Vùng nguy hiểm :Cuộc xung đột đang đến với Trung Quốc- Bài 1

Hall Brands và Michael Beckley

Trần Quang Nghĩa dịch

Giới thiệu

 Bây giờ là ngày 18 tháng 1 năm 2025 và một cuộc chiến sắp bắt đầu.  Chỉ còn hai ngày nữa là đến lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, nhưng kết quả bầu cử vẫn còn gây tranh cãi.  Cả ứng cử viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều tuyên bố chiến thắng và chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức trong khi hàng triệu người ủng hộ họ đụng độ trên đường phố.  Đây là cuộc bầu cử gây tranh cãi thứ hai liên tiếp của Mỹ, lần này đi kèm với một cuộc khủng hoảng ở bên kia thế giới.

 Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở eo biển Đài Loan.  Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGPNDTQ) cũng đã bố trí một đội quân hỗn hợp đầy đe dọa—lực lượng tấn công đổ bộ và nhảy dù, máy bay tiêm kích, hàng nghìn tên lửa đạn đạo—đối diện với Đài Loan.  Những màn phô diễn sức mạnh như vậy đã trở thành chuyện thường xuyên trong nửa thập kỷ qua, khi Trung Quốc phô diễn cơ bắp trước một hòn đảo mà nước này coi là một tỉnh nổi loạn.  Tập Cận Bình, hiện đang ở năm thứ mười ba đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã nhiều lần cảnh báo Đài Loan rằng họ phải phục tùng chính quyền Bắc Kinh—và nói với Hoa Kỳ hãy quan tâm đến công việc của mình đi và đừng xía vào chuyện nội bộ của mình. “Bất kỳ ai ra sức làm chậm bước tiến của Trung Quốc,” ông ta hay nói, “sẽ bị đập đầu đẫm máu vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép”. Theo tinh thần tương tự, các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đã phát hành video mô phỏng các lực lượng Đài Loan và Mỹ bị tàn sát  trong một cuộc tấn công của QGPNDTQ . QGPNDTQ  thậm chí còn đe dọa sẽ làm bốc hơi các thành phố của Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân nếu Tokyo cản đường.

 Ở trên cao phía tây Thái Bình Dương, các vệ tinh do thám của Hoa Kỳ theo dõi quá trình chuẩn bị quân sự.  Khả năng tình báo tín hiệu đẳng cấp thế giới của Mỹ phát hiện sự huy động của Trung Quốc  Nhưng các nhà phân tích Hoa Kỳ cho rằng đây chỉ là một trường hợp khác của việc Tập Cận Bình ra đòn như thường lệ—một đòn nhử được thiết kế để làm mất tinh thần người dân Đài Loan, buộc họ phải mở rộng quá mức quân đội của mình.

 Họ đã sai.

 Vào lúc 10:01 chiều EST (sáng hôm sau tại Bắc Kinh và Đài Bắc), các lực lượng Trung Quốc đã mở cửa địa ngục.  Các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tấn công các sân bay, tòa nhà chính phủ và các cơ sở quân sự trên khắp Đài Loan, cũng như các căn cứ không quân khu vực quan trọng của Mỹ ở Okinawa và Guam.  USS Ronald Reagan, tàu sân bay duy nhất của Lầu Năm Góc trong khu vực, bị trúng tên lửa đạn đạo chống hạm.  Các lực lượng đặc biệt của Trung Quốc, bí mật thâm nhập vào Đài Loan từ trước, phá hoại cơ sở hạ tầng, cố gắng lật đổ chính phủ bằng cách giết các nhà lãnh đạo hàng đầu của họ, và gieo rắc sự hoảng loạn trong dân chúng.  Các chiến binh mạng của Trung Quốc đánh sập mạng lưới điện của Đài Loan, nhấn chìm hòn đảo này vào bóng tối và giả mạo các vệ tinh của Hoa Kỳ.  Trong khi đó, Bắc Kinh tung ra một chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng ở Đài Loan và khuấy động bối cảnh chính trị hỗn loạn ở Hoa Kỳ.

