
Lược đồ Giao Châu và Cham-pa giữa thế kỉ VI – X- Ảnh
Đổng Thành Danh
Dẫn luận
Lâm ấp (Linyi) là một quốc gia thường được nhắc đến trong các văn bản của Trung Hoa để chỉ chính thể đầu tiên là tiền thân của vương quốc Chiêm Thành, tức là Champa sau này. Trong các nguồn sử liệu của Trung Hoa, Lâm Ấp thường được mô tả như một chính thể ở biên giới phía Nam thỉnh thoảng triều cống Thiên triều, nhưng cũng là nguồn gốc của các xung đột quân sự ở phía cực Nam của đế chế Trung Hoa. Cũng theo các văn bản này, Lâm Ấp là một chính thể ra đời từ kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập với nhà Hán, sau đó phát triển, mở rộng lãnh thổ để trở thành một chính thể độc lập và hùng mạnh trong khu vực[1]. Trong hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp, các học giả cho rằng nhà nước này được thành lập vào năm 192, tuy nhiên việc đánh giá lại các nguồn sử liệu sơ cấp và các nghiên cứu thứ cấp về Lâm Ấp sẽ cho ta thấy một cách nhìn mới về niên đại khởi đầu của chính thể Lâm Ấp.
- Những quan điểm của các học giả về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp
Trong hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp và Champa, năm 192 là niên đại đánh dấu sự thành lập của Nhà nước Lâm Ấp. Niên đại năm 192 này được đưa ra lần đầu tiên bởi Maspero trong công trình về vương quốc Champa xuất bản vào năm 1928 dựa vào thông tin được ghi chép trong Thủy Kinh Chú[2]. Gần 20 năm sau trong các nghiên cứu của mình cả Coedes và Stein cũng đều sử dụng niên đại 192 cho thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp mà chắc hẳn là đã có tham khảo công trình của Maspero trước đó[3]. Niên đại này đã sau đó được hiển nhiên chấp nhận mà không hề có sự nghi ngờ hay phê phán gì trong hầu hết các bài viết, công trình nghiên cứu cho đến tận thời điểm gần đây[4].
Cho dù hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp đều ghi nhận niên đại 192 là thời điểm xuất hiện của Lâm Ấp, tuy nhiên không phải là không có những dị biệt. Trong tác phẩm Chiêm Thành lược khảo, bà Vương Khả Lâm, không hề nhắc đến niên đại 192, mà thay vào đó bà ghi nhận rằng nhà nước Lâm Ấp ra đời vào năm 137 Dương lịch sau sự kiện Khu Liên nổi loạn giết huyện lệnh tự xưng làm vua[5]. Ngoài đoạn ghi chép này Vương Khả Lâm không hề có một trích dẫn nào liên quan đến nguồn thông tin này và có thể bà cũng không hề biết đến niên đại mà Maspero đã đưa ra trước đó nên đã không hề có một trích dẫn nào liên quan đến nguồn thông tin này mà lại đưa ra một niên đại hoàn toàn khác biệt về thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp. Tuy nhiên, như đã nói niên đại 137 mà Vương Khả Lâm đưa ra đã không hề được các nghiên cứu về sau đề cập hoặc tham khảo[6].
Niên đại mà Maspero đưa ra về thời điểm ra đời của Lâm Ấp chỉ duy nhất bị đặt nghi vấn bởi Đào Duy Anh, khi đối chiếu, so sánh lại các nguồn tư liệu ghi chép và thông tin mà Maspero đưa ra, Đào Duy Anh cho rằng Maspero đã không nhận thấy sự lầm lẫn về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp được ghi trong Thủy Kinh Chú nên vội vàng kết luận thời điểm ấy là vào năm 192. Theo phân tích của Đào Duy Anh, thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp thực ra là vào năm 137 tức là năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Hòa đời Hán, trong thời điểm này có một cuộc khởi loạn chống lại nhà Hán. Do đó ông cũng cho rằng việc Thủy Kinh chú chép sự kiện Lâm Ấp ra đời vào thời niên hiệu Sơ Bình (190 – 193) là chép lầm giữa chữ Sơ Bình và Vĩnh Hòa, tức là chỉ ghi chép lại sự kiện đã diễn ra trước đó vào đời Vĩnh Hòa, vì vậy nước Lâm Ấp thật sự đã ra đời từ năm 137 chứ không phải 192. Đào Duy Anh cũng đề cập đến hai cuốn sách biên khảo thời Nguyễn là Đại Việt địa dư toàn biên và Việt sử cương giám lược khảo là hai biên khảo ghi nhận rằng nước Lâm Ấp thành lập vào năm Vĩnh Hòa thứ 2 tức năm 137[7]. Có lẽ Đào Duy Anh dựa vào đó mà chứng minh thêm cho quan điểm này đồng thời phản biện thông tin trong Thủy Kinh chú và niên đại mà Maspero đưa ra.
