CHƯƠNG 3 : TỪ HANG ĐỘNG ĐẾN NÔNG TRẠI
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Cho đến 1949 các sách giáo khoa cũng như tập san khoa học đều câm lặng về thời tiền sử Iraq. Các công trình khảo cổ đã tập trung vào đồng bằng Lưỡng Hà, nơi những tàn tích tiền sử, nếu tồn tại, thì giờ đây đã bị chôn vùi dưới lớp bồi tích rất dày. Các tầng thấp nhất của vài mô gò đã cung cấp đủ chất liệu cho các sử gia để dựng lại một chuỗi 5 nền văn hoá sơ sử thông báo và giải thích thời bình minh của nền văn minh Sumero-Akkadian vào khoảng 3000 TCN, nhưng tất cả nền văn hóa này đều thuộc thời Đồ Đá Mới muộn và các thời đại Đồ Đồng Đá và kéo dài nhiều nhất là vài ngàn năm. Thời tiền sử thực sự, Thời Đồ Đá của Iraq, đúng là chưa được biết đến. Đúng ra, một ít công cụ đá lửa đã được tìm thấy trên bề mặt tại những vùng khác nhau của sa mạc Syro-Mesopotamian, và ngay từ năm 1928 Giáo sư D. A. E. Garrod, nhà nữ khảo cổ có tiếng nhờ các công trình nghiên cứu về Palestine thời tiền sử, đã đến thăm Kurdistan và tìm thấy những đồ tạo tác trong hai hang động gần Suleimaniyah; nhưng những phát hiện này thu hút ít chú ý ngoài một nhóm nhỏ chuyên gia. Hai mươi năm trôi qua trước khi Giáo sư R. J. Braidwood loan báo di chỉ Đồ Đá Mới Jarmo và khơi dậy mức quan tâm đủ để xúc tiến thêm nghiên cứu trong lãnh vực từ lâu bị bỏ quên này. Từ đó, những cuộc khai quật của người Mỹ tại Barda-Balka, Palegawra và Karim-Shehir (1951), cuộc khảo sát lưu vực Zab của Viện Đông phươg thuộc Đại học Chicago (1954-5) và những khám phá đầy kinh ngạc của Tiến sĩ R. Solecki trong hang động Shanidar từ 1951 đã đóng góp đáng kể vào kiến thức của chúng ta về quá khứ cổ xưa nhất của Iraq và lấp đầy một khoảng hở rất đáng tiếc trong tiền sử Cận Đông.
THỜI ĐỒ ĐÁ CŨ
Trong ba tiểu thời kỳ cổ điển của Thời Đồ Đá – Đá Cũ, Đá Giữa và Đá Mới – Đá Cũ là thời kỳ dài nhất. Nó hoàn toàn nằm trong thời kỳ địa chất gọi là Pleistocen vì nó là chương ‘gần đây nhất’ trong lịch sử rất lâu dài của trái đất. Thời kỳ Pleistocen bắt đầu xấp xỉ 2 triệu năm cách đây và kết thúc khoảng 10000 TCN, và được thay bằng thời kỳ Holocen (‘muộn nhất’) trong đó chúng ta đang sống. Pleistocen cùng với Holocen lập thành Kỷ Đệ Tứ.
Bắt đầu của Pleistocen được đánh dấu bằng những chấn động tột cùng và yếu đi của thời kỳ trước, Pliocen, mà trong vùng Cận Đông đưa đến sự hình thành của dãy Taurus và Zagros, một bộ phận của hệ thống Alpine-Himalayan, đến một đứt gãy sâu của Thung lũng Rift nối Biển Chết và Biển Đỏ với các hồ Đông Phi mênh mông, và đến sự hình thành bình nguyên Lưỡng Hà và Vịnh Ả Rập-Ba Tư do sự trượt của của nền cứng Ả Rập bên dưới cao nguyên Iran không kém vững chắc. Những chuyến dịch kiến tạo này đi kèm với hoạt động plutonit đáng kể, chứng cứ là nhiều núi lửa, hầu hết ngày nay đều ngừng hoạt động, rải rác khắp Thỗ Nhỉ Kỳ, dãy Caucasus và Iran, cũng như những cánh đồng dung nham bát ngát được tìm thấy, chẳng hạn ở Syria, phía nam Damascus.
Cách đây khoảng 1 triệu năm, bề mặt trái đất, lúc ấy gần như đạt đến cấu hình như bây giờ, bước vào một thời kỳ nghỉ ngơi tương đối, hoạt động chủ yếu là sự xói mòn của địa hình. Việc này phần lớn gây ra do sự mở rộng và thu nhỏ của bốn chỏm băng kế tiếp nằm trên các khu vực phía bắc châu Âu và châu Mỹ: bốn thời kỳ đóng băng được gọi, ít ra là ở châu Âu: Günz, Mindel, Riss và Würm, và các hậu quả của chúng. Cần phải ghi nhận rằng trong những vùng nhiệt đới, tiểu nhiệt độ và xích đạo những thời kỳ mưa dầm dài xen kẽ với thời kỳ tương đối khô hạn tương ứng xấp xỉ với thời kỳ băng hà và gian băng của châu Âu và Bắc Mỹ.
