Lịch Sử Nghệ Thuật- Phần 9

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

Chương 14

Khi Phục hưng theo phong cách Ba-rốc

Trong Chương Này

  • Định nghĩa nghệ thuật Ba-rốc
  • Lần theo ảnh hưởng của Caravaggio
  • Khám phá điêu khắc và kiến trúc của Bernini
  • Phơi mình trong ánh nắng Ba-rốc
  • Xem xét nghệ thuật Ba-rốc Tây Ban Nha

Sau 150 năm, thời Phục hưng đã cạn kiệt năng lực phục hưng. Chủ nghĩa Mannerism đến rồi đi như cơn sốt thời trang (1550-1600), và một thời kỳ mới 100 năm, thời kỳ Ba-rốc, bắt rễ trong tâm thức các nghệ sĩ, chủ nhân ông, và công chúng Âu châu. Ba-rốc là khía cạnh nghệ thuật của sự trở lại chủ nghĩa Cơ đốc giáo trong cuộc Kháng cách. Nhà thờ Cơ đốc giáo  liệt nghệ thuật và kiến trúc Ba-rốc là những vũ khí trong cuộc chiến văn hóa chống người Tin lành. Nhưng các xứ theo đạo Tin lành cũng chấp nhận phong cách Ba-rốc, thích ứng nó theo nhu cầu của mình. Trong các xứ Thiên chúa giáo, Ba-rốc thiên về phục vụ tôn giáo, lôi kéo dân chúng đến nhà thờ bằng lối kiến trúc và nghệ thuật ấn tượng và sung mãn, trong khi các xứ Tin lành dùng Ba-rốc để tạo ra kiến trúc diễm lệ, uy nghi thường để quảng cáo sức mạnh của trần thế hoặc phong cảnh hiện thực nổi bật, tĩnh vật, và những cảnh tượng của cuộc sống thường nhật trong hội họa.

Công cuộc Cải cách, do Martin Luther châm ngòi vào năm 1517, thổi cơn gió lốc vào Nhà Thờ Cơ đốc. Phân nửa châu Âu quay lưng lại với các giáo hoàng: Miền bắc Đức, Scandinavia, Anh, và một phần của những Xứ Vùng Trũng đều cải sang Tin lành.

Để giữ đám con chiên không giảm hơn nữa, Nhà Thờ phát động cuộc chiến Chống-Cải cách (Kháng cách), chính thức bắt đầu từ Hội đồng Trent (1545-1563), ngay cả mặc dù nó phát khởi không chính thức sớm hơn. Cuộc Chống-Cải cách làm sạch đạo luật của Nhà Thờ, trừng phạt các thầy tu bê bối và các giám mục tham quyền, yêu cầu tất cả giáo sĩ được cải tạo lại, và thành lập Hội Jesus. Những người Jesuit, trải qua một kỳ huấn luyện rất khắc khổ, phục tùng giáo hoàng vô điều kiện, thành lập các trường tôn giáo trên khắp châu Âu, và cải đạo cho người ngoại đạo. Mặc dù Hội đồng Trent vẫn khẳng định phần lớn giáo điều Cơ đốc, Hội đồng cũng kết án một trong những điều mà Martin Luther phàn nàn: việc buôn thần bán thánh (mua nhà thờ để được Chúa cứu rỗi tội lỗi của mình), đã lan tràn nhiều thế kỷ.

Thêm nữa, Hội đồng Trent tạo cho Cơ đốc giáo một bộ mặt mới Ba-rốc, bắt đầu từ năm 1600. Đây có thể là cải cách mạnh mẽ nhất của nó, vì đó là những gì người ta thấy được đầu tiên.

Bộ mặt mới như thế nào? Không như nghệ thuật Phục hưng tạo cảm hứng cho những chiêm nghiệm tĩnh lặng, nghệ thuật Ba-rốc vươn tay đến với dân chúng và khêu gợi hành động. Những bức tranh Ba-rốc chứa đầy những chuyển động kịch tính (các thần thánh trong trạng thái xuất thần hoặc đau khổ, những con ngựa lao tới, những bầu trời lốc xoáy), những tương phản gay gắt của ánh sáng và bóng tối, những màu sắc sống động, và hiện thực trần thế. Thông thường, các nghệ sĩ Ba-rốc mô tả những hánh động anh hùng cúa các thánh tử đạo và các thánh để gieo cảm hứng cho tầng lớp thấp hơn cam chịu những khổ đau của riêng mình và không đánh mất niềm tin. Kiến trúc Ba-rốc (trong các xứ sở Thiên chúa giáo)  vươn tay đến các con chiên, mời gọi họ vào nhà thờ. Bên trong, sự lộng lẫy của các tranh khắc nổi và điêu khắc Ba-rốc hoành tráng tán tụng giáo đoàn, tạo cảm hứng cho họ tham gia nồng nhiệt vào niềm tin tôn giáo của mình.

