Putin đã ngăn chặn tính cởi mở của xã hội Nga với một loạt hạn chế về truyền thông

 Cù Tuấn dịch từ The New York Times.

Một trong những điều nghịch lý về sự cai trị ngày càng độc đoán của Vladimir V. Putin đối với nước Nga là ông vẫn duy trì sự tương đối cởi mở của xã hội Nga.

Mặc cho tất cả sự kiểm soát của nhà nước Nga đối với phương tiện truyền thông, mọi người vẫn có thể đọc hoặc xem những gì họ muốn, bao gồm cả các bản tin nước ngoài như BBC và CNN. Internet – một cổng thông tin đến phần còn lại của thế giới – hầu như không được kiểm soát. Không giống như ở Trung Quốc, bạn có thể thoải mái chỉ trích Tổng thống Nga và đảm bảo rằng cảnh sát sẽ không tới gõ cửa nhà bạn.

Cho đến hiện tại.

Khi cuộc chiến ở Ukraina tiếp tục diễn ra, ông Putin đã bóp nghẹt các tàn dư của báo chí tự do để biện minh cho một cuộc xâm lược hầu như đã bị lên án trên toàn thế giới – và cùng với đó là tiến gần hơn đến chủ nghĩa sùng bái cá nhân thời Liên Xô. Kết quả của việc này sẽ là cô lập Nga vì ông Putin đã tự cô lập mình, khiến cho nước này có cái nhìn phiến diện về thế giới theo một cách không cần phải bàn cãi.

Hai trong số các đài truyền thông độc lập còn lại của đất nước – Ekho Moskvy, đài phát thanh tự do và Dozhd TV, hay Rain, một kênh kỹ thuật số mới nổi – đã ngừng phát sóng vào tuần trước, khi được các nhà chức trách theo dõi chặt vì đã đưa tin chính xác về Ukraina. Quyền truy cập vào Facebook, Twitter và TikTok, những nền tảng phản đối cuộc chiến của ông Putin, đã bị chặn, cùng các trang trực tuyến khác ở Nga.

Nhiều tổ chức thông tấn nước ngoài đã rút phóng viên của họ về nước hoặc ngừng đưa tin ở Nga sau khi ông Putin hôm 1/4 ký ban hành luật trừng phạt bất kỳ ai tung “thông tin sai lệch” với mức án lên đến 15 năm tù.

Nina L. Khrushcheva, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại trường New School ở thành phố New York và là cháu gái của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khruschev, cho biết: “Chỉ hai tuần trước, không thể tưởng tượng phần lớn các hãng tin tức sẽ đóng cửa nhanh như thế nào. “Và nó đã xảy ra.”

Ngoài tác động tức thời đến khả năng tìm hiểu về cuộc chiến bên cạnh của người Nga, ông Putin dường như đã vượt qua một ngưỡng nào đó trong lịch sử của đất nước Nga. Ông đang cô lập xã hội Nga ở một mức độ lớn hơn bất cứ lúc nào kể từ khi nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail S. Gorbachev, đưa ra một chính sách vào năm 1986 được gọi là glasnost, được gọi là “cởi mở” nhưng chính xác hơn có nghĩa là “hành động cất lên tiếng nói.”

Việc tiếp cận với báo cáo tin tức nước ngoài và tiếng nói độc lập trên mạng xã hội đã thách thức sự độc quyền của Điện Kremlin đối với truyền thông nhà nước – giống như nỗ lực của ông Gorbachev đã phá vỡ thế độc quyền của Liên Xô về việc nói lên sự thật. Các tờ báo độc lập, với cái giá phải trả là an nguy của các phóng viên, đã phát hiện ra những vụ lạm dụng trong cuộc chiến của Nga ở Chechnya, đàn áp nhân quyền, đàn áp chính trị cũng như sự giàu có bất thường của những người thân cận với ông Putin – tất cả đều là những chủ đề cấm kỵ trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga.

Tác động của việc bịt miệng các nguồn thông tin này có thể rộng hơn nhiều và kéo dài hơn nhiều so với cuộc chiến tại Ukraina, đẩy nước Nga từ chế độ độc tài trở thành một điều gì đó tồi tệ hơn.

Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford, cho biết: “Putin đang cố gắng biến nước Nga trở thành chế độ độc tài toàn trị của thời kỳ trước Gorbachev. “Cuối cùng Putin cũng sẽ thất bại, nhưng ông ấy sẽ gây thiệt hại lớn cho xã hội Nga khi cố gắng làm vậy.”

Tuyên truyền và những hạn chế của Điện Kremlin đã khiến những người Nga bình thường không biết gì bạo lực khủng khiếp đang tàn phá các thành phố trên khắp Ukraina – ngay cả khi những người có họ hàng tại Ukraina đã kể lại cho họ nghe những gì đã xảy ra. Sự kiểm duyệt thông tin đã che đậy những khó khăn của quân đội Nga cũng như những mất mát về sinh mạng của những người Ukraina mà ông Putin tuyên bố sẽ bảo vệ.

Thay vào đó, những người xem truyền hình Nga sẽ thấy quân đội của nước này tham gia vào một “chiến dịch quân sự đặc biệt” gần như không hề đổ máu, để bảo vệ thường dân Ukraina khỏi một chính phủ tân phát xít. Trong những thước phim thực tế thay thế này, quân đội Nga đang phân phát viện trợ cho dân thường hoặc giúp sơ tán họ đến nơi an toàn; Người Ukraina đang ngụy tạo các báo cáo về những thất bại của quân đội Nga – hoặc thậm chí là pháo kích vào các thành phố của chính họ.

Kết quả của việc này là đã tạo ra một cái nhìn lệch lạc về cuộc chiến mà ít ai dám chỉ ra. Không một thứ trưởng nào trong Duma Quốc gia, hạ viện của Quốc hội, đã bỏ phiếu chống lại dự luật hình sự hóa “tin giả”.

Sergey Radchenko, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, cho biết: “Ngày càng có ít khả năng tiếp cận thông tin chính xác từ phương Tây trong bối cảnh những tuyên truyền của nhà nước Nga ngày càng cuồng loạn, mà phải thừa nhận rằng tuyên truyền cũng có tác dụng nhất định.”

Ông Putin từng là trung tá tại KGB, phục vụ ở Đông Đức cũ, khi chính sách glasnost được đưa ra. Sau đó, ông nói rằng ông cũng nhận ra sự cần thiết của Liên Xô phải trở nên cởi mở hơn. Tuy nhiên, chỉ cởi mở đến một mức nào đó.

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống năm 2000, Putin đã hiểu rằng truyền thông – đặc biệt là truyền hình – có sức mạnh không chỉ trong việc định hình hình ảnh chính trị của ông mà còn giúp ông cầm quyền. Putin đã nhanh chóng chuyển sang giành lại quyền kiểm soát các mạng truyền hình chính từ tay hai nhà tài phiệt, Vladimir A. Gusinsky và Boris A. Berezovsky, những người luôn ủng hộ các tin tức không phải lúc nào cũng phù hợp với Điện Kremlin.

Nhưng báo giấy ít phải đối mặt với áp lực trực tiếp hơn, và internet bùng nổ với các cách tiếp cận mới, khiến các nguồn tin tiếng Nga và nước ngoài có thể được phổ biến rộng rãi. Các phương tiện truyền thông độc lập như Ekho Moskvy hầu như được để yên, và đóng vai trò là nguồn tin tức và tranh luận gần như độc lập, ít nhất là đối với tầng lớp có học thức. Bản thân đài này là sản phẩm của glasnost, được những nhân viên quá thất vọng với đài phát thanh nhà nước, những người muốn có một nền tảng để thảo luận chính trị thực sự, thành lập vào năm 1990.

Người Nga cho rằng sự tồn tại của đài này là nhờ tổng biên tập am hiểu của đài, Aleksei A. Venediktov, và điện Kremlin cũng cần một van an toàn cho các cuộc tranh luận tự do và một nguồn thông tin tách biệt với mảng tuyên truyền của chính nó. Ở đài này, các nhân vật đối lập bị cấm chiếu từ lâu trên truyền hình nhà nước có thể trả lời phỏng vấn và các MC có thể tranh luận về tác động của các chính sách của Điện Kremlin đối với những người dân thường.

Trước khi bị đóng cửa vào tuần trước, đài này đã lên tiếng chỉ trích cuộc chiến và bản thân ông Putin. Tổng công tố viên của Nga cáo buộc họ đã phát tán “thông tin sai lệch có chủ ý.”