- Xem xét và đánh giá lại của quan điểm Masperovề thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp
Như đã nói ở trên, cho đến hôm này, ngoài Đào Duy Anh, chưa có ai xem xét lại niên đại mà Maspero đưa ra về thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp, thay vào đó hầu hết các nghiên cứu đều sử dụng niên đại mà Maspero đưa ra mà không hề có một phê phán hay phản biện gì. Trong khi đó, những giả định mang tính phê phán về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp của Đào Duy Anh cũng còn nhiều điểm cần phải được xem xét lại một cách nghiên túc. Trên thực tế, các niên đại mà Maspero, Vương Khả Lâm, Đào Duy Anh đưa ra cần được xem xét dựa vào nguồn tư liệu mà họ tham khảo, do đó các nguồn thông tin ghi nhận về nước Lâm Ấp, nhất là thời điểm ra đời của nhà nước này cũng cần được xem xét và tổng hợp lại một cách toàn diện, kỹ lưỡng để có thể đưa ra một niên đại chính xác về thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp.
Nguồn tư liệu sớm nhất ghi nhận về nước Lâm Ấp chính là Lâm Ấp Ký[8], sau đó đến Thủy Kinh chú[9], Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Nam sử, Đường thư, Lĩnh Ngoại đại đáp[10]… Trong các nguồn tư liệu này sự thành lập của nước Lâm Ấp đều được mô tả là kết quả của cuộc khởi loạn cuối đời Hán của do một nhân vật cầm đầu, tuy nhiên các nguồn tư liệu đều không thống nhất về tên gọi của nhân vật này, trong khi nhiều tư liệu như Thủy Kinh Chú, Tấn thư, Tùy thư gọi nhân vật này là Khu Liên[11], thì Nam sử ghi tên ông là Khu Vương[12], còn Lương thư lại ghi tên người này là Khu Đạt[13]. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào có thể lý giải về sự khác biệt này, chính vì nhiều nguồn tư liệu ghi tên nhân vật này là Khu Liên nên các nghiên cứu về sau đều sử dụng tên gọi Khu Liên mà không hề sử dụng các tên gọi kia. Dù vậy một số các nghiên cứu cho rằng Khu Liên không phải là tên người mà là một từ được chuyển nghĩa từ tiếng bản địa ám chỉ tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua[14].
Tuy nhiên, cho dù hầu hết các sử liệu đều ghi nhận lại sự kiện lập nước Lâm Ấp thì cũng phần lớn các nguồn tư liệu ấy đều không ghi chép gì về thời gian chính xác dẫn đến sự ra đời của nước Lâm Ấp mà chỉ ghi đại khái là ở thời Hán mạt tức cuối đời Hán. Duy chỉ có Thủy Kinh chú ghi sự kiện này chính xác xảy ra vào thời Sơ Bình (một niên hiệu của vua Hán), tức là khoảng vào năm 190 – 193[15]. Dựa vào chi tiết này trong Thủy Kinh chú mà Maspero đã phán đoán về thời điểm ra đời của Lâm Ấp trong khoảng thời gian này, nhưng việc đưa ra niên đại chính xác của sự kiện này là vào năm 192 thì không có căn cứ và ông cũng không hề giải thích tại sao ông lại đưa ra niên đại như vậy[16]. Dù vậy, hầu hết các nghiên cứu về sau cũng theo nhận định này mà không hề có một phê phán hay bất kỳ lưu ý nào, hiển nhiên xem quan điểm của ông là đúng cho dù không hề có bất cứ tư liệu nào đưa ra một thời điểm xuất hiện của Lâm Ấp chính xác như Maspero đưa ra.
