CHƯƠNG 15 : SỰ TRỖI DẬY CỦA NHỮNG NGƯỜI HIỆN ĐẠI THẾ TỤC 1336-1357 SH [1918-1939 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Vào năm 1919, Tiểu Á đang lê bước với binh lính Pháp và Ý. Quân đội Hy Lạp được các nhà dân tộc Hy Lạp cầm đầu mơ về một Đại Hy Lạp đang dấn sâu vào trung tâm Ottoman. Chính Istanbul bị binh sĩ Anh chiếm đóng. Các phong trào kháng chiến bùng nổ trên khắp Anatolia, đoàn kết quanh một tướng lĩnh mặt diều hâu với đôi mắt sáng quắc. Ông là Mustafa Kemal, sau nay được biết dưới tên Atatürk—Cha già Thổ. Lực lượng ông đánh đuổi tất cả người ngoại bang ra khỏi xứ và vào năm 1923 ông tuyên bố sự ra đời một nhà nước-quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ. Atatürk từ bỏ quá khứ Ottoman; ông từ bỏ đế chế. Ông xác nhận không gì ngoài Tiểu Á bởi vì ông nhắm đến một lãnh thổ cố kết mang ý nghĩa một đất nước. Từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà nước có biên giới rõ ràng và không thay đổi bên trong một đa số dân chúng thuộc sắc tộc Thổ và ngôn ngữ là tiếng Thổ. Trong xứ sở mới này, đạo Hồi bị loại trừ ra khỏi bất kỳ vai trò trong chính sách công và hạ xuống chỉ ở lĩnh vực tư nhân nơi nó có thể tiếp tục phát triển như bất cứ tôn giáo nào khác, miễn là các tín đồ không gây phiền hà cho người láng giềng.
Thổ Nhĩ Kỳ do đó là đất nước có đa số người Hồi đầu tiên tự xưng mình là thế tục và chính thức đi theo chính sách tách chính trị ra khỏi tôn giáo. Tuy nhiên, đã hạ giá đạo Hồi, Atatürk cần một nguyên tắc khác để thống nhất xứ sở mới của mình, vì thế ông đưa ra một ý thức hệ xiển dương sáu chủ nghĩa: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cải cách, chủ nghĩa nhà nước, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cộng hoà. Người Thổ còn gọi cương lĩnh này là chủ nghĩa Kemal, và một số phiên bản của nó, thường nhấn mạnh bốn chủ nghĩa đầu tiên, lan rộng đến hoặc nổi lên trên khắp thế giới Hồi giáo sau Thế Chiến I.
Chủ nghĩa dân tộc của Atatürk không được lầm lẫn với chủ nghĩa quân phiệt cực đoan của CUP. Cội rễ của cả hai đều ngược về Tuổi Trẻ Thổ, nhưng “chủ nghĩa Tuổi Trẻ Thổ” là một phong trào rộng lớn trải dài một gam màu từ chủ nghĩa hợp hiến tự do đến chủ nghĩa phát xít, còn chủ nghĩa của Atatürk là một chủ nghĩa dân tộc mang tính văn hoá, mềm dẻo xuất thân từ cứu cánh tự do.
Đó là chủ nghĩa dân tộc mang tính văn hoá đã dẫn dắt Atatürk loại bỏ nhiều ngôn ngữ được nói trong Đế chế Ottoman, dành ưu ái cho một ngôn ngữ dân tộc, tiếng Thổ. Nhiều phương ngữ và các biến thể tiếng Thổ được nói trong đế chế cũ nhường chỗ cho một phương ngữ chuẩn đơn lẻ, và không phải tiếng Thổ văn học của triều đình cũ mà là loại được tinh lọc của ngôn ngữ Thổ đường phố được số đông sử dụng. Một số kẻ quá khích lúc đó muốn cấm dùng tất cả những từ thuộc ngôn ngữ khác đã chui vào tiếng Thổ, nhưng Atatürk giải giới sự kích động này bằng một câu nói duy nhất: Tiếng Thổ, ông nói là mẹ của mọi ngôn ngữ, vì thế những từ họ mượn từ các ngôn ngữ khác chỉ đơn giản là tiếng Thổ trở về nhà. Tuy nhiên, chữ viết Ả Rập, thứ chữ trong đó từ lâu tiếng Thổ được viết được thay thế bằng bảng chữ cái La tinh mới.
