Hồ Bạch Thảo
I. Quân cách mệnh khởi sự lớn [1911]
1. Cuộc vận động cách mệnh trong quân tại tỉnh Hồ Bắc
Hoạt động chủ yếu của đảng cách mệnh nhắm mở rộng từ các thành phần hội đảng, hiệp sĩ, trộm cướp, quân phòng thủ ; từ khi tân quân thành lập, lại càng gia tăng tranh thủ. Tân quân phần nhiều tại Bắc Dương, nhưng Viên Thế Khải chú ý ngăn cấm những tư tưởng khác lạ, nên cách mệnh không dễ thấm nhập. Riêng Tổng đốc, Tuần phủ tại các tỉnh khác, không sâu sắc như Viên, lại vì nhu cầu nhân tài quân sự, nên ưu đãi giao cho các lưu học sinh Nhật Bản địa vị. Khi bộ lục quân thành lập cũng tìm cách lôi kéo nhân tài như vậy, nên trong đó không ít người thuộc thành phần cách mệnh, hoặc có cảm tình với cách mệnh.
Hồ Bắc là một trấn quan trọng của tân quân, chỉ dưới Bắc Dương mà thôi, Trương Chi Đổng tuyển dùng nhiều học sinh từng sang Nhật Bản học nghiệp binh, riêng năm 1998 có 24 người ; trong số đó có Ngô Bảo Trinh, tốt nghiệp Sĩ quan học hiệu, có tài lại nhiệt thành với cách mệnh. Năm 1903 trở về tỉnh Hồ Bắc, được Trương Chi Đổng trọng dụng, giao chức Tổng giáo tập tướng biền học đường, Giáo tập hộ quân toàn quân, liệu biện Vũ Xương phổ thông trung học đường, nên Bảo Trinh có cơ hội tuyên truyền cách mệnh. Tháng 6/1904 tại Hồ Bắc, Khoa học bổ tập sở, tổ chức đầu tiên của cách mệnh được thành lập ; kế đến tháng 2/1906 Nhật tri hội thành lập ; số người gia nhập phần đông là quân lính, học sinh tại tỉnh Hồ Bắc, thứ đến thuộc tỉnh Hồ Nam. Khoa học bổ tập sở chuẩn bị tham gia cuộc nổi dậy của Hoa hưng hội tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], nhưng không kịp thì cuộc nổi dậy bị thất bại. Nhật tri hội cùng Đồng minh hội liên lạc thông tin với nhau, chuẩn bị hưởng ứng cuộc nổi dậy của quân cách mệnh tại vùng biên giới Hồ Nam, Giang Tây, nhưng cuối cùng cũng thất bại. Tại thời gian này, số đoàn thể cách mệnh lớn nhỏ không dưới 20 tổ chức.
Trương Chi Đổng, Tổng đốc Lưỡng Hồ, ra sức đề xướng tân giáo dục, học đường tại Hồ Bắc, Hồ Nam mỗi ngày một tăng ; số học sinh ra trường thích tòng quân, có kẻ vì cơm áo, có người muốn thừa dịp cứu quốc. Cứu quốc thì theo cách mệnh, như vậy lực lượng chủ yếu của cách mệnh đã nằm trong quân ngũ, vận động tân quân hướng theo cách mệnh, đó là con đường ngắn và hữu hiệu. Tháng 3/1908 thành phần cũ của Nhật tri hội liên lạc với phần tử cách mệnh trong tân quân tổ chức Hồ Bắc quân đội đồng chí hội, tháng 7 chính thức thành lập tại Vũ Xương. Họ nhận thấy sĩ quan phần lớn thiếu tinh thần mạo hiểm, nên chú trọng chiêu tập binh sĩ, hội viên ước hơn 400 người. Để tránh các quan lại nghi kỵ, sau 5 tháng đổi thành Quần trị học xã. Tháng 4/1910 dân đói tại Trường Sa bạo động, Quần trị học xã định thừa cơ nổi dậy, nhưng nhà đương cục đề phòng quá nghiêm, nên việc không thành lại bị kềm kẹp. Vào tháng 8 cùng năm, chỉnh đốn tổ chức, lại đổi tên thêm lần nữa thành Chấn vũ học xã, số xã viên trên 200 người. Chẳng bao lâu tiếng tăm tiết lộ, bị nhà đương cục áp bách ; nên tháng 1/1911 phải đổi tên lần thứ ba thành Văn học xã, để chứng tỏ không có ý hoạt động chính trị ; Tưởng Dực Vũ làm Xã trưởng, cơ quan ngôn luận, Đại giang báo, phát hành tại Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Trong vòng 2 tháng, số xã viên lên đến 2 000, không chỉ thế lực cách mệnh trong tân quân tỉnh Hồ Bắc tiến nhanh, mà còn tụ họp được sự thống nhất.
Còn có một đoàn thể quan trọng khác được tổ chức tại Đông Kinh, Nhật Bản, mang tên Cộng tiến hội ; với lời hiệu triệu “ Cùng liều chết, tiến không lùi, thu hồi Trung Quốc, người Hán đứng làm chủ ” ; hội viên 9/10 thuộc thành phần Đồng minh hội theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến. Phần lớn xã viên Văn học xã thuộc Hồ Nam, Hồ Bắc ; Cộng tiến hội hội viên cũng phần lớn thuộc hai tỉnh này ; ngoài ra còn một số tại các tỉnh phụ cận : Tứ Xuyên, Giang Tây, An Huy. Năm 1908 tích cực hoạt động tại Hồ Nam, Hồ Bắc ; lập tổng cơ quan tại Hán Khẩu, Trường Sa ; đứng đầu là Lưu Công, Tôn Vũ người Hồ Bắc, Tiêu Đạt Phong người Hồ Nam, giao kết với hội đảng cùng hào kiệt các nơi. Đầu năm 1911, có người cảm thấy phẩm nhất các hội đảng không giống nhau, lại tự thị không chịu sự gò bó, nổi dậy thì dễ nhưng thành công rất khó ; riêng tân quân trình độ văn hoá tương đối cao, đối với chủ nghĩa cách mệnh, nhận thức có phần chính xác, về kỷ luật và huấn luyện các hội đảng không theo kịp, nên hướng về tân quân hoạt động, số hội viên lên đến 2 000 người. Lãnh đạo Cộng tiến hội, có kẻ từng tham gia cách mệnh tại Hồ Bắc, hoặc từng quen biết với xã viên Văn học xã, hai bên mục đích tương đồng, chiếu lý phải cùng nắm tay tiến lên ; nhưng cũng không miễn hỗ tương cạnh tranh.
Từ 1906 đến 1911 đảng cách mệnh nổi dậy 11 lần ; trong đó có 3 vụ nổi lên tại lưu vực sông Trường Giang, gồm 1 vụ tại Lưu Dương [Liuyang, Hồ Nam], Bình Hương [Pingxiang, Giang Tây] thuộc vùng biên giới các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam ; 2 vụ xẩy ra tại An Khánh [Anqing], tỉnh An Huy. Số còn lại 6 vụ xẩy tại Quảng Đông, 1 vụ tại biên giới tỉnh Quảng Tây, 1 vụ tại biên giới tỉnh Vân Nam. Vào tháng 2/1910 tân quân tại Quảng Châu cử sự bị thất bại, lãnh tụ Đồng minh hội tại các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc chủ trương từ đó trở về sau sẽ mưu đồ tại miền bắc, không nên chuyên sức lực tại Quảng Đông ; ước hẹn hội trưởng 11 phân hội tập hợp hội nghị. Tổng Giáo Nhân bảo rằng thượng sách cách mệnh nổi dậy tại trung ương, liên lạc quân đội phía bắc, Đông Tam Tỉnh làm hậu viện, một lần cử sự chiếm được Bắc Kinh, sau đó hiệu triệu toàn quốc ; trung sách do các tỉnh dọc sông Trường Giang đồng loạt cử sự, thiết lập chính phủ, sau đó bắc phạt ; hạ sách là chiếm ven biên, sau đó từ từ tiến thủ. Kết quả chọn trung sách, nhân vì tại lưu vực sông Trường Giang có cơ sở vững hơn. Hồ Bắc nằm giữa Trung Quốc, cần khởi nghĩa trước, do Hồ Nam, Tứ Xuyên cùng dấy lên theo để làm vững miền thượng du ; tiếp tục Sơn Tây, Thiểm Tây khởi sự, cắt thiết lộ Kinh Hán [Bắc Kinh – Hán Khẩu], chặn quân Thanh nam bắc giao thông ; hạ du sông Trường Giang cũng cử sự nhắm khống chế sông Trường Giang và cửa biển, khiến cho quân hạm địch bị cô lập. Tống Giáo Nhân cũng đề nghị Đồng minh hội tổ chức tổng bộ tại miền trung, làm cơ quan tổng trù hoạch ; sau này sự việc phát triển cũng gần như Tống trình bày. Tháng 10 Tống và Vu Hữu Nhiệm phát hành Dân lập báo, đối với sự tuyên truyền cách mệnh tại các tỉnh dọc sông Trường Giang có tác dụng rất lớn.
Năm 1911 Đồng minh hội chuẩn bị nổi dậy lần nữa tại Quảng Châu, đợi khi thành công sẽ chia đường tiến lên sông Trường Giang. Mệnh Cư Chính người tỉnh Hồ Bắc, Đàm Nhân Phong người Hồ Nam đi trước để bố trí ; lúc này đảng cách mệnh tại Hồ Bắc có phần hưng phấn. Tháng 5 được tin Quảng Châu thất bại, Cộng tiến hội không chùn bước, vẫn theo kế hoạch cũ thi hành, liên lạc với Văn học xã, dùng Vũ Xương làm chủ lực, Hồ Nam tiếp ứng. Thế lực Văn học xã trong quân phần lớn là Cộng tiến hội, nên thành phần này không khỏi tự thị, trên nguyên tắc cộng đồng hành động, nhưng chưa có phương án cụ thể. Đồng minh hội sau khi thất bại tại Quảng Châu, coi cách mệnh tại sông Trường Giang làm trọng yếu. Tháng 7, dưới sự lãnh đạo của Tống Giáo Nhân, Đàm Nhân Phong, và Trần Kỳ Mỹ tại Chiết Giang ; chính thức thành lập Đồng minh hội trung bộ tổng hội tại Thượng Hải, quyết định khởi nghĩa tại Vũ Xương ; phối hợp tiến hành cùng Cộng tiến hội, và Văn học xã. Đồng thời ban bố tuyên ngôn nêu rõ quá khứ đảng cách mệnh không chiến thắng nỗi Mãn Thanh, do “ Có tôn chỉ cộng đồng nhưng không có kế hoạch cộng đồng, có nhân tài thiết thực nhưng không có tổ chức thiết thực… nên mấy lần nổi dậy, mấy lần bại ” ; từ nay cần tuân mệnh tổng hội, không được khinh thường phát động, bồi bổ nguyên khí, dưỡng thực lực, đồng tâm đồng đức, cùng tạo thời cơ.
Khi vấn đề tranh chấp đường sắt giữa trung ương và địa phương nổi lên, tại Dân lập báo Tống Giáo Nhân mãnh liệt công kích chính quyền nhà Thanh mượn chính sách quốc hữu để mưu đồ trung ương tập quyền ngầm hưởng lợi, không tiếc đem đường sắt do các tỉnh làm, trao quyền cho ngoại bang, khiến tệ trạng giống như Đông Tam Tỉnh trước kia ; người dân Hồ Bắc, Hồ Nam cần phải tự cứu mình. Rồi phong trào tại Tứ Xuyên bùng nổ lớn, Tống Giáo Nhân lại hô hào dân tỉnh này đừng đấu tranh cục bộ trong việc dành đường sắt ; hãy tích cực cùng nhân dân cả nước quét sạch chính quyền Thanh ác độc.
Người 3 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông đồng thanh tương ứng, quyết vùng lên. Vào tháng 8, Tổng bộ trung bộ Đồng minh hội mệnh Văn học xã và Cộng tiến hội thực hành liên hợp. Hoàng Hưng trước đó yêu cầu Tôn Trung Sơn trù số tiền lớn, để mưu hưởng ứng vụ nổi dậy Tứ Xuyên ; đến khi biết được cuộc vận động tân quân tại Hồ Bắc thành công, thửa lúc đấu tranh đường sắt mãnh liệt, như mũi tên sắp bắn, chủ động dựa vào để hành động. Một khi chiếm được Hán Dương [Hanyang, Hồ Bắc] “ Công binh xưởng vào tay ta, tất đạn dược không lo thiếu, vũ lực đủ dựa để chống lại quân phía bắc, gửi hịch cho các vùng hạ du sông Trường Giang thì có thể định được… Nay đã có thực lực như vậy, lấy Hồ Bắc làm khu trung tâm, lấy Hồ Nam, Lưỡng Quảng làm sức mạnh hậu bị ; An Huy, Thiểm Tây, Tứ Xuyên đồng hưởng ứng để khiên chế, đại cuộc một lần dấy lên sẽ thành công. Đáng thừa cơ hội gấp, mãnh lực tinh tiến, so với việc khởi nghĩa tại Quảng Đông, nặng nhọc một nữa mà công thì gấp bội ”. Nhãn quan của đảng cách mệnh, chủ yếu về mặt quân sự, cuộc khởi nghĩa tại Vũ Hán có đầy đủ điều kiện thuận lợi.
