Iraq cổ đại (Phần 7)

Chương 7 : THỜI ĐẠI CÁC ANH HÙNG

aa

  Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Dù người Sumer không thiếu những truyền thuyết về nguồn gốc của vũ trụ, đáng tiếc họ lại kín đáo về nguồn gốc của chính mình, do đó tương phản gay gắt với, chẳng hạn, người Do Thái vốn không bao giờ quên Abraham, tổ phụ của họ, đã đến từ Ur và đã định vị thiên đường trên mặt đất là ở Vườn Eden (một từ lấy ra từ edin của Sumer nghĩa là ‘đồng bằng’ hay ‘vùng lộ thiên’), giữa hai sông Tigris và Euphrates. Người Sumer đã để lại hai văn bản đề cập đến một thời hoàng kim nhưng tiếc thay không cung cấp thông tin về cái nôi tổ tiên của mình. Văn bản đầu tiên là đoạn văn truyền khẩu của thiên anh hùng ca ‘Enmerkar và Chúa tể Aratta’ nói về những thời đại rất xa xôi khi không có thú dữ và ‘mọi người đều tỏ lòng tôn kính đối với Enlil bằng một ngôn ngữ duy nhất’. Sự thống nhất tiếng nói đầy ân phước này kết thúc khi các cuộc tranh phong giữa Enki và Enlil dẫn đến sự ‘hỗn tạp của tiếng nói’, một chủ đề xuất hiện lại trong kinh thánh về Tháp Babel.

Văn bản thứ hai là một thần thoại kỳ lạ và phức tạp tên là Enki và Ninhursag (trong đó hành động xảy ra tại Dilmun hòn đảo Bahrain và miền lân cận). Nói ngắn gọn, trong thần thoại này thần Enki biến Dilmun thành một xứ sở phì nhiêu bằng cách tạo ra những suối nước ngọt, trong khi đó nữ thần Ninhursag tạo ra một số thần y, một trong số đó là Enshag xuất hiện dưới tên  Inzak trên một số bảng khắc đá  tìm thấy ở  Bahrain và trên đảo Failaka, gần Kuwait. Những hàng đầu tiên của thần thoại mô tả Dilmun là một xứ sở sạch sẽ, thuần khiết và tươi sáng ở đó tuổi già, bệnh tật và cái chết không được biết tới, và nơi đó:

Quạ không kêu thét,

 Chim ittidu không kêu ra tiếng của loài chim ittidu

 Sư tử không cắn giết,

Chó sói không bắt cừu,

 Chó rừng ăn thịt trẻ con không nghe nói tới…

Điều này có phải nghĩa là người Sumer xuất thân từ, hoặc ít nhất đã từng sống trên hòn đảo được ban phước này? Trong thần thoại không gợi ý gì về chuyện đó, và chúng ta thiên về việc xem những hàng chữ này như một tham chiếu gián tiếp về phương Đông, theo truyền thống là ‘vùng đất của sự sống’ và phương Tây, ‘vùng đất của cái chết’, có lẽ phối hợp với một nỗ lực của người Sumer để xáp nhập vào hệ thần của mình Inzak và tất cả những vị thần khác của Dilmun – một xứ sở mà họ đã có những quan hệ thương mại thân thiết vào thiên niên kỷ 3 TCN. Thực tế, người Sumer, như hầu hết những dân tộc cổ đại, xem đất nước mình là trung tâm của vũ trụ và chính mình là hậu duệ trực tiếp của con người khởi thủy. Họ sử dụng cùng từ tượng ý cho kalam ,’Xứ sở’ (tức Sumer) và cho uku, ‘người nói chung’ và ‘người Sumer’ đặc biệt. Một cách có ý nghĩa, chữ tượng ý khác cho ‘xứ sở’, kur, mô tả một ngọn núi và chính gốc được dùng khi liên hệ với những xứ ngoại bang mà thôi. Rõ ràng người Sumer nhận diện mình là những cư dân sớm nhất của Mesopotamia và thật ra những dân cư đầu tiên của trái đất. Thế thì, họ hình dung ‘thời tiền sử’ của họ như thế nào?

Từ ‘Adam’ đến Đại Hồng Thủy

Trong chương trước chúng ta đã biết bằng cách nào, trong Trường ca Sáng thế vĩ đại của Babylon ‘người hoang dã’ đầu tiên và vô danh đã được sinh ra từ máu huyết của vị ác thần Kingu. Những thần thoại khác như ‘Atrahasis’ (xem bên dưới) đề cập đến việc các thần linh tạo ra một hoặc hai người hoặc từ đất sét hoặc từ máu của các vị thần kém vai vế hơn, hoặc cả hai. Nhưng không ở đâu chúng ta được cho biết điều gì xảy ra với các Adam và Eve này. Cho đến bây giờ văn chương Sumer không cho ta sự song hành mật thiết nào với câu chuyện trong kinh thánh về Thiên đường Đã Mất, và để tìm một lời tường thuật của Mesopotamia về sự thất sủng của con người chúng ta phải hướng về truyền thuyết Adapa, được viết vào thiên niên kỷ 2 TCN.