Là một nhà chủ trương hiện đại hóa ngay cốt lõi, Atatürk không xưng mình là sultan hay vua. Ông cho soạn thảo một hiến pháp mới, lập ra một nghị viện, và thiết lập một hình thức chính quyền cộng hoà với minh là tổng thống. Nền dân chủ nghị viện ông xây dựng kéo dài đến ngày nay, nhưng nói thẳng: một nhà lãnh đạo khác không thể nào thay thế được Atatürk qua thùng phiếu nếu ông ta còn sống – chứ sao, ông là Cha già Thổ mà! Người ta không thể bầu ra một ông cha theo cách hành chính được! Và mặc dù ông không phải là nhà độc tài quân sự và nhóm cai trị của ông không phải là nhóm quân phiệt (ông thành lập và tuân thủ theo luật), Atatürk đúng là xuất thân từ quân đội và ông đề cao kỷ luật; vì thế ông lùa nhân dân đi theo tầm nhìn của ông cho đất nước với một quyết tâm sắt đá, thẳng tiến của một quân nhân.
Tầm nhìn của ông thế nào? Đập gãy quyền hành của giới ulama Thổ, lật đổ vai trò trọng tài đời sống xã hội của đạo Hồi và ủy quyền một cách tiếp cận thế tục cho việc quản lý xã hội. Theo chuẩn mực phương Tây, điều này khiến ông trở thành một “người ôn hòa”. Nhưng theo tiêu chuẩn Hồi giáo, điều này khiến ông trở thành một người quá khích cùng cực đến nghẹt thở.
Đầu tiên trên lịch trình hành động của ông: mở lĩnh vực công cộng cho phụ nữ tham gia. Tiến tới mục tiêu này, ông ban hành các luật mới cho phép phụ nữ quyền bầu cử, quyền giữ chức vụ hành chính và sở hữu tài sản. Ông loại tính đa thê ra ngoài vòng pháp luật, không cổ vũ của hồi môn, phê phán tập quán hôn nhân theo truyền thống, và bảo hộ nhiều đạo luật mới về ly hôn dựa trên dân luật Thụy Sĩ, chứ không dựa trên Qur’an và hadith.
Ông cũng cấm dùng khăn che mặt và trùm đầu, một phần trong bộ luật ăn mặc mới được nhà nước phê chuẩn áp dụng cho các ông lẩn các bà – chẳng hạn, loại mũ đỏ truyền thống Thổ cũng bị cấm, Áo choàng và để râu bị can ngăn mạnh mẽ. Mũ quả dưa thì được, cũng như mũ nồi, mũ lưỡi trai. Chính Atatürk cũng mặc vét và thắt cà vạt và khuyến khích đồng bào Thổ làm theo mình.
Giới tôn giáo phát hoảng khi phòng khiêu vũ được giới thiệu như trò tiêu khiển chính thức thuộc chức năng nhà nước, nhưng họ không thể làm gì. Atatürk nói là làm, và ông có quyền hành và uy tín để thực thi. Nghị viện ông hậu thuẫn ông tới bến khi ông đề xuất một sắc luật yêu cầu việc đọc kinh Qur’an nơi công cộng từ đây được tiến hành bằng tiếng Thổ, không được bằng tiếng Ả Rập – một điều xúc phạm đối với tín đồ sùng đạo. Nghị viện hậu thuẫn ông lần nữa khi ông dời ngày nghỉ của công nhân từ thứ 6 sang chủ nhật – sang chủ nhật! Chính quyền Atatürk tiếp theo đóng cửa các trường đạo, dẹp các hội huynh đệ Sufi và bãi bỏ các trụ sở waqf – những cơ sở từ thiện Hồi giáo có từ xưa – thay bằng các dịch vụ xã hội do nhà nước điều hành. Vào năm 1925, Atatürk đúc kết cuộc cách mạng hiện đại hóa thế tục với một tuyên bố thực sự gây sốc: ông tuyên bố triều kha-lip đã chết.