Kỹ thuật đá ở Kurdistan: 1 – 4, công cụ đá nhỏ (Shanidar B); 5 – 13, Aurignatian (Baradostian, Shanidar C); 14 – 16, Mousterian (Shanidar D); 17–19, Levalloisian-Acheulaean (Barda Balka)
Mặc dù có một số chứng cứ về thời kỳ băng giá có chu kỳ trong vùng núi Taurus và Zagros, những lớp băng lớn chưa hề vươn xa về phía nam đến tận Cận Đông. Iraq đứng ngay giao lộ của những miền hứng chịu các điều kiện tiểu băng hà và tiểu mưa dầm, và những thay đổi tột đỉnh xảy ra trong xứ sở đó trong thời kỳ Pleistocen không bao giờ bi thảm như trong các khu vực khác của thế giới. Nhưng dù sao, chúng cũng gián tiếp tạo hình các đặc điểm địa văn. Mực nước của Vùng Vịnh dao động lên xuống theo sự biến thiên của chỏm băng ở cực, như chúng ta đã nhìn thấy, và điều này ảnh hưởng đến biên dạng của các con sông và hành động xói mòn của chúng. Trái lại, những giai đoạn mưa dầm đi kèm với sự xói mòn mạnh mẽ xen kẽ với giai đoạn khô ráo đánh dấu bằng sự bồi lắng toàn bộ của bùn và đá sỏi dưới lòng sông. Tại ít nhất một vùng đồi thấp Kurdistan bốn chu kỳ tiếp nối như thế đã được nhận dạng và tương quan với hai thời kỳ băng giá và gian băng. Khó mà tưởng tượng, có những thời điểm khi những con sông lớn chảy băng qua sa mạc, lúc ấy Tỉgis và Euphrates có lẽ rộng lớn như Mississippi và hai sông Zab và Diyala, mang lưu lượng nước gấp 10 lần như bây giờ, cắt thành những thung lũng sâu và rộng vào mỏm núi Kurdistan. Trong gần suốt thời kỳ Pleistocen cả sa mạc phía tây và vùng đồi Iraq là những thảo nguyên và những vùng cao được lợi nhờ một khí hậu tương đối ôn hòa và ổn định nên cung cấp những điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự sinh tồn của người tiền sử.
Chắc chắn dấu vết cổ xưa nhất của sự hiện diện của con người ở Iraq là đá vôi, đá lửa và ‘công cụ đá sỏi’ thạch anh (nói cách khác sỏi dưới sông được mài đẻo để có thể sử dụng làm rìu tay) được tìm thấy cách đây ít năm trong thung lũng Tigris thượng lưu phía bắc Mosul. Những chế tác này được chẩn đoán là ‘kỹ thuật Acheulaean muộn, có niên đại thuộc phần tư cuối cùng của tiểu thời kỳ Đồ Đá Cũ Sớm dài vô cùng, cách nay khoảng 500,000-110,000 năm. Rồi tiếp theo, trên thang thời gian, di chỉ hấp dẫn Barda-Balka gần Chemchemal, giữa Kirkuk Suleimaniyah, được phát hiện vào năm 1949 bởi các nhà khảo cổ Iraq. Tại đó, chung quanh một cự thạch (megalith) thời Đồ Đá Mới, là các công cụ đá lửa đồ đá cũ nằm trên mặt đất. Một cuộc thăm dò do hai nhà khảo cổ Mỹ lần dấu vết của chúng đến một ‘xưởng’ hay ‘điểm dừng chân’ lộ thiên giờ được chôn vùi dưới 3 đến 5 bộ đất bùn và sỏi. Những công cụ đá lửa bao gồm các rìu tay hình trái tim hoặc quả hạch và lưỡi nạo một đường răng làm bằng các mảnh đá. Cũng có những ‘công cụ sỏi’ bằng đá vôi. Kỹ thuật này tương cận mạnh mẽ với văn hóa Acheulaean, Tayacian (một chi nhánh của Clactonian) và Mousterian và đã được gán vào đoạn cuối của thời kỳ gian băng Riss-Würm, cách đây khoảng 80,000 năm.
Một bước xa hơn vào thời kỳ Đồ Đá Cũ Giữa được biểu thị bởi kỹ thuật Levalloiso-Mousterian hỗn hợp được phát hiện vào năm 1928 bởi Cô Dorothy Garrod trong tầng thấp nhất của ‘Hang Tối’ Hazar Merd, cách Suleimaniyah 19.km về phía nam. Nhưng không ở đâu tính cách Mousterian thực sự được mình họa tốt hơn ở hang động Shanidar, được khai quật giữa 1951 và 1960 bởi Tiến sĩ Solecki của Đại học Michigan.
