Hội Kín : Bên Trong Hội Tam Điểm, Hội Yakuza, Hội Đầu Lâu Cốt và những Tổ Chức Bí Mật tai tiếng nhất thế giới- Phần 7

Chương 7

GIÁO PHÁI ĐỀN MẶT TRỜI – NGỌN LỬA THỬ THÁCH

235c70cfd484d9d31b6146e6442cc59a

John Lawrence Reynolds

Trần Quang Nghĩa dịch

Không có gì đáng khinh bỉ hơn một hội kín dựa vào các định kiến tôn giáo và muốn hủy diệt một con người nhân danh tín ngưỡng của y. Một hội kín như thế chẳng khác loài dán. . . Nó sinh sôi trong bóng tối. Những ai tụ họp vì những mục đích như thế cũng chẳng khác gì.

WILLIAM HOWARD TAFT, Tổng thống thứ 27 của Hoa Kỳ, 1909-13

Vào ngày 4/10, 1994 ở Morin Heights, một khu nghỉ mát trượt tuyết nhỏ gần Montreal ở Canada, đội cứu hỏa được gọi tới một ngôi nhà đang cháy, cạnh đó họ phát hiện dấu vết của hai thi thể đã cháy thành than. Ban đầu những điều tra viên, kiểm tra nhanh danh sách những người cư trú có đăng ký, cho rằng hai thi thể trên chắc chắn là của Joseph Di Mambro và Luc Jouret. Di Mambro, sau đó được tiết lộ, là lãnh đạo của một giáo phái có tên Đền Mặt Trời, trong khi Luc Jouret là cánh tay phải của Di Mambro, một nhà tiên tri giả hiệu mà vai trò chính là tuyển mộ các tín đồ mới cho giáo phái. Nhưng cuộc giải phẫu tử thi sau đó khẳng định, không thi thể nào thuộc về hai người này; thật ra một thi thể là  phụ nữ. Vì thế có lẽ các nhà điều tra đang nhìn vào thi thể của hai người  muớn căn hộ chăng? Giả thuyết nhanh chóng bị loại ra khi các lính cứu hỏa, sau khi dập tắt được ngọn lửa, bước vào trong tòa nhà để điều tra. Khi quan sát kỹ các phòng, họ tìm thêm được ba xác chết giấu phía sau một tủ áo – xác một người đàn ông, một đàn bà và một trẻ em. Nhưng cảnh tượng hãi hùng vẫn chưa hết, vì tất cả ba thi thể nhuộm đầy máu.

Đó là thi thể của những người thuê nhà: Tony Dutoit, Nicki Dutoit và con họ, một bé trai tên Christopher-Emmanuel. Cảnh sát nhanh chóng xác định rằng, thay vì chết cháy, cả ba thực sự bị đâm đến chết – Tony tổng cộng bị đâm 50 nhát sau lưng, Nicki vài nhát sau lưng, ngực và cổ, và cuối cùng Christopher-Emmanuel (chỉ mới ba tháng tuổi) bị đâm sáu nhát ở ngực bằng một vật nhọn như cọc gỗ. Cảnh sát ước tính thời điểm họ chết khoảng bốn ngày trước khi lửa bùng phát. Vì thế dường như sát thủ đã lưu giữ thi thể họ trước khi quyết định thiêu hủy căn nhà. Nhưng còn hai thi thể kia thì sao? Họ là ai – người đã sát hại nhà Dutoit, hay cũng là nạn nhân của một tên giết người hàng loạt?

Cảnh sát bối rối, mặc dù trước đó họ có một phát hiện quan trọng: nhà Dutoit là thành viên của giáo phái Đền Mặt Trời. Cảnh sát cũng biết có tin đồn là lãnh đạo của giáo phái, Joseph Di Mambro, đã phái những sát thủ ám hại hài nhi vì y tin  Christopher- Emmanuel là kẻ chống Christ. Các lệnh truy nã được phát đi để bắt giữ cả  Di Mambro lẫn Luc Jouret nhưng, không có gì ngạc nhiên, cặp này vẫn biệt vô âm tín.

Trong khi đó, bên kia Đại Tây Dương ở Thụy Sĩ, nhiều đám cháy bùng phát, những trận hoả hoạn mà không ai lúc đầu ngỡ có thể dính líu đến vụ sát hại ở Canada xa lắc.

