Lịch Sử Nghệ Thuật- Phần 2

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

PHẦN II: TỪ HANG ĐỘNG ĐẾN ĐẤU TRƯỜNG COLOSSEUM: NGHỆ THUẬT CỔ ĐẠI

 

Trong phần này. . .

Tôi cung cấp cho bạn đầy thông tin trong  cuộc triển lãm đầu tiên này, hang động của người tiền sử, và những nghi lễ đằng sau nghệ thuật của họ. Sau đó tôi đào bới quá khứ ở Ai Cập Cổ đại và Mesopotamia bằng cách khai quật ý nghĩa của những nghệ thuật lăng mộ và nghệ thuật chính trị và tôn giáo. Sau đó, tôi khảo sát cách thức người Hy Lạp và La Mã cổ đại sáng tạo ra thế giới hiện đại. (Đúng như thế, bạn ơi!)

Chương 4 Các Thợ Săn Ma Thuật và Nghệ sĩ Hang Động

Trong Chương Này

  • Giải mã những bức họa xưa nhất thế giới
  • Lân la với biểu tượng sinh sôi của Thời kỳ Đồ đá
  • Vật lộn với kiến trúc Thời đại Đồ Đá Mới như Stonehenge

Trong Kỷ Băng Hà cuối cùng, một lớp băng bao la chôn vùi một vùng rộng lớn trên mặt đất. Trong khoảng 120,000 B.C., người Homo sapien (người Tinh Khôn), tổ tiên của con người hiện đại, xuất hiện trên sân khấu đóng băng này. Họ thống trị cuộc trình diễn từ thời điểm đó.

Con người chia sẻ hành tinh với bầy đàn voi mamut lông tơ, tê giác lông tơ, bò rừng, mèo răng kiếm, ngựa, và hưu nai lang thang trên mặt đất. Những người đầu tiên sống sót trong vùng đất giá lạnh này là những người săn bắn-hái lượm du mục. Chúng ta không biết nhiều về họ vì họ không để lại ghi chép nào, nghệ thuật nào, và không có chỗ định cư cố định.

Nghệ thuật còn sót lại xưa nhất là hình vẽ khoảng 90,000 năm sau trong thời kỳ Đồ Đá Cũ, kéo dài khoảng từ 40,000 B.C. đến 8,000 B.C. Nghệ thuật “sơ khai” này đã phát triển với trình độ cao vào năm 30,000 B.C. __ tại đỉnh cao của nó, có vẻ như là các nghệ sĩ tiền sử tạo ra nó đã học được kỹ năng vẽ trong một trường nghệ thuật thời kỳ Đồ Đá. Chắc chắn hơn, kỹ năng của họ được truyền từ thầy đến trò và được dồi mài qua hàng ngàn năm. Họ vẽ những bức tranh tuyệt vời về thú rừng tại những cuộc triển lãm đầu tiên của thế giới, là vách các hang động chủ yếu ở miền nam nước Pháp và bắc Tây ban nha. Những bức vẽ các con mamut, tê giác đầy lông, và bò rừng là những hình ảnh chính xác nhất chúng ta có về những giống loài tuyệt chủng này.

Trong chương này, tôi giới thiệu với các bạn những nghệ sĩ xưa nhất __ những người sống trong thời kỳ Đồ Đá Cũ và Mới.

Nghệ Thuật Hang Động Tuyệt Vời hay Tranh Vẽ Thời Kỳ Đồ đá: Tại Sao Giữ Nó Bí Mật?

Công cụ và nghệ thuật: Mối liên hệ quyết định

Trước khi con người có thể tạo ra nghệ thuật, họ phải tạo ra được công cụ. Loài vượn dùng gậy như công cụ để đập cho chuối rớt xuống, chẳng hạn, nhưng chúng không là mra công cụ (hay nghệ thuật). Tổ tiên xa xưa nhất của chúng ta đứng được trên hai chân cách đây khoảng 4 triệu năm. Chúng ta không biết họ dung tay để làm gì cho đến cách đây 2 triệu năm, khi những công cụ tiền sử đầu tiên xuất hiện ở trung tâm châu Phi. Những công cụ này đơn giản chỉ là những hòn đá được đẽo gọt cho sắc cạnh do tổ tiên chúng ta là người Homo habilis (người khéo léo) làm ra . Các công cụ được dần dần chắt lọc  qua hàng ngàn năm từ những hòn đá mài sắc dùng để cắt thịt và da thú của người khéo léo (khoảng 2,000,000 B.C.) đến việc chế tạo ra chiếc rìu tay(khoảng 1,300,000 B.C.) và giáo (khoảng 1,000,000 B.C.). Cung và tên được chế tạo khoảng 10,000 B.C.. Tổ tiên chúng ta học hỏi từ từ để làm chủ môi  trường mình đang sống __ và nghệ thuật cũng vừa ló dạng.  

Các nghệ sĩ thời tiền sử dấu các tranh vẽ của mình sâu trong hang động như thể đó là những bí mật. Các bức tranh được giấu kỹ đến nỗi mãi đến năm 1879 mới phát hiện tranh hang động đầu tiên ở Altamira, Tây ban nha (xem Hình 4-1). Phát hiện thứ hai xảy ra vào năm 1940 ở Lascaux, Dordogne, Pháp __ khi hai em bé đuổi theo chú chó chăn cừu đi lạc vào trong một lỗ mở ra một hang động cổ.

2

Hình 4-1: Tranh hang động được đánh bóng nổi tuyệt vời vẽ những con thú tiền sử ở Altamira, Tây ban nha, là tranh phát hiện đầu tiên.

Săn bắt trên vách

Lúc đầu các nhà nghiên cứu tin rằng nghệ thuật hang động liên quan đến săn bắt. Săn bắt là việc làm chủ yếu của người tiền sử, và tranh vẽ hầu hết đề tài dã thú __ ngoại trừ một số tranh vẽ người hình que, dấu bàn tay, và các dạng hình học trong một số hang động. Người tiền sử có tin rằng nắm bắt hình dã thú trên vách động bằng sơn sẽ khiến việc săn giết chúng dễ dàng hơn tại hiện trường? Nếu thế, thì tranh tiền sử chắc hẳn là một loại ma thuật đồng cảm, giống như bùa chú. Ý tưởng là, nếu bạn vẽ bức tranh một sinh vật, thế thì bạn sẽ có quyền năng với  nó. Trong một số tranh hang động, giáo và tên hình như đâm xuyên qua thú rừng (như kim đâm vào các hình nhân khi yếm bùa).

Nếu bạn muốn giết nhiều bò rừng, bạn vẽ nhiều bò rừng trên vách hang! Trong hang Lascaux, một hành lang hang dài khoảng 22 mét có thể là một ví dụ về một nghi lễ ma thuật tiền sử, có quy mô lớn. Nhưng các nghiên cứu ngày nay ngờ vực nghệ thuật hang động không chỉ La Mã thuật săn bắt.

Lông vũ, lông mao, và que gặm: Công cụ nghệ thuật tiền sử

Các nghệ thuật hang động dùng lông vũ, lông mao, que gặm, và ngón tay mình như cọ vẽ. Đôi khi họ khắc đường viền của hình trên vách hang động bằng đá nhọn hay que than. Họ nghiền chất khoáng như đất vàng, đỏ, man-gan, và hematit thành bột màu đỏ, vàng, nâu, và đen, rồi quét thẳng lên mặt vách vôi ẩm để vẽ ra lông mao cho gấu và bò rừng, và vết đốm cho báo và linh cẩu. Ngày nay, 15,000 đến 25,000 năm sau, những tranh cổ xưa này vẫn chưa tróc ra! (Bạn không muốn mình có thể tìm ra những chất liệu như thế tại các cửa hang vật tư mỹ thuật sao.)

Những nghệ sỹ tiền sử cũng “xịt sơn” lên bức tranh của mình để sơn những vùng rộng lớn một cách hiệu quả hơn bằng cách thổi bột màu qua những ống cây sậy rỗng ruột hay xương động vật. Một số ống rỗng đã được tìm thấy trong hang động còn dính những vệt sơn trên đó.

Những họa sỹ hang động đôi khi dùng những vết lồi và khe nứt trên vách hang để làm nổi bật đường bao của thú: chỗ u để vẽ bụng, vết răng cưa để vẽ mắt, chổ gồ để vẽ bứu. Trong hang Chauvet ở miền nam nước Pháp, một nghệ sỹ vẽ tay gấu qua một chỗ phồng lên trên vách, khiến nó trông rất dữ tợn như sẵn sàng vồ ra tát vào mặt người xem.

Mười ngàn năm sau, các nghệ sỹ hang động ở Altamira, Tây ban nha, dùng kỹ thuật tương tự, vẽ thân hình vạm vỡ của bò rừng lên những chỗ lồi ra trên trần hang động, khiến đàn bò trông như tranh điêu khắc 3D.

Các pháp sư tâm linh với cọ vẽ

Những nhà nghiên cứu sau này khám phá ra rằng các động vật xuất hiện trên thực đơn bữa ăn chiều thời Đồ Đá Cũ hiện ra ít nhất trong nghệ thuật hang động. Nhiều bức họa mô tả dã thú như báo, sư tử, và linh cẩu __  thực phẩm không điển hình và không dễ săn bắt.

Những nhà nghiên cứu đưa ra một lý thuyết mới dựa trên sự kiện là những xã hội săn bắt-hái lượm từ Phi châu đến Siberia và Bắc Mỹ thường thực hành ma thuật bùa chú. Những người săn bắt-hái lượm tiền sử chắc chắn cũng làm thế.

Phim ảnh Hollywood hình dung các pháp sư như những thầy mo, nhưng thầy mo không chỉ làm bùa chú, nhảy múa trong lễ hội Halloween __ y còn là người thấu thị và đôi khi là một nghệ sĩ. Các dân tộc nguyên thủy tin rằng các pháp sư có thể bước vào cõi âm để nói chuyện với linh tồn các dã thú. Họ còn cho rằng pháp sư có thể được linh hồn dã thú chỉ dẫn cách thức điều chỉnh sự mất cân bằng trong tự nhiên.

Một số pháp sư còn biết dùng chất gây ảo giác làm họ phê bay bổng vào kích thước thứ sáu. Những người tiền sử trên khắp thế giới thường mô tả các cuộc phiêu du ma quái với những hình ảnh ảo giác trong đó thú và người  quấn quýt nhau và thậm chí giao hoan nhau. Nghệ thuật hang động có thể mô tả những chuyến du hành này.

Tranh hang động có phải là nghệ thuật tâm linh đầu tiên trên thế giới hay không? Những tranh hang động nửa người nửa thú như Người Đầu Chim với Bò Rừng trên vách hang ở Lascaux đúng là như vậy (xem hình).

3

Thoáng nhìn, bức tranh này giống như một cảnh săn bắt điển hình. Một thợ săn đâm mũi giáo vào bụng bò. Ruột rà của bò đỗ ra. Nhưng tại sao người đàn ông nằm dài bên con thú lại có đầu chim? Và tại sao có một con chim đậu trên một cột cây gần đó trông như một tô-tem (vật tổ)? Ở Siberia vào thế kỷ 19, các pháp sư dùng gậy phép trên có gắn đầu chim để phát động chuyến đi của họ vào cõi âm. Người đầu chim ở Lascaux và cột gắn đầu chim có thể mang ý nghĩa đem lại may mắn cho pháp sư trong chuyến đi vào cõi âm.

Những pháp sư học nghề phải trải qua những cái chết giả, thông thuộc lễ nghi, cũng như nhịn ăn nhịn ngủ. Có thể người nằm bên cạnh con thú là một pháp sư học nghề, giả chết sau một thời gian dài nhịn ăn và thức thâu đêm suốt sáng.

Đùa Cợt với Nữ Thần Sinh Sôi

Điêu khắc trưởng thành song song với hội họa như hai bộ môn nghệ thuật chị em. Phần lớn điêu khắc tiền sử hoặc là tượng nhỏ hoặc là chạm nổi. Trong một hình chạm nổi, nhà điêu khắc phác họa ảnh trong đá hay gỗ, rồi đục bỏ hậu cảnh so cho hình chạm nổi lên trên. Tượng cổ nhỏ nổi tiếng nhất là Phụ Nữ ở Willendorf, cũng được biết dưới tên Venus của Willendorf (xem hình).    

