Rick Fields
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG SÁU :
NHỮNG PHẬT TỬ DA TRẮNG: ĐẠI TÁ OLCOTT, BÀ BLAVATSKY, HỘI THÔNG THIÊN HỌC
I
Chủ nghĩa tâm linh Mỹ khởi đầu một cách khiêm tốn vào năm 1848 khi những “tiếng gõ cửa ” bí ẩn làm giật mình gia đình Fox tại trang trại của họ ở Hydesville, New York. Hai chị em nhà Fox, người 12, người 13, chế ra mật khẩu cho phép trả lời các câu hỏi, và cuối cùng thêm trò cầu cơ, viết lên bảng đen và trò thấu thị vào tiết mục của họ. Họ nổi tiếng vì tự nhận tiếp xúc được với các oan hồn vất vưởng qua bàn cầu cơ mà họ khéo léo ngụy tạo lúc đầu không ai lật tẩy được. Nhờ đó họ được mời vào đoàn xiếc tiếng tăm P.T. Barnum đi lưu diễn khắp nước Mỹ. Chẳng bao lâu một đám các tên tự xưng đồng cốt xuất hiện trên khắp nước Mỹ, và đến thập niên 1870, hiện tượng cô hồn đến thăm lên đến mức báo động như bệnh dịch, như thể các oan hồn vất vưởng không có việc gì làm khác hơn là về thăm các bàn cầu cơ trong các phòng khách âm u của thế kỷ 19.
Chủ nghĩa tâm linh chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong thời hậu nội chiến Hoa Kỳ, nơi nó không chỉ an ủi những người có thân nhân bị tử trận mà còn chứng tỏ thực sự có thế giới bên kia – một niềm tin mà ngay cả khi khoa học vào cuộc điều tra để tìm chứng cứ sờ thấy được và tôn giáo vốn nương tựa vào các giáo thuyết, cũng không thể bảo vệ một cách thuyết phục. Bao nhiêu sự kiện tâm linh mọc lên như nấm. Nổi tiếng nhất trong đó là hiện tượng các hồn ma xuất hiện trong trang trại Eddy.
Năm 1874, thay mặt cho tờ New York Sun và The Daily Graphic (cũng của New York), Đại tá Olcott bắt đầu điều tra các hiện tượng tâm linh được cho là xảy ra tại trang trại Eddy. Olcott đã ghi lại những quan sát của mình trong một loạt các bài báo mà sau đó ông đã biên soạn thành một cuốn sách, Những Người Bên Kia Thế Giới Khác.
Các buổi lên đồng diễn ra trong một căn phòng dài hình chữ nhật trên tầng hai của trang trại Eddy. Ở một đầu của căn phòng, một sân khấu thấp được xây dựng với lan can ở phía trước. Phía sau sân khấu ngăn phần sau là một tấm màn mỏng. Các “hồn ma” người chết sẽ hiện sau bức màn ngay khi được “ông đồng bà cốt” ngồi trên ghế phía trước màn trên sân khấu gọi hồn về.
Số khán giả, có thu tiền, trên dưới khoảng hai chục người ngồi trên ghế hoặc băng ghế đặt trước sân khấu. Khách được yêu cầu nắm tay những người ngồi cạnh để phát tán năng lượng sinh lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện các hồn ma. Một số người tham dự là thành viên của gia đình Eddy hoặc có liên hệ với họ; họ phân công nhau tiến hành buổi lễ, hoặc cung cấp các đoạn nhạc xen kẽ trong suốt buổi tối nhằm tạo không khí liêu trai . Một số cũng đóng vai trò vệ sĩ để đảm bảo buổi cầu hồn không bị gián đoạn nếu có kẻ phá hoại vì tin là bị lừa đảo.. Vì nhà Eddy sống ở vùng nông thôn nên khách thường ở cùng gia đình với giá 8 đô la mỗi tuần.
Trong ánh sáng mờ ảo, các hồn ma hiện hình đã nhảy múa và trả lời các câu hỏi của khán giả bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau hoặc bằng những tiếng gõ thình thịch được hiểu là “có” hoặc “không”. Hồn trẻ em cũng như người lớn mang nhiều sắc tộc khác nhau đã được trục lên, trong đó có cả người Da Đỏ Mỹ thường xuyên xuất hiện.
Mặc dù họ đã thu hút được một số lượng khán giả bình dân có xu hướng thích những chuyện thần bí, nhưng bản thân các người nhà Eddy hầu như không phải là dạng nông dân mộc mạc và thô lỗ như họ tuyên bố. Một số thành viên trong gia đình hoàn toàn tránh tiếp xúc với công chúng, có lẽ để cho phép họ đóng giả hồn ma mà không bị nhận ra.
Cuối năm đó, tờ New York Sun đã đăng một bài báo tiết lộ rằng một ống khói khổng lồ nằm trong trang trại Eddy bao gồm một ống khói thứ hai nhỏ hơn bỏ không cho phép tiếp cận “phòng” tâm linh ở tầng hai từ nhà bếp bên dưới. Những người đóng vai hồn ma vào phòng dưới hóa trang rồi chui vào nhà bếp qua một cửa bí mật, sau đó leo lên ống khói vào phía sau phông màn sân khấu ở tầng trên và diễn trò lừa đảo. Khán giả thường là những người dễ dãi, đã có thiên hướng tâm linh hay tin các chuyện thần bí mê tín.
Vậy mà dù quyết tâm tìm ra sự thật đến mấy, Đại tá Olcott cũng không tìm ra trò lừa đảo của nhà Edy, có lẽ một phần ông chịu ảnh hưởng của bà Helena Blavatsky, một nhà thần bí và triết gia tâm linh, tin có thế giới bên kia, lúc ấy cũng lân la đến trang trại Eddy vì tò mò khi đọc bào báo của Olcott.
Henry Steel Olcott sinh ngày 02 tháng 8 năm 1832 tại Orange, New Jersey, là con trưởng trong gia đình có sáu người con. Khi còn nhỏ, Olcott sống trong trang trại ở New Jersey của cha mình. Trong thời thiếu niên, ông đã theo học tại trường Cao đẳng Thành phố New York và sau đó là Đại học Columbia, nơi ông tham gia hiệp hội St. Anthony Hall, một hội của những người danh tiếng. Năm 1851 công việc kinh doanh của người cha thất bại và ông buộc phải rời khỏi trường đại học.
Từ 1858-1860 Olcott là phóng viên nông nghiệp cho hai tờ báo New York Tribune và Mark Lane Express, nhưng đôi khi ông có bài viết về các vấn đề khác. Ông phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong cuộc Nội chiến và sau đó đã được thăng cấp đại tá. Ông rất được kính trọng, nên vào năm 1865, sau vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln, ông có chân trong uỷ ban điều tra vụ ám sát. Năm 1868, ông trở thành một luật sư chuyên về bảo hiểm, doanh thu và điều tra các trò gian lận.
Còn bà Helena Blavatsky sinh ra trong một gia đình quý tộc Nga-Đức ở Yekaterinoslav, ngày nay là Ukraine. Bà đã chu du khắp đế quốc Nga khi còn nhỏ, và dành phần lớn thời gian để tự học, có hứng thú với chủ nghĩa bí truyền phương Tây ngay từ thời niên thiếu. Theo những xác nhận sau đó của bà, vào năm 1849, bà bắt đầu một loạt các chuyến du lịch thế giới, đến tham quan châu Âu, châu Mỹ và Ấn Độ. Bà cũng tuyên bố rằng trong thời gian này, bà đã gặp và tiếp xúc được với những người khuất mặt mà bà gọi là “Bậc đại sư của trí tuệ cổ đại” trong hang động Tây Tạng, và đươc họ đưa vào cõi minh triết siêu phàm.