Hang Shanidar là một hang đá trú ẩn rất lớn (kích cỡ bằng 4 sân quần vợt) ở sườn phía nam của núi Baradost nhìn qua thung lũng Zab Thượng lưu, không xa thị trấn nhỏ Rowanduz. Nó vẫn còn được những người Kurds chăn cừu sử dụng vào mùa đông. Đào qua nền hang, Tiến sĩ Solecki có thể đi đến một độ sâu 14 mét và nhận diện bốn tầng chiếm dụng. Ở tầng D, tầng thấp nhất và dày nhất (8.50 mét), những lớp tiếp nối của bếp lò và lớp tro lắng tụ trộn lẫn với xương cốt và vật dụng đá lửa chứng tỏ rằng hang động đã có người ở tại những thời kỳ khác nhau trong thời Đồ Đá Giữa. Những đồ tạo tác bằng đá gồm những dụng cụ đâm, nạo và dùi điển hình nền văn hóa Mousterian trong giai đoạn cuối cùng của nó. Xương động vật gồm xương bò, cứu và dê, cho thấy một khí hậu lạnh ôn hòa, và có nhiều mai rùa. Nét thú vị đặc biệt là 9 bộ xương người ở tầng D: bộ xương của hai đứa bé và bảy người lớn. Xương thường trong điều kiện tồi tệ, nhưng xương sọ I – của một ông khoảng 35 tuổi, cao 1.50 mét – có thể được phục chế đến một mức độ khá chính xác. Nó phơi bày mọi đặc điểm của người Neanderthal: xương dày, hàm to không cằm, trán trợt, hốc chân mày nhô; và có mọi lý do để tin rằng những cá nhân khác cũng thuộc cùng một chủng tộc. Tiến sĩ D. T. Stewart, người khảo sát các tàn tích này, cũng có thể chẩn đoán là cánh tay của một người Shanidar, đã què từ lúc mới ra đời, sau này đã bị cắt đi bằng một dao đá thô sơ. Một số những người này đã bị giết chết bởi các khối đá rơi từ trần hang động, mặc dù không thể nào vào cùng một lúc. Thân thể một người trong hang nằm trên một lớp đệm cành và hoa và khảo sát những bông hoa này có thể định được thời điểm qua đời ước chừng ‘giữa cuối tháng 5 và đầu tháng 7’. Tuổi của các bộ xương được tính bằng các-bon phóng xạ: hai có niên đại 46,000 và 50,000 năm cách nay và bộ xương thứ ba, thấp hơn về phương diện địa tầng học, có 60,000 năm tuổi.
Tầng C của hang Shanidar mang chúng ta đến tận thời kỳ Đồ Đá Cũ Muộn. Bằng các phương tiện kiểm tra các-bon 14 thực hiện trên những tro than bếp lò, ta có thể ấn định giới hạn trên và dưới là ‘hơn 34,000 năm’ và ‘khoảng 25,500 TCN’ theo thứ tự. Vật liệu bằng đá thuộc loại công cụ có lưỡi có đặc điểm văn hóa Aurignacian. Vì nó chứa một số dao trổ khéo tạo tác có hình thể bất thường, Tiến sĩ Solecki đã đề nghị gọi kỹ thuật này bằng tên ‘Baradost’ hoặc ‘Baradostian’ lấy từ tên núi chứa hang động đó. Phần bên trên của tầng C và phần lớn hơn của tầng B ở ngay bên trên cho những mẫu có cùng kỹ thuật, nhưng các vật chế tác có xu hướng kích cỡ nhỏ (thời đá nhỏ). Văn hóa cuối Aurignacian hoặc ‘Gravettian kéo dài’ được biểu thị trong một số di chỉ đồ đá cũ ở Bắc Iraq. Những công cụ nạo tròn nhỏ và lưỡi ‘dao nhíp’, và dao nhỏ với các cạnh có khía sâu, đặc biệt, được Cô Garrod tìm thấy thừa thãi trong hang động Zarzi, gần Suleimaniyah, và được B. Howe tìm thấy trong hang Palegawra, cách Chemchemal 32 km về phía đông. Chúng cũng xuất hiện trong những hang động khác nhau do Giáo sư Braidwood và các phụ tá khám phá vào năm 1954 – 5, nhất là Kaiwanian và Barak, ở phía tây và nam Rowanduz. Có vẻ như là ít nhất một số vật dụng nhỏ có thể được gắn thêm tay cầm và được sử dụng như vũ khí để giết ngựa hoang, hưu, dê, linh dương, cừu và lợn rừng, lúc đó sống trong một xứ sở còn mát mẻ nhưng đã khô hơn.
