Chương 8: THỜI KỲ TRIỀU ĐẠI SỚM
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Lịch sử Iraq cổ đại được phân chia, như thời tiền sử của nó, thành những thời kỳ đặc trưng bởi những biến động chính trị chủ yếu thường song hành với những thay đổi trong các lãnh vực xã hội, kinh tế và văn hóa. Thời kỳ thứ nhất bắt đầu khoảng 2900 TCN và kết thúc với việc Sumer bị chinh phục bởi vua Semite của Akkad, Sargon, vào năm 2334 TCN hoặc khoảng đó. Vì lý do này, nó thường được gọi ‘Tiền Sargon’, mặc dù thuật ngữ ‘Triều đại Sớm’ (viết tắt là ED ‘Early Dynastic’) thường được các học giả nói tiếng Anh thích sử dụng hơn. Thời kỳ Triều đại Sớm lại được chia nhỏ thành ba phần ED I (c. 2900 – 2750 B.C.), ED II (c. 2750 – 2600 B.C.) và ED III (c. 2600 – 2334 B.C.), nhưng cần phải làm rõ ngay từ đầu rằng nếu từ ‘lịch sử’ được hiểu là những ghi chép các sự kiện chính trị, hoặc ít nhất các chữ khắc xác thực từ các vị cai trị địa phương, thế thì chỉ một phần của ED II và toàn bộ ED III là lịch sử; còn ED I và những thập niên đầu của ED II thuộc về tiền sử theo nghĩa hẹp của từ này cho đến khi may mắn phát hiện được một bảng khắc, từ một trong những vị vua sớm nhất của Uruk và Kish được đề cập trong Danh sách các Vì Vua Sumer, đẩy lùi qua một đêm thời kỳ đầu của lịch sử vào quá khứ, như đã xảy ra hai lần.
Trước Thể Chiến I, kiến thức của chúng ta về thời kỳ Triều đại Sớm gần như rút ra toàn bộ từ việc khai quật được người Pháp tiến hành tại Lagash – hoặc Girsu 1 – ngày nay là Mô gò Luh hoặc Telloh, một mô gò lớn gần Shatt al-Gharraf, cách Nasriya 48 km về phía bắc. Ngoài những tác phẩm nghệ thuật nổi bật, những cuộc khai quật này còn cho ta nhiều bảng chữ khắc khiến có thể tái hiện khá chi tiết lịch sử của Lagash và soạn ra danh sách các nhà cai trị từ khoảng 2500 đến 2000 TCN. Rủi thay, thông tin tìm được chỉ giới hạn tại một thành phố, và các nhà cai trị của nó không có mặt trên Danh sách các Vì Vua, ắt hẳn vì họ không được coi là nắm quyền cai trị trên toàn cõi Sumer.
Rồi, trong mùa đông 1922 – 3, Sir Leonard Woolley tìm thấy tại al-Ubaid, giữa những mảnh vụn điêu khắc và chạm khắc đồng hoành tráng từng một thời trang trí một đền thờ Triều đại Sớm, một bia đá với các chữ khắc sau:
(Dâng) Ninhursag: A-annepadda, Vua xứ Ur, con trai của Mesannepadda, Vua xứ Ur, vì Ninhursag đã xây dựng (đền thờ này).
Cả A-annepadda và vua cha đều có trên Danh sách Vua Sumer’, người sau là người thành lập Triều đại Thứ Nhất của Ur kế tục Triều đại Thứ Nhất của Uruk. Như vậy lần đầu tiên một trong các ông hoàng Sumer sớm đó từ lâu được coi là nhân vật thần thoại được mình chứng là đã thực sự tồn tại. Có lý do để tin tưởng rằng Mesannepadda trị vì vào khoảng 2560 B.C.
Cuối cùng, vào năm 1959 một học giả Đức, D. O. Edzard, tìm thấy trong Bảo tàng Iraq một mảnh vỡ của một bình lớn bằng thạch cao tuyết hoa, được chạm khắc ba từ rất cổ:
Me-bárag-si, Vua xứ Kish
Vị nguyên thủ này, như Edzard chứng tỏ, không ai khác hơn là Enmebaragesi trong Danh sách Vua, vị vua thứ 22 của Triều đại Thứ Nhất của Kish và là cha của Agga mà, như chúng ta đã biết, đánh nhau với Gilgamesh. Vì một bảng khắc khác của vị vua đó được tìm thấy tại Khafaje trong một văn cảnh khảo cổ gợi ý đoạn kết của ED II, và vì Gilgamesh, vua Uruk, có 7 người kế vị trị vì trong khoảng thời gian dài hợp lý tổng cộng là 140 năm trước khi vương triều họ bị Mesannepadda lật đổ, chúng ta có thể an toàn khi giả định rằng Mebaragesi trị vì khoảng 2700 B.C. và lấy niên đại đó như điểm khởi đầu lâm thời cho lịch sử Iraq cổ đại.
Hai mươi mốt vị vua của Kish đi trước Mebaragesi và bốn vị vua cùng thời của Uruk đi trước Gilgamesh sẽ lấp đầy ngon lành khoảng hở giữa 2900 và 2700 TCN, miễn là chúng ta phớt lờ thời trị vì kéo dài không thể tin được mà Danh sách Vua Sumer gán cho mỗi người trong họ. Không có lý do để ngờ vực về sự tồn tại của các nguyên thủ này, mặc cho có sự kiện là sau này họ được hóa thành các người hùng và bán thần, nhưng chúng ta không có bảng khắc hoàng gia xác thực từ ba thế kỷ này, và kiến thức của chúng ta về ED I và ED II hoàn toàn dựa trên dữ liệu khảo cổ, những văn bản cổ từ Ur (ED I hoặc ED II) vốn cục kỳ khó hiểu và có mối hứng thú lịch sử hạn chế.
Từ khoảng 2500 TCN trở đi, tuy nhiên, chúng ta có vừa đủ bảng khắc hoàng gia, cũng như những văn bản kinh tế, luật pháp, hành chính và thậm chí văn chương – nhất là từ Fara, Abu Salabikh và, về sau, Girsu – để phác họa một đường nét thô sơ về lịch sử chính trị và xã hội của Sumer. Nhưng ngoài một ít bảng khắc rất ngắn (hầu hết là tên các vị vua) được tìm thấy tại Mari, trên đoạn giữa Euphrates, và ngoài những mảnh vụn các binh và tượng chạm khắc phát hiện tại Khafaje, trong thung lũng Diyala, tất cả những văn bản này đến từ nam Mesopotamia, phần phía bắc của xứ sở này vẫn tiếc thay còn mù chữ. Tuy nhiên, ta không được mất hết hy vọng, vì hàng ngàn bảng đất sét gần đây tìm được ở Ebla chứng tỏ với chúng ta rằng ngành khảo cổ còn nắm giữ nhiều điều bất ngờ.
Tác động của phát hiện này không thể đánh giá đầy đủ trừ khi ta nhớ rằng trước 1947 đúng là ta không biết gì về Bắc Syria vào thiên niên kỷ 3 TCN. Nhờ một cú may mắn, trong năm đó và hai năm tiếp sau các nhà khảo cổ Ý, suốt một thập kỷ đã khai quật tại Mô gò Mardik – một mô gò lớn nằm cách Aleppo 60 km về phía tây-nam – đem ra ánh sáng, giữa đống đổ nát của cung điện có niên đại 2400 – 2250 B.C., khoảng 15,000 bảng đất sét mang những ký hiệu chữ hình nêm thuộc dạng đã được sử dụng trong thành phố Kish của Sumer. Nhiều chữ và câu được viết theo ‘từ phù (logograms)’ của Sumer nhưng những chữ khác được viết theo âm tiết, khiến không nghi ngờ gì là Mô gò Mardik là thành phố cổ Ebla – một cái tên mà trước đây đã xuất hiện trong một số văn bản Mesopotamia – và rằng ngôn ngữ được nói tại Ebla từ trước đến giờ là ngôn ngữ dạng Semite không được biết tới, nhanh chóng được đặt cho tên là ‘Eblaite’, vốn đến một mức độ nào đó khác với ngôn ngữ Akkad và với các ngôn ngữ Tây-Semite (Amorrite, Canaan) vào thiên niên kỷ 2 TCN.
