Iraq cổ đại (Phần 14)

Chương 14:  NHỮNG DÂN TỘC MỚI

aa

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Giữa 2300 và 2000 TCN – thời kỳ triều đại người Akkad, Guti và Ur III ở Mesopotamia – nhiều sự kiện quan trọng xảy ra bên kia dãy Taurus và Zagros. Các dân tộc từ những vùng miền xa xôi đặt chân vào Tiểu Á và thành lập ngay trung tâm Antolia cái mà sau này được biết dưới tên Vương quốc Hittite. Khoảng thời gian ấy, ở Armenia và Iran những người nước ngoài định cư giữa các bộ tộc người Hurri và Kassite như một tầng lớp quý tộc cai trị. Bốn trăm năm sau người Hittite cướp phá Babylon, người Kassite lật đổ vương quốc vĩ đại mà Hammurabi dày công xây dựng, còn người Hurri, dưới quyền các nhà lãnh đạo ‘thuộc Mitanni’, chiếm đóng vững chắc phân nửa phía bắc của Mesopotamia.

Người Hittite, Mitanni và giai cấp thống trị người Kassite thuộc về một nhóm sắc tộc-ngôn ngữ rộng lớn gọi là ‘Ấn-Âu’, và việc di cư của họ chỉ là một phần trong những cuộc xê dịch sắc tộc rộng lớn hơn ảnh hưởng đến châu Âu và Ấn Độ cũng như Tây Á. Trong tất cả những vùng này, việc có mặt của những dân tộc này tạo ra nhiều hậu quả sâu sắc và lâu dài, mà hậu quả quan trọng nhất, trong lĩnh vực của tập nghiên cứu này, là sự xuất hiện trong Mesopotamia và sườn phía tây và bắc của nó, những quốc gia trẻ và năng động và sự can thiệp của Ai Cập vào chính tình Cận Đông. Từ 1600 TCN trở đi các biện pháp chính trị ở phương Đông dược nâng lên quy mô thực sự mang tính quốc tế, và không còn có thể coi Iraq như là một vùng cô lập – hoặc gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Lịch sử Mesopotamia sẽ phải vẽ trên một hậu cảnh không ngừng lớn rộng, giờ gồm cả Ai Cập và Anatolia, ngày mai Iran với người Medes và Ba Tư, và cuối cùng là châu Âu với những nhà chính phục Hy Lạp-Macedonia. Nếu chúng ta muốn hiểu rõ chuỗi tiếp theo của sự kiện tại giai đoạn này chúng ta phải mở rông chân trời của mình thêm nữa. Chương hiện giờ sẽ cố gắng trình bày một cái nhìn khái quát về những cuộc di cư Ấn-Âu, tiếp theo là lược sử về Hittite, Hurri, Syria và Ai Cập từ thế kỷ 20 đến 16 TCN làm tròn số.

aa

Người Ấn-Âu

Ấn-Âu chỉ một họ ngôn ngữ rộng lớn bao gồm các ngôn ngữ hiện giờ được nói trong những xứ cách xa nhau như Mỹ và Ấn, Scandinavia và Tây Ban Nha. Tất cả ngôn ngữ Âu châu hiện đại (trừ Basque, Phần Lan và Hung), cũng như Armenia, Ba Tư và vài phương ngữ Hindu, thuộc về nhóm này như tiếng Hittite, Sanskrit, Hy Lạp, Latinh và vài tiếng nói khác đã thuộc về nó trong thời cổ đại. Mặc dù có những khác biệt hiển nhiên, dễ dàng chứng mình được rằng các ngôn ngữ này có liên hệ mật thiết với nhau, và thường được tin rằng chúng đều xuất phát từ một ‘Ngôn ngữ Ấn-Âu Chung’ đã không còn để lại dấu vết chữ viết. Hơn nữa, nghiên cứu đối chiếu tự vựng đã dẫn một số học giả đi đến kết luận rằng tất cả dân tộc nói tiếng Ấn-Âu khởi thủy đều có những lối sống và định chế tương tự: cơ bản là những người chăn dắt, có kỹ năng thuần dưỡng ngựa, họ canh tác xen kẻ từng giai đoạn, khám phá bánh xe, thuyền và kỹ thuật đúc kim loại, được tổ chức thành gia đình, bộ tộc, thờ cúng những vị thần có nhân dạng và tuân phục các thủ lĩnh xuất thân từ giới quý tộc chinh chiến. Cuối cùng, từ cách phân bố các vùng ngôn ngữ trong thời lịch sử ban đầu suy ra rằng đất tổ của người Ấn-Âu, trước khi họ phân làm nhiều nhánh, nằm đâu đó giữa vùng Baltic và Biển Đen, chắc chắn trong vùng đồng bằng miền nam nước Nga. Nhưng khó khăn xuất hiện khi người ta cố tìm mọi tương quan giữa các nền văn hóa Đồng Đá khác nhau đã để lại dấu vết ở Đông Âu với những người nói tiếng Ấn-Âu, vì chữ viết chỉ xuất hiện ở vùng này tại một thời điểm rất muộn và sự đồng nhất hóa là không thể. Tất cả các nền văn hóa ‘thuộc Hắc Hải’ này, tuy nhiên, có một đặc điểm chung: sự hiện diện của  rìu trận bằng đá hoặc đồng trong các nấm mồ, và phần đông các sử gia đều đồng ý rằng các ‘Chiến binh Rìu Trận’ hơn ai hết là người có thể đại diện cho người Ấn-Âu ‘chính gốc’. Những nhận định này nhằm làm rõ rằng việc tái lập sau đây về các xê dịch của người Ấn-Âu, ở một mức độ lớn, nằm trong phạm vi ức đoán và cần được tiếp thu với sự thận trọng thích đáng.

