Lịch Sử Nghệ Thuật- Phần 3

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

Chương 7

Nghệ Thuật Hy Lạp, Cá Tính Olympia, và các Nhà Sáng Tạo Thế Giới Hiện Đại

 

Trong Chương Này

  • Nhảy bò với người Minoan
  • Tìm hiểu điêu khắc Hy Lạp
  • Giải thích tranh bình Hy Lạp
  • Thăm phế tích Hy Lạp
  • Lần theo Hellenism

                                Mọi thứ lớn lên rồi sẽ suy tàn. Nhưng ký ức về sự vĩ đại của chúng ta sẽ được truyền lại mãi mãi cho hậu thế . . . sự ngưỡng mộ thời đại hiện giờ và những thời đại kế tiếp sẽ       mãi dành cho chúng ta, vì chúng ta không rời bỏ quyền lực mà không để lại chứng tích, những chứng tích hùng hồn . . . chúng ta đã bắt biển cả và đất đai làm đường đi cho hành trình gan góc của mình, đi đến đâu chúng ta cũng để lại phía sau những đài tưởng niệm trơ gan cùng năm tháng.       __Pericles (nhà chính khách của Athens, thế kỷ thứ 5 B. C.)

Pericles nói đúng. Thế giới mà ông xây dựng đã hư hoại. Nhưng ký ức về nó và ảnh hưởng của nó đã kéo dài gần 2500 năm, đi qua bao nhiêu thời đại đến trong cuộc sống thường nhật của  chúng ta.

Dù chúng ta đang xem kịch hay phim ảnh; cổ vũ cho đội nhà trong đấu trường Olympic; tranh luận một vấn đề đạo lý; thăm Nhà Tưởng Niệm Lincoln ở Washington D.C.; vật lộn với một bài toán hình trừu tượng; hay bỏ phiếu cho thị trưởng của mình, hành động của bạn có cội rễ từ Hy Lạp Cổ. Người Hy Lạp đã viết nên cẩm nang cho thế giới hiện đại. Họ sáng tạo dân chủ, lô-gic, luân lý học, kịch nghệ, trò chơi Olympic, môn lịch sử, toán lý thuyết, và truy vấn hợp lý (tiền thân của khoa học ngày nay); đặt nền tảng cho nghệ thuật phương Tây; và phát triển phong cách kiến trúc mà đến nay chúng ta còn bắt chước.

Chúng ta mang ơn di sản Tây phương truyền lại từ Cổ Hy Lạp, nhưng nhất là từ Athens (tọa lạc trên bờ biển Aegean), có thể được coi là thành phố sáng tạo nhất trong lịch sử. (Florence, Ý, xếp thứ hai__xem Chương 12.)

Làm thế nào một thành phố có kích cỡ quận Oledo, bang Ohio, lại có thể là bệ phóng của thế giới hiện đại cách đây 2.5 thiên niên kỷ ? Mời bạn đọc tiếp.

  

Giao Hảo với Người Minoan: Nữ Thần Rắn, Minotaur, và Người Nhảy Bò

Văn hóa Aegean (nền văn minh quanh biển Aegean) không bắt đầu với người Hy Lạp __ mà bắt đầu với người Minoan trong cuối thiên niên kỷ thứ ba B.C. Ngưòi Minoan sống trên đảo Crete (phía nam lục địa Hy Lạp ngày nay), dài khoảng 150 dặm, rộng khoảng 36 dặm. Mặc dù họ giao thương với người Ai Cập và Mesopotamia, người Minoan sống tương đối biệt lập và phát triển một nền văn hóa độc đáo. Nghệ thuật của họ không tập trung vào cái chết hay chiến tranh như người Ai Cập và Mesopotamia, nhưng vào cuộc sống, vẻ đẹp, và lạc thú!

Người Minoan được gọi theo tên của Vua Minos huyền thọai được cho là trị vì Crete và sở hữu một “thú cưng” nửa người, nửa bò gọi là minotaur. Tên con vật là biến thể của tên vua, vì minotaur cũng là con riêng của vợ ông ta. Vợ của Minos cắm sừng ông khi giao du với một con bò! Minos nhốt đứa con quái thú này trong một mê cung và hiến tế các thanh niên nam nữ thành Athens cho y cho đến khi dũng sĩ huyền thoại Theseus giết chết quái vật

Người Hy lạp biết mình đang nói gì

Người Hy lạp truyền lại cho chúng ta một kho báu nghệ thuật và tác phẩm về chính quyền, giáo dục, kịch nghệ, cuộc sống thường nhật, kinh tế, và thậm chí tình yêu. Sau đây là một ít châm ngôn nổi tiếng của họ:

“Hiến pháp của chúng ta không sao chép luật lệ của các bang lân cận, chúng ta phải là kiểu mẫu cho kẻ khác bắt chước. Hành pháp hoạt động theo luật đa số; nên được gọi là dân chủ. Luật lệ mang đến công lý như nhau đến mọi thành phần khác biệt.” __Pericles.

“Những người tốt không cần luật bảo mình phải hành xử có trách nhiệm, trong khi kẻ xấu luôn tìm cách lách luật.” __ Plato.

“Chúng ta không thể học tập mà không cực khổ.” __ Aristotle

“Phần quan trọng nhất của giáo dục là giai đoạn rèn luyện trong thời ấu thơ.”__ Plato

Thật ra, người Minoan là một dân tộc yêu hòa bình. Họ tạo ra nhiều công cụ hơn là vũ khí, và vị thần chính của họ không phải thần cường tráng sấm sét như thần Zeus, mà là một nữ thần rắn rất sexy. Linh vật được sùng bái gồm thiên nga, rắn, và bò. Huyền thoại minotaur chắc thoát thai từ môn thể thao tôn giáo tai tiếng của Minoan, môn nhảy bò, trong đó thanh niên nam nữ nhảy lộn vòng từ lưng bò rừng xuống đất.

Người Minoan xây cung điện (mặc dù ít nguy nga hơn cung điện Ai Cập và Mesopotamia), trang trí bằng tranh tường sắc sảo. Thật ra, tranh tường là thành tựu văn hóa lớn nhất của họ. Bích họa Toreadoe (khoảng 1500 B.C.) , mô tả sự kiện nhảy bò, là một minh chứng ấn tượng nhất (xem Hình 7-1).

1

Hình 7-1

 Chú ý các thiếu nữ nhảy bò (trước và sau con bò) có da trắng, cho biết họ ở trong nhà nhiều hơn nam thanh niên nhảy bò da ngâm đen. Đây là lần đầu tiên trong nghệ thuật, ta thấy có sự bình đẳng giới tính. Nam và nữ là những vận động viên ngang hàng nhau trong môn thể thao tôn giáo hào hứng nhưng không kém phần liều lĩnh này. Thật ra, số phụ nữ nhiều hơn cánh đàn ông.

Thân hình thon dài trong Bích họa Toreado tràn đầy nhựa sống. Ngay cả con bò có đuôi cong chữ S cũng hình như tham gia hết mình. Những đường cong dợn sóng của thân bò và người nhảy hài hòa với nhau, biểu lộ sự hợp nhất giữa con người và tự nhiên ở xứ Crete. Người nhảy tiếp theo đứng lo lắng trên ngón chân, sẵn sàng phóng lên thân bò, trong khi một người đã nhảy giữ lấy sừng bò. Các vị trí của ba người nhảy cho thấy chuổi hành động liên quan đến việc nhảy bò.

So sánh dáng dấp duyên dáng như lượn sóng của người Minoan với thân hình khô cứng như núi trong nghệ thuật của người Ai Cập (xem Chương 6) và Mesopotamia (xem Chương 5). Hai dân tộc sau có văn hóa đặt căn bản trên sông, kẹp giữa sa mạc. Còn người Minoan là nền văn minh đầu tiên được bao quanh bởi biển cả. Những đợt sóng của biển Aegean hình như tưới tươi mát nền văn hóa và nghệ thuật của họ.

2

Nếu nghệ thuật phản ánh con người đã tạo ra nó, người Minoan chắc phải là dân tộc yêu đời. Các bích họa của họ vẽ những con cá heo lặn hụp, những con mực rượt đuổi, những phong cảnh hoa lá sống động, và những kiểu dạng như sóng đại dương. Một cung điện của Minoan trông như một Thế Giới Biển trong nhà. Nhưng có lẽ văn hóa của họ quá lạc thú và thoải mái nên không thể sống còn trong một thế giới tàn nhẫn.

3

Khoảng năm 1500 B.C. , các bộ lạc Hy Lạp hiếu chiến xâm lược Crete và thiết lập nền văn hóa Hy Lạp đầu tiên. Dần dần, người Hy Lạp tràn chiếm bán đảo Peloponesus và Đảo Aegean.

Nhưng người Minoan bị chinh phạt không biến mất hoàn toàn. Họ hòa nhập vào Hy Lạp, tạo ra cái mà  ta gọi là văn hoá Mycenaen. Nền văn hóa này sáng chế ra thần thoại Hy Lạp đầy màu sắc được truyền lại cho chúng ta và phát động Cuộc Chiến Thành Troy, được kể lại trong thiên sử thi vĩ đại nhất từng được viết, Iliad.

Sau Cuộc Chiến Troy, văn hóa Mycenaean sụp đổ, thất thủ trước một làn sóng xâm lăng khác của bộ lạc Hy Lạp có tên Dorian, định cư tại Sparta và bán đảo Peloponnesus. Người Hy Lạp Ionian, đã di cư nhiều thế kỷ trước, vẫn còn cố thủ ở Athens và chung quanh Attica, nơi đó họ đã cư trú từ thời của Theseus huyền thoại và người Minoan.

Sau khi Mycenae thất thủ, vài thế kỷ dằng co đi qua trước khi người Hy Lạp định cư tại nơi mà sau này trở thành Hy Lạp cổ điển, một quần tụ các bang rộng lớn từ Tiểu Á và lục địa Hy Lạp đến Sicily và bờ Địa Trung Hải của Pháp. Mặc dù ngôn ngữ và văn hóa chung liên kết các bang Hy Lạp, họ thường gây chiến với nhau. Trong khoảng 400 năm sau khi chinh phạt Mycenae, người Hy Lạp không tạo được công trình nghệ thuật nào có ý nghĩa; họ quá bận rộn đánh nhau để giành quyền lực và của cải. Trong thế kỷ thứ 8 B.C. yên ổn hơn, những biểu hiện trước đây của văn hóa Hy Lạp đã xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình và văn chương. Tác phẩm Iliad Odyssey được viết trong thế kỷ thứ 7 và 8 B.C. theo thứ tự.