Khi những bảng khắc chữ này dần dần được giải mã, tầm quan trọng của chúng trở nên càng ngày càng hiển lộ. Không chỉ chúng tiết lộ rằng Ebla là kinh thành của vương quốc Bắc Syria tương đối rộng lớn và hùng mạnh, mà chúng còn cung cấp một lượng lớn thông tin về tổ chức, cấu trúc xã hội, hệ thống kinh tế, các quan hệ ngoại giao và thương mại, những vùng đất chịu ảnh hưởng và sự quan hệ gần gũi về văn hóa của vương quốc từ lâu bị bỏ quên này. Không có thành bang Sumer nào của thời kỳ Triều đại Sớm đã để lại cho chúng ta những văn bản lưu trữ chi tiết dồi dào như thế, nhưng với một ít ngoại lệ, sự đóng góp của những văn bản Ebla đến lịch sử Mesopotamia cổ đại, mặc dù không phải là không đáng kể, đến tận bây giờ vẫn còn bị hạn chế, và khi nhiều văn bản này hơn sắp được công bố, không có vẻ là tình hình này sẽ thay đổi nhiều.
Văn cảnh khảo cổ
Những thám sát bề mặt và khai quật đã chứng tỏ rằng vào đầu thiên niên kỷ 3 tiến trình đô thị hóa, vốn đã bắt đầu trong thời kỳ Uruk, đã lên đến đỉnh điểm, liên quan đến toàn bộ Mesopotamia. Ở nam Iraq nhiều ngôi làng biến mất để nhường chỗ cho các thành phố đang mở rộng, minh họa tốt nhất là Uruk đã trở thành một thủ phủ sầm uất bao phủ 400 mẫu và chứa 40,000 đến 50,000 cư dân. Đồng thời, những trung tâm đô thị xuất hiện và phát triển từ những khu định cư sơ sử trong phần phía bắc Iraq. Các thị trấn được biết đến nhiều nhất là Mari (Mô gò Hariri), nửa đường giữa bắc Syria và Sumer, Assur (Qala‘at Sherqat), cách Nineveh 90 km về phía nam (đối diện Mosul ngày nay), và những thị trấn mà tên thời cổ đại không được biết nhưng ắt hẳn phải rất quan trọng: Mô gò Taya, chẳng hạn, tại chân Jabal Sinjar, và Mô gò Khueira trên biên giới Thổ-Syria, giữa sông Balikh và Khabur. Sự phát triển đô thị, đi kèm một cách khác thường với sự sinh sôi nông thôn, cũng xảy ra tại lưu vực Diayala, đông-bắc Baghdad, tại đó những cuộc khảo sát đã phát hiện những dấu vết của 10 thành phố lớn, 19 thị trấn nhỏ và 67 làng trong một diện tích rộng khoảng 900 cây số vuông. Một cách tình cờ, chúng ta mang ơn các nhà khảo cổ Mỹ mà, vào những thập niên 1930, khai quật ba địa điểm trong vùng này, Mô gò Asmar (Eshnunna), Khafaje (Tutub) và Mô gò ‘Aqrab, cho sự phân chia ba phần có tính cổ điển và đôi khi bị chỉ trích về thời kỳ Triều đại Sớm.
Như một quy luật, các thị trấn Mesopotamia thuộc đầu thiên niên kỷ 3 TCN đều được vây quanh bởi một tường thành, đôi khi tường kép và thường được gia cố bởi tháp canh. Những công sự này cho thấy chiến tranh thường xảy ra và điều này được củng cố ở Sumer bởi những văn bản ED III đề cập đến những trận chiến giữa các thành bang và chống ngoại xâm. Tuy nhiên, chúng ta không hề biết ai là kẻ thù đã khiến cư dân Mô gò Taya quá sợ đến nỗi phải xây một thành lũy và nâng cao tường thành trên nền móng đá cao ba mét.
Với một ít ngoại lệ, tất cả thị trấn phía bắc đều chịu ảnh hưởng Sumer ít nhiều về các vấn đề nghệ thuật, kiến trúc tôn giáo và đôi khi đồ gốm và thuật chạm ngọc. Việc này xảy ra như thế nào vẫn còn không chắc chắn. Một số tác giả đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại ‘thuộc địa Sumer’ ở giữa đám dân số áp đảo gốc Semite, nhưng không có bằng chứng khảo cổ hoặc văn bản để ủng hộ giả thuyết này, ít nhất trong thời kỳ Triều đại Sớm, và người truyền tải văn hóa Sumer khả dĩ nhất chính là thành phần nghệ nhân và con buôn rày đây mai đó.
Hầu hết các nhà khảo cổ đều đồng ý rằng văn hóa thời kỳ Triều đại Sớm bất nguồn từ văn hóa Uruk-Jemdat Nasr, và điều này là đúng trên nhiều phương diện, những một số gián đoạn khá kỳ lạ và đặt ra những câu hỏi khó trả lời. Chẳng hạn, ở đó hình như trong thời kỳ ED II bỗng biến mất, với lý do chưa được biết, trước khi kết thúc ED III, một vật liệu xây dựng kỳ lạ và có tính chẩn đoán chưa hề được sử dụng ở Mesopotamia trước và sau: cái gọi là gạch ‘phẳng-lồi’, có dạng như ổ bánh mì đáy dẹt, đặt trên cạnh và sắp xếp theo kiểu dạng xương cá trích. Một vấn đề quan trọng hơn là sự bãi bỏ gần như là hoàn toàn các đền thờ Mesopotamia kiểu ba phần cổ điển và được thay thế bằng những đền thờ và điện thờ có cách bố trí và kích cỡ khác nhau, một số chúng thường không phân biệt được với nhà ở chung quanh trừ khi ta đi vào bên trong, những đền thờ khác đứng một mình, như đền thờ hình ô-van rộng lớn và tráng lệ của Khafaje, với hai vòng bao đồng tâm và phần cella được nâng cao trên một nền tảng; loại đền thờ này đi ngược về thời kỳ Uruk (đền thờ ô-van ở Mô gò ‘Uqair). Một số điện thờ thời Triều đại Sớm rõ ràng phản ánh những ảnh hưởng phi-Mesopotamia, có thể vì lý do địa lý. Tại Mari, chẳng hạn, đền thờ các nữ thần bản địa Nini-zaza chứa một khối đá hình nón, một baetyl, thường thấy ở các đền thờ lộ thiên Tây-Semite ở Syria hoặc Palestine. Xa hơn về phía bắc, các đền thờ phức tạp ở Mô gò Khueira, quá gần biên giới Thổ hiện giờ, nằm trên các nền đá và có cổng lộ thiên làm nhớ đến các nhà ở tại Anatolia.
Đền thờ ô-van ở Khafaje, thời kỳ Triều đại Sớm III. Hai khu vực có túi g bao quanh đo được 103 x 74 và 74 x 59 m theo thứ tự. Chúng ta không biết đền thờ này cúng vị thần hay nữ thần nào.
