Nhìn lại những diễn ngôn về Bia ký Võ Cạnh

thumb_660_6.2.16-baovatqgia-7.jpg

Đổng Thành Danh

 

  1. Mở đầu

Bia ký Võ Cạnh (ký hiệu B2.1 = C.40), tấm bia cổ nhất được tìm thấy ở Việt Nam, được phát hiện bên cạnh nền móng một công trình bằng gạch ở giữa hai làng Phú Văn (hoặc Phố Văn) và Phú Vinh, thuộc Tổng Xương Hà, Vĩnh Xương, Khánh Hòa (địa điểm này ngay nay là làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Tấm bia này được Viện Viễn Đông Bác cổ đưa về Hà Nội từ năm 1910 và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tấm bia có 4 mặt (trong đó có 3 mặt khắc chữ) cao khoảng 2,7m, rộng 0,72m, dài 0,67m, độ dày khoảng chừng 1,1m – 0,8m, tấm bia có 15 dòng chữ, mỗi dòng cao khoảng 4cm[1].  

Bia ký này được giới thiệu và dập bản lần đầu tiên bởi Aymonier[2], sau đó lần lượt được dịch và nghiên cứu bởi Abel Bergaigne, L. Finot, R. C. Majumdar, G. Coedes[3]… Ngay từ những nghiên cứu ban đầu này các học giả đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về niên đại, nguồn gốc, đặc điểm chữ viết và nhiều yếu tố khác liên quan đến bia ký này. Những quan điểm trao đổi và tranh luận học thuật liên quan đến văn bia này vẫn tiếp diễn sau này với những bài viết của J. Filliozat, Claude Jaques, W. Southworth và gần đây có bài viết đáng chú ý của Thông Thanh Khánh[4]… Những ý kiến, những quan điểm khác nhau, phủ định nhau của các học giả đã đưa văn bia Võ Cạnh vào những cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa có hồi kết thúc.

  Bài viết này nhìn lại những diễn ngôn tiêu biểu đề cập đến văn bia Võ Cạnh của các học giả quốc tế ngay từ những buổi đầu nghiên cứu cho đến gần đây. Cũng như những cuộc trao đổi và tranh luận trước đây của giới nghiên cứu về bia ký này, thảo luận về những vấn đề trong nghiên cứu học thuật liên quan tới bia ký này sẽ giúp chúng ta có những cái nhìn quan trọng đối với các lĩnh vực văn tự học, lịch sử, bối cảnh chính trị, xã hội…  của Champa trong bối cảnh không gian, thời gian xuất hiện và tồn tại của bia Võ Cạnh.

  1. Những diễn ngôn về niên đại và văn tự học

 Thời điểm xuất hiện của văn bia Võ Cạnh là một trong những vấn đề được các nhà nghiên cứu tìm hiểu ngay từ khi bia ký này được phát hiện, dịch thuật và nghiên cứu. Niên đại của văn bia này thường được các học giả đánh giá dựa trên đặc điểm chữ viết có trên văn bia này. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này vẫn còn đặt ra nhiều tranh luận xoay quanh nguồn gốc ảnh hưởng của chữ viết trên cơ sở đó mà xác định tác giả và thời điểm mà văn bia này được viết ra. Cuộc tranh luận này bắt đầu bởi quan điểm của Bergaine, nhưng quan điểm này sau đó lại bị phê phán bởi Majumdar, rồi ngay lập tức sự phê phán này lại bị phê phán bởi K. A. N Sastri. Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn sau đó bởi các nghiên cứu của Sircar, Coedes, Kalyan Kumar Sarkar, M.K. Bhattacharya…

Trước hết, Bergaine, như đã nói, là người đầu tiên thử dịch và nghiên cứu bước đầu về văn bia Võ Cạnh và xuất bản các công trình quan trọng liên quan đến văn bia này trong các năm 1888, 1893. Trong công trình về bia ký cổ Champa được xuất bản năm 1888, ông bước đầu đưa ra quan điểm rằng văn tự trên bia Võ Cạnh có nguồn gốc từ Nam Ấn (L’Inde du Sud) vì những ký tự này rất giống với ký tự Rudradama ở Girnar thuộc miền Nam Ấn Độ[5]. Năm 1893, Bergaine tiếp tục bổ sung quan điểm của mình về vấn đề này, theo ông, đặc trưng văn tự trên bia ký Võ Cạnh có nhiều nét tương đồng với văn tự Satakarni Vasisthiputra ở Kanheri và bia ký ở Godavari, tất cả đều ở phía Nam Ấn Độ và có niên đại trong khoảng thế kỷ II và III[6].