- Xem xét và đánh giá lại của quan điểm Vương Khả Lâm và Đào Duy Anh về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp
Còn về năm 137 mà Vương Khả Lâm và Đào Duy Anh, dựa theo các tư liệu thời Nguyễn, quy cho thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp theo chúng tôi có thể bắt nguồn từ các sự kiện diễn ra trước năm 192 mà Hậu Hán thư đã ghi nhận được. Theo Hậu Hán thư – và được dẫn lại bởi nhiều nghiên cứu về sau, trong thời điểm những năm 100, 137, 144, 157, 178… liên tiếp xảy ra các cuộc nổi dậy của cư dân bản địa ở Tượng Lâm, họ tấn công khắp quận Nhật Nam, thậm chí còn liên kết với cư dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân để lật đổ sử cai trị của nhà Hán, giết quan lại người Hán[17]. Trong đó, cuộc nổi loạn năm 137 có tầm quan trọng nhất kể cả về tính chất và quy mô, cuộc nổi dậy này được ghi nhận như là một cuộc nổi dậy với lực lượng đông đảo và thời gian kéo dài. Cuộc nổi loạn này cũng có hai chi tiết quan trọng khác, đầu tiên là cuộc nổi loạn lần này do các cư dân ngoài biên giới huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam phát động họ vượt qua biên giới để tấn công vào lãnh thổ của Nhà Hán. Chi tiết thứ hai là nhóm người phát động cuộc khởi loạn lần này được gọi chung là bọn Khu Liên, trùng âm với nhân vật Khu Liên người lập nước Lâm Ấp, có thể dựa vào đây mà Đào Duy Anh cho rằng sự kiện năm 192 chính là sự kiện năm 137 mà Thủy Kinh chú đã chép nhầm[18].
Ở chi tiết thứ nhất, hầu hết các học giả đều xem cuộc nổi loạn năm 137 là do một thế lực bên ngoài biên giới phát động tấn công vào huyện Tượng Lâm, bấy giờ thuộc sự thống trị của nhà Hán[19]. Tuy nhiên, Đào Duy Anh thì cho rằng hai chữ “Khiếu Ngoại” (ở ngoài cõi) trong Hậu Hán thư chưa chắc chỉ vùng đất ở ngoài biên giới mà chỉ miền đất ở xa phía biên giới, tức là vẫn thuộc huyện Tượng Lâm, do vậy cuộc khởi nghĩa này vẫn do cư dân trong huyện phát động[20]. Ở đây theo tôi cả hai khả năng này đều nên được lưu ý, chúng ta chưa thể đưa ra một kết luận nào khả dĩ rằng cuộc nổi dậy này do người dân Tượng Lâm phát động hay do người ngoài biên giới gây ra?
Ở chi tiết thứ hai, hai chữ “Liên” chép ở năm 137 và 192 dù đồng âm nhưng khi viết ra thì là hai chữ có hai nghĩa khác[21], Đào Duy Anh cũng đã lưu ý về điểm dị biệt trong hai chữ “Liên” chép trong Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú, nhưng vì ông vẫn cho rằng tác giả Thủy Kinh chú đã lẫn lộn giữa sự kiện năm 192 và 137, nên ông xem sai biệt này là tất yếu, cả hai chữ đều ám chỉ một nhân vật hoặc một nhóm người, ở đoạn sau ông vẫn cho rằng sự kiện Khu Liên khởi nghĩa năm 192 và năm 137 là một, Thủy Kinh chú chỉ ghi lại sự kiện năm 137 của Hậu Hán thư nhưng lại chép nhầm năm, do đó ông kết luận nước Lâm Ấp đã ra đời từ năm 137[22]. Theo tôi lập luận của Đào Duy Anh về chi tiết này chưa thỏa đáng, vì lập luận cho rằng tác giả Thủy Kinh chú đã chép lầm sự kiện năm 137 trong Hậu Hán thư là chưa có căn cứ hoàn toàn là phán đoán chủ quan. Mặt khác, hai chữ “Liên” trong Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú không chỉ khác nhau về nghĩa, mà còn ám chỉ hai chủ thể khác nhau, chữ “Liên” của Hậu Hán thư ám chỉ một tập thể người, trong khi chữ “Liên” trong Thủy Kinh chú ám chỉ một nhân vật cụ thể[23].