Ngoài một ít bảng treo tường thú vị, một số chúng có khắc chữ, và các đồ tạo tác như ‘Bia Kền Kền’ nổi tiếng ở Girsu, nghệ thuật điêu khắc thuộc thời kỳ đó chủ yếu thể hiện ở những bức tượng các tín đồ đã từng đứng trên những ghế dài chạy quanh khu cella (nội thất) của hầu hết các đền thờ. Thường đứng thẳng nhưng đôi khi cũng ngồi, hai tay chấp trước ngực, những người đàn ông tóc dài hay hói, cao hoặc để râu này mặc áo len truyền thống Sumer, và tất cả phụ nữ này quấn trong một loại saree đang nhìn chằm chằm vào một tượng thần nào đó với cặp mắt cẩn vỏ ốc và đá quý ấn vào nhựa đường – những cặp mắt chúng ta đã gặp tại Mô gò es-Sawman 2.5 thiên niên kỷ trước đây. Nhưng những tượng nhỏ này không phải đều có chất lượng như nhau. Những tượng tìm thấy ở Mô gò Khueira hơi thô và vụng về, những tượng phát hiện tại đền thờ Ishtar cổ ở Assur đều tầm thường, và những tượng, được phổ biến rộng rãi, đến từ ‘dền thờ vuông’ của Mô gò Asmar thì cứng nhắc, góc cạnh và, với đôi mắt to, hau háu và bộ râu gợn sóng, tạo ấn tượng hơn là đẹp. Trái lại, nhiều pho tượng đào được tại Mari là những chân dung tuyệt với điêu khắc tinh xảo, nhưng Mari ở rất xa Sumer và những điêu khắc nổi bật này không thể được coi như đại diện cho nghệ thuật Sumer: với tất cả sự chắc chắn, chúng là tác phẩm của các nghệ nhân bản địa lấy cảm hứng từ Sumer, tổ tiên của những nhà điêu khắc vĩ đại của thời kỳ Akkad. Điều kỳ lạ là các bức tượng tín đồ được phát hiện ở Nippur và Girsu, ngay trung tâm Sumer, cho ta cảm tưởng là chúng được sản xuất hàng loạt nên không mấy ấn tượng khi so sánh với những tuyệt tác trong thời kỳ Uruk. Có phải chúng được làm trong các xưởng cho những khách hành hương nghèo, hay có phải chúng phản ánh sự suy thoái không thể tránh khỏi hình như theo sau mỗi thời kỳ khác thường trong lịch sử nghệ thuật? (hình dưới)
Công bình mà nói, trong các lĩnh vực khác của nghệ thuật thuộc thời kỳ Triều đại Sớm còn xa mới là xuống dốc. Chẳng hạn, trong một vùng giới hạn của trung tâm Mesopotamia ở đó nảy nở, trong ED I, một loại gốm đa sắc đẹp mắt gọi là gốm sứ đỏ tươi rõ ràng xuất xứ từ gốm Jemdat Nasr. Mặt khác, nhiều di chỉ ở thung lũng thượng lưu Tigris và lưu vực Khabur đã đem lại những mẫu gốm sứ Ninevite rất tao nhã, trước tiên được tô màu, rồi chạm khắc sâu, và kiểu dáng rất nổi bật: giá đựng trái cây cao có bệ làm đáy, binh cổ cao có vai bình góc cạnh, bát hình sống thuyền. Gốm đỏ tía chết yểu, gốm Ninevite biến mất vào giữa ED III sau một thời gian tồn tại rất lâu, và cả hai được thay thế, trên toàn cõi Mesopotamia, bằng một loại gốm không tô màu với rất ít chất lượng nghệ thuật.
Nghệ thuật cắt đá đi theo một lộ trình ngược lại về hướng cải tiến ngắn và hẹp . Những dấu nêm hình ống của thời kỳ ED I mang dải trang trí đơn điệu hình thú được quy ước hoặc những kiểu dáng hình học được thay thế, trong thời kỳ ED II và III, bằng những dấu niêm dài hơn và rộng hơn với các bố cục hoàn toàn khác mô tả hoặc ‘cảnh tiệc tùng’ hoặc ‘cảnh cạnh tranh sinh tồn của muông thú’. Cảnh trước cho thấy các ông các bà uống rượu từ những cốc hoặc bình cao qua một ống. Cảnh sau mô tả sư tử tấn công gia súc được các người hùng và bọn vai u thịt bắp bảo vệ. Cũng có một số mô-tip tôn giáo, như thần mặt trời đứng trên thuyền. Khi thời gian trôi qua, những bố cục về cơ bản không có gì thay đổi, nhưng được tạo tác tinh xảo hơn. Một số dấu nêm, nhất là của các vị vua, được tạo bằng đá thanh thiên hoặc những đá bán quý khác, hoặc thậm chí bằng vàng, và đôi khi bịt bạc ở hai đầu. Một cách tân quan trọng là việc xuất hiện, tại Ur, Jemdat Nasr và Uruk, chữ khắc hình nêm ngắn đầu tiên trên dấu niêm hình ống.
Tuy nhiên, chính trong nghề luyện kim người Sumer mới đạt tiến bộ nổi bật nhất ở một mức độ lớn trong việc đưa vào hai kỹ thuật mới: đúc khuôn cho đồng và chạm trổ cho kim loại quý. Như chúng ta sẽ thấy khi đi qua những đồ tạo tác tìm thấy trong Nghĩa trang Hoàng gia của Ur, thời kỳ Triều đại Sớm là thời điểm khi nghệ thuật kim hoàn đạt đến một trình độ điêu luyện chưa có nền văn minh đương thời nào đạt tới. Nhưng vật liệu thô phải được nhập khẩu bằng sản phẩm trao đổi của vùng nam Mesopotamia: ngũ cốc, da thuộc, len, hàng dệt, vật dụng đặc chế và nhựa đường. Thế thì, bằng cách nào người Sumer tổ chức điều hành nền kinh tế của họ? Cấu trúc xã hội của họ là gì? Ai là người cai trị của họ và những gì chúng ta có thể biết về lịch sử chính trị của họ? Để cố gắng trả lời các câu hỏi này (và một số câu hỏi khác) chúng ta phải chia tay giới khảo cổ và quay sang một số ít văn bản dùng được.
Các thành bang Sumer
Vì đang tập trung chú ý vào Sumer chúng ta dễ quên nó là một xứ sở nhỏ bé đến thế nào: chỉ 30,000 cây số vuông, nhỏ hơn diện tích của nước Bỉ, có kích cỡ khoảng 4 hay 5 hạt của Anh. Vì cuộc sống tiếp tục tập trung dọc theo sông Euphrates, các nhánh sông và kênh thủy lợi của nó, ‘cái nôi văn minh’ thật ra là một dải đất hẹp kéo dài từ kinh tuyến của Baghdad đến vùng đầm lầy giáp bờ biển của Vịnh Ả Rập-Ba Tư. Hơn nữa, một hàng rào ngôn ngữ, đâu đó giữa Kish và Nippur, chia cách dân nói tiếng Semite ở miền bắc (người Akkad tương lai) với người nói tiếng Sumer ở miền nam, khiến Sumer còn nhỏ bé hơn nữa.
Vào thiên niên kỷ thứ 3 TCN cả Sumer và Akkad đều được phân chia thành những đơn vị chính trị mà chúng ta gọi là ‘các thành bang’. Mỗi thành bang gồm một thành phố, các ngoại ô và thị trấn cùng làng xóm vệ tinh, và một lãnh thổ xác định rõ ràng gồm những rặng cọ, vườn cây và đồng lúa mạch và lúa mì. Thảo nguyên mở rộng giữa những vùng có thuỷ lợi được dùng làm đất chăn thả. Diện tích trung bình của một thành bang không được biết, nhưng một trong những thành bang rộng lớn nhất, Lagash, được biết là có được 30,000 – 35,000 người.
Cho thời kỳ Triều đại Sớm các nguồn tư liệu của chúng ta liệt ra không hơn 18 thành phố chủ yếu trong toàn cõi Sumer và Akkad. Từ bắc đến nam: Sippar, Kish, Akshak, Larak, Isin, Nippur, Adab, Zabalam, Shuruppak, Umma, Girsu, Lagash, Nina, Badtibira, Uruk, Larsa, Ur và Eridu. Nhưng nhiều thị trấn và làng mạc khác, tuy chưa định vị, cũng được đề cập, trong khi các nhà khảo cổ đã khai quật những khu định cư – như al-‘Ubaid và Abu Salabikh – mà những tên cổ vẫn còn chưa được biết.