Ngay sau quan điểm của Begaine, trong một kỷ yếu được xuất bản năm 1896, G. Buhler đã phân tích một cách chi tiết và nguồn gốc cũng như sự phát triển của bia ký Võ Cạnh theo từng giai đoạn khác nhau. Theo Buhler, mặt A của bia Võ Cạnh dựa vào bia ký Rudradama ở Girnar có niên đại khoảng thế kỷ I, mặt B thì lại giống với bia Satavahanas ở Nasik và Vanheri có niên đại khoảng thế kỷ II và III, mặt C thì tương tự chữ của vương triều Iksvaku ở Amaravati vào khoảng thế kỷ III và cuối cùng mặt D thì mang dáng dấp các bia ký của vua Vijayabuddhavarman và Sivaskandavarman ở Tamil Nadu có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV. Như vậy, theo Buhler, chữ viết trên minh văn Võ Cạnh có thể ảnh hưởng từ nhiều loại văn tự khác nhau trải qua nhiều thời kỳ khác nhau kéo dài từ thế kỷ I đến IV, tuy nhiên tất cả loại văn tự này đều thuộc truyền thống Brahmi tức Nam Ấn[7].  

Vấn đề này đã trở thành một cuộc tranh luận thật sự, sau đó, bởi những nghiên cứu mang tính phê phán của Majumdar trong một bài viết đăng trên tập san của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1932. Trong bài viết này, Majumdar cho rằng dạng ký tự trên bia Võ Cạnh rất giống với chữ viết của triều đại Kusana ở phía Bắc Ấn Độ (Nord de L’Inde) vào khoảng thế kỷ thứ III và IV[8], nhận định này của Majumdar đã đưa ra một diễn ngôn đối lập hoàn toàn về nguồn gốc chữ viết trên bia Võ Cạnh so với quan điểm của Bergaine đã được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Chính vì thế, quan điểm này ngay lập tức bị phê phán bởi những người ủng hộ Bergaine, một trong số đó là Sastri, trong một nghiên cứu năm 1935, ông đã bác bỏ quan điểm của Majumdar mà đưa ra nhận định rằng chữ viết trên bia Võ Cạnh tương tự loại chữ viết ở Girnar và Kanheri ở miền Nam Ấn Độ[9].

Cuộc thảo luận về niên đại và nguồn gốc chữ viết của văn bia Võ Cạnh tiếp tục gây cấn sau đó với những tranh luận của Dines Chandra Sirca và Coedes. Năm 1939, Sirca công bố một nghiên cứu về sự phát triển của văn tự Sanskrit ở Ấn Độ, trong đó ông có đề cập đến thời điểm xuất hiện của bia ký Võ Cạnh không thể vượt quá giai đoạn nữa đầu của thế kỷ thứ IV[10]. Ngay lập tức quan điểm của Sirca lại bị phê phán bởi Coedes, trong một bài viết xuất bản năm 1940, Coedes tỏ ra đồng thuận với quan điểm trước đó của Bergaine, ông chứng minh rằng văn tự ở Võ Cạnh tương đồng với chữ viết trên bia ký của Sodasa có niên đại khoảng thế kỷ I[11]. Quan điểm của Sircar sau đó tiếp tục nhận sự phản biện của K.K Sarkar, ông không đồng ý với niên đại quá xa của Sircar, mà ủng hộ quan điểm của Bergaine, cho rằng bia ký Võ Cạnh ra đời khoảng thế kỷ I và II[12].  