4

Tất cả hình nữ khỏa thân được các nhà khảo cổ Đức phát hiện ra trong thế kỷ 19 đều được đặt tên là Venus.

Tượng Phụ Nữ ở Willendorf là hình người béo lùn cao 12 cm bằng đá vôi. Đối với con mắt bây giờ cô ta trông không hấp dẫn lắm, nhưng cách đây 25,000 năm cô có thể là biểu tượng của sự sinh sôi.

Có phải điều này có nghĩa là người hang động cho rằng Phụ Nữ ở Willendorf là khêu gợi, một Marylin Monroe của thời đại mình.  Các bím tóc đồng tâm phủ xuống che giấu gương mặt của Phụ Nữ ở Willendorf, nhưng ước đoán dung nhan của cô không phải là điều quan trọng. Cô ta không phải biểu thị một cá nhân, mà là một điển hình. Điều quan trọng là đặc điểm nữ tính của cô: ngực to, bụng lớn (có vẻ như mang thai thường xuyên), mông to cỡ quả dưa, và bộ phận sinh dục nhô ra. Những đặc điểm khác không được nghệ sĩ chú ý đến. Cánh tay béo và ngắn và chân bị rút ngắn hình như là mối quan tâm muộn màng. Điển hình nữ tính kiểu này được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa tiền sử trên khắp thế giới.

Vậy thì mục đích của loại hình người này là gì và nét hấp dẫn của cô ta là gì? Phụ Nữ ở Willendorf có phải tạo ra để các ông bị hớp hồn? Có lẽ không. Chắc chắn hơn mục đích của cô ta là để cổ xúy sự sinh sôi và trù phú.  Phụ nữ có thể ôm bức tượng này trước khi làm tình để sự biểu tượng sinh sôi của bức tượng có thể truyền đến mình một cách thần bí.

Nhưng tại sao Phụ Nữ ở Willendorf lại quá béo như vậy? Tỷ lệ đầy đặn của cô ta có thể là một biểu tượng của giàu có. Sống chỉ bằng hạt giẻ, dâu rừng, và thú săn không thể làm người tiền sử mũm mĩm. Nhiều người tiền sử chết vì thiếu ăn __ chỉ số ít sống quá 30 tuổi. Và chỉ có một phụ nữ rất có đặc quyền mới có thể ăn nhiều đến thế.

Trò Domino cho người Druid:

Kiến Trúc Stonehenge, Menhir và Đồ Đá Mới

Các tiến bộ kỹ thuật tiếp nối sau sự tan chảy của băng hà. Khi mặt đất ấm lên, con người có thể trồng trọt, chăn nuôi gia súc, và cải thiện công cụ đá của mình, và xây dựng nơi định cư cố định. Y cũng không còn lệ thuộc vào việc săn bắt hoặc hái lượm để sống còn. Các sử gia gọi thời kỳ này là Thời Đồ Đá Mới. Thời kỳ này bắt đầu ở các vùng khí hậu ấm phương nam rồi lan dần đến phía bắc khi băng hà vừa lùi ra xa. Với kỹ thuật cải tiến, cuộc sống và nghệ thuật hang động đã trở thành quá khứ. Về nghệ thuật, nhân loại trải qua thời thoái trào sáng tạo kéo dài 6,000 năm. Y cũng còn làm nghệ thuật, nhưng không thể sánh bằng các bức tranh và chạm khắc thời kỳ Đồ Đá Cũ. Tuy nhiên, trong thời Đồ Đá Mới, kiến trúc có tiến bộ và các công trình được xây dựng để đời.

Trong đoạn này, chúng ta bàn về kiến trúc Thờ Đồ Đá Mới từ Anatolia đến Anh đảo.

Sống trong thời kỳ Đồ Đá Mới: Catalhoyuk và Skara Brae

Một trong những vùng định cư Thời Đồ Đá Mới là ở Catalhoyuk trong vùng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Nó thịnh vượng khoảng 6500 B.C. đến 5650 B.C. Thú vị là người Catalhoyuk không xây thành lũy và không thờ thần chiến tranh__ họ hình như là một dân tộc yêu thích hòa bình. Họ rất giỏi dệt may, đan rổ, và đồ gốm đơn giản (bàn xoay nặn gốm vẫn chưa được chế tạo), và xây dựng những ngôi nhà bằng gạch bùn hình chữ nhật trổ cửa vào từ trên mái nhà xuống (họ trèo vào nhà từ nóc xuống). Mỗi nhà có hai hay nhiều hơn các bệ cao, dùng cho những mục đích khác nhau, trong đó có một bệ luôn sơn màu đỏ. Bệ dùng làm bàn, ghế để ngồi khi làm đồ thủ công, làm giường ngủ, và giường liệm(trong trường hợp này là những hài cốt vì người Catalhoyuk để các xác chết cho diều hâu rỉa thịt trước khi chôn cất).

Một số căn phòng ở Catalhoyuk có chứa tranh vẽ và điêu khắc. Tranh Catalhoyuk thường vẽ hình người dưới dạng que, thường là đang đi săn; hiếm khi có phụ nữ xuất hiện trong tranh. Nhưng hình phụ nữ thì có xuất hiện trong điêu khắc với đặc điểm và kích thước như Phụ nữ ở Willendorf, chắc chắn là biểu tượng của sinh sôi hay mẹ đất.

Ở Skara Brae, một cộng đồng Đồ Đá Mới sau này (khoảng 3,000 B.C.) ở các đảo Orkney phía Bắc Scotland, trong nhà còn có lò sưởi, bồn đá (có thể dùng để rộng cá sống, vì họ là những người đi biển), và những đồ đạc đúc từ đá (giường, ghế, bàn, và kệ). Nghệ thuật duy nhất chúng ta có từ Skara Brae là những hoa văn đơn giản khắc trên bình đá và giường đá.

Bật mí bí mật của megalith và menhir

Ví dụ lý thú nhất của kiến trúc thời Đồ Đá Mới là những megalith bí ẩn (những tảng đá khổng lồ) ở Anh. Một kiến trúc megalith là một sắp xếp đơn giản hay phức tạp gồm những tảng đá. Một số có vẻ là những đền thờ trần trụi, lộ thiên do những người khổng lồ như ma-mút xây dựng lên. Những cái khác trông như nhà mồ dành cho một hoặc vài người. Nhiều nhà mồ dạng megalith trông như những bàn đá khổng lồ với hai phiến thẳng đứng chống đỡ một mặt đá nằm ngang vắt qua. Cách sắp xếp này gọi là hệ thống cột-rầm đỡ (xem hình). Hệ thống này là một trong những thành tựu vượt bực của kiến trúc đầu tiên của loài người. Đôi khi nhà mồ được phủ bằng những tảng đá nhỏ và đất cát, tạo thành một ụ cao như nấm mộ.

5

Một megalith

Những megalith không có mặt đá nằm ngang, chỉ có những phiến đá đứng thẳng đơn độc __ được gọi là menhir. Những người tiền sử xây dựng rải rác những cánh đồng các menhir khắp Brittany ở miền tây nước Pháp giữa 4250 B.C. đến 3750 B.C. Các menhir xuất hiện dưới hai dạng: dạng tròn gọi là cromlech và dạng những hàng dài như nghĩa địa gọi là alignment. Dù có hình dạng như nghĩa địa, các alignment không phải là nơi chôn cất người chết. Có vẽ chúng là những đài quan sát thiên văn hoặc địa điểm thờ phụng mặt trời.  Các alignment lớn nhất là ở Carnac, Brittany, ở đó 3,000 menhir đứng thành những hàng dài đến hai dặm. Các menhir được sắp xếp lớn dần lên khi bạn đi từ đông sang tây. Những cột đá phía đông cao 3 bộ (khoảng 1 mét), trong khi ở cuối phía tây chúng vượt hơn 13 bộ (khoảng 4 mét). Các alignment ứng với mặt trời mọc và lặn. Ngày nay, không ai biết các đài quan sát tiền sử này hoạt động ra sao.          

6                     

Một menhir

7

Một alignment

Kiến trúc megalith lớn nhất là vòng tròn phiến đá gọi là Stonehenge ở Bình Nguyên Salisbury nước Anh (xem hình dưới). Stonehenge được xây dựng giữa 2550 B.C. và 1600 B.C. qua ít nhất bốn giai đoạn. Có thời nó được tin là một đền thờ Druid (pháp sư vùng Celtic). Bây giờ chúng ta biết rằng công trình bằng đá kỳ vĩ này đã được sử dụng để dự đoán điểm chí (thời điểm mặt trời ở xa xích đạo nhất về phía Bắc hoặc Nam) và nhật thực hay nguyệt thực, kiến thức sống còn cho con người sống dựa vào mùa màng

8

Một stonehenge

Từ xa nhìn, Stonehenge trông như một trò domino chưa hoàn thành mà các người khổng lồ đang chơi. Đến gần hơn, ta thấy nó gồm một dãy các đường tròn đồng tâm và những hình thể tròn: một hình móng ngựa bên trong gồm năm bộ hệ thống cột-rầm đỡ bằng sa thạch xám, và một đường tròn ngoài gồm sa thạch xám cao 20 bộ (gần 7 mét, gọi là đá sarsen), đỡ những mặt đá nằm ngang (rầm đỡ) bên trên. Mỗi phiến đá này nặng đến 50 tấn. Các rầm đỡ kết nối nhau, tạo thành một đường tròn liên tục. Một hào và bờ kè dài khoảng 1,000 bộ (khoảng 330 mét) bao quanh megalith. Sự sắp xếp kiểu các vòng tròn đá bên trong vòng tròn đá này đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc.

Cho đến 1500 B.C., một vòng tròn đá xanh đứng giữa đá sarsen và hình móng ngựa. Đá xanh chỉ có ở xứ Wales cách đó 150 dặm. Các thợ xây Stonehenge tìn rằng đá xanh sỡ hữu những tính chất đặc biệt, có thể là phép ma thuật __ nếu không họ sẽ không tốn công kéo chúng một quãng đường  xa như vậy. Vào năm 1500 B.C., những thợ xây Stonehenge cuối cùng dời những khối đá xanh vào bên trong hình móng ngựa; các nhà nghiên cứu ngày nay không hiểu lý do tại sao.

Các thợ xây dựng tiền sử cũng mài phẳng các bề mặt trong của cột đá và rầm đỡ và làm thon đỉnh cột sao cho bụng và phần giữa của cột trông như phình ra. Và ấn tượng hơn, họ “khoan” những lỗ qua rầm đỡ và đẽo các cọc hình nón trên cột để cột và rầm đỡ khớp khít vào nhau như các mộng của ngành mộc. Các thợ xây cũng mài cong những rầm đỡ ngoài sao cho mỗi rầm đỡ tạo thành một cung, làm tăng thêm vẻ tròn trĩnh của vòng ngoài.

Như vậy mục đích của công trình đá tảng kỳ vĩ này là gì? Là đền đài, nơi tế lễ, hay một tấm lịch bằng đá? Chức năng của Stonehenge vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy có thể nó đã được sử dụng để dự đoán các tuần trăng, các điểm chí, và các kỳ nhật hay nguyệt thực.              