Mỗi thành phố Sumer được cấu thành bởi vài quận, và mỗi quận có thần và đền thờ riêng. Thành phố nằm dưới sự bảo hộ của một vị thần ‘nhà nước’ là người sở hữu thành bang về mặt lý tưởng. Lagash, chẳng hạn, ‘thuộc về’ Ningirsu như đối thủ của nó Umma thuộc về Shara và Ur thuộc về thần mặt trăng Nanna.
Khái niệm hư cấu này và sự kiện các ghi chép hành chính đầu tiên có được với số lượng lớn đến từ một đền thờ nữ thần Baba Girsu đã dẫn đến kết luận vội vàng là mọi đất đai của thành bang đều là tài sản của đền thờ và mọi cư dân đều là người phục vụ đền thờ hoặc tín hữu. Điều này có thể đúng trong thời kỳ Uruk, nhưng bức tranh xuất hiện từ những bảng khắc Tiền Sargon khác giờ trong tay chúng ta và từ một sự tái thẩm định thận trọng các dữ liệu cũ và mới bởi các học giả hiện đại thì rất khác với bức tranh đưa ra cách đây vài năm.
Giờ đây người ta ước tính rằng khoảng một phần ba đất canh tác bao quanh thành phố là sở hữu cửa đền thờ. Đất đền thờ này không thể bán hoặc trao đổi và được chia thành ba phần: ‘đất Chúa’, dùng để nuôi tăng lữ và những nhân công đền thờ; ‘đất thực phẩm’, được phân lô thành những mảnh nhỏ giao cho những nông dân canh tác ‘đất Chúa’ và cho một số viên chức đền thờ để tự nuôi sống, nhưng không thuộc sở hữu họ hoàn toàn và có thể bị lấy về bất kỳ lúc nào; và ‘đất cày’, dành riêng cho tá điền thuê với số tô bằng một phần bảy hay tám thu hoạch. Các đền thờ cũng khai thác hay cho thuê vườn cây ăn trái, đồng cỏ, đánh bắt cá, cũng như chăn nuôi gia súc, chăn thả dê và cừu. Gộp chung lại, lợi tức của các đền thờ về ngũ cốc, hoa quả, gia súc và các phó phẩm vì vậy rất đáng kể. Chúng một phần được sử dụng để cung phụng thầy tu, thư lại và các viên chức đền thờ khác, một phần được dự trữ làm lương thực cứu đói và một phần để trao đổi lấy hàng ngoại nhập. Chắc chắn phần lớn nhất, tuy nhiên, dụng để tái phân phối coi như lương bổng hoặc phần thưởng cho hàng ngàn người – phần lớn là phụ nữ, nhưng cũng có các ông và nô lệ nam như nữ – vốn thường xuyên lao động nặng nhọc trong các nhà xưởng và cơ sở của đền thờ, xay thóc, dệt đan len hoặc tóc, nấu bia hoặc làm bếp, làm vườn và người phục vụ. Cũng được trả lương theo loại (thường là lúa mạch) là những nông dân của đền thờ, vốn có thể bị động viên bởi nhà cai trị trong thời chiến hoặc cho những công trình quy mô như xây dựng đền thờ, công sự và đào kênh. Thang lương dường như thay đổi từ nơi này đến nơi khác và theo thời gian. Tất cả điều này đòi hỏi phải lên kế hoạch, kiểm soát và vào sổ liên tục, nhưng người Sumer có đầu óc chi ly và có óc tổ chức rất giỏi. Các ‘quan hành chính’ của họ không chỉ để lại cho chúng ta hàng ngàn danh sách lương, tem phiếu, nhân công và những tài liệu tương tự, mà chúng ta còn biết được từ những bảng khắc tìm thấy ở Girsu và Shuruppak rằng những thành viên đồng nghiệp được chia thành các nhóm có chuyên môn đặc biệt cao. Chẳng hạn, phân loại những người chăn dắt riêng cho lừa đực và lừa cái và đánh bắt cá riêng cho cá nước ngọt hoặc cá biển, thậm chí những người bắt rắn cũng có ‘tổ hợp’, với tổ trưởng riêng. Thợ thủ công và nhà buôn, được tổ chức tương tự, làm việc một phần cho tư nhân và một phần cho nhà nước (cung điện hoặc đền thờ), mặc dù buôn bán với nước ngoài xa tận Afghanistan và thung lũng sông Ấn phần lớn đều trong tay nhà nước hoặc nhà thờ. Một đội quân các thư ký, người kiểm toán, giám sát và các viên chức khác, được chỉ đạo bởi các thanh tra trưởng (nu-bànda) và giám trưởng (agrig) dưới quyền lãnh đạo của trưởng tế (sanga) của mỗi đền thờ giữ cho bộ máy tinh vì này chạy đều.
Đơn vị kinh tế chủ yếu đơn lẻ là cung điện, mặc dù vai trò và cách quản trị của nó ít được biết tới. Các bảng khắc đất sét từ Shuruppak, k. 2600 B.C., chỉ ra rằng nhà cai trị duy trì 6 đến 7 trăm lính tráng có vũ trang – chắc chắn là đội cận vệ và quân đội chính quy của nhà cai trị – và thuê mướn nhân công thuộc đủ mọi ngành nghề cho các điền trang của ông. Chúng ta cũng biết được từ vài hợp đồng rằng ông ta thỉnh thoảng mua đất đai từ những cá nhân hoặc viên chức cao cấp giàu có. Chúng ta không có phương tiện đánh giá kích cỡ toàn bộ của tài sản hoàng gia, nhưng nếu chúng ta gom tất cả sở hữu của các ông hoàng và gia đình họ, có thể tài sản cũng to lớn như đất đai của đền thờ.
Cuối cùng, những hợp đồng khác – nhiều hơn, đúng như vậy, trong vùng Akkad nói tiếng Semite nhiều hơn là Sumer – kể cho chúng ta rằng những tư nhân thuộc mọi cấp bậc có thể tự do bán, trao đổi, hiến tặng hoặc cho thuê nhà cửa, ruộng vườn, ao cá, gia súc và nô lệ thuộc sở hữu của mình – hoặc đúng hơn có lẽ thuộc cộng đồng gia đình. Tất nhiên, diện tích của mảnh đất tư nhân thay đổi theo vị thế xã hội của chủ nhân: nó có thể lên đến hơn 240 mẫu đối với một viên chức cao cấp và chỉ nhỏ cỡ 6 mẫu hoặc thậm chí 1 mẫu đối với một công bộc thấp bé, một thợ thuộc da hoặc thợ cắt đá, những người đứng tên là người bán trong các hợp đồng này.
Về phần cấu trúc xã hội của thành bang, các văn bản của chúng ta chỉ đề cập đến người tự do và nô lệ, nhưng rõ ràng từ hệ thống kinh tế ba bên được mô tả vào thời kỳ Triều đại Sớm xã hội Sumer được chia thành ba tầng lớp chính: ở đáy là các nô lệ, thường thu gom từ các tù binh hoặc bắt cóc ở nước ngoài nhưng không hề nhiều lắm, rồi những nông dân và công nhân phục vụ trong các đền thờ hoặc cung điện, được chu cấp nhưng không sở hữu đất đai; và rồi đến nhóm chủ đất hoặc ‘người tự do’, bao gồm một dãy từ nghệ nhân đến các thành viên của hoàng gia. Và trên tất cả những người này, tất nhiên, là nhà cai trị thành bang mà giờ chúng ta sẽ bàn đến.
