Chương 2 : ĐI TÌM QUÁ KHỨ
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Để tái dựng quá khứ, các sử gia sử dụng hai loại tư liệu: văn bản và vật thể, từ ‘vật thể’ ở đây có nghĩa bất kỳ đồ tạo tác nào, từ tòa nhà nguy nga nhất đến vật dụng nhà bếp tầm thường nhất. Nhưng trong khi vật thể đóng một vai trò tương đối nhỏ trong thời buổi gần đây, thì chúng lại trở nên quan trọng khi ta đi ngược thời gian, và vì sử gia không thể truy cập trực tiếp những dữ liệu không được viết ra, họ luôn phải trông cậy vào việc xuất bản của những người mà công việc của họ là đào bới những thành phố và nghĩa trang cổ đại: nhà khảo cổ thực địa.
Các sử gia của vùng Cận Đông cổ đại thậm chí còn phụ thuộc vào các nhà khảo cổ nhiều hơn các sử gia của thời cổ điển, vì ở Mes các vật thể và văn bản, vì những lý do ta sẽ xem xét ngay đây, nằm chôn vùi dưới đất và chỉ có thể đến được bằng khai quật. Các cuộc khai quật khảo cổ bắt đầu ở Iraq vào năm 1843 và đã tiếp tục không ngừng từ đó. Lúc đầu là công việc của những nhà khảo cổ nghiệp dư vui tính, họ đương đầu với các chuẩn mực khoa học vào thời chuyển giao thế kỷ (19 sang 20) khi được biết rằng việc lấp đầy các đồ tao tác nghệ thuật vào viện bảo tàng không phải là một cứu cánh bản thân và rằng tìm hiểu cách con người sinh sống là điều quan trọng hơn. Trái lại, ngay bản chất của công việc họ làm, tình trạng họ xử lý các vật liệu dễ vỡ như gạch bùn và văn bản đất sét, và nhu cầu, để tiến sâu hơn và nhanh hơn vào lòng đất, phải phá hủy hết lớp con người chiếm chỗ này đến lớp con người chiếm chỗ khác gần như ngay sau khi họ đã phát lộ được chúng, buộc các nhà khảo cổ phải thiết kế những kỹ thuật tinh tế, thích đáng. Những đội chuyên gia được huấn luyện trong, và được tài trợ bởi, các bảo tàng viện và đại học Âu hoặc Mỹ và được hậu thuẫn bởi tất cả tài nguyên của khoa học hiện đại được đưa vào đến ngay thực địa để chỉ đạo và giám sát đám công nhân lành nghề, người thao tác cuốc và xẻng. Trong 90 năm qua hơn 30 di chỉ – bao gồm thực tế tất cả thành phố chính của Iraq cổ đại – đã được khai quật cực lực và hơn 300 mô gò đã được ‘thăm dò’. Kết quả của nỗ lực hợp tác quốc tế thật đáng kinh ngạc. Kiến thức chúng ta về lịch sử Mes cổ đại đã hoàn toàn thay đổi và lớn rộng đến không ngờ. Các sử gia, những người mà 150 năm cách đây đã không có nguồn thông tin nào khác hơn là một số ít dữ liệu do Kinh thánh cung cấp và một nhúm các tác giả cổ điển, giờ thổ lộ rằng họ khó lòng xử lý nỗi số lượng dữ liệu khổng lồ tập kết hết năm này đến năm khác cho họ sử dụng và họ tỏ lòng biết ơn đến món nợ đối với các nhà khảo cổ.
Tính lịch sự không thôi cũng đủ biện minh cho chương này, nhưng còn những lý do khác cũng đã nhắc nhở chúng tôi viết chương này. Trong suốt quyển sách này chúng ta sẽ nói về những mô gò tức ‘tell’ biểu thị những thành phố bị chôn vùi thời cổ Iraq; chúng ta sẽ tham chiếu đến ‘thứ bậc’ và ‘lớp’; chúng ta sẽ, bất cứ khi nào có thể, đưa ra những niên đại ‘tuyệt đối’ và ‘tương đối’. Dường như đối với chúng tôi độc giả thường muốn biết ngay từ đầu chúng ta đang nói về chuyện gì, và rằng cách tốt nhất để thỏa mãn tính tò mò của độc giả là tóm tắt những vật thể, phương pháp và sự phát triển chùa điều mà bây giờ chúng ta thường gọi là ‘khảo cổ học Mes’.
Các mô gò chôn vùi các thành phố cổ
Các Thành Phố Bị Chôn Vùi ở Iraq
Đối với phần lớn du khách, lần đầu tiên tiếp xúc với các di chỉ cổ đại ở Iraq là cả một sự ngạc nhiên. Họ được đưa tới một mỏm đồi nhỏ cao trên đồng bằng và họ được bảo đây ngày xưa từng là một thành phố cổ. Khi họ đến gần hơn họ có thể tìm thấy những đài tưởng niệm nguy nga như tháp bậc thang của Ur hoặc Cổng Ishtar ở Babylon, nhưng trong hầu hết trường hợp họ đối diện với những mảnh công trình nề xấu xí và những đống đất vương vãi những mảnh gốm vỡ vụn. Tự nhiên dễ hiểu là họ cụt hứng và bối rối không biết điều gì xảy ra.
