Tác giả: Aleksey Volynets, 23/4/2017
Người dịch: Lý Quốc Bảo
Sự chuẩn bị của Nga cho một cuộc chiến lớn chống lại Đế quốc Thanh, bắt đầu sau cuộc Khủng hoảng Ili (Y Lê), đã diễn ra từ Trung Á đến vùng Viễn Đông Primorye. Nhiệm vụ này khiến chính quyền Nga lo sợ không chỉ trước số lượng nhiều triệu người của Thiên triều, mà cả trước những khó khăn về hậu cần và tổn phí tài chính cắt cổ mà cuộc chiến với nước láng giềng Trung Quốc đòi hỏi.
“Bây giờ Trung Quốc không giống như 15 năm trước…”
Trong suốt năm 1880, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh của Đế quốc Nga, D. A. Milyutin, đã nhiều lần lưu ý rằng việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nga-Trung đòi hỏi “số tiền khổng lồ”. “Tất cả chúng tôi đều cho rằng sẽ cực kỳ không có lợi cho Nga nếu sự hiểu lầm của chúng tôi với Trung Quốc kéo dài quá lâu,” ông viết trong nhật ký sau một trong những cuộc gặp ở Cung điện Mùa đông. Những lo ngại này được thúc đẩy bởi thông tin mới về hoạt động của Trung Quốc trên thị trường vũ khí châu Âu. Vì vậy, vào cuối mùa thu năm 1880, “đặc vụ hải quân” (tùy viên) của Nga tại Đức, Thuyền trưởng hạng nhất Nikolai Nevakhovich, đã cung cấp thông tin rằng hai tàu tuần dương hiện đại dành cho Trung Quốc đã sẵn sàng được hạ thủy ở Anh, còn tại Đức thì chính phủ Trung Quốc, ngoài việc mua ngư lôi, đã đặt hàng đóng mới hai thiết giáp hạm.
Các tàu tuần dương hạng nhẹ đồng lớp Chaoyun (超勇- Siêu Dũng) và Yanwei (揚威 – Dương Uy), đặt hàng ở Anh, đã đi vào hoạt động cùng hạm đội Trung Quốc vào năm sau, 1881. Tốc độ tối đa 16,5 hải lý / giờ của chúng vào thời điểm đó vượt quá hiệu suất của hầu hết các tàu Nga. Các thiết giáp hạm đã nêu trong báo cáo trên của Nevakhovich, được đặt tên là “Dingyuan” (定遠 – Định Viễn) và “Zhenyuan” (鎮遠 – Trấn Viễn), trở thành những tàu chiến nổi tiếng và mạnh nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 19. Đối với những năm 1880, đây là dự án mới nhất và là một lập luận rất nghiêm túc trong cuộc đối đầu địa chính trị, đặc biệt là khi Nga chưa có những con tàu như vậy ở Thái Bình Dương.
Mô hình ba chiều của các tàu chiến chính của hạm đội Trung Quốc (Bắc Dương hạm đội) một thập kỷ sau phản ánh của Milyutin. Từ trái sang phải: thiết giáp hạm Dingyuan (Định Viễn, được đưa vào hoạt động năm 1885), tuần dương hạm bọc thép Zhiyuan (Trấn Viễn, được đưa vào hoạt động năm 1887), tuần dương hạm rải thủy lôi Guangbin (平遠 – Bình Viễn, được đưa vào hoạt động năm 1893), tuần dương hạm Chaoyun (Siêu Dũng, được đưa vào hoạt động năm 1881) và khu trục hạm Zoyi (được đưa vào hoạt động năm 1887)
Đáng chú ý là vào cùng những tháng đó, Milyutin đã hơn một lần ghi vào nhật ký những suy nghĩ và kế hoạch liên quan đến sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, nhưng không có gì giống vậy trong nhật ký về Đế chế Thanh. Một bản tóm tắt tất cả những lo ngại về Trung Quốc được vị bộ trưởng ghi lại trong một mục nhật ký ngày 12 tháng 12 năm 1880:
“Hôm qua tôi đã tham dự một cuộc họp về các vấn đề Trung Quốc; nó diễn ra tại Bộ Ngoại giao, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính mới, Abaza. Tâm trạng chung có chiều hướng tới sự tuân thủ nhằm tránh bằng mọi giá một cuộc chiến với Trung Quốc … “
“Tại sao không bắt đầu với Trung Quốc?”