Cuộc thảo luận về vấn đề niên đại và nguồn gốc văn tự của bia ký Võ Cạnh tiếp tục sau đó với nghiên cứu mang tính tổng hợp, bổ sung và đồng tình với quan điểm của Bergaine và Buhler do K. Bhattacharya đưa ra vào năm 1961, Bhattacharya so sánh văn tự trên bia Võ Cạnh với văn khắc của triều Iksvaku ở Nagarjunakonda (Bắc Ấn) và kết luận niên đại của bia ký này thuộc thế kỷ III[13]. Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó, khi sau đó không lâu tiếp tục xuất hiện một nghiên cứu với quan điểm khác biệt mới về bia ký Võ Cạnh của Ahmed Hasan Dani vào năm 1963, theo Dani văn tự trên bia Võ Cạnh lại giống với chữ Kashatrapas ở Gujarat và Malwa thuộc miền Tây Ấn Độ, vì vậy ông đề xuất niên đại cho bia ký này là khoảng thế kỷ IV – V[14]

 Như vậy, cho đến nay, cuộc tranh luận về niên đại và nguồn gốc chữ viết trên bia Võ Cạnh của các học giả vẫn chưa ngã ngũ. Điều duy nhất mà lúc này chúng ta có thể nói chính là niên đại của bia Võ Cạnh có thể tạm xác định khoảng thế kỷ I – IV, như vậy đây là minh văn cổ nhất được tìm thấy của Champa và có thể là của Đông Nam Á. Mặt khác, dạng thức văn tự trên bia ký này cho thấy một sự ảnh hưởng rõ nét các loại chữ viết của Ấn Độ, một dấu ấn cho thấy sự xâm nhập của nền văn minh Ấn Độ đã diễn ra từ rất sớm ở miền Trung Việt Nam. Nhưng khi đã tạm có một kết luận như vậy, thì một câu hỏi đặt ra là: Ai là chủ nhân của văn bia Võ Cạnh? Là người Ấn Độ hay cư dân bản địa tiếp thu truyền thống Ấn Độ? Câu hỏi này lại đưa học giới vào cuộc truy tìm lời giải từ trong chính nội dung của bia ký ấy.     

  1. Những diễn ngôn về bối cảnh chính trị, tôn giáo và xã hội hình thành bia ký Võ Cạnh

Nói đến bối cảnh chính trị, tôn giáo và xã hội xuất hiện của bia ký Võ Cạnh là nói đến bối cảnh chính trị, tôn giáo và xã hội của những người đã dựng nên văn bia này. Ai là chủ nhân của bia Võ Cạnh? Họ thuộc vương triều nào? Thuộc quốc gia nào? Theo tôn giáo nào? Thiết chế xã hội của họ ra sao? Chính những câu hỏi này đã đưa học giới vào những cuộc tranh luận khác liên quan đến bia ký Võ Cạnh mà cơ sở cho những lập luận của họ chính là nội dung của bia ký này. Chính vì vậy, sau khi các bản dịch của bia ký này được công bố các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về nội dung của bia ký, các vấn đề chủ yếu mà họ nghiên cứu và tranh luận là nguồn gốc tên gọi Sri Mara (được nhắc đến trong bia ký), mối quan hệ giữa người dựng tấm bia với nhân vật Sri Mara, mối quan hệ của văn bia này với Phù Nam hoặc Champa, tôn giáo nào được đề cập trong bia ký?… Những khác biệt trong quan điểm về các vấn đề trên đã đưa giới nghiên cứu vào những cuộc tranh luận học thuật thật sự.  

Diễn biến đầu tiên của những tranh luận này xoay quanh việc lý giải tên gọi Sri Mara được nhắc đến trong nội dung tấm bia Võ Cạnh. Bản dịch đầu tiên của Finot và sau đó là Filliozat đều đề cập đến nội dung của bia ký là nhằm ca ngợi nhà vua Sri Mara, dòng tộc của ông cũng như những hậu duệ của ông – những người đã cho dựng nên tấm bia này. Tất cả các bản dịch đều cho thấy (ở dòng thứ 9, 10) người cho dựng tấm bia này thuộc về dòng dõi xa của Sri Mara, trong đó bản dịch hoàn chỉnh nhất của Filliozat ghi rằng: “… Par celui qui est la joie de la famille de la fille du petit-fils du roi Srimara…”[15], trong khi bản dịch của Finot ghi là: “…celui qui est l’honneur de la race du [roi] Sri Mara…”[16]. Có thể lược dịch ra tiếng Việt nội dung của dòng này là: “… Người [Con trai hoặc con rễ] là niềm vui của gia đình của người con gái đích tôn [cháu nội] của Hoàng thượng Sri Mara[17]. Chính từ việc nghiên cứu đoạn văn này mà học giới đã có nhiều lập luận khác nhau về chủ nhân của văn bia Võ Cạnh chứ không chỉ riêng vấn đề xem xét Sri Mara là ai?

