Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 2

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 2 : ‘CUỘC CHIẾN BẨN THỈU’

1 Những tên xe lu 

Vào những tháng đầu năm 1947 Charles Trenet (nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp sau Thế Chiến II) hứng chí ngâm nga, nhắc lại thế giới huy hoàng của ngôn ngữ Pháp: ‘La mer, qu’on voit danser la long des golfes claires’, nhưng  khi dịch ra tiếng Anh nghe rất đỗi tầm thường: ‘Biển cả, mà chúng ta trông thấy đang nhảy múa dọc theo bờ vịnh sáng lóa’. Công ty thời trang Christian Dior nắm bắt óc tưởng tượng của giới nữ chuộng thời trang với mẫu thiết kế New Look, mở ra vạt vải bên dưới một eo thon  và vạt trên bó sát, làm bay đi những năm tháng chiến tranh khắc khổ đã qua.  Văn hoá, phong cách, nét đẹp tự nhiên lẫn nhân tạo của  Pháp một lần nữa lên ngôi. Từ Paris nhà văn Nancy Mitford  chế giễu không mệt mỏi đồng bào Anh của mình không có khả năng sánh được với nghệ thuật ẩm thực, tính sắc sảo, nét tao nhã  của chủ nhà mình. Vậy mà cũng những con người khôn lanh, tự phụ, dễ dao động này lại chọn con đường lún sâu vào một cuộc chiến thực dân tàn bạo cách nhà 8,000 dặm, một cuộc chiến cuối cùng lấy mất của họ hơn 90,000 sinh mạng,  và người Việt  còn nhiều nhiều hơn nữa. Phần đồng dân thành phố xem cuộc đấu tranh nhằm gìn giữ đế quốc hải ngoại của họ là – 

 la sale guerre, ‘cuộc chiến bẩn thỉu’ – với sự lạnh nhạt, nếu không muốn nói là chế nhạo thẳng thừng. De Gaulle, giờ đang trong chốn lưu đày chính trị, bày tỏ mối ngờ vực muộn màng, chẳng bao lâu sẽ trở thành chắc chắn, rằng Pháp không có lợi ích sống còn tại Đông Dương, và không thể thắng thế ở đó. Vậy mà một thiểu số om sòm  lại hăng hái quan tâm, và hô hào một cuộc phiêu lưu quân sự đắt giá không sao tưởng tượng được. 

 

George Orwell nhận xét rằng cách nhanh nhất để kết thúc một cuộc chiến là chịu thua, trong khi thật tai họa cho nước Pháp phải mất gần một thập niên mới đạt được điều này. Cuộc chiến Đông Dương có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo vùng miền. Ở miền bắc, các lực lượng quy mô điều động và đánh với các đội hình cộng sản cuối cùng tập họp được 60,000 quân, được hỗ trợ bởi các kíp luân phiên của lực lượng khuân vác nông dân. Một tài liệu của Việt Minh nêu rõ mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 là ‘thuận lợi nhất để chiến đấu’, trong khi những tháng mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 10, khi việc chuyển quân rất khó khăn, thường dành để dưỡng quân,  huấn luyện, tái triển khai, lên kế hoạch. Trong khi đó ở thị trấn và thành phố, người Pháp ra sức đánh lại các cuộc tấn công khủng bố- bom ném vào quán cà phê đông người, xả súng vào các viên chức. Những sự cố như thế trở thành một phần của sự bình thường mới: tại một buổi chiêu đãi ở dinh thị trưởng Hải Phòng,  khách dự một phen hoảng vía khi nghe nhiều tiếng súng nổ và tiếng la hét gần đó, nhưng buổi tiệc và cuộc trò chuyện tiếp tục khi biết tin đó chỉ là một phần tử Việt Minh bị bắn chết sau khi ném một quả lựu đạn tại một trạm cảnh sát. Trong một vụ tấn công tàn bạo và thành công bất thường, các du kích xông vào một buổi liên hoan tối tổ chức tại nhà một gia đình Pháp ở  Cap St Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Chúng ra tay bằng lựu đạn và súng máy nhẹ của Anh, sát hại 8 sĩ quan, hai phụ nữ, 6 đứa trẻ  và 4 tôi tớ người Việt.  

Trên khắp vùng quê, một mạng lưới gần một ngàn đồn và tháp canh – vây quanh là mìn, hàng rào an ninh, các súc gỗ, bao cát, kẽm gai và hào có cắm chông tre – được dựng lên để bảo vệ làng mạc và đường xá. Những thứ này không mấy thành công trong việc ngăn chặn Việt Minh,  vì họ dễ dàng gỡ mìn đem về xài, và thường có thể tràn vào một đồn lính địa phương nếu họ rắp tâm. Các tàu chiến nhỏ Pháp giao tranh những trận dữ dội trên sông Đà với các đội du kích khai hỏa từ hai bên bờ. 

Trong khi đó, trên núi cao và trong rừng sâu, các lực lượng đặc biệt Pháp của  GCMA – Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés (Binh đoàn biệt kích hỗn hợp nhảy dù) – cầm đầu các chiến binh bộ tộc vùng cao vốn căm ghét người cộng sản vì nguyên cớ riêng của họ. Vì việc tiếp quân hoặc rút quân đều phụ thuộc vào đường bay , nên một số GCMA phải hòa nhập vào bản xứ vì họ không có lựa chọn nào khác; không ít người không bao giờ trở về với đời sống văn minh. Điều này trở thành trận xung đột cuối cùng trong đó quân nhảy dù thực hiện liên tiếp các cuộc nhảy dù hành quân, có khi thường xuyên đến một tuần một lần. Tuy nhiên,  đối với phần đông các đơn vị Pháp, đây là cuộc chiến mà đường xá khống chế, trong đó trực thăng chỉ đóng vai trò hạn chế: thậm chí trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, lực lượng thực dân chỉ sở hữu 23 trực thăng. Bộ binh tiến hành liên tiếp bất tận các trận càn trên khắp vùng nông thôn, với các mật danh thi vị như Citron, Mandarine, Mercure, Artois, Mouette and Nice I & II. Kết quả chỉ là một vài xác chiến binh Việt Minh, nhưng đổi lấy một chi phí khủng khiếp nỗ lực và gây phiền hà cho người nông dân. 

Giáp không theo học cao đẳng quân sự nào, nhưng đọc rất nhiều: ông trở nên ám ảnh với Napoleon, Clausewitz và chiến thuật du kích chiến của Mao. Lực lượng ông đạt được một chiến tích lừng lẫy đầu tiên vào ngày 27/1/1947, phục kích một đoàn hộ tống chở các chính trị gia Việt Nam làm việc cho Pháp trong một chuyến thanh sát miền bắc.  Mười bốn ô tô bị phá hủy, bộ trưởng giáo dục và một kỹ sư Pháp bị giết. Cuộc tấn công gây ấn tượng cho giới chính quyền vì tính táo bạo và hiệu quả của nó, và còn nhiều vụ tương tự tiếp diễn. Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng được biết dưới tên ‘con đường máu’. Một ngôi làng trên Quốc lộ 1 nối nam bắc là một địa điểm phục kích nổi tiếng đến nỗi người Pháp cho san ủi nó. 

Hai bên cạnh tranh mức độ nhẫn tâm. Việt Minh hành hình các trưởng làng nào không thuận theo ý muốn của họ, thường bằng cách chôn sống trước sự chứng kiến của dân làng, sau khi tra tấn nạn nhân bằng những trò tinh xảo kiểu trung cổ. Khi Việt Minh giết một binh lính Việt làm cho Pháp, một du kích mượn một chiếc kềm từ một ngôi nhà gần đó, dùng nó để nhổ ra chiếc răng bịt vàng của người chết. Một đứa trẻ chứng kiến sự việc viết: ‘Tôi đã trông thấy nhiều xác chết bị chặt đầu, phanh thây, mổ bụng, thậm chí lột da, vậy mà không cảnh nào ghê tởm bằng cảnh tên du kích dơ lên hai chiếc răng vàng, gương mặt rạng rỡ.’

Người Pháp sử dụng hỏa lực phung phí trên chiến trường,  và cho phép binh sĩ mình gần như mặc tình hành động phía sau nó . Nhà văn Norman Lewis mô tả chuyến bay đầu tiên đến Sài Gòn.  Người ngồi cạnh ông trên chuyến bay Air France là một đại tá Lê Dương Viễn Chinh. Ông ta chăm chăm nhìn xuống đồng bằng Cửu Long bên dưới với cái nhìn hằn học quen thuộc.  Khi họ bay qua một cụm lều tranh bên dưới hai ngàn bộ, ánh mắt non nớt của Lewis tập trung vào vật gì đó giống như một cuộn khói hương cuộn lên. Rồi ông nhận ra đó chính là một cuộn khói cuồn cuộn. Khi những đốm lửa bắn ra bắt đầu thấy được, người sĩ quan Lê Dương ngồi cạnh nhận xét ra vẻ hiểu biết, ‘Une opération (Một cuộc hành quân .’ Bên dưới cặp mắt chúng tôi bạo lực đang được thực thi, nhưng chúng tôi cảm thấy tách biệt khỏi chuyện đó như tách biệt khỏi lịch sử. . . Chúng ta có thể hiểu được cỗ máy ném bom từ trên cao có thể khiến cho việc giết người trở nên trơn tru và lãnh đạm biết bao.’ Tính tàn nhẫn của người Pháp một phần bị thúc đẩy do thói quen thống trị chủng tộc, một phần vì cho rằng dù nhiều nông dân không phải là kẻ địch trực diện , thì chúng cũng biết rõ kẻ thù ẩn nấp nơi đâu,  trốn trong cống ngầm nào hoặc trên đường nào có đặt chông chờ đợi các binh sĩ bất cẩn. Bọn thực dân và đồng minh của họ là phe Cao Đài và Hòa Hảo – các giáo phái miền nam có lực lượng quân đội riêng kinh khủng – được cho là sẽ giết 5 thường dân cho mỗi người trong phe họ bị sát hại.  Trận tàn sát tháng 11 1948 hơn 200 phụ nữ và trẻ con tại Mỹ Trạch, thuộc tỉnh tận mút phía nam của vùng đất sau này sẽ là Miền Bắc, ít được biết đến với nước Pháp bấy giờ, tuy tội ác dường như có đầy đủ chứng cứ không thể ngờ vực. Trong khi đó, theo sau các sự cố như trận phục kích sát hại giáo chủ sáng lập đạo Hòa Hảo, để trả thù,  ‘Người Hòa Hảo thích trói các cảm tình viên với Việt Minh lại với nhau rồi ném họ xuống sông cho chết chìm cả chùm,’ theo lời kể của Bernard Fall, ‘và trôi theo sông như đám lục bình, mặc tình sóng nước cuốn đi.’

