Lạc Vũ Thái Bình
Nhiều người cảm thấy khá khó hiểu khi một nước Israel đơn độc lại dám đương đầu với gần như cả thế giới Arab thù địch, nó có cái gì đó phi lý, chẳng phải dân Do Thái lâu nay chỉ được biết đến như những học giả lừng lẫy và những thương gia lọc lõi đó sao? Nhưng nếu họ biết đến những chiến công lừng lẫy trong quá khứ của người Do Thái thì câu chuyện đối đầu giữa họ và các quốc gia thù địch láng giềng ngày nay quả không có gì là quá khó hiểu. Hơn 3000 năm trước đây, người anh hùng dân tộc Do Thái là vua David đã đơn đả độc đấu với vị tướng khổng lồ Goliath người Philistines, tiếp đó người Do Thái đối đầu với hai đế quốc Lưỡng Hà là Assyria và Babilon, và cách đây gần 2000, người Do Thái đã dám đứng lên thách thức quyền lực tối thượng của đế quốc Rome ngay lúc nó đang ở đỉnh cao sức mạnh. David đã chiến thắng, Do Thái bị Assyria và Babilon lưu đày nhưng sau vài chục năm đã được trở về, còn cuộc chiến với bạo chúa thống trị Địa Trung Hải suýt chút nữa đã xóa tên dân tộc Do Thái ra khỏi dòng lịch sử thế giới. Tám năm khói lửa chiến chinh đó, 66-73, đã được viết bằng bội phản, kiêu dũng, bi hùng và máu, rất nhiều máu…
CUỘC CHIẾN DO THÁI
Năm 64, đền thờ Jerusalem do Herod đại đế khởi công đã xây xong, vô tình đẩy 20,000 người thợ Do Thái vào cảnh thất nghiệp, làm xấu thêm tình hình xã hội vốn đã không yên ổn. Cuộc Nổi loạn lớn của người Do Thái bắt đầu vào năm 66, bắt nguồn từ những căng thẳng về tôn giáo và sắc tộc giữa người Do Thái và Rome. Cuộc khủng hoảng leo thang do các cuộc biểu tình chống thuế và các cuộc tấn công vào công dân La Mã. Thống đốc La Mã, Gessius Florus đáp trả bằng cách cướp bóc Đền thờ Do Thái, tuyên bố số tiền thuế đền thờ là tài sản của Hoàng đế Rome, và ngày hôm sau phát động một cuộc đột kích vào thành phố, bắt giữ nhiều nhân vật Do Thái cao cấp. Điều này đã thúc đẩy một cuộc nổi loạn rộng lớn hơn.
Thái thú xứ Syria là Cestius Gallus ra quân và bị người Do Thái đánh bại tại trận đánh ở Beth-Horon buộc phải lui binh khỏi thành Jerusalem. Để đàn áp cuộc bạo loạn, hoàng đế Nero cử tướng Vespasianus làm Tổng chỉ huy, kéo cả hai quân đoàn V và X ở Syria đến vùng Do Thái. Sau đó con Vespasianus là Titus dẫn quân đoàn XV tại Ptolemais ở Ai Cập lên hội sư với thân phụ. Với tổng quân số lên đến 6 vạn chiến binh tinh nhuệ, hào khí của Quân đội Rome dâng cao ngút trời. Quân La Mã quyết tâm tiến về thành Jerusalem, nhưng trước đó, họ phải khuất phục được cứ điểm hùng mạnh Jotapata của người Do Thái dưới sự chỉ huy của Josephus tại Galilee.
KẺ PHẢN BỘI JOSEPHUS FLAVIUS
Josephus sinh vào khoảng năm 37 trong một gia tộc tư tế tại Palestin. Lúc còn là thanh niên, Josephus tuyên bố là đã nghiên cứu cả ba giáo phái lớn của Do Thái là Pharisees, Sadducees và Essenes. Trong cuộc hành trình tới Rome năm 64, Josephus đã có những cuộc tiếp xúc quan trọng tại đó với những người Rome có cảm tình với đạo Do Thái như hoàng hậu Poppaea và trở thành một người gần như bị thuyết phục bởi sức mạnh của Rome.
Cuộc công thành Jotapata diễn ra ác liệt, quân Do Thái chống cự kiên cường, đến độ làm chủ tướng Vespasianus bị thương ở đùi. Sau 47 ngày quân Rome đại thắng tràn vào thành, người ta ước tính có khoảng 4 vạn quân Do Thái tử vong, còn số quân kháng chiến Do Thái còn lại thì tự sát. Josephus ra hàng Vespasianus, bị quân La Mã bắt làm tù binh và đã cung cấp cho người Rome những tin tức quan trọng về các cuộc nổi dậy đang diễn ra. Cho tới năm 68, những chiến binh dũng mãnh của Rome đã chiếm được toàn bộ Judea và bờ biển phía Bắc của tỉnh này. Trong khi đó những người Do Thái lại vướng vào những xung đột trong nội bộ của mình, sự chia tách của họ trong thành phố giữa hai phe, phe Sicarii do Simon Bar Giora, và Zealot do John của Gischala lãnh đạo.