Điêu Khắc Hy Lạp: Từ Sự Đối Xứng Trần Trụi đến Sự Cân Bằng Tinh Tế

Người Hy Lạp hấp thu tính cứng nhắc của người Ai Cập mà họ giao thương, và phong cách mềm mại của người Minoan. Họ dần dần kết hợp hai nền nghệ thuật thành nền nghệ thuật lý tưởng hóa nhưng tự nhiên mà nhiều dân tộc xem là nghệ thuật vĩ đại nhất thời cổ.

Kouros đến chàng trai trẻ Kritios

Sự tiến hóa của điêu khắc Hy Lạp từ các tượng Kouros cứng nhắc của thế kỷ thứ 7 và 6 B.C. đến chàng trai Kritios tự nhiên (khoảng 480 B.C.) tương ứng với sự thay đổi chính trị chấn động ở Athens lan truyền đến nhiều bang khác. Chế độ độc tài (do một người cai trị) được thay thế bằng thể chế dân chủ (cai trị bởi mọi công dân) vào năm 508 B.C. Kouros (“chàng trai trẻ”) là bức tượng biểu thị trật tự cũ và tầng lớp quý tộc __ cứng nhắc, đầy quyền lực, và kiêu kỳ. Chàng trai Kritios tự nhiên hơn biểu thị nền dân chủ __ khoan thai, duyên dáng, và hiện thực. Chàng trai Kritios trông như một phiên bản của người đàn ông trong đường phố, đối lập với siêu anh hùng cứng nhắc như kouros.    

Thời cổ xưa

Trong thế kỷ thứ 7 và 6 B.C., thời kỳ cổ xưa (650B.C. – 480 B.C.), điêu khắc Hy Lạp trông như vay mượn các tượng trong lăng mộ Ai Cập. Các nghệ sĩ hiển nhiên đã học nghề tại Ai Cập hay nghiên cứu đồ nhập khẩu từ Ai Cập rất kỹ.

So sánh tượng Hy Lạp cổ xưa kouros ở Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Metropolitan trong hình dưới (khoảng 600 B.C.) với các tượng Ai Cập của Vua Menkaura và hoàng hậu (được điêu khắc khoảng 2515 B.C.). Hầu như mỗi tượng của Hy Lạp cổ xưa đều muốn nói, “Tôi là người Ai Cập.” Tượng Kouros đối xứng và cứng nhắc như tượng Phara-ông, mặc dù điêu khắc Menkaura tinh tế hơn. Cả kouros và Vua Menkaura đều có vai vuông; thẳng, cánh tay và chân cứng nhắc; bàn tay nắm chặt giữ sát bên hông. Cả hai đều hơi bước về phía trước bằng bàn chân trái. Cả hai đều có xương bánh chè dạng hình học, nhô ra, và bắp chân có cùng góc cạnh, như thể được tạo dáng bằng một cái bào gỗ lỗi thời. Nhưng cũng có sự khác biệt. Kouros thì hoàn toàn khỏa thân. Phara-ông không bao giờ được biểu diễn khỏa thân; thật ra chỉ trẻ em Ai Cập mới thường được mô tả trần truồng.

4

Phiên bản nữ của tượng cổ xưa gọi là kore, có nghĩa là “thiếu nữ.” Kore không bao giờ khỏa thân. Chỉ có đàn ông Hy Lạp được cho phép nghênh ngang trong thành phố. Các phụ nữ Hy Lạp thường ở nhà may vá và nấu ăn (trừ bang Sparta). Khi họ bước ra ngoài để lấy nước chẳng hạn, họ mặc váy dài.

Người Hy Lạp dần dần rời bỏ tính đối xứng nghiêm nhặt của Ai Cập để chọn hình thức cân bằng tinh tế hơn. Kouros trong Hình 7-2 được điêu khắc khoảng 525 B.C., 75 năm sau  kouros ở Bảo Tàng Viên Nghệ Thuật Metropolitan, trông hiện thực hơn, mặc dù nó còn kẹt trong tư thế Ai Cập.

 Chú ý những đường  cong được điêu khắc tinh tế của vai, cánh tay, và đùi giống thật hơn phiên bản trước đây biết bao. Tượng củ trông như một người bằng đá. Tượng sau này gần giống một vận động viên có da thịt hơn; anh ta hình như sẵn sàng để học đi

5

Hình 7-2: Mặc dù còn đứng nghiêm như binh sĩ, bức tượng kouros về sau này, được gọi là Kroisos, cho thấy sự tiến bộ của người Hy Lạp về hướng hiện thực.  

Nhưng để tượng có dáng dấp di chuyển phải cần một trăm năm nữa. Đầu tiên, các nhà điêu khắc phải học cách mô tả thân thể trong tư thế thoải mái hơn là cứng nhắc.

Thời Cổ Điển

Trong thời Cổ điển (480 B.C. – 400 B.C.), chàng trai Kritios (được đặt có lẽ theo tên của nghệ sĩ đã sáng tác anh) đã học được cách diễn tả sự nới lỏng (xem Hình 7-3). Người nghệ sĩ đã phân phối sức nặng của chàng trai. Hông trái bây giờ hơi cao hơn hông phải, và toàn thân dựa thoải mái trên bàn chân trái thay vì cả hai bàn chân như chàng kouros. Đường viền của cặp đùi duyên dáng hoàn toàn trông như thực, cũng như bụng dưới nhô lên thoai thoải. Gương mặt cũng trông người hơn gương mặt của kouros; dáng vẻ giống như mặt nạ là do lỗ mắt nơi con mắt dát vào đã bị mất.

6

Hình 7-3

Chú ý sức căng trên đầu gối: Đầu gối trái thì căng, gối phải thì lỏng, cho thấy sự phân bố của sức nặng. Người điêu khắc đã học được cách biểu thị một thân thể đối xứng của chàng trai trẻ trong một tư thế phi đối xứng. Bước tiếp theo sẽ là làm cho tượng bước đi, chạy, nhảy, và ném __ hoặc ít nhất có vẻ như thế.

Ngưới Đua Xe bằng đồng ở Delphi (khoảng 470 B.C; xem Hình 7-4) còn cứng nhắc hơn chàng Kritios nhưng tư thế đứng thẳng của y chắc giúp cho y  nhìn thấy được vì tượng được đặt phía trên cùng của một đài tưởng niệm cao. Cái nhìn chăm chú trên gương mặt và nếp gấp tự nhiên, sống động của y phục là đặc tính của tính hiện thực Hy Lạp thế kỷ thứ 5, được gọi là phong cách khắc khổ. Tượng được đúc 

7

Hình 7-4

để vinh danh chiến thắng của vận động viên tại Olympic trong môn đua xe ngựa. Các sự kiện thể thao là biến cố lớn ở Hy Lạp. Trong các kỳ Olympic, mọi hành động quân sự đều tạm ngừng để người Hy Lạp có thể tranh tài giành vòng nguyệt quế đội lên đầu, thay vì tranh đua vì tiền bạc và quyền lực.

Việc các vân động viên được đúc bằng đồng cho thấy người Hy Lạp coi trọng những người hùng thể thao như thế nào. Họ có vị thế như một vị thần, nhất là ở quê nhà, nơi đó họ được trợ cấp và nuôi ăn suốt đời.

Các điêu khắc gia thời Hoàng Kim: Polykleitos, Myron, và Phidias

Phong cách cổ điển cao bắt đầu khoảng 450 B.C., khi các điêu khắc gia Hy Lạp học cách mô tả sự chuyển động cho bức tượng. Myron dồn hết cơ thể của Người Ném Dĩa (Diskobolus) trong một hành động dồn nén duy nhất. Tượng như được lên giây cót, năng lượng sẵn sàng bùng nổ. Vậy mà gương mặt quang đãng một cách cổ điển và cái nhìn xa xăm trong ánh mắt tương phản với động tác của tòan thân, tạo cho vận động viên một chất lượng vĩnh cữu, như thể y chuẩn bị ném dĩa vào cõi vô biên.

8

Polykleitos cho ta một cảm giác cân bằng với các sức căng đối kháng, phát sinh chuyển động. Tư thế lệch tâm với dáng vẻ buông lỏng nhưng cân bằng này được gọi là contrapposto. Bạn có thể thấy được hiệu quả này trong một bản sao La Mã của tượng Doryphoros (Người Mang Giáo, xem Hình 7-5) của Polykleitos. Cánh tay trái co lại tương phản với chân phải đứng thẳng trong khi cánh tay phải cân bằng chân trái cong ra. Chân trái hình như đẫy cơ thể ra phía trước. Những lực đối kháng tạo cảm giác cân bằng trong khi vẫn toát lên sự căng thẳng và hành động. Triết gia Hy Lạp Heraclitus (khoảng 535 B.C – 475 B.C.) đúc kết bằng khái niệm “Đối kháng mang đến hòa hợp.”

9

Hình7-5: Doryphoros(Người Mang Giáo)     

Polykleitos viết một quyển sách về các quy luật tỷ lệ mang tên Cẩm Nang; được nhiều thế hệ các điêu khắc gia Hy Lạp và La Mã vận dụng. Ông cho đúc tượng nguyên bản Doryphoros của mình bằng đồng để minh họa những nguyên tắc đề ra trong Cẩm Nang. Nhiều tượng “nhái” bằng đá theo Doryphoros vẫn còn lưu truyền đến nay minh chứng cho sự thịnh hành của nó và sự ngưỡng mộ mà những người sao chép La Mã dành cho Cẩm Nang của Polykleitos.