Sau khi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1873, và qua lần gặp Henry Steel Olcott ở trang trại, bà đã làm bạn với vị đại tá. Ở Thành phố New York, bà Blavatsky cùng với Đại tá Olcott và William Quan Judge đồng sáng lập Hội Thông Thiên học vào năm 1875, với tôn chỉ là “sưu tập và truyền bá kiến thức về các quy luật vận hành vũ trụ”. Olcott hỗ trợ tài chính những năm đầu của Hội và là vị chủ tịch trong khi Blavatsky là thư ký của Hội.
Trong tháng 12 năm 1878 họ rời New York để di chuyển trụ sở của Hội đến Ấn Độ. Họ hạ cánh xuống Bombay vào ngày 16 tháng 2 năm 1879. Olcott đặt ra kế hoạch trải nghiệm các thánh tích của nhà lãnh đạo tinh thần của mình, Đức Phật. Hội Thông Thiên Học đặt trụ sở tại Adyar, Chennai, cùng Thư viện Adyar và Trung tâm Nghiên cứu. Trong thời gian ở Ấn Độ, Olcott luôn cố gắng tìm ra bản dịch các văn bản giáo lý phương Đông có sẵn như là kết quả nghiên cứu của phương Tây. Mục đích của ông là sửa sai lối giải thích của phương Tây thường gặp ở Mỹ, và khám phá ra những thông điệp tinh khiết của các tôn giáo như là Phật giáo, Ấn Độ giáo, và Hỏa giáo để truyền bá lại chính xác cho người phương Tây.
II
Vào năm 1879 Đại tá Olcott và bà Blavatsky đến Ấn Độ. Như bà viết sau đó:
Khi chúng tôi đến Ấn Độ vào tháng 2 năm 1879, không có sự thống nhất giữa các sắc tộc và giáo phái của Tiểu Lục địa, không có ý thức quan tâm công cộng, không sẵn sàng tìm kiếm quan hệ hổ tương giữa các giáo phái Hindu cổ xưa khác nhau, cũng như giữa họ và các tôn giáo khác như Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Phật giáo và Hỏa giáo. Về phần hỗ trợ quốc tế có tính xã hội hay tôn giáo giữa dân Sinhala ở Tích Lan và các quốc gia Phật giáo ở phía Bắc lục địa đều không tồn tại. Mỗi bên đều mù tịt quan điểm, nhu cầu và khát vọng của bên kia. Cuối cùng giữa các chủng tộc Á châu, Mỹ châu và Âu châu, có sự lãnh đạm hoàn toàn đối với các vấn đề triết lý và tôn giáo. Nỗ lực của những nhà Đông phương học từ William Jones và Bournouf đến Giáo sư Max Müller đã tạo ra trong giới trí thức không khí quan tâm triết học, nhưng trong quảng đại quần chúng gần như không có gì. Thêm vào đấy, tất cả tôn giáo Đông Phương, không loại trừ tôn giáo nào, đều bị làm ngạt thở đến chết bởi khí độc của nền khoa học Tây phương, qua bộ máy truyền thông giáo dục và các cơ quan tuyên truyền Cơ Đốc, khiến phần lớn các sinh viên tốt nghiệp hoặc còn đi học tại Ấn Độ, Tích Lan và Nhật Bản đều quay về với chủ nghĩa bất khả tri và lăng mạ các tôn giáo cổ xưa. Điều này cho thấy nhiệm vụ chúng tôi là khó khăn biết bao khi muốn mang lại sự hài hoà giữa những hỗn loạn, xây dựng tinh thần khoan dung và từ ái giữa hằn thù, ngờ vực, ác ý và thiếu hiểu biết lẫn nhau.
Chưa nói đến việc vận động quần chúng của Olcott và Blavatsky còn gieo rắc ngờ vực trong bộ máy an ninh của Anh quốc, nghi ngờ họ xúi giục dân bản địa lật đổ chính quyền thực dân. Tuy nhiên qua nỗ lực vận động các nhà lãnh đạo Ấn giáo và tranh thủ sự hỗ trợ các mối quen biết với các quan chức chính quyền Anh, họ đã thành lập được đầu cầu cho Hội Thông Thiên học trong giới cai trị Anh lẫn thần dân Ấn của họ. Olcott và Blavatsky giờ quay sang Tích Lan. Phật giáo của dân tộc Sinhala Tích Lan đã chịu đàn áp dưới ba làn sóng nối tiếp của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh, và mặc dù bề ngoài dường như chính quyền Anh có vẻ ôn hòa hơn hai thực dân trước, họ chỉ đơn giản chuyến từ đối đầu trực tiếp sang đối đầu gián tiếp. Về mặt chính thức, chỉ các cuộc hôn nhân tổ chức trong nhà thờ mới được coi là hợp pháp, có nghĩa là con cái các vợ chồng theo đạo Phật tất nhiên là không hợp pháp, một bất lợi rõ ràng khi xin việc tại cơ quan nhà nước. Tất nhiên các trường học phải được chính quyền cấp phép mới được hoạt động, nhưng trường nào không mở đầu buổi học mỗi ngày bằng việc giảng dạy giáo lý Kitô một giờ theo giáo trình bắt buộc sẽ không được nhà nước tài trợ. Hậu quả là vào thời gian Olcott và Blavatsky đến Tích Lan, trong nước chỉ có 4 trường Phật giáo trong khi có đến 805 trường Cơ đốc giáo.
Các giáo sĩ Cơ Đốc luôn là cánh tay đắc lực trong chiến dịch bôi nhọ Phật giáo, và trong một thời gian họ đã theo đuổi một chính sách thách thức các con nhà Phật tranh luận công khai cho đến khi họ chạm trán với một đối thủ vượt trội hơn mình là Gunananda tại Panadura vào năm 1873. Người ta hoàn toàn nhất trí rằng Gunanatna, nhà hùng biện nổi tiếng nhất ở Tích Lan, đã đánh bại các cha Kitô giáo một trận ra trò, đặc biệt trong phần biện bác về việc Chúa Trời tạo ra thế giới và sự tồn tại của một linh hồn mang tính cá nhân và thường hằng. Và chính nhờ việc đọc được bài báo về cuộc tranh luận này mà Olcott và Blavatsky bắt đầu liên lạc thư từ với Gunanatna từ New York. Bà Blavatsky gửi hai tập sách Isis Unveiled ngay sau khi chúng được xuất bản và Gunanatna dịch một phần sách, cũng như một số bức thư của Blavatsky sang tiếng Sinhala. Các tư liệu được khắp quốc đảo đọc một cách nhiệt tình.
Do đó các Phật tử Sinhala háo hức mong được tiếp đón các thành viên Thông Thiên học khi họ đến thị trấn duyên hải Galle vào ngày 17/5/1880. Cả hàng dài thuyền đánh cá màu sắc rực rỡ xếp dọc theo cảng, hàng ngàn lá cờ bay phấp phới trong ánh mặt trời, và một băng vải trắng lót từ bến cảng dẫn bước đi của họ đến chiếc song mã đang chờ. Vào ngày 25/5, Đại tá Olcott và Bà Blavatsky quỳ trước mặt một nhà sư tại một ngôi chùa ở Galle để làm lễ quy y ngũ giới – không sát nhân, không nói dối, không trộm cắp, không tà đâm và không say sưa – và quy y tam bảo – Phật, Pháp và Tăng – bằng tiếng Pali. Đó là lần đầu tiên người dân Tích Lan trông thấy một người thuộc chủng tộc da trắng thượng đẳng bày tỏ lòng tôn kính đối với Phật giáo và đó là người Mỹ đầu tiên trở thành Phật tử theo đúng nghi thức Phật giáo.
Hai tháng sau đó Đại tá Olcott và bà Blavatsky liên tục nói chuyện trước đám đông cả ngàn người trong các ngôi chùa, phòng họp và các buổi mít tinh ngoài trời không ngừng nghĩ. Mặc dù các viên chức chính quyền và các giáo sĩ Cơ Đốc ra sức ngăn trở, chuyến đi của họ đạt được thành công rực rỡ, với kết quả là 7 chi nhánh Thông Thiên học Phật giáo được thành lập.