Tạo ra bởi thần Ra (Enki) làm  ‘kiểu mẫu của con người’, Adapa là một thầy tư ở Eridu hoàn tất những nhiệm vụ khác nhau trong đền thờ Ra, nhân vật quan trọng nhất trong việc dâng cúng thức ăn cho chủ mình. Một hôm, khi ông đi câu cá trên ‘biển lớn’, Gió Nam bổng thình lình nổi lên dữ dội đến nỗi làm thuyền ông lật úp. Trong cơn tức giận Adapa thốt ra những lời nguyền rủa bởi đó mà các cánh của Gió Nam – Đại Ác Điểu đó – bị gãy, và trong một thời gian dài ‘Gió Nam không còn thổi được trên mặt đất’. Vấn đề là gió nam (thuộc hướng đông) vốn rất quan trọng đối với nông nghiệp ở nam Iraq, vì nó mang đến một chút mưa trong mùa đông, và trong mùa hè làm chà là chín tốt. Khi thần Anu vĩ đại nghe việc Adapa đã gây ra tất nhiên ngài nổi cơn thịnh nộ và cho đòi kẻ phạm tội. Nhưng Ea đứng ra bênh vực Adapa. Ngài dặn ông là khi đến cổng đền Anu ở thượng giới ông sẽ gặp hai vị thần cây cỏ, Dumuzi và Ningishzida (mà Adapa, hình như, đã gián tiếp ‘giết chết’ khi hủy diệt Gió Nam), nhưng nếu ông ăn mặc tang phục và biểu lộ sự khổ não và ăn năn hai vị thần sẽ nguôi ngoai; họ sẽ ‘mỉm cười’ và thậm chí sẽ xin tội cho ông với thần Anu. Và sau đó Anu sẽ không đối xử với Adapa như một tội nhân mà như một vị khách (ngài sẽ, theo phong cách đông phương, đãi ông thức ăn và nước uống, ban y phục để thay và dầu để xức. Hai điều cuối cùng Adapa có thể nhận lấy nhưng Ea cảnh báo:

Khi họ ban cho ngươi bánh mì của thần chết,

 Ngươi không được ăn nó. Khi họ ban cho ngươi nước uống của thần chết,

 Ngươi không được uống nó…

 Lời ta khuyên ngươi ở đây, đừng xao nhãng; những lời

 Mà ta đã dạy nhà ngươi, hãy giữ gìn cho kỹ!

 

Mọi việc xảy ra đúng như Ea đã nói trước thậm chí hơn cả kỳ vọng, vì Anu, không hoài nghi gì về sự sám hối và cung khai thành khẩn của Adapa, ban cho ông thay vì thức ăn và nước uống của thần chết ‘bánh mì của sự sống’ và ‘nước của sự sống’. Nhưng Adapa, nghe theo răm rắp lời khuyên của chủ nhân, lại đi khước từ những món quà này, những món quà sẽ khiến ông bất tử. Vì vậy, Anu cho ông lui ra với lời lẽ như sau:

Mang hắn đi và trả hắn về lại mặt đất.

Hoặc lời tiên đoán của Ea đã hỏng bét, hoặc ngài đã cố tình nói dối với Adapa ta khó mà biết được. Nhưng hậu quả là Adapa đánh mất đặc quyền bất tử. Ông đánh mất vì quá tuân theo mù quáng như Adam đánh mất vì bất tuân một cách kiêu ngạo. Trong cả hai trường hợp con người đã kết án tử cho chính mình.

Tuy nhiên, câu chuyện song hành với kinh thánh này đến giờ không đi xa hơn, bởi vì cho dù nếu ta xem Adapa là một Adam của Mesopotamia, chúng ta vẫn còn thiếu gia phả dài ngoằn trong đó Kinh thánh liên kết người đầu tiên với tổ phụ thực sự của dân Do Thái, Abraham. Người Sumer không bị ám ảnh cuồng nhiệt với gia phả vốn lại là đặc tính của người Semite du cư. Họ nhìn lịch sử của mình dưới một góc cạnh khác. Các thần linh, họ lý luận, đã tạo ra nhân loại vi một mục đích xác định: cung phụng và phục vụ các ngài. Chính các ngài đã ấn định những chi tiết của nhiệm vụ phục dịch này, các ngài đã ‘hoàn thiện những nghi thức và xiển dương những giáo lệnh thần thánh’. Tuy nhiên, nhân loại, chỉ là một bầy đàn đông đúc, hơi ngu xuẩn. Con người cần người chăn dắt, người cai trị, nên các ông vua thuần thành được các vị thần tuyển chọn và bổ nhiệm để thực thi luật thánh. Vì vậy, tại một thời điểm xa lắc nào đó, gần như ngay sau khi nhân loại ra đời, ‘vương miện kim cương và ngai vàng tôn quý được hạ xuống từ thượng giới’, và từ đó trở đi kế tiếp những nguyên thủ lần lượt dẫn dắt vận mệnh của Sumer và Akkad vì lợi ích và phúc lợi của thần linh. Được minh chứng như thế bởi tham chiếu đến quá khứ xa xăm nhất truyền thuyết  của vương quyền được thần linh giáng phúc, phổ biến ở Mesopotamia từ thiên niên kỷ 3 trở đi. Nhưng một số học giả hiện đại lại có những quan điểm khác. Họ tin rằng hệ thống chính trị nguồn cội của Sumer là sự kiện họ gọi là ‘nền dân chủ nguyên thủy’. Quân chủ, họ nói, phát triển tương đối muộn trong thời sơ sử, khi thủ lĩnh chiến binh (lugal), được bầu chọn trước đây bởi một hội đồng công dân cho những thời kỳ khủng hoảng ngắn ngủi, lại muốn nắm quyền chỉ huy thành bang vô hạn định. Giả thuyết này, lần đầu được Th. Jacobsen nêu ra trong một nghiên cứu sâu sắc không thể bị xem nhẹ. Chẳng hạn đoạn văn trong Trường ca Sáng Thế mô tả sự đề cử Enlil (tức Marduk) lên chức vị ‘chúa tể các thần’ cho mục tiêu đặc biệt là khởi binh chống lại Tiamat có thể phản ánh những gì xảy ra trên mặt đất trong những tình huống tương tự. Chắc chắn là trong thời kỳ Triều đại Sớm cũng có những hội đồng địa phương Sumer, nhất là hội đồng trưởng lão, đóng một vai trò trong chính quyền mỗi thành phố. Nhưng như các nhà Sumer học khác đã chỉ ra, những hội đồng này (ukin) có vẻ như thuần túy có tính cố vấn do các nhà cai trị triệu tập trong những tình huống hiếm hoi, vì thế từ ‘nền dân chủ’ trong ngữ cảnh này có lẽ là không chính danh. Xét từ góc độ văn bản mà chúng ta có, không có chứng cứ rõ ràng nào trong truyền thống Sumer về một thời kỳ khi các thành bang được cai trị bởi các định chế tập thể, và xa như chúng ta có thể đi ngược quá khứ chúng ta không thấy gì ngoài những nhà cai trị hoặc nguyên thủ chỉ đứng sau các thần linh.