Các nhà cai trị Sumer thời đầu
Đối với người Sumer, nhà cai trị là ‘người chăn dắt’ được các thần linh chọn lựa và có trách nhiệm với các ngài sự an lành và thịnh vượng của thành bang. Trên những bảng đất sét từ Uruk nhà cai trị được gọi là en, một tước hiệu có nghĩa là ‘chúa tể’ nhưng ám chỉ đồng thời chức năng thế tục lẫn tôn giáo. Các en chắc chắn cư ngụ trong khu vực đền thờ, và thật có lý khi giả định rằng ngài cũng là trưởng tế của vị thần ‘quốc giáo’, người đứng đầu đền thờ chung quanh đó thành phố Sumer đã mọc lên. Tước hiệu này kéo dài cho đến giữa thế kỷ 19 TCN, nhưng trong những nhà nước khác thuộc Triều đại Sớm nhà cai trị được biết dưới tên ensi, ‘thống đốc’, hoặc lugal, ‘vua’. Ensi được viết là PA.TE.SI, một từ phù kép có nghĩa không rõ; còn lugal chỉ đơn giản có nghĩa ‘người vĩ đại’. Tại sao một số nhà cai trị tự xưng là ensi còn số khác xưng lugal, đôi khi lấy cả hai tước vị tùy theo tình huống, thì không có cách biết rõ. Trong vài trường hợp dường như lugal trị vì vài thành bang và ensi là chư hầu của lugal. Vợ của nhà cai trị, trong bất cứ trường hợp nào đều là nin, ‘công nương’, ‘hoàng hậu’, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống công cộng. Ở Girsu, chẳng hạn, bà quản lý những công việc ở đền thờ nữ thần Baba.
Nhà cai trị cùng với gia đình sống trong một cung điện (é-gal, ‘nhà lớn’) tách biệt với đền thờ. Ba cung điện như thế đã được khai quật tại Mesopotamia: một tại Eridu, một tại Kish và cái cuối cùng – hoặc đúng hơn là hai cung điện xây chồng lên nhau – tại Mari. Chúng khác nhau về một số chi tiết nhưng thiết kế thì giống nhau đến ngạc nhiên. Tất cả đều có một sân vuông ở trung tâm bao quanh bởi các phòng ốc trên ba phía và liên thông, trên mặt thứ tư, với một phòng chữ nhật dài, chắc chắn dùng làm sảnh đón tiếp. Hai bức tường dày chạy song song ngăn cách bởi một hành lang hẹp bao quanh cung điện. Ở Mari, cung điện chứa nhiều định chế nghi thức khiến liên tưởng đến nhà nguyện hoàng gia. Ở Kish, một tòa nhà thứ hai dọc theo cung điện bao gồm một sảnh mênh mông với bốn cột gạch bùn trung tâm và một hành lang ngoài có cột.
Nhà cai trị điều hành thành bang cho các thần linh. Như hầu hết các vua chúa cổ xưa và hiện đại, ngài thống lĩnh quân đội chống lại kẻ thù, ký hiệp ước hòa bình và coi sóc việc xét xử được thực thi công bình. Một trong những bổn phận thiêng liêng nhất của ngài là xây dựng, bảo trì và phục hồi đền thờ, giữ gìn niềm tin rằng nhân loại đã được tạo ra nhằm phục dịch các thần linh và mình chỉ là người phục dịch đứng đầu của họ. Nhiều chữ khắc tham chiếu đến những hoạt động xây dựng như thế, và từ Ur-Nanshe đến Ashurbanipal vài nguyên thủ Mesopotamia đã được mô tả bằng đá hay đồng đầu đội những giỏ gạch cho những điện thờ mới. Các lugal và ensi cũng đóng một vai trò chủ đạo trong các yến tiệc, đám rước và những nghi lễ tôn giáo khác. Ở Uruk, nhưng cũng có thể ở nơi khác, nhà cai trị Triều đại Sớm xử sự như những vị nam thần trong nghi thức Hôn phối Thiêng liêng và, thật ra, có lý do để tin rằng thời kỳ đầu của thiên niên kỷ 3 TCN, trong những ngày của Lugalbanda, Dumuzi và Gilgamesh – cả ba đều được phong là ‘thần thánh’ trong Danh sách các Vì Vua Sumer – một vài cặp đôi hoàng gia được coi là ‘thần sống” hoặc, đúng hơn, là bản sao con người của cặp đôi thần thánh, chủ nhân của thành bang. Điều này có thể là một trong những lời đáp cho nhiều câu hỏi được đặt ra bởi cuộc phát hiện gây giật mình nhất từng được thực hiện trong quá trình khai quật Mesopotamia: Nghĩa trang Hoàng gia ở Ur.
Một mô tả chi tiết về Nghĩa trang Hoàng gia không thể trình bày ở đây; nó nên được đọc trong những bài viết và quyển sách xuất sắc của Sir Leonard Woolley về chủ đề đầy mê hoặc này. Không ai ngoài người phát hiện có thể chuyển tải hiệu quả cảm xúc phấn khích đã tóm lấy ông và đội của ông khi vàng đúng là ứ ra từ lòng đất dưới mỗi nhát cuốc và khi hết kỳ quan này đến kỳ quan khác được mang ra ánh sáng. Không ai trừ nhà khảo cổ kiệt xuất này có thể mô tả tiến trình di dời công phu và tinh tế, phục hồi kiên nhẫn và khéo léo những vật tạo tác, trang sức và vũ khí tuyệt đẹp chôn theo người chết; những bình và dao găm vàng, vàng và các tượng nhỏ bằng vàng và bằng đá thanh thiên của một con cừu ‘kẹt trong bụi rậm’, các đầu bò vàng và bạc trang trí trên chiếc đàn hạc, mũ vàng của ‘Hoàng hậu Puabi’ (xem hình dưới) trước đây được biết dưới tên Shubad, và, trên tất cả có lẽ, là mũ vàng của Meskalamdug – đây chỉ là nói các món chính. Woolley gợi lên một cách xúc động những đám tang kỳ lạ này nơi những nhạc sĩ với đàn hạc, các chiến sĩ với vũ khí và các công nương trong y phục lộng lẫy vui lòng đi theo các chủ nhân của mình vào các hố thẳm đáng sợ tại đó họ được cho uống thuốc độc để chết không đau đớn, khiến độc giả không cầm được cảm xúc đau nhói, khó quên của nỗi khiếp sợ, trộn lẫn với kinh ngạc và thán phục.
Mũ của Meskalamdug (hoặc, chính xác hơn, đầu tóc giả) bằng vàng khối đào được từ Nghĩa trang Hoàng gia của Ur. Theo Sir Leonard Woolley, Các Cuộc Khai quật ở Ur, II, 1934.