III
David Hewivitarne gặp Olcott và Blavatsky vào cuối buổi mít tinh công cộng đầu tiên của họ ở Colombo, thủ đô Tích Lan. Dù ở tuổi 14 cậu đã là một chiến binh hộ pháp hăng say. Cậu đã được cha và chú dẫn đến giới thiệu với các nhà sáng lập Hội Thông Thiên học. Cha chú của cậu đều là Phật tử và là thành viên tích cực của Hội. Ông ngoại cậu đã hiến đất cất trường Cao đẳng Phật học đầu tiên ở Tích Lan, và trước khi cậu chào đời, mẹ cậu đã thắp hương và dâng hoa cho Phật và Chư Thiên, cầu mong con trai mình sẽ phục hưng đạo Phật đến được địa vị xứng đáng ở Tích Lan.
David Hewivitarne, sau này sẽ được biết đến trên khắp thế giới Phật giáo dưới tên Anagarika Dharmapala, sinh ngày 17/0/1864 tại quận Pettah ở Colombo. Cậu trải quá tuổi thơ trong nền nếp gia đình theo truyền thống Phật giáo thuần thành. Mỗi sáng và tối cả nhà đều đọc kinh tam quy ngũ giới trước một tượng Phật bằng gỗ phỏng theo đại tượng Phật bằng đá ở Polonnaruwa, và ngay từ lúc lên 9 cậu đã thệ nguyện thực hành tiết dục theo lời khuyên của thân phụ, phải ngủ ít và hài lòng với những gì mình có. Sau đó cậu năng lui tới chùa Kotahena nơi mỗi chiều thứ 7 nhà sư Gunanatna thuyết giảng và không quên công kích nảy lửa Kitô giáo, và cũng là nơi cậu nghe biết về hai người Tây phương sáng lập Hội Thông Thiên học và làm bạn với Phật tử Sinhala.
Cha mẹ cậu, tuy là các Phật tử thuần thành, chỉ thuộc tầng lớp trung lưu, nên không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi David vào các trường dòng Cơ Đốc quá khích. Tại trường Thánh Benedict nơi cậu vào học lúc 10 tuổi, cứ mỗi nửa giờ học sinh phải dừng lại để đọc một đoạn kinh ngắn về Thánh Nữ Đồng Trinh, và các học sinh theo đạo Phật bắt buộc phải dự một lớp đặc biệt mỗi tuần một lần. Sau đó cậu vào trường dòng nội trú Cơ Đốc Anglican, tại đó sáng nào cũng hành lễ và học sinh phải học thuộc lòng các đoạn trong Kinh Thánh mỗi ngày. Chàng thiếu niên Hewivitarne rất hay phê phán Kinh Thánh, nhất là Cựu ước, nhưng là một học sinh chăm chỉ và có năng khiếu, cho nên lúc gặp các thành viên Thông Thiên học, cậu đã thuộc lòng các Sách Xuất Hành, Đệ Nhị Luật, Dân Số, Giô-Suê, Bốn Sách Phúc Âm và Sách Công vụ Tông đồ.
Các giáo viên tất nhiên thấy việc cải đạo được David là rất hứa hẹn, nhưng cậu ưa thích sử dụng kiến thức kinh điển của mình để bắt bẻ các lỗi thiếu nhất quán trong giáo lí Cơ Đốc. Cậu phát huy cặp mắt tinh tường để vạch ra tính giả đạo đức, nhất là tính cách của vị hiệu trưởng trường khiến cậu ghê tởm, chẳng hạn mỗi khi có chút hơi men là ông xách súng săn ra bắn các loài chim bé nhỏ.
Còn vị hiệu trưởng trường Thánh Thomas cậu vào học sau đó thì thi hành kỷ luật sắt, đánh đòn cậu vì tội trốn học trong các ngày lễ Phật giáo quan trọng như Phật Đản, Thích Ca Thành Đạo và Phật Nhập Niết bàn. Rồi vào tháng 3, 1883, một đám đông giáo dân Cơ Đốc Sinhala, vẽ hình thánh giá trắng trên trán, tấn công một đám rước Phật giáo khi đi ngang qua trường Thánh Lucia trên đường đến chùa Kotahena. Thế là David không trở lại trường Thánh Thomas nữa.
Cậu tiếp tục tự học trong Thư viện Quận Pettah. Cậu ngấu nghiến đạo đức học, tâm lí học, triết học, lịch sử, và tiểu sử. Nhưng như thể cũng chưa đủ đối với chàng thanh niên trẻ khao khát kiến thức tâm linh.
Vào tháng giêng 1884, khi Đại tá Olcott và bà Blavatsky trở lại Tích Lan để tổ chức hành động pháp lý nhằm chống lại nhóm tổ chức vụ đám đông Cơ đốc giáo gây bạo lực, và Hewivitarne, vì còn thiếu tuổi, nên phải nhờ ông ngoại bảo lãnh vào học tập và công tác tại Hội Thông Thiên học.
IV
Đại tá Olcott đã trở lại Tích Lan vào mùa xuân năm 1882. Tình trạng thiếu trường Phật giáo đối với ông dường như là trở ngại nghiêm trọng nhất mà tín đồ Phật giáo Singala phải đối mặt, và để quyên tiền cho Quỹ Giáo dục Phật giáo, ông lên đường làm một chuyến về miền quê. Nhiệt tình mà ông đã tạo cảm hứng trong chuyến thăm đầu tiên giờ đã lụi tàn, lại thêm dân chúng phần lớn nghèo khó, nên thật khó khăn để gom được một số tiền như mong muốn. Rồi Đại tá nhận ra là phần đông Phật tử Tích Lan kém hiểu biết về tôn giáo của mình cũng như phần đông người Tây phương, và do đó họ dễ nhạy cảm trước sự vu khống và phỉ báng của các cha sứ Cơ Đốc. Đại tá quyết tâm chỉnh đốn tình hình bằng cách biên soạn một quyển giáo lí Phật giáo – một quyển sách nhỏ, dễ đọc nêu ra các giáo lí cơ bản của Đạo Phật. Để trước tác, ông đọc khoảng mười ngàn trang tài liệu Phật giáo đã được dịch ra tiếng Pháp và Anh. Olcott dò bản thảo bằng tiếng Sinhala từng chữ một với Sumangala, viện trưởng của Sripida và Galle, cùng vói hiệu trưởng Đại học Vidyodaya, và chỉ được họ cho phép xuất bản sau nhiều ngày tranh luận. Trong tác phẩm này ông không viện dẫn đến các Bậc Thầy tâm linh khuất mặt quen thuộc mà bà Blavatsky thường đề cập trong các ấn phẩm của Hội Thông Thiên Học, hoặc giải thích Phật giáo theo kinh Vệ Đà, Mật tông hoặc tư tưởng tôn giáo Tây phương.
“Giáo Lí Phật Giáo” của Olcott là một trong những đóng góp lâu dài nhất của ông cho sự phục hưng Phật giáo ở Sri Lanka (tên hiện giờ của TíchLan), và vẫn được sử dụng ở đó cho đến ngày nay. Văn bản phác thảo những gì Olcott coi là giáo lý cơ bản của Phật giáo, bao gồm cuộc đời của Đức Phật, thông điệp của Pháp , vai trò của Tăng đoàn. Bản văn cũng đề cập đến mối tương quan giữa thông điệp của Đức Phật với xã hội đương thời. Olcott được người Nam Á và những người khác coi là một nhà phục hưng Phật giáo.
Sách được trình bày dưới dạng hỏi đáp như hình thức thường được sử dụng trong sách giáo lý Kitô. Dưới đây là một vài ví dụ từ tác phẩm đó:
HỎI. Bạn có thể gọi một người chỉ đơn thuần được sinh ra từ cha mẹ theo đạo Phật là một Phật tử không?
ĐÁP. Chắc chắn là không. Một Phật tử là người không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Đức Phật là bậc Đạo sư cao quý nhất, vào Giáo pháp do Ngài thuyết giảng, và vào tình huynh đệ của các vị A La Hán , mà còn thực hành Giới luật của Ngài trong cuộc sống hàng ngày.
