Lại Thế Hiền
Tuần Báo Văn Nghệ, ở các số 37 (15/09/2018); 44 (03/11/2018); 46(17/11/2018); 48 (01/12/2018); 49 (08/12/2018); 50 (15/12/2018); 51 (22/12/2018) và 52 (29/12/2018), tại mục “Trao đổi” đã đăng các bài tranh luận qua lại về bài viết do ông Vũ Bình Lục khởi xướng: “Truy tìm xuất xứ mấy câu ca dao” (số 37). Sau đó ông lại viết tiếp hai bài (số 46 và số 50) để trả lời các ông Cao Sơn Hải, Đỗ Tiến Bảng và Lê Ngọc Minh, là những tác giả đã tham gia trao đổi với ông Vũ Bình Lục và với nhau.
Đọc bài của ông, chúng tôi nhận thấy ông trích sử liệu rất ít nên những nhận định của ông về Thái Tổ Lê Lợi và Thái Tông Lê Lân (Lê Nguyên Long) mang tính định hướng cảm tính khá cao, bởi thế, nhận định của ông về hai nhân vật lịch sử này hoàn toàn không chính xác. Vì thế, chúng tôi xin cung cấp một số chi tiết lịch sử về hai vị vua này, nguồn sử liệu mà chúng tôi dùng là cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” T2 do NXB Văn Hóa Thông Tin phát hành năm 2006, cùng vài tài liệu khác.
- Về Thái Tổ Lê Lợi:
1.1. Phát triển, kiện toàn sản xuất trong kháng chiến.
Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn chuyển hướng chiến lược tiến quân vào vùng Nghệ Tĩnh và trở nên lớn mạnh. Giặc Minh không còn dám mở các chiến dịch càn quét như trước đó mà co cụm về phòng thủ các thành với mục đích chờ quân cứu viện, thỉnh thoảng đánh nống ra ngoài để giải tỏa áp lực bị bao vây và cứu viện cho các thành lân cận, nhưng bọn giặc lúc đó đã rơi vào thế phòng thủ thụ động kể từ năm 1425 cho đến khi phải đầu hàng hoàn toàn.
Như vậy, kể từ năm 1425, thì chỉ trừ các thành, còn lại, toàn bộ đất đai đã được quân khởi nghĩa làm chủ. Vì thế, không đợi cho đến khi khởi nghĩa thành công, Thái Tổ đã tổ chức chính quyền, chỉ trừ những vùng như Thanh Nghệ Tĩnh đang có chiến sự và ở vùng biên cương: “Hạ lệnh cho các xứ Lạng Giang, Bắc giang, Tam Đái, Tuyên Quang, Quy Hóa đem vợ con của quân dân rời xa để tránh quân viện đến” (trang 60), còn thì, Thái Tổ chia thành bốn Đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc. Dưới Đạo có Trấn và dưới Trấn thì có các Lộ rồi tiếp đó là cấp Huyện, cấp Xã và kiện toàn hệ thống quản lý các vùng hành chính này; Quan Phụ Đạo là một vị Hành khiển phụ trách mọi việc dân quân, quan Tổng Trấn là các vị Trấn phủ sứ, Tuyên phủ sứ đứng đầu, quan Quản Lộ là các vị An phủ sứ, Tổng quản, Đồng tri nắm giữ… và tất cả đều là các vị tướng đều có tài về quân sự và cả quản lý hành chính, tạo nên chính quyền quân quản cho tận cấp làng xã (xin nói rõ ở phần sau). Chính vì có tổ chức chính quyền sớm nên dân chúng đã yên tâm sản xuất, chỉ trong vòng hai năm, nền sản xuất này đã vượt qua tự cung tự cấp để chuyển sang kinh tế hàng hóa: “Hạ lệnh cho các Lộ rằng: Phàm thấy dân quân chở lương đi bán, thì cấp giấy và chỉ bảo cho đến nơi bán, không được đi bậy” (trang 58). Nền kinh tế trong kháng chiến càng ngày càng mở rộng, đánh hạ được thành nào thì: “Hạ lệnh cho dân xiêu tán về quê cũ mà cày cấy. Người nào không có điền sản thì cho được buôn bán. Người nào bỏ nghề nghiệp thì xử tội nặng” (trang 50), không những thế, bọn giặc đầu hàng cũng được huy động để tham gia: “Sai Chu Sài là người Minh đầu hàng đem 340 con ngựa đến Châu Hóa chăn nuôi” (trang 50), hoặc giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người đã đầu hàng: “Hạ lệnh cho các phủ Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân, Tân Hưng phải chăn nuôi những người hàng ở các thành, đàn ông đàn bà hơn 6000 người, không để cho họ đói rét không có chỗ ở” (trang 55). Chính sách khuyến khích giao thương cũng được thực thi, chỉ cấm người buôn bán không được quan hệ với kẻ giặc: “Cấm cửa ải Bạch Lẫm không được chở qua mắm, muối, vì cớ Đào Quý Khách thông với giặc” (trang 50), hoặc: ‘Cấm không được thông đồng bán mắm muối cho Cầm Lạn” (trang 54), hoặc, “Chém Thiên hộ Lý và người đi theo là Bùi Vĩnh vì cớ chở trộm mắm muối vào thành Chí Linh” (trang 45). Đồng thời, cấm việc ngăn sông cấm chợ để cho dân được tự do buôn bán: ‘Hạ lệnh phàm thấy người áo đỏ ở Mường Mộc chở mắm muối về thì không được ngăn cấm” (trang 45) và triệt để hạn chế nạn ăn trộm, ăn cắp, diệt bọn vô công rồi nghề: “Cấm chặt hoa quả cây cối và cướp bóc tài sản” (trang 41), hoặc, “Hạ lệnh rằng những người lớn khỏe mà chưa vào sổ dân quân, du thủ du thực, không có sai dịch, ai bắt được hạng ấy đưa đến quân môn thì thưởng cho tước 1 tư” (trang 51). Mặt khác, lại khuyến khích mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp: “Hạ lệnh cho huyện Tân Phúc mở lò rèn sắt” (trang 45).
Như vậy, do việc kiện toàn hệ thống quản lý và tăng cường khuyến khích sản xuất dẫn đến người dân ngay trong lúc còn đang kháng chiến đã tạo ra đủ nhân, tài, vật lực vừa nâng cao sức dân và đảm bảo quân lương cho binh sĩ, thậm chí, còn tạo ra đủ lộc để Thái Tổ đem ra động viên tướng sĩ: “Ra lệnh rằng các tướng hiệu bắt đầu tính công bằng sự lập công mới: Đại thần đến chức Thiếu úy mà có công lao to được thưởng phù vàng thì được ăn lộc một quận, chức Chấp lệnh mà có công thì được ăn lộc một ấp, các đốc tướng quân nhân cũng được lộc một quận, một ấp theo thứ bậc khác nhau. Người nào không có công được thưởng gì đều giáng làm người thường” (trang 47).
Có lộc thực sự thì mới động viên được tướng sĩ mà, những lộc này có được từ nguồn thu thuế trong dân, đã thể hiện mức độ phát triển cao của nền kinh tế.
1.2. Tìm nhân tài cho kháng chiến và phục hồi di sản văn hóa.
Khởi nghĩa Lam Sơn, xét về quy mô, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên và rộng lớn nhất trong lịch sử kể từ khi Ngô vương Quyền giành độc lập năm Kỷ Hợi (939 – Cách nay đúng 18 hoa giáp); Và chỉ có hai cuộc chiến giành chính quyền: Dẹp loạn sứ quân của Tiên hoàng Đinh Bộ Lĩnh và giải phóng dân tộc của Thái Tổ Lê Lợi. Ta thấy, khởi nghĩa Lam Sơn là mô hình đầu tiên về việc vừa kháng chiến, vừa xây dựng nền kinh tế tự chủ và phục hồi các di sản văn hóa.
Cái hay là ở chỗ Thái Tổ là một trong rất ít các vị lãnh đạo nhận thức được rất sớm một nguyên lý rất căn bản: Có thể ngồi trên yên ngựa để giành chính quyền, nhưng, không thể dùng yên ngựa để cai trị dân chúng và giữ được chính quyền (việc này sẽ nói thêm ở phần sau), bởi vậy, ngài cần rất nhiều người có khả năng để đảm nhận các công việc như kháng chiến, tái thiết kinh tế và phục hồi các di sản văn hóa của dân tộc.
1.2.a. Về việc tin dùng người có khả năng.
Ngoài việc nghe theo lời của tướng quân Nguyễn Chính chuyển hướng chiến lược vào Nghệ Tĩnh, tạo nên thế và lực mới cho quân khởi nghĩa và theo truyền thuyết thì Thái Tổ rất trọng dụng văn thần Nguyễn Trãi vì ông này đã dâng “Bình Ngô sách” , thì Thái Tổ còn ra nhiều lệnh chỉ để tìm những người có khả năng, như: “Bổ thuộc viên ở Hàn Lâm và ở 4 đạo, cộng 515 người… Hạ lệnh cho các tướng hiệu và quan ở lộ tìm kiếm người có tài lược trí dũng làm nổi các chức quan trọng như Tư mã, Thượng tướng, đều tiến cử một người” (trang 43 – Lưu ý rằng: Lộ là cấp gần dân nhất chỉ trên huyện, xã, yêu cầu các quan Quản Lộ tìm người tài trong dân chúng mà nếu sau này họ được tuyển dụng thì sẽ ở cấp cao hơn rất nhiều, điều này chứng tỏ Thái Tổ rất tin vào các viên chức cai trị mà ngài đã bổ nhiệm ở các địa phương), hoặc, “Ta không có tài dũng tuệ, một mình gách vác công việc nặng nề sợ không làm nổi. Vì thế phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sĩ, cùng mưu việc lớn, để cứu giúp dân. Ai tiến cử được người mưu dũng hơn người, hoặc tự tiến cử, đều cho làm thượng khanh, thượng tước” (trang 51), hoặc, “Hạ lệnh cho các Lộ tiến cử những người hiền lương, phương chính, trí dũng, anh kiệt, gọi đến hỏi cho trả lời. Ai ẩn giấu che bịt thì phải giáng chức hoặc bãi chức” (trang 49), hoặc dụ các hào kiệt trong nước: “Các thành đã phá được rồi, duy còn thành Đông Quan chưa hạ được. Ta vì thế mà ngủ không yên giấc, ăn không biết ngon, sớm hôm nghĩ héo ruột gan, song bên cạnh ta chưa có người giúp đỡ. Tuy ta làm chủ tướng, nhưng xét lại mình ta một là già ốm, bất tài, hai là sức học nông cạn, ba là gánh nặng khó nổi, mà các đại thần như Tả tướng quốc Thái phó, Thái bảo chưa, Thái úy, Đô nguyên súy còn thiếu, Hành khiển và các quan mười phần mới có một vài. Cho nên ta phải nhún mình lấy lòng thành khuyên các hào kiệt cùng nhau hết sức, cứu giúp muôn dân, chớ có giấu tài ẩn mình để cho thiên hạ bị lầm than mãi mãi. Hoặc có người nào tiết cao như Tứ Hạo, ẩn chốn như Tử Phòng cũng nên hãy vì dân cứu nạn, đợi khi thành công, muốn thỏa chí xưa thì lại về rừng núi, không hề cấm giữ” (trang 54 – Chú thích: Tứ Hạo là bốn ông già ở núi Thương Sơn về đầu nhà Hán gồm Đông viên Công, Ỷ Lý Quý, Hạ Hoàng Công, Dụng Lý, còn, Tử Phòng là Trương Lương phò giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang, sau khi thành công thì bỏ đi ở ẩn. Cái hay nhất ở lần khuyến dụ này là chỉ còn thành Đông Quan chưa bị hạ, tức là kháng chiến sắp thành công mà Thái Tổ vẫn nhín nhường tự nhận mình là già yếu, bệnh tật và kém cỏi, vẫn mong người tài ra giúp dân chúng mà không sợ họ “dây máu ăn phần” thì cần tự hỏi xem, có phải là Thái Tổ là kẻ chuyên chế hay không thưa ông Vũ Bình Lục!?
Ngoài những lời kêu gọi nhân tài ra giúp nước như đã nêu ở trên, chúng ta còn chứng kiến chuyện Thái Tổ trực tiếp sử dụng người tài theo kiểu người thực việc thật, ví như: “Người huyện Đường An là Vũ Cự Luyện, người huyện Cổ Phí là Đoàn Lộ dâng kế sách đánh thành và các kiểu chiến bằng, xe phần ôn, xe phi mã. Sai các tướng theo mẫu thức ấy mà làm” (trang 44), hoặc “Người huyện Bố Chính là Nguyễn Tử Hoan dâng kế sách hợp ý, được trao chức quân sự” (trang 55), và nữa: “Hạ lệnh cho ba quân, người nào có thể liều mình vì nước, tinh thông nghề võ, có sức mạnh dạn, không đoái sống chết, đều cấp cho văn bằng tuyển vào làm thị vệ ở Nội phủ” (trang 47).