Tất nhiên, đây thực sự không phải là tin giật gân. Xét mọi mục đích thực tiễn, triều kha-lip đã chết hàng thế kỷ, nhưng trong thế giới giữa Istanbul và sông Ấn, triều kha-lip chiếm một chỗ đặc biệt trong óc tưởng tượng quần chúng khá tương tự với La Mã cổ đại đối với phương Tây: nó hiện thân cho giấc mơ vương vấn về một cộng đồng phổ quát. Ở phương Tây, bóng ma La Mã vẫn còn lẽo đẽo cho đến tận Thế Chiến I, có thể nhận ra dấu vết như Đế chế Áo-Hung thực sự là một dạng cuối cùng của “Đế chế La Mã Thần Thánh”, và trong tước hiệu của các nhà cai trị Đức và Nga cuối cùng trước Thế Chiến I – tước vị kaiser và czar đều là biến thể của tước vị Caesar. La Mã đã chết hàng thế kỷ, nhưng lý tưởng La Mã về một nhà nước phổ quát chỉ tắt ngấm vào cuối Thế Chiến I. Điều đó cũng đúng với vị kha-lip. Khi Atatürk bãi bỏ chức vị kha-lip, ông bãi bỏ một ý tưởng, và đó là điều gây sốc cho thế giới Hồi giáo.
Hoặc ít nhất nó gây sốc cho giới truyền thống, nhưng ai quan tâm họ nghĩ gì? Họ không còn nắm quyền. Atatürk hóa ra là nhà lãnh đạo Hồi giáo nguyên mẫu của nửa thế kỷ sắp tới. Iran tạo ra phiên bản nguyên mẫu của riêng mình. Sau chiến tranh, vị vua Qajar cuối cùng đối mặt với “Cách mạng Rừng rú”, một vụ nổi dậy du kích do phe ngưỡng mộ Sayyid Jamaluddin-i-Afghan tiến hành. Lực lượng nhà vua gồm hai quân đội, một do các sĩ quan Thụy Điển chỉ huy, một do lính đánh thuê Nga. Nhà vua ít nhận ra rằng mối đe dọa thực sự cho nền cai trị không nằm trong rừng rậm mà trong đám ngoại bang dựng ông lên. Khi người Bôn-sơ-vich bắt đầu tham gia phe cách mạng rừng rú, người Anh bồn chồn. Lenin đã vừa nắm quyền ở nước Nga và họ không muốn loại sự kiện này lan tràn. Người Anh cho rằng nhà vua không đủ cứng rắn để dập tắt bọn Bôn-sơ-vich, vì thế họ hỗ trợ một đại tá Iran lật đổ ông.
Vị đại tá này, Reza Pahlavi, là một người hiện đại thế tục theo khuôn mẫu Atatürk, trừ ra ông không mặn mà với dân chủ (một ít nhà lãnh đạo hiện đại thế tục như thế). Vào năm 1925, đại tá tự xưng mình là vua, trở thành Reza Shah Pahlavi, người sáng lập triều đại Iran mới. Từ ngai vàng, ông tiến hành cùng các loại cải cách như Atatürk, nhất là trong vấn đề luật lệ ăn mặc. Khăn trùm đầu, khăn che mặt, áo choàng, râu ria – những thứ này bị ngăn cấm đối với các công dân bình thường. Các giáo sĩ có đăng ký còn có thể mặc áo choàng trong đất nước Iran mới, nhưng họ phải có giấy phép xác minh mình thực sự là giáo sĩ (làm sao họ có thể hội đủ điều kiện phiền toái này, biết rằng đạo Hồi làm gì có cơ chế chính thức “chứng nhận” giáo sĩ? Còn nữa, bất cứ ai bị bắt gặp mặc áo choàng không phép có thể bị đập tơi bời trên đường phố và lôi về khám.