HỎI. Nghiệp là gì?
ĐÁP. Nguyên nhân của mọi hoạt động trên bình diện đạo đức. Phật giáo cho rằng không có phép lạ trong các hoạt động của con người: ai gieo nhân gì thì phải gặt quả đó.
HỎI. Có danh từ nào khác đã được sử dụng để diễn tả tính tinh túy của Phật giáo?
ĐÁP. Văn hóa tự thân và lòng từ bi toàn cầu.
HỎI. Vì sao vô minh gây ra đau khổ?
ĐÁP. Vì nó khiến chúng ta trân quý những gì không đáng trân quý, đau buồn vì những gì không nên đau buồn, coi những gì hư ảo, không có thật là thực, và sống theo đuổi những thứ vô giá trị, mà bỏ qua những gì thực sự có giá trị nhất .
HỎI. Cái gì quý giá nhất?
ĐÁP. Biết toàn bộ bí mật về sự tồn tại và vận mệnh của con người, để chúng ta có thể đánh giá không cao hơn giá trị thực tế của chúng, biết cuộc sống này và các mối quan hệ của nó; để chúng ta có thể sống sao cho đem lại hạnh phúc lớn nhất và ít đau khổ nhất cho đồng loại và cho chính chúng ta.
V
Các học giả Âu châu thời đó xem Tích Lan (Sri Lanka) là ngôi nhà của Phật giáo thuần khiết nhất ở châu Á – theo đó có nghĩa nền Phật giáo gần sát với giáo thuyết nguyên gốc của Đức Phật và tăng già thời kỳ đầu. Nhân vật có trách nhiệm nhất cho quan điểm này là Thomas Rhyhs-Davids, một công chức Anh đã bị lôi cuốn như William Jones, muốn làm chủ ngôn ngữ cổ điển của Tích Lan để lý giải luật bản xứ. Rhys-Davids đã được yêu cầu giải quyết một vụ tranh chấp xuất phát từ cái chết của một tì kheo. Câu hỏi dường như liệu vị phụ tá của nhà sư qua đời hay một nhà sư khác, ai sẽ thay thế chỗ của vị tì kheo ấy; câu trả lời, Rhys-Davids được cho biết, nằm trong một bộ luật gọi là Vinaya, vốn chỉ có thể đọc bằng tiếng Pali. Vị tì kheo dạy Rhys-Davids tiếng Pali, Unnanse Yatramulle, tạo một ấn tượng đối với vị quan tòa trẻ. “. . . Ông chết dần mòn do hiệu quả của một cơn bạo bệnh đau đớn, không thể chữa lành được.” Rhys-Davids viết một bài tưởng niệm ông vài năm sau đó.
Tôi đã nghe tiếng ông là một học giả tiếng Pali . . . và biết ơn vì ông đã rời nhà trong điều kiện đó để dạy cho một người lạ. Trong đôi mắt thật sâu của ông phát ra một thứ ánh sáng kỳ lạ, và ông lúc nào cũng chuyển một câu hỏi về tiếng Pali sang câu hỏi về Phật giáo. Tôi thấy ông thành thạo cả về thi ca và đạo lý của Kinh Tạng và cảm thấy rất hạnh phúc khi nghe ông nói. Ông có một sức thu hút nào đó, một sự giản dị khiến tôi kính phục.
Được thầy mình gây cảm hứng, Rhys-Davids sưu tập một phiên bản đầy đủ Tam Tạng Kinh dưới dạng bản thảo viết trên lá cọ. Ông chủ yếu tập trung vào Kinh Tạng, lúc đó, theo lời ông, “bị chôn vùi và chưa được xuất bản.” Ông trở lại Anh và vào năm 1881 thông báo thành lập Hội Văn Bản Pali, theo phong cách của Hội Văn Bản Tiếng Anh Sơ Khai. Hội Văn Bản Pali lùng sục khắp các thư viện Âu châu và Tích Lan để tìm kiếm các bản thảo viết trên lá cọ, và sau đó chuyển tự tiếng Pali sang mẫu tự La Mã.
Đối với Rhys-Davids và Hội Văn Bản Pali, các kinh điển Pali tìm thấy ở Tích Lan, Miến Điện và Xiêm đều đại diện cho các ghi chép trung thực nhất các lời dạy “nguyên gốc” của Đức Phật tại Ấn Độ. Các tông phái Bắc, gọi là giáo phái Đại thừa, theo quan điểm này, là hình thức thoái hóa do sự mê tín và tăng giới gây ra. Một số điều này cũng xâm nhập vào Phật giáo phía Nam, nhưng nói chung, kinh điển bằng tiếng Pali đại diện cho giáo lý nguyên sơ của Đức Phật. Rhys-Davids xem Phật giáo phía Nam là “Phật giáo Kháng Cách” – có tính khoa học, hợp lý, trong khi Phật giáo phía Bắc, giống như Phật giáo có tính Thiên Chúa giáo La Mã – đó là đầy ắp các nghi thức liên quan đến các thánh (Bồ Tát) và do các tu sĩ “chuyên nghiệp” điều hành. Do đó, cách hợp lý để một người Tây phương tiếp cận với vấn đề Phật giáo là tìm cách quay lại với lời dạy nguyên gốc của Đức Cồ Đàm, và phát hiện các văn bản cổ nhất còn tồn tại. Những văn bản này, hầu hết các học giả đều tin tưởng, viết bằng tiếng Pali.
Đại tá Olcott còn có một quan điểm rộng lớn hơn. Ông hy vọng sẽ mang tất cả Phật tử trên thế giới lại với nhau dưới cùng một lá cờ. Ông sẽ tìm kiếm các nguyên tắc mà mọi người đều nhất trí thay vì bỏ công sức lùng sục các khác biệt. Đối với ông hiển nhiên một phong trào Phật giáo thống nhất sẽ tạo sức mạnh cho Phật giáo trên thế giới hơn là tình trạng manh mún như hiện nay. Vì vậy, mối quan tâm của ông có tính chính trị hơn là học thuật.
Biểu tượng cho tầm nhìn của Đại Tá là lá cờ Phật giáo mà ông thiết kế với Sumangala vào năm 1889. “Thật là một ý tưởng tuyệt vời, ” Đại Tá viết trong nhật ký của mình, “và tôi nhìn thấy ngay lập tức các tiềm năng vươn xa của nó như một tác nhân trong cơ đồ thống nhất Phật giáo mà tôi đã ôm ấp ngay từ ngày đầu tôi đến với Phật giáo.”
Cuốn Giáo Lý Phật Giáo Vấn Đáp của ông đã tạo một bước đệm hướng về chiều hướng đó: nó được dịch ra tiếng Nhật và Ấn và gần như mọi ngôn ngữ Âu châu. Lá cờ, theo suy nghĩ của Đại tá Olcott, “nếu được mọi quốc gia theo đạo Phật nhìn nhận như một biểu tượng phổ quát của tín ngưỡng mình, sẽ đóng vai trò như thánh giá đối với người Kitô giáo,” sẽ xuất hiện như “một củng cố đầy sức mạnh.” Người Sinhala, Olcott viết trong nhật ký của mình, “đã kết cái ý tưởng hoàn toàn độc đáo là kết hợp trong lá cờ của mình các màu sắc được cho là biểu hiện vầng hào quang của Đức Phật, đó là: xanh ngọc, vàng rực, đỏ thắm, trắng, cam (được biểu thị bằng các vạch đứng, và một màu tạo thành bởi sự trộn lẫn các màu trên (được biểu thị bằng 5 khối màu trên chồng lên nhau ở tận bờ phải).” Vào ngày lễ Vesak (lễ Phật Đản) năm đó, lá cờ tung bay gần như tại mọi ngôi chùa và nhà ở của Phật tử ở quốc đảo Tích Lan. Olcott xem lá cờ như là ” một trong những vật thể xinh đẹp nhất trên thế giới”, và khi ông đến thăm vị đại sứ Tây Tạng tại tỉnh Darjeeling, ông hoan hỉ khi thấy những màu sắc của lá cờ cũng giống như cờ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lá cờ sau đó được Đại hội Phật tử Thế giới chấp nhận làm biểu tượng và là lá cờ phổ quát của tất cả các truyền thống Phật giáo .
