Ahmad Shah Massoud – anh hùng dân tộc Afghanistans

img_2266

Long Vũ / ncls group

Lịch sử Afghanistan hiện đại, chỉ duy nhất Shah Massoud được người dân coi là anh hùng thực sự. Điều đó giải thích qua cách người dân chọn ngày mất của ông – ngày 9/9 làm ngày đoàn kết dân tộc ở Afghanistan.

Massoud cũng rất nổi tiếng trên thế giới. Đại sứ cho Liên Hợp Quốc, UNESCO ở Afghanistan, phát biểu trước Đại hội đồng, Nghị viện châu Âu, đề cử cho giải Nobel hòa bình, top những nhân vật có ảnh hưởng lớn, một trong những du kích vĩ đại nhất thế kỉ 20,…Nhưng (nếu) ở Việt Nam có không biết ông này thì lý do là ông có phạm ”tội” chống Liên Xô.

Ahmad Shah Massoud sinh 2 tháng 9 năm 1953 tại Bazarak, thung lũng Panjshir của người Tajik, trong gia đình thuộc loại con ông cháu cha. Cha ông là Dost Mohammad Khan, là một đại tá trong Quân đội Hoàng gia Afghanistan, lãnh chúa vùng Panjshir giàu có. Từ nhỏ Massoud được cho đến thủ đô Kabul sống sung túc, lớn lên học đại học bách khoa Kabul, nói thành thạo tiếng Anh, Pháp,…

Nhưng đến năm 1973, Mohammed Daoud Khan làm đảo chính lật đổ nhà vua. Massoud bỏ học về quê nhà Panjshir tập hợp dân chúng kháng chiến. Chẳng bao lâu sau đó, quân đội Liên Xô tràn vào, và Massoud phải chuyển sang chiến đấu chống Liên Xô và chính quyền cộng sản Afghanistan.

Quân đội của Massoud liên tục tập kích các đoàn xe của Liên Xô qua đèo Salang lớn nhất cả nước, gây tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trong quân đội Liên Xô. Để chấm dứt tình trạng này, năm 1982, quân đội Liên Xô phát động chiến dịch chiếm thung lũng Panjshir với quân số cao nhất lên đến 70.000 người đối đầu với 5000 du kích Tajik. Một trong những tướng đối đầu với Massoud là đại tá Liên Xô Leonid Khabarov, người đã đặt biệt danh cho Massoud là ”Sư tử Panjshir” (dựa theo cách chơi chữ trong tiếng Ba Tư)

Đến năm 1985, quân đội Liên Xô đã chiếm được các căn cứ lớn nhất của Mujahideen ở Panjshir. Nhưng rồi một đêm 16/6/1985, quân đội của Massoud bất ngờ từ các dãy núi đổ ra đánh úp quân đội Liên Xô. 150 lính Liên Xô chết trong một đêm, hàng trăm lính bị bắt, phải cử trực thăng đến giải cứu, trong đó cứu được Leonid Khabarov lúc đó đã hấp hối. Thất bại trên mặt trận Panjshir đã khiến quân đội Liên Xô buộc phải tính đến chuyện rút quân hoàn toàn vào năm 1986.

Hoa Kỳ cung cấp cho Massoud sự hỗ trợ tương đối ít hơn các phe phái khác. Nhưng bù lại, Trung Quốc và Iran hỗ trợ rất nhiều. Trong các cuộc phỏng vấn sau này, Massoud thừa nhận lối đánh của mình ảnh hưởng rất nhiều từ học thuyết Mao. Trong chiến tranh, hàng trăm chiến binh Hồi giáo Trung Quốc cũng được ghi nhận đến Afghanistan chiến đấu.

Năm 1989, quân đội Xô viết rút chạy. Chính quyền CHND Afghanistan do Mohammad Najibullah đứng đầu tiếp tục chiến đấu. Ngày 28 tháng 4 năm 1992, quân Mujahideen đánh bại quân cộng sản, chiếm Kabul, trở thành ngày chiến thắng Victory Day ở Afghanistan. Chính phủ mới do Burhanudin Rabanne đứng đầu. Massoud trở thành bộ trưởng quốc phòng. Thủ tướng cộng sản Mohammad Najibullah vẫn ở lại thủ đô được Liên hợp quốc bảo trợ.

Tuy nhiên, sau khi chiếm được Kabul, xung đột giữa các phe phái đã phá nát Afghanistan.

Đầu tiên là quân của Gulbuddin Hekmatyar, và sau đó là quân của đồng minh cũ người Uzbek, Abdul Rashid Dostum tấn công quân của Massoud. Nếu không có lần trở mặt này, có thể Dostum cũng đã trở thành anh hùng Afghanistan.

Cuộc chiến ở Kabul làm 60.000 người chết, nhưng chưa phải tồi tệ nhất.

Ở miền Nam, các phe của người Pashtun họp tại Pakistan thành lập phe riêng để đối đầu với miền Bắc. Các nhóm cực đoan bỏ cuộc họp về lập phe riêng, một trong số đó năm 1994 trở thành Taliban.