Chương 5

Thần Thánh Thất Thường, Nghệ Thuật Chiến Chinh, và Khai Sinh Chữ Viết: Nghệ Thuật Mesopotamia

 

Trong Chương Này

  • Khám phá nhà chọc trời của thế giới cổ xưa
  • Trố mắt nhìn kiến trúc và hình chạm nổi Sumer
  • Nhìn qua nghệ thuật tuyên truyền
  • Đọc những chuyện kể đầu tiên
  • Lang thang ở Babylon

Abraham, tổ phụ của tôn giáo Do thái, là người I-rắc __  phần nào. Theo Kinh Thánh, ông ta sinh ra ở Ur, một trong những thành phố đầu tiên của thế giới, tọa lạc ở Mesopotamia, ngày nay ở Iraq. Nhưng trong những ngày đó, vùng này của Mesopotamia có tên là Sumer. Vì thế Abraham thực sự là người Sumer, hoặc chính xác hơn là người Ur. Các sử gia không biết khi nào Abraham rời xứ Ur, nhưng đến khoảng 2334 B.C., Ur là một thành phố độc lập. Sumer không thực sự là một quốc gia, mà là một nhóm những thành phố, như Hy Lạp Cổ. Sumer bao gồm Ur, Uruk (Erech trong Kinh Thánh), Eridu, Larsa, và khoảng tám thành phố khác ở nam Mesopotamia. Mặc dù liên kết về mặt văn hóa, tôn giáo, và sự kiện họ chia sẻ chung chữ viết đầu tiên của thế giới, các thành phố này không thống nhất qua hơn một ngàn năm. Tuy nhiên, người Sumer gọi “xứ sở” chắp vá này là “đất của các chúa tể văn minh,” nghe có vẻ họ có những láng giềng “mọi rợ”. Họ cũng tự cho mình là những “người đầu-đen.”

Sumer là miền đất của những cái đầu tiên. Tổ phụ Abraham thành lập chế độ độc thần, và người Sumer sáng tạo nên chữ viết. Họ cũng tạo nên thiên sử thi đầu tiên, Gilgamesh, và bộ luật đầu tiên, nổi tiếng nhất là Bộ Luật Hammurabi. Các nhà khảo cổ còn tìm được bánh xe cổ nhất ở Sumer __ cách đây khoảng 5,500 năm! Người Sumer hình như đã chế tạo ra bàn xoay của người thợ gốm. Thật là một dân tộc sáng tạo.

Mesopotamia, tiếng Hy Lạp nghĩa là “giữa hai con sông”, bị chặn giữa sông Tigris và Euphrates, bồi đắp phù sa màu mỡ cho nó quanh năm. Vì lý do này, nó cũng được mệnh danh là Vòng Cung Màu Mỡ. Một số nhà khảo cổ tin rằng vùng đất phì nhiêu này, nơi có lần cây trái và lúa gạo sinh sôi thừa thải, chính là Vườn Địa Đàng theo Kinh Thánh.

Địa lý thuận lợi cho nông dân Mesopotamia, nhưng không thuận lợi cho người cai trị. Không như Ai Cập, được bao vây bởi những phòng tuyến tự nhiên __  sa mạc ở phía đông và tây và vùng Địa Trung Hải ở phía bắc __ Mesopotamia không có núi, sa mạc, hoặc biển cả che chở. Rất dễ để bị chinh phục và khó để chống giữ. Các láng giềng của người Sumer __ những bộ lạc du mục dạn dày nơi sa mạc __ chắc hẳn đã không kềm nổi dòm ngó ốc đảo hoa trái này. Quyền lực ở Mesopotamia sang tay hết lần này qua lần khác trong 3,000 năm trong khi các phara-ông duy trì sự cai trị vững chắc ở Ai Cập. Nghệ thuật của hai nền văn minh kể cho ta câu chuyện của nhà nước họ. Ai Cập vững vàng cũng như nghệ thuật của họ, không mấy thay đổi trong 3,000 năm (xem Chương 6). Còn nghệ thuật Mesopotamia thay đổi thường xuyên như tên người cầm quyền, mỗi nhà chinh phục lại mang đến những ảnh hưởng mới.

Trong chương này, tôi khảo sát nghệ thuật và kiến trúc của người Sumer, Akkadia, Assyria, Babylonia, và Tân Babylonia. Mặc dù từng dân tộc có phong cách riêng, những phong cách này hình như khai sinh lẫn nhau như một cây gia phả của nghệ thuật và kiến trúc, và trong chương này tôi sẽ trình bày hết với bạn.

Trèo lên mây: Kiến trúc của người Sumer

Mỗi thành phố của Sumer thờ một vị thần riêng, sở hữu và bảo vệ thành phố (hơi giống nữ thần Athena của Hy Lạp bảo vệ Athens). Các nhà vua, cũng là pháp sư, điều hành thành phố, hành xử như “đấng chăn chiên” được thần thánh chỉ định. Họ quản lý mọi việc từ kinh tế và chính quyền đến những vấn đề về tôn giáo. Họ cũng phân phối lương thực, vì ngay cả lao động của dân chúng cũng được xem là tài sản của thần thánh.

Đi ngoằn ngoèo đến Thiên đường: Ziggurat

Người Sumer cố vươn đến bên các vị thần của mình bằng kiến trúc của họ. Vì các vị thần cư ngụ trên mây, họ xây đền thờ của mình thật cao. Các kiến trúc sư Sumer đã dựng được các tầng cao này bằng các ziggurat, trông như các bánh cưới bảy tầng cao. Trên cùng là đền thờ, gần với thần linh nhất. Tháp Babel trong Kinh Thánh (xem đoạn sau) chắc hẳn là một ziggurat.

Vì người Sume không có đá vôi, như người Ai Cập, họ xây dựng các ziggurat, đền thờ, và cung điện bằng đá bùn, có tuổi thọ chỉ bằng nửa đá vôi hay đá granit (vật liệu người Ai Cập dùng để xây nên kim tự tháp). Như Sáng thế ký 11:3 đã nói, “Và họ đã dùng gạch thay đá, và bùn thay vữa.”

Hầu hết kiến trúc của người Sumer đã biến mất, và đo lường sự lớn lao nguyên gốc của nó từ những phế tích còn lại là việc khó khăn. Tuy nhiên, thiên sử thi Gilgamesh đã mô tả vẻ đẹp rực rỡ của một ngôi đền người Sumer ở Ur.

Người xây dựng nên Uruk. Người xây nơi trú ngụ của Anu và Ishtar [các vị thần của Sumer]. Bức tường bao ngoài cùng lấp lánh dưới ánh mặt trời như như chất đồng sáng nhất; bức tường phía trong vượt qua sự tưởng tượng của các vì vua. Hãy quan sát công trình bằng gạch, quan sát kỹ thuật xây công sự. Hãy trèo lên cầu thang cổ đến sân thượng. Quan sát cách nó được xây dựng; từ sân thượng ngắm nhìn những cánh đồng trồng trọt và hoang hóa, những ao hồ và vườn cây ăn trái. Đây là Uruk, thành phố của Gilgamesh.

[Bản dịch của David Ferry]

9

Phế tích ziggurat

Ziggurat bao gồm những cầu thang dài, đi từ sân thượng này đến sân thượng khác, bắc lên thiên đàng và các vị thần của Sumer. Nhưng chỉ các thầy tu mới được phép dùng cầu thang và bước vào ngôi đền ở trên sân thượng.

Tất cả những gì còn lại của ziggurat của Vua Urnammu xứ Ur là tầng thứ nhất (xem hình trên), nhưng cũng đủ cho thấy kỹ năng xây dựng và kiến trúc đầy ấn tượng của người Sumer cổ.

Tháp Babel

Nebuchadnezzar II, vua xứ Babylon (605B.C. – 562 B.C.), để tiếng xấu cho các ziggurat khi lấy cắp những thánh tích của đền thờ ở Jerusalem và mang về chứa trong các ziggurat ở Babylon. Chắc ông muốn chứng tỏ thần thánh của mình có quyền lực lớn hơn thần thánh dân Do Thái cổ. Theo Biên niên sử II 36:7, Nebuchadnezzar cũng mang các bình cổ trong ngôi nhà của Chúa Trời về Babylon, và cất giữ trong đền thờ của mình ở Babylon.”

Theo các tù binh Do thái, các ziggurat cao như núi của Babylon chắc hẳn tượng trưng cho niềm kiêu hãnh ngạo mạn của Nebuchadnezzar. Nhưng nói chung, người Sumer và Babylon xây dựng các ziggurat để giao tiếp với thần thánh, không phải để đề cao cái tôi của mình.

Nhìn qua kiến trúc Sumerian

Người Sumer có nhiều thần __ một thần măt trời tên Shamash; Enlil, thần gió; Anu, vua các vị thần; và Ishtar, nữ thần khát vọng, và còn nhiều nữa. Mỗi thành phố có một vị thần riêng đóng vai phát ngôn viên trong hội đồng thần thánh, như một nghị sĩ trong quốc hôi Hoa kỳ. Như phát ngôn viên, vị thần địa bàn này được nhân dân trông đợi sẽ xin được các thần chúa tễ (như thần gió và thần lũ lụt) ban những đặc quyền cho thành phố mình. Dân chúng có thể thỉnh nguyện vị thần của mình (giống như việc viết thư cho nghĩ sĩ của mình) gián tiếp qua pháp sư-vua hoặc họ có thể xin trực tiếp bằng cách ủy nhiệm một bức tượng của chính mình và đặt nó trong đền thờ.

Tôn thờ ảnh chạm khắc

Như hầu hết các thần, các vị thần của Sumer sống đâu đó trên trời hay đỉnh núi (mặc dù dĩ nhiên họ không có địa chỉ chính xác). Họ cũng cư ngụ bên trong các bức tượng của họ trong các đền thờ của mỗi thành phố. Ở Sumer, tượng thần không chỉ là một vật thờ, như sau này ở Hy Lạp __ mà còn là chính vị thần ấy. Thần thánh có thể có mặt khắp nơi cùng một lúc.

Các tượng có thể thay thế cho các công dân bình thường. Đó là, nếu một người Sumer ủy nhiệm một  bức tượng, một phần của y sẽ cư ngụ trong bức tượng. Với lý lẽ này, người Sumer đặt các bức tượng của chính mình trong các đền thờ tại đó họ có thể tương tác với tượng của vị thần địa bàn.

Nhìn xuống với Thượng đế: Các tượng nhỏ từ đền Abu

Dân chúng đặt những tượng trong đền để giao tiếp với thần thánh, như các tượng nhỏ trong Đền Abu (xem hình). Họ có phải là những người ngoài hành tinh mắt lồi hay người Sumer cổ thực sự giống như thế? Các tượng nhỏ cao nhất cũng chỉ đến 30 inch (khoảng 75 cm) được gọi là tượng tạ ơn vì chúng đại diện cho những người Sumer thực sự đang khấn nguyện hoặc hiến dâng mình cho vị thần địa bàn.

10

Tốt thôi, nhưng tại sao họ đều có mắt lồi? Trong các phim kinh dị, mắt khán giả lồi ra khi nhìn thấy ma. Mắt những người Sumer trố ra khi diện kiến một vị thần. Mắt lồi ra có nghĩa bạn mộ đạo; chứng tỏ sự xuất hiện của thần làm bạn kính sợ, mắt không thể rời khỏi thần. Dĩ nhiên, các cư dân của Tell Asmar không thực sự trông giống như vậy __ mặc dù y phục, bộ râu, và kiểu tóc chắc chắn là đúng như thật. Tell Asmar là một thành phố nhỏ và các nhà điêu khắc của họ không tinh tế cho lắm như các nghệ sĩ ở các thành phố lớn như Ur và Uruk.

 So sánh các tượng nhỏ Đền Abu với mặt nạ tinh tế của một vị thần ở Uruk được điêu khắc trước đó khoảng một ngàn năm, khoảng thời gian người Sumer sáng tạo ra chữ viết (xem Hình 5-1). Mắt của mặt nạ chắc chắn được chạm đá màu; chân mày và tóc chắc làm bằng vàng hay đồng, nhưng nay đã mất.

Tượng cổ Ai Cập thường vuông vức hay chữ nhật (xem Chương 6), nhưng tượng Sumer có dạng hình trụ. Thật ra, các nghệ sĩ Sumer quy cơ thể người ra thành hình trụ và hình nón. Váy dạng như hình nón xòe ra trên các tượng nhỏ của Đền Abu, phần lớn là tượng đàn ông. Chân của họ là hình trụ, và bím tóc  trông như các ống vòi của máy hút bụi. Các bộ râu như bậc thang giúp phân biệt đàn ông.