Ngoài phản ứng của giới quân sự và chính khách cấp cao nhất Đế quốc Nga, sẽ rất thú vị khi biết phản ứng của xã hội Nga lúc bấy giờ đối với một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra với một nước láng giềng lớn ở phía đông. Tuy nhiên, những nỗ lực nghiên cứu vấn đề này cho thấy rằng, nhìn chung, công chúng Nga chỉ đơn giản là không nhận thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh với Đế quốc Thanh: những âm mưu xung quanh “di sản Ottoman” ở Balkan và “Đệ nhị đế chế” của Đức chỉ mới nổi lên ở châu Âu đã chiếm lĩnh giới trí thức Nga nhiều hơn, không còn chỗ cho những tin tức mơ hồ từ một Trung Quốc khó hiểu.
Tuy nhiên, vào trước “cuộc khủng hoảng Ili”, một trong những “kẻ gây rối” chính vào thời điểm đó, Mikhail Bakunin, đã viết về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Nga và Trung Quốc. Người theo chủ nghĩa vô chính phủ đầu tiên của Nga, từng là một trung úy (прапорщик) pháo binh, đã nói về một cuộc xung đột Nga-Trung tiềm tàng:
“Nếu phải chinh phục, tại sao không bắt đầu với Trung Quốc? Trung Quốc rất giàu có và về mọi mặt, chúng ta dễ tiếp cận hơn so với Ấn Độ, vì không có ai và không có gì giữa nước này và Nga. Hãy lên đường và chiếm lấy nó nếu bạn có thể.
Đúng vậy, lợi dụng tình trạng hỗn loạn và chiến tranh giữa các sứ quân đã trở thành căn bệnh kinh niên của Trung Quốc, có thể mở rộng cuộc chinh phạt rất xa trong khu vực này, và có vẻ như chính phủ Nga đang làm gì đó theo kiểu này; nó đang cố gắng tách Mông Cổ và Mãn Châu ra khỏi nó (Trung Quốc) một cách công khai; có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ nghe tin rằng quân đội Nga đã thực hiện một cuộc xâm lược ở biên giới phía tây của Trung Quốc. Vấn đề này cực kỳ nguy hiểm, khiến chúng ta nhớ đến những chiến thắng khét tiếng của người La Mã cổ đại trước các dân tộc Đức, những chiến thắng đã kết thúc, như bạn đã biết, trong việc cướp bóc và khuất phục Đế chế La Mã bởi các bộ lạc hoang dã của Đức …
Họ coi thường quần chúng Trung Quốc một cách vô lý. Người Trung Quốc đã đáng gờm bởi chỉ riêng số lượng khổng lồ của họ; đáng gờm cũng bởi vì họ không nên bị đánh giá bởi các thương gia Trung Quốc, những người mà các thương nhân Châu Âu làm ăn với họ ở Thượng Hải, ở Canton, hoặc ở Maymachin. Bên trong Trung Quốc, quần chúng sống, ít bị cắt xén hơn nhờ nền văn minh Trung Quốc, năng động hơn vô song, và bên cạnh đó, họ chắc chắn là những người hiếu chiến, được nuôi dưỡng trong truyền thống quân sự bởi những cuộc chiến tranh liên miên, trong đó hàng chục và hàng trăm nghìn người chết. Cũng cần lưu ý rằng gần đây họ đã bắt đầu làm quen với việc sử dụng các loại vũ khí mới nhất và cả với kỷ luật châu Âu. Chỉ kết hợp kỷ luật này và sự quen thuộc với vũ khí mới và chiến thuật mới với sự man rợ nguyên thủy của quần chúng Trung Quốc, với việc họ không có bất kỳ khái niệm nào về sự phản kháng của con người, bất kỳ bản năng tự do nào, với thói quen phục tùng nghiêm khắc nhất, và tính đến dân số khổng lồ khổng lồ, buộc phải tìm kiếm lối ra, và bạn sẽ hiểu mối nguy hiểm đe dọa chúng ta từ phía Đông lớn như thế nào. Chính với mối hiểm họa này mà chính phủ Nga của chúng ta lại đang chơi đùa, hồn nhiên như một đứa trẻ … “
Các lính cấm vệ mặc đồng phục hải quân Trung Quốc, ảnh chụp vào thập niên 1880. Trong các kịch bản khác của lịch sử, họ có thể trở thành đối thủ của các thủy thủ Nga.