Trong lúc này Massoud được Nga và Iran hỗ trợ rất nhiều. Nhưng ông lại không đánh nhau với phe miền Nam mà lại đánh nhau với quân của Dostum, do chính quyền Karimov của Uzbekistan chống lưng. Xung đột giữa người Uzbek và Tajik làm phe miền bắc suy yếu đáng kể. Lợi dụng tình hình đó, phe miền Nam chiếm một nửa Kabul năm 1994.

Trong lúc đó, Taliban âm thầm chiếm thành phố Herat quan trọng. Đến năm 1996, thảm họa ập đến, Taliban đánh bật tất cả các phe để chiếm Kabul, áp đặt luật Hồi giáo khắc nghiệt lên nơi này, treo cổ, kéo lê xác tổng thống cộng sản Mohammad Najibullah

Massoud và Dostum lúc này chột dạ, vội và quay lại bắt tay nhau tái lập liên minh cũ. Tuy quá muộn, liên minh bị Taliban đánh bại và để Taliban chiếm 90% lãnh thổ Afghanistan. Quốc tế hốt hoảng, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kì, Ấn Độ, Trung Á,…vội vã đổ tiền và vũ khí vào giúp Liên minh phương Bắc của Massoud và Dostum. Nhờ những hỗ trợ nóng này, liên minh giành lại 20% lãnh thổ, nhưng tương lai vẫn rất mong manh.

Trong thời gian kiểm soát miền Bắc, chế độ của Massoud được quốc tế miêu tả là tiến bộ. Ở vùng của Liên minh phương Bắc, người dân không bị bắt buộc luật Sharia, được đi học, được tự do đi lại, quyền phụ nữ được đảm bảo,…Massoud còn đến phát biểu ở Đại hội đồng, Nghị viện châu Âu,…kêu gọi viện trợ tái thiết Afghanistan. Ông được chọn làm đại sứ của LHQ, UNESCO,… và được đề cử Nobel hòa bình. Người dân có quyền bầu cử. Trong thời gian đó, người dân từ vùng Taliban liên tục chạy đến vùng của Massoud. Vào tháng 9 năm 2000, Massoud đã ký Tuyên bố về các quyền thiết yếu của phụ nữ Afghanistan do phụ nữ Afghanistan soạn thảo. Tuyên bố thiết lập bình đẳng giới trước pháp luật và quyền của phụ nữ tham gia chính trị, giáo dục, làm việc, tự do đi lại và phát ngôn.

Tuy vậy, Massoud lại không cấm cây thuốc phiện trong khi Taliban làm điều này.

Khi phát biểu ở Nghị viện châu Âu, Massoud đã tố cáo Mỹ dung túng cho Pakistan hỗ trợ Taliban và cảnh báo: Taliban sẽ tấn công Mỹ. Tuy nhiên vào lúc đó, Mỹ phớt lờ

Khi đang ở thế giằng co, ngày 9/9/2001, hai kẻ khủng bố giả làm phóng viên phỏng vấn Massoud. Khi đang phỏng vấn, máy ghi âm phát nổ, giết chết vị thủ lĩnh. Và chỉ 2 ngày sau, 3000 người Mỹ chết do chính phủ phớt lờ Massoud.

Cái chết của Massoud làm cả thế giới bàng hoàng. Ở Afghanistan, đám tang của ông có hàng triệu người trên khắp cả nước tham gia, cả ở vùng Taliban chiếm đóng, thậm chí Taliban ở Pakistan cũng để tang ông. Ngày mất của ông, 9/9, sau này được chọn làm ngày Đoàn kết dân tộc ở Afghanistan.

Sau sự kiện 2001. Mỹ đã chính thức can thiệp vào Afghanistan, chọn Liên minh phương Bắc làm đồng minh. Chiến dịch ném bom hỗ trợ cho Liên minh phương Bắc chiếm lại Kabul tháng 11/2001, đánh đổ chính quyền Taliban.

Trong cuộc bầu cử tổng thống sau đó, để tỏ lòng kính trọng với Massoud, coi ông là lãnh tụ duy nhất, Liên Minh phương Bắc đã không cử ai ra tranh cử. Tổng thống đắc cử là Hamid Karzai, người Pashtun, đã truy tặng Massoud danh hiệu anh hùng dân tộc của Afghanistan.

Tại vùng Panjshir, quê hương của ông, để tỏ lòng tôn kính, quân đội Mỹ không đóng quân ở nơi này.

Năm 2009, cựu đại tá Leonid Khabarov cùng 2 thiếu tá Victor Babenko và Evgeny Teterin đã trở lại Panjshir, đặt hoa lên mộ Massoud trong chuyến thăm được truyền thông Nga chú ý như một thông điệp hòa giải. Họ đã là nhân vật Nga cao nhất đến thăm Afghanistan từ năm 1979.

***

Tham khảo:

-Hồi ký Leonid Khabarov

-Ahmad Shah Massoud: the man who saw tomorrow (Kamal Alam)

-The 1980s mujahideen, the Taliban and the shifting idea of jihad (Nushin Arbabzadah)

-Wikipedia

——————-

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s