Chính sách giáo dục Pháp- Việt trong chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp từ năm 1917 đến năm 1929

Giao-duc-VN.jpg

Nguyễn Văn Vinh

Đại học Thủ Dầu Một  

  1. Bối cảnh lịch sử

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, sự phát triển mạnh của hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Châu Âu là nhân tố đẩy mạnh quá trình thôn tính thuộc địa, khai thác tài nguyên, tìm kiếm thị trường mà khu vực Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng cho các nước tư bản như Anh, Pháp, Hà Lan và nhiều nước tư bản khác. Tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình chiến tranh xâm lược không ngoài mục đích chính yếu mở rộng thuộc địa và phạm vi ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á [5; 268 – 269]. Trong khi đó, nội tại Việt Nam dưới sự cai trị của triều đình nhà Nguyễn – một bộ máy nhà nước phong kiến đang trên đà suy tàn với những chính sách lạc hậu đi ngược lại xu hướng phát triển của dân tộc, các nước trên thế giới: chính sách bế quan tỏa cảng, cấm đạo, giết đạo, trọng nông ức thương,…[4; 12 – 16].

Với âm mưu xâm lược từ trước, cùng với sự khủng hoảng suy yếu của triều đình nhà Nguyễn, nhân cơ hội đó chiều ngày 31 tháng 8 năm 1858, thực dân Pháp mở đầu cuộc tiến công chinh phục thuộc địa trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Sự chủ động tiến công của Pháp trong xâm lược Việt Nam, thì chính nội tại triều đình nhà Nguyễn hai phái chủ hòa và chủ chiến vẫn trong thế trên đà bàn cải, chính hai phái này đã không thống nhất về chủ trương, sai lầm trong đánh giá về sự có mặt của người Pháp trên bán đảo Đông Dương. Liên tiếp thi hành các chính sách hòa nghị, nhân nhượng đối với thực dân Pháp, mà lịch sử đã minh chứng: Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước Harmand (1883), Hiệp ước Patenote (1884). Từ đây đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến chuyên chế, thiết lập nên chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam dưới sự cai trị trực tiếp của chính quyền thực dân Pháp.

Sau khi hoàn thành việc xâm chiếm và thôn tính Việt Nam, thực dân Pháp đẩy mạnh, triển khai thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Việt Nam kéo dài trong suốt 17 năm từ năm 1897 đến năm 1914 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội Việt Nam [2; 39 – 40]. Ngay từ khi người Pháp bắt đầu đặt chân lên mảnh đất hình chữ S thiết lập nên nền cai trị thuộc địa đã quan tâm đến vấn đề giáo dục, giáo dục dần trở thành công cụ đắc lực trong suốt thời gian cai trị. Từ thời Paul Bert đến Paul Beau đã chủ trương thực hiện việc cải cách nền giáo dục tại Việt Nam, thiết lập nền giáo dục Pháp – Việt với mục đích đào tạo ra một nguồn nhân lực đủ mạnh để phục vụ trong bộ máy cai trị. Chính sách cải cách giáo dục của những nhà cầm quyền Pháp trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã cố gắng dung hòa hai nền giáo dục Pháp Việt và phong kiến nhưng kết quả đạt được đều đi ngược lại với những nổ lực hy vọng của họ.

  1. Chính sách giáo dục Pháp – Việt trong chương trình thai thác thuộc địa của thực dân Pháp (1917 – 1929)

Đầu năm 1917, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp từng bước chuẩn bị đẩy mạnh chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai tại Việt Nam, khác với chương trình khai thác lần một thực dân Pháp chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách giáo dục Pháp – Việt toàn diện trên đất nước Việt Nam. Đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng, ngày 21 – 12 – 1917 sau khi Albert Sarraut được tái bổ nhiệm giữ chức Toàn quyền Đông Dương, ông đã chính thức đặt ngồi bút ký vào bản Nghị định ban hành bộ “Học chính tổng quy” và đến tháng 3 – 1918 ông gửi thông tri triển khai nội dung chương trình giáo dục mới cho tất cả các tỉnh thành 3 miền Bắc, Trung, Nam để áp dụng thực hiện [1; 83].

Bộ “Học chính tổng quy” bao gồm 7 chương với 558 điều, mỗi chương sẽ được chia thành các vấn đề, sau đây tôi xin phép đưa ra một số nội dung chính trong chương trình giáo dục Pháp – Việt dưới góc độ nghiên cứu của sinh viên.