Bên cạnh những yêu cầu trên, Thái Tổ còn ra sức tiêu diệt những kẻ vô công rồi nghề, du thủ du thực, lợi dụng chiến tranh để ắp cắp ăn cướp, hoặc hành nghề mê tín kiếm tiền bằng cách mê hoặc dân chúng, ví như: “Hạ lệnh rằng những người lớn khỏe mà chưa vào sổ dân quân, du thủ dự thực, không có sai dịch, ai bắt được hạng ấy đứa đến quân môn thì thưởng cho tước 1 tư” (trang 51), hoặc: “Cấm chặt hoa quả và cướp bóc tài sản” (trang 41), hoặc,: “Cấm những kẻ xưng hô là đồng cốt tà thuật, giả tiếng tà thần, đem lời bịa đặt mê hoặc lòng người” (trang 50).
Ngoài ra, còn phải kể thêm rằng, Thái Tổ rất khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp (tiểu thủ công nghiệp), như: “Hạ lệnh cho huyện Tân Phúc mở lò rèn sắt” (trang 45) và khuyến khích buôn bán giao thương như đã kể ở trên.
1.2.b. Nâng cao văn hóa dân tộc thông qua việc phục hồi.
Giặc Minh (thời đó gọi là giặc Ngô) xâm lược Đại Việt (1406) với dã tâm Hán hóa nốt bộ phận Việt ngang nghạnh cuối cùng, theo quan niệm của chúng, bởi thế, toàn bộ di sản văn hóa của dân tộc do người Việt lập nên, bao gồm chữ trong sách vở, chữ trên bia ký, minh văn khắc trên các đồ kim khí và các đền đài miếu mạo đều bị chúng đốt phá và đập nát, tiêu hủy bằng hết, chỉ trừ các sách kinh, bản in của đạo Phật đạo Lão (vốn dĩ được chúng coi là văn minh Trung Hoa đã thâm nhập và đang ngự trị trên đất Việt), thể hiện ở mật lệnh 10 điều của Minh Thành Tổ Chu Đệ/Lệ gửi Tổng binh Chu Năng đề ngày 8 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ tư (21/08/1406). Chỉ trong vòng 1 năm, giặc Minh đã hoàn thành công việc bình định, cả về mặt lật đổ triều Hồ và các lực lượng kháng chiến và cả về việc tiêu hủy văn hóa Đại Việt cũng như triệt hạ sinh khí của tộc Việt (bắt đày đi xa hoặc thiến tất cả những trẻ em). Nhưng, để che giấu các hành động dã man này thì Chu Đệ/Lệ lại ra sắc chỉ mới nhằm thu hồi lại các sắc chỉ tanh máu người Việt trước đó, đó là sắc chỉ đề ngày 19 tháng 5 Vĩnh Lạc thứ năm (25/06/1407) với nội dung: “Nay An Nam đã bình định xong; Trừ các loại chế dụ ra còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành Quốc Công (chỉ Chu Năng) đã lĩnh hoặc các thứ (tức là sổ sách) trù nghị mọi việc, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại, rơi vào tay bọn kia (tức là người Việt) thì rất bất tiện” (Ghi chú: Các sắc lệnh này của Chu/ Lệ được trích trong cuốn sách ‘Việt Kiệu thư” của Lý Văn Phượng, một tư liệu rất quý bổ sung cho sách “Minh sử” là sách chính sử của triều Minh được viết theo quan điểm lịch sử thuộc về bên chiến thắng nên đã xuyên tạc, bóp méo cùng cực sử Việt, và tất nhiên không có những đạo sắc khát máu của Chu Đệ/Lệ gửi cho đạo quân viễn chinh đánh Đại Việt).
Vì thế, điều cao quý nhất của Thái Tổ, ngoài việc lãnh đạo kháng chiến và phục hồi nền kinh tế thì ngài lại gánh trên vai mình một trọng trách nữa, đó là, cố gắng phục hồi lại các di sản văn hóa lấy đó làm chỗ dựa tâm linh cho dân chúng (đương nhiên, chỉ phục hồi các di sản thuần Việt thôi, còn các di sản có hơi hướng Tầu do người Việt dựng mà đã bị đập phá thì thôi). Sự phục hồi này, ngay trong lúc kháng chiến cam go đã chứng tỏ rằng Thái Tổ là người có ý thức lập nên một triều đại mới, một triều đại tôn trọng các thành quả và di sản của các triều đại cũ, cũng đã từng đem lại những điều tốt đẹp cho nhân dân, như là: “Sai Dương Sái Nhật sửa chữa đền thờ Hưng Đạo đại vương, cấm không được chặt cây ở miếu” (trang 43), hoặc: “Hạ lệnh cho các xứ thờ cúng miếu công thần” (trang 44 – Xin lưu ý, những miếu công thần này thuộc về các triều đại cũ), thậm chí: “Xuống chiếu rằng các lăng miếu cúa triều trước nơi nào bị giặc phá hoại thì làm lại, cấp cho số người giữ việc thờ cúng theo thứ bậc khác nhau” (trang 47), và sau ngày chiến thắng thì: “Sai quan chia đi tế các thần kỳ núi sông miếu xã các xứ và lăng tẩm của triều đại trước” (trang 85 – Ghi chú: Đây là những nơi đã được phục hồi trong kháng chiến).
1.3. Tiếp tục củng cố chính quyền, tăng cường chính sách có lợi cho dân ngay sau chiến thắng.
1.3.a. Những điều mà chúng tôi đã trình bày hoặc trích dẫn ở trên để khẳng định rằng Thái Tổ, ngoài việc chỉ đạo kháng chiến trường kỳ, đã tạo ra chính quyền để phát triển kinh tế cùng với chính sách trọng dụng nhân tài và khôi phục lại nền văn hóa của dân tộc đã bị triệt hạ từ rất sớm, chứ không phải như luận đề của ông Vũ Bình Lục: “Ở thời Lê Thái Tổ trị vì, đất nước ta vừa trải qua chiến tranh tàn khốc, lâu dài, tất nhiên việc khôi phục nền kinh tế suy kiệt như vậy, không thể một sớm một chiều là xong được, chưa nói là phục hưng đất nước điêu tàn sau chiến tranh…” (số 37), hoặc: “những phân tích của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ vấn đề thực tế lịch sử, rằng ở thời vua Lê Thái Tổ (1385 – 1433), 6 năm thiết lập chính quyền phong kiến chuyên chế, Lê Lợi chỉ mới làm được công việc chủ yếu là củng cố chính quyền, chứ chưa đủ thời gian để xây dựng được một xã hội phồn thịnh như nội dung bài cao dao đã thể hiện” (số 46).
Thưa ông Vũ Bình Lục, như trên chúng tôi đã viết, vì do không hề dẫn chứng tư liệu lịch sử và do tính định hướng cảm tính của ông khá cao nên nhận định của ông về Thái Tổ là rất võ đoán và rất không đúng. Ông tự xưng là nhà văn (số 46) nên chúng tôi không cần phải đem từ điển để nói với ông về các khái niệm “Chuyên chế” hoặc “Toàn trị” nữa mà chỉ nhắc thêm với ông rằng, trong tất cả các sắc chỉ của Thái Tổ đểu có mục tiêu hướng tới là vì dân, vì nước, và may mắn thay, dân chúng tuy sống dưới “chính quyền phong kiến chuyên chế” (cách nói của ông, cũng như cách nói của mọi sách giáo khoa lịch sử khi nói về chế độ phong kiến), đã không phải sống dưới ÁCH CHUYÊN CHẾ (chúng tôi nhấn mạnh), bằng chứng: “Chỉ huy cho các Đại thần và hành khiển rằng: “nếu ai thấy điều lệnh của trẫm, hoặc có điều gì không tiện cho việc quân việc nước, hoặc là việc vô cố, hoặc thuế khóa nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì lập tức tâu xin sửa lại”.
Lại chỉ huy cho các quan giữ chức can gián rằng: “Ai thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo pháp xưa, hoặc các đại thần, quan lại, tướng hiệu, các chức trong ngoài, có người nào không giữ phép, hối lộ nhiễu hại lương dân, làm việc thiên tư phi vi, thì hặc tâu lên ngay, Nếu cứ ngồi trông dung túng, chăm việc nhỏ nhặt, cùng là nói hão không đâu thì chiếu luật trị tội…” (trang 93, 94), hơn thế nữa, Thái Tổ còn tiên liệu được cái nạn con ông cháu cha, cậy thế làm càn có thể sẽ gây phương hại cho dân chúng, nên đã: “Hạ lệnh cho con em của các nhà đầu mục và các tướng hiệu đều nên về nhận ruộng đất ở quê tổ, để khỏi tệ tranh chiếm” (trang 83 – Ghi chú: Các vị tướng lĩnh chỉ huy từ vệ quân trở lên, thuộc hàng trung cao cấp thường xưng hô với nhau là “Đầu mục”, bản thân Thái Tổ cũng tự xưng mình là “Đại đầu mục – Lam Sơn động chủ”).
Tất nhiên, dân chúng dưới con mắt của Thái Tổ phải là dân lành lương thiện, cần mẫn làm ăn và thuế khóa đầy đủ cho triều đình và những vị được hưởng lộc (ăn thuế trực tiếp tại khu vực được ban thưởng), còn, loại dân bất lương, bao gồm các loại vô công rỗi nghề, du thủ du thực hoặc các loại ngụy quan, ngụy quân, ngụy dân tuy đã được tha tội nhưng vẫn có hoạt động chống phá, thì đương nhiên, PHẢI ĐƯA VÀO ÁCH rồi (chúng tôi nhấn mạnh), và vì thế, định ra pháp luật để trị dân mong dân chúng đều trở thành dân lành, có công ăn việc làm, có thu nhập cao là điều mà Thái Tổ rất quan tâm. Ngài định ra các chính sách sao cho phù hợp và công bằng cho dân chúng, kể cả những thứ dân trước kia đã từng đầu hàng hoặc làm việc cho giặc. Xin đưa một ví dụ: “Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy Hành khiển bàn định luật lệnh trị quân và dân, cho người làm tướng biết mà trị quân, người làm quan ở lộ biết mà trị dân, để răn dạy cho quân dân đều biết là có phép, phàm các công việc đều có phụ trách, dâng lên vua xem”
Hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có pháp để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp.
“Các Lộ, ai thấy ngụy quan, thổ nhân và nhân dân tự các thành trốn ra mà không giải trình thì chém. Lại hạ lệnh cho các Lộ dò xét những người dị dạng qua lại, ai dám dung túng để cho người giặc và ngụy quan trốn lọt, thì Lộ quan và người thủ đội đều xử chém” (trang 83), hoặc: “Có chỉ cho các Lộ chỗ nào bị quân giặc cướp phá thì được giảm miễn thuế.
“Trị tội các ngụy quan” (trang 86), hoặc “Xuống chiếu rằng, các thuế như tô ruộng, vàng bạc, đầm phá, bãi dâu ở trong nước đều tha cho 2 năm không thu. Các Lộ ,những người già từ 70 trở lên được miễn sai dịch, những người con hiếu, đàn bà giữ tiết, thì cho các quan ở Lộ tâu lên để khen thưởng. Các nhà quân dân, trong một hộ mà 3 người sung quân thì miễn một người. Phàm các lăng miếu đế vương và công thần các triều đại trước, cho huyện sở tại tâu lên, sẽ lượng cấp cho người quét dọn” (trang 85), hoặc: “Chỉ huy các quan, cho Kinh đô và các Lộ, huyện, xã rằng người nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc, thì quan tư và quân dân bắt đem nộp để trị tội, đánh bạc thì chặt 5 phân ngón tay, đánh cờ vây thì chặt 1 phân ngón tay; cùng là những người không có cớ gì không phải việc quan mà họp nhau uống rượu thì xử 100 trượng; người dung chứa thì giảm tội một bậc” (trang 92), hoặc: “… bàn việc lớn của Nhà nước. Như người đánh giặc thì nghèo, người rong chơi thì giàu, người đi chiến đấu thì không có một thước một tấc để ở, mà những kẻ du thủ, du thực không có ích gì cho nước lại có ruộng đất quá nhiều, hoặc có kẻ làm nghề trộm cướp, thành ra không ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi. Nay sắc chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan quân và dân, trong từ đại thần trở xuống, cho đến các người già yếu bồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên…” (trang 93), hoặc: “… giết đảng giặc phản nghịch là bọn tên Phong, tên Nhữ Hốt, tên An Vinh, tên Trung, tên Tồn, tên Sĩ Văn, tên Sùng Lê, tên Xa. Trước kia bọn Phong đến hàng giặc Minh, giúp giặc làm ác, chống lại quan quân. Đến khi bình được giặc Minh, bọn Phong ra hàng, vua tha tội cho. Nhưng bọn Phong vẫn làm nhiều tội ác không chịu chừa, lại mưu làm loạn, kết bè đảng ngầm với nhau, làm giấy tờ mật, ngầm sai người nhà đi đường tắt xui người Minh đem quân sang thì bọn chúng sẽ làm nội ứng. Người mang thư bị Thượng tướng trấn Thái Nguyên là Hoàng Nguyên Ý bắt được. Vua đem người ấy giết đi mà giấu việc ấy. Đến tháng 8, lại có người đảng đến cáo giác, việc cũng giống thế. Đến đây mới hạ chiếu giết đi” (trang 90 – Ghi chú: ở trang 42 có nói đến việc bọn tướng ngụy là Đô ty Trần Phong, Tham Chính Lương Nhữ Hốt, Đô chỉ huy Trần An Vinh vì sợ Tổng binh Vương Thông đầu hàng nên đã dùng lời mê hoặc, kể về chuyện Ô Mã Nhi được vua Trần tha cho về nhưng lại cho người lén đục thủng thuyền để bị chết đuối. Chính vì thế, Vương Thông cố cầm cự, mãi một năm sau mới chịu đầu hàng, sau khi lập hội thề Đông quan với Thái Tổ vì đạo binh ứng cứu cuối cùng bị tiêu diệt. Thưa ông Vũ Bình Lục, còn nhiều lệnh chỉ của Thái Tổ trong những năm 1428 – 1429 cố gắng làm lợi cho dân và trừng trị nghiêm khắc các thứ dân vô lại, cũng như nhắc nhở các quan phải sống thanh liêm, gần dân và tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân, và điều chỉnh ngay các sắc lệnh có thể có hại cho dân. Mong ông hãy bỏ thời gian đọc kỹ đoạn này trong “Đại Việt sử ký toàn thư” T2 để đối chiếu với quan điểm của mình!