Annibale Carracci: Các Trần Nhà Siêu Phàm

Những tranh bích họa trên trần minh họa được vẽ trong thời kỳ Ba-rốc. Annibale Carracci, sinh tại Bologna vào năm 1560, giúp phát triển phong cách khi ông chuyển đến sống tại La Mã vào năm 1595. Hai năm sau, Hồng y Odarico Farnese ủy nhiệm Carracci vẽ bích họa cho trần tòa nhà Palazzo Farnese để tổ chức hôn lễ trong gia đình. Các tranh bích họa Farnese trở nên danh tiếng không kém tranh trên trần Nhà Nguyện Sistine của Michelangelo vốn là nguồn cảm hứng của Carracci. Carracci chia cổng vòm thùng của hành lang trung tâm Farnese thành những gian chữ nhật để đóng khung những bức tranh sống động vẽ những cảnh yêu đương huyền thoại. Các tình nhân trong các tập truyện này hình như tràn ngập kháp trần nhà rộng, không khác gian triển lãm nghệ thuật lật úp lại. Các bức tượng gây ảo giác của những chàng trai khỏa thân thiu thiu ngủ và những huy hiệu đồng ngăn cách những cảnh trí (xem hình dưới).

Trước khi vẽ trần nhà Farnese, Carracci và em họ của ông Ludovico thành lập trường nghệ thuật có ảnh hưởng lớn ở Bologna, nơi đó các học viên nghiên cứu nghệ thuật và bản chất Phục hưng và cổ điển. Các học viên truyền bá phong cách Carracci đi khắp nước Ý. Trong đó nổi tiếng nhất là Giovanni Lanfranco (1582-1647); Domenico Zampieri (1581-1641); Guido Reni (1575-1642); và Giovanni Francesco Barbieri (1591-1666). Lafranco kết hợp tính cổ điển mà Carracci làm sống lại với sự nồng nhiệt đầy ấn tượng của Caravaggio (xem đoạn sau). Guercino mở rộng cảm nhận không gian của Carracci trong tranh trần nhà Farnese. Trong bích họa Aurora (Nữ thần Rạng đông) (1621-1622) của mình vẽ trong Biệt thự Ludovisi ở La Mã, trần nhà hình như mở ra đến vô tận. Các hình dạng kiến trúc được vẽ vươn cao vào khoảng trời cao nơi đó những con ngựa của Nữ thần Aurora phóng qua những đám mây, mang đến bình minh.

Hắt ánh sáng lên chủ đề: Caravaggio và các môn đệ

 Caravaggio (1571-1610) là họa sĩ vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất của phong cách Ba-rốc. Ông cũng là người Bô-hê-men nóng tính, thường bị tống giam vì tội gây rối. Nằm 1606, ông đâm chết một người trong lúc tranh cãi với y về một trận quần vợt nên phải bỏ trốn qua La Mã. Tòa án La Mã xử ông tử hình vắng mặt (mặc dù đến cuối đời ông được tha tội). Người nghệ sĩ đào tẩu này định cư ở Naples một vài tháng sau đó, nhưng rồi phải bỏ trốn trong vòng một năm vì tội gây rối. Từ đó ông đến Malta, tại đây vào năm 1608 ông bị tống giam vì gây rối với một hiệp sĩ có thế lực. Ông trốn thoát đến Sicily, và lại có thêm kẻ thù mới. Sau đó, ông tìm cách trở về Naples, tại đó ông bị đâm vào mặt, có thể do các đồng bọn của hiệp sĩ ở Malta. Nghệ sĩ may mắn thoát chết và tiếp tục vẽ và ẩu đã. Trớ trêu thày cũng “nhờ” ông bôn tẩu khắp nơi nên phong cách phi thường của ông được lan truyền, và được khắp châu Âu bắt chước.