11

Hình 5-1

Chơi Đàn Lia Puabi

Khi một ông vua hoặc nữ hoàng xứ Sumer băng hà, họ không đi đến mộ phần một mình. Hơn 60 binh sĩ, người tùy tùng, và các nhạc công tháp tùng Vua Abargi xứ Ur vào lăng mộ. Một số khách được chôn theo đội nón trận và mang giáo để bảo vệ nhà vua khỏi những nguy hiểm ở thế giới bên kia, những người khác mang theo nhạc cụ (gồm đàn lia Puabi, như trong Hình 5-2 để trình diễn cho ông ta nghe, và một số ít lái xe do đội bò kéo. Những xương cốt còn lại của bò cũng được tìm thấy trong lăng mộ. Hơn 20 tùy tùng đi theo Nữ hoàng Puabi trong lăng mộ gần đó, bao gồm ba binh sĩ với dao găm bằng đồng đã rút ra khỏi vỏ và mười thị nữ ăn vận xinh đẹp được chôn thành hai hàng đối mặt nhau. Các sử gia không biết nhóm người tống táng này đã tự tử tập thể hay các binh sĩ tàn sát họ.  Phục vụ cho người cai trị Sumer thật là một công việc đầy rủi ro!

12

Hình 5-2: Các hình vẽ trên mặt trước của đàn lia Puabi minh họa bốn chuyện ngụ ngôn

Làm Sáng Tỏ Chuẩn  Ur

Chuẩn Ur mô tả chiến thắng quân sự của người Sumer khoảng năm 2,600 B.C. Nghệ sĩ kể lại diễn tiến của trận chiến và lễ khao quân bằng những hình khắc trên ba dãy song song ở hai mặt của một  hộp gỗ. Mặt trước (Hình 5-3) tập trung vào các cảnh trên chiến trường, mặt sau (Hình 5-4) ghi lại cảnh hòa bình sau trận chiến. Vua là người cao lớn ở giữa hình trên cùng (mặt chiến tranh), quan sát những tù binh trần truồng (trong đó có một người bị bít mặt) lũ lượt đi qua mặt ông. Những dãy hình bên dưới cho thấy các trận đánh. Hiển nhiên, chuyện kể thị giác này nên được đọc từ dưới lên trên, vì cảnh đánh nhau khốc liệt được vẽ bên dưới cùng, và cảnh vua điểm số tù binh ở hình trên cùng.

11

   Hình 5-3: Chuẩn Ur có kích thước 8.5 inch và 19.5 inch, là một hộp gỗ được khảm vỏ sò, đá xanh da trời, và đá vôi đỏ. Không ai biết nó được dùng vào việc gì. Đây La Mặt chiến tranh.

12

  Hình 5-4: Đây La Mặt hòa bình của Chuẩn Ur.

Chú ý cách thức nghệ sĩ vẽ chồng các con lừa rừng kéo chiến xa ở dãy hình trên cùng và dưới cùng của mặt chiến tranh. Cũng chú ý là y minh họa vụng về biết bao cảnh người chết bị thú dày xéo trong dãy hình dưới cùng.

Mặt hòa bình (xem Hình 504) mô tả cảnh khao quân sau trận chiến.  Đọc lần nữa từ dưới lên, người ta khuân những chiến lợi phẩm đến buổi tiệc. Ở dãy tranh giữa, từng hàng dài thực phẩm và quà biếu diễu hành qua. Trong dãy tranh trên cùng, người ta ăn uống trước mặt vua trong khi nhạc công chơi đàn lia.

Mặc dù mô tả các hoạt động, Chuẩn Ur là tranh tĩnh, đóng băng qua thời gian. Một ngàn năm sau, ở miền bắc Mesopotamia, người Assyria cải thiện chuyện kể thị giác một cách kịch tính, đem lại cho nó một cảm xúc như xem phim ảnh (xem “Giải mã Nghệ Thuật Assyria,” phía sau trong chương này.

Những Chiến Binh Đá Rình Rập: Nghệ thuật Akkadian

Khoảng năm 2334 B.C., một vì vua hùng mạnh cuối cùng thống nhất được Mesopotamia. Nhưng ông ta không phải là người Sumer. Sargon I, vua xứ Akkadia từ miền bắc Sumer, chinh phục Mesopotamia, bắc Syria, và có thể một phần Anatolia (Thỗ Nhĩ Kỳ ngày nay), tạo ra một trong những đế quốc đầu tiên. Lúc này người Sumer mộ đạo đã có một lãnh tụ kiểu mới đặt chính trị lên trên tôn giáo. Dưới thời Sargon, nghệ thuật trở thành công cụ tuyên truyền hay một bộ phận trong bộ máy chiến tranh của ông ta. Ông dùng nó để thực hiện tham vọng hơn là vinh danh các vị thần. Dù vậy Sargon và người kế nhiệm Akkadia của ông vẫn còn coi trọng tôn giáo người Sumer, thậm chí con gái nhà vua còn trở thành nữ pháp sư của Nanna, thần mặt trăng của xứ Ur. Nhưng Sargon thay thế ngôn ngữ Sumer bằng ngôn ngữ Akkadia. Văn hóa Sumer trên đường thoái trào, mặc dù tái sinh ngắn ngủi trước khi cuối cùng tắt ngấm.

Một ví dụ về nghệ thuật mới của Sargon là tượng Đầu nhà cai trị Akkadia từ Nineveh. Vì vua được mô tả như thánh thần nhưng là người cai trị thế tục (không phải là đấng chăn chiên của nhân dân). Ông ta có vẻ điềm tĩnh nhưng với một năng lượng chiến đấu sôi sục đằng sau dáng vẻ đường bệ. Phong cách giống điêu khắc Sumer. Người nghệ sĩ điêu khắc bộ râu như ở các bức tượng nhỏ ở Đền Abu, nhưng cách biểu hiện gương mặt khiến nó trông hiện thực và sắc sảo hơn, nhất là đường viền tuyệt vời của môi và chiếc mũi hơi khoằm (xem hình).                                   

13

Dấu ấn đá: Bộ luật của người Hammurabi

Đế quốc Akkadia kéo dài khoảng hai thế kỷ, cho đến khi các bộ lạc từ miền đông bắc tràn vào năm 2112 B.C. Urnammu, vua người Sumer của xứ Ur, đã bảo tồn nền độc lập, đánh đuổi chúng khoảng 50 năm sau đó và thống nhất lại Mesopotamia thêm một thế kỷ nữa, cho đến khi một làn sóng chinh phạt mới quét sạch các vua chúa Sumer vĩnh viễn. Những thế kỷ binh biến này không sản sinh được công trình nghệ thuật nào. Cuối cùng, vào năm 1792 B.C., Babylon xuất hiện như một quyền lực văn hóa và chính trị cường thịnh ở nam Mesopotamia dưới triều đại Vua Hammurabi, nhà cai trị vĩ đại và lừng danh nhất. Nghệ thuật và văn hóa Sumer lại nổi lên. Hammurabi tôn thờ các thần người Sumer nhiều đến nổi ông ban hành bộ luật được quy định là thiêng liêng __ bộ luật thành văn chi tiết đầu tiên trong lịch sử __ nhằm giúp thực thi những sắc lệnh đạo đức của họ trên mặt đất. Ông viết bộ luật bằng chữ hình nêm, chữ viết của người Sumer.

Giống như Moses, Hammurabi tuyên bố mình nhận được các điều luật này từ thần thánh. Trên phiến đá dựng đứng được khắc chữ để tưởng niệm, Hammurabi gặp gỡ thần mặt trời Shamash, không phải quỳ gối như Moses, mà đứng thẳng và nhìn thẳng vào mắt thần. Bên dưới hình vẽ, Hammurabi viết một lời giới thiệu hùng hồn cho bộ luật:

Anu và Bel gọi tôi bằng tên, Hammurabi, ông hoàng cao cả, biết kính sợ Thượng đế, hãy thực thi nền cai trị chân chính cho vùng đất, hãy đập tan những tên ác xấu; sao cho kẻ mạnh không được hãm hại người yếu; sao cho trẫm sẽ cai trị dân tộc đầu đen [tức người Sumer] như Shamash, và khai sáng đất đai này, mang đến cho nhân dân niềm hạnh phúc lớn hơn.

Bộ luật của Hammurabi ngăn cấm các quan tòa tùy tiện truyền những bản án dựa vào những định kiến cá nhân. Dù sao, nhiều luật hình như có vẻ nhẩn tâm đối với người hiện nay:

  • Nếu đứa con dám đánh cha, bàn tay y sẽ bị chặt đứt.
  • Nếu ai ăn trộm gia súc, trừu hay lừa, heo hay dê, nếu con vật ấy thuộc về một vị thần hay thuộc về triều đình, kẻ trộm sẽ bị bồi thường gấp ba mươi lần; nếu chúng là tài sản của người tự do của nhà vua y phải bồi thường gấp mười lần; nếu kẻ trộm không có tài sản gì để bồi thường y sẽ bị tội chết.
  • Nếu người nào đánh gãy răng một người ngang hàng với mình, y sẽ bị đánh gãy răng lại [giống như luật Do thái “mắt đền mắt, răng đền răng”].

Mặc dù có phần nghiêm khắc, Bộ Luật của Hammurabi là khởi đầu của dân quyền hay, như Hiến Pháp Mỹ đã gọi, ”quyền không thể chuyển nhượng được.” Hammurabi chắc hẳn đã biết rằng khắc bộ luật vào đá sẽ khiến dân chúng hiểu là bộ luật hình như không thay đổi được.

 Giải Mã  Nghệ Thuật Assyria

Vào năm 1956 B.C, khoảng 100 năm sau cái chết của Hammurabi, người Hittites chinh phục Babylon. Họ không sản sinh ra nghệ thuật lớn nào. Không lâu sau đó, người Kassites tràn vào Babylon. Cùng lúc đó ở miền bắc Mesopotamia, người Assyria hung bạo từ một thành phố gọi là Assur nổi lên thành một đế quốc rộng lớn tồn tại từ khoảng 1363 B.C. đến 612 B.C. thì bị  người Ba Tư và Scythia tràn vào. Với vũ khí bằng sắt, họ gieo khiếp đảm cho láng giềng của mình và tàn sát mọi người chống đối không nương tay.

Người Assyria sáng tạo ra nghệ thuật hùng tráng ca ngợi các nhà cai trị mình và đe dọa kẻ thù. Mỗi vì vua Assyria xây dựng cho mình một lâu đài tráng lệ hơn người tiền nhiệm để khoa trương quyền lực của mình.

Sinh vật có năm chân gọi là lamassu (nửa bò, nửa người) với bộ râu dài một dặm canh giữ cổng thành của Sargon II. Chân thứ năm khiến sinh vật này trông như đang sải bước khi nhìn từ một phía, trong khi nhìn đối diện lamassu trông rất vững vàng. Quan trọng hơn, để thể hiện các kỳ công quân sự và những chuyến săn bắn được dàn dựng (các thú dữ được thả ra khỏi lồng và bị đuổi giết), người Assyria kể lại câu chuyện bằng hình chạm khắc với những cảnh tượng liên tục nối tiếp tạo cảm xúc rất thực như phim ảnh.     

 14

Một lamassu

Để đánh giá sự đóng góp này của người Assyria, hãy so sánh hình chạm nổi chuyện kể của họ với Chuẩn Ur (xem Hình 5-3 và Hình 5-4). Chiến tích mà Chuẩn Ur mộ tả được kể thành dãy phim riêng biệt. Câu chuyện bị tắt nghẽn ở cuối mỗi dãy hình, và những sự kiện trong mỗi dãy hình không có  kịch tính __ hành động này không thúc đẩy hành động tiếp theo. Còn hình chạm của Assyria về Vua Ashurnasirpal II Giết Sư Tử (xem Hình 5-5) là hình động mang tính dữ dội. Bạn có thể cảm thấy sức mạnh đáng sợ của sư tử khi nó chồm đến nhà vua, và bạn tội nghiệp cho nó khi nằm chết dưới móng ngựa sau khi đã bị bắn nhiều mũi tên trước đó. Chú ý là vị thế của một người không còn được biểu hiện bằng kích thước trong hình (như trong Chuẩn Ur) mà bằng hành động.