Những cuộc di dân Ấn-Âu đầu tiên mang nhiều hình thức khác nhau, đến những xứ khác nhau tại những thời điểm khác nhau và ắt hẳn rất chậm chạp, trải qua nhiều thập niên và thậm chí nhiều thế kỷ. Xa như có thể quyết đoán, họ khởi hành khoảng cuối thiên niên kỷ thứ 3 TCN và tỏa ra mọi hướng từ ‘đất tổ’ miền nam Nga. Ở châu Âu dân Rìu Trận di chuyển về hướng bắc dọc theo sông Volga và về phía tây băng quả các đồng bằng rộng mở ở Ba Lan và Đức. Vào khoảng 1600 TCN họ đã đến Đan Mạch và thung lũng sông Rhine, tại đó họ hòa trộn với với nhóm sắc tộc khác, “Dân Cốc Mỏ’ (gọi thế vì cốc uống nước của họ có hình chuông lớn), chắc chắn có nguồn gốc ở Tây Ban Nha, và nền văn hóa phát sinh được một số học giả coi là nguyên mẫu của nền văn minh Celtic vĩ đại (và do đó thuộc Ấn-Âu về ngôn ngữ) nảy nở ở vùng Trung Âu vào cuối thiên niên kỷ thứ 2 TCN. Nhưng các chiến binh Rìu Trận không thể được vinh danh là đã mang vào châu Âu kim loại, mặc dù họ nhanh chóng truyền bá nó. Trước khi họ đến đồng đã được mang đến từ Caucasus và từ Anatolia bởi các thương buôn và thợ thủ công hiếu hòa đi theo thung lũng sông Danube hoặc vượt Địa Trung Hải, để tồn tại, giữa một lục địa còn ở thời kỳ Đồ Đá, những hòn đảo cổ xưa thuộc nền văn hóa kim loại, đáng kể là ở vùng Balkan, Hung, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Crete. Hai xứ sau cùng này đặc biệt thú vị đối với chúng ta, nhờ mối quan hệ mật thiết đã luôn tồn tại giữa các xứ vùng Aegea, Ai Cập và Tây Á.

Văn hóa Thời kỳ Đồ Đồng đầu tiên của Hy Lạp, văn hóa Helladic Sớm, đường như đã được thành lập vào đầu thiên niên kỷ thứ 3 bởi những dân di cư từ Anatolia và được lợi từ việc giao lưu thương mại nhộn nhịp với Tiểu Á, Cyclase và Crete. Tuy nhiên, vào khoảng 1900 TCN bán đảo Hy Lạp là khung cảnh cho một cuộc xâm lược quy mô lớn tiếp sau là những thay đổi căn cơ đến kiến trúc, tập quán chôn cất và đồ gốm sứ. Các thị trấn có tầm cỡ được xây dựng trên những đổ nát của làng mạc nghèo nàn; đồ gốm làm bằng bánh xe quay, màu xám thay thế đồ sứ làm bằng tay, màu tối của thời kỳ trước, và vì những dân mới định cư được an táng cùng với nhiều vũ khí bằng đồng, kể cả rìu trận, người ta đề xuất là nền văn hóa  Helladic Giữa được người Ấn-Âu đưa vào. Thời Helladic Cuối hay văn hóa Mycenae về nhiều phương diện có vẻ như xuất phát từ sự phát triển nội tại của thời Helladic Giữa, và vì người Mycenae nói một phương ngữ Ấn-Âu (tiếng Hy Lạp) và, đúng ra là tiếng Hy Lạp – như được chứng minh bằng giải mã tài tình của Ventris về lối viết ‘Linear B’ của họ – người ta có thể rút ra kết luận hợp lý là những cuộc di cư Ấn-Âu đã đến Hy Lạp lục địa vào đầu thế kỷ 18 TCN, tức là khoảng thời gian Hammurabi trị vì ở Babylon.