Thứ nhất: Mục đích thực hiện chương trình giáo dục Pháp – Việt:

Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, chính quyền thực dân Pháp đã đúc kết từ những kinh nghiệm trong chương trình khai thác thuộc địa tại Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1914 thấy rõ nhân tố phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách giáo dục Pháp – Việt là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu tạo ra những tiền đề trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội góp phần tạo điều kiện tốt đẩy mạnh chương trình khai thác thuộc địa lần hai của Pháp tại Việt Nam. Với những lý do trên, chính quyền thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc phát triển giáo dục ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam với nền giáo dục Pháp – Việt mà thực dân Pháp đã cố công xây dựng với dã tâm biến Việt Nam trở thành một nước thuộc địa lâu dài của Pháp. Chính sách giáo dục Pháp – Việt của thực dân Pháp tại Việt Nam với bốn mục đích, như sau:

Mục đích đầu tiên có thể nhận thấy rằng, chính sách giáo dục của thực dân Pháp nhằm tạo ra một đội ngũ nhân công lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề, trình độ ngoại ngữ nói và nghe được tiếng Pháp để phục vụ cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai tại Việt Nam (1919 – 1929). Bên cạnh đó, cũng không ngoài tạo ra một tầng lớp mới – tầng lớp thượng lưu thân Pháp với cái tên gọi “Chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” do chính quyền Albert Sarraut thực hiện [10; 212].

Mục đích thức hai: từ việc đưa nền giáo dục Pháp – Việt được áp dụng trên ba miền Bắc, Trung, Nam mà đối tượng chính là các thế hệ trẻ với âm mưu từng bước xóa bỏ những ảnh hưởng còn sót lại từ các sĩ phu yêu nước một lòng chống thực dân Pháp được lưu truyền và gìn giữ qua hàng bao thế hệ. Xóa bỏ đi những rào cảng, những thành lũy kiên cố của nền Hán học đã tồn tại từ hàng nghìn năm lịch sử trong lòng của mỗi người con đất Việt. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền thực dân Pháp được ung dung tự do truyền bá văn hóa Pháp cũng như các nền văn hóa phương Tây mà không bị một thế lực nào, hệ tư tưởng nào chống lại [10; 213].

Mục đích thứ ba: Bằng việc ban hành chính sách dạy tiếng Pháp, truyền bá những tư tuởng, nền văn minh Pháp tại Việt Nam, chính quyền Albert Sarraut muốn tạo ra một tầng lớp thanh niên trẻ luôn có tư tưởng sợ Pháp và luôn trong tư thế phục tùng Pháp ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì. Đồng thời chính nền giáo dục Pháp – Việt này đã trực tiếp trở thành bức tường ngăn cản hoặc làm hạn chế những luồng tư tưởng của nhiều thanh niên yêu nước tại Việt Nam có tinh thần du học sang các quốc gia tiến bộ trên thế giới với thủ đoạn ngăn chặn từ xa những luồng tư tưởng tiến bộ, tư tưởng cộng sản và ảnh hưởng từ tinh thần đấu tranh của phong trào vô sản đang phát triển mạnh mẽ tại các nước Mỹ – La Tinh [10; 213].

Mục đích thứ tư: Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, vấn đề bành chướng và tìm kiếm thị trường để phục vụ cho sự lớn mạnh của chính quốc vẫn đang diễn ra ngày càng mạnh và phức tạp khôn lường, đặc biệt là nước Đức – nước đi đầu trong việc đẩy mạnh tuyên truyền bành trướng thuộc địa ở các nước Đông Dương [10; 213].

Thứ hai: Hệ thống tổ chức giáo dục:

Chương trình giáo dục “Học chính tổng quy” được phân chia thành hai hệ thống giảng dạy: Phổ thông và dạy nghề. Ở cả hai hệ thống này, các trường được chia làm hai loại: trường Pháp chuyên dạy học sinh người Pháp đang định cư và sinh sống tại Việt Nam theo chương trình chính quốc; trường Pháp – Việt chuyên dạy học sinh người Việt theo chương trình bản xứ [1; 83].

Toàn bộ nền giáo dục Việt Nam từ năm 1917 đến năm 1929 được chia thành 3 cấp: Tiểu học, Trung học và Cao đẳng. Bên cạnh đó, đối với các trường dạy nghề cho học sinh tương đương với các cấp học như Tiểu học và Trung học cơ sở [10; 215].

