Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua (Bài 2)

nguyentrai-1.jpg

Lê Tư

  1. Về An Nam, làm lại viên cho người Minh  (1417 – 1422)

Nguyễn Trãi là nho sĩ, ông được giáo dục để phục vụ một minh chủ nhất định. Nhà nho không có ý niệm tự mình lãnh vai đầu đàn mà hoàn toàn dựa vào vị vua hay lãnh chúa do họ chọn để làm việc và cống hiến. Xét thời điểm xuất hiện những văn bản do Nguyễn Trãi viết khi quay lại An Nam, ta thấy sớm nhất là những bài thơ nhắc đi nhắc lại mười năm loạn lạc xa nhà tức được viết vào năm 1417. Các tác phẩm tiếp theo thể hiện một Nguyễn Trãi đi lại tự do đồng thời có nhiều quan hệ với giới quyền thế, gồm cả quan Minh lẫn thổ quan. Mãi đến năm 1423 mới xuất hiện văn bản đầu tiên ông viết nhân danh Lê Lợi là “Thư tố oan” gửi Trần Trí xin hòa hoãn chiến tranh.

Quãng 1417 – 1423 gần trùng với giai đoạn Lý Bân nắm quyền Tổng binh, Trần Hiệp trông coi hai Ty Bố chính và Án sát. Dường như Nguyễn Trãi đã theo Lý Bân về nước (1417); khi Lý Bân bệnh mất năm 1422, ông mới bỏ người Minh tìm đến Lê Lợi. Trãi có thể cùng làm việc với Lý Bân – Trần Hiệp, nhưng không hợp cặp Trương Phụ – Hoàng Phúc. Lý Bân nhiều khả năng là minh chủ một thời của ông.

Bân nhận lệnh Minh Thành tổ sang thay Trương Phụ do vua nghe lời tâu của nội quan Mã Kỳ, cho rằng Phụ có ý định gây vây cánh tại địa phương. Họ Lý mang theo chương trình cải tổ việc cai trị. Ông thực hiện yêu cầu từ bộ Lại, đưa quan chức địa phương sang Nam Kinh triều cận. Lại thẩm tra dân số, đất đai, lương thực làm thành sổ “tu tri” báo về trung ương. Bên cạnh Tổng binh mới, nhà vua còn tăng cường quản lý phương xa bằng biện pháp bố trí chức Ngự sử để bổ sung tai mắt. Nhân sự bộ máy cai trị vì thế phình ra. Ngày 24/2/1418, thêm chức “thừa sai” tại ba ty tổng cộng 100 người. Nguyễn Trãi có thể là một trong số thư lại nói trên.

Bài thơ “Thanh Minh” dưới đây thể hiện tâm trạng bồn chồn khi Nguyễn sắp về đến Giao Chỉ. Thời gian “mười năm” giúp chúng ta xác định tác phẩm ra đời cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 ta năm Vĩnh Lạc XV (1417).

清明

一從淪洛他鄉去
屈扺清明幾度過
千里墳塋違拜掃
十年親舊盡消磨
乍晴天氣模稜雨
過半春光廝句花
聊把一杯還自彊
莫教日日苦思家

Thanh Minh

Nhất tòng luân lạc tha hương khứ
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua
Thiên lý phần oanh vi bái tảo
Thập niên thân cựu tận tiêu ma
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ
Quá bán xuân quang tê cú hoa
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cuỡng
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia

Thanh Minh

Từ lúc phải luân lạc quê người,
Bấm đốt biết thanh minh đã trôi qua mấy bận.
Cách nghìn dặm, không được cúng dọn mộ phần.
Trải mười năm, quyến thuộc hao mòn hết.
Trời chợt sáng sau cơn mưa bóng mây,
Quá nửa chừng xuân rộ trà mi nở.
Lại tạm gắng gượng nâng cốc rượu,
Không để ngày ngày dằn vặt nỗi nhớ nhà.

Chắc chắn Nguyễn Trãi không quay lại An Nam nếu cuộc nổi dậy Hậu Trần chưa bị tận diệt. Ngày 16/8/1414, Minh Thực lục ghi nhận Trần Quý Khoáng và Nguyễn Súy chịu tội chết ở kinh đô (Minh Thực lục II, 12). Thông tin như vậy tất nhiên lan truyền nhanh trong cộng đồng An Nam tại Trung nguyên. Có thể dự định trở về nhen nhóm nơi Ức Trai chỉ trở thành quyết định sau khi ông tiếp xúc với các phái đoàn thổ quan sang Nam Kinh triều cống. Một đoàn quan lại bản xứ do Nguyễn Huân cầm đầu đã sang Minh năm 1416, thời điểm lý tưởng cho Nguyễn tìm hiểu tin tức trước quyết tâm sau cùng. Huân là người địa phương mang chức vụ cao nhất trong Bố chính ty, nắm rõ nội tình thuộc địa.

Xét hoạt động của Lý Bân, ta thấy Bân nhận mệnh trấn Giao Chỉ vào ngày 26/2/1417 (Minh Thực lục II, 41). Báo cáo đầu tiên của Tổng binh từ nhiệm sở mới được ghi nhận vào ngày 25/6/1417 (Minh Thực lục II, 43). Như vậy, Bân rời Trung Hoa đầu xuân, đến An Nam vừa quá đầu mùa hạ, thuận mùa gió đông bắc trên vịnh Bắc bộ. So với các tác phẩm lập đi lập lại chi tiết “mười năm” của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy khoảng tháng 4 năm 1417, ông gần đến An Nam nên bần thần nôn nóng (bài Thanh Minh). Khi ngụ tại nhà khách Đông Quan tiếp quan chức địa phương đến thăm, Nguyễn ca ngợi ngày xuân như dài mãi, tức đầu hè (bài Họa Tân Trai vận). Nhiều chỉ dấu cho thấy Nguyễn đã theo chân họ Lý trở về.

Nhớ quê, ý nghĩ đầu tiên đập vào tâm trí Ức Trai là mồ mả tổ tiên hoang phế, thân quyến tiêu tan. Luân lạc tới mức bỏ lễ tục quan trọng trong nhiều năm chỉ có thể là luân lạc tại Trung Hoa. Nguyên nhân bất khả kháng là phải tránh cùng chung số phận bi thảm với nhiều thành viên gia tộc. Năm lần bảy lượt Nguyễn phát biểu như thế, nên cần chấp nhận sự thật như thế. Toàn Thư chép rõ trường hợp đại gia đình Trần Thúc Dao bị thảm sát dưới tay Giản Định. Do hoàn cảnh bức bách, Nguyễn đã trở thành tôi con Đại Minh. Ông suy nghĩ hồn nhiên tựa người Minh. Chấm dứt tha phương giống như vượt thoát cơn mưa ảm đạm. Dẫu nền cai trị dị tính đè nặng An Nam, Nguyễn vẫn thấy trời lại sáng, hoa lại nở.

Rất nhiều người Giao Chỉ giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống tam ty. Dưới đây là bài thơ đối đáp với nhân vật đứng đầu một địa phương, nhiều khả năng là địa phương có khách xá của Ty Bố chính Giao Chỉ, đến thăm ông tại nơi tạm trú. Người này biết rõ thân thế Nguyễn Trãi.

和新齋韻

風流郡守文章伯
喬木能忴我故家
信美江山詩易就
無情歲月眼將花
干戈十載親朋少
宇宙千年變故多
客舍香塵春晝永
騰騰清夢繞煙波

Họa Tân Trai vận

Phong lưu quận thú(117) văn chương bá
Kiều mộc(118) năng linh ngã cố gia
Tín mỹ giang sơn thi dị tựu
Vô tình tuế nguyệt nhãn tương hoa
Can qua thập tải thân bằng thiểu
Vũ trụ thiên niên biến cố đa
Khách xá hương trần(119) xuân trú vĩnh
Đằng đằng thanh mộng nhiễu yên ba

Họa vần Tân Trai

Quận thú phong nhã là bậc cự phách trong giới văn học,
(Như) cây cao bóng cả nên thương đến tôi là con nhà xưa.
Thơ dễ thành trước núi sông thật đẹp,
Mắt sắp lòa qua năm tháng vô tình.
Mười năm binh lửa, thân bằng còn chẳng mấy,
Ngàn năm vũ trụ, biến cố xảy ra nhiều.
Nhà khách nồng bụi thơm, ngày xuân như dài mãi,
Vờn quanh khói sóng mộng an bình lâng lâng.

Đã mười năm từ khi binh lửa dấy lên đến lúc Nguyễn Trãi về tạm nghỉ nơi nhà khách, tức cuộc gặp vị thổ quan xảy ra năm 1417. Khi đó, Đỗ Hy Vọng giữ chức Tri phủ Giao châu, Trãi gặp Vọng chăng?

Quê nhà luôn đẹp, chỉ người lão suy. Nguyễn lại nhắc hai thảm kịch đeo đẳng. Cuộc tàn sát chi tộc Trần Nguyên Đán là có thật, Nguyễn trốn tránh mười năm cũng có thật. Người chung huyết thống tàn hại nhau, người làm quan thuộc địa để tâm an ủi. Tình cảm ấm áp kéo mùa xuân yên lành dài mãi… Phải thực vậy không?

Tách hết ngôn từ giao tiếp trang trọng, đọng lại còn đôi mắt sắp lòa. Ở đây, “mắt lòa” mang nghĩa gì khi Nguyễn không than vãn sức nhìn kém lần nào nữa, cho đến một bài thơ sáng tác lúc gần cuối đời? Cuộc đàm đạo thơ ca nơi khách xá ngập hương thơm mang nội dung cốt lõi thế nào? Vị Quận thú ngưỡng mộ thanh danh Đại Tư đồ nhà Trần chăng? Ngài thương Nguyễn vốn con nhà thư hương xưa chăng? Chưa chắc! Dựa vào trình bày của tác giả ta thấy viên lãnh đạo địa phương muốn thăm dò vì sao ông ra đi, và quan trọng hơn là mục đích chuyến trở về. Như chim từng bị tên, Nguyễn thông báo ngay mình sắp trở thành vô dụng. Gã trung niên mắt mũi kèm nhèm mơ cuộc sống thanh nhàn hẳn dễ được dung chấp hơn tay quý tộc dày dạn ôm tham vọng khó đoán.

歸昆山舟中作

十年飄轉嘆蓬萍
歸思搖搖日似旌
幾托夢魂尋故里
空將血淚洗先塋
兵餘斤斧嗟難禁
客裡江山只此情
鬱鬱寸懷無奈處
船窗推枕到天明

Quy Côn Sơn chu trung tác

Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình
Qui tứ dao dao nhật tự tinh(120)
Kỷ thác mộng hồn tầm cố lí
Không tương huyết lệ tẩy tiên oanh
Binh dư cân phủ ta nan cấm
Khách lí giang sơn(121) chỉ thử tình
Uất uất thốn hoài vô nại xứ
Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh

Thơ làm trong thuyền về Côn Sơn

Mười năm trôi dạt chẳng khác cánh bèo!
Lòng muốn về như cờ tinh ngày ngày xao động.
Đã bao lần nhờ hồn mộng tìm về làng cũ,
Chỉ để rỏ lệ máu rửa mồ mả tổ tiên.
Sau binh lửa, sao ngăn được rìu búa!
Nơi đất khách, vẹn giữ tình này với non sông.
Tấc lòng uất ức không chịu nổi,
Trằn trọc bên cửa sổ thuyền đến khi trời sáng.

Quê hương trong tâm Nguyễn chính là nhà ngoại tổ, nơi ông trải tuổi thiếu thời. Tầm quan trọng của dòng mẹ đối với dân An Nam thế kỷ XV rất đáng để ý. Trưởng nam Hồ Nguyên Trừng phải nhường ngôi vua cho em trai Hồ Hán Thương vì mẹ Thương họ Trần.

Nằm thuyền về Côn Sơn, Nguyễn buông thả tâm tình bục vỡ. Mười năm bập bềnh theo ý người khác, Nguyễn tạm tồn tại trong lòng Trung Hoa nhưng Trương Nghi – Phạm Thư là ước vọng chưa thành. Không rửa được hận riêng bằng địa vị cao hơn, Nguyễn đành thanh tẩy mộ phần tổ tiên bằng nước mắt. Dường như căm giận từ Giản Định giáng lên chi tộc Nguyên Đán tàn nhẫn hơn ta tưởng. Ngoài giết người, phía nổi dậy xúc phạm cả nơi an nghỉ của phe từ chối ủng hộ họ. Câu 5 giải thích nguyên nhân buộc Nguyễn phải ly hương, ý tưởng vướng vất lời Trang tử.(122) Rìu búa chẳng chấp nếu cội cây vô tích sự. Phân trần mang điều gì đó như nuối tiếc. Giữa mớ hỗn độn di chứng kháng Minh thất bại, Nguyễn gặp tai họa bởi thuộc thành phần thế gia, thành phần mười năm sau chính ông gọi là “cố gia”. Đó là các gia tộc lớn mà quyết định chọn phe của họ góp phần định kết quả ván cờ chính trị. Nguyễn thuộc bên thua cuộc, bỏ đi chủ yếu nhằm giữ gìn mạng sống. Từ nơi xa khuất, nguyện vọng ấp ủ duy nhất là trở về. Ông thổ lộ uất ức chỉ một lần này trong toàn bộ tác phẩm của mình.

亂後到崑山感作

一別家山恰十年
歸來松匊半翛然
林泉有約那堪負
塵土低頭只自憐
鄕里纔過如夢到
干戈未息幸身全
何時結屋雲峰下
汲澗烹茶枕石眠

Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên

Cảm tác khi về đến Côn Sơn sau buổi loạn ly

Từ lúc lìa quê đến nay gần trọn mười năm
Trở về, thông cúc nửa phần hoang rậm.
Có hẹn với suối rừng sao đành phụ ước!
Cúi đầu giữa bụi đất chỉ biết thương mình.
Vừa ngang qua xóm làng thấy như đi trong mộng,
Chiến tranh chưa dứt mừng thân vẫn vẹn toàn.
Biết chừng nào mới được dựng nhà dưới núi cao?
Lấy nước suối pha trà, lấy đá làm gối ngủ.

Chúng ta quay lại với “Đề Đông sơn tự 題東山寺”, tác phẩm trình bày co kéo trong lòng Nguyễn Trãi năm ngoài ba mươi tuổi, thời điểm ngay trước khi trình diện người Minh: “Quân thân nhất niệm cửu anh hoài, Giản quý lâm tàm túc nguyện quai. Tam thập niên dư trần cảnh mộng, Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi. 君親一念久嬰懷澗愧林慚夙願乖三十餘年塵境夢數聲啼鳥喚初回”, Một niềm trung hiếu đeo đẳng mãi. Tủi với suối, thẹn với rừng vì sai lời nguyện xưa. Hơn ba mươi năm mộng giữa cõi trần, Vài tiếng chim kêu gọi người tỉnh lại.

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cộng “tam thập dư niên” thì thời điểm xuất hiện bài thơ nằm quãng cuối 1409 đầu 1410. Năm đó, “quân 君” của Nguyễn chẳng ai khác hơn là Hồ Hán Thương. Thương cùng phụ hoàng đã bị an trí tại phương Bắc. “Thân 親” Phi Khanh đầu hàng sớm, có lẽ cũng đang trên đất Trung Hoa vì theo báo cáo đứng tên Trương Phụ, nhóm nhân sự khả dụng gồm 9.000 người lần lượt sang Kim Lăng từ tháng 11 năm 1407. Tuy Giản Định đế bị bắt vào nửa sau năm 1409 nhưng Nguyễn Sư Cối vẫn dọc ngang Đông Triều, Trần Quý Khoáng vẫn khổ chiến ở Thanh Nghệ. Vua và cha đều trong tay người Minh, hoàn cảnh xã hội Giao Chỉ rối rắm tiềm ẩn nguy cơ bất chợt, chẳng ai màng thành lập lực lượng “phản Minh phục Hồ” vì Thái thượng hoàng chấp nhận đời lính thú ở Quảng Tây, hoàng huynh Hồ Nguyên Trừng âm thầm cộng tác… nhiều lý do đưa Nguyễn đến quyết định ra đầu thú. Qua “Đề Đông Sơn tự”, Nguyễn xác định phải bỏ suối-rừng vì lòng trung-hiếu. Đây là lời từ tạ quê hương trước khi hàng giặc. Theo Ức Trai, ông hành động như vậy để tròn nghĩa vụ với vua và cha.

Vừa trở lại Côn Sơn, Nguyễn nhắc ngay đến nguyện ước cũ. Lầm lũi xuyên tháng ngày bụi bặm, ông tiếc cuộc sống bị bỏ lỡ. Tái sử dụng đúng hai khái niệm rừng và suối trong bài thơ xưa, Nguyễn thể hiện ám ảnh thường trực bởi lối sống chưa có cơ may theo đuổi. Cuộc sống nhàn tản, như cội cây vô hại ngoài tầm búa rìu, khoác ý nghĩa nào trong tâm trí tác giả? Đi suốt sự nghiệp Ức Trai, chúng ta chứng kiến sở thích tiêu dao nổi lên chỉ khi ông gặp vấn đề thế cuộc nan giải. Sống ẩn dật rất khác kiểu xuất gia nhà Phật, nhiều khi nó chỉ là quãng dừng giữa các chuyến hành trình. Tuy nhiên, tha thiết thoái lui trên mức bình thường cũng cho thấy phần nào tính chất miễn cưỡng trong hợp tác với người Minh. Chủ động thích nghi hoàn cảnh, chòi đạp vượt thoát sự tầm thường là nhận thức. Miễn cưỡng lại ngự trị tiềm thức. Quãng đời tha hương còn ban cho Nguyễn sự lão luyện giữa cuộc nhân sinh. Với kinh nghiệm hơn năm năm làm việc ở Trung nguyên, dựa vào căn bản học vấn và lý lịch gia đình, Nguyễn dư biết người Minh chẳng vội buông “con nhà cũ” khỏi tầm quan sát.

夏日漫成

傳家舊業只青氈
離亂如今命苟全
浮世百年真似夢
人生萬事總關天
一壺白酒消塵慮
半榻清風足午眠
唯有故山心未斷
何時結屋向梅邊
Hạ nhật mạn thành

Truyền gia cựu nghiệp chỉ thanh chiên(123)
Ly loạn như kim mệnh cẩu tuyền
Phù thế bách niên chân tự mộng
Nhân sinh vạn sự tổng quan thiên
Nhất bầu bạch tửu tiêu trần lự
Bán tháp thanh phong túc ngọ miên
Duy hữu cố sơn tâm vị đoạn
Hà thời kết ốc hướng mai biên

Tùy bút ngày hè

Nghiệp cũ gia truyền chỉ độc tấm chăn xanh,
Từ ly loạn đến nay, tạm được toàn mạng.
Trăm năm phù thế thực như giấc mộng,
Muôn việc đời người đều xếp đặt bởi trời.
Rượu trắng một bầu xua tan lo âu trần tục,
Gió mát nửa giường đủ qua giấc ngủ trưa.
Chỉ lấn cấn lòng nhớ hoài núi cũ,
Dựng nhà bên cội mai biết đến chừng nào?

Bài này tiếp lời “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác”. Nguyễn tổng kết thành quả đạt được sau mười năm xáo trộn: ông còn sống nhưng chưa hoàn toàn tự do. Có vẻ tác phẩm được viết tại nhà khách phía nam thành, sau chuyến về Côn Sơn.

Tác giả rơi vào tình cảnh cha mình ngày xưa, cũng vật vờ khách xá chờ sắp xếp từ trên, cũng mượn rượu cùng giấc ngủ đẩy đưa ngày tháng. So với hoàn cảnh vật chất cùng cực mô tả qua “Thủ vĩ ngâm” hay “Ký hữu” bảy năm trước thì nay ông thoải mái hơn nhiều. Ông có đệm để ngồi, rượu để nhắm, khác hẳn những ngày no nước uống hoặc xơi cơm thiếu rau mục túc. Ước thúc từ chính quyền bề ngoài là “lễ” nhưng đủ chặt chẽ khiến Nguyễn cảm thấy mất quyền đối với bản thân. Một số phận khác bi đát hơn Nguyễn, từng sang Trung Hoa dưới tư cách tù nhân đã gọi ràng buộc đó là “lễ la 禮羅”, cái lưới lịch sự. Người tù Lê Cảnh Tuân (? – 1416) vừa đi vừa làm thơ cạnh khóe nhà cầm quyền.(124) Tuân mơ “phục Trần” lại rất lắm lời nên người Minh dè bĩu chê bai, nhưng ông chưa hề than vãn bản thân bị ngược đãi hay bạo hành. Đại Minh khá xứng đáng với tên gọi của nó, vua Minh tôn trọng phẩm giá trí thức dù họ suy nghĩ thế nào đi nữa.

Lý Bân vừa đến Giao Chỉ đã hút ngay vào việc chinh tiễu ở Lục Na (Bắc Giang nay), châu Thuận (Quảng Trị, Huế nay), châu Nam Linh (Quảng Bình nay). Như đề cập bên trên, việc bổ sung 100 thư lại vào bộ máy xảy ra vào tháng 2/1418 nên có vẻ Nguyễn rảnh rỗi trong lúc chờ đợi Tổng binh phê duyệt công tác tái tổ chức. Ông được nuôi ăn chứ chưa nhận lương bổng, không tiền mua rượu nhưng sẵn lòng vui.

Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác

Trùng dương(125) mấy phát(126) khách thiên nha,(127)
Kịp phen này được đỗ(128) nhà.
Túi đã không tiền khôn chác(129) rượu,
Vườn tuy có cúc chửa đơm hoa.
Phong sương đã bén biên(130) thi khách,
Tang tử(131) còn thương tích cố gia.(132)
Ngày khác hay đâu còn việc khác,
Tiết lành mựa nỡ(133) để cho qua.

Tạm hiểu như sau: Nhiều bận gặp tiết Trùng dương trên đất khách, Hôm nay may mắn thưởng lễ ở nhà. Túi không tiền nên khó mua rượu, Vườn có cúc nhưng chưa đơm hoa. Gió sương đã bám tóc người thơ, Chạnh thương dấu vết danh gia nơi quê cũ. Mỗi ngày đều có công việc khác nhau, Nên hãy tận hưởng hiện tại, chớ bỏ qua tiết lành.

Cặp đề giúp ta ước định tác phẩm ra đời vào tháng 9 ta năm 1417. Cặp trạng nhắc Đào Tiềm, ẩn sĩ thích uống rượu ngâm hoa cúc. Nguyễn thiếu cả rượu lẫn cúc nghĩa là hoàn toàn thiếu điều kiện sống theo sở nguyện như cụ Đào. Ông ngao du trong ràng buộc vô hình. Bên cạnh ý nghĩa bóng bẩy, sự túng bấn giúp chúng ta biết tình trạng mới hồi hương của Nguyễn; do chờ phân bổ công việc nên chưa có thu nhập. Tết Trùng cửu rất đặc biệt đối với gia tộc Trần Nguyên Đán. Vào tiết này, cụ Tư đồ thường mời thân hữu cùng các con rể đến phủ thự để thưởng ngoạn rượu, thơ, hoa cúc và mùa thu. “Song viết” tao nhã định hình phong độ “cố gia”. Bên Trung Hoa, mọi người không rõ Nguyễn là ai; về Giao Chỉ, Nguyễn gần như sờ nắn được uy thế xã hội của mình. Ông nhắc hai chữ “cố gia” nhiều lần. Đó là cơ sở hỗ trợ Nguyễn thăng tiến nhanh trong xã hội Đại Việt, cũng chính là căn cội những thảm kịch phá hủy cuộc đời ông. Bóng ngoại tổ vẫn che phủ lên người cháu nay đầu chớm bạc.

Tầm vóc Nguyễn Trãi trong Giao Chỉ Bố chính sứ ty khó so được với nhóm hàng thần đợt đầu như Đồng Ngạn Dực, Mạc Viễn, Đỗ Hy Vọng…..nhưng cũng không quá thấp kém. Thi tập còn lưu vài bài thơ tác giả đối đáp với các nhân vật đứng đầu địa phương. Qua đó, chúng ta hiểu được phần nào thái độ của Ức Trai đối với chính quyền thuộc địa.

次韻陳尚書題阮布政草堂

一心報國尚桓桓
小構茆亭且自寬
薇省退歸花影轉
金門夢覺漏聲殘
琴詩雅趣真堪尚
松菊歡盟亦未寒
後樂想知終有意
好將事業百年看

Thứ vận Trần Thượng thư đề Nguyễn Bố chính thảo đường

Nhất tâm báo quốc thượng hoàn hoàn
Tiểu cấu mao đình thả tự khoan
Vi tỉnh(134) thối quy hoa ảnh chuyển
Kim môn(135) mộng giác lậu thanh tàn
Cầm thi nhã thú chân kham thượng
Tùng cúc hoan minh diệc vị hàn
Hậu lạc(136) tưởng tri chung hữu ý
Hảo tương sự nghiệp bách niên khan

Họa vần Trần Thượng thư đề nhà tranh của Nguyễn Bố chính

Lòng đền ơn nước còn hăng hái,
Dựng tạm gian nhà tranh để tự tìm khuây.
Từ tòa tử vi trở về, bóng hoa đã ngã,
Mộng kim môn tỉnh lại, sắp lặng tiếng đồng hồ.
Thú đàn thơ tao nhã quả thật đáng chuộng,
Hẹn thề vui vầy với thông cúc cũng chưa nguôi.
Đoán biết rằng rốt cuộc ông ấp ủ cái ý lo trước thiên hạ,
Sự nghiệp một đời rất đáng chiêm ngưỡng.

Trần Thượng thư: Binh bộ Thượng thư Trần Hiệp (1370 – 1426) chịu trách nhiệm trông coi hai ty Bố chính và Án sát từ khi Lý Bân sang thay Trương Phụ trấn thủ An Nam (1417). Ông còn kiêm tham mưu quân vụ cho Lý Tổng binh. Dường như Trần Thượng thư giao việc lại cho Hoàng Phúc khi Lý Bân bệnh chết năm 1422. Trần Hiệp tái nhận nhiệm vụ năm 1424 khi Hoàng Phúc được gọi về Bắc. Ông bị nghĩa quân Lam Sơn giết trong trận Tốt Động năm 1426.

Nguyễn Bố chính: Nguyễn Huân, nhận chức Hữu Bố chính sứ năm 1416, thăng Tả Bố chính sứ năm 1426. Mất tích khi theo Liễu Thăng tiến vào An Nam năm 1427. Trong trận đánh cuối cùng tại Xương Giang, Toàn Thư chỉ ghi lại việc bắt sống các chỉ huy Thôi Tụ và Hoàng Phúc, không đề cập Nguyễn Huân.

Ngày 4/7/1416 Huân còn ở Kim Lăng nhận chức Hữu Bố chính sứ. Ông là người đứng đầu đoàn đi cống đông đến 139 người. Rất có thể Nguyễn Trãi đã gặp Nguyễn Huân cùng nhóm quan lại địa phương từ bên Trung quốc. Huân vốn quê Nam Sách, Hải Dương nên nếu làm việc tại Ty Bố chính thì phải lưu trú khách xá như Nguyễn Trãi. Có vẻ với chức vụ quan trọng mới nhận, Huân đã làm nhà riêng, sinh hoạt tách biệt với thuộc cấp. Quan Bố chính có sức khỏe phi thường. Ban ngày, ông chỉ về nhà khi nắng ngả xiên; ban đêm, có thể nhân việc cần kíp, say sưa chờ mệnh không biết đồng hồ đã cạn.

Nếu các câu 3,4,5,6 văn vẻ kiểu xã giao, thì các câu 1,2,7,8 đưa đến vài thông tin đáng chú ý.

Đối tượng hành động “báo quốc 報國”, đền ơn nước là hoàng đế Đại Minh. Nguyễn Trãi khâm phục tinh thần phụng sự mẫu quốc của Huân. Nhận xét này khá giống lời Tuyên Đức về sau tóm tắt thành tích quan Tả Bố chính (1426): Ngươi, Nguyễn Huân, một lòng ngay thực, suy lự thuần lương, đạt thời cơ biết đạo trời; lòng thành hăng hái qui hướng triều đình, dốc tâm cần lao đảm nhiệm chức vụ, vỗ về người thuận theo, diệt trừ kẻ nghịch, giúp ích rất nhiều, trải qua năm tháng tấm lòng trung không suy hao.(137)

Để sinh hoạt riêng, viên quan to thuộc Ty Bố chính chỉ dựng gian nhà cỏ. Nếu không phải vì liêm khiết hay quy định ngặt nghèo của trung ương, có thể nói mức sống tại Đại Việt-An Nam từ cuối Trần đến Minh thuộc cực kỳ thấp. Khách xá hay nhà quan đều dựng bằng tranh lá. Dù sống thanh đạm, Huân vẫn ôm lòng “tiên ưu hậu lạc 先憂後樂”, đây cũng là tấm lòng Nguyễn Trãi khi phục vụ nhà Lê. Theo Ức Trai, lòng trung với vua Minh và tinh thần trách nhiệm với dân Việt của Huân đáng nêu gương lâu dài.

Ứng xử của Nguyễn với viên thổ quan đứng đầu bộ máy hành chính Giao Chỉ mang vẻ tôn kính nhưng e dè. Huân đậm phong thái quan lại hơn văn nhân. Khoảng cách giữa Nguyễn và giới cai trị thuộc địa thu hẹp nhanh chóng khi đối tượng là đệ tử Khổng Mạnh. Bài trường luật tặng Giám sát Ngự sử Hoàng Tông Tái dưới đây có lẽ nằm trong số những tuyệt phẩm của Ức Trai.