Nhưng Nghĩa trang Hoàng gia của Ur trình diện cho các sử gia những câu hỏi khó. Chắc chắn nó thuộc vào thời bình minh của lịch sử, vào thời kỳ đi trước liền Triều đại Sớm của Ur (khoảng 2600 TCN). Nhìn thoạt đầu dường như những người được an táng xa hoa như thế chỉ có thể không ai khác hơn là nhà vua, hoàng hậu và các ông hoàng, nhưng trong 17 lăng mộ hoàng gia nơi có một số bảng khắc được tìm thấy, hầu hết chúng đều trên dấu niêm hình ống, chỉ có hai tên, Meskalamdug (‘Người hùng vùng đất tốt’) và Akalamdug (‘Con trai của vùng đất tốt’), là theo sau tước hiệu lugal, ‘vua’, và hai tên khác, Ninbanda, vợ của Meskalamdug, và Puabi, phối ngẫu của một nguyên thủ không rõ tên, là được ban cho tước vị nin, ‘hoàng hậu’; và trong khi mọi lăng mộ trừ hai đều bị bọn cướp mộ xâm phạm, đó có thể là lý do cho việc vắng mặt các chữ khắc hoàng gia khác, nhưng việc vắng mặt này dù sao đi nữa cũng gây bối rối. Càng gây bối rối hơn nữa là tình huống an táng tập thể liên hệ từ 3 đến 74 tùy tùng, hầu hết là phụ nữ – thực tế là toàn bộ gia nhân hoàng gia. Tập tục này đã được chứng thực trên một quy mô nhỏ hơn và hầu hết là người hầu nam tại các xứ sở khác, vào thời đại khác – ở Ai Cập trong thời Triều đại Thứ Nhất, trong số dân Scythia và Mông Cổ, ở Assam, và thậm chí trong số người Conan ở nam Nga tận đến thế kỷ 13 SCN – nhưng không nơi đâu ở Mesopotamia bên ngoài Ur và có thể Kish. Một lần nữa, có thể lập luận rằng thực tế là mọi lăng mộ hoàng gia ở Iraq cổ đại được tìm thấy đều bị cướp bóc và do đó chúng ta không có được bảng mô tả của buổi lễ an táng hoàng gia. Vi vậy mà sự vắng mặt một nghi lễ đáng kể có tầm quan trọng cực kỳ làm chúng ta ngạc nhiên và chỉ có thể được lý giải bằng cách giả định rằng lễ an táng hoàng gia với người bị hiến tế đã không còn sử dụng tại một niên đại rất sớm, ắt hẳn trong thời kỳ Triều đại Sớm. Nhưng tại sao có sự hiến tế này? Văn bản duy nhất trong tay chúng ta dẫn dụ đến một vị vua đi đến mộ huyệt với đoàn tùy tùng là, một cách có ý nghĩa, một câu chuyện trong sử thi Sumer được biết dưới tên ‘Cái chết của Gilgamesh’. Giờ, chúng ta biết rằng Gilgamesh và Meskalamdug chỉ cách nhau một vài thế hệ, và chúng ta cũng biết được từ những nguồn tài liệu khác rằng Gilgamesh được coi như là vị thần ở cõi Âm. Điều này có khuynh hướng khẳng định lý thuyết được Woolley đề xuất rằng Meskalamdug, Akalamdug, Puabi và những vị vua và hoàng hậu nặc danh khác của Nghĩa trang Hoàng gia còn hơn là những nguyên thủ: họ là thần linh, hay ít nhất họ đại diện cho những vị thần trên mặt đất và, nếu thế, được quyền mang theo triều thần sang một kiếp sống khác, một kiếp sống chắc chắn đáng tận hưởng hơn mà kiếp sống phàm trần không sao sánh được. Tuy nhiên, lý thuyết này, cũng như mọi lý thuyết khác, gặp nhiều kích bác, và bi kịch của Nghĩa trang ở Ur vẫn còn là điều bí ẩn.
Nếu các vị vua Mesopotamia từ rất sớm đã thôi không còn làm ‘vị thần thay thế’ họ vẫn luôn duy trì một số chức năng tín ngưỡng. Vậy mà khuynh hướng chung trong suốt lịch sử là tiến tới dần dần việc tách biệt giữa Cung điện và Đền Thờ, và sự phát triển này bất đầu vào thời kỳ Triều đại Sớm. Vào khoảng 2400 TCN Entemena, ensi của Lagash, không còn là trưởng tế của thành phố đó, vì trên một bình bạc đẹp mà ngài dâng cúng Ningirsu một dòng chữ khắc đề cập rõ ràng: ‘Trong những ngày đó Dudu là thầy tế (sanga) của thần Ningirsu.’ Thậm chí có lúc nhà cai trị và giới tăng lữ dường như xung đột công khai. Khoảng một thế kỷ sau Entemena, Uruinimgina (trước được gọi Urukagina), ông hoàng cuối cùng của Lagash, kể cho chúng ta trong một bảng chữ khắc bằng cách nào, với tư cách chiến binh của các thần linh, đặt dấu chấm hết cho những lạm dụng đã từng tồn tại trước thời trị vì của ngài: các thanh tra của nhà cai trị can thiệp vào mọi vấn đề, thuế ngất ngưởng đánh vào tang lễ và, tất nhiên, vào đám cưới, nhà được mua dưới giá bởi các viên chức giàu có, nạn tham nhũng tràn lan và người nghèo lãnh mọi hậu quả; nhưng, quan trọng hơn, vị ensi tích góp những điền trang rộng lớn, những khu vườn củ hành và dưa chuột của y lấn sang những cánh đồng tốt nhất của thần linh và được cày bừa bởi bò lừa của đền thờ.
Uruinimgina thải hồi nhiều quan chức, giảm thuế và “khôi phục lại Ningirsu’ trong các cơ ngơi và đồng ruộng của nhà cai trị:
Ông giải phóng các công dân của Lagash khỏi nạn cho vay nặng lãi, độc quyền, nạn đói, trộm cắp; ông thiết lập quyền tự do cho họ.
Nhưng những cải cách này, nếu chúng thực sự được áp dụng, không có hiệu quả lâu dài, bởi vì chính dưới thời trị vì của Uruinimgina mà Lagash và phần còn lại của Sumer rơi vào tay những người không phải Sumer.
Lược sử
Tái dựng chuỗi sự kiện trong thời kỳ Triều đại Sớm là việc không dễ dàng. Không chỉ các văn bản lịch sử đúng nghĩa cực kỳ hiếm và thường là cô đọng, mà tình trạng cùng tồn tại của vài ‘triều đại’ bản địa và vai trò mà một số nhà cai trị không được đề cập đến trong Danh sách Vua càng làm cho nhiệm vụ thêm khó khăn. Do đó chúng ta chỉ nhắm tới một mục tiêu khiêm tốn là một lược sử tóm tắt của thời kỳ Triều đại Sớm, và xin báo trước với độc giả rằng nhiều điểm trong việc tái dựng này vẫn còn gây tranh cãi.