Do đó trong khi Hy Lạp bị chinh phục và tổ chức, nền văn minh Minoan rực rỡ nảy nở trên đảo Crete. Crete là nơi hội tụ các ảnh hưởng của Ai Cập và Á châu, và đúng ra, sự phát triển nền văn minh của nó được châm ngòi nhờ được tiếp xúc sớm với Ai Cập, trong khi kỹ thuật đồng bản địa chắc chắn có nguồn gốc Anatolia, và những lăng mộ đá hình tổ ong và bùa hộ mệnh hai rìu bắt chéo của nền văn hóa Minoan Sớm (? 2500 – 1850 TCN) làm nhớ lại những tượng đài và vật dụng tương tự tuy cổ hơn được tìm thấy trong Mesopotamia thời sơ sử. Vậy mà sản phẩm cuối cùng của sự pha trộn này cực kỳ độc đáo và có đặc tính ‘Tây Âu’ một cách đáng kinh ngạc. Nếu những cung điện xây dựng ở Crossnos, Mallia và Phaitos giống về mặt thiết kế với cung điện cùng thời ở Mari, thì lối kiến trúc và trang trí của chúng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật nước ngoài không nhiều hơn đồ gốm ‘Kamares’ vỏ trứng;  như chữ tượng hình Minoan và lối viết ‘Linear A’ trên bảng đất sét – cả hai đều chưa giải mã được – cũng không chịu ảnh hưởng nguồn gốc nước ngoài. Trong thời kỳ Minoan Giữa này (1850 – 1550 TCN), tương ứng với thời kỳ Trung Vương quốc của Ai Cập và Triều đại Thứ Nhất của Babylon, Crete đã cho nhiều hơn nhận: nó xuất khẩu những sản phẩm đến khắp các xứ sở vùng Aegea và đông Địa Trung Hải và trợ giúp nền văn minh Mycenae non trẻ ở Hy Lạp lục địa đến trình độ chín mùi. Vào năm 1450 TCN, tuy nhiên, văn minh Minoan bị phá hủy tàn nhẫn – bởi những bất ổn xã hội và/ hay chính trị mà bản chất của chúng vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ. Người Mycenae đổ bộ lên đảo, và đến lượt mình để lại những dấu ấn lên nền văn hóa của nó và xây dựng một đế chế đảo quốc vươn dài khắp vùng Aegea: người Ấn-Âu đã chinh phục biển cả.

Giờ từ châu Âu quay trở lại với châu Á, chúng ta bắt gặp một nhóm dân tộc khác nói tiếng Ấn-Âu – người Aryan hay Ấn- Aryan – di chuyển về hướng nam từ nước Nga vào cuối thiên niên kỷ 3. Trong hành trình dài, hai nhánh tách rời ra từ một cành chung: qua Iran hoặc Caucasus nhánh thứ nhất xuyên qua khối núi Armenia và từ đó đến vùng chân đồi Taurus, nơi đó họ hòa trộn với một dân tộc ‘thuộc châu Á’ rất cổ, người Hurri; nhánh thứ hai nắm quyền kiểm soát những bộ tộc Á châu khác, người Kassite, thiết lập xa hơn về phía nam trong dãy Zagros và trên bình nguyên Iran. Khối người Aryan tiếp tục hành trình của mình theo hướng đông-nam và cuối cùng đến những tỉnh lỵ Wind và Punjab trước đây thuộc Ấn, giờ thuộc Pakistan. Mười bốn năm khai quật tại hai di chỉ của thung lũng sông Ấn, Mohenjo-Daro và Harappa, đã chứng tỏ rằng trong thiên niên kỷ thứ 3 TCN, vùng này là trung tâm của một nền văn minh đang nảy nở được biết là Văn minh sông Ấn hoặc văn hóa Harappa. Với các thị trấn được thiết kế khéo léo và những ngôi nhà gạch tiện nghi, đồ gốm được tô màu bắt mắt và những dấu niêm được khắc chạm tinh tế, văn hóa Harappa khiến ta nhớ lại một cách kỳ lạ và đem ra so sánh ưu ái với  nền văn minh Sumer, và thật ra có chứng cứ về mọi giao lưu thương mại giữa ‘người Sơ Ấn’ và dân cư Mesopotamia trong thời kỳ Addak. Theo học thuyết cổ điển, văn hóa Harappa bị người Aryan hủy diệt khoảng 1550 TCN, nhưng những giả thuyết khác gần đây đã được đưa ra để lý giải thảm họa đã nhẫn tâm nhấn chìm thung lũng sông Ấn vào bóng tối trong nhiều thế kỷ. Một số tác giả đó cho tác nhân là một vụ lụt thảm khốc, trong khi những người khác tin rằng sự hủy diệt xảy ra tại một thời điểm sớm hơn (1750 TCN) và thuộc trách nhiệm của các bộ tộc thời Đồng Đá của miền nam và trung Ấn.

Đó là hậu cảnh tổng quát trên đó chúng ta giờ đây xem xét kỹ càng hơn hai dân tộc mà, bởi đặc điểm vị trí địa lý của họ, đã có mối tiếp xúc thân thiết với Mesopotamia và gây một ảnh hưởng đáng kể lên lịch sử của nó: người Hittite và Hurri.

Tiểu Á và người Hittite

Những khu định cư sớm nhất được phát hiện đến nay có niên đại ngược về thời Đồ Đá Mới, (k. 7000 – 5400 TCN), và nằm trên cao nguyên Nam Anatolia (Hacilar, Çatal Hüyük, Kizilkaya) và trên đồng bằng Cilicia (Mersin, Tarsus). Gần như cùng thời với Jericho, Jarmo và Hassuna, chúng giống các di chỉ này trên nhiều phương diện, như trang bị công cụ, các tượng người nhỏ, lối kiến trúc,…  mặc dù những phát hiện tại Çatal Hüyük đã phát lộ một giai đoạn Đồ Đá Mới công phu và độc đáo trước khi có đồ gốm. Thậm chí ở Cilicia và trên đồng bằng ‘Amuq lân cận, gần Antioch, những nền văn hóa Đồ Đá Mới này với đồ gốm có nước bóng màu da bò, nâu và đen không giống với Mesopotamia hoặc Syria-Palestine, nhưng trong những thời kỳ Đồng Đá Sớm và Giữa sau đó  (k. 5400 – 3500 TCN), nhiều mảnh gốm vỡ Halaf và sau đó, Ubaid xuất hiện trong những vùng này, trong khi một đồ gốm có tô màu bản địa được sản xuất tại Çatal Hüyük, Hacilar và, Beycesultan xa hơn về phía tây.