Để văn hóa Hy Lạp sống còn, các bang tách biệt nhau buộc lòng phải tự mình chống lại các kẻ xâm lược như người Ba Tư. Vào năm 480 B.C., thành Athens đẩy lui một cuộc xâm lăng của người Ba Tư bằng cách lập kế lừa được kẻ thù. Đoàn chiến thuyền 380 chiếc của họ tinh nhuệ hơn nên đánh tan hạm đội gồm 1207 chiến thuyền Ba Tư ở Salamis. Chiến thắng vang dội này đem lại uy thế cho Athens trong thế giới Hy Lạp và đưa nó trở thành trung tâm của liên minh phòng thủ gọi là Liên Minh Delian. Tất cả bang thành viên đều bằng lòng đóng góp tiền bạc để chi trả cho hải quân mà Athens điều khiển. Về sau, Pericles, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Athens, rút rỉa quỹ phòng thủ để xây dựng Athens thành một trong những thành phố huy hoàng nhất trong thế giới cổ. Điều này làm gia tăng uy thế của Athens thêm, nhưng đồng thời làm các bang luôn hiềm khích với nó như Sparta và Corinth ghen tức và khiếp sợ, và tự nhiên khiến các đồng minh của Athens nổi giận. Sự kình địch dâng cao, và cuối cùng dẫn đến cuộc chiến Peloponnesia vào 431 B.C. Chiến tranh kết thúc năm 404 B.C. và Athens bị đánh bại hoàn toàn. Thời Hoàng Kim của Hy Lạp đã qua. Nhưng thời đại của Alexander Đại đế và Hellenism, chẳng bao lâu sẽ đến, rồi sẽ truyền bá văn hóa Hy Lạp đi khắp thế giới văn minh.

Nếu thành ngữ “vinh quang của Hy Lạp” nằm trên đôi vai của hai người đàn ông, đó chính là Pericles và Phidias. Phidias là nhà điêu khắc Hy Lạp lừng danh nhất, người tổng quản các công trình kiến trúc cho các dự án xây dựng của Pericles tại Acropolis ở Athens.

Một trong những kiến trúc vĩ đại nhất của Phidias là tượng vàng và ngà thần Athena, thần hộ mạng của Athens, cao 40 bộ (13 mét), trước kia đặt trong điện Parthenon. Tượng này và hầu hết những công trình khác của Phidias đều đã thất lạc.

11

Tượng Athena làm lại (sau) và tượng được coi là bản sao tốt nhất của nguyên bản, được làm thời La Mã (trước)

Điêu khắc duy nhất còn tồn tại (nhưng cũng có thể là do học trò ông tạc) là tượng trụ ngạch và tráng tường của điện Parthenon, nhiều chi tiết bây giờ nằm trong Bảo tàng British. Nhưng chỉ cần chừng ấy cùng với những lời khen tặng của người xưa đủ minh chứng cho tên tuổi bất diệt của bậc thầy điêu khắc. Người xưa gọi công trình của Phidias là thiêng liêng và vĩnh cữu.

12

12

Các tượng điêu khắc còn lại trong điện Partheton.

Các tượng còn sót lại trong điện Parthenon (nhiều cái chỉ La Mãnh vụn) còn giữ lại những phẩm chất mà người xưa mô tả. Các hình người hình như tự ngắm nhìn mình khi tham gia hoạt động, như thể họ là một phần của thế giới này mà đồng thời vượt qua nó, để thuộc về thế giới thần thánh trên đỉnh Olympus. Cho dù đầu của Ba Vị Thần (giờ hiện ở Bảo tàng British) đã bị mất, phần vải vóc được điêu khắc trên cả tuyệt vời (trông mềm mại và dính vào cơ thể do Phidias đi tiên phong) đã nói lên cho họ,  bộc lộ tâm trạng, tinh thần, và sự gợi cảm rất đời của những phụ nữ bằng xương bằng thịt bên dưới lớp vải (xem hình dưới). Các nữ thần này đang làm gì? Nhìn sự ra đời của thần Athena, nữ thần của khôn ngoan, đang vươn mình lớn lên từ vầng trán của cha mình là thần Zeus. Tác giả Hy Lạp thế kỷ thứ 1 là Plutarch, người đã trông thấy Parthenon của Phidias năm thế kỷ sau khi được xây dựng, đã thốt lên:

Các công trình của Phidias toát lên một nét cách tân rạng rỡ, giữ gìn khỏi sự tàn phá của thời gian, như thể chúng sở hữu một tinh thần bất tử và một  sức sống không tàn lụi kết gắn vào bố cục của chúng.  

Ngày nay, mặc dù chúng là phế tích, “sức sống” ấy vẫn còn.

13

Điêu khắc thế kỷ thứ bốn

Sau khi Athens thất thủ vào năm 404 B.C., thành bang dần dần gượng đứng dậy, dù không bao giờ vươn tới thời vinh quang cũ. Dù sao đi nữa, triết lý Hy Lạp lên đến đỉnh cao trong thế kỷ thứ 4 B.C. (Có thể thất bại của Athens làm cho người Athens trở nên hiền triết hơn). Plato dạy học tại Học Viện Athenian nổi tiếng từ 387 B.C. đến 347 B. C., và Aristotle, đệ tử xuất sắc nhất của ông, dạy tại Lyceum ở Athens từ 335 B. C. đến 322 B. C., sau khi dạy cho Alexander Đại đế ở Pella, Macedonia.

Thế kỷ thứ 4 cũng sản sinh ra ba nhà điêu khắc vĩ đại: Praxiteles, Skopas, và Lysippos (điêu khắc riêng cho Alexander Đại Đế). Trong thể kỷ 4, điêu khắc còn mịn màng hơn thời trước, nhưng tính vĩnh cữu của điêu khắc Phidias và Polykleitos đã nhường bước cho tính trần thế đời thường. Ví dụ, Fraxiteles mô tả tượng Knidian Aphrodite chuẫn bị tắm, trong khi Hermes của ông (xem Hình 7-6) nhìn trìu mến thằng bé Dionysos đang đùa giỡn trong vòng tay anh.

14

 Hình 7-6: Đây là bản sao chép thời La Mã của tượng Hermes và con trai Dionysus (khoảng 320 B.C. – 310 B. C.)

Thế kỷ thứ 4 cũng sản sinh ra những tượng khỏa thân nữ đứng không cần giá đỡ đầu tiên. Praxiteles lột bỏ y phục của Aphrodite, nữ thần tình yêu, để khoe tất cả vẻ đẹp tinh tế và duyên dáng của nàng. Tượng khỏa thân của Aphrodite là một hit; nhiều bản sao đã tiếp nối. Praxiteles là bậc thầy mô tả được các đường  cong tinh tế và làm đá trông mềm dẽo như da thịt thật. Bản gốc Knidian Aphrodite, như tất cả tượng của Hy Lạp đều đã mất, và chỉ còn được biết đến qua các phiên bản sao chép của La Mã và mô tả của tác giả. Tượng của Praxiteles Hermes và đứa con Dionysos (xem Hình 7-6) hầu như danh tiếng không kém tượng Aphrodite của ông __ và cũng không kém đẹp. Vẽ mềm mại và nét quang đãng cổ điển của các chi tiệt trên gương mặt cùng nét duyên dáng tinh tế của cơ thể của Hermes là dấu ấn của phong cách của Praxiteles. Hermes, trước đây được tin là tượng nguyên gốc, giờ được xem là một bản “nháy” tuyện vời, gần với tinh thần của bản chính hơn bản sao Knidian Aphrodite.     

15

Tượng Aphrodite phiên bản sao chép thời La Mã và tượng Knidian Aphrodite

 

Tìm Hiểu Tranh Vẽ Bình của Hy Lạp

Tranh vẽ bình của Hy Lạp tiến bộ từ phong cách Hình học cổ xưa (thể kỷ thứ 10 đến thứ 8 B. C., trong đó người và thú trông như hình que) đến phong cách hiện thực cao thời Tiền Cổ Điển trong thế kỷ thứ 5 B. C. Hy Lạp cũng vui đùa ngắn ngủi với phong cách Đông phương do ảnh hưởng qua giao thương với Mesopotamia.

Hình que mát mẻ: phong cách Hình học

   Mới thoạt nhìn, những tranh vẽ trên bình từ thế kỷ 10 qua thế kỷ 8 B. C. trông như hình vẽ của bọn trẻ mẫu giáo. Nhìn kỹ hơn mới thấy được mạng lưới phức tạp của những kiểu dạng hình học: những chuỗi hoa văn chữ triện và chữ V xoắn xít nhau, hình vuông, chấm tròn, và đường  ngoằn ngoèo, dọc theo hình người và thú. Bình hình học cũng kể chuyện. Chẳng hạn bình Dipylon Krater ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan cho thấy người hình que kéo tóc than khóc tại giàn hỏa táng một chiến sĩ Hy Lạp (xem hình dưới).

16

Trong thế kỷ sau, phong cách Phương Đông hiện thực hơn, xuất hiện một cách ngắn ngủi, cho phép chuyện kể thị giác được rõ ràng hơn. Cổ bình rượu phong cách phương Đông, lấy cảm hứng từ sử thi Odyssey, mô tả cảnh Odyssey và bạn đồng hành thiêu cháy con mắt của Cyclops độc nhãn. Odyssey trước tiên chuốc cho tên khổng lồ say mèm. Cốc rượu trong tay Cyclops gợi ý phân đoạn ở trước này (xem hình dưới).  

17

Ảnh hưởng của Mesopotamia chỉ thấy trên hình người. Odyssey và đồng bọn trông giống như người Mesopotamia, nhất là phần trên người bò cạp trong dãy hình bên dưới của Puabi Lyre (xem Chương 5). Các con thú trong dãy hình giữa và bọn gorgon (chị em Medusa tóc rắn) trên bụng bình cũng có hương vị của vùng Cận Đông. Nhưng người Hy Lạp đã thêm thắt nét tươi vui cho bọn quái vật. Nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy bọn gorgon mắt lồi này đang khoe những đôi chân trái gợi cảm của những vũ công.

Kỹ thuật hình người đen và hình người đỏ

Phong cách Đông phương nhường bước cho phong cách cổ xưa còn hiện thực hơn trong thế kỷ thứ 6 B. C. Các họa sĩ phong cách cổ xưa này dùng hai kỹ thuật, hoặc kỹ thuật hình người đen, vốn bắt đầu vào  đầu thế kỷ thứ 7 B. C., hay kỹ thuật hình người đỏ, được sáng tạo khoảng 530 B. C.

Trong các bức tranh hình người đen, nghệ sĩ trước tiên phác họa hình người bằng que than trên bình đất sét đỏ, rồi tô hình người bằng slip (một hổn hợp đất sét ướt). Khi nung, chất slip hóa màu đen, và phần còn lại chưa sơn vẫn còn đỏ. Các chi tiết sau đó được thêm vào bằng các slip tím hay nhuộm đỏ, như trong Hercules GIết Sư Tử Nemean với Aiolos và Athena (xem hình). Trong cảnh này, Hercules, có thần Athena bảo vệ (bên phải người xem), đánh bại Sư tử Nemian, một trong 12 kỳ công của chàng.

