Rick Fields
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
NHỮNG NĂM 50: PHONG TRÀO THIỀN BEAT VÀ THIỀN SQUARE
I
Vào tháng 3, 1947, hai người Mỹ trẻ Philip Kapleau và Richard DeMartino, làm việc cho Tòa án Quân sự Quốc Tế, theo chân một người bạn Nhật bước lên một cầu thang dốc bằng đá dẫn đến một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên chùa Engaku. Người họ muốn đến gặp, D. T. Suzuki, không được hẹn trước.
D. T. Suzuki trải qua những năm chiến tranh sống ẩn dật và nghiên cứu, vợ và người phụ tá Beatrice Lane đã mất vào năm 1939. Giờ ông cảm thấy đã đến lúc phải trở về Mỹ trong một chuyến viếng thăm kéo dài, và với sự trợ lý của DeMartino, ông bay đến Honolulu để tham dự Hội nghị Triết Học Đông-Tây lần thứ hai. Ông dạy Đại học Hawaii một năm, và rồi vào năm 1950 Richard Gard, một sinh viên tốt nghiệp, sắp xếp cho ông một vị trí được bổ nhiệm tạm thời tại Trường Graduate Clairemont ở Pasadena, một chức vụ Suzuki cần để được vào Mỹ. Nhưng vào phút cuối Clairemont không thể đáp ứng được chi phí sinh sống của Suzuki, và trong nỗi tuyệt vọng, Gard quay sang Trụ Trì Tanahashi của Chùa Chân ngôn tông ở Los Angeles. Trụ Trì triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo Phật giáo ở Los Angeles và một quỹ tài trợ được vận động trong các cộng đồng người Mỹ gốc Nhật.
Sau khi dạy một năm ở Clairemont, Suzuki đến New York. Ông thuyết giảng tại Church Peace Union và các tư giá, nhưng ông không nhận được sự bổ nhiệm học thuật thường xuyên, cho đến khi Cornelius Crane, chủ Công ty Thiết bị Phòng tắm Crane, tài trợ một loạt các xê-mi-na tại Columbia. Crane, người đã từng học thiền tại Chùa Daitoku, quy định rằng thính giả được phép tham dự các buổi xê-mi-na của Suzuki, vì vậy các sinh viên của Suzuki, kể cả các nhà phân tâm học và trị liệu – trong đó có mặt Erich Fromm và Karen Horney – cũng như nghệ sĩ, văn sĩ, nhà soạn nhạc đều đến nghe . Và cũng có những người như Mary Farkas và Philip Kapleau, lúc đó là một doanh nhân, đơn giản là quan tâm đến những gì Suzuki nói về Phật giáo.
Tại những xê-mi-na này, các chủng tử của cái gọi là cuộc “bùng nổ” Thiền của cuối thập niên 1950 đã được gieo xuống. Trong các nghệ sĩ và tri thức hiện diện, có lẽ người chịu ảnh hưởng sâu sắc đến Thiền của Suzuki là nhà soạn nhạc và nhà văn John Cage. Lúc đó Cage 38 tuổi. Âm nhạc mang tính tiên phong của Cage được ca tụng, nhưng bản thân ông đầy dẫy những hoài nghi, băn khoăn, như ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “cả về cuộc sống cá nhân và sự hiểu biết điều gì có thể là chức năng của nghệ thuật trong xã hội.” Bạn ông đề nghị ông đến gặp bác sĩ phân tâm học, nhưng Cage thấy rằng các buổi xê-mi-na của Suzuki (mà ông đến nghe trong hai năm) và nghiên cứu Phật giáo cũng có tác dụng tốt.
Mặc dù Suzuki bảo với Cage rằng mình không có gì để nói về âm nhạc hoặc nghệ thuật, Cage vẫn cảm thấy rằng Suzuki đã giúp ông nhận ra rằng âm nhạc không phải là “mối giao tiếp từ nghệ sĩ đến thính giả, mà đúng ra là hoạt động của các âm thanh trong đó nghệ sĩ tìm cách để âm thành tự thể hiện mình.
Suzuki lấy Kinh Hoa Nghiêm để bắt đầu các buổi xê-mi-na đầu tiên của mình tại Columbia. Kinh Hoa Nghiêm dạy về tính phụ thuộc lẫn nhau giữa vạn vật, mà Suzuki cùng nhiều học giả Phật học khác đều coi là yếu pháp của Phật giáo. Tuy nhiên, ông không điều chỉnh cho dễ hiểu đội với người nghe. Đối với Suzuki, việc giảng dạy, ngoài là phương tiện kiếm sống, còn là để ông nói ra suy nghĩ của mình về các sách hoặc bản dịch ông đang tình cờ làm việc, và không phải là ông không thường đánh mất sinh viên khi ông viết ngang dọc trên bảng với một ma trận rối rắm các giản đồ và ghi chú bằng tiếng Nhật, Phạn, Hoa và Tây Tạng. Mary Farkas, người thường dự thính lớp học, nhớ có hôm đến hơn chục người ngủ gục trên ghế khi nghe ông giảng. Điều đó không làm Suzuki bận tâm. Có lần, John Cage kể lại, một phi cơ bay thấp nhấn chìm tiếng nói của Suzuki ngay giữa câu, nhưng ông vẫn tiếp tục nói, không buồn cất cao giọng nói.
II
Đã gần 30 năm kể từ khi bà Sasaki, lúc đó là Ruth Fuller Everett, được D.T. Suzuki giới thiệu với người thầy dạy Thiền đầu tiên của mình, thiền sư Nanshinken. Giờ 1945 bà trở lại Nhật để hoàn thành di nguyện của chồng: thứ nhất tìm người thầy thay thế vị trí ông ta trong Viện Thiền New York Thứ Nhất, và việc thứ hai là hoàn tất việc dịch Rinzai-roku và các kinh điển Thiền cốt lõi khác. Bà phải cần may mắn và kiên trì mới có thể tìm được một thiền sư có chất lượng muốn đến New York, nhưng để dịch văn bản Thiền, bà Sasaki phải làm chủ ngôn ngữ của văn bản công án nguyên gốc – một hình thức đối thoại thông tục của Trung Quốc đời Đường và Tống, đầy gai góc với các thành ngữ và tiếng lóng đã không còn được sử dụng. Ngoài ra bà còn phải hoàn tất việc luyện tập Thiền của mình. Bà Sasaki bắt đầu nương náu trong căn nhà nhỏ trong khuôn viên chùa Daitoku, lao vào việc học tập ngôn ngữ ráo riết và tham gia tọa thiền với Thiền sư Zuigan Goto, người đã đầu tiên tháp tùng với Sokei-an đến Mỹ vào năm 1906.