Trong Thời Đồ Đồng Sớm (k. 3500 – 2300 TCN) những khu vực khác thuộc Tiểu Á trở nên đông đúc dân cư và một nền văn minh khả rực rỡ bừng nở trong nửa phần phía tây của Anatolia (Troy, Alişar, Alaca, Polatli và nhiều địa điểm khác), từ đó nó lần ra đến Macedonia, Thessaly và các đảo vùng Aegea. Nếu so sánh, phân nửa phía đông của xứ sở cũng như Armenia dường như tụt lại phía sau, mặc dù điều này có thể là một ấn tượng sai lầm do hiếm có khai quật khảo cổ trong phần đó thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Các nền văn hóa Thời Đồ Đồng thay đổi chi tiết từ vùng này đến vùng khác, trừ một số đặc điểm khiến cho toàn thể vùng Tiểu Á có một sự thống nhất nào đó: đồ gốm thì phần nhiều đơn sắc, được làm bóng, màu tối và bắt mắt; nhà ở xây bằng đá và gạch bùn, tường được gia cố bằng rầm gỗ, và kỹ thuật luyện kim đã tiến đến một trình độ hoàn hảo, như được minh họa bởi cái gọi là ‘kho báu của Priam’ ở thành Troy II (k. 2600 TCN) và bởi đồ dùng xa hoa của Nghĩa trang Hoàng gia tại Alaca (k. 2400 TCN).

Vào khoảng 2200 TCN, một vụ hủy diệt lan rộng và dữ dội do bọn xâm lược gây ra – chắc hẳn là người Luwia – đánh dấu sự cáo chung của nền văn minh không tên này. Phần phía tây của Tiểu Á bị nhấn chìm vào bóng tối mờ mịt trong vài thế kỷ, nhưng vùng trung tâm Anatolia vừa mới phục hồi, Thời Đồ Đồng Giữa trong vùng đó được đặc trưng bởi những tàn tích về kiến trúc quan trọng của các thành phố kiên cố và bởi việc sử dụng không ngừng tăng lên các đồ gốm được tô màu bản địa, bao gồm ‘đồ gồm Cappadocian’. Cũng chính trong thời kỳ này mà lịch sử ở Anatolia bắt đầu, mặc dù những văn kiện viết tay đầu tiên thật ra có nguồn gốc nước ngoài.

Tiểu Á là một trong những trung tâm luyện kim chính yếu của vùng Cận Đông cổ đại, và một hoạt động mậu dịch tích cực và lâu đời giữa Mesopotamia và láng giềng phía bắc của nó cuối cùng đưa đến việc thành lập các thuộc địa mậu dịch của Assyria bên kia dãy Taurus trong thời trị vì của Sargon I của Assyria (k. 1900 TCN), nếu không  nói là sớm hơn. Một trong những thuộc địa này toạ lạc tại Boghazkoy, thủ phủ tương lai của người Hittite; một thuộc địa khác – quan trọng hơn tất cả – được phát hiện tại Kültepe (Kanesh cổ đại), gần thị trấn Kayseri ở Cappadocia. Tại đó những cuộc khai quật của Đức và Thổ được tiến hành một vài năm đã làm lộ ra những ngôi nhà của lái buôn cùng với hàng trăm ‘thư từ làm ăn’. Tất nhiên, đó là những bảng đất sét, thường chứa trong hộp thư đất sét có niêm phong, viết bằng loại phương ngữ Akkad được biết dưới tên ‘chữ Assyria cổ’. Vì chúng kéo dài ít nhất 6 thế hệ, chúng kể cho chúng ta biết khá nhiều về các nhà buôn và công việc mậu dịch của họ. Chẳng hạn, chúng ta biết họ xuất khẩu đến Assyria bạc, vàng và một số lượng lớn đồng đỏ, và nhập khẩu thiếc và hàng dệt may. Thiếc, ắt hẳn người Assyria có được từ Azerbaijan, Elam, hoặc có thể Afghanistan, có vẻ đã được người Anatolia sử dụng để làm đồng đen bằng đồng đỏ sản xuất tại địa phương. Chi phí thường được tính bằng bạc. Hàng hoá được vận chuyển bằng đoàn xe lừa, và chúng ta có thể theo dõi lộ trình dài 1,500 dặm họ đi theo từ Assur đến Kültepe, và ngược lại, qua Jazirah và các hẻm núi Taurus. Hoạt động của các cộng đồng người Assyria được tài trợ bởi các gia đình giàu có ở Assur và được kiểm soát bởi một tổ chức hội là karum, có vai trò như Phòng Thương mại, tòa án và lãnh sự dưới quyền một chủ tịch được bổ nhiệm hàng năm hay limmu. Nhưng có lẽ điểm thú vị chính yếu của việc trao đổi thư từ này là nó là nguồn thông tin duy nhất mà chúng ta có về cấu trúc sắc tộc và chính trị của Anatolia vào buổi bình minh lịch sự của nó. Mặc dù thực tế họ nắm trong tay toàn bộ kinh tế của đất nước, các thương buôn Assyria thường biết điều với dân bản địa và các thủ lĩnh của họ, vốn cũng làm giàu nhờ tiền thuế đánh lên gần như mọi giao dịch thương mại. Đất nước được phân ra khoảng 10 vương quốc nhỏ dường như tuân phục một nhà cai trị gọi là ‘ông hoàng của các ông hoàng’. Một vài tên địa phương thuộc về lớp dân số châu Á cổ (người Hatti), nhưng sự hiện diện của các tên Ấn-Âu với số lượng lớn cho thấy người ‘Hittite’ đã vượt qua Bosphorus và lẻn vào Tiểu Á.

