Vương Huy Diệu*
Ban đầu là khủng hoảng tài chính toàn cầu. Rồi sau đó là Brexit và việc đắc cử của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Tiếp theo là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và một đại dịch toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine chỉ là một trong chuỗi các sự kiện làm dấy lên làn sóng các quan điểm cho rằng tiến trình Toàn cầu hoá đã chấm dứt.
Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu, tất cả mọi người từ các phóng viên cho tới những cái đầu sảnh sỏi ở Phố Wall như chủ tịch Tập đoàn Blackrock, ông Laurence Fink, hay nhà đồng sáng lập Tập đoàn Oaktree Capital, ông Howard Marks, đã lên tiếng bày tỏ quan điểm rằng kỷ nguyên tăng trưởng thương mại toàn cầu và các ràng buộc tài chính đã kết thúc. Mặc dù vậy, những quan điểm này không hề sát với thực tế đã được chứng minh mà phần lớn chúng ta đã chứng kiến, đặc biệt là ở châu Á.
Thật vậy, có vẻ như thế giới của chúng ta đang ngày càng trở nên kết nối hơn. Năm ngoái, kim ngạch thương mại toàn cầu đạt mức kỷ lục US$28.5 nghìn tỷ, tăng 25% so với năm 2020 và 13% so với năm 2019 trước khi đại dịch COVID xảy ra. Dù người ta liên tục nói về việc chia rẽ, kim ngạch thương mại Mỹ-Trung tăng hơn 20% vào năm ngoái lên mức US$687.2 tỷ. Kể cả khi cuộc chiến Ukraine diễn ra, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2022, chỉ là với tốc độ chậm lại. Năm ngoái, mức độ đầu tư xuyên biên giới cũng đã vượt qua các thống kê trước đại dịch, đạt mức US$1.65 nghìn tỷ. Trung Quốc đã hội nhập vào kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết. Trong năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này đã tăng một phần ba lên mức cao nhất từ trước đế nay, đạt US$334 tỷ. Trong quý Một năm nay, mức tăng trưởng đó đã thêm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Du lịch là ngành đang phục hồi chậm chạp và thương mại quốc tế trong tỷ trọng GDP toàn cầu đã suy giảm kể từ khi đạt đỉnh năm 2008. Cùng lúc đó, quá trình Toàn cầu hoá đang tiếp tục phát triển và tăng mạnh trong các lĩnh vực phi vật chất khác. Dung lượng chuyển tải dữ liệu toàn cầu hàng tháng trong thời gian đại dịch đã tăng chóng mặt và được dự báo sẽ đạt tới 780 exabytes vào năm 2026, tăng gấp ba lần so với năm 2020. Mỗi ngày có thêm nửa triệu người mới truy cập vào mạng Internet.
Chúng ta đang ngày càng chìm đắm trong một thế giới đa hình ảnh, đa ý tưởng hơn bao giờ hết. Hàng tỷ người trên thế giới đang chứng kiến cái mà ấn phẩm The New Yorker gọi là “Cuộc chiến TikTok đầu tiên” diễn ra thông qua các bức ảnh vệ tinh và livestreams từ dân thường và binh lính. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lợi dụng các thành tựu công nghệ trong tiến trình Toàn cầu hoá kỹ thuật số, làm thế giới mải mê chú ý đến những video selfie cũng như xuất hiện và phát biểu trực tuyến trước quốc hội của nhiều quốc gia bằng phần mềm Zoom. Điều này thật khó có thể tưởng tượng được trước đại dịch.
Tại sao vẫn có nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Toàn cầu hoá đã chấm dứt? Một phần là do bởi họ đang cố bám víu vào một loạt các tư tưởng và ý thức hệ hẹp hòi của chủ nghĩa tân tự do lấy nước Mỹ làm trung tâm, thứ đã thịnh hành kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Một hệ tư tưởng cốt lõi của nó là cái mà nhà báo của tờ New York Times David Brooks gọi là “Toàn cầu hoá hội tụ” – tức là khi các quốc gia ngày càng hội nhập và phát triển hơn, họ sẽ trở nên “giống với xã hội phương Tây của chúng ta”.
Phi Mỹ hoá
Thực tế cho thấy, như các học giả Heather Berry, Mauro F. Guillen và Arun S. Hendi đã công bố trong một nghiên cứu khoa học được nhà báo Brooks dẫn chứng, “trong hơn nửa thế kỷ qua, các quốc gia trên thế giới đã không phát triển với mục tiêu để trở nên giống nhau hay gần gũi nhau hơn trên nhiều phương diện”. Toàn cầu hoá không dẫn tới “Mỹ hoá”. Ngược lại, Toàn cầu hoá đang ngày càng mang ít hình hài của nước Mỹ hơn và thực sự ngày càng “toàn cầu”.