Kết thúc cuộc nội chiến trong năm 69, Năm bốn hoàng đế, Vespasianus đã chính thức được tuyên bố là Hoàng đế Rome bởi viện nguyên lão ngày 21 tháng 12. Sau đó, hoàng đế Vespasianus đã trả tự do cho Josephus, theo lời kể của sử gia Sueto, là do Josephus đã tiên báo chính xác là Vespasianus sẽ trở thành hoàng đế. Vespasianus là hoàng đế đầu tiên của nhà Flavius, và từ năm 69 trở đi, Josephus là tân khách của hoàng gia, ông lấy thêm tên Flavius vào tên Josephus của mình.
ĐÔ THÀNH KIÊU DŨNG
Titus được phụ vương giao cho trọng trách khuất phục cuộc nổi loạn của người Do Thái, ông bắt đầu các cuộc tấn công vào Jerusalem. Quân đội Rome đã được bổ sung thêm quân đoàn 12 mà trước đây bị đánh bại dưới quyền Cestius Gallus. Titus bao vây thành phố, với ba quân đoàn V, XII và XV về phía tây và quân đoàn X ở trên núi Olives về phía đông. Ông đã gây áp lực về nguồn cung cấp thực phẩm và nước của người dân bằng cách cho phép khách hành hương vào thành phố để chào mừng lễ Vượt qua, và sau đó từ chối cho họ đi ra. Vòng vây của ba quân đoàn xiết chặt hoàn toàn thành phố. Để chế tạo các dụng cụ công thành hạng nặng, quân La Mã gần như chặt trụi cây cối trong bán kính 15km xung quanh Jerusalem.
Sau khi nỗ lực của Josephus Flavius, kẻ phản bội dân tộc, để thương lượng một sự đầu hàng đã thất bại, người Rome quyết tâm triệt hạ thành Jerrusalem. Họ tấn công những bức tường thứ nhất và thứ hai của thành phố. Để nhiếp phục tinh thần của quân tử thủ, Titus đã ra lệnh đóng đinh thập giá những người Do thái bị bắt sống khi cố trốn thoát khỏi vòng vây lên trên các bức tường của thành phố.
Tháng 7 năm 70, thành Jerusalem hoàn toàn thất thủ. Theo Josephus Flavius, 97000 người Do Thái bị bắt làm nô lệ, và khoảng hơn 1 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc bao vây Jerusalem, trong đó phần lớn là người Do Thái. Tương tự như khi Alexander chiếm được Persepolis, ban đầu vị chủ tướng Titus không có ý định thiêu hủy đô thành đối phương, nhưng ngọn lửa vẫn bùng lên từ hàng ngũ binh lính say men chiến thắng, khiến Đền thờ và thành Jerusalem chỉ còn là một đống tro tàn. Titus truyền phá hủy những thứ còn sót lại, chỉ để lại một đoạn bức tường thành mặt tây để hậu thế hình dung được sự to lớn của thành phố đã bị ông khuất phục.
Tuy đô thành đã bị bình địa, nhưng với người Do Thái, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Chiến đấu vì niềm tin của cha ông, niềm tin vào ‘Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob’, họ quyết chiến đấu đến cùng, và đã để lại một hồi kết bi hùng cho cuộc chiến Do Thái tại pháo đài Masada.
MASADA BI HÙNG
Masada là một pháo đài của người Do Thái nằm về phía tây nam của Biển Chết. Pháo đài này phần lớn là do vua Herod Đại đế xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 40 TCN đến 30 TCN trên một pháo đài nhỏ hơn đã có trước đó.
Nằm trên một vùng đất cao có vách đá thẳng đứng, pháo đài chỉ có ba con đường mòn để đi lên. Về phía đông pháo đài nằm ở độ cao 400 mét so với Biển Chết, về phía tây dốc có độ cao là 100 mét. Chỉ nhờ vào vị trí và tầm nhìn bao quát, mảnh đất rộng 300 m × 600 m có hình thoi này đã có thể được phòng thủ rất tốt. Vua Herod cho xây dựng hòn núi này thành một pháo đài: bao bọc lấy vùng đất cao này là một đường hầm công sự chắc chắn với đến gần 40 tháp. Bên trong bức tường thành là nhiều công trình xây dựng như nhà kho, chuồng ngựa, nhà ở và lâu đài, trong đó có Cung điện Bắc có nhiều bậc được xây bằng cách khoét vào vách núi. Ngoài ra, để có thể phòng thủ được lâu dài trong trường hợp bị vây hãm, trong pháo đài có nhiều kho dự trữ lương thực và 12 bể nước có thể chứa hằng chục ngàn mét khối nước mưa.
Câu chuyện vây hãm pháo đài Masada cũng như nhiều chuyện khác trong cuộc chiến này được chính Josephus Flavius thuật lại trong tác phẩm ‘Cuộc chiến Do Thái’. Theo đó, trong thời gian từ năm 70 đến 73, sau khi đền thờ tại Jerusalem bị phá hủy, tại Masada, 973 người của phong trào Zelot, nghĩa là Nhiệt Thành, đã chống cự lại lực lượng hùng mạnh 15.000 lính Rome dưới sự chỉ huy của Flavius Silva. Để tiếp tế cho quân đội bao vây, mỗi ngày người La Mã phải dùng gần 500 con lừa để chở nước từ ốc đảo gần đó nhất là Ein Gedi, cách Masada 30 km.