1.3.b. Củng cố chính quyền và vấn đề truyền ngôi.
Nói theo cách nói ngày nay, thì, Thái Tổ đã xây dựng một chính quyền rất gọn nhẹ, ở triều đình chỉ có 3 bộ là Lại, Lễ và Hộ (mãi tới thời Thánh Tôn mới tổ chức thêm 4 bộ nữa là Binh, Hình, Công và Đối ngoại), còn, ở địa phương thì lập thêm một Đạo nữa bao gồm các vùng Nghệ Tĩnh, Thuận Hóa gọi là Đạo Hải Tây, như vậy, sau chiến thắng đất nước có 5 Đạo: “Đạo đặt Vệ quân, Vệ đặt chức Tổng quản, lớn nhỏ ràng buộc nhau, trên dưới giữ gìn nhau. Lại đặt chức Hành khiển các Đạo để chia giữ sổ sách về quân dân” (trang 85 – Ghi chú: Phụ Đạo Hành khiển là quan đứng đầu, Tổng quản phụ trách quân sự. Dưới Đạo có Trấn, Tổng Trấn gọi là Tuyên Phủ sứ, dưới Trấn có Lộ, Quản Lộ được gọi là An Phủ sứ. Tất cả các quan đầu Lộ, đầu Trấn và Phụ Đạo Hành Khiển đều là các vị tướng quân trong khởi nghĩa Lam Sơn được Thái Tổ bổ nhiệm, tạo nên một chính quyền quân quản).
Vấn đề là, trong lúc còn kháng chiến thì rất hợp lý khi lập ra chính quyền quân quản, nhưng tạo sao khi đã hòa bình mà Thái Tổ vẫn duy trì loại hình chính quyền này?
Ta biết rằng, Thái Tổ đã rất giữ đúng lời hứa về giải trừ quân bị, sau giải phóng chỉ giữ lại 10 vạn quân phân cho các Đạo, còn 25 vạn quân được giải ngũ về vườn (cách nói lừa bịp ngày nay gọi là “phục viên”) để tiếp tục công việc đồng áng của nhà nông, nhưng vẫn có tên trong sổ bộ quân dân để đề phòng giặc Minh khởi động một cuộc xâm lược mới thì họ sẽ sung quân trở lại với bộ chỉ huy từ Tiểu Đầu mục đến Đầu mục vẫn còn nguyên trong số 10 vạn quân còn lại kia.
Vì thế, có thể Thái Tổ phải duy trì loại hình chính quyền này để làm chùn giấc mộng bành trướng của giặc Minh, nhưng, cũng có thể nghĩ rằng, Thái Tổ không nỡ để cho các vị Đầu mục của mình “về vườn”, mặc dù ngài biết rất rõ tuy họ là các vị tướng anh hùng trong chiến trận, là các anh hùng giải phóng dân tộc rất xứng đáng được ghi công, nhưng sẽ là những kẻ võ biền và không có một chút học vấn nào trong công việc trị dân, và, nếu tình trạng này còn kéo dài thì chắc chắn tệ quan liêu, tệ lạm quyền, làm hại cho dân chúng nhiều hơn điều tốt có thể đem đến cho họ (điều này đã bộc lộ ra sau đó 10 năm, tức năm 1437, vào lúc Thái tông Lê Nguyên Long đã làm vua – xin nói rõ hơn ở phần sau).
Đây chính là mâu thuẫn mà bất kỳ nhà nước nào được hình thành thông qua chiến tranh đều gặp phải, đặc biệt là chiến tranh giải phóng dân tộc, mà, khởi nghĩa Lam Sơn lại là trường hợp đầu tiên kể từ khi Ngô Vương Quyền dựng nước, và, Thái Tổ cũng chưa có kinh nghiệm gì để giải quyết loại hình mâu thuẫn này.
Đúng ra thì cũng có một mô hình, đó là nhà nước Đại Cồ Việt do Tiên hoàng Đinh Bộ Lĩnh thành lập thông qua cuộc chiến dẹp loạn các sứ quân, tiếc thay, yên ngựa chưa kịp cất thì triều đại nhà Đinh đã sớm bị tàn lụi, nên, cũng chưa có gì nhiều để cho Thái Tổ học hỏi kinh nghiệm, nhưng cái ý tưởng truyền ngôi cho con thứ và chủ trương Bắc Môn tỏa thược (Đóng kín cửa Bắc) lại làm cho Thái Tổ đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, còn một mô hình do triều Trần để lại, đó là cơ chế Thái Thượng Hoàng cho con tập sự làm vua trong lúc mình còn sống. Thực ra thì chính Đinh Tiên Hoàng cũng đã làm như vậy: vừa cho con thứ Đinh Hạng Lang làm Hoàng Thái Tử, vừa cho con trưởng Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, nhưng do Đinh Liễn ra tay sát hại Hạng Lang giành quyền làm Hoàng Thái Tử, rồi cả hai cha con cùng bị sát hại sau 11 năm cầm quyền (979), nên triều Đinh sụp đổ, chưa thể hiện được tính tích cực của mô hình này.
Thái Tổ cũng có hoàn cảnh giống như Đinh Tiên Hoàng, ngài có con trai trưởng Lê Tư Tề, một đầu mục trẻ tuổi trong khởi nghĩa Lam Sơn và con thứ Lê Lân/Nguyên Long, mới có 5 tuổi khi mình lên ngôi Hoàng đế cho nên phương cách của triều Đinh, tuy chưa có gì hiệu nghiệm nhưng cũng đã làm cho ngài để tâm đến.
Chúng tôi thiển nghĩ rằng, trong khi suy nghĩ về cách giải quyết mâu thuẫn thì Thái Tổ đã giác ngộ, nhận ra được thâm ý của Đinh Tiên Hoàng: Có thể giành Thiên hạ trên yên ngựa, nhưng, không thể dùng nó để trị vì Thiên hạ và an dân, và vì thế, ngài đã đi tới quyết định mang tính chiến lược, đó là chấp nhận đời mình có chính quyền quân quản, còn từ đời sau trở đi thì chính quyền phải dần dần được dân sự hóa.
Không biết có phải vậy không, nhưng nếu điểm qua các sự kiện thì thấy có thể Thái Tổ đã hành động đúng như vậy: Nhún mình tìm người có tài thực sự trong khi chỉ còn một thành Đông Quan là chưa bị phá, hoặc, ra sắc chỉ cho Lê Tư Tề làm Quốc Vương và Lê Nguyên Long làm Hoàng Thái Tử vào ngày 7 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1429): “Sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự là Lê Vấn, Nhập nội đại tư mã là Lê Ngân, Nhập nội Thiếu úy là Lê Văn Linh mang sách vàng lập Hữu tướng quốc Khai quận công Tư Tề làm quốc vương, giúp việc nước; sai Nhập nội Tư khấu là Lê Sát, Tư không là Lê Nhân Chú, Nhập nội Tư mã là Lê Lý, Nhập nội Thiếu úy là Lê Quốc Hưng mang sách vàng lập Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng Thái Tử” (trang 92 – Ghi chú: Phạm Vấn, Trần Văn Linh, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Lý, Bùi Quốc Hưng đều là các anh hùng khai quốc, và được Thái Tổ ban cho Quốc tính. “Khai” là “Khai quốc”; “Lương” là “Lương dân” đã cho thấy ý tứ trong việc phong quận công cho các con trước đó của Thái Tổ).
Sắc chỉ trên cho thấy, Lê Tư Tề chỉ được làm Quốc Vương khi Thái Tổ còn sống, còn Lê Nguyên Long chắc chắn sẽ được truyền ngôi.
Cái hay nhất của Thái Tổ chính là việc ngài đã lường trước được chuyện tranh quyền đoạt vị, vì đã rút ra từ bài học đau lòng mà triều Đinh đã mắc phải, cho nên, hai năm sau tức là vào năm Tân Hợi (1431) ngài đã ra sắc chỉ nhắc lại, để hạn chế Lê Tư Tề lúc đó đang có biểu hiện lập phe nhóm. Bài chiếu chỉ này, chúng tôi trích từ tập sách “Nguyễn Trãi toàn tập tân biên” Tập 2, trang 145 do NXB Văn học kết hợp với Trung tâm nghiên cứu Quốc học phát hành năm 2001: “Năm thứ 4 là năm Tân Hợi” (1431) xuống chiếu rằng:
Đường lối kinh luân thiên hạ, phải tính trước mà đón sau, lập phép mà để lại. Cho nên cha làm con nối mà đạo nhà thịnh vượng, anh kế em theo mà gốc nước vững bền. Các đấng triết vương đời trước lo việc thật sâu xa vậy! Trẫm mình mang giáp trụ, dầm sương dãi tuyết, mười ba năm trời, thực cũng gian lao lắm. Nay trí lự dần kém, tuổi tác ngày cao, muôn việc rất phiền, một mình khôn xuể. Nghĩ kỹ người xưa lấy kinh theo quyền mà hợp đạo thánh triết, lập anh truyền em mà hưởng nước lâu dài, châm chước thời nghi, lập làm định pháp. Tư Tề tuổi quá nhược quán, tính gần thành nhân, tuy tư lự chưa thật chu đáo tinh vi mà tai mắt cũng đã thấu nghe sự thế, hãy nên tạm quyền chính sự để giúp đỡ trẫm. Nguyên Long dẫu tính có thông minh, nhưng tuổi còn thơ ấu, hãy cứ giáo dưỡng ở Thanh cung, để đợi nên thuần đức. Nếu Tư Tề ra triều nghe chính, thì Nguyên Long giữ nước cầm quân. Nhất thiết theo như việc cũ đời Triệu Tống. Con cháu ngày sau cũng nên lấy nghĩa mà tương kế, truyền mãi vô cùng. Mai sau có ai không nghe lời trẫm, còn sinh dị nghị, dẫn lời của Triệu Phổ, cho thế là lầm, mà đổi lời nhất định của chiếu này, thì đó là bọn siểm nịnh, chực ngày sau làm như Mãng Tháo, chứ không phải là vì nước hết trung, phép nước không khoan dung được. Vậy xuống chiếu để cho văn võ thần liêu rõ cái nghĩa tự vương đã định mà giải mối ngờ nói hiểu khác nhau. Hết thẩy thần dân đều nên biết rõ.”
Đây là thông điệp thông báo tới toàn dân: “Cái nghĩa tự vương đã định”, tức là, Lê Nguyên Long chắc chắn sẽ nối ngôi khi Thái Tổ từ trần, đừng bàn luận xuôi ngược nữa, đừng có theo Lê Tư Tề để hy vọng kiếm chác nữa… Và cũng từ thông điệp này, Thái Tổ mong mỏi các đại thần khai quốc của mình rằng, hãy làm tốt chức phận được giao, sau này “về vườn” thì đã có lộc ban, đó là phần thưởng của đất nước trả công cho các vị rồi”.