Những người thời Đồ Đá Cũ ở Iraq không sống biệt lập. Xuyên qua sa mạc Syria – nơi các đồ tạo tác thời Đồ Đá đã được tìm thấy tại những nơi khác nhau – họ tiếp xúc với người Đồ Đá Cũ xứ Syria-Palestine, và không phải là tình cờ mà các kỹ thuật đá lửa của hai xứ sở có một vài đặc điểm chung. Họ cũng có mối giao thương với vùng cao Anatolia và cao nguyên Iran. Vật liệu ở Shanidar D và Hazar Merd, chẳng hạn, gần như giống hệt với vật liệu ở hang Bisitun phía tây Iran và trong nhiều chi tiết tương tự với vật liệu ở hang Korain thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Những thời kỳ Đồ Đá Muộn người Shanidar chế tác những công cụ bằng đá vỏ chai (thủy tinh núi lửa), nguồn gần nhất là ở khu vực Hồ Van của Armenia. Đúng ra, từ nơi dừng chân này đến nơi dừng chân khác các kỹ thuật chế tác đá được mang đến tận châu Âu, nếu chúng ta tin tưởng vào một số giới thẩm quyền rằng văn hóa Aurignacian bắt nguồn từ Cận Đông. Vậy mà Kurdistan ở Iraq, vì vị trí khá hẻo lánh của nó trong một góc của ‘Lưỡi Liềm Màu Mỡ,’ vẫn giữ được đặc tính riêng của nó. Theo Solecki, kỹ thuật ‘Baradost’ rất độc đáo trong vùng Cận Đông, và người Neanderthal của Shanidar, mặc dù phần nào gần đây hơn người Neanderthal của Núi Carmel, dường như không pha trộn với hoặc tiến hóa về hướng người Homo sapiens như người sau, và vẫn duy trì ‘nét bảo thủ’ trong đặc điểm thể chất của họ. Cuối cùng, các nền văn hóa Solutrean và Magdalenian mà, ở Tây Âu, kế tiếp văn hóa Aurignacian và nảy nở vào những thời kỳ Đồ Đá Cũ muộn chưa hề đến được Iraq – cũng không, vì vấn đề đó, đến được bất kỳ phần nào khác ở Tây Á. Trong những xứ sở đó đường đi từ Aurignacian đến văn hóa đồ đá nhỏ (Đồ Đá Giữa) là trực tiếp, và thời kỳ Đồ Đá Giữa chỉ cách cuộc cách mạng Đồ Đá Mới một bước ngắn.
THỜI KỲ ĐỒ ĐÁ GIỮA
Đồ Đá Giữa là tên gán cho thời kỳ chuyển tiếp giữa Đồ Đá Cũ và Đồ Đá Mới hoặc, theo thuật ngữ kinh tế, giữa săn bắn – hái lượm và trồng trọt. Đặc điểm của nó là các kỹ thuật đồ đá gồm những công cụ đá lửa và đá chai rất nhỏ và cực kỳ đa dạng (đồ đá nhỏ) và xu hướng sống định cư toàn phần hoặc từng phần với tất cả những hậu quả về mặt xã hội và kinh tế, nổi bật là nhu cầu tích trữ lương thực và kiểm soát nguồn lương thực. Ở Iraq, thời kỳ Đồ Đá Giữa kéo dài từ khoảng 9000 TCN (giới hạn trên của tầng B1 được xác định bởi phân tích các-bon phóng xạ) và 7000 TCN (niên đại xấp xỉ của Jarmo đồ đá mới trước khi có đồ gốm).
Giai đoạn đầu tiên của thời Đồ Đá Giữa ở Kurdistan thuộc Iraq được biểu thị bởi tầng B1 ở hang Shanidar và bởi di chỉ lộ thiên Zawi Chemi Shanidar, trên bờ tây Zab Thượng lưu. Dấu vết duy nhất của sự định cư tại địa điểm này là một bức tường uốn cong thấp làm bằng đá ngoài đồng và sỏi đáy sông, ắt hẳn đã từng bao quanh một túp lều hoặc căn lều. Trong một hang động làm nơi dừng chân các công cụ bằng đá là những mảnh đá lửa nhỏ hoặc loại ‘Zarzian suy kiệt’ và những vật dụng lớn hơn, như đồ nghiền, cối xay, cối giã và chày giã, vốn không tồn tại vào thời kỳ Đồ Đá Cũ Sớm và chắc chắn được sử dụng để giã hạt ngũ cốc hoang và phẩm màu. Các cách tân khác là những dùi làm băng xương và đôi khi được trang trí kiểu dáng hình học, và những vật trang điểm cho cơ thể như chuỗi hạt và vòng đeo bằng xương, răng thú và đá màu. Những người này, được cho là sống ở đó trong năm nhưng đến mùa đông thì cư ngụ ở hang Shanidar, ăn dê rừng, cừu rừng, lợn rừng và hưu đỏ, cũng như cá, trai nước ngọt và rùa. Hầu hết 26 bộ xương người được tìm thấy trong hang Shanidar tầng B1 được thu nhặt trong một ‘nghĩa địa’, nằm trên nền đá, và mỗi bộ xương người lớn trong số 8 bộ đều đi kèm một đứa trẻ, cho thấy đường như là một nghi thức đáng sợ nào đó. Tất cả xương sọ khảo sát ở đây đều thuộc loại Sơ Địa Trung Hải, và nhiều xương sọ cho thấy dấu hiệu có khoan xương và bệnh tật, nổi bật nhất là hư răng. Kiểm tra các-bon phóng xạ cho niên đại 8920 ± 400 năm TCN đối với di chỉ ngoài trời.