Người đầu tiên lý giải tên gọi Sri Mara chính là G. Maspero, trong công trình nổi tiếng Le Royaume de Champa (Vương quốc Champa), Maspero cho rằng Sri Mara chính là Khu Liên – Nhà vua đầu tiên của nước Lâm Ấp trong sử liệu Trung Hoa[18]. Sự đồng nhất này là một hệ quả phổ biến về sự nhầm lẫn trong quan điểm của Maspero đối với vấn đề Lâm Ấp và Champa, trong quan điểm của Maspero, vương quốc Lâm Ấp chính là Champa sau này, đây là một vương quốc thống nhất và có lãnh thổ kéo dài từ Bắc đến Nam bao gồm cả vùng Khánh Hòa ngày nay. Do đó việc đánh đồng giữa người sáng lập Nhà nước Lâm Ấp năm 192 – tức Khu Liên với Sri Mara là không có gì đáng ngạc nhiên vì nó thuộc một hệ thống quan điểm chung của Maspero về vấn đề Champa. Hiện nay, những dữ kiện lịch sử mới cho thấy quan điểm của Maspero hàm chứa nhiều sai lệch, các nghiên cứu mới cho thấy Champa là một vương quốc bao gồm nhiều tiểu quốc, mà Lâm Ấp chỉ là một phần cấu thành chính thể ấy[19]. Do đó, lập luận về việc đồng nhất Khu Liên với Sri Mara cũng không còn đứng vững được nữa.

Nếu như Maspero lẫn lộn giữa Sri Mara với Khu Liên thì Coedes lại nổi tiếng với diễn ngôn đồng nhất Sri Mara với Fan Shiman (hoặc Fan Che-man) tức là Phạm Sư Mạn một vị vua của Phù Nam được nhắc đến trong sử liệu Trung Hoa[20]. Theo đó, “ Sri” được đồng nhất với “Shi”, “Mara” đồng nhất với “Man” và “Fan” hàm ý chỉ “Varman” một hậu tố thường xuất hiện sau tên hiệu của các vị vua[21]. Quan điểm của Coedes đã nhận được sự đồng tình của R. Stein[22], M. Gaspardone[23] và Sarkar[24], trở thành quan điểm thịnh hành cho đến năm 1969, khi Filliozat đề xuất quan điểm cho rằng cái tên Sri Mara có nguồn gốc Tamil, ám chỉ một tước vị trong hoàng tộc Pandyan ở Ấn Độ mà những chủ nhân của bia Võ Cạnh đã tiếp thu, nhận định này cho thấy đây là một tên gọi chưa hẳn đã có mối liên hệ gì với Phù Nam[25]

  Ngoài tên gọi Sri Mara, việc lý giải các thuật ngữ và nội dung trong bia ký Võ Cạnh còn đem đến cuộc tranh luận xoay quanh cảm hứng tôn giáo mà từ đó bia ký này được dựng lên. Dựa vào các thuật ngữ “prajanam karuna” (chúng sinh), “gatagati” (vô thường) được nhắc đến trong bia ký, L. Finot cho rằng bia ký này ảnh hưởng tinh thần của Phật giáo[26]. Diễn ngôn của Finot đã nhận được sự ủng hộ của K. K. Sarkar[27] (1956: 1) và M.K. Bhattacharya[28], tuy nhiên lập luận ấy lại không nhận được sự đồng tình của Chhabra, ông tiếp cận nội dung của bia ký này theo tinh thần của Ấn Độ giáo bằng việc giải thích lại các thuật ngữ trong bia ký[29]. Lối tiếp cận Ấn Độ giáo về nội dung của bia ký Võ Cạnh được bổ khuyết sau đó bởi những lập luận của Filliozat, trong bài nghiên cứu về Võ Cạnh, ông đã xem xét các thuật ngữ “Gatagati”, “Karuna” theo một cách nhìn Ấn Độ giáo phủ nhận các giả thuyết mà Finot đưa ra để kết luận rằng: “…bia Võ Cạnh cho ta thấy một truyền thống Ấn giáo chứ không phải Phật giáo…”[30].

