Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn mất tại Yên Kinh lúc nào và bởi lý do nào?

Đinh Tú Anh

Theo gia phả dòng họ Đinh Nho thì Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671-1716), tự Tồn Phát, hiệu Mặc Trai mất tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) do bị ốm nặng. Không rõ ông mất trước hay sau khi vào chầu vua Khang Hy? Và đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng, hay là trong khi vào chầu, ông có lỗi gì đó mà bị giết chết? Bởi quan niệm cho rằng, thời phong kiến, các nước chư hầu đi sứ sang nước lớn Trung Hoa, vua quan Trung Hoa thì kẻ cả, trịch thượng, coi thường sứ thần nước nhỏ; còn sứ thần nước nhỏ thì để bảo vệ danh dự nước mình mà có những cử chỉ, hành động bị coi là mạo phạm. Nhưng có lẽ không phải vậy. Bài viết này sẽ lý giả điều đó.

Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép như là nhật ký hành trình của đoàn sứ bộ. Nhưng qua những bài thơ trong tác phẩm Mặc Trai sứ tập (tập thơ đi sứ của Mặc Trai) chúng ta có thể hình dung được một đất nước Trung Hoa rộng lớn thời vua Khang Hy hết sức thanh bình, yên ả. Từ những người dân bình thường đoàn sứ bộ gặp dọc đường cho đến các quan chức địa phương mà đoàn sứ bộ đi qua đều hết sức niềm nở, thân tình. Hầu hết các địa phương đoàn đi qua đoàn đều nghỉ lại, dự tiệc, xướng họa thơ văn với các quan địa phương. Rất nhiều địa phương các quan còn mời lãnh đạo đoàn sứ bộ tới thăm nhà, gặp gỡ chuyện trò, giới thiệu vợ con. Những áng thơ văn ông để lại trong Mặc Trai sứ tập ngoài nỗi nhớ quê nhà là những bài tả cảnh, tả tình, tả lại những nhiệt tình đón tiếp của những người sở tại.

Một chỉ dấu cho thấy có lẽ ông đã ốm nặng dọc đường đi là trong bài thơ: “Nhớ Trung dũng Thiếu phó Đặng đại nhân, làm thơ gửi về trình lên kỳ 1” mà Đinh Tú Anh tôi tạm dịch sau đây:

Cha con nghĩa cao vời vũ trụ

Gương Băng Hồ đối cụ Nhị Khê

Chia tay Đông Bộ buồn ghê

Mái chèo đơn chiếc hướng về Bắc phương.

Lã Côi trạm vấn vương trông ngóng

Ráng chiều tà đỏ mọng trời Tây

Buồn nghe chinh chích kêu bầy

Đêm dài mơ được gặp thầy Chu Công.

Lòng chỉ muốn sẽ không phải chết

Được trở về giữ nết bên cha

Tiệc mừng hầu rượu, hầu trà

Thảnh thơi dạo gót trăng ngà triền đê.

Có thể ban đầu ông có chút lo lắng khi sẽ phải vào chầu vua Khang Hy. Nhưng trong suốt một hành trình dài đến tám, chín tháng trời với những sự chân tình của các quan chức địa phương thì lo lắng đó cũng sẽ sớm tiêu tan. Như vậy, lúc này có lẽ ông đã đang ốm nặng, và ông biết có thể khó lòng qua khỏi: “Đãn nguyện sinh hoàn bồi khoản tịch”, dịch nghĩa: “Chỉ mong sống trở về để được ngồi hầu bên chiếu tiệc mừng”, dịch thơ: “Lòng chỉ muốn sẽ không phải chết/ Được trở về giữ nết bên cha…”.

Và nữa, nếu ông bị giết, thì trong cơn giận lôi đình vua Khang Hy sẽ không có những cử chỉ ân cần, tôn trọng đối với ông. Không những vua Khang Hy sai người ướp xác, chuẩn bị chu đáo cho đoàn sứ bộ đưa ông trở lại quê nhà, vua còn làm bài tế khóc ông (bản dịch bài văn tế của Viện nghiên cứu Hán Nôm):

“…Đi sứ đến triều đình ta để tỏ việc đại nghĩa

Vua thương người quá cố, đó là lòng nhân sâu quan tâm đến nơi xa

Ông phụng mệnh quốc vương nước ông

Từ phương xa vượt biển trèo non

Hồ Động Đình bái tạ ngắm trời

Công việc ấy vừa xong xuôi

Sao ông đã rời cõi thế

Trẫm nay vô cùng thương tiếc

Ta đặc ban cho ông lễ phúng

Để thoả lòng ở cõi U Minh

Than ôi!

Núi sông xa cách, ruổi rong nơi trạm dịch hoang vu

Tận trung mà hy sinh tính mệnh, hồn về đất cũ

Ông linh thiêng hãy còn quanh quất

Xin kính cẩn nhận lễ tế này”.

Trong bài tế của vua Khang Hy có câu: “Công việc ấy vừa xong xuôi/ Sao ông đã rời cõi thế”. Như vậy có thể khẳng định chắc chắn rằng, ông mất sau khi đoàn sứ bộ và ông đã làm xong phận sự của mình. Và có nghĩa là đã vào chầu vua Khang Hy. Và cũng chắc chắn rằng, ông mất là do ốm nặng. Bởi nếu ông bị giết thì sẽ không thể có bài văn tế thấu cảm những vất vả gian truân trên đường đi sứ của ông, ghi nhận công lao tận trung với nước nhà của ông, trân trọng và thiêng tiếc ông như trích đoạn trên đây của vua Khang Hy.