May mắn chúng ta tìm được một tài liệu cho ta biết được danh sách liên tục của các vì vua kể từ khởi thủy của vương quyền xuống đến thế kỷ 18 TCN. Đây là ‘Danh sách các Vì Vua Sumer’ nổi tiếng được tổng hợp từ khoảng 15 văn bản khác nhau và được Th. Jacobsen xuất bản vào năm 1936. Cho dù không thật hoàn hảo, tài liệu này là vô giá: không những nó thể hiện và đúc kết các truyền thống Sumer rất xưa mà nó còn cung cấp một bộ khung biên niên sử tuyệt vời trên đó có thể gán đặt hầu hết những truyền thuyết vĩ đại của thời đại anh hùng Sumer. Đối với người Sumer, cũng như người Hy Lạp, Ấn giáo và Đức, đều có thời đại anh hùng của họ, thời đại những bán thần và các vị vua siêu nhân đứng ngang ngửa với thần thánh và thi triển những kỳ công hiển hách tuyệt vời. Chỉ đến bây giờ chúng ta mới nhận ra rằng ít nhất một số các vị anh hùng này chỉ là bán-thần thoại và thật ra là thuộc về lịch sử.

Theo Danh sách các Vì Vua Sumer, vương quyền thoạt tiên từ thượng giới hạ xuống thành phố Eridu, một phát biểu nổi bật nếu chúng ta nhớ rằng Eridu là một trong những nơi định cư cổ nhất của người Sumer ở nam Iraq (xem Chương 4). Rồi, sau không ít hơn 64,800 năm trong thời gian đó chỉ có hai vua trị vì ở Eridu, do một nguyên do gì đó không được nói vương triều được ‘truyền’ cho Bad-tibira (ba vua, một trong số là chính thần Dumuzi, trị vì cả thảy 108,000 năm). Từ Bad-tibira nó truyền lần lượt đến Larai (một vua, 28,800 năm),  đến  Sippar (một vua, 21,000 năm) rồi đến Shuruppak (một vua, 18,600 năm). Những con số không thể tin này, làm nhớ lại một cách kỳ lạ đến hậu duệ của Adam trong Kinh thánh, không giấu giếm một ý nghĩa nào; chúng chỉ đơn giản diễn tả niềm tin phổ biến ở thời hoàng kim khi con người sống thọ bất thường và sở hữu những phẩm chất siêu nhiên. Nhưng phải cần đổi chiếu kỹ hơn với Cựu Ước khi đọc đến một câu ngắn ngủi tiếp theo sau việc đề cập đến Ubar-Tutu, Vua xứ Shuruppak, và khép lại đoạn văn đầu tiên về Danh sách các Vì Vua Sumer:

Trận Đại Hồng Thủy quét qua khắp nơi đó

Đến đây chúng tôi không thể cưỡng lại buộc phải cắt đứt câu chuyện và xem xét một trong những vấn nạn đầy mê hoặc và gây tranh cãi nhiều nhất trong khảo cổ học và thần thoại về Mesopotamia: vấn nạn về trận Đai Hồng Thủy.

Đại Hồng Thủy

Vào năm 1872 George Smith, lúc đó là một nhà Assyria học người Anh trẻ tuổi, thông báo trước thế giới đầy sửng sốt, là trong số nhiều bảng khắc từ thư viện của Ashurbanipal ở Bảo tàng Anh, một câu chuyện kể về trận Đại Hồng Thủy giống một cách đáng kinh ngạc  với trận Đại Hồng Thủy trong Kinh thánh (Sáng Thế ký vi, II – viii, 22). Câu chuyện ông có trong tay chỉ là một tập từ một trường thi khắc trong 12 bảng khắc được biết dưới tên Thiên Sử thi Gilgamesh mà chúng ta sẽ bàn về nó sau này. Nhân vật chính của sử thi, Gilgamesh, Vua xứ Uruk, đang tìm kiếm bí quyết của sự bất tử và cuối cùng gặp được Ut-napishtim, người đàn ông duy nhất đã được ban tặng cuộc sống vĩnh hằng và là con trai, một cách tinh cờ, của Ubar-Tutu, Vua xứ Shuruppak. Đây vắn tắt là điều mà Ut-napishtim kể cho Gilgamesh:

Tại một thời điểm nào đó chưa xác định, ‘khi Shuruppak đã là một thành phố cổ xưa’, các thần linh quyết định giáng xuống mặt đất một cơn lụt lớn để hủy diệt giống người tội lỗi. Nhưng Ea thương hại Ut-napishtim và, bí mật nói cho ông ta biết qua vách mỏng của túp lều lau sậy của ông, và khuyên ông giật sập nhà, bỏ hết của cải, xây dựng một con thuyền có kích cỡ thích hợp, mang theo mình ‘hạt giống của mọi loài sinh vật’ và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Ngày hôm sau công việc đóng thuyền bắt đầu và chẳng bao lâu một con thuyền đồ sộ bảy tầng đã sẵn sàng, được trét nhựa đường (bitumen) và chất đầy vàng, bạc, thịt thú săn, động vật và gia đình, họ hàng và người làm công của Ut-napishtim. Khi thời tiết trở nên một cảnh tượng hãi hùng ông Noah của Babylonia biết rằng đại hồng thủy đã đến. Ông bước lên cơn thuyền và đóng cửa. Rồi, ‘ngay khi ánh sáng đầu tiên của buổi sáng le lói, một đám mây đen xuất hiện từ chân trời’, báo trước một cơn bão tố khủng khiếp nhất của thế giới, mưa, sấm sét mà con người chưa hề được chứng kiến. Đê điều sụp đổ, mặt đất chim trong bóng tối; thậm chí thần linh còn khiếp sợ và hối tiếc việc mình đã tiếp tay:

Các thần thu mình như những con chó và co rúm lại trong sầu não.