Vào nửa đêm ngày 4/10, 1994, không tới một ngày sau vụ giết người ở Morin Heights, lính cứu hỏa Thụy Sĩ được gọi tới ngôi nhà của một trại chủ già, Albert Giacobino, sống gần khu nghỉ mát trượt ski Chiery. Khi bước vào ngôi nhà đang cháy, người ta bắt gặp thi thể của Giacobino ngã chúi vào tủ bếp, đầu tròng vào một túi nhựa. Lúc đầu các điều tra viên kết luận là ông lão tự tử, tuy nhiên, quan sát kỹ hơn, mới phát hiện là ông đã bị bắn vào đầu. Cảnh sát cũng phát hiện ngôi nhà và nhà kho chung quanh rải rác những thiết bị phun lửa. Tất cả dường như khá kỳ lạ, nhưng giới chức Thụy Sĩ thậm chí đến lúc này không thể nhận ra những phát hiện này thực sự khủng khiếp đến mức nào.

Một tòa nhà nằm ngoài cùng có vẻ đã biến thành phòng họp, bên trong đồ đạc cá nhân vất bừa bộn, nhưng không có dấu vết của người sở hữu chúng. Rồi bỗng một điều tra viên nhận xét thấy tòa nhà  nhìn bên ngoài hình như rộng lớn hơn bên trong. Ông liền đi tìm kiếm một cánh cửa hoặc vách ngăn bí mật. Thình lình mọi sự đều sáng tỏ: một phần vách được phát hiện có thể trượt qua một bên, mở vào một gian phòng bí mật trang trí từ sàn lên đến trần bằng những đồ đạc màu tím đỏ. Và trước cặp mắt hãi hùng của điều tra viên, ở giữa gian phòng nằm sóng soài 18 xác chết, sắp xếp theo vòng tròn với chân hướng vào tâm điểm và đầu hướng ra ngoài. Nhiều thi thể mặc áo choàng nghi lễ màu đỏ, vàng và đen, một số có túi nhựa trùm đầu. Một gian phòng bí mật thứ hai sau đó được phát hiện trong đó có ba xác chết khác. Cả hai phòng đều bê bết máu, chứng tỏ nhiều nạn nhân đã bị bắn. Các chuyên gia pháp y ước tính thời điểm chết là ngày 3/10, gần như cùng lúc với các vụ giết người ở Canada, có tính sai biệt múi giờ. Serge Thierren, một trong những điều tra viên tham dự vụ tàn sát nông trại, mô tả như sau:

Thật là một cảnh tượng kinh hoàng. Một số thi thể trong nhà nguyện, dưới tầng hầm và một số trong không gian dường như là phòng họp có bàn tròn. Trên sàn nhà rải rác những vỏ chai xâm banh.

 Bi thảm hơn, có thêm những cái chết như thế xảy ra chỉ hai ngày sau đó. Trong một khu nghỉ dưỡng Thụy Sĩ trượt ski khác, Granges-sur-Salvan, cách Chiery chỉ hơn 100 dặm một chút, đội cứu hỏa được gọi đến giải quyết một vụ hoả hoạn trong ba ngôi nhà gỗ liền kề. Khi bước vào tòa nhà 25 thi thể được phát hiện (trong đó có 3 thiếu niên và 4 trẻ em), nhiều người bị bắn vài phát vào đầu. Kết luận hiển nhiên là hai thảm kịch có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng mối liên kết là gì? Câu trả lời có ngay khi nhân thân của họ được làm rõ qua hồ sơ nha khoa và cho thấy họ đều thuộc về giáo phái Đền Mặt Trời. Giải phẫu pháp y cũng tiết lộ chỉ có 15 trong số 47 người là muốn tự tử. Một cuộc truy tìm quốc tế các tên giáo chủ của giáo phái sát nhân này nhanh chóng được phát động.

Joseph Di Mambro sinh ngày 19/8/1924 ở miền nam nước Pháp và, mặc dù được đào tạo  làm nghề chế tác đồng hồ và nữ trang, ngay từ nhỏ ông đã say mê các giáo phái thần bí. Năm 1956 ở tuổi 32, ông trở thành thành viên của Dòng Rosicrucian, AMORC (Dòng Thần Bí Cổ Xưa Thánh Giá Hồng), và tiếp tục theo dòng tu này cho đến 1969 thì ra lập một giáo phái riêng, với một số tín đồ.