Cái hay nữa là khi có chiếu chỉ phong cho Lê Tư Tề làm Quốc Vương và Lê Nguyên Long làm Hoàng Thái Tử thì Thái Tổ đã chính thức trở thành Thái Thượng Hoàng (cũng giống như Đinh Tiên Hoàng, hai ngài không tuyên bố mình là Thái Thượng Hoàng, cho nên, các sử gia, đời sau không đưa hai ngài vào danh sách Thái Thượng Hoàng của đất Việt do họ lập nên!), nhưng, không lập hành cung riêng (thực chất là đẻ thêm ra một triều đình nữa như các vua triều Trần, làm hao tổn thiếu nhiều sức dân). Và, thêm một điều quan trọng nữa là Thái Tổ, trong khi bận rộn về việc tổ chức chính quyền thì ngài vẫn không quên nhiệm vụ chính yếu nhất là tìm mọi cách để nâng cao sức dân với quyết định quan trọng nhất là hủy bỏ tiền giấy lưu hành trong dân chúng. Phân tích chuyện tại sao Hồ Quý Ly buộc dân phải dùng tiền giấy và tác hại của nó đối với dân chúng và đất nước ra sao không thuộc phạm vi của bài viết này, nên, chúng tôi chỉ trích thêm chiếu chỉ của Thái Tổ để ông Vũ Bình Lục hình dung xem dân chúng thời đó đã nức lòng ra sao: “Chỉ huy cho các đại thần trăm quan và thần liêu văn võ trong ngoài họp bàn về tiền pháp. Xuống chiếu rằng: “Tiền là huyết mạch của nhân dân, không thể không có. Nước ta vốn sản xuất mỏ đồng, nhưng đồng tiền cũ đã bị người Hồ (nhà Hồ) tiêu hủy, trăm phần chỉ còn một phần, đến nay việc quân, việc nước thường bị thiếu dùng. Muốn cho tiền được lưu thông tiêu dùng để thỏa lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng mà lưu hành ở trong dân hữu dụng, thực không phải là ý yêu dân dùng của. Nhưng đời xưa có người cho rằng vàng bạc da lụa, tiền thực tiền giấy, các vật ấy đều cần ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người thông đạt thì vụ ở trong ở ngoài đều bàn thể lệ dùng tiền cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không lấy lòng thích riêng của một người làm ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà thi hành” (trang 97).
Tiểu kết: Thái Tổ lấy niên hiệu của mình là “Thuận Thiên”, trong con mắt của ngài, Dân tức là Trời, vậy thì, cái niên hiệu ấy phải hiểu đúng nghĩa là “Thuận theo ý dân”, đúng như trước đó ngài đã ra lệnh cho Phục Hầu Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo với hai câu mở đầu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” , bởi thế, có thể coi nhà nước do ngài lập nên là nhà nước trừ bạo, trừ ngay cả yếu tố bạo có thể nảy sinh ngay trong chính quyền, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực, sẽ tạo ra tình trạng quan liêu, lạm quyền dẫn đến phản dân. Cho dù sau này người ta có xếp nhà nước của ngài vào hạng “Chính quyền phong kiến chuyên chế” đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn tin rằng: Nhân dân rất biết ơn ngài!
2.Về Thái Tông Lê Nguyên Long
- Huyền thoại và ngụy sử lên ngôi, lấn át sự thật lịch sử
Đã đến lúc phải suy ngẫm thật kỹ là tại sao các sử gia đời sau lại cố tình không nhắc đến hai chiếu chỉ của Thái Tổ về việc đồng thời cho Lê Tư Tề làm Quốc vương và cho Lê Nguyên Long làm Hoàng Thái tử năm 1429, về việc thông báo tới toàn dân “cái nghĩa tự ”vương đã định” năm 1431?. Nguồn sử liệu ở TK 18 và TK 19 như là “Đại Việt Thông Sử” của Lê Quý Đôn (1726 – 1784); hoặc “Việt Sử Tiêu Án” của Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780); hoặc “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” của Phan Huy Chú (1782 – 1840) và hoặc “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” là bộ chính sử cửa triều Nguyễn (do Quốc Sử quán soạn thảo vào những năm từ 1856 đến 1884, với khoảng 30 tác gia cùng hợp tác biên soạn) đã để lại một hình ảnh méo mó về Thái Tông cho đến tận bây giờ, làm cho hậu thế hình dung ra một ông vua trẻ con lập nghiệp như thế này: “Năm 1432, Lê Thái Tổ nhiều bệnh, chính sự nhà nước đều giao cho thân vương Lê Tư Tề nhưng thân vương mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tì thiếp, dần dần không hợp ý Thái Tổ (1). Năm 1433 vua Lê Thái Tổ vời người cháu ruột là Nhập nội Tư Mã, Kỳ Lân Hổ Vệ tướng quân Lê Khôi lúc ấy đang trấn thủ Hóa châu về triều để bàn lập thái tử. Lê Khôi bàn với vua nên lập Hoàng tử Nguyên Long, vua Thái Tổ nghe lời và quyết định lập Lê Nguyên Long làm thái tử nối ngôi” (2) (trích từ “Wikipedia.org” – Ghi chú: Ý 1 lấy từ “Đại Việt Thông Sử”; ý 2 lấy từ “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” đã cho ta thấy một sự bịa đặt trắng trợn: Tư Tề đã được làm Quốc vương, đồng thời, Lê Nguyên Long đã được làm Hoàng Thái tử ngay từ đầu năm 1429, chứ đâu có phải mãi tới 1432 mà Tư Tề mới chỉ là Thân vương, còn, Nguyên Long mới chỉ là Hoàng tử!?).
Chưa biết sự bịa đặt tình tiết Thái Tổ gặp Lê Khôi có ý đồ gì, nhưng, cái di hại của nó thì còn đầu độc cho tới tận ngày nay: Nào là các sách thơ văn, nào là các sách chép sử, rồi ở cả các trang mạng nữa khi nói về Thái Tông, và, nhất là cái thảm án khiến cả gia tộc Nguyễn Trãi bị tru di vì có liên quan tới cái chết của ngài năm 1442 ở Lệ Chi viên (vườn Vải), các tác giả đều đã dựa vào chi tiết bịa đặt này để làm luận đề cho các bài viết của mình!
Không rõ ông Vũ Bình Lục có bị vướng vào tình tiết ma mị này không, khi mà ở số 37 ông viết thế này: “Lê Thái Tổ mất năm 1433, khi mới 49 tuổi. Con trưởng Lê Tư Tề đã sớm bị gạt khỏi ngôi Thái tử. Lê Nguyên Long (Thái Tông) lên làm vua khi ấy mới 11 tuổi….”, thế nên, chúng tôi chỉ nhắc thêm với ông rằng: Lê Tư Tề từ Hữu Tướng quốc Khai Quận công tiến thẳng lên chức Quốc vương Điện hạ chứ ông ta chưa bao giờ làm (Hoàng) Thái tử cả để rồi sớm bị gạt khỏi ngôi này!
Nếu nghiên cứu về tình tiết nói trên, chỉ có thể nhận định rằng, Lê Thái Tổ có thể vời Lê Khôi vào trong Cung để giao cho ông này làm Phụ Chính sau khi ngài qua đời, nhưng do lo ngại điều gì đó mà Lê Khôi không dám nhận, nên, sau này Thái Tổ phải giao phó cho 3 người ngoài làm Phụ Chính, đó là 3 công thần bậc nhất là Phạm Vấn, Lê Sát và Lê Ngân. Còn cái ngụy thuyết cho rằng Lê Khôi “hiến kế” cho Thái Tổ khi bàn định việc lập Thái tử để truyền ngôi thì rõ ràng là bịa đặt rồi, cần phải hất nó vào sọt rác của lịch sử!
Lại nữa, từ các nguồn như “Đại Việt Thông Sử” hoặc “Việt Sử Tiêu Án” mà ngày nay chúng ta lại thấy thêm vai trò cực kỳ quan trọng của bà mẹ Nguyên Long (Phạm Thị Ngọc Trần), khi bà hiện lên trong giấc mơ của Thái Tổ để đòi quyền lợi cho con, và, Thái Tổ đã truyền ngôi cho Nguyên Long chính là để thực hiện lời hứa khi xưa đối với người thiếp dũng liệt yêu quý của ngài: bà đã chấp nhận hy sinh, làm vợ thần Phổ Hộ (thần Cá Quả) để thần mở đường giúp đại quân giải phóng Nghệ An!
Như vậy, một Thái Tông càng thêm méo mó đã hiện lên trước dân chúng: Ngài được nối dòng đại thống chẳng qua là do công của Lê Khôi và bà mẹ yêu quý, chứ trẻ ranh thì có tài cán gì mà lại dám tranh ngôi của ông anh đầy công trạng của mình!
Bởi vậy, phải gạt bỏ ngụy sử và các truyền thuyết đang mờ mờ ảo ảo bao xung quanh Thái Tông thì may ra chúng ta mới có thể nhận thức gần chân về ngài. Đây là chuyện lâu dài, vì, các ngụy sử và huyền thoại như đã nêu ở trên đã hiện diện rất nhiều trong các bài viết của các nhà văn, các nhà chép sử, các gia phả của các dòng họ có liên quan, thậm chí, ở cả bảo tàng lịch sử nữa (bạn cứ vào google với từ khóa “Lê Thái Tông” hoặc “Phạm Thị Ngọc Trần” mà xem!)
Tất nhiên, để gạt bỏ được các ngụy sử và huyền sử thì cần phải giải mã xem chúng được dựng nên để làm gì!?
- Vai trò của Thái Tổ đối với Thái Tông.
Trên cơ sở dữ liệu chân thực, có thể thấy rằng quyết định truyền ngôi của Thái Tổ năm 1429 có thể đã hợp lòng dân nhưng chưa hợp lòng quân cho lắm, có lẽ cái nạn công thần đã là tệ nạn thâm căn cố đế từ lâu trên đất Việt này rồi.
Nạn công thần, không thể chấp nhận cái chuyện con em mình bị Thái Tổ đuổi về quê để tránh sự tranh chiếm đất của dân.
Nạn công thần, không thể chấp nhận cái chuyện bản thân mình có công lao cực kỳ to lớn, vào sinh ra tử trong kháng chiến, bây giờ lại phải đứng trước nguy cơ bị triều đình cho “phục viên” sớm. Lẽ ra phải được hưởng lộc phát sinh, bên ngoài cái lộc mà Thái Tổ đã ban, thì lại phải để cho thằng khác nó hưởng!
Nạn công thần luôn xảy ra ở các quỷ tướng, bỏ gươm đao xuống thì kể công, đòi được chế độ hưởng thụ, sắp xếp chức tước phải cho xứng với công lao của mình, khác hẳn với các vị nhân tướng khi bỏ gươm đao xuống thì cố gắng làm các việc hộ sinh cho các bà mẹ Việt, nếu có thể giúp gì vào việc dưỡng sinh thì càng tốt.
Thái Tổ chắc phải biết rõ điều này. Đọc các chiếu chỉ của ngài ta thấy rất rõ ngài am hiểu rất kỹ lịch sử, kể cả ta lẫn Tầu. Ngay trong lúc còn kháng chiến ngài đã ra lệnh tu sửa đền thờ Trần Hưng Đạo Đại vương, vì ngài biết trong vô vàn tướng lĩnh kiệt xuất của nước Việt thì duy nhất chỉ có Trần Quốc Tuấn là một vị nhân tướng, nên đã cố gắng khuếch trương công đức của Đức Thánh, để thông qua đó, hạn chế tư tưởng công thần đã bắt đầu nảy sinh trong hàng ngũ các vị Đầu mục, (chính ngài đã phải gạt nước mắt để ra lệnh giết Lê Lai và tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn – trang45). Và vì vậy, ngài đã rất dũng cảm vì đã quyết định không truyền ngôi cho Lê Tư Tề mà lại trao trọng trách này cho Lê Nguyên Long, vì ngài biết rõ rằng nếu cho Tư Tề nối ngôi thì mãi mãi không dẹp được nạn công thần và đất nước sẽ trượt dài vào con đường quân phiệt hóa, vì, quỷ tướng chỉ lấy công lao của mình làm thước đo cho xã hội, đồng nghĩa với việc sẽ chẳng có cơ hội nào để thành lập chính quyền dân sự nữa.
Vì thế, chiếu chỉ năm 1429 đã làm không ít các Tiểu Đầu mục và Đầu mục bất bình, người thì thương cho Tư Tề, kẻ thì có thể đã móc nối với Tư Tề để tính chuyện “lật kèo”, cho nên, Thái Tổ lại phải chấn chỉnh, như chúng tôi đã viết ở phần trước là “nhắc lại” bằng chiếu chỉ năm 1431: “…cái nghĩa tự vương đã định…”.
Hiểu được điều ấy thì sẽ thấy Thái Tổ (có thể kể thêm cả Đinh Tiên Hoàng nữa) là vị vua cực kỳ vĩ đại, bởi ngài thấy rất rõ nếu quỷ tướng mà nắm vận nước thì sớm muộn gì cũng sẽ nảy sinh tệ nạn quan liêu và trị dân bằng vũ lực, nhà nước sẽ trở nên lộng quyền, chuyên chế và phản dân, đi ngược với mục tiêu nhân nghĩa ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Bởi thế, ngài đặt mọi hy vọng vào Lê Nguyên Long và cố gắng chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tạo dựng cho ông vua nhỏ: “…không cần mẫu hậu che rèm nghe việc mà công việc trong nước đều tự mình làm cả” (trang 107)
Chắc cũng chẳng còn cách nào ngoài hai cách để giúp con, đó là, cố gắng triệt tiêu nạn công thần, xử nghiêm luật đối với các quan to phạm tội và tìm thầy giỏi để Nguyên Long được học hành đến nơi đến chốn.