15

16

Hình 5-5

Babylon Sinh Con: Tân Babylon

Sau khi người Ba Tư và đồng minh của họ cướp bóc thủ đô Nimeveh của Assyria, Babylon nổi lên như trung tâm của nền văn hóa Mesopotamia. Nabopolassar, một tướng của Babylon, người đã về phe của người Ba Tư, trở thành vua đầu tiên của Tân Babylon. Mặc dù vương quốc này chỉ kéo dài có 70 năm, vẻ đẹp và văn hóa của nó đã trở thành huyền thoại, nhất là khi chúng đâm hoa kết trái dưới triều đại của người con trai danh tiếng của Nabopolassar, Nebuchadnezzar.

Nebuchadnezzar được biết đến nhiều nhất qua một món quà mà ông ta tặng người vợ của mình: Vườn Treo Babylon, một trong bảy Kỳ Quan của Thế Giới Cổ. Nhưng Vườn Treo thực sự không treo. Chúng nằm trên sân thượng, nước tưới được bơm từ sông Euphrates. Đối với du khách, chắc hẳn nó giống như một ốc đảo rực rỡ hoa trên nóc nhà của Babylon.

Các vua chúa của Tân Babylon quay về với quan niệm của người Sumer rằng “vua là đấng chăn chiên của nhân dân”. Mặc dù Nebuchadnezzar tấn công Judah, những người Tân Babylon ít hiếu chiến hơn người Assyria. Nghệ thuật của họ phản ánh thời kỳ bình yên và hòa nhã này; ít có tính gây hấn và năng động như nghệ thuật Assĩria.

Nebuchadnezzar xây dựng Babylon thành một thành phố đẹp nhất trên mặt đất. Một trong những thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất là Cổng Thành Ishtar, lối vào thành tráng lệ. Các con vật trên Cổng Thành giống như hoa văn trang trí. Ở mặt trước, trên nền đá xanh bóng là những chú ngựa đáng yêu, những con bò sừng xanh, và những con rồng làm bằng gạch màu vàng, đá ngọc lam, và gạch xanh. Tận trên cao là hàng khía răng cưa như các lâu đài thời Trung cổ. 

17

Điều khác biệt giữa Cổng Thành Ishtar và nghệ thuật Assyria là gì? Trong Cổng Ishtar, mọi con thú đều có cùng tư thế; không có sự chuyển động. Nhưng Cổng Ishtar không dự định kể lại một câu chuyện. Mục đích của nó chỉ là để tôn vinh nét đẹp và vẻ đường bệ, phản ảnh khiếu thẩm mỹ có chắt lọc của Nebuchadnezzar. Hành động trong tranh sẽ phá vỡ tính đường bệ tôn nghiêm của cổng nữ thần.   

 

Chương 6

Một Chân trong Lăng Mộ: Nghệ Thuật Ai Cập Cổ Đại

 

Trong Chương Này

  • Đọc một trong những tài liệu lịch sử cổ xưa nhất thế giới
  • Đánh giá các kim tự tháp
  • Khám phá nghệ thuật các lăng mộ Ai Cập
  • Đọc Quyển Sách của Người Chết
  • Hiểu được tại sao các tượng Ai Cập quá khổng chế

Các kim tự tháp cao như núi và ánh mắt đá của các Nhân Sư đã làm kinh sợ nhân loại trong hàng ngàn năm.  Sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus viết, “Không có xứ sở nào sở hữu quá nhiều kỳ quan, quá nhiều công trình thách thức mọi sự mô tả đến như vậy.” Các lãnh tụ La Mã như Julius Caesar và Marc Antony quá ấn tượng với văn hóa và sự giàu sang của Ai Cập đến nổi  trước tiên họ phải kết hôn với Ai Cập (dưới hình thức của Cleopatra) rồi sau đó mới cai trị nó. Sự thần bí của Ai Cập Cổ Đại vẫn còn mê hoặc con người ngày nay. Nhưng hôm nay sự quyến rũ lớn nhất của Ai Cập không phải là các kim tự tháp của Cleopatra, mà là các xác ướp, ma thuật, và nghệ thuật lăng mộ.

Các xác ướp và những nghi lễ hồi sinh đầy ma thuật được minh họa trên các vách lăng mộ và cỗ áo quan  đã gây cảm hứng cho các bùa chú phù phép, truyện ngắn, phim ảnh, tài liệu, sử gia nghệ thuật, nhà khảo cổ, và ngay cả kỹ nghệ thời trang. Các công ty phim ảnh của thế giới đã phát hành hơn 90 phim về xác ướp kể từ thuở bình minh của ngành chiếu bóng, từ một phim ngắn Pháp năm 1899 vể xác ướp của Cleopatra đến phim Xác Ướp của  Hollywood năm 1999 và bộ phim làm cho TV Lời Nguyền của Lăng Mộ Vua Tut năm 2006. Ba Anh Béo còn có mặt trong Chúng tôi Muốn Ướp Xác  năm 1939 và trong một bộ phim chính chắn hơn, Những Thằng Ngốc của Xác Ướp trong năm 1965.

Các xác ướp đã khuấy động sự tưởng tượng của con người ít nhất từ thời Trung cổ khi người ta tin rằng chúng có quyền năng chữa bệnh. Các bác sĩ thế kỷ 12 kê toa xức các vết thương và lỡ loét bằng xác các thây ma được nghiền thành bột, và cho đến khoảng năm 1500 nhiều người còn uống bột xác ướp để chữa bệnh dạ dày. Ngay cả trong thế kỷ 17, các phù thủy __ như những phù thủy được mô tả trong Macbeth của Shakepeare __ đã dùng xác ướp để giúp họ tiên đoán được tương lai.

Ai Cập Cổ Đại

Tin tức phát hiện ra lăng mộ vua Tut năm 1922 đã lên trang nhất của mọi tờ báo và khởi phát cơn mê cuồng thời trang Ai Cập. Các bà quên sự ghê tởm của mình đối với loài bọ hung mà lao vào đeo nữ trang kết bằng bọ cánh cứng và bọ hung, khoác vào mình áo choàng phara-ông với hoa văn chữ tượng hình, và mang các hộp phấn sáp có hình kim tự tháp và các nhân sư.

Napoleon khai hỏa cơn mê hoặc toàn cầu đối với Ai Cập vào năm 1798 khi ông dẫn phái đoàn nghiên cứu khoa học hùng hậu đầu tiên đến đó, trong khi chinh phạt Ai Cập và Syria. Ai Cập học từ đó đã trở thành một ngành khoa học mốt.

Vào thế kỷ thứ 3 B.C., một pháp sư Ai Cập tên Manetho đã phân loại các nhà trị vì cổ đại của Ai Cập thành 31 triều đại. (Một triều đại là thời gian cai trị liên tục bởi những thành viên trong cùng một gia đình.) Ngày nay, các sử gia còn sử dụng sự phân loại ấy, bắt đầu khoảng 3100 B.C. với sự thống nhất của Thượng và Hạ Ai Cập và kết thúc với việc Alexander Đại đế chinh phạt Ai Cập năm 332 B.C. Các triều đại thứ 4 qua triều đại thứ 20 được các sử gia hiện đại chia thành ba vương quốc__ Vương quốc Cổ, Vương quốc Giữa, và Vương quốc Mới __ mỗi vương quốc có những đặc điểm riêng phân biệt, cũng như hai thời kỳ trung gian kẹp giữa Vương quốc Giữai. Thời kỳ nằm giữa Đồ Đá Mới và triều đại đầu tiên gọi là Tiền Triều (xem Bảng 6-1).

Bảng 6-1 Các thời kỳ lịch sử của Ai Cập Cổ đại

Thời kỳ Triều đại Niên lịch
Tiền triều 0 4,500 B.C – 3,100 B.C
Triều đại Sơ khai 1 – 3 3,100 B.C. – 2613 B.C.
Vương quốc Cổ 4  – 6 2,613 B.C.  – 2,181 B.C.
Trung gian I 7 – 10 2,181 B.C. – 2,040 B.C.
Vương quốc Giữa 11 – 14 2,133 B.C. – 1,603 B.C.
Trung gian II 15 –17 1,720 B.C. – 1,567 B.C.
Vương quốc Mới 18 –  20 1,567 B.C. – 1,085 B.C.

       

Kỹ Thuật Ướp Xác

Vì người Ai cập tin rằng ka (linh hồn) thống nhất với xác thân nằm trong lăng mộ, cho nên thân xác phải được bảo quản kỹ lưỡng bằng kỹ thuật ướp xác. Thuật ướp xác gồm ba bước cơ bản sau:

Loại bỏ các cơ quan nội tạng của cơ thể, chỉ giữ những phần quan trọng trong bình.

Làm khô xác chết (vì độ ẫm sẽ hủy hoại xác).

Bọc thân thể trong những lớp băng vải lanh.

Các pháp sư ướp xác kéo các bộ phận nội tạng qua một vết cắt ở bụng, làm khô thi thể trong 70 ngày bằng natron (xô-đa và muối), và sau đó quấn băng,

Hương liệu, đồ trang sức, và cây cỏ thường được đặt vào giữa những lớp bang quấn hay y phục

Sông Nile là nguồn sống của Ai Cập Cổ đại. Không có nó, nền văn minh lâu dài nhất trong lịch sử có thể không tồn tại. Herodotus đã nói Ai Cập là “quà tặng của dòng sông.” Ông ta nói đúng. Hàng năm vào mùa hè, lũ lụt của sông Nile mang phù sa cho vùng đất hai bên bờ, nếu không có nó vùng châu thổ ấy sẽ thành sa mạc. Phần lớn các lăng mộ và thành phố Ai Cập ôm lấy dòng sông như các đứa con bấu vào lòng mẹ. Nếu bạn liều lĩnh đi quá xa dòng sông, bạn sẽ thấy mình lạc vào sa mạc như Moses đã làm.

Những người Ai Cập cổ đại tin rằng các cơn lũ ban phúc của sông Nile , thường xảy ra trong thời gian nóng và khô nhất của mùa hè, là quà tặng của thần linh vì chúng có vẻ như xuất hiện không do thời tiết sinh ra. Mưa làm nước sông dâng lên thực ra rơi cách đấy hàng trăm dặm ở Ethiopia trong phụ lưu của sông Nile gọi là sông Nile xanh __ Nhưng trước khi có kênh Dự Báo Thời Tiết, các trận lũ trên Ai Cập có vẻ xảy ra một cách thần kỳ.

Bảng màu của Narmer và sự thống nhất Ai Cập

Trong thời Tiền triều, các bộ lạc ở Ai Cập Thượng và Hạ dần dần họp thành hai quốc gia riêng biệt, được thống nhất vào bình minh của lịch sử khoảng 3100 B.C., có thể do Narmer, vị phara-ông đầu tiên của triều đại đầu tiên.

Bảng màu của Narmer là tác phẩm nghệ thuật có hai mặt. Trên một mặt, Narmer đội mũ miện trắng hình quả bowling của vùng Thượng Ai Cập (Hình 6-1); ở mặt kia, ông ta đội mũ miện đỏ, hình các rìu của vùng Hạ Ai Cập (xem Hình 6-2). Nghệ sĩ vẽ Narmer có kích thước ít nhất lớn hơn hai lần sao với những người đứng quanh để biểu lộ đẳng cấp và vị thế con trời của ông. Các phara-ông được xem như thần linh ở Cổ Ai Cập. (Một văn tự trong kim tự tháp nói, “Cuộc sống của Phara-ông là bất diệt / Giới hạn của Người là vĩnh cữu.”)

18

Hình 6-1: Bảng màu của Narmer là kể lại chiến thắng của Vua Narmer chống lại kẻ thù. Ở đây, vua phara-ông chuẩn bị đập đầu một kẻ thù đang quỳ.

Hình 6-2: Hãy xem ông đang nhìn các kẻ thù của ông bị chặt đầu và đầu được đặt giữa hai chân của tử thi nằm xếp lớp ở góc phải trên

Sau khi thống nhất các phara-ông thường đội mũ miện kép, kết hợp mũ miện trắng của vùng Thượng và đỏ của vùng Hạ. Các biểu tượng của Hạ Ai Cập là giấy papyrus, có thừa thải ở Lưu vực sông Nile, và rắn hổ mang. Còn biểu tượng của Thượng Ai Cập là bông sen và diều hâu.