Đầu tiên, tướng Flavius Silva cho xây một bức tường dài hơn 4 km bao bọc chung quanh ngọn núi để chia cắt những người bị vây hãm với bên ngoài và cho dựng tổng cộng đến 8 doanh trại quân sự mà ngày nay di tích vẫn còn trông thấy được. Tiếp theo đó, quân Rome đắp một bệ đất cao đến tận tường thành về phía tây của pháo đài, là nơi thấp hơn. Qua bệ đất này họ đưa ‘tháp công thành’ đến gần pháo đài. Tháp công thành đầu tiên đã bị quân thủ thành dùng hỏa công đốt trụi, nhưng khi quân Rome bọc sắt cho tháp công thành thứ hai, Masada biết số mệnh của mình đã bị định đoạt.
Theo tường thuật của Josephus Flavius, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, những người bị vây hãm đã quyết định thà chết như những người tự do chứ không chịu để người La Mã bắt giữ. Nhưng người Do Thái vốn nổi tiếng vì sự chi li trong việc phân định và tuân giữ lề luật, họ suy tính dựa vào Torah rằng giữa hai tội tự sát và sát nhân, thì tội sát nhân nhẹ hơn. Thế là hơn 900 người còn lại trong pháo đài Masada đã tự phân ra làm hai nửa rồi bắt thăm, bên thua phải giết bên còn lại, và cứ tiếp tục như vậy cho đến người cuối cùng.
Hẳn nhiên, đây là một việc vượt quá sức chịu đựng của hầu hết người bình thường nhưng quả thực quân Do Thái thủ thành đã quyết là làm tới cùng. Hơn 900 người Do Thái đã chết theo cách thức hi hữu đó. Khi quân lính Rome xông vào thành họ chỉ còn tìm thấy hai người phụ nữ và năm trẻ em còn sống. Nhờ vào tường thuật này của Josephus Flavius mà Masada đã trở thành biểu tượng cho lòng mong muốn tự do bất diệt của người Do Thái.
Một số sử gia lại cho rằng câu chuyện Masada thực ra là câu chuyện của chính Josephus Flavius. Họ cho rằng chính trong cuộc tử thủ thành Jotapata tại Galilee, vị chỉ huy Josephus đã thuyết phục binh sĩ dưới quyền mình thực hiện cách thức ‘được giết’ bằng cách bốc thăm và ông đã khôn khéo xoay sở để trở thành người sống sót cuối cùng, và sau đó Josephus, như chúng ta đã biết, ra đầu hàng người Rome. Sau cuộc chiến, Titus đưa Josephus Flavius về Rome và ban cho ông một khoản trợ cấp của hoàng đế cùng với quyền công dân. Josephus Flavius mất năm 94 tại Rome.
Dân tộc Do Thái tuy ‘binh bại như sơn đảo’ nhưng sau đó vẫn cố khởi nghĩa thêm hai lần nữa vào các năm 117 và 135, tiếc thay đều thất bại thảm hại. Kể từ đó, dân tộc của Chúa bị phân tán ‘trên khắp mặt địa cầu’.
KHÔNG BAO GIỜ LẠI THẤT THỦ
Sau khi thất thủ, pháo đài Masada bị bỏ hoang, ngoại trừ thời gian một số đan sĩ Byzantine đã tạm thời cư ngụ tại đấy. Pháo đài bị quên lãng mãi cho đến năm 1838 mới được tái khám phá và sau đấy được khai quật hoàn chỉnh trong thập niên 1960 dưới sự chỉ huy của Yigael Yadin. Mặc dù Masada đã bị quên lãng trong một thời gian dài và ngoài ra độ tin cậy từ những tường thuật của Flavius Josephus vẫn còn trong tranh cãi, nhưng truyền thuyết này đã có nhiều tác động lớn. Những sự việc xảy ra chung quanh pháo đài Masada có ảnh hưởng lớn đến sự tự nhận thức của quân đội Israel. Cuộc diễn tập cuối cùng trong khóa đào tạo tân binh chấm dứt sau 2 ngày trên pháo đài. Trong lời thề của chiến sĩ, pháo đài đã trở thành biểu tượng cho ý chí tự khẳng định của người Do Thái: “Masada không bao giờ lại thất thủ.”
Do Thái, một dân tộc đã bị hủy diệt bởi đế quốc lớn mạnh nhất thế giới lúc đó và đã bị chôn vùi gần như suốt dòng lịch sử. Thế nên, khi đặt bên cạnh số phận khốc liệt và bi thương mà dân tộc Do Thái đã phải hứng chịu đó, dường như sự thù địch của các nước lân bang hóa ra nhỏ bé. Và có lẽ, nhớ lại Jotapata, Jerusalem, Masada những năm 70 oanh liệt đó khiến cho những chiến cục những năm 1948, 1967, 1973 trở thành không còn quá khó hiểu đối với mọi người.