Một người Mỹ, Bob Miller của tờ United Press, đang ngồi trên một xuồng bọc sắt Pháp tuần tra trên kênh về đêm thì chiếc đèn pha của xuồng bắt gặp ba tam bản vi phạm lệnh giới nghiêm. Hai chiếc phớt lờ lệnh bắt đừng lại liền bị quạt nhiều tràng đạn súng máy. Chiếc thứ ba chở hai lão nông và một con trai họ, với một khoang đầy gạo. Anh thanh niên đang đứng trên các bao gạo phóng xuống nước tẩu thoát. Nhưng một quả lựu đạn được ném theo phía sau y, giết chết y.  Một sĩ quan trẻ người Pháp lịch sự giải thích với Miller rằng ‘đó chỉ là cách cho dân chúng biết rằng vi phạm các quy định sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc để người Pháp có thể hy vọng nắm thế thượng phong.’ Thế thượng phong ư? Ngay trong những năm tương đối yên ắng 1947-48, một tiểu đoàn Lê Dương Viễn Chinh đơn lẻ tổn thất 200 thương vong từ mìn, đột kích và phục kích. 

Lê Dương đã trở thành một phần huyền thoại anh hùng của Đông Dương.  Vậy mà các binh lính Pháp khác chế giễu họ là genre rouleau compresseur – ‘những tên xe lu’.

Các đơn vị của họ – có cả một số thành viên từng là SS và Wehrmacht của Hitler – có tiếng đáng sợ là hãm hiếp và cướp bóc thường dân Việt. Dương Vân Mai, xuất thân từ gia đình quan lại truyền thống,  mô tả cảnh các tên lính Lê Dương xông vào nhà cô, dùng lưỡi lê rạch toạc các vali và lấy đi mọi tài sản mà chúng ưng ý. Khi gia đình cô lội bộ ra khỏi vùng chiến sự phía bắc, lính Pháp lột sạch vàng bạc và tiền mặt họ mang theo, như thể đó là đặc quyền hợp pháp của bọn chiến binh. Các binh lính thực dân da đen ít khó tính hơn, chúng tóm lấy bất cứ thứ gì ngay cả của dân nghèo, không từ muối và nước mắm. Như trong châu Âu thời Thế Chiến II,  bọn Ma Rốc là những người khách it được chào đón nhất mà một quận lỵ có thể chịu đựng.  

Trong khi đó Việt Minh có thể tàn ác có tiếng, nhưng cũng nổi danh lương thiện. Các tác phẩm của nhà văn và thám hiểm Pháp sinh ra tại Úc viết về chiến tranh Đông Dương của quốc gia mình thường được xem là các tác phẩm kinh điển: chúng kể các tường thuật sống động, một số khá đáng tin, và các phân tích sắc sảo về những khó khăn trong việc tiến hành nỗ lực chống nổi dậy. Tuy vậy chúng thường nhìn quân đội Pháp theo một quan điểm cơ bản là anh hùng, mà giữ thái độ câm lặng về những trò dã man mà binh lính Pháp phạm phải, ắt hẳn Fall, một nhân chứng đương thời, phải biết rõ.  

Người Việt làm cho Pháp thể hiện tính nhạy cảm nhiều hơn một chút: Người Mỹ Howard Simpson chứng kiến các lính nhảy dù hứng chí phóng xe jeep bạt mạng xuống đường phố, hất tung và cán nát các mẹt đựng ớt phơi khô. Sau khi xe vút qua, hai bà lão lom khom chịu khó nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau vụ phá phách. Đây chỉ là một sự cố nhỏ nhoi trong một thảm kịch rộng lớn, vậy mà 

Simpson cũng tự hỏi, làm sao điều ấy không tác động đến tâm trí của các nạn nhân, hai bà lão buôn bán trên vệ đường?

 

Vào đầu năm 1948 một nỗ lực  nửa vời được đưa ra nhằm thành lập một mặt trận chính trị chống cộng dưới sự bảo trợ của Bảo Đại, vừa trở về từ chốn lưu vong không lâu sau đó ở tuổi 34. Nhưng vị hoàng đế, lười nhác và hư hỏng, sớm sa đà vào việc làm tiền với sự cộng tác của các chinh trị gia Pháp. Xa lạ với uy quyền đạo lý lẫn chính trị, mối quan tâm duy nhất của ông là gái gú, săn bắn và du thuyền. Vì vậy người Pháp  quyết tâm giải quyết khó khăn bằng các biện pháp quân sự, và cuối cùng  triển khai ở Đông Dương 62 tiểu đoàn bộ binh bao gồm 13 tiểu đoàn Bắc Phi, 3 tiểu đoàn nhảy dù, và 6 tiểu đoàn Lê Dương Viễn Chinh. Thêm vào đó là vài trăm ngàn dân quân không mấy đoàn kết, bảo vệ thôn ấp và đường xá. 

Cho đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, người Pháp không hề thiếu lính tình nguyện bản xứ, vốn cần tiền sinh nhai. Một số binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp thể hiện sự dũng cảm, thiện chiến, xứng đáng với đãi ngộ. Tuy nhiên, đa số miễn cưỡng chiến đấu, thiếu sự quyết tâm được mong đợi. Hơn nữa, các chỉ huy Pháp không bao giờ giải quyết được vấn nạn kinh niên: làm sao tập trung sức mạnh siêu đẳng chống lại các đội hình chủ lực của Giáp ở miền bắc, trong khi bảo vệ được cả ngàn mục tiêu tiềm năng ở nơi khác. Người Pháp và các đồng minh của họ và cả người cộng sản không ai có đủ sức mạnh thống trị toàn cõi Đông Dương. Theo lời Christopher Goscha: Thay vào đó tất cả họ điều hành các khu vực giống như một quần đảo, cạnh tranh nhau mà quyền làm chủ và kiểm soát dân chúng và lãnh thổ có thể mở rộng hay thu nhỏ lại tùy theo quân đội đổ vào hoặc rút đi và thế cân bằng quyền lực dịch chuyển.’ Đối với một số sử gia dường như khá kỳ lạ việc người Pháp,  vốn mới đây phải chịu đựng ách chiếm đóng bạo tàn của  Đức Quốc Xã tại quê hương họ, lại không chịu nhìn nhận những hành động dã man sẽ khiến dân bản xứ xa lánh. Vậy mà một số người Pháp rút ra một thông điệp khác từ kinh nghiệm của mình: là sự hà khắc của Quốc Xã đã tỏ ra có  tác dụng, đã làm khiếp sợ đại đa số đồng bào họ mãi đến giữa năm 1944. 

Vào tháng 10 1949 cuộc chiến leo thang dữ dội. Trung Hoa, nước láng giềng khổng lồ ở phía bắc của Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Mao Trạch Đông,  giành được chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản, và để bành trướng chủ nghĩa này, họ hậu thuẫn Việt Minh.  Bất ngờ, Hồ và Giáp bỗng nhận được lối vào bến bờ an toàn và kho vũ khí Mỹ tịch thu được của quân đội Quốc Dân Đảng bại trận của Tưởng Giới Thạch.  Các trường huấn luyện của Việt Minh mọc lên bên kia biên giới Mao. Hàng trăm cố vấn quân sự Trung Quốc đi theo binh sĩ Giáp. Tại mặt trận tây bắc,  quân Pháp chịu nhiều tiêu hao thảm hại. Họ đang ra sức giữ gìn xứ sở bằng các lực lượng chủ yếu trấn giữ đường xá, chống lại một kẻ thù của rừng rậm và núi non. Một vụ phục kích trên Quốc lộ 4, chạy ngoằn ngoèo qua núi non ngay bên dưới biên giới Trung Quốc,  làm tiêu hao một đạo quân gồm 100 xe cơ giới, phân nửa số đó và hầu hết binh lính trên xe đều bị làm cỏ. Người Pháp buộc phải buông bỏ nhiều vùng lãnh thổ.  

Một trong những câu chuyện đời thường ấn tượng vào thời kỳ đó liên quan đến Lê Duẩn,  người sau này kế vị Hồ Chí Minh.  Sinh năm 1907 tại miền Trung, ông là nhà cách mạng cộng sản kiên trì một thập niên trước khi Hồ trở về từ chốn lưu vong, bị ở tù hai lần. Ông bây giờ là bí thư của Trung ương Cục Miền Nam, bộ phận điều hành phía nam của Việt Minh.  Trong khi các lãnh đạo khác có lều riêng, cận vệ và anh nuôi riêng, Lê Duẩn chọn cách ngủ trên một chiếc tam bản neo sâu trong châu thổ Cửu Long,  tại đây ông làm việc với hai phụ tá. 