2. Tân quân khởi nghĩa tại Vũ Xương
Đệ bát trấn tân quân tại tỉnh Hồ Bắc và Hỗn thành hiệp 1 thứ 21, ước 17 000 người ; khoảng 6 000 người từng gia nhập, hoặc liên lạc với Cộng tiến hội và Văn học xã. Vào khoảng tháng 8, 9, một số tân quân bị điều đi trấn áp phong trào dành đường sắt tại Tứ Xuyên, số khác chia ra phòng thủ tại Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc], Tương Dương [Xiangyang, Hồ Bắc], Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam], tổng cộng 9 000 người. Còn lại giữ Vũ Hán khoảng 8 000, trong số đó một nửa liên lạc với cách mệnh, chiếu theo tỷ lệ mà bàn, tình hình có lợi cho cách mệnh. Lúc bấy giờ toàn đất Tứ Xuyên sôi sục, lòng người tại Vũ Hán bàng hoàng, lời đồn rằng “ ngày 15/8 [Tây lịch 6/10] diệt giặc Thát ”. Đảng cách mệnh xét toàn cục, việc cử sự tại Hồ Bắc không có thể đợi thêm nữa. Ngày 16/9 Văn học xã, Cộng tiến hội tập họp, thực hành hợp tác ; sai người đi Thượng Hải, Hương Cảng mời Hoàng Hưng, Tống Giáo Nhân, Đàm Nhân Phong đến Hồ Bắc chủ trì, suy cử Tưởng Dực Vũ lâm thời Tổng tư lệnh quân cách mệnh ; Lưu Công, Tôn Vũ phân giữ Tổng lý chính phủ, Tham mưu trưởng. Ngày 22, tại Vũ Xương trong quân có biến, ngày 24 pháo binh ngoài thành bạo động, tin đồn tung ra ; giáo sĩ ngoại quốc bảo rằng sắp có biến cố lớn ; cùng ngày đảng cách mệnh quyết định phát động vào ngày 6/10. Triều đình Bắc Kinh mật lệnh Tổng đốc Thuỵ Trừng đề phòng ; Thuỵ Trừng cũng nhận được báo cáo tương tự, bèn hạ lệnh giới nghiêm, chiến hạm tuần tiễu trên sông, tân quân đạn dược bị thu, nên đảng cách mệnh không thể hành động đúng ngày.
Ngày 9/10 trụ sở Cộng tiến hội tại tô giới Nga, chế tạc đạn, bất cẩn bị phát nổ, cơ quan bị người Nga khám bắt ; danh sách, văn thư, cờ xí, ấn tín bị tịch thu mang đi. Trong ngày Tưởng Dực Vũ tại Vũ Xương ban bố mệnh lệnh khởi nghĩa lúc 12 giờ đêm. Cùng trong ngày, Văn học xã tại Vũ Xương cũng bị khám phá, bắt đi hơn 30 người, sáng hôm sau 3 người bị hại. Tân quân binh sĩ nằm trong danh sách Văn học xã, Cộng tiến hội cảm thấy nguy, chỉ còn cách cầu sống trong cái chết. Vào lúc 7 giờ tối, đơn vị công binh thuộc Đệ bát trấn nổi dậy tại thành Vũ Xương, trước tiên đoạt kho vũ khí, rồi đón pháo binh vào thành, tiến đánh nha môn Tổng đốc, số người tham gia khoảng 2 000. Tổng đốc Thuỵ Trừng cùng Thống chế Đệ bát trấn Trương Bưu lần lượt bỏ trốn ; trong vòng một đêm quân cách mệnh chiếm toàn thành Vũ Xương. Lúc bấy giờ vào ngày 10/10/1911, tức ngày 19/8 năm Tân Hợi Tuyên Thống thứ 3.
Cơ quan cách mệnh thường bị khám phá, lãnh đạo tản mác mỗi nơi, không đủ khuôn mặt lớn tham gia khởi nghĩa, cục diện như rồng không đầu ; nên không thể không suy tôn người có danh vọng tại Hồ Bắc chủ trì. Trước tiên định mời Nghị trưởng Tư nghị cục Thang Hoá Long, nhưng Thang vốn không liên quan đến cách mệnh, lại tự cho rằng không am tường quân sự ; bởi vậy cần chọn một người trong tân quân, được quần chúng tín nhiệm ; mới có thể chống với quân Thanh từ phía bắc xuống và được các tỉnh hưởng ứng. Quân cách mệnh bèn mời Hiệp thống Hỗn thành hiệp Lê Nguyên Hồng [1864-1928] làm Đô đốc quân Hồ Bắc ; lúc bấy giờ Lê là sĩ quan cao cấp thứ hai tại Hồ Bắc, chỉ dưới quyền Thống chế Trương Bưu. Lê xuất thân từ Thuỷ sư học đường Thiên Tân, tính tình cẩn trọng, chăm chỉ, từng được Sư trưởng Nghiêm Phục để ý đến ; Nghiêm phê bình Lê “ Đức cao, tài sơ ” [Đức cao, tài ít]. Sau khi tốt nghiệp, phục vụ tại Quảng Đông, từng tham gia chiến tranh Trung Nhật năm Giáp Ngọ, Chỉ huy thuyền máy bị quân Nhật đánh chìm, trôi dạt trên biển, may được cứu. Sau đó theo Trương Chi Đổng, cải sang lục quân, từng qua Nhật quan sát 3 lần. Tuy không phải là đảng viên cách mệnh, nhưng Lê có địa vị, lại được lòng quân, có tư cách để hiệu triệu quần chúng. Ngày 11, Lê Nguyên Hồng với danh nghĩa Đô đốc quân tỉnh Hồ Bắc, tuyên bố khởi nghĩa này là cuộc cách mệnh dân tộc lật đổ triều Thanh, để kiến tạo chính thể cộng hoà vĩnh viễn. Thang Hoá Long liên hợp các giới, với danh nghĩa Tư nghị cục, Giáo dục hội, Vũ Xương thương hội hô hào các tỉnh khởi nghĩa. Trong vòng 2 ngày thu phục Hán Dương, Hán Khẩu [Hankou], tình hình ổn định nhiều.
Ngày 12/10 quân cách mệnh khuếch trương thành 4 hiệp ; còn có đơn vị Mã, pháo, công binh ; hiện kim trong ngân khố tỉnh hơn 400 vạn nguyên, tài chính sung túc. Trong ngày, đối ngoại thanh minh rằng điều ước trong quá khứ vẫn có giá trị, bồi khoản, tiền nợ vẫn theo cũ đảm trách, bảo hộ quyền lợi và tài sản của các nước, không có ý bài ngoại. Ngày 17/10 phân biệt công bố Đô đốc phủ quân Hồ Bắc tổ chức pháp, và Hồ Bắc ước pháp ; do Đô đốc phủ là Quân chính phủ, Tôn Vũ làm trưởng quân vụ, dưới quyền nhiều đảng viên cách mệnh ; Thang Hoá Long trưởng chính sự, dùng nhiều người thuộc phái thân sĩ lập hiến. Ước pháp Hồ Bắc quy định nhân dân có quyền lợi tự do và nghĩa vụ ; phân biệt hành chính, tư pháp, lập pháp, có thể xem đây là tiếng nói đầu tiên của hiến pháp Trung Quốc.
Ngày 18 Tổng lãnh sự các nước tuyên bố trung lập. Quân cách mệnh “ tuy không có người chỉ huy, nhưng mỗi người chuẩn bị tiến công, đồng bào Hán tộc dang tay trợ chiến ; thậm chí phụ nữ tuy ôm con cũng mang trà uỷ lạo quân sĩ ”. Ngày 19, đánh bại quân Thanh từ phía nam lại. Lê Nguyên Hồng biết thời cơ có thể làm việc lớn, bèn “ Thề quân tuyên ngôn, quyết chí khôi phục lãnh thổ nhà Hán.”
3. Mười bốn tỉnh giành độc lập
Cách mệnh tại Vũ Xương do tân quân phát động trước, Tư nghị cục phụ theo ; kế tiếp tại các tỉnh cách thức nổi dậy đại để tương đồng ; thực lực dựa vào tân quân, uy tín chính trị xã hội dựa vào Tư nghị cục. Trước đó phần lớn Nghị viên Tư nghị cục đều thuộc phái lập hiến ; một nhánh do Trương Tái lãnh đạo tương đối ôn hoà, nhánh khác do Lương Khải Siêu lãnh đạo có phần cấp tiến, thế lực lớn hơn phe Trương Tái. Trương Tái thân cận với Viên Thế Khải, hy vọng Viên xuất hiện trở lại ; lại có sự liên lạc với Thân vương Tái Trạch. Lương với Tái Đào thân cận, hy vọng bỏ việc cấm hội Bảo hoàng, cho Lương hoặc Khang chấp chính ; nhưng bị Tái Trạch cùng Long Dụ Thái hậu áp chế. Ba lần thỉnh nguyện lập quốc hội không thành, lại bị đàn áp, phái Lương Khải Siêu có ý lật đổ chính phủ, tiếp tục hợp tác với cách mệnh.
Cuộc vận động cách mệnh tại Hồ Bắc, Hồ Nam coi như một ; không ít người gốc Hồ Nam đã tham gia cuộc khởi nghĩa tại Vũ Xương. Ngày 22/10 bọn Tiêu Đạt Phong, Trần Tác Tân hưởng ứng tại Hồ Nam, đuổi Tuần phủ Hồ Nam, chia ra giữ chức chánh phó Đô đốc, Nghị trưởng Tư nghị cục Đàm Diên Khải [1880-1930] làm Viện trưởng Tham nghị viện. Tiêu, Trần đều là thanh niên tính nóng, bị các thân hào nhân sĩ bất mãn ; Đàm tính trung hoà chính trực, người đương thời khen. Vào ngày 31/10 binh biến tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] Tiêu, Trần bị giết ; Đàm giữ chức Đô đốc, đối với các bên đều tương đắc, tình hình được ổn định.
Thiểm Tây khởi nghĩa cùng ngày với Hồ Bắc ; thành phần tham gia gồm tân quân, học sinh lục quân, hội đảng, Tư nghị cục ; Trương Phong Tuế, tân quân, giữ chức Đô đốc. Quân Bát kỳ trú phòng chống cự trong 2 ngày, mấy ngàn người từ Tướng quân trở xuống bị giết.
Ngày 24/10 khởi sự tại Cửu Giang, Giang Tây, Tiêu 2 thống tân quân Mã Dục Bảo làm Đô đốc, giao thông trên sông Trường Giang bị ngăn trở. Ngày 31, Tư nghị cục, thân sĩ thương gia cùng học giới tại Nam Xương tuyên bố độc lập, Tuần phủ bỏ trốn. Hiệp thống tân quân Ngô Giới Chương giữ chức Đô đốc, doanh tuần phòng và hội đảng không phục, nên thay đổi, giao cho Lý Liệt Quân, một Sĩ quan tốt nghiệp tại Nhật Bản thuộc thành phần cách mệnh giữ chức này.
Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, cử sự vào ngày 29/10, Tuần phủ bị giết ; Tư nghị cục suy cử Tiêu thống Diêm Tích Sơn [1883-1960] làm Đô đốc ; Diêm tốt nghiệp Sĩ quan, là người thuộc cách mệnh. Tháng 12 quân Thanh đánh vào Sơn Tây, Diêm chạy vào Tuy Viễn 3 [Nội Mông] ; năm sau trở lại Thái Nguyên, từ đó thống trị Sơn Tây hơn 30 năm.
Ngày 27/10 Đằng Việt [Tengchong] tại tỉnh Vân Nam tuyên bố độc lập, ngày 30 tỉnh lỵ Côn Minh [Kunming] tiếp tục khởi nghĩa. Lãnh đạo gồm Hiệp thống tân quân Thái Ngạc [1882-1916] người tỉnh Hồ Nam, Tiêu thống La Bội Kim, Tổng biện huấn luyện vũ học đường Lý Căn Nguyên ; riêng Tổng đốc Vân Quý bỏ trốn. Thái giữ chức Đô đốc, La giữ Quân chính bộ trưởng, Lý giữ chức Viện trưởng Tham nghị viện. Thái từng học nghiệp Lương Khải Siêu, nhưng liên lạc gần gũi với cách mệnh ; riêng La, Lý thuộc Đồng minh hội ; cả 3 cùng là Sĩ quan học tại Nhật Bản.
Vào ngày 4/11 Quý Châu giành độc lập, lãnh đạo là Hội trưởng Tự trị học hội Trương Bách Lân, hội này cũng liên quan với Đồng minh hội ; ngoài ra Hiến chính dự bị hội cũng tham dự. Tư nghị cục suy cử Dương Tẫn Thân, sĩ quan tốt nghiệp tại Nhật giữ chức Giáo tập tân quân làm Đô đốc ; Trương Bách Lân và Thủ lãnh Hiến chính dự bị hội làm Chánh, Phó viện Khu mật. Tại đây Lập hiến hội và phái cách mệnh như nước và lửa ; riêng Ca lão hội khí thế khuếch trương. Thái Ngạc sai Đường Kế Nghiêu mang quân từ Vân Nam đến đoạt chức Đô đốc. Có thuyết bảo rằng Lương Khải Siêu từng ra lệnh Thái Ngạc tiến chiếm Tứ Xuyên, Quý Châu, Thái cũng muốn mang quân phát triển bên ngoài để an định nội bộ.
Tại Giang Tô, Thượng Hải cử sự sớm nhất vào ngày 3/11 ; lãnh đạo là Trần Kỳ Mỹ, người của cách mệnh, từng du học Nhật Bản. Cách mệnh có được Thượng Hải, tức có đủ lương hướng vũ khí đạn dược. Vào ngày 5/11, Tuần phủ tỉnh Giang Tô Trình Đức Toàn theo lời yêu cầu của phái lập hiến, xưng độc lập tại Tô Châu ; Trình là quan địa phương đầu tiên của nhà Thanh tham gia cách mệnh ; việc này do Trương Tái đốc thúc, muốn tìm cách khiên chế đảng cách mệnh. Theo gót là khởi sự tại Trấn Giang, quan hệ đối với Nam Kinh rất lớn. Ngày 8/11 Thống chế Đệ cửu trấn Từ Thiệu Trinh mang tân quân từ ngoài thành tấn công vào nhưng không hạ được, bèn rút về Trấn Giang. Được Giang Tô, Chiết Giang yểm trợ, tấn công lần thứ hai, qua 8 ngày chiến đấu đánh bại Đề đốc Giang Nam Trương Huân ; vào ngày 2/12 chiếm lãnh Nam Kinh, kết quả phía nam sông Trường Giang không còn tông tích quân Thanh. Lúc bấy giờ không giữ được Hán Dương, Vũ Xương nguy cấp ; thắng lợi Nam Kinh khiến thanh uy quân cách mệnh lại phấn chấn, Trần Kỳ Mỹ điều động chi viện, công lao rất lớn.