Theo nghĩa rộng hơn, từ ‘Hittite’ chỉ toàn thế người xâm nhập – ba dân tộc nói tiếng khác nhau, dù đều liên hệ mật thiết với ngôn ngữ Ấn-Âu: Luwia, Palaic và Nesite. Người Luwia đến trước tiên và chắc chắn chịu trách nhiệm cho hành động hủy diệt đánh dấu sự cáo chung của Thời Đồ Đồng Sớm; những người khác đến sau. Chẳng bao lâu họ phân tán khắp bán đảo. Người Luwia, mà ngôn ngữ của họ sau đó được viết ra bằng chữ tượng hình, định cư ở phía tây Cilicia, dọc theo bờ biển, người Palaites chắc hẳn định cư trong vùng đồi  Sivas, còn người gọi là Nesite định cư ở Cappadocia – thật ra, thành phố Nesa hay Nesha đã được thử đồng nhất với Kanesh-Kültepe. Hàng thế kỷ sau những kẻ xâm nhập nói tiếng Nesite đó chinh phục trung tâm cao nguyên Anatolia, phía đông Ankara, xứ được gọi là Hatti bởi người bản xứ, và lấy tên của họ. Họ trở thành người Hittite đích thực đã đóng một phần quan trọng đến thế trong lịch sử vùng Cận Đông trong thiên niên kỷ thứ 2 TCN.

 Từ đất nước văn minh gần nhất, Syria, người Hittite vay mượn chữ viết hình nêm được sáng chế ở Mesopotamia và thích nghi với ngôn ngữ Ấn-Âu của họ. Phần nhiều văn bản Hittite mà chúng ta có không lâu hơn thế kỷ 14 hay 13 TCN, nhưng chúng đôi khi đề cập đến những sự kiện xảy ra trong quá khứ xa xăm. Chẳng hạn, một văn bản nói về Pitkhanas, Vua xứ Kussara, và con trai của ông Anittas, người đã khuất phục 5 vương quốc lân cận (trong đó có Hatti) và dời nơi cư ngụ về Nesta. Vì tên của các nhà cai trị này cũng xuất hiện trong những bảng khắc ở  Kültepe, và vì các chiến dịch của  Anittas dường như đã chấm dứt các thuộc địa của Assyria ở Cappadocia, ta có thể xác định niên đại các sự kiện này vào khoảng 1750 TCN. một cuộc cách mạng cung đình xảy ra, và vị vua khác của Kussara, Labarnas I (k. 1680 – 1650 TCN) được cho là đã ‘lấy biển làm biên giới cho mình’ và chia các lãnh thổ chính phục được cho các con trai. Xuất thân của Labarnas mơ hồ, nhưng ông được các ông vua  Hittite xem là tổ tiên thực sự của mình, và phải được vinh danh là đã có công đặt nền móng cho những gì được coi là Vuong quốc Hittite Cổ, một thời kỳ tuy ngắn ngủi nhưng đầy vinh quang cho người Hittite, như sẽ thấy trong chương sau.

Giờ tạm gác lại người Hittite, chúng ta quay sang một trong những láng giềng thú vị nhất của họ: người Hurri.

Người Hurri và Mitannia

350px-Ancient_Egypt_and_Mesopotamia_c._1450_BC

Mesopotamia 1450 BC

Được biết cách này 90 năm từ một văn bản hình nêm (một bức thư được tìm thấy tại el-Amarna ở Ai Cập) và từ một tham chiếu trong Kinh thánh (‘Horites’ thuộc Sáng Thế ký xxxvi. 20 – 30), người Hurri đã trở thành một chủ đề hứng thú đặc biệt đối với sử gia và nhà khảo cổ. Không giống người Hittite, họ chỉ đóng vai trò đáng kể trong chính trị vùng Cận Đông khi đến thế kỷ 15 TCN, nhưng rồi chỉ trong một thời gian ngắn, mặc dù có đủ chứng cứ cho thấy họ hợp thành một yếu tố tích cực và quan trọng trong dân số Mesopotamia và Syria trong thiên niên kỷ 2 TCN. Vậy mà trong nhiều lĩnh vực họ vẫn còn là một dân tộc khó nắm bắt, và những gì chúng ta biết về họ có thể được kể trong vài lời.