Hệ tiểu học, theo nghị định ngày 21.12.1917 quy định mỗi xã được phép mở ít nhất một trường tiểu học Pháp – Việt chỉ dành riêng cho học sinh nam, đối với trường hợp xây dựng trường chung cho tất cả con em (học sinh nam) từ các xã xung quanh học chung với nhau khi mà tổng số người dân phải đóng thuế của nhiều xã gộp lại dưới 500 người, mọi chi phí xây dựng cơ sở giáo dục được trích từ việc thu thuế của mọi tầng lớp nhân dân trong xã. Đối với học sinh là nữ giới, tại mỗi tỉnh lỵ sẽ cũng xây dựng ít nhất một trường công bậc tiểu học Pháp – Việt, tuy nhiên nếu điều kiện kinh tế xã hội không cho phép thực hiện, một giải pháp để giải quyết đó là học sinh nam và nữ học chung với nhau tại một trường trong xã hoặc tỉnh lỵ với điều kiện tiên quyết học sinh nam và học sinh nữ học phòng riêng [10; 216]. Số môn học được quy định trong chương trình giảng dạy bậc tiểu học, bao gồm 6 môn, như: Luân lý; thể dục; vệ sinh; khoa học sơ lược; thủ văn, pháp văn và một môn học chữ Hán (không bắt buộc). Mỗi tuần, học sinh được học năm ngày (trừ thứ năm và chủ nhật) với tổng giờ học trên lớp là 27 giờ 30 phút, trong đó các môn học phổ thông mỗi ngày phải dạy 5 tiếng rưỡi kể cả giờ nghỉ giải lao (học sinh tập trung nhiều thời gian học tiếng Pháp), môn thể dục được giảng dạy trong giờ ra chơi và trong nửa giờ cuối buổi chiều với tổng giờ dạy là hai tiếng rưỡi một tuần, đối với môn vẽ học sinh mỗi tuần học không quá một tiếng. Riêng đối với trường dạy học sinh nữ, vào mỗi buổi chiều nhà trường sẽ dành một tiếng rưỡi dạy về gia chánh – một số môn khác thời gian học ít hơn so với các trường đào tạo học sinh nam [6; 78].

Trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học, các trường được chia thành hai loại: Trường tiểu học bị thể và trường sơ đẳng tiểu học. Đối với trường tiểu học bị thể là trường được đầu tư xây dựng, giảng dạy đào tạo qua 5 lớp: Lớp 1 (lớp đồng ấu); lớp 2 (lớp dự bị); lớp 3 (lớp sơ đẳng); lớp 4 (lớp nhì) và lớp 5 (lớp nhất). Tại mỗi tỉnh lỵ, huyện lỵ sẽ có một trường tiểu học bị thể để đào tạo học sinh lấy bằng tốt nghiệp tiểu học. Riêng trường sơ đẳng tiểu học là trường được đầu tư xây dựng tại các làng, được đào tạo từ lớp 1 đến lớp 2, nhiều hơn là lớp 3 trở xuống. Đối tượng theo học đa phần là đều xuất thân từ tầng lớp nhân dân nghèo khổ, khó khăn trong xã hội, với quan niệm học để biết viết và đọc được chữ. Đa phần con em theo học hết lớp 2, một số ít học hết lớp 3 đều trở về làm ruộng phụ giúp kinh tế gia đình, cũng có không ít trường hợp con em theo học tại trường sơ đẳng tiểu học khi hoàn thành chương trình đào tạo lớp 3 sẽ chuyển lên tiếp tục học tại trường tiểu học bị thể gần nơi sinh sống, học cho đến khi thi lấy bằng tốt nghiệp tiểu học [1; 84].

Theo nguồn tài liệu “Niên giám thống kê Đông Dương, năm 1929” tổng số trường được đầu tư xây dựng bậc tiểu học là 6.253 trường, trong đó tổng số trường công lập là 5.204 trường (hệ kiêm bị: 376 trường; hệ sơ đẳng: 2.790 trường; hệ dự bị: 2.038 trường); trường tư: 772 trường và trường nước ngoài 277 trường, thu hút 376 nghìn học sinh theo học [10; 85].