Để trả lời câu hỏi này trước tiên cần giải thích rằng những thị trấn cổ đại này được xây dựng chỉ bằng bùn. Đá rất hiếm ở Iraq, trong khi chỗ nào cũng có sẵn đất sét. Trong thời xa xưa nhà cửa được làm bằng đất sét bùn chất đống lên và trét vỗ chặt thành vách, nhưng ngay từ thiên niên kỷ 9 TCN người ta sớm tìm ra cách trộn rơm với đất sét, ép vào khuôn rồi sau đó phơi ngoài nắng cho khô và ghép chúng với nhau bằng vữa vôi. Bằng cách đó, có thể xây lên những bức tường dày hơn, chắc hơn và phẳng hơn. Tất nhiên, gạch nung trong lò cứng chắc và bền vững hơn, nhất là chúng được kết dính bằng nhựa đường, nhưng đây là vật liệu đắt tiền, vì gỗ đốt lò rất hiếm và nhựa đường thường phải được chở đến từ vùng miền tượng đối xa. Gạch nung do đó nói chung dành riêng cho những đền thờ thần linh và vua chúa, mặc dù đây không khi nào là luật lệ, và đại đa số những tòa nhà thời Mes cổ đại đều làm bằng gạch bùn giản dị. Mái làm bằng đất phủ lên đệm cỏ lau và cành cây, và nền là đất nện cứng đôi khi với một lớp vữa vôi. Một lớp thạch cao bùn cũng luôn được áp lên tường.
Những ngôi nhà này với các bức tường dày của họ tương đối thoải mái, mùa hè thì mát và mùa đông thì ấm, nhưng chúng cần được chăm chút thường xuyên. Mỗi hè cần phải phủ một lớp đất sét mới trên mái để phòng những trận mưa mùa đông, và đôi khi nền nhà phải được nâng cao. Lý do cho việc này là vì rác vào thời cổ không được thu gom để đổ mà chỉ đơn giản được quẳng ra đường, thành ra theo thời gian mặt đường cao hơn nền nhà bên đường, khiến mưa và chất thải thấm chảy vào nhà. Do đó phải mang đất vào nhà , dầm nén chặt lên nền nhà cũ và lót thêm một lớp thạch cao. Các nhà khảo cổ không hiếm khi bắt gặp hai, ba hoặc nhiều hơn các nền nhà chồng chất lên nhau trong một ngôi nhà. Làm như thế, các ngôi nhà bằng gạch bùn có thể chịu được rất nhiều năm. Nhưng rồi một ngày có chuyện xảy ra. Hoặc là chiến tranh, hỏa hoạn, dịch bệnh, động đất, lũ lụt hoặc dòng sông đổi hướng, kết quả đều như nhau: toàn bộ thị trấn hoặc một phần bị bỏ trống. Mái nhà không ai tu bổ sẽ đổ sập và tường vách, giờ để mặc cho mưa nắng trên cả phía trong và ngoài, sẽ vỡ vụn, chất đầy gian phòng và phong kín những đồ vật mà gia chủ để lại. Trong trường hợp chiến tranh, sự tàn phá tất nhiên xảy ra ngay lập tức, kẻ địch chiến thắng thường phóng hỏa thành phố. Những tên đốt nhà này vô tình khiến những chuyên gia chữ hình nêm hạnh phúc, vì nhiều bảng chữ đất sét phơi nắng và do đó dễ vỡ được lửa nung đốt trở nên gần như bất hoại.
Sau nhiều năm hoặc thậm chí hàng thế kỷ bị bỏ hoang, những người định cư mới có lẽ sẽ chiếm lại địa điểm, có thể bị hấp dẫn bởi vị trí thuận lợi về mặt chiến lược hoặc thương mại, có nguồn nước ngọt dồi dào hoặc, có thể, lòng mộ đạo lâu dài với vị thần linh mà dưới sự bảo vệ của ngài nó đã được xây dựng. Vì họ không có phương tiện di dời đống xà bần khổng lồ, họ đơn giản san bằng đống đổ nát và sử dụng nó làm nền móng cho ngôi nhà mới của họ. Tiến trình lặp lại vài lần qua năm tháng, và khi ‘thứ bậc chiếm hữu’ tiếp nối nhau thành phố dần dần dâng cao hơn mặt đất chung quanh. Một vài địa điểm, đúng vậy, bị bỏ rơi sớm và vĩnh viễn; các địa điểm khác, như Erbil và Kirkuk, nhiều ít đã được chiếm hữu liên tục từ thời cổ đại tận đến bây giờ; nhưng đại đa số chúng, sau nhiều thế kỷ hoặc thiên niên kỷ bị chiếm hữu, lại bị bỏ hoang tại một thời kỳ nào đó trong lịch sử lâu dài của Iraq. Không khó để tưởng tượng điều gì xảy ra khi đó: bão cát chất đống dưới chân vách nhà và ngập đầy đường phố và mọi chỗ trũng, trong khi nước mưa làm phẳng lì bề mặt của tàn tích chất đống, trải rộng xà bần ra một diện tích rộng lớn. Chậm chạp nhưng kiên trì, thị trấn biến thành dáng dấp như hiện giờ: dáng dấp của một mô gò tàn tích ít nhiều đồng đều, tròn trĩnh hoặc, như người Ả Rập nói, sử dụng một từ cổ, có trước thời Hồi giáo, một cái ‘tell’.
Công việc của nhà khảo cổ là mổ xẻ chất liệu đan chặt của các bức tường còn đứng hay ngã đổ và nền móng, đá vụn, nền nhà và đất cát bám chặt, để phát lộ ra thiết kế của tòa nhà, để thu thập và bảo quản những vật thể chúng có thể chứa đựng và để nhận diện và tính niên đại những ‘thứ bậc’ tạo thành gò đống. Tùy theo thời gian và quỹ tài trợ có thể nhận được, họ sử dụng một trong vài phương pháp.
Cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để biết sơ sài có gì dưới gò đống là tiến hành một vụ ‘thăm dò’. Một vài đường hào được đào xuống bề mặt mô gò theo những góc khác nhau. Khi hào càng sâu, các vật thể như bình gốm được tập hợp để xác định niên đại và một ghi chép mô tả các nền nhà và những đoạn tường gặp phải. Phương pháp này hiển nhiên không hoàn hảo và chỉ nên sử dụng trong các khảo sát sơ khởi hoặc cho những di chỉ tương đối không quan trọng. Một biến thể thăm dò thường áp dụng cho những mô gò cao và hẹp bao gồm việc cắt một đường hào dài, không ở trên bề mặt mà ở trên sườn của mô gò từ đỉnh xuống đáy, giống như ta cắt một bánh Giáng Sinh. Một chuỗi đầy ấn tượng của những thứ bậc con người chiếm chỗ có thể được phát hiện theo cách này, mặc dù thực tế là nó không thể khoanh vùng một ngôi nhà nào.
Một phương pháp khác, hoàn hảo về mặt lý thuyết, là phân chia bề mặt di chỉ ra thành nhiều ô vuông, khai quật mỗi ô luân phiên đến một chiều sâu nào đó và bắt đầu làm lại toàn bộ cho một ‘lát cắt’ nằm ngang thứ hai. Các vật thể tìm được trong mỗi ô và trong mỗi lớp đều được đánh số cẩn thận và vẽ trên bản đồ. Khi công việc tiếp tục, các đền đài từ từ thành hình. Phương pháp này rất chậm chạp và tốn kém, hiếm khi được sử dụng. Như một quy luật, các nhà khảo cổ thích phương pháp gọi là ‘thăm dò mở rộng’. Một diện tích nào đó trên bề mặt mô gò được chọn lựa cẩn thận và một đường hào được đào, nhưng ngay khi chạm được những bức tường, họ sẽ đào theo chúng, dọn sạch hai bên mặt tường cho đến khi toàn thể tòa nhà được khai quật. Một vài diện tích được xử lý theo cùng một cách và có thể kề cận nhau hay không. Bắt cứ khi nào mong muốn, họ đào sâu bên dưới những tòa nhà trên cao nhất tức là gần đây nhất, để phá hủy chúng nhờ đó mang được những tòa nhà xưa hơn ra ánh sáng. Tại một hay nhiều điểm một đường hầm hoặc ‘hầm kiểm tra’ có thể được đào xuống tận lớp đất chưa được trồng trọt, cho ta một mặt cắt ngang của mô gò, một bản tóm lược của những thứ bậc chiếm chỗ cư trú khác nhau. Một vài phần trong di chỉ được giữ nguyên không đụng đến, nếu cần, nhưng điều này không mấy quan trọng nếu các công trình quan trọng như đền thờ và cung điện và một tuyển chọn các tư gia đã được tìm ra. Nimrud, Babylon, Uruk, Ur, Nippur và tất cả những di chỉ chính của Iraq đã và đang được khai quật theo phương pháp này với phần lớn những kết quả rất thỏa mãn.
Xác định niên đại
Xác định niên đại các đài tưởng niệm và vật thể được phát hiện có thể rất dễ hoặc rất khó. Hiển nhiên, một tòa nhà mà gạch xây có đóng dấu ‘Cung điện Sargon, Vua Assyria’ coi như đã có sẵn niên đại, miễn là chúng ta biết thời trị vì của Vua Sargon. Nhưng đây chỉ là biệt lệ. Đến giờ đa số vật thể được tìm thấy trong những khai quật khảo cổ – và tất nhiên toàn bộ liên quan đến tiền sử – đều không được khắc chữ. Trong những trường hợp như thế, việc định niên đại chỉ có thể xấp xỉ và ‘tương đối’, và dựa vào những tiêu chí như hình dáng, kích cỡ và phong cách. Kinh nghiệm tích lũy được qua những lần khai quật các mô gò đã dạy cho các nhà khảo cổ rằng gạch thuộc một kích cỡ nào đó, những bình có hình dáng và lối trang trí nào đó, những vũ khí theo kiểu nào đó, các công trình xây dựng mang phong cách nào đó. . . là có tính độc quyền hoặc được tìm thấy với lượng áp đảo tại một thứ bậc nào đó và, được nhóm lại với nhau, tạo thành điều gọi là một ‘chân trời văn hóa hoặc ‘tầng văn hóa’. Chỉ cần một trong số những vật thể này có ghi khắc một ‘niên đại’, hoặc nếu nó được tìm thấy sát bên và có mối liên hệ không tranh cãi với một đền đài đã được xác định niên đại, thế thì toàn bộ tầng văn hóa dễ dàng nằm đúng chỗ trống của khung thời gian. Nếu không, phải bỏ ra công sức để xác định mối tương quan thời kỳ mà những vật thể này được sử dụng với những thời kỳ xưa hơn và sớm hơn. Lấy một ví dụ, trên một số di chỉ phía Nam Mes một loại bình gốm có sơn màu (gọi là bình gốm Jemdat Nasr ) xuất hiện ngay lập tức bên dưới một tầng văn hóa đặc trưng, trong số những nét khác, bởi loại gạch một mặt thì phẳng, mặt kia thì tròn) và ngay lập tức ở trên một tầng văn hóa trong đó gạch men đơn sơ, màu da bò hoặc đen hoặc đỏ lấn át. Những chữ khắc khác nhau khiến ta có thể định được niên đại của gạch phẳng-lồi vào thiên niên kỷ thứ 3 TCN (thời kỳ Vương triều Đầu khoảng 2900-2334 TCN). Đồ gốm đơn sơ không định được niên đại nhưng cấu thành một bộ phận của chân trời văn hóa có tên là ‘Uruk’ theo địa điểm nơi đầu tiên nó được nhận diện. Tầng văn hóa Jemdat Nasr do đó có thể được định cho một niên đại ‘tương đối’. Đó là thời kỳ trung gian giữa thời kỳ Uruk và thời kỳ Vương triều Đầu và kết thúc vào khoảng 2900 TCN. Nó kéo dài bao lâu là một vấn đề khác, nhưng có cách để ước tính nhắm chừng.