Ngôn ngữ của họ, được viết dưới dạng hình nêm, không phải chữ Semite cũng không phải Ấn-Âu, mà thuộc về một nhóm mơ hồ gọi là ‘thuộc châu Á’, họ hàng gần nhất là tiếng Urartu, được nói trong xứ Urartu (Armenia) trong thiên niên kỷ 1 TCN. Các thần chủ của họ là Teshup, một vị thần bão tố của vùng núi non, và thần phối ngẫu Hepa, một dạng nữ thần mẫu. Liệu người Hurri có phong cách nghệ thuật của riêng mình hay không là điều cần bàn cãi, nhưng đồ sứ liên hệ với sự hiện diện của họ tại một vài di chỉ là đặc trưng nhất. Những chiếc cốc duyên dáng này được trang trí hoa, chim và hình kỷ hà được tô màu nâu vàng trên một nền xám đen tương phản với đồ gốm Mesopotamia giản dị của thời đó và chắc chắn có cùng tầng niên đại với đồ gốm có tô màu  Halaf hoặc Ubaid trong thời sơ sử.

5

Trên: các mẫu đồ gốm Khabur (thế kỷ 16 TCN), từ Chagar Bazae. Dưới: các mẫu đồ gốm Nuzi (thế kỷ 15 TCN), từ Alalah và Nuzi.

Ngôn ngữ và tín ngưỡng chỉ đến phương bắc nhiều núi non, chính xác hơn đến Armenia, như là đất tổ của người Hurri, nhưng họ không bao giờ ở yên một cách nghiêm nhặt trong vùng đó. Chúng ta đã thấy các vương quốc Hurri được thành lập trên Thượng lưu Tigris và trên Thượng lưu Euphrates trong thời kỳ Akkad. Dưới Triều đại Thứ Ba của Ur những tên người bị cô lập trong hồ sơ kinh tế ở Drehem, gần Nippur, gợi ý rằng người Hurri hợp thành những nhóm nhỏ dân nhập cư ở Sumer tương tự với người Armenia ở Iraq ngày nay. Trong phần tư thứ nhất của thiên niên kỷ 2 việc xâm nhập vào vùng ‘Lưỡi Liềm Màu Mỡ” lên cao đến mức, ít nhất trong vài vùng, giống như một cuộc xâm lược hòa bình. Tại thị trấn Alalah ở Syria, giữa Aleppo và Antioch, người Hurri hợp thành một đa số dân số ngay từ 1800 TCN. Đồng thời các tên người Hurri và văn bản tôn giáo bằng chữ Hurri được tìm thấy trong thư khố của Mari và Chagar Bazar. Khoảng một thế kỷ sau đó người Hurri thực sự đã sở hữu miền bắc Iraq. Họ chiếm thành phố Gasur, gần Kirkuk, đối tên nó thành Nuzi, nhìn nhận ngôn ngữ và tập quán của dân cư Semite trước đây, và xây nên một cộng đồng Hurri rất thịnh vượng.  Mô gò Gawra và Billa, gần Mosul, cũng nằm dưới ảnh hưởng của họ. Sau 1600 TCN đồ gốm Hurri thay thế đồ gốm được tô vẽ thô sơ đặc thù của thung lũng Khabur, và yếu tố Hurri lấn át ở miền bắc Iraq, miền bắc Syria và Jazirah. Vì vậy chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi tìm thấy ở những vùng đó, vào đầu thế kỷ 15 TCN, một vương quốc Hurri đủ hùng mạnh để có thể kiểm soát người Assyria ở phía đông, người Hittite và Ai Cập ở phía tây. Trung tâm vương quốc này nằm trong khu vực Balikh-Khabur, trong vùng người Assyria gọi là Hanigalbat và người Tây Semite gọi là Naharim (‘Những con Sông’), và chắc hẳn cái tên ‘Hurri’ của chúng ta sống sót dưới tên Orrhoe, tên Hy Lạp cho Urfa ngày nay. 

Trong một số văn bản vương quốc Hurri ở Jazirah được gọi là Mitanni, và từ cái từ này xuất phát tên gọi ‘Mitannian’ áp dụng cho yếu tố Ấn-Âu có thể phân biệt được trong xã hội Hurri tại một thời kỳ nào đó. Chúng ta không biết khi nào và bằng cách nào người Ấn-Aryan lại hòa trộn với người Hurri và nắm quyền kiểm soát họ, nhưng không mấy nghi ngờ là, ít nhất trong thế kỷ 15 và 14 TCN, họ đã định cư trong cộng đồng Hurri thành tầng lớp quý tộc lãnh đạo. Tên vài vị vua Mitanni, như Mattiwaza và Tushratta, và thuật ngữ mariannu, chỉ một phạm trù chiến binh,  khả năng nhất là có nguồn gốc Ấn-Âu. Hơn nữa, trong một hiệp ước giữa Mitanni và Hittite, các vị thần Mitrasil, Arunasil, Indar và Nasattyana – tất nhiên, vốn là các vị thần Aryan nổi tiếng Mithra, Varuna, Indra và Nasatyas – được nhắc đến bên cạnh Teshup và Hepa. Không nghi ngờ gì nữa chính những người du cư cổ đại đó ở đồng bằng nước Nga đã dạy cho người Hurri nghệ thuật huấn luyện ngựa – một người Hurri sống ở  Boghazkoy đã viết một tài liệu hoàn chỉnh về chủ đề này, sử dụng những thuật ngữ kỹ thuật Ấn-Âu – và bằng cách này đã giới thiệu hoặc đúng hơn phổ biến ngựa vào vùng Cận Đông.