Hệ trung học được chia thành 2 bậc: cao đẳng tiểu học và trung học. Đối với trường cao đẳng tiểu học với số hệ đào tạo 4 năm: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ niên. Đây là trường dành cho các học sinh có bằng tốt nghiệp tiểu học với chương trình giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp [1; 85]. Học sinh theo học tại các trường cao đẳng tiểu học được quy định cụ thể về số tuổi: năm thứ nhất dành cho học sinh dưới 16 tuổi, năm thứ 2 dành cho học sinh dưới 17 tuổi, năm thứ 3 dành cho học sinh dưới 18 tuổi và năm thư tư dành cho học sinh dưới 19 tuổi. Trường hợp học sinh quá số tuổi quy định sẽ không được tham dự lớp học. Trong suốt quá trình 4 năm theo học tại các lớp, học sinh được học, nghiên cứu 13 môn học sau: Pháp văn, Luân lý, Lịch sử, Việt văn, Hán văn, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học, Tập viết chữ đẹp, Vẽ theo hình mẫu, Tìm hiểu công nghiệp và Thể dục. Thời lượng học tất cả các môn 27 giờ 30 phút trong một tuần. Mỗi môn học được quy định số giờ dạy như sau: Trong 27 giờ 30 phút phải dành 12 giờ học tiếng Pháp, lịch sử Pháp; 8 giờ học các môn khoa học tự nhiên (Toán học, Vật lý, Hóa học và Vật học), 2 giờ học Địa lý, 3 giờ học Quốc văn (Chữ Hán và Quốc ngữ); 2 giờ 30 phút dành cho học môn Thể dục (môn Thể dục được dạy trong giờ ra chơi và nửa giờ cuối buổi chiều trong một tuần). Riêng đối với các trường dạy học sinh nữ thời lượng các môn học sẽ được giảm bớt thay vào đó mỗi ngày dành 2 giờ học các môn gia chánh và nữ công [6; 77 – 78]. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 4 năm, học sinh sẽ tham dự một kỳ thi, đó là kỳ thi để lấy bằng cao đẳng tiểu học (hay còn gọi bằng thành trung) [1; 85].

Từ năm 1917 đến năm 1928, hệ thống trường cao đẳng tiểu học trên toàn quốc Việt Nam chỉ có 12 trường được xây dựng và đi vào vận hành giảng dạy: Ở Bắc kỳ, có 1 trường cao đẳng tiểu học dành cho học sinh nam như: trường cao đẳng tiểu học Lạng Sơn và 1 trường cao đẳng tiểu học Đồng Khánh Hà Nội dành riêng cho học sinh nữ. Bên cạnh đó có 2 trường cao đẳng tiểu học giành cho cả học sinh Nam và Nữ: Trường cao đẳng tiểu học Trường Bưởi (về sau đổi tên thành trường Chu Văn An) và trường cao đẳng tiểu học Nam Định. Ở Trung kỳ, việc xây dựng trường cao đẳng tiểu học dành cho học sinh nam và nữ khác với chỉ tiêu xây dựng các trường ở Bắc kỳ, như sau: Có 3 trường cao đẳng tiểu học dành cho học sinh cả nam và nữ, như: Trường cao đẳng tiểu học Quốc học Vinh (Nghệ An), trường cao đẳng tiểu học Quốc học Huế, trường cao đẳng tiểu học Qui Nhơn (Bình Định) và trường cao đẳng tiểu học Đồng Khánh Huế dành cho học sinh là Nữ. Ở Nam kỳ, chỉ tiêu xây dựng trường dành cho nam và nữ giống với các trường ở Bắc kỳ, như sau: Trường cao đẳng tiểu học Pétrus Ký dành cho học sinh nam, trường cao đẳng tiểu học Gia Long (còn gọi là trường Áo tím – Nữ sinh) dành cho học sinh nữ, và 2 trường được xây dựng cho cả học sinh nam và nữ học chung như: Trường cao đẳng tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Kho), trường cao đẳng tiểu học Phan Thanh Giản (Cần Thơ) [9; 157].

Đối với bậc Trung học được xây dựng dựa trên chương trình Trung học Pháp, số năm đào tạo là 3 năm, ứng với 3 lớp: Đệ nhất niên, đệ nhị niên và đệ tam niên. Chương trình được giảng dạy bằng bằng tiếng Pháp làm chuyện ngữ chính, trong chương trình này, học sinh được học một phần tiếng việt (văn) và triết học Trung Hoa thay cho hai môn Hi – La được áp dụng giảng dạy tại chính quốc. Trong chương trình học ba năm của Bậc Trung học, học sinh được quyền lựa chọn một trong ba ban trong chương trình đào tạo: Ban triết học (Văn chương), Ban Toán học và Ban Khoa học. Sau khi học sinh hoàn thành chương trình học đệ nhị niên theo Ban, sẽ được thi lấy bằng Tú tài phần thứ nhất để làm cơ sở đầu vào năm cuối (lớp đệ tam niên). Học sinh khi hoàn thành chương trình đào tạo năm cuối sẽ được tham dự kỳ thi lấy bằng Tú tài toàn phần. Một thực trạng đang diễn ra khi bước sang bậc trung học, số lượng học sinh theo học tại các trường giảm mạnh, do đó việc đăng ký dự thi để lấy bằng Tú tài toàn phần lại càng trở nên ít ỏi. Vì thế từ năm 1917 đến 1929, Việt Nam chỉ có hai trường có số lượng học sinh đăng ký dự thi lấy bằng Tú tài là trường Bưởi và học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn [9; 163].