Nghị trưởng Tư nghị cục tỉnh Chiết Giang thuộc phái lập hiến, Phó nghị trưởng thuộc đảng cách mệnh, định dùng phương sách hoà bình để giành độc lập ; nhưng Tuần phủ và Tướng quân trú phòng trì nghi không quyết. Ngày 5/11 tân quân chiếm lãnh Hàng Châu, suy cử Thang Thọ Tiềm người phái lập hiến làm Đô đốc, người đảng cách mệnh giữ chức Tổng tư lệnh, cùng Chính sự bộ trưởng.
Tại Quảng Tây, Liễu Châu [Liuzhou] hưởng ứng trước ; Tuần phủ Thẩm Bỉnh Khôn cùng Tư nghị cục bị tân quân áp bách nên vào ngày 17/11 tuyên bố độc lập ; Thẩm làm Đô đốc, Bố chánh Vương Chi Tường giữ chức phó. Qua 2 ngày xẩy ra binh biến tại doanh phòng thủ, Thẩm và Vương lấy cớ đi đánh phía bắc bèn rời khỏi Quế Lâm, Đề đốc Lục Vinh Đình được nắm chức Đô đốc Quảng Tây, từ đó chiếm cứ Quảng Tây trong 10 năm.
An Huy bắt đầu hưởng ứng nổi dậy tại Thọ Châu [Fengtai]. Tư nghị cục muốn bắt chước Giang Tô, yêu cầu chuyển giao chính quyền ; cuộc bàn định chưa xong thì tân quân tại An Khánh [Anqing] tuyên bố độc lập vào ngày 8/11. Do việc tranh giành Đô đốc, nhiễu nhương hơn một tháng, cuối cùng vào tay Tôn Dục Quân, thuộc phe cách mệnh lại từng du học tại Nhật Bản.
Sau khi Vũ Xương khởi nghĩa, quan quân Thanh phòng bị Quảng Châu rất nghiêm, cách mệnh cũng hoạt động đắc lực. Ngày 24/10 viên Tướng quân Phong Sơn bị tạc đạn tại Quảng Châu chết. Tư nghị cục và thân sĩ thương nghị tự trị, viên Tổng đốc Trương Minh Kỳ lúc đầu chấp thuận nhưng sau lại hối. Quân cách mệnh rầm rộ nổi lên khắp nơi, Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn liên lạc với cách mệnh. Ngày 9/11 Tư nghị cục và các đoàn thể nghị quyết độc lập, suy cử Hồ Hán Dân làm Đô đốc.
Phái lập hiến và đảng cách mệnh tại Phúc Kiến tương đối hoà hợp. Đầu tháng 11, có tin đồn rằng quân bát kỳ sắp đánh tân quân, Tư nghị cục quyết định giành độc lập, Hiệp thống tân quân Hứa Sùng Trí cử sự, Tổng đốc Mân Chiết tự tử, Tướng quân Phúc Châu [Fuzhou] bị giết. Ngày 10/11 bình định xong toàn thành, Thống chế tân quân Tôn Đạo Nhân giữ chức Đô đốc, người cách mệnh giữ chức Viện trưởng chính vụ ; Nghị trưởng Tư nghị cục thuộc lập hiến giữ chức Dân chính bộ trưởng.
Tuần phủ Sơn Đông nhân các giới tại Tế Nam [Jinan, Sơn Đông] cùng tân quân yêu cầu ; vào ngày 13/11 tuyên bố độc lập. Lúc bấy giờ Viên Thế Khải nắm trọng quyền tại Bắc Kinh, tân quân tại Sơn Đông thuộc hệ phái Bắc Dương, thái độ chuyển biến, triệt tiêu nền độc lập sau 20 ngày ; duy quân cách mệnh vẫn chiếm giữ Yên Đài [Yantai, Sơn Đông].
Thực tế cách mệnh Tân Hợi đã khởi sự tại Tứ Xuyên vào ngày 8/9 ; đảng cách mệnh, Đồng chí hội thuộc Ca lão hội bạo phát, tiến công vào Thành Đô. Hồ Bắc, Hồ Nam, Thiểm Tây, Vân Nam, Quý Châu giành độc lập ; tiếng ca chiến thắng vang rền bốn phía. Ngày 22/11 Trùng Khánh dành độc lập, viên Đốc biện thiết lộ Xuyên-Hán Đoan Phương bị tân quân Hồ Bắc giết tại Tư Châu [Zizhong, Tứ Xuyên] ; Tổng đốc Triệu Nhĩ Phong biết rằng sự việc không thể làm gì hơn, bèn thả những người đã tranh đấu đường sắt như Nghị trưởng Tư nghị cục Bồ Điện Tuấn, La Luân vv… hai bên cùng bàn bạc, Bồ giữ chức Đô đốc. Ngày 27/11 Thành Đô tuyên bố độc lập, cho quân lính tự do 10 ngày, quân kỷ lỏng lẻo. Ngày 8/12 doanh phòng thủ nổi biến, Bồ Điện Tuấn rời chức ; Tổng biện lục quân tiểu học Sĩ quan tốt nghiệp Nhật Bản Y Xương Hoành kế tục chức Đô đốc, đảng cách mệnh đương quyền, phái lập hiến thất thế.
Ngoại trừ các tỉnh nêu trên, vào tháng 10 Phụng Thiên tư nghị cục và tân quân mưu độc lập, bị Tổng đốc Triệu Nhĩ Tốn cùng viên Thống lãnh doanh tuần phòng xuất thân từ thảo khấu, Trương Tác Lâm [1875-1928], áp chế. Vào tháng 11 đổi thành Quốc dân bảo an hội, Triệu Nhĩ Tốn làm hội trưởng, vẫn ủng hộ triều Thanh ; đảng cách mệnh tiếp tục khởi sự tại địa phương nhưng ảnh hưởng không lớn. Cát Lâm, Hắc Long Giang cũng phỏng theo Phụng Thiên [Liêu Ninh], lập Bảo an hội.
Tháng 12, đảng cách mệnh khởi sự tại Lục Lâm phía tây Hà Nam, Khai Phong học hội chuẩn bị hưởng ứng nhưng không thành. Tháng giêng năm sau, tân quân dành độc lập tại Loan Châu [Luanzhou], Trực Lệ [Hà Bắc].
Hạ lưu sông Trường Giang là nơi chủ yếu quân Thanh và cách mệnh tranh giành, hải quân ra tay cao thấp. Hạm đội quân Thanh tại sông Trường Giang do Đề đốc Tát Trấn Băng thống suất ; Lê Nguyên Hồng đối với Tát là thầy trò, Thang Hoá Long với Tham mưu Hải quân Thang Hương Minh lại là anh em, chia nhau khuyến khích theo ; quan binh hải quân trí thức tương đối cao, không ít đồng tình với cách mệnh. Trung tuần tháng 11 các chiến hạm từ Vũ Xương đến Cửu Giang đều theo quân cách mệnh. Chiến hạm tại Thượng Hải, Trấn Giang thì đã theo cách mệnh trước đó, khiến quân Thanh không có cách nào nhảy vào sông Trường Giang
Chú thích:
1 Hỗn thành hiệp tức hiệp quân hỗn hợp kỵ binh, bộ binh và pháo binh. Biên chế quân đội nhà Thanh lúc bấy giờ, 1 trấn chia thành 2 hiệp ; 1 hiệp chia thành 2 tiêu. Trấn tương đương với sư đoàn, hiệp tương đương với lữ đoàn, tiêu tương đương với trung đoàn.
2 Theo biên chế tân quân thời cuối Thanh, tiêu tương đương với trung đoàn.
3Tuy Viễn : nay thuộc Hô Hoà Hạo Đặc thị, thuộc Nội Mông
II. Cơ hội của Viên Thế Khải [1911-1912]
1. Viên trở lại chính trườngMãn Thanh thành kiến với người Hán sâu sắc không phá được. Sau cuộc chính biến năm Mậu Tuất [1898] lại càng nghiêm trọng, những người thuộc đảng cách mệnh, duy tân vốn đã cừu hận ; đến như Viên Thế Khải cũng bị ức chế, mấy lần bị bãi truất. Trong thời gian cách mệnh Tân Hợi, Tổng đốc, Tuần phủ tại các tỉnh trừ một số chết, số còn lại thì trốn tránh hoặc theo, càng làm cho chính quyền nhà Thanh sụp đổ mau.
Viên Thế Khải sau khi bị bãi truất, bèn rời khỏi kinh đô, trở về Chương Đức [nay Anyang, Hà Nam]. Chương Đức là một trong những thành lớn thuộc tỉnh Hà Nam gần với Bắc Kinh ; lại có đường sắt Kinh Hán đi qua, giao thông tiện lợi, liên lạc tin tức nhanh chóng; Dịch Khuông, Từ Thế Xương, Na Đồng vẫn thường liên lạc. Con trưởng Viên Khắc Định vẫn còn làm việc tại kinh đô, có thể giúp Viên thám thính tình hình.
Từ trước tới nay quý tộc Mãn Thanh lo sợ trước thanh uy của cách mệnh ; sau cuộc khởi nghĩa tại Hồ Bắc thì những người kiếp nhược như Tái Phong, vô học không hiểu biết như Long Dụ Thái hậu, hôn ám như Dịch Khuông ; cùng những người chưa từng trải qua đại sự như Tái Trạch, Tái Đào rất kinh hoàng chấn hãi. Ngày 20/10 đem Tổng đốc Hồ Bắc Thuỵ Trừng cách chức bắt “ đái tội lập công ”, một mặt sai Đại thần lục quân Ấm Xương mang quân đánh dẹp. Lục quân lúc bấy giờ chia thành 3 quân, mỗi quân khoảng 2 trấn. Đệ nhất quân đương tiền địch, do Ấm Xương đích thân chỉ huy. Đệ nhị quân cảnh giới Trực Lệ, Sơn Đông, do Quân tư sứ Phùng Ngọc Chương [1859-1919] đốc suất. Đệ tam trấn đóng gần kinh thành do Quân tư đại thần Tái Đào đốc suất. Hai quân đệ nhất, đệ nhị do các trấn 2,3,4,5,6 của Bắc dương tổ chức thành ; riêng đệ tam quân do quân cấm vệ, cùng kinh kỳ cải biên đệ nhất trấn lập nên. Âm Xương xuất thân từ bát kỳ, từng du học Đức, nhưng thiếu tài năng ; Tái Đào không rành việc quân lữ, không có chút kinh nghiệm nào về chiến tranh ; riêng Phùng Ngọc Chương là tay chân của Viên Thế Khải.
Khi phong trào tranh chấp đường sắt dâng cao tại Tứ Xuyên, Dịch Khuông đã có ý dùng Viên Thế Khải. Hiện tại tình hình khẩn trương, nên một mặt vấn kế Viên, một mặt cùng với Từ Thế Xương, Na Đồng khuyên Giám quốc Tái Phong, Long Dụ Thái hậu ; Công sứ đoàn tại Bắc Kinh cũng cho rằng ngoài Viên Thế Khải không ai có khả năng bình loạn, Ngôn quan 1 cũng có lời xin như vậy. Tái Phong, Long Dụ Thái hậu cùng với Đại thần thân quý không có cách nào giải quyết, đành phải chấp thuận để cứu cấp tình trạng lửa bốc cháy lông mày. Ngày 14/10 giao cho Viên chức Tổng đốc Hồ Quảng và Sầm Xuân Huyên giữ chức Tổng đốc Tứ Xuyên, với dụng ý lấy Hán chế Hán. Trong ngày ban bố mệnh lệnh, người thân cận Viên khuyên không nên ra một lần nữa, sợ khi sự việc bình ổn sẽ nguy đến tính mệnh. Viên đã có sẵn kế hoạch trong bụng, biết rõ trước mắt triều Thanh không thể không dùng, nhưng chức Tổng đốc Hồ Quảng không vừa ý nên xưng bệnh từ chối, với chủ ý rút lui một bước để tiến hai, ba ; hy vọng quan cao hơn, quyền lực lớn hơn. Rồi chiếu chỉ thúc dục lên đường, giao quyền điều động toàn quân thuỷ lục lưu vực sông Trường Giang, lại sai Từ Thế Xương đến Chương Đức đốc thúc. Viên Thế Khải đề xuất điều kiện, gồm 6 điểm :
– Năm sau mở quốc hội.
– Khoan dung người gây biến tại Vũ Xương,
– Bỏ việc cấm đảng.
– Được nắm tổng quát binh quyền.
– Cho thêm quân phí rộng rãi.
Nói tóm lại Viên đòi tự chủ hành động, nắm cả binh quyền lẫn chính quyền. Ngày 21/10, triều đình nhà Thanh chuẩn bị mộ thêm 1 trấn và đưa thêm ngân khoản 400 vạn. Viên xin Thanh triều tạm đình chỉ tiến công và biểu lộ thiện ý bằng cách sai Lưu Thừa Ân viết thư cho Lê Nguyên Hồng bàn hoà. Ngày 25/10 cải phái Phùng Ngọc Chương Tổng thống Đệ nhất quân, Đoàn Kỳ Thuỵ [1865-1936] Tổng thống Đệ nhị quân. Ngày 27/10 giao cho Viên Thế Khải chức Khâm sai đại thần, triệu Ấm Xương trở về. Ngày 30/10 Viên đến Hồ Bắc điều quân.
Học sinh Trung Quốc học tập quân sự tại Nhật Bản, tham gia Đồng minh hội trên 100 người, không ít số còn lại làm việc tại bộ lục quân, quân tư phủ. Năm 1908, sau khi Viên bị bãi chức, bọn họ thừa cơ thuyết phục quý tộc hoàng thân đưa những người đồng học vào, để làm yếu thế lực Viên sẵn có trong quân ; điều này đánh trúng lòng mong muốn của bọn Tái Đào ; nên Ngô Lộc Trinh, Trương Thiệu Tăng, Lam Thiên Uỷ được chia ra giữ chức Thống chế, Hiệp thống, nắm một phần binh quyền quân Bắc Dương. Trước khi Viên Thế Khải xuống đến Hồ Bắc, thì Hồ Nam, Thiểm Tây, Cửu Giang đã giành được độc lập ; ngày 29/10 Sơn Tây độc lập. Cùng trong ngày Thống chế Trương Thiệu Tăng chỉ huy trấn 20 tại Loan Châu [Luanzhou, Hà Bắc] phía đông Bắc Kinh, liên kết với Lam Thiên Uỷ Thống lãnh hỗn thành hiệp tại Phụng Thiên, yêu cầu sớm lập quốc hội, tổ chức nội các không có người Hoàng tộc, dùng chính trị phạm ; lại doạ rằng “ quân tình dao động, trước và sau lưng đều đáng lo ”. Hành động này được gọi là “ Loan Châu binh gián ” ; Thanh đình dưới sự uy hiếp nặng nề, nên chấp nhận toàn bộ. Ngày 1/11 Viên Thế Khải thay Dịch Khuông giữ chức Tổng lý đại thần, nắm được chính quyền.