18

Dần dần, hình người đen được thế bằng tiến trình đảo ngược gọi là kỹ thuật hình người đỏ, cho phép nghệ sĩ sáng tạo hình người có nhiều chi tiết hơn.

Trong kỹ thuật hình người đỏ, nghệ sĩ phác họa hình người, rồi khắc một đường viền 3/16 inch quanh hình. Sau đó y sơn chi tiết bằng slip (các sử gia không biết chắc bằng cách nào __ có lẽ bằng một cọ lông mịn hay một công cụ sắc bén). Cuối cùng, y tô màu hậu cảnh bằng slip (sẽ hóa đen trong lò nung) đến đường viền đã khắc quanh hình.

 Chú ý tác phẩm có chi tiết tinh tế trong bình Medea Krater (xem hình dưới). Hình nhiều chi tiết này có lẽ đã được thực hiện bằng kỹ thuật hình người đen. Medea Krater, được làm khoảng 30 năm sau khi bi kịch lừng danh của Euripides là Medea trình diễn đầu tiên tại Athens, mô tả cao trào của vở kịch. Phù thủy Media vừa giết các con trai của mình để trả thù ông chồng phản bội  mình là Jason. Giơ cao thanh gươm, bà chuồn đi trên chiếc xe mượn của ông ngoại Helios, thần mặt trời. Jason bị đánh bại nhìn bà bất lực, vũ khí buông thõng vô dụng bên mình. Các bà có cánh bay hai bên Medea, những con gái của bóng đêm, sẽ chiến đấu về phe ông. Họ là những cơn cuồng nộ mà nhiệm vụ là trả thù những tội sát hại trong gia tộc. Nhưng họ sẽ trải qua một phen khiếp vía trước sóng lửa mặt trời thiêu đốt của Helios (xem hình dưới).

19

Lục lọi Qua Phế Tích: Kiến Trúc Hy Lạp

Phong cách kiến trúc Hy Lạp phổ biến lâu dài. Người La Mã bắt chước phong cách ấy trong nhiều thế kỷ. Người Âu châu bắt chước từ thời Phục hưng qua đến thế kỷ 19, và người Mỹ thế kỷ 19 quay lại phong cách La Mã trong việc xây dựng nhà cửa (vì phong cách ấy có vẻ dân chủ) trong phong trào kiến trúc có tên Sự Phục Hồi Hy Lạp. Bạn có thể tìm thấy các cột trụ, mái gờ, và trán tường Hy Lạp trong mọi ngóc ngách trên xứ Mỹ.

Người Hy Lạp sáng chế ba kiểu (order), hay ba công thức kiến trúc : Doric, Ionic, và Corinthian (xem Hình 7-7). Mỗi kiểu đều dựa trên mối liên hệ bằng số chính xác sao cho mọi phần tử kiến trúc trong một công trình hài hòa nhau; như các nốt nhạc, chúng phải cùng trong một khóa điệu kiến trúc, nếu không chúng sẽ lạc điệu.

Trong kiểu Doric (xem Hình 7-7) mỗi cặp cột đều được đậy phía trên bằng ba triglyph. Mỗi triglyph trông như một nhóm gồm ba cột nhỏ. Một metope là khoảng không gian giữa các triglyph, trên đó các thợ điêu khắc thỉnh thoảng chạm hình nổi.  Phần giữa cột (column) và trán tường (pediment) hình tam giác (cũng được chạm khắc bằng hình nổi), được gọi là mũ cột (entablature).

20

Hình 7-7

Hình chạm nổi ở trán tường nổi tiếng là khó chạm vì nghệ sĩ phải khớp chuyện kể thị giác với phần trong tam giác sao cho phù hợp với chiều cao của hình người thấp dần từ trung tâm ra hai bên. Chẳng hạn bạn mô tả chuyện chiến đấu giữa người Amazon và người lùn Pygmy, ta sẽ đặt người Amazon ở giữa và Pygmy ở góc.  Thường thường, những trận chiến chạm ở pediment mô tả những chiến binh đánh nhau ở giữa, tiếp theo cung thủ ngồi giương cung, còn trong góc  là những thây người nằm, như trong Đền Alphaia ở Aegina.

21

Trong kiểu Doric, cột đứng trên đế ba bước, và được xẻ đường rãnh (xem Hình 7-7) như tất cả cột trụ Hy Lạp, với 20 đường rãnh trên mỗi cột. Cột được vuốt thon dần về phía trên để tạo cảm giác chiều cao. Phần trên của column gọi là capital được tạo bởi hai mũ: Mũ dưới (echinus) cong như cái chén, và mũ trên (abacus) hình hộp chữ nhật. Các điện theo kiểu doric được xây dựng bằng các khối đá, ráp dính mà không cần vữa do đó chúng phải được cắt thật chính xác để khớp vừa khít và đẹp.

Điện Parthenon (một điện kiểu Doric __ xem Hình 7-8) được xây dựng giữa các năm 447 B. C. và 438 B. C. dưới thời Pericles, do Phidias tổng quản, và hai kiến trúc sư thiết kế là Iktinos và Kallikrates. Với 8 cột chiều rộng và 17 cột chiều dài, nó lớn hơn Điện Hera ở Paestum xây dựng 100 năm trước, vậy mà Parthenon trông mảnh mai và thanh thoát hơn Hera nặng nề. Cách vuốt thon cột về phía trên tinh tế hơn.  Entablature và bệ không thuần túy là hình chữ nhật, mà hơi cong về phía trung tâm, tạo cho kiến trúc một cảm giác vươn lên cao. Tất cả capital được điều chỉnh để nâng đỡ sự uốn cong này. Cột cũng hơi nghiêng về trung tâm mà mắt không nhận thấy được, càng làm ta thấy điện cao hơn nữa. Vì sự điều chỉnh tinh tế này các cột chịu lực của Parthenon hình như không hoạt động tốt như hệ thống cột ở Paestum. Điện Paestum khiến bạn có cảm giác sức nặng của nó đè lên người, nhưng Parthenon lại nâng bạn lên như thể nó thắng được trọng lực

22

Hình 7-8 : Điện Parthenon kiểu Doric là một thành tựu kiến trúc đỉnh cao của Athens Thời Hoàng Kim

 Kiểu Ionic (xem Hình 7-7) tỉ mỉ hơn kiểu Doric. Sự khác biệt chính là cột trụ thon dài hơn, mũ cột (capital, phần trên cùng của cột) đội lấy một trang trí hình cuộn, và entablature trình bày một frieze liên tục hay một dãy băng điêu khắc. Không có metope hay triglyph như trong kiểu Doric.

Kiểu tỉ mỉ hơn cả là kiểu Corinthian (xem Hình 7-7), có cột thon hơn, đội lấy các lá cây ô rô chồng lên nhau.

Hy Lạp không Biên giới: Văn Hóa Hellenism (Hy Lạp Hóa) (Văn Hóa Hy Lạp sau thời Alexander Đại Đế)

Cha của Alexander Đại Đế cho mời Aristotle, triết gia uyên bác và lừng danh nhất thời đại ông, đến và thưởng ông ta bằng một sự hào phóng tương xứng với công lao mà ông bỏ ra để dạy dỗ con mình.

                                                                                _ Plutarch, Cuộc Đời Alexander 

Alexander Đại Đế (356 B. C. – 323 B. C.) là người xứ Macedonia, nhưng ông học cách suy nghỉ và cảm nhận như một người Hy Lạp từ người Hy Lạp vĩ đại nhất của thời đại mình, Aristotle. Sau khi cha ông mất năm 331 B. C., Alexander trở thành vua. Trong tám năm tiếp theo, ông đi khắp nơi và Hy Lạp hóa những vùng đất rộng lớn của thế giới, lập ra các thư viện và các thành bang tự trị kiểu Hy Lạp trên mỗi vương quốc mà ông chinh phạt. Dù đánh bại họ, nhưng ông không dẹp bỏ nền văn hóa bản địa; mà trái lại, ông hòa nhập chúng với các kiểu mẫu Hy Lạp. Bản thân ông cũng cưới một công chúa ở xứ Bactria (một xứ gần Afghanistan ngày nay) và lệnh cho các tướng dưới quyền hãy cưới vợ Ba Tư để hòa nhập những nền văn hóa khác nhau.

Sau khi ông mất, các tướng của Alexander chia đế quốc của ông theo ba cách:

  • Seleucus I Nicator cai trị Ba Tư, Mesopotamia, và Anatolia.
  • Ptolemy I Soter trị vì Ai Cập.
  • Antigonus I Monophthalmus kiểm soát Macedonia và Hy Lạp.

Tất cả những miền này sau đó rơi vào tay một quyền lực đang lên trên bán đảo Ý, người La Mã. Miền cuối cùng cầm cự được là Ai Cập, chỉ sụp đỗ vào 31 B. C. khi Nữ hoàng Cleopatra tự tử sau khi Augustus Caesar đánh bại bà và Marc Antony trong Trận Chiến Actium. Thời kỳ Hy Lạp hóa chết theo cùng với Cleopatra.

Những thành tựu vĩ đại nhất của văn hóa Hy Lạp hóa là trong lãnh vực điêu khắc. Các điêu khắc gia thời kỳ này thay thế vẻ đẹp quang đãng của kiến trúc cổ điển bằng tính tình cảm mãnh liệt và đôi khi tính hiện thực tàn nhẫn. Tượng Nike of Samothrace (xem Hình 7-9), một bức tượng chiến thắng thời Hy Lạp hóa, trông như bà đáp xuống cùng với Air Jordan lên mũi tàu, gió còn phần phật trên đôi cánh và chiếc váy. Bạn có thể cảm thấy sự chiến thắng trong các nếp gấp của y phục và đôi cánh dâng cao. Nhà điêu khắc cũng học được cách tạo ra nghệ thuật làm thay đổi không khí bao quanh tượng. Thay vì tự kềm chế, bức tượng tỏa ra năng lượng vào không gian bao quanh nó.  

