Cù Tuấn dịch từ The Economist.
Vào ngày 28/3 Bộ tổng tham mưu Ukraina cảnh báo rằng quân đội Nga, với lực lượng trong phạm vi tấn công Kyiv, vẫn muốn chiếm thủ đô này. Một tuần sau, đội quân đó đã bốc hơi phần lớn từ hai bên sông Dnepr ở phía bắc thành phố. Khi quân đội Nga rút lui qua biên giới đến Belarus và Nga, và bị người Ukraina truy đuổi, Kyiv bắt đầu trở lại bình thường. Không có tiếng súng, đạn pháo hay tên lửa nào được nghe thấy kể từ ngày 30/3. Các cửa hàng không thiết yếu đang mở cửa trở lại. Thị trưởng Vitaly Klitschko đã kêu gọi dân thường đợi đến cuối tuần hãy quay trở lại thành phố; không phải tất cả mọi người đều chú ý đến lời khuyên của ông. Nhưng dù Ukraina có thắng trận, nhưng quốc gia này vẫn chưa thắng cả cuộc chiến.
Nga cho biết mục tiêu chiến tranh của họ hiện nay là “giải phóng” Donbas ở miền đông Ukraina; một số người nghĩ rằng Vladimir Putin, tổng thống Nga, muốn làm như vậy trước Ngày Chiến thắng 9 tháng 5, ngày kỷ niệm sự đầu hàng của Đức Quốc xã vào năm 1945. Trước khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2, Nga đã kiểm soát một phần ba vùng này; kể từ ngày 24 tháng 2, Nga đã chiếm được nhiều hơn nữa, bao gồm cả một phần thành phố cảng Mariupol.
Liệu Nga có đủ nhân lực để chiếm hết vùng này hay không vẫn còn là câu hỏi. Bằng cách tập trung nỗ lực vào ít mặt trận hơn, Nga hy vọng sẽ có lợi thế lớn từ quân số vượt trội. Quân Nga đã rút các lực lượng đang hướng tới Kyiv từ Sumy ở đông bắc Ukraina. Các đơn vị quân ở Belarus cũng đang được chuyển đến miền tây nước Nga, theo các trang web theo dõi đường sắt.
Vấn đề là những đoàn quân này đã bị vắt kiệt sức. Một phần tư quân xâm lược ban đầu của Nga có thể đã bị thương hoặc thiệt mạng. Một quan chức phương Tây cho biết trong số 125 nhóm chiến thuật (battalion tactical groups, hoặc BTGS) được tập hợp để tham gia cuộc xâm lược, 29 BTGS đã “không có khả năng chiến đấu”, một quan chức phương Tây cho biết. Điều này có nghĩa là chúng sẽ phải ngừng hoạt động hoặc kết hợp với những nhóm khác. Việc sửa chữa và di chuyển chúng về phía đông có thể mất khoảng một tháng.
Ngoài ra, lượng quân dự trữ của Nga không còn nhiều: Nga đã dành 3/4 số BTGS của mình cho cuộc chiến này. Kể từ đó, Nga đã tập hợp các lực lượng bổ sung từ bất cứ nơi nào có thể, bao gồm cả vùng ngoại ô Kaliningrad, vị trí nằm giữa các quốc gia NATO thù địch, và các đơn vị đồn trú của mình ở Gruzia mà Nga xâm lược vào năm 2008.
Sau đó là lính nghĩa vụ. Vào ngày 1 tháng 4, Nga đã công bố số quân nhập ngũ hàng năm dành cho nam giới từ 18 đến 27 tuổi, với mục tiêu là 134.500 người nhập ngũ trong một năm. Những người lính nghĩa vụ không thể được đưa đi tham chiến một cách hợp pháp nếu không có 4 tháng huấn luyện. Trên thực tế, một số lượng quân nghĩa vụ của năm ngoái đã được gửi đến, dù có được huấn luyện hay không. Nhưng Nga không thể gửi quân nghĩa vụ trên quy mô lớn – cũng như huy động hợp lý đội quân dự bị với kinh nghiệm trước đó – trừ khi ông Putin chính thức thừa nhận rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” của ông trên thực tế là một cuộc chiến. Và ngay cả khi Putin có làm điều đó, việc huy động quân trên toàn quốc sẽ không diễn ra cho đến mùa hè.