Ngô Lộc Trinh, Thống chế trấn thứ 6 đóng tại Thạch Gia Trang phía nam Bắc Kinh là kình địch của Viên Thế Khải ; Ngô liên lạc với Trương Thiệu Tăng, Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây, chuẩn bị chiếm Bắc Kinh, phía nam đánh Chương Đức, đoạn tuyệt đường huyết mạch của Viên Thế Khải. Ngày 2/11 chặn khí giới đạn dược vận chuyển đến Hồ Bắc, yêu cầu đình chỉ chiến tranh ; đây là đòn sinh tử đánh vào triều Thanh và Viên. Rồi 5 ngày sau đó, Ngô bị giết 2, binh quyền Trương Thiệu Tăng bị giải thể, Bắc Kinh từ nguy trở thành yên, địa vị Viên không bị tổn thất. Lê Nguyên Hồng tỏ ý cho Viên biết rằng “ chỉ cần Viên trở về ” với cách mệnh, thì nhiệm kỳ thứ nhất Tổng thống sẽ vào trong tay Viên.
2. Liệt cường vì quyền lợi ủng hộ Viên Thế Khải
Triều đình nhà Thanh dùng lại Viên Thế Khải, muốn Viên trung thành ra sức dẹp tan đảng nghịch. Viên đối với triều đình thì đòi hỏi, đối với cách mệnh sử dụng biện pháp vừa cương vừa nhu. Viên biết rằng uy tín nhà Thanh đã hết, vận mệnh không thể vãn hồi ; cho dù đánh lấy được Vũ Xương, với thực lực dưới tay vài vạn quân, cũng không có khả năng đánh dẹp hết cả nước. Nếu cứ để dằng dai, tình hình biến chuyển khó có thể ứng phó ; bởi vậy tiến thoái lưỡng lự. Khi Viên mang quân xuống miền nam, từng tâm sự với người thân rằng “ Lực lượng ta dù mạnh cũng không ngược đãi cách mệnh ” ; người thân khuyên rằng “ Phàm việc nên để lại chút tình ”.
Lúc bấy giờ khí thế cách mệnh dâng cao, Viên cần ra uy để làm bớt nhuệ khí. Cuối tháng 10 quân Viên thắng, đầu tháng 11 lấy được Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Viên cho rằng quân cách mệnh đã khống chế, bèn sai sứ giả đem thư đến xin bàn hoà. Đảng cách mệnh hiểu rõ sự mâu thuẫn giữa Viên và triều Thanh, cùng dã tâm của Viên, bèn thừa dịp đem điều lợi hại ra lay động, khuyên cùng chung sức phản Thanh, bảo rằng “ Quân của chúng tôi thanh thế ngày một lớn, còn Chấp sự thì chức tước mỗi ngày một cao. Giả sử quân Hồ Bắc bị Mãn Thanh khuất phục, thì chỉ trong một vài ngày sẽ lâm vào tình trạng ‘Chim hết, bẻ cung ; thỏ chết, chó bị làm thịt’. Chấp sự công cao bị chúa hiềm nghi, lúc bấy giờ muốn trở về sống yên tại Chương Đức quê nhà, cũng không được nữa. Long Dụ còn sống, thì chuyện năm Mậu Tuất [1898] 3 sẽ không bao giờ quên… Đáng hiểu điều nhân thì không nhường cho ai, thấy nghĩa phải dõng mạnh làm, không thể khác được ”. Lời nói động vào gan ruột, thấy được tâm bệnh của Viên ; tuy nhiên lúc bấy giờ chưa nắm được toàn cuộc, nên Viên chưa vội hành động, cần phải đợi thời cơ chin muồi, lấy được chính quyền nhà Thanh một cách thuận lợi, lúc đó mới chắc giành được chức Tổng thống vào tay.
Ngày 13/11 Viên từ Hồ Bắc đến Bắc Kinh, ngày 16 thành lập nội các. Trước kia Quân cơ đại thần, hoặc Tổng lý nội các mỗi tháng vào cung triều kiến một lần, nay huỷ bỏ. Các nha môn có việc muốn tâu thông qua nội các liệu biện, muốn xin chiếu chỉ do nội các thay mặt tâu lên ; nói một cách khác mọi việc chính trị đều tập trung vào Viên, do Viên quyết định. Còn về quân vụ, quân hải lục tại Hồ Bắc do Viên trực tiếp chỉ huy ; sau khi Viên đến Bắc Kinh lại nắm giữ binh quyền tại kinh kỳ, đệ tam quân, cấm vệ quân trước kia dưới quyền Tái Đào nay do Phùng Quốc Chương tiếp tục chỉ huy, 1 trấn mới biên chế cải thành quân cận vệ.
Sau khi Hán khẩu thất thủ, quân cách mệnh rút về Hán Dương. Lúc bấy giờ Hoàng Hưng đến Vũ Xương giữ chức Tổng tư lệnh, dưới quyền có quân Hồ Bắc cùng viện quân Hồ Nam. Vào ngày 17/11 Hoàng Hưng điều 8 000 quân phản công ; bị hơn 1 vạn quân của Phùng Quốc Chương đánh bại. Rồi đánh tiếp trong 6 ngày ; cuối cùng vì vũ khí không tốt, quân thiếu huấn luyện, nên ngày 27 mất tiếp Hán Dương, Hoàng Hưng trở về Thượng Hải. Phùng Quốc Chương định thừa thắng đánh Vũ Xương, Viên đích thân điện ra lệnh dừng ; lại điện cho Lê Nguyên Hồng đề nghị đình chiến, giao cho Phùng Quốc Chương ở gần, tìm cách thương lượng. Đoàn Kỳ Thuỵ, mới đến nhậm chức Tổng đốc Hồ Bắc, cũng đề nghị hưu chiến. Mưu sĩ của Viên là Vương Tích Đồng cũng bảo rằng “ Khí lực của cách mệnh khắp cả nước, nếu lấy binh lực để đàn áp, mối hoạn sẽ dấy lên ; đó không phải là kế hay. Vả lại Đại thần chuyên chính, lập công không ai theo kịp, chỉ có hai con đường : thứ nhất, như Nhạc Phi, thân chết mà nước nguy ; thứ hai, như Tào Tháo, bão táp không dung cả vua ; cả hai đường, nếu không phải là vua giết bầy tôi, thì cũng là bầy tôi giết vua; Tướng công nên cư xử theo đường nào ? ” lời khuyên khiến Viên càng thêm rõ đường đi. Một người bạn cũ của Viên là Công sứ Anh John Jordan [Chu Nhĩ Điển], trước kia cùng Viên làm việc tại Triều Tiên, năm 1906 John làm Công sứ tại Trung Quốc, cũng khuyên Viên nên chấm dứt hành động quân sự và thu xếp để Lãnh sự Anh tại Hán Khẩu H. Goffe [Cát Phúc] giúp điều đình. Quân cách mệnh tại Vũ Xương nguy trong sớm tối, nên chấp nhận theo lời đề nghị. Ngày 21 hiệp nghị thành lập, từ đó trở về sau không có chiến tranh tại Vũ Xương.
Vào năm Canh Tý [1900] trong khi loạn Nghĩa Hoà đoàn dấy lên ở kinh thành, riêng tại Sơn Đông Viên Thế Khải thi thố, được các nước Tây phương khen. Đến khi giữ chức Bắc dương đại thần, cùng Thượng thư ngoại vụ ; đối nội thi hành chính sách mới, đối ngoại giao hảo tốt với Anh, Mỹ ; tiếng tăm nổi lên. Sau khi Viên bị bãi truất, uy tín nhà Thanh xuống dốc ; Anh, Mỹ không còn hy vọng gì ở nhà Thanh, nhưng không ưa cách mệnh đắc thế, nên muốn Viên quay lại nắm chính quyền. Sau cuộc nổi dậy tại Vũ Xương, Công sứ Mỹ W. J. Calhoun [Gia Lạc Hằng] tại hội nghị Công sứ đoàn, tuyên bố rằng chỉ có Viên mới bình loạn được. Ngoại trừ Công sứ Nhật Bản Y Tập Viện Nhan Cát, các viên Công sứ khác đều đồng ý, đó là một trong những lý do tại sao Dịch Khuông yêu cầu Tái Phong nên dùng lại Viên Thế Khải. Trong ngày ban bố dụ cử Viên làm Tổng đốc Hồ Quảng, Công sứ Anh John Jordan điện cho Bộ trưởng ngoại giao E. Grey [Cát Lôi] rằng việc bổ nhiệm này có thể bảo đảm sự trung thành của quân Bắc dương, tăng gia lực lượng cho chính phủ Thanh xử lý nguy cơ. Hai ngày sau, Đại Lục báo của người Mỹ tại Thượng Hải phát hành bài xã luận nội dung triều Thanh giao binh quyền cho Viên Thế Khải cũng chưa đủ, trừ phi giao cho Viên tham dự quốc vụ, thì triều đình Thanh mới được tín nhiệm từ trong và ngoài nước. Ngày 28/10 đại biểu ngân hàng Mỹ trú tại Bắc Kinh W. Straight [Đái Đức] nhận định rằng nếu như triều Thanh giao cho Viên quyền lực tổ chức nội các, thì quân phía nam nhất định sẽ thất bại. Sau đó 4 ngày, Viên được chỉ định làm Tổng lý nội các ; John Jordan liên tiếp điện cho Ngoại trưởng E. Grey rằng việc đề cử này có tác dụng an định nhân tâm, Bắc Kinh có triệu chứng chấn tác.
Anh, Mỹ vì lợi ích kinh tế, muốn Trung Quốc yên ổn ; riêng Nhật đối với Trung Quốc tương phản, Trung Quốc càng nhiễu loạn càng có lợi cho Nhật. Ngày 16/10 Ngoại trưởng Nhật Bản Nội Điền Khang Tai Điện lệnh cho Y Tập Viện ngỏ lời viện trợ vũ khí cho triều Thanh. Ngày 24 tại Nhật, nội các Tây Viên Tự Công Vọng quyết định chính sách vĩnh viễn duy trì mọi quyền lợi Nhật tại Trung Quốc đặc biệt Đông Tam Tỉnh ; bảo hộ chính quyền Thanh, ngăn cản quân cách mệnh tiến lên phía bắc. Y Tập Viện muốn chia cắt Trung Quốc thành ba : Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam ; triều Thanh chiếm Hoa Bắc, vĩnh viễn đối đầu với người Hán, lại yêu cầu John Jordan khuyên triều Thanh thực hiện quân chủ lập hiến. John Jordan thấy được thâm ý, lại sợ Trung Quốc bị chia cắt bất lợi cho người Anh, nên đáp rằng chính thể tại Trung Quốc cần để cho dân nước này tự quyết. Ngày 15/11 Ngoại trưởng Anh E. Grey gửi điện cho biết chính phủ Anh hữu hảo kính trọng Viên, hy vọng Trung Quốc có một chính phủ mạnh có thể đối ngoại công chính, đối nội duy trì trật tự ; sau khi cách mệnh, mậu dịch tại Hoa có hoàn cảnh thuận lợi, chính phủ Anh sẽ viện trợ ngoại giao, ngân hàng Anh, Mỹ, Đức, Pháp cũng viện trợ về tài chính. John Jordan căn cứ vào đó trình bày cho Viên, khẳng định nước Anh sẽ chi trì chính phủ do Viên lãnh đạo.
Nhắm giúp cho quyền lực nội các của Viên lớn mạnh thêm, ngày 22/11 Công sứ đoàn y theo chủ trương của Công sứ Mỹ W. J. Calhoun tiếp tục hành động ; giao cho John Jordan bàn bạc với Viên. Sau đó John gặp Dịch Khuông bảo rằng sở dĩ cách mệnh nổi lên do nền chính trị không tốt, chính trị không tốt do Giám quốc Tái Phong thi thố sai lầm ; triều Thanh muốn được ngoại quốc ủng hộ, Tái Phong cần phải từ bỏ chức Nhiếp chính vương ; kế hoạch này cũng còn do Đường Thiệu Nghi qua lại vận động từ bên trong. Ngày 5/12 Ngoại trưởng E. Grey một mặt thông báo cho Công sứ Nhật tại Luân Đôn, một mặt sai John Jordan bàn bạc với Y Tập Viện hợp tác nhắm áp lực Tái Phong rút lui. Ngày 6/1 Long Dụ Thái hậu chuẩn cho Tái Phong thoái chức, từ nay việc hành chính và dùng người đều do Tổng lý nội các đảm trách. Vương Tích Đồng bảo rằng việc Tái Phong rời chức, chính quyền quy vào nội các, do “ Công sứ Anh Chu Nhĩ Điển giúp Viên Thế Khải nên thành công ”.
Vì vấn đề chia cắt Trung Quốc, Nhật Bản cũng muốn tranh thủ Viên Thế Khải. Ngày 18/11 sau khi nội các của Viên thành lập được 3 ngày Y Tập Viện biểu thị Nhật Bản sẽ tương trợ ; Viên cũng tỏ lời trung thành với triều Thanh. Nhật Bản lại bàn với nước Anh hợp lực đốc thúc Trung Quốc thành nước quân chủ lập hiến ; Anh tuy miệng nói tán thành, nhưng không muốn can thiệp vào việc nội chính. Sau khi đình chiến tại Vũ Hán, Y Tập Viện lo rằng Viên sẽ thoả hiệp với cách mệnh, lại chủ trương giúp nam phương chống lại bắc phương. Sau khi Viên và quân cách mệnh bắt đầu hoà nghị, Ngoại trưởng Nhật Nội Điền đề nghị với Anh, Mỹ bảo tồn triều Thanh ; lại sai Y Tập Viện cảnh cáo Viên Thế Khải không thừa nhận đổi sang cộng hoà ; một mặt sai Đầu Sơn Mãn, Khuyển Dưỡng Nghị thông tri cho Tôn Trung Sơn phản đối chủ trương cách mệnh, sẽ không tiếc để ủng hộ Thanh triều ; nhưng cuối cùng tình hình quốc tế không cho phép, nên không dám ngang nhiên thực hành.