題黃御史梅雪軒

豸冠巇巇面似鐵
不獨愛梅兼愛雪
愛梅愛雪愛緣何
愛絼雪白梅芳潔
天然梅雪自兩奇
更添臺柏真三絕
羅浮仙子冰為魂
頃刻能今瓊作屑
夜深琪樹碎玲瓏
月戶風窗寒凜烈
若非風遞暗香來
紛紛一色何由別
巡詹不怕玉樓寒
銀海搖光更清徹
九重軫念及遐氓
萬里錦衣遙駐節
霜風捲地簡橫秋
身在炎荒心魏闕
交南十月煖如春
夢中只有花堪折
將心托物古有之
高躅深期蹈前哲
東玻謂竹不可無
漮溪愛蓮亦有說
乾坤萬古一清致
灞橋詩思西湖月

Đề Hoàng Ngự sử mai tuyết hiên

Trãi quan(138) nga nga diện tự thiết
Bất độc ái mai kiêm ái tuyết
Ái mai ái tuyết ái duyên hà
Ái duyên tuyết bạch mai phương khiết
Thiên nhiên mai tuyết tự lưỡng kỳ
Cánh thiêm đài bách(139) chân tam tuyệt
La phù tiên tử(140) băng vi hồn
Khoảnh khắc năng linh quỳnh tác tiết
Dạ thâm kỳ thụ toái linh lung
Nguyệt hộ phong song hàn lẫm liệt
Nhược phi phong đệ ám hương(141) lai
Phân phân nhất sắc hà do biệt
Tuần thiềm bất phạ ngọc lâu(142) hàn
Ngân hải(143) dao quang cánh thanh triệt
Cửu trùng chẩn niệm cập hà manh
Vạn lý cẩm y dao trú tiết
Sương phong quyển địa giản(144) hoành thu
Thân tại viêm bang tâm ngụy khuyết(145)
Giao nam thập nguyệt noãn như xuân

Mộng trung chỉ hữu hoa kham chiết
Tương tâm thác vật cổ hữu chi
Cao trục thâm kỳ đạo tiên triết
Đông pha(146) vị trúc bất khả vô
Liêm khê(147) ái liên diệc hữu thuyết
Càn khôn vạn cổ nhất thanh trí
Bá kiều thi tứ(148) tây hồ nguyệt(149)

Đề hiên mai tuyết của Ngự sử họ Hoàng

Đội mũ quan ngự sử cao, gương mặt nghiêm trang,
Không chỉ yêu hoa mai, còn yêu cả tuyết.
Yêu mai, yêu tuyết, yêu vì cớ gì?
Yêu vì tuyết trắng tuyền, mai thanh khiết.
Trời sinh mai và tuyết vốn là hai vật kỳ diệu.
Lại thêm “đài bách” thật đủ “tam tuyệt”.

La Phù tiên tử (hoa mai trắng) linh hồn như giá băng,
Trong khoảnh khắc có thể khiến ngọc quỳnh nát vụn.
Cây ngọc vỡ lấp lánh trong đêm sâu.
Trăng qua cửa, gió luồn song gieo giá rét.
Nếu không có gió đưa thoảng hương thầm,
Thì rối rắm một màu làm sao phân biệt!
Dạo hết hiên nhà không sợ buốt hai vai.
Ánh sáng lung linh càng trong veo trước mắt.

Trăn trở thương xót từ cửu trùng xuống đến dân phương xa,
(Nên) Người áo gấm cầm cờ tiết phải lưu lại ngoài vạn lý.
Phong khí như gió sương cuốn đất, tràn ngập trời thu,
Nơi hoang vu nóng nực tâm vẫn hướng về ngụy khuyết,
Tháng mười Giao Nam ấm như mùa xuân,
Hoa bẻ được chỉ hiện hữu trong giấc mộng.
Tự cổ đã có người gửi tâm vào vật,
Tinh thần cao thâm noi theo hiền nhân xưa,
Đông Pha không thể thiếu trúc,
Liêm Khê có chủ thuyết về yêu sen.
Trời đất vạn đời đều hướng đến thanh cao,
(Như) Trăng hồ Tây, ý thơ cầu Bá.

Như trên đã nói, Thành tổ nghi ngờ Trương Phụ tạo thế lực riêng nên điều Lý Bân sang thay thế. Đồng thời, sai Giám sát Ngự sử bắt đầu tuần xét việc cai trị An Nam.

Bài thơ nhiều khả năng được tặng cho Hoàng Tông Tái khi họ Hoàng mới ổn định chỗ ở tại Giao Nam, tức cuối năm 1417 hay đầu năm 1418.

Minh Thực lục còn lại một ghi chép về Hoàng, khi đó giữ chức Tuần án Giao Chỉ. Ngày 12/01/1420, triều đình nhận báo cáo từ Ngự sử Tông Tái đề nghị rằng các quan chức chưa đỗ đại khoa, đa số người quê Lưỡng Quảng-Vân Nam, sau hai năm phải được khảo hạch bởi Tuần vũ, Án sát, Giám sát Ngự sử sở tại. Ông chê bọn này chăn dân vụng về, xử án sai luật do căn bản học vấn chưa đầy đủ. Vua thuận theo.

Tờ tâu chứng tỏ Hoàng thực sự quan tâm tới hiệu quả việc cai trị. Suy cho cùng, nhiệm vụ của Ngự sử là gìn giữ sao cho chính sách Đại Minh được thực hiện trọn vẹn tại An Nam. Dĩ nhiên, vị vua lịch duyệt như Thành tổ không bao giờ dại dột đè nén dân chúng đến mức họ phải nổi loạn chống triều đình. Điều hòa thu nhập cao nhất cho đế quốc nhưng ở mức dân đen kham nổi là nghệ thuật “muối mơ” tinh xảo. Nếu xảy ra loạn lớn, kinh phí thu được từ địa phương chưa chắc đủ để huy động quân đội từ chính quốc. Hơn nữa, chiến tranh dằng dai sẽ là thảm họa cho chính Trung Hoa.

Sự đồng cảm với công việc Ngự sử khiến cảm xúc của Nguyễn trong bài thất ngôn trường thiên thăng hoa. Bên cạnh “Côn Sơn ca”, đây là thi phẩm hào hứng sảng khoái nhất của ông. Nguyễn đã xếp phẩm cách của Hoàng ngang bằng đặc tính tượng trưng hoa mai và tuyết. Ca ngợi tới mức đó tưởng đã hết lời. Bài hành phảng phất từ ngữ và ý thơ của nhiều danh tài Trung Hoa: Đỗ Phủ (712 – 770), Lâm Bô (967-1028), Tô Đông Pha (1037-1101), Lục Du (1125-1210), Lư Mai Pha (Nam Tống), Trịnh Khải (Đường)…

6

Mai đọng tuyết (http://bit.ly/2KGEQFM)

Nguyễn nói về mai, tuyết, gió, trăng, giá buốt… những yếu tố không hiện diện vào thời điểm đề thơ nên có thể đoán rằng các câu 7 đến 14 chủ yếu miêu tả cảnh trong tranh vẽ kèm theo cảm tưởng. Tranh thể hiện cội mai đầy hoa, đọng tuyết dưới trăng vào đêm nhiều gió. Hoa mai rụng khiến tuyết rơi tan, tia vỡ lóng lánh giúp người thưởng ngoạn cảm được sức gió, ánh trăng và giá lạnh. Vì là tranh nên thiếu “ám hương”, hương thầm, yếu tố quan trọng khiến nghệ sĩ họ Nguyễn nhanh chóng nhận biết. “Mai tuyết hiên” giống như “art gallery” gia đình, trưng bày toàn tranh mai-tuyết. Hoàng Ngự sử ngầm gửi tín hiệu đến mọi người về cốt cách của mình. Điều này khiến Nguyễn hết sức ngưỡng mộ.

Câu 15 đến 18 khắc họa phong thái Tông Tái bằng ngòi bút hào sảng. Hình ảnh nhà nho Ngự sử nghiêm khắc, uy lực, luôn hướng về phép nước hẳn là mẫu người lý tưởng một thời của nhà thơ khi mới làm quan cho họ Hồ. Viên quan cầm tiết ngoài vạn dặm chính là biểu tượng lòng yêu thương con dân xa xôi của thiên tử. Trung thành với vua và quan tâm tới dân thường luôn là điều khiến Nguyễn rung động. Ca ngợi Bố chính Huân ông cũng dựa trên tiêu chí này.

Hoàng tự ví mình với mai-tuyết, Nguyễn cho rằng Giao nam thiếu tuyết nên so quan Ngự sử với trúc-sen. Cuối cùng, Nguyễn vút bổng theo tuyết cầu Bá và chơi vơi giữa mai Tây hồ.

Tương thông văn hóa cực độ giữa nhà nho An Nam với trí thức Đại Minh hé lộ cá tính dễ tạo nên phiền toái khi ông gia nhập tập đoàn Lam Sơn. Nguyễn thiếu hẳn ghi chép thù tạc với quan tướng giàu chất rừng núi dưới trướng Lê Lợi,(150) thay vào đó, bóng dáng những kẻ hẹp hòi, đâm thọt, báng bổ thấp thoáng trong vô số tác phẩm của ông. Thái độ khinh mạn chỉ biết có vua vô tình dựng quanh Nguyễn hàng rào đố kỵ. Cái giá phải trả sẽ đắt quá một đời người.

題何校尉白雲思親

庭闈一別歲花深
愛慕人皆共此心
客裡看雲情易切
公餘披卷意難禁
家山孰不懷桑梓
忠孝何曾有古今
持此贈君還自感
詩成我亦淚沾襟

Đề Hà Hiệu úy bạch vân tư thân

Đình vi nhất biệt tuế hoa thâm
Ái mộ nhân giai cộng thử tâm
Khách lí khán vân tình dị thiết
Công dư phi quyển ý nan câm
Gia sơn thục bất hoài tang tử
Trung hiếu hà tằng hữu cổ câm
Trì thử tặng quân hoàn tự cảm
Thi thành ngã diệc lệ triêm khâm

Đề tranh “Bạch vân tư thân” của Hà Hiệu úy

Từ khi giã biệt cha mẹ đến nay đã lâu,
Con người ai cũng cùng lòng yêu kính.
Ngắm mây nơi đất khách, tình dễ thiết tha,
Mở tranh khi rỗi việc, ý khôn dằn nén.
Ai chẳng nhớ cây dâu cây thị quê nhà!
Ngày xưa, ngày nay vẫn một niềm trung hiếu.
Cầm bài thơ tặng ông tự tôi cũng xúc động,
Viết vừa xong nước mắt đã đầm vạt áo.

Hà Hiệu úy: có thể là tướng Đả Trung, người trấn thủ Tây đô cùng Lương Nhữ Hốt đến giờ phút sau cùng của cuộc chiến. Khi Vương Thông giảng hòa với Lê Lợi ông mới dẫn quân về Đông Quan để hồi hương. Minh Thực lục và Quân trung từ mệnh tập gọi ông là Đả Trung, nhưng Lam Sơn thực lục lại gọi Hà Trung.

Bài thơ giản đơn vì dành tặng võ tướng, điểm đặc biệt duy nhất là giọt nước mắt của Nguyễn. Ông nhắc đến “lệ” ba lần trong văn thơ, một lần khóc Đại Ngu, một lần tẩy uế mồ mả tổ tiên, và lần này chia sẻ tâm tình hiếu thảo với quan Hiệu úy. Mẹ Nguyễn mất sớm, nhớ song thân phương Bắc gợi suy đoán rằng Nguyễn Phi Khanh hiện vẫn sống bên nước Minh. Ức Trai giống ông ngoại, thiếu hào hứng với những gì liên quan đến chiến tranh. Chỉ một điểm chung duy nhất giữa ông và viên tướng Tàu: có cha, mẹ hoặc cha mẹ đang sống ở phương Bắc.

Về khía cạnh văn hóa, ta thấy người Minh thích chơi tranh. Họ dùng tranh để thể hiện nhân cách. Thơ Nguyễn nhiều bài lấy cảm hứng từ hội họa. Có lẽ tranh phong cách Trung Hoa trở nên phổ biến hơn tại Giao Chỉ nhờ thời đô hộ ngắn ngủi này.

Ba bài thơ gửi tặng ba quan viên nghề nghiệp rất khác nhau, Nguyễn Huân đứng đầu Ty Bố chính sau Thượng thư Trần Hiệp, Hoàng Tông Tái giám sát việc cai trị Giao Chỉ từ Ty Án sát, Hà Trung phục vụ Đô Ty. Như vậy, bối cảnh ra đời của chúng nhiều khả năng là dịp Nguyễn Trãi ra mắt dàn lãnh đạo Tam ty khi bắt đầu nhiệm vụ tại An Nam.

Nguyễn Trãi ca ngợi quan tướng nhà Minh từ vị trí thấp hơn. Ông buộc lòng làm thế hay thực lòng nghĩ thế?

Ức Trai vốn hiểu thời nên tùy thời. Năm 1417/1418, Hậu Trần đã bị tiêu diệt. Tình hình tương đối ổn định vì các toán nổi dậy rời rạc không đe dọa sự tồn tại của chính quyền Giao Chỉ. Nhóm Lam Sơn chưa trở thành lực lượng có thể gây chấn động nền móng cai trị vững vàng. Qua “Đại cáo”, Lê Lợi đánh giá thời điểm này là “Chính tặc thế phương trương chi nhật. 正賊勢方張之日”, chính lúc quân thù đương mạnh. Điều cốt yếu, phải làm được gì tốt nhất cho dân chúng trong khả năng mình. Ức Trai ca ngợi Nguyễn Huân vì vị Bố chính mang lòng “lo trước vui sau”, ca ngợi Hoàng Tông Tái vì viên Ngự sử thừa mệnh vua chăm sóc dân miền xa, ca ngợi Hà Trung vì quan Hiệu úy là người con yêu thương cha mẹ. Các đức tính được tôn vinh thể hiện ước nguyện nảy sinh từ hoàn cảnh cụ thể. Với quan chức dân sự, ông “nịnh” họ thương dân; với tướng quân đội, ông sẻ chia giọt nước mắt hiếu thảo. Ức Trai có thể đổi chủ theo “thời”, nhưng không thể đổi dân hay đổi cha mẹ. Đối với người Đại Việt luôn xem Minh là giặc, nếu chỉ trích Nguyễn vì những lời tán tụng bên trên sẽ hóa ra hẹp bụng.

Những gì thể hiện qua văn chương có phải lúc nào cũng thật? Chưa hẳn! Nguyễn tuyển ý và từ theo từng trường hợp. Ví dụ như vài chi tiết trong “Băng Hồ di sự lục”. Nguyễn tán thưởng ông ngoại vì quyết định lui nghỉ rất thức thời khi họ Hồ nắm quyền chính; hay miêu tả cụ Trần bình thản từ chối uống thuốc, chấp nhận cái chết. Sự thực, Băng Hồ bị loại khỏi giới quyền lực bởi mánh khóe của Hồ Quý Ly, sau đó cụ buộc phải chấp nhận gầy dựng quan hệ hôn nhân với họ Hồ để bảo vệ gia tộc. Mặt khác, Băng Hồ muốn trường thọ nên từng cầu thọ; Nghệ tông nhìn thấy đàn tinh đẩu ở Côn Sơn trong bài luật “Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán từ đường”: “Tinh đẩu đàn hoang lộ chuyển mê. 星斗壇荒路轉迷”,(151) Đàn tinh đẩu bỏ hoang, lối đi mờ dấu. Hai điểm mâu thuẫn thực tế xảy ra vì văn tưởng niệm chỉ được phép nói đến mặt tích cực của người đã khuất. Ức Trai cầm viết trong khuôn thước đó.

Nói vậy, không có nghĩa tác giả mang gian dối vào thi ca để thù tiếp. Ông triệt để đối lập với loại người khôn vặt. Ức Trai chỉ muốn nối chí cổ nhân. Với quan có học, ông khơi gợi tâm nhân nghĩa; với tướng ít học, ông đồng cảm lòng hiếu kính; mà theo Nho giáo, hiếu khởi đầu cho nhân. Ức Trai quan niệm dân là mục đích, vua quan chỉ là phương tiện. Nguyễn nghĩ sâu và xa khi tặng thơ cho giới cầm quyền; nhờ thế, ông khá thành công khi đi trên băng mỏng.

Ngôn chí XVII

Đột xung biếng tới áng can qua,
Địch(152) lều ta dưỡng tính ta.
Song viết(153) hằng lề(154) phiến sách cũ,
Hôm dao(155) đủ bữa bát cơm xoa.(156)
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc,
Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa.
Quân tử hãy lăm bền chí cũ,(157)
Chẳng âu(158) ngặt(159) chẳng âu già.

Để đoán bài thơ ra đời thời điểm nào, chúng ta chú ý chữ “can qua”, chiến tranh trong câu một. Nguyễn Trãi chứng kiến nhiều cuộc chiến: nhà Hồ đánh Chiêm Thành; nhà Minh đánh Giao Chỉ; quân khởi nghĩa kháng cự quân chiếm đóng; Lê Lợi đại thắng quân Minh; Lê Thái tổ dẹp phản loạn họ Bế, họ Nông, họ Đèo; Lê Thái tông trấn áp họ Hoàng, họ Cầm, họ Hà…. Thái độ của Nguyễn khác nhau đối với từng cuộc chiến.

Nhà Hồ chinh phạt Chiêm Thành năm 1402, tướng lĩnh chỉ huy quân viễn chinh thuộc lứa tuổi của Nguyễn Phi Khanh nên cha ông từng dùng thơ tiễn chân thân hữu. Qua lời tiễn Nguyễn Bằng Cử, Nhị Khê bày tỏ thái độ vừa bực tức vừa khinh miệt đối với giặc phương Nam bằng các chữ “oán phẫn 怨憤”, căm oán hay “cuồng hồ 狂胡”, man di ngông cuồng. Trần Nguyên Đán cũng dùng ngôn từ bỉ thị như vậy khi tiễn Lê Quý Ly và Trần Ngạc nam tiến (1383), cụ xem kinh đô giặc là “nghĩ điệt 蟻垤”, ổ mối hay “chí 痣”, mụn cơm. Về chiến tranh với Chiêm, không sợ sai nếu cho rằng Nguyễn Trãi có quan điểm giống cha và ông ngoại. Tâm tình đó dễ hiểu vì đến tận bây giờ người Việt vẫn chưa quên những lần Chế Bồng Nga triệt phá Thăng Long.

Quân Minh tiến đánh Giao Chỉ từ 1406 đến 1407. Với người trưởng thành theo dòng ý thức hệ Nho giáo như Nguyễn Trãi, sự biến đó thật chạnh lòng. Ông thảng thốt, chịu đựng, khốn khổ… nhưng tuyệt không lời nào kết án giặc. Để bung thoát tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Nguyễn thường xuyên cân nhắc việc trình diện người Minh. Như thế, ông chấp nhận quy trình và động tác thiên triều trừng phạt chư hầu, nếu chư hầu phạm lỗi. Đã có lúc Nguyễn tin vào tính phổ quát của hệ thống Hoa tâm.

Người truyền cho Ức Trai ý thức về bầu trời khác ngoài bầu trời Trung nguyên chính là Lê Lợi. Dưới mắt ngài, vua Minh chỉ là đứa trẻ giảo quyệt, quân tướng Minh chỉ là chuột lũ cáo bầy đánh giết dễ dàng. Cách diễn đạt hoa mỹ, phấn hứng ý tưởng thô lỗ của chủ tướng về bọn giặc qua Đại cáo thể hiện đồng cảm sâu của Nguyễn. Trải bao va chạm với Minh triều, từ lo âu, đầu phục, hợp tác (1410 – 1419) đến ngờ vực, thất vọng (1420 – 1422); rốt cục, Nguyễn ủng hộ quan điểm Lê Lợi, nhìn giặc Bắc như đám người tham, ác, cư trú nhầm nơi (1423 – 1428).

Nguyễn đứng ngoài các trận bình dẹp Nông Đắc Thái, Bế Văn Thiệu, Đèo Cát Hãn (1430 – 1432) nhưng vỗ tay rất lớn bằng bốn khổ thơ mừng chiến công “Hạ tiệp”. Trừ Trung Hoa, nhà nho Ức Trai quan niệm bọn man tù phải thần phục vua Đại Việt. Có thể suy luận được rằng Nguyễn cũng áp dụng quan niệm Hoa-Di cho các đám thổ tù họ Hoàng (1434), họ Cầm, giặc Ai Lao (1435-1436-1439), họ Hà (1440), Đạo Mông (1441) đời Thái tông.

Đặc biệt, Nguyễn chưa bao giờ bộc lộ cảm xúc về những cuộc chiến giữa người địa phương với quân chiếm đóng. Từ Đại Minh về, gặp giặc cỏ nổi như ong chào mừng Trương Phụ rời An Nam, Nguyễn chỉ phán bốn chữ “can qua vị tức”, chiến tranh chưa dứt. “Can qua” trong bài này cũng chẳng khiến được Nguyễn có ý kiến gì, nó nhiều khả năng chính là một trong vô số trận dằng dai mệt mỏi giữa Minh và nghĩa quân Việt. Ông phục vụ giặc nhưng bàng quang với vận số chính quyền tạm chiếm. Nhà thơ an phận cơm hẩm, đọc sách xưa, ngắm trăng, trúc, chim, hoa chờ ngày được tha về quê cũ. Như vậy, Ngôn chí XVII được làm ra trong khoảng 1418 – 1422.

Ghi nhận của Minh Thực lục về việc tránh kình chống nhau giữa người Việt và tình trạng thức ăn khan hiếm giống như phản ánh trong bài thơ trên:

Ngày 28/6/1421: …quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân tâu rằng đất nội phụ Giao Chỉ xa xôi, không dễ dàng vận chuyển lương thực; xin cho các ty, vệ, sở chia lính lập đồn điền để cung cấp… Quân lính người bản xứ tuy được liệt vào sổ binh, nhưng lúc đánh nhau còn lưỡng lự hai lòng, thường không liều chết; nay bàn định tỷ số đồn điền phần nhiều là lính bản xứ, quan quân ít (Minh Thực lục II, 86).(160)

Ngôn chí XXI

Chăng hay rắp rắp đã tư mươi,
Ngày tháng bằng thoi một phút cười.
Thế sự người no ổi tiết bảy,(161)
Nhân tình ai ủ(162) cúc mồng mười.(163)
Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc,

Cây đến ngày xuân lá tươi.
Phú quý chẳng tham thanh tựa nước,
Lòng nào vạy vọ(164) hơi hơi.

Nguyễn Trãi tròn bốn mươi vào năm 1419. Chưa tới hai năm làm việc tại An Nam, ông nhìn thấy ngay vị thế bản thân trong hệ thống cai trị thuộc địa. Hai câu 3, 4 diễn tả hoàn cảnh của cựu quan tiền triều, nó tương tự hoàn cảnh trí thức Việt Nam Cộng Hòa lưu dụng sau 1975. Nguyễn sẽ không bao giờ được cơ cấu vào thành phần nhân sự chủ chốt hay nhân sự dự trữ. Tìm an ủi từ thiên nhiên, Ức Trai tin nguyên lý xoay vần của trời đất. Nhưng nếu giữ mãi lòng thanh bạch liệu Nguyễn có phù hợp với cái chính quyền đang mưu tìm nguồn lợi tương xứng với máu và tiền đã đổ ra?

Dù bị hạn chế nhiều về phương diện chính trị, Nguyễn chưa hẳn bế tắc đường tiến thân. Còn đường khác, kết quả nhanh chóng hơn, là đường mua quan tước. Ta thấy thổ quan giữ chức vụ nào đó phải dâng của cải cho người Minh như một thông lệ. Các quan phủ, châu chính thức cống đồ dùng quý giá đến Nam kinh, thổ tù Phan Liêu phải tiến vàng bạc cho nội quan Mã Kỳ. Bản thân phụ đạo Khả Lam Lê Lợi cũng bị hạch sách quá đáng đến mức gần sạch gia sản. Các thú mục, hào trưởng nắm lực lượng sản xuất có thể phần nào thỏa mãn nhu cầu bề trên, quan lại cấp thấp như Nguyễn chỉ một cách duy nhất là bóp nặn đám dân đen có liên quan đến công việc của mình.

Từ năm 1417, Lý Bân đã tiến hành làm sổ tu tri để thống kê tài nguyên trong thiên nhiên cũng như trong xã hội. Năm 1418, chính quyền An Nam tiến hành khai thác ngọc trai, tìm kiếm hương liệu, săn bắt thú hoang dã quý hiếm…. ở quy mô lớn. Công việc đại trà cần nhiều nhân lực nên năm 1419 họ tổ chức dân chúng thành đơn vị giáp 10 hộ và lý 110 hộ. Giáp thủ, lý trưởng đại diện dân chúng đứng ra nhận lao dịch. Yêu cầu luôn quá sức cung phụng nên các người phụ trách thường bị đánh đập tàn nhẫn. Thuộc địa viễn nam quá xa mặt trời trở thành môi trường lý tưởng cho bọn ô lại tâng công. Lòng Nguyễn không chịu cong vênh dù chỉ hơi hơi thì biết thế nào? Ông sẽ mãi làm “khách” trong bộ máy Tam ty Giao Chỉ.

Tự thuật IX

Ở thế nhiều phen thấy khóc cười,
Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.
Lòng người một sự yêm(165) chưng(166) một,
Đèn khách mười thu lạnh hết mười.
Phượng những tiếc cao diều hãy liệng,(167)
Hoa thì hay héo cỏ thường tươi.

Ai ai đều có hai con mắt,
Xanh bạc(168) dầu chưng(169) mặt chúng ngươi.

Nguyễn Trãi ngoài 40 vào khoảng 1420-1421. Lúc này, trông ai cũng thấy chán, ông đã hoàn toàn trở thành người lạ tại nơi làm việc. Mười năm đèn lạnh, khoảng 1411 – 1420/1421, là mười năm Nguyễn cộng tác với người Minh. Hệ thống cai trị áp đặt không có chỗ dành cho chim phượng, hoa và bản thân Nguyễn, nó màu mỡ cho cú diều và cỏ. Trước đó chưa lâu, Nguyễn ca ngợi lòng trung của các quan Bố chính, Tuần án, Hiệu úy. Ông nói khéo với người trên nhưng cũng phơi bày ruột gan để tránh cái vạ bị nghi ngờ. Ức Trai thực sự muốn thích nghi hoàn cảnh. Vậy điều gì khiến Nguyễn sổ toẹt quá trình hợp tác với giặc ? Vì sao ngọn đèn suốt mười năm vừa lạnh, vừa lạc loài?

Nguyên nhân trực tiếp tác động tâm tư Nguyễn là do người Minh sử dụng ông không xứng năng lực. Chim phượng phải náu mình dưới bóng cú diều. Nguyễn giống như Tiền Khởi (710 – 782), tự đánh giá mức độ thành đạt sau mốc mười năm. Thời gian đã đủ, không thăng tiến được thì tìm việc khác. Cảm giác làm “khách” trong bộ máy điều hành bởi người Minh kém thi vị hơn làm “khách” ở những địa điểm ngoài Nhị Khê hay Côn Sơn. Bao quanh bởi cú diều, có lẽ Nguyễn phải dùng toàn “mắt bạc”. Ông cau có với thân phận. Mặt khác, cần nhìn nhận Nguyễn không mang tâm vị kỷ, để thực hiện hoài bão an dân nên ước mong vị trí cao hơn. Khổng tử và đa số môn đồ luôn muốn chức to để thể hiện năng lực quản lý xã hội.

Ngôn chí XIII(170)

Tà dương bóng ngả khuở(171) giang lâu,
Thế giới(172) đông(173) nên ngọc một bầu.
Tuyết sóc treo, cây điểm phấn,
Quỹ đông(174) giãi,(175) nguyệt in câu.
Khói chìm thuỷ quốc quyên(176) phẳng,
Nhạn triện(177) hư không gió thâu.(178)
Thuyền mọn còn chèo chăng khứng(179) đỗ,

Trời ban tối ước(180) về đâu.

Tạm hiểu như sau: Trời ngả chiều khi đang ở tòa lầu ven sông. Vũ trụ đông lại thành một bầu ngọc. Cây lác đác hoa trắng như điểm tuyết đất bắc. Trăng móc câu tỏ rạng từ phương đông. Nước phẳng lặng – khói chìm bên dưới. Gió hun hút – bóng nhạn nổi bật nền trời. Thuyền nhỏ chèo mãi chưa ngừng lại! Định về đâu lúc ban tối?

Bài thơ được sáng tác vào cuối thu khi chim di trú, như vậy tuyết trong thơ đậm chất tượng trưng. Tuyết có thể rơi trên cao nguyên ôn đới lúc chuyển mùa, tuy nhiên, mặt nước trong thơ còn mềm mại nên giả định tuyết mang tính nghệ thuật thích đáng hơn. Sẽ hiểu rõ ý Nguyễn khi so câu này với “Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên. 梅花如雪照晴川”,(181) Hoa mai trắng như tuyết soi mình xuống sông lặng của Trần Quang Khải (1241 – 1294); hoặc với câu “Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm. 澗邊梅影負清吟”, Đành phụ thú ngâm nga cảnh mai soi bóng bên dòng suối của chính ông. Trăng hạ huyền chỉ mọc quãng nửa đêm nên trăng xuất hiện lúc chiều muộn như trong thơ là trăng non trước thượng huyền. Cảnh quan hết sức trong trẻo, muôn vật dường như rõ mồn một vì sương khói hoàng hôn chìm trong nước. “Triện” có nghĩa “khắc, trổ”, một từ tuyệt diệu mô tả bầy nhạn giữa trời quang mây tạnh. Nên chú ý “triện 篆” hay dãi chữ triện đều không phải đội hình chim bay. Chim luôn bay theo hình chữ V phù hợp nguyên tắc khí động học. Hơn nữa, “triện” câu 6 đối với “chìm” câu 5, hai chữ đều là động từ.

Mười ba năm trước, Ức Trai chẳng biết đi đường nào vì chế độ Hồ đổ sụp. Bây giờ, ông nhất thiết phải đi đâu đó vì đang ở thời điểm cuối cùng của niềm tin. Nguyễn cần thay đổi. Bờ nước, mai trắng, ánh trăng tạo nên phong vị rất Tô Đông Pha. Dù vạn vật đẹp đẽ, tĩnh lặng, nhưng dường như áp thấp đang hình thành.

  1. Kháng chiến cùng Lê Lợi (1423 – 1428)

Năm 1420, Đông Quan rúng động bởi các cuộc dấy loạn của Lộ Văn Luật (ở Thạch Thất, Hà Nội nay), Dương Cung (ở An Bang, Xương Giang; Quảng Ninh, Bắc Giang nay). Lý Bân huy động đại quân đánh dẹp được. Thừa thắng, Bân đưa quân vào nam tấn công Lê Lợi, buộc nghĩa quân lui về Mường Thôi (Thanh Hóa nay). Bân dùng mười vạn quân theo chỉ điểm của Đồng tri châu Quỳ châu Cầm Quý tiếp đánh Mường Thôi. Phe Lam Sơn phục kích Bân tại Thi Lang (Thanh Hóa nay), thắng một trận rất lớn. Lý Bân, Phương Chính lui chạy bỏ cả quân đội. Từ đó, Trần Trí thay Bân làm tướng, có vẻ họ Lý đã bắt đầu phát bệnh. Kiểu “can qua” khó bình luận như thế đã vọng vào tác phẩm Ngôn chí XVII của Ức Trai.