Khi nghiên cứu lịch sử cần thiết là phải biểu diễn các niên đại bằng các con số, và không kém thú vị khi xem xét làm thế nào có được những con số này và chúng ta có thể tin cậy chúng đến mức độ nào.
Người Hy Lạp cổ tính niên đại từ Vận Hội Olympiad đầu tiên (776 TCN), người La Mã tính từ năm thành lập La Mã (753 TCN); người Hồi tính từ sự kiện hijra (giáo chủ đạo Hồi di tản từ Mecca đến Yathrib vào năm 622 SCN) và chúng ta có kỷ nguyên Cơ đốc của mình. Dân Mes cổ đại, tuy nhiên, không có một hệ thống biên niên sử cố định như thế cho mãi đến thời kỳ cuối trong lịch sử của họ, khi họ công nhận kỷ nguyên Seuleucid (311 TCN). Trước thời kỳ đó, họ chỉ đơn giản tham chiếu với những năm trị vì của các nhà cai trị. Những năm này có thể được biểu thị bằng ba cách: (1) những năm trị vì được cho bằng những con số thường, chẳng hạn, năm thứ 12 đời Nabû-na’id (Nabonidus), Vua xứ Babylon; (2) hoặc trong mỗi triều đại mỗi năm được xác định bởi một sự kiện quan trọng nào đó như chiến thắng, đám cưới hoàng gia, xây dựng đền thờ. . . đã xảy ra vào năm trước đó, chẳng hạn, Năm Uruk và Isin được chinh phục; (3) hoặc mỗi năm trong đời trị vì một nhà vua được đặt tên theo viên chức cao cấp của vương quốc (lối ghép nhân danh hay limmu). Trong triều đại Sumer buổi đầu dường như cả ba hệ thống đều được sử dụng. Sau đó hệ thống thứ hai (năm-tên) được Babylonia công nhận và được sử dụng cho đến thời kỳ Kassite khi nó được thay thế bằng hệ thống đầu tiên. Ở Assyria, tuy nhiên, hệ thống lối ghép nhân danh được giữ trong suốt chiều dài lịch sử.
Những hệ thống định niên đại này chỉ có giá trị thực tiễn cho chính dân Mes nếu họ sở hữu với mỗi nhà vua một danh sách tên các năm hoặc danh sách các tên ghép nhân danh, với mỗi triều đại danh sách các vị vua cùng thời gian trị vì của họ, và cuối cùng một danh sách các triều đại liên tiếp cai trị trên đất nước. Những danh sách như thế tồn tại và một vài danh sách đã may mắn còn sót lại. Sau đây là vài ví dụ:
Danh sách Niên đại của Vua Hammurabi của Babylon
(Năm 1) Hammurabi lên ngôi.
(Năm 2) Ngài chấn hưng công lý trên đất nước.
(Năm 3) Ngài xây một ngai vàng cho bệ thờ chính của thần Nanna ở Babylon.
(Năm 4) Bức tường của Gagia (khu vực thiêng) được xây dựng.
(Năm 5) Ngài xây dựng en. ka.ash.bar.ra (?).
(Năm 6) Ngài xây dựng shir (?) của nữ thần Laz.
(Năm 7) Uruk và Isin được chinh phục.
(Năm 8) Xứ Emutbal (được chinh phục).
Từ danh sách này có thể thấy niên đại trích dẫn ở trên là năm trị vì thứ 7 của Vua Hammurabi.
Danh sách Vua B, ghi lại Triều đại Thứ Nhất của Babylon
Sumuabi, vua, (trị vì) 15 (14) năm.
Sumulail, 35 (36) năm.
Sabu, con trai ngài, cũng vua, 14 năm.
Apil-Sin, con trai ngài, cũng vua, 18 năm.
Sin-muballit, còn ngài, cũng vua, 30 (20) năm.
Hammurabi, con trai ngài, cũng vua, 55 (33) năm.
Samsuiluna, con trai ngài, cũng vua, 35 (38) năm …..
Danh sách tiếp tục với bốn vị vua khác và kết thúc với phát biểu ‘mười một vua, triều đại Babylon’. Do đó chúng ta biết rằng Hammurabi là vị vua thứ 6 của Babylon và rằng ngài cai trị trong 55 (43) năm. *
Danh sách Limmu (ghép nhân danh, thời trị vì của Adad-nirâri III (810 – 783 TCN.)
Adad-nirâri, vua Assyria (chiến dịch) chống Manna
Nergal-ilia, turtânu (thống soái), chống Guzana
Bêl-daiân, nâgir ekalli (sứ giả cung điện ), chống Manna
Sil-bêl, rab shaqê (trưởng tiếp tửu), chống Manna
Ashur-taklak, abarakku (giám lý), chống Arpad
Ili-ittia, shakin mâti (thống đốc Assur), chống thị trấn Hazâzu
Nergal-eresh, (thống đốc) của Rasappa, chống thị trấn Ba’li . . .