 Tất cả điều này là chuẩn bị cho sự kiện chính.  Hạm đội Trung Quốc đang tiến hành “tập trận” lập tức xoay trục để khởi động một cuộc đổ bộ lên bãi biển phía tây dễ tiếp cận nhất của Đài Loan.  Những chiếc phà chở ô tô thương mại của Trung Quốc đang miệt mài qua eo biển đột nhiên phun ra một tàu đổ bộ nhỏ.  Trên đất liền, lực lượng nhảy dù đổ bộ  chuẩn bị đánh chiếm các sân bay và hải cảng của Đài Loan, mở đường cho cuộc tấn công chính của hàng trăm nghìn quân.  Cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc từ lâu gây lo sợ đã bắt đầu, cũng như một cuộc tấn công đa hướng nhằm vào khả năng đáp trả của Mỹ.

 Tại Đài Bắc, tình hình sớm trở nên không thể cứu vãn.  Ở Washington, tin tức cũng ảm đạm.  Các trợ lý thông báo với Tổng thống Biden đang ốm yếu rằng ông ấy có rất ít thời gian và không có lựa chọn nào tốt đẹp cả.

 Mỹ không thể bỏ rơi Đài Loan mà không phản bội 25 triệu công dân dân chủ và phá vỡ uy tín trước các đồng minh Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc.  Một Đài Loan do Trung Quốc kiểm soát có thể là bàn đạp để bành trướng khắp Đông Á và xa hơn nữa.  Nhưng Mỹ không thể dừng cuộc tấn công mà không mạo hiểm với một cuộc chiến có thể lớn hơn và tốn kém hơn bất cứ điều gì kể từ Thế chiến II.

 Trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng, bộ trưởng quốc phòng nói với Biden rằng các lực lượng đẫm máu của Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương không thể đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc.  Các máy bay, tàu chiến và tàu ngầm bổ sung của Hoa Kỳ rải rác khắp nơi từ Hawaii đến Vịnh Ba Tư có thể cố gắng tiến về phía eo biển Đài Loan vượt qua một loạt tên lửa, mìn và hệ thống phòng không của Trung Quốc.  Nhưng điều này sẽ mất vài ngày nếu không muốn nói là vài tuần và dẫn đến tổn thất nặng nề mà không có gì đảm bảo thành công.  Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ có thể phong tỏa nhập khẩu năng lượng và nguồn cung cấp thực phẩm của Trung Quốc, nhưng chiến lược bóp nghẹt đó sẽ mất nhiều tháng—thời gian mà Đài Loan không có.

 Chỉ còn một phương sách chắc chắn để ngăn chặn cuộc xâm lược: Tấn công các lực lượng Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp khi họ tập kết tại các cảng và sân bay đại lục.  Các cố vấn của Biden nói với ông rằng Mỹ vẫn là cường quốc mạnh hơn;  Mỹ có thể thắng một cuộc chiến lớn nếu chịu ném tất cả những gì mình có vào canh bạc chiến tranh  Nhưng một cuộc xung đột như vậy cuối cùng có thể hủy diệt Đài Loan để cứu lấy Mỹ – và gây ra thảm họa cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đi đến bờ vực của Thế chiến III như thế nào?