Trong số các giao liên của ông có một cô gái học trường Tây xinh đẹp tên Nguyễn Thụy Nga. Cô có người yêu là một cán bộ cách mạng khác, nhưng Xứ ủy đã chấm dứt mối quan hệ vì anh chàng này đã có gia đình ở nơi khác. Một hôm vào năm 1950 Lê Duẩn mời Nga đến ăn sáng với mình. Cô hơi lo ngại vì tính khí sôi nổi của anh chàng có biệt danh ‘ông 200 bougies (nến)’ này. Cao gầy, quắt queo, áo quần rách bươm. Hút hết điếu này đến điếu khác, ông dường như không nghĩ điều gì khác ngoài cách mạng,  và tuổi gấp đôi Nga. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ông báo tin mình đã chọn Nga làm cô dâu. Cô phản đối rằng, chính ông, như người yêu trước đây của mình, cũng đã có vợ con ở miền bắc. Lê Duẩn nhún vai bảo rằng mình là nạn nhân của một cuộc hôn nhân sắp đặt, và đã 20 năm nay không biết tin gì về ‘vợ’ mình. Đám cưới họ được tổ chức tại bộ chỉ huy Trung Ương Cục ở trong rừng với đồng chí thân cận của Lê Duẩn là Lê Đức Thọ đóng vai người mai mối. 

Chú thích: Theo một hồi ký thân cận, cuộc gặp đầu tiên của bà Bảy Vân (tức Nga) và ông Ba Duẩn là vào năm 1948, lúc ông Ba Duẩn là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, bà Bảy Vân là Tỉnh uỷ Viên – Đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc tỉnh Cần Thơ. Họ gặp nhau khi ông Ba Duẩn tham dự Hội nghị Tỉnh uỷ Cần Thơ – Hội nghị mà bà Bảy Vân bị đưa ra kiểm điểm và bị buộc chuyển công tác về Sài Gòn khi tổ chức phát giác ra chuyện bà đã đem lòng yêu một người đàn ông có vợ suốt 9 năm trời – kể từ khi bà 14 tuổi.

Suốt hội nghị đó, ông  Lê Duẩn im lặng.

Sáng hôm sau, khi bà Bảy Vân được Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ lên kiểm tra bữa sáng của đồng chí Bí thư Xứ uỷ xem có gì sai sót hay không, ông Lê Duẩn mời bà cùng ăn sáng và hỏi bà nghĩ sao về cách xử lý của Tỉnh uỷ.

Bà trả lời: “Tổ chức phân công công tác mới, dù nguy hiểm và khó khăn, nhưng em vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì. Chi xin đừng cấm em yêu người em đã yêu. Xa nhau thì được, nhưng yêu là do trái tim em. Em không thể ép buộc trái tim mình”.

Một lần nữa, ông Lê Duẩn lại im lặng! Khi gặp bà Bảy Vân lần đầu tiên, ông mặc chiếc quần thủng lỗ chỗ, áo rách cùi chỏ không có ai mạng, chỉ nặng 47 ký, người cao gầy, quắt queo vì thiếu bàn tay chăm sóc của người đàn bà.

Sau bữa ăn sáng với bà Bảy Vân, ông Ba Duẩn trở về cơ quan Xứ Ủy ở Đồng Tháp, nói với ông Lê Đức Thọ:

–  Nếu có cưới vợ, thì tôi thích lấy người tình nghĩa thủy chung như chị Nga!

Sau này, khi ông Sáu Thọ có dịp xuống Cần Thơ công tác, ông Sáu Thọ đã giúp ông Ba Duẩn ngỏ ý với bà Bảy Vân:

–  Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ. Chị hãy nghĩ kĩ và nên ưng anh ấy. Anh ấy xa gia đình 20 năm nay, hầu như không có tin tức gì. Anh Ba trong lớp lãnh đạo hiện nay là người rất thông minh, sáng suốt, được gọi là ông “200 bougies” (200 ngọn nến). Nếu có người ở cạnh chăm sóc thì anh sẽ trở thành “400 bougies”. Chị lấy anh ấy cũng là vì Đảng, vì cách mạng.

Một năm sau kể từ lời đề nghị của ông Sáu Thọ, bà Bảy Vân chính thức thành vợ ông Ba Duẩn.

(Theo Tô Lan Hương)

Cuộc sống mới của cặp vợ chồng ít khi ở yên một chỗ: không có nhiều tư trang,  cô dâu chỉ sở hữu hai bộ quần áo. Khi họ chuyển chỗ ở, mang theo hết những gì họ có trong các chiếc tam bản, thường chính Nga phải nhảy xuống nước bên cạnh cánh đàn ông để giúp đẩy xuồng qua những chỗ cạn. Họ luôn ăn không đủ no và ít khi tìm được hơn một ít măng rừng và rau cải để góp thêm vào khẩu phần lương thực đạm bạc. Suốt những năm 1951-52 Nga làm việc hăng say với tư cách thư ký chính trị cho Lê Duẩn, và hạ sinh một bé gái tên Vũ Anh. Chồng bà yêu bà, và có lần làm bà ngạc nhiên bằng một cử chỉ đùa cợt hồn nhiên không e thẹn khi bà đang bước về Văn phòng Trung ương Cục qua một vạt cỏ voi.  Thoáng thấy bà ông chạy tới, nắm chặt hai bàn tay bà và ôm bà nhấc bổng và quay vòng  trong tiếng cười vui vẻ. Đây gần như khoảnh khắc độc nhất biểu lộ sự yếu đuối rất người mà người ta chợt bắt gặp trong cuộc sống của con người sắt đá lạnh lùng sẽ đóng trong chiến tranh Việt Nam một vai trò đứng thứ hai chỉ sau Hồ. 

Từ 1951 trở đi, Việt Minh càng ngày càng nhấn mạnh tính ý thức hệ trong bộ máy Trung ương tập quyền, mà những năm trước Hồ giảm nhẹ. Trung Quốc không chỉ cung ứng huấn luyện quân sự, mà còn cố vấn chính trị về cách thức hình thành một xã hội cộng sản, trong đó mệnh lệnh chủ chốt là đàn áp bất đồng chính kiến: trong hai năm đầu trong chế độ Mao Trạch Đông, ông giết ước chừng hai triệu người dân. Bây giờ, trong nhiều vùng do Việt Minh kiểm soát, đài bị cấm nghe, để nông dân không nắm được tin tức trừ các tin được Đảng phát ra. Hầu hết tri thức và người trung lưu đi theo phong trào Việt Minh trở thành kẻ bên lề. 

Bởi vì những mặt trận ác liệt nhất nằm ở miền bắc, dân chúng ở vùng đó chịu đựng khổ đau từ cả hai bên. Nguyễn Công Luận  lớn lên trong một ngôi làng nhỏ gần Hà Nội, bất đắc dĩ phải nhìn nhận sự khống chế của người Pháp.  Kết quả là cha ông bị Việt Minh bắt, tra tấn, và cuối cùng chết trong trại giam của họ. Vậy mà binh lính thực dân nhiều lần bắt giữ ông và một vài lần ông tưởng mình sắp bị hành hình. Tuyên bố của nước Pháp về vai trò của mình ở Đông Dương là một mission civilisatrice (sứ mệnh khai sáng) bị thực tế chế giễu. Luân viết: ‘Việc chúng tôi khuất phục trước quyền lực quân sự Pháp không bảo vệ được cho chúng tôi khỏi nạn bị cướp bóc, hãm hiếp,  tra tấn, hoặc sát hại. Mỗi binh nhì, dù là người Pháp,  Phi châu, hoặc Việt Nam gần như có thể làm bất cứ điều gì y muốn đối với dân thường mà không sợ bị xét xử ở tòa án hoặc bị cấp trên trừng trị. . . Một trung sĩ … có quyền hành một tể tướng thời Trung cổ… Dân chúng một hai thưa gởi “Ngài”, như xưng với quan lớn. 

Đặc quyền lộ liễu của bọn thực dân được Việt Minh khai thác như một vũ khí tuyên truyền khi so sánh với cuộc sống kham khổ của họ. Trung tướng Sir Gerald Templer, trùm an ninh của Anh trong thời kỳ Mã Lai nổi dậy, nhận xét với sự hóm hỉnh khô khan: ‘Giờ thì bạn có thể thấy cách mà người cộng sản hoạt động. Họ ít khi đi xem đua ngựa. Họ thường không đi dự tiệc tối. Và họ không chơi gôn.’ Vì các lính quân dịch Pháp không bắt buộc phải phục vụ tại Việt Nam,  hầu hết hàng ngũ của quân đội đều là lính đánh thuê – lính Bắc Phi, Tây Phi hoặc Việt Nam. Phân nửa lính Lê Dương là người Đức.  Tình trạng vô kỷ luật được dung túng trong số binh lính ngoài giờ nhiệm vụ, với tình trạng nhậu nhẹt lan tràn. Người nào bốc mùi đường caramen người ấy là tay chơi thuốc phiện lâu năm, một dấu hiệu cũng chắc chắn như nước da vàng và một vết ố dầu trên ngón tay trỏ trái. Khi Tướng  Jean de Lattre de Tassigny nắm quyền Tổng chỉ huy Quân đội Viễn Chinh kiêm cao ủy thuộc địa vào tháng 12 1950, ông bắt đầu cưỡng bách quân dịch thanh niên Việt Nam . ‘Việt Nam hóa’ trở thành một từ bẩn thỉu vào năm 1971, nhưng người Pháp đã áp dụng nó sớm hơn 20 năm với thuật ngữ dành cho chính sách của de Lattre – ‘jaunissment’ –  ‘vàng hóa’ cuộc chiến, hoặc ít nhất vàng hóa các xác chết. Không ai đánh giá cao lực lượng Việt Nam mới này , một phần bởi vì chỉ cần hối lộ 50 ngàn đồng (?!) là có thể thoát khỏi nghĩa vụ. Giáp giờ triển khai ở phía bắc Việt Nam sáu sư đoàn với 60 ngàn quân,  trang bị vũ khí nhẹ, mặc dù thiếu hụt lương thực, quân phục, vũ trang thiết bị. Trong những năm đầu Việt Minh không có áo chống thấm hoặc vật dụng bảo hộ thời tiết. Chỉ đến năm  1952 mới được cấp tấm bạt ny lông mỏng, dường như thần kỳ đối với các nông dân quê mùa. Theo lời một chiến sĩ cộng sản, ‘Chúng tôi kinh ngạc làm sao người ta có thể chế tạo ra một loại giấy để nước mưa chảy tuột ra hết.’ 