Tuy nhiên, khi tưởng chừng như diễn ngôn về bối cảnh tôn giáo mà Filliiozat đưa ra là một diễn ngôn không còn phải bàn cải thì quan điểm xuất hiện gần đây của Thông Thanh Khánh lại khiến chúng ta phải xem xét lại các nhận định ở trên. Thông Thanh Khánh đưa ra quan điểm của mình dựa trên cơ sở của việc lý giải lại tên gọi Sri Mara, nếu như Mapero và Coedes tìm một cách tiếp cận bản địa với tên gọi này, thì Thông Thanh Khánh lại giải thích nguồn gốc tên gọi này dựa vào một bộ kinh trong Phật giáo đại thừa đó là kinh Srimara-simhanada-sutra (Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh). Như vậy, theo Thông Thanh Khánh tên gọi Sri Mara trong bia Võ Cạnh có liên hệ với bộ kinh Thắng Man này và do đó rõ ràng nó mang một cảm hứng Phật giáo như Coedes đề xuất chứ không phải Ấn giáo như diễn ngôn của Filliozat[31].  

Những thảo luận xoay quanh bia ký Võ Cạnh còn được đẩy xa hơn sau đó với quan điểm gây chú ý về bối cảnh xã hội ra đời văn bia này của W. Southworth. Dựa vào nội dung của dòng thứ 10 trong bia ký, Southworth cho rằng tác giả của tấm bia này không hề là hậu duệ của Sri Mara, mà là một người con rễ kết hôn với người con gái của cháu nội Sri Mara, như vậy nội dung này cho thấy một phả hệ thể hiện tôn ty mẫu hệ của dòng họ thống trị thời bấy giờ[32]. Bối cảnh xã hội này cho thấy bia ký này hình thành trong một cộng đồng Nam Đảo theo chế độ mẫu hệ ở Nam Trung bộ Việt Nam, mà Vickery giả định có thể là người Chăm, nội dung này cũng phản ánh một tính chất bản địa mà từ đó văn bia Võ Cạnh ra đời chứ không chỉ hoàn toàn mang dấu ấn Ấn Độ như các diễn ngôn truyền thống[33].

  1. Kết luận

Sau phần tổng hợp và đánh giá về những diễn ngôn liên quan đến bia ký Võ Cạnh, tôi nghĩ rằng mình cần có vài dòng tái bút cũng mang tính chất diễn ngôn. Những hạn chế về trình độ Ấn Độ học và Phạn ngữ không cho phép chúng tôi có thể đưa ra một bình luận khả dĩ nào về đặc điểm văn tự, cũng như niên đại của bia Võ Cạnh mà các học giả đã không ngừng tranh luận. Tuy nhiên, nếu tạm giả định niên đại của văn bia này sớm nhất là thế kỷ I và muộn nhất là thế kỷ thứ IV, thì có thể thấy trong khoảng giai đoạn này vùng đất ngày nay là cực Nam Trung bộ mà cụ thể là tỉnh Khánh Hòa (nơi tìm thấy bia Võ Cạnh) đã có những dấu vết đầu tiên của nền văn minh Ấn Độ – có thể là đầu tiên của Đông Nam Á. Sự hiện diện của văn minh Ấn Độ biểu hiện qua sự xuất hiện của văn tự Ấn Độ và nội dung tấm bia phản ánh tinh thần tôn giáo Ấn Độ.

 Quá trình Ấn Độ hóa trong những thế kỷ đầu sau Công nguyên nếu như đã diễn ra thì cụ thể quá trình ấy ra sao? Điểm mấu chốt của quá trình này là do các tác nhân từ bên ngoài hay là các yếu tố bên trong? Việc lý giải điều này liên quan đến các giả thuyết về sự Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á mà G. Coedes và G.D. Hall từng đưa ra. Về vấn đề này, Coedes cho rằng sự xâm nhập của nền văn minh Ấn Độ là do các đoàn cư dân Ấn Độ đã đưa vào xã hội bản địa Đông Nam Á làm biến đổi các cơ cấu truyền thống của xã hội này dẫn đến sự hình thành của các tiểu quốc Ấn hóa đầu tiên. Coedes cũng phân biệt 2 trường hợp thành lập những vương quốc như vậy: hoặc là những người Ấn Độ này đã tự xưng là thủ lĩnh của đám dân chúng bản địa ít nhiều đã thấm nhuần yếu tố Ấn Độ; hoặc là một thủ lĩnh đã tự Ấn hóa bằng cách chấp nhận những yếu tố Ấn Độ trong cơ cấu tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo của Nhà nước mà mình thiết lập[34]. Vấn đề Ấn hóa ở Đông Nam Á sau đó lại được đóng góp thêm bởi một giả thuyết khác được đưa ra bởi Hall, theo ông sự Ấn hóa diễn ra cũng là do chính các cư dân bản địa sang Ấn Độ học tập và chủ động truyền về quê hương[35].   

