Trước tháng hai năm Tân Sửu (1841) ở phía đông Kinh Thành Huế có cầu Đông Hoa, có phố Đông Hoa

slide0005

Nguyễn Văn Nghệ

   Tạp chí Xưa & Nay số 485 tháng 7-2017 có bài viết“ Có hay không việc kỵ húy tên chợ Đông Ba ở Huế?” của tác giả Tôn Thất Thọ. Tác giả Tôn Thất Thọ cho là trong quá khứ ở Huế không có cái chợ nào mang tên Đông Hoa mà chỉ có chợ Đông Ba mà thôi: “Còn tên của chợ mà tác giả Đình Duy phổ biến trên trang thuathienhueonline cho là chợ ban đầu có tên là Đông Hoa, vì kỵ húy tên vợ vua Minh Mạng (Hồ Thị Hoa) nên đổi lại thành Đông Ba thì không chính xác”.Tác giả đã trưng dẫn chứng: “ Theo trích dẫn trong sách Đại Nam thực lục ở trên(1), năm 1837, tức là thời gian vua Minh Mạng đang trị vì, Quốc sử quán đã chép là phố Đông Ba, cầu Đông Ba rồi.( Đại Nam nhất thống chí chép là Đông Gia). Như thế tên Đông Ba đã có từ năm 1837 do vua đặt, và qua thời gian,chợ được gọi tên là Đông Ba, chứ không thấy một tài liệu nào ghi tên cũ của chợ là Đông Hoa cả!”

Để tìm hiểu có tên cầu Đông Hoa và phố Đông Hoa hay không? Trước tiên chúng ta tạm sử dụng tên Đông Ba và để gọi đúng theo thời điểm lịch sử lúc ấy thì phải gọi là “phố Đông Ba”chứ không phải “chợ Đông Ba”. Trong mục “chợ phố” ở phủ Thừa Thiên, Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi tên chợ Gia Hội chứ không có tên chợ Đông Ba.Bởi vì phố Đông Ba nằm trong khu vực chợ Gia Hội. Chợ Gia Hội gồm có ba phố: phố Gia Hội; phố Đông Ba; phố Đông Hội. Sau đó không gọi “phố” mà gọi là “hàng”: hàng Gia Hội; hàng Đông Ba; hàng Đông Hội.

   Chợ Gia Hội xưa nằm ở “bờ phía đông sông Tả Hộ thành”(2) tức là ở dọc đường Bạch Đằng hiện nay, Như vậy phố Đông Ba cũng nằm dọc đường Bạch Đằng chứ không phải bên đường Huỳnh Thúc Kháng như nhiều người lầm tưởng!.

   Tác giả Tôn Thất Thọ dẫn chứng sách Đại Nam thực lục, nhưng tác giả lại quên rằng Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ được soạn dưới triều vua Tự Đức và trong Đệ nhị kỷ phàm lệ đã ghi rõ: “Sách văn, chiếu dụ, có gặp chữ tên húy thì hoặc bỏ thiếu một nét, hoặc chiếu theo nghĩa văn đổi dùng chữ khác. Đến như tên đất hoặc theo tên ngày nay hoặc bỏ thiếu một nét, duy chữ hoa () cùng nghĩa với chữ ba () thì đổi làm chữ ba (); tên người thì đều đổi dùng chữ khác”(3).

  Do đó những văn bản dưới thời vua Minh Mạng trở về trước có từ “hoa” thì khi Quốc sử quán soạn Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, đệ tam kỷ… đều sửa lại thành chữ “ba”. Ví dụ: Đông Hoa thành Đông Ba, Thúy Hoa thành Thúy Ba…

   Hoặc như “Phàm lệ” Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ ghi: “Phàm gặp những chữ quốc húy tôn trọng thì chiếu theo tiết thứ lệ định mà làm: nên viết bớt nét thì viết bớt nét, nên đổi bằng chữ khác thì tìm chữ khác thay thế; còn về tên người, tên đất cần kiêng kỵ thì về tên đất là dùng tên hiện nay, về tên người là đổi sang chữ khác, để tỏ sự tôn kính”(4).

   Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi: “ Gia Long năm thứ 7 , dựng 6 cầu: Hương Thủy, Thanh Tước, Huyền Hạc, Xuân Thủy, Đông Gia, An Hội”“ cầu Đông Gia ở ngoài cửa Chính Đông, bắc bằng gỗ, dài 15 trượng 6 thước, rộng 9 thước”(5). Thời vua Gia Long làm gì có cầu Đông Gia nhưng do tuân theo phàm lệ nên ghi tên mới là cầu Đông Gia.