1  

Cavaggio truyền vào tác phẩm mình nhiều tính tự nhiên bụi bặm hơn bất kỳ nghệ sĩ nào đi trước, thuê những người bình dân làm mẫu vẽ các thánh và tông đồ, khiến nhiều người đương thời bị sốc. Ông bi kịch hóa những tranh tôn giáo bằng cách chiếu ánh sáng chéo góc qua các chủ thể, làm sáng rực một  số đặc điểm của gương mặt nhằm làm tăng cảm xúc và hành động đồng thời nhận chìm phần còn lại trong bóng tối. Trong kỹ thuật này ông thường dùng ánh sáng rọi qua các cửa sổ hoặc đèn ở tận trên cao, thường gọi là chiếu sáng tầng hầm. Những bức tranh của ông kể lại những khoảng khắc cao trào trong khi gợi ý về những sự kiện đi trước và đi sau chúng.  

Trong Lời Kêu Gọi Thánh Matthew (1599-1600), ánh sáng tầng  hầm quét qua bức tường sau và chiếu sáng những gương mặt một số người chen chúc quanh chiếc bàn gỗ nơi đó Matthew đang đếm tiền (xem hình dưới). Ba người đồng hành với Matthew nhìn Jesus vừa bước vào, đứng trong bóng tối. Ánh sáng tầng hầm rọi qua cửa sổ hầu như viền lấy hướng chỉ của ngón tay trỏ của Jesus, chỉ vào viên thu thuế chuẩn bị thay đổi việc làm. Nhưng vị tông đồ tương lai này vẫn kháng cự, tránh ánh mắt của Jesus và nhìn trâng trâng vào mấy đồng tiền trên bàn. Bức tranh minh họa sự giằng xé xảy ra bên trong con người của Matthew. Sự căng thẳng giữa sáng và tối, giữa những ngón tay chỉ và những cặp mắt chằm chằm theo các hướng đối nghịch nhau làm gia tăng kịch tính đến điểm cao trào.

2

Chú ý là mặc dù Matthew miễn cưỡng đi theo, bàn chân của Jesus đã quay về hướng lối ra cửa, về  tương lai. Caravaggio là người đầu tiên mô tả một khoảnh khắc căng thẳng và để sự căng thẳng kéo dài từ trước đó đến sau này.

Trong các đoạn tiếp theo, tôi sẽ xem xét những tác phẩm của các họa sĩ chịu ảnh hưởng của Caravaggio.  

Orazio Gentileschi: Ba-rốc nho nhã, ít hơn hay nhiều hơn

Orazio Gentileschi (1563-1639) là một trong những họa sĩ đầu tiên theo bước của Caravaggio. Ông đề cao chủ nghĩa hiện thực như Caravaggio, và đặt những chủ thể của ông sát người xem trong một khoảnh khắc dừng-hành động như trong Người Chơi Đàn Luýt (1610). Trong bức tranh cảm xúc này, một người phụ nữ chơi đàn luýt, được chiếu sáng bởi ánh sáng tầng hầm như kiểu của Caravaggio, dịu dàng đánh lên tiếng nhạc (hình dưới trái). Đây là tác phẩm tinh tế, nhưng không căng thẳng và không gợi dục như tác phẩm Các Nhạc sĩ (1595-1596) và Người Chơi Đàn Luýt (1595-1596) của Caravaggio (hình dưới phải). Khoảnh khắc dừng-hành động trong tranh Gentileschi thực sự là dừng lại. Khoảnh khắc đóng băng không lôi kéo chúng ta đi theo nhiều hướng như trong tranh của Caravaggio. Một trong những tác phẩm xúc động nhất của Gentileschi là Đức Mẹ với Chúa Hài đồng. Vẻ ấm áp dịu dàng của gương mặt người mẹ khi bà nhìn chăm chú đứa con được phóng to ra bằng ánh sáng.

3

Kịch tính của ánh sáng và bóng tối: Artemisia Gentileschi

Artemisia Gentileschi (1593-1652), con gái rượu của Gentileschi,  không phải là nữ họa sĩ duy nhất của thời kỳ Ba-rốc. Nhưng bà là một trong số ít vẽ tranh lịch sử và tôn giáo. Phần đông các nữ họa sĩ khác chỉ chăm chút vẽ tranh chân dung, tĩnh vật.

Trong số những kiệt tác của Artemisia là Susanna và các Bậc Trưởng thượng (1610), Judith Giết Holofernes (1620), và Lucretia (1621). Như các nữ anh hùng trong các tác phẩm trên, Artemisia bị hiếp dâm. Trải nghiệm cá nhân của bà vang vọng trong các họa phẩm này. Cũng như cha mình và Caravaggio, Artemisia đặt các nhân vật của mình sát người xem. Hậu cảnh tối đen trong Lucretia xô người phụ nữ được chiếu sáng gay gắt về phía người xem, trong khi làm sáng lên sự cô lập tâm lý của nhân vật sau khi bị cưỡng đoạt. Lucretia ghì chặc bầu vú trái trong khi xiết chặc cán dao găm gợi ý điều gì sẽ xảy ra sau đó (xem hình dưới.)