Hệ cao đẳng, đại học là bậc học cao nhất của nước Pháp được áp dụng rộng rãi trên toàn Đông Dương, nhưng cách thức tổ chức của nền giáo dục này có sự cải biến cho phù hợp với bối cảnh lịch sử, tình hình đất nước và sự tiếp nhận của nhân dân ba nước Đông Dương. Do đó, chương trình đào tạo Đại học Pháp được áp dụng tại Đông Dược, được chia thành hai hệ thống trường: Trường Cao Đẳng và Trường Đại học[1].

Trường Cao Đẳng là trường chuyên đào tạo ra các nguồn nhân lực để phục vụ trong bộ máy hành chính, trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai tại Việt Nam và các nước Đông Dương. Điều kiện để sinh viên vào học, mỗi sinh viên phải nộp bằng Tú tài toàn phần và tham gia một kỳ thi tuyển sinh bắt buộc. Khi sinh viên trúng tuyển một trong các trường cao đẳng được chính quyền thuộc địa, nhà trường tạo điều kiện cấp học bổng khuyến khích trong suốt quá trình học tập tại trường. Sau khi ra trường, sinh viên phải làm việc cho chính quyền thuộc địa trong một khoảng thời gian nhất định, trường hợp sinh viên không nhận việc, đương sự phải hoàn tất cả phí trong suốt thời gian nhận học bổng tại trường. Ngược lại, nhà trường có nhiệm vụ bố trí công việc phù hợp mà sinh viên theo học tại trường [9; 163].

Việt Nam dưới chế độ cai trị Albert Sarraut đã đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống các trường cao đẳng Pháp – Việt, tiêu biểu như: Từ năm 1918 đến năm 1919 tại Hà Nội có 7 trường Cao đẳng: Trường Cao đẳng Y dược; trường Cao đẳng Luật; trường Cao đẳng Sư phạm; trường Cao đẳng Thú y; trường Cao đẳng Công chánh; trường Cao đẳng Canh nông; trường Cao đẳng Thương mại. Theo số liệu thống kê, năm học 1922 – 1923, số sinh viên theo học tại các trường Cao đẳng tại Việt Nam có tổng cộng 436 sinh viên, trong đó: Y – Dược: 106 sinh viên; Công chánh 104 sinh viên; Thương mại 55 sinh viên; Luật và Pháp chính 51 sinh viên; Canh nông 45 sinh viên; Sư phạm 41 sinh viên và Thú y 31 sinh viên [10; 220].

Từ những cố gắng về cải cách giáo dục, các nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương đã ra sức củng cố và xây dựng hệ thống các trường Cao đẳng và mở thêm một số trường dạy nghề chuyên nghiệp trên khắp ba miền (tập trung chủ yếu ở Bắc kỳ và Nam kỳ), đến năm 1929 số sinh viên ở các trường Cao đẳng có chiều hướng tăng dần trong các năm học với tổng số 551 sinh viên [1; 113]. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng hệ thống trường dạy nghề chuyên nghiệp cũng từng bước xác định vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển giáo dục phục vụ cho bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp.[2]

  1. Một số nhận xét về chính sách giáo dục Pháp – Việt trong chương trình thai khác thuộc địa tại Việt Nam (1917 – 1929)

Trong suốt gần 12 năm, thực dân Pháp tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai trong chương trình khai thác thuộc địa tại Việt Nam (1919 – 1929), chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp tích cực về mặt giáo dục mà người Pháp để lại trên quốc gia Việt Nam.

Thứ nhất, nền giáo dục phong kiến truyền thống mang đậm yếu tố văn hóa Trung Hoa dần bị thay thế bằng một nền giáo dục mới, mang tính chất thực dân – Công nhiệp hóa, hiện đại hóa và Âu hóa. Chữ Hán dần bị xóa bỏ trong chương trình giáo dục được thay thế bằng tiếng Pháp và một phần chữ quốc ngữ, từ đó giúp cho học sinh thay đổi dần lối tư duy và những kiến thức rập khuôn có sẵn trong sách vở được ghi chép từ hàng nghìn năm trước, một số nội dung, phương pháp học không còn phù hợp với xu thế của thời đại. Cho nên với một nền giáo dục mới sẽ làm cho người học được tiếp cận với lối tư duy mới, những tư tưởng tiến bộ trên thế giới [10; 236 – 237].

Thứ hai, chương trình giáo dục được quy định cụ thể về bậc học, môn học, thời lượng tham gia học,…đây là cơ sở quan trọng trong việc tiếp thu và kế thừa những di sản mô hình giáo dục tiến bộ mà người Pháp để lại trên mảnh đất Việt Nam [7; 308 – 320].