Như ta thấy, nhà vô chính phủ Nga này không thoát khỏi niềm đam mê thời thượng đối với bóng ma của “hiểm họa da vàng”, nhưng những suy nghĩ của ông ta là đáng tò mò, và quan trọng nhất, chúng phản ánh rất rõ tâm trạng của tầng lớp trí thức Nga trong những năm đó. Mặc dù công tác chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc không được dư luận Nga chú ý, nhưng nếu một cuộc chiến lớn bắt đầu chống lại nước láng giềng Viễn Đông, nó sẽ ngay lập tức trở nên không được ưa chuộng ở Nga, không giống như những trận chiến gần đấy ở Balkan.
Các phản ứng đặc trưng của cư dân Nga đối với một cuộc chiến có thể xảy ra với Trung Quốc đã được ghi lại bởi nhà văn kiêm nhà báo nổi tiếng Vsevolod Krestovsky, người đã đi tàu biển từ Odessa đến Vladivostok vào mùa hè năm 1880 để trở thành nhà sử học chính thức cho hải đội Thái Bình Dương của Đô đốc Lesovsky trong sự kiện một cuộc xung đột. Krestovsky mô tả cảnh sau ở Singapore:
“Thật bất ngờ, chúng tôi phát hiện một số hành khách trở về từ vùng Primorsky và vùng Ussuri của Nga. Tất nhiên là chúng tôi đã gặp nhau.
– Có gì mới không? – chúng tôi hỏi.
– Không có gì, họ trả lời. – Tất cả đều tốt. Ngài nên hỏi về chuyện thời sự. Ngài, như vẫn nói, là sử gia kia mà.
– Vâng, nhưng tới giờ chúng tôi vẫn chưa biết bất cứ điều gì.
– Chà, chúng tôi thậm chí còn biết ít hơn.
– Thế còn người Trung Quốc thì sao? Vùng biên giới thế nào rồi?
– Không sao, vẫn như trước. Không có thay đổi nào đáng chú ý.
– Người ta đã sẵn sàng chiến tranh chưa?
– Ai cơ chứ? Người Trung Quốc à? .. Để làm gì? Sẽ không có chiến tranh, nhìn xem, mọi thứ vẫn ổn mà! Cả họ lẫn chúng ta đều chưa sẵn sàng đánh nhau, và cũng chưa có tính toán gì. Hay là đám ở Petersburg muốn có chiến tranh để đỡ nhàm chán?
Krestovsky cũng mô tả một cảnh gây tò mò diễn ra vào tháng 8 năm 1880 tại miền quê quanh Thượng Hải: một nhà báo để chuẩn bị cuộc chiến với Trung Quốc đã không bỏ qua việc điều tra lãnh thổ của một kẻ thù tiềm tàng:
“Mọi người ngay lập tức biết rằng tôi là người Nga, và do đó không thiếu những người tò mò đi lang thang theo dõi tôi. Trong hai cửa hàng, họ quay sang tôi thông qua một phiên dịch viên với những câu hỏi về việc liệu chúng tôi có thực sự định chiến tranh với họ hay không và chính xác là vì mục đích gì. Tôi trả lời rằng chúng tôi không biết gì về cuộc chiến, cũng như liệu có lý do gì cho nó hay không: đây là vấn đề của các cơ quan cao nhất chứ không phải của chúng tôi. Tôi được cho biết rằng một tập sách mỏng gần đây đã xuất hiện ở Thượng Hải bởi một nhà kiểm duyệt đạo đức quần chúng nào đó ở Bắc Kinh (họ đã đề cập đến tên, nhưng tôi quên), trong đó ông ta cân nhắc về cơ hội chiến tranh và hòa bình với Nga và nghiêng về chiến tranh, kêu gọi tinh thần yêu nước của dân tộc.
