Sau thay đổi chế độ, từ 1990, Ba Lan đã trải qua vài lần thanh lọc, sát hạch nhằm loại khỏi chính quyền những người từng ở trong bộ máy cũ. Tất cả công chức của chế độ cũ vẫn đuợc nhận lương hưu trí và hưởng các chế độ an sinh xã hội. Chỉ trừ những ai hợp tác với an ninh thì bị luật Thanh Lọc cấm giữ các chức vụ nhà nước. Các sĩ quan an ninh cảnh sát từng tham gia đàn áp biểu tình đều bị đem ra tòa xử và trở thành phạm nhân.
Năm 2017 luật chống hệ thống mật vụ chế độ cũ của Ba Lan bị trừ lương hưu xuống mức trung bình, khoảng 2000 zlotys (470 USD) một tháng, chừng 18 nghìn người từng phục vụ trong ngành từ 22/07/1944 đến 31/07/1990 bị ảnh hưởng. Thậm chí, người từng làm việc một ngày trong thời gian nêu trên cũng bị hạ lương. Cứ mỗi năm tham gia vào hệ thống an ninh của chế độ cũ, họ sẽ bị trừ 10% lương, nhưng sẽ không thấp hơn mức hưu tối thiểu cho công dân Ba Lan. Với quyết định này, nhiều người bị mất tới 2/3 thậm chí 3/4 lương hưu.
Những bác sĩ trong các bệnh viện công an, vận động viên từng thi đấu dưới màu áo công an; hay những người đơn thuần chỉ làm tạp vụ, lái xe, cấp dưỡng nhưng biên chế trong lực lượng an ninh và Bộ Công an và cả những người chỉ tham gia các khóa học, đào tạo nghiệp vụ an ninh cũng sẽ bị hạ lương. 4000 cựu công an cảnh sát hưởng lương thương binh từ thời kỳ này cũng chỉ nhận được 1500 zlotys một tháng. Khoảng 9000 phụ cấp cho gia đình các cựu cán bộ, sỹ quan ngành an ninh cũng bị cắt giảm tương ứng. Luật mới giúp tiết kiệm khoản 564 triệu zloty (130 triệu USD) mỗi năm. Và tất nhiên, giáo viên trong các trường an ninh cũng sẽ chung số phận. Hồi tháng 10/2016, một tổ chức ở Ba Lan nêu lại đơn yêu cầu Phủ tổng thống hạ quân hàm Đại tướng của ông Wojciech Jaruzelski, xuống làm binh nhì.
Rất nhiều công an cấp thấp được cho là ‘không có vấn đề gì’ và vẫn tiếp tục được ở lại làm việc trong chế độ mới. Nhiều người trong số họ sau này đã lập công, đã được tuyên dương, trở thành sĩ quan cấp cao. Nhưng, điều luật năm 2017 đã không buông tha cho họ. Đối với nhiều người, quyết định cứng rắn của chính quyền giống như một bản án tử hình. Dưới đây là một vài ví dụ điểm hình:
1/ Mariusz Czerwiec vào ngành công an năm 1985. Năm 1990 ông đã qua được cuộc kiểm tra lý lịch của chế độ mới và được tiếp tục làm việc ở bộ phận điều tra. Trong suốt quá trình công tác luôn được đánh giá và một cảnh sát tốt, được yêu mến. Năm 2006 ông về hưu sớm và mở một tiệm tạp hóa nhỏ trong trường học. Ông đã treo cổ bên cửa tiệm ở tuổi 56 khi biết lương hưu của mình sẽ về mức tối thiểu.
2/ Cũng chọn giải pháp kết kiễu cuộc đời là Jerzy C. ở thành phố Rzeszów. Ông từng làm nhân viên cảnh sát từ thời ‘chế độ cũ’ sang tới năm 2002 mới nghỉ hưu.
3/ Còn Sławomir Wojciechowski, người tự tử năm 2017 còn ‘oan uổng’ hơn nữa. Ông chưa từng có ngày nào kịp khoác chiếc áo ngành an ninh mật lên người. Nhưng chính quyền hiện nay đã tìm ra hồ sơ của ông và thấy ông tốt nghiệp học viện an ninh với cấp bậc sĩ quan vào năm 1988, đúng một năm trước khi chế độ sụp đổ.