Thứ ba, người Pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống trường học được tổ chức theo chương trình giảng dạy phổ thông và dạy nghề khắp cả ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ, từ đồng bằng đến miền núi đâu đâu cũng có trường học, vì thế đã góp phần giải quyết nạn mù chữ đối với con em thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội [10; 236]. Người Pháp đã cố công đào tạo để đem đến cho xã hội Việt Nam thời thuộc địa một đội ngũ tri thức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia vào guồng máy cai trị của giới cầm quyền Pháp trên bán đảo Đông Dương nhưng đã vô tình tạo ra một tầng lớp tri thức yêu nước từng một thời dưới sự chở che của mái trường Pháp – Việt ngày nào đã đứng lên đấu tranh, vạch trần âm mưu xâm lược của người Pháp trên quốc gia Việt Nam nói riêng và các nước Đông Dương nói chung [8; 31].

Thứ tư, chính sách cải cách giáo dục lần thứ hai của giới cầm quyền Pháp đã tác động tích cực đến nền văn hóa Việt Nam. “Nhờ những cải cách giáo dục, số người biết đọc tăng lên, tạo cơ hội cho sự phát triển của báo chí. Giáo dục tạo đà cho sự phát triển của văn học, báo chí, trở thành cốt lỗi của văn hóa”[6; 98].  Và sau khi vượt qua những rào cản của bất đồng về ngôn ngữ, tiếng Pháp – ngôn ngữ chính trong học đường đã từng bước trở thành phương tiện chính để người học tiếp cận trực tiếp với các hệ tư tưởng tiến bộ, những giá trị mới về tự do, bình đẳng, bác ái,… góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam giao khoa với các nền văn hóa phương Tây.

Tuy nhiên, chính sách cải cách giáo dục (1917 – 1929) của những nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam ngày càng bộc lộ những yếu kém ngay cả trong các khâu triển khai tổ chức, phương pháp giảng dạy, tỏ rõ bản chất của một  nền giáo dục thực dân dưới sự cai trị trực tiếp từ chính quyền thực dân Pháp.

Thứ nhất, trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, thực dân Pháp đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề giáo dục, đẩy mạnh triển khai nền giáo dục mới trên khắp ba miền nhưng trong quá trình thực hiện còn diễn ra một cách chậm chạp, vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục còn nhỏ giọt, ngập ngừng.

Thứ hai, trong chương trình giáo dục, người Pháp chủ yếu chỉ tập trung phát triển bậc sơ đẳng tiểu học, hạn chế sự phát triển của các bậc Trung học, Cao Đẳng và Đại học. Với mục đích cốt chỉ xóa nạn mù chữ cho trẻ con để biết đọc biết viết. Đa số những trẻ em xuất thân từ nông dân nghèo khổ chỉ học tập ở các địa điểm trường Làng với hệ đào tạo 3 đến 2 năm tương đương từ lớp 3 trở xuống, sau đó trở về cuộc sống làm ruộng để phụ giúp gia đình, một ít con em gia đình có điều kiện sẽ tiếp tục học tiếp ở những bậc cao hơn.

Thứ ba, chương trình đào tạo Tiểu học và Trung học quá dài (13 năm), một học sinh hoàn thành bậc Cao đẳng hay Đại học phải mất từ 15, 16 năm thậm chí có ngành phải mất 20 năm thanh xuân để học (ngành Y, Dược) [1; 116]. Có phải chăng chương trình đào tạo quá nặng nề cho người học? Thật vậy, khi học sinh bước sang bậc Trung học một khối lượng kiến thức 13 môn học với tổng giờ lên lớp là 27 giờ 30 phút trong một tuần. Thậm chí có những môn học mang nặng yếu tố “hàn lâm” không cần thiết như Triết học, Cổ học,…làm cho học sinh cảm thấy chán ngán, căng thẳng trong mỗi giờ lên lớp.