“Chà, nếu có chiến tranh thì chúng ta sẽ đánh lẫn nhau, nhưng chỉ cần khi hòa bình là tôi sẽ mua hàng của bạn, và các bạn sẽ bán cho tôi,” tôi nói câu này với một giọng đùa cợt, và các thương gia Trung Quốc rất vui lòng đồng ý với tôi. Nhưng nói chung, tôi không nhận thấy sự thù địch dù là nhỏ nhất đối với bản thân từ bất kỳ ai và trong bất kỳ việc gì, mặc dù tôi đã dành gần như cả ngày ở một thành phố của Trung Quốc và có một đám đông khán giả thường xuyên theo dõi tôi … “
“Hãy mang quốc khố và hoàng đế chạy khỏi Bắc Kinh…”
Trong khi Saint-Petersburg lo sợ về một cuộc đụng độ với Trung Quốc, thì ở Bắc Kinh cũng có những nỗi sợ tương tự, nếu không muốn nói là lớn hơn: bất chấp lòng yêu nước dâng trào, cuộc đại chiến với nước láng giềng phương Bắc khiến cả giới quý tộc Mãn Châu lẫn quan chức Trung Quốc sợ hãi.
Trở lại vào tháng 7 năm 1880, theo lời mời của chính quyền Bắc Kinh, tướng Charles Gordon đã đến thủ đô của Đế quốc Thanh. Vào thời điểm đó, cơn bão Thái Bình và cựu chỉ huy của “Đội quân bách chiến bách thắng” đã tham gia vào Chiến tranh Krym, đến thăm lãnh sự Anh trên sông Danube và thậm chí chinh phục Sudan cho người Khedive Ai Cập. Các nhà chức trách của Đế quốc Thanh đã mời Gordon, người có quân hàm tướng quân của quân đội Trung Hoa, làm chuyên gia phòng thủ Mãn Châu và Bắc Kinh – nhà thám hiểm người Anh được coi là nhà cầm quân không thể tranh cãi trong giới quý tộc Mãn Châu.
Lời mời này đã chơi một trò đùa tàn nhẫn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Có kinh nghiệm chiến đấu chống lại cả người Nga lẫn người Trung Quốc, Gordon – nhân tiện, vừa bị thương trong cuộc vây hãm Sevastopol – không nghi ngờ gì rằng, trong điều kiện ngang bằng, quân đội của Đế quốc Nga mạnh hơn nhiều so với quân “bát kỳ” Mãn Châu-Trung Quốc. Vào mùa thu năm 1880, một chuyên gia đến thăm đã vẽ một bức tranh gần như khải huyền cho các “thân vương” Mãn Châu:
“Nếu các ngài bắt đầu chiến tranh, thì hãy đốt cháy vùng ngoại ô Bắc Kinh, mang quốc khố và hoàng đế chạy khỏi Bắc Kinh đưa về trung tâm của đất nước, và tiến hành một cuộc chiến tranh du kích trong 5 năm. Khi đó Nga sẽ không thể đánh bại được các ngài… ”
Nhìn chung, lời khuyên này không hề thiếu logic: hơn hết ở Nga, họ lo sợ về một cuộc chiến tranh kéo dài và nhu cầu tiến sâu vào đất nước nhiều triệu người này. Tuy nhiên, tầng lớp quý tộc nhà Thanh, những người còn nhớ rất rõ cuộc tháo chạy khỏi Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh “thuốc phiện” vừa qua, công thức của Gordon đã gây ra ấn tượng đáng buồn.