Những khoảng thời gian trong danh sách này có thay đổi. Một số giới hạn tại một địa điểm và một triều đại. Số khác, như danh sách vua B vừa trích dẫn ở trên, bao gồm một vài triều đại cai trị – ít nhất có vẻ hiển nhiên – là nối tiếp. Những danh sách khác thậm chí còn tham lam hơn, ôm trọn những thời kỳ rất dài và các triều đại của vài vương quốc. Chẳng hạn ‘Danh sách Vua Sumer’ nổi tiếng do Th. Jacobsen tái lập, trải dài từ những nhà cai trị huyền thoại ‘trước Đại Hồng Thủy’ cho đến Damiq-ilishu (1816 – 1794 TCN), vị vua cuối cùng của Triều đại Đầu tiên của Isin.
Để biểu thị những niên đại như thế theo lịch Cơ đốc là không thể nhưng nhờ có Claudius Ptolemeus (Ptolemy), một người Hy Lạp từ Alexandria vào thế kỷ 2 SCN đã bổ sung vào một quyển sách của ông một danh sách tất cả vì vua Babylon và Ba Tư từ thời Nabonassar (747 TCN) đến Alexander Đại Đế (336 – 323 TCN). Danh sách này, được biết dưới tên ‘Chuẩn Ptolemy’, không chỉ cho biết thời gian trị vì của mỗi nhà vua mà còn những sự kiện thiên văn nổi bật đánh dấu một số đời vua. Giờ đây bằng cách kết hợp các dữ liệu từ một vài bảng đất sét Assyria ta có thể tái tạo một danh sách limmu dài, không gián đoạn cho thời kỳ giữa
Adad-nirâri II (911 – 891 TCN) và Ashurbanipal (668 – 627 TCN), và danh sách limmu này cũng cung cấp những hiện tượng thiên văn chính trong giai đoạn này. Giữa năm 747 và 631 TCN danh sách limmu và Chuẩn Ptolemy trùng khớp, và như thế các sự kiện nhật thực, chuyển động các vì sao . . . mà chúng đề cập cũng vậy. Hơn nữa, các nhà thiên văn đã tìm thấy rằng một vụ nhật thực, mà trong danh sách limmu cho rằng đã xảy ra vào tháng Sivan (tháng 5-6) của năm trị vì thứ 10 của Vua Ashur-dân, đã thực sự xảy ra vào ngày 15/6/763 TCN, và đây chính xác là niên đại có được bằng cách tính lùi và cộng lại những năm trị vì của mỗi nhà vua trên danh sách. Biên niên sử tuyệt đối của Mes do đó được xác lập vững chắc từ 911 TCN trở đi. Biên niên sử của những thời kỳ đầu vẫn còn dựa trên những nền tảng mong manh hơn. Về lý thuyết, nó hẳn phải có thể biết được từ những danh sách vua và danh sách triều đại, những điều này đã chứng tỏ là sai lầm. Không những chúng cho thấy những khác biệt có ý nghĩa, mà chúng còn chứa một số lỗ hổng hoặc sai sót của người ghi chép, hoặc họ đưa ra những triều đại liên tiếp mà, thực ra, có phần trùng lắp nhau hoặc cùng thời. Do đó không lấy gì ngạc nhiên khi bắt gặp những con số khác nhau trong các sách giáo khoa khác nhau và những thay đổi ý kiến thỉnh thoảng xảy ra. Chẳng hạn, niên đại đăng cơ của Vua Hammurabi xứ Babylon được cho là năm 2394 TCN cách đây 100 năm (Oppert, 1888), 2003 sau Thế Chiến I (Thureau-Dangin, 1927), và giờ đây thay đổi trong khoảng 1848 (Sidersky, 1940) và 1704 (Weidner, 1951), nhưng phần đông các sử gia về Cận Đông cổ đại đã thỏa thuận cái gọi là biên niên sử ‘trung vị’ theo đó Hammurabi trị vì từ 1792 đến 1750 TCN và đây là biên niên sử được tìm thấy trong sách này.
Chúng ta sẽ không kết thúc chủ đề này mà không đề cập đến những nỗ lực được tiến hành để đặt biên niên sử trên một cơ sở khoa học hơn bằng các phương pháp vật lý và, đặc biệt, phương pháp Các-bon 14 hay Các-bon phóng xạ được Giáo sư W. F. Libby ở Chicago tìm ra vào năm 1946. Nguyên tắc của nó ngắn gọn như sau: mọi sinh vật sống chứa các-bon thông thường có khối lượng nguyên tử 12 và một đồng vị phóng xạ các-bon có khối lượng 14 được hình thành trong các lớp trên của khi quyển qua tác động của tia vũ trụ vào nitrogen, rơi trên mặt đất và được cây cối và cuối cùng là động vật hấp thụ. Tỉ số các-bon 14 với các-bon 12 luôn giữ cố định suốt chu kỳ sự sống: một phần tỉ của một gam cho mỗi gam các-bon bình thường. Sau khi chết, khi không còn hấp thụ các-bon 14, phần các-bon đó trong sinh vật giảm xuống từ từ và đều đặn bằng cách biến thành nitrogen. Vì đường cong phân hủy, hoặc đường cong ‘bán chu kỳ đời sống’, của các-bon 14 được biết (đó là 5,568 năm), có thể tìm được niên đại tại đó sinh vật chết, và từ đó số tuổi của nó. Phương pháp này có thể áp dụng cho chất hữu cơ, như xương, gỗ, than, vỏ ốc, lau sậy. . . được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ, nhưng tính hữu dụng của nó chỉ giới hạn bởi một số nhân tố (‘độ lệch chuẩn’ gắn liền trong kỹ thuật đếm độ phóng xạ, lây nhiễm với chất liệu xưa hơn hoặc mới hơn, độ biến thiên trong nồng độ các-bon 14 theo thời gian) và những nỗ lực gần đây nhằm ‘xác định’ chỉ số các-bon phóng xạ bằng việc nghiên cứu vòng sinh tầng của cây). Điều này có nghĩa niên đại các-bon phóng xạ phải được xem xét thận trọng; chúng vô cùng hữu ích khi xét tuổi thời tiền sử – vì sự khác biệt một vài trăm năm không thành vấn đề lớn – nhưng không thể sử dụng để tính niên đại lịch sử chính xác.