Cờ Phật giáo
VI
Năm 1888 Uỷ ban Thanh niên Phật tử Nhật phái nhà thơ Noguchi mời vị đại tá đến thăm Nhật. “Chúng tôi cầu nguyện ngài Đại tá đến giúp đỡ chúng tôi,” Noguchi bảo trong buổi họp thường niên của Hội Thông Thiên học ở Adyarn, “để làm sống lại hy vọng cho người già chúng tôi, mang can đảm đến cho trái tim người trẻ chúng tôi, để chứng tỏ cho các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học và những sinh viên được gửi đi học tập ở Mỹ và châu Âu, rằng khoa học Tây phương không hẳn là không thể sai lầm và không thể thay thế được mà chỉ là chị em ruột của tôn giáo . . .
Olcott, Noguchi và Dharmapala (cũng được mời) rời Colombo. Các Phật tử Sinhala tổ chức một buổi lễ tiễn đưa tại văn phòng Hội Thông Thiên học tại Colombo. Sumangala Nayaka Maha Thera cầu nguyện Tam Bảo và Chư Thiên hộ trì cho sứ mạng và giới thiệu Đại tá bằng một bức thư viết bằng tiếng Phạn cho những người đứng đầu Ủy ban Phật giáo Nhật Bản. Theo như mọi người được biết, bức thư này là mối liên lạc chính thức đầu tiên giữa các nhánh Phật giáo Bắc và Nam truyền trong nhiều thế kỷ. Bức thư bày tỏ lời chào hỏi huynh đệ và niềm hy vọng Phật tử Á châu sẽ đoàn kết vì lợi ích của toàn thế thế giới Đông phương.
Phái đoàn họp mặt tại Kobe với đại biểu của 7 tông phái Phật giáo dẫn đầu. Nhưng Olcott sớm biết rằng phái Tịnh Độ tài trợ cho chuyến đi của ông mà không hội ý với các phái khác. Ông phản đối bằng cách yêu cầu chuyến đi của ông phải được tài trợ bởi một uỷ ban gồm đại diện tất cả các tông phái. Người Nhật không đáp ứng ngay lập tức, và cuối cùng vị đại tá “phát đi cảnh báo nếu họ không thành lập ủy ban ấy, tôi sẽ trở lại Colombo ngay chuyến tàu hơi nước tiếp theo. Tôi không chắc,” ông viết, “các viện trưởng đáng kính, các bặc thầy tâm linh của hơn 39 triệu dân Nhật và các hòa thượng trụ trì của hơn 70 ngàn ngôi chùa, liệu có nghĩ tôi cũng là một anh chàng độc tài như Thiếu tướng Perry đồng bào của tôi.”
Vị đại tá có cách làm việc riêng của mình, và tại buổi họp với ủy ban liên đới tại chùa Choo-in Tendai, ông đọc bức thư viết bằng tiếng Phạn của Sumangala (bản dịch ra tiếng Nhật được phân phát cho các đại biểu.) Bấy giờ là tháng 12, và Dharmapala chưa bao giờ trải nghiệm cái lạnh cóng như thế. Ông đã nhuốm bệnh khi vừa đặt chân đến Nhật., và một cơn sốt phong thấp buộc ông phải theo dõi diễn tiến phiên họp trên chiếc xe lăn. Phần nhiều ông tiếp khách đến thăm ngay tại bệnh viện, trong đó có các phái đoàn Phật tử Nhật, và được các sinh viên của Học viên Quân sự Bungakurio chăm sóc.
Olcott thực hiện 75 bài nói chuyên trong vòng ba tháng sau đó. Theo ước tính của ông, có đến 187,000 người đến nghe ông phát biểu. Ông nói với người Nhật rằng làn sóng công luận thế giới đang quay hướng về đạo Phật, phần lớn nhờ vào việc ấn hành sách của các tác giả Tây phương. Ông kể ra tác phẩm Ánh Sáng Châu Á của Edwin Arnold là đặc biệt quan trọng, và đưa ra ước tính ít nhất có khoảng 50,000 Phật tử ở Mỹ. Báo chí Nhật đăng tải rộng rãi về chuyến đi này của Olcott, thậm chí có quả bom diều nổ ra thành hàng thư pháp mang dòng chữ “Tiên sinh Olcott đã đến ” vắt ngang bầu trời. Có lần ông được yêu cầu đọc Ngũ Giới bằng tiếng Pali trước tượng Đức Phật. Ông thổ lộ trong nhật ký, “Tôi không khỏi phì cười với chính mình khi tưởng tượng ra vẻ khiếp đảm mà tổ tiên Thanh giáo thế kỷ 17 của tôi ắt sẽ biểu lộ nếu họ có thể thấy được cái ngày ‘tai ách’ này.” Ông tin chắc rằng nếu mình sinh ra tại Boston hoặc Hartford vào thời đó, ông hẳn đã bị treo cổ trên một thân cây cao nhất vì tội bội giáo.”
Vào cuối chuyến thăm vị đại tá dự định thành lập chi nhánh Phật học Nhật Bản của Hội Thông Thiên học. Ông cảm thấy bằng cách này mình có thể mang mọi giáo phái về dưới cùng chiếc ô của tổ chức với khẩu hiệu “Không có tôn giáo nào vượt qua chân lý,” biểu tượng cho một lập trường trung lập thần thánh của mọi tranh chấp giáo phái. Người Nhật quan tâm, nhưng nhấn mạnh rằng việc tranh chấp giáo phái ở Nhật căng thẳng đến nỗi chỉ có người ngoài cũng là Phật tử (nói cách khác chỉ có Đại tá Olcott) mới có thể giải quyết việc này. Ông bắt đầu nghĩ đến việc từ chức chủ tịch Hội Thông Thiên học “để thành lập Liên đoàn Phật giáo Quốc Tế có thể đẩy mạnh làn sóng hoằng pháp đi khắp thế giới.” Nhưng việc đó là ở tương lai. Vài tháng sau ông trở về Colombo, mang theo ba nhà sư Nhật dự định học tiếng Pali và Phật giáo Nam tông.
VII
Ba nhà sư trên không phải là những người Nhật đầu tiên nghiên cứu Phật giáo tại Tích Lan. Hai năm trước, vào ngày 8 tháng 3 năm 1887, nhà sư Thiền tông 28 tuổi tên Soyen Shaku đã lên một con tàu hơi nước của Đức tại Cảng Yokohama và đến Colombo ba tuần sau.
Soyen Shaku đã được truyền giới Thiền tông vào năm 1871 lúc mới 12 tuổi. Mỗi chiều Sư đều đến xoa bóp cho lão sư phụ của mình, Ekkei Zenji. “Thầy tôi thích tĩnh lặng và ít nói chuyện với mọi người,” Sư viết sau đó trong cuốn tự thuật, “nhất là đối với một đứa trẻ quèn như tôi, vì thế trông ông như một bức tượng gỗ tôi không sao tiếp xúc được. Cơ hội duy nhất tôi được thấy ông mỉm cười là khi ông vừa nhấp một cốc sake vừa ngắm nhìn cá vàng trong ao, nhưng thậm chí lúc đó ông không bắt chuyện với tôi lẫn cá vàng.”