Việc trên thì dễ vì đã có luật và Thái Tổ luôn điều chỉnh bằng những chiếu chỉ rất sát sao và kịp thời. Chúng tôi xin trích một vài ví dụ, tuy nhiên, có thể dung lượng ở những chiếu chỉ này khá dài nên chúng tôi chỉ xin phép trích ở những ý quan trọng, mong bạn đọc có thể tìm hiểu thêm bằng cách đọc trực tiếp những chiếu chỉ này trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ví như: “…nếu ai ẩn lậu hoặc là lấy của công làm của tư, thay đổi không làm có, có làm không, thì xử tội đồ lưu biếm bãi” (trang 89); hoặc chống nạn chứng nhận người không có công thành có công (nạn công thần giả) ở địa phương: “..Con cháu anh em nào không thuận đạo mà quên nghĩa, cầu an hàng giặc, thì không được nhận. Ai làm trái thì xử biếm hay bãi” (trang 91); hoặc những hành vi có thể quy tội thì xử tội chứ không cần phải can gián nữa (trang 94); hoặc ra quy định về mức ruộng đất được hưởng ở bên trong và ngoài doanh trại, cấm cấp vượt mức hoặc bỏ hoang hóa phần đất được giao (trang 95); hoặc cảnh báo trực diện, chấn chỉnh công vụ: “ … Nay trẫm xét ra việc của bọn phạm nhân Mộng Vân, Lương Châm mới biết tình trạng thực dối của các quan, cho nên, ra mệnh lệnh này……, chớ bảo là trẫm phụ bề tôi cũ có công lâu vậy” (từ trang 98 đến trang 100); hoặc nhằm vào chính con em các công thần đã về quê nhận ruộng nhưng do mải ăn chơi ở kinh thành nên bỏ ruộng hoang (trang 100).
Bằng các biện pháp cực kỳ nghiêm khắc, Thái Tổ đã cố gắng hạn chế tối đa nạn công thần và thay thế dần các quan ở địa phương bằng những người có thực tài trong việc quản trị mà ngài tìm được qua những sắc chỉ kêu gọi hoặc thi tuyển để tìm người tài ra giúp nước, tuy nhiên, dù cố gắng đến mấy thì cũng chỉ đạt được ở mức vừa phải, chưa thủ tiêu được hoàn toàn nạn công thần và tệ quan liêu, nhưng dù sao thì Thái Tổ cũng đã truyền lại được cho Nguyên Long cái đường hướng xử lý để sau này ông con tiếp tục làm.
Việc tìm thầy dậy cho con còn khó hơn. Hơn ai hết, Thái Tổ hiểu rất rõ rằng mình thuộc tộc người đã bản địa hóa từ lâu đời, khác với các vua của những triều đại trước đó như Lý, Trần, Hồ vẫn tự hào khoe rằng tổ tiên của mình là “người phương Bắc”. Tìm thầy để dậy cho con hiểu được những lẽ ấy là điều cực khó, còn, tìm thầy để con có vốn học thức, có khả năng quản trị để trị quốc an bang thì có thể tìm được từ những người có khả năng mà ngài đã cố công tìm ngay trong lúc còn kháng chiến và sau này nữa, mặc dù, có khá nhiều người chẳng có bằng cấp gì như là Bùi Cầm Hổ, Trình Thanh, Nguyên Thiên Tích…. Nhưng, dù sao thì Nguyên Long vẫn còn là trẻ con, cho nên, chỉ sau 2 ngày phong cho Nguyên Long làm Hoàng Thái tử, thì Thái Tổ đã: “Chỉ huy rằng quan võ từ chức Quản lĩnh, quan văn từ chức Hành khiển trở lên, ai có con trai từ 15 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên, cho vào hầu Hoàng Thái tử. Ngày 15 tháng này thì đến học đường để điểm mục, quan Nội mật viện lên danh sách. Quan võ từ chức Đồng tri trở xuống, đến Đại đội trưởng trở lên, quan văn từ Thượng thư trở xuống đến Thất phẩm, ai có con trai trưởng từ 17 trở xuống, 9 tuổi trở lên, đều đến nhà Quốc học điểm mục, học quan làm sổ và dậy học” (trang 93)
Như thế, vừa vui chơi với chúng bạn, mặc dù các bạn này đều lớn hơn mình từ 2 tuổi trở lên, vừa được học tại trường công, lại vừa được học ở thầy riêng nên Nguyên Long đã sớm tiến bộ về mọi mặt, phần nào cũng đã thỏa được niềm mong mỏi của Thái Tổ.
Một vấn đề cũng khá tế nhị nhưng lý thú và cũng nên tìm hiểu, là tại sao Thái Tổ không nhờ các vị rất giỏi được liệt vào hàng Túc Nho như Nguyễn Trãi, Bùi Ư Đài, Bùi Quốc Hưng, Lê Văn Linh dậy cho Nguyên Long mà lại cố công tìm người tài giỏi trong nhân gian, thậm chí, trong những người này có người không có bằng cấp gì và có người còn rất trẻ nữa?
Thái Tổ chắc cũng đã “dậy thêm” cho con, thông qua các buổi mà Nguyên Long hành lễ vấn an sáng sáng đối với cha. Bằng những tâm sự, bằng sự truyền đạt, ngài đã truyền cho con những gì ngài biết, những việc muốn làm mà chưa làm được, hoặc, rất ăn năn hối lỗi vì đã quá tin vào bọn nịnh thần mà lỡ giết hại những người lẽ ra không phải chết…, và luôn luôn nhắc nhở Nguyên Long rằng, các triều đại trước đó luôn tự hào dòng tộc của mình là “người phương Bắc”, cho nên, tuy lập vương quốc riêng nhưng họ vẫn coi Hoa Hạ là hình mẫu, tạo nên một nhà nước tưởng như là độc lập nhưng thực ra lại là phiên bản không đầy đủ của Thiên triều mà trong nhân gian vẫn nhạo báng, gọi là “Tầu nhái”, hoặc, “Việt đấy mà không là Việt”, rất nhức nhối tâm can, bởi thế, lần này cần phải xây dựng một nhà nước mang tính Việt nhiều hơn, cố gắng Việt hóa tất cả những thứ đang là Tầu nhái, càng nhiều càng tốt.
Thái Tông có thể học được nhiều thứ từ các chúng bạn, học được nhiều kỹ năng từ các thầy, nhưng, bài học cứ như là nỗi niềm, cứ như là trăn trối mà ngài nhận được từ cha, thì, nó lại là chuyện ám ảnh ngài suốt cả cuộc đời: Việt Đấy Mà Không Là Việt!
- Tiếp nối các công việc dang dở mà cha để lại.
Thái Tổ mất năm 1433, Thái Tông nối ngôi dưới sự Phụ Chính của 3 Á Phụ. Tuy mới 10 tuổi nhưng do vì học vấn khá cao nên Thái Tông thường tự mình giải quyết các vấn đề, mặc dù, trong hai năm đầu thì ngài vẫn thường phải tham vấn ý kiến của các Á Phụ trước khi đưa ra chiếu chỉ chính thức.
Tuy ít tuổi nhưng Thái Tông luôn nhớ đến lời dặn dò của cha là cần phải Việt hóa mọi thứ, kể cả từ triều đình trải xuống tới tận dân chúng. Những thứ Tầu Nhái, hoặc, Việt Đấy Mà Không Là Việt thì cần phải cải tạo kỹ lưỡng, đến nơi đến chốn, nhược bằng, nếu không thể Việt hóa những thứ đó thì cần phải mau chóng thoát khỏi đó, thậm chí, có thể phải dùng tới vũ lực để triệt hạ nó.
Các triều đại trước đã để lại một di sản Tầu nhái mà Thái Tông biết rằng cha mình mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ, đó là, trừng trị những kẻ phản quốc và con cháu của chúng. Nhưng, đó chỉ là phần nổi, còn phần chìm rất lớn chính là do ở vùng Đông Kinh này tồn tại rất nhiều các dòng họ lớn (cự tộc), những dòng họ luôn trưng gia phả để khoe rằng tổ tiên của họ “là người phương Bắc”. Sự phân biệt, so bì gây mất đoàn kết dân tộc chính là xuất phát từ khối dân chúng này: họ rất coi thường dân bản địa, đặc biệt là rất coi thường các sắc dân thiểu số ở miền núi. Bắt chước Trung Nguyên, họ gọi dân miền núi là man, là mọi và gọi những vùng nào có nhiều người bản địa là “vùng Trại” để phân biệt với vùng họ ở vì coi rằng văn hóa ở những vùng này thấp hơn “vùng mình” nhiều; hơn nữa, họ sẵn sàng phản bội triều đình, đưa toàn gia đi theo giặc phương Bắc mỗi khi chúng tràn xuống xâm lăng Đại Việt (Điển hình là gia tộc của Mạc Thúy trong vụ xâm lược vừa qua của giặc Ngô, chúng thông báo cho giặc những điểm yếu trên tuyến phòng thủ từ Tam Giang đến Phú Luông của quân đôi nhà Hồ, dẫn giặc bí mật đi theo đường thượng đạo để tập kích sau lưng quân phòng thủ, rồi, hăng hái dẫn quân bản bộ truy đuổi cha con Hồ Quý Ly tới tận núi Thiên Cầm, và rồi lại cả gan “thay mặt các kỳ lão, trí sĩ đất Việt” đề nghị cho Đại Việt trở thành quận huyện của chính quốc. Khi tên này bị nghĩa quân của Nông Văn Lịch bắn chết, chính Minh Thành tổ Chu Đệ/Lệ cho con của Mạc Thúy là Mạc Trung ăn lộc của cha nhưng “không phải gánh việc nước”, và, Chu Đệ đã làm một việc mà lũ Việt gian rất lấy làm vinh hạnh, cho đó là “vinh quang tột đỉnh”, khi hắn làm thơ truy tặng cho Mạc Thúy và các đồng liêu bán nước của y). Những gia tộc này, và cả các phần tử phản bội trong các đền chùa, thực sự đã trở thành các đạo quân nằm vùng, làm tay trong cho kẻ địch, cho nên, Thái Tổ phải tìm mọi cách diệt trừ không để cho chúng tác oai tác quái như ở thời mạt Trần và triều Hồ nữa.
Những dang dở mà cha để lại, đương nhiên, đó là trách nhiệm mà Thái Tông phải gánh vác tiếp, vấn đề là, ngài đã từng bước giải quyết như thế nào.
2.3.a. Tiếp tục củng cố chính quyền trung ương tập quyền.
Triều đình Lê sơ đứng trước một nhiệm vụ lập quốc cực kỳ khó khăn: Vừa phải Việt hóa các loại phản Việt, Tầu nhái, Việt đấy mà chẳng là Việt, lại vừa phải giải quyết vấn đề nhân sự trong bối cảnh rất thiếu những người có khả năng quản trị tốt nhưng lại quá thừa các võ tướng rất giỏi chiến trận nhưng lại rất kém trong các vấn đề dân trí dân sinh. Bởi thế, Thái Tổ không đi vào vết xe đổ của các triều đại trước mà tập trung xây dựng một chính quyền tập quyền để hạn chế nạn cát cứ quân phiệt có thể xảy ra, nếu không quản chế được các tướng lĩnh được phong ở các Đạo. Vì thế, biện pháp đầu tiên mà Thái Tổ áp dụng là thuyên chuyển thường xuyên các quan chức ở địa phương và tăng các cuộc tập trận đối với toàn quân (còn gọi là “duyệt binh”), để thông qua đó, thải loại dần các tướng lĩnh và binh lính luyện tập kém, không có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Biện pháp tiếp theo là cấm quân thường trực (10 vạn quân còn giữ lại sau kháng chiến) không được làm kinh tế (khác hẳn với chính sách “ngụ binh ư nông” ở thời Trần). Như vậy, bằng chính sách chuyên nghiệp hóa các bộ phận nhà nước và dân chúng, Thái Tổ đã tạo nên một đạo quân thiện chiến, sẵn sàng chiến đấu ở bất kỳ chiến trường nào và một nền kinh tế hàng hóa phát triển vượt bậc, tạo nên một tiềm lực lớn cho đất nước chỉ sau mấy năm cầm quyền. Tất nhiên, đối với các miền đất biên cương nơi có nhiều các sắc dân thiểu số, thì Thái Tổ lại có chính sách hết sức mềm dẻo để họ tham gia quá trình Việt hóa, bằng cách cho các thủ lĩnh bộ lạc chức phụ đạo có quyền thế tập (con có quyền tập ấm chức của cha nếu cha từ trần – một hình thức cha truyền con nối để đảm bảo tính lãnh đạo cộng đồng của dòng họ được phong), nhưng cũng sẵn sàng cất quân tiêu diệt và xóa bỏ quyền thế tập đối với những kẻ nào làm phản, ly khai để theo Tầu hoặc Ai Lao, phá hoại tính vẹn toàn của đất nước….