Trở lại New York, các thành viên của Viện Thiền New York Thứ Nhất làm hết sức mình để tiếp tục điều hành khi không còn thầy. Họ tổ chức các buổi đọc bài thuyết giảng của Sokei-an và các buổi toạ thiền được các huynh trưởng hướng dẫn. Khi bà Sasaki trở về trong chuyến thăm ngắn ngủi vào năm 1952, bà bảo với các thành viên của Viện mặc dù bà vẫn đang tìm kiếm một người thầy thích hợp, triển vọng tìm được là không mấy hứa hẹn. Trước mắt, bà động viên các thành viên tự nỗ lực xoay sở. Viện dời về Waverly Place, thư viện tạm thời xếp kho, và thiền đường chỉ mở một số ngày trong tuần.
Vào mùa đông 1954 Asahina Sogen, trụ trì Chùa Engaku, thiền viện của Soyen Shaku, đến thăm nước Mỹ. Đã 10 năm rồi không ai ở Viện được trao đổi với một vị thiền sư, và trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi, vị trụ trì đã làm những gì mình có thể. Sư viết tên các học viên bằng thư pháp, rồi dạy họ cách thiền hành đúng đắn, chỉ dẫn cách thở, và thị phạm cách sử dụng đúng cách kyo-saku (nôm na là “gậy đánh thức”) Cuối cùng sư trút bỏ áo choàng và chỉnh sửa các tư thế tọa thiền với “sự chính xác sấm sét.” Sư nhắc nhở phải tránh “các tư thế chết,” bằng cách sử dụng nyo-i (quyền trượng có dáng cong mềm mại gợi ý tư thể thích đáng) mà Soyen Shaku đã trao tặng sư.) “Một biểu tượng của tự do, ” Sư vừa nói vừa giơ nó lên. “Tính mềm dẻo là rất quan trọng. Chúng ta biết, cái gì mềm dẽo, cái đó sống, cái gì cứng đơ, cái đó chết.” Vào cuối buổi tối, trong khi ăn kem và uống trà, Sư trụ trì minh họa tiếng hét “Ho” của Thiền Lâm Tế. “Trong không khí đêm trường tĩnh mịch của New York, hét lên tiếng Ho nghe thật dễ chịu,” Sư nói, và rồi ra đi, để lại thành viên của Viện một lần nữa tự xoay sở một mình.
Vào tháng hai năm sau, nhằm ngày 25, kỷ niệm 26 năm thành lập Viện, bà Sasaki về đến New York, mang theo Thiền sư Isshu Miura, mà bà hi vọng có thể thay thế Sokei-an Sasaki. Với bà Sasaki làm phiên dịch, Sư đưa ra một loạt 8 bài thuyết giảng về hệ thống công án của Hakuin Zenji, bậc thầy của thế kỷ 18, đã phát triển hệ thống hóa công án được sử dụng nhiều nhất trong Thiền Lâm Tế. Đã có nhiều điều vô lý đã được viết về công ân bởi những người chưa hề nghiên cứu về công án, bà Sasaki nói, và các bài giảng của Thiền sư Miura (được in năm 1965 dưới tên Các Công Án Thiền) nhằm mục đích làm rõ một số quan niệm sai lầm thường mắc phải.
Lần đầu tiên kể từ khi Sokei-an mất đi vào năm 1945, các học viên mới được dịp làm việc về công án với một thiền sư. Tọa thiền, Mary Farkas nhớ lại, “không còn là điều gì đó được viết ra trong một cuốn sách, hoặc xảy ra với những con người bí ẩn sống ẩn dật trên núi xax. Đó là một quả đấm vào luân xa thứ 4, những con người gặp gỡ chốn hoang dã, những con mắt xa lạ mở rộng.”
Mary Farkas theo Miura đến Nhật để xem liệu có thể sắp xếp chuyến lưu trú lâu dài hơn. Là một người nhiệt tình, nhưng sau nhiều năm bà đã chứng kiến mức độ mà người Mỹ đã vặn vẹo Thiền để phù hợp với ý tưởng riêng của mình, nên bà cũng tỏ ra ngờ vực có phải là khôn ngoan khi phải làm điều gì đó. Bà bày tỏ mối nghi ngại của mình với Bà Sasaki. “Vâng , nói cũng phải,” bà Sasaki nói, sau một thoáng suy nghĩ, “nhưng rồi họ sẽ tiêu pha thời gian vào việc gì khác đây?” Khi Mary Farkas hỏi Thiền sư Zuigan Goto, “Bộ sư không nghĩ chúng tôi đã làm được điều gì tiến bộ sau hơn nửa thế kỷ vừa qua sao?” Sư trả lời một cách động viên, “Vâng, các thầy cô có thể nói là các thầy cô đã đi được một bước.”
III
Sau khi trở lại từ trại tập trung trên Núi Heart năm 1945 Nyogen Senzaki đã định cư trong một căn hộ nhỏ trong góc trên tầng thượng của Khách sạn Miyako. Miyako tọa lạc tại trung tâm Little Tokyo, trên góc Phố San Pedro và Đường 1, và Albert Saijo, một thanh niên Nhật thuộc thế hệ thứ hai, từng gặp Senzaki ở Núi Heart lần đầu tiên khi anh 16 tuổi, nhớ nó chứa đầy gái điếm, ma cô, và bọn ghi số cá độ.” Căn hộ của Senzaki gồm một căn bếp nhỏ và một phòng ngủ vừa làm phòng khách lớn hơn, với tường chất đầy sách, và cây trầu bà lượn vào ra kệ sách.
Chính tại nơi đây, với tiếng ồn xe cộ từ dưới đường vọng lên, mà Senzaki sắp xếp những chiếc ghế đã qua sử dụng, mua lại từ các nhà quàn, cho các buổi học của Mentogarden thời hậu chiến. Vào các chủ nhật số học viện đến đọc kinh khá đông. Những ngày trong tuần những buổi giảng tiếng Anh vẫn tiếp tục như 25 năm qua. Học viên vẫn ngồi tọa thiền trên ghế gỗ (Senzaki đánh nhịp thời gian mỗi 15 phút bằng cái chập gỗ), cầu Tứ Đại nguyện, và rồi lắng nghe khi Senzaki thuyết giảng hoặc đọc những trang dịch mà ông đang thực hiện. Cuối cùng dùng trà và bánh kẹo Nhật, và buổi học kết thúc. Như trước đây, việc tró chuyện không được khuyến khích và nếu thấy ai đó la cà sau buổi học, ông thường đề nghị đã đến giờ về nhà.
Đối với Senzaki, sự kiện quan trọng nhất trong những năm hậu chiến là việc Nakagawa Soen đến Mỹ vào năm 1949. Hai người đàn ông, từng đã liên lạc thư từ trong suốt 15 năm, cúi chào nhau từ hai bờ đại dương mỗi tháng vào ngày Đại Thế Chí Bồ tát trong thời Chiến tranh, gặp nhau tay bắt mặt mừng lần đầu tại Cầu Tàu 42 của San Francisco. “Có một câu nói trong Thiền,” Senzaki nói với nhóm người tề tựu chào đón Nakagawa tại Thư viện Hội Thông Thiên học, “là nhìn mặt người ta tốt hơn là nghe đến tên y. Nhưng cũng có một câu khác nói rằng nên nghe tên hơn là nhìn mặt. Tôi không biết câu nào áp dụng cho trường hợp của chúng tôi, nhưng kiểu gì thì chúng tôi cũng vui sướng và mãn nguyện.”