Charles Gordon trong quân phục cấp tướng của Thanh triều
Bên cạnh những nguy cơ thuần túy về quân sự, còn có những lý do nội tại khiến cuộc chiến này không được triều đại Mãn Thanh mong muốn dù với bất kỳ kết cục nào. Hoàng đế Guangxu (Quang Tự) khi đó được coi là người đứng đầu trên danh nghĩa của nhà Thanh Trung Quốc, nhưng ông chỉ mới mười tuổi. Thay mặt cậu bé, dì của cậu, Từ Hi Thái hậu, trị vì, khéo léo khai thác những mâu thuẫn của các gia tộc khác nhau trong giới thượng lưu nhà Thanh. Dưa trên cố vấn “chuyên môn” của Gordon, vào tháng 9 năm 1880, “Junjichu” (Quân cơ xứ, Hội đồng quân sự, cơ quan cao nhất của Đế chế nhà Thanh) đã tập hợp tại Bắc Kinh, tại đó Từ Hi đã đưa ra một đề xuất với giới tinh hoa Mãn Châu-Trung Quốc mang đặc trưng rõ ràng của trạng thái nội tại này.
Từ Hi Thái hậu với đoàn tùy tùng
Từ Hi đề nghị rằng những người ủng hộ cuộc đụng độ quân sự với Nga nên tự nhận lấy trách nhiệm, rằng trong trường hợp Trung Quốc thất bại phải bồi hoàn cho ngân khố đế quốc mọi chi phí của cuộc chiến, bao gồm cả việc thanh toán một khoản bồi thường có thể có. Hội đồng quân sự đã thông qua “đề xuất” này, chủ yếu nhắm vào các thủ lĩnh của hai “gia tộc binh quyền” có ảnh hưởng lớn nhất – là Zuo Zongtang (Tả Tông Đường) và Li Hongzhang (Lý Hồng Chương) thuộc Hán tộc.
Thực tế là người Mãn Châu thiểu số cai trị Trung Quốc (mà vị lãnh đạo không thể tranh cãi vào thời điểm đó là Hoàng hậu Từ Hi) vào mùa thu năm 1880 đã nhận ra điều chính yếu: tộc người Mãn Châu và quyền lực của họ đối với Thiên quốc bị đe dọa bởi bất kỳ kết quả nào của cuộc chiến này. Hậu quả tiêu cực của việc bại trận đã quá rõ ràng. Cuộc chiến kéo dài với Nga cũng không dẫn đến bất cứ điều gì tốt đẹp cho vương triều, vốn chỉ mới hồi phục gần đây sau ba mươi năm chấn động bên trong và bên ngoài. Nhưng Hoàng hậu Từ Hi, kinh nghiệm trong các mưu đồ, cũng nhận ra nguy cơ đe dọa quyền lực Mãn Châu ngay cả trong trường hợp chiến thắng giả định – sự củng cố quá mức của các “gia tộc binh quyền” của Lý Hồng Chương và Tả Tông Đường, tức là của Hán tộc.
“Biên giới giữa Nga và Trung Quốc có cùng chiều dài cho cả hai bên…”
Sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng “Hán tộc” trong bộ máy nhà nước và lực lượng vũ trang của Đế chế nhà Thanh khiến người Mãn Châu lo lắng kể từ sau cuộc nổi dậy Thái Bình và sự hình thành các đội quân hương dũng của những người Hán trung thành. Giới tinh hoa Mãn Châu, do Từ Hi lãnh đạo, đã giải quyết vấn đề này bằng cách củng cố mâu thuẫn và cân bằng giữa các nhóm người Hán – trước hết là giữa thống đốc Tân Cương Tả Tông Đường và thống đốc kinh đô Lý Hồng Chương, mỗi nhóm được hậu thuẫn bởi hàng chục tướng lĩnh giàu kinh nghiệm và nhiều hàng ngàn binh lính được vũ trang tốt.