Quân Pháp tiếp tục gặt hái thắng lợi: pháo thuyền trong vùng châu thổ sông Hồng bóp nghẹt các chuyến chở gạo cho các lực lượng cộng sản xã hơn ở phía bắc. Vào ngày 25/5/1950, sau khi quân địch bắn phá một căn cứ Pháp ở Đông Khê, cách biên giới Trung Quốc một vài dặm, quân tiếp viện nhảy dù đánh đuổi kẻ tấn công cút chạy vào rừng.  Dù vậy, lực lượng đồn trú thực dân ở  vùng núi xã phía bắc, chiếm giữ những vị trí được kết nối bằng những ruy băng đường  chạy dọc các thung lũng nhỏ hẹp, vẫn còn dễ tổn thương,  nhất là sau khi các đơn vị chính quy của Giáp có được súng cối và pháo. Người Pháp khá hấp tấp khi vươn dài các tua vòi yếu ớt – các lực lượng tương đối nhỏ – vào các ổ kiến lửa nhun nhúc Việt Minh. Trong khi lực lượng thực dân bố trí nhiều binh sĩ ở  vùng quê hơn, ở khu tây-bắc Giáp đôi khi có thể áp đảo quân số địch. 

Sáng sớm ngày 16/9, năm tiểu đoàn Việt Minh,  được pháo binh yểm trợ,  một lần nữa tấn công căn cứ Pháp ở Đông Khê.  Người Cộng sản bỏ ra hàng tuần chuẩn bị và điều nghiên kế hoạch,  một dấu ấn của mọi cuộc hành quân quan trọng của họ. Vừa mới vào trận  bộ chỉ huy Giáp phát hoảng vì nhận được tin cấp báo rằng một trung đoàn đã đi lạc đường, không đến được phòng tuyến xuất phát,  và số thương vong khởi đầu rất nặng nề. Nhưng Hồ Chí Minh, người đã đi  bộ nhiều dặm đường để theo dõi trận tấn công, khuyên mọi người bình tĩnh và kiên trì. Sau 52 giờ giao tranh ác liệt, phe tấn công thắng thế: Đông Khê thất thủ vào lúc 10 giờ sáng ngày 18. Một sĩ quan và 32 lính Lê Dương tẩu thoát ngay trước khi kết thúc trận đánh, ló mặt ra khỏi rừng để họp lại với lực lượng Pháp sau cuộc lội bộ kinh khủng một tuần dài trong rừng rậm. Giáp giờ bước vào một buổi đại tiệc ăn mừng các tổn thất của kẻ thù  trong vùng biên giới núi non phía bắc.  Quân Pháp phải buộc lòng bỏ một căn cứ khác tại Cao Bằng,  cách Đông Khê 20 dặm về phía bắc. Vào ngày 3 tháng 10 chỉ huy xấu mồm nhưng được binh sĩ yêu mến là Trung tá Pierre Charton cầm đầu một đạo quân xe tải rút đi chở theo 2,600 binh sĩ chủ yếu là Ma Rốc,  500 dân thường  có cả nhân sự của nhà thổ thị trấn, cùng với pháo binh và trang thiết bị nặng khóa đuôi.  Charton đã phớt lờ mệnh lệnh hãy bỏ lại quân trang quân dụng: nhưng ông quyết tâm rút quân trong phẩm cách và danh dự, một thái độ ngoan cố phải trả giá hàng trăm sinh mạng. Trong hẻm núi cách Cao Bằng 9 dặm về phía nam đoàn xe ngổn ngang của ông bị cản trở bởi liên tiếp nhiều cây cầu bị đánh nổ tung và các trận phục kích. Trong vòng 24 giờ cuộc rút quân bị chặn lại, giữa các lực lượng địch đông đúc bắn rát từ vạt rừng dày đặc ở trên cao. 

Tuy nhiên, tình thế hiểm nghèo của Charton chỉ thể hiện phân nửa câu chuyện kinh hoàng. Một lực lượng thứ hai, có tên Lực lượng Tác chiến Bayard và gồm 3,500 binh lính chủ yếu người Ma Rốc được củng cố bằng một tiểu đoàn dù tinh nhuệ,  được phái đến về hướng bắc để đón đạo quân Cao Bằng và hộ tống họ rút về an toàn. Bayard rời Thất Khê vào ngày 30 tháng 9, do Đại tá Marcel Le Page chỉ huy.  Khi lực lượng tiến đến gần Đông Khê  nó cũng bị Việt Minh chặn lại, cày và nện đạo quân bằng súng máy và súng cối. Sở chỉ huy ra lệnh cho Le Page chấp nhận các biện pháp tuyệt vọng: đốt xe, bỏ lại pháo, lẫn vào rừng, đi vòng qua đám Việt Minh để gặp Charton. Trải nghiệm tiếp sau đó quả là hãi hùng. Theo sát chỉ thị gần như là loạn trí, Le Page dẫn quân ra khỏi phòng tuyến Pháp, đi sâu mãi vào chốn hoang dã, để bắt tay với một lực lượng khốn đốn khác. 

Binh sĩ lội bộ bắt đầu rụng dần và biến mất, không bao giờ thấy trở về: ai bị thương là coi như tận số. Mỗi lần lên xuống dốc đèo là cực hình cho bộ binh vác nặng, lặn lội dưới những cơn mưa khiến cho yểm trợ không lực cũng bó tay. Việt Minh cũng mệt phờ sau nhiều ngày truy đuổi căng thẳng, nhưng họ hưởng được sự phấn khích không thế so sánh được của thắng lợi: họ biết quân Pháp đang ở bước đường cùng. Giáp ban hành mật lệnh 6 tháng 10 đầy hoan hỉ: ‘Kẻ thù đói và lạnh hơn các bạn!’

Charton và Le Page gặp lại nhau ngày hôm sau, đạo quân của họ đều teo tóp vì tổn thất,  thiếu nước,  lương thực, đạn dược. Rồi Việt Minh hạ thủ lần nữa – 15 tiểu đoàn đồn hết hoả lực lên đầu kẻ thù đã rệu rã. Lính Ma Rốc chạy tán loạn trong nỗi kinh hoàng. Các chỉ huy ra lệnh phân tán theo đội hình nhỏ, một lệnh gần như theo nghĩa đen là ‘Sauve qui peut!’ (Hồn ai nấy giữ!) Charton bị trúng thương và bị bắt làm tù binh, phần đông binh lính bỏ chạy đều bị tàn sát từng người một. Chỉ còn 600 người về được các vị trí Pháp ở xa hơn về phía nam; khoảng 4,800 người được liệt kê là chết hoặc mất tích, trong khi tổn thất vật chất thật khổng lồ: 450 xe tải, 8,000 súng trường, 950 súng máy, và 100 súng cối. Giáp ăn mừng chiến thắng bằng một chầu say khướt với các cố vấn Trung Quốc,  sau này ông kể đó là lần đầu tiên trong đời ông. 

Vào ngày 18 tháng 10 người Pháp lại bỏ một căn cứ phia bắc khác ở Lạng Sơn, nơi kho quân nhu khổng lồ rơi vào tay cộng sản. Việt Minh cũng trả giá cao cho các trận đánh này – ước tính có đến 9,000 thương vong. Nhưng trong khi thế giới nhanh chóng phát hiện quy mô của thảm họa Pháp, hiện giờ cũng như trong tương lai người cộng sản giấu nhẹm tin tức có thể làm lu mờ vinh quang và làm thối chí những người hậu thuẫn họ. Không phải mọi trận đánh đều đi theo một chiều: trong các tháng đầu năm 1951 Giáp liên tiếp thảm bại trong các cuộc tấn kích quy mô lớn. Tháng giêng khi Việt Minh tấn công một căn cứ cách Hà Nội 30 dặm về phía tây-bắc,  không lực Pháp và đặc biệt bom napan giáng những tốn thất nặng nề- 6,000 người chết, 8,000 bị thương. Bài học cho nhà chỉ hủy cộng sản là ông còn phải chịu thảm bại nếu ông tung các lực lượng lớn vào trong tầm bắn của không lực và hỏa lực Pháp.  

Một tướng lĩnh Tây phương chịu liên tiếp những thảm bại như tướng Giáp đã làm trong mùa xuân 1951, gây ra chết chóc quá lớn cho binh sĩ mình, ắt sẽ đối mặt với một cơn bão chính trị và truyền thông, gần như chắc chắn bị cách chức. Tuy nhiên, bộ chính trị Việt Minh không phải chịu đối mặt với xăm xoi của công luận.  Hồ Chí Minh, người trọng tài duy nhất có thẩm quyền, vẫn một mực đặt lòng tin vào vị tướng của mình. Giáp,  như Thống chế  Zhukov của Liên Xô trong Thế Chiến II, chưa hề buộc phải chiết tính ‘các hoá đơn choáng váng của người đồ tể’ để trả giá cho các thắng lợi quân sự của mình. Điều này khiến cho ông được lợi thế quan trọng hơn kẻ thù mà dân chúng của y có thể đọc hàng ngày, trên các nhật báo ở mẫu quốc Pháp, tin tức về nỗi thống khổ của binh sĩ ở Đông Dương.  