Soen bắt đầu thuyết giảng tại Hội Thông Thiên học, nhắc lại ba mục tiêu của Hội: tạo hạt nhân cho Tình Huynh đệ Toàn Nhân loại, cổ vũ nghiên cứu về tôn giáo và triết học đối chiếu, và khảo sát các quy luật chưa cắt nghĩa được của tự nhiên và những quyền năng tiềm tàng của con người. Rồi ông nhắc lại bài thuyết trình của Soyen Shaku năm 1906, trong đó vị thiền sư tiên phong đã nói rằng sau khi nghiên cứu Phật pháp hơn 40 năm, ông bắt đầu ngộ ra rằng “sau cùng, những gì tôi biết là tôi không biết gì cả. ” Vì lúc đó là kỷ niệm 200 ngày mất của thì hào Goethe, Soen đề cập thêm một đoạn thơ trong Faust, kết thúc bằng các câu sau:
Đã mười năm này, tôi dắt mũi,
Đi lên xuống, ngang dọc, tới lui,
Bọn học trò tôi đi theo lầm lũi,
Chỉ biết rằng chân lý vẫn xa vời
Vào đầu thập niên 50, một trong các môn đệ kiên định nhất của Senzaki là một thanh niên trẻ, có tên Robert Aitken. Như Senzaki, Aitken đã trải qua những năm chiến tranh trong nhà tù. Là công nhân xây dựng trên một công trình trên đảo Guam, ông đã bị quân Nhật bắt khi chiến tranh bùng nổ và đưa đến trại tập trung bên ngoài Kobe, Nhật. Aitken rất thích thơ Haiku, biết được điều này, một giám thị trong trại Kobe cho ông mượn quyển sách Thiền và Văn Chương Anh của R. H. Blyth, vừa mới được nhà xuất bản Hokuseido Press phát hành tại Nhật Bản.
- H. Blyth vừa là bạn vừa là môn đệ của Suzuki. Ông được Suzuki dẫn dắt đi tìm các cốt lõi Thiền trong văn học cổ điển – Shakespeare, Wordsworth, Don Quixote, Blake và Whitman, chẳng hạn. Kết quả của cuộc khám phá này là tác phẩm Thiền và Văn Học Anh, là một thành tựu xuất sắc, một bước nhảy vọt văn hoá, thành công trong việc soi sáng cả văn học Tây phương và Thiền bằng cách khảo sát cái này dưới ánh sáng của cái kia.
Quyển sách là một mặc khải đối với Aitken. Ông đọc nó hết lần này đến lần khác, cảm thấy như thể đọc Shakespeare, Basho (thiền gia thi sĩ Nhật), Blake và Whitman “lần đầu tiên.” “Thế giới dường như trong suốt,” Aitken nhớ lại nhiều năm sau đó, “và tôi vô vàn vui sướng dù đang trong cảnh lao tù khổ sở.” Aitken đọc qua quyển sách ít nhất 10 lần. Khi cuối cùng người giám thị lấy quyển sách lại, Aitken cảm thấy như thế mình vừa mất người bạn thân nhất. Rồi vào tháng 5, 1944, khi tất cả trại tập trung ở Kobe bị dồn lại một, Aitken bất ngờ thấy mình chạm.mặt với tác giả Thiền và Văn Học Anh.
Blyth là một công dân Anh, thoạt đầu đi đến Ấn. Ghê tởm trước trạng thái tâm lý thực dân của đồng bào mình, ông chuyển đến Triều Tiên, lúc đó đang bị người Nhật chiếm đóng. Ở Seoul ông dạy Anh văn cho.một trường cao đẳng đó người Nhật điều hành và học Thiền với Thiền sư Kayama. Trụ trì một ngôi chùa nhánh Myoshin thuộc đồng Lâm Tế. Ông di chuyến đến Nhật cùng người vợ Nhật vào năm 1940, và bị quản thúc trong trại tập trung cùng với những người có quốc tịch của các quốc gia thù địch với Nhật ngày lúc bắt đầu chiến tranh. Cuốn Thiền và Văn Học Anh, tác phẩm đầu tiên của ông, được viết trong những ngày đầu bị giam giữ, và giờ đây ông đang soạn một loạt các tác phẩm về haiku.
Trong 14 tháng sống chung trong trại Blyth và Aitken thường trao đổi với nhau về haiku, văn hoá Nhật và Thiền. Blyth có thái độ hơi ung dung về sự cần thiết của tọa thiền, và cả hai người đều không thực hành. Tuy vậy, sau chiến tranh, Aitken hồ hởi đi tìm một người thầy để học tọa thiền.
Sau khi được trả tự đó, Aitken trở về Hawaii, hoàn tất bằng Cử nhân Văn chương Anh ở tuổi 30, lấy vợ và trải qua một học kỳ học ngôn ngữ và văn học Nhật tại Berkeley. Trong mùa Giáng sinh 1947, Aitken và một người bạn đi về nam đến Ojai, nơi ông hi vọng tìm được Krishnamurti, người mà theo ông, có thể giúp ông tiến sát đến Thiền trong xứ sở này. Nhưng Krishnamurti đã về Ấn, và Aitken và người bạn tiếp tục xuôi nam. Tại tiệm sách lẻ loi ở Pasadena họ bắt gặp Richard Gard đang giữ chân cửa hàng trưởng trong thời gian học để lấy bằng tiến sĩ về Phật học tại Clairemont. Trước chiến tranh Gard và Aitken đã quen biết nhau trong thời gian học ở Đại học Hawaii, và Gard cho Aitken biết về Nyogen Senzaki.
Aitken đi ngay đến khách sạn Miyako ở Little Tokyo và gõ cửa phòng Senzaki. Ông thấy Senzaki một mình trong phòng. Senzaki cho ông xem bức ảnh của Nakagawa Soen, và Aitken hỏi Senzaki có phải mục đích của tọa thiền là sự tự thực chứng. Senzaki đáp phải. Khi cuộc viếng thăm đã hết Aitken quyết định đây là việc mình muốn làm, và ông trở lại bắc California với bà xã.
Không có nhiều hướng dẫn ngoài các cuộc nói chuyện của Senzaki. Aitken nhớ, “Phần lớn chúng tôi học được từ cung cách, lòng tốt, và tính khiêm cung tuyệt vời của ông.” Ông đặt cho Aitken pháp danh, Chotan, có nghĩa là “Vực thẳm Lớn,” và trích dẫn lời của Meisyer Eckhart cho ông, “Con mắt mà tôi nhìn vào Thượng Đế cũng chính là con mắt mà Thượng Đế nhìn vào tôi.”
“Hãy chỉ cho tôi thấy con mắt đó!” Senzaki nói. Aitken suy nghĩ rất lung về công án đó, và một hôm ông bước vào phòng với câu trả lời: ông chỉ đơn giản nhắm mắt lại.