23

Hình 7-9

Lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật, các điêu khắc gia Hellenistic cũng đi sâu vào nổi đau của con người. Chưa bao giờ sự thống khổ tột cùng trước cái chết được mô tả mãnh liệt như trong bức tượng Người Lính Kèn Hấp Hối được khắc vào thế kỷ thứ 3 B. C. ở Pergamon (Thổ Nhĩ Kỳ ngày may, xem hình dưới), và trong Laocoon và các con trai (xem Hình 7-10), một điêu khắc thời Hellenism ở Rhodes. Người Lính Kèn Hấp Hối mô tả một cách xúc động một chiến binh Celt thù địch bị thương trong một trận chiến với người Hy Lạp muốn thuộc địa hóa xứ Tiểu Á. Bức tượng được khắc theo cách khiến người xem cảm nhận được nổi đau của cái chết mà anh ta đối đầu trong sự lặng lẽ cao quý. 

24

Laocoon và Con Trai nắm bắt cuộc chiến sống chết huyền thoại giữa cha con với hai con rắn biển hung dữ. (Laocoon, pháp sư thành Troy, bị nữ thần Athena trừng phạt vì cố bóc trần cú đánh lừa của người Hy Lạp khi họ giả vờ rút quân khỏi thành Troy và để lại con ngựa gỗ khổng lồ như một món quà, mai phục trong bụng ngựa là vua Hy Lạp và một số tướng sĩ tinh nhuệ. Những người thành Troy khác không nghe lời cảnh báo của Lacoon, kéo ngựa vào thành và làm lễ khao quân say khướt. Giữa đêm, từ bụng ngựa, đội quân Hy Lạp đu dây xuống và giết sạch quân thành Troy. ) Bức tượng thế kỷ 1 B. C. này được phát hiện vào năm 1506 trong phế tích Nhà Vàng tiếng tăm của Hoàng  đế Nero  ở La Mã.

25

Hình 7-10

Một phần của  sự biểu cảm mãnh liệt bạn thấy trong Người Lính Kèn Hấp Hối Lacoon và Con Trai không nghi ngời gì nữa là kết quả của sự tiếp thu nhiều nền văn hóa ngoại lai, và một phần do ở một quan điểm mới. Sự tự tin của Hy Lạp cổ điển đã chứng tỏ là tự lừa dối mình. Cuộc sống này là bụi bặm, không quang đãng, vô thường, và luôn đi về kiếp sau.

Nhưng vẻ đẹp quang đãng của Hy Lạp cổ điển không phai nhạt hoàn toàn. Venus de Milo, trong Hình 7-11, là sự trở lại Athens thế kỷ thứ 4. Với vẻ điềm tĩnh hồn nhiên, bà như được điêu khắc bởi Praxiteles. Y phục hình như trút xuống biểu lộ nhục cảm mạnh mẽ của nữ thần. Nhưng cái nhìn trầm ngâm của bà khiến đôi mắt người xem vượt qua sự ham muốn thể xác để đến một nơi đầy bí ẩn.

26

Hình 7-11

Chương 8

Nghệ thuật Etruscan và La Mã: Đối với tôi cũng là Hy Lạp!

Nguồn gốc của chủ nghĩa hiện thực

Người La mã thực hành việc tôn thờ tổ tiên, cầu nguyện với linh hồn của tiền nhân. Những tượng sáp của tiền nhân đứng canh gác trên các lò sưỡi gia đình. Vào những ngày lễ hội, các tượng sáp được mang các vòng hoa. Vào ngày lễ Parentales(ngày tổ tiên từ 13 tháng 2 đến 21 tháng 2), những thành viên trong gia đình mang các mặt nạ sáp của người thân đã chết đi diễu hành trong những đám rước tưởng niệm. Dần dần những mặt nạ này càng ngày càng trở nên hiện thực hơn, mở đường cho tính hiện thực La mã trong chân dung điêu khắc, và bùng nổ thình lình khoảng 100 B. C. Hiện thực La mã được gọi là phong cách veistic (tả thực).

 

Trong Chương Này

  • Tìm hiểu tại sao người Etruscan mỉm cười với cái chết
  • Phân tích tính hiện thực La Mã
  • Giải thích nghệ thuật tuyên truyền
  • Đi thăm phế tích La Mã

Văn hóa đáng kinh ngạc của người Hy Lạp có ảnh hưởng sâu xa đến các xứ làng giềng. Người Etruscan và La Mã, đặc biệt, vay mượn thoải mái nền văn hóa Hy Lạp. Tuy nhiên, cả hai dân tộc mang nghệ thuật Hy Lạp theo chiều hướng mới phản ánh văn minh đặc thù của mình.

Người Etruscan Bí Ẩn

Người Etruscan xuất hiện ở trung tâm Ý vào thế kỷ thứ 8 B. C., cùng thời gian với người Hy Lạp xây dựng các thuộc địa ở nam Ý và Sicily. Vì họ không có chữ viết riêng, người Etruscan tiếp nhận và phỏng theo bảng chữ cái Hy Lạp. Họ cũng vay mượn phong cách nghệ thuật và kỹ thuật Hy Lạp và kết nạp một số thần thánh Hy Lạp vào tôn giáo của mình. Như người Hy Lạp, người Etruscan là một liên minh các thành bang; họ không bao giờ thống nhất thành một quốc gia hay đế quốc. Dù sao, vào thế kỷ thứ 6 B. C., họ chinh phục hầu hết Ý và ngay cả cai tri La Mã từ 616 B. C. đến 509 B. C. Trong năm đó, Brutus và những người  khác lật đỗ ông vua cuối cùng của La Mã, Tarquinius Superbus, người Etruscan, và dựng nên một nền cộng hòa.

Từ điện đến lăng mộ: Ảnh hưởng Hy Lạp

Hầu như không kiến trúc nào của Etruscan còn sống sót. Nhưng thế kỷ 1 B. C.  tác giả và kiến trúc sư La Mã Vitruvius, người đã chiêm ngưỡng một số công trình đó, đã mô tả các điện thờ của người Etruscan. Theo Vitruvius, chúng hầu như có hình vuông, với một lượng không gian bằng nhau giữa cổng và phần trong đền. Xây bằng gạch bùn, những điện Etruscan này đứng vững trên những cột trụ đơn giản, trên đầu đội một enblature và pediment tương tự như các điện Doric của Hy Lạp. Một khác biệt nữa giữa các điện thờ Etruscan và Hy Lạp là điện thờ Etruscan có lối vào chính ở mặt tiền (thay vì có lối vào khắp chỗ như các điện Hy Lạp) và tỷ lệ của chúng thấp lùn, với mái che nặng nề hơn của người láng giềng Hy Lạp của họ.

Nụ cười trong đá: Những người Etruscan hạnh phúc bất tận

Chúng ta không được biết nhiều về người Etruscan vì, bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 5 B. C., người La Mã chính phục Etruria từng thành phố một, xóa sạch nền văn hóa bay bổng. Khoảng thế kỷ thứ 1 B. C. , tất cả cái còn lại chỉ là lăng mộ. Vì thế để giải mã cuộc sống người Etruscan, bạn phải đi vào ngôi nhà của người chết, mà họ thường xây dựng như ngôi nhà cho người sống. Thật ra, một số nghĩa trang của người Etruscan được thiết kế như những thị trấn dưới mặt đất, có cả những con đường nối những lăng mộ với nhau, ắt hẳn để cho các người chết có thể thăm viếng lẫn nhau. 

Người Etruscan là những người dám nhìn vào cái chết với nụ cười trên môi __ ít nhất là các tượng trong lăng mộ đều mĩm cười. Điều này không có gì ngạc nhiên vì lăng mộ của người Etruscan thuở trước không trang trí u ám, tang tóc, mà phản ánh những lạc thú của cuộc sống. Chim bay vút trên vách lăng mộ, cá heo bơi qua vùng biển xanh, những vũ công ở trần xoay tròn một cách hớn hở và gợi tình; những tiệc tùng, những ngư phủ đánh cá, kẻ đi săn rượt đuổi con mồi. Những người Etruscan thuở trước hình như xem cái chết là một chuyến đi vừa picnic, vừa đi săn, vừa tiệc tùng thâu đêm. Không có gì ngạc nhiên khi các bức tượng luôn mĩm cười: Họ lặn hụp trong những trò vui cuộc sống.

Hầu hết các học giả tin rằng những người Etruscan thuở trước coi cái chết như tiếp diễn của cuộc sống. Một lý do khác giải thích tại sao các bức tượng Etruscan mĩm cười là vì những tượng Hy Lạp cổ xưa (các kouros kore, xem Chương 7) thường mĩm cười, và người Etruscan đã bắt chước chúng. Nụ cười của các tượng Hy Lạp cổ xưa giả tạo như chỉ để chụp ảnh. Hình như không có lý do để phải cười; cười như là quy ước, giống như nụ cười gượng gạo khi ta nói “cheese” trước khi được chụp ảnh.

Nhưng trong những lăng mộ sau này của người Etruscan, cái chết trở nên ít hấp dẫn hơn. Các lăng mộ u ám và một số vách tường vẽ hình quỷ sứ. Rõ ràng, người Hy Lạp đã lây nhiễm cho người Etruscan cái nhìn u tối của họ về cái chết ở Địa ngục, mà nhà thơ Homer người Hy Lạp gọi là “vương quốc u buồn của cõi chết” (Odyssey, Quyển 11). Một bức tường trong lăng mộ Etruscan về sau này còn vẽ hình Cerberus, loài chó ba đầu ở cõi âm của người Hy Lạp, đứng canh cửa Địa ngục, không cho ai thoát ra ngoài.

Rong Chơi qua Cộng Hòa La Mã

La Mã bắt đầu là một thành bang do các vì vua cai trị trong thế kỷ thứ 7 B. C. Sau khi Vua Tarquinius bị lật đỗ vào năm 509 B. C., người La Mã thiết lập một nền cộng hòa, do hai quan chấp chính tối cao, viện nguyên lão và hai hội đồng cầm quyền; về sau do một nhóm mười hộ dân quan (do dân bầu lên). Quan chấp chính được bầu hàng năm và có nhiệm kỳ một năm. Viện nguyên lão La Mã gồm những nhà quyền quý, giàu có, thượng lưu La Mã (giống như thượng viện Anh). Hai hội đồng quốc dân là comitia curiata và comitia centuriata gồm những thứ dân.