Dời từ miền nam nước Pháp để định cư gần biên giới Thụy Sĩ, vào năm 1973 Di Mambro thành lập Trung tâm Chuẩn bị Thời Đại Mới, một hội kín mà ai muốn gia nhập phải đóng góp một số tiền lớn để, Di Mambro cho biết, ông có thể chăm lo cho toàn cộng đồng. Đây không phải là việc làm đáng ngờ duy nhất của giáo phái, vì Di Mambro cũng thuyết giáo với các hội viên rằng mình là hiện thân của vài giáo chủ và lãnh tụ chính trị cổ xưa từ thần Orisis của người Ai Cập đến Moses của Do Thái. Ông cũng dạy rằng chỉ có ông mới có thể quyết định ai có thể kết hôn với ai và ai được phép sinh con. Ý tưởng đằng sau “điều luật” này là tất cả các tín đồ của giáo phái đều là hiện thân của những nhân vật tiếng tăm và để sinh được đứa con có phẩm chất siêu phàm thì điều quan trọng là hôn nhân và sinh đẻ chỉ xảy ra giữa những ứng viên thích hợp. Con trai của ông, Elie, tất nhiên là một đứa trẻ như thế mà sứ mạng của nó là thúc đẩy Thời Đại Mới, và con gái ông, Emmanuelle, được xem là một trong chín “đứa trẻ vũ trụ” và do đó không được đụng chạm thể chất với ai trừ những người thân gần nhất. Thật khó tin là những ý tưởng của ông lại lôi kéo được nhiều công dân trọng vọng, một số rất giàu có, đến với giáo phái. Vào năm 1978, Di Mambro hình thành nhóm tin đồ nồng cốt ban đầu được biết dưới tên Nền tảng Con đường Vàng và sau đó, khoảng 1984, đổi tên là Giáo phái Đền Mặt Trời.

Di Mambro luôn cảm thấy mình thiếu một phó tư lệnh, một ai đó có thể tập trung cho việc tuyển mộ những hội viên mới. Ông quay sang một người mà ông đã được giới thiệu vài năm trước, một bác sĩ Bỉ có tên Luc Jouret. Sinh ngày 18/10, 1947 ở Congo thuộc Bỉ (ngày nay là Zaire), Jouret là một người hùng biện, lôi cuốn, ngay lập tức làm tăng số hội viên mới  lên gấp hai cũng như gây phấn khích cho những tín đồ cũ bằng tuyên bố ở kiếp trước mình  không chỉ là một thành viên của một dòng tu ở thế kỷ 14 có tên Hiệp sĩ Đền Thánh, mà cũng là hiện thân lần thứ ba của Christ.

Vào năm 1989, Dòng Đền Mặt Trời có số hội viên trên thế giới lên đến 600 người, tín đồ không chỉ ở Canada, Thụy Sĩ và Pháp, mà cũng có mặt ở Mỹ, Tây Ban Nha và vùng Ca-ri-bê thuộc Pháp. Jouret đang hoạt động trong lãnh vực sở trường của mình, đi chu du giữa các nước này, giảng đạo và tổ chức xê-mi-na và nhận những khoản tiền đóng góp hậu hĩ. Một báo cáo trong Tạp chí Time của nhà báo Michael Sevilla ước lượng là Jouret và Di Mambro đã gom góp một khối tài sản khoảng 93 triệu đô-la sau vài năm ngự trị trong khối tài sản của các tín đồ mình. Thế thì các tin đồ muốn được gì để đáp lại những quyên góp rộng lượng của mình? Theo Luc Jouret, sau khi các hội viên đã qua đời và rời bỏ xác phàm này, họ sẽ gặp lại nhau trên ‘chuyến du hành qua cõi chết” để về một hành tinh khác có tên Sirius. Jouret cũng, trong bài thuyết giảng của mình, đưa ra giáo lý cho rằng ngày tận thế (Thời Khắc Đại Họa) sẽ đến vì con người biếng nhác chuyện tu hành, nhưng có một nhúm người được chọn (‘người du hành cao quí’) sẽ vượt qua trận đại hồng thủy này trước khi nó xảy ra và bay lên Sirius qua  con đường lửa. Thật ra lửa là một chủ đề được Luc Jouret luôn nhắc đi nhắc lại.

Bị ám ảnh từ thời trẻ bởi những câu chuyện về Dòng Hiệp sĩ Đền Thánh, một dòng tu mang tính quân sự thời cổ được thành lập vào năm 1118 bởi chín người từ Cuộc Thập Tự Chinh. Họ họp nhau và tuyên thệ sẽ bảo vệ những khách hành hương đến Vùng Đất Thánh Jerusalem. Jouret đặc biệt cuốn hút bởi cái chết của họ. Qua một thời kỳ 200 năm các Hiệp sĩ Đền Thánh trở thành một trong những tổ chức hội kín hùng mạnh nhất ở châu Âu, không những chiến đấu bên cạnh Vua Richard I (Tim Sư Tử) của Anh mà còn nhận được sự hậu thuẫn, ngoài những người khác, của Giáo Hoàng Innocent II. Là những chiến binh được kẻ thù khiếp sợ, họ cũng được trọng nể vì khối tài sản có được và chính là người sáng chế ra hoạt động ngân hàng đầu tiên như ta biết hôm nay (xem Chương 2).

1

Luc Jouret, với Di Mambro, là một trong những lãnh đạo hội kín Đền Mặt Trời. Cả hai tự tử cùng với 21 người khác trên một nông trại gần Chiery ở vùng Alps Thụy Sĩ vào năm 1994.