“Ồ, ho!” Senzaki la lên. “Vậy thì nó đi đâu khi thầy ngủ?” Aitken không thể trả lời, và nhiều năm sau đó, khi ông đang làm việc với công án khác với một người thầy khác, câu hỏi đó vẫn lóe lên trong đầu óc ông.
Gia đình Aitken trở lại Hawaii, nơi ông chuẩn bị học lấy bằng cao học văn học Nhật, và vào năm 1950, nhờ đề xuất của D. T. Suzuki, ông được học bổng một năm học ở Nhật.
Ở Nhật ông có một thời gian sống cùng với gia đình Blyth khi dự thính các buổi học ở Đại học Tokyo. Rồi ông tham dự hai buổi tiếp tâm tại Chùa Engaku với Thiền sư Asahina. Đó là lần đầu tiên ông trải nghiệm tọa thiền thực sự (trước đây ông chỉ ngồi trên ghế với Senzaki) và đầu gối ông sưng lên đến nỗi ông chỉ đi được một vài bước. Asahina không nói tiếng Anh và các tăng sĩ không quen giao tiếp với người nước ngoài, nên Aitken phải liên hệ với Nakagawa Soen. Soen là một thi sĩ thơ haiku thành thạo và rất hợp với Aitken. Aitken chuyến vào thiền viện của Soen như một cư sĩ.
Lúc đó Soen còn là thị giả của sư phụ Yamamoto Gempo. Không lâu sau khi Aitken đến, Yamamoto Gempo về hưu, và Soen được lập làm người kế vị Sư ở chức trụ trì Chùa Ryutaku, Aitken ở đó tụng kinh cùng vói các sư khác. Soen vận bộ kimono kép bằng lụa trắng của vị trụ trì, khoác bên ngoài bộ cà sa tía trước đây thuộc về Thiền sư Hakuin. Bên dưới bộ lể phục này, trong nội y của mình, ông đã giấu bức thư của Senzaki, với một bài thơ ca ngợi. Sự kiện mà ông đã biết trước là “toàn bộ tăng đoàn bên Mỹ đang thiền định cho tôi,” ông viết cho Senzaki, “càng góp thêm sức mạnh cho tôi rất nhiều,” và ông cảm thấy, khi đang tụng kinh trong buổi lễ, tiếng tụng kinh của ông được nghe thấy tận Los Angeles.”
IV
- T. Suzuki bắt đầu ổn định cuộc sống mới ở New York vào khoảng năm 1953 khi cô Mihoko Okamura, một sinh viên thuộc thế hệ thứ hai của ông tại Columbia, thuyết phục ông rời bỏ căn hộ đạm bạc để ra về ở căn hộ của cha mẹ cô nhiều tiện nghi hơn trên Phố Tây 94. Cha cô Okamura, ông Frank Okamura, là người làm vườn tại Vườn Bách Thảo Brooklkyn, và bà Okamura rất vui lòng nấu các món mochi, và yudofu mà ông rất ưa thích. Cô Okamura trở thành người đồng hành thường trực và suốt đời, phụ giúp ông trong công việc thư ký, đánh máy, biên tập, và nói chung tận tình phục vụ ông.
Không cần nỗ lực hay quan tâm về phần mình, Tiến sĩ Suzuki đã trở thành một nhân vật. Ông được phỏng vấn trên truyền hình, được viết bài trên tờ The New Yorker, thậm chí được giới thiệu trên tạp chí thời trang Vogue. Tuổi tác, tính dí dỏm, và cử chỉ hòa nhã đã gây thiện cảm với mọi người, sự uyên bác học thuật đã bắt được óc tưởng tượng của công chúng.
Suzuki cũng nổi tiếng nhờ những tác phẩm giờ đã in ra sách bìa mềm có tính đại chúng, với số lượng tăng dần. Ông đã viết một số sách dành cho loại độc giả cao cấp, nhưng hầu hết là những tiểu luận nói với giới trí thức khắp nơi trong một phong cách lan man, khôi hài, trực tiếp. Không ai khác có thể bàn về đời sống tâm linh bằng sự pha trộn sống động đến thế giữa tính thẩm quyền và sự ngẫu hứng hồn nhiên.
Suziki hiểu rõ hơn ai hết quan niệm về Thiền có thể dễ dẫn đến ngộ nhận ra sao, nhưng ông muốn nắm lấy cơ hội để chỉ ngón tay ngôn từ và khái niệm vào mặt trăng bất khả diễn tả. Suzuki nhấn mạnh rằng Thiền chính là Thiền Phật giáo. Nhưng đồng thời ông từ chối hạn chế Thiền trong bất kì thời kỳ nào, địa điểm nào, hoặc học thuyết nào. Ông viết, “Theo quan điểm của tôi, thiền là sự kiện tối hậu của mọi triết học. Sự kiện tâm linh rốt ráo đó xảy ra khi nhận thức tôn giáo được đẩy cao đến cùng cực. Dù nó xảy đến trong người Phật tử, người Cơ Đốc giáo hoặc các triết gia, thì trong phân tích sau cùng đều liên quan đến Thiền.” Chính tính phổ quát của Thiền đã khiến mọi hạng người đều có thể nhìn thấy Thiền hiện diện khắp mọi nơi.
Thật ra, vào nữa cuối thập niên 50, ý tưởng Thiền quá phổ biến đến nỗi Thiền đạt đến địa vị một mốt. “Thiền quen được vinh danh là Nghệ thuật Viễn Đông có ảnh hưởng,” bà Sasaki nhận xét phần nào châm biếm từ Kyoto vào năm 1959, “nhưng giờ đây người ta phát hiện ra rằng nó đã có mặt suốt trong văn học Anh. Hội họa, âm nhạc, vũ đạo, và thi ca siêu hiện đại đều được đón nhận như là các hình thức thể hiện của Thiền. Thiền được viện dẫn để củng cố giá trị của các học thuyết mới nhất về tâm lý học, liệu pháp tâm lý, triết học, ngữ học, thần bí học, suy tưởng tự do và bất cứ thứ gì bạn muốn. Đây là đề tài thời thượng trong các buổi tiệc trà sang trọng cũng như các nhóm tụ tập lang bạt.”
Một trong những nỗ lực nghiêm túc để đối diện với Thiền là Hội nghị về Thiền Phật giáo và Phân tâm học 1957, trong đó D. T. Suzuki là diễn giả chính thức. Hơn 50 nhà phân tích hội tụ về Cuernavaca cho các cuộc hội thảo chuyên đề kéo dài một tuần lễ. Ngay từ năm 1934, Carl Jung đã nhìn nhận rằng Thiền và liệu pháp phân tâm có chung một mối quan tâm, cụ thể “chữa bệnh” tâm linh hay “phục hồi lành mạnh,” và rằng các thiền sư và nhà phân tâm học hoàn thiện các vai trò tương tự trong việc tìm kiếm sự toàn vẹn của cá nhân. Như tâm lý học, Thiền nói về tâm trí và ý thức. Chính D.T. Suzuki đã tìm cách sử dụng các thuật ngữ của tâm lý học Tây phương để giải thích Thiền Phật giáo, nhưng ông phê phán hạn chế gắn liền trong phương pháp phân tích của tâm lý học: “Cuối cùng, thật ra, không có bên kia, không có bên dưới, không có bên trên trong ý thức của chúng ta,” ông viết trong Nhập Môn Thiền Phật Giáo. “Tâm trí là một toàn thể không thể phân chia và không thể xé nát ra từng mảnh. Khi công án phá vỡ các trở ngại đưa đến chân lý tối hậu, tất cả chúng tôi đều biết có những góc khuất trong tâm trí hoặc thậm chí chân lý của Thiền mọi lúc hết sức bí ẩn.”