Nghiên cứu Khảo cổ ở Iraq
Sự biến đổi của một thành phố phồn thịnh thành mô gò xảy ra nhanh hơn ta tưởng. Herodotus vào giữa thế kỷ thứ 4 TCN chứng kiến Babylon còn sống, nhưng quên đến thăm Nineveh bị tàn phá cách đó một thế kỷ rưỡi, và Xenophon dẫn theo 10,000 lính đánh thuê Hy Lạp băng qua Mes vào năm 401 TCN đi qua gần thủ phủ Assyria vĩ đại mà không hề chú ý đến nó. Bốn thế kỷ sau, Strabo nói về Babylon như một thị trấn đổ nát, ‘gần như hoàn toàn hoang vắng’.
Một ngàn năm trôi qua. Khi lớp bụi thời gian bao trùm xuống các thành phố cổ đại càng lúc càng dày lên, ký ức về chúng phải nhạt dần. Các sử gia và nhà địa lý Ả Rập còn nhớ chút ít về quá khứ quang vinh của Iraq, nhưng châu Âu đã quên phương Đông. Những chuyến hành trình của Benjamin xứ Tudela vào thế kỷ 12 và chuyến du lịch của nhà tự nhiên học người Đức Rauwolff 400 năm sau đó chỉ là những chương hồi lẻ loi. Chỉ đến thế kỷ 17 mối quan tâm của phương Tây đối với cổ vật Đông phương mới được đánh thức, khi một nhà quý tộc Ý, Pietro della Valle, kể lại chuyến du hành hấp dẫn của mình khắp Mes và mang về châu Âu, vào năm 1625, những viên gạch tìm được ở Ur và Babylon ‘trên đó khắc những ký hiệu bí ẩn nào đó’. Dần dần, giới học thuật và hoàng gia ngộ ra rằng có cả một lãnh địa đáng được khám phá. Lần đầu tiên, vào năm 1761 một sứ mạng khoa học được Vua Đan Mạch phái đến phương Đông với mệnh lệnh thu nhặt càng nhiều thông tin càng tốt về những đề mục khác nhau, trong đó có khảo cổ học. Nhiều bảng khắc được sao chép tại Persepolis bởi trưởng nhóm Karsten Niebuhr – một nhà toán học chuyên nghiệp – được gửi đến các nhà ngôn ngữ học, lập tức họ lao vào giải mã chữ viết bí mật. Từ lúc đó trở đi, gần như tất cả ai đến thăm, hoặc sinh sống ở, Đông phương đều tìm cách đến khai thác những tàn tích của nó, thu nhặt các ‘antikas’ và sao chép các chữ khắc. Nổi tiếng trong số đó là Joseph de Beauchamp, một tu viện trưởng và nhà thiên văn Pháp xuất sắc (1786), Claudius James Rich, một Công sứ của Công ty Đông Ấn và Lãnh sự Toàn quyền Anh ở Baghdad (1807), Sir James Buckingham (1816), Robert Mignan (1827), James Baillie Fraser (1834) và viên sĩ quan quân đội, nhà thể thao, thám hiểm và ngôn ngữ phi thường đó, không nghi ngờ gì là nhân vật kiệt xuất hơn tất cả, Sir Henry Creswicke Rawlinson (1810 – 95). Chúng ta cũng nên kể ra ở đây ít nhất một đoàn thám hiểm quan trọng được nhà nước hỗ trợ vào đầu thế kỷ 19, Đoàn Thám hiểm the British ‘Tigris – Euphrates Expedition’ (1835 – 6) do F. R. Chesney cầm đầu, có nhiệm vụ khảo sát lộ trình của Lưỡng Hà và thu thập tài nguyên thông tin trên xứ sở chung quanh chúng.
Trừ hai hố nhỏ do Beauchamp và Mignan đào bới ở Babylon, tất cả những nhân vật này đều giới hạn những hoạt động của mình cho việc khảo sát và đo lường các cụm phế tích khi họ bắt gặp chúng và còn lâu mới có thể tưởng tượng được những gì ‘các mô gò hoang vu trơ trọi đó’ chôn giấu. Nhưng vào năm 1843 Paul Emile Botta, Lãnh sự Pháp tại Mosul sinh tại Ý, tiến hành ở Khorsabad cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên tại Iraq, phát hiện ra người Assyria và mở ra một kỷ nguyên mới. Gần như ngay lập tức (1845) một người Anh, Sir Henry Layard, theo bước chân ông ở Nimrud và Nineveh, và chẳng bao lâu một số mô gò được khai quật. Vào năm 1877 Ernest de Sarzec, Lãnh sự Pháp tại Basrah, nghe tin một số bức tường được tìm thấy tình cờ ở Telloh, gần Nasriyah, liền quyết định đến đào ở đó và phát hiện ra người Sumer. Như vậy trong vòng 30 năm một nền văn minh chưa từng biết đến được phát hiện trước sự sửng sốt của thế giới, cho thấy Mes có thể cống hiến những báu vật gần như nhiều bằng Hy Lạp và Ai Cập. Botta, Layard, Sarzec, Loftus, Smith, những nhà tiên phong của thời kỳ anh hùng đều là những người nghiệp dư theo đúng mọi nghĩa của từ này. Họ không có kinh nghiệm và thiếu phương pháp. Mục tiêu chính của họ là phát hiện và gởi về các bảo tàng trong xứ mình những bức tượng, hình chạm khắc, bảng chữ khắc và tạo tác nghệ thuật tổng quát. Họ không rãnh rỗi cho gạch bùn và các bình gốm vỡ, phá hủy nhiều nhưng bảo tồn ít, nhưng họ là những người mở đường và, mặc dù gặp đủ mọi loại trở ngại, làm việc với một năng lượng và nhiệt tình chưa ai vượt được.