Thứ tư, học sinh bước sang bậc Trung học sẽ được giảng dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Pháp trong tất cả các môn học. Làm cho người học cảm thấy tiếng Pháp là một trong những phương tiện giao tiếp chính trong xã hội. Với chương trình học như vậy, người Pháp với thủ đoạn là làm cho mọi thế hệ trẻ Việt Nam dần lãng quên đi thứ ngôn ngữ gắn liền với cội nguồn của một dân tộc hào hùng qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Thứ năm, đối với môn lịch sử và văn học học sinh tiếp cận theo hướng lịch sử, văn học nước Pháp và các nước trên thế giới. Nhưng các nội dung học trong các môn này người Pháp đã cố tình cắt xé đi các nội dung về những cuộc cuộc cách mạng tư sản ở Pháp, Anh, Mỹ,… các phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước Mỹ La Tinh. Thay vào đó là những nội dung đầy ngợi ca về con người đất nước Pháp, về quá trình xâm chiếm thuộc địa, công cuộc khai sáng và bảo hộ của Pháp trên tại quốc gia Việt Nam. Việc làm này, giới cầm quyền người Pháp hy vọng rằng ngăn cản sự tiếp cận sớm nhất các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế giới, các khuynh hướng đấu tranh vô sản trong giới học sinh Việt Nam. Khiến cho học sinh Việt Nam dần dần lãng quên đi cội nguồn của dân tộc và ngày càng biết ơn đối với quốc gia Pháp trên chính tại quê hương của mình. Những nổ lực, hy vọng của người Pháp trong giáo dục đã được đền đáp bằng bằng các phong trào đấu tranh của các tầng lớp trí thức mà chính do người Pháp đào tạo.

KẾT LUẬN

Ngay sau khi giành thắng lợi về mặt trận quân sự trên bán đảo Đông Dương, người Pháp đã đặt sự quan tâm sâu sắc về vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Bởi lẽ, họ nhận thấy rằng giáo dục Nho học là tản đá lớn ngăn cản quá trình khai thác thuộc địa, đồng thời nơi nuôi giữ những giá trị văn hóa truyền thống được đúc kết từ bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các ngôi trường Nho học của thầy đồ nơi đào tạo ra những lớp người trí thức yêu nước chống Pháp. Mọi chủ trương truyền bá hệ tư tưởng chủ nghĩa thực dân phương tây, các nền văn minh trên thế giới sẽ không mang lại kết quả khi mà chữ Hán không được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục đối với quá trình cai trị thuộc địa, giới cầm quyền thực dân Pháp đã đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách giáo dục Pháp – Việt lần hai trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1917 đến 1929. Trong gần 12 năm cải cách, thực dân Pháp đã thành công trong việc đào tạo ra một lớp người Việt thân Pháp đảm trách những công việc thông ngôn, thư ký trong các cơ quan hành chính từ trung ương xuống các địa phương. Những toan tính, mưu lợi trong chương trình cải giáo dục Pháp – Việt đã đi ngược ngoài sự mong đợi của người Pháp, vô tình chính mái trường Pháp – Việt mà người Pháp đã cố tâm xây dựng để đào tạo ra một lực lượng đủ mạnh phục vụ trong bộ máy cai trị thì lại đào tạo ra một tầng lớp trí thức yêu nước chống Pháp.

Khi đánh giá về những mặt “tích cực”“hạn chế” trong chính sách cải cách giáo dục Pháp – Việt trong chương trình khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp từ năm 1917 đến năm 1929, đánh giá theo quan điểm “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”. Trong chương trình cải cách giáo dục Pháp – Việt lần này, người Pháp đã để lại những giá trị lịch sử to lớn trong kho tàng giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc giáo dục Nho học được khép lại mở ra một trang sử mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam – Giáo dục công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Âu hóa. Giúp cho người học bắt đầu có những tư duy mới trong quá trình tiếp cận với các môn khoa học tự nhiên, các luồng tư tưởng tiến bộ, các nền văn minh trên thế giới. Cũng là lần đầu tiên giáo dục Việt Nam được chia thành các bậc học, môn học, thời lượng học một cách cụ thể, mang tính khoa học từng bước giúp học sinh Việt Nam đi vào một cổ máy vận hành giáo dục hiện đại do người Pháp xây dựng. Với những hành động mang yếu tố tích cực trong chính sách cải cách giáo dục tại Việt Nam do người Pháp để lại thì lịch sử Việt Nam ghi nhận, truyền tụng muôn đời, mọi công dân Việt Nam đều mang ơn với những hành động trân quý ấy. Nhưng trong quá trình thực hiện giới cầm quyền thực dân Pháp có những hành động đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, với toàn thể nhân dân Việt Nam thì lịch sử phải lên án, nhân dân Việt Nam phải phản đối. Yếu tố “tiêu cực” trong chương trình cải cách giáo dục Pháp – Việt lần hai của người Pháp đó là giáo dục không ngoài mục đích tạo ra một đội ngũ tri thức phục vụ trong quá trình khai thác thuộc địa, nội dung và phương pháp học do người Pháp thiết kế đã tác động mạnh đến thế hệ trẻ Việt Nam cứ mãi mê đi tìm, khám phá cái mới mà quên mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hàng bao thế kỷ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb. Giáo dục.
  2. Nguyễn Văn Khánh (1999), Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858 – 1945), Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Đình Lễ (2001), Lịch sử Việt Nam (1858 – 1945), Tập 2, Nxb. Giáo dục.
  4. Đinh Xuân Lâm (2000), Đại cương lịch sử Việt Nam (1858 – 1945), Tập 2, Nxb. Giáo dục.
  5. Lương Ninh (2008), Lịch sử Đông Nam Á, Giáo dục.
  6. Hồ Thanh Tâm (2013), Yếu tố Pháp Việt trong cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ (1862 – 1945), Luận văn thạc sĩ Khoa học Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, TP. Hồ Chí Minh.
  7. Nguyễn Đình Tư (2016), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Tập 2, Nxb. Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
  8. Trần Thị Thanh Thanh, Nho học và giáo dục công lập ở Nam Kỳ thuộc Pháp thời kỳ 1867 – 1917, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm, Tp. Hồ Chí Minh, Số 60 năm 2014.
  9. Nguyễn Q. Thắng (1994), Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin.
  10. Tạ Thị Thúy (2017), Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930, Tập 8, Nxb. Khoa học Xã hội.