  Nếu như bia Võ Cạnh có thể được xem như là một chỉ dấu cho sự ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ ở miền Trung Việt Nam trước thế kỷ V sau Công nguyên, thì việc lý giải nội dung bia ký này cũng sẽ góp phần lý giải nhiều điều về quá trình Ấn hóa ở miền Trung Việt Nam nói riêng và cả khu vực nói chung. Bia ký này rõ ràng do một vị vua bản địa dựng nên vì bia ký này cho thấy bên cạnh vua có sự hiện diện của các nhà truyền giáo, mà chắc hẳn đến từ Ấn Độ. Nội dung này cũng phản ánh trường hợp thứ 2 trong giả thuyết về sự hình thành của các Nhà nước Ấn hóa mà Coedes đã đưa ra ở trên,  rằng chủ nhân của bia Võ Cạnh đã sớm chủ động tiếp thu các yếu tố Ấn Độ, nhất là tôn giáo, vì vậy mà trọng dụng các nhà truyền giáo Ấn Độ bên cạnh mình, cho họ tham dự vào các nghi lễ của hoàng gia và ghi danh họ vào bia ký của triều đại mình. Tuy nhiên, nội dung này của bia ký chỉ phản ảnh một phần quá trình Ấn Độ hóa, cũng có thể trong một bối cảnh không gian và thời gian khác giả thuyết của Hall lại đúng. Do đó ta chỉ nên xem trường hợp được phản ánh trong bia Võ Cạnh chỉ là một trường hợp điển hình chứ không phải là duy nhất phản ánh quá trình Ấn Độ hóa. 

Một khi chấp nhận chủ nhân của bia Võ Cạnh là người bản địa (mà cụ thể là người Nam đảo như Southworth đề xuất, hay cụ thể hơn là Chăm như nhận định của Vickery) thông qua trật tự của một dòng tộc mẫu hệ được phản ánh trong dòng thứ 9 của bia ký, ta cũng nên phải từ bỏ gốc tích Phù Nam mà Coedes đã gán cho bia ký này, cũng như từ bỏ sự đồng nhất Sri Mara với vua Phù Nam Phạm Sư Mạn. Nếu như nó không thuộc về Phù Nam, mà lại càng không phải Lâm Ấp (như ngộ nhận của Maspero), vậy thì nó chắc hẳn là thuộc một vương quốc Ấn hóa độc lập nào đó ở Nam Trung bộ Việt Nam. Tiểu quốc này sau đó đã nhập vào một chính thể liên hiệp tập hợp nhiều tiểu quốc mà ta gọi là Champa[36] để trở thành tiểu quốc gọi là Kauthara[37].