Bộ binh người Hán của thủ lĩnh kinh đô Lý Hồng Chương
Đối với quyền lực của thiểu số Mãn Châu, bất kỳ sự gia tăng ảnh hưởng nào của người Hoa gốc đều cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, ở Bắc Kinh, nhận thấy tất cả các mối đe dọa bên ngoài và bên trong, họ quyết định không đưa xung đột với Nga thành một cuộc đụng độ công khai. Sự chuyển hướng sang hòa bình ngay lập tức được hỗ trợ bởi thống đốc kinh đô, Lý Hồng Chương: ông ta không còn mong muốn một cuộc chiến thực sự, và ông ta đã nhận được tất cả các khoản tiền thưởng có thể có từ “báo động quân sự”. Việc chuẩn bị cho một cuộc chiến với Nga cho phép ông ta moi được những khoản tiền khổng lồ từ chính phủ để tăng cường sức mạnh cho quân đội dưới quyền kiểm soát của ông ta.
Lý Hồng Chương tại buổi bắn thử đầu tiên đại liên Maxim ở Trung Quốc, ảnh chụp cuối thế kỷ 19
Chính quân đội thủ đô của Lý Hồng Chương là những người đầu tiên nhận được súng trường và đại bác mới, và các tuần dương hạm và thiết giáp hạm mới nhất được đặt hàng ở Anh và Đức nhằm tăng cường sức mạnh toàn diện cho hạm đội “Bắc Dương”, có trụ sở tại Uy Hải và Luishunkou (Lữ Thuận Khẩu, Cảng Arthur) và phòng vệ các hướng tiếp cận trên biển tới Bắc Kinh. Các sĩ quan của “Hạm đội Bắc Dương” cũng thuộc “nhóm binh quyền” của Lý Hồng Chương. Điều quan trọng là chỉ huy hạm đội này, Đô đốc Ding Rongchang (Đinh Nhữ Xương), từng bắt đầu binh nghiệp trong quân đội Thái Bình và chỉ sang phe của Đế chế Thanh vào năm 1861, đã đồng ý với Lý Hồng Chương về một lệnh ân xá
Chỉ huy “Hạm đội Bắc Dương” đô đốc Đinh Nhữ Xương trong lễ phục Thanh triều
Nếu thống đốc kinh đô Lý Hồng Chương ngay lập tức ủng hộ các “sáng kiến hòa bình” của Từ Hi xảo quyệt, thì để dẹp yên Tả Tông Đường (người nắm quyền thứ hai trong số các tướng lĩnh Hán tộc), hoàng hậu Mãn Châu phải dùng đến sự xảo quyệt quan liêu. “Biên giới giữa Nga và Trung Quốc có chiều dài như nhau cho cả hai bên, và nếu Nga xâm lược Trung Quốc ở một nơi, thì Trung Quốc có thể xâm lược Nga ở nơi khác,” những lời này của Tả Tông Đường khi đó đã quá phổ biến trong giới quan chức Trung Hoa. Vì vậy, vào cuối năm 1880, “ủy viên hoàng gia phụ trách quân sự ở Tân Cương”, người không mệt mỏi kêu gọi chiến tranh với Nga, đã được triệu tập đến Bắc Kinh để thăng chức danh dự.
Tả Tông Đường được long trọng bổ nhiệm làm “cố vấn cho ngai vàng” và là người đứng đầu Bộ Chiến tranh. Với một cách điều động quan liêu khéo léo, Thái hậu Từ Hi đã loại bỏ “ủy viên” Tả quá hiếu chiến khỏi đội quân trung thành với mình, những người vẫn ở Tân Cương xa xôi, đặt vị tướng mới vào vương phủ của đối thủ không thể hòa giải là Lý Hồng Chương. Những người chủ chiến chính đã bị vô hiệu hóa, và con đường đàm phán hòa bình với Nga được mở ra.