Vì vậy, đây là thời điểm tốt để Ukraina tấn công phản công: vào mỗi ngày trong tuần cuối cùng của tháng 3, nước này giành được nhiều lãnh thổ hơn là mất. Nhưng chừng nào quân đội Nga vẫn còn ở Belarus, Ukraina không thể chuyển toàn bộ lực lượng sang Donbas. Quân Ukraina sẽ vẫn phải bảo vệ Kyiv và bảo vệ các tuyến tiếp tế của nó từ phía tây. Tuy nhiên, Ukraina sẽ có thể chuyển một số đơn vị về phía đông và phía nam, và có thể chuyển quân như vậy nhanh hơn Nga.
Ukraina, quốc gia đã huy động toàn bộ quân đội vào ngày 24 tháng 2, có thể có đủ nhân lực – hiện quốc gia này đang tuyển thêm 10.000 đến 20.000 người. Các gói vũ khí phương Tây tiếp tục được đổ vào. Cộng hòa Séc đang chuyển cho Ukraina xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất. Điều quan trọng hơn là với Slovakia, nước này có thể cho phép Ukraina sử dụng các cơ sở của mình để sửa chữa thiết bị. Australia đang gửi tới chiến trường xe chiến đấu bọc thép. Vào ngày 5 tháng 4, Mỹ cho biết quốc gia này sẽ gửi thêm hệ thống chống tăng trị giá 100 triệu USD. Nhưng Ukraina cũng sẽ cần những thứ ít bắt mắt hơn như đạn pháo thời Liên Xô để cho pháo sử dụng trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Kiểu chiến tranh này có thể là thực tế đang diễn ra. Mục đích ban đầu của Nga là bao vây các lực lượng Ukraina ở Donbas bằng cách tấn công vào hậu phương của họ, tập trung vào thành phố Dnipro. Nếu Nga làm vậy bây giờ, và bỏ qua Kyiv và Sumy, hai bên sườn của chính quân Nga sẽ dễ bị quân Ukraina tấn công từ phía bắc — và quân Nga sẽ có nguy cơ bị bao vây.
Do đó, Nga đang chuyển sang một cách tiếp cận “tàn bạo” hơn, Michael Kofman của CNA, một tổ chức tư vấn, cho biết: “Có vẻ như Nga sẽ tấn công trực diện các lực lượng Ukraina để dần dần đánh bật họ khỏi Donbas.” Điều đó có nghĩa là quân Nga sẽ tiến về phía nam từ Izium, phía bắc từ Mariupol và tấn công ở các khu vực như Severodonetsk, nơi các lực lượng Ukraina đang bị mắc kẹt.
Tại Donbas, Nga có lợi thế là lực lượng không quân mạnh hơn so với xung quanh Kyiv, và lực lượng phòng không của Ukraina cũng mỏng hơn. Một cuộc tấn công trực diện cũng có nghĩa là các đường tiếp tế ngắn hơn, trong khi thời gian trôi qua sẽ đồng nghĩa với việc đường đi sẽ ít bùn hơn. Mặc dù vậy, Nga dường như vẫn đang lặp lại những sai lầm sơ đẳng mà nước này đã mắc phải trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Quan chức phương Tây cho biết: “Thậm chí muộn nhất là [ngày 6 tháng 4], chúng tôi vẫn thấy các đội quân thiết giáp đơn lẻ của Nga đang cố gắng tiến quân theo các con đường, và sau đó gặp vấn đề khi gặp phải sự kháng cự của Ukraina”.
Putin đang đặt cược là ông có thể tiêu diệt quân đội Ukraina trước khi Nga hết tiền. Một số người nghĩ rằng khả năng mất khả năng thanh toán của Nga sẽ đến trước. Mark Cancian của CSIS, một tổ chức tư vấn khác, cho rằng khi số thương vong gia tăng, nguồn cung cấp cạn kiệt và tinh thần giảm sút, các tướng lĩnh của Nga cuối cùng sẽ phải tập hợp lại và buộc ông Putin phải đối mặt với sự thật. Nhưng sẽ có nhiều trận chiến trước khi việc đó xảy ra. Ông Kofman nói: “Điều này có những điểm tương đồng với các trận đánh được dàn xếp trước trong các cuộc chiến tranh thế giới trước đây. “Và bây giờ nó không chỉ phụ thuộc vào nhân lực và vật lực mà còn cả các yếu tố vô hình — kỹ năng, lực lượng, sắp xếp quân binh chủng và tinh thần binh sĩ”.