
hình chụp ban nhạc năm 1974.
The Plastic People of the Universe (PPU) là một ban nhạc rock người Séc đến từ Praha. Họ là đại diện tiêu biểu nhất của nền văn hóa ngầm của Praha (1968–1989), vốn đã đi ngược lại với chính quyền Tiệp Khắc. Các thành viên của ban nhạc thường phải chịu những hậu quả nghiêm trọng như bị bắt giữ vì đi ngược chính quyền.
Vào tháng 8/1968, quân đội Liên Xô và các nước Hiệp ước Warsaw khác xâm lược Tiệp Khắc. Chưa đầy một tháng sau cuộc xâm lược, ban nhạc đã được hình thành. Tay bass kiêm nhà soạn nhạc chính,Milan Hlavsa thành lập ban nhạc vào năm 1968 và bị ảnh hưởng nặng nề bởi Frank Zappa (nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, kỹ thuật viên thu âm và đạo diễn phim người Mỹ. Ông đặc biệt chỉ trích việc giáo dục đại trà và cấu trúc hóa tôn giáo, cùng với đó ủng hộ mạnh mẽ việc tự do ngôn luận, tự do tham gia chính trị và cả việc bãi bỏ công tác kiểm duyệt. Ban nhạc của ông sáng lập là Mothers of Invention, đã có một bài hát tên là Plastic People từ album năm 1967) và ban nhạc Velvet Underground (ban nhạc rock của Mỹ, hoạt động từ năm 1964 tới năm 1973 và được nhắc tới như một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới âm nhạc thế giới trong thập kỷ 60).
Nhà phê bình văn hóa và nhà sử học nghệ thuật người Séc, Ivan Jirous, trở thành người quản lý / giám đốc nghệ thuật của họ vào năm sau, tương tự như Andy Warhol đã đảm nhận với Velvet Underground. Jirous giới thiệu Hlavsa với nghệ sĩ guitar Josef Janíček và người chơi violin Jiří Kabeš. Chính phủ Tiệp Khắc đã thu hồi giấy phép hoạt động của ban nhạc vào năm 1970.
Vì Ivan Jirous tin rằng tiếng Anh là ngôn ngữ của nhạc rock, ông đã mời Paul Wilson, một người Canada đang dạy học ở Praha, dạy ban nhạc lời của các bài hát Mỹ mà họ đã cover và dịch nguyên bản tiếng Séc của họ sang tiếng Anh. Wilson từng là ca sĩ chính của nhóm từ năm 1970 đến năm 1972, và trong thời gian này, các tiết mục của ban nhạc tập trung nhiều vào các bài hát của ban nhạc Velvet Underground và Fugs (một ban nhạc của Mỹ được thành lập tại Thành phố New York vào cuối năm 1964). Hai bài hát duy nhất được hát bằng tiếng Séc trong thời kỳ này là Na sosnové větvi (Trên cành thông) và Růže a mrtví (Hoa hồng và cái chết), cả hai đều có phần lời của nhà thơ Séc Jiří Kolář. Wilson khuyến khích họ hát bằng tiếng Séc.
Sau khi Wilson rời đi, nghệ sĩ saxophone Vratislav Brabenec gia nhập ban nhạc và họ bắt đầu thu hút Egon Bondy, một nhà triết học, nhà văn và nhà thơ người Séc, một trong những nhân vật hàng đầu của văn hoá ngầm Praha, người có tác phẩm bị chính phủ cấm. Trong ba năm sau đó, lời bài hát của Bondy gần như thống trị hoàn toàn âm nhạc của PPU. Vào tháng 12 năm 1974, ban nhạc thu âm album đầu tiên của họ, Egon Bondy’s Happy Hearts Club Banned, được phát hành tại Pháp vào năm 1978.
Năm 1974, hàng nghìn người đã đi từ Praha đến thị trấn České Budějovice để tham quan buổi biểu diễn của họ. Bị cảnh sát ngăn chặn, họ bị đưa trở lại Praha, và một số sinh viên bị bắt. Ban nhạc buộc phải hoạt động ngầm cho đến Cách mạng Nhung năm 1989. Không thể biểu diễn công khai, toàn bộ phong trào văn hóa ngầm đã hình thành xung quanh ban nhạc trong suốt những năm 1970. Những người đồng tình với phong trào thường được gọi là máničky, chủ yếu là do họ để tóc dài.