3. Viên Thế Khải được các phe lập hiến ủng hộ, đảng cách mệnh nhượng bộ
Trương Tái lãnh đạo phái lập hiến muốn cùng Viên Thế Khải hợp tác. Tháng 6/1911 Trương từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, trên đường ghé qua Chương Đức bàn bạc với Viên ; Viên biểu thị nếu tương lai tái xuất chính, sẽ tôn trọng ý kiến của Trương. Trương tin rằng Viên sẽ có dịp trở lại chính trường nên bảo rằng Viên tính toán không sai lầm ; quả nhiên sự việc đúng như lời tiên đoán. Vào ngày 16/10 Tuần phủ Giang Tô Trịnh Đức Toàn dùng ý kiến của Trương Tái viết lời tâu xin đình chỉ nội các Hoàng thân, “ đặc chọn người hiền năng, tự tổ chức, để thay vua gánh vác trách nhiệm ”, đối quân cách mệnh dùng chiêu phủ, không đánh dẹp ; cái gọi là người hiền năng, tuy không nêu đích danh, nhưng muốn ám chỉ Viên. Vào ngày 20, Trương Tái với danh nghĩa Tư nghị cục, yêu cầu lập hiến, mở quốc hội. Mười ngày sau, có 7 tỉnh thoát ly khỏi Thanh triều ; căn cứ tình hình biến đổi nhanh, Trương Tái cố gây ảnh hưởng cho phe lập hiến bằng cách giúp cho Trịnh Đức Toàn độc lập tại Giang Tô, mục đích có chỗ đứng, không để cho cách mệnh thắng lợi toàn bộ ; nhờ đó phe lập hiến giữ được quyền phát ngôn, ủng hộ Viên thành lập trung tâm chính trị. Tư nghị viện, cùng Nghị viên Tư nghị cục tại các tỉnh cũng cùng chung tâm lý.
Sau một trăm ngày duy tân thất bại, Viên Thế Khải là kẻ thù không đội trời chung với phái Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ; những ngày trước cách mệnh Tân Hợi phái này liên kết với Tái Đào, Ngô Lộc Trinh, Trương Thiệu Tăng định làm việc phi thường. Rồi Vũ Xương nổi dậy, bèn lập kế hoạch dùng quân cấm vệ làm cuộc chính biến đả đảo Tái Trạch, Dịch Khuông, dùng Tái Đào làm Tổng lý nội các, đình chỉ thảo phạt cách mệnh, vận động các tỉnh Tổng đốc, Tuần phủ tạm thi hành tự lập để ngăn chặn thế lực cách mệnh. Tháng 11 Lương Khải Siêu từ Nhật Bản về Phụng Thiên [Liêu Ninh], chuẩn bị thâm nhập Bắc Kinh ; không ngờ Ngô Lộc Trinh bị giết, Trương Thiệu Tăng mất chức, bèn đổi chủ trương là “ Hoà Viên, uỷ cách, bức Mãn, phục Hán ” 4. Rồi tình thế tại Phụng Thiên bất lợi, mưu tính tan vỡ, bèn quay trở lại Nhật Bản. Lúc này địa vị của Viên tương đối vững Lương lại đề xướng “ bỏ vua theo cộng hoà ”, trong tháng 12 các nơi hoạt động liên Viên, liên Sầm Xuân Huyên, liên Lê Nguyên Hồng ; chú trọng nhất là liên kết với Viên. Viên Thế Khải cũng muốn lợi dụng Lương Khải Siêu bởi tiếng tăm văn chương cùng ảnh hưởng trong Tư nghị viện, Tư chính cục của Lương ; nhắm chống đảng cách mệnh, hai bên thân mật hợp tác.
Những người vốn thân cận với Viên Thế Khải nay hoạt dộng một cách mạnh mẽ ; hoặc tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Chương Đức, lo trù tính kế lớn ; tham dự như Đường Thiệu Nghi, Dương Độ, Lương sĩ Di, Viên Khắc Định liên lạc thông tin với Trương Tái. Phương án cụ thể của họ là triệu tập quốc dân hội nghị, quyết định chính thể cộng hoà, đưa Viên lên làm Tổng thống. Sau khi Viên vào kinh đô, cuộc vận động này tuỳ lúc thuận lợi khai triển. Trung tuần tháng 11, chiếu chỉ mệnh đại biểu các tỉnh đến kinh đô, cộng đồng hội nghị về chính sách trọng đại của quốc gia. Đồng thời Dương Độ cùng Uông Triệu Minh [thuộc đảng cách mệnh, vừa được thả từ trong tù] đề xướng “ Quốc thị 5 cộng tế hội ”, chủ trương rõ ràng do quốc dân hội nghị quyết định quân chủ, dân chủ ; Dịch Khuông có ý tán thành, Tái Phong “ sợ quốc dân đại hội chủ trương cộng hoà ”, nên không chịu đáp ứng. Dương Độ gửi thư cho Tư chính viện bảo rằng cố nhiên không biết được quyết định của quốc dân đại hội chấp nhận quân chủ hay dân chủ, tuy nhiên “ cái gọi là quân chủ lập hiến chỉ có thể nói được trong phạm vi kinh đô, còn các tỉnh không cho là đúng ”. Riêng Viên Thế Khải thì lươn lẹo giả bộ nói rằng bản thân triệt để ủng hộ quân chủ, không tán thành cộng hoà ; tuy nhiên “ trên thế giới đã có chủ thuyết cộng hoà, thì nghiên cứu cũng không hại gì ”. Lại ngỏ lời với Uông Triệu Minh rằng “ Tôi rất tán thành quốc dân đại hội, nhưng đứng về địa vị cá nhân không tiện chủ trương dân chủ, chỉ chủ trương quân chủ lập hiến ”. Uông nói rằng “ Trung Quốc không dùng thể chế cộng hoà không được, cộng hoà không có ông giúp thành không được, lại không có ông đảm nhiệm chức Tổng thống cũng không được.” Viên bảo cá nhân y sẽ theo quyết định của đại hội, nhưng để cho được công bình, hoà bình thì không dễ ; rồi Vương Khắc Định cùng Uông Triệu Minh mật đến Vũ Xương hội thương. Ngày 2/12/1911, đại biểu các tỉnh đã giành độc lập tại phía nam họp tại Hán Khẩu quyết định “ Để trống chức Lâm thời đại Tổng thống, nhắm sau khi đổi chính thể sẽ dành cho Viên ”. Uông điện cho Hoàng Hưng, chủ trương nam bắc liên hợp, cưỡng nhà Thanh thoái vị, suy cử Viên làm Tổng thống. Tôn Trung Sơn tại Luân Đôn điện về cũng chủ trương suy cử Lê Nguyên Hồng, hoặc Viên Thế Khải làm Tổng thống. Ngay cả Hoàng Hưng cũng bảo rằng nếu như Viên làm được như Washington tại Mỹ, thì cả nước đều nghe lệnh.
Sau khi giải trừ chức Giám quốc nhiếp chính của Tái Phong, việc triệu tập quốc dân đại hội giảm trở lực. Ngày 7/12 Long Dụ mệnh Viên Thế Khải uỷ thác đại biểu cùng với phương nam thảo luận đại cuộc ; đại biểu được tuyển là Đường Thiệu Nghi, Tham tán Dương Sĩ Kỳ ; phía cách mạng Ngũ Đình Phương đảm nhiệm. Địa điểm hội nghị trước định tại Hán Khẩu ; nhưng nhân vật quan trọng của cách mệnh phần lớn tại Thượng Hải, Vũ Xương và Thượng Hải lại có ý kiến khác nhau, sợ Vũ xương gây ảnh hưởng cuộc hội nghị, nên cải sang cử hành tại Thượng Hải. Công sứ đoàn thuận tiện vận dụng tại Thượng Hải, phía Viên tiện gần với phái lập hiến tại Giang Tô, Chiết Giang, nên các bên đều nhất trí.
Kế hoạch của Đường, qua cuộc hội nghị muốn ủng lập Viên lên làm Tổng thống, riêng Đường cũng hy vọng có thể giữ chức Tổng lý nội các. Dương Sĩ Kỳ chủ trương trước hết phải đòi triều Thanh nhường ngôi, sau đó nghị hoà với phương nam ; Viên cho rằng như vậy không ổn, sợ rằng sau đó nghị hoà không thành ; chi bằng từ việc chấp nhận cộng hoà dành lấy chức Tổng thống. Dương Độ lại bảo rằng hãy làm Tổng thống trước, sau đó như Napoléon, ý chỉ sẽ lên ngôi vua. Công sứ đoàn hy vọng chấm dứt tranh chấp tại Trung Quốc, sớm thực hiện chính quyền của Viên, để quyền lợi hiện tại tránh tổn thất và tương lai được bảo đảm ; yêu cầu hai bên hết sức giải quyết hoà cuộc.
Ngày 18/12 Ngũ Đình Phương và Đường Thiệu Nghi mở cuộc họp tại toà thị chính tô giới Thượng Hải, bàn định các nơi đình chiến. Ngày thứ hai, Công sứ các nước Nhật, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức gửi điện khuyến cáo Ngũ, Đường ; ý muốn nam phương nhượng bộ. Ngoại trưởng Anh E. Grey ra lệnh cho Công sứ John Jordan khuyên Trung Quốc thống nhất, về chính thể do dân tự chủ ; nhưng thực tế muốn thanh viện cho Viên. Đường theo chỉ thị của Viên, ra sức nhờ phái lập hiến ủng hộ, từng gặp mặt Trương Tái hỏi ý kiến về việc cử Viên làm Tổng thống, Trương đáp đồng ý, nhưng chỉ đại biểu cho hai tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, không dám đoan chắc rằng Đồng minh hội sẽ theo. Đường lại bàn với Đô đốc Giang Tô Trình Đức Toàn, Trình hứa ra sức giúp ; Đô đốc Chiết Giang Thang Thọ Tiềm cũng nhất trí với Trương, Trình ; Đường chuyển sang thương lượng với Hoàng Hưng, cũng gặp thuận lợi. Vào ngày 20, Ngũ, Đường hội nghị lần thứ hai ; Ngũ yêu cầu thừa nhận cộng hoà, thủ tiêu chế độ Mãn Thanh ; Đường không phản đối nhưng đòi hỏi quốc dân hội nghị quyết định. Trong ngày đại biểu của Hoàng Hưng họp mật với đại biểu phương bắc, định rõ thể chế cộng hoà, lật đổ chế độ nhà Thanh suy cử chức Tổng thống, đối với Thanh đình dùng chính sách ưu đãi.
Sau hai lần hội nghị, Đường cùng phe lập hiến, cách mạng ngày đêm tụ bàn. Uông Triệu Minh ra sức khuyên Đồng minh hội đừng thi thố quá gấp, sợ quá nhanh không đạt hiệu quả, lại điện cho Viên rằng “ Hạng Thành 6 là người hùng trong thiên hạ, mọi người đều nhắm vào, người khác không thể giữ chức nguyên thủ ”. Đường điện cho Lương Sĩ Di hy vọng Viên sẽ là Washington của Trung Quốc, Viên cho rằng “ không thể tự mình đề xuất trước ”. Lúc này đại khái Thống lãnh quân cấm vệ Phùng Ngọc Chương vẫn chủ trương quân chủ, Đại thần bộ lục quân Vương Sĩ Trân thái độ tiêu cực, Đoàn Kỳ Thuỵ tại tiền phương vẫn nghi lự, Công sứ Nhật Bản tỏ rõ không đồng ý cộng hoà, nên Viên cũng còn tư lự.
Chính lúc này Tôn Trung Sơn từ hải ngoại trở về. Đường Thiệu Nghi quán triệt kế hoạch đã định, ngày 24/12 đem lời đe doạ triều đình nhà Thanh rằng “ Mục đích của dân quân muốn cải sang cộng hoà, nếu ta không thừa nhận, hội nghị không thể tiếp tục ; quan sát dân tình miền đông nam, chủ trương cộng hoà ở thế không thể át được. Mới đây chế được 2 thuyền máy, Tôn Văn đến Thượng Hải mang theo số tiền lớn, cùng đưa về mấy chục viên Sĩ quan Thái Tây, thế lực ngày một lớn ; sắp tổ chức chính phủ lâm thời để làm kế hoạch căn bản. Lại nghe rằng các khoản định mượn từ ngoại quốc, đều bị Tôn Văn yêu cầu dừng lại, khiến bị ngăn trở. Cuộc nghị hoà lần này nếu thất bại, mầm chiến tranh dấy lên, chi tiêu kiệt quệ đáng lo, sinh dân đồ thán, liệt cường sẽ thành công trong việc qua phân, xã tắc mất còn khó mà biết được. Lúc Thiệu Nghi ra khỏi kinh thành, Tổng lý đại thần [Viên] dặn dò giải quyết hoà bình, nên trong cuộc hội đề nghị triệu tập quốc hội nhắm đưa ra giải quyết vấn đề quân chủ dân chủ, để mong chuyển đổi tình thế ”. Viên Thế Khải sau khi thương nghị với Dịch Khuông và Từ Thế Xương, bèn tâu trình Long Dụ Thái hậu, nhấn mạnh rằng nếu không quyết định thì chiến tranh sẽ xẩy ra “ Vấn đề ngân sách chi tiêu ra sao ? Quân cơ ra sao ? Có thể thắng được không ? Vạn nhất thua bại, quân đến dưới thành, vương thất làm sao an toàn được ? Sinh mệnh người nước ngoài làm cách nào để bảo hộ ? Nếu như triệu tập quốc hội, nghị quyết giữ được chế độ quân chủ là điều tốt ; nếu nghị quyết theo cộng hoà thì Hoàng thất cũng được đãi ngộ long trọng, tiền đồ của Trung quốc còn có hy vọng hạnh phúc. Phía nào được, phía nào mất, tình thế rõ ràng ; nếu còn trì hoãn, hoạ hoạn sẽ đến ngay ”. Ngày 28, Long Dụ chấp nhận lời xin. Đường và Ngũ Đình Phương tiếp tục hội nghị, bàn bạc biện pháp cho quốc dân hội nghị : chính phủ nhà Thanh triệu tập đại biểu các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Cam Túc, Mông Cổ, Đông Tam Tỉnh ; số còn lại do chính phủ dân quốc triệu tập.