2

Nhà nguyện ghê rợn của Dòng Đền Mặt Trời được phát hiện tại một nông trại ở Chiery phía sau một cửa trượt bí mật. Trên sàn la liệt 18 xác chết.

Jouret bị các Hiệp sĩ Đền Thánh mê hoặc, nhất là những câu chuyện quanh cái chết thảm khốc của họ. Ông đi nhiều để thuyết giảng, tuyên bố rằng những tin đồ ưu tú của Đền Mặt Trời có thể hấp thu anh linh của các Hiệp sĩ Đền Thánh xưa kia bằng cách quyên góp những khoản tiền lớn. Dù nghe khôi hài thế nào, nhưng cũng có nhiều ông bà nhẹ dạ tin tưởng Jouret và trở thành thành viên của nhóm.  Hãy nghe lời phát biểu của một thành viên làm chứng cho những tín điều này:

 Tôi, người mang ánh sáng từ những thời đại xa xưa, thời gian ban cho tôi trên Hành tinh Trái Đất đã hoàn tất, và tôi được tự do và tự nguyện  trở về nơi từ đó tôi đến đây lúc thời gian bắt đầu! Hạnh phúc tràn ngập cõi lòng tôi, vì tôi biết mình đã hoàn thành bổn phận, và tôi có thể mang về lại trong An Bình và Hạnh Phúc vốn năng lượng đầu tư của mình đã được làm giàu lên qua trải nghiệm cuộc sống trên Trái Đất này – trở về với nguồn cội từ đó mọi vật ra đời. Thật khó khăn cho những người trên Trái Đất hiểu được một lựa chọn như thế, một quyết định như thế – tự nguyện rời bỏ cỗ xe trần thế của mình! Nhưng chuyện là như vậy đối với tất cả những ai mang theo Ánh sáng và Ý thức Vũ trụ và biết mình trở về nơi đâu.

Với một định kiến như thế, chỉ là vấn đề thời gian trước khi các hội viên của giáo phái bắt đầu râm ran về ngày tận thế và khi nào thời khắc trọng đại đến, các thành viên Đền Mặt Trời sẽ rời bỏ thế giới này và bước lên chuyến du hành qua cõi chết, trở lại hành tinh Sirius.

Nhưng tại sao hai giáo chủ lại chọn thời điểm ra đi chính xác đó? Buồn thay, không phải do một ý nghĩa tâm linh nào, mà sự thật của vấn đề vỡ lẽ có tính trần tục hơn nhiều. Một vài thành viên giáo phái đã bắt đầu bất mãn với Di Mambro và Jouret và đòi trả lại tài sản đầu tư của họ. Không nghi ngờ gì nữa lý do của sự bất mãn này là do có tin về sự tan rã của một giáo phái khác.

Vào tháng hai 1993, một cuộc bao vây 54 ngày tại Waco ở Texas đã bắt đầu khi David Koresh, người cầm đầu giáo phái Branch Davidian, quyết định thời điểm đã chín mùi cho giáo phái của y tự sát tập thể. 84 tín đồ (trong đó có nhiều trẻ em) chết trong ngọn lửa bốc lên sau đó, những ảnh chụp sự kiện này loan đi khắp thế giới. Tin này khiến số thành viên mới vào các giáo phái sụt giảm nghiêm trọng, không kể một làn sóng người thất vọng rời bỏ giáo phái mà mình đã gia nhập. Số thành viên Đền Mặt Trời rớt thê thảm.

Đó là thời kỳ gây lo lắng cho Di Mambro, nhưng những rắc rối của ông chỉ mới bắt đầu. Cuối năm đó một thành viên lâu năm của nhóm ông biết được việc Di Mambro thiết kế kỹ xảo đèn  la-se để  tạo ra hình ảnh các  ‘Đại Sư Đền Mặt Trời’ xuất hiện trước các tín đồ. Người này là Tony Dutoit; chính là Tony Dutoit mà thi thể đã được tìm thấy sau đó ngã chúi vào một tủ bếp ở Canada với 50 vết dao trên lưng. Thierry Huguenin, một nha sĩ Thụy Sĩ, cũng nói về những kiểu kỹ xảo mà Di Mambro dựng ra để loè bịp các đệ tử của mình.

Hai phụ nữ bắt đầu cởi quần áo khi những nốt nhạc Wagner đầu tiên vang lên. Khi họ chỉ còn lộ ra nội y, một bóng đèn đột nhiên rơi xuống khỏi giá đèn trên trần, cắt đứt một nụ hoa hồng và vỡ nát dưới chân bệ thờ. Di Mambro vung gươm và quát lên, ‘Bằng quyền năng tích lũy trong ta, ta vạch một vòng tròn bảo vệ quanh chốn thiêng liêng này.’