    Đại Nam nhất thống chí ghi: “Cầu Đông Gia: Trước gọi là cầu Đông Hoa (ba), năm Minh Mệnh thứ 20 , đổi tên hiện nay”(6)

    Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi nhầm, việc đổi tên từ Đông Hoa thành Đông Gia được thực hiện vào tháng 2 năm Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất[1841]  chứ không phải năm Minh Mạng thứ 20.

   Hoặc núi Thúy Vân: “Trước gọi là núi Mỹ Am, năm Minh Mệnh thứ 6 cho tên là núi Thúy Hoa, năm Thiệu Trị thứ nhất đổi tên hiện nay”(7)

   Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất[1841], mùa xuân , tháng 2, bộ Lễ dâng các chữ quốc húy: “… Các chữ khi làm văn phải viết chữ xuyên() lên trên chữ ấy, khi đọc thì đọc trạnh sang tiếng khác, tên người, tên đất không được dùng, gồm hai chữ sau: Chữ trên là chữ hoa (    )(*),dưới là chữ thập (), tức chữ hoa ( )….”; “ Chữ khi làm văn phải bớt nét, khi đọc trạnh sang âm khác, tên  người,tên đất không được dùng có một chữ: Chữ trên là chữ thảo ( )(**),dưới là chữ hóa ( ), tức là chữ hoa ( )” (8)

   Vâng theo lệnh ấy, cho nên ngay trong tháng ấy đã “ Đổi: phố Đông Ba phủ Thừa Thiên làm phố Đông Gia; cầu Đông Ba làm cầu Đông Gia; núi Thúy Ba làm núi Thúy Vân; cửa biển Tư Dung làm cửa biển Tư Hiền”(9).Nếu không phạm quốc húy câu ấy sẽ được ghi: “ Đổi: phố Đông Hoa phủ Thừa Thiên làm phố Đông Gia; cầu Đông Hoa làm cầu Đông Gia; núi Thúy Hoa làm núi Thúy Vân…”

   Tấm bia đá Đông Gia kiều (nằm phía đông cầu Đông Ba hiện nay) được dựng khoản sau hai tháng khi có lệnh đổi tên Đông Hoa kiều thành Đông Gia kiều. Dòng lạc khoản ghi“ Thiệu Trị nguyên niên, nhuận tam nguyệt, cát nhật tạo”.

    Như vậy trước tháng 2 năm Tân Sửu[1841] ở phía đông kinh thành Huế có cầu Đông Hoa, có phố Đông Hoa nhưng do kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là bà Hồ Thị Hoa nên đổi thành cầu Đông Gia, phố Đông Gia. Do người dân không thích sử dụng tên mới đổi là Đông Gia mà chỉ thích cách đọc trạnh theo quy định của triều đình là Đông Ba. Chính vì vậy mà tên Đông Ba được thịnh hành và lưu giữ đến nay.

   Tên Đông Ba xuất hiện sau tháng 2 năm Tân Sửu[1841] chứ không phải “đã có từ năm 1837” như tác giả Tôn Thất Thọ đã khẳng định.

           

   Chú thích:

(*)(**)Trong chữ Hán không có phần nửa trên chữ “hoa” nên tôi để trống và trong chữ Hán không có chữ “thảo” nửa bên trên chữ “hoa” nên tôi tạm dùng chữ “thảo” như bên trên

  1- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr.100

2-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 100. Con sông đào chảy giữa đường Huỳnh Thúc Kháng và Bạch Đằng hiện nay là sông “Tả Hộ thành”

  3-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 15

  4-Quốc sử quán triều Nguyễn,Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 1, Nxb Thuận Hóa- Huế, 1993, tr. 85

  5-Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 13, Nxb Thuận Hóa- Huế, 1993, tr. 519

  6;7-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 1, Nxb Thuận Hóa, tr. 19; 130

  8;9-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr.75-76; 88

 

 

 

 

1 thoughts on “Trước tháng hai năm Tân Sửu (1841) ở phía đông Kinh Thành Huế có cầu Đông Hoa, có phố Đông Hoa

  1. Tôi cho là tác giả Nguyễn Văn Nghệ đúng.Thường là mình hay xây kinh thành có tham khảo TQ.Cố cung họ có Đông Hoa môn (东华门)) và Tây Hoa môn (西华门).Chắc ban đầu vua Gia Long cũng đặt tên như vậy.Theo thời gian việc kỵ húy dẫn đến tên gọi như ngày nay

    Thích

Bình luận về bài viết này