Chú thích:
1 Ngôn quan : quan chuyên về can gián đàn hặc, tương tự như Ngự sử.
2 Ngô Lộc Trinh bị giết, có thuyết cho rằng Vương Thế Khải chủ mưu, có thuyết bảo do Hiệp thống quân cấm vệ Lương Bật
3 Chuyện năm Mậu Tuất : chỉ việc Viên Thế Khải phản vua Quang Tự, khiến vua bị giam trong chính biến năm Mậu Tuất. Xin xem chương “ Duy tân yểu mệnh cùng triều đình chính biến lần thứ ba ”
4 Hoà Viên, uỷ cách, bức Mãn, phục Hán: hoà với Viên Thế Khải, an ủi cách mệnh, áp bức Mãn Thanh, khôi phục Hán tộc.
5 Quốc thị : chính sách trọng đại của quốc gia.
6 Hạng Thành : dùng để chỉ Viên, vì quê Viên tại Hạng Thành, tỉnh Hà Nam.
III. Chính phủ dân quốc đản sinh [1911– 1912]
1. Chính phủ lâm thời của Tôn Trung Sơn tại Nam KinhSau khi cách mệnh chiếm được hơn một nửa nước, điều tất yếu phải thiết lập chính phủ trung ương. Hồ Bắc, Vân Nam đề xướng đại biểu đến Vũ Xương trù tính kế hoạch ; riêng Chiết Giang, Giang Tô muốn hội tại Thượng Hải, mời Tôn Trung Sơn về nước tổ chức. Vào ngày 15/11 đại biểu các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến quyết định thành lập hội liên hiệp đại biểu đô đốc phủ các tỉnh, thừa nhận quân Hồ Bắc là quân chính phủ trung ương Trung Hoa dân quốc. Do Vũ Xương ra sức tranh giành, một bộ phận đại biểu đến Hồ Bắc phó hội, một bộ phận lưu tại Thượng Hải. Lúc đại biểu đến Hồ Bắc thì Hán Khẩu đã thất thủ, Vũ Xương bị uy hiếp, bèn tổ chức hội nghị tại tô giới Hán Khẩu. Ngày 2/12 nghị quyết nếu như Viên Thế Khải đổi chính thể, được cử làm Đại tổng thống lâm thời. Ngày 3, thông qua trung ương lâm thời đại cương lập các tổ chức lâm thời Tổng thống, Quốc vụ viện ; ngày hôm sau được tin khắc phục Nam Kinh, bèn dùng Nam Kinh làm trụ sở chính phủ trung ương.
Đồng thời đại biểu lưu tại Thượng Hải cũng có quyết định cử Hoàng Hưng làm Nguyên soái, Lê Nguyên Hồng làm Phó nguyên soái, phụ trách trù hoạch chính phủ ; mặt nổi muốn sớm thống nhất, nhưng thực chất không muốn cho phe Vũ Hán lãnh đạo, đây là chủ trương của Trần Kỳ Mỹ, Tống Giáo Nhân. Đại biểu tại Hồ Bắc, cùng Lê Nguyên Hồng, phái lập hiến, Quang phục hội đều phản đối ; các tướng lãnh khắc phục Nam Kinh thanh ngôn không muốn cho Hoàng Hưng, bại tướng tại Hán Khẩu chỉ huy, nên Hoàng cũng quyết từ không nhận. Vào ngày 17, toàn thể đại biểu tập hợp tại Nam Kinh cải định Lê Nguyên Hồng làm Đại nguyên soái, Hoàng Hưng làm Phó nguyên soái ; tuy Lê nhấp nhận nhưng Hoàng không nhận. Đại biểu trăn trở khó khăn, vẫn chưa lập được chính phủ lâm thời.
Lúc Vũ Xương nổi dậy, Tôn Trung Sơn đang tại Mỹ quyên tiền Hoa kiều cho cách mệnh. Ngày 12/10 bất ngờ nhận được tin tức ; Tôn nhận thấy sự thành bại sau này quan hệ đến liệt cường rất lớn, đặc biệt là thái độ của Anh và Nhật. Hoa trung, Hoa nam thuộc phạm vi thế lực của Anh, Nhật Bản là đồng minh thân cận, nên hành động của nước Anh có ảnh hưởng đến toàn cuộc ; bởi vậy ưu tiên đến Luân Đôn để cố gắng làm cho chính quyền và dân nước này hiểu rõ cách mệnh Trung Quốc. Lúc bấy giờ triều đình nhà Thanh ngỏ lời mượn tiền ngân hàng 4 nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức ; Công sứ John Jordan đang áp lực Thanh đình trao quyền cho Viên Thế Khải nên yêu cầu chính phủ Luân Đôn cự tuyệt. Trung tuần tháng 10, đại diện ngân hàng 4 nước họp tại Ba Lê, quyết định tạm ngưng đàm phán với Trung Quốc. Hạ tuần tháng 10, Tôn đến Luân Đôn, kế tục nỗ lực, cùng xin nước Anh ngăn ngừa Nhật Bản viện trợ cho triều Thanh. Ngày 30 chuyển sang Ba Lê, du thuyết mấy nơi, rồi trở về nước.
Ngày 21/12 đến Hương Cảng, Đô đốc Quảng Đông Hồ Hán Dân đến đón, bảo rằng lòng dạ Viên Thế Khải khó mà biết được, Tôn một khi đến Nam Kinh, Thượng Hải, sẽ được các nơi suy tôn; tuy nhiên binh không có đủ để dùng, ý kiến phân vân, mệnh lệnh khó thi hành, chi bằng tạm lưu tại Quảng Châu, chỉnh lý quân ngũ, rồi cất tiếng trống thẳng tiến, mới có cơ thành công. Tôn không cho là phải, bảo rằng Nam Kinh, Thượng Hải là tiền phương ; đáng dấn thân vào, để coi sóc 4 phía, nhắm tránh chia rẽ nội bộ ; nếu không thì miền đông nam không giữ được, mà Quảng Đông cũng khó chi trì một mình.
Ngày 25/12 Tôn Trung Sơn đến Thượng Hải ; Hoàng Hưng, Trần Kỳ Mỹ, Tống Giáo Nhân quyết định tổ chức chính phủ trung ương. Ngày 29, Đại biểu 17 tỉnh cử Tôn Trung Sơn làm Tổng thống lâm thời, cùng đặt cơ quan lâm thời Tham nghị viện. Trong buổi nhậm chức, Tôn Trung Sơn tuyên bố “ Lật đổ chính phủ Mãn Thanh chuyên chế, củng cố Trung Hoa Dân Quốc, mưu đồ dân sinh hạnh phúc, là ý kiến chung của quốc dân, Văn quyết tuân theo, tận trung với nước, vì quần chúng phục vụ. Đến lúc chính phủ chuyên chế bị lật đổ, trong nước không có biến loạn, chính phủ Dân quốc đứng cùng thế giới, được liệt quốc công nhận, lúc đó Văn đáng bỏ chức Tổng thống. Xin lấy những điều này thề với quốc dân. Trung Hoa Dân Quốc ngày thứ nhất, năm thứ nhất. Tôn Văn ”.
Ngày 31/12 qua đề nghị của Tôn Trung Sơn, bắt đầu sử dụng Dương lịch, lấy Trung Hoa dân quốc làm kỷ nguyên. Trung ương lâm thời chính phủ trước đó theo Tổng thống chế, hiện tại cải thành nội các chế, tăng đặt thêm Phó tổng thống ; vào ngày 1/1/1912 Tôn Trung Sơn nhậm chức tại Nam Kinh. Ngày hôm sau, do Tôn Trung Sơn yêu cầu, Tham nghị viện lại đổi Nội các chế sang Tổng thống chế. Ngày 3/1 Lê Nguyên Hồng được tuyển làm Phó tổng thống, Hoàng Hưng giữ chức Tổng trưởng lục quân, Hoàng Trọng Anh Tổng trưởng hải quân, Vương Sủng Huệ Tổng trưởng ngoại giao, Ngũ Đình Phương Tổng trưởng tư pháp, Trần Cẩm Đào Tổng trưởng tài chánh, Trình Đức Toàn Tổng trưởng nội các, Thái Nguyên Bồi Tổng trưởng giáo dục, Trương Tái Tổng trưởng thực nghiệp, Thang Thọ Tiềm Tổng trưởng giao thông. Trong đó lục quân, ngoại giao, giáo dục thuộc Đồng minh hội ; nội vụ, thực nghiệp, giao thông thuộc phái lập hiến ; hải quân, tư pháp, tài chánh không thuộc đảng phái nào ; thực tế chỉ có 2 Tổng trưởng thuộc Đồng minh hội làm việc tại Nam Kinh, số còn lại phần lớn lưu ngụ tại Thượng Hải. Đây là nội các hỗn hợp, không thể coi là mạnh và hoàn hảo ; Đô đốc tại các tỉnh cũng không triệt để tuân lệnh trung ương. Ngoài ra thành phần cách mệnh tại Thượng Hải và Vũ Xương sớm có sự cách biệt ; Thượng Hải tự cho là chính thống, Vũ Xương đứng đầu khởi nghĩa công cao, nhưng thành phần nội các không có Tổng trưởng gốc Hồ Bắc 1, nên không khỏi bất bình, gặp việc thì có ý kiến khác.
Tôn Trung Sơn sở dĩ không muốn lưu lại Quảng Châu còn do một nguyên nhân khác “ Nếu Tôn không đến Thượng Hải, Ninh Ba thì mọi việc chủ trì đối nội, đối ngoại không có ai có thể thay thế lo được ”. Về đối nội Tôn chủ trương đem chức Tổng thống nhường cho Viên, mượn tay Viên lật đổ Thanh đình, sớm thực hiện cộng hoà ; Tôn muốn thay đổi cục diện Trung Quốc, không nhắm giành chính quyền. Về đối ngoại, tại Ba Lê Tôn từng tuyên bố với ký giả rằng sau khi chính quyền dân quốc thành lập sẽ bàn với các nước định lại quan thuế, thủ tiêu lãnh sự tài phán 2, thu hồi tô giới. Đến lúc giữ chức Tổng thống, ngày 5/1/1912 chính thức phát hành Cáo hữu bang thư 3 nguyện cùng các nước bình đẳng giao thiệp, mong cầu hoà bình ; các điều ước trước kia triều Thanh ký kết vẫn tiếp tục hữu hiệu cho đến lúc hết hạn ; tiền nợ của chính phủ Thanh chiếu theo cũ trả xong ; quyền lợi các nước hoặc cá nhân, chiếu theo cũ tôn trọng. Hy vọng giữ tình hữu nghị, mong được các nước thừa nhận, để thành tựu thi hành chính phủ dân quốc. Các nước phần lớn không chịu để ý đến, không tỏ thái độ một cách rõ ràng. Nói tóm lại đối với vấn đề đối nội, đối ngoại, Tôn giữ thái độ thoả hiệp ; muốn tranh thủ cả Viên Thế Khải cùng liệt cường.
Chính phủ lâm thời tại Nam Kinh tồn tại trong vòng 3 tháng, phần lớn bận giao thiệp với Viên Thế Khải, sau đó lưu ý đến việc cải cách trong nước. Những việc thi hành tương đối có ý nghĩa gồm :
– Đề xướng quan niệm bình đẳng, đối với cơ quan công quyền không còn lối xưng hô “ Đại nhân ” hoặc “ Cha già ” như đối với quan lại thời trước ; chỉ xưng “ Ông ” hoặc “ Tiên sinh ” mà thôi.
– Bảo hộ nhân quyền cấm tra tấn nhục hình, tù tội căn cứ vào bằng chứng mà xét xử. Cấm buôn bán người, người dân có công quyền, tư quyền.
– Tôn trọng ngôn luận, xuất bản tự do.
– Đàn ông không kết bím, đàn bà bỏ bó chân.
– Đề xướng nữ quyền ; cách mệnh dấy lên thanh niên phụ nữ đua nhau hưởng ứng, có các hội đoàn nữ giới ; phụ nữ tham gia công tác dân quân, cứu thương, kinh tài vv…
Tuy nhất thời chưa thi hành được một cách quán triệt, nhưng xã hội đã chuyển biến, các tư tưởng tự do bình đẳng từng bước phổ cập.
2. Thanh triều cáo chung
Đối với việc chọn Tổng thống tại Nam Kinh, Viên Thế Khải hết sức bất mãn ; lại không vui về việc hoà nghị tại Thượng Hải quyết định phương thức triệu tập quốc dân hội nghị. Điều đầu tiên ngoài tầm tay của Viên, nên hướng sang điều thứ hai, không công nhận quyết nghị tại Thượng Hải. Nhưng Viên cũng không tỏ ra quyết liệt, vẫn dùng chính sách vừa cứng vừa mềm để đạt mục đích cuối cùng. Thứ nhất, chuẩn cho Đường Thiệu Nghi từ chức, tiếp tục hoà nghị, thương thảo thẳng với Ngũ Đình Phương qua điện ; tuy nhiên thực tế Đường vẫn tiếp tục tiếp xúc với Ngũ tại Thượng Hải. Thứ hai dùng phái quân nhân để gây áp lực, Phùng Quốc Chương thanh ngôn rằng thề quyết phản đối cộng hoà. Thứ ba, cấu kết với ngoại bang mong nhờ tương trợ.