Đại bại Thi Lang gây bối rối cho chính quyền Giao Chỉ, họ không còn lực càn quét để bắt bằng được đầu lĩnh nổi loạn Dương Cung nên phải ép học sinh Phạm Luận người Giáp Sơn (Hải Dương nay) sang kinh đô nhận tội thay. Sự kiện tai tiếng gây bất đồng nội bộ đồng thời bộc lộ suy yếu từ bên trong.

Mùa đông năm 1421, mười vạn quân Trần Trí phối hợp ba vạn quân Ai Lao tái chiến nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi đánh bại cả hai đạo tại đèo Ống (xã Bá Thước, Thanh Hóa nay). Võ công lừng lẫy Thi Lang, Đèo Ống hẳn đã kích thích trí tưởng tượng của nhà nho Nguyễn Trãi.

Mùa xuân năm 1422, Lý Bân qua đời. Tận dụng tình thế, Lê Lợi tiến quân ra Quan Du (Quan Hóa, Thanh Hóa nay) vào cuối năm. Người Minh phối hợp cùng Ai Lao chặn đánh cả mặt trước lẫn mặt sau. Quân Lam Sơn lui về sách Khôi (giữa Ninh Bình-Thanh Hóa), bị đại quân giặc bủa theo bao vây. Nghĩa quân tận lực đột phá, lui tiếp về núi Chí Linh (Lang Chánh, Thanh Hóa nay). Các trận đánh chứng tỏ nhóm khởi nghĩa chưa đủ sức tấn công ra khỏi địa bàn dù người Minh đã mất khả năng tiêu diệt họ. Thế trận trở nên cân bằng.

Lúc đó, có một người Đông Quan đi tìm vị Phụ đạo Khả Lam.

林港夜泊

港口聽潮暫繫舠
韽韽隔岸響蒲牢
船窗客夜三更雨
海曲秋風十丈濤
膜外虛名身是幻
夢中浮俗事堪拋
一生習氣渾如昨
不為羈愁損舊豪

Lâm cảng(182) dạ bạc

Cảng khẩu thính triều tạm hệ đao
Am am cách ngạn hưởng bồ lao(183)
Thuyền song khách dạ tam canh vũ

Hải khúc thu phong thập trượng đào
Mạc ngoại hư danh thân thị huyễn
Mộng trung phù tục sự kham phao
Nhất sinh tập khí hồn như tạc
Bất vị ki sầu tổn cựu hào

Đêm đậu thuyền ở Lâm cảng

Nghe tiếng thủy triều, tạm buộc thuyền con nơi bến cảng,
Chuông chùa văng vẳng bên kia bờ.
Ngoài cửa sổ, mưa suốt ba canh trên đất khách,
Góc biển hiu quạnh, gió thu thổi sóng mười trượng cao.
Thân là huyễn ảo, hư danh để ngoài lòng,
Cuộc sống phàm trong mộng, thật đáng bỏ đi
Thói quen cả đời vẫn y như cũ,
Không vì buồn xa nhà mà sa sút hào khí.

Khổng tử ba tháng không phò vua, lòng rất bất an. Dựa vào cảm giác vô dụng của tác giả, có thể đoán thời điểm này ông tạm không có vua. Nhớ lại, Nguyễn từng cho rằng cuộc đời hư huyễn khi nhà Hồ mất. Lần này, nỗi buồn “chó nhà tang” nặng nề được thay thế chỉ bằng chút ngậm ngùi. Dù đã 44 tuổi, Ức Trai mới lần đầu kiếm tìm cuộc sống của chính mình. Nguyễn thừa độ chín chắn tham gia tạo thời cuộc thay vì bị thời cuộc cuốn trôi. Câu 8 cung cấp thông tin về chuyến đi tới một nơi không dễ quay lại thăm nhà, địa điểm đến nhiều khả năng chính là hành dinh phía đối địch. Ức Trai rất trung thành, chỉ khi nào chúa cũ mất thiên mệnh ông mới lần dò lối khác. Dịp này thì sao? Dù người Minh không trọng dụng Nguyễn, họ vẫn cư xử phải chăng. Lực huyền bí nào đã giục giã, xui Nguyễn từ bỏ người bảo trợ? Về già, nhà thơ giải thích nguyên nhân như sau: “Trượng sách hà tòng quy Hán thất,(184) Bão cầm không tự tháo Nam âm. 杖策何從歸漢室抱琴空自操南音”, Chống roi ngựa, tại sao theo về nhà Hán? (Vì) Ôm đàn, chỉ biết gảy điệu Nam. Rất nhiều sĩ phu ngộ độc thuyết Hoa tâm, khả năng quý giá nhất của Ức Trai chính là khả năng tự giải độc mình.

Năm 1423, xuất hiện “Thư thỉnh hàng” nhân danh Lê Lợi gửi quân Minh xin tạm hoãn chiến tranh. Đây là văn bản sớm nhất của tập “Quân trung từ mệnh”. Trần Trí, Sơn Thọ nhận lời, gửi tặng viên đầu mục nhiều phẩm vật, được quân khởi nghĩa đáp lễ bằng vàng bạc. Bề ngoài Lê Lợi giao thiệp thân thiện, nhưng bên trong vẫn âm thầm phòng ngự. Đoán biết ý định đối thủ, phe Trần Trí bắt giữ sứ giả Lê Trăn. Chúa Lam Sơn nổi giận cắt đứt quan hệ.

Tháng 7 ta năm 1424, vua Minh Vĩnh Lạc băng trên đường hành quân đánh Mông Cổ. Tháng 9 ta cùng năm, nghĩa quân đánh úp đồn Đa Căng (Thanh Hóa) khiến Lương Nhữ Hốt bỏ chạy. Tiếp đó đánh bại luôn viện binh chỉ huy bởi Nguyễn Suất Anh.

Lê Lợi sửa sang khí giới, rèn luyện đội ngũ tiến thẳng vào Nghệ An. Sau nhiều dằng co, quân Lam Sơn dùng phục binh thắng quân Minh một trận lớn tại Bồ Ải (huyện Anh Sơn, Nghệ An nay), buộc Trần Trí lui vào thành cố thủ. Năm 1425, nghĩa quân thu phục được thủ lĩnh châu Ngọc Ma Cầm Quý, lấn chiếm các châu huyện, vây bức trấn thành. Tướng Minh Lý An chỉ huy thủy binh từ Đông Quan đến cứu, thừa dịp, Trần Trí mang hết quân phản công nhưng thất bại. Từ đó, giặc không dám ra ngoài.

Lê Lợi lại sai Lê Lễ dẫn quân phát triển thế lực sang Diễn châu. Tại đây, Lễ phá tan đạo quân chuyển lương của Trương Hùng, đuổi sát gót Hùng về tận Tây Đô. Lê Lợi điều tiếp các vị Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Triện, Lê Bị…hỗ trợ Lễ đánh úp thành. Tuy chưa hạ được nhưng các tướng phủ dụ thành công dân chúng xung quanh. Tây Đô bị cô lập. Lúc ấy, vua Hồng Hy băng. Nhân cơ hội, nghĩa quân giải phóng luôn các châu huyện thuộc Tân Bình, Thuận Hóa. Như vậy, giặc Minh chỉ còn duy trì thủ phủ Tây Đô, Diễn châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Dân cư bên ngoài đều theo kháng chiến.

Thành tựu lớn đạt được trong thời gian cực ngắn có thể do các yếu tố sau:

– Quan Tổng binh tài năng Lý Bân mất.
– Nguyễn Trãi mang đến thông tin quý giá về nội tình Tam ty, về cách bố trí lực lượng và phương pháp tác chiến của người Minh.
– Nguyễn Chích, dựa vào thông tin từ Nguyễn Trãi, đề xuất chiến lược hướng Nam đúng đắn giúp tiềm lực hậu cần nghĩa quân tăng vọt.
– Hai vua Vĩnh Lạc, Hồng Hy liên tục qua đời khiến tinh thần bộ máy thuộc địa dao động.
– Lê Lợi đánh giá đúng tương quan hai bên.

Mùa thu năm 1426, Lê Lợi sai các tướng Phạm Văn Xảo, Lê Khả, Lê Bị, Lê Khuyển bắc tiến nhằm chế ngự đường tiếp viện của quân Minh từ Vân Nam và Lưỡng Quảng. Hỗ trợ phía sau có Lê Lễ, Lê Xí. Riêng tướng Lê Triện mang 3.000 quân áp sát Đông Quan. Bình Định vương tiến ra Lỗi giang (sông Mã) để trợ thanh thế. Sau nhiều trận giao phong; Lê Lễ, Lê Triện cả phá Vương Thông tại Tốt Động, chém Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng. Chúa Lam Sơn lập tức hành quân gấp đến Lũng giang (sông Đáy).

Bài này có thể ra đời nhân dịp nhà thơ theo Lê Lợi tiến vào đồng bằng sông Hồng.

神符海口

故國歸心落雁邊
秋風一葉海門船
鯨噴浪吼雷南北
槊擁山連玉後前
天地多情恢巨浸
勳名此會想當年
日斜倚棹滄茫立
冉冉寒江起暮煙

Thần Phù hải khẩu

Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên
Thu phong nhất diệp hải môn thuyền
Kình phôn lãng hống lôi nam bắc
Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm
Huân danh thử hội tưởng đương niên
Nhật tà ỷ trạo thương mang lập
Nhiễm nhiễm hàn giang khởi mộ yên

Cửa biển Thần Phù

Lòng về quê cũ gửi theo cánh nhạn,
Thuyền ra cửa biển tựa chiếc lá trong gió thu.
Sóng gào như cá kình rống đôi bờ nam bắc,
Núi liền giống giáo ngọc dựng hai phía trước sau.
Trời đất đa tình, khôi phục dòng nước lớn,
Huân danh gặp hội, chợt nhớ năm nào!
Bóng xế, dựa chèo đứng giữa cảnh mênh mông,
Khói chiều mơ hồ dậy lên trên sông lạnh.

Ý, từ ôm đồm cả Niệm nô kiều của Tô Thức lẫn Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.

Cuộc hành binh hướng đến Đông Quan khiến tác giả mơ ngày về rất gần. Lê Lợi khôi phục gần như đầy đủ uy nghi nước cũ, cái Nguyễn gọi là “cự tẩm 巨浸”, dòng chảy lớn. Trong thâm tâm, ông thấy trời đã trao “mệnh” cho vị thủ lĩnh khởi nghĩa. Hội “huân danh”, tức việc phong quan tước kèm ban thưởng trước khi vào chiến dịch, có thể khiến Nguyễn Trãi liên tưởng thời được vua Hồ tuyển chọn và cất nhắc. Cuộc đời đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt đã giúp Nguyễn tham gia hai lần lập nước.

Sau khi tổ chức bộ máy hành chánh trên các vùng đất thu lại được, Lê Lợi đóng dinh ở Đông Phù Liệt, trực tiếp điều khiển quân chủ lực Hải Tây bao vây Đông Quan.

Tháng 11 năm Tuyên Đức I (1426), Trần Cảo được nghĩa quân Lam Sơn lập làm vua, niên hiệu Thiên Khánh. Vương Thông định xin hòa, sau đó nghe lời bàn của thổ quan lại đổi ý. Lê Lợi chia quân vây hãm các thành Điêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang, Xương Giang, Khâu Ôn.

Mùa xuân năm Tuyên Đức II (1427), Lê Lợi chuyển hành dinh đến bờ bắc sông Hồng, vây đánh Đông Quan ráo riết. Ngài ban chức hỏa thủ cho chỉ huy quân đội, bổ nhiệm thuộc lại tại Hàn lâm viện và chính quyền địa phương bốn đạo. Dịp này, lấy Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Lê Lợi dựng lầu cao ngang tháp Báo Thiên để quan sát động tĩnh của Vương Thông, Nguyễn Trãi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ qua lại với giặc (Toàn Thư II, 282).

Phía bắc, nghĩa quân Lam Sơn liên tục dành chiến thắng: Ngày 8 tháng 9 năm Tuyên Đức II (1427), hạ thành Xương Giang cắt đứt tuyến tiếp viện. Ngày 20 tháng 9 chém An Viễn hầu Liễu Thăng tại Chi Lăng; tháng 10, tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn viện binh dưới quyền vị tướng quá cố tại Xương Giang. Đạo quân hỗ trợ 5 vạn của Kiềm Quốc công Mộc Thạnh hoảng hốt tháo chạy. Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông cùng kế phải chủ động giảng hòa.

Hai bên tiến hành hội thề chấm dứt chiến tranh ở phía nam thành Đông Quan vào ngày 22 tháng 11 năm Tuyên Đức II (1427). Phía An Nam, nhân danh Trần Cảo là đầu mục Lê Lợi cùng nhóm quan tướng nhiều người giả danh họ Trần. Trần Nguyên Hãn và Trần (Phạm) Văn Xảo, hai quân nhân kinh lộ, dù địa vị trong lực lượng kháng chiến kém xa các chỉ huy Thiết Đột như Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả, Lê Vấn… vẫn chiếm vị thế quan trọng trong hội thề.(185) Như vậy, trên danh nghĩa chính thức, áp lực tái dựng họ Trần từ Vương Thông là cực lớn. Nhóm Lam Sơn gốc buộc lòng sử dụng Trần Cảo nhưng chỉ xem như chiêu bài. Vài thành viên Lam Sơn xuất thân trung châu lại nghĩ khác, họ thấy người Minh mang đến cơ hội.

Tháng 12 năm Tuyên Đức II (1427), quân Minh rời An Nam. Lê Lợi lập tức công bố Đại cáo nhấn mạnh công lao kháng chiến và tính hợp pháp của chính quyền tân lập.

Chúa Lam Sơn nhanh chóng dọn dẹp tàn tích hệ thống cũ. Trần Cảo bị bức tử vào tháng giêng năm Thuận Thiên I (1428), thổ quan làm việc cho chính quyền Minh bị trừng trị vào tháng 4, nhóm thổ hào sùng Minh tiếp tục duy trì liên lạc với mẫu quốc bị giết vào tháng 11.

Ngay khi còn ở dinh Bồ Đề, Lê Lợi đã tiến hành khen thưởng người có công. Đợt đầu tiên chỉ dành cho quân nhân Thiết Đột tham gia nổi dậy từ trứng nước. Các mỹ từ “đại phu”, “tướng quân”, “trí tự” ban cho binh tướng Thiết Đột có lẽ tương tự bằng khen, huy chương, hoặc huân chương ngày nay. Chúng mang giá trị tưởng lệ tinh thần hay phụ cấp vật chất chứ không có giá trị thang bậc trong quan trường. Tuy nhiên, sự kiện minh xác một điều: Thiết Đột là lực lượng nòng cốt đánh bại quân Minh. Chúng ta nên lưu ý trường hợp Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Hãn là võ tướng nhưng chỉ huy quân phụ trợ,(186) Xảo là tướng tham mưu, cả hai không thuộc phần tinh nhuệ của chủ lực nên vắng mặt trong lần ban thưởng ưu tiên.

Đợt hai mới thực sự là đại hội bá quan văn võ để bình công, định thứ bậc. Không hiểu sao qua lần luận công này, Toàn Thư chỉ ghi lại phần thưởng dành cho ba nhân tài kinh lộ: Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan Phục hầu, Tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc, Khu Mật đại sứ Phạm văn Xảo làm Thái bảo, đều được ban quốc tính. Có thể tranh cãi về quyền lợi và quyền lực giữa các quan tướng khác chỉ được giải quyết rốt ráo thời gian sau đó. Nhà vua chính thức ban biển ngạch cho 93 công thần vào tháng 5, Thuận Thiên II (1429), cơ bản có lẽ dựa vào kết quả lần đại hội nói trên với một số điều chỉnh.

Thụ phong tước hầu Quan Phục, Ức Trai thuộc nhóm 100 công thần hàng đầu. Trong kháng chiến, Nguyễn không phải là nhân vật số hai sau Lê Lợi dù có thể đặt ông vào vị trí số một trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Nên phân biệt sòng phẳng hai trường hoạt động.

Khá mơ màng về tiểu sử Nguyễn Trãi, nhưng Keith Weller Taylor tương đối chính xác khi nhận định công lao quan Thừa chỉ: “Thực tế, thiếu chứng cớ vững chắc để nói đóng góp của Nguyễn Trãi vào chế độ Lê Lợi vượt quá công việc thực hiện bởi: một ngòi bút thông thái chuyên soạn văn thư-cáo thị, một nhà quản trị hành chính hiểu biết, một chuyên gia lễ nhạc cung đình, một tiếng nói chừng mực giữa nhóm tướng lĩnh hiếu sát. Tất cả công vụ đó, dù hơi thiếu chất thần thoại, vẫn giữ vai trò quan trọng trong tình thế hỗn loạn đương thời.”(187)

Toàn Thư ghi nhận nhân vật tên Lê Văn Xảo được phong Huyện thượng hầu, tước hầu cao nhất trong đợt ban biển ngạch, ngang với Lê Sát, Lê Vấn. Lê Quý Đôn đồng nhất Lê Văn Xảo và Phạm Văn Xảo. Chúng tôi không nghĩ vậy. Phạm Văn Xảo từng cùng Lê Khả đánh tan quân Vương An Lão ở cầu Xa Lộc (1426) và đẩy lùi Mộc Thạnh ở cửa Lê Hoa (1427). Họ Phạm và tướng Thiết Đột Lê Khả thuộc cánh quân phụ ở mặt trận phụ, tầm vóc chiến đấu chưa đủ đưa Phạm vào vị trí ba công thần gạo cội. Vả lại, chuyện viên quan không được phong hầu trong lần khen thưởng trước đó đột nhiên nhảy lên ba vị trí đứng đầu thật bất hợp lý. Điểm này thể hiện sự gia công của người đời sau vào câu chuyện Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Sự việc càng rối rắm khi Toàn Thư thể hiện một vị tên “Lê Trãi 黎豸” được phong Á hầu. Nếu độc giả chỉ xem bản quốc ngữ sẽ dễ nhầm Lê Trãi với “Nguyễn Trãi 阮廌” được ban quốc tính. Chúng tôi nhất trí với cụ Bùi Văn Nguyên khi xác định Lê Trãi là nhân vật khác.(188) Vì hai chữ “trãi” có thể dùng thông nhau, nhưng tên người phải theo tự dạng do chủ nhân xác lập.

Lại lưu ý việc Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo không được phong hầu dù chức quan rất trọng. Thật khó biết sử quan thời nào đã tách riêng ba người kinh lộ ra khỏi toàn cục, thao tác tách biệt nhất định phải mang ẩn ý. Cũng khó biết chức Tả tướng quốc và Thái bảo có thật sự đúng địa vị đương thời của Hãn và Xảo hay không. Vì sao đặt tể thần như Tả tướng quốc và Thái bảo sau Đồng Trung thư lệnh vốn hàng á tướng? Hay sử gia đời sau dùng chức truy tặng bởi đời sau để tôn vinh hai vị?

Nhà thơ hầu tước áo gấm về làng vào cuối năm 1428. Nhân dịp thăm lại Côn Sơn, Nguyễn sáng tác “Băng Hồ di sự lục” nhằm tưởng nhớ ông ngoại. Ký tên bài viết, Nguyễn hãnh diện ghi đầy đủ chức danh, phiên âm như sau: “Tuyên phụng Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ hữu Gián nghị Đại phu,(189) đồng Trung thư lệnh sự, tứ kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi” (Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, 106).

Bài thơ dưới đây có yếu tố gợi ý thời điểm ra đời nhằm dịp vinh quy.

乞人畫崑山圖

半生邱壑廢登臨
亂後家鄕費夢尋
石畔松風孤勝賞
澗邊梅影負清吟
煙霞冷落腸堪斷
猿鶴蕭條意匪禁
憑仗人間高畫手
筆端寫出一般心

Khất nhân họa Côn Sơn đồ

Bán sinh khâu hác phế đăng lâm
Loạn hậu gia hương phí mộng tầm
Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng
Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm
Yên hà lãnh lạc trường kham đoạn
Viên hạc tiêu điều ý phỉ câm
Bằng trượng nhân gian cao họa thủ
Bút đoan tả xuất nhất ban tâm

Nhờ người vẽ tranh Côn Sơn

Nửa đời phải bỏ ngang việc lên thăm gò lũng!
Sau loạn, chỉ phí sức tìm quê nhà bằng giấc chiêm bao.
(Đành) phụ thú thưởng thức cảnh ghềnh đá thông reo.
(Buộc) dẹp niềm vui ngâm vịnh bóng mai bên bờ suối.
Khói mây chiều lặng lẽ, ruột như muốn đứt,
Vượn hạc xác xơ, cảm xúc khôn cầm.
Muốn nhờ tay vẽ khéo trong nhân gian,
Dùng ngọn bút họa lòng quyến luyến của ta vào đó.

Theo “Băng Hồ di sự lục”, thợ vẽ cảnh Côn Sơn được thuê vào mùa đông năm Thuận Thiên I (1428). Hai lần đi xa trở về, một lần từ Trung Hoa, một lần từ Thanh Hóa, Nguyễn đều sớm thu xếp thăm lại Côn Sơn. Cả hai lần ông đều xúc động mạnh khi chứng kiến cảnh khu nhà ngoại tổ chìm trong hoang phế.

Người Minh không tịch thu, sử dụng hay ban cấp cho người khác khu đất thiếu bàn tay chăm sóc chứng tỏ họ ứng xử rất đúng mực. Có thể nguyên nhân chiếu cố là do đại gia đình quan Tư đồ có ba nhân vật danh tiếng hợp tác với giặc: Trần Thúc Dao, Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Nhưng thật khác thường khi Nguyễn vào Lam Sơn tựu nghĩa, mảnh đất vẫn chẳng bị chính quyền Giao Chỉ đụng đến. Họ không ngờ Nguyễn quay ngoắt vậy chăng? Hay người Minh chỉ biết Nguyễn Trãi hiện diện trong quân Lam Sơn khi ông xuất hiện dụ hàng thành Tam Giang, lúc quyền kiểm soát của họ đã co rút sau các bờ thành?

Mặt khác, Trần Nguyên Đán có mười một người con cả trai lẫn gái, tại sao cháu ngoại lại kế thừa hương hỏa? Nguyễn Trãi than các dì, cậu ít người còn sống nghĩa là vẫn có người còn sống. Sau đó ông lại nói con cháu Băng Hồ hầu như không còn ai nên phải đứng ra trông coi tài sản gia truyền. Có lẽ nên hiểu rằng Nguyễn là một trong số hiếm hoi di duệ sót lại, nhưng là người duy nhất có vị trí xã hội đủ vững và khả năng tài chính đủ mạnh để duy trì cơ sở xưa của cụ Trần. Nguyễn sinh hoạt đạm bạc những khi bị triều đình lạnh nhạt, tuy nhiên, nghĩ rằng ông triền miên nghèo túng e quá lầm. Ức Trai sở hữu số thê thiếp nhiều hơn ta tưởng. Duy trì gia đình lớn như vậy phải nắm được nguồn thu nhập ổn định. Dẫu nhượng bộ trước dèm pha từ nhóm bầy tôi Thanh Hóa, vua Lê thâm tâm vẫn thương mến Nguyễn mới giao ông chức Đề cử chùa Tư Phúc. Khi Nguyễn mất tước hầu, chắc chắn thực ấp mất theo. Do vậy, vị trí Đề cử sẽ giúp Nguyễn thụ hưởng phần hoa lợi nhất định từ ruộng đất thuộc tài sản nhà chùa.

Thơ văn Ức Trai, đặc biệt thơ Nôm, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách “giang hồ” của Lưu Khắc Trang, nhà văn có hoạn lộ nhiều điểm tương đồng với đường quan của Nguyễn Trãi. Cụ Lưu từng làm quan tại triều đình, rồi tại địa phương, sau cùng được giao làm ông từ gác đền. Patricia Buckley Ebrey, qua nghiên cứu về phụ nữ thuộc gia tộc Lưu, cho rằng giữ đền là chức quan nhàn nhưng có thu nhập và chỉ dành riêng cho phần tử trí thức.(190) Chúng tôi đồng ý quan điểm này.

  1. Dưới triều Lê Thái tổ (trị vì 1428 – 1433)

Vua Minh yêu cầu tái lập nhà Trần như một điều kiện rút quân là hành động bắn mũi tên ngắm hai mục đích: mặt nổi, giữ thể diện Thiên tử với đường lối “hưng diệt, kế tuyệt” thành công; mặt chìm, gieo rắc hoang tưởng quyền lực vào tâm trí nhóm hoài Trần nhằm chia rẽ các cộng đồng An Nam vốn đã đầy chia rẽ. Chưa kể nhóm sùng Minh nhiều thực lực chưa hoàn toàn bỏ cuộc.

Việc giết Trần Cảo cùng các quan viên cộng tác với người Minh hẳn gây chấn động trong các cộng đồng trung châu. Biểu diễn sức mạnh sau loạt hành động cương quyết là cần thiết. Dù chưa xuất hiện dấu hiệu biến loạn trên châu thổ, vua Lê đã tiến hành cuộc thị sát quy mô các đơn vị thủy lục được bố trí kéo dài hàng nghìn dặm. Ý nghĩa chuyến đi tuần, nói theo ngôn ngữ chiến tranh lạnh là: “Các thế lực phản động hãy coi chừng!”

上元扈駕舟中作

沿江千里燭光紅
彩鷁乘風跨浪篷
十丈樓臺消蜃氣
三更鼓角壯軍容
滄波月浸玉千頃
仙杖雲趨天九重
五夜篷窗清夢覺
猶疑長樂隔花鐘

Thượng nguyên hộ giá chu trung tác

Duyên giang thiên lý chúc quang hồng
Thái nghịch thừa phong khoá lãng bồng
Thập trượng lâu đài tiêu thẫn khí
Tam canh cổ giốc tráng quân dung
Thương ba nguyệt tẩm ngọc thiên khoảnh
Tiên trượng(191) vân xu thiên cửu trùng
Ngũ dạ bồng song thanh mộng giác
Do nghi Trường Lạc cách hoa chung

Rằm tháng giêng, sáng tác khi trong thuyền hộ giá

Ánh đuốc đỏ rực kéo dài hàng nghìn dặm ven sông,
Chiếc thuyền vẽ hình chim biển thuận gió lướt sóng.
Ảnh ảo cao như lâu đài mười trượng tiêu tan,
Trống, tù và suốt ba canh khiến khí quân hùng tráng.
Trăng đầm trên sông xanh ánh ngọc mênh mông,
Gậy tiên như mây lướt trên chín tầng trời.
Qua đêm bên cửa sổ thuyền, mơ màng chợt tỉnh,
Ngỡ nghe tiếng chuông cung Trường Lạc bên kia khóm hoa.

Từng nhiều năm nằm gai nếm mật nơi núi rừng, chuyến hộ giá đầy đủ nghi trượng đế vương khiến Nguyễn đầy cảm khái. Giữa tiếng tù và, trống trận, Nguyễn vẳng nghe tiếng chuông cung Trường Lạc sau rặng hoa. Sự thỏa thuê mấy lần đời người có được?

Sẽ hiểu thấu niềm vui sâu thẳm trong câu 8 nếu chúng ta đặt nó song song với “Trường Lạc chung thanh hoa ngoại tận. 長樂鐘聲花外盡”, tiếng chuông cung Trường Lạc lịm tắt ngoài rặng hoa của nhà thơ Trung Đường Tiền Khởi (710 – 782). Qua bài thơ tặng Xá nhân họ Bùi, Khởi than trách chưa được ơn tri ngộ dù cống hiến tài năng cho triều đình suốt thời gian dài: “Hiến phú thập niên do vị ngộ, 獻賦十年猶未遇”,(192) Mười năm dâng hiến văn chương vẫn chưa được tin tưởng. Hoàng ân không lan tỏa khỏi hàng hoa vây quanh cung Trường Lạc. Nguyễn hài lòng vì nghe thấy tiếng chuông của họ Tiền.

Cái thỏa mãn “văn nhân đắc chí” khá vô tư thể hiện chênh lệch về tầm vóc chính trị giữa Nguyễn và chủ tướng. Lê Lợi đang tiến hành phần sau của chiến tranh. Nhà vua hiểu các tập nhóm từ chối thuần phục đang âm thầm trổi dậy.

Trước khi cho phục viên 80% quân số, lại diễn ra thao dượt lớn với hàng nghìn chiến thuyền tham dự.

Thuận Thiên II (1429), ngày 21 tháng 2 ra chiếu chỉ: Đến ngày 27 tháng 2 sẽ diễn tập chiến trận thủy, bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Diễn tập xong, sẽ chia mỗi vệ thành 5 phiên, 1 phiên ở lại, còn 4 phiên cho về làm ruộng (Toàn Thư II, 318).

Quan Nhập nội Hành khiển lại có dịp theo vua thị sát thủy quân.

閱水

北海當年已戮鯨
燕安猶慮詰戎兵
旌旗旖旎連雲影
鼙鼓喧闐動地聲
萬甲耀霜貔虎肅
千艘布陣鸛鵝行
聖心欲與民休息
文治終須致太平

Quan duyệt thủy trận

Bắc hải đương niên dĩ lục kình(193)
Yến an do lự cật nhung binh
Tinh kỳ y nỷ liên vân ảnh
Bề cổ huyên điền động địa thanh
Vạn giáp diệu sương tỳ hổ(194) túc
Thiên sưu bố trận quán nga(195) hành
Thánh tâm dục dữ dân hưu tức
Văn trị chung tu trí thái bình

Xem duyệt thủy trận

Năm trước đã diệt cá kình biển Bắc,
Đang ở yên vẫn lo rèn luyện quân binh.
Tinh kỳ phấp phới như bóng mây nối liền nhau,
Trống trận vang rền thanh âm rung chuyển đất.
Quân tì hổ trang nghiêm, vạn áo giáp ngời sương,
Trận “quán nga” phô diễn, nghìn chiến thuyền xông lướt.
Lòng thánh muốn cho dân được nghỉ ngơi,
Rốt cục, nên dùng văn trị để mang đến thái bình.