2 Washington Trả Chi Phí 

Có lẽ những dòng chữ nổi tiếng nhất trong cuốn tiểu thuyết của Graham Greene lấy bối cảnh ở Sài Gòn trong cuối kỷ nguyên Pháp được vai chính của ông Thomas Fowler, một nhà báo Anh cay độc phát biểu, nói về Người Mỹ Trầm Lặng Alden Pyle: ‘Tôi chưa hề biết ai có những động lực tốt hơn cho tất cả rắc rối mà hắn gây ra …  được bọc lớp sắt bất khả xâm phạm bởi các thiện ý và sự dốt nát của hắn.’ Xu hướng quan trọng nhất của lịch sử trong cuộc chiến là khi người Pháp lảo đảo trước chi  phí tăng vọt, họ quay sang người Mỹ nhờ trả tiền.  Điều mà từ 1950 trở đi họ làm thế. Ở tận Washington xa xôi, những người hoạch định  chính sách càng ngày càng cảnh giác trước viễn ảnh là Đông Nam Ấ có thể theo gương Trung Quốc,  bị nhận chìm trong cơn lũ cộng sản. Hơn nữa, Hoa Kỳ nhằm đến một đòn bẩy nhằm điều đình  một nước Pháp miễn cưỡng chua chát chấp nhận tái vũ trang nước Đức. Đô la, không phải đồng quan Pháp chẳng bao lâu trả cho gần như mọi quả bom và đạn trên chiến trường Việt Nam. Sự hào phóng của người Mỹ được cổ xúy do mối đe dọa cộng sản đối với sự ổn định và các định chế dân chủ của nhiều quốc gia,  nhất là Hy Lạp, Ý, Pháp, Thỗ Nhĩ Kỳ. George Kennan, người đứng đầu của ban hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao và tác giả của cuốn sách 1946 nổi tiếng Tin Điện Dài Từ Moscow, đặc trưng tính quyết đoán Xô viết như một ‘dòng chảy’ luôn tìm cách lấp đầy ‘mọi ngỏ ngách và khe hở có được trong lưu vực của quyền lực thế giới’. Stalin và sau này Mao hậu thuẫn các phong trào cách mạng bất cứ nơi đâu chúng dường như bền vững. Vào ngày 12/3/1947 tổng thống Mỹ tuyên bố trước Quốc hội điều được biết là học thuyết Truman: ‘Ngay lúc này trong lịch sử thế giới gần như mọi quốc gia phải chọn giữa các lối sống khác nhau. Sự lựa chọn đôi khi không được tự do  … Tôi tin tưởng rằng chính sách của  Hoa Kỳ phải hậu thuẫn các dân tộc tự do kháng cự lại các thiểu số có vũ trang hoặc các sức ép từ bên ngoài tìm cách khuất phục họ.’

Vậy mà trong khi mối đe dọa của cộng sản quốc tế là có thực, và quyết tâm của phương Tây kháng cự nó xứng đáng sự ngưỡng mộ lịch sử,  nó lại khiến cho Hoa Kỳ và đồng minh phạm phải một số bất công đau buồn.  Trong gần hai thế hệ Washington nhìn nhận chế độ  phát xít bạo ngược của Tướng Francisco Franco ở Tây Ban Nha, và cũng nâng đỡ các chế độ độc tài ở Trung và Nam Mỹ mà công trạng duy nhất của họ là tuyên bố  chống cộng. Ở Nam Phi, Anh và Mỹ nuông chiều thiểu số da trắng cai trị hàng thập niên sau khi khả năng không thể tự vệ được đã trở nên rõ ràng. Và ở Đông Dương người Pháp thuyết phục nhà nước-Croesus của phương Tây (Croesus một ông vua vô cùng giàu có thời cổ đại, ám chỉ Mỹ: ND) rằng chính nghĩa của chủ nghĩa thực dân cũng là chính nghĩa của chủ nghĩa chống cộng. Sau khi lực lượng Mao Trạch Đông quét qua Trung Quốc, phe bảo thủ Mỹ khiếp đảm khi để mất quốc gia Á châu ưa thích của mình yêu cầu có những biện pháp cứng rắn bảo đảm hậu quả như thế sẽ không tái diễn  ở nơi khác. Henry Luce, chủ tờ báo Time-Life và là một người hậu thuẫn nhiệt tình phe Quốc Dân Đảng Trung Hoa, ném sức nặng của đế chế truyền thông của mình ủng hộ chính nghĩa chống cộng ở Việt Nam, một lòng hậu thuẫn trong suốt hai thập kỷ. 

Hiệp ước Trung-Xô vào tháng 2 1950 dường như tạo ra mối đe dọa thực sự về một châu Á đỏ. Nhà bảo thủ Mỹ Michael Lind đã viết trong nghiên cứu có tính xét lại về Việt Nam: ‘Vào chiều ngày 14/2/1950, trong một phòng khánh tiết ở Điện Kremlin,  ba người mà kế hoạch của họ sẽ đưa Việt Nam vào nửa thế kỷ chiến tranh, sự bạo ngược và trì trệ kinh tế, và xúi giục bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ và châu Âu, đứng cạnh nhau: Stalin, Mao Trạch Đông,  và Hồ Chí Minh  . . . Có một âm mưu cộng sản quốc tế và Hồ Chí Minh là một thành viên vạch ra kế hoạch cho nó.’ Cuộc xâm lăng vào tháng giêng của Kim Il-sung xuống Nam Hàn làm phương Tây phát hoảng. Lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh vội vã đến bán đảo Triều Tiên nơi họ chiến đấu trong ba năm, giai đoạn sau có chống lại quân Trung Cộng. Trải nghiệm Triều Tiên giải thích tại sao người Mỹ dồn hết sức hậu thuẫn cho chủ nghĩa thực dân của Pháp ở Đông Dương,  mà không giảm bớt tính hấp tấp của chính sách. Tại bộ Ngoại giao Dean Acheson và thư ký  phụ tá Dean Rusk bị ám ảnh bởi ký ức về các các thảm họa theo sau sự nhân nhượng của các nền dân chủ đối với các nhà độc tài phát xít vào thập niên 1930. Hành pháp Dân chủ đối mặt với sức ép tăng cao từ quốc hội muốn họ tỏ ra sắt thép đối với ‘trục Moscow-Bắc Kinh’. Thượng nghị sĩ William Fulbright sau này nhận xét rằng cấp thiết phải xem xét các chính sách đương đại của Hoa Kỳ trên bối cảnh của chủ nghĩa bành trướng Xô viết không thể chối cãi: ‘Ở đây chúng ta đang ở trong sự đối đầu chết người này với người Nga, và chúng tôi cho rằng bổn phận chúng ta là ngăn chặn họ ở mọi nơi.’ Cuộc săn phù thủy kiểu McCarthyite (tức kiểu chụp mũ mọi đối thủ chính trị, nhất là thuộc phe tả, là theo phe đỏ, hay cộng sản: ND) dành cho các cảm tình viên cánh tả trong chính quyền Mỹ khiến các viên chức công tác hải ngoại am hiểu nhất về châu Á bị sàng lọc khỏi Bộ Ngoại giao, để lại đằng sau sự dốt nát đáng sợ, đặc biệt về Việt Nam.  Tuy nhiên,  không phải mọi người ở Đáy Sương Mù (Tiếng lóng chỉ Bộ Ngoại giao) đều muốn nhìn Mỹ đi theo nước Pháp thực dân. 

Raymond Fosdick ở Bộ Ngoại giao ngay từ đầu năm 1950 như biết trước đã thúc giục  chống lại việc lặp lại sai lầm Trung Quốc của Mỹ, trở thành ‘đồng minh với phản động’. Dù ảo tưởng còn sót lại của Paris là gì, Fosdick viết, Đông Dương cũng sẽ sớm được độc lập. ‘Vì vậy, tại sao chúng ta phải tự trói buộc mình vào đuôi một con diều tơi tả?’ Người Pháp đang để thua cuộc chiến chủ yếu không phải vì họ thiếu súng đạn, mà bởi vì họ không đưa ra cái gì mà bất cứ người Việt biết suy nghĩ nào cũng muốn.  

Trong năm tiếp theo một nghị sĩ trẻ từ Massachusetts đến thăm Saigon và viết trong nhật ký du hành của mình: ‘Chúng ta càng ngày càng trở thành những tên thực dân trong tâm trí dân chúng. Bởi vì ai cũng tưởng rằng chúng ta điều khiển Liên Hiệp Quốc và bởi vì của cải chúng ta được cho là vô tận,  chúng ta sẽ tiêu đời nếu chúng ta không làm những gì các quốc gia mới khao khát.’ Đây là sự sáng suốt của John F. Kennedy, nhưng người Mỹ không trong tâm trạng chịu lắng nghe. George Kennan khi về già than vãn cách mà sự hậu thuẫn của ông cho việc kiềm chế Xô viết,  và sau này Trung Quốc,  bị hiểu lầm ở Washington để biện minh việc sử dụng cho cứu cánh này gần như độc quyền bằng các công cụ quân sự,  trong khi các công cụ chính trị, văn hoá, kinh tế và ngoại giao thường thích hợp hơn  

 

Trong cơn hoảng loạn mùa đông Triều Tiên 1950, khi thắng lợi dứt khoát cho các lực lượng Liên Hiệp Quốc là có khả năng, Washington tán thành tăng viện trợ khủng cho Đông Dương.  Sau đó,  khi ý chí chiến đấu của Pháp suy giảm, ý chí chiến đấu của Mỹ cứng rắn thêm: quân đội thực dân ngày càng trở thành lực lượng uỷ nhiệm của Mỹ. 