 Vào thời điểm đó, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng quyết định tấn công của Tập Cận Bình là kết quả tất yếu của sức mạnh và sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc.  Trong những năm trước  2025, Bắc Kinh đã xây dựng lực lượng hải quân, hệ thống phòng không và lực lượng tên lửa lớn nhất thế giới.  Họ đã đưa các tàu chiến mới ra khơi với tốc độ mà không quốc gia nào đạt được kể từ Thế chiến II;  họ đã làm choáng váng Lầu Năm Góc bằng bước nhảy vọt về vũ khí siêu thanh và các khả năng tiên tiến khác. Trung Quốc đồng thời chạy đua để giành ưu thế trong các công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử;  thông qua sáng kiến ​​Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, họ đang xây dựng một phạm vi ảnh hưởng của thế kỷ 21.  Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực và biến mình trở thành nhà độc tài hùng mạnh nhất thế giới kể từ thời Joseph Stalin, trong khi nền chính trị của Mỹ tiếp tục là một mớ hỗn độn mang tính bộ lạc, phân cực—và sự chú ý của Mỹ đã bị chuyển hướng bởi các cuộc khủng hoảng và xung đột khác trên toàn cầu.  Chưa bao giờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) sở hữu sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế đồ sộ như vậy so với các đối thủ của mình.  Nhìn bề ngoài, “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình—tham vọng đưa Trung Quốc vào vị trí thống trị ở châu Á và trên toàn cầu—đang trên đà trở thành hiện thực.

 Nhưng Tập bị dày vò bởi cơn ác mộng về sự suy tàn của Trung Quốc.  Trong nhiều năm, áp lực đối với chế độ ĐCSTQ đã gia tăng.  Tăng trưởng kinh tế nóng bỏng một thời đã chậm lại như đang bò.  Di sản của chính sách Một Con là thảm họa nhân khẩu học—200 triệu người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ biến mất vào giữa thế kỷ này.  Chế độ đã trở nên đàn áp hơn khi nó ngày càng bị tê liệt bởi những người bất đồng chính kiến.  Và để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 và trong nhiều năm sau đó, thế giới dân chủ đã dần dần siết chặt hàng ngũ để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.  Đài Loan cuối cùng đã bắt đầu củng cố hệ thống phòng thủ quân sự không đầy đủ của mình, vì nhân dân từ chối mọi đề nghị thống nhất với Trung Quốc.  Hoa Kỳ—một quốc gia có biệt tài tiêu diệt các đối thủ chuyên quyền—đang tiến hành cuộc chiến công nghệ và thuế quan chống lại nền kinh tế Trung Quốc trong khi trang bị lại quân đội của mình để đối phó với QGPNDTQ.

Trước thềm chiến tranh, thế giới vẫn coi Trung Quốc là một cường quốc đang lên.  Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã nhìn thấy một tương lai trì trệ, bị bao vây chiến lược và suy tàn.  Vì vậy, ông ta đã đánh cược, với những hậu quả thảm khốc cho khu vực và thế giới, bởi vì ông ta biết rằng cơ hội của mình sẽ không kéo dài lâu.

“Sự trỗi dậy của Trung Quốc” có thể là câu chuyện tin tức được đọc nhiều nhất trong thế kỷ 21.Sự đồng thuận phổ biến, ở Washington và nước ngoài, là một Bắc Kinh đang trỗi dậy đang đe dọa vượt trội một nước Mỹ đang suy thoái. “Nếu chúng ta không hành động,” Tổng thống Biden nói vào năm 2021, “họ sẽ ăn bữa trưa của chúng ta.” Các quốc gia ở mọi khu vực, theo báo cáo của một nhà ngoại giao châu Á kỳ cựu, đang “chuẩn bị cho một thế giới” trong đó Trung Quốc sẽ là “số 1””

 Trung Quốc chắc chắn đang hành động như thể họ muốn điều hành cuộc chơi.  ĐCSTQ đang lên kế hoạch để tạo ra một châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm và giành lại cái mà họ coi là kế hoạch hợp pháp của Trung Quốc trên đỉnh hệ thống phân cấp toàn cầu.  Bắc Kinh đang sử dụng một loạt các công cụ quân sự, kinh tế, ngoại giao, công nghệ và ý thức hệ ấn tượng để bảo vệ quyền lực và phóng chiếu ảnh hưởng của một chế độ độc tài tàn bạo.  Về phần mình, Hoa Kỳ đang cố gắng bảo vệ một trật tự quốc tế tự do mà nước này đã duy trì qua nhiều thế hệ và ngăn chặn Bắc Kinh biến thế kỷ 21 thành thời đại mà chuyên chế lên ngôi.  Do đó, Mỹ và Trung Quốc bị mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh toàn cầu khốc liệt.  Điều đã trở thành quan điểm quy ước ở Washington – một điểm đồng thuận hiếm hoi ở một thủ đô bị chia rẽ gay gắt – là hai quốc gia đang chạy một cuộc “marathon siêu cường” có thể kéo dài cả thế kỷ.