Mâu thuẫn xã hội tại trung châu thời Lê Lợi dựng nước được đề cập đến trong các bộ sử nằm ngoài hệ hình nghiên cứu cũ kỹ như “Strange Parallels, Volume 1” của Victor Lieberman,(196) “Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam” của Tạ Chí Đại Trường hay “A History of the Vietnamese” của Keith Weller Taylor. Lần đầu tiên sau 419 năm, quyền cai trị Đại Việt mới quay về tay người bản xứ. Xung đột giữa các cộng đồng Đại Việt có mức độ Hán hóa khác nhau là vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết. Cụ Tạ nhìn thấy va đập thầm lặng nhưng dai dẳng giữa hai tông tộc Lê-Trần.(197) Taylor xem vấn đề phát sinh từ khác biệt văn hóa kinh-trại.(198)

Chia lại ruộng đất đồng thời trả trai tráng về với gia đình không chỉ là kế hoạch phục hồi kinh tế. Giải ngũ bốn trên năm phiên, vua Lê đã xóa bỏ binh quyền của các tướng kinh lộ trong đó có Hãn, Xảo. Tả tướng quốc hay Thái bảo, dẫu thực sự hai vị mang chức đó, cũng không chỉ huy quân đội. Bảo vệ đô thành chủ yếu chỉ còn Thiết Đột, Ngự tiền điều động bởi nhà vua thông qua Tướng quốc Lưu Nhân Chú và dàn hỏa thủ tâm phúc.

Riêng Nguyễn lại thấy mình gần tới đích. Ông luôn hướng vọng cảnh “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn”. Sở học của Nguyễn ngỡ như đến điểm phát huy trọn vẹn. Với kinh nghiệm phụng sự nhà Hồ và chính quyền Giao Chỉ, chưa kể thời gian lăn lộn bên Trung Hoa, Nguyễn là nhân vật giàu tri thức tổ chức hành chánh nhất trong số cận thần. Thực tế, Lê Lợi đã đặt niềm tin vào quan Thừa chỉ với vị trí Thượng thư bộ Lại rồi Đồng Trung thư lệnh, hai vai trò cố vấn vua về tuyển mộ, chọn lọc và bố trí quan viên tân tuyển. Nhưng đây cũng là thủ thuật chính trị nhằm chiêu dụ trí thức đồng bằng khi quân trại bắc tiến. Do vậy, quyết định cao hơn về nhân sự vẫn là Thiếu phó Lê văn Linh. Tầm vóc Nguyễn chỉ nhỉnh hơn nhân sĩ trung châu; với quan tướng Lam Sơn gốc, ông là kẻ đến sau không có võ công. Nhìn từ điểm này, chúng ta sẽ hiểu hai chữ “hư danh” đề cập trong bài thơ Oan thán.

Cuộc phô trương lực lượng lần cuối trước khi thu gọn đạo quân khổng lồ 350.000 người chỉ đạt hiệu quả phần nào. Vùng trung châu tạm thời an ổn không đơn thuần nhờ sức mạnh quân đội, mà còn nhờ chính sách mở rộng cửa đối với tầng lớp ưu tú đi kèm biện pháp quân điền. Dân chúng kinh lộ cũ tiếp tục trồng trọt, buôn bán, ganh đua làm quan. Hào trưởng châu thổ và duyên hải bị thu hẹp điền sản dưới thời Hồ, sang thời Minh lại biến thành “công chức” thuộc địa điều động trực tiếp bởi Kim Lăng hay Bắc Kinh. Quân Minh triệt thoái, sức mạnh của các cự tộc Đỗ, Mạc, Nguyễn, Lương…bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi Lê Lợi. Cơ sở kinh tế lớn đủ nuôi mầm mống phản loạn biến mất trên đồng bằng. Phần tử bất mãn chỉ còn không gian vùng vẫy ở ngoại vi nơi triều đình chưa đủ thời gian gầy dựng mối tương liên bền vững. Đứng trong lòng triều mới, Hãn và Xảo biết phải khởi sự từ mắt xích nào, vào thời khắc nào. Chưa tròn năm sau khi Lê Lợi giải giáp phần lớn quân đội, tiếng lách cách gươm đao đã rộn lên từ rừng núi.

Trong “Đế kỷ đệ nhị”, Lê Quý Đôn chép rằng nhà vua lệnh bắt Trần Nguyên Hãn vào tháng 2 ta năm Thuận Thiên II (1429) khiến Hãn tự sát.(199) Trong “Liệt Truyện”, cụ Lê lại kể rằng Hãn chết do chiếc thuyền giải ông về kinh bị lật.(200) Toàn Thư không chép việc này. Chưa rõ cụ Lê lấy thông tin từ nguồn nào. Nếu cụ đúng, ta thấy vụ việc chưa ảnh hưởng gì đến Nguyễn Trãi. Các sáng tác vào cuối năm 1429 của Nguyễn vẫn mang tinh thần lạc quan, mở về tương lai.

Năm 1429, Toàn Thư viết: Tháng 11, vua ngự về Tây Đô bái yết Sơn lăng, thưởng cho các tướng hiệu và quân nhân theo hầu…(Toàn Thư II, 323).(201)

Nguyễn Trãi có mặt trong đoàn người hầu vua. Ông tự hào về chủ, về con đường mình chọn.

過神符海口

神符海口夜中過
奈此風淸月白何
夾岸千峰排玉筍
中流一水走青蛇
江山如昨英雄逝
天地無情事變多
胡越一家今幸睹
四溟從此息鯨波

Quá Thần Phù hải khẩu

Thần Phù(202) hải khẩu dạ trung qua
Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà
Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn(203)
Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà
Giang sơn như tạc anh hùng thệ(204)
Thiên địa vô tình sự biến đa
Hồ Việt nhất gia(205) kim hạnh đổ
Tứ minh tòng thử tức kình ba

Qua cửa biển Thần Phù

Đang đêm qua cửa biển Thần Phù,
Trăng thanh gió mát như vầy biết tính sao?
Giáp bờ, nghìn núi lô nhô như măng ngọc,
Giữa dòng, một luồng uốn lượn tựa rắn xanh.
Non sông như cũ, vắng mặt anh hùng,
Trời đất vô tình, quá nhiều sự biến!
Nay may được thấy Hồ Việt một nhà,
Bốn biển từ đây bặt sóng kình.

Năm 1423, Nguyễn Trãi dừng thuyền tại bến Lâm cảng, gần cửa Thần Phù. Mưa rơi suốt đêm xuống các đợt sóng cao mười trượng. Không gian hoang dại, ẩm ướt.

Năm 1426, ông lại qua cửa biển cùng với đại quân. Tiếng sóng gầm gào như tiếng cá kình rống, núi non tựa giáo ngọc đâm thẳng lên trời. Không gian hùng tráng, dọa nạt.

Năm 1429, về ngang chốn cũ cùng tân hoàng đế. Dòng nước mượt mà tuôn chảy giữa các hòn núi tràn nhựa mầm sống. Không gian xinh xắn, đầy căng.

Nhận xét “giang sơn như cũ” nghĩa là tác giả thú nhận từng có ba Nguyễn Trãi rong thuyền qua cửa Thần Phù. Năm 1423, hàn sĩ phiêu bạt mang phong thái “nghe mưa chốn sông hồ” của Đỗ Mục (803 – 852);(206)  năm 1426, con người gặp hội huân danh nhìn thiên nhiên đầy xung động kiểu “Núi loạn chọc mây, sóng kình vỗ bãi” của Tô Thức.(207) Thơ năm 1429 ngay sau chiến thắng lại phảng phất tinh thần bình thản “Bốn biển đã trong, bụi đã lắng” của Trần Thánh tông (1240 – 1290).(208)

Trần Hoảng thung dung dưới “Trăng vô sự chiếu người vô sự” nhuốm vị thiền. Ức Trai nhập thế khi chiêm nghiệm quá khứ biến động, mừng rỡ tương lai yên lành. Hai cảm xúc sau chiến tranh đánh dấu hai giai đoạn văn hóa của văn minh Đại Việt: văn hóa Phật giáo Lý-Trần và văn hóa Nho giáo Lê-Nguyễn.

Tại Lam Kinh, Nguyễn Trãi hân hoan dâng vua thơ mừng thay thế ngọc lụa:

賀歸藍山
其一

權謀本是用除奸
仁義維持國勢安
臺閣有人儒席煖
邊陲無事柳營閒
遠方玉帛圖王會
中國威儀睹漢官
朔祲已清鯨浪息
南州萬古舊江山

Hạ quy Lam Sơn
Kỳ I

Quyền mưu(209) bản thị dụng trừ gian
Nhân nghĩa(210) duy trì quốc thế an
Đài các hữu nhân nho tịch noãn
Biên thùy vô sự liễu doanh nhàn
Viễn phương ngọc bạch đồ vương hội(211)
Trung quốc(212) uy nghi đổ hán quan(213)
Sóc tẩm dĩ thanh kình lãng tức
Nam châu vạn cổ cựu giang san

Mừng về Lam Sơn
Kỳ 1

Sử dụng quyền mưu chỉ để trừ gian,
Duy trì thế nước yên ổn cần nhân nghĩa.
Trên đài các có người, chiếu nhà nho ấm,
Nơi biên thùy vô sự, trại quân thư nhàn.
Miền xa dâng ngọc lụa vẽ nên hội vương giả,
Trông quan nhà Hán thấy uy nghi nước văn minh.
Khí độc phương bắc bị quét sạch, sóng kình đã lặng,
Giang sơn cõi Nam tồn tại muôn đời.

賀歸藍山
其二

憶昔藍山玩武經
當時志已在蒼生
義旗一向中原指
廟算先知大事成
日竁月城歸德化
卉裳椎髻識威聲
一戎大定何神速
甲洗弓囊樂太平

Hạ quy Lam Sơn
Kỳ II

Ức tích lam sơn ngoạn võ kinh
Đương thì chí dĩ tại thương sinh
Nghĩa kỳ nhất hướng trung nguyên chỉ
Miếu toán(214) tiên tri đại sự thành.
Nhật xuế nguyệt thành(215) qui đức hóa
Hủy thường chùy kế(216) thức uy thanh.
Nhất nhung đại định hà thần tốc
Giáp tẩy cung nang lạc thái bình

Mừng về Lam Sơn
Kỳ 2

Nhớ xưa ở Lam Sơn xem sách võ,
Đương thời đã để chí cứu vớt dân đen.
Cờ nghĩa vừa mới trỏ về trung nguyên,
Đã dự tính trước sẽ hoàn thành việc lớn.
Đông tây xa xôi đều qui phục đức hóa,
Dân áo cỏ tóc dùi cũng biết uy thanh.
Chỉ một trận nên công đại định, thật là thần tốc!
Rửa giáp, cất cung, vui cảnh thái bình.

Lướt qua tán tụng nhất thiết phải có từ một bầy tôi, nội dung còn lại chính là lời khuyên của tác giả đến Hoàng đế. Nguyễn luôn gợi ý, thôi thúc nhà vua áp dụng cách cai trị mới mẻ mệnh danh “văn trị” hay “việc nhân nghĩa”.

Kết cấu xã hội Đại Việt bắt đầu chuyển đổi từ đời Hồ đã đột biến dưới thời Minh. Để thay thế hệ thống tập quyền sơ khai hãy còn điều hành một phần vương quốc thông qua hào trưởng hay lãnh tụ tôn giáo địa phương, Hoàng Phúc xác lập hệ hành chính kiểu Trung Hoa bao trùm toàn vùng đồng bằng-duyên hải.(217) Thời của những người dân nằm ngoài sổ bộ triều đình hay những thủ lĩnh không chịu sự điều động của Thăng Long/Đông Quan đã hết. Để đủ quan liêu cho bộ máy cai trị trực tiếp, song song với nhân sự then chốt đưa từ mẫu quốc sang, người Minh tổ chức học hiệu đến tận châu huyện để đào tạo cán bộ. Công việc “hiện đại hóa” không dễ dàng trước sức ỳ truyền thống. Chính Tham nghị Giải Tấn người Minh nhìn rõ điểm này nên đề xuất: Giao Chỉ chia đặt quận huyện không bằng để nguyên như cũ, phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. [Chia đặt quận huyện] dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại (Toàn Thư II, 246).(218) Lời tâu dựa trên thực tiễn trái ngược chính sách triều đình. Vua Minh lập tức ban lệnh bắt giam Giải Tấn.

Khi Vương Thông co cụm rồi triệt thoái, Lê Lợi đứng trước sự nghiệp tổ chức chưa vị vua Đại Việt nào từng trải nghiệm. Trước kia, quan lại trung ương gốc cự tộc địa phương hay các đầu mục là điểm tựa quyền lực trong trật tự quân chủ tản quyền; do vậy, hội thề giữa vua và quan lại-đầu mục là nghi thức quan trọng bắt buộc. Nay, viên chức triều đình được bố trí đến cấp xã, trực tiếp với dân (Toàn Thư II, 316); toàn dân đều có hộ tịch, thuế má hay lao dịch đều do triều đình điều phối. Vượt quá ràng buộc “uống máu ăn thề” kiểu bộ lạc giữa các đầu lĩnh, phải có một lý thuyết cai trị tinh vi để gắn kết thứ dân với hoàng đế. Mong muốn của Nguyễn Trãi thực chất chẳng gì khác hơn là áp dụng học thuyết “nhân chính” của Mạnh tử. Luận giải về “văn” hoặc “nhân nghĩa” rải rác trong Ức Trai tập hay nghị bàn của ông ghi chép bởi Toàn Thư đều không nằm ngoài tinh thần “nhân chính” này.(219)

So với Phạm Sư Mạnh-Lê Quát, Nguyễn Trãi là người gặp thời. Thế hệ nhà nho tiền bối từng ao ước tổ chức hệ thống cai trị kiểu nho giáo nhưng cơ cấu xã hội đương thời chưa thích hợp để triển khai ý tưởng. Họ bó tay trước “nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo”(Toàn Thư II, 148).(220) Uy lực nhà vua rất hạn chế đối với những lao động được xem là tài sản riêng của lãnh chúa. Trần Minh tông (1300 – 1357) cũng từ chối mở rộng quyền hạn trên một nền chính trị đang cân bằng giữa trung ương và địa phương. Ngài sợ loạn. Trái lại, thời “hậu Minh” của Ức Trai là mảnh đất cày sẵn để gieo hạt mầm “văn trị”.

Không chắc vua Lê có theo tư vấn của Ức Trai hay không, nhưng ngài đã giải ngũ 80% binh lực, xá thuế hai năm, miễn sai dịch cho người cao tuổi, chia lại ruộng đất, thu thập nhân tài, tái sử dụng cả viên chức cũ của nhà Minh nếu họ không bị tiếng xấu…..Những hành động như vậy phù hợp học thuyết Mạnh tử nhưng cũng thật bình thường đối với các nhà lập quốc. Riêng ý tưởng dẹp bỏ quyền mưu, rửa giáp, cất cung… để tập trung vào “nhân nghĩa” thì bị nhà vua bác bỏ. Lê Lợi đâu chuyên một bề như quan Thừa chỉ. Ngài là vị quân chủ gốc Thanh Hóa đầu tiên lập đô trên đất kinh lộ, nơi phần lớn hào sĩ từng phản lại vị vua gốc châu Ái Hồ Quý Ly để hợp tác với giặc. Lòng người chưa an trong bối cảnh Tuyên Đức khăng khăng đòi lập con cháu nhà Trần. Cảnh giác với kích động bất ổn từ bên ngoài, với bất phục ngấm ngầm bên trong, nhà Lê phải duy trì chế độ quân quản mãi đến năm Quang Thuận V (1464). Thái tổ lo xa đúng, chỉ sáu năm tại vị ngài buộc phải thân chinh hai lần. Hai đám giặc đều dây mơ rễ má với người Minh hoặc với tôi thần cũ gốc kinh lộ. Thiện chí trả trai tráng về đồng ruộng của ngài không được đền bù; chỉ hai năm sau hòa bình, Lê Lợi lại phải mộ binh.

Tha thiết khuyên vua gác võ chuộng văn có thể là kế sâu rễ bền gốc của Ức Trai, nhưng nếu người bà con cật ruột của ông âm mưu dấy loạn thì nhà vua dễ đặt dấu hỏi vì sao Nguyễn nhiệt tình đề nghị “rửa giáp, cất cung” đến thế.

冤嘆

浮俗升沉五十年
故山泉石負情緣
虛名實禍殊堪笑
眾謗孤忠絕可憐
數有難逃知是命
文如未喪也關天
獄中牘背空遭辱
金闕何由達寸箋

Oan thán

Phù tục thăng trầm ngũ thập niên
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên
Hư danh thực họa thù kham tiếu
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên
Số hữu nan đào tri thị mệnh
Văn như vị táng(221) dã quan thiên
Ngục trung độc bối(222) không tao nhục
Kim khuyết hà do đạt thốn tiên

Than oan

Chìm nổi trong đời phù phiếm đã năm mươi năm,
Lỡ dịp gắn bó với núi khe quê cũ.
Cười chưa! Tai ương đến thực, danh vọng hão huyền!
Thương thay! Tôi trung lẻ loi, đám đông báng bổ.
Ví như khó tránh số phận, biết là do mệnh,
Nếu chưa bỏ mất nền văn, cũng bởi ý trời.
Trong ngục, việc xem mặt sau tờ trát chỉ nhục nhã vô ích,
Biết cách nào dâng thư đến cửa khuyết vàng?

Bình sinh, Nguyễn ngụp lặn trong biển công danh và tận lực tìm kiếm công danh. Những “túc nguyện”, “sơ chí”, “hồ sơn hữu ước”, “lâm tuyền hữu ước”, “chí cũ”, “tuyền thạch tình duyên”…. dù luôn được nhắc đi nhắc lại nhưng chỉ là điều Nguyễn nghĩ đến khi hoạn lộ trắc trở. Chí thật sự của Ức Trai là giúp đời, tứ thơ ưa thích là lánh đời.

Tự hào công thành danh toại nhanh chóng sụp tan khi Nguyễn bị dèm pha. Cỗ máy quyền lực có nạn nhân mới là người đóng góp công sức tạo tác ra chính nó. Ông hoàn toàn cô đơn trong cái triều đình toàn quan tướng người trại, những nhân vật Nguyễn ít khi tỏ sự thân thiện hay kính trọng. Câu 5 thể hiện tâm bình thản đối diện số phận, nếu ông bị giết là do mệnh. Câu 6 xác định lòng tin vào sự công bằng tự nhiên, nếu được sống là do trời. Nguyễn không tin ai khác trừ tin vào bản thân mình và sự sáng suốt của vua. Ông ghê sợ việc tránh tội bằng hối lộ hay mưu mẹo.

Có thể Ức Trai bị hạ ngục sau ngày hầu vua về Lam Sơn. Những chi tiết hiếm hoi còn lại giúp chúng ta đoán rằng Nguyễn bị tình nghi liên quan đến mưu phản của Trần Nguyên Hãn. Ông thọ nạn thời gian rất ngắn lúc khoảng năm mươi tuổi (năm 1429/1430) và được thả ngay. Nhưng từ sau sự thể, Nguyễn không còn gần gũi Thái tổ như xưa. Đau đớn vì chủ cũ lãnh đạm và mất tước hầu thể hiện trong nhiều tác phẩm Hán cũng như Nôm.

Ông ngoại và cha có ảnh hưởng đến Nguyễn Trãi trên lĩnh vực tinh thần, nhưng làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời Ức Trai là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Câu chuyện ba người kinh lộ chiến đấu dưới cờ Lam Sơn với kết cục bi thảm của cả ba gây xúc động lâu dài trong lòng người trung châu. Do vậy, vây quanh họ nổi lên nhiều huyền thoại. Chúng ta sẽ phân tích sơ lược hoạt động của Hãn và Xảo dưới đây từ thư tịch gần đương thời nhất. Dù tư liệu cũ có thể bị biến cải bởi hậu bối, nhưng bóc tách ý kiến hình thành hàng trăm năm sau không phải hoàn toàn nan giải.

Tư đồ Trần Nguyên Hãn xuất hiện trong chính sử lần đầu tiên vào năm 1425 khi nhận lệnh Lê Lợi cùng Lê Nỗ, Lê Đa Bồ kéo 1.000 quân và một thớt voi đi kinh lý Tân Bình, Thuận Hóa. Ba tướng hợp lực đánh bại Nhậm Năng gần sông Bố Chính (sông Gianh), tạo điều kiện cho thủy quân chỉ huy bởi Lê Ngân, Lê Bôi, Lê văn An giải phóng hoàn toàn hai phủ cực nam. Mùa đông năm 1426, Lê Lợi sai Hãn cùng Lê Bị mang binh thuyền vây Đông Quan từ hướng bến sông Đông Bộ Đầu. Tháng 9 ta năm 1427, Thái úy Hãn cùng Lê Sát, Lê Triện(?), Lê Lý hạ thành Xương Giang. Riêng trong loạt trận đánh quan trọng tiêu diệt Liễu Thăng, bắt sống Thôi Tụ – Hoàng Phúc, Hãn giữ vai trò chặn đường tiếp lương của giặc chứ không tham gia đại chiến.

Khu mật Đại sứ Phạm Văn Xảo nổi lên vào tháng 8 ta năm 1426 khi Lê Lợi điều động ông cùng Lê Triện, Lê Khả, Lê Như Huân, Lê Bí đi tuần các xứ nay thuộc Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang…Theo Toàn Thư, Tháng 9, Xảo và Khả đánh tan viện binh của Vương An Lão ở cầu Xa Lộc, lộ Tam Giang. Tháng 10 ta năm 1427, Xảo cùng Lê Khả, Lê Trung, Lê Khuyển đẩy lùi quân Mộc Thạnh tại cửa Lê Hoa.

Xét công vụ Trần Nguyên Hãn, chúng ta thấy hoạt động khởi đầu của ông là cùng hai tướng khác dẫn đội tiên phong đánh thăm dò thực lực kẻ địch tại Tân Bình, Thuận Hóa. Thời trung cổ, vai tiên phong thường do loại tướng mới quy thuận đảm nhận. Trong chiến dịch, Lê Ngân là người lãnh đạo đại quân lấy lại hai phủ vùng biên.

Trong trận tấn công Đông Quan vào tháng 10 ta năm 1426, Hãn và Lê Bị phụ trách tấn công từ bến sông Đông Bộ đầu. Lê Lễ đột kích từ cầu Tây Dương, Lê Lợi áp sát cửa Nam. Nghĩa quân thắng lớn, thu nhiều chiến thuyền và nghi trượng. Quân Lam Sơn dọn sạch các đồn trại ngoại vi nhưng không vào được thành.

Chỉ huy công hãm Xương Giang có nhiều tướng Thiết Đột nhưng đại đa số quân bao vây lại huy động từ Lạng Giang, Khoái châu. Minh Thực lục chép rằng tòa thành với 2.000 lính trú phòng phải đương đầu 80.000 quân Lam Sơn. Vì sao quân kinh lộ được sử dụng quy mô khác thường ở đây? Vì công tác đắp đất, đào ngầm, chế chiến khí, tiếp lương thực không phải phần việc dành cho đơn vị tinh nhuệ. Việc của dân công, công binh, thậm chí chiến sĩ tiền phong hãm thành nếu dùng đến tinh binh sẽ là sự phung phí xung lực vô nghĩa. Trần Nguyên Hãn hẳn được giao bộ phận “Phụ Thiết Đột các quân” để thực hiện phần việc mang tính hỗ trợ. Ngày cuối cùng, quân khởi nghĩa dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa hạ thành. Trong quân Lam Sơn, đơn vị nào được trang bị vũ khí mạnh nhất thời đó như tên lửa, súng lửa, voi? Dĩ nhiên là Thiết Đột, dưới nữa có binh phụ tử người trại. Tên lửa, súng lửa dùng để bắn quấy rối hàng ngày gây căng thẳng tinh thần quân đồn trú, hoặc khai triển đại trà để tổng công kích. Có thể hình dung quân kinh lộ sử dụng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng tấn công lên mặt thành. Cùng lúc, quân cảm tử trồi lên từ địa đạo trổ mở sau lưng địch. Khi hệ thống phòng thủ rung chuyển đến điểm “chín”, Thiết Đột phóng hỏa khí trấn áp ý chí giặc rồi cùng đoàn voi xung phong ồ ạt. Thành vỡ, ngọc lụa, con gái trong thành được chia ngay cho binh sĩ. Dễ thông cảm hành động “sát phu, hiếp phụ” sau cuộc vây hãm tiêu hao xương máu. Nhưng quân “nhân nghĩa” như thế khác rợ Hồ ở điểm nào? Đọc Toàn Thư sẽ không tìm ra người phát lệnh hủy diệt. Tuy nhiên, nếu xem hai thư dụ thành Xương Giang trong “Quân trung từ mệnh tập”, chúng ta hiểu ngay nhân vật chỉ đạo trận chiến chính là Lê Lợi. Ngài tuyên bố nếu từ chối đầu hàng thì ngọc đá sẽ không phân biệt khi hạ thành. Chúa Lam Sơn thực hiện y như báo trước vì muốn các đồn lũy còn ngoan ngạnh phải khiếp đảm. Ngài và Thiết Đột diễn vai chính vở kịch bi hùng này.

Cả ba cuộc hành quân nêu trên đều cho thấy Trần Nguyên Hãn không ở địa vị then chốt.

Vai trò tướng Hãn thể hiện rõ trong cuộc quyết đấu kết thúc chiến tranh. Ông được phân công chặn đường tiếp tế của đạo quân Liễu Thăng – Hoàng Phúc (Toàn Thư II, 296). Lần đầu tiên, Hãn chiến đấu độc lập, tách biệt với Thiết Đột đang hết sức vào trận Chi Lăng-Xương Giang. Đối tượng tranh chiến của Hãn là dân phu, quân vận hoặc lính áp tải.(223) Nó vừa sức với đạo binh có phần ô hợp dưới quyền ông.

Mùa thu năm 1426, vua lệnh Khu mật Đại sứ Phạm Văn Xảo cùng các tướng Lê Triện, Lê Khả… kinh lược vành đồi núi từ phía nam vòng qua phía tây đến phía bắc đồng bằng sông Hồng. Mục đích chính để ngáng đường tiến của quân Minh từ Vân Nam. Khu mật Đại sứ thời Lê Lợi không thống lĩnh quân đội như thời mạt Trần. Như vậy, Xảo làm cán bộ tham mưu trong đoàn quân, có lẽ vì ông am hiểu địa hình và nhân tình các phủ phía bắc hơn đám tướng tá người trại.

Theo Toàn Thư, tháng 9 ta cùng năm, Xảo cùng Khả đánh bại Đô ty Vương An Lão ở cầu Xa Lộc (Vĩnh Phú nay). Tàn quân chạy vào thành Tam Giang. Tháng 10 ta năm 1427, Xảo và Khả đại phá đội quân đang rút chạy hỗn loạn của Mộc Thạnh ở cửa Lê Hoa. Cũng nên nhớ lại, từ mùa xuân năm 1427, Nguyễn Trãi nắm chức Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Trường hợp Khu mật Đại sứ Xảo chưa nhận vị trí khác thì chức vụ hai người dường như chồng chéo. Nếu hiểu Khu mật Đại sứ là đại diện Viện khu mật trong quân thì hiển nhiên Xảo công tác dưới quyền Trưởng quan Nguyễn Trãi và là văn quan cố vấn cho quân đội.

Bản Toàn Thư hiện còn cố ý mô tả hai tướng kinh lộ tham gia chiến trận ở vai trò chỉ huy quan trọng nhất. Sử phẩm Trung Hoa Minh Thực lục(224) hay ẩn khuất hơn như Lam Sơn Thực lục(225) không biết đến hai vị này. Vai trò phụ trong kháng chiến của Hãn-Xảo có vẻ gần sự thực hơn. Tạ Chí Đại Trường từng cho rằng sử quan ngầm đứng về phía họ Trần, tức tập đoàn đồng bằng; nhận định này hoàn toàn chuẩn xác.

Một người như cụ Tạ nói là Lê Quý Đôn (1726 – 1784). Họ Lê trí tuệ uyên bác, công cán hiệu quả nhưng nhân cách tầm thường.(226) Qua Đại Việt thông sử, ông nương theo Toàn Thư nhấn mạnh thêm vai trò lãnh đạo của Hãn-Xảo trong chiến trận, sau đó táo bạo đưa cả hai vào liệt truyện công thần.

“Bình Phục Lễ ban sư chiếu”(227) do Nguyễn Trãi phụng soạn cho biết Bế Khắc Thiệu và Trần Nguyên Hãn cùng dự tính cuộc dấy loạn năm 1430 tại Thái Nguyên, Đèo Cát Hãn và Phạm Văn Xảo cùng âm mưu cuộc nổi dậy năm 1431/1432 tại Mường Lễ. Sau khi trừng trị tội phạm, nhà vua khuyên bầy tôi lấy Nguyên Hãn-Văn Xảo làm răn, phiên trấn lấy Cát Hãn-Khắc Thiệu làm răn. Ức Trai sống cùng thời với Hãn-Xảo, trong tình huống éo le nhất vẫn tuyên bố bộc tuệch “Chớ cậy sang mà ép nề, Lời chăng phải vẫn khôn nghe.” và “Tội ai cho nấy cam danh phận, Chớ có thân sơ mới trượng phu.” Lý do gì chúng ta nghĩ rằng ông tiếp tay vu khống?

Khắc Thiệu bị bắt, Cát Hãn đầu hàng. Hai đầu mục đều có mặt tại Đông kinh sau biến loạn thất bại. Khẳng định của vua Lê về Hãn-Xảo chắc chắn dựa vào nguồn tin riêng của ngài đồng thời đối chiếu với lời khai từ hai vị tù trưởng. Lê Lợi là thiên tử, để loại trừ Hãn-Xảo có rất nhiều cách, không nhất thiết phải vu vạ tôi thần về sự phản bội mà mọi người liên quan đều biết.

Trong bốn thủ lĩnh phản nghịch, có đến ba người từng tham dự hội thề Đông Quan năm xưa: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Bế Khắc Thiệu. Theo bài văn hội thề, phía An Nam gồm: Lê Lợi, Trần Văn Hãn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân.(228) Như vậy, có ba nhóm đại diện toàn cõi An Nam: những người họ Trần đại diện triều cũ, người họ Lê-Trịnh-Nguyễn đại diện bách tính phù Trần, các tù trưởng họ Bế-Ma đại diện phiên trấn. Châu mục Ninh Viễn Đèo Cát Hãn mới quy phục trước đó một tháng vắng mặt trong hội thề. Sự kiện nhiều người phải giả họ Trần như Ngân, Xảo, Bị, Lý, An cho thấy tái lập dòng cũ là điều kiện then chốt để Vương Thông rút quân. Nhằm giữ thể diện thiên triều đồng thời tránh tội cho Tổng binh đương nhiệm, phe kháng chiến đã nhượng bộ đáng kể trong thương nghị.

