệ chuỗi, mũ và logarit. Họ suy tư trong trừu tượng; họ ưa thích số chỉ vì bản thân các số mà gần như quên các ứng dụng trong thực tiễn. Vì lý do này, hình học của họ kém tiến bộ hơn nhiều so với đại số của họ. Họ cũng biết một số tính chất nền tảng của tam giác, hình chữ nhật và đường tròn, nhưng thất bại trong nỗ lực chứng minh nghiêm nhặt như người Hy Lạp, và chỉ đo diện tích các đa giác bằng cách tính xấp xỉ. Khi các bảng khắc hình vẽ hình học chúng thường chỉ được sử dụng để mình họa các bài toán số học. Trái với người Hy Lạp, người Babylonia ít quan tâm đến các tính chất của đường, diện tích và thể tích hơn là các phép tính phức tạp sinh ra do các quan hệ hỗ tương.
Toán học tìm thấy ở thiên văn học một lĩnh vực rộng lớn để vận dụng và cho bộ môn khoa học này một mức độ chính xác không có đối thủ ở thời cổ đại. Như cầu khảo sát chuyển động của các thiên thể nổi lên ở Mesopotamia từ một quan tâm kép: có tính siêu hình học và liên quan đến niên đại học. Niềm tin cho rằng những gì xảy ra trên bầu trời được phản ánh lên mặt đất, và ý nghỉ cho rằng nếu các hành tinh và chòm sao được nhận diện là các thần linh, vua chúa và xứ sở, và nếu mối quan hệ hỗ tương của họ có thể được tiên đoán, thì có thể biết trước được tương lai, nhờ đó làm giảm nhẹ, đến một mức độ nào đó, sự bấp bênh bi thảm vốn nằm ở nguồn cội của triết lý Mesopotamia. Do đó thuật chiêm tinh là nền tảng của thiên văn học, mặc dù hệ thống được nhìn nhận không hề chặt chẽ và chừa chổ cho chủ định của thần thánh và con người, thuyết tiền định dưới dạng các lá số tử vi chỉ xuất hiện trong thời kỳ Ba Tư (Achaemenian). Trái lại, người Mesopotamia phải giải quyết bài toán về âm lịch. Đi ngược về quá khứ xa như có thể, chu kỳ mặt trăng đã được chọn làm phương tiện thuận tiện để đo thời gian. Năm bắt đầu vào ngày Trăng Mới đầu tiên theo sau điểm xuân phân và chia thành 12 tháng, mỗi tháng 29 hoặc 30 ngày. Mỗi ngày bắt đầu lúc mặt trời lặn và chia làm 12 giờ-kép hay canh (bêru), mỗi canh lại chia làm 60 ‘phút-kép’ – một hệ thống mà hiện nay chúng ta còn theo, là nhờ người Babylonia. Rủi thay, năm âm lịch ngắn hơn năm dương lịch theo mặt trời xấp xỉ 11 ngày, vì thế sau 9 năm độ khác biệt lên đến một mùa trọn. Hơn nữa, tháng âm bắt đầu vào buổi tối khi Trăng Mới thấy được lần đầu tiên, nhưng những người đã từng sống ở Iraq biết rằng bầu trời Đông phương không phải lúc nào cũng trong sáng như người châu Âu lầm tưởng và mây, bụi hoặc bão cát có thể khiến việc quan sát là không thể. Vậy thì làm thế nào các nhà thiên văn chính thức quyết định được ngày đầu tháng, và làm thế nào họ có thể tính trước chính xác ngày giờ tháng nào đó bắt đầu? Nói cáck khác, luật của chu kỳ mặt trăng là gì và – vì chuyển động của mặt trăng liên kết với chuyển động của mặt trời – luật của chu kỳ mặt trời là gì?