Thực tế thì viện nguyên lão kiểm soát hai hội đồng. Thật ra, hội đồng hiếm khi thể hiện vai trò trong cộng hòa còn non trẻ. Tại sao? Một lý do là vì La Mã thời đầu cộng hòa không trả lương cho những đại diện được bầu lên, do đó chỉ có những người giàu có mới đủ sức phục vụ. Trong số 108 quan chấp chính, 100 xuất thân từ giai cấp nguyên lão. Sự thiên lệch này là nguyên nhân của nhiều cuộc nội chiến, và kéo theo thường là những “đàn áp đẫm máu” gọi là sự thanh trừng. Trong một cuộc thanh trừng như thế, kẻ chiến thắng trong cuộc nội chiến đã tàn sát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, kẻ thù chính trị của mình. Nhiều vụ tự tử để khỏi bị sát hại đã xảy ra.

Sau cuộc nội chiến, quyền lực được phân phối lại công bằng hơn một chút, nhưng không bao giờ đủ thỏa mãn tầng lớp thứ dân. Vào năm 494 B. C., nhà nước sáng chế ra một tầng lớp viên chức chính quyền mới gọi là hộ dân quan (tribune) để vỗ yên thứ dân. Các hộ dân quan được bầu lên nhằm đáp ứng mối quan tâm của thứ dân và có quyền phủ quyết mạnh mẽ, nhưng trong thực tế họ thường bị các nguyên lão giàu sụ thao túng.

Sau này, những người nhiều tham vọng như Julius Caesar sử dụng những thủ đoạn tranh chấp đoạt quyền để nâng cao uy thế của mình lên đến đỉnh cao quyền lực của đời sống chính trị La Mã. Chủ nghĩa cơ hội này cũng như việc tầng lớp trên không chịu chia sẻ quyền lực của mình với thứ dân là nguyên nhân làm yếu đi chính quyền, và sau nhiều thế kỷ chinh phục, có lẽ lãnh thổ La Mã giờ đây quá lớn (bao gồm cả Bắc Phi, Tây ban nha, và xứ Gaul) cho một thể chế cộng hòa có thể cai trị. Những cuộc nội chiến và thanh trừng đẫm máu nhuộm đỏ thế kỷ cuối cùng của nền cộng hòa. Và ngay trước khi Augustus Caesar dựng lên đế chế vào năm 27 B.C, La Mã từng hai lần đùa cợt với chế độ một người nắm quyền:

  • Trong năm 82 B. C., Viện nguyên lão La Mã chỉ định Tướng lừng danh Lucius Cornelius Sulla làm nhà độc tài suốt đời. Sau khi củng cố Viện nguyên lão bảo thủ và làm suy yếu quyền lực của các hộ dân quan, Sulla thoái vị vào năm B. C.
  • Trong năm 48 C., sau khi Julius Caesar đánh bại Pompey Đại Đế trong một cuộc nội chiến, Viện nguyên lão đưa Caesar làm nhà độc tài trọn đời. Caesar là người chiến thắng duy nhất trong cuộc nội chiến mà không thanh trừng hoặc tàn sát kẻ thù chính trị của mình sau cuộc chiến. Ông ta tha thứ cho họ và mang đến cho nhiều người trong số họ, kể cả Brutus và Cassius, những chức vụ trong chính quyền. Bốn năm sau, vào 44 B. C., Brutus, Cassius, và đồng bọn, những người ủng hộ chính thể cộng hòa, đã âm mưu ám sát Caesar.

Hai cuộc nội chiến tiếp theo vụ sát hại Caesar đã kết liễu nền cộng hòa mãi mãi. Kẻ chiến thắng, người thừa kế và cháu của Caesar, Octavian (sau này được gọi là Augustus), trở thành hoàng đế đầu tiên của La Mã.  Ở thời điểm hưng thịnh nhất, Đế quốc La Mã bao gồm hầu hết Tây Âu ngày nay (tất cả lãnh thổ quanh miền Địa trung hải), Thổ nhĩ kỳ, Syria, Ai Cập, Macedonia, Hy Lạp, Yugoslavia, Rumani, Bắc Phi ngày nay, kể cả hầu hết nước Anh bây giờ. Người La Mã dựng lên các đài tưởng niệm và xây dựng các thành phố,  đường  xá, cầu cống, và nhà tắm công cộng khắp nơi họ đi qua. Họ để lại dấu ấn của mình ở mọi nơi__ nhưng thật có phải là dấu ấn của họ không?

Trong nhiều trường hợp, các nghệ sĩ và kiến trúc sư La Mã thời trước không phải là người La Mã. Họ là dân Hy Lạp, hoặc bị Hy Lạp hóa, hoặc là dân Etruscan. Đó là lý do tại sao nghệ thuật La Mã thời đó trông như nghệ thuật Hy Lạp hoặc Eruscan. Rủi thay rất ít những công trình này còn sống sót.

Trong nền Cộng hòa sau này và thời kỳ Đế quốc, các nghệ sĩ bậc thầy “La Mã: vẫn còn hầu hết là người  Hy Lạp. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người gọi La Mã là một nền văn hóa sao chép. Thật ra La Mã còn khá hơn thế. Những người La Mã đã đóng góp cho nền tảng văn hóa Hy Lạp và Etruscan. Có lẽ đóng góp lớn nhất của họ là chủ nghĩa hiện thực trong tượng chân dung và tranh tường, kiến trúc đồ sộ và đôi khi tráng lệ, nhiều công trình vẫn còn đứng vững.

Nghệ thuật như tấm gương soi: Chủ nghĩa hiện thực La Mã và chân dung điêu khắc cộng hòa

Người La Mã là những người thưc tế; họ nhìn cuộc sống thẳng trong mắt. Trong nghệ thuật, tính thực tiễn của họ biến thành chủ nghĩa hiện thực thẳng thừng. Khi nhìn tượng chân dung của họ (tượng bán thân hay toàn thân), bạn có cảm tưởng như là mình đang đối diện với người thật. Các nghệ sĩ diễn tả những nếp nhăn, đầu hói, má xệ, và bụng phệ __ và họ thường nắm bắt những tính cách của người mẫu.

Khi Octavian lên nắm quyền, không ai sẵn sàng cho một chính thể độc tài. Octavian phải làm họ quen với nó. Sau hai cuộc nội chiến liên tiếp, Viện nguyên lão đã phục tùng trở lại và thỏa mãn với một nền cộng hòa hình thức. Họ làm theo những gì Octavian nói, trao cho ông nhiều quyền lực hơn cho Caesar trước đây, trong khi vẫn giữ hình thức của một thể chế cộng hòa. Augustus từ chối việc tự phong cho mình là vua hay hoàng đế, nhưng cho phép các nguyên lão phong cho mình tước hiệu princeps, hay “đệ nhất công dân”, và cho ông ta một tên mới, Augustus (nghĩa là “đáng kính”).

Chủ nghĩa hiện thực La Mã quay về chủ nghĩa lý tưởng khi Augustus Caesar khai sinh Đế quốc La Mã vào năm 27 B. C. “Hoàng đế” mới phải huấn luyện người La Mã biết phục tùng chế độ độc tài; vì thế ông phải “tút” lại hình ảnh của mình và lý tưởng hóa nó, tự tạo cho mình dáng dấp thần thánh và siêu việt xứng tầm vóc với nhiệm vụ đảm đương.

Chủ nghĩa lý tưởng trong nghệ thuật La Mã như một loại cờ đỏ __ nó thường thường có nghĩa rằng nghệ thuật là tuyên truyền.  

Tượng Augustus of Primapotra (Hình 8-1) mô tả Augustus trẻ trung như một vị tướng của các tướng, chỉ đường đến tương lai của đế chế La Mã. Đặc biệt, tượng chào mừng sự phục hồi các chuẩn mực quân sự La Mã của Augustus đã mất về tay người Parthian (người Iran ngày nay) vào năm 53 B. C. khi họ đánh bại các quân đoàn của Crassus (một thành viên của Tam đầu chế đầu tiên, hai người kia là Caesar và Pompey Đại Đế). Người Parthian là kẻ thù truyền kiếp của người La Mã. Sự kiện Augustus có thể đánh bại họ đã nâng cao uy thế của mình như là tổng tư lệnh.

Sự tương phản giữa áo giáp bằng kim loại và áo choàng nhăn nhúm quấn quanh ngực ít nhất có hai mục đích:

  • Sự mềm mại của vải vóc làm nổi bật sự cứng cáp của áo giáp và ngược lại.
  • Trang phục của Augustus cho thấy bản chất hai mặt của ông: Áo giáp biểu thị khía cạnh quân sự như một vị đại tướng vĩ đại, áo choàng biểu thị quyền lực cầm quyền của mình như một đệ nhất công dân, hay princeps, của La Mã.

27

Hình 8-1

 Augustusof Primaporta là hiện thân của đức hạnh La Mã: trẻ trung năng động, chuẩn mực đạo đức, và lòng tự tin không gì lay chuyển được.  Nó cũng biểu thị phẩm giá đế chế của La Mã và Augustus. Ngay cả tiểu thần Cupid, đang cởi cá heo bên chân Augustus, cũng nhìn lên kinh sợ trước Augustus uy nghi thần dũng. Sự hiện diện của Cupid cũng là một gợi ý đến nguồn gốc giả định của giòng họ Caesar là từ nữ thần tình yêu Venus (mẹ của Cupid). Julius Caesar thường nhận mình là giòng dõi của Venus__ để minh chứng cho việc ông ta trị vì La Mã.

Bức tượng tuyên truyền của Augustus là một hít lớn. Tượng quá phổ biến đến nổi nó được sao chép ít nhất 148 lần.

Mặc dù dạng lý tưởng tuyên truyền này rất là La Mã, nhà điêu khắc đã tạo tượng Augustus of Primaporta dựa trên mẫu của hai bức tượng Hy Lạp nổi tiếng. Tư thế đứng hầu như y hệt với tượng Doryphoros của Polykleito (xem Chương 7). So sánh tư thế và vị trí của bàn chân và cánh tay trái. Nhưng thay vì ném giáo, Augustus ném đi thông điệp uy quyền của mình. Tượng cũng nhìn thẳng về phía trước, đương đầu gan lỳ với thế giới, trong khi tượng Doryphoros quay đầu sang bên phải. Tư thế của Cupid bên dưới Augustus cũng là tư thế của thằng bé Bacchus trong Hermes và Bacchus của Praxiteles. Theo một cách nào đó,  Augustus of Primaporta là một tượng Hy Lạp bên trong một tượng La Mã.