Nạn nhân ván cờ Minh-Việt là Đèo Cát Hãn. Vua Minh từng yêu cầu Tri châu Ninh Viễn cung ứng 7.000 binh (Minh Thực lục II, 227), có lẽ để hỗ trợ Liễu Thăng hay Mộc Thạnh đánh trận quyết định với quân Lam Sơn, nhưng Cát Hãn làm ngơ. Khi tiến hành hội thề Đông Quan, dù vừa thần phục chủ mới, Cát Hãn không hiện diện bên cạnh chúa Lam Sơn như các thủ lãnh vùng cao khác. Chú ý nhóm quan viên đi dụ hàng họ Đèo, chúng ta thấy người đứng đầu tên Trần Hồ. Lê Lợi dùng họ Trần trong công việc đặc biệt cho thấy Trần Cảo chính là người đứng tên chiêu dụ. Tất nhiên Cát Hãn biết nhóm Lam Sơn đứng sau vua Thiên Khánh. Rối rắm quyền lực khiến vị đầu mục muốn đứng ngoài tranh chấp giữa các thế lực mạnh hơn. Họ Đèo hành xử vì quyền lợi bộ tộc, tuy nhiên, thái độ “tọa sơn quan hổ đấu” làm sao qua mắt được một thủ lĩnh sắc sảo như Lê Lợi. Sự lấp lửng đó, mặt khác, gợi mở lối đi cho hai người kinh lộ hoài bão lối rẽ chính trị khác.

Thảo luận gay go về điều kiện rút quân hẳn tác động mạnh đến bộ ba Thiệu-Hãn-Xảo, trong đó hai tướng kinh lộ đại diện trên danh nghĩa cho con cháu họ Trần. Dưới mắt họ, Lê Lợi là tay xảo quyệt, trái lời cam kết tái lập nhà Trần khi quân Minh triệt thoái lại giết luôn quốc chủ Trần Cảo. Liên kết lực lượng vùng cao thông với trung nguyên là phương cách khả dĩ nhất để tranh đua với chủ Đông kinh mới. Trần-Phạm phải trả giá cho hai hành vi: ngây thơ chính trị và ảo vọng quyền lực. Bị Lê Lợi tiến đánh, Cát Hãn ngầm cầu cứu Trung Hoa. Các quan nhà Minh định huy động 6.000 quân giao Đô đốc Mộc Ngang đốc suất sang cứu Ninh Viễn. Tuy nhiên, vua Tuyên Đức bác kế hoạch với lý do Cát Hãn từng né tránh tham gia trấn áp nhóm nổi dậy Lam Sơn. Hoàng đế ngờ rằng họ Đèo ngầm giúp phản nghịch (Minh Thực lục II, 227). Như vậy diễn tiến tình hình không ngoài dự kiến của hai bạn thần, chỉ bất ngờ chỗ vua Minh đã mất hứng thú với Giao Chỉ. Ban đầu, vua Lê chấp nhận Cát Hãn đầu hàng, phong chức Tư Mã. Sau đó, Toàn Thư chép họ Đèo bị xử tử nhưng không nêu lý do. Thái tổ chẳng làm điều gì vô lý, có thể sau cùng Ngài đã rõ về hành động xin viện binh Tàu của vị tù trưởng nên mới ra tay.

Quế Đường cho rằng vào năm Diên Ninh II (1455), vua Nhân tông thương Nguyên Hãn vô tội nên ban chiếu hoàn lại ruộng nương của cải để biểu dương người có công lao cũ. Về Văn Xảo, tác giả Lê triều thông sử cho rằng Nhân tông trả điền sản cho con cháu ông năm Diên Ninh I (1454), Thánh tông lại truy phong thêm chức Thái bảo Thắng Quận công năm Hồng Đức XV (1484). Thực tế, vua Nhân tông ra lệnh đại xá vào năm Thái Hòa X (1453), nhân dịp ngài bắt đầu thân coi chính sự. Toàn Thư nói rõ ủy lạo của triều đình với các tướng Lê Lễ, Lê Bị, Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục chứ không nhắc đến Hãn-Xảo. Năm 1484, sử ghi nhận Thánh tông ban đại xá không có điều lệ kèm theo. Dẫu vậy, hành động trả tài sản cho hậu duệ Hãn-Xảo như cụ Lê xác định vẫn có thể có và Toàn Thư bỏ qua chỉ vì chức phận khiêm tốn của hai vị đối với nhóm trọng thần. Tuy nhiên, nếu hành động trả tài sản là thực vẫn không mang ý nghĩa minh định hai người chịu tội oan. Vua chỉ thể hiện lòng nhân, thế hệ sau được miễn trách về hành vi của cha ông họ.

Là nho gia, Bảng nhãn Lê Quý Đôn thừa hiểu động lực triết học-chính trị-văn hóa đằng sau mỗi lệnh đại xá. Ông không thể nhầm lẫn giữa ân xá và minh oan. Suốt đời Lê sơ, chưa bao giờ triều đình xem Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo là vô tội, đơn giản vì không có cơ sở nào để khẳng định như vậy. Khi hồ sơ chứng cứ hãy còn, ai dám đổi trắng thay đen?

Vậy người làm sai lệch chi tiết lịch sử gồm những ai? Vì mục đích gì? Từ bao giờ?

Đó là sử thần nhà Mạc, những ngòi viết muốn hạ uy tín tiền triều để củng cố tính hợp lý của triều đại mới. Mô tả số phận bất công đến bi thảm của quan lại gốc kinh lộ dưới triều vua gốc trại là kiểu “tâm công” nhằm ngăn cản nhân sĩ đồng bằng bỏ vào nam theo nhà Lê trung hưng. Xung khắc giữa người thuộc “nền văn hóa Trung Hoa biến tướng do tiếp xúc với văn hóa bản địa” và người thuộc “nền văn hóa bản địa biến tướng do tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa” vẫn chưa được các đời quốc chủ triệt để hóa giải. Đó là nho thần phủ chúa Trịnh, lập công danh bằng cách quấy hôi bôi nhọ cái triều đình thất thế. Điển hình như Lê Quý Đôn khi nắm chức Bồi tụng đã tôn phù Trịnh Sâm bằng cách hạn chế các quan Phủ liêu sang chầu Nội điện. Cũng có nguyên nhân thầm kín khác. Nhiều trí thức quê trung châu, không phải tất cả, thường ca ngợi đồng hương bằng lời có cánh để bù đắp đóng góp khiêm tốn của thành phần mình, địa phương mình, thậm chí thân tộc mình trong kháng chiến.(229) Tâm lý muốn nói quá, nói khống công lênh danh nhân đồng bằng trong các cuộc đề kháng ngoại xâm nổi bật với Hoàng Lê nhất thống chí. Nhà văn lớn Ngô Thì Nhậm được tô điểm thành viên tham mưu quân sự đại tài. Tâm lý này, tiếc thay, thâm nhập cả những nghiên cứu lẽ ra phải tỉnh táo của thế kỷ XX.(230)

Bản thân Quế Đường đưa ra thông tin trái ngược nhau về Hãn-Xảo. Phần Đế kỷ Đệ nhị, ông ghi nhận Khắc Thiệu, Đắc Thái liên kết với Trần Hãn tạo phản;(231) Đèo Cát Hãn thông đồng với Phạm Văn Xảo làm loạn.(232) Phần tiểu truyện, ông lại nói Trần-Phạm bị oan.(233) Cách ghi chép cho thấy tác giả tham khảo tài liệu chính thức từ thư khố triều đình để thuật lại hoạt động của Thái tổ. Đến phần liệt truyện, ông xoáy bút linh hoạt hơn, dựa trên ngoại thư, truyền thuyết….Thời đó, tiếp cận tài liệu trong cung không dễ dàng. Tuyệt đại đa số nho gia nơi thôn xóm sẽ điền lấp thông tin khiếm khuyết bằng trí tưởng tượng nặng suy diễn cá nhân. Đáng chú ý là mặc dù bàn chuyện ba trăm năm trước, Quế Đường sử dụng không phê phán hoặc đánh giá tính khả tín của nguồn muộn. Có lẽ ông cũng sẵn nhu cầu hạ thấp vua Lê để vui lòng chúa. Sau Lê Quý Đôn, sản phẩm lượm lặt giả tưởng điển hình là “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) và Nguyễn Án (1770 – 1815).(234)

Dù được phóng thích ngay, Nguyễn chưa hoàn toàn tự do. Ông bị bộ phận thẩm vấn truy bức kịch liệt. Bài quốc âm dưới đây có khả năng thể hiện ý chí cứng rắn trước thủ thuật điều tra của “Cẩm y vệ”:

Trần tình VIII

Chớ cậy sang mà ép nề,(235)
Lời chăng phải vẫn khôn nghe.

Co que thay bấy ruột ốc,
Khúc khuỷu làm chi trái hòe.
Hai chữ công danh chăng cảm cóc,(236)
Một trường ân oán những hăm he.(237)
Làm người mựa(238) cậy khi quyền thế,

Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.

Chúng tôi nghĩ rằng bài thơ ra đời lúc tác giả bị điều tra về vụ Trần Nguyên Hãn hoặc về quan hệ phức tạp của ông thời Minh thuộc. Suốt quá trình phục vụ nhà Lê, Nguyễn hoàn toàn mất thế chỉ trong khoảng hai năm 1430 – 1431. Lê Lợi có vẻ cố tình ngảnh mặt cho cơ quan chuyên trách xác minh sự vô can của Nguyễn để ngài có thể an tâm sử dụng người. Qua năm 1432, đã thấy ông tiếp tục công việc từ hàn bằng “Bình Phục Lễ ban sư chiếu”; năm 1433 viết “Mệnh giáng Tư Tề vi Quận vương, thứ tử Nguyên Long thừa thống chiếu”. Phận sự dù chỉ soạn văn thư cho hoàng đế và trông coi Tam quán nhưng vẫn là cận thần “Nhập nội Hành khiển”. Chức vụ như thế không phải ai muốn bắt nạt cũng được. Thời Thái tông, khi được trọng dụng, Nguyễn giữ tiếng nói can gián mạnh mẽ trong triều đình; các đại thần từng đồng lòng đề cử ông vào vai trò thầy dạy vua trẻ. Khi bị lạnh nhạt, Nguyễn sinh hoạt thanh đạm trong cô độc nhưng không ai dám xúc phạm vị lão thần.

Có thân mẫu là quý tộc Trần, tinh thần cao nhã từ trong huyết quản khiến Nguyễn nhìn phương pháp thẩm vấn ngoắt nghéo bằng con mắt kinh tởm. Câu 5 đáp đòn “củ cà rốt”, câu 6 trả đòn “cây gậy” của nhân viên điều tra, những quan lại chắc trình độ chưa cao siêu gì lắm. Ức Trai tự tin đồng thời tin vào minh quân nên chẳng ngại nói rằng có ngày “tốt” lâm thời như ông sẽ đuổi “xe” lâm thời là bọn người đang dở trò bức bách.

Dẫu vậy, Nguyễn vẫn bị tổn thương nhiều.

Mạn thuật X

Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo,
Chí cũ công danh vẫn rã keo.(239)
Viện có hoa tàn chăng quét đất,

Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo.(240)
Lòng người tựa mặt ai ai khác,(241)
Sự thế bằng cờ nước nước nghèo.

Không hết kể chi tay trí thuật,(242)
Để đòi(243) khi ngã thắt khi eo.

Từ Đại Minh về An Nam sau mười năm trôi dạt, Nguyễn từng than thân mình tựa cánh bèo. Lời than xuất hiện mỗi khi sự nghiệp mơ hồ mà việc lui ẩn lại chưa được phép. Như vậy, chí cũ-công danh chính là xử-xuất, hai ý hướng khác nhau và cả hai đều dang dở. Dưới lệnh điều tra, dĩ nhiên Ức Trai tạm thời bị ngừng chức vụ. Về Côn Sơn càng bất khả!

Trong bài thơ nặng nề oán giận, Nguyễn chen hai câu 3, 4 tinh tế khác thường. Ông tránh quét sân bởi ngại chạm đến hoa rụng, ngừng đẩy chèo vì sợ trăng in nước tiêu tan. Người hiền lành đến vậy sao bị cố tình xem như tội phạm? Trên bàn cờ thế do kẻ khác bày sẵn, Nguyễn còn đi được nước nào giữa sự lãnh đạm của quần thần? Tra vấn ông là ai? Lúc nhúc những kẻ vô cảm, gian xảo và tàn nhẫn! Ai xứng ngồi ghế quan tòa? Ai đáng đứng vành móng ngựa? Chụp mũ “đại nghịch bất đạo” lên một người tránh làm hoa-nguyệt đau thì thật vô liêm sỉ.

Tị hiềm ngấm ngầm trong quan trường rất mạnh. Lúc nào đó, Nguyễn bị mất ghế Đồng Trung thư lệnh, tước hầu và quốc tính dù cuộc điều tra chưa dẫn đến kết luận gì. Đến năm 1433, ông chỉ còn là cận thần cạo giấy tên Nguyễn Trãi. Vết tích sự thu bớt chức tước, lấy lại họ vua còn lưu lại trong bài thơ “Thù hữu nhân kiến ký 酬友人見寄”, Đáp bạn gửi tặng:

酬友人見寄

矯矯龍驤萬斛舟
安行每懼覆中流
事堪涕淚非言說
運落風波豈智謀
身外浮名煙閣迥
夢中花鳥故山幽
慇懃堪謝鄉中友
聊把新詩寫我愁

Thù hữu nhân kiến ký

Kiểu kiểu long tương vạn hộc chu
An hành mỗi cụ phúc trung lưu
Sự kham thế lệ phi ngôn thuyết
Vận lạc phong ba khải trí mưu
Thân ngoại phù danh yên các(244) quýnh
Mộng trung hoa điểu cố sơn u
Ân cần kham tạ hương trung hữu
Liêu bả tân thi tả ngã sầu

Đáp bạn gửi tặng

Thuyền muôn hộc như ngựa quý vượt lên mạnh mẽ,
Đi êm ái nhưng luôn sợ bị lật giữa dòng.
Việc đáng rơi nước mắt không lời nào giải thích được,
Vận rơi vào phong ba sao dám dùng trí để lo lường?
Phù danh ở ngoài thân, gác khói xa xăm,
Chim hoa vào giấc mộng, quê nhà lặng lẽ.
Ân cần cảm tạ các bạn trong làng,
Xin tạm đem thơ mới để tỏ nỗi buồn của tôi.

Với Lê Lợi, Nguyễn Trãi mang ơn tri ngộ. Trong vòng bốn năm, kẻ sĩ lang thang đã đạt chức Lại bộ Thượng thư, chịu trách nhiệm tuyển mộ-điều động quan lại cho vương quốc đang hình thành. Không thể phủ nhận việc sử dụng Ức Trai như một tín hiệu mời gọi nhân sĩ đồng bằng của vua Lê, nhưng đồng thời phải nhìn nhận khả năng xét người sắc bén của ngài. Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc hành trình đi tìm vương chủ xứng đáng để tựa vào đó phát huy sở học. Như bao môn đồ Mạnh Kha khác, Nguyễn xem dân là cứu cánh, vua là lựa chọn cá nhân. Lê Lợi bình thản chấp nhận, nâng đỡ người bầy tôi trí thức mới. Hơn mười năm làm việc cho nhà Minh trong đó quá nửa thời gian lưu lạc mẫu quốc, Ức Trai với tài nghệ ngôn ngữ thiên bẩm là người kháng chiến duy nhất đủ năng lực truyền tải ý kiến của chúa Lam Sơn đến đối thủ theo cách thức diễn đạt của chính người Trung Hoa.

Lê Lợi mang dáng dấp một chính khách khôn ngoan hiện đại. Chỉ khi nào mọi trao đổi đều vô hiệu ngài mới dùng đến vũ lực. Đảm bảo hai bên Minh – Việt không hiểu lầm ý định của nhau tại những thời điểm gay cấn là nhiệm vụ khó ai thay thế quan Thừa chỉ. Đóng góp đó khiến Nguyễn xứng đáng để thăng tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ Lê Lợi là bậc vương giả, quan tướng quanh ngài thì không. Tình cảm nồng hậu đức vua dành cho Ức Trai kết hợp sự hạn chế về giao thiệp giữa nhà thơ với giới quân nhân tạo nên bầu khí quyển ganh ghét ngột ngạt. Cặp thực cho biết tai vạ đến không vì lý do đơn giản như chúng ta suy đoán xưa nay. Để chứng minh vô can với mưu toan của Trần Nguyên Hãn, lời lẽ hẳn chưa phải đến mức cạn kiệt, đầu óc chưa phải tới độ đờ đẫn… vì bộ phận điều tra sẽ vô phương tìm ra chứng cứ ủng hộ mối liên hệ đáng ngờ. Theo thiển ý, họa Nguyên Hãn chỉ là điểm khởi đầu, cái họa chính đày đọa Ức Trai là họa lý lịch và văn tự. Khi tiếp quản văn thư lưu trữ tại Tam ty, phía Lam Sơn phát hiện nhiều chi tiết về hoạt động của Nguyễn thời làm việc cho giặc Minh.

Tại sao chúng tôi giả định như thế? Vì ba bài thơ Nguyễn Trãi ca ngợi Nguyễn Huân, Hoàng Tông Tái, Hà Trung còn truyền đến nay. Để dứt khoát quá khứ, Ức Trai nhiều khả năng đã tự tiêu hủy thơ văn liên quan đến người Minh trước khi yết kiến Lê Lợi. Rủi thay, ba sáng tác nói trên mang số phận khác, chúng được giữ lại trong hồ sơ Tam ty bên cạnh ghi chép về quá trình phục vụ của người viết. Thái tổ thông cảm quyền chọn vua của đệ tử Khổng Mạnh, nhưng những người chí thành với thủ tục cắt máu ăn thề sẽ không bao giờ hiểu được hành động đó.

Tình cảnh bị xét lại công-tội, bị quản thúc tại kinh đô được phản ánh trong cặp luận. Có lẽ để giảm bớt áp lực nặng nề, ai đó đã khuyên Ức Trai “đi cửa sau”.

Tự thán V

Thiếu niên trường ốc tiếng hư bay,
Phải lụy vì danh đã hổ thay!
Đám cúc thông quen vầy bậu bạn,
Cửa quyền quí ngại lượm(245) chân tay.
Qua đòi(246) cảnh chép câu đòi cảnh,
Nhàn một ngày nên quyển(247) một ngày.
Tuổi đã năm mươi đầu đã bạc,
Ấy còn bìu rịn(248) lấy chi vay!

Nhà thơ không có ý định cầu cạnh để an thân. Ông chọn thiên nhiên, thơ họa thay vì danh lợi. Nguyễn hâm mộ “danh”, từng vì danh mà lụy, nhưng chưa từng vì danh mà nhục.

Thiệu Bình năm I (1434), Toàn Thư hồi tưởng việc Lê Lợi cấm tái dụng Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá…. vì trước kia, sau khi dâng sớ xin giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo bọn họ lại vu hãm người có thái độ không vui là bè đảng Trần-Phạm khiến nhiều nạn nhân phải tội tử hay lưu đày. Như thế, vụ xử lý hai quan gốc kinh lộ đã tạo nên không khí khủng bố trong triều đình đương thời. Nguyễn Trãi cùng nhóm với các nhân vật chính nên nằm ngay tâm bão. Hết sức điêu đứng nhưng nhà thơ, dù bị tống ngục, vẫn từ chối “bôi trơn” hay “mẹo vặt” để được thả; khi được phóng thích lại từ chối nốt việc chạy vạy để thoát án ngờ. Ức Trai là người chính trực.

Tuy vậy, ông rất ấm ức về cách đối xử bất công.

Trần tình IV

Lồng lộng trời, tư chút đâu,
Nào ai chẳng đội ở trên đầu?
Trông(249) cửa ngọc, vân(250) yên(251) cách,
Giãi(252) lòng đan, nhật nguyệt thâu.
Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ,
Quạt hay thu lạnh quạt sơ thu.(253)
Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế,

Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

Hai câu đầu chỉ trời, đồng thời chỉ vua. Tác giả lập lại tín niệm vua cũng như trời, nhìn thấy hết, rất công bằng.

Hai câu 3, 4 cũng như các câu “Nhớ chúa lòng còn đan một tấc”,(254) “Lòng một tấc đan còn nhớ chúa”,(255) đều lấy cảm hứng từ “Luyến khuyết đan tâm phá, 戀闕丹心破”,(256) nhớ cửa khuyết lòng son quặn đứt của Đỗ Phủ. Như vậy, hiểu “trông/song” như động từ thuyết phục hơn. “Song cửa ngọc” ít nhiều gần gũi với câu thơ mong chờ vua Trần ban chiếu bổ nhiệm của Nguyễn Ứng Long, cha ông: “Vọng nhãn đãn huyền thiên khuyết bắc, 望眼但懸天闕北”, Mắt trông ngóng chỉ canh cánh nhìn lên cửa khuyết phía bắc. Đối lại, “giãi/dãi” nên hiểu là “bày tỏ, bày ra”. Người đời Minh vẫn có cách nói “trần đan tâm 陳丹心”,(257) bày tỏ lòng son. Đến thế kỷ XIX, khi chưa xuất hiện cách thể hiện mới về lòng trung thành, nhà thơ Ba Giai qua “Hà Thành chính khí ca” vẫn tán tụng tinh thần vì Thánh quân Tự Đức chiến đấu đến cùng của Hoàng Diệu là “Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son”.(258) Dù “giãi” và “dãi” thể hiện hai khái niệm khác nhau, chúng đều có thể được sử dụng để dịch chữ “trần 陳”, bộc lộ điều gì đó, bằng cách nào đó.

Ức Trai mất tước hầu, bị loại khỏi danh sách công thần, thu hồi thực ấp. Ông đau đớn vì bỗng thấy vua xa xăm sau mây khói, nhưng cũng vì xa rời “vân đài”, “yên các”. Ở đây phảng phất hờn trách. Cửa cung rộng mở, lòng vua lồng lộng công bằng, sao nên nỗi? Bằng hữu của cụm “vân yên cách” chính là “yên các quýnh 煙閣迥”, gác khói xa xăm trong bài “Thù hữu nhân kiến ký” bên trên. Đối lại, “nhật nguyệt thâu” không chỉ mang nghĩa “mặt trời, mặt trăng chứng tri”. “Nhật nguyệt” tượng trưng thời gian, “nhật nguyệt thâu” còn có nghĩa “qua thời gian sẽ thấu hiểu”.

Nguyên nhân tai họa được Ức Trai giải thích bằng hai câu 5, 6. Nguyễn tự trách mình bất thức thời. Bay hết cao chim phải nghỉ, trời sang thu quạt phải dẹp. Gặp rắc rối vì công thành mà thân chưa thoái, lỗi đó do chính ông. Còn chuyện quạt xếp xó biết qui trách nhiệm vào ai? Lỗi đó do trời trước, do vua sau. Nguyễn nhỏ nhẹ nhưng tủi hờn nằng nặng. Ông dỗi rằng mình không cần “góc cạnh” nữa, vì già rồi, vì đứng ngoài cuộc đời rồi. Lời lẽ hết sức kiềm chế ẩn dấu khủng hoảng tinh thần.

Dường như Thái tổ phải tập trung tinh lực đối phó rối loạn tại biên giới nên chưa đủ thời giờ ngó ngàng đến sự việc. Cơn trầm cảm của Nguyễn dần dần đằm lại khi kề bên thấp thoáng bóng người đẹp.

Tự thán I

Càng một ngày càng ngặt(259) đến xương,
Ắt vì số mệnh, ắt văn chương.
Người hiềm(260) rằng cúc qua trùng cửu,(261)
Kẻ hãy bằng(262) quỳ hướng thái dương.

Chè thuở(263) tiên,(264) thì mình kín(265) nước,
Cầm khi đàn, khiến thiếp thiêu hương.(266)
Non quê ngày nọ chiêm bao thấy,

Viên, hạc chăng hờn lại những thương.

Tạm hiểu như sau: Càng ngày càng nghèo kiết xác. Chắc một phần do số mệnh một phần do văn chương. Người thì e rằng (ta) như cúc quá mùa. Kẻ lại khuyên nên cùng hoa quỳ vọng hướng mặt trời. Khi nấu trà, tự mình đi lấy nước. Lúc gảy đàn cầm, sai người thiếp đốt hương. Ngày nọ, nằm mơ thấy quê nhà. Vượn và hạc chỉ thương chớ chẳng hờn giận.

Rất phong độ khi người “nghèo đến xương” Nguyễn Trãi vẫn uống trà, gảy đàn, thưởng trầm với hầu thiếp và mơ về biệt phủ. Cái nghèo hiển hiện sự sa sút của nhà quan. Tại sao ông nghèo? Đổ thừa số mệnh là câu đầu môi của dân Nam nên ta tin rằng Nguyễn nghèo do “văn chương”. Nói cách khác, Ức Trai mất chức tước bổng lộc do tai vạ sinh ra từ công việc bút mực. Ông có hai lựa chọn, một là chấp nhận thất bại lui về, hai là kiên nhẫn chờ vua soi xét để tiếp tục hoạn lộ. Vua đang bận làm tướng nên nhà thơ tạm giữ vai tiên ngoài núi, đợi thời.

Người phụ nữ hiện diện trong buổi thư dãn lịch lãm của chồng là ai? Chắc không sai nếu ta đoán bà là Nguyễn thị Lộ.

Tháng 11 năm Thuận Thiên III (1430), Thái tổ thân chinh Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái ở Thái Nguyên. Tháng 3 năm Thuận Thiên IV (1431), bắt hai tù trưởng đưa về kinh.

Lễ mừng chiến thắng là dịp may để Nguyễn bệ kiến. Bốn kỳ “Hạ tiệp” nhiều khả năng ra đời năm Tân Hợi (1431) vì kể chuyện man tù sa lưới đồng thời đề cập thơ ngự chế(267) tại quân doanh. Toàn Thư cũng ghi nhận chi tiết giống như vậy về cuộc hành binh này (Toàn Thư II, 324-325). Dưới đây là kỳ một trong số bốn kỳ.

賀捷
其一

蠢爾蠻酋敢寇邊
積凶稔惡已多年
九重睿念忴遐俗
萬里鑾車冒瘴煙
山戍已聞收魏博
宸奎又見刻燕然
從今四海車書一
盛德豐功萬古前

Hạ tiệp
Kỳ I

Xuẩn nhĩ man tù cảm khấu biên
Tích hung nẫm ác dĩ đa niên
Cửu trùng duệ niệm linh hà tục
Vạn lý loan dư mạo chướng yên
Sơn thú(268) dĩ văn thu nguỵ bác(269)
Thần khuê(270) hựu kiến khắc yên nhiên(271)
Tòng kim tứ hải xa thư nhất(272)
Thịnh đức phong công vạn cổ tiền.

Mừng chiến thắng
Kỳ 1

Bọn man tù ngu xuẩn các ngươi sao dám cướp phá biên giới?
Chứa hung dưỡng ác đã bao năm!
Cửu trùng nghĩ ngợi sáng suốt nên thương đến tục miền xa,
Ruổi xe loan xông pha lam chướng.
Nghe nói lính thú đã thu lại đất Ngụy Bác,
Lại thấy thơ ngự chế khắc núi Yên Nhiên.
Đến nay bốn biển dùng cùng cỡ xe, cùng thứ chữ,
Đức lớn công to hơn cả nghìn xưa.

Bài tụng ca rất ước lệ, nhàm chán. Ức Trai phải lên gân để biện hộ bản thân không dính líu đến vụ nổi dậy do Trần Nguyên Hãn xách động.

Ở đây, chúng ta tái ngộ tứ thơ từng gặp trong lời tung hô vua Vĩnh Lạc.

Ca tụng vua Minh: “Cửu trùng chẩn niệm cập hà manh. 九重軫念及遐氓”, Trăn trở thương xót từ cửu trùng xuống đến dân phương xa.

Ca tụng vua Lê: “Cửu trùng duệ niệm linh hà tục, 九重睿念忴遐俗”, Cửu trùng nghĩ ngợi sáng suốt nên thương đến tục miền xa.

Như vậy, Nguyễn Trãi thuộc về hai trường văn hóa. Một: loại văn hóa xuyên cương vực mà Nguyễn tin rằng có thể ứng dụng tại Giao Chỉ; đại biểu văn hóa đó chính là Minh Thành tổ. Hai: loại văn hóa khu biệt mà Nguyễn cảm nhận rõ rệt khi gảy đàn cầm, bản năng khiến ông chỉ gảy điệu Nam; đại biểu văn hóa đó chính là Lê Thái tổ. Cả hai câu cùng chuyển ý “ngôn niệm thương sinh 言念苍生”, Lời nói, ý nghĩ đều hướng về dân đen của Trương Cửu Linh. Nguyễn chấp nhận Chu Đệ dựa vào lý, phục vụ Lê Lợi dựa vào tình. Nhưng nếu các vua không trọng dụng Nguyễn, kể cả vua Lê, ông sẵn sàng bỏ đi như tuyên bố trong “Mạn thành kỳ II”, tác phẩm sẽ được phân tích tiếp theo dưới đây.

Lê Lợi có bất bình nếu biết quan Thừa chỉ sửa lại tí chút dòng thơ tâng bốc vua Minh để ca ngợi ngài? Chắc là không! Nói cho cùng, nó chỉ tương tự khẩu hiệu “Thánh thượng muôn năm!” hay “Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế!”.

Điểm khác nhau giữa hai câu rất tế nhị, nằm ở chữ cuối câu: “manh” và “tục”.