Các thành tựu đáng kinh ngạc mà các nhà thiên văn Mesopotamia đạt được trong lĩnh vực này tất nhiên không nhờ vào tính hoàn hảo của các công cụ của họ – họ chỉ có cột đồng hồ mặt trời thô sơ, đồng hồ nước và polos (một dụng cụ ghi nhận bóng đổ do một quả cầu nhỏ treo bên trên một bán cầu đổ xuống). Những thành tựu đó là nhờ việc quan sát liên tục, chính xác và sử dụng tính toán để ngoại suy các dữ liệu có được. Từ một niên đại khá sớm ‘lộ trình’ của mặt trời và các hành tinh đã được xác định và phân chia thành 12 ‘trạm’, mỗi trạm lại chia ra thành 30 độ (nguồn gốc Hoàng đạo của chúng ta). Chúng ta sở hữu các dữ liệu quan sát sao Vệ nữ (nữ thần Ishtar, tức sao Kim) được truyền lại dưới Triều đại Babylon Thứ Nhất và các bảng danh sách chi tiết các sao từ thế kỷ 8 và 7 TCN. Chẳng bao lâu, các kỳ nguyệt thực và, sau đó, các kỳ nhật thực có thể được dự đoán với một độ chính xác khá tốt. Trong hàng thế kỷ sự khó khăn do sai biệt giữa dương lịch và âm lịch được giải quyết một cách tùy tiện, nhà vua quyết định một hoặc hai tháng phải xen vào một năm nào đó, nhưng vào thế kỷ 8 TCN các nhà thiên văn nhận xét rằng 235 tháng âm lịch đúng bằng 19 năm dương lịch, và nghe theo lời khuyên của họ Vua Nabû-nasir, vào 747 TCN, phán rằng phải xen thêm 7 tháng vào 19 năm âm lịch . ‘Lịch Nabonassar’ trở thành lịch chuẩn giữa 388 và 367 TCN. Trong khi đó, một lượng công việc đáng kể đã được thực hiện để hoàn thành lịch thiên văn nguyệt, nhật và tinh tú. Các bảng ghi ngày trăng mới, trăng tròn và bảng nguyệt thực do Nabû-rimâni (‘Naburianus’ xứ Strabo) soạn ra vào đầu thế kỷ 4 TCN chính xác đến khó tin, và nhà thiên văn vĩ đại nhất của Babylon, Kidinnu (Cidenas), người mà vào năm 375 TCN đã tính được thời gian chính xác của năm mặt trời với một sai số chỉ là 4 phút và 32.65 giây. Sai số của ông về giá trị của chuyển động mặt trời từ điểm nút thực sự nhỏ hơn sai số do nhà thiên văn hiện đại Oppolzer phạm phải vào năm 1887.
Đáng ngưỡng mộ là thế, nhưng thiên văn học Mesopotamia thiếu điều chúng ta gọi là tính tổng hợp. Trái với các nhà thiên văn Hy Lạp, vốn sống đồng thời như là người muộn nhất và tài giỏi nhất trong số các nhà thiên văn, nhà thiên văn Babylonia không hề bao giờ ra sức tập họp các dữ liệu mà họ thu thập được để dựng ra các lý thuyết vũ trụ mạch lạc, như thuyết nhật tâm của Aristarchus xứ Samos hoặc thuyết địa tâm của Hipparchus. Nguyên do cho điều bất cập này là thái độ hoàn toàn quy phục của họ vào các thần linh, khiến họ chấp nhận thế giới như nó tồn tại và không như nó có thể được nghĩ ra. Ngoài ra, trí óc họ hoạt động cách khác. Lấy lời bình phẩm của một chuyên gia: ‘Người Hy Lạp là các triết gia cũng như những nhà hình học, người Chaldea là những nhà thực nghiệm và chuyên gia về tính toán.’ Như chúng ta sẽ thấy, cùng một khuyết điểm, nếu đúng là khuyết điểm, cũng có thể được tìm thấy trong y khoa Mesopotamia.
Y khoa
Tất nhiên, không có chính xác nào như thế có thể được trông đợi từ một ngành còn được coi là nghệ thuật nhiều hơn là một khoa học: y khoa. Vậy mà y khoa Mesopotamia đáng được xem xét đặc biệt vì ba lý do chính: có nhiều tài liệu được ghi chép, vô cùng thú vị và thường bị hiểu lầm.