Vào năm 1875 một người thầy của Soyen qua đời. Các nhà sư ở lại trong sân chùa 49 ngày. Tiếp theo là khóa nhiếp tâm Bồ đề (được tổ chức để tưởng niệm ngày Phật thành đạo). “Tất cả chúng tôi nỗ lực hết sức để quên mọi tạp niệm,” Soyen nói, “và chỉ tập trung vào thiền định.” Suốt hai đêm Soyen ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề đứng sau cửa sổ của phòng Trụ Trì. Tuyết phủ khắp người ông. “Chính trong giây phút ẩn dật này,” Soyen nhớ sau này, “tôi mới đạt được niềm tin thực sự vào việc hành thiền mà ngay cả Phật và ma vương cũng không thể tước đoạt đi được.”
Soyen chuyên chú vào Thiền nhưng ông không hẹp hòi. Ông học tập tại Miidera, một thiền viện của phái Tendai (Thiên Thai tông) trong 6 tháng. Rồi ông học với Gisan, sư trụ trì thuộc dòng truyền thừa của thiền sư hiện đại. Lúc đó Gisan đã 76 tuổi. “Hầu hết thời gian Sư ở trên giường bên cạnh một bàn đọc sách nhỏ, lông mày Sư rậm và bạc như tuyết, tiếng nói Sư rõ ràng như của một thanh niên trẻ. Trong cuộc sống hàng ngày Sư như là một người ông đối với chúng tôi, mặc dù trong các buổi vấn thiền Sư tỏ ra rất nghiêm khắc.”
Soyen nhận được quyền truyền pháp vào năm 1884, lúc 25 tuổi. Khi ông vượt qua được công án đặc biệt gai góc chỉ qua một đêm, Kosen, sư phụ của ông được nói là đã nhận xét, “Soyen là một Bồ Tát hiện thân.” Đó là một lời ca tụng ít khi nghe được trong giới Thiền.
Kosen đã học tập đạo Khổng trước khi trở thành một thiền sư. Và chắc chắn việc rèn luyện này khiến Sư quan tâm đến các ngành học “thế tục” nhiều hơn các thiền sư khác của thời đại ông. Vào đầu thời Minh Trị, Sư được bổ nhiệm làm giám sát cao cấp về việc giảng dạy tôn giáo trong Bộ Giáo dục. Cùng lúc Sư trở thành thầy trụ trì Chùa Engaku ở Kamakura, và tại đó Sư mở các khóa dạy thiền cho sinh viên các trường đại học hiện đại kiểu phương Tây vừa mới thành lập. Khi nhóm này đông lên, Sư thành lập các Ryomakyo-kai, kai nghĩa là Hội, ryomakyo nghĩa là “sự buông bỏ các ý niệm về cả khách quan lẫn chủ quan.” Mặc dù Kosen không nghỉ tới, hội này về sau sẽ góp phần quan trọng trong vai trò phát triển Thiền tông trên nước Mỹ.
Được sự cổ vũ của Kosen, Soyen đến học tại Đại học Keio từ 1884 đến 1886. Đây là lúc hợp lý để Sư trụ lại tạo dựng sự nghiệp trong thiền viện, nhưng thay vào đó Sư đi một bước không ai ngờ tới là đi về phía tây đến Tích Lan.
Lúc đầu mọi thứ đều như lạ lùng: chim chóc và thú vật dường như Sư chưa hề nhìn thấy trước đây, và thậm chí cả cỏ cũng khác. Thay vì cây thông quen mắt, ở đây Sư thấy cọ ở khắp nơi. Âm thanh quen thuộc duy nhất là tiếng chó sủa, giống như ở Nhật Bản.
Thậm chí các nhà sư cũng khiến Sư cảm thấy khác lạ. Họ mặc ba mảnh áo, cầm quạt ở tay phải và dù ở tay trái. Họ bước đi trên cát nóng với đôi chân trần, mang bình bát bằng sắt thay vì tiền. Thậm chí Sư không thể đi cùng họ khất thực vì không quen tiết trời nóng bức, nên phải mua thức ăn.
Sư bắt đầu học các chữ cái Pali mà Sư cho là rất khó nuốt. Khi các vị tì kheo bản xứ đến thăm Sư, họ không thể bắt chuyện khiến Sư “cảm thấy mình như một người quái đản trong một gánh xiếc.”
Nhưng chẳng bao lâu Sư đã có thể theo được cách sống của các tì kheo – “một cuộc sống khất thực thực sự như Đức Phật đã dạy.” Ban đêm cỏ là giường và đá làm gối. Khi trời mưa, “tôi co mình như con rùa, và bật cười với bộ vó của mình.” Sư theo giáo luật là chỉ uống nước hoặc trà sau bữa ăn trưa. Sư ăn cháo loãng vào buổi sáng, và buổi trưa là “cơm và thậm chí không có bánh uống trà.” Dù vậy Sư không thấy đói chút nào.”
Thoạt đầu Sư thấy hơi lạ là các tì khéo, vốn tuân thủ luật tạng nghiêm ngặt, lại ăn thịt được cúng dường khi đi khất thực. Khi các tăng sĩ bảo ông, “Khi thày không nghe tiếng kêu đau đớn của các con vật bị giết thịt hoặc không biết còn vật bị giết là để đặc biệt khoản đãi mình thì thịt đó là tịnh,” Sư lo lắng sự biện minh này sẽ đến tai tăng đoàn Nhật, và Sư xin Kosen không nói với tăng sĩ Nhật về tập quán này của các nhà sư ở Tích Lan.
Nói chung, Sư tỏ ra ấn tượng trước người Singala ở Tích Lan. Sư hiểu rằng một số người Nhật trẻ tuổi, vốn mê say đường lối Âu châu về khoa học, chính trị, giáo dục, xây dựng, sẽ xem người Tích Lan là một dân tộc man rợ, nhưng bản thân Sư biết rằng họ đang “gìn giữ kho tàng Pháp thực sự, cho dù dưới hình thức Tiểu Thừa. “Tất cả các nhà sư,” Sư viết, “đều gìn giữ Giới Luật một cách nghiêm ngặt và hành động gương mẫu trong đời sống đạo đức cho dân chúng vốn luôn kính trọng họ noi gương. “Khi tôi nghĩ về các Phật tử Nhật, gồm các nhà sư lẫn tín đồ,” Sư thổ lộ tiếp, “phải nói tôi rất lấy làm hỗ thẹn.”
Vào năm 1888, dưới áp lực phải trở về Nhật, Sư viết thư cho Thầy Kosen, “Thầy làm ơn cứu xét trường hợp của con và cho phép còn nán lại thêm chút thời gian nữa. Con không nghĩ một chút gì về bản thân mà chỉ muốn góp nhặt thêm kinh sách để truyền bá cho người khác. Sau khi thụ đắc được giáo lý của Bồ Đề Đạt Ma, và hiện giờ bỏ thời gian nghiên cứu giáo lý Tiểu Thừa, một hành động rất kỳ hoặc mà không Thiền sư nào tán thành,” Sư thú nhận, “và giờ đây thày cũng quỡ trách con vì việc này. Con như một người bị lột chiếc hoàng bào đang mặc và thay bằng bộ y phục rách bươm của một tên hành khất.”
Sư không hề lơ là, dù chỉ trong giây phút, việc Thiền quán của mình. Khi Sư nhìn ngắm một xá lợi Đức Phật, một chiếc răng mục nát, được thờ tại Kandy, Sư thấy “không gì khác hơn là một chiếc răng bình thường đã khô khốc, rất con người, và không có đặc điểm gì nổi bật.” Nhưng khi Sư khoe với các tì kheo một di vật của Đức Phật mà mình mang theo từ Nhật Bản (Sư nói, “đó là một màu xanh đáng yêu,”) họ cười ha hả và nói rằng đó chỉ là ngọc thạch nhân tạo. Sư thẹn thùng không nói gì, nhưng trong lòng nhớ đến câu thơ của Bukko:
Xá lợi của tôi chứa cả trời và đất,
Đừng cố chọc vào tro cốt để tìm kiếm đất trời!