 Ishtar khóc rống như một mụ đàn bà đau đẻ …

 ‘Sao ta lại có thể ra lệnh hủy diệt sinh linh của ta,

 Trong khi chính ta là người đã tạo ra con người của ta’…

Các vị thần Anunnaki khóc cùng với bà;

 Các vị thần ngồi cúi đầu và bật khóc…

 Sáu ngày và sáu đêm

 Gió thổi, mưa như trút nước, giông bão và lũ lụt nhấn chìm mặt đất …

 

Vào ngày thứ bảy, tuy nhiên, bão tố dịu dần. Ut-napishtim nói:

Tôi mở cửa sổ và ánh sáng rơi vào mặt tôi.

 Tôi nhìn lên ‘biển’, tất cả đều im lặng,

 Và cả nhân loại đều hóa thành đất sét.

Con thuyền cập trên núi Nisir, nhưng không thấy đất liền ngoài đá đã cản đầu thuyền. Sau một tuần trôi qua Ut-napishtim thả một con chim bồ câu, nhưng rồi nó bay về thuyền; ông thả tiếp một con nhạn, nhưng nó cũng quay lại; ông thả tiếp một con quạ, và lần này con quạ đã tìm được đất liền và không quay về thuyền. Rồi Ut-napishtim đổ rượu tế trên mỏm núi và dâng cúng lễ vật hiến tế gồm mía đường, tuyết tùng và đào kim nương:

Các vị thần ngửi hương vị,

 Các vị thần ngửi hương vị ngọt ngào,

 Các vị thần bu quanh đồ hiến tế như ruồi.

Nếu Ishtar, đặc biệt, vui sướng, thì Enlil, người đã ra lệnh trận lũ lụt và kế hoạch đó đã thất bại, vô cùng tức giận và đổ hết lỗi cho Ea. Nhưng Ea đã biện hộ cho mình và cho con người quá tuyệt đến nỗi Enlil cảm động. Ngài bước vào con thuyền và ban phúc cho Ut-napishtim và bà vợ ông, nói:

 

Trước đây Ut-napishtim chỉ là một con người,

 Nhưng giờ đây Ut-napishtim và vợ y sẽ là thần như chúng ta.

 Ở phía xa, tại cửa sông, Ut-napishtim sẽ cư ngụ.

Không cần nói, câu chuyện được xuất bản của George Smith là tít lớn trên các tờ báo lúc đó. Khi có thêm các văn bản hình nêm mới, tuy nhiên, những phiên bản khác của truyền thuyết Đại Hồng Thủy, dù ít đầy đủ hơn nhưng cổ hơn phiên bản Gilgamesh (viết lại Nineveh vào thế kỷ 7 TCN), được phát hiện. Tên của người hùng thay đổi. Trong một văn bản Sumer từ Nippur có niên đại 1700 TCN ông có tên là Zíuudra, trong khi ở thiên sứ thi Babylonia có niên đại muộn hơn một chút ông được gọi là Atrahasis, “Đại Minh Triết’, có thể là một tên hiệu của chính Ut-napishtim. Nhưng, bỏ qua những biến thể nhỏ nhặt, chủ đề luôn giống nhau: một trận Đại Hồng Thủy đã quét qua mặt đất và tất cả trừ một (hay hai) người đều bị hủy diệt; trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại trận lụt lớn đánh dấu một sự gián đoạn và thay thế một chủng người bằng một chủng mới. Tất nhiên việc giống với câu chuyện kinh thánh là điều nổi bật; hơn nữa, dường như chắc chắn người Hebrew (Do Thái cổ) đã mượn nó từ một truyền thống ăn sâu từ xa xưa của người Mesopotamia. Thật tự nhiên, một câu hỏi bật ra: có tồn tại dấu vết của một trận đại hồng thủy như thế ở Mesopotamia?

Từ trước đến nay, những lớp trầm tích to lớn của đất sét và cát ngậm nước do sự úng ngập quy mô lớn và kéo dài chỉ được tìm thấy tại ba địa điểm Mesopotamia: Ur, Kish và Shuruppak. Tại Ur, 7 trong số 14 hố kiểm nghiệm được Sir Leonard Woolley quá cố đào giữa những năm 1929 và 1934 đã phát hiện những lớp trầm tích như thế tại những tầng khác nhau. Tầng sâu và dày nhất bị kẹp giữa hai lớp chiếm dụng trong thời kỳ Ubaid, và Woolley luôn khẳng định, mà không có lý do thuyết phục, rằng đây chính là Đại Hồng Thủy của kinh thánh. Lớp trầm tích khác tại Ur, mỏng hơn có niên đại khoảng 2800 – 2600 TCN, cũng như vài lớp trầm tích được phát hiện tại Kish. Về phần ‘lớp vô sinh’ đơn lẻ tìm thấy ở Shuruppak, niên đại chắc chắn của nó là 2900 TCN. Sự có mặt của những lớp trầm tích như thế tại những địa điểm này đưa ra những câu hỏi khó trả lời về địa vật lý, nhưng nó không cung cấp chứng cứ của một trận úng ngập rộng lớn bao phủ hàng trăm cây số vuông, nói chỉ đến toàn cõi Cận Đông. Những sự kiện duy nhất nó phản ánh là những trận lụt có hạn chế do lũ tràn và thay đổi về lộ trình sông. Cần chú ý, chẳng hạn, rằng Eridu, vốn nằm trong một vùng lún nông cách Ur khoảng 20 km và đã được khai quật tận lớp đất chưa khai phá, không cho dấu vết nào của một trận lũ lụt.