Lịch sử này bản chất là lịch sử của những cuộc chiến giữa các thành bang và chống ngoại xâm. Nhiều cuộc chiến này không nghi ngờ gì có nguyên nhân kinh tế ít khi được đề cập đến, chẳng hạn sự xung công đất đai hoặc kiểm soát đường buôn bán và kênh thủy lợi, nhưng một số cuộc chiến có động lực địa chính trị hoặc tôn giáo. Chẳng hạn Kish nằm trong lòng lãnh thổ của người Semite – thậm chí cho dù hầu hết các nhà cai trị của nó đều mang tên Sumer – và để chinh phục nó nghĩa là thống nhất hai nhóm sắc tộc-ngôn ngữ chính của Sumer dưới cùng một nền cai trị. Tước hiệu ‘Vua của Kish’ do đó dường như đáng được thèm muốn hơn bất kỳ tước hiệu nào khác, hầu như đồng nghĩa với ‘Vua của Sumer và Akkad’ hoặc ‘Vua toàn Cõi’ xuất hiện sau đó trong bảng chữ khắc hoàng gia. Một mục tiêu khác xứng tầm bất kỳ các ông hoàng, hoặc của người Sumer hay Semite, là sở hữu Nippur, hoặc ít nhất được ensi hoặc tăng lữ công nhận. Trái với Kish, Uruk và Ur, Nippur không bao giờ có được hoặc tự xưng vượt trội các thành bang khác và thậm chí không có mặt trong số những ‘triều đại’ trong Danh sách Vua Sumer, nhưng nó là nơi tọa lạc của vị thần tối thượng của Sumer, Enlil, và thủ đô tôn giáo, giống như La Mã hoặc Mecca của người Sumer. Kết quả, các lugal và ensi cạnh tranh nhau gửi đến điện thờ Enlil những quà cúng quý giá nhất; những ai có thể gồm thâu Nippur vào vương quốc họ bỏ công sức phục hồi và tái thiết các đền thờ của nó, và đến cuối thiên niên kỷ 3 từ ‘được Enlil ở Nippur chọn lựa’ trở thành một tiêu chí chuẩn mực của tước hiệu hoàng gia. Có phải thái độ đối với Nippur này chỉ đơn thuần phản ánh nhiệt tình tôn giáo, hoặc nó là – như người hậu thuẫn ‘nền dân chủ nguyên thủy’ tin tưởng – một sự sống sót của những thời điểm khi, đối mặt với những mối đe doạ xâm lăng của ngoại bang, các phái đoàn từ tất cả các thành bang gặp nhau tại Nippur để bầu ra một thủ lĩnh chiến binh chung? Hoặc một lần nữa, các thầy tế và thần học của Nippur có áp đặt lên các nhà vua một ảnh hưởng nào đó mạnh mẽ, nếu không muốn nói, về mặt chính trị, như giới tăng lữ của Heliopolis đã làm ở Ai Cập? Như với quá nhiều câu hỏi về lịch sử cổ đại, những câu hỏi này cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Mebaragesi (khoảng. 2700 B.C.) là vị vua thuộc Triều đại Sớm đầu tiên được xác minh bằng hai bảng chữ khắc, nhưng những bảng này chỉ cho chúng ta tên và tước hiệu của ngài, trong khi Danh sách Vua Sumer đưa ra thông tin thú vị là ‘ngài lấy đi những vũ khí của Elam làm chiến lợi phẩm’. Đây là đề cập đầu tiên, mặc dù ắt hẳn không phải là đợt đầu tiên, của một cuộc xung đột rất lâu dài giữa Mesopotamia và Elam vốn có nguồn gốc trong thời tiền sử và kéo dài gần như 3000 năm. Khi con trai của Mebaragesi, Agga, đầu hàng Gilgamesh, Triều đại Thứ Nhất lâu đời của Kish đến hồi cáo chung, và trong một thế kỷ (khoảng 2660 – 2560 TCN) bảy người kế vị Gilgamesh – rủi thay chỉ là những cái tên trong Danh sách Vua – trị vì cả Uruk và Kish. Ngay sau thời kỳ đó, tuy nhiên, chúng ta có ba bảng khắc chữ ngắn từ một ông hoàng có nguồn gốc không rõ có tên Mesalim, tự xưng là ‘Vua của Kish’ nhưng dường như có liên hệ mật thiết với Lagash, tại đó ông dựng một đền thờ cúng Ningirsu và làm trọng tài cho một cuộc tranh chấp biên giới giữa thành phố đó với Umma (Mô gò Jokha, cách Girsu 29 km về phía tây), dựng lên bia ký của ông dựng tại biên giới.
Trong thời gian đó, buôn bán đường thủy với phương Đông đã làm rất nhiều thành phố và các nhà cai trị xứ Ur (vốn khi đó là một cảng gần cửa sông Euphrates), giàu lên như được minh chứng bởi các kho báu chôn cùng với Meskalamdug và Akalamdug trong Nghĩa trang Hoàng gia lừng danh (khoảng 2600 TCN). Các tổ tiên và hậu duệ của hai vị vua này chúng ta không biết là ai, nhưng khoảng 2560 TCN, Mesannepadda (‘người anh hùng được An chọn lựa’)– người mà chúng ta đã gặp – thành lập Triều đại Thứ Nhất của Ur. Ông chẳng bao lâu đủ hùng mạnh để lật đổ vị vua cuối cùng của Uruk cũng như người cùng thời với ông, Mesalim của Kish. Nippur có vẻ đã thuộc về quyền sở hữu của ông, vì ông và người kế vị thứ hai của mình, Meskiagnunna, tái dựng tại đó một đền thờ có tên Tummal được xây dựng đầu tiên bởi Mebaragesi nhưng đã ‘rơi vào cảnh đổ nát lần đầu tiên’. Lagash lúc đó sống hòa bình với Umma, và ông hoàng của nó Ur-Nanshe bận bịu xây dựng các đền thờ, đào kênh thủy lợi, nhập khẩu gỗ từ Dilmun và tự thể hiện mình trên một pa-nô tường với vợ, bảy con trai và ba viên chức. Thậm chí mối quan hệ với Mari ở xa cũng thân thiết, nếu chúng ta xét từ kho báu vật ở Mari do Mesannepadda gởi tặng cho một vị vua của nó. Nền hòa bình Sumer này dưới sự che chở của Ur kéo dài khoảng 100 năm, nhưng kết thúc trong thảm họa. Kish, ắt hẳn đã sớm mất vào tay các nhà cai trị địa phương của Triều đại Thứ Hai của nó, bị chiếm đóng ngắn ngủi bởi những người từ Hamazi, một thị trấn hoặc một xứ sở ắt hẳn toạ lạc bên kia sông Tigris, giữa Diyala và Lesser Zab, trong khi những bầy đàn người Elam đến từ quận Awan (ắt hẳn quanh Shushtar ngày nay) và áp đặt luật lệ của họ lên một phần lãnh thổ Sumer. Và như thế bấy nhiêu vẫn chưa đủ, Lagash trở nên mất ổn định dưới triều một nhà cai trị – một nhà cai trị đã để lại cho chúng ta một số ghi chép lịch sử rộng rãi và chi tiết nhất của toàn thời kỳ Triều đại Sớm.
Cũng như ông nội của mình Ur-Nanshe, Eannatum, ensi của Lagash (k. 2455 – 2425 TCN), xây dựng nhiều đền thờ và đào kênh; khi có chuyện ông cũng là một chiến binh vĩ đại. Ông thanh lọc người Sumer khỏi các băng nhóm người Elam và bảo vệ sườn phía đông bằng cách chinh phục ít nhất vài thị trấn trên biên giới của Elam. Ông lật đổ Ur và Uruk và bổ sung tước ông hoàng Lagash và vua xứ Kish. Nhưng cuộc chiến mà chúng ta có được nhiều thông tin nhất là trận xung đột địa phương, cuộc chiến chống Umma. Vấn đề tranh chấp là một cánh đồng nào đó tên gọi Gu-edin nằm ở biên giới giữa hai bang và được cả hai bên giành quyền sở hữu; nhưng bây giờ:
Vị ensi của Umma, theo mệnh lệnh thần linh, đánh phá và nuốt chửng Gu-edin, vùng đất có thuỷ lợi, cánh đồng yêu dấu của Ningirsu… Ngài nhổ bỏ bia ký (do Mesalim dựng lên) và bước vào vùng đồng bằng Lagash.
Bộ binh Lagash, vũ trang giáo dài và khiên nặng, giao tranh với binh lính của Umma. Eannatum thắng trận:
Theo lời của Enlil, ngài cất một mẻ lưới lớn bắt chúng và chất đống thi thể của chúng trên đồng bằng… Bọn sống sót quay về theo Eannatum, chúng nằm sấp và khóc lóc xin tha mạng. . .
Cuộc chiến kết thúc sau một hiệp ước hòa bình. Vị ensi của Lagash ‘đánh dấu mốc biên giới với Enakalli, vị ensi của Umma; ông phục dựng bia ký của Mesalim ngay tại chỗ cũ và đánh thuế nặng lên Umma bằng lúa mạch. Thắng lợi của Eannatum – hoặc đúng hơn là thắng lợi của Ningirsu, vị thần của Lagash, đối với Shara, vị thần của Umma, như văn bản đã trình bày – được tưởng niệm bằng một một tuyệt tác điêu khắc Sumer buổi đầu, rủi thay chỉ còn những mảnh vụn: bia ký ‘của Kền kền’, gọi tên như thế vì đây là loài chim chuyên ăn thịt xác chết của kẻ bại trận. Về cuối thời trị vì của ngài, Eannatum phải chiến đấu với một liên minh người Kish và Mari do Zuzu (hoặc Unzi), Vua xứ Akshak, cầm đầu. Mặc dù ông tuyên bố chiến thắng, có một ít ngờ vực cho rằng cuộc chiến này đánh dấu đoạn cuối của đế chế nhỏ bé mà ông đã gầy dựng..