4/ Antoni Wójtowicz – một lái xe trong cơ quan an ninh cũ đã đứt mạch máu não chết khi biết sổ hưu của mình bị vơi một nửa, để lại người vợ góa và đứa con gái tàn tật…
5/ Bi kịch cũng đến với những người hùng một thuở. Đó là các nhân viên tình báo Ba Lan từng xuất hiện trên mặt các trang báo lớn, các hãng truyền hình lớn khi họ giải cứu thành công các điệp viên CIA kẹt lại Iraq, trước khi Mỹ tấn công nước này trong Cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991. Chiến dịch diễn ra năm 1990, có tên SAMUN, liên quan tới sáu điệp viên CIA. Trong lúc các cơ quan tình báo của Liên Xô, Anh và Pháp đều từ chối giúp đỡ vì lý do an toàn, thì Ba Lan đã vào cuộc. Các nhân viên CIA đã được cấp hộ chiếu Ba Lan, với sự dàn xếp của tình báo, họ trà trộn vào các công nhân xây dựng và di tản khỏi một nước Iraq sắp chiến tranh. SAMUN đã được dựng thành phim với những tình tiết nghẹt thở, khi một lính biên phòng Iraq nói thành thạo tiếng Ba Lan đứng ra kiểm tra hộ chiếu. Thắng lợi của chiến dịch giải cứu được cho là đã góp phần quan trọng vào việc Mỹ xóa 50% số nợ nước ngoài – tương đương với 16,5 tỉ USD – cho Ba Lan. Nó cũng giúp cho những người anh hùng được phép tiếp tục công việc trong lúc phần lớn đồng nghiệp của họ phải ra đi sau chuyển giao chế độ. Hai trong số những người hùng ngày đó vẫn còn sống, một người là đại tá và người kia về hưu với cấp tướng. Theo luật họ sẽ chỉ còn được hưởng mức lương tối thiểu.
Czesław Jan Kiszczak, Đại tướng và bộ trưởng nội vụ (1981 – 1990), cũng như Jaruzelski, vẫn là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử Ba Lan đương đại, với những cuộc tranh luận gay gắt diễn ra về việc liệu ông ta là người yêu nước hay kẻ phản bội. Những người chỉ trích ông ghét ông vì những đàn áp thời chế độ cũ đã gây ra đau khổ cho nhiều người Ba Lan và đã buộc tội ông hành động vì lợi ích của Liên Xô. Nhưng những người Ba Lan khác ca ngợi Kiszczak vì đã từ bỏ quyền lực mà không có bạo lực và chỉ ra rằng ông xứng đáng được ghi nhận vì cuối cùng đã mở cuộc đối thoại với Lech Wałęsa trong cuộc đàm phán Bàn tròn dẫn đến cuộc bầu cử tự do một phần vào năm 1989 và sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan. Đối với một số nhà phê bình, Kiszczak đã chuộc lỗi vào năm 1984 với tư cách là bộ trưởng nội vụ, ông giám sát việc truy tố và kết tội các sĩ quan cảnh sát mật đã bắt cóc và sát hại một linh mục ủng hộ Đoàn kết, Jerzy Popiełuszko.
Nhiều người Ba Lan cảm thấy thất vọng khi Kiszczak không bao giờ phải đối mặt với hình phạt thiết quân luật và các biện pháp đàn áp khác, trong khi một số sĩ quan cảnh sát cấp thấp hơn đã phải đối mặt với bản án. Kiszczak đã bị đưa ra tòa một số lần vì vai trò của mình trong việc áp đặt thiết quân luật, nhưng ông chưa bao giờ ngồi tù. Một trong những cáo buộc nghiêm trọng nhất chống lại ông có liên quan đến việc thiết quân luật giết chết 9 thợ mỏ trong quá trình bình định mỏ than Wujek. Kiszczak được tuyên trắng án trong những vụ giết người này và chỉ bị kết án hai năm tù treo vì vai trò của ông trong việc áp đặt thiết quân luật.
Kiszczak qua đời tại Warsaw vào ngày 5/11/2015 ở tuổi 90 do các vấn đề về tim. Bộ Quốc phòng Ba Lan từ chối phân bổ một lô đất chôn cất ông tại Nghĩa trang Quân đội Powązki hoặc tổ chức lễ tang danh dự cho quân đội. Vị tướng được an táng tại Nghĩa trang Chính thống giáo ở Warsaw trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình và bạn bè. Không có chính phủ hoặc quan chức quân đội tham gia vào buổi lễ.