Có vẽ như là suy nghĩ sai sót khi Thượng Ai Cập trên bản đồ nằm thấp hơn Hạ Ai Cập __nghĩa là, Thượng Ai Cập về địa lý nằm ở phía nam Hạ Ai Cập. Làm sao điều đó xảy ra? Không giống sông Tigris, Euphates, và Mississippi, sông Nile chảy từ nam đến bắc, đó là lộ trình chảy dốc xuống bắt nguồn từ Hồ Victoria ở Trung Phi đến Địa Trung Hải.

Được phát hiện ở Hieakonpolis, kinh đô cổ của Thượng Ai Cập, Bảng màu  Narmer có lẽ là tài liệu lịch sử cổ xưa nhất thế giới, có niên đại khoảng 3100 B.C. Nó giống những bảng màu nhỏ mà người Ai Cập dùng để nghiền màu để vẽ mắt, nhưng hình như quá lớn để sử dụng cho mục đích đó. Hình chạm nổi trên cả hai mặt của đá bùn (cao 25 inch) kể lại câu chuyện thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập trong dãy hình nằm ngang, giống như một đoạn truyện tranh khôi hài. Còn có lời chú thích chỉ dẫn (giống như bong bóng đối thoại trong truyện tranh khôi hài) bằng chữ tượng hình, ngôn ngữ bằng tranh của Cổ Ai Cập. Chúng ta không thể đọc mỗi phần của bảng màu, nhưng chúng ta có thể giải thích nhiều về nó.

Chữ tượng hình chỉ tên của Narmer__ con cá da trơn nằm trên một cái đục __ xuất hiện ở phần trên cùng của cả hai mặt. Rõ ràng Narmer, anh chàng cao to trên bảng màu, là nhân vật chính của câu chuyện. Chú ý một cặp bò nằm hai bên chữ tượng hình của Narmer phía trên cùng biểu trưng nguồn gốc thần thánh của ông ta vì Hathor là nữ thần bò thường được xem là mẹ các phara-ông.

Trên một mặt (xem Hình 6-1), phara-ông đập đầu một kẻ thù đang quỳ. Nạn nhân trông giống hai tên trần truồng nằm oằn oại trong dãy hình cuối cùng phía đáy. Hiển nhiên, họ đã bị đập chết và giờ đây làm mồi cho sâu bọ.    

Khi Moses gặp thượng đế trong Cựu Ước, điều đầu tiên Người nói là bảo ông ta cỡi giày mình ra, “Hãy cỡi giày của ngươi, vì đất người đang đứng trên đó là thiêng liêng.” Ở đây, Narmer cũng không mang giầy. Một tên thị giả đứng sau vua cầm giày cho ông. Có mối liên hệ nào không? Tại sao Narmer phải cỡi giày trước khi đập chết người? Có lẽ vì tàn sát kẻ thù bị khuất phục được xem là một nghi lễ tôn giáo vì phara-ông thần thánh luôn luôn đúng. (Con người thường tìm cách biện minh cho hành động tàn bạo của mình.) Cũng như Moses, Phara-ông đang đồng hành cùng một vị thần __ trong trường hợp này, Horus, thần ưng đang lượn trên ông.

Horus, vị thần của chiến tranh và ánh sáng, đôi khi được mô tả là người có đầu chim và có khi chỉ là chim ưng. Ở đây nó được biểu thị như một con chim ưng có một móng vuốt và một cánh tay người và cánh tay người đang rút não một kẻ thù đang bị trói vào gốc cây papyrus. (Trong tiến trình ướp xác, pháp sư rút não người qua lỗ mũi, việc mà hình như Horus đang làm với đầu kẻ thù.) Sự kiện chim ưng đang đứng trên vòm cây papyrus, biểu tượng của Hạ Ai Cập, cho thấy vai trò của Hạ Ai Cập đã bị lu mờ. Cũng thế hành động của Horus diễn ra song song với hành động của phara-ông chứng tỏ chiến công của Narmer thuận theo ý thần linh.

Còn trên mặt kia (xem Hình 6-2), Narmer, được nhận ra nhờ kích cỡ của ông ta và nhờ chữ tượng hình kế bên đầu ông, một lần nữa cũng không mang giày. Do đó chắc chắn ông ta đang thực hiện một hành vi tôn giáo khác, khi xem xét những kẻ thù bị chặt đầu nằm xếp lớp với đầu mình nằm giữa hai chân. Một pháp sư và người cầm cờ hiệu phara-ông diễu hành trước mặt ông. Chiều cao tương đối của họ cho biết vai vế của họ.

Trong dãy hình tiếp theo phía dưới, hai sư tử cái cổ rắn đối đầu nhau. Hai cổ chúng quấn nhau với một sự đối xứng hoàn hảo có thể gợi ý sự thống nhất của Thượng và Hạ Ai Cập, và cả hai nửa Ai Cập đều bình đẳng nhau. Chú ý rằng hai bộ hạ của phara-ông ngăn giữ các con sư tử, ám chỉ là hai nước Ai Cập cần một bàn tay hùng mạnh như Narmer cai trị.

Ở dãy hình dưới cùng, một con bò (có thể là thần bò Apis) ngăn cản kẻ thù của Ai Cập, trong khi dùng sừng húc đổ thành lũy. Bò thường dùng để mô tả sức mạnh của phara-ông.

Cả hai bên của bảng màu vẽ lên bức tranh mô tả sức mạnh và sự thống nhất dưới sự cai trị thần tránh của Narmer.

Phong Cách Ai Cập

Mặc dù đây là tác phẩm ra đời rất sớm, Bảng màu của Narmer (xem đoạn trước) là đại diện cho toàn nền nghệ thuật của Ai Cập sau này. Phong cách Ai Cập, một khi đã được định hình, thì ít khi thay đồi. Chú ý là một phần của phara-ông được vẽ nghiêng, trong khi phần còn lại nhìn thẳng. Trong ba ngàn năm nghệ thuật Ai Cập, các phara-ông không bao giò thay đổi tư thế (trong hình khắc và tranh vẽ). Các chân của phara-ông luôn được vẽ nghiêng với bàn chân trái phẳng đặt trước bàn chân phải. Vai và ngực được vẽ nhìn thẳng, trong khi mặt nhìn nghiêng (trừ mắt phải cũng nhìn thẳng),

Các nghệ sĩ Ai Cập là siêu bảo thủ, chắc chắn vì mục đích chính của nghệ thuật là tôn giáo, và tôn giáo Ai Cập không thay đổi nhiều __ cho đến khi dưới triều đại của Akhenaten ở Vương quốc Mới. Tất cả nghệ sĩ đều theo cùng một tiêu chuẩn tỷ lệ khi mô tả mặt người, lấy kích thước một người bằng ô lưới 18 đơn vị. Đơn vị có thể dựa trên kích thước giày hoặc bàn chân. Đầu gối, bụng, mông, khủy tay, và vai phải đo bằng một con số cố định từ chân. Đó là tại sao hoàng gia Ai Cập nhìn rất giống nhau. Phara-ông được coi là hoàn hảo và bất biến, như một vị thần; do đó tỷ lệ của ông ta bất biến trong nghệ thuật, không cần biết kích cỡ thực sự của nhà vua. Chỉ những người có chức vị thấp hơn có thể được mô tả trong những tư thế hiện thực hơn, như những người kềm giữ sư tử trong Bảng màu của Narmer, mà bạn thấy trong góc nhìn nghiêng, (trừ đôi mắt) đang trong một vị trí rất tự nhiên.

Các nghệ sĩ sử dụng cùng một tiêu chuẩn tỷ lệ để khắc tượng, nhưng hình người được mô tả mặt trước hơn là nghiêng từng phần. Cũng vậy, chân trái của tượng bước ra phía trước, đối với các ông hơn là các bà (nhiều testorene hơn, chân bước dài hơn), như trong các bức tượng của Vua Menkaura và hoàng hậu của ông từ triều đại thứ 4. Mặc dù gương mặt họ khắc khổ, hãy chú ý sự quen thuộc và tính hài hòa điêu khắc của cặp đôi. Họ trông như là được tạo ra cho nhau. Vua Menkaura và hoàng hậu, trông vĩnh hằng như kim tự tháp, đại diện cho sự vững bền của Vương quốc Cổ (xem hình dưới).            

19

Khai quật kiến trúc vương triều cổ

Các phara-ông của vương triều cổ cai trị Ai Cập như các vị thần trên mặt đất. Quyền lực và tài lực của họ chắc phải vô giới hạn căn cứ vào các Đại Kim tự tháp và các tượng Nhân sư Giza hùng vĩ, có thân là sư tử và đầu của Khafre, vị phara-ông thứ tư. Ngay cả sau bốn ngàn năm rưỡi dưới cơn bão cát, tượng nhân sư cao 65 bộ (khoảng 22 mét) còn ngạo nghễ nhìn thế giới (mặc dù cặp mắt đã xói mòn).

20

Các kim tự tháp phát triển từng giai đoạn. Bắt đầu là những mastaba nhỏ, hình như lớn lên với uy tín của các phara-ông trong triều đại 1 và 2. Một mastaba là một phiến bằng gạch bùn hình chữ nhật với cửa chính và cửa sổ. Nó bao gồm phòng tang cho thân nhân thăm viếng và một phòng được niêm phong đựng linh hồn người quá cố. Mastaba được ăn thông với ngôi mộ ngầm bằng một đường hầm dài đục trong đá (xem hình trên).

  Trong triều đại thứ 3, cầu thang bằng đá dẫn đến trời gọi là kim tự tháp bậc thang được dựng qua các mastaba để bảo đảm sự trường tồn của chúng và tạo cho lăng mộ một dáng đường bệ. Cái lớn nhất là Kim tự tháp bậc thang của Vua Djoser (2667 B.C. – 2648 B.C.), vị vua thứ hai của triều đại thứ ba (xem hình dưới).

21

Trước  2690 B.C., người Ai Cập dùng chủ yếu là đá bùn, gỗ, và sậy để xây dựng các mastaba và đền thờ. Công trình hoàn toàn bằng đá đầu tiên là Kim tự tháp bậc thang của Vua Djoser, được xây dựng trong necropolis (thành phố người chết) ở Saqqara, ngay phía nam Cairo ngày nay.

Dựng một kiến trúc toàn đá đầu tiên đòi hỏi một bộ óc cách tân, phải có người nào đó có tầm nhìn vượt lên truyền thống và ra khỏi khuôn khổ __ trong trường hợp này là ra khỏi cái mastaba bằng gạch bùn. Imhotep, mà tên được khắc vào đáy một tượng trong lăng mộ Djoser, là một người như thế. Ông là nghệ sĩ và kiến trúc sư đầu tiên được biết đến trong lịch sử và được mệnh danh là “Đại Pháp Quan của Vua vùng Hạ Ai Cập, người chỉ đứng sau Vua vùng Thượng Ai Cập, Tổng quản lý Cung điện, Chúa tể cha truyền con nối, Đại Pháp sư của Heliopolis, Imhotep, người kiến tạo, điêu khắc, chạm gỗ”. Ông cũng là một thầy thuốc và phù thủy nổi tiếng. (Thuốc và ma thuật vào thời đó cũng là một.) Về sau,Imhotep được xem là thần dược và thần y và được lập đền thờ trong đất Ai Cập và Nubia. (Boris Karloff  đóng vai Imhotep trong bộ phim Xác Ướp năm 1932. Arnold Vosloo đóng vai ông trong bộ phim Xác Ướp năm 1999 và Xác Ướp Trở Lại năm 2001.)

Kim tự tháp bậc thang của Imhotep giống như một ziggurat của Mesopotamia (xem Chương 5). Nó như là một bệ phóng tâm linh, được thiết kế để đưa linh hồn của phara-ông lên trời, từng bước một.