Năm 1976, ban nhạc và những người hoạt động trong văn hoá ngầm bị chính quyền Tiệp Khắc bắt và đưa ra xét xử (sau khi biểu diễn tại lễ hội) để làm gương. Họ bị kết tội gây rối có tổ chức đối với hòa bình và bị kết án tù từ 8 đến 18 tháng. Paul Wilson đã bị trục xuất, ngay cả khi ông đã rời ban nhạc vào năm 1972. Mặc dù ban nhạc không liên quan đến chính trị, những cáo buộc của chính quyền đã chống lại họ đã dẫn đến nhiều cuộc phản đối. Phiên tòa xét xử ban nhạc đã trở thành một cột mốc quan trọng cho sự phản đối chế độ ở Tiệp Khắc vì nhân quyền. Một phần để phản đối những vụ bắt giữ và truy tố này mà nhà viết kịch Václav Havel và những người khác đã viết Hiến chương 77, tên gọi của một kiến nghị được công bố vào tháng 1/1977 lên án những hành động vi phạm nhân quyền của chính quyền Tiệp Khắc, trái lại với những gì mà ngoại trưởng Tiệp Khắc đã ký trong Hiệp ước Helsinki vào ngày 1/8/1975.
Năm 1978, PPU thu âm Pašijové hry velikonoční (Cuộc chơi đam mê) (phát hành ở Canada với tên The Passion Play tại công ty Boží mlýn của Paul Wilson). Lời bài hát đã được viết trước đó bởi Vratislav Brabenec. Năm 1979, tiếp bước tư tưởng Jak bude po smrti (Sau khi chết anh sẽ thế nào?) của một nhà triết học và nhà văn người Séc từ nửa đầu thế kỷ 20, Ladislav Klíma, nên năm 1980, họ tập dượt và thực hiện một album mới, được thu âm một năm sau, có tên Co znamená vésti koně (phát hành ở Canada với tên gọi “Những chú ngựa dẫn đầu”).
Năm 1982, Vratislav Brabenec bị cảnh sát sát buộc phải rời đi và di cư đến Canada. Sau khi rời đi, ban nhạc đã phát hành đĩa hát tiếp theo Hovězí porážka (1983) và Půlnoční myš (1986, Midnight Mouse). Hãng thu âm Globus International của Séc đã thu thập nguyên tác của ban nhạc thành 10 đĩa CD, và phát hành chúng dưới nhiều hình thức khác nhau từ năm 1992 đến năm 2004, với nhiều ghi chú và ảnh lót khác nhau, cũng như một bộ phiên bản giới hạn. Họ cũng đã phát hành các album trực tiếp và solo khác của PPU, và các tác phẩm liên quan như DG 307.
Bất chấp xung đột với chính phủ, các nhạc sĩ không bao giờ coi mình là nhà hoạt động và luôn tuyên bố rằng họ chỉ muốn chơi nhạc của mình. Ban nhạc tan rã vào năm 1988, với một số thành viên thành lập nhóm Půlnoc (có nghĩa là “nửa đêm” trong tiếng Séc), được thu âm một thời gian ngắn cho Hãng đĩa Arista ở Hoa Kỳ. Theo đề nghị của Tổng thống Havel, họ tái hợp vào năm 1997 để kỷ niệm 20 năm Hiến chương 77 và đã biểu diễn thường xuyên trên khắp thế giới kể từ đó. Năm 1999, cùng với Lou Reed, Milan Hlavsa đã biểu diễn tại Nhà Trắng trong chuyến thăm cấp nhà nước của Václav Havel.
Milan Hlavsa qua đời năm 2001 vì bệnh ung thư phổi. Ban nhạc không chắc có tiếp tục hay không mà không có người dẫn dắt và người viết bài hát chính. Tuy nhiên, sau những cuộc thảo luận dài, họ quyết định tiếp tục để tưởng nhớ Hlavsa. Eva Turnová từ nhóm DG 307 trở thành người chơi bass mới của ban nhạc. Sau cái chết của Milan Hlavsa, ban nhạc bắt đầu viết những bài hát mới. Họ cũng biểu diễn một số album cũ của họ. Đây là kế hoạch lâu năm của Milan Hlavsa mà ông không có cơ hội đạt được.
Vào tháng 12 năm 2009, ban nhạc đã phát hành một album mới Maska za maskou. Đây là album đầu tiên của họ kể từ Líně s tebou spím (2001) và là album đầu tiên không có sự sáng tác của Milan Hlavsa.
—
Sevge Alpha / Nghiên Cứu Lịch Sử