Tình hình tương tự đang xảy ra ở Afghanistan, nơi một thanh niên dữ dội tên Amanullah thừa kế ngai vàng vào năm 1919. Là một người ngưỡng mộ Tuổi Trẻ Thổ nhiệt tình, anh chàng có khuôn mặt tròn trĩnh với bộ râu kiểu Hercule Poirot (nhân vật thám tử trong loạt tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng: ND) trao cho Afghanistan một hiến pháp cấp tiến, tài trợ hậu hĩnh một hệ thống trường học thế tục còn phôi thai, và, vâng, tuyên bố luật ăn mặc thông thường: không khăn che, không để râu, không áo choàng ….
Điều tôi thấy thú vị ở chính sách ăn mặc này là các nhà Hồi giáo cực đoan hành động chính xác giống như thế 50 năm sau khi họ trở lại nắm quyền ở Iran và Afghanistan, có điều là họ làm hoàn toàn ngược lại: thình lình, các bà bị buộc phải đội khăn trùm đầu còn các ông bị đánh đập nếu xuất hiện nơi công cộng mà không có râu.
Ba nhà cai trị giữa Istanbul và Hindu Kush có thế sử dụng quyền hành nhà nước để thúc đẩy lịch trình hiện đại hóa thế tục. Các khu vực khác của Dar al-Islam còn sống dưới quyền cai trị vua chúa nhưng có các phong trào độc lập năng nổ do các nhà hiện đại thế tục cầm đầu. Ở Ân, chẳng hạn, nhà lãnh đạo Hồi giáo lừng danh nhất là luật sư hoạt bát học tại Anh có tên Mohammed Ali Jinnah.
Tóm lại, chủ nghĩa hiện đại thế tục nổi lên trên khắp thế giới Hồi giáo trong những năm 1920, hết xã hội này đến xã hội khác sụp đổ dưới sự thống trị của tín điều chính trị mới này. Tôi gọi nó là chủ nghĩa hiện đại thế tục, cho dù cái tên này không đủ, bởi vì danh từ thế tục-hiện đại hóa-chủ nghĩa dân tộc-chủ nghĩa nhà nước- chủ nghĩa phát triển lại quá cồng kềnh và thậm chí còn không nói hết toàn bộ phong trào. Cần phải nói đây là một dòng sông rộng của thái độ và ý kiến rút ra từ những ý tưởng đã được khai phá trước đây bởi những người như Sayyid Ahmad xứ Aligarh, Amir Kabir xứ Iran, Tuổi Trẻ Thổ của Istanbul, và vô số các nhà trí thức, chuyên gia, công nhân có học thức, tác giả, và nhà hoạt động từ các tầng lớp trung lưu đã xuất hiện tại Trung Thế Giới trong một thế kỷ. Thình lình, các xã hội Hồi giáo biết mình đang đi đến đâu: đường lối Tây phương. Tất nhiên, họ đang tụt hậu, họ phải nỗ lực một cách nôn nóng để bắt kịp, như thế càng có thêm lý do để vội vã, càng có thêm lý do để bước qua sự tinh tế và sự đúng đắn như dân chủ và đẩy mạnh chương trình cấp bách – cốt lõi của nó là “sự phát triển.”
Tại Afghanistan và Iran, nhà nước kiềm chế công dân, nhưng làm thế để theo đuổi một lịch trình “tiến bộ”. Các nhà vua tại cả hai xứ bắt tay xây dựng đường xá, đập nước, nhà máy năng lượng, hãng xưởng, bệnh viện, và trụ sở hành chính. Cả hai thiết lập các công ty hàng không, khai trương các nhật báo do nhà nước điều hành (và nhà nước kiểm duyệt), và xây dựng các đài phát thanh quốc gia. Cả hai xứ tiếp tục phát triển các trường công thế tục. Iran đã có một đại học quốc gia và giờ đây Afghanistan thành lập một đại học. Cả hai chính quyền ban hành các chính sách nhằm giải phóng phụ nữ và lôi kéo họ vào lĩnh vực công cộng. Cả hai hăng say biến xứ sở mình có tính “Tây phương” hơn nhưng không thấy có mối liên hệ giữa việc này với việc mở rộng quyền tự do của thần dân mình. Điều họ hứa hẹn không phải là tự do mà là thịnh vượng và lòng tự trọng.