Tất cả nom như một trò trẻ con, vậy mà đối với các thành viên giáo phái đó lại là màn trình diễn nghiêm túc thể hiện quyền năng của Di Mambro. Dù sao thì những mối nghi ngờ của Dutoit cũng gây áp lực thêm cho Di Mambro, vốn đang bị một số ngân hàng điều tra về tội rửa tiền. Như để góp thêm sự tủi nhục cho tổn thương của mình, các con của ông, Elie và Emmanuelle, đã bắt đầu giảm bớt lòng tin về những lời giảng dạy của cha chúng. Thật ra, Ellie tỏ vẻ hí hửng khi tiết lộ trò lừa phỉnh của cha mình trong một vài dịp, khiến cho ít nhất một chục người rời bỏ giáo phái Đền Mặt Trời.

Nhưng nếu Di Mambro có vấn đề, thì không phải chỉ có một mình ông, vì Luc Jouret cũng chia sẻ một phần trong đó. Tại một thời điểm trước năm 1994 ông bị bỏ phiếu cách chức Đại Sư của nhánh Đền Mặt Trời ở Canada do hành vi càng ngày càng lập dị, cộng với phong cách lãnh đạo gắt gao khiến nhiều thành viên chủ chốt bất mãn. Vài nhân chứng phát biểu rằng trước khi bắt đầu một trong số nhiều nghi thức của Đền Mặt Trời, Jouret khăng khăng đòi quan hệ tình dục với một nữ thành viên để gia tăng ‘sức mạnh tâm linh’. Nhưng chính do phong cách lãnh đạo của Jouret  khiến ông gặp rắc rối và cuối cùng ông bị giáng chức. Đổi lại, việc này dẫn đến những mối bất hòa trong số những chi nhánh ở châu Âu và làm Di Mambro nổi cáu, vì lúc nào cũng tin tưởng Jouret ra mặt.

Tuy nhiên, khi các phóng viên điều tra sau này phát hiện, đây không phải là lần đầu tiên mà Jouret bị đuổi ra khỏi chức vụ. Trước khi gia nhập Đền Mặt Trời, Luc Jouret từng tham gia một tổ chức bí ẩn, tân-Quốc xã, mang tính phân biệt chủng tộc, do một cựu sĩ quan Gestapo tên Julien Origas đồng sáng lập. Sau khi muốn chiếm quyền kiểm soát không thành, Jouret bị đuổi khỏi tổ chức, chỉ để gia nhập Đền Mặt Trời của Di Mambro rồi tiếp tục tái phạm lần nữa. Cảnh sát cũng quan tâm đến các giao dịch làm ăn của Jouret khi việc ông bắt đầu thương thảo  buôn bán vũ khí bất hợp pháp bị lộ ra ngoài. Cùng với hai thành viên Đền Mặt Trời ông bị kết tội và nộp phạt 1,000 đô-la.

 Di Mambro và Jouret cả hai do đó đều có lý do để quan tâm đến tương lai của Đền Mặt Trời và, quan trọng hơn, vị trí cầm đầu của họ. Giọt nước làm tràn ly liên quan đến Tony Dutoit. Vợ Dutoit, Nicki, trước đây bị Di Mambro ra lệnh không được có con nhưng, khao khát có được một gia đình riêng, cô bất chấp chỉ thị của Di Mambro và hạ sinh một bé trai, Christopher- Emmanuel. Nghe tin này, Di Mambro ngay lập tức tuyên bố hài nhi là kẻ chống Christ, bị các thế lực đen tối gởi xuống trần gian để thách thức vị trí làm đấng tiên tri thực sự của con gái ông.

Cách duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng dường như rối rắm này, theo ý Di Mambro và Jouret, là tuyên bố thời khắc đã đến cho họ và các tín đồ rời bỏ Trái Đất và tiến đến một bậc tâm linh cao cấp hơn. Lửa cần thiết cho tiến trình chuyển kiếp thành công, vì thế vào ngày 4/10/1994, tiếp theo việc sát hại Tony Dutoit và gia đình, ngôi nhà họ bị phóng hỏa. Kẻ sát thủ  (về sau được nhận diện là Gerry Genoud 35 tuổi và Colette Genoud 60 tuổi) sau đó tự sát, tin tưởng rằng mình đang trên đường tới sao Sirius. Gần như cùng lúc, ở bên kia trái đất, các đại sư Di Mambro và Jouret đang hoàn tất nét chấm phá cuối cùng cho việc tự sát của mình cùng với vài người khác ở nông trại Thụy Sĩ mà Albert Giacobino làm chủ. Sau cái chết ở Chiery và ở Granges-sur-Salvan ngày 5/10, hoạt động của những thành viên còn sống của Đền Mặt Trời tạm hoãn lại. Nhưng hơn một năm sau ba vụ thảm sát trên, máu lại đổ xuống thêm lần nữa.