Như vậy, để tạm kết về vấn đề này tôi đề xuất rằng có thể xem Võ Cạnh như là một hồ sơ cung cấp nhiều thông tin về sự hình thành một tiểu quốc tiền Champa ở phía Nam, do đó cũng nên gộp nó vào lịch sử Champa, chứ không nên tách nó ra khỏi Champa như Vickery đã diễn giải[38]. Trong thực tế, diễn giải về mối quan hệ giữa bia Võ Cạnh và Champa của Vickery trong “Champa Revised” chứa đựng nhiều mâu thuẫn, trong khi ông cho rằng Champa không phải là một vương quốc hay một quốc gia duy nhất mà là tập hợp các chính thể riêng biệt thì ở đoạn sau ông lại định nghĩa ngược lại khi xem Champa là một chính thể phát xuất tại Thu Bồn, Quảng Nam (?) do đó ông cho rằng Võ Cạnh là một hồ sơ biệt lập với lịch sử Champa[39]. Do vậy, diễn ngôn về bia ký Võ Cạnh của Vickery cũng nên phải được xem xét lại.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. A. 1888. “L’ancien royaume de Campa, dans l’Indo-Chine, d’après les inscriptions”. Trong Journal Asiatique XI: 5-105.
  2. A. 1893. “Inscriptions sanskrites de Campa”. Trong Notices et Extraits des Manuscrits de la Bibliothèque Nationale 27. Fascicule 2: 181-292.
  3. M. K. 1961. “Précisions sur la paléographie de l’inscription dite de Vo Canh”. Trong Artibus Asiae. XXIV: 219 – 224.
  4. G. 1940. “The date of the sanskrit inscription of Vo-canh”. Trong The Indian Historical Quarterly. XVI-3: 484-488.
  5. G. 2011. Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông. Hà Nội: Thế giới.
  6. A Hasan. 1960. Indian Palaeography. Oxford.
  7. L. 1915. “Notes d’épigraphie. XIV: Les inscriptions du Musée de Hanoi”. Trong BEFEO. XV-2: 1-38.
  8. J. 1969. “L’inscription dite ‘de Vo-canh’”. Trong BEFEO. LV-1: 107-116.
  9. D. G. E. 1997. Lịch sử Đông Nam Á. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
  10. C. 1969. “Notes sur la stèle de Vo-canh”. Trong BEFEO. LV-1: 117-124.
  11. Lương Ninh. 2006. Vương quốc Champa. Hà Nội: Đại học Quốc gia.
  12. P. B. 2011. Vương quốc Champa: địa dư, dân cư, lịch sử. San Jose: IOC – Champa.
  13. Maspéro. G. 1928. Le Royaume de Champa. Paris: G. Van Oest.
  14. R.C. 1932. “La paléographie des inscriptions du Campa”. Trong BEFEO. XXXII: 127-139.
  15. Nhiều tác giả. 1988. Actes du séminaire sur le Campā, organisé à l’Université de Copenhague le 23 mai 1987. Paris: Travaux du centre d’histoire et civilisations de la péninsule indochinoise.
  16. H. 1909. Inventaire archéologique de l’Indochine: II . Monuments chams de l’Annam. Paris: EFEO.
  17. Po Dharma. 2012. Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng, San Jose: IOC – Champa.
  18. K.A. Nilakanta. 1935. “L’origine de l’alphabet du Champa”. Trong BEFEO. XXXV: 233-241.
  19. D.C. 1939. “The date of the Earliest Sanskrit Inscription of Campa”. Trong The Indian Historical Quarterly. XVII: 107-110.
  20. K. Kumar. 1956, “The Earliest Inscription of Indochina”. Trong Sino-Indian Studies. V-2: 77-87.
  21. W. 2001. The Origins of Campā in Central Vietnam, A Preliminary Review. London: SOAS, University of London.
  22. R. 1947. “Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine”. Trong Han-Hiue. II-1-3: 1-135.
  23. Keith W. 1992. “The early kingdoms”. Trong The Cambridge History of Southeast Asia. N. Tarling edited. Vol 1: 137 – 182.
  24. Thông Thanh Khánh. 2013. “Từ Phù Nam đến Champa qua cái nhìn Phật giáo”. Trong Nghiên cứu Văn hóa Chăm. Hà Nội: Tri Thức: 58 – 65.

Vickery. M. 2011. “Champa revised”. Trong The Cham of Vietnam: History, Society and Art. Singapore: NUS Press: 363 – 420.

[1]    H. Parmentier, Inventaire archéologique de l’Indochine: II . Monuments chams de l’Annam, (Paris: EFEO, 1909), 111; L. Finot, “Notes d’épigraphie. XIV: Les inscriptions du Musée de Hanoi”, trong BEFEO, XV-2, 1915, 3; J. Filozart, “L’inscription dite ‘de Vo-canh’”, trong BEFEO, LV-1, 1969, 108; W. Southwouth, The Origins of Campā in Central Vietnam, A Preliminary Review, (London: SOAS, University of London, 2001), 190 – 191.

[2]    Dẫn theo: W. Southworth, sđd, 190.

[3]    A. Bergaine, “L’ancien royaume de Campa, dans l’Indo-Chine, d’après les inscriptions”, trong Journal Asiatique XI, 1888, 5-105; “Inscriptions sanskrites de Campa”, trong Notices et Extraits des Manuscrits de la Bibliothèque Nationale 27, Fascicule 2, 181-292; Finot, tlđd, 1 – 135; R. C. Majumdar, “La paléographie des inscriptions du Campa”, trong BEFEO, XXXII, 1932, 127-139; G. Coedes, “The date of the sanskrit inscription of Vo-canh”, trong The Indian Historical Quarterly, XVI-3, 1940, 484-488.