4

Xuất Thần và Xuất Thần: Điêu Khắc của Bernini

Các bức tượng của Bernini (1598-1680), nhà điêu khắc Ba-rốc vĩ đại nhất, hình như là những khối đá sống. Chúng chuyên chở một cảm xúc mãnh liệt đồng thời một ý tưởng di chuyển sống động. Cảm nhận của sự chuyển động thường do một sự căng thẳng nén lại tác động đến như trong tác phẩm David đáng nễ của ông (1623).

5

David của Michelangelo (xem

Chương 11) là sự kéo dài của điêu khắc cổ điển. Sự căng thẳng trong David của ông mạnh mẽ nhưng thụ động. Nó ở trong tâm trí và cơ bắp của David. Còn David của Bernini, trái lại, thì chủ động. Chàng là vế này của phương trình bạo lực; vế bên kia là Goliah ẩn mình. Bạn không nhìn thấy gã khổng lồ, nhưng bạn có thể cảm nhận sự hiện diện của y và có thể đo lường khoảng cách của y bằng cách xem phản ứng của David đối với gã. Sự căng thẳng Ba-rốc không chỉ là nội tại; nó tương tác với ngoại giới nữa, và nạp năng lượng cho ngoại giới. David của Bernini không dính chặt vào bệ như bức tượng của Michelangelo. Chàng sẵn sàng bắn đạn ra khỏi ná và nhảy chồm ra khỏi bệ để kết liễu kẻ thù. Điêu khắc chủ động như loại này được chủ ý khơi dậy nơi các con chiên đạo Thiên chúa  một nhiệt tình tôn giáo.

6

Hình 14-1

 Tác phẩm thúc giục nhất của Bernini là Phút Xuất Thần của Thánh Theresa (xem Hình 14-1), mà ông điêu khắc cho nhà nguyện gia đình Cornaro ở Nhà Thờ Santa Maria della Vittoria ở La Mã. Vì nhà nguyện tôn vinh Thánh Theresa ở Avilla, Bernini điêu khắc một bức tượng dựa trên cuộc đời của bà. Thánh Theresa chịu đau đớn cùng cực (có thể do căn bệnh sốt rét). Sau đó, bà chuyển hóa một cách bí ẩn nổi đau thành cơn xuất thần. Bà nhận thức được sự chuyển hóa này như một thấu thị trong đó một thiên thần liên tiếp đâm lưỡi giáo rực lửa và tim bà. Nỗi đau đớn “quá ngọt ngào đến nổi tôi hét lớn lên,” bà giải thích,” nhưng cùng lúc đó tôi cảm nhận một nổi ngọt lịm vô bờ đến nổi tôi muốn được đau đớn mãi mãi.”

Bertini nắm bắt trải nghiệm sự đau đớn ngọt ngào của nữ thánh một cách hoàn hảo. Bạn có thể thấy điều đó trong mắt và miệng bà, trong bàn tay mềm nhũn và bàn chân buông thõng, kết nối bà ta với mặt đất, và trong tư thế cởi mở của bà, mời gọi nổi đau ở lại. Nét hoan lạc thuần khiết trên gương mặt thiên thần tương phản sâu sắc với biểu hiện pha trộn giữa thống khổ và ân sủng của Theresa __ nhất là vì thiên thần chuẩn bị đâm vào trái tim Theresa một lần nữa. (Tác phẩm gợi ý là , trên trần thế, chúng ta không bao giờ có thể trải nghiệm nổi hoan lạc thuần khiết mà thiên thần cảm nhận.) Sự tương phản thiết lập một trường lực giữa nữ thánh và thiên thần, khiến cho bức tượng toát ra nét năng động Ba-rốc.

Ôm lấy Kiến Trúc Ba-rốc

Các kiến trúc sư Ba-rốc trong các xứ theo Thiên chúa giáo cố gắng tạo ra những tòa nhà chủ động, mời gọi, và kịch tính. Kiến trúc Ba-rốc được lèo lái bởi một quan điểm định hướng dẫn dụ du khách bước vào nhà thờ và lôi kéo họ qua một dảy những hình thức xum xuê tăng lên hướng về một cao trào cảm xúc và  thị giác, một sự bùng nổ của nét hoành tráng Ba-rốc bên trên bệ thờ. Công trình nghệ thuật bên trên bệ thờ thường bao gồm tranh khắc nổi sắc sảo trong đó các thiên thần nhí vui đùa từ đám mây nhìn xuống, phía trên là Christ trong hào quang của những tia nắng chói lọi vàng rực.