       Trong triều đại thứ 4, Kim tự tháp bậc thang tiến hóa thành kim tự tháp bốn cạnh quen thuộc như các Đại Kim Tự Tháp ở Giza. Tháp xưa và lớn nhất trong số các Đại Kim Tự Tháp, được hoàn thành khoảng 2560 B.C., được Khufu, trị vì Ai Cập giữa những năm 2589 B.C. và 2566 B.C., xây dựng lên. Kim tự tháp Khufu mất gần 20 năm mới dựng xong, cao 450 bộ (khoảng 150 mét), nằm trên một nền rộng 13 mẫu vuông. Ban đầu kim tự tháp cao 481 bộ, nhưng lớp mặt bằng đá vôi mài bóng dày 30 bộ ở trên đỉnh đã bị sụp. Mặt bên kim tự tháp là những tam giác đều đối diện bốn hướng bắc, nam, đông, và tây. Chúng chỉ phạm sai số một phần mười độ so với vị trí trên la bàn.

Kim tự tháp là một phần của một phức hợp lăng mộ rộng lớn bao gồm hai điện thờ, ba kim tự tháp nhỏ hơn cho các bà vợ của Khufu, một kim tự tháp khác nhỏ cho mẹ của Khufu, một đường đắp cao, và những mastaba cho các hoàng gia có liên hệ với phara-ông (xem hình dưới) .

Hình dạng Kim tự tháp bắt chước tia nắng mặt trời chiếu qua một lỗ nhỏ trong mây. Vì các người Ai Cập tin rằng một phara-ông quá cố đi đến tầng trời trên các tia sáng của thần mặt trời, kim tự tháp hoàn hảo có thể đã được thiết kế để chuyến đi lên trời của các phara-ông được dễ dàng hơn so với Kim tự tháp bậc thang. 

22

23

Đá Rosetta

Đá Rosetta

Vào năm 1799, một sĩ quan của Napoleon, Đại úy Pierre-Francois Bouchard, phát hiện Tảng đá Rosetta, có niên đại 196 B.C. , trong thành phố cảng Rosetta(ngày nay là Rashid). Một đạo luật quan trọng được khắc trên đá bằng hai thứ tiếng __ Ai cập và Hy lạp __ để mọi người có thể hiểu được nó, tương tự như các bảng chỉ đường  ở Canada được viết đồng thời bằng tiếng Pháp và Anh.

Chữ Ai cập lại được diễn tả bằng hai ký tự. Một là chữ tượng hình, một thứ chữ thiêng liêng mà các pháp sư Ai cập sử dụng, được khắc ở trên cùng. Chữ kia, chữ viết của người bình dân, có từ thế kỷ thứ 8 B.C, được khắc tiếp theo. Cuối cùng là tiếng Hy lạp, ngôn ngữ của người nước ngoài đang điều hành xứ sở.   

Chìa khóa là tìm nền tảng chung giữa ba chữ viết. Khoảng 20 năm sau khi tảng đá Rosetta được phát hiện, Thomas Young, một người Anh có sở thích là nghiên cứu tiếng Ai cập Cổ, cặp đôi các từ tượng hình phía trên và từ tương đương Hy lạp ở bên dưới. Vào năm 1822, Jean-Francois Champollion, một nhà Ai cập học người Pháp và là sáng lập ngành Ai cập học khoa học, tiếp tục công việc của Young, cặp đôi các ký hiệu tượng hình của các tên với thanh ăm trong ngôn ngữ  cổ liên hệ mà Champollion nói, gọi là tiếng Coptic. (Coptic là một loại ngôn ngữ  nửa Hy lạp và nửa  Ai cập). Sau đó Champollion tìm ra toàn bộ bảng chữ cái. Và phần còn lại là lịch sử nghệ thuật.

Kim tự tháp lớn thứ hai là kim tự tháp Khafre, cao 446 bộ. Nền rộng 11 mẫu với tượng Nhân sư sừng sững và một phức hợp đền thờ tương tương tự như Khufu. Kim tự tháp Menkaure, kim tự tháp thứ ba trong Đại Kim Tự Tháp, nhỏ hơn nhiều so với hai cái trước, chỉ cao 203 bộ.

 Mặc dù các phara-ông tiếp tục xây dựng các kim tự tháp cho đến Vương triều Mới, thời kỳ huy hoàng của công trình xây dựng tháp kết thúc với Vương triều cổ. Các kim tự tháp ở Vương triều Giữa nhỏ hơn nhiều.

Các phara-ông tiêu phí quá nhiều thì giờ chuẩn bị cho cái chết của mình. Một phara-ông vừa mới lên ngôi là đã lo chuẩn bị xây lăng mộ cho mình vì lăng mộ được coi là ngôi nhà vĩnh cữu của ông. (Ai biết giờ nào phải dời nhà?) Ông ta chất vào lăng mộ đồ dùng mình sẽ dùng ở thế giới bên kia, gồm y phục, đồ vệ sinh, trang sức, giường ngủ, ghế bàn, quạt, vũ khí, và thậm chí xe ngựa. Vua Tut đem theo bốn xe ngựa bằng vàng! Sau khi chết, công việc điều hành nặng nề của lăng mộ được giao cho toàn thành phố.

Trong thời Vương triều Giữa và Mới, các người Ai Cập tầng lớp trung lưu giàu có cũng xây cho mình những lăng mộ hoành tráng.  Sau khi họ chết, một thành viên trong gia đình quản lý lăng mộ và nuôi ăn người chết với thực đơn cho xác ướp, gồm bánh mì, trái cây, thịt, rượu, và bia. Để bảo đảm, những bức tranh vẽ thực phẩm treo trên tường phòng hờ con cháu ngừng cung cấp thức ăn. Khi đó, linh hồn người quá cố chỉ cần thốt lên một câu bùa chú là lập tức thức ăn từ bức tranh sẽ nhảy ngay lên bàn.

Lăng mộ không những chứa xác ướp mà còn linh hồn người quá cố, được đại diện bằng một bức tượng giữ trong một nơi được niêm phong trong mastaba. Tượng linh hồn coi như bản sao lưu phòng trường hợp xác ướp phân hủy hay bị lấy trộm. Bức tượng phải trông giống người chết thì ma thuật mới phát huy tác dụng. Những từ ‘điêu khắc từ người thật’ được khắc trên nhiều bức tượng linh hồn.

 So sánh đặc điểm gương mặt hiện thực của các tượng linh hồn có kích cỡ như người thật của Hoàng tử Rahotep (con của Vua Sneferu, người sáng lập triều đại thứ 4) và bà vợ ông ta trong Hình 6-3 với gương mặt như khuôn của Vua Menkaura và hoàng hậu ở trang 74. Tính hiện thực này không có chủ ý gây ấn tượng cho ai. Bởi vì khi phara-ông băng hà, tượng liền được niêm phong cùng với xác ướp ông ta. Không ai được nhìn thấy tượng nữa.

24

Hình 6-3: Tượng linh hồn, như tượng của Hoàng tử Rahotep và vợ ông, phải giống thật thì ma thuật mới tác động được.

Người Ai Cập cũng giữ lại và ướp các bộ phận nội tạng mà người chết cần trong thế giới bên kia như dạ dày để tiêu hóa món ngon trong thực đơn dành cho xác ướp. Nội tạng được cất giữ trong bốn bình kín, thường trên nắp có đầu của bốn con trai thần Horus  (xem hình dưới)

25

Thời Kỳ Vương quốc Giữa và Phong Cách Hiện Thực

Vào năm 2258 B.C., Ai Cập phân hóa thành một nhóm những bang chống đối nhau. Trong thời kỳ này, người Ai Cập điều chỉnh quan điểm của mình về thế giới bên kia. Lúc này các ông hoàng tầm thường và bọn nhà giàu tài trợ họ cũng có thể làm lăng mộ để bảo đảm cho mình một nơi giữa các vì sao. Thay vì dựng các kim tự tháp quá mắc mỏ, các nhà giàu Ai Cập điêu khắc lăng mộ mình vào vách đá. Sau đó các phara-ông cũng bắt đầu bắt chước họ.

Thương mại phát triển trong Vương quốc Giữa, nhất là trong triều đại thứ 12, tạo ra một tầng lớp trung lưu muốn đòi hỏi quyền lợi, kể cả quyền được nhận vào thế giới bên kia. Nhu cầu tranh lăng mộ  tăng lên một cách đáng kể.  Với khuynh hướng phóng khoáng này, quy luật dành cho nghệ sĩ  cũng đôi chút cởi mỡ. Tính tự nhiên được cho phép nhiều hơn .

26

Tượng bán thân của Senusret III, một phara-ông của triều đại thứ 12, cho thấy tính hiện thực mới được áp dụng cho mọi chức vị. Đôi mắt hơi nhìn xuống, trông nặng nề và khóe miệng nhạy cảm cho thấy hình như  ông ta cảm nhận được gánh nặng của công việc trị vì. Senusret được mô tả như một con người hơn là một vị thần.   

Nghệ Thuật Vương quốc  Mới

Vương triều Giữa kết thúc khi người Hyksos, một dân tộc châu Á, chinh phạt hầu hết Hạ Ai Cập vào năm 1720 B.C. Những ngành nghệ thuật suy thoái trong thời kỳ trung gian này, cho dù người  Hyksos trân trọng truyền thống Ai Cập. Cuộc suy thoái kết thúc vào năm 1567 khi Ahmose I, người sáng lập triều đại thứ 18, thống nhất Ai Cập, mở ra Vương triều Mới. Ai Cập lúc này mở rộng đến Nubia và Lybia, trở thành một đế quốc. Sự mở rộng lãnh thổ này mang ảnh hưởng của nghệ thuật Ai Cập vượt khỏi biên giới của mình và cũng mang ảnh hưởng của ngoại bang vào Ai Cập.

Các phara-ông ngừng xây dựng kim tự tháp và bắt đầu được chôn cất trong Thung lũng các Vị Vua trong những lăng mộ được đục đẽo trong đá trên Bờ Tây sông Nile gần Thebes (Luxor ngày nay). Khuynh hướng thiên về chủ nghĩa tự nhiên tiếp tục trong Vương triều Mới, nhất là trong thời gian Hatshepsut và Ahkenaten trị vì.

Hatshepsut là phara-ông nữ của triều đại 18 trị vì từ 1473 B.C. đến 1458 B.C. Bà là hoàng hậu của anh trai cùng cha khác mẹ Thutmose II trước khi trở thành nhiếp chính cho người con chồng Thutmose III rồi cuối cùng là phara-ông sau khi chồng băng hà. Trong thời gian trị vì 21 năm của mình, Hatshepsut vun trồng hòa bình thay vì chiến tranh, cho thực hiện những dư án xây dựng lớn, và trùng tu những đài kỷ niệm do người Hyksos tàn phá. Bà hoàn tất lăng mộ cho cha mình (Thutmose I) và chồng (Thutmose II), và cho chính mình một lăng tẩm còn hoành tráng hơn ở Deirel-Bahri. Lăng tẩm của bà là một phức hợp gồm 3 hàng và hai đường đắp dài thoai thoải (một đường trước kia có hàng nhân sư đi dọc theo), có lẽ dành cho linh hồn bà đi lên trời sau khi qua đời. Ở cuối hàng cột thứ hai, bà xây đền thờ cho Anubis, thần của cõi âm, và Hathor. Phía sau hàng cột trên là đền thờ cho chính bà và vua cha cũng như cho các thần linh chính như Amun, vua các thần, và Re, thần mặt trời. Hai vị thần này sau đó hợp nhất thành một vị thần duy nhất, Amun-Re hay Amun-Ra (xem hình dưới).

27

Hatshepsut cho điêu khắc các tượng nhân sư đầu của mình trông như nam giới, hiện nay ở Bảo Tàng Metropolitan of Art ở Newyork. Theo như nhiều thống kê, Ai Cập chỉ có bốn nữ hoàng trong suốt 3,000 năm lịch sử của mình, có lẽ vì thế Hatshepsut cần hình ảnh của nam giới chỉ để sống còn trong một thế giới mà đàn ông thống trị. Bà được an táng tại Thung Lũng các Vì Vua (xem hình).

28

Akhenaten và giá trị gia đình của Ai Cập

Phara-ông của triều đại thứ 18 là Amenhotep IV (1352 B.C. – 1355 B.C.) phát động một tôn giáo độc thần mới ở Ai Cập, thờ thần mặt trời Aten (một biến thể của thần mặt trời Re).