Trong khi các bài thuyết giảng ở Cuernavaca đã góp sức hợp pháp hóa đối thoại tiếp diễn giữa Thiền và Phân tâm học, như thường lệ sự hiện diện của D. T. Suzuki, còn hơn cả những lời ông nói, là quan trong nhất. Erich Fromm nhớ, sau hai ngày đầu của hội thảo, “một sự biến đổi tâm trạng bắt đầu hiện rõ. Mọi người trở nên tập trung hơn và im lặng hơn. Ở cuối buổi họp một sự thay đổi hiện rõ trên mặt nhiều người tham dự. Họ đã qua một trải nghiệm độc đáo; họ cảm thấy một sự kiện quan trọng đã xảy ra trong cuộc đời họ, rằng họ đã thức tỉnh một chút và rằng họ đã quyết tâm không để mất những gì họ vừa thủ đắc.”
Erich Fromm còn giữ lại một ký ức đặc biệt sắc bén. Một buổi chiều, nhận thấy Suzuki đã nghỉ giải lao lâu hơn thường lệ, bà Fromm và cô Okamura ra ngoài tìm. “Họ không tìm thấy ông ở đâu cả,” Fromm viết, “và khi họ bắt đầu sốt ruột, thì họ chợt nhìn thấy ông đang ngồi dưới một gốc cây, đang tọa thiền. Ông quá an lạc đến nỗi ông hòa với cây làm một, và thật khó nhìn thấy ‘ông’. . .
V
Năm 1956 Chùa Daitoku cho phép bà Sasaki xây cất một thư viện và một thiền đường 16 chiếu gần ngôi nhà bà cư trú từ năm 1949, và Viện Thiền Mỹ có chi nhánh đầu tiên ở Kyoto. Bà Sasaki giờ có nơi để thực hiện xác quyết của mình là các học viên nghiêm túc của dòng chân truyền Thiền Lâm Tế không có lựa chọn nào khác là đến rèn luyện tại Nhật.
Những khó khăn trong việc theo đuổi sự rèn luyện này là to lớn, và rất ít người nước ngoài có khả năng tìm đến nó. Thứ nhất là phải dành trọn một năm để học tiếng Nhật và học cách ngồi đúng và thở đúng, vốn là bước đầu được kỳ vọng để tọa thiền. Rồi còn cảm thấy khó khăn để tìm được thiền sư chịu làm việc với người nước ngoài, và cuối cùng, có vấn đề tìm kế sinh nhai. “Việc học Thiền đòi hỏi toàn thời gian và đầu óc thư thả,” bà Sasaki cảnh báo. “Những lo lắng về sinh kế và các vấn đề khác là một trở ngại nghiêm trong.”
Dù có các trở ngại chất chồng này, cũng có một số ít người tìm cách để theo đuổi việc học tập Thiền. Robert Aitken và Philip Kapleau tìm đường đến thiền viện của Nakagawa Soen, và Walter Nowich trở thành một thiền sinh thân cận, và cuối cùng kế vị Thiền sư Zuigan Goto. Nowich đã học âm nhạc tại Juliard và có thể đài thọ chi phí sinh hoạt cho những năm dài học tập bằng cách chơi nhạc cho các dàn nhạc hòa tấu và dạy dương cầm cho các học viên tư và cả trường Nữ Đại học Kyoto.
Bà Sasaki hi vọng rằng các học viên Tây phương được huấn luyện tại Nhật Bản có thể mang dòng Thiền Lâm Tế đích thực về phương Tây, “được trang bị với các tri thức được đào tạo ở phương Tây với con mắt Thiền rộng mở.”
Để làm được điều này, cũng như cho việc nghiên cứu Thiền, cần phải dịch thuật các văn bản Thiền Lâm Tế chủ yếu từ các bậc thầy Hoa lẫn Nhật. Ngoài ra, ban công tác còn phải dịch các tuyển tập công án, thi văn cổ điển Trung Hoa và văn phạm Đường-Tống, danh mục, và một từ điển Thiền. Với công trình đồ sộ với yêu cầu học thuật chính xác, nên tiến độ rất chậm. Nhưng bà Sasaki đầy quyết tâm. Điều cần thiết, như bà nói, “là phải hiểu rõ Thiền của quá khứ vì lợi ích của Thiền tương lai.”
VI
Một buổi chiều năm 1953, một thi sĩ trẻ có tên Allen Ginsberg đến thăm Viện Thiền Thứ Nhất vẫn còn tọa lạc trong căn hộ xinh đẹp của bà Sasak, lúc đó bà đang ở Nhật. Ginsberg chỉ mới khám phá Phật giáo và triết học Trung Hoa gần đây trong Thư viện Công Cộng New York. Ông cũng bắt đầu làm việc với Thiền Phật giáo và biết một ông D.T. Suzuki nào đó, đã 89 tuổi, đầy thẩm quyền đang ở Columbia mà ông dự định đến gặp để nói chuyện.
Jack Kerouac cũng đến với Phật giáo qua thư viện. Ông vừa viết xong tác phẩm The Subterraneans, không biết làm gì, bèn về nhà. Ông ngồi trong phòng, đau khổ vì mới mất một mối tình, cho dù chính ông muốn như thế.
Rồi trong tâm trạng muốn xa lánh thế giới văn minh, bỏ đi vào rừng sống như Thoreau, tôi vào thư viện tìm đọc tác phẩm của Thoreau. Thoreau nói về triết học Ấn Độ, và ông bỏ Thoreau xuống, và lôi ra, một cách tình cờ, cuốn Cuộc Đời Đức Phật của Ashva-ghosha.
Đó chỉ là bắt đầu. Trong những năm sắp tới, mối quan tâm về Phật giáo của ông cứ tăng dần lên. Diệu Đế đầu tiên trong Tứ Diệu Đế của Đức Phật, Khổ Đế (mọi chúng sinh đều đau khổ) tạo cho ông cơ sở triết lý để ông nhận thức được cuộc đời mình quán sát cuộc sống của những người chung quanh. Trong khi ghé thăm gia đình Cassady ở California, ông ngấu nghiến cuốn Phúc Âm Đức Phật của Dwight Goddard.
Trở về miền đông ông đến nhà mẹ ở Richmond, New York, ông đọc Kinh Kim Cương mỗi ngày. Ông bắt đầu học thuộc lòng, tụng kinh, và mang theo Phúc Âm Đức Phật đến mọi nơi, thậm chí khi đi xe điện. Ông bắt đầu ép mình ngồi thiền trên gối, chân bắt chéo trong chừng 20 phút. Ông bắt đầu thấy việc chơi bóng ở trung học và Columbia trước đây, là để chuẩn bị cho cuộc sống mới này của mình.