Người Mesopotamia tín rằng bệnh hoạn là do các thần linh trừng trị còn người vì các tội lỗi họ phạm phải. Chữ ‘tội lỗi’ ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm không chỉ tội ác và vi phạm đạo lý mà còn các sai sót vụn vặt và chểnh mảng việc thờ cúng, hoặc phá vỡ vô tình các điều cấm kỵ. Các thần linh bị xúc phạm có thể giáng họa trực tiếp. Vì vậy trong Bộ Luật Hammurabi, các bia đá biên giới Babylonia và các hiệp ước chính trị của Cận Đông cổ đại các ngài được gọi đến với tư cách cá nhân để giáng xuống đủ mọi tai ách cho bất cứ ai phá hủy hoặc sửa đối văn kiện, và các y sĩ cũng như thầy tu nhận ra ‘bàn tay’ của các thần linh khác nhau trong các triệu chứng mà bệnh nhân khai báo. Các thần linh cũng có thể cho phép quỷ dữ nhập vào người bệnh, mỗi con quỷ tấn công theo ý thích vào một bộ phận của cơ thể, hoặc chúng có thể khiến một ông hoặc một bà trở thành nạn nhân của bùa phép một phù thủy hay pháp sư. Bệnh tật do đó chủ yếu là một khuyết tật đạo đức, một điểm đen, một lời kết tội khiến con người nhơ nhớp về mặt luân lý cũng như bệnh hoạn về mặt thể chất; và một chứng bệnh luân lý cần một lối chữa trị luân lý, trong nhiều trường hợp lối chữa trị này có tính ma thuật và tôn giáo. Thầy tu bâru được mời đến để tìm ra bằng mọi cách tội lỗi che lấp chịu trách nhiệm cho cơn thịnh nộ của thần linh, các con quỷ bị trục xuất bởi thầy pháp âshipu sử dụng các nghi thức ma thuật và bùa chú, và các thần linh dược xoa dịu qua lời cầu nguyện và hiến tế.
Nếu y khoa Mesopotamia không bao gồm cái gì cả ngoài sự thanh tẩy luân lý ắt hẳn nó không xứng đáng tên gọi. Nhưng một sự nghiên cứu sâu rộng các văn bản chúng ta có được đã chứng tỏ nó dưới một lĩnh vực hoàn toàn khác. Ở Iraq cổ đại tồn tại các y sĩ thực thụ đã tin vào nguồn gốc siêu nhiên của mọi căn bệnh, nhưng cũng nhìn nhận tác động nhân quả của các nhân tố tự nhiên như bụi, đất bẩn, thực phẩm hoặc thức uống và sự lây nhiễm; ; dù thỉnh thoảng cũng gửi các bệnh nhân đến cho các thầy bâru hay âshipu, nhưng cũng luôn xem xét triệu chứng cực kỳ cẩn thận, nhóm các triệu chứng thành các hội chứng hoặc căn bệnh và trị bằng liệu pháp hóa học hoặc y cụ. Song song với ngành y khoa thuộc tăng lữ và ma thuật-tôn giáo (âshiputu), luôn có ở Mesopotamia một nền y khoa hợp lý và thực dụng (asûtu).
Y sĩ (asû) không phải là thầy tu cũng không phải là thầy pháp, mà là một người chuyên môn thuộc về giai cấp trung lưu bậc cao trong xã hội Assyria-Babylonia. Ông ta đã trải nhiều năm ở trường học về các môn khoa học cơ bản và thêm nhiều năm cao đẳng, làm chủ nghề nghiệp của mình. Bộ Luật Hammurabi, trong đó có 9 luật liên quan đến y khoa (đúng hon, việc giải phẫu) ấn định giá một vài ca mổ và tuyên án đoạn chi hoặc thậm chí án tử cho các sai sót nghề nghiệp, tạo cảm tưởng nghề y do nhà nước kiểm soát gây mất lòng tin vào khả năng các thành viên. Nhưng các luật này là những minh họa về án xét xử trong các tình huống cực kỳ hiếm, và không có chứng cứ chúng đã từng được vận dụng. Thật ra, các lương y trong mọi thời đều được trọng vọng và ắt hẩn tự mình ấn định chi phí chữa trị. Các y sĩ danh tiếng có nhu cầu rất lớn, và chúng ta biết rằng các triều đình có khi trao đổi danh y lẫn nhau. Chẳng hạn, Tushratta, Vua xứ Mitanni vào thế kỷ 14 có gửi các y sĩ cho vị pha-ra-ông Amenophis III, và các chuyên gia y khoa từ Babylon được phái đến quân vương Hittite Hattusilis III (1275 – 1250 TCN).