Trong khi nước Mỹ đã từng làm đầu tàu thương mại quốc tế trước năm 2000, ngày nay hai phần ba các quốc gia trên thế giới giao dịch nhiều hơn với Trung Quốc. Kể từ khi tổng thống Trump quay lưng với Hiệp ước Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tâm điểm của tự do thương mại đa phương đã dịch chuyển sang châu Á.
Trong tài chính quốc tế, trong khi đồng Đô la Mỹ vẫn thống trị, tỉ trọng của nó trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm từ 70% năm 2000 xuống còn 59% năm 2020. Các lệnh trừng phạt đang làm tăng tốc các nỗ lực của nước Nga và nhiều nước khác phát triển các phương án thay thế đồng Đô la Mỹ và hệ thống liên lạc liên ngân hàng SWIFT.
Trong lĩnh vực văn hoá, văn hoá đại chúng của Mỹ đang ngày càng phải cạnh tranh quyết liệt với những sản phẩm của Bollywood, K-Pop hay phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, ban nhạc bán chạy nhất thế giới BTS và phim dài tập ăn khách nhất trên Netflix Squid Game là các sản phẩm của Hàn Quốc, trong khi phần mềm được download nhiều nhất thế giới TikTok và nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới Shein đến từ Trung Quốc. Do đó, trong khi những dòng chảy toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, chúng không còn do Washington, Phố Wall hay Hollywood điều tiết nữa.
Một giả thiết mang tính tân tự do khác để lý giải Toàn cầu hoá (và lý do nó đã bị phá vỡ do cuộc chiến Ukraine) là luồng tư tưởng cho rằng, tự do thị trường sẽ là nền tảng cho xã hội hoà bình, đạo đức, phồn vinh và cởi mở, biến lợi ích kinh tế của các quốc gia hoà quyện với nhau khiến xung đột trở nên không tưởng. Tư tưởng này không sai hoàn toàn, tuy nhiên nó không nhận thức được rằng sự kết nối là một con dao hai lưỡi và con người ta quan tâm đến rất nhiều thứ khác chứ không phải chỉ tiền.
Như tác giả Mark Leonard đã viết trong cuốn sách “Thời đại Không hoà bình”, rõ ràng rằng sự kết nối đã làm thế giới xích lại gần nhau hơn, từ thương mại đến di cư, từ tài chính quốc tế đến mạng Internet, nhưng chúng hoàn toàn có thể bị biến thành vũ khí và trở thành nguyên do của xung đột. Trên khắp thế giới, các chính quyền đang ngày càng chú ý hơn đến những mối đe doạ của Toàn cầu hoá đến an ninh quốc gia, quyền lợi công dân cũng như môi trường. Để làm giảm thiểu những nguy cơ này và khiến Toàn cầu hoá trở nên tích cực hơn, nhiều quốc gia đang từ bỏ các chính sách tự do thả nổi kinh doanh kiểu Washington và hướng đến các chính sách “Toàn cầu hoá có kiểm soát” có sự can thiệp của nhà nước.
Liên minh Châu Âu (EU) là nhà tiên phong trong lĩnh vực này, điển hình như việc ban hành các quy định mới về dòng chảy giao dịch xuyên biên giới như Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) và sắp tới là luật Thuế điều chỉnh carbon tại biên giới. Tại Trung Quốc, mô hình Tuần hoàn song song (Quốc nội-Quốc tế Song tuần hoàn – ưu tiên khuyến khích tiêu dùng nội địa đồng thới với việc giao dịch thương mại quốc tế và mời gọi vốn nước ngoài) có thể được xem như một dạng Toàn cầu hoá có kiểm soát khi chính sách này có thể tận dụng các lợi thế của Toàn cầu hoá trong khi giảm thiểu được ảnh hưởng của bất ổn từ bên ngoài. Ngay chính nước Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy các biện pháp chủ động kiểm soát các dòng chảy giao dịch xuyên biên giới, ví dụ như việc lên kế hoạch áp đặt một mức thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu lên các tập đoàn đa quốc gia.
Tất cả những điều trên báo hiệu một phương thức tiếp cận thận trọng với Toàn cầu hoá dựa trên sự tích cực về lâu dài và có tính toán ảnh hưởng của thực tế chính trị, chứ không phải là sự thụt lùi toàn diện để quay trở về một nền kinh tế tự cung tự cấp. Chúng ta hiện nay đã bước vào một giai đoạn của hội nhập toàn cầu được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố mới, một giai đoạn ngày càng đa dạng hơn và ngày càng có kiểm soát hơn so với giai đoạn trước. Đó không nhất thiết phải là một điều xấu.
*Tác giả: Vương Huy Diệu, chủ tịch sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá tại Bắc Kinh, phó chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Kinh tế Quốc tế Trung Quốc.
Đăng trên Bloomberg (AFR đã dẫn) ngày 8/5/2022.