Vào tháng 12 1995, trong một vạt rừng thưa được gọi là Hố Địa ngục  bên ngoài tỉnh Grenoble của Pháp, 16 người (trong đó có 3 trẻ em, Tania Verona 6 tuổi, Curval Lardanchet 19 tháng và Aldwin Lardanchet 4 tuổi) được phát hiện đã chết. Một số bị  phỏng khủng khiếp trong khi 14 người trong số họ được phát hiện sắp xếp thành hình như bánh xe sau đó nhận diện ra hình ngôi sao. Hôm đó là cực đỉnh của ngày đông chí và sau đó tắt cả thi thể được nhận diện đã từng là thành viên Đền Mặt Trời. Mặc dù một số người chết rõ ràng là đã tự sát, một số khác cho thấy có dấu hiệu bị sát hại dã man. Một phụ nữ có hàm răng bị đập vỡ,người khác có vết đạn bắn và gần như mọi người trong hình vòng tròn đều có dấu hiệu đã uống thuốc Myolastan và Digoxine (thuốc co cơ và trợ tim). Một số để lại lời nhắn nêu rõ mục đích hành động của họ là rời bỏ thế giới này và đi lên một bình diện tâm linh cao hơn. Nghe ớn lạnh khi họ cho biết một cuộc tự sát tập thể khác sắp sửa diễn ra.

Một năm đã trôi qua mà không có sự kiện nào xảy ra, nhưng cảnh sát vẫn theo dõi sát sao những thành viên Đền Mặt Trời còn lại, đặc biệt để ý đến những ngày hạ chí, đông chí, xuân phân và thu phân. Có lẽ, vì không có gì xảy ra, họ lơ là vì nghĩ là đã an toàn, hoặc đơn giản là vì họ không có đủ hồ sơ để theo dõi hết tất cả mọi người. Dù trường hợp thể nào, việc giám sát buông lỏng tạo cơ hội cho thảm kịch giáng xuống một lần nữa.

Vào ngày 22/3/1997 trong một ngôi làng nhỏ ở St. Casimir Quebec, một vụ tự sát tập thể khác xảy ra, mang tổng số người chết trong vụ Đền Mặt Trời lên đến 74. Tụ tập vào ngày xuân phân 20/3, 5 người lớn trong nhóm cùng với 3 thiếu niên cố gắng khởi động thiết bị phun lửa nhằm thiêu cháy họ và ngôi nhà ra tro. May mắn thay, thiết bị hỏng, cho phép bọn thiếu niên đủ thời gian năn nỉ cha mẹ là chúng không muốn chết. Sau khi mở trói, chúng ù chạy đến một ngôi nhà gần đó, còn người lớn vẫn tiếp tục với kế hoạch của họ, và lần này họ thành công. Đã uống thuốc an thần, họ sắp xếp nằm trên sàn nhà theo dấu hiệu thập giá, rồi phóng hỏa vào thân thể mình. Sau đó một tin nhắn được tìm thấy giải thích rằng những nạn nhân tin tưởng đây là cách duy nhất để đi lên hành tinh khác.

Lần này giới chức có thẩm quyền thất bại nhưng họ may mắn hơn vào năm sau. Vào năm 1998 họ phát hiện ra một nhà tâm lý người Đức đã tập hợp được 29 thành viên Đền Mặt Trời trên Quần đảo Canary với mục đích rõ ràng là dàn dựng một vụ tự sát tập thể khác. Trong khi đó, ở Paris, các thân nhân của các nạn nhân ở Grenoble đang áp lực với nhà cầm quyền hãy bắt giữ bất cứ thành viên nào còn sống của giáo phái, nhất là các người cầm đầu, và phải truy tố chúng.

Một người cầm đầu như thế là Michel Tabachnik, một nhạc sĩ và soạn nhạc nổi danh thế giới, sống ở Paris nhưng làm việc cho cả Công ty Opera Canada lẫn Dàn Nhạc Giao hưởng Đại học Toronto. Ông bị truy tố về tội ‘tham gia vào một tổ chức tội phạm’ liên quan đến việc giết người nghi thức, và bị mang ra xét xử ở Grenoble vào ngày 16/4/2001. Mặc dù trước đây không được coi là một người có vai trò chính trong tổ chức, nhưng điều tra sâu  hơn kết luận rằng ông là người tiếp tay trong các vụ tự sát 1994 và tất cả những vụ tiếp sau. Thật ra, Tabachnik đã viết nhiều tài liệu cho nhóm (và được in bán cho các hội viên và thu được một khoản tiền lớn), và do đó đóng một vai trò quan trọng trong việc gieo rắc niềm tin rằng sự tự hủy diệt là cần thiết để đạt được mục tiêu tối thượng của giáo phái.