Kết luận
Như vậy, cho đến nay, hầu hết các quan điểm đưa ra về thời điểm ra đời của Nhà nước Lâm Ấp đều nên được xem xét lại, quan điểm của Đào Duy Anh thì chỉ là giả thuyết võ đoán chưa có nhiều cứ liệu để chứng minh, trong khi niên đại mà Maspero đưa ra, vẫn được xem nhiều người thừa nhận như là niên đại ra đời của Lâm Ấp, lại cũng là một niên đại chủ quan chưa có cơ sở xác thực. Vì vậy, ta có thể tạm chấp nhận một niên đại ước chừng là khoảng năm 190 – 193 cho thời điểm ra đời của Lâm Ấp như trong ghi nhận của Thủy Kinh chú, dù phần lớn các nguồn sử liệu sau đó chỉ ghi rằng Lâm Ấp lập quốc thời Hán mạt chứ không chỉ đích xác là thời Sơ Bình nhưng các tư liệu đó đều ghi chính xác người lập quốc Lâm Ấp là Khu Liên với chữ “Liên” trong Thủy Kinh chú.
Nhưng sỡ dĩ tôi chỉ e dè xem đây là một niên đại tạm thời là vì chỉ có sách Thủy Kinh chú ghi chính xác thời điểm ra đời của Lâm Ấp, cũng rất có thể nước Lâm Ấp đã ra đời từ trước đó, sự kiện Khu Liên giết huyện lệnh có thể chỉ ám chỉ vị thủ lĩnh của nước Lâm Ấp (đã ra đời trước đó) tấn công một vùng nào đó ở Nhật Nam giết quan cai trị người Hán để rồi từ đó tác giả Thủy Kinh chú ghi nhận sự kiện này như là sự ra đời của Nhà nước Lâm Ấp. Trong thực tế rất có thể Lâm Ấp đã được ra đời từ trước thời điểm 190 – 193, mọi khả năng đều có thể diễn ra cho đến khi có một minh chứng rõ ràng, cho đến trước khi đó những dữ liệu về một niên đại ra đời của Lâm Ấp đều cẩn phải được xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện.
Chú thích:
[1]Các nguồn sử liệu của Trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp bao gồm Lâm Ấp Ký, Thủy Kinh chú, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Nam sử, Đường thư, Lĩnh Ngoại đại đáp,…Các nguồn sử liệu này được dẫn lại từ các bản dịch của các nguồn thứ cấp như: LéonardAurousseau,“GeorgesMaspero : Le Royaume de Champa”, trongBulletin de l’Ecolefrançaised’Extrême-Orient (BEFEO), Tome 14, 1914,pp. 8-43; Đào Duy Anh, Lịch sử Cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội,1998; Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú sớ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005;Lương Ninh,Lịch sử Vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.
[2]G. Maspero, Le Royaume de Campa, G.VanOest, Paris, 1928, pp.50 – 51.
[3]G. Coedes, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, p. 93; R. Stein,“Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champaetsesliensavec la Chine”, trongHan-HiueII-1-3 , 1947, pp. 241 – 245.
[4]Dohamide – Dorohiem,Dân tộc Chàm lược sử, Saigon,1965, tr. 29; Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong, Khai trí, Saigon, 1971, tr. 19; A.V. Schweyer, “The birthofChampa”, trong ConnetingEmpiresandStates, Volume 2, NUS Press, Singapore, 2010, tr. 104 – 105; Lafont, “Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, 1999, tr. 41;Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose, 2011, tr. 137; PoDharma, “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, 1999,tr. 10; Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2014, tr. 117; Lâm Thị Mỹ Dung, Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2017, tr. 37.
[5]Vương Khả Lâm, Chiêm Thành lược khảo, Nhà sách Đông Tây, Hà Nội, 1936, tr. 8.
[6]Cách riêng về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp Trần Trọng Kim cho rằng nước này đã ra đời từ đầu đệ nhị thế kỷ nhưng lại không đưa ra niên đại chính xác mà chỉ nói cuối đời Hán có người tên Khu Liên khởi nghĩa tự xưng làm vua. Có lẽ ông có tham khảo quan điểm của Vương Khả Lâm nhưng không hề thấy ông chú thích hay giải thích gì hơn về quan điểm này. Dẩn theo: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010, tr. 55.