Truman và Acheson chẳng những không còn ép buộc Paris thỏa thuận với Việt Minh,  mà còn thúc giục họ không nên làm thế.  Đây là lỗi lầm lớn đầu tiên của  Washington ở Đông Dương, từ đó việc hoạch định chính sách của Mỹ không bao giờ phục hồi. Đóng góp viện trợ quân sự lên như bóng bay đến 150 triệu đô, được giao mà gần như không kèm điều kiện ràng buộc – người Pháp hãnh tiến từ chối không cung cấp cho người chi trả cho mình các kế hoạch hành quân.  Vào đầu năm 1951 mỗi tháng họ nhận hơn 7,200 tấn trang thiết bị quân sự. Quân đội đế quốc tiến hành chiến tranh đội mũ sắt Mỹ, sử dụng nhiều vũ khí Mỹ, lái xe jeep Mỹ và xe tải, bay hầu hết máy bay Mỹ. Trong những hoàn cảnh như thế, không gì ngạc nhiên khi binh lính Mỹ một thập niên sau đến Việt Nam, đối với dân chúng họ chẳng khác nào con cái của bọn áp bức trước đây. 

Vào tháng 9 1951 đối với các quan sát viên khách quan thật rõ ràng là người Pháp không có triển vọng thực tế nào giữ được Đông Dương. Vậy mà sau khi lãnh đạo quân sự Tướng de Lattre de Tassigny 

dàn dựng một sứ mệnh cá nhân đầy ấn tượng đến nước Mỹ, trong vòng bốn tháng, Washington chở đến cho lực lượng ông 130,000 tấn trang bị, bao gồm 53 triệu viên đạn, 8,000 xe tải và xe jeep, 650 xe chiến đấu, 200 máy bay,  14.000 súng máy và 3,500 máy truyền tin. Đây là đóng góp quan trọng cuối cùng của de Lattre trước khi ông đột ngột rời khỏi Đông Dương, và qua đời vì bệnh ung thư. 

Vào cuối năm 1953, nền hành pháp của tổng thống mới thuộc  đảng Cộng Hòa là Eisenhower chi trả 80 phần trăm chiến phí, một tỷ đô la mỗi năm. Người Anh, vẫn còn là đồng minh quan trọng  và ngày càng khéo léo rút quân khỏi đế quốc, phàn nàn thế này: họ tin rằng dù súng đạn nhiều cỡ nào cũng không tránh được việc người Pháp bị đánh đuổi khỏi Đông Dương.  Chính quyền của 

Winston Churchill báo động trước điều họ coi là một ám ảnh sai hướng của Hoa Kỳ.  Selwyn Lloyd, bộ trưởng Bộ Ngoại giao,  viết vào tháng 8 1953: ‘Hiện giờ ở Hoa Kỳ có một xúc cảm về Trung Cộng và với một mức độ kém hơn về Nga gần như là chứng cuồng trí.’ Việt Minh bị dán nhãn, tất nhiên, là công cụ của các lực lượng sa tăng đang thi triển.  

3 Nông Dân 

Một thiểu số nhỏ người Việt đủ trình độ giáo dục để suy nghĩ vượt quá thôn làng của mình chứng kiến sự tàn bạo của Việt Minh,  và chào đón lời hứa hẹn đến cứu giúp của ngoại bang. Một nam sinh ở ngoài bắc viết: ‘Từ các quyển sách tôi đọc, tôi tin rằng người Mỹ ít ra cũng tốt hơn người Pháp… Tôi tin chắc rằng như bất cứ xứ nào khác thì người Mỹ ắt phải có quyền lợi nào đó khi giúp đỡ các đồng minh, nhưng… người Mỹ dường như hào phóng trong việc giúp đỡ các nước nghèo.’ Tuy nhiên, cũng dễ hiểu tại sao có nhiều người Việt Nam thừa nhận một quan điểm trái ngược,  và hậu thuẫn phong trào cách mạng vốn hứa hẹn sẽ dỡ bỏ chế độ thực dân áp bức, cùng như tấn công vào giai cấp địa chủ người Pháp lẫn người bản xứ đã bóc lột giới nông dân nhiều thế hệ nay. Nông thôn nghèo khổ đến nỗi một người có bằng tiểu học cũng được kính trọng như một người ‘trí thức’. Một số vợ chồng chỉ có mỗi một bộ quần áo,  mà vợ và chồng phải thay phiên nhau mặc. Lao động hàng ngày của nông dân gồm tát nước vào ruộng lúa,  thường vào ban đêm có trăng cho mát vì ban ngày rất nóng, những khi cao hứng họ vừa tát vừa hát hò. Lúa phải được bón phân một lần, làm cỏ ba hoặc bốn lần, cắt hai lần. Vụ xuân đạt đến ba phần tư thu hoach vì có mưa nhiều hơn. Dân làng nghèo có thể thêm thu nhập bằng cách vào rừng lấy củi đốt gánh ra chợ bán, hoặc đi làm mướn trong khi chờ đợi thu hoạch. Một số ra thị trấn kiếm việc làm, phần lớn là lao động tay chân, làm bữa nào, xào bữa nấy. 

Gia đình và làng thôn là định chế xã hội thống trị. Trước mỗi túp lều tranh thường có một bàn thờ bằng gỗ, chứa lễ vật cúng gồm trái cây hoặc bánh kẹo: gia đình càng giàu thì bàn thờ càng hoành tráng. Ít cha mẹ nào cảm thấy lúng túng về tập quán đứa con nào giỏi giang hơn  và hiếu thảo hơn thì được thương yêu nhiều hơn. Lời của người cha là mệnh lệnh, mặc dù có thể nói rằng các bà mẹ mới là người nắm quyền thật sự. Dân gian có câu: ‘Con không cha ăn cơm với cá, con không mẹ liếm lá mà ăn.’ Vượt ra gia đình, người nông dân nói, ‘Phép vua thua lệ làng.’ Phần đông cộng đồng Thiên Chúa giáo có một tháp chuông,  còn cộng đồng Phật giáo có một ngôi chùa và một cây bồ đề. Cũng có một nơi để họp hành gọi là đình, và có thể có một tiệm thợ mộc và tiệm hớt tóc. 

Làng được chia nhỏ thành ấp trong đó nhiều sinh hoạt và lao động được chia sẻ. Vào năm mới dân chúng cùng làm bánh chưng hấp quá đêm. Họ tụ tập để chúc cha mẹ sống lâu, sức khỏe và tài lộc dồi dào. Như hầu hết người Á châu, người Việt  cũng tin rằng thêm tuổi là thêm sáng suốt. Sau khi heo đã mổ các đứa trẻ thường xin bọng đái heo để làm bong bóng đồ chơi. Chúng chơi trò trốn tìm, bắn nhau bằng ống thụt bằng tre, hoặc trò tán u. Vào những ngày lễ chúng có thể thưởng thức mứt đủ loại, kẹo bánh  đủ loại, đậu phọng, trứng chim. Tuy nhiên, phần lớn dân chúng chỉ biết đến gạo và rau củ – và biết ơn vì điều đó. Một số người Việt sau này lý tưởng hóa sự bình dị của đời sống nông thôn trước khi chiến tranh giáng xuống. Một người nói: ‘Ở quê tôi không cần đóng cửa, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.’ Cô tô đắp thêm tính trữ tình vào nét đẹp của tình đùm bọc lối xóm, cùng chia sẻ các công việc  và niềm vui  Nhưng nỗi hoài cổ thật ra rất hiếm hoi, đại đa số chỉ nhớ những năm tháng nhọc nhằn, bức hại, và đói ăn. Nguyễn Thị Thanh Bình ra đời tại phía đông Hà Nội vào năm 1948, con gái một nông dân nghèo chỉ có một công ruộng để cày cấy. Cả gia đình gồm cha mẹ và sáu đứa con sống chung trong một túp lều tranh trong ấp chỉ có non 30 nóc gia, không có người nào sắm nổi một chiếc xe đạp hoặc một chiếc ra-dô (chiếc  đài). Ít người biết đọc: khi tình cờ có ai đó nhặt được một tờ báo, lối xóm ngồi bu quanh dưới gốc cây, trong khi một dân làng biết đọc có giọng tốt ngồi vắt vẻo trên một cành rủ xuống và đọc to các mục hấp dẫn cho mọi người cùng nghe. 

Những người như thế lớn lên mà không có ảnh chụp của ba mẹ hoặc con cái, bởi vì không ai có máy chụp ảnh. Bộ quần áo ngủ đàn ông (miền nam gọi theo phiên âm tiếng Pháp là pi-gia-ma), và áo bà ba cho nữ, miền bắc màu chàm , miền nam màu đen là y phục của nông dân, tình cờ trở thành đồng phục của du kích quân. Tử xuất ở trẻ em cao khủng khiếp, một phần bởi vì có thói quen cắt dây rốn bằng mảnh thủy tinh vỡ. Nhiều làng phải bị bỏ hoang vì lũ lụt hay nạn đói. Bình không có ký ức về tuổi thơ hạnh phúc: cuộc sống chỉ là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để tồn tại, trong đó các đứa trẻ đi bắt ốc để phụ thêm khẩu phần cho gia đình. Đến tuổi 20, cô trở thành thành viên suốt đời của Đảng Cộng sản, xem Hồ Chí Minh là ‘lãnh tụ cần thiết và không thể thay thế’ với lòng nhiệt thành như đối với thần thánh.

Mặc dù phe vũ trang của Hồ ở phía tây-nam không bao giờ sánh được với các đội hình của Giáp ở  phía bắc với các chiến tích ngoạn mục, phong trào của ông tranh thủ được sự hậu thuẫn rộng rãi chỉ bằng một biện pháp duy nhất là cải cách ruộng đất. Thậm chí các tá điền khấm khá cũng ao ước được làm chủ ruộng đất: nhiều tá điền khổ sở phải nộp tô cho điền chủ có khi bằng phân nửa số thu hoạch. Tá điền có thể trở thành nô dịch, buộc phải đưa võng cho gia đình điền chủ. Họ hồ hởi hậu thuẫn kế hoạch tái phân phối ruộng đất bí mật của Việt Minh, một cán bộ của họ nói với Norman Lewis vào năm 1950: ‘Kẻ thù của chúng tôi dần dần hướng chúng tôi về chủ nghĩa cộng sản. Nếu chỉ thành người cộng sản chúng tôi mới được tự do,  thế thì chúng tôi sẽ trở thành người cộng sản.’