 

Chú thích:

[1] Trường Đại học: hệ thống các trường Đại học tại Việt Nam được ra đời vào những 30, 40 của thế kỷ XX dựa trên cơ sở đã có từ các trường Cao đẳng.

[2] Các trường dạy nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam, năm 1929:

Bắc kỳ:

  • Trường Kỹ thuật Hà Nội, với tổng 288 sinh viên
  • Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, với tổng 189 sinh viên

Trung kỳ:

  • Trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế

Nam kỳ:

  • Trường Cơ khí Á Châu, với tổng 175 sinh viên
  • Trường Kỹ nghệ thực hành, với tổng 75 sinh viên
  • Trường Kỹ thuật Gia Định, với tổng 73 sinh viên
  • Trường Kỹ thuật Biên Hòa, với tổng 74 sinh viên
  • Trường Kỹ thuật Thủ Dầu Một, với tổng 68 sinh viên

4 thoughts on “Chính sách giáo dục Pháp- Việt trong chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp từ năm 1917 đến năm 1929

  1. Ông tác giả này thể hiện lòng “yêu nước” theo quan điểm cũ. Không công nhận bất cứ cái gì (tốt) thực dân Pháp đã làm ở nước ta. Trí thức tham gia chính phủ Trần Trọng Kim 1945 và chính phủ Hồ Chí Minh 1946 đều do Pháp đào tạo, thậm chí họ học ở nước Pháp.

    Thích

    • Bài viết có đoạn: “Khi đánh giá về những mặt “tích cực” và “hạn chế” trong chính sách cải cách giáo dục Pháp – Việt trong chương trình khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp từ năm 1917 đến năm 1929, đánh giá theo quan điểm “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”. Trong chương trình cải cách giáo dục Pháp – Việt lần này, người Pháp đã để lại những giá trị lịch sử to lớn trong kho tàng giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc giáo dục Nho học được khép lại mở ra một trang sử mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam – Giáo dục công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Âu hóa. Giúp cho người học bắt đầu có những tư duy mới trong quá trình tiếp cận với các môn khoa học tự nhiên, các luồng tư tưởng tiến bộ, các nền văn minh trên thế giới. Cũng là lần đầu tiên giáo dục Việt Nam được chia thành các bậc học, môn học, thời lượng học một cách cụ thể, mang tính khoa học từng bước giúp học sinh Việt Nam đi vào một cổ máy vận hành giáo dục hiện đại do người Pháp xây dựng. Với những hành động mang yếu tố tích cực trong chính sách cải cách giáo dục tại Việt Nam do người Pháp để lại thì lịch sử Việt Nam ghi nhận, truyền tụng muôn đời, mọi công dân Việt Nam đều mang ơn với những hành động trân quý ấy. Nhưng trong quá trình thực hiện giới cầm quyền thực dân Pháp có những hành động đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, với toàn thể nhân dân Việt Nam thì lịch sử phải lên án, nhân dân Việt Nam phải phản đối. Yếu tố “tiêu cực” trong chương trình cải cách giáo dục Pháp – Việt lần hai của người Pháp đó là giáo dục không ngoài mục đích tạo ra một đội ngũ tri thức phục vụ trong quá trình khai thác thuộc địa, nội dung và phương pháp học do người Pháp thiết kế đã tác động mạnh đến thế hệ trẻ Việt Nam cứ mãi mê đi tìm, khám phá cái mới mà quên mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hàng bao thế kỷ”

      Thích

  2. Pingback: Chính sách giáo dục Pháp- Việt trong chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp từ năm 1917 đến năm 1929 | An Nam Yakukohaiyo

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s