Nguyễn Trãi dùng “manh 氓”, dân thường để chỉ người An Nam, cộng đồng dưới sự cai trị của vua Minh và thừa tiếp văn hóa Trung Hoa. Lại dùng “tục 俗”, người thường hay tập quán, thói quen để chỉ dân Mường Lễ, cộng đồng chịu ảnh hưởng Đại Việt nhưng từ chối văn hóa Đông kinh. Thế kỷ XV, khái niệm dân tộc, sắc tộc chưa tồn tại. Thức giả thời đó thường dựa vào thực hành văn hóa để biện biệt các cộng đồng người. Nói hai tập nhóm phong tục khác nhau giống như ngày nay ta nói họ khác sắc tộc. Như thế, khi sử dụng “hà manh” thay vì “hà tục” chỉ dân Giao Chỉ, Nguyễn đã không tin đồng bào ông có số phận tách biệt với Trung Hoa.

Theo Lê Quý Đôn, Lê Lợi giết Phạm Văn Xảo vào năm 1431. Trong “Đế kỷ đệ nhị”, phần Thái tổ (hạ), cụ Lê chép rằng Đèo Cát Hãn toa rập với Phạm Văn Xảo gây loạn.

Thái tổ tiếp tục bận bịu với bất ổn ở Mường Lễ. Dường như ngài miễn xá cho Nguyễn nhưng chưa phục chức.

Còn than thở “mang lụy vào thân”, “Mạn thành kỳ II” thể hiện sự chờ đợi phán xét từ thiên tử.

漫成
其二

眼中浮世總浮雲
蝸角驚看日晉秦
天或喪斯知有命
邦如有道亦羞貧
陳平自信能為宰
杜甫誰忴已誤身
世事不知何日了
扁舟歸釣五湖春

Mạn thành
Kỳ II

Nhãn trung phù thế tổng phù vân
Oa giác kinh khan nhật Tấn Tần(273)
Thiên hoặc táng tư tri hữu mệnh(274)
Bang như hữu đạo diệc tu bần(275)
Trần Bình tự tín năng vi tể(276)
Đỗ Phủ thùy linh dĩ ngộ thân(277)
Thế sự bất tri hà nhật liễu

Biển chu quy điếu Ngũ Hồ xuân.

Làm chơi
Kỳ 2

Đời phù phiếm xem như mây nổi!
Sợ thấy cảnh Tấn Tần tranh nhau mỗi ngày trên hai sừng ốc sên.
Ví như trời bỏ quên văn này, biết là do mệnh,
Nếu nước có đạo, cũng đáng thẹn cho cái nghèo.
(Trước như) Trần Bình tự tin đủ sức làm tể tướng,
(Giờ thì) Ai thương Đỗ Phủ đã mang lụy vào thân?
Việc đời ngày nào mới dứt?
(Để) quay thuyền nhỏ về câu cá giữa mùa xuân Ngũ hồ.

Tiếng loảng xoảng từ cuộc sát phạt giữa phe trại đứng đầu bởi Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản và phe kinh nổi bật với Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo văng vẳng vào thơ. Là nạn nhân của đố kỵ, Nguyễn nhìn ra chất nhỏ mọn của cuộc xung khắc. Cái tâm của ông hướng về giá trị học thuật mang tính phổ quát cao hơn giá trị địa phương. Ức Trai chỉ sợ vua quên “văn này”, tức hệ thống tư tưởng-chính trị Nho giáo mà bản thân là thành tố. Còn “đạo” chưa áp dụng rộng khắp thì khốn khó chẳng vì mình bất tài. Người con ưu tú của nền văn minh Lý Trần luôn thao thức về vận mệnh đạo Khổng, cũng kiêm vận mệnh riêng. Sau Hồ Quý Ly, Nguyễn là người ý thức rõ nhất về nhu cầu hiện đại hóa xã hội Đại Việt. Bằng cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông cố gắng giữ liền mạch cải cách từ thời Hồ, qua Hoàng Phúc đến Lê Thánh tông. Khó nói Nguyễn thành công hay thất bại. Cách mạng tư tưởng cần nhiều thời gian. Phải mất một thế kỷ, từ khi Lê Quát và Phạm Sư Mạnh đề nghị thay đổi chế độ đến lúc vua Hồng Đức hoàn chỉnh thể chế tập quyền, nho gia mới hoàn tất quá trình biến văn hóa Lý-Trần thành trầm tích lịch sử.

Câu 5 giúp ta đoán bài thơ ra đời không lâu sau khi Nguyễn mất chức phó nhị Tòa Trung thư. Câu 3 và câu 6 cho biết ông chờ kết luận của nhà vua nhưng chưa rõ thuận lợi hay bất lợi. Trước mắt, Ức Trai bị mọi người xa lánh.

Hai chữ “ngũ hồ” trong câu 8 đáng chú ý nhất. Nguyễn Trãi có thói quen mơ về Côn Sơn, ở đây lại chiêm bao chốn khác. Tương truyền, Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn trả thù Ngô Phù Sai đã dẫn Tây Thi vào Ngũ hồ rong chơi vì nghĩ rằng khó chung hưởng phú quý với nhà vua xấu tướng. “Ngũ hồ” vọng lên tiếng trách móc của Nguyễn giống như Phạm từng nghi hoặc sự thành tín của chủ mình. Lê Lợi để mặc ông nghèo khó với người thiếp mọn. Cùng bà Lộ tiêu pha phần đời còn sót trên sông nước có vẻ là ý nghĩ viển vông thú vị. Vua bỏ rơi Nguyễn, tức bỏ rơi đạo Nho, vậy đâu cần gì nữa! Nhiều lắm chỉ cần người định kỳ tiếp gạo đến chiếc thuyền con.

Cuối năm Thuận thiên III đầu năm Thuận thiên IV, vua Lê bình định Mường Lễ. Tháng 11 cùng năm, Đèo Cát Hãn ra hàng. Nguyễn phụng mệnh soạn “Bình Phục Lễ ban sư chiếu”. Như thế, Ức Trai đã làm việc lại bình thường vào năm 1432. Bài thơ dưới đây giống như lời tạ ơn khi hoàng đế kéo cái lụy ra khỏi nhà nho khốn khổ.

Trần tình I

Từ ngày gặp hội phong vân,(278)
Bổ báo chưa hề đặng mỗ(279) phân.

Gánh, khôn đương quyền tướng phủ,(280)
Lui, ngõ(281) được đất nho thần.(282)
Ước bề trả ơn minh chúa,

Hết khỏe(283) phù đạo thánh nhân.
Quốc phú binh cường chăng có chước,
Bằng tôi nào thửa ích(284) chưng(285) dân.

Tạm hiểu như sau: Từ ngày gặp minh chúa được cất nhắc. Đến nay chưa báo đáp chút gì. Không đủ sức đảm đương phủ tướng. Nên lui về chuyên việc nho thần. Ao ước đền ơn vua sáng. Bằng cách đem hết sức truyền bá đạo thánh hiền. Nếu chẳng có mưu kế làm nước giàu binh mạnh. Thì tôi đâu có ích gì cho dân!

Ký tên bia Vĩnh Lăng vào cuối năm 1433, Vinh Lộc đại phu Nguyễn Trãi xưng chức “Nhập nội Hành khiển tri Tam Quán sự”. Như vậy, khi được tái bố trí, ghế Đồng Trung Thư lệnh quyền lực đã tuột khỏi tay Nguyễn, bù lại ông nhận danh vọng tối cao trong làng trí thức. Ức Trai văn tài rực rỡ, hiểu biết lý thuyết Nho học nhưng dường như năng lực thực tiễn yếu kém. Vua Lê hẳn đã nêu lý do và Nguyễn đã công nhận bản thân “khôn đương quyền tướng phủ”. Chúng ta sẽ theo dõi hoạt động của Ức Trai dưới triều Lê Thái tông để tìm hiểu thêm. Vài thông tin liên quan đến khả năng quan Thừa Chỉ được Toàn Thư ghi nhận. Trước mắt, Nguyễn hài lòng vì vua xem ông là nho sĩ hàng đầu của vương quốc. Cặp kết nghe như lời hứa: “nếu không điều hành công việc trực tiếp tôi sẽ đóng vai cố vấn, sẽ suy nghĩ và hiến kế làm nước giàu binh mạnh.”

  1. Dưới thời Lê Thái tông (trị vì 1434 – 1442)

Tháng 5, Thiệu Bình I (1434), Nguyễn Trãi thảo biểu cầu phong cho Lê Nguyên Long. Bọn Nội Mật viện Nguyễn Thúc Huệ, Học sĩ Lê Cảnh Xước yêu cầu thay đổi vài chữ. Quan Nhập nội Hành khiển đáp rằng: Bọn các người là hạng bầy tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các người gây nên cả (Toàn Thư II, 336).(286)

Trước đó vào tháng 4, để cầu đảo vua đã sai rước Phật chùa Pháp Vân về Đông Kinh. Nguyễn Thiên Hựu lại đề đạt vua sửa đức, tha tù oan, thả cung nữ. Như vậy, hạn hán đang tác động mạnh đến cuộc sống đương thời. Tuy sử dụng nhiều biện pháp, trời chỉ xuống cơn mưa nhỏ. Ức Trai riêng tìm ra nguyên nhân khác, đó là do tham quan ô lại hoành hành, phá vỡ hài hòa giữa trời-đất-người. Rõ ràng Nguyễn mắng các quan về việc chẳng liên quan đến chữ nghĩa. Huệ-Xước bẩm lại câu chuyện với hai tướng đầu triều là Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn. Hai vị giận, bảo Nguyễn rằng: Làm nên nỗi có thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy, lỗi ở vua và tể tướng thôi, sao ông trách nhau quá như thế (Toàn Thư II, 336)?(287)

Có lẽ thấy mình hơi lố, Nguyễn xin lỗi: Thúc Huệ chỉ vì chút tài vét thuế mà chiếm chỗ then chốt của thiên hạ, mỗi khi có sổ sách tâu vào đều muốn vơ của dân về cho quan, để mong hợp ý vua, cho nên tôi nhân việc này mà nói ra thôi, không dám chê bàn gì đến vua và tể tướng cả (Toàn Thư II, 336).(288)

Lê Sát còn bất bình nhưng giữ nguyên bản tâu của Nguyễn.

Sát-Vấn thuộc dạng tể thần đầy đủ phẩm cách trượng phu, hai ông không đổ lỗi cho trời hay cho khách quan về cơn hạn hán mà tự nhận trách nhiệm điều hòa việc nước trước thuộc cấp. Dù địa vị tột bậc, họ vẫn gọi Nguyễn là “công 公”, ông. Dù giận riêng, họ vẫn nhìn nhận tài năng hàn mặc của quan Thừa chỉ. Hai đại công thần ít học hết sức tôn trọng người nhiều chữ, chính sự phải đạo của họ góp phần gây dựng nước Đại Việt mới thịnh trị. Nên nhớ, nhà thơ Ức Trai đương cơn bực tức gọi đồng liêu là “nhĩ 爾”, mày.

Nguyễn Trãi chuyên soạn thư từ cho vua từ năm 1423. Có lẽ quen nếp từ khi còn kháng chiến, ngự văn đều được Lê Lợi đích thân chỉnh sửa hay gợi ý chỉnh sửa cho phù hợp; lúc này, việc đóng góp văn bản rơi xuống tay Nội mật viện hay Hàn lâm viện vì Thái tông còn nhỏ. Với đại bút như Ức Trai hẳn việc đó rất đau lòng.

Tháng 12, Thiệu Bình I (1434), triều đình họp bàn việc bỏ áo tang Lê Thái tổ. Nguyễn Trãi đề nghị mặc áo trắng thêm 27 ngày nữa.

Tháng 3, Thiệu Bình II (1435), hình quan chiếu luật đề nghị xử chém bảy thiếu niên tái phạm tội ăn trộm. Lê Sát chần chừ vì ngại giết nhiều người. Vua nhờ quan Thừa chỉ tư vấn. Nguyễn Trãi hùng hồn dẫn Kinh Thư và sách Đại Học khuyên vua dùng nhân nghĩa, theo ông pháp lệnh không bằng nhân nghĩa. Sát và Ngân chắc không lạ gì ý tưởng đó; tuy nhiên, họ cần giải pháp cụ thể hơn lời thuyết lý có thể đã được nhà nho Ức Trai giảng giải quá mức cần thiết. Như một thách thức thực tiễn, hai tể thần đề nghị giao tội phạm cho bọn Nguyễn Trãi-Thiên Tước để giáo hóa.(289) Ức Trai tạ rằng: Chúng là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp chế của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ bọn chúng tôi đức mỏng, cảm hóa thế nào được (Toàn Thư II, 350-351).(290)

Ta thấy điều gì ở đây? Chúng tôi thấy bốn điểm nổi bật như sau:

– Nguyễn Trãi rất có uy vọng trong triều đình Lê Thái tông. Ông được hỏi ý kiến về các vấn đề thậm nan giải.
– Hình luật đầu đời Lê hết sức nghiêm ngặt. Trộm tái phạm phải tội tử hình. Có lẽ Lê Thái tổ cần ổn định cấp tốc xã hội rối loạn, thiếu đói thời hậu chiến nên ban luật khắc nghiệt.
– Lê Sát, đại tướng từng giết vô số giặc Minh qua các trận Thi Lang, Khả Lưu, Tây Đô, Xương Giang, Chi Lăng…. lại ngại giết bảy tên trộm. Ông chính là hiền nhân thầm lặng, xa lạ với loại người “khát máu”, tính cách Keith Taylor gán cho các đầu lĩnh khởi nghĩa. Không riêng Lê Lợi, bầy tôi thân tín của Ngài như Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân đều hiểu phải ngồi trên lưng ngựa để lấy thiên hạ, nhưng không thể từ lưng ngựa cai trị thiên hạ.
– Nguyễn Trãi đậm tính cách nhà truyền giáo, thiếu tố chất của người hoạt động chính trị-xã hội đủ kỹ năng áp dụng quan niệm triết học vào cuộc sống.

Dù Nguyễn Trãi nói và làm chênh nhau, các quan đầu triều vẫn xem ông là bậc thầy ngoại hạng, họ đồng lòng tiến cử quan Hành khiển Thừa chỉ, quan Trung thư Thị lang Trình Thuấn Du, sáu văn thần khác cùng vài đại thần nữa vào hầu Kinh diên, tức dạy vua học.

Cùng năm Thiệu Bình II (1435), Nguyễn Trãi trình vua xem tác phẩm Dư địa chí.

Tháng giêng, Thiệu Bình IV (1437), vua sai Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa.

Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá, tâu rằng: Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không không thể lưu hành. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hoà. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.(291)

Khánh đá là nhạc cụ quan trọng từ thời cổ đại. Khánh đá cùng với chuông đồng từng được Khổng tử nhắc đến khi ngài bàn về nhạc. Khánh treo thành dãy, tức biên khánh, gồm nhiều mảnh đá mắc trên giá gỗ. Nhạc công dùng búa gỗ gõ vào đá để tạo ra âm thanh. Bản vẽ của Nguyễn Trãi hẳn dùng để chế tạo các phiến đá thuộc biên khánh. Chúng phát ra những nốt nhạc khác nhau nên các phiến đều có trọng lượng, hình dáng, độ dầy mỏng khác nhau. Thiết kế, gia công khánh đá không dễ dàng, đó là công việc tổng hợp của nhà soạn nhạc, nhạc công và nghệ nhân chế tác đá.

7

Biên khánh đào được từ mộ Hầu tước Cơ Ất (477 TCN – 433 TCN) Nước Tằng (Hồ Bắc, Trung Hoa) http://bit.ly/2Zb9Hym)

Đối với nhà nho, nhạc gồm cả vũ đạo. Khái niệm về nhạc trong lời tâu không do Nguyễn Trãi nghĩ ra, Ông chỉ lập lại ý tưởng của các triết nhân Trung Hoa thời cổ. Sách Lễ ký ghi rằng: “Nhạc cực hòa, lễ cực thuận. 乐极咊礼极順”,(292) tận cùng của nhạc là hòa, tận cùng của lễ là thuận. Lại ghi: “Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hĩ. 声音之道与與政通矣”,(293) Đạo của âm thanh thông với chính trị vậy!(294)

Điểm sáng của Ức Trai là lời tự thú rất lương thiện rằng ông không đủ khả năng soạn nhạc, hòa âm và phối khí cho dàn nhạc cung đình.

Triều đình biết rõ điều đó nên phân công lý thuyết gia Nguyễn Trãi cùng làm việc với nhà hoạt động thực tiễn Lương Đăng. Tiếc thay, hoạn quan nằm ngoài tứ dân, luôn nhận sự khinh miệt từ nho gia nên hợp tác khó thể thành công.

Tháng tư, Thiệu Bình IV (1437), vua muốn xem thủ chiếu và thi văn của Hồ Quý Ly. Nguyễn Trãi tìm được vài chục bài quốc âm dâng lên.

Tháng năm, Thiệu Bình IV (1437), Nguyễn Trãi tâu xin trả lại nhiệm vụ cùng Lương Đăng thiết định nhã nhạc do sở kiến hai người khác nhau.

Tháng năm, Thiệu Bình IV (1437), Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri Điển nhạc sự Lương Đăng dâng nhạc mới, mô phỏng nhạc nhà Minh. Nhạc có hai loại, loại tấu trên điện đình và loại tấu dưới sân, bao gồm cả tám loại âm thanh (da, bầu, trúc, tơ, gỗ, đất, kim, đá).

Tháng mười một, Thiệu Bình IV (1437), triều đình công bố nghi thức lễ nhạc do Lương Đăng mới định.

Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Tuyển, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ phản đối. Các quan phê phán lễ nhạc mới không theo đúng quy chế xưa, sai khác so với quy định nhà Minh đương thời, lại pha lẫn phong cách Phật giáo. Hơn nữa, họ cho rằng Lương Đăng là hoạn quan, không đủ tư cách thiết định triều nghi.

Lương Đăng phản ứng hòa nhã, ngỏ ý chờ quyết định của nhà vua. Tuy nhiên Đăng vẫn bị Nguyễn Liễu tấn công kịch liệt, quy kết tội tày trời “chuyên hoại thiên hạ 專壞天下”, một mình làm hỏng thiên hạ. Hoạn quan Đinh Thắng bênh vực đồng nghiệp, đòi chém đầu Nguyễn Liễu. Vụ việc trở nên nghiêm trọng, phải chuyển sang hình quan xử lý. Kết cuộc, Nguyễn Liễu bị thích chữ vào mặt và đày đi châu xa.

Trừ phần bàn luận mang tính kỹ thuật về cái chưa được trong lễ nhạc của Lương Đăng, ý kiến các quan về cá nhân khổ chủ như sau:

Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công(295) thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan(296) Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao!…..Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm.(297)

Nhu cầu xây dựng nghi vệ, lễ nhạc của triều đại mới là có thật và cấp bách. Theo chế độ tập quyền, so với các triều trước, tầm vóc triều Lê lớn lao hơn nhiều. Uy nghi thiên tử, phong độ bách quan cần thiết để giao thiệp với lân bang, cũng để tạo ngưỡng vọng từ dân đen tinh thần còn rã rời sau động loạn. Lương Đăng rõ ràng có năng khiếu mỹ thuật và âm nhạc. Trừ những vị xem Chu Công là mẫu mực, không ai phản đối họ Lương. Dù chưa hoàn hảo, quan Lỗ bộ ty giám đáp ứng được những gì chính quyền cần vào thời điểm đó.

Các học giả Việt Nam như Trần Văn Khê, Trần Quốc Vượng…. đều ủng hộ nhà văn hóa Nguyễn Trãi. Họ cho rằng Ức Trai bảo vệ truyền thống dân tộc còn Lương Đăng sáng tạo kiểu lai căng.

John Kremers Whitmore đồng ý với hai cụ Trần. Ông cho rằng xung đột xảy ra giữa hai quan điểm, một thiên về truyền thống hơn của Nguyễn Trãi, một mới mẻ hơn của thanh niên Lương Đăng, là sản phẩm từ nhà trường thời Minh thuộc.(298)

Keith Weller Taylor đánh giá theo hướng hoàn toàn khác. Ông nghĩ Lương Đăng không thích tiền lệ mang tính sách vở mà hướng về những gì bản thân thấy là tốt. Có vẻ Taylor nhìn Lương như một nghệ sĩ thực thụ. Vị sử gia dựa vào sự kiện nhà vua trẻ tuổi yêu cầu Ức Trai sưu tầm thơ quốc âm của Hồ Quý Ly để suy đoán rằng Nguyên Long ham thích sự phiêu lưu và tự phát trí tuệ, những tính chất đề kháng nho học chính thống Tống-Minh. Do vậy, quốc vương ngả về phá cách của Lương Đăng thay vì lắng nghe đề xuất uyên bác từ Nguyễn Trãi.(299)

Tạ Chí Đại Trường nhìn thấu suốt tranh cãi này. Ông cho rằng Lương Đăng làm nhạc theo “tinh thần dân tộc có sáng tạo”, không quá Hán hóa như đám nho thần. Quả thật như vậy, nhóm Nguyễn Trãi xem hoạt động thiết trí lễ nhạc của Chu Công Đán là mẫu mực, chê bai họ Lương về cách đánh chuông khi vua ra-vào không đúng quy định cổ, bài bác lối thiết kế và bố trí ngự tọa sai khác điển chế nhà Minh.

Thực tế, Lương Đăng định số tiếng chuông báo hiệu vua ra chầu bằng số hạt chuỗi tràng của nhà sư, lại có bài nhạc mang chủ đề rất lạ là “cứu nhật nguyệt giao thực nhạc 救日月交蝕樂”, nhạc cứu nhật thực nguyệt thực. Đó là dấu vết của văn hóa Đại Việt xưa khiến nhà vua và các đại thần dễ dàng chấp nhận. Có lẽ Lê Thái tông cũng giống Trần Nghệ tông, hai Ngài đều hiểu rằng: “Nam bắc các đế kỳ quốc bất tương tập dã. 南北各帝其國不相襲也”, Nam hay bắc đều có đế vương riêng không phải noi nhau. Tư duy của bậc chủ tể đương nhiên phải khác với tư duy của nho gia vốn được đào tạo để làm bầy tôi người khác.

Nhóm nhà nho không sành soạn nhạc, hòa âm, phối khí nhưng quyết liệt phản đối quan Lỗ bộ ty giám. Họ tự nhận thiếu khả năng định lễ nhạc nhưng khăng khăng đề nghị chờ có người hiểu biết rồi hãy thực hiện. Vì sao thế? Chờ đến bao giờ khi những nghi lễ trang trọng thể hiện sức mạnh nhất thống của triều đại đang lên vô cùng cần thiết? Cụ Tạ đành phải trách nhóm Nguyễn Trãi thành kiến quá quắt, không hiểu cả lý lẽ bình thường.

Điều gì nằm sau thái độ dường như khó hiểu đối với người đời nay của các nho thần? Chúng ta thấy ngay nguồn cơn khi đi vào điểm cơ bản nhất của lý thuyết âm nhạc Trung Hoa.

Người Hoa Hạ cổ liên kết năm thanh “cung, thương, giốc, chủy, vũ” với các khái niệm: “thái cực, thiếu dương, thiếu âm, thái dương, thái âm”, “quân, thần, dân, sự, vật” hay “lách, phổi, gan, tim, thận”… Nhạc không chỉ phản ánh, hỗ trợ vận động hài hòa bên trong cơ thể người mà còn phản ánh, hỗ trợ vận động hài hòa trong xã hội và vũ trụ. Nhờ bản chất “hòa”, “nhạc” ảnh hưởng ngược trở lại “lễ”, củng cố và thúc đẩy trật tự qui định bởi trời hay vua vận hành bình ổn. Với nho sĩ, một người lỡ âm lỡ dương như hoạn quan Lương Đăng không đủ tư cách chế tác lễ nhạc. Nguyễn Liễu mạnh miệng kết tội Lương Đăng “chuyên hoại thiên hạ” từ góc nhìn này. Một kẻ bản thân khiếm khuyết sự “hòa” không thể chủ trì kiến tạo hài hòa.

Qua hai lần tranh luận được sử sách ghi chép, chúng ta phát hiện cả hai lần Nguyễn Trãi đều có hành vi tấn công cá nhân (ad hominem) đối tượng tranh luận.(300) Vì vậy, nếu ngày nay phải chứng kiến hành động thay mặt quan tòa của giới “có chữ”, nên mỉm cười khoan thứ vì thói quen đó của trí thức Kinh có lịch sử hết sức sâu dầy.

Nguyễn Trãi có tự phát hiện điểm yếu của mình? Dường như có! Nhưng ông phần nào xem đó là điểm mạnh. Hãy tìm hiểu bài thơ dưới đây:

偶成

喜得身閒官又冷
閉門盡日少相過
滿堂雲氣朝焚柏
遶枕松聲夜瀹茶
修己但知為善樂
致身未必讀書多
平生迂闊真吾病
無術能醫老更加

Ngẫu thành

Hỉ đắc thân nhàn quan hựu lãnh
Bế môn tận nhật thiểu tương qua
Mãn đường vân khí triêu phần bách
Nhiễu chẩm tùng thanh dạ thược trà
Tu kỉ đãn tri vi thiện lạc
Trí thân vị tất độc thư đa
Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh
Vô thuật năng y lão cánh gia

Ngẫu thành

Mừng được thân nhàn, việc quan rãnh rỗi,
Khép cửa suốt ngày ít giao thiệp với ai.
Sớm đốt gỗ bách, hơi khói đầy nhà,
Khuya nấu trà, nghe thông reo quanh gối.
Dưỡng mình chỉ biết lấy việc thiện làm vui,
Tiến thân chưa hẳn phải đọc nhiều sách.
Vu khoát chính thực bệnh suốt đời của ta,
Vô phương cứu chữa, càng già càng nặng.

Từ năm 1434 đến năm 1437, tần suất xuất hiện thường xuyên trong Toàn Thư tiết lộ sự bận rộn của Nguyễn Trãi. Khá chắc chắn là nhà thơ chỉ rỗi việc sau khi mâu thuẫn với Lương Đăng bùng nổ với hậu quả một đồng chí của ông chịu án lưu đày. Tự nhận “Thần vô học thuật bất tri cổ chế. 臣無學術不知古制”, Thần vô học thuật, không biết quy chế cổ, họ Lương mù tịt điển phần lại được vua chọn thay vì chọn sĩ nho danh tiếng Ức Trai. Người đọc thấy rõ tâm trạng ngỡ ngàng của tác giả xao động bên dưới bề mặt bình lặng. Dường như, do ủng hộ Tham nghị Nguyễn Liễu, Ức Trai bị hạ tầng công tác.

Ông cô độc giữa hương trà, hương gỗ bách và tiếng thông reo. Mùi tinh khiết kèm âm thanh cao nhã tạo ấn tượng cả đời nhơ hết, mình Nguyễn sạch; cả đời say hết, mình Nguyễn tỉnh.

Khó thể phủ nhận cuộc sống thanh bạch của quan Thừa chỉ, nhưng ông có tỉnh hay không thì nên xét lại. Với tư cách nhà quản trị xã hội, vua Lê cần người làm được việc. Ngài cần gì ở nhóm người to tiếng mà kết quả công cán thì phải chờ đến thời điểm chưa biết rõ? Khái niệm, quy chế Hoa Hạ hai ngàn năm trước ích gì cho triều đình Mường kiêu hãnh vừa bức bách đại quân Trung nguyên rút lui quên cả chờ mệnh thiên tử?

Câu 5 với hai chữ “tu kỷ 修己” cung cấp thêm manh mối giúp xác định thời điểm tác phẩm ra đời. Nguyễn Trãi đang suy gẫm về nhạc xưa. Nhạc ký chép câu trả lời của Tử Hạ với Ngụy Văn hầu nội dung miêu tả sự hài hòa cực điểm của cổ nhạc. Theo Tử Hạ, người quân tử dựa vào đó để bàn luận, cũng theo đó để học cổ, để tu thân ở nhà rồi tiến đến bình thiên hạ.(301) Câu 6 gợi liên tưởng sự thành công vẻ vang của đối thủ ít học Lương Đăng.

Nguyễn cũng tự ý thức bản thân có lúc nói năng thiếu thực tế. Nhưng đệ tử Khổng Mạnh truyền bá giáo lý Khổng Mạnh có gì sai? Dĩ nhiên, Nguyễn xem giá trị Nho giáo là tài sản chung của nhân loại chứ không thuộc riêng Hoa Hạ. Lại tồn tại dĩ nhiên khác, để thay thế giải pháp chưa hoàn hảo cần một giải pháp tương đối hoàn hảo hơn. Đề xuất chờ người tầm cỡ Chu Công xuất hiện mới làm lễ nhạc không cho thấy ưu điểm nổi trội nào. Vua Lê đã hành động theo lý trí, Nguyễn Trãi vật vã với niềm tin.

“Vu khoát” thành bệnh nan y không chỉ tạo khoảng cách giữa Nguyễn và đa số triều thần mà còn tạo phiền toái cho con cháu.

Thuật hứng XXIII

Bình sinh nhiễm được tật sơ cuồng,(302)
Con cháu nhiều ngày chịu khó dường.(303)
La ỷ(304) lấy đâu chăng lưới thưới,(305)
Hùng ngư(306) khôn kiếm phải thèm thuồng.

Ao quan thả gửi hai bè muống,
Đất bụt ương nhờ một lảnh(307) mùng.
Còn có một lòng âu việc nước,
Đêm đêm thức nhẫn(308) nẻo(309) sơ chung.(310)

Tạm hiểu như sau: Cuộc sống khiến ta nhiễm bệnh điên nhè nhẹ, Do vậy con cháu phải thương khó dài ngày. Lấy đâu ra lụa là mà không rách rưới? Chẳng kiếm được gấu hay cá nên cam cảnh thèm thuồng. Gửi trồng hai bè rau muống ở ao công, Nhờ ương một luống mồng tơi trên đất Phật. (Tài sản) còn lại chỉ tấm lòng lo âu việc nước, Đêm nào cũng trằn trọc đến cử chuông sớm mai.

Viên quan lớn tuổi bộ cánh xuề xòa, ăn uống sơ đạm, mắc tật suốt ngày rao giảng đạo lý Khổng Mạnh hẳn là ác mộng cho mọi người gần gũi. Khổ thay, cụ già cũng biết người thân chịu đựng vì mình. Hình ảnh con cháu nheo nhóc cùng ám ảnh thiếu ăn cho thấy tác giả không chỉ bị cách hay giáng chức mà còn bị cắt giảm lương bổng. Nguyễn làm quan nhưng cả họ chắc không nhờ được gì nhiều. Ức Trai ghét hối lộ tham nhũng, “thanh chức” của ông cũng không cho phép thực hiện những hành vi như vậy. Do đó, cuộc sống nhà thơ hoàn toàn lệ thuộc vào ân huệ triều đình. Mỗi lần bị kỷ luật, Nguyễn rơi ngay vào tình cảnh túng quẫn. Ức Trai nghèo do gánh nặng gia đình lớn gồm nhiều vợ, con, cháu…. chứ chưa hẳn nhà vua muốn gây khó cho ông.