Tại phiên tòa, thẩm phán Pháp Luc Fontaine, nhấn mạnh rằng hai trong số thành viên quá cố của giáo phái – một sĩ quan cảnh sát tên Jean-Pierre Lardanchet (có 2 con trai cũng chết trong thảm kịch 1995) và một kiến trúc sư tên Andre Friedli – chính là người mà, tại vụ tự sát Grenoble, đã bắn và sát hại vài thành viên giáo phái không đủ can đảm lấy mạng mình. Đó là một kiểu tiến hành đã được lặp lại tại các vụ khác.

Việc dựng lại hiện trường vụ án cho thấy trình tự của sự việc – hai thành viên được chọn của hội bắn chết tất cả những ai không đủ trình độ tâm linh để dám tự sát. Sau đó, họ đổ xăng và thiêu đốt tất cả xác chết rồi cuối cùng tự sát. Điều này thật sự quá ghê rợn nên không có gì ngạc nhiên khi các công tố áp lực một bản án từ 5 đến 10 năm tù, nhưng Tabachnik chối mọi lời buộc tội. Suy cho cùng, có rất ít chứng cứ cụ thể, ngoài tài liệu ông viết, để kết nối trực tiếp ông với các vụ giết người.

Cho dù hai thành viên trước đây của Đền Mặt Trời một mực khai rằng lệnh tự sát chỉ xuất phát từ những thành viên cao cấp nhất, trong đó có Tabachnik. Họ cũng làm chứng là Di Mambro và Tabachnik đã thành lập Đền Mặt Trời, đã cùng nhau đi tới Ai Cập nơi họ phấn khích trước các pha-ra-ông cổ đại và nơi Di Mambro đã giải thích những hình khắc trong lăng mộ kim tự tháp cho phụ tá của mình, bảo cho y biết rằng thần Sothis (sau này được biết là Sirius) là biểu tượng của kiến thức. Thêm vào chứng cứ này, trong tiến trình xử án, báo The Times ở London in một bài phỏng vấn đã thực hiện với người con trai của một thành viên trước đây của Hội.

Edith Vuarnet, vợ của một vận động viên trượt ski Olympic, không thể nào kềm chế trước sức mê hoặc của giáo phái, mặc dù đã có 53 thành viên của giáo phái đã chết. Lần đầu tiên mà Allain Vuarnet hoặc cha anh nghe nói về sự tồn tại của giáo phái và sự dính líu của gia đình với nó là tháng 10/1994, khi 53 người tín đồ bị chết trong ba vụ hoả hoạn ở Thụy Sĩ và Canada. Tên của bà Vuarnet và Patrick, con trai út của bà, được nêu ra trong một báo cáo của cảnh sát.

‘Tôi thấy như bầu trời sụp đổ,’  Vuarnet nói, giờ đang là người cầm đầu việc làm ăn của gia đình. ‘Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng nhẹ nhõm – hai guru đã tự sát. Một ít tháng sau, tôi hỏi mẹ tôi thế mẹ còn gặp những thành viên khác của giáo phái Đền Mặt Trời nữa không. Bà xanh mặt và đáp, “Alain, sau tất cả những gì bọn họ đã làm, con thực sự nghĩ mẹ có thể còn liên hệ với họ sao?”‘ Vậy mà một năm sau, trong những giờ đầu tiên của ngày 16/12/1995, Edith và Patrick có mặt trong số 16 thành viên Đền Mặt Trời leo qua những cánh rừng ở vùng núi Vercors miền nam nước Pháp đến một nơi trống trải mà người địa phương gọi là Hố Địa ngục.

Tiếp theo Alain Vuarnet  mô tả bằng cách nào, ngay từ năm 1990, mẹ ông đang trải qua một thời kỳ trầm cảm khi bà gặp Luc Jouret. Bà muốn tìm một điều gì đó mà mình có thể tin tưởng, một loại niềm tin, và giáo phái của Jouret đã đem đến niềm tin ấy cho bà.

Trong khi đó, tại phiên tòa, Tabachnik, mặc dù nhìn nhận mình có dính líu đến nhóm, nhưng phát biểu chắc nịch mình không phải là một trong số các người cầm đầu, mà chỉ là một người bị Di Mambro lừa phỉnh. ‘Khó khăn của tôi, thưa quan tòa,’ ông ta nói trong một phiên tòa căng thẳng dài 8 tiếng, ‘là giải thích vai trò của mình trong sự kiện xảy ra vì tôi hoàn toàn không biết gì hết.’

Nhưng luật sư đại diện cho một số gia đình người bị hại ở Grenoble bác bỏ việc biện hộ này.’ Tabachnik,’ Francis Vuillemin, ‘đang đóng vai một tên ngu ngốc, trong khi sự thật ông coi những người khác là những tên ngu ngốc. Thật ra ông ta là lý thuyết gia đằng sau các cải chết.’’