Carlos Maderno (1556-1629) khai phóng phong trào Ba-rốc trong kiến trúc khi ông thiết kế mặt tiền cho nhà thờ La Mã Sta. Susanna vào năm 1597. Trong gần suốt thế kỷ 16, các mặt tiền nhà thờ La Mã là những cấu trúc Phục hưng dạng hình học, sắc cạnh hoặc là những tòa  nhà kiểu Mannerism tách biệt nhau một cách chủ ý. Maderno thay thế nét tĩnh của kiến trúc Phục hưng bằng sự năng động và nét hài hòa. Các trán tường lớn đậy tầng hai của nhà thờ lặp lại ở những trán tường nhỏ hơn bên trên lối vào. Khung cửa sổ trung tâm ở tầng hai phản ánh khung cửa vào ở tầng một. Các cột trụ tròn dựng trên mặt đất được thay thế bằng những trụ bổ tường hình chữ nhật trên nền tầng hai. Và những hình trang trí dạng cuộn diễm lệ (sẽ trở thành đặc trưng của trang trí Ba-rốc) được sắp xếp trên toàn bậc của tầng hai, tạo cho mặt tiền một động lực bao trùm, hướng lên trên.

7

Các tòa nhà Ba-rốc  được thiết kế để mời gọi đám đông tụ họp quanh chúng và để tương tác với các kiến trúc chung quanh, thường là chế ngự họ. Ngược lại, các nhà thờ và tòa nhà Phục hưng có khuynh hướng dẹt hơn và tiết chế hơn.

Các ông hoàng bà chúa cho xây dựng các lâu đài Ba-rốc để vinh danh quyền lực của họ và làm các thần dân kính sợ. Ở Pháp, Cung điện Versailles, xây vào cuối thế kỷ 17 được thiết kế bởi các kiến trúc sư của Louis XIV để biểu dương tầng lớp quý tộc Pháp đang trị vì một cách tuyệt đối.

Trong Đế quốc Áo theo đạo Thiên chúa, phong cách Ba-rốc có mục đích vinh danh nhà thờ lẫn nhà nước. Các kiến trúc sư Áo bắt đầu xây dựng theo phong cách Ba-rốc sau năm 1690. Hai trong số các cấu trúc đồ sộ nhất là Nhà thờ Karlskirche ở Vienna, và Tu viện Melk,  “đậu” trên đỉnh đồi phía trên sông Danube. Cả hai tòa nhà trông đẹp và ngon lành như những món tráng miệng của Vienna.

Karlskirche (xem Hình 14-2), do Erlach thiết kế (1656-1723) vào năm 1716, là nhà thờ Ba-rốc vĩ đại  nhất ở bắc Ý. Khi một bệnh dịch bùng phát ở Vienna vào năm 1713, Hoàng đế đất Thánh La Mã VI tâm nguyện sẽ xây dựng một nhà thờ để vinh danh Thánh Charles Borromeo là thánh bảo hộ bệnh dịch cũng đồng thời cùng tên với ông, khi bệnh dịch kết thúc. Tuyệt phẩm Ba-rốc Karlskirche ra đời vì thế.

8

Hình 14-2

 

Chủ Nghĩa Hiện Thực Hà Lan

 Tây Ban Nha trị vì các Xứ Vùng Trũng, cũng được biết dưới tên Netherlands, cho đến khi phần phía bắc (Hà lan) giành được độc lập vào năm 1609 và chính thức trở thành nước theo Tin lành. Nhưng Tây Ban Nha vẫn cố bám phần phía nam Netherlands, vẫn còn theo đạo Thiên chúa.

Các họa phẩm Ba-rốc Tin lành ít có xu hướng hồ hởi như tranh Ba-rốc Thiên chúa. Ở Hà lan, nó chỉ chú trọng phản ánh cuộc sống thường nhật. Đôi khi những cảnh tượng bình thường mang thông điệp luân lý sâu sắc, nhưng chúng không phải là những chủ đề tôn giáo. Trong thời Cải Cách, giáo dân Tin lành đã nổi lên chống lại cách sử dụng hình tượng thánh thần của Cơ đốc giáo. Ở Hà lan, những bức tranh tôn giáo bị chính quyền Tin lành cấm hẳn.