Nhưng nếu không hề tồn tại ở Mesopotamia (và nơi khác) một trận Đại Hồng Thủy tàn khốc theo kích cỡ của kinh thánh, thế thì điều gì là nguồn cội của truyền thuyết Mesopotamia này? Vài giả thuyết đã được đặt ra, xếp từ nỗi khao khát phổ quát alleged muốn hủy bỏ một mảnh quá khứ cho đến một ký ức mơ hồ, được truyền xuống qua bao thế hệ, về những trận mưa như thác trong kỷ Pleistoxen (kỷ địa chất kéo dài từ 2,580,000 đến 11,700 năm cách đây, đã huy diệt nhiều chủng loài động vật:ND). Tuy nhiên, không có giả thuyết nào thỏa mãn hoặc thích hợp, vì từ những văn bản chữ hình nêm có vẻ rõ ràng là Đại Hồng Thủy không phải là một tai họa tự nhiên mà là nỗ lực của các vì thần nhằm hủy diệt nhân loại. Tại sao các vị thần lại muốn làm điều này? Thiên Sử thi GilgaMesopotamiah và câu chuyện của người Sumer đều im lặng về điểm này, nhưng một mảnh Atrahasis được xuất bản gần đây có thể cho ta một manh mối. Sử thi nổi tiếng này bắt đầu bằng câu chuyện sáng tạo một người nam và người nữ nhằm gánh vác bớt công việc nặng nhọc trên mặt đất cho các vị thần kém vai vế hơn, nhóm Anunnaki. Thoạt đầu, mọi việc đều trôi chảy, nhưng rồi:

 

Chưa hết 1200 năm

 Khi đất đai mở rộng và con người sinh sôi.

 Trái đất rống lên như một con bò,

 Các vị thần buồn phiền khi con người náo động.

 

Để dẹp yên đám đông ồn ào này, các vị thần giáng xuống một trận dịch tiếp theo là một vụ hạn hán khủng khiếp, nhưng cũng không hề hấn gì: đàn ông và đàn bà tiếp tục sinh sôi, cho dù đói kém buộc họ phải ăn thịt con cái mình. Cuối cùng, các vị thần phóng ra trận Đại Hồng Thủy, không biết rằng Ea sẽ cảnh báo và cứu vớt Atrahasis, ‘Người Cực kỳ Minh Triết’. Trận Đại Hồng Thủy được mô tả giống như trong Gilgamesh, nhưng chính đoạn kết của thiên sứ thi mới đáng cho chúng ta chú ý, vì Ea giờ xuất hiện như một người tiên phong của Malthus (Thomas Robert Malthus 1766 – 1834, một học giả và nhà kinh tế hoc, đã đưa ra lý thuyết về bùng nổ dân số: ND), đề cao sự vô sinh, trẻ em chết sớm và tình trạng độc thân như là những cách chữa trị nạn nhân mãn. Quay sang Mami/ Nintu, các nữ thần – mẹ, Ea nói:

Hỡi Nữ thần Sinh sản, người sáng tạo ra những số phận…

 Hãy cho trong số con người có các phụ nữ sinh con lẫn những phụ nữ vô sinh,

 Hãy cho trong số con người một ác thần Pashittu,

Y sẽ giật hài nhi khởi lòng mẹ,

 Hãy lập ra những nữ tu viện Ugbabtu, Entu và Igisitu

 Nhờ đó họ sẽ bị cấm kỵ, và cấm tiệt sinh đẻ.

Điều này có nghĩa trong tương lai việc tăng dân số phải được kiểm soát để các thần linh không phải giáng thêm một trận đại hồng thủy khác, đây là giải pháp tối hậu hiển nhiên lấy cảm hứng từ những thiết hại gây ra bởi những trận lũ lụt địa phương chính yếu.

Về phần Đại Hồng Thủy được đề cập trong Danh sách các Vì Vua Sumer như một sự kiện đặc biệt, một sự chuyển đổi quyền lực từ một thành phố đến một thành phố khác xảy ra tại một niên đại nào đó, có lẽ không phải vô lý khi đề nghị rằng nó có thể đã được đưa vào trong danh sách bởi những thư lại của Shuruppak vốn đã chứng kiến hai hay ba thảm họa xảy ra đồng thời trong thành phố đó khoảng 2900  TCN: một cuộc thất trận, một vụ lũ lụt nghiêm trọng và có thể một ‘vụ bùng nổ dân số’ (tương đối). Nếu đây là trường hợp, thế thì sự kiện-Đại Hồng Thủy sẽ trộn lẫn với thần thoại-Đại Hồng Thủy, nhưng trong hai câu chuyện này chính thần thoại đã sống sót và sẽ không ngừng mê hoặc chúng ta và gợi óc tò mò của chúng ta.

Triều đại của những Siêu nhân

Sau Đại Hồng Thủy, Danh sách các Vì Vua Sumer nói, vương triều lại một lần nữa ‘hạ xuống từ thượng giới’, lần này tại Kish, một thành phố giờ được biểu thị bởi một nhóm quan trọng các mô gò, cách Babylon khoảng 16 km về phía đông. ‘Triều đại’ đầu tiên của Kish gồm 23 thời trị vì với thời gian trung bình mỗi thời trị vì là 1,000 năm. Nếu chúng ta bỏ qua một vua mà tên ông không đọc được do lỗi thư ký sao chép danh sách từ những bảng khắc cổ, chúng ta nhận xét rằng trong số 22 nguyên thủ 12 người mang tên hoặc biệt hiệu thuốc tộc Semite, như asKalbum, ‘chó’, Qalumu, ‘cừu’, hoặc Zuqaqip, ‘bò cạp’; 6 có tên Sumer và 4 có tên thuộc nguồn gốc không biết. Điều này quan trọng vì nó cho thấy sự pha trộn yếu tố sắc tộc ở vùng nam Iraq tại một niên đại sớm, sự lấn át chủ của người Semite ở vùng Kish và sự vắng mặt hiển nhiên của tình trạng tranh chấp giữa người Sumer và Semite trong cùng một thành bang. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ có lý do vững chắc để tin rằng triều đại này ít nhất một phần có tính lịch sử và nên được xếp ngay sau 2800 TCN. Vậy mà một trong các vị vua của triều đại được chỉ định rõ ràng là một nhân vật thần thoại: ‘Etana, người chăn dắt, người đã đi lên trời’, và vì nhờ chúng ta sở hữu các bảng khắc Babylonia và Assyria cho chúng ta nhiều chi tiết về Etana, nên chúng ta có thể mở rộng về điểm này.