Thái Tông nối chí của cha nhưng ngài nâng mức cao hơn bằng cách duyệt binh thường xuyên, thay đổi địa điểm duyệt binh mà chỉ báo trước ít ngày để kiểm tra tính cơ động của các lực lượng quân đội và để lột trần các thủ đoạn diễn giả, mang tính hình thức qua loa, không thực chất mà ở thời Thái Tổ đã bắt đầu có biểu hiện, thưởng phạt nghiêm minh cho từng vệ quân ở các Đạo, thăng chức hoặc biếm chức các quan thường xuyên do biết sử dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát chứ không dựa vào các báo cáo từ dưới lên, làm cho quan quân rất kính trọng “tâm phục khẩu phục”. Mặt khác, ngài cương quyết dẹp loạn, tiêu diệt các thủ lĩnh ly khai, quân Chiêm Thành xâm lấn và các nhóm dân chúng phạm pháp, không tuân theo kỷ cương phép nước (các trang 110; 113; 115; 143; 167; 168). Đặc biệt đối với những tiểu quốc nhỏ thuộc Ai Lao đã thần phục, những kẻ nào phản dân hại nước thì không phát binh tới cứu khi họ gặp nguy cấp, như trường hợp Côn Cô (các trang 122; 125; 128 – Ghi chú: Bên Ai Lao có nội loạn, vua nước đó là Côn Cô xin Thái Tông cứu, Côn Cô là tên vua gian ác nên Thái Tông dặn dò Quản lĩnh Mường Mộc là Xa Miên dềnh dang tiến quân chậm, đợi đến khi tên này bị giết rồi thì mới tiến vào kinh đô Ai Lao giải quyết hậu quả).
2.3.b. Hạn chế tối đa cách cai trị theo mô hình Trung Nguyên, xây dựng lề luật mới.
Không rõ là học được từ cha, hay từ thầy dậy, hay tự nghiên cứu sử sách mà Thái Tông rất rõ chuyện các bộ lạc Tiên Ty, Sa Đà, Mông Thát xâm nhập Trung Nguyên, lập quốc và nô dịch dân Hoa Hạ đã xảy ra nhiều, nhưng nếu, họ xây dựng triều đình và cai trị dân Hán theo mô hình của Trung Nguyên, tức là theo mô hình Nho giáo: Hoàng Đế lấy danh nghĩa là Thiên tử (con Trời) để cai quản tất tần tật các loại bàn dân Thiên Hạ (dưới Gầm Trời), thông qua hệ thống quan lại được lựa chọn qua thi cử gọi là Quân tử (con vua), thì sớm muộn gì, các bộ lạc ấy cũng đều bị Hán hóa và biến mất trên vũ đài của lịch sử, điển hình là bộ tộc Khiết Đan, đã có thời lập nên Đại Liêu làm cho dân Hán khiếp đảm, rồi đến tộc Sa Đà lập nên Tây Hạ Hoàng triều, và, gần nhất là Mông Thát lập nên triều Nguyên, đã từng “đông như quân Nguyên” nhưng 3 lần thảm bại trên đất Đại Việt, cũng đều bị Hán hóa, đất tổ bị mất, bị trở thành một bộ phận của Trung Nguyên hoặc trở thành thuộc quốc của họ và dần dần bị đồng hóa (cũng cần phải kể đến tộc Nữ Chân, trước Thái Tông họ đã tiêu diệt Đại Liêu để thành lập nhà Đại Kim, họ là mối lo khủng khiếp của dân Hán, đến nỗi, nhà Tống phải bỏ phần Bắc của đất nước để chạy về phương Nam, hình thành nên nhà Nam Tống. Sau Thái Tông thì tộc Nữ Chân này phục hồi, thành lập nhà Hậu Kim, rồi đổi thành Mãn Thanh, đã lật đổ triều Minh để thống trị Trung Nguyên, đây là thời kỳ mà Mãn Thanh xưng hùng xưng bá ghê gớm nhất nhưng lại bị Hán hóa đến mức cao nhất, hậu quả là tới năm 2010 thì cả cái bộ tộc oai hùng đó chỉ còn hơn 10 người biết nói thông viết thạo ngôn ngữ của dân tộc mình!).
Vì thế, trong vị thế chỉ là tiểu quốc trong con mắt của Thiên triều, nên Thái Tông đã lựa chọn chính sach ngoại giao khôn khéo: Bề ngoài là tỏ ra thần phục, coi mình là phiên thuộc của Trung Nguyên, nhưng bên trong, thì luôn củng cố nền độc lập của đất nước bằng các biện pháp Việt hóa các thứ Tầu nhái, Việt đấy mà chẳng là Việt, tiêu diệt các cá nhân và những dòng họ thân Tầu, đồng thời, tiêu diệt bọn thân Tầu năm vùng trong các đền chùa và thực thi cái gọi là “Nho đấy mà chẳng phải Nho”, tức là rất ồn ào tuyên bố cách trị dân theo mẫu hình của Thiên triều, dùng các quan đỗ đạt sau những kỳ thi, nhưng thực tế lại sử dụng những người có thực tài vào việc chính như Bùi Cầm Hổ, Trình Thanh, Lương Đăng…và xa lánh dần các bậc “túc nho” như Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng, Bùi Ư Đài, Lê Văn Linh…, mặt khác, rất khôn khéo trong các việc giữ yên bờ cõi biên cương, từ việc đòi đất do Hồ Hán Thương chấp nhận dâng cho giặc đến việc ràng bó để các bộ lạc biên cương đi theo triều đình…. Nhưng quan trọng nhất là đã đưa ra được các lề luật, quy định hoàn toàn mới chứ không lệ thuộc quá nhiều vào “điển tích” theo kiểu của các vị “túc nho”. Ví như, “hạ lệnh cho người Minh (không dám trở về nước mà ở lại làm ăn sinh sống tại đất Việt), phải mặc quần áo Nam và cắt tóc ngắn” (trang 164), hoặc đặc biệt, cốt lõi của văn hóa Việt như âm nhạc, trang phục, triều phục hoặc các lễ nghi triều chính, quan đường, quân môn…và nhiều vấn đề khác đều được thay đổi theo quy định mới, chẳng giống một chút gì so với Thiên triều. Hãy theo dõi cuộc tranh luận giữa phe bảo thủ (đứng đầu là Nguyễn Trãi) với phe Việt hóa (đại diện là Lương Đăng) thì sẽ cho ta thấy Thái Tông, tuy còn rất nhỏ tuổi, nhưng đã rất anh minh như thế nào (các trang 161; 162…), thậm chí, còn bày ra các trò chơi với hoạn quan, lấy cớ mải chơi để trốn không phải học trước các vị túc nho bảo thủ ấy (các trang 131; 137..).
Mặt khác nữa ngay cả những tệ nạn xã hội, vi phạm đến thuần phong mỹ tục, đến đạo lý đang nảy sinh trong dân chúng, trong giới quan trường cũng bị Thái Tông xử lý nghiêm khắc (các trang 121; 130; 132; 138; 139; 140).
2.3.c. Khuyến học, mở mang dân trí.
Thái Tông, cũng giống như cha mình, là trường hợp đặc biệt trong các vị Quân chủ phong kiến chuyên chế phương Đông vì luôn không coi những lời nói, những sắc chỉ do mình ban ra là “ngàn vàng”, là “khuôn vàng thước ngọc” để bắt quan, quân, dân phải làm theo. Thái Tông có rất nhiều ngôn quan, thậm chí, có những vị dám “kể tội vua” nhưng ngài vẫn tin dùng, mặc dù đôi lúc họ làm ngài trái tai bực mình, do những sớ tấu phản biện của họ dâng lên ngài. Điều quan trọng nhất là, để có những phản biện tốt nhất cho mình thì Thái Tông đã nhận thức được sự cần thiết về việc phải nâng cao dân trí trong toàn dân, bởi thế, ngài đã ra nhiều sắc chỉ mang tính khuyến học. Trước mắt là tổ chức các kỳ thi chọn lại viên để giúp cho các quan, vốn là khai quốc công thần, dốt chữ và quan liêu hóa: “Khảo thi viết và tính, lấy đỗ 600 người, bổ làm thuộc lại các nha môn trong ngoài. Phép thi kỳ thứ nhất viết ám tả cổ văn, kỳ thứ hai viết chữ chân chữ thảo, kỳ thứ ba thi tính. Phàm nhân dân và sinh đồ đều cho vào thi. Bấy giờ các Tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích học nho, chuyên lấy việc sổ sách giấy tờ và kiện tụng để xét thành tích các quan, bọn lại thuộc phần nhiều chiều hót quan trên, cho nên quan trong ngoài có chức nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng. Những bọn hãnh tiến bỏ nghề học theo nghề giấy tờ. Giám sinh cũng muốn bỏ việc đọc sách mà đi làm lại, cho nên cấm không cho thi. Lần thi này những kẻ luồn lọt thỉnh thác có đến một nửa (trang 147).
Thái Tông chính là người định ra thể lệ thi cử đầu tiên áp dụng cho mọi thứ dân, không phân biệt giầu nghèo, đẳng cấp.
Thái Tông chính là người đầu tiên khuyến học trong dân chúng bằng cách định ra rằng ai đỗ tiến sĩ thì sẽ được khắc bia đá vinh danh, được phối thờ trong các Văn Miếu (trang 169).
Nên nhớ, dân trí càng tăng thì khả năng phản biện, bày tỏ nỗi lòng càng tăng trong dân chúng. Điều này không thể có được trong một chính thể cực quyền toàn trị và độc tài, cho dù nó mang danh nghĩa rất hay ho nào đó!
Dù sau này, bọn văn nô, sử nô vì theo lệnh chủ mà cố tình xuyên tạc hoặc hạ thấp vai trò lịch sử của Thái Tông điều gì đi chăng nữa, thì, ngài vẫn là một vị Hoàng Đế được dân chúng và giới trí thức đích thực vinh danh và nhớ đến mỗi khi Tổ quốc bị vào thời mạt vận. Đúng như văn thần Thân Nhân Trung dưới thời Thánh Tông, con ngài, đã viết khi soạn bài văn bia nói về khóa thi năm 1442 có đoạn: “Đức Thái Tông Văn hoàng đế nối theo nghiệp lớn, mở rộng nếp xưa, xem xét văn hóa con người, thành công trong việc giáo hóa thiên hạ, lấy việc sùng Nho trọng Đạo làm đầu, tìm tòi trân trọng hiền tài làm trước tốt. Ngài nghĩ rằng mở khoa thi kén chọn kẻ sĩ là việc trước tiên trong phép trị nước. Tổ tiên cơ đồ, mở mang giáo hóa thịnh trị chính là việc này. Sửa sang và xây dựng chính trị, dạy dân những phong tục hay cũng là nhờ đó….” (trích trên báo An ninh thế giới cuối tuần ngày 19/05/2014)
2.4. Cương quyết loại trừ nạn tham nhũng, lộng quyền.
Thái Tông lên ngôi lúc 10 tuổi (1433) dưới sự Phụ Chính của 3 Á Phụ là Phạm Vấn, Lê Sát và Lê Ngân. Phạm Vấn là dũng tướng, vị Thiếu úy đầu tiên của đội quân khởi nghĩa, một lòng một dạ trung thành với Thái Tổ và Thái Tông được chỉ định làm trưởng ban Phụ Chính, còn, Lê Sát và Lê Ngân cũng là hai dũng tướng và sau này còn là bố vợ (Quốc trượng) của Thái Tông nữa. Vị Hoàng Đế tuổi còn ấu thơ, hai năm đầu ở ngôi đã phải chứng kiến sự lộng quyền của Lê Sát: giết mất đại thần Lưu Nhân Chú và buộc em ông ta là Trịnh Khắc Phục phải rời khỏi Kinh thành (Lưu Nhân Chú và Trịnh Khắc Phục là hai anh em cùng mẹ), lớn thêm một chút, ngài lại chứng kiến chuyện lộng thần Lê Sát chống tham nhũng rất hăng: “Chém Chuyển Vận sứ huyện Thủy Đường là Nguyễn Liêm. Liêm nhận lễ hai tấm lụa của người. Lê Sát chiếu theo chỉ huy thời Thái Tổ về nhận 1 quan tiền hối lộ, tâu xin chém. Con của Liêm xin chịu chết thay, không cho” (trang 142 – Ghi chú: nhận 1 quan hối lộ đã có thể bị án chém). Ban đầu, Thái Tông tưởng rằng ông bố vợ tương lai này cương quyết chống tham nhũng theo nguyện vọng của Thái Tổ, nhưng sau này ngài mới biết thực ra Lê Sát, Lê Ngân làm vậy để được độc quyền tham nhũng và tạo nên các nhóm đặc quyền đặc lợi chịu ban ơn từ chính Lê Sát và Lê Ngân, cái mà sau này bị Thái Tông xét tội sơ bộ là: Từ anh hùng giải phóng dân tộc nhưng do sớm vướng vào bả vinh hoa phú quý dẫn đến suy thoái, xây dựng quyền lực để dựa vào đó bòn rút của cải của dân chúng và quan chức dưới quyền. Từ đó, ngài đã sớm nhận ra tham nhũng chính là căn bệnh chủ yếu để làm suy sụp chế độ vì nó phản dân, làm mất niềm tin trong dân chúng đối với triều đình.