Nhưng ở vùng phía nam Netherlands theo đạo Thiên chúa, vẫn dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha cho đến năm 1798, các nghệ sĩ, những  người Cơ đốc sùng đạo, thường vẽ những tranh có chủ đề tôn giáo. Dù sao thì nghệ thuật vùng này ít mang tính siêu phàm như phần đối trọng của nó ở Ý. Người Hà lan luôn là một dân tộc thực tế. Nghệ thuật của họ phản ánh đặc điểm quốc gia. Đặc biệt, họ thích hàng hóa vật chất và muốn tranh vẽ của mình hấp dẫn để trưng bày trong các cửa hàng, mô tả những vật thể trần thế mà bạn như có thể “ngoạm” lấy.

Trong những đoạn sau, tôi sẽ bàn về nghệ thuật của những bậc thầy Hà lan vĩ đại nhất: Rubens, Rembrandt, Hals, và Vermeer.

Rubens: Đậm đà, bóng bảy, và thiêng liêng

Rubens (1577-1640) là họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhà chạm khắc, doanh nghiệp, và chính khách bậc thầy. Ông cũng nói đến bảy thứ tiếng (rất tốt cho một chính khách). Năm 1600, ông chuyển đến Ý để học các bậc thầy người Ý. Không lâu sau khi ông đến, ông tìm được một công việc hoàn hảo để thực hiện hoài bảo của mình. Công tước vùng Mantua là Vincenzo I Gonzaga thuê ông làm công việc sao chép tranh. Ông phải sao chép tranh các họa sĩ Ý vĩ đại để công tước có bản sao của những tuyệt tác làm bộ sưu tập riêng. Rubens ở lại với công tước trong tám năm.

Năm 1601, Gonzaga gởi ông đến La Mã để sao chép các bậc thầy như Raphael và Michelangelo. Trong thời gian ở Thành Phố Vĩnh Cữu, Rubens có dịp ngắm họa phẩm tập thể mang tính kỹ luật cao của Annibale Carracci ở Farnese. Rubens sau đó áp dụng cách làm việc tập thể trong xưởng vẽ của riêng mình ở Antwerp. Trước khi rời nước Ý vào năm 1608, Rubens đã hoàn thiện phong cách độc đáo nổi tiếng của mình __ những tranh vẽ có màu sắc đậm đà, được bố cục nhiều chi tiết nhưng hoàn hảo, toát ra sự sinh động vô hạn. Bức Sự Thất Thủ của Phaeton (1604-1606) và nhất là Thánh George và Con Rồng (1606-1607), cả hai đều đậm chất Rubens. Thánh George và chiến mã của mình như phóng ra ngoài khung tranh. Dù với tài năng thiên phú của Rubens, Gonzaga không hề mua một  bức tranh nguyên gốc nào do ông vẽ. Đúng là bục nhà không thiêng!

Điểm mạnh của Rubens là những chuyển động được kích hoạt, cách chiếu sáng kịch tính, và những nhân vật gây ảo giác xông đến hoặc rơi vào không gian của người xem. Thường thường, các họa phẩm của ông xô về phía trên. Christ Sống Lại (1616) minh họa khuynh hướng này (xem Hình 14-3). Lẽ dĩ nhiên, việc xô về phía trên trong bức tranh này có ý nghĩa biểu tượng. Vải liệm của Jesus trông như bay lên khi Jesus đứng lên từ ngôi mộ của mình. Tính ảo giác mà Rubens sử dụng khi vẽ bàn chân trái của Christ __ trông như vuông góc với bề mặt tranh __ khiến có vẻ như Jesus đang bước ra khỏi bức tranh. Sự phục sinh có vẻ như đang xảy ra ngay trước mắt người xem. Chưa bao giờ Christ hình như gắn liền với mặt đất như thế, cho dù ông đứng lên từ cái chết. Ông vừa nhẹ tênh (lơ lững hướng về tầng mây) vừa vững chải như người tâp thể hình đang ngồi dậy từ chiếc ghế tập. Các thiên thần đang nâng đỡ Christ nhìn với vẻ sửng sốt. Chỉ có Jesus là điềm nhiên trước sự phục sinh tự nhiên mà vinh quang của mình.

9

Hình 14-3

 

Rembrandt: Chân dung tự họa và cuộc sống trong bóng tối

Theo sau Caravaggio, Rembrandt (1606-1669) là bậc thầy về kỹ thuật chiaroscuro (xem Chương 11) và kỹ thuật chiếu sáng kịch tính. Ông học cách vận dụng ánh sáng và bóng tối để tạo hiệu ứng kịch tính chắc chắn từ Trường Utrecht ở Hà lan, chịu ảnh hưởng của Caravaggio, nhưng cũng từ thầy ông là Pieter Lastman. Lastman chịu ảnh hưởng của cách sử dụng độc đáo kỹ thuật chiarascuro của Tintoretto.