Nhưng hầu hết các tượng La Mã, cho dù tượng các hoàng đế, cũng không được lý tưởng hóa. Chúng ta chỉ thấy tính hiện thực trần trụi trong tượng bán thân của Vespasian, hoàng đế thứ 9 của La Mã và là người xây nên đấu trường Colosseum. Vespasian là một tướng dạn dày, cọc cằn, trần tục, đã đấu đá không ngừng mới leo lên được đỉnh cao quyền lực. Ông không bao giờ coi mình là thần thánh. Thật ra, ông ta làm người dân La Mã bị sốc khi ăn mặc thoải mái, mang giày rẻ tiền, và chúa ghét sự khoa trương. Theo Suetonius, một sử gia La Mã, “khi một thanh niên, sực nức mùi nước hoa, đến để cám ơn ông về một sự ủy thác làm ăn mà y nhận được từ ông, Vespasian quay đầu tỏ vẻ ghê tỡm, “ rút lại hợp đồng  ủy thác cho y, và nói thà y bốc mùi tỏi còn dễ chịu hơn.”

Vespasian chế giễu truyền thống La Mã về việc thần thánh hóa các hoàng đế vừa băng hà. Trong giờ phút hấp hối, hoàng đế, có tiếng là người thích khôi hài, đã thốt lên câu nói đùa cuối cùng của mình: “Than ôi, hình như ta sắp sửa trở thành thần linh rồi,”

Các tranh chạm La Mã có tính trần tục hơn điêu khắc Hy Lạp, thường mô tả những cảnh trên đỉnh Olympus. Một số tranh chạm La Mã ít nhiều giống các chuyện trên báo được điêu khắc trên đá. Chúng kể lại những biến cố gần đây mà những hoàng đế không muốn hậu thế quên lãng. Nhiều thông báo tin tức này được khắc trên những cổng đài chiến thắng, để phổ biến sức mạnh vô địch của La Mã.

Sau chiến thắng, Viện nguyên lão thường cho phép các tướng La Mã xây dựng những khải hoàn môn và những đài tưởng niệm để khắc ghi chiến tích của mình. Một trong những đài tưởng niệm nổi tiếng nhất là Cột Trajan (xem Hình 8-2), một đài cao 98 bộ (khoảng 33  mét) tưởng niệm cuộc chinh phạt Dacia (Rumani ngày nay) của  Hoàng đế Trajan. Trajan đánh bại người Dacia trong cuộc chiến tranh hai giai đoạn; giai đoạn đầu tiên từ A.D. 101 đến A.D. 102, giai đoạn thứ hai từ A.D. 105 đến A.D. 106.

Nhà điêu khắc kể lại những cuộc hành quân và trận đánh trên một cuộn tranh bao quanh cột như một cuộn phim. (Dĩ nhiên, không ai __ trừ các vị thần __ có thể xem được những đoạn ở trên cùng mà không  có ống nhòm.) Chiến dịch đầu tiên được kể lại trên nửa phần dưới của cột, chiến dịch thứ hai trên nửa cột phía trên. Nhà điêu khắc khắc vào nhiều chi tiết như có thể, thường hy sinh tính thẩm mỹ và tạo ra những phối cảnh trộn lẫn __ bạn có thể thấy một cuộc hành quân hay trận đánh từ phía trên, bên dưới, bên trái, hay phải như thể nhìn qua nhiều ống kính một lượt, chưa hẳn là không tốt. Những cảnh tượng trên cột kể cho ta biết phần lớn về khí tài và kỹ thuật chiến tranh của người La Mã.

28

Hình 8-2

Tính hiện thực trong tranh vẽ

Bích họa La Mã, xuất hiện bất ngờ trong hậu bán thế kỷ đầu tiên B. C., vượt qua tất cả những tranh trước đây trong việc mô tả cuộc sống một cách hiện thực. Vì thực sự không còn bức tranh trước đây nào của La Mã sống sót, các sử gia không hiểu được các truyền thống tiến hóa ra sao. Khi mới xuất hiện nó đã là một phong cách hoàn toàn chin chắn __ điều này là không thể, vì mỗi phong cách đều bắt nguồn  từ đâu đó và tiến hóa dần lên. Không nghi ngờ gì nữa người La Mã học cách vẽ hiện thực từ những mẫu Hellenistic, nhưng vì không hình mẫu Hellnistic nào còn sống sót, các sử gia không dám chắc.

Người La Mã, cũng như người Hy Lạp, dùng phối cảnh trực giác để tạo ra ảo giác của không gian ba chiều trên bề mặt phẳng. Họ không có một lý thuyết về luật phối cảnh __ họ chỉ đơn giản vẽ theo mắt thấy. (So sánh phối cảnh trực giác với phối cảnh khoa học, được bàn trong Chương 12.)

Bích họa La Mã đôi khi mô tả phiên bản La Mã của huyền thoại Hy Lạp, như tranh tường Đám Cưới của Venus và Mars (xem Hình 8-3) được tìm thấy trong Ngôi Nhà của Fronto ở Pompeii. So sánh cách sử dụng phối cảnh trong bức tranh này với bức tranh bình Hy Lạp. Người La Mã đưa tính hiện thực lên một tầm cao mới. Chú ý tính ba kích thước của đồ đạc (bên trái người xem) và bóng tối trên gương mặt của Venus (bên trái người xem). Cũng chú ý là đầu người đàn bà đứng trong khung cửa hơi nhỏ hơn đầu những người khác (hình người trông như nhỏ lại khi ở xa).

29

Hình 8-3

Tranh tường Flora (hình bên) từ Stabiae, cách nam Pompeii 4 dặm rưỡi, có lẽ là bức tranh La Mã thi vị nhất. Vì Flora, nữ thần hoa, dịu dàng quay mặt khỏi người nhìn, bạn có thể tưởng tượng vẻ đẹp của nàng hoặc cảm thấy vẻ đẹp ấy phản ánh trong phong cảnh mà nàng đang làm đẹp. Flora được vinh danh vì đã mang màu sắc vào thế giới bằng cách gieo rắc hoa lá khắp mọi nơi.

31

Thi sĩ La Mã Ovid nói Flora “khuyên chúng ta sử dụng vẻ đẹp của cuộc sống khi nó bừng nở” __ hãy hái nó như nàng đang hái từng đóa hoa trong tranh vẽ và cho vào giõ. Rất ít chuyện xảy ra trong bức tranh thi vị này, và cũng không cần nhiều chuyện xảy ra. Chỉ cần vẻ đẹp vuốt ve, mềm mại của phong cảnh, vẻ đáng yêu gợi ý của nữ thần chân đất trong bộ váy thướt tha, cùng dáng điệu thanh tú của nàng là đủ. Tranh tường này đến nay vẫn đẹp và xúc động như bao giờ, cho dù trong điều kiện hư hỏng. Trong tất cả sự hùng mạnh và uy nghi của đế chế, La Mã vẫn còn có bộ mặt dịu dàng.

Tranh khảm mosaic La Mã

Khi nghệ sĩ La Mã muốn bức tranh mình bền bĩ, họ dùng kỹ thuật khảm mosaic. Tranh mosaic La Mã được tạo bởi những mảnh đá màu, hòn sỏi, hoặc mảnh kính nhỏ rồi ráp lại để tạo thành những bức tranh có tính hiện thực cao như Cảnh trong Hài Kịch Mới từ Pompeii (xem hình dưới). Chú ý vẻ mặt khôi hài và y phục gấp nếp một cách hiện thực của những diễn viên trong tranh mosaic này. Hình người còn đổ bóng nữa chứ! Tất cả điều này đều thực hiện được bằng những miếng đá màu li ti. 

32

Thị trấn nhỏ của Vienne, Pháp, mà sử gia La Mã Tacitus mô tả là “một thành phố ấn tượng và lịch sử,” có hơn 250 nền nhà và tường khảm bằng mosaic được gìn giữ tuyệt vời. Bức Hylas Mosaic (xem Hình 8-4) từ Vienne cho thấy người hùng Hylas huyền thoại bị hai yêu nữ quyến rũ khi đi lấy nước ở suối.  Đường viền trang trí những kiểu dạng hoa lá đóng khung bức tranh ở trung tâm bằng vỏ sò đơn giản nhưng hiệu quả về mặt phong cách.

33

HÌnh 8-4: Hylas, người yêu của Hercules, mất tích sau khi đi đến suối lấy nước

Sau khi Đế quốc phía Tây sụp đỗ vào A.D. 476, truyền thống mosaic tiếp tục nẩy nở ở Đế quốc phía Đông và trong bang Ravenna của Ý (xem Chương 9).

Kiến trúc La Mã: Cuộc hôn phối của phong cách Hy Lạp và Etruscan

Kiến trúc, như Điện Apollo ở Pompeii, được xây dựng khoảng 120 B. C., là hình thức nghệ thuật được gìn giữ tốt nhất trong thời cộng hòa. Điện này mang phong cách Hy Lạp nhiều đến nổi như được chở từ Hy Lạp sang từng miếng một.

Điện Portunus

Những điện về sau, như Điện Portunus, được xây dựng vào thế kỷ thứ 1 B. C., trông có vẻ “do nhà làm” hơn. Mặc dù ở cái nhìn đầu tiên kiến trúc trông như một điện Hy Lạp nhỏ với các cột Ionic duyên dáng và entablature và pediment để tự nhiên, nhưng cũng có một vài khác biệt tinh tế. Thay vì có bậc thang ba bước bao quanh toàn bộ nền điện (xem Chương 7), người La Mã thêm một bậc thang ở mặt tiền điện. Nói cách khác, họ quy định lối vào điện chính.(Các điện Hy Lạp có thể đi vào bằng bất kỳ chỗ nào.) 

Một thế kỷ sau khi Điện Portunus được xây, một điện tương tự nhưng lớn hơn gọi là Nhà Vuông (xem Hình 8-5) được dựng lên ở Nimes, một thành phố La Mã giàu có ở xứ Gaul (Pháp ngày nay). Trong khi Điện Portunus dùng các cột trụ kiểu Ionic, Nhà Vuông bề thế và tỉ mỉ hơn sử dụng cột Corinthian. Nhà Vuông là điện thờ La Mã được bảo tồn kỹ lưỡng nhất trên thế giới.

34

   Hình 8-5: Nhà Vuông, ở Nimes, Pháp __ được xây dựng khoảng 19 B. C. đến 16 B. C. và dành tặng cho những người thừa kế của Augustus __ đã gây cảm hứng cho điện capitol của bang Virginia được Thomas Jefferson thiết kế và hoàn thành vào năm 1788.