Một sử gia đã mô tả binh sĩ  của Giáp là ‘những người giản dị mà thế giới quan của họ hoàn toàn hình thành bởi trải nghiệm trực tiếp của chính họ và gia đình họ … thêm màu sắc của sự áp bức và gian khổ hết đời này đến đời khác’. Sức mạnh tiên quyết của chiến binh Việt Minh là kỷ luật, kiên nhẫn, tinh tháo vát; một thiên tài về kỹ năng tác chiến và nhất là ngụy trang; chịu đựng gian khó và hi sinh. Trên tất cả là động lực: họ khao khát chia sẻ hoa trái của một cuộc cách mạng chính trị, kinh tế và xã hội. Các cán bộ tuyên giáo đi khắp nơi phát động các chương trình chính huấn và sáng tác các bài hát dân gian để giúp dân làng xóa mù chữ. Trẻ em thì có chương trình ‘Chơi mà học’. 

Nói nghe có vẻ đạo đức, nhưng mỗi khi học thuyết cộng sản được áp đặt,  các nạn nhân thường được nhắc nhở đây là hành động trừng phạt có mục đích, vì điều tốt đẹp tối hậu của Nhân Dân.  Về phần các hình phạt quyết liệt hơn,  thậm chí lịch sử Đảng chính thức sau này thú nhận ‘không ít nhân dân vô tội bị giết oan’. Dân quê bình dị phục vụ cho Việt Minh cho rằng người nào mặc quần xanh và áo sơ mi trắng có gắn nhãn hiệu nhà may phải là gián điệp của Pháp.  Trong khi Mafia sử dụng tiếng lóng ‘cho ngủ với cá’ để  chỉ việc thủ tiêu một kẻ thù thì người cộng sản có cụm từ lóng tương tự là ‘cho đi mò tôm’. Giết chóc được tiến hành với mức độ tàn nhẫn tối đa và công khai: đội hành quyết của Việt Minh chuộng cách chôn sống nạn nhân hoặc mổ bụng trước mặt các láng giềng tụ họp. ‘Thà giết oan một người còn hơn bỏ sót kẻ phạm tội,’ là khẩu hiệu của Đảng. Trong ‘các vùng giải phóng ‘ Việt Minh lập các trại trừng trị nổi tiếng. Khi cha của Nguyễn Công Luận chết trong một trại thuộc loại đó, một cái bật lửa là vật sở hữu duy nhất mà các cán bộ trại giam miễn cưỡng trao trả lại cho người mẹ góa bụa. 

Vào năm 1947 Việt Minh tiến hành một chiến dịch ‘thanh trừng’ ý thức hệ,  trong đó một số lớn nhưng chưa hề được định lượng ‘các kẻ thù của giai cấp’ bị tàn sát. Bất kì điền chủ hoặc viên chức chính quyền thuộc địa đều có nguy cơ bị án tử, có khi liên lụy đến người thân. Đạo Thiên Chúa mang vết nhơ là đạo của bọn thực dân,  và do đó các giáo dân dễ bị tổn thương. Các buổi đấu tố tại địa phương  – được tổ chức tại sân đình hoặc nhà của điền chủ, kích động nỗi khiếp sợ mà phe tổ chức có chủ định. Các nông dân hoặc trại chủ bị thúc bách phải miễn cưỡng đứng ra vạch các tội ác mà các địa chủ được cho là đã gây ra trước các tòa án nhân dân, do cán bộ Việt Minh điều hành. Nếu án tử được tuyên nạn nhân có thể bị bắn, ném đá đến chết, treo cổ, hoặc đối mặt một cái chết tàn khốc hơn. Tại Mỹ Thạnh trong châu thổ Cửu Long một viên chức Cao Đài, sắp sửa bị chôn sống, khẩn khoản xin được một phát súng ân huệ. Bọn sát nhân khinh bỉ phán rằng đạn được dành cho ‘bọn thổ phỉ’ – tức bọn Pháp.

Là con một nhà nông,  Nguyễn Thị Thanh Bình nhớ các địa chủ trốn những kẻ tố cáo họ bằng cách lặn xuống con ao gần nhất và phủ lên đầu đám lau sậy, trong khi những người khác chọn cách ngụy trang thô thiển. Một số bị bại lộ và cô đứng chung với đám dân làng chứng kiến họ bị ‘nhân dân’ xét xử. Cho dù là một cán bộ trung thành của Đảng, cô sau đó thừa nhận rằng ‘nhiều người bị kết án oan sai’. Ở ngoài bắc một ‘tòa án nhân dân’ thường được tiến hành như một sự kiện trình diễn, tổ chức về đêm trong một khu vực có kích thước một sân bóng, đuốc tre được thắp lên khắp nơi. Một bàn chủ tọa gồm 7 thẩm phán là các nông dân nghèo, dưới sự dự khán của một cán bộ Cải cách Ruộng đất và đôi khi các cố vấn Trung Quốc.  Phía sau bàn chủ tọa có treo chân dung của Hồ, Mao và Stalin, cùng với các khẩu hiệu như ‘Đả đảo bọn Địa chủ Phản động Phản bội’

Nói về những vụ hành quyết không qua xét xử pháp lý, một nông dân lưu giữ một ký ức trẻ thơ không bôi xoá được về lần Việt Minh đến thăm ngôi làng miền bắc vào năm 1952, bắt hai binh sĩ không vũ trang làm việc cho Pháp vừa về làng để thăm người thân trong năm mới, rồi chặt đầu họ ngay sau nhà của nạn nhân. Cậu bé 12 tuổi  sau này nói, ‘Tôi còn có thể nghe thấy tiếng cổ họng họ bị cắt lìa.’ Rồi bọn du kích bỏ đi, và quân Pháp đến. Họ kết tội hàng xóm chịu trách nhiệm cho cái chết của hai người lính – rồi thẳng tay đốt cả xóm. Vào năm 1953 Việt Minh bắt thằng bé phải vào trại cải tạo hai tuần, tiến hành tự kiểm điểm: ‘Mọi chuyện tôi làm sai, hoặc cha mẹ tôi làm sai hoặc ông bà nội ngoại tôi làm sai đều phải khai ra hết. Ai cũng phải căng óc ra suy nghĩ.’ Khi Stalin chết, mọi tù nhân đều bị bắt đeo băng tang. Ngay sau đó,  một lực lượng Pháp tấn công, buộc bọn du kích phải tháo chạy, giải thoát cho thằng bé. Cậu và gia đình mình nhanh chóng trở về nhà, rồi thoát ra Hà Nội.  

Cục diện chiến tranh lên xuống như chiếc bập bênh  gây ra căng thẳng liên tục. Một nông dân nghèo trong vùng Cửu Long bày tỏ nỗi vui mừng trong thời kỳ Việt Minh đảo ngược tình thế, khi phong tỏa kinh tế được dỡ bỏ và ông một thời gian được tự do buôn bán sản phẩm của mình: ‘Như tôi từng nói nhiều lần, “Tôi hi vọng mình chỉ bị một phe kiểm soát – phe nào cũng được. Sống mà phải bị cả hai phe kiểm soát chịu không nỗi.”‘ Ánh, con gái một một gia đình có ruộng đất, tham gia Việt Minh bởi vì cô nhắm đến việc đánh đuổi bọn Pháp, cưới một đồng chí, hạ sinh một con trai, và chia sẻ cuộc sống nhọc nhằn và hiểm nguy của một du kích quân trong vùng đồng bằng Cửu Long. Vào năm 1952, tuy nhiên,  cô thoát ly: ‘Tôi chứng kiến quá nhiều cảnh tượng đáng sợ. Người cộng sản nắm trọn quyền lực và thủ tiêu các người quốc gia.’ Cô cho rằng sở dĩ mình thoát chết chỉ vì còn quá trẻ để có thể đe dọa họ. 

Trong vùng giải phóng ở miền bắc, hơi giống một số người Anh trong tuổi già thường hoài niệm trận oanh tạc dữ dội năm 1940 huyền thoại (mà người Đức dội xuống London trong Thế Chiến II), Việt Minh sau này nhìn lại thời chiến tranh như một kỷ nguyên thanh bình. Nhạc sĩ Văn Ký, trở thành người du kích hát rong, tâm sự, ‘Tinh thần thật kì diệu! Chúng tôi như sống trong một đại gia đình.’ Các căng-tin tình nguyện được thành lập, được biết dưới tên nhà hàng mẹ chiến sĩ, tại đó các phụ nữ địa phương cung cấp thức ăn miễn phí cho các chiến sĩ. Ký và đội văn nghệ của ông đi hàng trăm dặm để biểu diễn: ‘Có điều gì đó rất thú vị và tuyệt vời về điều này. Cho dù chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự rất ác liệt, mỗi đêm chúng tôi đều tổ chức biểu diễn, thu hút rất đông khán giả. Bài hát tôi hát không hay lắm và hòa âm cũng tệ, nhưng chúng tôi có thể kể chuyện, đọc thơ.’ Thường ánh sáng sân khấu phải được che kín để tránh máy bay Pháp phát hiện. Ký biểu diễn xa đến tận Huế, ở đó ông ngủ bên bờ sông Hương, ăn khẩu phần từ thành phố đem ra, hút thuốc  Philip Morris và chẳng bao lâu yêu một cô gái thuộc đám khán giả của mình. 