Bức Làm Mù Mắt Samson của Rembrandt (xem hình dưới), thay vì dùng ánh sáng chiếu xuống từ trên cao (ánh sáng tầng hầm), nó đổ xuống từ chiếc lều mở để phơi bày tội lỗi đâm mù mắt người đàn ông cường tráng trong Cựu Ước. Delilah, cầm cây kéo mà cô ta dùng để cắt tóc Samson cũng tức là cắt đi sức mạnh vô địch của chàng, lùi lại lộ vẻ khủng khiếp, nhưng không biểu lộ sự thương hại. Như nhiều tác phẩm của Caravaggio, bức Làm Mù Mắt Samson đầy ắp hành động theo các hướng đối nghịch. Deliliah lùi ra sau trong khi một tên lính Philistine thọc mũi giáo về phía Samson đang nằm ngữa ra phía trước. Chung quanh là các tên lính kẹp chặc chàng vào giữa. Trong các tác phẩm về sau, ánh sáng ít giống của Caravaggio mà nghiêng về Tintoretto hơn, đầy bí ẩn và nhiều cảm xúc. Ánh sáng tâm linh tràn ngập khung vẽ. Rembrandt vượt xa những người đi trước ông trong việc lý giải bản chất của con người.  Những chân dung sâu sắc và nhiều tranh tôn giáo về các câu chuyện trong Cựu Ước hé lộ thế giới nội tâm của nhân vật mà ông mô tả quá sống động. Rembrandt cũng đo đi đo lại chiều sâu của tính cách bản thân bằng một chuổi những chân dung tự họa trải suốt cuộc đời của mình; hơn 60 bức còn để lại. 

10

Bức Triết gia Trầm Tư (Hình 14-4) minh họa cách thức Rembrandt sử dụng ánh sáng và bóng tối để gợi ý qua phép tương phản. Các bậc thang, uốn quanh một vùng bóng tối, tượng trưng cho hành trình suy tư của triết gia vào cõi chưa được biết đến. Gian phòng trông như một tấm gương lồi với các bậc thang uốn khúc và phía trên cửa sổ bao lấy phần cong trên cùng của cầu thang. Ánh sáng vàng, tràn ngập chiếu qua cửa sổ, ném một vầng hào quang ấm áp quanh nhà tư tưởng như thể ông là một vị thánh trí tuệ. Ở góc đối diện của gian phòng, một người đàn bà (có thể là vợ của triết gia) đang cời lửa trong lò sưởi, coi sóc về mặt thực tế của cuộc sống mà chắc chắn ông ta xao lãng.

11

Muốn biết thêm về kỹ thuật của Rembrandt, đặc biệt về kỹ năng đi cọ của ông, hãy xem Chương 29.

12

Một chân dung tự họa của Rembrandt

Cùng cười với Hals

Frans Hals (1582-1666) không vẽ tranh tôn giáo hoặc lịch sử, cũng không vẽ phong cảnh hay tĩnh vật. Ông tập trung vẽ gương mặt, phần lớn là những gương mặt vui vẻ với gò má đỏ vì rượu vang, hoặc một mình hoặc với nhóm bạn. Ông ta có biệt tài nắm bắt được nét biểu cảm thoáng qua trên các đặc điểm của gương mặt người mẫu; một nụ cười tinh quái, một người đàn ông cười ham hố khi y rót cốc bia (Gã Trai với Cốc Bia), một cô gái đẫy đà đá lông nheo với một ông (Cô Gái Du Mục, hình dưới).

13

Hals nổi tiếng về những bức tranh mạnh bạo, như pha trộn giữa một thiệp Giáng sinh và một tờ quảng cáo bia, nhưng ông cũng minh họa bộ mặt tỉnh táo của cuộc sống. Chẳng hạn, Các Bà Quản Đốc Nhà Dưỡng Lão cho các Ông ở Haarlem mô tả các bà điều hành viện dưỡng lão Haarlem. Khi thoạt nhìn, gương mặt các bà già trông trịnh trọng, có khi nghiêm khắc. Nhưng nếu bạn nhìn đủ lâu, một tấm lòng nhân hậu bắt đầu rực sáng bên trong mỗi gương mặt, nhất là trong ánh mắt. Chăm sóc các cụ không chỉ là nhiệm vụ của những phụ nữ này; đó là công việc của tình thương. Ngoài những gợi ý về lòng nhân đạo, một trải nghiệm cả đời dài được khắc ghi trên mỗi gương mặt nhọc nhằn này (xem hình dưới).