Truyền thuyết Etana bắt đầu như một truyện ngụ ngôn (hoang đường). Rắn và diều hâu cùng sống trên  một thân cây và giúp đỡ nhau như các người láng giềng tốt. Nhưng một hôm diều hâu ăn thịt rắn con. Rắn mẹ đến khóc than với thần mặt trời Shamash, ngài liền bày mưu kế sau: rắn sẽ núp trong bụng một con bò chết, đợi khi diều hâu xà xuống ăn xác chết, rắn sẽ trả thù; rắn  chụp con chim lớn, làm gãy ‘gót chân’ nó; nhổ lông nó và vứt nó xuống một cái hố. Lúc này một anh chàng Etana nào đó, vốn không con cái và đang rất cần ‘loài cây sinh trưởng’ chỉ mọc ở trên trời, cũng kêu cứu với Shamash, và Shamash khuyên anh đến giải cứu diều hâu, tranh thủ làm bạn với nó và nhờ nó chở lên trời. Etana nghe lời làm theo. ‘Trên mình diều hâu anh úp thân mình, trên bộ lông cánh nó anh đặt bàn tay mình, trên hông nó anh đặt cánh tay mình’ và, trong tư thế không thoải mái này, anh bay lên qua nhiều chặng đường nghẹt thở mang anh đến tận cổng trời Anu,  Enlil, Ea, Sin, Shamash, Adad và Ishtar.  Sau đó, phấn chấn, có lẽ bởi một tinh thần phiêu lưu, anh thậm chí bay cao hơn. Dần dần, anh thấy mặt đất thu nhỏ lại như một luống cày và biển cả có kích thước của một giỏ bánh mì. Nhưng khi đất và biến không còn thấy được nữa Etana kinh hoảng: ‘Bạn ơi, tôi không bay lên trời đâu!’ anh la lên và, buông lỏng nắm tay, anh rơi chúi nhủi xuống mặt đất, chim diều hâu bay vút theo sau. Đoạn kết câu chuyện không rõ ràng do bảng khắc bị khuyết, nhưng chúng ta có thể giả đình rằng Etana đã đạt được mục đích của mình, bởi vì anh không chỉ sống đến 1,560 tuổi mà còn, theo Danh sách các Vì Vua, anh có được một con trai và người thừa kế tên là Balikh.

Danh sách các Vì Vua Sumer cho ta cảm tưởng là vì vua cuối cùng của Triều đại Thứ Nhất của Kish, Agga, bị bại trận trước vị vua đầu tiên của triều đại thứ nhất của Uruk; nhưng ta biết rằng hai triều đại này gối lên nhau và rằng Agga, thật ra, cùng thời với Vua thứ 5 của Uruk, Gilgamesh. Sở dĩ chúng ta biết được thông tin này là nhờ một bài thơ ngắn Sumer mô tả bằng cách nào Agga gởi cho Gilgamesh một tối hậu thư yêu cầu Uruk thần phục Kish, bằng cách nào tối hậu thư bị bác bỏ và Uruk bị bao vây và bằng cách nào, ngay khi trông thấy chàng Gilgamesh đồ sộ trừng mắt nhìn qua tường thành, kẻ thù liền hốt hoảng và thối chí. Cuối cùng thì chính Agga lại trở thành chư hầu của Gilgamesh, và Kish phải thần phục Uruk, như được chỉ ra trong Danh sách các Vì Vua. Cho dù nếu các vua tiền nhiệm của Gilgamesh không cai trị toàn cõi Sumer mà chỉ Uruk thì họ cũng là những nhân vật lừng lẫy, vì chúng ta có theo thứ tự kế vị: Meskiaggasher, con trai của thần mặt trời Utu, người ‘đi vào biển cả và trồi lên đến các ngọn núi’; Enmerkar, ‘người xây dựng Uruk’; Lugalbanda,  ‘người chăn dắt thần thánh, và cuối cùng Dumuzi, thần cây cối ở đây gọi là ‘một ngư phủ’. Những kỳ tích của ít nhất hai trong các người hùng và bán thần này giờ thân thiết với chúng ta, nhờ việc xuất bản bốn sử thi Sumer đã từng hợp thành những bộ phận của một ‘chu kỳ Enmerkar’ và một ‘chu kỳ  Lugalbanda’. Tất cả những truyền thuyết này xoay quanh những mối quan hệ luôn căng thẳng giữa Uruk và Aratta, một xứ rất xa ngăn cách với Sumer bởi ‘bảy ngọn núi’ và ắt hẳn toạ lạc tại Iran. Trong một chuyện này chúng ta được kể dài dòng về những khó khăn đáng kể mà Enmerkar gặp phải khi lấy được vàng, bạc, đá quý từ tay Chúa tể Aratta, hoặc bằng cách hăm dọa hoặc đổi lấy ngũ cốc – một tình thế ắt hẳn đã được lặp lại hết lần này đến lần khác trong suốt chiều dài lịch sử Mesopotamia và có lẽ là nguyên nhân của những cuộc chiến vô tận giữa xứ sở đó và vùng núi Elam. Trong một câu chuyện khác chúng ta thấy Uruk bị bao vây bởi người MAR.TU, tức người Amorite du cư của sa mạc Syria vốn, như sẽ được kể ra sau đó, định cư tại Iran và giành quyền kiểm soát từ tay người Sumer tại đầu thiên niên kỷ 2 TCN. Nếu chúng ta có thể tin chắc là những truyền thuyết phản ánh chính tình tại bình minh lịch sử chứ không tại niên đại các câu chuyện được thực sự viết ra (khoảng 1800 TCN) chúng ta sẽ tìm thấy trong những câu chuyện đó chất liệu đầy hứng thú cho sử gia.