Một khoảng cách có lẽ 1000 năm ngăn cách Zawi Chemi Shanidar với hai di chỉ khác xấp xỉ có cùng niên đại: Karim-Shehir and Mlefaat.
Karim-Shehir, cách Chemchemal 10.km về phía đông, bao phủ hai mẫu và chỉ gồm một tầng chiếm dụng, ngay bên dưới mặt đất. Các vật chế tác bằng đá lửa, mang đặc tính đồ đá nhỏ, kết hợp với những vật thể có thể được coi như là các nông cụ: dao hình lưỡi hái bằng đá, cuốc đá đẻo và mài, và đá xay. Thêm vào đó, một nền sỏi gồ ghề được trải trên toàn diện tích cho thấy là các nền lều, mặc dù không còn nhận ra cách bố trí nơi sinh hoạt. Nếu Karim-Shehir là, như người ta nghĩ, một địa điểm dừng chân cho những người bán du mục, nó biểu thị một trình độ rất sớm trong sự phát triển về hướng cuộc sống định cư.
Một loại thường trực hơn của cộng đồng nông nghiệp ắt hẳn chiếm di chỉ thứ ba, Mlefaat. Trong mô gò nhỏ đó gần con đường Kirkuk-Erbil người ta tìm thấy những nhà hầm, một số bao quanh bởi đá chồng chất lên nhau và lót sỏi. Công cụ phần lớn là đồ đục và cối giã bằng đá.
Bên ngoài Iraq, nhưng vẫn còn trên đất Lưỡng Hà, hoặc rất sát với nó, người ta có thể tìm thấy những di chỉ đồ đá nhỏ rất thú vị vì chúng cung cấp những chuỗi và những mình họa tốt đẹp về các biến thể vùng miền. Đó là Mô gò Mureybet ở Syria và Mô gò Ali Kosh ở tây-nam Iran.
Ở Mô gò Mureybet, toạ lạc trên khúc quanh lớn Sông Euphrates, các nhà khảo cổ Mỹ rồi Pháp đã phát hiện những chứng cứ chiếm dụng liên tục trong hơn 1,300 năm (từ trước 8600 đến 7300 TCN) và chia nó thành ba giai đoạn. Khu vực định cư giai đoạn I là một nơi dừng chân của người săn bắn và bắt cá sử dụng công cụ đá loại ‘Natufian’ khi đó rất thông dụng trên toàn Syria và Palestine. Trong giai đoạn II, nơi này đã trở thành một ngôi làng có nhà tròn xây bằng đất bùn nén chặt (tauf theo tiếng Ả Rập), và trong giai đoạn III những ngôi nhà tròn này một phần được thay thế bằng những ngôi nhà hình chữ nhật rộng rãi hơn, gồm nhiều phòng xây bằng khối đá vôi. Ở đó, dê và cừu của vùng Kurdistan không có mặt trên thực đơn, và mọi loại thịt (và da thuộc) đều đến từ thú hoang chạy nhanh của vùng đồng cỏ lân cận (lừa hoang, linh dương, bò rừng, hưu, lợn rừng, thỏ) bị bắn hạ bằng tên. Những cây thảo hoang được dùng làm lương thực là lúa mạch cổ và lúa mạch có hai hàng hạt, đậu lăng, đậu tằm và quả hồ trăn. Cần chú ý rằng lúa mì và lúa mạch không mọc trong vùng đó, và có giả thuyết cho rằng chúng được nhập về từ nguồn gần nhất: vùng Gaziantep, ở Thổ Nhĩ Kỳ, cách đó 93 dặm, và trồng lại tại địa phương. Một đặc điểm nổi bật nữa của Mureybet là một số nhà có chứa sừng, xương sọ của bò rừng được chôn dưới bệ đất sét hoặc treo trên tường, do đó giống những ngôi đền đáng chú ý nhưng gần đây hơn thuộc Đồ Đá Mới ở Çatal-Hüyük thuộc trung tâm Anatolia.