Hoàn toàn hợp lý để cho rằng ngay lúc này, đạo Hồi như một chuyện kể về lịch sử thế giới đã cáo chung. Sai nhưng hợp lý. Dòng chảy cắt ngang của phương Tây đã làm đứt gãy các xã hội Hồi giáo, tạo ra những mối lo âu sâu sắc nhất và những nghi ngờ nhức nhối nhất. Những nhà hiện đại thế tục đề xuất cách giải quyết tình trạng hỗn loạn tâm linh bằng cách so hàng xã hội mình với trào lưu Tây phương. Không nghi ngờ gì, phần đông các nhà lãnh đạo này còn nghĩ mình là người Hồi; họ chỉ nhìn nhận một ý tưởng mới về “đạo Hồi”. Hầu hết còn làm việc để phá vỡ thế kềm kẹp của các cường quốc Tây phương đặc biệt lên dân tộc đặc biệt của họ; họ chỉ làm như người chống thực dân cách mạng hơn là người Hồi giáo nhiệt thành tận tụy xiển dương đạo Hồi như một cộng đồng lớn trong một sứ mạng được Thượng Đế giao phó.
Không phải họ không được dân chúng hậu thuẫn. Trên khắp Trung Thế Giới, đạo Hồi truyền thống, tôn giáo giờ đang thụ động: bị đã phá và khuất phục. Những người có học thường xem các học giả và giáo sĩ lỗi thời là kỳ quặc. Giới ulama, người giải thích kinh Qur’an, người buôn bán phép lạ, “các tín đồ” chính thống – tất cả những người này đã khống chế Dar al-Islam hàng thế kỷ, họ đã tạo ra điều gì? Những xã hội sáo mòn không thể làm ra nổi một ô tô hoặc chế tạo một phi cơ, còn nói gì đọ sức với Tây phương. Thất bại đã làm họ bẽ mặt, và quần chúng sẵn sàng ban cho người khác một cơ hội. Tương lai thuộc về phe hiện đại thế tục.
Hoặc dường như là thế.
Nhưng chủ nghĩa hiện đại thế tục không chỉ là trào lưu cải cách duy nhất xảy ra trong thế giới Hồi giáo thế kỷ 19. Còn các trào lưu khác thì sao? Những Wahhabis, chẳng hạn? Còn các đệ tử của Sayyid Jamaluddin thì sao? Những phong trào này không nên lẫn lộn với đạo Hồi chính thống hoặc chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo lỗi thời. Chúng chỉ chuộng mới như chủ nghĩa hiện đại thế tục, chỉ cố ý đập phá hiện trạng.
Thậm chí người Wahhabis, bằng cách kêu gọi đến một thời khắc hoang đường ở quá khứ xa xăm, đang chối bỏ hiện tại tê liệt (và 12 thế kỷ dẫn đến hôm nay). Và họ còn thở trên Bán đảo Ả Rập. Thật ra, họ nắm lấy quyền lực nhà nước tại đó, với việc thành lập Ả Rập Saudi, sẽ nói rõ hơn sau này. Bên ngoài Ả Rập, người Wahhabis không đạt được nhiều chỗ dựa trong giới ưu tú có học hoặc các tầng lớp trung lưu mới nhưng họ được sự ủng hộ tại các thánh đường nhà quê và đám dân làng bần cùng. Đối với lớp thính giả đó, thông điệp của họ gây tiếng vang, nhất là ở Ấn Độ. Khi họ giảng về quá khứ vinh quang, chỉ có thể sống lại khi trở về với các đường lối của Cộng đồng Đầu tiên, dân nghèo và vô sản biết họ đang nói về ai. Họ có thể nhìn thấy giới cai trị họ đang trôi dạt khỏi lối sống Hồi giáo, mà còn khoác lác về điều ấy! Họ phải chịu tội cho sự suy yếu của Hồi giáo. Đúng ra, nếu câu chuyện kể của người Wahhabi đứng vững, thì cái nghèo của dân nghèo ở nhà quê là do lỗi của bọn nhà giàu đô thị.