[7]Đào Duy Anh, sđd, tr. 155, 505 – 506.
[8]Về bản dịch Lâm Ấp Ký xem:L. Aurousseau, sđd, p. 11 – 17.
[9]Lịch Đạo Nguyên, sđd.
[10] Bản dịch các sử liệu này xem: Lương Ninh, sđd, tr. 351 – 391.
[11]Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh chú, Quyển 36 (dẫn theo: Lịch Đạo Nguyên, sđd, tr. 377); Phòng Huyền Linh, Tấn thư, Quyển 97; Tùy thư, Quyển 82 (dẫn theo: Lương Ninh, sđd, tr. 351, 376).
[12]Lý Diên Thọ, Nam sử, Quyển 78 (dẫn theo: Lương Ninh, sđd, tr. 371).
[13]Lương thư, Quyển 54 (dẫn theo: Lương Ninh, sđd, tr. 364).
[14] Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 121; Lương Ninh,sđd,tr. 19.
[15] Lịch Đạo Nguyên, sđd,tr. 377.
[16]Maspero, sđd,tr. 50 – 51.
[17]Phạm Việp, Hậu Hán Thư, Quyển 116 (dẫn theo: Đào Duy Anh, s9dd, 1998, tr. 153 – 154, 504; Lương Ninh, sđd, tr. 349 – 351.
[18] Đào Duy Anh, sđd, 1998, tr. 505.
[19]Maspero, sđd, tr. 49; Coedes, sđd, tr. 93 – 94.
[20]Đào Duy Anh, sđd, 2002, tr. 157.
[21]L. Aurousseau, sđd, p. 28; Lịch Đạo Nguyên, sđd, tr. 377.
[22] Đào Duy Anh, sđd, 2002, tr. 155, 505.
[23]L. Aurousseau, sđd, p. 28; Đào Duy Anh, sđd, 2002, tr. 121; Lịch Đạo Nguyên, sđd, tr. 377; Lương Ninh, sđd, tr. 19.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Aurousseau. L, “GeorgesMaspero : Le Royaume de Champa”, trong Bulletin de l’Ecolefrançaised’Extrême-Orient ( BEFEO), Tome 14, 1914, pp. 8-43.
- Đào Duy Anh, Lịch sử Cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
- Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.
- G, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.
- Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, Saigon, 1965.
- Lâm Thị Mỹ Dung, Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2017.
- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010.
- Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong, Khai trí, Saigon, 1971.
- Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2014.
- P-B, “Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC – Champa, San Jose, 1999, tr. 39 – 54.
- P-B, Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose, 2011.
- Vương Khả Lâm, Chiêm Thành lược khảo, Nhà sách Đông Tây, Hà Nội, 1936.
- G, Le Royaume de Campa, G.VanOest, Paris, 1928.
- Lương Ninh, Lịch sử Vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội,
- Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú sớ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005.
- PoDharma, “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC – Champa, San Jose, 1999, tr.9 – 36.
- R,“Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champaetsesliensavec la Chine”, trongHan-HiueII-1-3 , 1947, pp. 1 – 135.
- Schweyer A.V, “The birthofChampa”, trong ConnetingEmpiresandStates, Volume 2, NUS Press, Singapore, 2010, pp. 102 – 118.
Đổng Thành Danh đánh đồng giá trị sử liệu giữa Hán thư và Thủy Kinh Chú thì đúng là võ đoán. Một quyển sử chính thống và một quyển ghi chép về đường sông thì nên tin quyển nào?
ThíchThích
Việc nghiên cứu lịch sử Lâm Ấp hay Văn Lang phần lớn vẫn dựa vào ghi chép của cổ sử TQ như Giao châu ngoại ký, hậu Hán thư, Sử ký tư mã thiên……vv. Các nhà sử học lại coi đó như là kim chỉ nam dẫn đến nhiều sai lầm. Bản thân người TQ cũng không có nghiên cứu hay hiểu biết gì nhiều về các sắc dân bản địa. Những ghi chép của TQ chỉ được ghi lại khi các vùng đó đã bị ảnh hưởng hoặc có giao thương với TQ.