Mô gò Ali Kosh, một trong vài mô gò được các nhà khảo cổ Mỹ ở thung lũng Deh Luran (Luristan) phát hiện, được phân thành ba tầng văn hóa khác nhau. Tầng chiếm dụng thấp nhất, thuộc đồ đá mới (khoảng 8000 – 7000 TCN) cho ta những ngôi nhà rất nhỏ bằng gạch bùn với tường mỏng. Dân chúng sinh sống ở đây, có lẽ chỉ trong mùa đông, săn bắn cùng các loại thú của thảo nguyên như các cư dân ở Mureybet, nhưng họ cũng nuôi nhốt dê và cừu, như người đương thời của họ ở Kurdistan. Họ thu nhặt hạt của nhiều loại rau củ và cỏ dại, nhưng dường như họ nhập về lúa mì đỏ và lúa mạch đã được thuần hóa từ vùng
Kermanshah. Sự hiện diện trên di chỉ các công cụ bằng đá chai với số lượng khá nhiều và các vỏ ốc tiền làm đồ trang sức cho thấy mối liên hệ với vùng Armenia xa xôi và với vùng Vịnh gần hơn nhiều.
THỜI ĐỒ ĐÁ MỚI
Từ những minh hoạ này và từ những kết quả các vụ khai quật trên các di chỉ ở Cận Đông, cho thấy rõ ràng là thời kỳ Đồ Đá Giữa là thời kỳ định cư và tiến lên chậm nhưng quy mô trong vài lãnh vực. Trong các thiên niên kỷ quyết định này, không chỉ các kỹ thuật đẻo đá đã đến mức hoàn hảo để có thể sản xuất những công cụ đẹp gia dụng thuộc đủ loại mà công nghệ xây dựng nhà cửa cũng được thụ đắc và trên hết, vô số những thực nghiệm được tiến hành để bảo đảm nguồn cung cấp lương thực thường xuyên gồm thịt và rau củ, mùa nào cũng có trong vùng lân cận khu định cư. Những cuộc thực nghiệm này cuối cùng đưa đến, trong những nơi chốn khác nhau tại những thời điểm khác nhau, sự phát triển của một “nền công nghiệp thực phẩm’ sơ khai nhưng khá hiệu quả khiến có thể canh tác và dự trữ những dòng lúa mì và lúa mạch được tuyển chọn và nhốt thả và chăn nuôi trước tiên là dê và cừu, rồi sau đó gia súc và lợn. Những người đồ đá giữa tất nhiên vẫn tiếp tục săn bắn và bắt cá và hái lượm cây trái rừng, nhưng hoạt động này dần dần trở nên tương đối ít quan trọng hơn. Khi một cộng đồng bắt đầu sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, nó đã đóng vai trò của mình trong cái gọi là ‘cách mạng Đồ Đá Mới’.
Người ta thường cho rằng cuộc cách mạng này xảy ra trên phía có đồi núi của ‘Lưỡi Liềm Màu Mỡ’ (được xác định bởi mực nước mưa 25 cm) bởi vì đây đã từng là – và còn là – nơi duy nhất trên thế giới mà lúa mì đỏ (Triticum dicoccum), lúa mì cổ đại (T. boetium) và lúa mạch hai hàng tách vỏ (Hordeum dis-tichum) mọc tự nhiên. Tuy nhiên, vào năm 1966, hai nhà thực vật học người Mỹ J. R. Harlan và D. Zohary, làm việc ở Đông Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét rằng những ngũ cốc hoang này vẫn còn bao phủ hàng ngàn mẫu. Harlan ra đồng hoang dùng lưỡi liềm có răng đá lửa và trong một giờ đã gặt được một kí hạt với một lượng đạm cao gấp hai lần lúa mì đã thuần hóa. Ông tính rằng sau ba tuần lao động vừa phải, một gia đình có thể thu hoạch được nhiều thóc dư dùng cho cả năm. Các nhà thực vật kêu lên; ‘Nếu các cây ngũ cốc hoang này có thể được thu hoạch với số.luong vô giới hạn, tại sao người ta lại cất công cày bừa và gieo hạt trồng trọt?’
Một số lý thuyết đã được đưa ra đề trả lời cho câu hỏi này. Lý thuyết đáng tin nhất, dựa vào ‘kiểu mẫu cân bằng’ Bingford, được phát triển bởi Flannery. Theo tác giả này, mọi nhóm người săn bắn-hái lượm thời Đồ Đá Cũ sống trong các ‘hốc sinh thái’ hạn chế cố giữ nhân số cho thấp hơn năng lực tối đa của môi trường. Tuy nhiên, khi một số ‘vùng trung tâm’ này trở nên tương đối quá đông dân một số cư dân của họ phải chuyển đến sống ở những vùng ‘bên lề’ với tài nguyên tự nhiên nghèo nàn hơn, và điều này kích thích một cuộc tìm kiếm những nguồn lương thực mới, nhất là ngũ cốc. Mureybet và Ali Kosh có thể từng là những khu định cư thuộc loại này. Lý thuyết này phù hợp với ‘cuộc cách mạng quang phổ rộng’ được quan sát thấy trên một số di chỉ của thời kỳ Đồ Đá Cũ Muộn Trễ (Late Upper Palaeolithic), khi sự hiện diện quanh bếp lò một số lượng lớn các tàn tích động vật nhỏ (đặc biệt ốc sên) dường như cho thấy một nhu cầu khai thác mọi nguồn dinh dưỡng tiềm năng, ắt hẳn do sự gia tăng dân số.