Chúng ta sở hữu một số đáng kể danh sách các triệu chứng và toa thuốc được các y sĩ viết ra và vài bức thư gửi đến hoặc gửi đi bởi các thầy thuốc. Từ nhiều bảng khắc hoặc các mảnh vỡ được viết giữa thế kỷ 8 và 5 TCN nhưng thuộc về cùng một loạt nội dung liên quan Giáo sư Labat đã có thể tái tạo một ‘luận thuyết’ hoàn toàn về chẩn đoán và tiên lượng y khoa. Nó bao gồm 40 bảng khắc và được chia thành 5 ‘chương’. Chương đầu tiên, dành cho các thầy trừ tà, đưa ra một lý giải về các dấu hiệu đáng ngại có thể quan sát được khi đi đến nhà bệnh nhân. Ví dụ:
Khi thầy pháp tiến đến nhà bệnh nhân … nếu ông nhìn thấy một con lợn đen, bệnh nhân này sẽ chết; (hoặc) y sẽ được chữa khỏi nhưng phải gánh chịu đau đớn cực kỳ … Nếu ông nhìn thấy một con lợn trắng, bệnh nhân này sẽ được chữa lành; (hoặc) y sẽ gánh chịu khổ sở … Nếu ông nhìn thấy một con lợn đỏ, bệnh nhân náy sẽ (chết?) vào tháng thứ ba (hoặc) vào ngày thứ ba …
Sau đó đến phần mô tả một số triệu chứng nhóm lại theo cơ quan, các hội chứng hoặc bệnh lý, và thứ tự xuất hiện. Một nhóm cuối cùng gồm 6 bảng dành cho các bệnh phụ sản và nhi. Trong suốt luận thuyết tiên lượng được nhấn mạnh hơn là chẩn đoán đúng nghĩa, và cách chữa trị hiếm khi được đưa ra. Các văn bản tương tự, hoặc bộ sưu tập các văn bản, chỉ giải quyết các bệnh thuộc một số bộ phận nào đó, những văn bản khác đặc biệt hơn liên hệ đến phép chữa trị. Sau đây là một ít ví dụ được chọn trọng số các bệnh có thể sẵn sàng được nhận diện:
Kinh phong
Nếu cổ (bệnh nhân) liên tục bị vặn vẹo sang trái; chân tay duỗi ra; nếu mắt y ngước nhìn trời thao láo; nếu nước dãi chảy ra từ miệng; nếu y thở khò khè; nếu y bất tỉnh; nếu, vào lúc cuối cùng, . . đó là một cơn tấn công của căn bênh nặng : ‘bàn tay’ của thần Sin.
Sạn thận
Nếu … trong ba ngày y có sạn trong bọng đái (aban mushtinni), người này nên uống bia: (nhờ đó) sạn sẽ tiêu tan; nếu người này, thay vì uống bia đi uống nhiều nước, y sẽ đến đường cùng (tức chết chắc).
Bệnh vàng da thể nặng (Icterus gravis)
Nếu cơ thể của một người bị vàng, mặt vàng và đen, lưỡi cũng đen, thì đó là bệnh ahhazu… Với bệnh như thế thầy thuốc không nên làm gì cả: người này sẽ chết; y không thể chữa lành được.
Vài văn bản dành cho bệnh tâm thần, bao gồm ‘trầm cảm’ nhưng không giống ta tưởng như bây giờ. Trong khi sự chẩn đoán và tiên lượng của các thầy thuốc Mesopotamia là một sự pha trộn của mê tín và quan sát chính xác, cách chữa trị của họ không có gì là ma thuật. Khoa ‘bào chế thuốc’ cổ xưa nhất được biết đến nay là một tuyển tập các toa thuốc có niên đại từ Triều đại Thứ Ba của Ur, trong đó mô tả cách chuẩn bị các thứ dầu xức, dầu xoa và hỗn hợp làm từ các chất khoáng và cây cỏ và có thể đã được viết ra cách đây 2 hoặc 3 trăm năm. Thuốc được sử dụng theo mọi cách có thể chỉ trừ tiêm: pha trộn, xức, xông, hít, đắp, xoa, nhỏ giọt, thụt hậu môn, nhét thuốc vào hậu môn. Ta thường không thể nhận diện một số chất và muối đơn giản có mặt trong thành phần của chúng, nhưng trong nhiều trường hợp còn có thể nhận ra các thành phần thuốc gần đây đã không còn được sử dụng hoặc vẫn còn được sử dụng. Trong toa thuốc sau đây, chẳng hạn, nha phiến dạng uống và chất làm mềm khi xức tại chỗ được ra toa cho bệnh lợi tiểu:
Giã hạt cây thuốc phiện trong bia và cho bệnh nhân uống. Nghiền chất nhựa thơm, trộn nó với dầu và thổi vào bọng đái bằng một ống đồng. Cho bệnh nhân cỏ chân ngỗng giã trong bia alappanu.