Ý chính bài thơ ẩn khuất trong hai từ ghép “la ỷ” và “hùng ngư” mà Trần Trọng Dương đã giải thích tường tận.(311) “La ỷ” nói về thuật làm bầy tôi, kiểu bầy tôi nhờ có đủ quyền lực mà tài năng bộc lộ. “Hùng ngư” nói về lựa chọn giữa sinh mạng và đạo nghĩa theo hướng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa.

Câu 3 thông báo tình trạng bị thất sủng, câu 4 tuyên bố chấp nhận mọi hậu quả miễn bản thân hành xử đúng đạo lý. Về thời điểm sáng tác, nếu đặt vào giai đoạn hậu “tranh cãi lễ nhạc” sẽ hợp lý hơn vào giai đoạn chờ án vườn Lệ Chi. Hoàng đế mất ngày 4 tháng 8 năm Đại Bảo III (1442), Nguyễn Trãi bị hành hình ngày 16 cùng tháng. Mười hai ngày chịu giam cầm vì liên can tội giết vua chắc chắn tù nhân không thể thoải mái đến mức nhờ được người trồng rau bên ngoài. Đời Lê Thái tông, ăn trộm tái phạm bị xử chém. Hầu thiếp mang tội giết vua, dù ngộ sát, người chồng tránh sao khỏi tru di tam tộc? Việc trồng rau còn ý nghĩa gì khi cầm chắc cái chết? Ai đủ can đảm hỗ trợ tội nhân dính líu án đại nghịch cải thiện bữa rau? Hai câu 7, 8 vẫn mạnh mẽ, thầm kín thể hiện mong mỏi ngày được phục vụ trở lại. Ước muốn đó gần gũi với tâm lý viên quan bị biếm truất hơn là tâm lý tử tù.

漫興
其二

九萬摶風記昔曾
當年錯比北溟鵬
虛名自嘆成箕斗
後學誰將作準繩
一片丹心真汞火
十年清職玉壺冰
優遊且復言余好
俯仰隨人謝不能

Mạn hứng
Kỳ II

Cửu vạn đoàn phong(312) ký tích tằng
Đương niên thác tỷ bắc minh bằng(313)
Hư danh tự thán thành cơ đẩu(314)
Hậu học thuỳ tương tác chuẩn thằng

Nhất phiến đan tâm chân hống hoả
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng
Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
Phủ ngưỡng tuỳ nhân tạ bất năng.

Đề chơi lúc hứng
Kỳ 2

Nhớ xưa từng cưỡi gió bay cao chín vạn dặm,
Bấy giờ nhầm so mình với chim bằng biển bắc.
Than mình vì hư danh mà trở thành vô dụng,
Kẻ hậu học ai chịu lấy ta làm chuẩn thằng!
Một tấm lòng son nóng rực như lửa lò luyện đan,
Mười năm công việc thanh liêm (tiết tháo) trong như bầu ngọc.
Lại nói rằng ta thích làm quan nhàn,
Cúi ngửa theo ý người thì xin tạ, không có khả năng đó.

Có lẽ trong quãng cuối 1437 – đầu 1439 Nguyễn Trãi được giao việc gì đó rất tầm thường chứ không bị cách tuột thành dân đen. Trước va chạm với Ty Lỗ bộ, Ức Trai giữ chức Nhập nội Hành khiển tri Tam Quán sự. Khi dâng biểu tạ ơn lên hoàng đế cuối năm 1439, Nguyễn tự hào vì được giao lại việc trông coi Tam Quán mà ông cho là vinh dự cao tột của Nho gia. Điều đó chứng tỏ Nguyễn đã bị ngừng chức vụ này. Thời gian quan lạnh Ức Trai sáng tác rất nhiều thơ, bối cảnh đôi khi là nơi ẩn cả, tức kinh đô, đôi khi thấp thoáng cảnh nước non Côn Sơn. Những câu “Gia sơn đường cách ngàn dặm, Ưu ái lòng phiền nửa đêm” (Tự thuật IV), Gia sơn cũ còn mường tượng, Thân sự già biếng nói năng” (Tự thán XXVIII) cho thấy Nguyễn tuy thường về Côn Sơn nhưng chủ yếu vẫn phải có mặt ở kinh thành. Và dù ở kinh thành, Nguyễn hầu như đứng ngoài hoạt động triều chính.

Ở “Ngẫu thành” đã bình giải bên trên, Nguyễn tuyên bố “mừng được thân nhàn”, ở đây nhấn mạnh lần nữa “ta thích làm quan nhàn”. Vì sao ông nhấn mạnh sự hài lòng với hoàn cảnh? Hãy đối chiếu “Mạn hứng kỳ II” với “Tự thán V”. Cả hai đều được sáng tác nhằm thời đoạn hoạn lộ khấp khểnh (cuối 1429 – đầu 1432; cuối 1437 – đầu 1439) và cấu trúc của chúng khá giống nhau. Một Nôm một Chữ nhưng cả hai đều nhớ về tuổi trẻ năng nổ thành công trái ngược tuổi già rảnh rang mà lận đận. Chúng lại giống nhau ở “Cửa quyền quý ngại lượm chân tay” và “Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng”, Không thể cúi ngửa theo ý người. Sẽ thấy rõ nhân cách đáng kính của Ức Trai nếu tham chiếu ý chỉ Hoàng thái hậu Nguyễn thị Anh ban cho Thái úy Lê Thụ, Lê Khả:

Sách xưa có câu “Việc người làm tốt, thì trời hòa” nay quan gia còn trẻ thơ, trẫm rất lo sợ, cái tệ ngày nay, hoặc có người hùa đảng với nhau mà tiến cử không công bằng, hay cậy thế công thần ở tiềm để mà cho vợ con chúc thác người quyền thế, hay cho gia nô làm hại lương dân, hoặc có kẻ ra vào nhà quyền thế để cầu khỏi tội…..”(315)

Đầu Lê sơ, kẻ mắc tội có thể vào cửa sau nhà quyền thế chạy xin miễn giảm. Hành động vạy vọ phổ biến đến mức hoàng gia biết rõ, xem như một trong nhiều cái tệ. Hai bài thơ đều là hồi đáp cho những người khuyên Nguyễn vận động ngầm để qua tai ách. Nhà thơ phủ nhận cách ấy vì ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình có tội. Ức Trai chấp nhận mọi mất mát để giữ đạo lý nho gia.

Thế vì sao nên nỗi? Hai chữ Cơ-Đẩu dẫn từ kinh Thi kín đáo nêu quan điểm của Nguyễn về việc đề xuất của mình bị bác bỏ. Thơ Đại Đông ghi lại than thở của dân các nước phương đông dưới sự lấn bức của nước Chu. Người dân phía đông làm lụng cực nhọc nhưng phải nhường quyền lợi cho dân nhà Chu phía tây kiêu kỳ. Nguyễn muốn trách nhà vua đã thiên vị đồng hương. Cha ông cũng từng dùng thơ Đại Đông để ngầm trách vua Trần thiếu công bằng.

Ức Trai cùng lúc có ba luồng suy nghĩ rất khác nhau lúc tuổi già ít việc:

– Sốt ruột khi tách rời công việc quan trọng của triều đình: “Còn có một lòng âu việc nước”, “Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa”…
– Tự hài lòng khi bị chỉ định chức quan lạnh: “Hỉ đắc thân nhàn quan hựu lãnh”, “Ưu du thả phục ngôn dư hiếu”…
– Thường xuyên nghĩ ngợi thú quê: “Giang sơn cách đường ngàn dặm”, “Quê cũ ưa làm chủ cúc thông”…

Vậy thực sự Nguyễn muốn gì?

Ức Trai trước sau vẫn là nhà nho, ước vọng cao nhất là được hành đạo để mang hạnh phúc đến thương sinh. Thật bất hạnh nếu mất cơ hội cống hiến “hết tấc lòng hồng hộc”. Vui với chức nhàn có phong thái quân tử như Triển Cầm nhưng đó chỉ là biện pháp tự trấn tĩnh trước điều nghịch lý. Còn quê nhà giống như điểm tựa tinh thần, một nơi truyền và duy trì sinh lực để đi hết đường dài.

Quả thật, khi bị truất, Nguyễn mừng quan rãnh, thân nhàn. Tuy nhiên, thời gian dư thừa nhiều quá dẫn đến suy nghĩ thay đổi. Ông thấy mình vô tích sự cho mọi người.

Tự thán XXIV

Ngồi coi tháng lọn lẫn ngày qua,
Luống phụ triều đình, luống phụ nhà.
Đầu kế(316) lăng căng(317) những hổ,(318)
Thân hèn lục cục(319) mỗ(320) già.

Giang sơn cách đường ngàn dặm,
Sự nghiệp buồn đêm trống ba.(321)
Nợ cũ chước(322) nào báo bổ,

Ơn thày, ơn chúa lẫn ơn cha.

Tạm hiểu như sau: Ngồi xem năm tháng trôi qua, Vừa phụ lòng triều đình vừa phụ truyền thống gia tộc. Búi tóc xộc xệch thật đáng xấu hổ, Thân nhàn rỗi quê mùa đã già. Quê cũ xa xôi ngàn dặm, Nửa đêm trăn trở buồn cho sự nghiệp. Làm cách nào trả được nợ cũ? Là công ơn của thầy, của vua và của cha.

Tương tự việc xác lập lễ nhạc cho triều đại, mọi công việc triều đình vẫn trơn tru dẫu thiếu nhóm Nguyễn Trãi. Không dung hòa được với người khác quan điểm để xây dựng hợp tác hiệu quả, Ức Trai đã dạt ra bên lề. Nhà Lê chưa đủ thời gian un đúc thế hệ nho gia mới đủ số lượng tạo ảnh hưởng lên triều chính. Điều hành bởi các võ tướng, thực trạng quan trường đầu đời Lê Thái tông được Toàn Thư miêu tả như sau:

Bấy giờ quan tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích Nho thuật, chuyên lấy việc sổ sách, giấy tờ và kiện tụng để xét thành tích của các quan, bọn lại thuộc phần nhiều chiều hót quan trên, cho nên quan trong ngoài có chức nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng. Bọn hãnh tiến chán ghét học thuật, theo nghề đao bút. Giám sinh cũng muốn bỏ việc học hành mà xin vào làm lại, cho nên cấm không cho thi…(Toàn Thư II, 359).(323)

Lê Nguyên Long có vì từ chối đề nghị về lễ nhạc của nhóm nho thần đầy định kiến hay vì thờ ơ Nho thuật mà trở nên hủ bại trong cai trị? Thực tế là không.

Qua lời bàn trong Toàn Thư, một trí thức đời Lê Trung hưng nêu ý kiến về giai đoạn Lê Thái tông cầm quyền như sau:

Vua là bậc hùng tài đại lược, quyết đoán chủ động. Khi mới lên ngôi, nghiền ngẫm tìm phương thức trị nước, đặt chế độ, ban sách vở, chế tác lễ nhạc, sáng suốt trong chính sự, thận trọng việc hình ngục, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp (Toàn Thư II, 378).(324)

Dân gian, có lẽ tơi tả qua chiến tranh Nam Bắc triều, đã nhớ lại ngày cũ: “Đời vua Thái tổ Thái tông, Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.”

Người thiệt thòi chính là Nguyễn. Quan nhàn ít việc, bỏ chức lại chưa dám. Thôi thúc đóng góp cho đời mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lời thơ mềm mỏng, thoáng chất tự kiểm. Tác phẩm nhiều khả năng ra đời cuối năm Thiệu Bình VI (1439) khi Nguyên Long chuẩn bị ban đại xá, đổi niên hiệu (Toàn Thư II, 374). Cũng có thể Nguyễn dâng “Tự thán XXIV” lên vua hoặc lên người có trách nhiệm duyệt đại xá để thổ lộ tâm nguyện. Nhiều chỉ dẫn cho thấy nhà thơ được Thái tông phục hồi nhân sự kiện này, “Gián nghị Đại phu kiêm tri Tam Quán sự tạ biểu”, thường được gọi là “Biểu tạ ơn”, thể hiện nhiều chi tiết ủng hộ giả định như thế, như:

– “Lục thập tàn khu thủ chức dĩ an ư bản phận, Cửu trùng sủng ốc tự thiên phục hạ ư tân mông. 六十殘軀守職已安於本分九重寵渥自天復荷於新蒙”, Sáu chục tuổi thân tàn, chức vụ đã yên phận mọn; chín trùng trời chiếu xuống, móc mưa lại đội ân trên.
– “Khởi kỳ khất hài cốt chi niên, khước hữu bái vân tiêu chi mệnh. 豈期乞骸骨之年却有拜雲霄之命”, Nào ngờ lúc hài cốt xin về; lại được mệnh vân tiêu ban xuống.(325)

Lời tạ thể hiện rõ lúc sáu mươi tuổi (1439), Nguyễn Trãi đang an phận với chức nhàn. Ông vừa có ý định về vườn thì được ân sủng của hoàng đế. Như vậy, từ lúc yết kiến Lê Lợi ở Lỗi Giang đến khi chịu án tru di, không có giai đoạn nào Nguyễn Trãi từ quan về cư trú hẳn tại Côn Sơn.

Trở lại chính trường một cách vinh quang, Ức Trai được đồng liêu Nguyễn Mộng Tuân tặng thơ ca ngợi hết lời, suy tôn ông là bậc văn bá, người “kinh bang hoa quốc 經邦華國”, sửa sang và làm đẹp cho nước xưa nay chưa từng có, là sao Bắc đẩu trong giới Nho học…… Tuân còn đề cập vai trò nắm chính quyền hai đạo của Ức Trai mà Toàn Thư hay tác phẩm của chính nhà thơ đều không ghi chép. Dưới đây là một khổ thơ hồi đáp từ Nguyễn Trãi.

次菊坡贈詩

太平天子正崇文
喜見黃金礫瓦分
美玉不勞求善價
猗蘭終自吐清芬
羡君已作儀庭鳳
愧我應同出岫雲
兩眼昏花頭竟白
涓埃何以答君恩

Thứ Cúc Pha(326) tặng thi

Thái bình thiên tử chính sùng văn(327)
Hỷ kiến hoàng kim lịch ngoã phân

Mỹ ngọc bất lao cầu thiện giá(328)
Y lan chung tự thổ thanh phân

Tiện quân dĩ tác nghi đình phụng
Quý ngã ưng đồng xuất tụ vân(329)
Lưỡng nhãn hôn hoa đầu cánh bạch

Quyên ai hà dĩ đáp quân ân

Họa thơ Cúc Pha tặng

Thời thái bình, chính là lúc thiên tử sùng nho học,
Mừng thấy vàng được phân biệt với gạch đá.
Ngọc tốt không cần mất công treo giá,
Lan quý sau cùng cũng tỏa hương thơm.
Muốn được như ông làm chim phụng chốn triều nghi,
Thẹn tôi giống mây bay ra khỏi hang núi.
Hai mắt đã mờ, đầu đã bạc,
Làm thế nào mảy may đền đáp ơn vua?

Tại sao Thái tông tái dụng Nguyễn Trãi? Vì ngài là vị vua hùng tài đại lược. Chế độ quân phiệt với lãnh tụ xuất sắc, trong điều kiện thuận lợi nhất định, có thể tập trung toàn lực để phát triển nước nhà nhanh chóng. Nhưng muốn duy trì sự thịnh trị bền vững lại cần đến vai trò của trí thức, đặc biệt là loại trí thức đúng với mọi định nghĩa của từ này như Ức Trai. Vừa xử lý xong các nhóm phản nghịch ngoài biên cương, Hoàng đế tổ chức ngay kỳ thi hội vào tháng 3 năm Đại Bảo III (1442).

Ức Trai rất mãn nguyện. Ông ví đạo Nho với vàng, ngọc tốt và lan quý. Lòng tin kiên trì vào Đạo khiến thế hệ nho gia gồm Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Trình Thuấn Du… dần dần có ảnh hưởng đậm hơn đến nền tảng triết lý cai trị đồng thời góp phần đào tạo nhiều tài năng cho vương quốc. Hệ thống hành chính quan liêu kiểm soát nhân lực chặt chẽ hơn, khai thác tài nguyên vật lực dễ dàng hơn. Cơ cấu điều hành của Đại Việt từ dạng gần gũi với Chiêm Thành đã phát triển dần qua hình thái khác. Thời quá độ quân quản, dù coi sóc dân sâu sát nhưng còn mang âm hưởng quan hiệu nhà Trần, được chấm dứt vào năm 1464 bởi Lê Tư Thành. Với phương thức quản lý xã hội tiên tiến đi kèm công nghệ vũ khí ưu việt, Thánh tông đã huy động đủ lực để giải quyết rốt ráo mâu thuẫn kéo dài nhiều thế kỷ giữa Chiêm và Việt.

Quan Gián nghị Đại phu đã già, ông sợ không còn nhiều thời gian đền đáp ơn vua. Ngược lại, Nguyên Long chứng tỏ mình là bậc quân vương hào hiệp. Ân sủng không chỉ nhuần thấm đến Ức Trai mà còn đến người vợ lẽ xinh đẹp của ông. Vua triệu Nguyễn thị Lộ vào cung ban chức Lễ Nghi Học sĩ, cho hầu bên cạnh. Bà rất có ảnh hưởng đến Thái tông, ngài từng theo lời khuyên của bà bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch (Toàn Thư II, 376), hạ chức gia thần cũ của Thái tổ là Lê Lễ (Toàn Thư II, 395).

Năm 1442, Lê Thái tông kinh lý miền đông, gặp Nguyễn Trãi tại chùa Côn Sơn. Trên đường về, trong lúc cùng Nguyễn thị Lộ nghỉ lại vườn Vải (nay thuộc huyện Gia Bình, Bắc Ninh) thì vua băng. Triều đình khép bà Lộ vào đại tội, tru diệt cả ba họ nhà quan Thừa Chỉ.

Toàn Thư khéo viết để che bớt lỗi của hoàng đế nhưng cách trình bày khiến mọi người đều hiểu sự việc. Thảm kịch tiếp theo diễn tiến phù hợp với điển chế phong kiến. Nguyễn thị Lộ chỉ là người thiếp, thân phận hèn kém trong xã hội xưa, khó thể trách bà sao không từ chối ý trời. Bản thân Nguyễn Trãi chắc chắn kinh hoàng trước thảm họa. Cả hai chẳng làm chi nên tội nhưng đều phải chết theo đúng quy phạm đương thời.

Triều đình giết luôn hai thái giám Đinh Thắng, Đinh Phúc với lý do Nguyễn Trãi, trước khi chịu chém, tỏ ý hối hận vì bỏ qua lời họ nói. Thắng, Phúc từng ngăn cản Ức Trai đưa thiếp mọn vào cung chăng? Cũng có thể! Nhưng hợp lý hơn là Thần phi Nguyễn thị Anh xuống tay vì hai vị chịu trách nhiệm sắp xếp lịch hầu hạ vua của các phi tần.

Sử gia đời sau bàn rằng: “Nữ sắc chi vi nhân hại dã thậm hĩ Nguyễn thị Lộ nhất phụ nhân nhĩ Thái tông bế chi nhi thân băng Nguyễn Trãi thú chi nhi tộc diệt khả bất giới tai. 女色之為人害也甚矣阮氏路一婦人耳太宗嬖之而身崩阮廌娶之而族滅可不戒哉”, Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư (Toàn Thư II, 377)?

Luận về phụ nữ, nhà nho phát biểu thật “khó nghe”, dịch giả làm tăng tính “khó nghe” thêm; tuy nhiên, vẫn thuận tai hơn những câu chuyện sáng tác bởi các nhà lập thuyết âm mưu sau này.

Nguyễn Trãi trưởng thành trong thời loạn. Về cuộc sống, ông tự thán: “Nhất sinh lạc thác 一生落魄…”, Một đời luân lạc….. Trước cái chết, ông hối tiếc không nghe lời Đinh Thắng, Đinh Phúc. Cả sinh lẫn tử dường như đều lầm lỡ.

 

Chú thích:

(117) Quận thú: quan cai trị một quận, ở đây rất có thể là Tri phủ Giao châu, nơi có nhà khách Ty Bố chính.
(118) Kiều mộc: chỉ nhân vật vị trí xã hội cao có lòng che chở người dưới.
(119) Hương trần: bụi thơm. Quận thú đến nhà khách thăm tác giả cùng nhiều tùy tùng, ngựa xe dấy bụi. Nguyễn mừng bằng từ “bụi thơm”, niềm vui khiến nhà thơ thấy ngày xuân kéo dài.
(120) Lấy ý từ công án lá phướn bay của Huệ Năng. Mượn cờ bay, Nguyễn thể hiện tâm xao động cực độ.
(121) Giang sơn: chỉ quê nhà.
(122) Nguyên văn: “今子有大樹,患其無用,何不樹之於無何有之鄉,廣莫之野,彷徨乎無為其側,逍遙乎寢臥其下。不夭斤斧,物無害者,無所可用,安所困苦哉!” Nay ông có cây to, lại sợ nó vô dụng. Sao không đem nó trồng nơi tịch mịch, giữa cánh đồng rộng bao la. Khách ngao du không làm gì, ngồi nghỉ dưới gốc nó, khách tiêu diêu nằm ngủ dưới bóng nó. Nó không sợ chết yều vì búa rìu, cũng không sợ bị vật nào làm hại. Không có chỗ nào có thể dùng được, thì khốn khổ từ đâu mà đến được? Xem Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Trang tử Nam Hoa Kinh tập 1, Nxb Trẻ (tái bản 2014), trang 126-128.
(123) Thanh chiên: Vương Hiến Chi (344 – 386) phát hiện trộm vào nhà, ông chỉ yêu cầu đừng lấy tấm đệm màu xanh vì là của gia truyền. Đời Đông Tấn, Vương Hiến Chi cùng thân phụ Vương Hy Chi lừng danh về thư pháp, được tôn xưng “Thảo thánh nhị vương”.
(124) Xem Viện Văn Học, Thơ văn Lý-Trần tập III, Chu trung vịnh phát, Nxb Khoa học Xã hội (Hà Nội 1978), trang 523 – 524.
(125) Trùng dương: ngày 9 tháng 9 âm lịch.
(126) Phát: lần, bận.
(127) Khách thiên nha: khách ở chân trời, tức người xa quê.
(128) Đỗ: lưu lại, dừng lại.
(129) Chác: mua.
(130) Biên: tóc mai.
(131) Tang tử: cây dâu cây thị, chỉ quê nhà.
(132) Cố gia: nhà nhiều đời thành đạt.
(133) Mựa nỡ: chớ nên.
(134) Vi tỉnh: Tử vi sảnh, tên gọi Tòa Trung thư do Đường Minh hoàng đặt ra vào năm Khai Nguyên I (713). Ở đây chỉ cơ quan hành chánh đầu não tại địa phương tức Ty Bố chính Giao Chỉ.
(135) Kim môn: cửa thành trang trí tượng ngựa đồng, nơi các học sĩ chờ mệnh Hán Vũ đế (140 TCN – 87 TCN). Câu 4 diễn đạt sự cung thuận của quan Bố chính với chỉ đạo từ trung ương.
(136) Hậu lạc: lấy ý từ một lời trong “Nhạc Dương lâu ký 岳陽樓記” của Phạm Trọng Yêm (989 – 1054), “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc dư. 先天下之憂而憂後天下之樂而樂歟”, Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ vậy.
(137) Nguyên văn: 爾阮勛存心端實操慮純良達事之機識天之道奮攄誠悃歸向朝廷殫心竭勞以效任使撫順剪逆助益良多歷年滋深秉心不懈 (Minh Thực Lục II, 667).
(138) Trãi quan: mũ trang trí hình con giải trãi dành cho quan Ngự sử. Giải trãi là linh thú dạng con dê một sừng được người Hán cổ tin rằng có khả năng phân biệt kẻ gian người ngay.
(139) Đài bách: cây bách ở Đài Ngự sử, chỉ Tuần án Giao Chỉ Ngự sử Hoàng Tông Tái.
(140) La phù tiên tử: La Phù là rặng núi cạnh Đông giang, chạy dài qua các huyện Bác La, Tăng Thành, Long Môn tỉnh Quảng Đông. Tương truyền, núi có tiên ở. Đạo sĩ Cát Hồng (283 – 343) từng chọn La Phù để dừng chân tu tập. Đào Duy Anh dẫn sách “Long Thành lục” kể về một nhân vật tên Triệu Sư Hùng đi chơi núi gặp một nữ nhân áo trắng mời vào quán rượu. Khi tỉnh dậy Triệu thấy mình nằm dưới gốc mai. Cụ Đào cho rằng câu thơ dùng điển tích ấy. Như thế, La Phù tiên tử mang nghĩa “hoa mai trắng”.
(141) Ám hương: hương thầm. Gốc gác từ câu “Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn, 暗香浮動月黄昏,” Mùi thơm kín đáo thoảng đưa dưới trăng hoàng hôn của nhà thơ Bắc Tống Lâm Bô (967 – 1028). Chỉ hương hoa mai.
(142) (143) Ngọc lâu, ngân hải: theo Từ nguyên, là từ đạo gia chỉ vai và mắt. Tô Đông Pha tả tuyết có câu “Đống hợp ngọc lâu hàn khởi túc, Quang dao ngân hải uyển sinh hoa. 凍合玉樓寒起粟光搖銀海眩生花”, Giá buốt ngấm vai làm nổi da gà, Ánh sáng dao động khiến mắt nảy đom đóm.
(144) Bản Đào Duy Anh ghi “khí 氣” thay vì “giản 簡”, câu văn như thế hợp lý hơn, giúp chúng ta truy xuất được ý thơ vốn đến từ thiên Ích Tắc trong kinh Thư. Thiên này bảo rằng vua khuyến khích bầy tôi thì ôn hòa như gió xuân, răn bảo thì nghiêm nghị như sương thu. Hoàng Ngự sử đại diện vua tuần sát việc cai trị Giao Chỉ nên có thể dịch câu thơ thành: Phong thái nghiêm trang cuốn tràn mặt đất, khí độ che phủ cả trời thu.

(145) Ngụy khuyết: cửa cung vua, chỉ nơi vua ở. Từ ngữ trong câu mượn từ “Thân tại giang hải chi thượng, tâm cư hồ Ngụy khuyết chi hạ, nại hà. 身在江海之上心居乎魏闕之下奈何”, Thân lênh đênh sông biển, lòng lại ở cửa cung nước Ngụy, biết làm sao? Đây là lời công tử Mâu diễn tả lòng quyến luyến nơi đô hội khi bị vua Ngụy phân phong đến vùng hẻo lánh. Xem Trang tử, Nam Hoa kinh, Tạp thiên, Nhượng vương, bản điện tử: http://bit.ly/30cuWQX. Tuy nhiên, Ức Trai chỉ vay chữ, ý phát triển từ lời Phạm Trọng Yêm trong “Nhạc Dương lâu ký 岳陽樓記”: “Cư miếu đường chi cao tắc ưu kỳ dân, xứ giang hồ chi viễn tắc ưu kỳ quân. 居廟堂之高則憂其民處江湖之遠則憂其君”, Ở miếu đường trên cao tất lo cho dân, ở sông hồ xa xôi tất lo cho vua. Cả câu tán tụng sự tận tâm của họ Hoàng. Xem Phạm Trọng Yêm, Nhạc Dương lâu ký, bản điện tử: http://bit.ly/2S0zsiZ.
(146) Đông Pha: Tô Thức (1037 – 1101) có câu “Khả sử thực vô nhục, bất khả cư vô trúc. 可使食無肉不可居無竹”, Có thể ăn cơm không thịt, không thể ở thiếu trúc.
(147) Liêm Khê: Chu Đôn Di (1017 – 1018) qua bài “Ái liên thuyết 愛蓮說” cho rằng cúc là hoa của ẩn sĩ, mẫu đơn là hoa của kẻ giàu sang, sen là hoa của người quân tử.

(148) Bá kiều thi tứ: ý thơ cầu Bá, chỉ tuyết. Nhà thơ Trịnh Khải đời Đường thường đội tuyết, cưỡi lừa qua cầu Bá, Thiểm Tây để tìm thi hứng.
(149) Tây hồ nguyệt: trăng Tây hồ, chỉ mai. Tô Đông Pha cho rằng sắc trăng Tây hồ chính là sắc hoa mai.
(150) Bài thơ duy nhất Nguyễn Trãi gửi một võ tướng gốc Lam Sơn do Bùi Văn Nguyên phát hiện từ ngọc phả họ Đinh mang tiêu đề “Phúc đáp Đại đô đốc Đinh Công”. Xem Bùi Văn Nguyên, Ức Trai di tập bổ sung, phần văn chương, Nxb Khoa học Xã hội/Mũi Cà Mau, trang 192-193. Tiếc rằng, kẻ ranh ma nào đó đã cho Nguyễn Trãi gọi vua là Thái tông, miếu hiệu chỉ được quần thần dâng lên vào ngày 16 tháng 10 năm Đại Bảo III (1442). Ức Trai thụ hình ngày 16 tháng 8, hai tháng trước khi xuất hiện tôn hiệu “Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Nhân Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng Đế miếu hiệu Thái tông”.
(151) Viện Văn Học, Thơ văn Lý Trần tập III, Nxb Khoa học Xã hội (Hà Nội 1978), trang 220-221.
(152) Địch: dựng, cất.
(153) Song viết: nếp sống, cảnh sinh hoạt, sản nghiệp. Xem Nguyễn Hy Vọng, Tự điển nguồn gốc tiếng Việt quyển 3, Nxb Đất Việt (Hoa Kỳ), trang 1677-1678.
(154) Lề: thói quen, nếp xưa.
(155) Hôm dao: tối và sáng, ngày ngày.
(156) Cơm xoa: cơm hẩm, cơm gạo xấu.
(157) Chí cũ: chí cũ của tác giả là về Côn Sơn hưởng nhàn.
(158) Âu: lo
(159) Ngặt: nghèo khó.
(160) Nguyên văn: …交址總兵官豐城侯李彬言交址新附其地荒遠不以通饋運乞依各都司衛所例分軍屯田以供糧餉…其各衛土軍雖隸兵籍然攻戰之際心持兩端往往不得其死力今議屯田分數土軍居多官軍居少 (Minh Thực lục II, 459 – 460).
(161) Ổi tiết bảy: tháng bảy là mùa ổi chín. Cả câu ý nói người thường chuộng thời thượng.
(162) Ủ: như ủ trà, ướp trà.
(163) Cúc mồng mười: cúc nở sau ngày 9 tháng 9 ta, tức quá thời. Cả câu ví mình với người quá thời nên không được sử dụng xứng đáng.
(164) Vạy vọ: không chính trực.
(165) Yêm: chán.
(166) Chưng: đối với.
(167) Qua “Điếu Khuất Nguyên phú”, Giả Nghị (201 – 169 TCN) viết: “Phùng thời bất tường, loan phụng phục thoán hề, si kiêu cao tường. 逢時不祥鸞鳯伏竄兮鴟梟翺翔”, Gặp thời chẳng lành, loan phụng nép ẩn, cú diều bay lượn.
(168) Xanh bạc: xanh và trắng. Nguyễn Tịch (210 – 263), một trong bảy người hiền rừng trúc, quý trọng ai thì nhìn bằng mắt xanh, tức nhìn thẳng; xem thường ai thì nhìn bằng mắt trắng, tức liếc xéo.