Vào mùa xuân năm 1955, ông xuống miền nam đến North Carolina nơi gia đình ông sinh sống. Ban ngày ông đốn gỗ và phát quang. Đến đêm ông ngồi trên bàn ăn ở nhà bếp, soạn ba bản thảo về Phật giáo: Góp Nhặt Giáo Pháp (một tuyến chọn các suy ngắm, ý tưởng, tóm lược các bộ kinh, châm ngôn, các bài thơ haiku), Tỉnh Thức (tiểu sử Đức Phật), và Lời Dạy Đức Phật (một tuyển tập các bản dịch của các người Pháp vĩ đại trong các tu viện của Tây Tạng.
Rồi vào tháng 7, 1955, vận may của ông đã đến. Nhà xuất bản Viking chịu in tác phẩm 0n Thế Road (Lên Đường) của ông.
VII
Đối với người miền Đông Kerouac và Ginsberg, Snyder hiện thân cho thiên tài thần thoại của miền Viễn Tây. Ông đã trải qua gần hết thời thơ ấu trên một nông trại nhỏ bên ngoài Seatle. Vào tuổi 13 cậu đã bắt đầu đạp xe quanh vùng cao nguyên Cascades. Khoảng thời gian đó cậu thường thơ thẩn trong căn phòng chứa đầy tranh phong cảnh Trung Quốc tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Seatle. Ông nhớ lại, “Chúng làm nổ tung tâm trí tôi. Những thác nước, đồi thông, tảng mây và sương mù giống nhiều cảnh tượng miền Tây Bắc nước Mỹ.”
Được học bổng tại Reed, Snyder học ngành nhân chủng học, ngôn ngữ học, và văn chương, đặc biệt chú ý việc nghiên cứu người Da Đỏ Mỹ. Khoảng năm 1949, ông nghe nói đến đạo Phật – cùng với đạo Hindu, đạo Lão, đạo Khổng – và lần đầu tiên biết về Thiền qua một người bạn ở Reed đã từng học thầy Senzaki một thời gian ngắn. Vào mùa thu 1951, trên đường đến Đại học Indianna để học lên cao học, ông bắt gặp bản in cuốn Thiền Luận của D. T. Suzuki trong một tiệm sách. Ông mua một quyển, bỏ vào ba lô rồi tiếp tục đi tiếp.
Thiền Luận của Suzuki giúp Snyder hiểu về cách thức đạo Phật, đạo Lão và đạo Hindu tương quan nhau như thế nào. “Sự hội tụ mà tôi nhận thấy thật sự phấn khích,” ông nhớ lại, “là con đường định hướng bởi trí tuệ của Phật giáo Đại thừa khi nó phát triển ở Trung Quốc và đồng hóa truyền thống Lão giáo cổ xưa hơn. Chính sự gặp gỡ văn hoá này vốn cũng trùng hợp với thời kỳ đỉnh cao nhất của thi văn Trung Quốc- các thiền sư đầu và giữa thời nhà Đường và các thi sĩ đương thời và nhiều người là bằng hũu của họ – thật đáng kinh ngạc.”
Snyder tự học ngồi tư thế kiết già (hoa sen) qua sách và nhìn tượng Phật và các bậc Bồ tát. Ông chỉnh sửa tư thế ngồi, vì ông thấy đau nhức khi ngồi, và hơi thở không thông suốt, cho đến khi ngồi đúng cách. Ngay từ đầu ông cảm thấy rằng ngồi tọa thiền là “một hành động hoàn toàn tự nhiên.” Sau hết, không phải các người tiền sử và các loài động vật “có khả năng chỉ cứ ngồi yên thảnh thơi trong một thời gian dài hay sao . . . “
Sau một học kỳ ở Indianna, Snyder rời về làm công việc cảnh báo hỏa hoạn ở Washington. Công việc này hoàn toàn phù hợp với ông. “Đối với ai muốn kiếm một công việc cho họ đủ thời gian để học tập và tọa thiền,” Snyder viết trong Ghi Chú về Thiền đăng trong Viện Thiền Thứ Nhất vào năm 1955, “tôi xin giới thiệu công việc cảnh báo là một nơi lý tưởng cho bất kì ai có khuynh hướng yamabushi (ẩn sĩ khổ hạnh Nhật thời xưa) và dẻo dai về tâm trí và thể chất. Chung quanh là hồ, đồng ruộng, hoa cỏ, ghềnh đá, băng trôi, nhiều gấu và hưu, và mây trời lãng đãng phía trên và phía dưới bạn. Tôi thấy thời gian lý tưởng để tọa thiền là từ mặt trời mọc, khoảng 4:30 sáng cho đến 8:00 sáng.”
Năm 1952, Snyder rời Indianna và đăng tên vào khoa ngôn ngữ Đông phương tại Đại học California tại Berkeley. Đã phát hiện ra rằng truyền thống Thiền của triều đại nhà Đường mà ông đọc được trong sách Suzuki vẫn còn sống động và tốt đẹp ở Nhật Bản, ông quyết tâm theo học hai ngôn ngữ Nhật và Đường – để ông có thể trực tiếp trải nghiệm nó.
Khi Kerouac và Ginsberg tìm đến Snyder thì ông đang tá túc trong một túp lều ở Berkeley cách ngôi nhà tranh mà Ginsberg chia sẻ với Kerouac chừng một dặm. Ginsberg lúc đó vừa mới tốt nghiệp khoa tiếng Anh.
Kerouac, Ginsberg và Snyder trải nhiều thời gian qua lại giữa hai túp lều – ăn cơm với nhau, chơi đùa quanh quẩn trong sân, đọc sách Thiền, viết lách, tán gẫu, uống rượu vang và tận hưởng bên nhau.
Trừ Snyder tọa thiền đều đặn 30 phút mỗi buổi sáng trên chiếc chăn cuộn lại, còn Kerouac, dù cho tọa thiền là một ý tưởng tốt, nhưng với bản tính sôi nổi, không thể nào tọa thiền hơn một vài phút, vì thế Phật giáo chỉ thuần túy là cuộc đàm luận văn chương.
Rồi qua giới thiệu của Alan Watts, lúc này chọn Bờ Tây làm quê hương, bỏ lại Giáo hội Giám nhiệm và bà vợ ở lại, và bắt đầu giảng dạy tại Học viện Nghiên cứu Á châu, bà Sasaki hứa sẽ thu xếp cho Snyder một học bổng để học về Thiền Lâm Tế tại Nhật, đổi lại ông phải làm thư ký cho ban dịch thuật tại chi nhánh Viện Thiền Mỹ Thứ Nhất ở Nhật.
Trong khi chờ đợi, vào đầu năm 1956, Kerouac và Snyder chia sẽ một cabin trên sườn núi Tamalpais. Chính tại đây Snyder đã thúc giục Kerouac viết tập thơ Scriptures of Golden Eternity (Phúc Âm của Vĩnh Hằng Vàng Son).