“Giải pháp của một số vấn đề biên giới liên quan đến lợi ích của cả hai đế chế …”
Để chứng minh cho Nga thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp của họ, các nhà chức trách của Đế chế Thanh đã ân xá cho người Mãn Châu bị kết án tử hình Chun Hou (Trung hầu), cựu đại sứ đã ký phiên bản đầu tiên của hiệp ước biên giới Tân Cương một năm trước đó ở Crimea. Đáng chú ý là lần này, theo gợi ý của Từ Hi, một người thuộc Hán tộc là Zeng Jijie (Tăng Kỷ Trạch), con trai cả của Zeng Guofan (Tăng Quốc Phiên), người chiến thắng Khởi nghĩa Thái Bình nay đã qua đời, người sáng lập ra tất cả các “gia tộc binh quyền” gốc Hán, theo đó khởi đầu cho sự nghiệp của cả Lý Hồng Chương lẫn Tả Tông Đường, đã đến St.Petersburg để đàm phán. Trước khi được cử đến Nga, Tiểu Tăng đã được phong tước hiệu “hầu” – tước quan trọng thứ nhì trong hệ thống phân cấp của người Mãn Châu sau bậc “thân vương”. Do đó, trong ngôn ngữ của các nhà ngoại giao Nga, phái viên mới của Trung Quốc được gọi là “Marquis Tseng” (Hầu tước Tăng).
Tân sứ thần Trung Hoa ở Peterburg “Marquis Tseng”. Ảnh chụp thập niên 1880s.
Tại Peterburg, sứ mệnh hòa đàm của “Hầu tước Tăng” được chào đón một cách thuận lợi. Các bên đã nhượng bộ lẫn nhau, và 17 ngày trước khi Sa hoàng Alexander II bị ám sát bởi những người cách mạng vào tháng 2 năm 1881, một hiệp ước Nga-Trung mới đã được ký kết. Như đã nêu trong phần mở đầu, hiệp ước được ký kết “nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị” và “giải quyết các vấn đề biên giới nhất định liên quan đến lợi ích của cả hai đế chế.” (Tức Hiệp ước Livadia, tiếng Trung là里瓦幾亞條約 – Lý Ngõa Kỷ Á Điều ước)
Nga giữ lại không phải một phần ba, mà là một phần năm “khu vực Ili”. Tiền chuộc của Trung Quốc đối với mảnh đất Tân Cương trả cho người Nga đã tăng từ 5 lên 9 triệu rúp bạc. Đáng chú ý là trong văn bản của thỏa thuận, số tiền cuối cùng cũng được viết bằng đơn vị tiền tệ của Anh, vì Trung Quốc phải trả “một triệu bốn trăm ba mươi mốt nghìn sáu trăm sáu mươi tư bảng Anh và hai shilling” cho Nga thông qua Ngân hàng London Barings.
Lần này, Bắc Kinh phê chuẩn hiệp ước mới không chậm trễ và Trung Quốc đã trả toàn bộ số tiền chuộc đến từng đồng shilling một cách chính xác đúng thời hạn. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1882, đại diện của hai đế quốc: Tư lệnh vùng Semirechensk, Thiếu tướng Aleksei Fride, và cố vấn của Ili là jianjun (thống đốc) amban (tỉnh trưởng) Shentai đã gặp nhau ở biên giới Tân Cương và ký kết nghị định thư cuối cùng “về việc đầu hàng và chấp nhận” các vùng đất trong thung lũng sông Ili.
Thiếu tướng và Ataman của Quân đội cô-dắc vùng sông Semi Aleksei Yakovlevich Fride
Xung đột biên giới mở giữa Nga và Trung Quốc trôi vào dĩ vãng, nhưng cả hai bên ngay lập tức bắt tay tăng cường biên giới của mình, chủ yếu là ở Viễn Đông – và trong thập kỷ sau đó, quân số của cả hai bên ở sông Amur và Ussuri đã tăng gấp đôi.