Sau ba năm ở lại Tích Lan Soyen trở lại Nhật, và bắt đầu giảng dạy tại Nagata Zendo. Năm sau sư phụ Kosen qua đời, và Soyen thay thế ông làm Thiền sư tại Chùa Engakuji. Năm 1892 ông nhận lời mời tham dự Hội nghị Tôn giáo Thế giới tổ chức tại Chicago như một tiết mục trong Triển Lãm Quốc Tế Columbus 1893 (để kỷ niệm 400 năm ngày Columbus phát hiện Châu Mỹ). Sư nhất quyết đi dù các môn đệ, tăng sĩ lẫn Phật tử phản đối, cho rằng chuyến đi không xứng cho một Thiền sư đặt chân đến một đất nước lạc hậu như thế. Thư phúc đáp đồng ý tham dự của Sư được một sinh viên đại học trẻ vừa đến học tại Engakuji phiên dịch ra Anh ngữ – một D. T. Suzuki nào đó.
VIII
Đại tá Olcott đã đến thăm Miến Điện (Myanmar ngày nay) lần đầu tiên vào năm 1885. Người Miến Điện không khổ sở dưới ách thực dân nhiều như người Tích Lan, và do đó dường như không cần sự giúp đỡ của vị đại tá như người Tích Lan. Tại đây ông thành lập ba bộ phận riêng biệt của Hội Thông Thiên học, một cho Phật tử, một cho tín đồ Ấn giáo và một cho người Âu quan tâm đến hiện tượng tâm linh.
Năm 1890 một nhóm Phật tử Miến Điện hỏi ý kiến vị đại tá về kế hoạch gửi một phái đoàn tì kheo sang châu Âu. Olcott cho rằng ý tưởng này “thật đáng khâm phục nhưng hơi sớm.” Lập trường của ông, được người Miến Điện chấp thuận, là các Phật tử Á châu phải thống nhất một nền tảng chung trước khi gửi các nhà truyền giáo đến châu Âu.
Dù việc thành lập Liên đoàn Phật giáo chẳng có kết quả gì, nhưng người Miến Điện tạo cảm hứng cho vị đại tá nỗ lực thêm một lẫn nữa. Lần này ông kêu gọi một cuộc họp mặt các đại biểu Phật giáo Á châu tổ chức tại Adyar, tiếp theo ngay Hội nghị Thông Thiên học vào tháng 12, 1890. Các phái đoàn từ Tích Lan, Miến Điện và Nhật Bản gặp nhau trong hai tuần. Sau đó vị đại tá trình bày dự thảo gồm 14 Tín điều Phật giáo “trên đó mọi giáo phái đều nhất trí vì mục đích xiển dương tình huynh đệ và sự tương trợ lẫn nhau” Mặc dù văn bản đều được tất cả phái đoàn có mặt ký tên, nó không có quyền hạn thực sự, thế là một lần nữa Đại tá lại bắt tay vận động đoàn kết thế giới Phật giáo. Tích Lan, nơi ông có nhiều uy tín, thì không thành vấn đề, nhưng Miến Điện cho thấy khó khăn hơn. Vị đại tá phải quỳ gối hàng giờ trên sàn gỗ cứng của Phòng Hội đồng tại Mandalay, bàn luận về 14 Tín điều Phật giáo trước khi vị Thượng Tọa Hoàng gia chịu ký tên vào văn bản. Ở Nhật Bản thì vị đại tá phải trổ hết tài ngoại giao của mình. Shaku Genyu, người đứng đầu ủy bạn liên đới đã được thành lập trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Đại Tá, cũng như giáo phái Chân ngôn tông, lắng nghe chăm chú, rồi bảo với vị đại tá rằng 14 Tín điều có thể được chấp nhận đến chừng ấy, nhưng Đại thừa chứa tín điều nhiều hơn vô cùng. Vị đại tá không phủ nhận điều đó, và tiếp theo tranh thủ sự chấp nhận của phái Thiền tông, tông phái Nichiren, Tịnh Độ tông và Liên Hoa tông.
IX
Sau hội nghị Adyar, Dharmapala và Kozen Guzanatna (một trong hai nhà sư Nhật đã tháp tùng với Olcott trở lại Tích Lan) cùng nhau viếng thăm Ấn Độ. Cả hai đều đã đọc một bài viết của Sir Edwin Arnold, tác giả cuốn Ánh Sáng Châu Á, nên sốt ruột muốn hành hương đến các thánh tích Phật giáo. Chính Arnold mới đây đã viếng thăm Ấn và bị sốc trước tình trạng các thánh tích thiêng liêng của Phật giáo. Vườn Nai ở Sarnath thì hoang vắng, còn ngôi đền tại Bồ đề Đạo tràng thì gần như hoang tàn đổ nát. Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật giác ngộ, đã bị Ấn độ giáo xâm chiếm làm tư hữu gần 300 năm trước và các tăng sĩ Ấn giáo còn làm lể cúng tế dưới gốc cây bồ đề. Trong một bài báo viết cho tờ London Daily Telegraph, nhà thơ mô tả những gì ông nhìn thấy tại
địa điểm thân yêu, thiêng liêng, và tôn quý vượt hơn mọi nơi nào khác trên mặt đất, cho 400 triệu Phật tử ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Dương, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện. . . Nếu bạn bước chân vào địa điểm mà hàng triệu tín đồ chúng ta quá yêu quý, bạn sẽ thấy thật hổ thẹn và đau buồn. . . Các bức tượng cổ dựng làm vách cho các giếng thủy lợi . . . Các tảng đá có khắc hình ảnh Đức Phật. . . được sử dụng làm đối trọng cho các đòn bẫy dùng để kéo nước. . . Tôi đã nhìn thấy ba bức tượng cao khoảng ba bộ bị chôn vùi dưới đống rác rến . . . và các cột trụ Ashoka, những di tích cổ nhất của thánh tích – đúng ra là đài tưởng niệm cổ xưa nhất của toàn Ấn độ, làm đep cho vỉa hè của đền thờ – giờ được sử dụng làm cột nhà bếp cho vị giáo trưởng Ấn giáo
Trong hai giờ nói chuyện với Sumangala, cố vấn của Đại Tá Olcott, Arnold mô tả cảnh tiêu điều, không người chăm sóc của Bồ đề Đạo tràng. Họ dự thảo một kế hoạch thành lập Uỷ ban Phật tử Quốc tế nhằm thỉnh nguyện với Nữ hoàng Anh, chủ nhân của thuộc địa Ấn Độ, nhằm mua lại ngôi đền và thắng tích từ tay giáo trưởng Ấn giáo để giao cho Phật tử phục dựng. “Như những cây nhiệt đới đó có thể thấy lớn lên từng ngày,” Arnold viết, “đề xuất nhanh chóng trở thành một khát vọng rộng khắp, trước tiên ở Tích Lan, rồi sau đó lan ra khắp các xứ sở theo đạo Phật.”
Ánh Sáng Châu Á đã đóng góp nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào khác trong việc phổ biến câu chuyện về cuộc đời Đức Phật cho châu Âu. Bây giờ thay vì giới thiệu Phật giáo cho phương Tây, Arnold giới thiệu các Phật tử trên thế giới với nhau. Một cách vô tình, Arnold đã tìm được chìa khóa mà Olcott đang tìm kiếm. Cuộc đấu tranh cho Bồ đề Đạo tràng sẽ đoàn kết các Phật tử trên thế giới lại với nhau mạnh hơn vô số các buổi hội nghị, cờ xí hay nguyên tắc chung nào có thể làm được. Vì có rất ít Phật tử còn lại ở Ấn nên Bồ đề Đạo tràng là nhiệm vụ của Phật tử ở mọi nơi.
Dharmapala và Kosen Gunanatna, dù đã chuẩn bị tinh thần sau khi đọc bài báo của Arnold, vẫn không cầm lòng được khi chứng kiến cảnh tượng ngôi đền bị tàn phá.