Cũng như trong nhiều lĩnh vực cuộc sống của người Nga, sự khoan dung đối với những quan điểm trái ngược hoặc không chính thống trên các phương tiện truyền thông đã bị xói mòn trong nhiều năm. Maria Snegovaya, một học giả thỉnh giảng tại Đại học George Washington và là đồng sự tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới thành lập ở Washington, cho biết đã có một “sự thay đổi về chất” trong chính phủ của ông Putin.

Snegovaya đề cập tới các cuộc biểu tình làm rung chuyển đồng minh của ông Putin ở Belarus vào năm 2020; vụ đầu độc nhà phê bình hàng đầu của Điện Kremlin, Aleksei A. Navalny, việc ông này bị bắt giam sau đó; và những thay đổi trong hiến pháp được ban hành vào năm ngoái cho phép ông Putin, hiện tại 69 tuổi, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của mình đến năm 2036.

Tất cả những chuyện này đều tạo ra sự phản đối đáng kể ở Nga, lan tràn khắp nơi trong các cuộc diễn thuyết công khai, bất chấp nỗ lực của Điện Kremlin. Ông Navalny trở nên nổi tiếng với các cuộc điều tra vạch trần tham nhũng, trong đó có đoạn phim tài liệu dài 143 phút trên YouTube tố cáo ông Putin bí mật xây dựng cung điện trên bờ Biển Đen.

“Tôi luôn kiềm chế việc gọi xã hội Nga là toàn trị, nhưng tôi nghĩ tình hình quân sự, chiến tranh, đã thúc đẩy chính quyền tiến tới điều đó,” bà Snegovaya nói từ Bulgaria, nơi bà đang hỗ trợ những người Nga chạy trốn khỏi Nga trong những ngày gần đây.

Một bước nghiêm trọng hơn là Nga sẽ tạo ra một công cụ tương tự như Tường lửa lớn của Trung Quốc, hạn chế quyền truy cập vào các trang web nước ngoài ở ngoài nước và kiểm soát chặt chẽ những gì được phép phát ngôn ở trong nước. Nga gọi tầm nhìn của mình về một không gian mạng có chủ quyền là RuNet, mặc dù cho đến nay nước này đã ngừng áp đặt toàn quyền kiểm soát.

Trong thế giới được kết nối kỹ thuật số ngày nay, ông Putin có thể gặp khó khăn trong việc cắt đứt Nga hoàn toàn với thế giới. Ngay cả ở thời Liên Xô, thông tin vẫn qua lại xuyên biên giới. Mạng riêng ảo, hoặc VPN, sẽ cho phép mọi người vượt qua các hạn chế internet bằng cách ngụy tạo quốc gia họ đang đăng nhập, và điều này có thể giúp phát tán thông tin theo cách của samizdat, các bản sao bất hợp pháp của sách hoặc bài báo bị kiểm duyệt, được lưu hành một cách bí mật vào thời Liên Xô.

Jamie Fly, giám đốc điều hành của Radio Free Europe / Radio Liberty, đài phát thanh do Hoa Kỳ tài trợ được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cho biết sau khi thông báo ngừng hoạt động tại nước Nga. “Lịch sử cho thấy rằng mọi người sẽ phải trải qua rất nhiều thời gian để tìm ra sự thật.”

Những người đi tìm kiếm sự thật như vậy bây giờ chỉ là một thiểu số nhỏ tại Nga. Khi những năm tháng cai trị của ông Putin tiếp tục, các nhà phê bình lo ngại rằng ông sẽ thực hiện các biện pháp thậm chí mạnh mẽ hơn để duy trì việc nắm giữ quyền lực tối thượng của Điện Kremlin.

Ông Radchenko nói: “Chúng ta còn một chặng đường dài để đi trước khi tới năm 1937,” ám chỉ đến năm bắt đầu của giai đoạn Đại khủng bố của Stalin, “nhưng đây là lần đầu tiên con đường đã trở nên rõ ràng. Bạn có thể nhìn xa về phía trước, như vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, và ở phía xa đó, bạn có thể nhìn thấy viễn cảnh mờ nhạt của những chiếc máy chém.”


Ảnh: Màn hình điện tử tại một khách sạn lớn ở ngoại ô Matxcơva đang truyền hình bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s