Tác phẩm này là đỉnh cao tài năng của Kerouac, một nỗ lực thành công nhất để nắm bắt sự trống rỗng, sự vô sở đắc và vô ngả trong mạng lưới ngôn ngữ thi ca Mỹ. Phúc Âm của Vĩnh Hằng Vàng Son được nhuộm màu, hơn là được tô màu, bởi hình ảnh các ông thánh Thiên Chúa giáo, thiên đường và hoa hồng, nhưng phần lớn trong 64 khổ thơ, các đoạn chập choạng một cách nín thở giữa tản văn và thi ca, các phủ định kép, phủ định bậc bốn bóc trần sự vĩnh hằng vàng son, chói lòa, trống rỗng, trong đó rốt ráo không có gì sở đắc được.
IIX
Snyder lên đường đi Nhật vào ngayg 15/5/1956. Bà Sasaki giới thiệu ông với Thiền sư Isshu Miura, và ông trải qua một năm tại Chùa Shokoku, làm thị giả cho Sư, nấu ăn, học tiếng Nhật và dạy Sư tiếng Anh. Khi Thiền sư Miura đi cùng bà Sasaki đến thăm Viện Thiền Thứ Nhất tại New York, Sư dặn Snyder đến thụ giáo tiếp tục với Thiền sư Sesso Oda, người kế vị Zuigan Goto tại chùa Daitoku.
Bà Sasaki bận rộn túi bụi tại Nhật, và gặp không ít khó khăn. Thiền sư Goto muốn bà trở lại Mỹ và châu Âu làm một sư hoằng pháp đạo Thiền nhưng bà Sasaki đã bị mắc kẹt trong xác tín rằng mình chỉ thích hợp với vai trò phải hoàn thành việc dịch thuật mà mình đã khởi đầu, cũng như cung cấp nơi ăn ở cho người Tây phương muốn ở lại thực tập Thiền Lâm Tế truyền thống. Bà thuộc típ người quán xuyến còn thuyết giảng giáo lí không phải là điểm mạnh của bà. Tuy nhiên, Thiền sư Goto không mong đợi một môn đệ vấn thiền bất tuân sự hướng dẫn của mình, và Sư bày tỏ sự bất mãn của mình. Trong 5 năm bà Sasaki không tham dự vấn thiền mặc dù bà vẫn tiếp tục tọa thiền và gửi Sư các quà biếu trong các dịp thích đáng. Có nhiều lời bàn tán ở cả hai bờ Thái Bình Dương, và bà không thoải mái chút nào. Rồi, bất ngờ, Sư Goto gửi cho bà một tin nhắn tỏ lời cảm ơn các món quà bà đã tặng và mời bà đến dùng trà. Cơn giận của Sư đã biến mất, và trong vòng một năm, bà Sasaki trở lại dự vấn thiền.
Bà Sasaki được truyền giới tại Chùa Daitoku vào năm 1958. Bà được Thiền sư Oda bảo trợ, vì Thiền sư Goto đã nghỉ hưu. Mọi viêc tiến hành theo đúng khuôn khổ truyền thống nhất, trừ việc bà không chịu cạo đầu.
IX
Vào năm 1955, Nyogen Senzaki trở lại Nhật lần đầu cũng là lần cuối. Senzaki đến viếng mộ sư phụ Soyen Shaku tại Kamakura, và cư ngụ phần lớn thời gian tại chùa Ryutaku, tránh xa cơ sở của phái Thiền Lâm Tế một cách bướng bỉnh và độc lập ở Nhật như từng bấy năm qua ở Mỹ. Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày ông cùng với Soyen Shaku rời nước Nhật đến San Francisco, và mặc dù đã quen với lối sống Mỹ, ông không hề đánh mất mối ràng buộc tình cảm với nguồn cội của mình.
Các nhà sư chùa Ryutaku tò mò về người bạn sống bên Mỹ của Thiền sư mình, và trong số này có một nhà sư trẻ tên Tai Shimano (giờ là Thiền sư Edo Tai Shimano, Thiền sư tại Hội Nghiên cứu Thiền ở New York) nhớ rằng mình rất xúc động trước “ông già này với mái tóc bạc trông kỳ lạ, giọng nói rổn rảng, phát âm thứ tiếng Nhật âm hưởng lạ tai khi ông nói chuyện với nhóm tăng sĩ đang tề tựu.
Qua mối liên hệ mật thiết của Senzaki với Thiền sư Soen, một số người Mỹ như Aitken và Kapleau, đã xuất hiện tại cổng chùa Ryutaku. Vì Tai Shimano biết chút tiếng Anh nên sư lãnh nhiệm vụ giải thích các chi tiết về lối sống thiền viện cho những người nước ngoài. Chính Tai Shimano là sản phẩm của việc đào tạo theo dòng Lâm Tế. Sinh ra trong một gia đình võ sĩ đạo, cậu đã đọc Bát Ngã Tâm kinh từ lúc lên 9, và lề lối Thiền đường là bản chất thứ hai của.
Sau nghi thức bế mạc thời kỳ tiếp tâm mùa hè 1957, Soen gọi Tai Shimano đến phòng mình. Senzaki đã già, Soen nói, nên cần một thị giả. Soen hỏi Shimano có muốn đi Mỹ khoảng một năm. “Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời,” Soen trấn an ông. Tại Shimano xin suy nghĩ hai ngày. Soen đã thường nhắc về Thiền Hoa Kỳ, cho rằng nó tươi tắn và năng động hơn Thiền Nhật. Cuối cùng, Tai Shimano quyết định đi và Sư bỏ ra một ngày viết cho Senzaki. Senzaki hồi âm, và cho biết bà Tanahashi, một môn đệ của ông, hiện đang thăm Nhật , và đề nghị Sư và bà ấy gặp nhau. “Khi bà ấy đến,” Shimano nhớ lại, “ba chúng tôi ngồi cùng nhau trong phòng sư thầy. Soen bày trà theo nghi thức. Chúng tôi chia sẻ một bát trà. Rồi chúng tôi nắm tay nhau. Chúng tôi thầm lặng chia sẻ mong ước sẽ sớm gặp lại nhau như thế này một ngày nào đó tại Mỹ.”
Vào ngày 7/5/1958, chuông điện thoại reo giữa buổi toạ thiền sáng. Soen rời thiền đường, bước vào phòng để trả lời, và không thấy Sư bước ra. Sau khi buổi toạ thiền kết thúc, Soen bảo với Shimano là Senzaki đã qua đời sáng hôm đó. Họ quỳ và cùng niệm Bốn Quán Nguyện.