Nếu đóng góp của người Hurri vào văn minh của Mesopotamia là không đáng kể, thì tác động của họ đối với các nền văn hóa ít tiến bộ hơn ở Syria ắt hẳn đáng kể, dù thật khó xác định. Trong bất kỳ trường hợp nào, sự xâm nhập qui mô lớn của họ vào xứ sở đó dường như đã khởi phát một loạt các bất ổn chính trị và phong trào sắc tộc, mà hiệu quả của nó có thể cảm nhận xa tận Ai Cập.

Syria và Ai Cập

Một đường xấp xỉ tương ứng với đường biên giới phía tây và nam hiện nay của nước Cộng Hòa Syria phân chia Syria cổ đại ra làm hai phần – vùng đồng bằng mênh mông ở phía bắc và vùng đồi núi và sa mạc ở phía nam – trong thời tiền sử đi theo một lối phát triển khác nhau. Ta không có chỗ để được phép mô tả nó, cho dù ngắn ngủi, nhưng những gì chúng ta nghĩ có quan hệ đối với chủ đề của chúng ta là sự kiện từ những ngày rất sớm miền bắc đã mở rộng đón nhận những ảnh hưởng của Mesopotamia, vì nó là mối dây liên kết giữa thung lũng Tigris-Euphrates, vùng Địa Trung Hải và, ở một mức độ nào đó, Anatolia. Nếu miền bắc, với hàng trăm mô gò, đã được khảo sát hoàn toàn như Lebanon hoặc Palestine, sự phát hiện tại Ebla một vương quốc lớn rộng và hùng mạnh, có niên đại giữa thiên niên kỷ 3 TCN, và chịu ảnh hưởng nhiều nền văn minh Sumer-Akkad sẽ không gây hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên, điều có thể không được chờ đợi là dân chúng Elba nói một phương ngữ Semitic từ trước đến giờ không được biết đến, na ná với tiếng Akkadian.

Trong lúc đó, miền nam – ẳt hẳn được cư trú bởi những người Semite khác – hướng về Ai Cập. Mối quan hệ giữa xứ sở đó với Lebanon hoặc Palestine, đã được minh chứng trong thời kỳ Tiền-Triều đại, được để lại nhiều thông tin dưới thời Cựu Vương quốc Ai Cập (k. 2800 – 2400 TCN). Đây là thời đại của các đại kim tự tháp và Ai Cập trông như những đài tưởng niệm của nó: cao ngất, đồ sộ, rõ ràng bất khả hoại. Ngoan ngoãn theo lệnh của Pha-ra-ông – vị thần hiện thân an vị tại Memphis – và của vô số các quan chức của ngài, một dân tộc cần cù và một đạo quân nô lệ người nước ngoài làm việc quần quật. Nhưng nếu thung lũng sông Nile giàu có, nó lại thiếu một nguyên liệu thiết yếu: gỗ. Những ngọn núi ở Lebanon, trong tầm tay, dày đặc những cánh rừng thông, rừng bách, rừng tuyết tùng. Do đó một hoạt động mậu dịch tấp nập được mở ra giữa hai đất nước vì lợi ích chung. Cảng Byblos (tiếng Semite là Gubla, tiếng Ai Cập là  Kepen), kho hàng gỗ lớn, trở nên bị ‘Ai Cập hóa’ mạnh mẽ, và từ Byblos ảnh hưởng văn hóa Ai Cập lan dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, mối  quan hệ giữa người Ai Cập và dân chúng Palestine và vùng nội địa ít thân thiện hơn nhiều. Đặc biệt, dân du cư thường lui tới Negeb, liên tục tấn công những mỏ đồng Ai Cập ở bán đảo Sinai và thỉnh thoảng cướp phá vùng châu thổ sông Nile, buộc các Pha-ra-ông phải đánh trả và thậm chí phải củng cố biên giới phía đông của họ. Sự sụp đổ của Cựu Vương quốc khiến Ai Cập không được bảo vệ, và chúng ta biết về vai trò lớn lao mà ‘dân sa mạc’, “bọn châu Á’, nhận lấy trong suốt 300 năm bán hỗn loạn xảy ra sau đó.