 Lập luận cốt lõi của chúng tôi trong cuốn sách này là sự hiểu biết  thông thường đều sai ở cả hai điểm.  Người Mỹ cần khẩn cấp bắt đầu coi cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ không phải là một cuộc chạy marathon kéo dài 100 năm mà là một cuộc chạy nước rút khốc liệt kéo dài một thập kỷ.  Đó là bởi vì Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc suy sụp sớm hơn nhiều so với hầu hết mọi người nghĩ. “

Chắc chắn là cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không sớm được giải quyết: Nó được thúc đẩy bởi xung đột ý thức hệ và lợi ích chiến lược.  Tuy nhiên, cường độ của ngay cả những cuộc ganh đua lâu dài nhất cũng có thể suy yếu dần theo thời gian.  Cả lịch sử và quỹ đạo hiện tại của Trung Quốc đều cho thấy rằng cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ đạt đến thời điểm nguy hiểm nhất trong thập kỷ này, những năm 2020.

 Lý do cho điều này là Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn nguy hiểm nhất trong vòng đời của một cường quốc đang lên—thời điểm mà nước này đủ mạnh để phá vỡ trật tự hiện tại một cách mạnh mẽ nhưng lại không tin rằng thời gian đang đứng về phía mình.

 Theo một nghĩa nào đó, sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể đã tăng vọt kể từ Chiến tranh Lạnh, thúc đẩy những tham vọng dường như vô hạn của Tập Cận Bình.  Ở những khu vực quan trọng, từ eo biển Đài Loan đến cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, các cơ hội trêu ngươi đã mở ra khi cán cân quyền lực thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.  Cho đến gần đây, các quốc gia dân chủ đã thờ ơ và xao nhãng hành động đáp ứng của mình.  Thậm chí ngày nay, Tập đang khảo sát một thế giới đã bị hạ thấp bởi một đại dịch do Trung Quốc sản xuất và một đối thủ siêu cường dường như tự xâu xé nhau.  Trung Quốc, như Tập đã nói, hiện đang phấn đấu cho một tương lai trong đó nước này sẽ “có vị trí thống trị.”

 Nhưng tốt hơn hết là Bắc Kinh nên vội vàng, bởi vì nếu khác đi, tương lai đó có vẻ khá xấu xí.  Sự trỗi dậy thần kỳ kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc được hỗ trợ bởi những cơn gió thuận chiều mạnh mẽ giờ đã trở thành những cơn gió ngược.

 Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã che giấu tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng đang đe dọa sự tồn tại của chế độ cầm quyền.  Trong vòng vài năm tới, một thảm họa nhân khẩu học diễn biến chậm sẽ tạo ra những căng thẳng nghiêm trọng về kinh tế và chính trị.  Thông qua chính sách ngoại giao “chiến lang” và hành vi đối đầu của mình tại các điểm nóng từ dãy Himalaya đến Biển Đông, Trung Quốc đã tự giăng một cái bẫy chiến lược, khiến các đối thủ tiềm năng trên khắp Âu Á sợ hãi và bắt đầu đoàn kết lại.  Ít nhất, ĐCSTQ hiện đã vi phạm quy tắc đầu tiên của chính trị toàn cầu trong thế kỷ qua: Đừng nên trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ.

 Chúng ta đang sống trong thời đại “Trung Quốc ở đỉnh cao”, không phải là một Trung Quốc trỗi dậy mãi mãi.  Bắc Kinh là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại muốn sắp xếp lại trật tự thế giới, nhưng thời gian để làm điều đó đã hết.