Nghi thức cuối cùng của Senzaki, như cuộc đời ông, cũng được tiến hành theo cách của ông. Thì thế ông đặt trong nhà quàng chứa đầy hoa, và 12 nhà sư Nhật tụng kinh và đặt bài vị trên bàn thờ được dựng lên trong dịp này. Chỉ đúng quy ước đến chừng ấy. Rồi ai đó tuyên bố một băng giảng của Senzaki sẽ được phát cho mọi người nghe. Khách viếng một phen giật mình khi giọng nói to và rõ của Senzaki vang lên, lúc đầu bằng tiếng Nhật, vui vẻ nói cười. Rồi một phụ nữ đọc lời di nguyện của Senzaki, một phát biểu ông đã soạn từ 1936 và chỉnh sửa nhiều lần.
Tôi nghĩ đến một ngày tôi sẽ ra đi khỏi thế gian này, bỏ lại các bạn, nên tôi viết những lời sau cùng này bằng tiếng Anh. Hỡi các pháp hữu, hãy bằng lòng với cái đầu mình. Đừng đội bất cứ cái đầu giả nào lên trên đầu mình. Rồi, từng phút một, nhìn kỷ bước chân mình. Đây là những lời sau cùng tôi gủi đến các bạn.
[Ông tiếp tục vì như ông nói, ông cho rằng mình cần giải thích thêm] Cái đầu của bạn là vật cao quý nhất trong toàn vũ trụ. Không Thượng Đế, Đức Phật, Hiền nhân, Sư phụ nào có thể ngự trị nó. Lâm Tế nói, “Nếu ngươi có thể làm chủ cảnh ngộ, thì dù có đứng nơi đâu, nơi ấy sẽ là miền đất Chân lý. Có bao nhiêu bằng hữu của chúng ta có thể chứng nghiệm tính đúng đắn của những lời dạy này bằng hành động.”
Giữ cho đầu bạn mát nhưng bàn chân ấm. Đừng để tình cảm cuốn lấy chân bạn. Những học viên Thiền tinh thông sẽ thở bằng bàn chân mình chứ không bằng phổi. Điều này có nghĩa bạn hãy quên phổi đi, và hãy tỉnh thức bàn chân trong khi thở. Đầu là bộ phận thiêng liêng nhất của thân thể bạn. Hãy để đầu làm công việc của mình, và đừng bắt nó làm trò khỉ.
Hãy nhớ đến tôi như một thầy tu, không có gì khác. Tôi không thuộc tông phái nào hoặc ngôi chùa nào. Đừng ai ban tặng tôi một chức danh hay phẩm cấp nào. Tôi muốn tránh xa các rác rưởi và chết một cách an lạc.
Tro cốt của Senzaki được đặt trong nghĩa trang Nhật Bản ở đông Los Angeles. Từ đó có thể nhìn thấy đài tưởng niệm và phần mộ các chiến sĩ của Tiểu đoàn Tác chiến 442, dòng dõi thế hệ thứ hai của Nhật kiều. Tên Senzaki dưới thủ bút của Soen được khắc trên bia mộ, và mặt sau là lời nhắn nhủ của Senzaki: “Hãy giữ cho cái đầu mát và bàn chân ấm.”
Sau tang lễ một vài tháng, Soen trở về Nhật. Aitken đã ly hôn người vợ đầu và tái hôn với Ann Hopkins, mà ông đã gặp tại Trường Happy Valley ở Ojai, nơi ông là giáo viên tiếng Anh còn bà là người điều hành. Cặp đôi giờ đây trở lại Hawaii. Họ sang lại một tiệm sách cũ trong khu Chinatown của Honolulu, chuyên về tôn giáo bản địa và Á châu. Aitken lập danh sách những khách đến mua sách về Phật giáo, và khi Soen ra hiệu động viên họ thành lập nhóm tọa Thiền, Aitken mời được một số thành viên, và có 4 người tham dự buổi toạ thiền đầu tiên tại phòng khách của Aitken vào tháng 10, 1959.
Snyder trở về Mỹ một thời gian ngắn vào năm 1958. Ông đã trải những năm vừa qua tu tập với Thiền sư Oda tại Chùa Daitoku. Ông nhanh chóng lập một nhóm tọa thiền nhỏ cùng với một số bạn, chiều nào ông cũng ngồi tọa thiền.
Một ấn bản đặc biệt về Thiền của tờ The Chicago Review, xuất hiện vào mùa hè 1958. Nội dung bao gồm tiểu luận của Snyder nhan đề Tiếp Tâm Mùa Xuân tại Chùa Sokoku, Allan Watts có bài Thiền Beat, Thiền Square Và Thiền, Kerouac có bài Thăm Thiền Trong Rừng, D.T. Suzuki có bài dịch Những Lời Dạy của Lâm Tế từ tiếng Hoa, Ruth Fuller Sasaki có bài Chiashan Nhận Truyền Thừa Từ Tech’eng cũng dịch từ tiếng Hoa, bài Đối Thoại tại Mentogarden của Senzaki, cùng nhiều bài khác – tất cả đều là người gieo mới của nền Thiền Hoa Kỳ cùng tề tựu lại.
Tiểu luận của Snyder cho cái nhìn bao quát vè những gì xảy ra sau một tuần lễ tọa thiền cật lực: “chân có thể đau rừ trong thời gian tọa thiền lâu . . . tâm trí thì nhảy nhót lung tung.” Snyder viết, “Thiền nhắm đến tự do, nhưng việc rèn luyện là kỷ luật.”
Chính sự nghịch lý này tạo cơ sở cho tiểu luận của Watts về Zen Beat (Thiền Mềm), Zen Square (Thiền Cứng), và Thiền.
Watts nhìn nhận rằng Thiền Beat là một hiện tượng phức tạp – đi từ việc sử dụng Thiền chỉ để biện minh cho khuynh hướng lập dị trong nghệ thuật, văn chương, và lối sống thách thức và phê phán xã hội mạnh mẽ. Nhưng ông cũng cho rằng Thiền Beat này quá dung túng bản ngã, quá chủ quan, và quá ồn ào để có thể mang hương vị của Thiền.
Còn về phần những người Tây phương đi theo dòng Thiền Nhật- những người giờ đang học ở Nhật và sẽ sớm trở về nước với “chứng chỉ treo trên tường,” họ có thể xem là đi theo Thiền “Cứng” vì họ tìm kiếm “trải nghiệm tâm linh thực sự, một sự đốn ngộ nhận được dấu chứng nhận của giới thẩm quyền có uy tín.”
Nhưng tiểu Luận của ông cũng định vị được cội rễ của Thiền là vào thời nhà Đường ở Trung Quốc, và ông đề cao dòng Thiền trung đạo này hơn cả. Ông nói, “các bậc thiền sư tiền bối có khuynh hướng Lão Trang,” và ông trích lời của Lâm Tế: “Hãy cứ ung dung và không bận tâm điều gì. Đói thì ăn, khát thì uống, nếu mệt không đi được nữa thì nằm nghỉ, đó là đạo. Kẻ si mê cười nhạo ta, người khôn ngoan sẽ hiểu được ta.”
Thiền sư Nakagawa Soen
Ruth Fuller (Sasaki)
D.T. Suzuki
Thiền sư Robert Aitken
Gard Snyder, Berkeley, hè 1955
Jack Kerouac 1957
Allen Ginsberg