Trong ngày Tôn Trung Sơn được tuyển làm Tổng thống lâm thời, lập tức điện cho Viên ; bảo rằng tạm thời đảm nhận, giữ hư vị đợi Viên, mong Viên sớm định đại kế. Viên nói thể chế quốc gia đợi quyết định chung, không muốn tham dự vào việc của chính phủ lâm thời. Tôn lại điện tiếp rằng, nếu không cực nhọc vì chiến tranh mà đạt được chính thể cộng hoà thì ghế Tổng thống vào tay Viên. Viên lại quay sang chất vấn Ngũ Đình Phương về dụng ý việc cử Tổng thống lâm thời, danh sách đại biểu quốc dân hội nghị và địa điểm khai hội. Ngũ cho biết việc cử Tổng thống lâm thời và quốc dân hội nghị không tương quan. Đường bèn hỏi thẳng Ngũ Đình Phương rằng lấy gì bảo đảm việc đem chức Tổng thống nhường cho Viên. Tôn phúc đáp một cách rõ ràng rằng nếu như vua nhà Thanh thoái vị, sẽ suy cử Viên giữ chức Tổng thống. Ý tưởng của Tôn muốn thực hiện thể chế cộng hoà một cách hoà bình ; riêng Viên chờ cho chức Tổng thống vào tay mới quyết định theo cộng hoà.
Sau khi cuộc nghị hoà tại Thượng Hải bị đình đốn, Công sứ các nước trách cứ yêu cầu của Nam Kinh không hợp tình lý ; nếu cuộc nghị hoà nhân đó mà bị phá, quy lỗi vào Nam Kinh ; riêng đối Viên thì cho là công bình chính trực, có tài năng, đáng làm đại biểu nước. Báo chí Anh, Mỹ chỉ trích Nam Kinh chuyên quyền hoành hành, thiếu kinh nghiệm quản lý quốc gia và khôi phục hoà bình ; Pháp lại yêu cầu các nước đề nghị Viên lên làm Tổng thống. Nam Kinh tự xác lập địa vị, lại hô hào các nước thừa nhận chính phủ dân quốc, không bằng lòng giao nhận riêng chính quyền với nhà Thanh, Viên không được tự lập chính phủ lâm thời. Sau khi các nước thừa nhận chính phủ dân quốc, Tôn bắt đầu từ chức, rồi cử Viên Thế Khải làm Tổng thống. Trình tự đòi hỏi theo 5 điều sau đây :
– Vua nhà Thanh thoái vị, chính quyền triệt tiêu, không được giao riêng cho ai.
– Tại Bắc Kinh không được thiết lập chính phủ lâm thời.
– Sau khi nhận được điện thoái vị của Bắc Kinh, yêu cầu các nước thừa nhận Trung Hoa dân quốc.
– Chờ các nước hồi âm, Tôn Văn hướng Tham nghị viện từ chức.
– Tham nghị viện công cử Viên Thế Khải làm Tổng thống.
Viên sợ rằng huỷ bỏ triều Thanh rồi, mà Tôn không chịu từ chức, thì toàn quốc chỉ có một chính phủ Nam Kinh, như vậy Viên sẽ trở thành thuộc hạ của chính phủ này. Ngũ Đình Phương cho rằng tình hình quốc tế bất lợi, khuyên Tôn đừng kiên trì đòi các nước thừa nhận. Ngày 22/1 Tôn đề xuất giải pháp uyển chuyển, không kiên trì đòi các nước thừa nhận, nhưng khi vua Thanh thoái vị sẽ báo tin cho Công sứ các nước biết, Viên tuyên bố tuyệt đối tán thành cộng hoà ; Tôn tiếp nhận thông tri của các Công sứ sẽ thi hành từ chức, suy cử Viên kế nhiệm, Viên tuyên thệ tuân thủ hiến pháp Tham nghị viện đã định ; nếu như những điều này không thi hành, chứng minh Viên không muốn giải quyết hoà bình, sẽ chịu trách nhiệm về chiến tranh xẩy ra. Ngày 27 lại báo tin cho các Công sứ rằng Tôn đã nhượng bộ để thành lập cộng hoà. Lúc này Mông Cổ, Tây Tạng do sự xui dục của các nước Nga, Anh, thực hiện độc lập ; Nhật bản chủ xướng can thiệp tại Hoa, chuẩn bị cùng Nga phân chia Đông Tam Tỉnh. Nếu như Tôn giằng co với Viên không giải quyết, Trung Quốc trường kỳ tranh nhiễu, binh liên họa kết, tiền đồ thật đáng lo.
Nhược điểm trong nội bộ Nam Kinh khiến Tôn Trung Sơn không thể không nhượng bộ. Quá nữa tỉnh Sơn Tây nằm trong tay quân Viên Thế Khải, Thiểm Tây tình thế nguy cấp, vùng đất quan trọng tại phía bắc tỉnh An Huy cũng không giữ được. Quân cách mệnh lâm thời chiêu mộ nên không tránh khỏi ô hợp, tài chính thì rất khó khăn, các tỉnh giao nạp rất ít, riêng công trái chưa thu được, mượn tiền không được, lương thực thiếu. Ngoài ra nội bộ ý kiến bất nhất, Vũ Xương ly tâm, Viên Thế Khải lại tìm cách phân hoá. Phái lập hiến tại Giang Tô, Chiết Giang tích cực mưu hoà, mong cùng Viên thoả hiệp. Lại còn phái vô chính phủ phát sinh, nếu chiến tranh xảy ra phái này cực lực phản đối. Hội viên Đồng minh hội không hiểu rõ toàn bộ chủ nghĩa cách mệnh, chỉ nghĩ đến việc lật đổ nhà Thanh mà thôi, cán bộ sao lãng vấn đề dân chủ, dân quyền. Hiện tại tập trung toàn lực đấu tranh cho hiến pháp, quốc hội, nội các ; Tôn Trung Sơn biểu thị không tranh quyền lợi, chỉ mong sớm thực hiện cộng hoà.
Tôn Trung Sơn đem chức Tổng thống nhượng cho Viên Thế Khải với điều kiện đầu tiên là Thanh triều thoái vị. Viên muốn Thanh triều thoái vị cũng không quá khó khăn, nhưng không muốn mang tiếng ác. Viên nói với Công sứ ngoại quốc rằng Viên không muốn tiếp thụ điều kiện của Tôn vì không muốn bội bạc ơn nghĩa Thanh triều, coi khinh cô nhi [Phổ Nghi], quả phụ [Long Dụ], chỉ cầu chu toàn cho bản thân. Chẳng qua Viên muốn khéo léo vận động, để đạt thành công. Trước hết tìm cách thuyết phục Dịch Khuông, Na Đồng, cùng viên Thái giám thân cận của Long Dụ Thái hậu là Trương Lan Đức rằng thế cuộc đã mất, thoái vị sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Lại do bọn Phùng Quốc Chương đòi Tôn thất đại thần quyên hiến tiền bạc. Viên lại bảo Long Dụ Thái hậu rằng muốn chinh phạt phương nam phải có kinh phí, nếu không thì xin từ chức. Long Dụ rất sợ hãi, ôn tồn lưu giữ, rồi phát trong kho triều đình số tiền 8 vạn lượng, lại ra lệnh thân quý Đại thần đem tiền giúp quân, nhưng rất ít người đáp ứng. Viên còn có thủ đoạn khác là mượn người ngoại quốc uy hiếp, bảo rằng Ngoại Mông Cổ đã thoát ly Trung Quốc, Đông Tam Tỉnh sắp cùng chung số phận, phía nam tự thi hành quốc dân hội nghị, các nước tất sẽ thừa nhận ; các cửa khẩu tô giới thỉnh cầu nước họ cưỡng ép Thanh triều rời ngôi.
Ngày 12/1 hội nghị Vương, Công ; Dịch Khuông chủ trương y theo điều kiện ưu đãi trao chính quyền ; Tái Trạch, Tái Tuần, Thiện Kỳ, cùng Cung thân vương Phổ Vĩ phản đối, quyết tổ chức Tông xã đảng 4 chống lại phương nam. Ngày 16 Viên trình bày Long Dụ Thái hậu tình hình nguy cấp, nội bộ ức vạn khó khăn, binh lực không thể bình định ; đối ngoại lân bang mạnh như cọp dòm ngó, triều đình không có chỗ dung thân. Quân cách mệnh chỉ đòi hỏi dân chủ, ngoại quốc cũng đòi cải cách chính trị, nếu sự việc trì trệ họ không khỏi không can thiệp. Lại nêu cách mệnh Pháp, nếu như vua Louis 16 sớm thuận theo lòng dân thì con cháu không đến nỗi lâm vào tai hoạ ; Long Dụ nghe qua không khỏi chảy nước mắt. Ngày 17, 18 Ngự tiền hội nghị không đi đến kết luận ; Sứ thần Trung Quốc tại Nga, Lục Chinh Tường cũng gửi điện đến nơi, xin “ chấp nhận cộng hoà ” ; nhưng hữu hiệu hơn cả là áp lực của quân đội và ngoại giao. Viên Khắc Định sớm liên lạc với các tướng lãnh Bắc dương ; Trương Tái xin Viên Thế Khải ngỏ ý với Đoàn Kỳ Thuỵ kết ước với Lê Nguyên Hồng tu chính quốc dân hội nghị, nếu Thanh triều không chấp nhận thi hành, quân nhân sẽ không chiến đấu. Viên liên hệ mật thiết với Công sứ các nước, ngày 22/1 thông tri cho Công sứ Anh John Jordan về hoàn cảnh cư xử khó khăn, định từ chức ra khỏi kinh đô ; cùng ngày John Jordan cùng các Công sứ Pháp, Nga, Nhật 5 thanh minh đồng ý Thanh triều thoái vị. Vào các ngày 23 và ngày 25, Đoàn Kỳ Thuỵ hai lần gửi điện cho nội các ; điện thứ nhất xưng lòng quân dao động, tư tưởng cộng hoà không thể ngăn được, điện thứ hai xưng các Hoàng thân ngăn trở cộng hoà khiến các tướng lãnh bất bình. Phía cách mệnh thì cho rằng Viên cản trở việc thoái vị, nên ngày 26/1 mưu giết bằng tạc đạn, lúc Viên trên đường đến gặp Long Dụ Thái hậu, nhưng chỉ vài cận vệ bị giết, riêng Viên thoát được. Hoàng thân Mãn Thanh cũng cho rằng Viên cấu kết với cách mệnh nên tìm cơ hội giết, bằng cách nhử mồi phong tước, chờ khi Viên vào cung tạ ơn thì ra tay. Tuy nhiên bị Viên và đám thân cận khám phá ra, Viên hận bảo rằng “ Ta kiệt lực để bảo vệ Hoàng thất, mà còn đối với ta như vậy, nước sắp mất, không cứu được. Các ông muốn như vậy, thì được như vậy ”.
Ngày 26/1 bọn Đoàn Kỳ Thuỵ gồm 47 Tướng lãnh cùng gửi công hàm chung bằng điện yêu cầu ban chỉ dụ lập chính quyền cộng hoà, tái triệu tập quốc dân hội nghị. Cùng ngày một kiện tướng Tông xã đảng là Quân tư sứ Lương Bật bị cách mệnh ném tạc đạn chết, khiến phe Hoàng thân phản đối thoái vị sợ mất mật, Thiện Kỳ chạy trốn đến Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh], Phổ Vĩ trốn Thanh Đảo [Quingdao, Sơn Đông]. Long Dụ Thái hậu khẩn thiết nhờ Dân chính đại thần Triệu Bỉnh Quân, Ngoại vụ đại thần Hồ Duy Đức, Bưu điện đại thần Lương Sĩ Di cầu cứu Viên Thế Khải nhờ bảo vệ tính mạng bà cùng vua Tuyên Thống, quyết định phong Viên tước hầu ngay. Viên mấy lần từ chối không chịu nhận, bảo rằng nhân tâm chia lìa, quân sự khó khăn, ngoại giao gai góc, xin thu hồi tước phong. Phùng Quốc Chương lại từ chức Tổng thống quân cấm vệ, không còn chịu trách nhiệm trị an tại kinh sư. Ngày 29, 30 hội nghị Ngự tiền ; không còn ai dám phản đối việc thoái vị. Ngày 3/2 mệnh Viên Thế Khải toàn quyền bàn bạc với Nam Kinh về điều kiện ưu đãi Hoàng gia. Ngày 5/2 Đoàn Kỳ Thuỵ lại tiếp tục trách Vương, Công làm bại hoại đại cuộc, ngăn trở chính thể cộng hoà, bèn mang toàn quân vào kinh để tranh luận lợi hại, tình trạng nằm vào thế quân đến dưới thành.
Phương án ưu đãi triều Thanh được Viên Thế Khải và cách mệnh lưu tâm, trong hoà nghị Thượng Hải Đường Thiệu Nghi đề xuất nguyên tắc, rồi Uông Triệu Minh soạn điều khoản cụ thể, Viên tâu lên và bố cáo cho các Hoàng thân. Ngày 10/2 qua lâm thời Tham nghị viện thông qua, gồm các điểm quan trọng như vua Thanh từ chức, danh hiệu vẫn còn, Trung Hoa dân quốc đãi theo lễ vua ngoại quốc, hàng năm cấp 400 vạn nguyên, tạm cư trong cung cấm, Thanh cùng Mông, Hồi, Tạng vẫn theo như cũ thế tập. Thoả hiệp này có những yếu tố khác lạ, trong nước Trung Quốc ngoài chính quyền riêng còn có vua ngoại quốc, chính phủ dân quốc bình đẳng lại có một giai cấp có quyền lợi riêng.
Vào ngày 12/2/1912 [tức 25/12 năm Phổ Nghi thứ 3], Long Dụ Thái hậu tuyên bố chiếu chỉ từ chức của vua Phổ Nghi, mệnh Viên Thế Khải toàn quyền tổ chức lâm thời cộng hoà chính phủ, cùng với dân quân hiệp thương thống nhất, nguyên văn như sau : 前因民軍起義,各省響應,九夏 沸騰,生靈塗炭。特命袁世凱遣員與民軍代表討論大局,議開國會、公決政體。兩月以來,尚無確當辦法。南北暌隔,彼此相持。商輟於塗,士露於野。國體一日不 決,民生一日不安。今全國人民心理,多傾向共和。南中各省,既倡義 於前,北方將領,亦主張於後。人心所向,天命可知。予亦何忍因一姓之尊榮,拂兆民之好惡。是用外觀大勢,內審輿情,特率皇帝將統治權公諸全國,定為立憲共和國體。近慰海內厭亂望治之心,遠協古聖天下為公之義。袁世凱前經資政院選為總理大 臣,當茲新舊代謝之際,宜為南北統一之方。即由袁世凱以全權組織臨時共和政府,與民軍協商統一辦法。總期人民安堵,海宇乂安,仍合滿、蒙、漢、回、藏五族 完全領土為一大中華民國。予與皇帝得以退處安閒,優遊歲月,受國民之優禮,親見郅治之告成,豈不懿歟!