Những thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ 2 chứng kiến sự bành trướng của người Tây Semite ở Syria cũng như ở Mesopotamia, như được chứng tỏ bằng sự đứt gãy giữa các nền văn hóa Đồ Đồng Sớm và Đồ Đồng Giữa, và bởi sự lấn át của các tên tiếng Tây Semite trong dân số Syria-Palestine. Trong khi các triều đại Amorite trỗi dậy nắm quyền lực trong nhiều thị trấn Mesopotamia, miền bắc Syria bị phân chia thành vài vương quốc Amorite nhỏ, quan trọng nhất là các vương quốc Iamhad (Aleppo), Karkemish và Qatna. Chung quanh các cung điện của các nhà cai trị địa phương những thành phố kiên cố được xây dựng, và những vật dụng và tượng điêu khắc được tìm thấy trong cung điện của Iarim-Lim, Vua xứ Alalah, chẳng hạn, có chất lượng không kém chút nào so với những thứ tìm được trong cung điện cùng thời của Zimri, Vua xứ Mari. Chúng ta đã thấy rằng các thư khố ở Mari cho ta đủ chúng cứ về mối giao tiếp thân tình giữa Mesopotamia và Syria, và thật ra, người ta không thể tránh khỏi cảm tưởng về một cộng đồng to lớn của các nhà nước Amorite vươn dài từ Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư. Cùng lúc đó những quan hệ thương mại giữa Syria và Crete được tăng cường. Một thuộc địa những nhà buôn Minoan lập ra ở cảng Ugarit (Ras Shamra) và bát đĩa sành Kamares tinh xảo tìm đường đến các bàn ăn của các nhà vua Syria. Ai Cập, khi đó đang trong thời kỳ Trung Vương quốc hồi sinh trọn vẹn (2160 – 1660 TCN), làm mới lại và củng cố mối ràng buộc với bờ biển Lebanon và ra sức chặn ảnh hưởng đang lên của người Hurri ở miền bắc Syria bằng cách gửi nhiều quà biếu đến các triều đình Amorite. Điều này, dù nhìn theo cách nào, là một lý giải khả dĩ  cho những bình sứ, đồ trang sức và tượng hoàng gia được gởi đến Byblos, Beirut, Ugarit, Qatna và Neirab (gần Aleppo) bởi các Pha-ra-ông của Triều đại 12.

Vùng nằm về phía nam Lebanon trình diện cho chúng ta một bức tranh rất khác. Nghèo hơn miền bắc Syria nhiều và ít cởi mở với ảnh hưởng ngoại bang, Palestine trong Thời Đồng Giữa (2000 – 1600 TCN) là một xứ bất ổn và chia rẽ về mặt chính trị ‘trong cơn quằn quại của những biến động bộ tộc’ tại đó chính người Ai Cập không có quyền hành và hiển nhiên có ít tham vọng mở rộng sự vượt trội về mặt chính trị và kinh tế. Việc Abraham và gia quyến mình đến giữa các bộ tộc chộn rộn đó – một sự kiện mà hiệu quả về sau vẫn còn được cảm nhận sâu sắc trong vùng Cận Đông – ắt hẳn xảy ra không ai chú ý. Những dòng họ nhỏ hoặc bộ tộc lớn liên tục hành trình trong thời cổ đại  từ phía này của sa mạc Syria sang phía bên kia, và không có lý do nghi ngờ về tính hiện thực của chuyến di cư của Abraham từ Ur đến Hebron qua Harran như được mô tả trong Sáng Thế ký xi. 31. Một sự đổi chiếu giữa ghi chép trong Kinh thánh với văn bản và di vật khảo cổ chúng ta sở hữu gợi ý rằng chuyện đi này ắt phải xảy ra ‘khoảng 1850 TCN, hoặc sau hơn một chút’, có lẽ là kết quả của những điều kiện khó khăn phổ biến trong thời gìan đó ở miền nam Iraq, bị xâu xé giữa Isin và Larsa. Nhân vật lịch sử của thời kỳ Tổ phụ được củng cố thêm – đó là điều được nghĩ cách đây vài năm – khi các văn bản chữ hình nêm và tượng hình có niên đại hầu hết từ thế kỷ 15 và 14 TCN đề cập về một  tộc người thường kết thành những băng đảng hiếu chiến gọi là  habirû (hay ‘apiru trong tiếng Ai Cập), một cái tên có âm rất giống với ‘Ibria, người Hebrew (Do Thái cổ) trong Kinh thánh. Tưởng rằng cuối cùng đã xuất hiện những nguồn tài liệu phi do thái từ lâu được chờ đợi đề cập đến họ hàng Abraham! Rủi thay, gần đây sau khi đánh giá lại toàn bộ nguồn tài liệu này đã cho thấy chắc chắn rằng Habiru không có dính líu gì với người Do Thái cổ mà chỉ là sự giống tên. Họ không phải là một dân tộc hoặc bộ tộc, mà là một giai tầng xã hội hợp bởi những người tị nạn, nhập cư trái phép như chúng ta thường gọi hiện giờ, và thường biến thành kẻ sống ngoài vòng pháp luật.

Vào khoảng 1720 TCN các thủ lĩnh Palestine, mà thái độ gây rối và thù địch của họ đã gây nhức nhối cho các Pha-ra-ông thuộc Triều đại 12, xâm lược thành công Ai Cập, và họ trị vì gần 150 năm. Họ được biết dưới tên Hyksos, dạng Hy Lạp của cái tên Ai Cập hiqkhase, ‘thủ lĩnh  ngoại bang miền núi’. Mặc dù họ chỉ chiếm châu thổ sông Nile, ảnh hưởng của họ trên thuật chiến tranh, nghệ thuật và thậm chí ngôn ngữ của xứ sở đó cũng đáng kể. Tuy nhiên, cuối cùng các vị vua của Triều đại 18 đã lật đổ người Hyksos, đánh đuổi đến tận cổng Gaza, và với kỳ công này mở ra điều chúng ta gọi là thời kỳ Tân Đế chế (1580 – 1100 TCN), nghiễm nhiên là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Trái lại, Mesopotamia thì sụp đổ, cũng khoảng thời gian đó (1595 TCN) vào tay bọn ngoại bang khác, người Kassite, và bước vào một thời kỳ dài trì trệ về chính trị.

.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s