 Trong lịch sử, sự pha trộn giữa cơ hội và sự bồn chồn này đã tạo nên một ly cocktail chết người.  Từ xưa đến nay, các cường quốc một thời trỗi dậy thường trở nên hiếu chiến nhất khi vận may của họ lụi tàn, kẻ thù của họ nhân lên và họ nhận ra rằng họ phải đạt được vinh quang ngay bây giờ hoặc bỏ lỡ khoảnh khắc của mình mãi mãi.  Các quốc gia đang phát triển nhanh rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài đã phản ứng bằng các đợt bành trướng.  Các quốc gia lo sợ rằng họ đang bị bao vây bởi các đối thủ đã đưa ra những nỗ lực tuyệt vọng để phá vỡ vòng vây.  Một số cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử không phải do các cường quốc đang trỗi dậy, tự tin gây ra, mà do các quốc gia—chẳng hạn như Đức năm 1914 hay Nhật Bản năm 1941—đã lên đến đỉnh điểm và bắt đầu suy thoái.  Các cuộc chiến gần đây của Vladimir Putin ở Liên Xô cũ cũng phù hợp với khuôn mẫu này.  Chế độ của Tập Cận Bình đang lần theo một vòng cung đầy rủi ro nhưng quen thuộc trong các vấn đề quốc tế – một sự trỗi dậy đầy phấn khởi theo sau là viễn cảnh sụp đổ nặng nề.

Tình trạng khó khăn của Trung Quốc mang đến tin tốt và tin xấu cho Mỹ.  Tin tốt là, về lâu dài, thách thức của Trung Quốc có thể tỏ ra dễ kiểm soát hơn so với suy nghĩ của nhiều người bi quan.  Một Trung Quốc toàn trị, không lành mạnh sẽ không dễ dàng vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.  Một ngày nào đó chúng ta có thể nhìn lại Trung Quốc như cách chúng ta nhìn Liên Xô hiện nay – như một kẻ thù ghê gớm có sức mạnh rõ ràng che lấp những điểm yếu chết người.  Tin xấu là đạt được mục tiêu lâu dài sẽ không dễ dàng.  Trong những năm 2020, tốc độ cạnh tranh sẽ rất gay gắt và viễn cảnh chiến tranh sẽ có thật một cách đáng sợ.

 Đặc biệt, Trung Quốc sẽ làm những gì mà các cường quốc đang lên đỉnh cao trước đây đã làm: Họ sẽ vội vàng chạy qua các cửa sổ cơ hội ngắn hạn trước khi cửa sổ dài hạn dễ tổn thương mở rộng ra.  Bắc Kinh sẽ nỗ lực hết mình để tạo ra một đế chế kinh tế cho phép nước này thu được những nhượng bộ từ các nước trên thế giới.  Họ sẽ cố gắng làm suy yếu cộng đồng dân chủ bằng cách củng cố chủ nghĩa chuyên chế kỹ trị trong và ngoài nước.  Đáng báo động nhất, Trung Quốc sẽ có những động cơ mạnh mẽ để sử dụng vũ lực chống lại các nước láng giềng của mình—có thể là để dạy cho Nhật Bản, Ấn Độ hoặc Philippines một bài học, có thể là để khiến một Đài Loan dân chủ phải khuất phục—cho dù có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ.  Trong mỗi lĩnh vực này, ĐCSTQ có thể khai thác lợi thế đi đầu được xây dựng trong nhiều năm, khi Mỹ và các nước khác chậm chạp trong việc đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng, và hy vọng rằng những bước đi táo bạo có thể cứu Trung Quốc khỏi sự suy tàn sắp xảy ra.

 Nếu Hoa Kỳ có thể ngăn chặn thành công sự bành trướng và xâm lược này của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kéo dài với Bắc Kinh.  Nếu Hoa Kỳ thất bại, thì Trung Quốc có thể đảo lộn cán cân quyền lực hoặc kéo thế giới vào xung đột và bi kịch.  Thời gian đang đứng về phía nước Mỹ trong một cuộc đấu tranh kéo dài trong cảnh tranh tối tranh sáng.  Nhưng thách thức quyết định của thập kỷ này sẽ là việc vượt qua vùng nguy hiểm.