8 thoughts on “Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn mất tại Yên Kinh lúc nào và bởi lý do nào?

    • Cảm ơn bác đã đọc và có ý kiến trao đổi lại. Bản dịch trên là tôi lấy trên mạng internet. Theo tôi nghĩ có thể bản dịch chưa được sát, vì tiếng Hán, chữ Hán cũng như tiếng nói, chữ viết nhiều dân tộc khác trong nước ta và trên thế giới, chỉ có hai ngôi xưng hô.
      Rất tiếc là tôi không ở quê nhà để chép bản đầy đủ bài phúng viếng của vua Khang Hy trong gia phả họ Đinh Nho. Trong bài “Tìm hiểu thời gian và nơi mất của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn”, tác giả Đinh Nho Hoan, in trong tập kỷ yếu hội thảo khoa học về Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn với tên gọi tập kỷ yếu là “Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, thân thế và sự nghiệp” thì bản phiên âm văn tế của vua Khang Hy có trích đoạn như sau:
      “…Chức cống lai đình hiện thân thâm chi đại nghĩa
      Suy ân tuất tử thì hoài viễn chi thâm nhân
      Nhị phụng nhị quốc vương chi mệnh
      Bạt thiệp viễn lai
      Chiêm bái Động Đình
      Quyết sự phụ thoan
      Hạp yên trường thệ
      Trẫm dụng mện yên
      Đặc ban tế điển
      Dị ủy u minh
      Ô hô!…”
      Và cũng theo bài đã dẫn, đoạn dịch của viện Hán-Nôm như sau:
      “… Đi sứ đến triều đình ta để tỏ việc đại nghĩa
      Vua thương người quá cố đó là lòng nhân sâu quan tâm tới nơi xa
      Ông phụng mệnh Quốc vương Nam Việt
      Từ phương xa vượt biển trèo non
      Hồ Động Đình bái tạ ngắm trời
      Công việc ấy vừa xong xuôi
      Sao ông đã rời cõi thế
      Trẫm nay vô cùng thương tiếc
      Ta đặc ban cho ông lễ phúng
      Để thỏa lòng ở cõi U minh
      Than ôi!…”
      Trên, đươi đều có dấu ba chấm. Như vậy bài văn tế của vua Khang Hy còn có đoạn đầu và đoạn cuối nữa.
      Một lần nữa cảm ơn bác đã quan tâm phản biện.
      Xin trân trọng cảm ơn!

      Thích

  1. Qua bài Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn mất tại Yên Kinh lúc nào và bởi lý do nào? tôi xin có ý kiến nhỏ như sau:

    Theo Khâm Định Việt Sử Thông Gíám Cương Mục bản dịch, tập 2, trang 405 vào tháng giêng năm Ất Mùi [4/2-5/3/1715] Chánh sứ Nguyễn Nông Cơ, Phó sứ Đinh Nho Hoàn sang nhà Thanh dâng lễ tuế cống.

    Thanh Thực Lục cho biết sứ bộ dâng cống vào ngày 13/2/1716:

    Ngày 21 Nhâm Tý tháng giêng năm Khang Hy thứ 55 [13/2/1716]

    Quốc vương An Nam Lê Duy Chính [Lê Dụ Tông] sai bọn Bồi thần Nguyễn Công Cơ đến cống sản vật địa phương. Ban yến và thưởng theo lệ. (Thanh Thực Lục, Hồ Bạch Thảo dịch, NXB Hà Nội, tập 1, trang 62)

    Nếu ông Đinh Tú Anh biết ngày mất của cụ Hoàng giáp, xin so với ngày dâng cống nêu trên thì rõ.

    Ngoài ra sử nước ta còn chép rằng sứ bộ sang nhà Thanh có Phó sứ Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn người tổng An Ấp, Hương sơn [xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh] chẳng may bị chết dọc đường. Khi đem quan tài về quê chôn, bà vợ bé là Phan Thị Viên thương cảm, thắt cổ để chết theo, triều đình bèn ban phong tiết nghĩa.

    – Hồ Bạch Thảo –

    Thích

    • Cảm ơn bác đã cung cấp những thông tin vô cùng quý giá. Chúng tôi sẽ đối chiếu với gia phả dòng họ Đinh Nho chúng tôi và cập nhật những thông tin còn thiếu vào gia phả. Hiện ở quê, xã Sơn Hòa, nay sáp nhập thêm 2 xã lân cận là xã Sơn An và xã Sơn Thịnh thành xã An Hòa Thịnh đền Gôi Vị thờ bà Tiết nghĩa Phan Thị Viên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Một lần nữa xin cảm ơn bác ạ!

      Thích

  2. Vua Khang Hy không có đích thân làm bài TẾ để mà phúng điếu cho vị phó sứ cả ! Khang Hy chỉ sai một vị quan nào đó làm bài văn điếu để phúng điếu cho vị phó sứ . Vì nội dung của bài văn này đã nói lên là QUÁ RÕ RÀNG RỒI ! Cũng như vị phó sứ này qua đời là sau khi vào chầu bái kiến vua Khang Hy 《 CÔNG VIỆC ẤY VỪA XONG XUÔI / SAO ” ÔNG ” NỠ RỜI CÕI THẾ ? ! 》
    Phú Tiên – TN : 10/02/2022

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s