Ký năn nỉ bạn diễn Hải Châu đọc cho mình những tiết mục trong tập san Reader’s Digest, để giúp ông học tiếng Anh, chuẩn bị cuộc sống sau chiến tranh.  Thỉnh thoảng trong chuyến đi họ thình lình bị đánh thức bởi tiếng la ‘Tây càn!’ Mỗi khi bọn địch đến gần,  các chiến sĩ Việt Minh sẽ uể oải nói, ‘Trâu bò ra chuồng.’ Hải Châu có viết một bài hát mang tựa đề đó, mà binh sĩ rất thích vì nó chế giễu quân chiếm đóng.  Ký là một trong số nhiều người cách mạng tìm được tính lãng mạn trong trải nghiệm cùng chia sẻ của mình. Nó đem đến cho người Việt điều mà người Pháp trong một thế kỷ đã khước từ họ: lòng tự trọng. Hơn nữa, hết tháng, rồi qua năm, càng củng cố niềm tin của hàng triệu người Việt rằng lý do tôt nhất để hậu thuẫn cho người cộng sản là thế nào họ cũng chiến thắng. Một bé gái nông dân thức thật khuya cùng với mẹ và chị trong túp lều tranh gần Huế, may cờ Việt Minh,  ‘cờ đỏ sao vàng, bởi vì chúng tôi biết rằng dân chúng muốn có cờ để chào mừng… chiến thắng’. 

Tuy vậy dường như sai lầm để chấp nhận quá dễ dãi hình ảnh những năm chiến tranh như một khung cảnh thơ mộng đầy lãng mạn như Văn Ký: những thiếu thốn và hy sinh thật khủng khiếp. Căng thẳng tăng cao giữa giới nông dân hậu thuẫn cách mạng và tầng lớp tiểu tư sản. Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1931, con trai một nhà nông nghèo, được gửi đi học tại học viện quân sự mới của Việt Minh tại Trung Quốc, nơi anh thấy không khí ngột ngạt do đấu tranh giai cấp và những buổi tự kiểm điểm không ngớt. Một khóa sinh đã được huân chương vì lòng dũng cảm trong chiến đấu tự tử sau khi bị tra vấn về ý thức hệ. Huy cũng bị kết tội điều hành một mạng lưới gián điệp của Pháp và một đội ám sát của người quốc gia, rồi bị tống vào xà lim ngầm trong 7 tháng.  Anh viết trong hồi ký của mình: ‘Sự bất công của tất cả điều này là không thế mô tả được.’ Điều phi thường là sau các trải nghiệm như thế anh trở lại giữ chức đại đội trưởng đánh Pháp,  rồi sau đó chỉ huy một tiểu đoàn đánh Mỹ, không hề mất lòng tin vào Đảng.  

Trong suốt những năm tuổi trẻ của Nguyễn Thị Ngọc Toàn với Việt Minh  cô luôn bị sách nhiễu vì lý lịch quan lại giàu có. Cha cô là một thành viên của hoàng gia đã từng phục vụ trong nội các của hoàng đế.  Với quân đội Giáp, lúc đầu cô chỉ được coi như bộ đội nhóc. Tuy nhiên,  về sau, mặc dù cô một lòng với lý tưởng, các đồng chí khinh thị nói, ‘Đứa con gái này đã học trường Tây- tại sao họ lại gửi nó đến đây? Làm sao tiểu thơ một quan triều có thể sống chung với Kháng Chiến  được?’ Sau này Toàn nói: ‘Họ gây khó dễ cho tôi. Tôi rất khổ sở.’ Dù vậy cô cũng trung thành với Việt Minh, trong khi nhiệt tình dành cho quân du kích của một tiểu tư sản khác, Nguyễn Cao Kỳ vừa 16 tuổi,  xẹp đi: ‘Đối với họ phong trào Kháng chiến không chỉ để đánh đuổi ngoại bang. Mà còn để xoay chuyển tình thế, trở thành kẻ cai trị, trả thù.’ Kỳ cuối cùng làm nhiệm vụ quân sự với người Pháp,  trở thành một phi công. 

Dù chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh quanh Hà Nội, Việt Minh tiếp tục mở rộng ‘vùng giải phóng’ phía bắc. Vào 1952 ước tính họ kiểm soát một phần tư dân số miền nam; ba phần tư dân số miền trung; hơn nửa miền bắc. Người Pháp tốn tiêu tài nguyên khổng lồ để xây dựng đồn lũy. Cái gọi là ‘phòng tuyến De Lattre’, được xây dựng để bảo vệ bình nguyên sông Hồng đổ xuống gần 50 triệu tấn mét khối bê tông vào trong 2,200 công sự ngầm, mỗi công sự được đánh số đi đầu là cụm ‘PK’ – poste kilométrique (cột cây số). Việc này thích hợp với chiến lược gậm nhắm của Việt Minh  ăn mòn dần sức mạnh của Pháp: họ dần dần loại bỏ những vị trí biệt lập như thế,  luôn luôn vào ban đêm. Việc đầu tiên mà lực lượng phòng thủ biết nữ thần báo thù đã đến là một cột hàng rào kẽm gai phát nổ, và tiếp theo là tiếng hô ‘Xung phong!’ của bộ đội cộng sản. Đến hừng sáng Việt Minh đã rút đi, chỉ để lại xác chết, thường bị phanh thây và những vết ố đen do đạn súng cối hoặc tên lửa phát nổ trên mặt đất hoặc nền bê tông. Và ở Hà Nội hoặc Hải Phòng, các sĩ quan tham mưu Pháp sẽ rỉ tai nhau, ‘Mầy nghe những gì xảy ra ở PK141 đêm qua chưa?’

Cuộc chiến lấy đi sinh mạng nhiều người Pháp nổi tiếng, như vị Đại tá Paul Vanuxem râu đỏ, dềnh dàng, một chiến binh trí thức, đủ tư cách làm giáo sư triết học.  Thiếu tá Marcel Bigeard đã bước vào Thế Chiến II với cấp bậc trung sĩ, và nhảy dù vào Pháp năm 1944. Đại tá Christian de Castries là một kỵ binh và thích ăn diện bảnh bao, lúc nào cũng quấn quanh cổ chiếc khăn lụa đỏ, nổi tiếng là con người đào hoa. Cũng  có các phụ nữ tiếng tăm – những người như Valérie André, một bác sĩ đồng thời là một phi công trực thăng, và điều dưỡng viên nhảy dù được huy chương Paule Dupont d’Isigny.

Vào mùa thu năm 1952 Giáp tập trung ba sư đoàn trên bờ đông sông Hồng, được giao nhiệm vụ đánh chiếm Nghĩa Lộ, một chỏm cao có tầm quan trọng về mặt chiến lược. Nhờ hành quân đêm và sử dụng xuất sắc che giấu vào ban ngày, mỗi người nhìn vào ba lô người đi trước, họ triển khai đội hình mà người Pháp không nhận biết. Rồi, trong một loạt công kích bắt đầu vào ngày 17 tháng 10, họ tràn ngập một chuỗi đồn bót . Tiểu đoàn nhảy dù của Marcel Bigeard yểm trợ lực lượng còn sống sót rút lui về hướng sông Đà, trong một loạt hành động sẽ trở thành huyền thoại đầy ác mộng. Họ buộc phải bỏ lại những binh sĩ bị thương và dân địa phương sau đó báo cáo đã tìm thấy đường tháo lui của Bigeard được Việt Minh trang trí bằng hàng cọc thủ cấp của những binh sĩ Pháp bị bỏ lại. Vị thiếu tá và binh sĩ còn sống được chào đón như những người hùng khi cuối cùng họ đến được phòng tuyến Pháp,  nhưng các trận đánh Nghĩa Lộ là một thảm họa có ý nghĩa. 

Vào tháng 4 1953 quân cộng sản mở một mặt trận mới ở Lào để phân tán lực lượng của Pháp. Vào tháng 6, số thiết bị và quân nhu mà Trung Quốc viện trợ đã tăng từ 250 tấn trong cùng thời kì năm trước đến 2,000 tấn mỗi tháng, cùng với xe tải Molotova và xe ủi đất. Trong khi đó lực lượng Pháp thiếu sĩ quan và hạ sĩ quan, nhiều binh lính Bắc Phi chỉ được huấn luyện sơ sài, và không ai còn tin cậy vào tinh thần chiến đấu của 110,000 binh lính tuyển mộ tại địa phương.  Tướng ‘Iron Mike’ O’Daniel, sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương,  đến thăm Saigon vào mùa hè 1953, ngay sau khi Tướng Henri Navarre trở thành tổng tư lệnh. Với tính khoa trương đặc trưng viên tướng Mỹ hối thúc người Pháp hãy rung cây nhát khỉ – nắm lấy một tư thế gây hấn quân sự hơn. Kinh nghiệm ở Triều Tiên đã chứng minh rằng khi quân Trung Cộng trang bị nhẹ chạm trán với lính Mỹ ở giữa trận địa trống trải, họ thường thắng thế. Nhưng nơi nào tình huống được sắp xếp trong đó lực lượng Mỹ nắm giữ các vị trí đã được chuẩn bị có máy bay và hỏa lực yểm trợ,  thì họ gần như là vô địch. Tại sao người Pháp không lợi dụng những thực tế tương tự? Navarre đồng ý. Ông  sàng lọc một chiến trường trên đó sức mạnh Pháp và điểm yếu của Việt Minh có thể phơi bày trước thế giới. Và ông chọn Điện Biên Phủ.  

‘Cuộc chiến bẩn thỉu’ Lính Pháp với một nghi can Việt Minh.

Các binh lính Pháp mệt mỏi cõng một thương binh

Điện Biên Phủ, tháng 11, 1953

Hồ và Giáp

Cogny, de Castries và Navarre cùng các thuộc hạ


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s