Tại sao lại viết một cuốn sách cảnh báo về một cuộc xung đột sắp xảy ra với Trung Quốc trong một năm mà Nga bắt đầu một cuộc chiến lớn ở châu Âu?  Câu trả lời đơn giản là sự gây hấn của Nga ở Ukraine đã khiến cho việc ngăn chặn thành công Trung Quốc trở nên cấp thiết hơn.

 Nếu Trung Quốc đi theo bước chân của Nga và bành trướng một cách thô bạo trong khu vực của mình, Âu-Á sẽ chìm trong xung đột.  Hoa Kỳ một lần nữa sẽ phải đối mặt với viễn cảnh của một cuộc chiến hai mặt trận, nhưng lần này là chống lại hai kẻ xâm lược có vũ khí hạt nhân, chiến đấu dựa lưng vào nhau dọc theo biên giới chung của họ.  Quân đội của Mỹ sẽ bị căng giãn quá mức và có khả năng bị áp đảo;  hệ thống liên minh của Mỹ có thể rơi vào tình trạng căng thẳng không thể chịu nổi.  Trật tự quốc tế thời hậu chiến có thể sụp đổ khi các quốc gia trên khắp Âu Á cuống cuồng phòng vệ và đối phó với những tác động dây chuyền của cuộc chiến tranh giữa các cường quốc, bao gồm khủng hoảng kinh tế và dòng người tị nạn ồ ạt.  Một thế giới vốn đang bị rung chuyển bởi sự hung hăng của Nga có thể bị tan vỡ bởi một cuộc tấn công của Trung Quốc.

 Một lý do khác khiến chúng tôi tập trung vào Trung Quốc là vì nó đặc biệt nguy hiểm.  Nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 10 lần so với Nga và ngân sách quân sự của Bắc Kinh gấp 4 lần quy mô của Moscow.  Trong khi Nga về cơ bản là một cường quốc hai chiều thu hút ảnh hưởng từ các nguồn năng lượng và quân sự của mình, Trung Quốc sở hữu nhiều công cụ cưỡng chế hơn và có thể thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong hầu hết mọi lĩnh vực cạnh tranh địa chính trị.

 Tập Cận Bình chủ trì quân đội và kinh tế lớn nhất (đo theo sức mua tương đương) trên hành tinh.  Các quan chức Trung Quốc giữ các vị trí lãnh đạo trong nhiều tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.  Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ;  và Trung Quốc gần đây đã trở thành nhà cho vay nước ngoài lớn nhất thế giới, cung cấp nhiều khoản tín dụng hơn cả Ngân hàng Thế giới, IMF hoặc tất cả 22 chính phủ của Câu lạc bộ Paris (một nhóm các quốc gia cho vay lớn trên thế giới) cộng lại. Sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh có thể  đang đạt đến đỉnh cao, và không một quốc gia nào khác có khả năng thách thức Mỹ trên toàn cầu như vậy.

Cũng gian hùng như một nước Nga chuyên quyền, cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh có thể sẽ là cuộc cạnh tranh địa chính trị quyết định trong thời đại của chúng ta.  Thất bại trong cuộc đấu tranh chống lại một đối thủ bồn chồn nhưng có sức mạnh độc nhất này sẽ gây ra những hậu quả có tầm vóc lịch sử thế giới.

Cuốn sách này đưa ra một quan điểm trái ngược về Trung Quốc bằng cách giải thích lý do tại sao quốc gia đó gặp nhiều rắc rối hơn so với suy nghĩ của hầu hết các nhà phân tích, tại sao xu hướng đó khiến những năm tới trở nên nguy hiểm như thế nào và cách nước Mỹ có thể chuẩn bị cho cơn bão sắp ập đến. Chúng tôi cũng thách thức sự hiểu biết thông thường về nguồn gốc của cuộc chiến lớn và sự hưng vong của các cường quốc.