Nhưng do còn nhỏ tuổi nên Thái Tông phải nén mình, ngài chọn một phương kế vẹn toàn, một mặt là chọn con gái của Lê Sát và Lê Ngân làm phi, làm cho hai vị “Quốc trượng” này càng yên tâm về thế và lực của mình, mặt khác, là âm thầm chấn chỉnh những biểu hiện sai trái của các quan lại ở các cấp, ví dụ, đuổi những người đến 25 tuổi mà không thi đỗ phải về làm dân (trang 110); hoặc chém kẻ trộm là Trình Đường (trang 121); hoặc bãi chức Nguyễn Tông Từ và Lê Dao vì tội nhập nhèm tham ô (trang 126); hoặc “làm cho xấu hổ” Lê Vĩ, Nguyễn Truyền vì tội đi sứ, tranh thủ mua nhiều hàng hóa phương Bắc (trang 128); hoặc lưu đày Lưu Thái Quân ra viễn châu, Nguyễn Tông Trụ ra cận châu vì tội làm nhục quốc thể: khi đi sứ thì kèn cựa đánh nhau rồi đem nhau ra kiện ở Hồng Lô tự nhà Minh, giao thông với người ngoài và mua nhiều hàng phương Bắc, vua ghét vì trái cấm lệnh mà làm tiền, nên lấy hết hành trang chia cho các quan (trang 134); hoặc “thi Giáo quan Quốc Tử Giám và các Lộ cùng dân quân có học ở Vân Tập đường” (trang 140) vì bấy giờ nhiều Giáo quan không xứng và hay nói xấu lẫn nhau nên tổ chức thi để thải loại và chọn người mới để thay thế; hoặc tổ chức thi trong các tướng võ, nếu đạt thì được cấp cả lương, kỳ nào không đạt thì giảm cắt lương, coi chuyện này phải chú trọng thường xuyên (trang 149).
Còn nhiều việc mà Thái Tông đã chấn chỉnh, thải loại bớt các quan chức phạm tội, kém kiến thức, cũng như tăng cường tìm người thực tài để thay thế, và đương nhiên, những việc này đã làm cho Lê Sát và Lê Ngân bất an. Hai vị này biết Thái Tông càng ngày càng cứng cỏi, xét việc càng vững vàng là do đội ngũ tham mưu của ngài đều là những người có thực tài, và đặc biệt là không chịu nằm dưới sự quản chế của mình, cho nên, Lê Sát, Lê Ngân đã làm những việc mà Thái Tông phải khóc thầm: “truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức tước của (Bùi) Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi (Bùi) Cầm Hổ ra nơi biên thùy khiến Giám quan đều phải câm mồm…” (trang 154 – Ghi chú: Đây là lời kết tội Lê Sát sau này. Bùi Cầm Hổ rất nổi tiếng trong vụ xử người vợ mua phải rắn giống lươn về nấu cháo cho chồng đang ốm, khiến người chồng này bị tử vong. Con gái của ông cũng làm phi của Thái Tông, sinh được Hoàng tử thứ hai là Lê Khắc Xương, người này sau này bị em là Thánh Tông Lê Tư Thành bức hại, con cháu phải đổi sang họ Bùi là họ ngoại).
Khi đã nắm thực quyền và trừng trị Lê Sát, Thái Tông đã cho Lê Ngân làm Tể tướng vừa để mong ông này hối lỗi, vừa để kiểm tra tiếp. Không ngờ, ông này lại vướng vào chuyện mê tín, đúc tượng Phật bằng vàng yểm trong nhà để mong con gái mình được vua yêu, và thông qua đó, để bản thân được tồn tại mà không sợ bị bắt tội vì bất cứ lý do gì. Nhưng y xúi quẩy, gặp phải vị vua anh minh nhất trong lịch sử nước Việt: Xử lý sai phạm rất công bằng, Hoàng thân Quốc thích có tội cũng phải chịu xử phạt như dân thường, không có chuyện bao che, không có chuyện lấy công lao bù cho tội lỗi. Chưa có vị vua nào làm được điều này từ trước Thái Tông và sau Thái Tông đến tận bây giờ!
2.5. Khởi động quá trình Thoát Việt mới
Khi người Tầu (Chine – Tần) vượt tràn Trường Giang (Dương Tử), xâm chiếm đất đai của các tộc Bách Việt, thì trong cộng đồng dân cư này có sự phân hóa, một phần chấp nhận ở lại chịu sự thần phục và sau này bị Hán hóa, phần khác chiến đấu kiên cường và khi không chống nổi kẻ địch thì từ bỏ nơi chôn nhau cắt rồn của mình đi nơi khác, kiên quyết không chịu bị Hán hóa. Một phần chạy theo đường biển đến các đảo hoặc những nơi xa khác, phần lớn thì chạy theo đường bộ xuôi về phương Nam, đi đến đâu họ cũng đều lập nên các tiểu quốc mới, hòa huyết, và hơn nữa, tiếp nhận các yếu tố tích cực trong văn hóa của dân bản địa để nhào nặn thành tư duy văn hóa Việt Mới (chúng tôi nhấn mạnh), thay thế cho các thứ Việt đã suy tàn, lỗi thời của đám Việt muốn “ở lại”.
Đám Nho sĩ Tầu rất giỏi đặt chữ, họ đặt tên cho khối người này là Việt được cấu tạo bởi bộ Tẩu ghép cùng chữ giáo, mác với ý chế giễu là “Đám Việt đánh không được thì bỏ chạy”. Những “Việt ở lại” rất khoái điều này, họ phụ họa cùng bọn Tầu để chế giễu, chửi bới những người ra đi, ngược lại, những người ra đi thình khinh bỉ những người can tâm ở lại, coi họ là những kẻ phản bội dân tộc, và gọi những kẻ đó là “giặc Ngô” (Ngô = To mồm lắm chuyện = huênh hoang khoác lác), bởi thế, Ngô và Việt là hai khối người đã bị phân hóa của cộng đồng Bách Việt khi xưa. (Chữ Việt cổ bao gồm chữ “Nhật”, là Mặt Trời; chữ “Long”, là con Rồng và ký tự “Người Chim”, biểu tượng cho Tiên. Ý thức của các bộ tộc Việt cổ xưa, bắt nguồn từ văn hóa Lương Chử, luôn cho rằng họ thuộc dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên thể hiện ở chữ Việt này)
Nhưng, chính những người lưu vong theo đường bộ lại chấp nhận chữ Việt Tẩu, ban đầu, họ coi chữ Tẩu đó là “Vượt quá, hoặc tiên phong” để xóa đi các mặc cảm lưu vong, nhưng sau này, các vị quân vương không khoe tổ tiên mình là “người phương Bắc” và các nhà trí thức thực sự của người Việt lại biến chữ Tẩu đó thành ra là THOÁT theo nghĩa là “từ bỏ, thoát khỏi những Việt lỗi thời, phản động, những Việt Đấy Mà Chẳng Là Việt để chống Hán hóa, chống Tầu nhái ở bất cứ không gian, thời gian nào”, tức là, Làm Lại Nước Việt (Lại Việt). Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh chẳng hạn, ngài quyết tâm Làm Lại Nước Việt bằng cách “đóng kín cửa Bắc”, chỉ vì nước Đại Việt – Đại Hán – Nam Hán cuối cùng ở vùng Lĩnh Nam (của Lưu Nham/ Cung/ Nghiễm) đã chấp nhận Hán hóa. (Ghi chú: khi nhà Đường suy tàn thì các vùng đất của các bộ tộc Việt ở Nam Trường Giang đều lập vương quốc riêng, tạo nên thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, như Ngô, Nam Đường, Mân, Đại Việt sau đó đổi tên thành Đại Hán – Nam Hán…, tiếc thay, các vị quân chủ ở các tiểu quốc này chỉ bóc lột dân Việt để tạo thế lực chống đối nhau với mục đích là giành quyền bá chủ ở Trung Nguyên và Hán hóa, duy nhất chỉ có Khúc Thừa Dụ là biết khơi gợi lòng tự hào dân tộc, chính ngài đã mở đầu cho quá trình Thoát Việt mới để chống Hán hóa, đã dẫn đến sự kiện lập quốc của Ngô vương Quyền và thái độ dứt khoát với phương Bắc của Đinh Tiên Hoàng). Vì thế, Thoát Việt ở thời trước Thái Tông không còn nghĩa là “bỏ chạy”; “vượt qua” nữa mà đã mang nghĩa đích thực là thoát khỏi bọn Việt Đấy Mà Chẳng Là Việt (Tầu nhái) ngay trên mảnh đất cuối cùng của mình mà thôi). Và, kể cả các bọn Việt, như Tôn Quyền hoặc Lưu Nham, tuy lập quốc gia Việt, nhưng không khơi gợi lòng tự hào của dân tộc mà chỉ lo bóc lột dân chúng để có nhân tài vật lực, đem ra tranh đấu với nhau hòng làm bá chủ Trung nguyên, thì, chúng chỉ là Ngô (tức là Việt gian), chứ không thể coi là Việt được nữa.
Cũng có thể Thái Tổ và Thái Tông thuộc cộng đồng người Việt Tẩu đến đất này sớm nhất, trước những cộng đồng vẫn khoe tổ tiên mình là “người phương Bắc” rất lâu, và, cộng đồng đầu tiên này đã bản địa hóa, cho nên, Thái Tông rất tâm đắc với Hồ Tông Thốc, người đầu tiên đã đưa huyền thoại Hồng Bàng – Hùng vương vào chính sử, (ông là tác giả bộ “Việt Nam Thế Chí”, nhưng cũng cần nói thêm là, trước Hồ Tông Thốc, dân Việt được khơi dậy lòng tự hào dân tộc của Khúc Thừa Dụ, đã truyền bá cho nhau những ý tưởng về cội nguồn, về một nước Việt có lãnh thổ rất rộng kề từ sông Dương tử ở phía Bắc đến tận nước Hồ Tôn ở phía Nam, và, nước Việt này có đầu (thủy tổ) và có cuối (hiện tại), có gốc tổ cụ thể từ Lạc Long Quân và Âu Cơ, với quan niệm “đồng bào” (cùng mẹ sinh ra). Chính nhân dân đã sáng tác ra truyền thuyết Hồng Bàng – Hùng vương ấy với những chi tiết rời rạc và được tăng liên kết dần theo năm tháng, để kêu gọi dân cư vùng Nam Trường Giang và Lưỡng Quảng nên hiểu nó theo nghĩa “chúng ta đều là con cháu Bách Việt cả, có cùng tổ tiên” chứ đừng nên vỗ ngực tổ tiên mình là “người phương Bắc đã được Hán hóa ít nhiều nữa” (Ghi chú: Trước Hồ Tông Thốc đã có các tác phẩm như “Việt Điện U Linh” và “Lĩnh Nam Chích Quái” thể hiện tâm tưởng của dân chúng trong các triều đại Lý vầ Trần, hai triều đại này không hề biết đến truyền thuyết Hồng Bàng – Hùng vương mà chỉ biết đến Suy Vưu hoặc Giới Tử Thôi, là hai anh hùng văn hóa được dựng nên của người Hán, và vì thế, Hồ Tông Thốc đã có công rất lớn khi ông đã mạnh dạn thể hiện được những ý thức của đại đa số dân chúng về một nước Việt “Con Rồng Cháu Tiên” khi xưa vào chính sử).