Ở Iraq di chỉ Đồ Đá Mới quan trọng nhất là Jarrmo, không xa Chemchemal, do Giáo sư R. J. Braidwood thuộc Đại học Chicago khai quật vào năm 1948, 1950 – 51 và lần nữa vào năm 1955. Mô gò nhân tạo cao 7 mét nằm trên một chỏm đồi rất dốc và được hình thành bởi 16 lớp cư trú chồng chất lên nhau. 11 lớp này có đặc tính là vắng mặt đồ gốm và thuộc cùng tầng văn hóa ‘Đồ Đá Mới trước khi có đồ gốm’. Dân cư Jarrmo sống trong những ngôi nhà vuông nhiều phòng làm bằng bùn nén chặt, với các lò bằng bùn và các hố trét đất sét đúc khuông đào trong đất. Họ ăn bằng muỗng làm bằng xương, khâu bằng kim xương, và các con thoi dệt của họ cho thấy họ có thể dệt hoặc đan tết sợi lanh hoặc có thể len. Họ sử dụng đá thời đồ đá nhỏ có kích thước bình thường và các công cụ dao bằng đá chai, đặc biệt lưỡi liềm làm bằng đá lửa gắn chặt vào lưng gỗ bằng bitumen (nhựa dầu hoả), nhưng hầu hết những vật dụng nặng nằm rải rác quanh phòng, như là rìu, đồ đục, đá nghiền, đá xay, cối giã, cháy và bình, đều bằng đá vôi, thường được mài giũa rất đẹp. Những vật dụng này, cùng với các hạt lúa mì và lúa mạch cháy đen, không nghi ngờ gì nữa để lại chứng cứ hoạt động nông nghiệp tiến hành ở Jarrmo, trong khi 95 phần trăm xương động vật là xương các vật nuôi: cừu, gia súc, lợn và chó. Đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu tằm và quả đầu là toàn bộ thực đơn của họ. Ắt hẳn chúng được ăn dưới dạng súp đặc được nấu sôi bằng cách ném những viên đá nóng đỏ vào trong những hố hình tròn lớn hoặc hình ô van trét kín bằng sét đào dưới đất. Những thực phẩm khác được nướng trong các lò đất sét có ống khói. Những dân cư này chưng diện bằng các vòng cổ đơn giản bằng đất sét hoặc đá, vòng đeo tay bằng đá có soi rãnh và hoa tai bằng vỏ sò, chôn cất người chết ngay bên dưới nền nhà, và nặn những tượng nhỏ bằng đất sét hình các con thú và bà bầu mông to được cho là hiện thân các sức mạnh bí ẩn của sự sinh sôi. Jarmo thời trước có đồ gốm đầu tiên được xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ trên vỏ ốc sên là khoảng 4700 TCN, nhưng các kiểm tra thêm trên than tro cho các con số cao hơn, và khoảng 6750 TCN là niên đại chắc chắn hơn.
Vài di chỉ Đồ Đá Mới đã được phát hiện ở bắc Iraq, nhưng hai trong số này có mức thú vị đặc biệt. Di chỉ thứ nhất biểu thị trên các tầng thấp hơn của Mô gò Shimshara có tính lịch sử chủ yếu rất khác, toạ lạc tại thung lũng trên cao hơn của Hạ lưu Sông Zab, không xa thị trấn Rania, và do các nhà khảo cổ Đan Mạch khai quật tử 1957 đến 1959. Sự khác biệt duy nhất giữa Shimshara và Jarmo nằm trong kỹ thuật chế tác đá, và nổi bật là lượng áp đảo của đá chai (85 phần trăm) từ Armenia hay Anatolia, nhưng nó cũng có được tiếng tăm tiếng là đã lắp đầy, ít nhất là một phần, khoảng trống biên niên giữa Jarrmo và Hassuna (khoảng 5800 TCN), khu định cư đầu tiên trong một chuỗi dài các khu định cư thời sơ sử. Di chỉ thứ hai là Maghzaliyeh, một mô gò quan trọng trên đồng bằng phía tây Tigris, do các nhà khảo cổ Xô-Viết khai quật giữa 1977 và 1980. Đặc điểm quan trọng nhất của ngôi làng Đồ Đá Mới này là một bức tường uốn cong với một khối bán nguyệt nhỏ ra gợi ý đến tháp canh. Nếu đúng là vậy, thế thì chúng ta giáp mặt với một nơi định cư được củng cố xưa nhất từng được phát hiện ở Mesopotamia.