Và đây mới là sự phức tạp, mặc dù là công thức hữu lý của loại thuốc đắp để áp dụng trong trường hợp ‘co thắt phổi’:
Lấy … thận một con trừu; ½ qa chà là; 15 kisal nhựa cây linh sam, 15 kisal nhựa cây thông, 15 kisal nguyệt quế, 13 kisal nhựa hương, 10 kisal nhựa galbanum, 7 kisal mù tạt, 2 kisal bọ phỏng … Nghiền các chất này trong cối giã cùng với dầu và chà là. Đổ hỗn hợp trên da linh dương. Gắp miếng da lại. Đắp nó lên chỗ đau và để yên trong ba ngày. Trong thời gian đó bệnh nhân nên uống bia ngọt. Bệnh nhân nên dùng thức ăn thật nóng và ở chỗ ấm. Đến ngày thứ tư bỏ gói thuốc đắp.
Trong một bức thư gửi đến Ashurbanipal ngự y của nhà vua, Arad-Nanna, bày tỏ quan điểm của mình về cách điều trị bệnh chảy máu cam:
Về bệnh chảy máu cam … việc băng bó không được làm đúng cách. Băng được đắp bên cạnh sống mũi, thành ra nó cản trở sự hô hấp và máu chảy vào miệng. Mũi nên được bịt kín tại lỗ cản không cho không khí vào mũi, và máu sẽ ngừng chảy ngay.
Các y sĩ hiện đại sẽ không nói thêm gì được về cách điều trị này.
Cuối cùng, chúng ta phải trích một văn bản tuyệt vời chứng tỏ rằng, trái với tin tưởng bình thường, người Mesopotamia cũng biết vài khái niệm về vệ sinh và y khoa phòng ngừa. Zimri-Lim, Vua xứ Mari, sống khoảng 1780 TCN, có lần viết cho hoàng hậu Shiny:
Trẫm đã nghe nói bà Nanname đã bị nhiễm bệnh. Bà ấy đã tiếp xúc với nhiều người trong hoàng cung. Bà ấy gặp nhiều phu nhân trong nhà. Giờ thì, hãy ra lệnh nghiêm nhặt không ai được uống chung cốc nước mà bà ấy uống, không ai được ngồi trên ghế mà bà ấy ngồi, không ai nằm ngủ trên giường mà bà ấy ngủ. Bà ấy không được gặp các bà khác trong nhà nữa. Bệnh này dễ lây nhiễm.
Vậy thì y khoa Mesopotamia, mặc dù vẵn còn khoác vẻ mê tín, cũng có vài đặc điểm của một khoa học tích cực. Truyền một phần đến người Hy Lạp, cùng với y khoa Ai Cập, nó lót đường cho cải cách mang tính Hypocrates vĩ đại vào thế kỷ 5 TCN. Vậy mà trong 2,000 năm tồn tại nó đạt rất ít tiến bộ. Các thầy thuốc Mesopotamia, như các nhà thiên văn của nó, thiết lập nghề nghiệp mình trên các học thuyết siêu hình và do đó khéo chặt cánh cửa mở đến sự truy vấn hữu ích cho những lý giải hợp lý. Họ biết được lời đáp đối với nhiều câu hỏi ‘khi nào’ và ‘cái gì’, nhưng họ thiếu óc tò mò để tự hỏi “bằng cách nào’ và “tại sao’. Họ chưa hề ra sức thiết lập những học thuyết nhưng một cách khiêm nhượng – và có lẽ một cách khôn ngoan – dành mọi nỗ lực cho sự thu thập dữ liệu. Cũng công bình khi nói rằng họ thường vượt hơn những người có học khác ở phương Đông cổ đại trong các thành tựu của mình.