Luật của chính phủ Ba Lan do Đảng thiên hữu “Pháp luật và Công lý” nắm giữ năm 2017 muốn đổi tên gần như tất cả các đường phố có dính líu đến thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. các địa phương trên cả nước xóa bỏ mọi tượng đài, tên phố có liên quan. Nhưng tại thành phố Sosnowiec, miền Nam nước này, đa số người dân bảy tỏ ý kiến không đồng ý về kế hoạch muốn bỏ tên cố Tổng bí thư Đảng cộng sản trong thập niên 1970, ông Edward Gierek (1913-2001) khỏi một ngã tư. Năm 2002, một năm sau khi ông Gierek qua đời, Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận ông là “công dân danh dự vĩnh viễn” của họ.
Một số tượng đài chiến sỹ Hồng quân Liên Xô bị bứng đi khỏi công viên. Sau năm 1989, Ba Lan đã trải qua một lần thay đổi tên đường phố. Nhưng khi đó một số tên tuổi như Yuri Gagarin vẫn còn lại trên đường phố Ba Lan. Vào thời điểm ấy, người ta lập luận rằng ông Gagarin tuy là sỹ quan không quân Liên Xô nhưng cũng là người đầu tiên bay vào vũ trụ nên “thuộc về nhân loại” nhiều hơn là thuộc về chế độ Xô Viết. Chính quyền địa phương ở một số nơi như thành phố Torun vẫn muốn giữ. Tại Katowice, tên của một cựu chủ tịch tỉnh là Jerzy Zietek cùng tên nhà thơ Lucjan Szenwald và vận động viên boxing được huy chương Olympics năm 1952, ông Henryk Nowara cũng bị đưa vào.
Điều đáng nói là không chỉ người dân mà các quan chức địa phương ở nhiều đô thị Ba Lan không đồng tình với cách xóa hết tên tuổi những người nổi tiếng từ quê hương của họ. Ở Opole, ý kiến tại địa phương không muốn xóa tên phố “Những anh hùng bảo vệ Stanlingrad” (Obrońców Stalingradu), và ý tưởng bỏ tên phố Anh hùng Việt Nam (Bohaterow Wietnamu) ở Krakow cũng không được hoan nghênh. Một phần không nhỏ công chúng Ba Lan phản ứng vì họ thấy là chính quyền lần này đi quá đà trong việc áp dụng nhãn quan chính trị cánh hữu. Riêng tại Sosnowiec thì con số người dân vẫn tôn trọng ông Edward Gierek không phải là nhỏ và với họ, ông là người có công cho địa phương này. Chưa kể ông Gierek làm lãnh đạo trong giai đoạn kinh tế Ba Lan phát triển và chính phủ xây cất trên 3 triệu căn hộ mới, phát không cho hàng triệu gia đình công nhân viên chức, điều khó có thể xảy ra ở thời kinh tế thị trường.
Có hai người hiện nay thì làm chức vụ cao:
1/ Ông Adam Gierek, con trai của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ba Lan Eward Gierek (1970-1980) là thượng nghị sĩ, giáo sư, giảng viên đại học và nghị viên châu Âu ba nhiệm kỳ VI, VII và VIII. Ông là thành viên của Silesian Voivodship (tỉnh ở miền nam Ba Lan, tập trung vào khu vực lịch sử được gọi là Thượng Silesia) với Liên minh Lao động Cánh tả Dân chủ, một phần của Nhóm xã hội chủ nghĩa và nằm trong Ủy ban của Nghị viện Châu Âu về Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng.
2/ Bà Monika Jaruzelska, con gái của người đứng đầu Đảng và nhà nước Ba Lan, Đại tướng Wojciech Jaruzelski (nhiệm kỳ 1980- 1990), vẫn là nhà báo, nhà tâm lý học có tiếng ở Ba Lan hiện nay. Vào đầu những năm 1990, bà đồng sáng lập tạp chí hàng tháng “Twój Styl” (“Phong cách của bạn”), và đã chỉ đạo bộ phận thời trang và tạo kiểu trong 8 năm. Jaruzelska cũng từng là giám đốc sáng tạo và thành viên hội đồng quản trị. Jaruzelska tổ chức một chương trình trên kênh YouTube có tên là “Towarzyszka Panienka” (Quý bà đồng chí) và thường xuyên mời đại diện của các nhóm cực hữu và những người cổ vũ chủ nghĩa bài Do Thái, kỳ thị đồng tính và thuyết âm mưu. Hệ quả là tên của Jaruzelska đã xuất hiện trong các số phát hành năm 2020 và 2021 của “Sách nâu”, một ấn phẩm truy tìm các hành vi bạo lực và lời nói căm thù của Hiệp hội Never Again.
Hình trên: Bà Monika Jaruzelska.
Hình dưới: Ông Adam Gierek.
—
Sevgei Alpha / Nghiên Cứu Lịch Sử