[4]    Filliozat, sđd, 107 – 116; C. Jaques, “Notes sur la stèle de Vo-canh”, trong BEFEO, LV-1, 117 – 124; W. Southworth, sđd, 2001;  Thông Thanh Khánh, “Từ Phù Nam đến Champa qua cái nhìn Phật giáo”, trong Nghiên cứu Văn hóa Chăm, (Hà Nội: Tri Thức, 2013), 58 – 65.

[5]    A. Bergaine, tlđd, 1888, 15.

[6]    A. Bergaine, tlđd, 1893, 191 – 198.

[7]    Dẫn theo: W. Southworth, sđd, 193.

[8]    R. C. Majumdar, sđd, 136 – 139.

[9]    K. A. N. Sastri, “L’origine de l’alphabet du Champa”, trong BEFEO, XXXV, 1935, 233-241.

[10]    D.C. Sircar, “The date of the Earliest Sanskrit Inscription of Campa”, trong The Indian Historical Quarterly. XVII, 1939, 55.

[11]    G. Coedes, sđd, 1940, 485 – 486.

[12]    K.K. Sarkar, “The Earliest Inscription of Indochina”, trong Sino-Indian Studies, V-2, 1956, 77-87.

[13]    M. K. Bhattacharya, “Précisions sur la paléographie de l’inscription dite de Vo Canh”, trong Artibus Asiae, XXIV, 1961, 219 – 224.

[14]    A. H. Dani, Indian Palaeography, (Oxford, 1963), 230 – 233.

[15]    J. Filliozat, tlđd, 113.

[16]    L. Finot, tlđd, 4.

[17]    Xem thêm bản dịch của Lương Ninh, Vương quốc Champa, (Hà Nội: Đại học Quốc gia, 2006), 275.

[18]    G. Maspero, Le Royaume de Champa, (Paris: G. Van Oest, 1928), 50 – 52.

[19]    Nhiều tác giả, Actes du séminaire sur le Campā, organisé à l’Université de Copenhague le 23 mai 1987, (Paris: Travaux du centre d’histoire et civilisations de la péninsule indochinoise, 1988); Keith W. Taylor, “The early kingdoms”, trong The Cambridge History of Southeast Asia, N. Tarling edited, Vol 1, 1992, 153; W. Southworth, sđd, 21; M. Vickery, “Champa revised”, trong The Cham of Vietnam: History, Society and Art (Singapore: NUS Press, 2011), 378; P.B. Lafont, Vương quốc Champa: địa dư, dân cư, lịch sử (San Jose: IOC – Champa, 2011); Po Dharma, Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng, (San Jose: IOC – Champa, 2012).

[20]    G. Coedes, sđd, 1940, 488.

[21]    G. Coedes, sđd, 1940, 487 – 488.

[22]    R. Stein, “Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine”, trong Han-Hiue, II-1-3, 1947, 1-135.

[23]    Dẫn theo J. Filliozat, tlđd, 109 – 110.

[24]    K.K. Sarkar, sđd, 83 – 86.

[25]    J. Filliozat, tlđd, 115 – 116. Xem thêm M. Vickery, tlđd, 366. 

[26]    L. Finot, tlđd, 4 – 5.

[27]    K.K. Sarkar, sđd, 1.

[28]    M. K. Bhattacharya, tlđd, 12. 

[29]    Dẫn theo: J. Filliozat, tlđd, 115; W. Southworth, sđd, 196.

[30]    J. Filliozat, tlđd, 115 – 116.

[31]    Thông Thanh Khánh, sđd, 61 – 63.

[32]    W. Southworth, sđd, 204.

[33]    W. Southworth, sđd, 204 – 205; M. Vickery, tlđd, 366.

[34]    G. Coedes, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, (Hà Nội: Thế giới, 2011), 65.

[35]    D. G. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 1997).

[36]    K. Taylor, sđd, 155; W. Southworth, sđd, 21; M. Vickery, tlđd, 378.

[37]    G. Maspero, sđd 25; P.B. Lafont, sđd, 32; Po Dharma, sđd, 54.

[38]    M. Vickery, tlđd, 366, 378.

[39]    M. Vickery, tlđd, 378.

Bình luận về bài viết này