[Trước đây do dân quân khởi nghĩa, các tỉnh hưởng ứng, chín cõi Trung Hoa sôi sục, nhân dân đồ thán ; đặc mệnh Viên Thế Khải sai người cùng đại biểu dân quân thảo luận đại cuộc, bàn việc mở quốc hội, quyết định chính thể. Trong vòng 2 tháng nay, chưa có được biện pháp xác đáng ; nam bắc chia cách, hai phe tương trì, buôn bán tắc nghẽn trên đường, quân lính phơi mình nơi cỏ nội ; quốc dân chính thể một ngày chưa quyết, dân sinh một ngày chưa yên. Nay tâm lý nhân dân toàn quốc, phần lớn khuynh hướng cộng hoà ; các tỉnh tại nam, trung đã xướng nghĩa trước, tướng lãnh tại bắc phương lại chủ trương sau đó, căn cứ nhân tâm biết rõ mệnh trời. Ta đâu nỡ để cho một họ được tôn vinh, khiến hàng triệu nhân dân chán ghét, nên đối ngoại xem đại thể, đối nội xét tình hình, đặc cách mang đại quyền thống trị của Hoàng đế công bố cho toàn quốc, định lập hiến chính thể cộng hoà ; nhắm an ủi tấm lòng yêu hoà bình ghét loạn của người trong nước và cũng hợp với ý nghĩa “vi công” 6 của thánh triết xa xưa. Viên Thế Khải trải qua Tư chính viện, được tuyển làm Tổng lý đại thần, vào lúc mới cũ giao thời, nên tìm phương cách thống nhất, tức do Viên Thế Khải toàn quyền tổ chức chính phủ Cộng hoà lâm thời, cùng quân dân hiệp thương biện pháp ; để mong cho nhân dân yên ổn, đất nước thái bình ; lãnh thổ 5 dân tộc Mãn, Mông, Hán, Hồi, Tạng làm thành đại Trung Hoa dân quốc. Ta cùng đại Hoàng đế thoái chức an nhàn, vui cùng tuế nguyệt, nhận ưu lễ của quốc dân, đích thân xem cảnh thịnh trị thành công, há chẳng tốt đẹp hơn sao !].
Sau đó giao cho Ngoại vụ thông báo các sứ quán ngoại quốc ; các Vương, Công Hoàng thân cũng trốn vào khu sứ quán, Dịch Khuông trốn tại tô giới Thiên Tân. Chiếu thoái vị soạn từ Nam Kinh, do Trương Tái chấp bút ; căn cứ vào nét chữ trong đó có câu “ Viên Thế Khải toàn quyền tổ chức chính phủ cộng hoà lâm thời ”, do Viên Thế Khải thêm vào trước khi trao cho Long Dụ, để chứng tỏ Viên có quyền tự lập chính phủ. Cho dù ra sao, thì chế độ quân chủ triều Thanh cũng đã cáo chung.
3. Chính phủ lâm thời của Viên Thế Khải
Tuy Phổ Nghi đã thoái vị xong, Viên Thế Khải vẫn lo rằng Tôn Văn không chịu từ chức. Đầu tháng 2, do Đoàn Kỳ Thuỵ điện cho Tôn Văn và Lê Nguyên Hồng chủ trương thủ tiêu cả hai chính phủ bắc, Nam ; rồi suy cử Tổng thống. Lê Nguyên Hồng vốn bất mãn với chính phủ Nam Kinh, muốn xử tốt với Viên để củng cố địa vị, nên bằng lòng ngay. Trước khi Chiếu thoái vị ban bố 1 ngày, Viên đánh điện cho Nam Kinh bảo rằng cộng hoà là chính thể tốt thích hợp, ngày vua Thanh thoái vị, tức không còn chính thể quân chủ trên đất Trung Quốc; như vậy đã làm theo lời Tôn yêu cầu, Tôn đáng phải thi hành điều đã đồng ý, từ chức để Viên giữ chức Tổng thống. Sau khi Chiếu thoái vị ban bố 1 ngày, Viên tuyên cáo “ Ứng mệnh tổ chức chính phủ ” , tự xưng “ Thủ lãnh ” thực sự thành lập chính quyền. Cùng ngày, Tôn Trung Sơn hướng lâm thời Tham nghị viện từ chức, nhường chức Tổng thống cho Viên ; chỉ yêu cầu Viên không đáng để triều Thanh uỷ nhiệm, cứ tự tổ chức chính phủ. Viên bảo rằng quân Bắc dương và đại biểu Mông Cổ đã suy cử Viên làm Tổng thống, nên việc “ triều Thanh uỷ nhiệm ” không cần tranh luận thêm ; sự việc biểu thị rằng Viên đã thành Tổng thống, không cần phương nam nhường, Tôn cũng bỏ qua không đi sâu vào việc này. Ngày 15/2 lâm thời Tham nghi viện tuyển Viên làm lâm thời Tổng thống nhiệm kỳ 2, và cử Lê Nguyên Hồng làm Phó tổng thống ; kèm với lời chúc mừng như sau :
“查世界历史选举大总统满场一致者,只华盛顿一人,(袁)公为再见。同人深幸公为世界之第二华盛顿,我中华民国之第一华盛顿”[Tra lịch sử thế giới về bầu cử Tổng thống, chỉ có Washington là người độc nhất được mọi phiếu bầu nhất trí, ông là người thứ hai có vinh dự đó. Người đồng chí hướng hân hạnh biết ông là Washington thứ 2 của thế giới, và là Washington thứ nhất của Trung Hoa dân quốc].
Viên không đợi nhận mệnh, cải xưng “ Lâm thời đại Tổng thống ” để biểu thị chức vụ này do Thanh triều uỷ nhiệm, bắc phương suy tôn ; lại được lâm thời Tham nghị viện thừa nhận.
Trong thời gian hoà đàm Tôn Trung Sơn đề xuất điều kiện chính phủ lâm thời đặt tại Nam Kinh, lúc gửi thư cho Tham nghị viện xin từ chức lại đề cập thêm và nói rõ rằng ngày Tổng thống tân nhiệm đến Nam Kinh, Tôn mới giải chức. Điều này nhắm mục đích để Viên rời căn cứ địa Bắc Kinh, ra khỏi thế lực khu vực sứ quán, khiến quân trú phòng của liệt cường tại Bắc Kinh và cửa khẩu mất tác dụng. Viên cho rằng thành kiến bắc nam sâu sắc, không muốn đem thân vào Nam Kinh để phe cách mệnh khống chế ; nên mượn cớ trật tự phương bắc không dễ duy trì, nhân tâm tại Đông Tam Tỉnh chưa nhất trí để từ chối không xuống phương nam. Tham nghị viện một thời đồng ý chính phủ thiết lập tại Bắc Kinh, nhân Tôn và Hoàng Hưng cương quyết từ chối, nên biểu quyết lại, đòi chính phủ phải đặt tại Nam Kinh. Nhưng có những người không đồng ý với Tôn, Hoàng ; như Chương Bỉnh Lân, và các Đô đốc thuộc các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Nam, Vân Nam đều chủ trương lập thủ đô tại Bắc Kinh. Viên được thế thêm cường ngạnh, thanh xưng bỏ bắc đi xuống miền nam trở ngại vô cùng, ý kiến quân dân bắc phương rầm rộ, mối lo bên trong rất nhiều ; ngoại giao đoàn cũng mấy lần tuyên bố chính phủ không thể rời Bắc Kinh ; Viên doạ rằng nếu như không thể xuống phương nam nên không thống nhất được, thì Viên tình nguyện không nhận chức Tổng thống.
Nam Kinh kiên trì không đổi ý, phái Thái Nguyên Bồi, Uông Triệu Minh, Tống Giáo Nhân làm chuyên sứ đón Viên, để Viên không còn cách gì từ chối. Khi phái đoàn đến Bắc Kinh được 2 ngày, vào ngày 29/2 binh biến tiếp tục xẩy ra tại vùng phụ cận Bắc Kinh như Thiên Tân, Bảo Định, Thông Châu ; Công sứ các nước điều quân đến Thiên Tân, Bắc Kinh. Lê Nguyên Hồng gửi điện yêu cầu sớm định quốc đô, thành lập chính phủ để ngăn ngừa người nước ngoài can thiệp, và quyết không dời đô xuống phương nam. Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Quốc Chương cũng ra sức nói chính phủ phải đặt tại Bắc Kinh, Viên không thể xuống Nam Kinh nhận chức. Thái Nguyên Bồi cũng nhận xét rằng sau cơn binh biến thái độ ngoại quốc hết sức ngang tàng ; nếu binh biến còn xẩy ra nữa ngoại quốc sẽ tự do hành động, xét cục diện nên đặt chính phủ thống nhất tại Bắc Kinh. Nam Kinh đề nghị mang quân lên phía bắc giúp Viên duy trì trật tự, Viên hết sức phản đối ; Tham nghị viện cuối cùng hứa Viên tại Bắc Kinh nhậm chức. Phải chăng binh biến do nhận được chỉ thị ngầm của Viên, khó mà khẳng định được ; tuy nhiên sau khi sự việc xẩy ra không đem ra phân xử. Từ đó trở về sau, binh biến là việc thường xẩy ra dưới thời dân quốc.
Một điều khác Tôn yêu cầu Viên là phải tuân thủ hiến pháp. Trước đó chế định lâm thời ước pháp ; vào ngày 7/3 lâm thời Tham nghị viện bắt đầu thảo luận, đến ngày 21/3 công bố. Quy định chủ quyền quốc dân thuộc toàn thể nhân dân ; Tham nghị viện, Tổng thống, Quốc vụ viên hành sử quyền thống trị. Nhân dân nhất luật bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, đều tại pháp luật hưởng tự do bản thân, nhà cửa, tài sản, doanh nghiệp, ngôn luận, xuất bản, tập hội, thư tín bí mật, cư trú, di chuyển, tín ngưỡng. Có quyền lợi thỉnh nguyện, trình bày, tố tụng, khảo thí, tuyển cử, được tuyển cử ; cùng nghĩa vụ nạp thuế, tòng quân. Quyền lập pháp do Tham nghị viện hành sử, Tổng thống, Phó tổng thống do Tham nghị viện tuyển cử. Tổng thống nắm chính vụ, thống suất hải, lục quân, chỉ định viên chức văn võ ; nhưng về việc quy định các ngạch viên chức, chỉ định Quốc vụ viên, Đại sứ, cùng tuyên chiến, nghị hoà, lập điều ước, thì phải được Tham nghị viện đồng ý. Tổng thống công bố pháp luật cùng mệnh lệnh, đều thông qua Quốc vụ viên cùng ký. Ước pháp thi hành trong hạn 10 tháng, sau đó triệu tập quốc hội, chế định hiến pháp.
Qua những điều khoản của ước pháp, về mặt nhân quyền, so với các quốc gia dân chủ trên thế giới đại khái tương tự, riêng Trung Quốc là điều mới, từ trước tới nay chưa từng có. Đối với quyền lực quốc hội thì ra sức đề cao, quyền lực Tổng thống thì hạn chế nhiều cách, cũng gần như nội các chế. Viên hiểu rằng đây là công cụ do Đồng minh hội đặt ra để ràng buộc mình, nên không chịu cúi đầu tuân theo. Từ đó trở về sau, Viên và Đồng minh hội xung đột phần lớn đều do từ ước pháp.
Đồng minh hội đưa chức Tổng thống nhường Viên, hy vọng tổ chức nội các, bỏ danh để chiếm thực ; nhưng đó không phải là điều Viên muốn. Phương án chiết trung, để Đường Thiệu Nghi gia nhập Đồng minh hội và giữ chức Tổng lý nội các. Đường đối với Viên có hơn 20 năm cùng làm việc mật thiết ; đối với Tôn cùng là dân Quảng Đông, lại là người xúc tiến thành lập cộng hoà, nên có thể đứng vào thế chiết trung, xúc tiến Viên cùng Đồng minh hội hợp tác. Ngày 3/3 Viên cử Đường làm quốc vụ Tổng lý, phái Viên có Triệu Bỉnh Quân, Đoàn Kỳ Thuỵ, Lưu Quan Hùng chia giữ các chức Tổng trưởng nội vụ, lục quân, hải quân; phái lập hiến Hùng Hy Linh giữ chức Tổng trưởng tài chánh ; Đồng minh hội có Vương Sủng Huệ, Thái Nguyên Bồi, Tống Giáo Nhân, Trần Kỳ Mỹ phân giữ các chức Tổng trưởng tư pháp, giáo dục, nông lâm, công thương ; riêng Tổng trưởng ngoại giao do nhân vật mềm dẻo Lục Chinh Tường đảm nhận. Vào ngày 1/4 Tôn Trung Sơn từ chức Tổng thống lâm thời. Hoàng Hưng đảm nhiệm Nam Kinh lưu thủ, nắm các quân phía nam. Ngày 2/4 Tham nghị viện chính thức nghị quyết đặt chính phủ lâm thời tại Bắc Kinh.
Chú thích:
1 Thành phần nội các có 3 Tổng trưởng gốc Quảng Đông, 2 thuộc Chiết Giang, 1 thuộc Giang Tô, 1 Tứ Xuyên, 1 Hồ Nam, 1 Phúc Kiến; riêng tỉnh Hồ Bắc có một số Thứ trưởng nhưng không có Tổng trưởng.
2 Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] : quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.
5 Nhật Bản thấy xu thế chung không để cho triều Thanh tồn tại nên đồng ý ; riêng nước Mỹ không muốn can thiệp vào nội bộ Trung Quốc nên không tham gia.
6 Vi công : do điển cố từ Luận Ngữ, thiên Lễ Vận, “ Thiên hạ vi công ” tức thiên hạ là của chung