3

Nhạc trưởng và nhà soạn nhạc quốc tế Michel Tabachnik được nghi là có liên quan đến cái chết của những thành viên Đền Mặt Trời nhưng được xử trắng án. Ông tiếp tục gặt hái được nhiều giải thưởng âm nhạc và gần đây được bổ nhiệm làm nhạc trưởng chính của dàn nhạc Noord-Nederlands Orkest.

Bên công tố sau đó tiếp tục chứng minh, qua lời khai các nhân chứng, rằng Tabachnik đã từng là một trong số các lãnh đạo đã loan báo sự kết thúc của giáo phái không lâu trước khi ba vụ tàn sát đầu tiên xảy ra và rằng ông ta, do đó, biết được chính xác bản chất của những sự kiện đang tới. Nhưng dù bên công tố có tung bao nhiêu bùn về phía Tabachnik, dù họ nỗ lực bao nhiêu để gắn kết ông với các lãnh đạo giáo phái Đền Mặt Trời, vào ngày 25/6 ông được tuyên vô tội.

Tất nhiên, luật sư riêng của Tabachnik, Francis Szpiner, rất vui mừng với kết quả, tuyên bố rằng các quan tòa đã công tâm xét xử, chống lại sức ép truyền thông nhằm lên án thân chủ mình. Tabachnik bước ra tòa án với tư cách một người hoàn toàn tự do và vẫn duy trì như thế cho dù bên công tố chống án. Ngày nay ông tiếp tục có một sự nghiệp huy hoàng của một nhạc trưởng đáng kính trọng.

Lực lượng cảnh sát ở Pháp, Thụy Sĩ và Canada tất cả đều cho rằng có nhiều khả năng đầu thiên niên kỷ mới có thể bộc phát một loạt tự sát mới. Ở Quebec gần 75 điều tra viên tập trung vào các giáo phái hoạt động trong tỉnh để theo dõi động tĩnh. Ở Thụy Sĩ, cũng vậy, những biện pháp được phát động để ngăn chặn một thảm kịch khác, lần này bằng cách mở một trung tâm thông tin tuyên truyền về các giáo phái nhằm, trong khi không vi phạm vào quyền tự do tín ngưỡng, ít ra công chúng có thể ý thức được mối nguy hiểm tiềm tàng khi gia nhập một giáo phái nào đó. François Bellanger, giám đốc trung tâm thông tin nói:

Chúng tôi không chiến đấu với những nhóm này. Chúng ta sống trong một xứ sở mà tự do tôn giáo là thiêng liêng. Chúng tôi chỉ muốn cung cấp thông tin thích hợp và trung thực. Bằng cách thu thập, phân tích và cung cấp dữ kiện này, chúng tôi hành động rất thận trọng.

Và cách tiếp cận nhẹ nhàng, nhẹ nhàng này đã có hiệu quả vì, từ sau những vụ tự sát Grenoble và xét xử Tabachnik, không còn xảy ra vụ tự sát tập thể nào. Tất nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là những sự kiện như thế sẽ không hề tái diễn trong tương lai. Thật thú vị để biết, trong báo cáo cuối cùng sau vụ xử Tabachnik, Thẩm phán Fontaine ghi lại những lời sau: ‘Được cơ cấu như một công ty đa quốc gia, Dòng Đền Mặt Trời thực sự là một hoạt động thương mại khống lồ có lợi ích tài chính trên ba lục địa.’ Liệu lời phát biểu này có chỉ ra như nhiều người đã tin (và hiện còn tin ) rằng giáo phái chỉ là bình phong cho hình thức tội phạm có tổ chức hay không, điều chưa hề được chứng minh. Điều chắc chắn là hàng triệu đô-la đã chuyển vào tài khoản của Đền Mặt Trời, và rằng giáo phái đã thu hút nhiều nhân vật có ảnh hưởng như sĩ quan cảnh sát, chính trị gia, công chức và, theo một bản tin trên TV có cả Bà Hoàng Grace của Monaco. Cũng có thể đúng khi nói rằng Di Mambro và Jouret bị một người nào đó cao cấp hơn trong tổ chức giật dây – một người nào đó mà tên tuổi, theo bản chất tự nhiên của một hội kín, đã không hề được tiết lộ.


One thought on “Hội Kín : Bên Trong Hội Tam Điểm, Hội Yakuza, Hội Đầu Lâu Cốt và những Tổ Chức Bí Mật tai tiếng nhất thế giới- Phần 7

  1. Pingback: Hội Kín : Bên Trong Hội Tam Điểm, Hội Yakuza, Hội Đầu Lâu Cốt và những Tổ Chức Bí Mật tai tiếng nhất thế giới | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s