Cầu cống La Mã

Cách Nimes một vài dặm nằm sảiJ  bước là một trong những kiến trúc La Mã lừng danh nhất, Pont du Gard, một cống dẫn nước dài 300 mét (xem hình dưới). Pont du Gard  đã từng là một phần của hệ thống cống dài 31 dặm mang 44 triệu ga-lông nước mỗi ngày từ sông Eure ở Uzes đến Nimes. Pont du Gard được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 1 A.D., có lẽ bởi Marcus Vipsanius Agrippa, rể của Augustus Caesar.

Kỹ thuật xây dựng cầu đường của người La Mã ở thế giới cổ đại không ai bì kịp. Mặc dù một số khối đá vôi xây cống nặng đến 6 tấn, họ ráp nối mà không dùng chất vữa nào. Vậy mà kiến trúc vẫn đứng vững trong 2,000 năm. Bằng cách nào? Các kỹ sư La Mã kết khít các khối đá bằng móc sắt cứng cáp đến nay vẫn còn bám dính.

35

Cổng chào La mã có phải của La mã không?

Trong khi hầu hết điện thờ La mã trông như Hy lạp hoặc giống với Hy lạp, nhiều kiến trúc La mã thực sự thuần túy La mã.  Khải hoàn môn tráng lệ; cống đồ sộ, bề thế; và Đấu trường đều có nét riêng của La mã. Tất cả những kiến trúc này đều có những vòm tròn __ thật ra, cổng vòm là đặc điểm kiến trúc chủ yếu của họ.

Khải hoàn môn La mã có mặt khắp đế quốc trước kia. Khải hoàn môn Orange (xem hình dưới) được Julius Caesar xây dựng nằm 49 B. C. ở Orange, Pháp, để tưởng niệm những chiến thắng đầu tiên của ông tại Celts of Gaul. Khải hoàn môn một phần là cổng vào __ bên dưới thường có con đường chui qua __ một phần là để tưởng niệm. Những cổng chào đầu tiên được xây bằng gạch và đá. Về sau các kiến trúc sư dùng đá cẩm thạch để đài tưởng niệm được lâu bền hơn. Một số khải hoàn môn có cột trang trí và hầu hết đều được điểm tô bằng những tranh chạm nổi ghi lại những chiến công quân sự.

Cổng chào La mã có phải của La mã không?

Trong khi hầu hết điện thờ La mã trông như Hy lạp hoặc giống với Hy lạp, nhiều kiến trúc La mã thực sự thuần túy La mã.  Khải hoàn môn tráng lệ; cống đồ sộ, bề thế; và Đấu trường đều có nét riêng của La mã. Tất cả những kiến trúc này đều có những vòm tròn __ thật ra, cổng vòm là đặc điểm kiến trúc chủ yếu của họ.

Khải hoàn môn La mã có mặt khắp đế quốc trước kia. Khải hoàn môn Orange (xem hình dưới) được Julius Caesar xây dựng nằm 49 B. C. ở Orange, Pháp, để tưởng niệm những chiến thắng đầu tiên của ông tại Celts of Gaul. Khải hoàn môn một phần là cổng vào __ bên dưới thường có con đường chui qua __ một phần là để tưởng niệm. Những cổng chào đầu tiên được xây bằng gạch và đá. Về sau các kiến trúc sư dùng đá cẩm thạch để đài tưởng niệm được lâu bền hơn. Một số khải hoàn môn có cột trang trí và hầu hết đều được điểm tô bằng những tranh chạm nổi ghi lại những chiến công quân sự.

Đấu trường Colosseun

Công trình ấn tượng của La Mã là Coloseum, một đấu trường thể thao rộng 6 mẩu nơi đó các dũng sĩ giác đấu đâm chém nhau đến chết. Colosseum cũng trình diễn những màn săn thú dữ nhẫn tâm, các cuộc hải chiến giả (lúc đó nước được đổ tràn nền Colosseum), và những vụ hành quyết công cộng trong đó thú dữ đang bị bỏ đói được thả  ra cấu xé và ăn thịt nạn nhân bị trói chặt vào cọc. Đấu trường cũng trình diển những  tiết mục hâm nóng như xiếc gồm những màn vật lộn với cá sấu, voi đi giây, và nghệ sĩ biểu diễn nhào lộn. Trong một vài trường hợp, các hoàng đế cũng tham gia đấu kiếm trong đấu trường.

36

(nhưng những trận đấu kiếm này được dàn dựng để bảo đảm sự an toàn cho hoàng đế, chứ không như màn huyết đấu giữa Hoàng đế Commodus và Tướng Maximus trong phim Dũng sĩ giác đấu của Russel Crowe).

Hoàng đế Vespasian bắt đầu xây dựng Colosseum năm A.D. 72. Con trai ông ta Titus hoàn thành vào năm A.D. 80 và khánh thành một năm sau với 100 ngày lễ hội.

Thiết kế của Colosseum dựa trên sự ráp nối của hai đại hí viện hình bán nguyệt nên có hình tròn. Bảy mươi sáu cổng vào và hành lang có vòm dẫn đến ba bậc ghế đá xếp thành hàng, cho phép hơn 50,000 khán giả có thể vào ra dễ dàng. Colosseum cũng có một hệ thống che bạt quá phức tạp đến nổi phải cần một đơn vị hải quân mới có thể vận hành nó (xem hình dưới).

37

Người La Mã không muốn che dấu các điểm kiến trúc của Colosseum. Thay vào đó, họ tạo cho nó một hình dạng bắt mắt. Một đường đi tròn ba tầng có mái vòm trông như những cửa sổ chào mời khách qua đường bước vào đấu trường. Những cột trụ giả giữa các cổng vòm theo kiểu Doric trên tầng một, Ionic trên tầng hai, và Corinthian trên tầng ba. Khi mắt bạn hướng lên tòa nhà những kiểu kiến trúc càng lúc tinh tế hơn, tao nhã hơn.

Điện Pantheon

Pantheon (xem Hình 8-6), điện thờ tất cả các vị thần La Mã, là tòa nhà hoàn hảo nhất của La Mã. Nó được chụp lên trên bằng một mái vòm được xây dựng một cách hoành tráng có đường  kính 143 bộ (khoảng 48 mét). Khoảng cách từ đỉnh mái vòm đến nền nhà cũng bằng 143 bộ. Khi bạn bước vào Điện Pantheon, bạn có cảm giác mình đang ở trong một hình cầu dưới mái vòm của một bầu trời trên đỉnh núi Olympus. Oculus (lỗ tròn ở đỉnh) rộng 29 bộ (khoảng 10 m) càng làm gia tăng cảm giác này, cho phép ánh sáng tự nhiên rọi vào đền trong ngày và trăng sao dòm xuống trong đêm.

Trong Điện Pantheon, những cân nhắc thẫm mỹ có ưu tiên hơn cân nhắc thực tiễn. Một mặt nạ bằng đá cẫm thạch che dấu những cổng đá nâng đỡ nặng nề và những bức tường bê tông. Một dãy tròn rộng lớn những cột trụ Corinthian hình như nâng đỡ mái vòm không chút cố gắng. Mọi thứ trong điện đều hướng về oculus, khiến khách thăm viếng cảm giác như là mình thắng được trọng lực và trôi nổi giữa các vị thần.

38

Hình 8-6

Sự sụp đỗ của La mã

Tại sao La mã sụp đỗ? Có thể đế quốc đã trở nên quá rộng lớn để trị vì và quá nhiều biên giới để phòng thủ. Trong thế kỷ thứ 3 A.D., Hoàng đế Diocletian cho rằng đế quốc quá rộng lớn cho một người đủ sức cai trị, vì thế ông chia nó thành hai nửa, mỗi phần có một hoàng đế và một phụ tá riêng. Hình thức chính quyền được gọi là tứ đầu chế (do bốn người cai trị). Có lẽ đạo Thiên chúa, đã trở thành quốc giáo vào năm A.D. 380 trong thời của Theodosius I, dần dần thay dổi cơ cấu của xã hội La mã và mô hình đế quốc không còn phù hợp.

Một số người đã kết án dân La mã thế kỷ thứ 4 và 5 là biếng nhác và yếu mềm. Họ mướn các lính đánh thuê __ các người Vandal, Hung nô, Visigoth, Ostrogoth, và Burgundian __ chiến đấu cho họ và cho phép các bộ lạc định cư tại các tỉnh thành La mã như những federate. Vào giữa thế kỷ thứ 5 A. D., người Visigoth và Burgundian chiếm hầu hết xứ Gaul phía nam. Nhiều dân federate quay sang tấn công người La mã. Vào năm A.D. 476, một liên minh các bộ lạc Đức tràn ngập thành phố La mã và truất phế Romulus Augustus, vị hoàng đế La mã cuối cùng, và thay thế bằng lãnh tụ của mình là Odoacer.

Với sự sụp đỗ của La mã, văn hóa cũng theo đó suy thoái.  Các hợp đồng mà nhà nước ủy thác xây dựng những công trình mới bị bỏ dỡ. Nghệ thuật và văn hóa rút lui vào các tu viện Thiên chúa. Nhiều kỹ thuật làm nghệ thuật cũng bị lãng quên hoặc thất truyền. Ngoài ra, một Âu châu bị Thiên chúa giáo hóa khước từ hoặc biến đổi nghệ thuật trần thế và ngoại giáo của Đế quốc La mã. Họ thích thứ nghệ thuật hướng đôi mắt của con người lên thiên đường hoặc thứ nghệ thuật làm họ khiếp sợ phải tuân phục,

Nhưng chỉ có phân nửa Đế quốc La mã sị sụp đỗ vào A.D.  476. Phần phía đông, Đế quốc Byzantine, thủ đô là Constiantinople (gọi theo tên của Đại đế Constantine), vẫn kéo dài thêm một ngàn năm nữa, mặc dù thường trên đôi chân run lẩy bẩy. Đế quốc Byzantine gìn giữ truyền thống nghệ thuật La mã theo một hình thức được điều chỉnh. Ảnh hưởng phương Đông từ các láng giềng trộn lẫn với các phong cách nghệ thuật truyền thống La mã đã tạo ra phong cách Byzantine độc đáo. (xem Chương 9).       

(còn tiếp)

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s