Cuối cùng, chúng ta đến Gilgamesh, vị vua thứ 5 của triều đại thứ nhất của Uruk và con trai, chúng ta được cho biết, của nữ thần Ninsun và trưởng tế của Kullab, một quận của Uruk. Gilgamesh, mà những kỳ công của chàng nhắc ta nhớ lại Ulysses và Hercules, là nhân vật được yêu mến nhất trong các người hùng Mesopotamia và xuất hiện dưới dạng một người đàn ông vạm vỡ, râu rậm đánh nhau với sư tử và bò rừng trên một số lớn đài tưởng niệm, từ các dấu niêm hình ống của thời kỳ Jemdat Nasr đến tranh chạm khắc trong các cung điện Assyria. Như Enmerkar và  Lugalbanda, ông có chu kỳ riêng về truyền thuyết Sumer của mình, rõ ràng là những giai đoạn không liên hệ trong cuộc đời ông, trong đó chúng ta biết được 5 giai đoạn. Nhưng đây không phải là tất cả. Vào đầu thiên niên kỷ 2 một bài thơ dài được sáng tác, pha trộn một số các truyền thuyết Sumer cổ hơn với chất liệu mới. Kết quả là ‘Thiên Sử thi Gilgamesh’ may mắn thay sống sót gần như là toàn vẹn, và không nghi ngờ gì đó là tuyệt tác của nền văn chương Assyria-Babylonia và, thật ra, một trong những thiên anh hùng ca đẹp nhất của thế giới cổ đại, chúng tôi ít nhất phải tóm tắt nội dung của nó, dựa theo một vài bản dịch tuyệt vời đã được xuất bản.

Câu chuyện Gilgamesh

‘Người nhìn thấy mọi vật đến tận cùng thế giới’, như tựa đề của bài thơ, Gilgamesh có hai phần thần linh, một phần người phàm. Ông có sức mạnh, dũng cảm và đẹp trai vượt bậc, và hết lòng chăm lo cho Uruk, thành phố của mình. Người Babylonia đặc biệt thán phục bức tường thành vững chắc  mà ông xây dựng quanh thành phố có lẽ trường thành dài 9.7 km trong thời Triều đại Sớm vẫn còn bao bọc phế tích của Warka. Vậy mà sự xấc xược, thô bạo và sự sa đọa của ông là một chủ đề khiến công dân Uruk quan tâm nghiêm trọng. Họ phàn nàn với thần lớn Anu, và Anu chỉ thị cho thần Aruru tạo ra một ‘con bò rừng’ khác, một Gilgamesh kép, sẽ thách thức với ông để ông xao nhãng khỏi ‘con gái của chiến binh và vợ của quý tộc’ mà dường như ông không để họ yên. Thế là, từ đất sét Aruru nặn ra Enkidu, một sinh vật đồ sộ, hung tợn đầy lông lá sống giữa thảo nguyên giữa những dã thú:

Cũng với linh dương y ngậm cỏ,

 Cùng với dã thú y xô đẩy tại những nơi có nước,

 Cùng với các sinh vật chen chúc, cõi lòng y hoan lạc trong nước.

 

Một hôm một thợ săn nhìn thấy Enkiku từ xa và hiểu ra vì sao các bẫy gã đặt luôn luôn không hoạt động, và vì sao con mồi luôn tuột khỏi tay gã. Gã mách cớ sự với Gilgamesh, và ông liền đặt một bẵy sập thuộc loại khác chống lại tên hoang dã. Một ả đàn bà, một gái điếm, được phái đến thảo nguyên với mệnh lệnh phải quyến rũ Enkiku và đưa y về cuộc sống văn minh. Ả điếm không khó khăn gì đã hoàn tất phần đầu của sứ mạng. Rồi ả nắm tay Enkiku ‘như một người mẹ’ và dẫn y đến Uruk, tại đó y sớm học được cách tắm rửa, xức dầu thơm, ăn bánh mì và đắm chìm trong men rượu mạnh. Nhưng trong khi ở Uruk, Enkiku nghe tin Gilgamesh một lần nữa sắp chơi trò ius primae noctis của mình (tiếng Latinh trong nguyên bản, có nghĩa ‘quyền của đêm đầu tiên’) tại nhà công cộng liền bạo dạn đứng ra cản đường. Một trận đấu khủng khiếp diễn ra sau đó và kết thúc trong tình thân ái hòa bình, Gilgamesh đã tìm thấy bạn đồng hành xứng tầm với mình còn Enkiku đã gặp được một chủ nhân: ‘Họ hôn nhau và kết bạn.’

Tuy nhiên, ngài Gilgamesh hồ hởi nóng lòng muốn được nổi danh, bền thuyết phục Enkiku cùng đi với mình đến Rừng Tuyết Tùng xa tít và bạt ngàn, nơi cư ngụ của Huwana (hay Humbaba), một tên khổng lồ đáng sợ ‘miệng là lửa, hơi thở là cái chết’. Đã chuẩn bị vũ khí và cầu nguyện thần linh, hai người bạn rời Uruk và, trong ba ngày vượt một quãng đường binh thường phải đi trong sau tuần, họ đến được Rừng Tuyết Tùng. Họ đứng yên và chăm chăm nhìn cảnh rừng,

Họ nhìn những cây tuyết tùng cao vút…

 Từ sườn núi tuyết tùng mọc vươn cao xum xuê,

 Bóng râm mát rượi, tràn ngập niềm vui…

 

Lợi dụng tên bảo vệ không chú ý, họ bước vào khu rừng cấm, và Gilgamesh tha hồ đốn ngã hết cây này đến cây khác và Huwana nổi cơn thịnh nộ, ắt hẳn đã tàn sát hai tên mạo hiểm nếu Shamash không đến kịp để cứu họ. Ngài phóng tám ngọn gió vào Huwana, làm y tê liệt, xin đầu hàng để được tha mạng. Nhưng Gilgamesh và Enkiku cắt lấy thủ cấp của y trở về Uruk trong chiến thắng.