Trong khi đó, tại các thư viện của châu Âu những người tiên phong không kém nhiệt huyết và nhiều nhẫn nại hơn lao vào nhiệm vụ tuyệt vời là giải mã những bảng khắc chữ viết mà lúc đó đổ về hàng ngàn trong các bảo tàng. Câu chuyện phiêu lưu trí tuệ này, kéo dài không ít hơn 100 năm và đòi hỏi đến cùng cực sự sắc sảo của các học giả từ vài quốc gia, không thể kể hết ở đây dù một cách ngắn gọn. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy phải tỏ lòng tri ân đến những người như Grotefend, một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp tại Đại học Gottingen, người đã đột phá đầu tiên với chút thành công cố đọc ra các chữ khắc Ba Tư Cổ dưới dạng hình nêm do Niebuhr sao chép tại Persepolis; Rawlinson, người giữa năm 1835 và 1844 không chỉ liều mình sao chép bảng khắc bằng ba ngôn ngữ mà Darius đã cho khắc trên vách núi Behistun ở Tây Iran nhưng cũng bắt đầu phiên dịch nó – bảng khắc bằng chữ Ba Tư Cổ, chữ Babylon và Elamite đã được gọi là ‘đá Rosetta của ngành Assyria học’, với sự khác biệt là không có ngôn ngữ nào trong ba ngôn ngữ này có thể đọc được lúc đầu – và đối với người Ái Nhĩ Lan Edward Hincks và đồng nghiệp Pháp của mình Jules Oppert, cùng với Rawlinson, là những người xứng đáng được gọi là ‘ba ngôi’ của ngành nghiên cứu chữ hình nêm, vì họ vượt qua những khó khăn ngôn ngữ và chữ khắc cam go nhất và, như những người tiếp nối hiện nay nói, ‘đã mở những trang bụi bặm của các “quyển sách đất sét” bị chôn vùi khắp vùng Cận Đông cổ’. Việc giải mã ngôn ngữ Assyro-Babylonian (giờ được gọi là Akkadian) được xem là bảo đảm vào năm 1848, và vào năm 1900 ngôn ngữ Mes cổ khác, tiếng Sumer, cũng được biết rộng rãi. Tiếng Akkadian giờ đây thực sự không còn gì bí mật nữa; còn ngôn ngữ Summer vẫn còn những góc khuất tối, nhưng càng ngày càng tăng độ chắc chắn. Theo ước tính dè dặt, có khoảng nửa triệu bảng văn đất sét – hoặc, vì nhiều trong số đó vẫn chưa được xuất bản, cuối cùng sẽ đến tay các sử gia, và còn vô số hơn nữa sẽ được phát hiện khi công tác khảo cổ tiếp diễn. Có thể nói không quá lời là không có nước nào trên thế giới cống hiến một tài sản văn bản cổ lớn đến như vậy ngay dưới hình thức được viết ra cách nay hàng ngàn năm.
Việc người Đức bước vào sân khấu vào đầu thế kỷ 20 báo trước một cách tiếp cận mới mẻ cho công việc khai quật. Robert Koldewey ở Babylon (1899 – 1917) và Walter Andrae ở Assur (1903 – 14) giới thiệu những kỹ thuật nghiêm nhặt, thậm chí là chi li vào một lãnh vực mà may mắn và trực giác đã từ lâu chế ngự. Chẳng bao lâu phương pháp Đức được công nhận rộng rãi, và hai mươi năm khoảng giữa hai thế kỷ chứng kiến điều có thể được coi là thời kỳ thành tựu rực rỡ nhất trong lịch sử khảo cổ Mes. Đó là những ngày tháng khi Woolley đào lên quá khứ vinh quang của Ur và Nghĩa trang Hoàng gia của nó (1922 – 34), khi Heinrich và đội của ông làm việc tại Uruk, Parrot tại Mari, người Anh tại Ubaid, Nineveh, Arpachiyah và Chagar Bazar, người Mỹ tại Tepe Gawra, Nuzi và trong thung lũng Diyala l, và cả người Anh và người Mỹ tại Kish và Jemdat Nasr. Từng mô gò một, lớn và nhỏ, được đào lên và mở ra những bí mật. Những đặc điểm chính của lịch sử Mes được xác định từng mảnh một, và vượt qua lịch sử là những nền văn hóa lâu đời hơn và đầy mê hoặc xuất hiện, ném ánh sáng mới mẻ vào nguồn gốc văn minh trong khu vực đó của thế giới.