Sự ghi chép lịch sử cũng chỉ được thực hiện sau khi có văn tự vậy hàng nghìn năm trước đó thì vẫn là mông muội. Người TQ vẫn tự cho mình cái quyền được coi các dân tộc ngoại TQ là man di nên sự lệch lạc trong suy đoán của một vài cá nhân đương nhiên có nhiều sự sai lầm.
Nguyên nhân nào dẫn tới sự hình thành nhà nước, và tổ chức nhà nước là gì phải có nhận định đúng thì mới có hướng nghiên cứu chính xác. Tổ chức nhà nước thời sơ khai, khác với tổ chức nhà nước thời phong kiến….vv Việc nghiên cứu phải dựa trên bằng chứng khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa, chủng loại để xác định. Sắc dân bản địa, sắc dân di cư đến và sắc dân giao thoa. Thái cực của sự giao thoa là sắc bản địa và di cư đến, sự phân bố của sắc dân cũng bị ảnh hưởng hưởng nhiều của yếu tố địa lý văn hóa. Sông ngòi núi đồi ngăn cách, tổ chức xã hội Mẫu hệ hay Phụ hệ,tính cách hung hăng hay nhút nhát.
Một ví dụ về sự giao thoa tự nhiên có thể kể đến là sự giao thoa giữa người Thái và người Xinh Mun ở Sơn La. Người Xinh Mun là người bản địa thuộc hệ Mon Kmer, người Xinh Mun vẫn giữ được nhiều bản sắc cũ của các dân tộc Đông Nam Á như cất nhà mồ chia tài sản cho người chết, lễ bỏ mả ăn trầu và nhuộm răng đen. Về văn hóa tín ngưỡng có hát đối hát kể, sử thi. Người Xinh Mun thờ cúng tổ Tiên, Ma rừng và Mẹ lúa. Về trang phục người Xinh mun không đồng nhất, nhưng phần lớn ăn mặc giống người Thái đen.Tuy mang nhiều họ Lò hay Vi của người Thái nhưng vẫn giữ nhiều nét Mẫu hệ như thờ Mẹ lúa, ở rể. Người Kinh ngày nay hay người Mường vẫn giữ những phong tục ấy nhưng sơ sài hơn. Người Mường thờ Mụ người Kinh thờ Bà cô tổ, tục cất nhà mồ được người Mường người Kinh làm sơ sài. Người Mường thì cất nhà nhỏ làm bằng tre nứa, người Kinh thì có lễ sửa mộ. Còn chia tài sản được thay bằng đốt vàng mã. Trong Sử thi của người Xinh mun có kể rằng người Thái đã dùng cuộc thi bắn tên lên vách núi để đoạt đất của người Xinh Mun, người Thái dùng tên có gắn sáp ong nên tên cắm nhiều hơn. Tuy nhiên người Thái ở đây vẫn thờ ma của người Xinh Mun và coi như đó là sự bảo hộ. Người Thái và Xinh mun vẫn ở chung một bản nhưng người Xinh mun luôn có vị trí thấp hơn người đứng đầu luôn là người Thái.
Các sắc dân phía Nam cho đến lúc nhà Tần thống nhất TQ và bành trướng xuống phía nam thì hầu như không có chiến tranh. Mô hình nhà nước mới dừng ở mức bộ Lạc, dưới bộ Lạc là các Thị tộc Gia tộc. Từ thời kỳ đồ đá mới đến đồ đồng sự giao thoa diễn ra mà sắc dân chủ yếu là Tày Thái, sắc dân Malayo tổ chức xã hội thấp hơn nên hầu như bị đồng hóa ngược hoặc sống dải rác. Sự giao thoa này dẫn đến sự hình thành của nhiều bộ Lạc dẫn đến sự không đồng nhất trong tổ chức. Chỉ khi có chiến tranh hoặc nhận thấy sự đe dọa mới hợp nhau để chọn người đứng đầu. Ban đầu có thể chỉ nằm trong một sắc dân sau đó có thể lan rộng ra nhiều sắc dân nhiều bộ Lạc khác. Từ đó tổ chức nhà nước mới được hình thành. Điển hình là liên minh giũa Lạc Việt và Tây Âu. Cái tên Âu Lạc cũng được sử sách TQ công nhận lá tổ chức nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Nhà nước Văn Lang được thành lập trước đó có thể là một tổ chức lỏng lẻo hơn không có tiếng nói mạnh mẽ trong toàn bộ sắc dân nên đã không được sử TQ coi như một tổ chức đại diện cho Việt Nam bây giờ.