Như vậy, khoảng 7000 TCN ở bắc Iraq và ở các phần khác nhau ở Cận Đông loài người đã thôi săn bắn lang thang để kiếm sống nhờ may rủi và kỹ năng và trở thành một nhà nông gắn liền với mảnh ruộng nhờ đó có được nguồn cung cấp lương thực ổn định. Từ đất sét, họ tự mình xây nhà. Họ sử dụng các công cụ mới để thực hiện những công việc mới. Họ thu hoạch từ cừu và gia súc một nguồn thường xuyên và dễ kiếm gồm sữa, thịt, len và da. Cùng lúc các xu hướng xã hội của họ phát triển, bởi vì việc chăm sóc và bảo vệ đất đai đòi hỏi sự hợp tác mật thiết. Mỗi gia đình ắt hẳn lập ra trang trại riêng của mình, canh tác trên ruộng riêng của mình, chăn thả bầy giá súc riêng của mình và chế tác các công cụ riêng của mình; nhưng một vài gia đình nhóm lại với nhau và tạo thành ấp, một hình thức phôi thai của tổ chức xã hội. Về sau các cuộc cách mạng khác xảy ra: kim loại sẽ thay thế đá, làng mạc sẽ tăng trưởng thành thành phố, thành phố sẽ được thống nhất thành vương quốc và vương quốc thành đế quốc. Vậy mà những thiết yếu của cuộc sống, sức lao động của con người còng lưng trên mẹ đất và bị trói buộc vào chu kỳ của mùa màng, vẫn không hề thay đổi kể từ những ngày xa xưa đó.
Sự vắng mặt của đồ gốm tại 11 trong số 16 tầng chiếm dụng khiến Jarmo thành một trong những cộng đồng nông nghiệp sớm nhất ở Tây Á, cùng với Ali Kosh và Guran ở Iran, Hacilar ở Anatolia và Jericho ở Palestine, đó là chỉ đề cập những di chỉ ‘không đồ gốm’ chính. Chỉ trừ Jericho, với các ngôi nhà kiên cố và tường thành vững chắc bằng đá chưa chế tác, ắt hẳn trông giống một thị trấn trung cổ nhỏ, còn tất cả những ngôi làng khiêm nhường này chỉ rộng một vài mẫu và hiển nhiên là không được củng cố. Cư dân sống trong những làng đó dùng chén đá, giỏ được trét bitumen chống thấm và ắt hẳn túi da và trái bầu khô làm bình đựng nước, nhưng họ đã xử lý đất sét khá khéo léo để xây vách nhà, trét hố hoặc chậu đào trong đất và nặn tượng nhỏ thú vật và phụ nữ. Từ đây đến đất sét nung, và từ đó đồ gốm, chỉ còn vài bước mà dường như đã được chế tạo sớm hơn trước đây thường tưởng, bởi vì những bình đất sét thô vụng, được nung sơ đã được tìm thấy tại Mureybet, phía bắc Syria, tại tầng có niên đại khoảng 8000 TCN trên một mẫu được kiểm tra các-bon phóng xạ, và tại Ganj Dareh, một di chỉ thuộc thiên niên kỷ thứ 8 ở tây Iran. Các bình tương tự cũng xuất hiện ở Jarmo, khoảng 6300 TCN, nhưng chúng đồng có mặt với bình gốm có trang trí các hàng nghiêng những đốm có hình nòng nọc đặc trưng sơn màu đỏ trên bề mặt màu da bò hơi hồng, cũng được tìm thấy tại di chỉ đương thời Mô gò Guran.
Đồ gốm bản thân nó có lẽ không phải là một phát minh trọng đại như nông nghiệp, nhưng đối với nhà khảo cổ nó báo trước một kỷ nguyên mới khi bát, cốc, đĩa và bình từ đây trở đi đóng một vai trò như mẫu hoá thạch đối với nhà địa chất. Từ khoảng 6000 TCN đến lúc bắt đầu có lịch sử hơn 3 thiên niên kỷ đã trôi qua, và những năm đầu này tất nhiên chứa đầy các bước phát triển văn hóa, các cuộc phiêu lưu thương mại, và di chuyển sắc tộc và không nghi ngờ gì các cuộc chiến tranh và chính phục, nhưng vì các tài liệu viết tay thiếu thốn, các diễn viên sẽ mãi mãi vô danh và câm lặng. Tất cả những gì chúng ta cố gắng và tái tạo các sự kiện thuộc quá khứ xa lắc đó chỉ là nhờ vào những di vật mà trong đó bình gốm có điểm thú vị đặc biệt, vì nó được tìm thấy thừa thãi trên mọi di chỉ và góp phần vào công việc nghiên cứu đối chiếu. Được lý giải với sự thận trọng – vi các thay đổi phong cách đồ gốm có thể là do nhiều nguyên nhân và không nhất thiết do sự thay thế một dân tộc này với một dân tộc khác – các đồ vật khác biệt được tìm thấy tại các tầng khác nhau trong khai quật khảo cổ biểu thị cả dấu ấn của các nền văn hóa nối tiếp trong Lưỡng Hà tiền sử muộn và những chỉ dấu khá tin cậy của mối liên hệ giữa các nền văn hóa này với các nền văn hóa của các xứ bao quanh.