Dù có tài năng kiệt xuất, Hals chỉ đạt được thành công khiêm tốn, một phần vì người ta coi nét cọ phóng khoáng, nhẹ  nhàng của ông là sự lười nhác. Chủ nghĩa Ấn tượng đã từng dạy chúng ta sức mạnh biểu cảm của ánh sáng và nét cọ phóng khoáng. Nhưng trong thời đại đó, ai mà biết?

14

Vermeer, các nhạc công, người hầu và cô gái với ngọc trai

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Vermeer (1632-1675) chỉ vẽ vỏn vẹn 34 họa phẩm. Ông vẽ chậm, trau chuốt tác phẩm của mình lần này đến lần khác trước khi giao cho người mua, thường là Pieter van Ruijven. Các tác phẩm của ông không thuộc chất Ba-rốc điển hình. Ông không dùng màu rực rỡ như Rubens. Không có gì nhảy ra khỏi bức tranh đến người xem. Nói đúng ra, tranh ông hơi thanh đạm và thỏ thẻ. Ông thường minh họa khung cảnh trong gia đình với một hay hai nhân vật trong gian phòng chỉ chứa một ít vật dụng: một cây đàn dương cầm, một chiếc bàn, một bình nước. Mọi thứ bất động như một chiếc đồng hồ đã chết máy. Vậy mà vẫn toát ra sự căng thẳng nội tâm __ thuộc tâm lý hoặc tâm linh. Các chủ thể của ông là nhân vật của đời thường __ một người hầu đổ sữa, một thiếu nữ đàn guita, một ông đang xoay quả địa cầu __ vậy mà họ có phần đứng ngoài hành động họ đang làm. Một bí ẩn bao trùm lên các bức tranh của Vermeer như một màn sương mờ mịt bạn có thể cảm nhận nhưng không nhìn thấy.

Vermeer nổi tiếng về cách sử dụng vô cùng tinh tế và gợi cảm, khi thì ấm khi thì mát trong cùng một bức tranh. Ánh sáng thường là sự pha trộn của vàng ấm và xanh mát lọc qua khung cửa sổ. Sự tỏa sáng mát mẻ và mềm mại khiến tranh ông vừa thân mật vừa xa cách. Vermmer hầu như luôn luôn vẽ cùng một gian phòng (xưởng vẽ của ông với sàn nhà lót ô vuông và cửa sổ có pa nô). Ông hiểu rõ tất cả tâm trạng của gian phòng và học cách nghe chúng nói trên khung vải vẽ của mình khi âm thanh của cuộc sống tạm thời tắt lặng. Có thể đó là lý do ông cấm vợ và 11 đứa con không được bước vào xưởng vẽ của mình.

Bức Cô Gái và Đôi Bông Tai Ngọc Trai (xem hình dưới) đôi khi được mệnh danh là “Mona Lisa của phương Bắc.”  Vậy mà vào năm 1881, bức tranh này chỉ bán được với giá khoảng 2 đôla Mỹ __ danh tiếng của ông đã giảm đến mức quá thấp. Ngày nay ông được xem là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 17 và bức Cô Gái và Đôi Bông Tai Ngọc Trai  giờ là vô giá.

15

Điều gì đặc biệt về “Mona Lisa của phương Bắc” ngoài việc  cô ta trông say đắm hơn Mona Lisa của phương Nam? Có thể vì cô ta vừa quyến rũ vừa hồn nhiên cùng một lúc. Cô ta là ngã tư đường  nơi đó sự ngây thơ và từng trải gặp nhau và tìm hiểu nhau. Cũng vậy, sự tương phản giữa bộ áo của người hầu và ngọc trai cỡ ngón tay lơ lững dưới vành tai cũng ấn tượng nhưng cũng thích đáng. Làm sao một người hầu có thể sắm được một món nữ trang quý giá như thế? Và cô ta đã làm gì để có được nó? Nhưng nét thơ ngây của cô loại trừ khả năng cô làm điều sai quấy. Điều ấn tượng nhất đối với Cô Gái và Đôi Bông Tai Ngọc Trai không phải là những nét nổi bật của cô ta mà cách cô ta nhìn người xem. Người xem mê đắm cô ta đến nổi cô ta làm bạn thấy mình đặc biệt. Hậu cảnh màu đen làm gia tăng cảm giác này bằng cách tách cô ta khỏi thế giới của mình và cho phép nàng bước vào không gian của người xem _ theo một cách rất Ba-rốc.


  

                      

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s