Nhưng hơn ai hết chỉ con cháu Việt Nam ta mới hiểu được sức mạnh to lớn của nhà nước Văn Lang. Nhà nước Văn Lang mới là tiền đề cho nước Việt Nam sau này chứ không phải Âu Lạc. Nơi quy tụ những giá trị tinh thần to lớn cho toàn bộ đồng bào Dân tộc Việt Nam.
Cũng giống như Lâm Ấp tổ chức nhà nước chỉ được thành lập khi cùng nhau thống nhất chống lại sự áp đặt của người Hán. Nhưng cộng đồng bản địa có cùng bản sắc văn hóa tín ngưỡng đã hình thành từ rất lâu đời. Sự đe dọa từ các yếu tố bên ngoài làm cho thúc đẩy sự thành lập của tổ chức nhà nước mà thôi.
Không có sự khảo cứu cặn kẽ đúng hướng dẫn đến những sai lầm về nhận định nguồn gốc dân tộc nguồn gốc quốc gia sai lầm bản sắc văn tín ngưỡng. Đại bộ phận dân chúng Việt Nam vẫn nghĩ rằng. Con người Việt Nam và bản sắc văn hóa Việt Nam là do người Hán đem đến được chúng ta lãnh hội trong thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc. Cái đó là do sai lầm của các nhà Sử học chỉ biết đọc sách chữ Nho. Hậu Hán thư nói thế này……, Thủy chú kinh nói thế kia. Sách Tàu nói người Lạc Việt mũi tẹt răng hô chân cong làm chúng ta tưởng tượng đến những con quỷ mọi rợ. Đa số chúng ta ngày nay trở lên đẹp đẽ là do được lai tạo với người Hán. Vậy thử giải thích tại sao Lý Ông Trọng lại cao lớn kỳ vĩ đến mức Hung nô chỉ nhìn thấy thôi là khiếp sợ. Tại sao các sử gia TQ không lấy Lý Ông Trọng làm điển hình, trong mắt họ người Man di không được phép đẹp đẽ hơn TQ. Việc bôi nhọ này không nằm ngoài mục đích gây tâm lý tự ti tiểu nhược triệt tiêu sự phản kháng. Thực tế đã chứng minh nếu đủ dinh dưỡng chúng ta cũng không thua kém một dân tộc nào. Hoa hậu H’Hen Nie người Ê đê hay thủ môn Bùi Tiến Dũng người Mường là ví dụ.
Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, việc phân tích đồng vị phóng xạ làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Đồ gốm và đồ đá mới tìm thấy ở Nhật Bản có cách chế tạo như đồ gốm đồ đá tìm thấy ở Hòa Bình và Hạ Long. Đồ đồng tìm thấy ở Quảng Tây, Thái Lan cố hơn Hoa hạ, Tây á đến cả nghìn năm. Xẻng đá tìm thấy ở Cảm Tang Quảng Châu có xuất hiện ký tự có niên đại đã 6000 năm sớm hơn Hán tự đến 3000 năm. TQ gọi là Thiên thư thôi chứ không dám viết cụ thể là của dân tộc nào. Bởi vì điều đó nằm ngoài lẽ thông thường Man di không thể hơn TQ được.
Người Việt Nam ta hay người Kinh làm chủ đạo đã lấy Nho giáo làm kim chỉ Nam nên các nhà sử học từ cổ chí kim đã sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta nghiễm nhiên coi mình đến từ nền văn hóa TQ mà quên đi nền văn hóa bản địa. Chúng ta chối bỏ nguồn gốc Kmer của mình và tự coi đó là Man di giống như người Hán coi chúng ta. Vậy hãy thử giải thích xem tại sao đồng bào Tây Nguyên cũng ăn trầu nhuộm răng. Xa hơn nữa ở tận Đài Loan người ta cũng ăn trầu . Người Hông Kong, Đài Loan cũng đốt vàng mã. Và bao chùm khắp Đông Nam Á và trên thế giới có cùng một truyền thuyết về Đại Hồng Thủy về trăm dân tộc chung một gốc.
ThíchThích