Chỉ cách đây một ít năm, rất ít điều được biết về lịch sử của vương quốc Mari trong thời kỳ Triều đại Sớm. Mari có mặt trên Danh sách Vua Sumer với 6 vị vua trị vì tổng cộng 136 năm, nhưng chỉ có một hay hai tên là đọc được. Hai bảng khắc từ Ur đề cập đến một Ilshu không rõ, vua của Mari, và bốn pho tượng của các tín hữu tìm thấy tại Mari mang những chữ khắc cho biết tên của họ (Ikun-Shamash, Lamgi-Mari, Iblul-Il, Ishkun Shamagan), nhưng không có cách nào biết thứ tự trị vì của họ. Nhưng giờ đây, một chút ánh sáng đã chiếu rọi lên chủ đề bởi các tài liệu lưu trữ Ebla, và nhất là một bức thư từ một Enna-Dagan nào đó, vị en của Mari, gởi cho một vị en không có tên của Ebla, nhắc ông nhớ một chuỗi các chiến dịch quân sự thành công do ba vị tiền nhiệm của ông tiến vào bắc Syria và đặc biệt Iblul-Il dường như đã tàn phá hoặc chiếm đóng một số lớn các thị trấn thuộc vương quốc Ebla. Mục đích của bức thư này không được nói rõ, nhưng khá chắc chắn là Enna-Dagan đang cố gây áp lực với đối thủ của mình và nắm một số quyền kiểm soát nào đó đối với Ebla. Điều này dường như được hậu thuẫn bởi những tư liệu hành chính từ Ebla gợi ý rằng các nhà cai trị của vương quốc này đều đặn gởi ‘quà cáp’ hậu hĩnh (đoán là đồ triều cống) bằng vàng và bạc đến triều đình Mari, ít ra cho đến thời trị vì của Ebrium, nhà vua hùng mạnh nhất của Ebla. Những tư liệu khác thuộc loại này cũng chứng tỏ rằng Mari và Ebla không phải lúc nào cũng hòa thuận: nhiều thợ thủ công và nghệ sĩ từ Mari đến Ebla làm việc, và hai thành phố này trao đổi nhiều loại hàng hóa, hoặc để dùng riêng hoặc hoạt động như ‘cảng mậu dịch’ giữa bờ biển Địa Trung Hải và Anatolia ở một đầu và Mesopotamia hạ lưu và xa hơn ở đầu kia.
Chính xác khi nào các cuộc chiến Mari-Ebla xảy ra không thể nói được vì thiếu sự đồng bộ giữa các nhà cai trị của vương quốc này và của thành bang Sumer, và cũng vì tính không chắc chắn gắn liền với thứ tự và thời trị vì của họ, ý nghĩa của tước hiệu họ và thật ra sự tồn tại của một số họ. Tuy nhiên, vì những lý do không thể phát triển ở đây, dường như Iblul-Il của Mari, Arennum của Ebla và Eannatum của Lagash cũng ít nhiều sống đồng thời (k. 2460 – 2400 B.C.).
Thế kỷ tiếp sau cái chết của En-shakush-anna, Vua của Uruk, và Lugal-anne-mundu, Vua của Adab (ngày nay là Bismaya, cách Mô gò Fara 26 km về phía bắc), lần lượt đánh chiếm Kish và Nippur và được công nhận là bá chủ của Sumer. Ở Laghash, dưới thời của cháu Eannatum là Entemena cuộc chiến bùng nổ lần nữa với Umma. Trong một bảng khắc dài trên hai ống đất sét, Entemena nhớ lại những gì xảy ra trong quá khứ, kể cho chúng ta ông ‘tàn sát lực lượng của quân Umma và truy sát đến tận Umma ra sao, rồi kiên định chống lại những yêu sách của vị ensi mới của Umma, ‘tên cướp bóc ruộng đất và trang trại đó, kẻ nói điều xấu ác’, và đào một con hào coi như biên giới thường trực giữa hai thành phố đối thủ. Chúng ta cũng biết từ những nguồn thông tin khác rằng Entemena ký kết một ‘hiệp ước huynh đệ’ với Lugal-kinishe-dudu láng giềng hùng mạnh của Uruk, người đã thống nhất Uruk và Ur thành một vương quốc duy nhất, và rằng thời trị vì của ông kết thúc trong hòa bình và thịnh vượng. Nhưng một ít năm sau tình hình một lần nữa xấu đi ở Lagash. Các tăng lữ ở Ningirsu chiếm ngai vàng và chiếm đóng nó trong khoảng hai thập niên, mở rộng, như chúng ta đã thấy, tài sản cá nhân lợi dụng danh nghĩa thần linh. Họ bị lật đổ bởi Uru-inimagina, nổi tiếng vì những cải cách xã hội của mình, nhưng người chiến thắng chỉ trị vì được 8 năm. Một vị ensi năng nổ và đầy tham vọng của Umma, Lugalzagesi, hành quân tiến đánh Girsu, chiếm nó và tàn phá nó, do đó trả được mối thù hai thế kỷ thảm bại. Trên phế tích ún khói của thành phố, một thư lại không biết tên sau đó ngồi viết bài khóc than lưu truyền đến chúng ta:
Người Umma đã phóng hỏa (đền thờ) Antasurra, họ đã lấy đi bạc và đá quý. . . Họ đã vấy máu trong đền thờ E-engur của nữ thần Nanshe; họ đã lấy đi bạc và đá quý. . . Những người Umma, khi cướp bóc Lagash, đã phạm một tội lỗi đối với thần Ningirsu. . . Về phần Lugal-zagge-si, vị ensi của Umma, cầu mong nữ thần Nidaba bắt ông đội trên đầu tội lỗi phàm trần của mình!
Nhưng lời nguyền rủa không có hiệu quả ngay tức khắc. Sau Lagash Lugalzagesi chiếm Uruk và tự xưng là vua của thành phố đó. Sau đó ông tiến tới chinh phục phần còn lại của Sumer và rõ ràng thành công. Thật ra, trên một bình dâng cúng Enlil ở Nippur ông đòi quyền chính phục toàn bộ Mesopotamia cũng như Syria:
Khi Enlil, vua các nước có chủ quyền, đã ban cho ngài ngôi vua của quốc gia (Sumer), con mắt của quốc gia, khiến mọi xứ sở có chủ quyền sẽ phục vụ ngài, khiến (mọi người) từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn sẽ quy phục ngài; rồi ngài kéo về phía mình bàn chân của (mọi người) từ Biển Hạ (Vịnh Ả Rập-Ba Tư) (dọc theo) sông Tigris và Euphrates đến Biển Thượng (Địa Trung Hải). Từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn, Enlil khiến ngài không có đối thủ. Mọi xứ sở có chủ quyền nằm (như bò) trên đồng cỏ dưới chân ngài; quốc gia tưới tiêu (ruộng đồng) trong niềm hoan hỉ dưới chân ngài; mọi luật lệ phụ thuộc của Sumer và các ensi của mọi xứ sở độc lập cúi đầu trước ngài trong văn phòng tài phán của ngài ở Uruk.
Thật khó để tin rằng Lugalzagesi sở hữu đúng một đế chế như thế. Có thể việc này chỉ là một cú chém gió; có thể Vua Uruk đã xoay sở tranh thủ được sự quy phục hoặc sự đồng minh của người Semite ở Mari, và đến lượt những người này có thể đã bắt được người Semite ở Syria chịu nằm dưới ảnh hưởng chính trị của mình. Dù trường hợp nào, ‘Đế chế Sumer’ của Lugalzagesi cũng không kéo dài lâu hơn thời gian trị vì của ông; 24 năm (khoảng 2340-2316). Một người mới đến, một ông hoàng Semite, Sargon của Akkad, giáng cho nó một đòn chí mạng.