Đồng thời, chính Thái Tông khi nghiên cứu lịch sử, cũng đã nhận ra một quy luật rất hay của người Việt, đó là, mỗi khi đất nước bị suy thoái do bọn Việt gian (đã là Ngô hoặc đang muốn trở thành Ngô) lộng hành, thì nước Việt lại manh nha khởi động một tiến trình Thoát Việt mới, ban đầu chậm rãi thôi, cho đến khi hội được các yếu tố cần thiết thì sẽ bùng phát dữ dội. Bởi thế, Thái Tông cũng đã chuẩn bị cho tâm thế này, bằng cách tạo ra các lề luật mới và cho đỗ vớt Ngô Sĩ Liên ở khoa thi 1442, với điều kiện ông Tiến sĩ vớt này phải đưa truyền thuyết Hồng Bàng – Hùng vương vào chính sử, thay thế cho “Việt Nam Thế Chí’ đã bị giặc Minh cố tình tiêu hủy. Việc công nhận Hồng Bàng – Hùng vương trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chính thức thừa nhận quốc gia Đại Việt có nguồn có gốc, có lãnh thổ rất lớn nhưng bị cướp dần cướp mòn, đã gián tiếp tố cáo một số anh em mình cố tình chịu Hán hóa để trở thành giặc Ngô như thế nào. Một nhận thức rất lớn mà Thái Tông đã vượt qua cả cha mình, để là người vạch ra con đường Thoát Việt mới cho sau này, (Ghi chú: Thái Tổ vẫn coi nhà Triệu là quốc thống của tộc Việt, thể hiện trong “Bình Ngô đại cáo”, sau này trong thời Thái Tông, thì chính Nguyễn Trãi đã thừa nhận Hồng Bàng – Hùng vương, và đã nêu điều ấy trong “Dư địa chí”)
- Thay cho lời kết
3.1. Nếu tính từ Ngô vương Quyền, thì khởi nghĩa Lam Sơn có tầm mức rất lớn, vì nó phải trải qua một thời gian dài mới đạt thắng lợi, trong hoàn cảnh phải tạo tiềm lực cho kháng chiến thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh, để có nguồn quân nhu dồi dào cho quân đội và phải chế tạo vũ khí ở mức hiện đại nhất (tự chế tạo được Thần Công sang pháo và các loại Thần Công vác vai), nhất là, nếu nâng cao được sức dân ngay trong kháng chiến thì càng tốt, vì thế, có thể coi Thái Tổ chính là người đầu tiên sáng tạo ra mô hình vừa kháng chiến vừa phát triển kinh tế, có thể đoạt tài sản của giặc chứ nhất quyết không bóc lột nhân dân để nuôi quân từ ngay những ngày đầu (trang 29), thậm chí, còn phát triển được một nền kinh tế hàng hóa có chất lượng lưu thông cao ngay trong lúc còn đang chiến đấu. Đó chính là công nghiệp vĩ đại nhất mà Thái Tổ có thể có được, và, hậu thế có thể coi ngài là vị nhân tướng, số vị rất ít có thể đếm trên đầu ngón tay của thế gian này.
Còn về phần Thái Tông thì cái mạnh nhất ở ngài mà mọi thần dân đều thấy rõ là cương quyết chống tham nhũng. Tuy rất cần người tài ra giúp nước, động viên các quan tiến cử người tài (trang 113), nhưng, nếu bao che cho tham nhũng hoặc tiến cử phải những kẻ tầm thường, không được việc thì cũng sẽ bị ngài trừng phạt, kể cả Bùi Quốc Hưng và Trịnh Khắc Phục là hai vị khai quốc công thần khi họ bao che cho Phan Công Ích và Nguyễn Trường (trang 157). Những trường hợp bị xử lý, về tội tham nhũng và lộng quyền, như mẫu hậu Thái phi Phạm Thị Nghiêu (trang 169), hoặc như người phi đầu Dương Thị Bí (trang 168 – Ghi chú: Bà này sinh ra Lê Nghi Dân, đã được phong làm Hoàng Thái tử. Thái Tông truất bà làm dân thường thì cũng truất luôn Nghi Dân xuống làm Lạng Sơn vương), hoặc như Lê Sát (trang155) và Lê Ngân (trang163) đã làm cho dân chúng nức lòng vì những người này đều là thân thích của vua đã cho thấy việc chống tham nhũng, chống lộng quyền của ngài là không có vùng cấm, không có chuyện “tắm từ vai xuống”. Đặc biệt là trường hợp của Lê Sát và Lê Ngân, Thái Tông đã nhận định chính xác và bóc mẽ được các “Quốc trượng” của ngài: Tham gia khởi nghĩa Lam sơn chỉ với mục đích là giành quyền cướp bóc dân chúng từ tay kẻ khác về tay mình. Bởi thế, hai người này tuy là đại thần Phụ Chính, là “Quốc trượng” nhưng cũng bị phán tội chết, cho tự sát ở nhà vì nếu đem chém rồi phơi thây làm nhục thì “sợ rằng để tiếng chê cười cho đời sau, vợ con tài sản đều bị tịch thu sung vào nhà nước. Lấy của cải đồ dùng ban cho các quan” (trang 156), thậm chí, truất tư cách công thần khai quốc của hai vị này, không đưa vào thờ ở miếu công thần của nhà nước.
Đặc điểm lớn nữa ở Thái Tông, cũng làm cho dân chúng ngưỡng mộ, đó là người đặt nền móng cho tiến trình Thoát Việt mới: Việt hóa tất cả những gì Tầu nhái, Việt đấy mà không là Việt. Như trên đã nói, Ngô Sĩ Liên do hứa sẽ đưa truyền thuyết Hồng Bàng – Hùng vương vào chính sử, tạo nên hình ảnh Quốc tổ cho dân tộc Việt, nên đã được Thái Tông cho đỗ vớt. Nhưng Ngô Sĩ Liên cứ lần lữa không làm, cho tới tận đời Thánh Tông Lê Tư Thành phải nhắc lại tội cũ của Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ “không tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tôn” (trang 229) thì mới ép được Ngô Sĩ Liên viết giai đoạn Hồng Bàng – Hùng vương vào chính sử. Thái Tông chính là người đặt ra các tiền lệ phi Nho, phi Hán để các đời vua sau noi theo và phát triển thêm tiếp vào quá trình “Nho đấy mà chẳng phải Nho”.
3.2. Toàn bộ các bài viết của ông Vũ Bình Lục, kể cả bài mới nhất đăng trên số 3 ngày 19/01/2019 đều toát nên ý tưởng cho rằng câu ca dao ca ngợi kia để nhằm vào Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Thái Tông Mạc Đăng Doanh của triều Mạc sau này, tiếc thay, ông chỉ đưa ra một dẫn chứng duy nhất nhưng lại xuyên tạc có chủ ý khi ông trích dẫn ĐVSKTT, đúng như tác giả Lê Ngọc Minh đã viết ở số 49, nhưng, điều đó không quan trọng bằng việc ông lờ đi cái chuyện tại sao Mạc Đăng Dung phải ra cái lệnh cấm này, đồng thời, ông cũng không thấy cái hại mà triều Mạc gây ra cho đất Việt: Cắt đất đai, dẫn con cháu tự trói đến Mạc phủ của nhà Minh để xin phụ thuộc, xin cho mình làm An Nam Đô Thống, một hành động bán nước để có chính danh, vì, nếu giặc Minh phong tước cho triều Mạc thì đương nhiên nhà Lê Trung Hưng sẽ là Ngụy triều. Vì một cái danh hão như thế mà nước Việt bị mất đất và làm cho quá trình Việt hóa bị nghẽn lại. Đất nước lại rơi vào vòng xoáy Hán hóa, để đến nỗi sau này, Nguyễn Hoàng lại phải bước vào hành trình Thoát Việt một lần nữa, mà lần Thoát Việt ấy đã đem lại cho đất nước một tầm mức mới, cao hơn nhiều so với cái Việt mà Mạc Đăng Dung quỳ gối dâng cho giặc (tạo thêm lãnh thổ mới, nền văn hóa mới có thơ lục bát, có điệu múa con đĩ đánh bồng, có nón bài thơ…Nhân đây, cũng cần phải nói thêm rằng, Mạc Đăng Dung chính là cháu 5 đời của Mạc Thúy, một kẻ bán nước mà thành tích phục vụ Thiên Triều của hắn còn lớn hơn nhiều so với Trần Ích Tắc trước đó và Lê Chiêu Thống sau này. Đây chính là sự bất công mà lịch sử để lại, chúng tôi mong các nhà sử học hãy đưa Mạc Thúy vào danh sách Việt gian bán nước, công bố rõ tội trạng của y!?).
Mặt khác, ở số 50, ông Vũ Bình Lục lại nêu ra ý kiến là các thể thơ, ca dao dạng 6/8 chỉ mới ra đời ở TK 16, cũng với mục đích là ngầm nói rằng loại hình thơ ca này không thể có ở thời cha con nhà Lê (TK15), cho nên, các ca dao này chỉ nhằm vào cha con nhà Mạc, chứ, ở thời đó đã làm gì có dạng thơ này mà ca với chả ngợi!?
Nhân việc này, chúng tôi xin bàn góp vài lời, cũng mong rằng đây là ý kiến cá nhân mà chúng tôi đưa ra để thảo luận với ông Vũ Bình Lục, mong ông bàn cùng chúng tôi:
Thứ nhất, trong quá trình Việt hóa chữ viết, cha ông ta đã dùng chữ Nôm, tiếc thay, chữ Nôm tưởng là công cụ giải Hán hóa hữu hiệu thì lại làm cho dân chúng bị Hán hóa thêm nhiều, vì, cấu tạo của một chữ Nôm bao gồm ít nhất là hai chữ Hán, một chữ biểu ý và một chữ biểu âm, làm cho, ai muốn giỏi chữ Nôm thì thực sự phải rất giỏi chữ Hán. Thêm vào đó nữa, là do chưa có quy chuẩn, nên, mỗi thầy dậy chữ Nôm lại biểu âm hoặc biểu ý theo cách riêng của mình, cho nên, học trò của thầy này rất ít khi được tiếp cận với văn bản của thầy khác, mà nếu có được tiếp cân thì việc đọc cho rõ nghĩa là rất khó khăn, hoặc đọc lỗm chỗm chỗ hiểu chỗ không các văn bản ở các lò học khác. Bởi thế, nếu tỉnh táo thì phải nhận ra rằng, chính chữ Nôm lại là trở ngại cho việc thống nhất văn hóa dân tộc Việt, điều mà bọn thực dân Tầu rất khoái: càng Nôm hóa bao nhiêu thì lại càng bị Hán hóa bấy nhiêu!
Sự chuyển chữ tượng hình Hán, Nôm sang chữ tượng thanh ghi âm, tức là chữ quốc ngữ ngày nay, là một bước đột phá giải Hán hóa ngoạn mục. Với chữ quốc ngữ, tộc Việt đã có một bước nhảy vĩ đại, vừa thoát Hán vừa thoát Việt, mặc dù sau này Tự Đức cứu chữ Nôm bằng cách thống nhất cách viết, không phân biệt vùng miền và thầy dậy, được gói gọn trong một luật chính tả gọi là “Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca”, nhưng, cũng không cản được phong trào học chữ quốc ngữ trong dân chúng.
Vấn đề là, ở TK 17, khi chữ quốc ngữ được hình thành ở miền Trung (xứ Đàng Trong), thì chúng ta mới biết được rằng dân ta hồi đó phát âm dính (nói theo âm vựng học thì có phụ âm đôi) khá nhiều. Chỉ riêng từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) đã có gần 150 từ phát âm dính, mặc dù, dân xứ Đàng trong do tiếp xúc với văn minh Chàm nên đã Việt hóa nhiều hơn xứ Đàng Ngoài vì Đàng Ngoài vẫn còn u mê, cắm cúi làm thơ Đường, không biết gì tới thể 6/8 mà anh em Đàng Trong đã học được từ thơ Chàm, và vì vậy, âm dính ở Đàng Ngoài vì thế còn rất nhiều. Vậy, thể thơ và ca dao dạng 6/8 đã tồn tại và phát triển ở TK 17 chưa, thưa ông Vũ Bình Lục?
Thứ hai, chúng tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào tiếng Việt đã đơn lập hóa hoàn toàn trong dân chúng thì thể thơ, ca dao dạng 6/8 (tên chính thức là thơ lục bát) mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Cũng có thể trước đó cũng đã có loại thơ này nhưng chỉ tồn tại rất ít trong giới có học vì họ có điều kiện tiếp xúc với văn hóa Hán, Chàm sớn hơn dân chúng, nhưng, phải nói rõ rằng thể thơ 6/8 ở TK 17 không được coi trọng cho lắm trong giới tinh hoa (Nguyễn Bỉnh Khiêm không có bài 6/8 nào), chứ đừng nói gì đến giới bình dân.
Có lẽ, trong quá trình áp đặt “Đàng Trong hóa” của nhà Nguyễn đối với Đàng Ngoài nên đã thúc đẩy toàn dân đi đến phát âm đơn lập hóa dẫn đến chữ viết quốc ngữ cũng dần được đơn lập hóa, thì, dạng thơ, ca dao 6/8 đã đi vào dân chúng mạnh mẽ và bùng phát, trở thành bộ môn nghệ thuật trong giới tinh hoa vào khoảng giữa TK 19.
Thiển ý của chúng tôi, mấy câu ca dao mà ông Vũ Bình Lục đưa ra luận bàn cũng chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian ấy mà thôi. Đây là ý kiến riêng, rất mong được thảo luận, thưa ông!.
Hà Nội ngày 01 tháng 02 năm 2019