“Sau khi lái xe 6 dặm chúng tôi đến địa điểm thiêng liêng,” ông viết trong nhật ký của mình
Trong vòng một dặm bạn đã thấy nằm rải rác đây đó những bức tượng Đức Thế Tôn vỡ nát. Trước lối vào đền thờ Ấn giáo ở hai bên mái hiên có các tượng Phật đang ngồi tọa thiền và truyền kinh pháp. Thật cao quý biết bao! Tịnh xá thiêng liêng, Đức Thế Tôn ngồi trên tòa sen và vẻ tôn nghiêm tràn ngập nơi chốn xung quanh khiến trái tim của vị tín đồ sùng kính bật khóc. Hoan hỉ biết bao! Ngay khi trán tôi vừa chạm vào Đức Phật tâm trí tôi thình lình bị thôi thúc. Nó nhắc nhở tôi phải nán lại đây và coi sóc nơi thiêng liêng này, nơi không có bất cứ địa điểm nào trên mặt đất có thể sánh được, nơi Thái tử Tât-đạt-đa đạt đến giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề. Khi đó tôi hỏi Kosen liệu Sư có muốn tham gia với tôi thì Sư vui vẻ nhận lời, và hơn nữa, Sư cũng đang suy nghĩ ngay điều này. Cả hai chúng tôi thệ nguyện sẽ nán lại đây cho đến khi các tăng sĩ Phật giáo đến nhận lãnh trách nhiệm.
Được giao chìa khóa của một nhà nghỉ Miến Điện (dấu hiệu quan tâm duy nhất đến Phật giáo tại Bồ đề Đạo tràng.) Dharmapala bắt tay vào hành động. Ông gửi hàng chục bức thư và bài báo cho các tờ báo Phật giáo. Tiền bạc của ông gần cạn kiệt, nhưng ông thề không rời đi, cho dù phải chết đói. Ông trải phần lớn thời gian ngồi tọa thiền. Không khí tại Bồ đề Đạo Tràng cũng như trạng thái kính tín của ông tạo một hiệu quả mạnh mẽ lên ông. Trong suốt 40 năm sau đó cho đến khi ông tạ thế vào năm 1933, cuộc đấu tranh cho Bồ đề Đạo tràng trở thành tâm điểm của cuộc đời Dharmapala.
Dharmapala nán lại Bồ đề Đạo tràng trong 6 tuần, đủ lâu để nhận thức được rằng muốn tranh thủ sự hỗ trợ ông cần phải đi đây đi đó. Vị giáo trưởng Ấn giáo hóa ra không mặn mà với việc bán ngôi đền và khu đất xung quanh. Chính quyền phải can thiệp để gây sức ép, tài chính sẽ được quyên góp; ý kiến của Phật tử thế giới dâng cao. Dharmapala khởi hành đi Miến Điện và Tích Lan. Trên đường đi ông nghe tin bà Blavatsky đã qua đời tại London. Ông cảm thấy sự mất mát không thể bù đắp được, và tự hỏi ai mới có thể thay thế bà được. Không có bà, sẽ không có giao tiếp với bậc Ân Sư và Hội Thông Thiên học sẽ không khác một vỏ trống trơn.
Ngày 31 tháng 5 năm 1891, Dharmapala thành lập một hội khác, Hội Bồ đề Đạo tràng tại Colombo, Sumangala là chủ tịch, Olcott làm giám đốc, Dharmapala (được coi là quá trẻ cho một chức vụ uy nghi như thế) làm thư ký. Hội có một mục tiêu lớn lao là mang lại Bồ đề Đạo tràng cho Phật tử thế giới, mà hầu hết họ, sau bộc phát nhiệt tình ban đầu, dường như bằng lòng quên phứt toàn bộ vấn đề. Nhưng Dharmapala vẫn kiên trì, và 7 tháng sau đó, vào ngày 15 tháng 7, một ngày trước trăng tròn, khi Thích Ca thuyết bài pháp đầu tiên, ông đến Bồ đề Đạo tràng với 4 tì kheo Miến Điện, giương cờ Phật giáo và đến cư trú tại nhà nghỉ Miến Điện. Dharmapala ra sức mua lại một lô đất nhỏ của vị trưởng giáo, nhưng mọi thỏa thuận dần trở nên phức tạp khiến mỗi bước đi chỉ càng tăng thêm rối rắm. Cuối cùng Dharmapala tổ chức một Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Bồ đề Đạo tràng. Các đại biểu đến từ Miến Điện, Tích Lan, Trung Quốc và Nhật Bản. Phái đoàn Nhật báo cáo rằng Phật tử Nhật đang quyên góp đủ tiền để mua lại Bồ đề Đạo tràng. Các phái đoàn lên kế hoạch quyên góp để xây dựng một đại học Phật giáo và phiên dịch kính Phật ra thổ ngữ Ấn. Hội nghị được dự trù tổ chức cùng lúc với chuyến viếng thăm của Phó Thống đốc Bengal, nhưng Dharmapala đã phạm một sai lầm chiến thuật khi giương quốc kỳ Nhật bên cạnh Phật kỳ, và hậu quả là vị Phó Thống đốc, vốn nhạy cảm với tham vọng bá chủ của Nhật Bản tại châu Á, bèn ngó lơ. Sau đó, ông bảo với Dharmapala rằng, đối với chính quyền, ngôi đền là sở hữu của vị giáo trưởng.
Số báo Bodhi Maha Journal phát hành đầu tiên vào tháng 5, 1892 do Dharmapala biên tập. Đại tá Olcott đóng góp với bài viết có tựa đề Hương Vị Phật Giáo, còn Dharmapala viết bài Một Thế Giới Phật Giáo Đoàn Kết và Tông Phái Phật Giáo Đại Thừa, trong đó ông lập luận rằng Giáo phái Theravada không phải, như Sir Monier William tin tưởng, là thuộc Tiểu Thừa, “mà thật ra thuộc về tông phái cổ xưa nhất của Đại Thừa.” Chỉ có 18 tông phái có thể được cho là thuộc Tiểu Thừa, Dharmapala nói, vì “họ dạy một giáo lí không đầy đủ” – một quan điểm đi trước quan điểm gần đây của giới học giả. Trích dẫn trên tiêu đề tờ báo tuyên bố về nhiệt huyết truyền giáo của phong trào Phật giáo Quốc Tế Hiện đại là lấy từ lời Phật dạy trong Đại Phẩm của Tạng Luật: “Này các Tỳ kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Hãy tuyên bố, này các tỳ kheo, giáo pháp cao siêu, hãy truyền giảng về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh…. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ” (Mahavagga, 19-20).
Tại Chicago Đức Cha BS J. H. Barrow, chủ tịch Hội nghị Tôn giáo Thế giới, đã đọc tờ báo đó, nên mời chủ biên làm đại biểu của Phật giáo Tích Lan.
Dharmapala lúc đầu thấy mình không xứng đáng, nhưng bạn bè ông lập luận rằng sự sùng tín đạo pháp Như Lai quan trọng hơn kiến thức uyên bác và thúc giục Dharmapala nên tham dự. Đại tá Olcott, ngược lại, cho rằng Hội nghị chỉ là sự phung phí thời gian. Ông dành hết quan tâm cho châu Á và từ khi bà Blavatsky mất đi, những rạn nứt đang đe dọa Hội Thông Thiên học. Cuối cùng, Dharmapala quyết định đi. Sumangala cầu an cho ông và ủy quyền ông đại diện giới Phật tử Tích Lan. Điều này Đại tá đồng ý, và viết một bức thư gửi Annie Besant (người kế vị Blavatsky tại London), và người đại diện Hội Thông Thiên học đến tham dự Hội đồng dòm chừng dùm người được mình bảo trợ. Được cha mẹ cung cấp bộ đồ mới và tiền lộ phí, cuối cùng Dharmapala đáp tàu Brittania mang theo di vật Đức Phật, một tấm ảnh Phật và 20,000 bản sao Ngũ Giới mà bà Blavatsky và Đại tá đã đọc tại Colombo đúng 13 năm về trước.
Bà Blavatsky và Đại tá Olcott tại London 1888
Dharmapala tại San Francisco
Soyen Shaku