(169) Dầu chưng: tùy theo.
(170) Trần Trọng Dương, Nguyễn Trãi quốc âm tự điển, Ngôn chí 13, Nxb Từ điển Bách khoa (2014), trang 433.
(171) Khuở: nơi, lúc.
(172) Thế giới: vũ trụ, không gian.
(173) Đông: tạo nên, trở nên đặc-cứng.
(174) Quỹ (晷): ánh sáng thiên thể.
(175) Giãi: bày ra, trãi ra.
(176) Quyên: mặt nước, dòng nước.
(177) Triện: khắc vào, chạm vào.
(178) Thâu: xuyên suốt.
(179) Khứng: chịu, ưng.
(180) Ước: mong, định.
(181) Viện Văn Học, Thơ văn Lý-Trần tập II, quyển thượng, Lưu gia độ, Nxb Khoa học Xã hội (1988), trang 433 – 434.
(182) Lâm cảng: có thể là địa điểm kênh Lẫm đổ nước vào sông Vân Sàng, gần cửa Thần Phù. Khu vực này đã bị phù sa bồi lấp và nằm sâu trong nội địa (thuộc Ninh Bình nay). Xem Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí quyển 2, Nxb Thuận Hóa (2013), trang 203.
(183) Bồ lao: theo truyền thuyết Trung Hoa là một trong số chín con của rồng, tương truyền rất thích gầm rống. Do vậy, quai chuông thường được đúc theo hình tượng bồ lao. Ở đây, chỉ tiếng chuông chùa.
(184) Chỉ hoàng đế lập quốc Lê Lợi.
(185) Xem Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội (1976), trang 185.
(186) Toàn Thư có đề cập đến binh chủng này, gọi là “Phụ thiết đột các quân 附鐵突各軍”, tức các đội quân phối thuộc Thiết Đột. Thiết Đột gần tương đương với lực lượng tổng trừ bị hiện đại.
(187) Keith Weller Taylor, A history of the Vietnamese, Cambridge University Press 2013, trang 186.
(188) Xem Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Trãi và bản hùng ca Đại cáo, Nxb Khoa học Xã hội (1999), trang 298.
(189) “Tả hữu Gián nghị Đại phu” thuộc Môn hạ sảnh. Cách chấm câu chức tước Ức Trai trong Nguyễn Trãi toàn tập (1976) hay Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (1999) khi phiên sang quốc ngữ không chuẩn. Để rõ hơn, có thể tham khảo chức quan của Nguyễn Như Đổ vào năm 1463, phiên âm là: Môn hạ sảnh tả ty tả Gián nghị Đại phu tri Bắc đạo quân dân bạ tịch kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ (Toàn Thư IV, 384).
(190) Xem Patricia Buckley Ebrey, Women and the Family in Chinese history, Routledge (2003), trang 89.
(191) Tiên trượng: nghi trượng hoàng đế.
(192) Lê Nguyễn Lưu, Đường thi tuyển dịch II, Tặng khuyết hạ Bùi Xá nhân, Nxb Thuận Hóa (2007), trang 805.
(193) Lục kình: giết cá kình, chỉ việc đánh bại quân Minh.
(194) Tỳ hổ: beo và cọp, chỉ quân thiện chiến.
(195) Quán nga: chim vạc và ngỗng. “Nga quán” là tên gọi một kiểu thế trận cổ.
(196) Xem Victor Lieberman, Strange Parallels, Southeast Asia in Global Context, c. 800 – 1830, Volume 1: Integration on the Mainland, Cambridge University Press (tái bản 2010), trang 372 – 376. Bài viết dùng nhiều tài liệu thứ cấp nên cần sàng lọc khi tham khảo.
(197) Xem Tạ Chí Đại Trường, “Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam”, Trên Kệ Sách 2009 – Tạp chí Da Màu (bản điện tử), trang 164-167.
(198) Xem Keith Weller Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press (2013), trang 183-192.
(199) Xem Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Văn hóa – Thông tin (tái bản 2013), trang 82.
(200) Sđd, trang 186.
(201) Nguyên văn: 十一月帝幸西都拜謁山陵賞扈徔将校軍人 (Toàn Thư IV, 324).
(202) Thần Phù: nơi sông Vân Sàng gặp biển, đã bị phù sa bồi lấp. Địa điểm nay thuộc tỉnh Ninh Bình và cách biển khoảng 10km.
(203) Ngọc duẩn: măng ngọc. Đời Đường, “ngọc duẩn” dùng để chỉ danh sĩ. Ngoài nghĩa đen, câu 3 còn hàm ý danh sĩ bốn phương đang cung nghinh đoàn thuyền ngự.
(204) Anh hùng thệ: ảnh hưởng câu “Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật. 浪淘盡千古風流人物”, Sóng cuốn hết nhân vật phong lưu thiên cổ của Tô Đông Pha. Ở đây có lẽ tác giả liên tưởng Hồ Quý Ly. Theo Đại Nam nhất thống chí, vua Hồ từng tải đá lấp kênh Lẫm, dòng nước chảy vào hạ lưu Vân Sàng, để ngăn bước quân Minh. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí quyển 2, Nxb Thuận Hóa (2013), trang 203.
(205) Hồ Việt nhất gia: chỉ thỏa thuận hòa bình đạt được với nhà Minh.
(206) Xem Đỗ Mục, Bạch hạ khúc, bản điện tử của Cù An Hưng: http://www.cuanhung.com
(207) Xem Khổng Đức Đinh Tấn Dung, Tống từ, Niệm nô kiều, Nxb TP. Hồ Chí Minh (1992), trang 96 – 101.
(208) Xem Viện Văn Học, Thơ văn Lý-Trần tập II, quyển thượng, Hạnh Thiên Trường hành cung, Nxb Khoa học Xã hội (1988), trang 412 – 413.
(209) Quyền mưu: mưu kế tùy cơ ứng biến. Xem Triệu Quốc Hoa, Lưu Quốc Kiến, Luận bàn Quyền mưu học phương đông, bản dịch Nguyễn Bá Mão, Nxb Khoa học Xã hội (2016), trang 10.
(210) Nhân nghĩa: bản chất việc cai trị theo quan điểm Nguyễn Trãi, gần như đồng nhất với khái niệm “nhân chính” của Mạnh tử.
(211) Vương hội: năm 623, nhân lễ triều kiến của các sứ giả ngoại quốc, Trung thư Thị lang nhà Đường Nhan Sư Cổ đề nghị vẽ lại cảnh lạ mắt. Danh họa Diêm Lập Bản (600 – 673) thừa mệnh vẽ bức “Vương hội đồ” miêu tả diện mạo người phương xa.
(212) Trung quốc: chỉ Đại Việt.
(213) Hán quan: chỉ quan tướng nhà Lê.
(214) Miếu toán: việc tính toán bởi triều đình hoặc nhà vua.
(215) Nhật xuế nguyệt thành: hang mặt trời, thành mặt trăng; nghĩa hẹp chỉ cực đông và cực tây, nghĩa rộng chỉ các nơi xa xôi hẻo lánh.
(216)
Hủy thường chùy kế: quần áo cỏ, búi tóc hình cái chùy; chỉ các nhóm người không theo văn hóa dòng chính.

(217) Có thể nói Hoàng Phúc là viễn tổ của chế độ quân chủ tập quyền Đại Việt.
(218) Nguyên văn: 交趾分置郡縣不如因舊封建士豪以相管攝縱有所得不償所失所利不藥所傷 (Toàn Thư IV, 283).
(219) Học thuyết “nhân chính” được trình bày dưới dạng đối thoại giữa thầy Mạnh và các quân vương hay học trò. Nghiên cứu Mạnh tử, mỗi độc giả sở đắc cách đọc và hiểu của riêng mình. Xin tạm tóm tắt nội dung “nhân chính” như sau: dân là vốn quý nhất của nước, triều đại hưng vượng hay suy vong đều do dân; nhà cầm quyền có trách nhiệm bảo vệ dân, tạo điều kiện cho họ đủ cơm ăn áo mặc; bản chất con người là thiện nên dân có thể giáo hóa được, hạn chế dùng hình pháp hay bạo lực để cai trị.
(220) Nguyên văn: 民多遊手遊足年老無籍賦役不供差役不及 (Toàn Thư IV, 235).
(221) Khi bị khốn ở đất Khuông, Khổng tử nói với môn đệ: “Thiên chi vị táng tư văn dã khuông nhân kỳ như dư hà? 天之未丧斯文也 匡人其如予何?” Nếu trời chưa muốn mất “văn” này, người Khuông làm gì được ta? (Luận Ngữ) “Văn” ở đây chỉ đạo Nho hay nhà Nho.
(222) Truyện Chu Bột (? – 169TCN), Thừa tướng nhà Hán: Hán Văn đế nghi Bột làm phản, bắt giam lúc ông đã nghỉ quan. Trong ngục, cựu Thừa tướng phải hối lộ cai tù 1.000 lạng vàng. Cai ngục bày kế thoát hiểm bằng cách viết hướng dẫn ở mặt sau tờ công văn đang đọc, yêu cầu ông nhờ con dâu trưởng của mình (em Hán Văn Đế) làm nhân chứng vụ án. Nhờ vậy, Thái hậu cho miễn tội.
(223) Đội quân tải lương trong thực tế chưa kịp đến An Nam. Ngày 4/6/1428, Minh Thực lục ghi chuyện vua Minh phục chức cho Hữu Thị lang hành tại bộ Hình Phàn Kính, Phó Đô ngự sử viện Đô Sát Hồ Dị. Trước đó hai người từng nhận mệnh đôn đốc vận chuyển lương thực Lưỡng Quảng đến Giao Chỉ cấp cho binh lính nhưng chần chừ mãi do nghe tin quân Lê quá mạnh. Cả hai đều bị cách chức. Thông tin trên phù hợp với câu “Dư hậu tái điều binh tiệt lộ dĩ đoạn kỳ thực. 予後再調兵截路以斷其食”, Sau ta lại điều binh chẹn đường để cắt nguồn lương thực trong Đại cáo. Phàn Kính và Hồ Dị đều giữ văn chức, họ có lẽ giỏi tính toán hậu cần nhưng không phải là đối thủ xứng tầm với Trần Nguyên Hãn.
(224) Minh Thực lục ghi nhận các chỉ huy Lam Sơn gồm: Lê Lợi, Lê Thiện (Lý Triện), Lê Trĩ (có thể chính là Lý Triện), Đinh Lễ, Lê Bí.
(225) Lê Lợi lệnh viết Lam Sơn Thực lục vào cuối năm 1431 khi Hãn và Xảo đều qua đời. Như vậy, có hai lý cớ khiến hai vị vắng mặt trong Thực lục, hoặc do công trạng thấp chưa đáng ghi, hoặc bị loại ra vì phạm tội.
(226) Xem Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục (1998), Bản điện tử của nhóm Lê Bắc, trang 905, 923, 927, 928, 937, 945, 949.
(227) Trung tâm nghiên cứu quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Nxb Văn Học, trang 147-153.
(228) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Hội minh văn, Nxb Văn Học, trang 782 – 788.
(229) Về cơ bản, đánh bại Minh là quân Trại, đánh bại Thanh là quân Nam Hà. Người đồng bằng sông Hồng từ khi Nho giáo thâm nhập đa số có xu hướng ủng hộ Trung Hoa chống lại các cộng đồng Việt khác. Xét thực tế, phản ứng dân trung châu trước giặc Tàu không chỉ bị quy định bởi não trạng văn hóa mà còn bởi điều kiện tự nhiên. Tầng lớp ưu tú muốn duy trì cơ nghiệp hay địa vị xã hội đành phải hợp tác với kẻ mạnh vì họ không có địa lợi để lẫn tránh, cũng thiếu nguồn nhân lực ngoài kiềm tỏa để tích lũy sức bật lại như người phía nam.
(230) Xem Phan Huy Lê, “Đô đốc Đặng Tiến Đông: một tướng Tây Sơn chỉ huy trận Đống Đa”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 154, năm 1974, trang 63-70; bài đăng lại trên khoalichsu.edu.vn. Xem Đinh Khắc Thuần, “Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình nhà Lê”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 2002; bản điện tử: http://bit.ly/2P2wHzO.
(231) Xem Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Văn hóa – Thông tin (tái bản 2013), trang 89.
(232) Sđd, trang 93.
(233) Sđd, trang 188.
(234) Xem Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, Ông Lê Trãi, bản dịch Trúc Khê, Nxb Hồng Bàng (tái bản 2012), trang 116 – 128.
(235) Ép nề: thúc bách nặng nề quá đáng.
(236) Cảm cóc: quan tâm đến.
(237) Hăm he: đe dọa, đe nẹt.
(238) Mựa: chớ.
(239) Hai đường “xuất” và “xử” đều lỡ dở. Chí cũ của Nguyễn là hẹn ước với núi hồ “Hồ sơn hữu ước vi sơ chí, 湖山有約違初志”, Hẹn ước núi hồ: lỡ rồi chí cũ!
(240) Xá thôi chèo: “xá” mang ý phủ định như “chăng”, “xá thôi chèo” là “ngừng đẩy mạnh mái chèo”. Nhà thơ lơi chèo vì sợ trăng in trên mặt nước bị vỡ.

(241) Nghĩa cơ bản: lòng người cũng như mặt người, mỗi cá thể mỗi khác. Ở đây, còn thêm hàm ý mọi người xung quanh đều thay đổi thái độ đối với ông.
(242) Tay trí thuật: kẻ mưu mô, thủ đoạn.
(243) Đòi: đuổi theo.
(244) Yên các: gác khói, thuộc cung Thái Cực, Trường An, nơi Đường Thái tông (599 – 649) tưởng niệm 24 công thần khai quốc.
(245) Lượm: khoanh, vòng. Lượm chân tay: bợ đỡ cầu cạnh.
(246) Đòi: nhiều, đối với một.
(247) Quyển: cuốn (sách) hay cuộn (tranh).
(248) Bìu rịn: bám víu, cả câu ý nói “còn bám víu công danh làm gì!”
(249) Trông (song): nhìn qua, nghĩa gốc là thông qua, xuôi thuận. Xem Nguyễn Hy Vọng, Từ điển nguồn gốc tiếng Việt quyển 3, Nxb Đất Việt (Hoa Kỳ 2013), trang 1676.
(250) Vân: Vân đài, đài mây, thuộc Nam cung, Lạc Dương, nơi Hán Minh đế (28 – 75) tưởng niệm 28 công thần trung hưng.
(251) Yên: Yên các, gác khói, thuộc cung Thái Cực, Trường An, nơi Đường Thái tông (599 – 649) tưởng niệm 24 công thần khai quốc.
(252) Giãi (dãi): bày tỏ, bày ra.
(253) Ban Tiệp dư (48TCN – 2CN) bị Hán Thành đế (trị vì 33TCN – 7TCN) ruồng rẫy nên sáng tác “Oán ca hành 怨歌行” tự ví mình như chiếc quạt, có các câu “Thường khủng thu tiết chí, Lương tiêu đoạt viêm nhiệt. Khí quyên khiếp tứ trung, Ân tình trung đạo tuyệt. 常恐秋節至涼飆奪炎熱 棄捐篋笥中恩情中道絕”, Thường sợ tiết thu đến, Gió mát thay thế nóng bức, Bị bỏ bê ném vào trong tráp, Giữa đường gãy gánh ái ân.
(254) Trung tâm nghiên cứu quốc học, Nguyễn Trãi quốc âm thi tập, Bảo kính cảnh giới XXXVIII, Nxb Văn Học, trang 454-455.
(255) Trung tâm nghiên cứu quốc học, Nguyễn Trãi quốc âm thi tập, Trần tình VII, Nxb Văn Học, trang 165-166.
(256) Đỗ Phủ, Toàn Đường thi quyển 226, Tản sầu kỳ II, bản điện tử: http://bit.ly/2TKNc1R.
(257) “Tái trì dịch sứ trần đan tâm. 再馳驛使陳丹心”, Lại nhờ sứ giả trạm dịch ruổi nhanh để bày tỏ lòng son. Xem Vương Kiều Loan, Cổ phong, bản điện tử: http://bit.ly/2Z6AfAE.
(258) “Nào ai còn chí kinh luân? Nào ai nghĩ đến thánh quân trên đầu? Một cơn gió thảm mưa sầu, Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son.” Ý chính vẫn là “Luyến khuyết đan tâm phá”. Xem Phan Khôi, “Một bài vận văn rất có giá trị về lịch sử: Hà Nội chánh khí ca”, đăng trên Đông Pháp thời báo ngày 4.10.1926. Bản điện tử đăng lại tại http://bit.ly/2Zk4bO4.
(259) Ngặt: nghèo.
(260) Hiềm: e, ngại, sợ.
(261) Cúc qua trùng cửu: cúc sau ngày mồng 9 tháng 9 ta. Chỉ người, vật quá thì.
(262) Bằng: cùng với.
(263) Thuở: lúc, khi.
(264) Tiên: nấu.
(265) Kín: lấy, múc.
(266) Thiêu hương: thắp hương, đốt hương.
(267) Xem Đinh Khắc Thuần, “Bài thơ khắc đá của vua Lê Lợi ở vùng núi tỉnh Cao Bằng”, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 2012, trang 46 – 49). Bản điện tử : http://bit.ly/31LZaLr.
(268) Sơn thú: lính thú đồn trú trên núi, nay gọi là “biên phòng”.
(269) Ngụy Bác: tên phiên trấn đời Đường, không hoàn toàn thần phục triều đình trung ương. Nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung quốc.
(270) Thần khuê: văn chương do vua làm.
(271) Yên Nhiên: tên núi thuộc Ngoại Mông. Đậu Hiến (? – 92) đánh thắng Hung Nô, lên núi khắc đá ghi công.
(272) Xa thư nhất: xe và chữ giống nhau. Tần Thủy hoàng thống nhất Trung Hoa, qui định sáu nước dùng chung cỡ xe và thể chữ viết.
(273) Tấn, Tần là hai nước thời Chiến quốc có hoàng gia thông hôn với nhau. Tác giả xem đấu đá nội bộ vô nghĩa như hai nước Man, Xúc tương tranh từ hai bên sừng ốc sên (Truyện Man-Xúc thuộc chương Tắc Dương, sách Trang tử).
(274) Xem chú thích số (221) bài “Oan thán”.
(275) Chương Thái bá, Luận ngữ ghi lời Khổng tử nói rằng: “Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã! Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã! 邦有道,貧且賤焉,恥也;邦無道,富且貴焉,恥也.” Nước an bình, nghèo hèn đáng xấu hổ. Nước loạn lạc, giàu sang đáng xấu hổ. Câu này, Nguyễn Trãi than đạo Nho chưa được quan tâm.
(276) Trần Bình (? – 178 TCN): thuở hàn vi, chia thịt trong làng được bô lão khen, Bình hãnh diện nói nếu được phong tể tướng cũng sẽ “muối mơ” giỏi như chia thịt vậy. Về sau, Bình làm đến Tả thừa tướng thời Hán Huệ đế (trị vì 194 TCN – 188 TCN). Lưu Bang nhận xét rằng Trần Bình tuy khôn ngoan nhưng không hoạt động độc lập được. Điểm này rất giống Nguyễn Trãi.
(277) Thơ Đỗ Phủ: “Nho quan đa ngộ thân. 儒冠多誤身”, Mũ nhà nho nhiều lần làm thân mang lụy.
(278) Hội phong vân: cơ hội tôi hiền gặp chúa sáng.

(279) Mỗ: một ít, một chút.
(280) Tướng phủ: có thể hiểu là Trung thư sảnh nơi Nguyễn từng làm Đồng Trung thư lệnh, hàng á tướng.
(281) Ngõ: hầu như, hầu cho.
(282) Đất nho thần: khi làm việc trở lại, Nguyễn Trãi giữ chức “Tri Tam quán sự” trông coi Chiêu Văn quán, Tập Hiền viện và Sử quán, ba nơi dụng võ của nhà nho.
(283) Hết khỏe: tận lực, cố hết sức.
(284) Thửa ích: sự ích lợi.
(285) Chưng: đối với.
(286) Nguyên văn: 爾軰聚歛臣罹此旱灾爾等所致也 (Toàn Thư IV, 333).
(287) Nguyên văn: 致天灾非此属過也在君相耳公相責何太甚耶 (Toàn Thư IV, 333).
(288) Nguyên văn: 叔惠以掊克小才居天下樞要每有奏簿皆欲損民㱕官以求合上意故僕因事而发耳非有所訊議君相也 (Toàn Thư IV, 333).
(289) Việc võ tướng chế nhạo các nhà nho “lắm chuyện” thường xảy ra. Về sau, Ngô Thì Du điển hình hóa mối quan hệ khó khăn theo cách rất hài hước qua Hoàng Lê nhất thống chí với nhân vật Ngô Thì Nhậm. Thấy Ngô Văn Sở chủ quan trong việc giữ an ninh Bắc hà, Nhậm nhắc nhở mối đe dọa từ Đại Thanh. Sở trả lời: “Lúc ấy phiền ông làm một bài thơ để lui quân giặc. Nếu không làm được như thế, thì túi dao bao kiếm chính là phận sự của kẻ võ thần, can gì phải quá lo?” Xem Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch Kiều Thu Hoạch, Nxb Trẻ (tái bản 2015), trang 428.
(290) Nguyên văn: 彼頑猾群童朝廷法制所不能懲况廌等德薄安能化之 (Toàn Thư IV, 341).
(291) Nguyên văn: 夫世乱用武時平尙文今興禮樂此其時也然無本不立無文不行和平為樂之本聲音為樂之文臣奉詔作樂不敢不尽心力但学術踈淺恐聲律之間难以諧和願陛下爱養元元使閭里無怨恨愁嘆之聲斯為不失樂之本矣 (Toàn Thư IV, 346).
(292) Nguyễn Tôn Nhan chú dịch, Lễ Ký, Nhạc ký, Thiên 19, Nxb Văn Học (1999), trang 180 – 184. Sách dùng bản nguồn kiểu chữ giản thể, chuyển lại phồn thể như sau: 樂極咊禮極順. Chúng tôi mạn phép dịch lại theo cách hiểu của mình.
(293) Sđd, trang 163 – 167. Chuyển lại phồn thể như sau: 聲音之道與政通矣.
(294) Ngoài thiên Nhạc Ký thuộc Lễ Ký, để hiểu ý Nguyễn Trãi nên tham khảo các phát biểu của Khổng tử về nhạc trong Luận Ngữ; chương Lương Huệ vương, Mạnh tử; cũng nên xem thêm bàn luận của các âm dương gia trong chương Trọng Hạ kỷ, Lã thị Xuân Thu.
(295) Chu Công: tức Chu Công Đán, đại thần nhiếp chính thời Chu Thành vương (trị vì 1042 TCN – 1021 TCN). Ông xác lập lễ nhạc, củng cố quyền lực nhà Chu, có ảnh hưởng văn hóa lớn đến các triều đại sau.
(296) Kẻ hoạn quan: nguyên văn là “tiểu thụ 小竪”, kẻ hầu hèn mọn trong nội cung.
(297) Nguyên văn: 制禮作樂必待人後行如周公而後無間言今使小竪梁簦專定禮樂國得不辱乎 …且登小竪繞步御座近君之側臣窃疑之 (Toàn Thư IV, 352).

(298) Xem John Kremers Whitmore, “Religion and Ritual in the Royal Courts of Dai Viet”, ARI Working Paper, No 128, Dec 2009. Bản điện tử: https://nus.edu/2z8pKlH.
(299) Xem Keith Weller Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press (2013), trang 196.
(300) Về sau, Lê Cảnh Xước ăn hối lộ 20 lạng bạc nên bị tạm cho về làm dân, Nguyễn Thúc Huệ bị gián quan đàn hặc lỗi cai trị tồi và đi sứ nhục mệnh. Nguyễn Trãi đả kích đúng người, nhưng việc kết án hay đàn hặc là của hình quan hoặc gián quan, không phải của Hành khiển tri Tam Quán.
(301) Tham khảo Nguyễn Tôn Nhan chú dịch, Lễ Ký, Nhạc ký, Thiên 19, Nxb Văn Học (1999), trang 178 – 180.
(302) Sơ cuồng: điên nhẹ.
(303) Dường: như thế, chỉ sự “dấm dẳng” của tác giả.
(304) La ỷ: lụa là.
(305) Lưới thưới: rách rưới, quần áo không tươm tất.
(306) Hùng ngư: gấu và cá.
(307) Lảnh: luống.
(308) Nhẫn: đến.
(309) Nẻo: khi.
(310) Sơ chung: chuông buổi sớm.
(311) Xem Trần Trọng Dương, Khảo sát ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi trong môi trường giảng dạy – dịch thuật kinh điển Nho gia (từ góc nhìn liên văn bản), Tạp chí Hợp Lưu (Hoa Kỳ), bản điện tử: http://bit.ly/2TJ1QXK.
(312) (313) Cửu vạn đoàn phong, bắc minh bằng: dẫn điển từ Nam Hoa kinh, “Bằng chi tỷ ư Nam Minh dã, thủy kích tam thiên lý, đoàn phù diêu nhi thượng giả cửu vạn lý, khứ dĩ lục nguyệt tức giả dã. 鵬之徙於南冥也水撃三千里搏扶搖而上者九萬里去以六月息者也”, Chim bằng, lúc bay qua biển Nam, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài; nó nương theo gió trốt mà cất lên chín muôn dặm cao, và bay luôn sáu tháng mới nghỉ. Xem Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Trang tử Nam Hoa Kinh tập I, Nxb Trẻ (tái bản 2014), trang 100 – 107. Hai câu đầu than nhầm nuôi mộng lớn.
(314) Cơ đẩu: điển tích từ Kinh Thi, “Duy nam hữu cơ bất khả dĩ bả dương, Duy bắc hữu đẩu bất khả dĩ ấp tửu tương. 维南有箕不可以簸扬维北有斗不可以挹酒浆.” Phương nam có sao Cơ (cái sàng) nhưng không sảy gạo được, phương bắc có sao Đẩu (chén đựng rượu) nhưng không múc rượu được. Câu này tự than mình có danh nhưng vô dụng. Xem Kinh Thi, Tiểu nhã, Tiểu mân chi thập, Đại Đông. Bản điện tử: http://bit.ly/30h2kqc.
(315) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Văn hóa – Thông tin (tái bản 2013), trang 124.
(316) Kế: búi tóc.
(317) Lăng căng: xơ xác.
(318) Hổ: thẹn, xấu hổ.
(319) Lục cục: quê mùa.
(320) Mỗ: tôi, ta.
(321) Đêm trống ba: nửa đêm.
(322) Chước: cách.
(323) Nguyên văn: 時宰執皆開國大臣不好儒術專以簿牒詞訟責成有司吏属多曲事上官故内外官鈌即保除用其倖進之徒厭學術事刀筆監生亦欲廢讀書而求入吏者故禁之 (Toàn Thư IV, 346).
(324) Nguyên văn: 帝雄才大畧剛斷有為即位之初厲精求治定制度頒經籍制禮作樂明政慎刑此及數年典章文物粲然大僃海内丕变 (Toàn Thư IV, 357).
(325) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập II, Nxb Văn Học, trang 106 – 109, 198 – 203.
(326) Cúc Pha: hiệu của Nguyễn Mộng Tuân, người đỗ Thái học sinh cùng khóa năm 1400 với tác giả.
(327) Văn: tức “tư văn” của Khổng tử, Nho học.
(328) Chương Tử Hãn, Luận Ngữ có đoạn: Tử Cống viết: “Hữu mỹ ngọc ư tư, uẩn độc nhi tàng chư, cầu thiện giá nhi cố chư?”. Tử viết: “Cố chi tai! Cố chi tai! Ngã đãi giá giả dã. 子貢曰:”有美玉於斯,韞匵而藏諸?求善賈而沽諸?”子曰:”沽之哉!沽之哉!我待賈者也!” Ông Tử Cống hỏi rằng: “Giả như có một hột ngọc tốt tại đây, thì nên bỏ nó vào hộp mà giấu chăng? Hay là cầu cho được phải giá mà bán đi chăng?”. Đức Khổng Tử đáp rằng: “Nên bán đi! Nên bán đi! Nhưng ta còn đợi giá!” Câu này ca ngợi nhà vua anh minh. Xem Đoàn Trung Còn biên dịch, Tứ Thư, Luận Ngữ, Nxb Thuận Hóa (tái bản 2013), trang 138 – 139.
(329) Xuất tụ vân: chữ dùng bởi Đào Tiềm trong “Quy khứ lai từ”. Ở đây, Nguyễn Trãi nói về tình trạng vừa thoát cảnh quan nhàn.

4 thoughts on “Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua (Bài 2)

  1. Bài viết rất hay dựa trên các tư liệu chuẩn xác, kết hợp với phương pháp phân tích, so sánh rất khoa học. Tác giả có quan điểm gần giống với Lê Anh Chí. Tuy nhiên, Lê Anh Chí cho rằng Nguyễn Trãi sang Minh ngay từ lúc họ Hồ bại trận và lưu lạc xứ người 10 năm (1407 – 1417).
    Đây là một bài nghiên cứu thật sự rất đáng đọc. Cảm ơn tác giả.

    Thích

  2. Pingback: Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua (Bài 1) | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này