Trong thời gian này Iraq đã trở thành một quốc gia. Baghdad giờ đã có viện bảo tàng riêng. Các nhà khảo cổ trẻ Iraq đã được đào luyện, và những cuộc khai quật, còn lâu mới dừng lại hoàn toàn trong thời Thế chiến II, lại tiếp tục với những kết quả thú vị nhất tại ‘Uqair (1940 – 1), Hassuna (1943 – 4) và ‘Aqar Quf (1943 – 5). Chiến tranh đã qua, công việc lại tiếp tục bởi người Đức (Lenzen) tại di chỉ to lớn Uruk, bởi người Mỹ (Haines và McCown) tại thủ đô tôn giáo của Sumer, Nippur, và bởi người Pháp (Parrot) tại Mari, thủ phủ của Trung Euphrates. Mallowan, cho Bảo tàng the British Museum, mở lại Nimrud, thành phố thủ đô của Assyria đã không được sờ mó đến trong hơn 70 năm qua. Seton Lloyd, Taha Baqir, Fuad Safar đào cho Bảo tàng Iraq ba di chỉ mới: Eridu, một trong những thành phố thiêng cổ nhất của Iraq, Harmal, một mô gò khiêm nhường không ngờ rất phong phú về văn bản, và Hatra, thủ đô kỳ lạ của vương quốc Ả Rập tiền Hồi giáo. Sau 1958, Cộng hòa Iraq non trẻ càng mở cửa rộng hơn cho các nhà khảo cổ nước ngoài. Trong khi người Đức và Mỹ tiếp tục làm việc tại những di chỉ không thể cạn kiệt Uruk và Nippur, trong khi chính người Iraq phát hiện tại Tell es-Sawwan một nền văn hóa tiền sử mới và thăm dò nhiều mô gò nhỏ hơn, những cuộc khai quật mới mẻ được người Anh tiến hành tại Tell al-Rimah, Umm Dabaghiyah, Choga Mami và Abu Salabikh, và người Pháp tại Larsa và người Bỉ tại Tell ed-Der, người Đức tại Isin, người Ý tại Seleucia, người Nga tại Yarim Tepe và người Ba Lan tại Nimrud, và thậm chí người Nhật tại Telul ath-Thalathat, đó là chỉ kể những di chỉ chủ yếu. Ngay khi đang viết tác phẩm này, vài cuộc khai quật vẫn còn đang tiếp diễn và những cuộc khác đang được dự trù. Tất cả thành phố lớn của Mes cổ đại và nhiều thị trấn ít tiếng tăm hơn đã và đang được khai quật và một số lượng công việc phục hồi đáng kể đã và đang được tiến hành nhất là tại Nineveh, Nimrud, Babylon, Ur và Hatra.
Trong những năm cuối thập niên 1970 một loại hoạt động khảo cổ mới phải làm gấp rút – gọi là ‘khai quật giải cứu’ – do sắp sửa xây dựng vài con đập trên Euphrates, Tigris và một số phụ lưu của chúng ở cả Syria lẫn Iraq. Các hồ tạo ra bởi các con đập này có nguy cơ nhận chìm một số lớn các mô gò, và phải khẩn cấp thám hiểm chúng nhiều như có thể trước khi điều này xảy ra. Những công tác đồ sộ này được các nhà khảo cổ Syria và Iraq hợp tác cùng với các đồng nghiệp từ châu Âu, Mỹ, Úc và Nhật. Chiến dịch đầu tiên trong số các chiến dịch giải cứu đại quy mô được thúc đẩy khi đập Assad tại khúc quanh lớn của Sông Euphrates trên Syria được xây dựng; rồi tới ‘dự án lưu vực Hamrin’ trong thung lũng của một phụ lưu sông Diyala ở Iraq, những cuộc khai quật tận dụng Haditha (hoặc Qadissiyah) tại đoạn giữa Euphrates, và dự án Eski Mosul trong thung lũng Tigris thượng nguồn trên Mosul. Tổng cộng, gần 200 di chỉ trải dài từ thời tiền sử đến thời kỳ Hồi giáo muộn, được thám sát, một số từng phần và ngắn hạn, số khác mở rộng và kéo dài đến vài tháng hoặc vài năm. Kết quả của nỗ lực quốc tế này rất là phấn chấn: chúng mang ra ánh sáng không chỉ một ít thành phố lớn, như Emar (Meskene), nhưng cũng một số thị trấn tương đối nhỏ, như Haradum trên sông Euphrates đoạn nằm trên Iraq, chắc chắn sẽ không bao giờ được khai quật; chúng cung cấp một số lớn các thông tin về kiểu dạng định cư tại những thời kỳ khác nhau và lắp đầy nhiều lỗ hổng kiến thức về nền văn hóa thời sơ sử từ trước đến giờ biết được rất ít.
“Cuộc Chiến Vùng Vịnh’ đã đặt dấu chấm hết đến mọi nghiên cứu khảo cổ ở Iraq, nhưng không nghi ngờ gì nữa sớm hay muộn những hoạt động hoà bình như thế sẽ được tái tục tại đó. Khoảng 6000 mô gò ở riêng Iraq đang đợi người đến đào bới – đủ khiến họ bận rộn một vài thế hệ các nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu bảng chữ khắc. Và như thể trong cuộc tìm kiếm quá khứ của chúng ta chúng ta đi ngược về thời gian, sau người Assyria, sau người Babylon, sau người Sumer, sau những dân tộc không tên của thiên niên kỷ thứ 4 và 5 TCN, thời Đồ Đá của Iraq đã được rọi sáng. Dù có những lỗ hổng không thể tránh khỏi trong kiến thức chúng ta, cuối cùng đã có thể viết lại toàn bộ lịch sử của Mes cổ đại, bắt đầu từ những ngày xa ngút khi con người chọn vùng đồi và hang động ở Kurdistan để làm nơi cư trú và để lại sau họ những công cụ thô sơ bằng đá lửa đã tiết lộ sự hiện diện của mình.
Lướt dạo trên wordpress nhưng mà không ngờ gặp được cái chủ đề xịn quá. Nhà mình có hứng thú về khu vực dọc Thổ Nhĩ Kì không á, em muốn tìm hiểu về Hittite nhưng mà nguồn lực có hạn không mua sách được với trên mạng thì không có biết là nên đọc ở đâu, có thì cũng là tiếng nước ngoài nhìn không hiểu nên là nếu được thì sau này nhà có hứng thú thì làm thử nhaaa, cho em đọc ké
ThíchThích