 Giới học thuật từ lâu đã nghiên cứu những chủ đề này, nhưng công việc của họ thường dựa trên những tiền đề sai lầm: Các quốc gia hoặc đang hưng thịnh hoặc đang suy tàn;  những người đang đi lên thì tiến tới trong khi những kẻ đang đi xuống thì rút lui.  Các cuộc chiến quy mô lớn, làm rung chuyển hệ thống có khả năng xảy ra cao nhất trong quá trình “chuyển giao quyền lực”—khi một kẻ thách thức đang trỗi dậy vượt qua một bá chủ đã kiệt sức.  Những ý tưởng này bắt nguồn từ Thucydides (sử gia Hy Lạp cổ đại), người đã viết rằng chính sự trỗi dậy của Athens với cái giá phải trả là Sparta đã gây ra Chiến tranh Peloponnesia;  họ đã đưa ra lời cảnh báo trong các quyển sách quốc tế bán chạy nhất rằng khả năng xảy ra xung đột sẽ tăng lên đáng kể khi một Trung Quốc được trang bị động cơ phản lực sẽ bỏ xa một nước Mỹ chạy động cơ bốn xi-lanh. Tuy nhiên, nhiều quan niệm trong số này là sai lầm hoặc lệch hướng.

 Các quốc gia có thể đồng thời trỗi dậy và sụp đổ: Họ có thể xâm chiếm lãnh thổ hoặc tự trang bị vũ khí nhanh chóng ngay cả khi nền kinh tế của họ yếu ớt và suy sụp.  Nỗi lo lắng gây ra bởi sự suy giảm tương đối, chứ không phải niềm tin đến từ sức mạnh đang trỗi dậy, có thể khiến các cường quốc đầy tham vọng trở nên thất thường và chọn con đường bạo lực.  Cuối cùng, các cuộc chiến tranh ngày tận thế có thể xảy ra ngay cả khi quá trình chuyển đổi quyền lực không xảy ra: Những kẻ thách thức từng trỗi dậy đã ngừng chiến đấu khi họ nhận ra rằng họ đã khiêu khích các đối thủ mà họ chưa bắt kịp.  Hiểu được khuôn mẫu chết người này từ quá khứ—hãy gọi nó là “cái bẫy quyền lực đỉnh cao”—là rất quan trọng để chuẩn bị cho một tương lai đen tối đang mở ra nhanh hơn bạn nghĩ.

 Các nguyên tắc hầu như không mang tính học thuật.  “Lịch sử thảm bại trong chiến tranh,” Tướng Douglas MacArthur giải thích năm 1940, “gần như có thể được tóm tắt trong hai từ: quá muộn.  Quá muộn để hiểu mục đích chết người của kẻ thù tiềm năng;  chuẩn bị quá muộn;  quá muộn trong việc hợp nhất tất cả các lực lượng có thể để kháng cự;  quá muộn để sát cánh với bạn bè.”  Ông nói thêm, đó sẽ là “sai lầm chiến lược lớn nhất trong lịch sử,” nếu Mỹ không nắm bắt được “thời điểm sống còn.”

 Những lời của MacArthur mang tính tiên tri: Các lực lượng không được chuẩn bị trước của ông ở Philippines và các lực lượng của Mỹ trên khắp Thái Bình Dương, đã bị đánh tan tác trong giai đoạn đầu của cuộc chiến sau đó với Nhật Bản.

 Vì vậy, điều đáng chú ý là vào năm 2021 khi người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã sử dụng những từ tương tự để mô tả mối đe dọa toàn trị mới từ Trung Quốc.  “Họ đang hành quân,” ông nói.  “Đó chỉ là vấn đề thời gian.”

 Một vấn đề thời gian, đúng vậy. Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sinh tử với Trung Quốc, khi nguy cơ chiến tranh lên cao nhất và các quyết định được đưa ra hay không sẽ định hình nền chính trị thế giới trong nhiều thập kỷ.  Một “thời điểm tối quan trọng” khác đang đến với chúng ta và nước Mỹ phải sẵn sàng trước khi một lần nữa quá muộn.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s