Tiếp theo kỳ công này, chính nữ thần Ishtar đem lòng yêu Gilgamesh và xin được lấy ông; nhưng Gilgamesh từ khước. Nhắc cho nữ hoàng bội bạc nhớ bà đã đổi xử ra sao với nhiều người tình của mình, từ Tammuz, người mà bà khiến y khóc than hết năm này đến năm khác, đến người chăn dắt và làm vườn, mà bà đã biến thành chó sói và nhện, ông thoá mạ bà bằng những lời lẽ xúc phạm nhất:

Bà không hơn một lò than tắt ngấm trong giá lạnh,

 Một cánh cửa hậu không ngăn được gió mạnh và cuồng phong,

 Một bình da đựng nước rò rỉ làm ướt đẫm người mang,

 Một chiếc giày bó rát bàn chân người sở hữu!

Bị xúc phạm đắng cay, Ishar yêu cầu Anu phái Bò Trời xuống tàn phá Uruk. Nhưng sau khi Bò đã húc ngã hết người này đến người khác, Enkiku liền tóm lấy sừng nó còn Gilgamesh thì thọc một lưỡi gươm vào cổ nó, và trong khi Ishtar nguyền rủa nhà cai trị Uruk, thì ông xé toạc đùi phải của con dã thú và ném thẳng vào mặt bà.

Sự xấc xược như thế quá sức chịu đựng của thần linh. Họ quyết định một trong cặp đôi phải chết. Vì vậy Enkiku bị giáng một con bạo bệnh kéo dài và, ôn lại quãng đời đã qua của mình, nguyền rủa ả điếm và mơ về cõi Âm u ám,  y trút hơi thở cuối cùng. Người bạn đồng hành khóc than y suốt bảy ngày đêm ‘cho đến khi một con sâu rơi ra khỏi mũi ông’.

Cái chết của Enkiku anh hưởng đến Gilgamesh sâu sắc. Lần đầu tiên Vị Vua Uruk hung hăng và không biết sợ là gì nhận thức được nỗi khủng khiếp của cái chết. Có phải mình cũng sẽ mất hút như thế không? Có thể nào mình tránh khỏi số phận đáng sợ của kiếp người không?

Sợ phải chết ta lang thang khắp thảo nguyên;

 Số phận của bạn ta đè nặng trong lòng ta.

 Sao ta có thể lặng im? Sao ta có thể bất động?

 Bạn thân yêu đã trở về với cát bụi,

 Có phải ta, cũng như bạn, sẽ nằm xuống

 Và không bao giờ sống lại mãi mãi?

 

Gilgamesh quyết định đi gặp Ut-napishtim, người đã sống sót qua trận Đại Hồng Thủy, và mong nhận được từ ông ta bí quyết của sự bất tử. Trước tiên ông phải băng qua núi Mashu, ngọn núi hùng vĩ, tối tăm của mặt trời lặn mà lối vào được bọn người- bò cạp canh gác; nhưng chúng thương hại ông và cho ông qua. Trên sườn núi bên kia ông gặp Siduri ‘cô gái hầu rượu cư ngụ trên rìa của biển cả’, và Siduri khuyên ông đừng lo lắng và lang thang mà hay tận hưởng cuộc sống. Tuy vậy, cảm động vì nỗi buồn rầu của ông, nàng chỉ nơi có thể tìm thấy Ut-napishtim: ở phía bên kia của một biến cả mênh mông và hiểm nguy bị ngăn trở bởi ‘vùng nước của tử thần’. Người hùng của chúng ta không chần chừ. Ông xin được sự giúp đỡ của người chèo đò Urshanabi, vượt biển và cuối cùng gặp được Ut-napishtim, và được ông ta kể lại chuyện của mình, chuyện về Đại Hồng Thủy.  Ut-napishtim có thể làm gì cho Gilgamesh hay không? Có, ông phải có được một loại cây gai nào đó, cây trường sinh chỉ mọc ở dưới đáy đại dương. Gilgamesh, như một người mò ngọc trai ở Vịnh Ba Tư, buộc đá nặng quanh bàn chân, lặn xuống và nhỗ cây trường sinh. Than ôi, trên đường trở về, trong lúc ông nằm ngủ gần một dòng suối, một con rắn từ dưới suối bò lên và mang đi cành cây vô giá. Như vậy sẽ không có được cuộc sống vĩnh hằng cho Gilgamesh. Kết luận ẩn tàng của câu chuyện cũng bi quan như lời của Utnapishtim nói với người hùng của chúng ta:

Chúng ta có xây dựng nhà trường tồn không?

 Con sông có luôn dâng cao và mang lũ đến không?

 Con chuồn chuồn rời chiếc vỏ của mình

 Để mặt mình có thể hướng về phía mặt trời.

 Từ xưa nay có điều gì thường hằng đâu;

 Người nằm nghỉ và người chết, thật giống nhau làm sao!

Và như thế là phần tóm tắt ngắn gọn và khổ thay cũng mất hết thi vị của câu chuyện Gilgamesh, không thể nghi ngờ là câu chuyện sử thi nổi tiếng nhất trong vùng Cận Đông, xét trong số nhiều ấn bản Assyria-Babylonia và bản dịch của người Hittite và Hurri đến tay chúng ta. Gilgamesh- người hùng tất nhiên là một thần thoại. Nhưng còn Gilgamesh- nhà vua thì thể nào? Cách đây một ít năm người ta còn ngờ vực mạnh mẽ về sự tồn tại của ông; ngày nay có lý do xác đáng để tin rằng một vị vua có tên đó thực sự cai trị Uruk, mặc dù chứng cứ xác định vẫn còn thiếu. Một khoảng thời gian chúng ta có cảm giác là mình đang đứng tại lằn ranh di chuyển, mong manh ngăn cách hư cấu với hiện thực; giờ chúng ta chắc chắn rằng thời điểm của Gilgamesh tương ứng với thời kỳ sớm nhất trong lịch sử Mesopotamia.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s