Amenhotep IV đóng cửa đền thờ các thần khác, nhất là Amun, vì các pháp sư này rất uy lực, ra sức ngăn cản tôn giáo mới bén rễ. Phara-ông đổi tên từ Amenhotep, có nghĩa là “Amun toại nguyện,” sang Akhenaten, có nghĩa “Việc này làm vừa lòng Aten.” Sau đó ông dời kinh đô từ Thebes, nơi sùng bái Amun nhất, đến một địa điểm mới đặt tên là Akhetaten. (Tên hiện nay là Amarna.) Các nghệ sĩ và kiến trúc sư mà Akhenaten thuê để vinh danh tôn giáo mới của mình đã sinh ra một phong cách nghệ thuật mới, được các sử gia nghệ thuật gọi là phong cách Amarna.

Akhenaten ra lệnh cho các đền thờ lộ thiên được xây dựng để chào mừng ánh sáng và tình yêu của thần mặt trời trong một khung cảnh mở, tự nhiên hơn. Tính lương thiện có tầm quan trọng trung tâm trong tôn giáo mới, vì thế các nghệ sĩ phải mô tả con người, kể cả phara-ông, chân thật hơn __ nói cách khác, trong những tình huống thường nhật, không chừa khuyết điểm. Tượng Akhenaten

29

30

Hình 6-4: Hình gia đình Akhenaten

Một trong những ví dụ tốt nhất của phong cách Amarna là chân dung gia đình của Akhenaten, hòang hậu Nefertiti, và ba người con gái của họ (xem Hình 6-4). Công chúa trẻ nhất, chỉ là một đứa bé, táy máy bông tai của mẹ. Akhetanen xoa mái tóc của công chúa trong tay ông trong khi bé chỉ về phía biểu tượng cuộc sống ở đầu tia nắng mặt trời. Cô công chúa khác nắm tay Nefertiti và chỉ về phía cha mình, tạo bố cục liên kết gia đình. Sự trìu mến giữa cha mẹ và con cái là điều mới mẻ trong nghệ thuật Ai Cập. Trong trường hợp này, sự tin tưởng vào một vị thần hình như đã cổ vũ tính nhân bản nhiều hơn. 

Dĩa mặt trời (tượng trưng thần Aten) trong bức điêu khắc trên chiếu các tia sáng như nhau đến vua và hoàng hậu, ý muốn nói họ đồng cai trị một vương quốc cân bằng chỉ thờ một thần.

Đây là kiểu khắc chìm. Nghệ sĩ đục ảnh vào đá thay vì đục nền ra để ảnh nổi lên, như trong kỹ thuật chạm nổi.

31

Tượng bán thân của hoàng hậu Nefertiti của Akhetanen là tượng bán thân nữ nổi tiếng nhất trong nghệ thuật Ai Cập. Nữ trang tuyệt đẹp của bà (điển hình cho thời kỳ Armarna, trong đó nghệ thuật kim hoàn phát triển) hài hòa với kiểu màu sắc trên nón. Hoàng hậu là kết tinh của nét duyên dáng và xinh đẹp. Đôi vai tròn và cái cổ hơi đưa ra trước làm nổi bật vẻ hoàn hảo và tính nhân văn của bà. Tên bà có nghĩa là “vẻ đẹp đã đến”.

Cướp bóc kho tàng trong lăng mộ Vua Tut

Thể nghiệm độc thần của Akhetanen kết thúc sau khi ông mất. Khi phara-ông 9 tuổi mới Tutankhaten (có nghĩa “hình ảnh sống của Aten”) lên ngôi, tể tướng của ông Ay, một pháp sư thờ thần Amun, cưỡng bách ông phải đổi tên thành Tutankhamun, có nghĩa “hình ảnh sống của Amun.” Tôn giáo cũ đã trở lại sân khấu. Tutankhamun dời kinh đô trở về Thebes và ra lệnh phá hủy nhiều đền thờ lộ thiên của Akhenaten.

32

Khuôn nắn từ mặt Tutankamun ngay khi ông mất được chỉnh trang chỉ chín năm sau cho thấy tính hình thức và vẻ cứng nhắc của truyền thống xưa đã trở lại sau cái chết của Akhenaten (xem hình trên).

Tutankhamun là vị phara-ông duy nhất có tên riêng. Ông quen được gọi với tên Vua Tut kể từ khi Howard Carter phát hiện ra lăng mộ còn nguyên vẹn của ông vào năm 1922. Lăng ông là lăng duy nhất không bị bọn đào lăng cướp phá qua nhiều thể kỷ. Dù chỉ là lăng mộ loại nhỏ, nó tiết lộ đầy đủ sự giàu có và lộng lẫy của Ai Cập, bao gồm một ngai vàng đúng nghĩa, bốn xe ngựa bằng vàng , đồ nữ trang quý giá, một quan tài bằng vàng nguyên chất, nhiều tượng vàng và và gỗ mun, và vân vân. Có tất cả 5398 mẫu vật được chôn theo ông và Howard Carter mất 10 năm mới phân loại chi tiết hết được (xem hình dưới). Bạn có thể hiểu được tại sao ăn trộm mộ là một ngành làm ăn phát đạt ở Ai Cập Cổ đại!

33

Ngưỡng mộ người phụ nữ quá cố đẹp nhất thế giới

Lăng mộ không chỉ được bao phủ bằng bùa chú viết bằng chữ tượng hình. Chúng cũng được vẽ một cách tinh vi, mô tả cuộc sống hàng ngày cho người chết nhìn ngắm khi không còn tham dự được nữa. Hình ảnh ta bắt gặp thông thường nhất là vẽ các vị thần bảo vệ cho người quá cố. Lăng mộ còn giữ được kỹ lưỡng nhất là lăng mộ của Nefertari, vợ sủng ái của Ramses II (ông ta có nửa tá bà vợ, cũng như vô số tỳ thiếp) trong Thung Lũng các Vì Vua. Với màu sắc sống động, vị thần hộ tống Nefertari đáng yêu trên đường  đi đến thế giới bên kia. Lăng mộ cũng kể lại huyền thoại sáng thế và những chuyện kể về sự phục sinh (xem hình)

34

Bậc thang dẫn xuống phòng tống táng

35

Chân dung xinh đẹp của hoàng hậu trong lăng mộ

Nô lệ của xác ướp

Các phara-ông được an táng theo với các nô lệ xác ướp, gọi là ushabtis, đơn giản chỉ là những bức tượng. Nhiệm vụ của họ là thi hành những công việc lặt vặt như nấu bia hoặc nướng bánh mì để các phara-ông có thể có một cuộc sống thoải mái trong thế giới bên kia. Các ushabtis cũng có một lời thoại: “Nếu người quá cố được triệu tập để cáng đáng việc lao động cưỡng bách, ‘Thì tôi đây, tôi sẽ làm việc đó!’”

Đội quân xác ướp cũng tháp tùng các phara-ông Vương triều Mới trong trường hợp họ chạm trán với kẻ địch trong thế giới bên kia. Những đội quân xác ướp này chắc chắn là nguồn cảm hứng cho các quân sĩ chỉ còn bộ xương trong các phim gần đây về xác ướp như Xác ướpXác Ướp Trở Lại.

Giải mã Quyển sách của Người chết

Trong Vương triều Cổ, các văn bản trong kim tự tháp __ bao gồm bùa chú tái sinh, ngải yếm, mật khẩu, và kinh cầu __ được khắc trên các bức tường trong tháp. Chúng dùng để làm các phara-ông sống lại. Trong Vương triều Mới, các bùa chú tương tự được in trên các cuộn giấy cói gọi là Quyển Sách của Người Chết, mà ngày nay còn lưu truyền. Bây giờ bất cứ ai đọc được nó cũng có thể sống lại.

Nhưng việc phục sinh trong Vương triều Mới cũng gặp khó khăn, cản trở. Sách thì không rẽ, và bạn phải là người tốt mới có thể sống lại. Mặc dù quyển sách của người chết được cập nhật cho mỗi người sở hữu nó , chúng đều bao gồm một cuộc kiểm tra lòng tốt của người quá cố gọi là trò cân trái tim (xem Sách của Người Chết của Hu-Nefer trong Hình 6.5 __ Hu-Nefer là một người chưa rõ gốc gác sống vào triều đại thứ 18).     

36

Hình 6-5: Hình ảnh trong Sách của Người Chết, mô tả nghi lễ cân trái tim, phiên bản Ai Cập của Ngày Phán Xét Cuối Cùng trong đạo Cơ đốc

Anubis, thần đầu sói của cõi âm, dẫn linh hồn của Hu-Nefer đến bàn cân phán xét. Trong tay trái, thần cầm chữ thập khóa, biểu tượng của sự sống. Diễn tiến xem ra đầy hy vọng cho Hu-Nefer. Tại bàn cân, Anubis lại có mặt, lần này thần cân trái tim, đựng trong bình đặt trên dĩa cân bên trái. Dĩa cân bên phải là chiếc lông chim (biểu tượng của Maat, nữ thần chân lý). Trái tim của người chết phải rất nhẹ (người càng tốt thì trái tim càng nhẹ) nhẹ hơn lông chim, để không làm lệch cán cân! Viên thư lại tòa án cõi âm, Thoth đầu cò quăm, ghi chép kết quả trong khi một quái vật tên là Ammit chực sẵn thèm thuồng. Nếu trái tim nặng hơn lông chim, Ammit sẽ được ăn thịt người quá cố. Nhưng trong trường hợp này, Ammit đành phải nhịn thèm. Hu-Nefer di chuyển đến giai đoạn tiếp theo.

Thần Horus đầu ó lại dẫn linh hồn Hu-Nefer đến đền thờ thần Osiris để đối mặt với bài kiểm tra thứ hai. Để được nhận vào cõi trời, Hu-Nefer phải đọc lại những lời cầu nguyện bí mật cho Osiris mà y ghi nhớ khi còn sống __ hoặc y có thể đã khắc lời cầu nguyện trên nắp quan tài nếu y không muốn học thuộc lòng. Bên trong đền thờ Osiris, Hu-Nefer gặp bốn đứa con trai tí hon của Horus đang đứng trên một đóa sen đang nở, một biểu tượng của sự tái sinh. (Nhớ: Đây là bốn gả mà đầu của họ được gắn lên nắp bình đựng nội tạng của người quá cố.) Maat, nữ thần của chân lý, vươn lên cao, khẳng định trái tim của Hu-Nefer nhẹ đúng yêu cầu. Phía sau Osiris là bà vợ ông ta, Isis, nữ thần của đời sống, và đứa em dâu Nephthys, nữ thần phân rã.

Điêu khắc quá kỳ vĩ để có thể quên được

Rameses II, trị vì Ai Cập trong 67 năm và được cho là có đến 100 người con, sở hữu một cá tính một phara-ông có tầm cỡ. Vị phara-ông triều đại 19 này (1304 B.C. – 1237B.C.) muốn được hậu thế nhớ đến. Ông đã cho dựng lên nhiều đài tưởng niệm kỳ vĩ cho chính mình trên khắp Ai Cập, nhất là ở Abu Simbel, Karnak, và Luxor, khu điền thờ gần Thebes. Bốn bức tượng cao 65 bộ (khoảng 22 mét) của Ramses đứng canh giữ lối vào đền thờ to lớn ở Abu Simbel ở đó ông được sùng bái như một vị thần. Những pho tượng nhỏ hơn của những thành viên trong gia đình và nữ hoàng chính, Nefertari, lên cao không đến đầu gối ông ta.

Ramses II cũng dùng nghệ thuật cho mục đích tuyên truyền chính trị. Ông sống sót trong đường  tơ kẻ tóc trong Trận Kadesh với người Hittites, vậy mà ông ca ngợi đó là một chiến thắng vang dội trên đài tưởng niệm chiến thắng.

Mặc dù là đền tưởng niệm, các đền thờ của Ramses không phải lúc nào cũng là công trình nghệ thuật tuyệt tác. Việc thi công hình như vấp váp khi so sánh với những đền thờ thời trước. Có thể Ramses đang vội và thúc ép các nghệ sĩ tổ chức lại công trình, bỏ qua các chi tiết, để họ có thể chuyển đến các dự án tiếp theo __ một đài tưởng niệm khác của ông ta.          

37

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s