Vào năm 1867, một nhóm người Wahhabis Ấn thuần khiết đã xây dựng một trường tôn giáo tại một thị trấn tên Deoband. Trong vòng 50 năm, các nhà truyền giáo đổ ra từ ngôi trường này đã đi khắp tiểu lục địa thuyết giảng về giáo lý Wahhab. Vào cuối thập niên 1920, những Deobandi này cho thấy một sức mạnh lóe sáng ở Afghanistan.
Vua Amanullah, sau khi lên ngôi, đã làm choáng váng đất nước khi tuyên bố hoàn toàn độc lập với người Anh và gửi binh sĩ đến biên giới. Các cuộc chiến không phân thắng bại nhưng ông giành được độc lập tại bàn thương lượng, biến ông thành quân vương Hồi đầu tiên và duy nhất đương đầu trực tiếp thắng lợi với một cường quốc chủ chốt của phương Tây. Người Wahhabis Ấn hớn hở tuyên dương ông là vị kha-lip mới; nhưng Amanullah không phải là loại người chấp nhận cái vinh dự đó. Thật ra, ông “phản bội” những người Deobandi bằng cách tiến hành một loạt các sáng kiến như Atatürk đã thực hiện, đã được đề cập trước đây. Người Wahhabis Ấn thề hạ bệ tên bội giáo.
Và họ đã làm được điều đó, nhưng không tự mình. Họ nhờ người Anh giúp đỡ. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, vì về văn hoá Amanullah đồng điệu với các giá trị Anh quốc hơn là phe Deobandi. Các lý tưởng của Anh là lý tưởng của ông. Nhưng có thể người Anh nhận ra ông là mối đe dọa vì chính lý do đó. Họ biết một người cách mạng chống đế quốc là như thế nào; bởi vì họ đã trông thấy Lenin. Họ không biết Deobandi là ai. Các nhà thuyết giáo râu ria mình quấn áo choàng không nghi ngờ gì nữa đập vào mắt họ như những tên bán khai màu mè có thể lợi dụng được. Vì vậy bọn Anh gửi tiền và súng ống cho chiến dịch của phe Deobandi chống lại Amanullah và chẳng bao lâu, lại được sự hỗ trợ thêm của giới giáo sĩ cực đoan địa phương, phe Deobandi làm Afghanistan bốc cháy. Vào năm 1929, họ xoay sở đẩy được Amanullah vào cảnh lưu vong bi đát.
Giữa cơn hỗn loạn dâng cao, một tên cướp thực sự bán khai, có tên rất màu mè Con Trai của Người Mang Nước, chiếm thủ đô Afghan. Tên cướp cai trị được 9 tháng loạn lạc, trong thời gian đó hắn không chỉ áp đặt luật Hồi giáo “thuần túy” mà còn bỏ hết mọi cải cách của Amanullah, cướp phá thành phố, và vét sạch quốc khố. Người nào biết được những gì bọn Taliban làm ở Afghanistan vào cuối thế kỷ sẽ nhận ra hành động đồ tể của chúng đã được bọn Con Trai của Người Mang Nước tổng duyệt chính xác đến kỳ lạ. Sau khi hắn đã xong, người Afghan quá chán ngấy cảnh hỗn loạn, nên họ hăng hái chấp nhận một người cứng rắn. Người Anh giúp họ bằng cách hậu thuẫn một thành viên dễ bảo hơn có huyết thống hoàng gia xưa lên ngôi, một nhà độc tài dữ dằn tên Nadir Shah. Vị vua mới này cũng theo chủ nghĩa hiện đại hóa thế tục nhưng biết kiềm chế. Ông đưa đất nước trở lại lộ trình của Atatürk nhưng rất, rất chậm chạp, thận trọng không dám xúc phạm đến người Anh và xoa dịu phe Deobandi trong xứ bằng cách siết chặt Afghanistan về mặt xã hội và văn hoá.
Thế là quá nhiều cho phe Wahhabi. Còn trào lưu cải cách do Sayyid Jamaluddin đại diện thì sao? Nó có chết không? Không chút nào. Về mặt tri thức, công trình của Jamaluddin được tiếp tục phát huy bởi đại đệ tử của ông, Mohammed Abduh, người dạy tại Đại học Al Azhar một ngàn năm tuổi rất có uy tín. Abduh ráp nối các mảnh ý tưởng của sư phụ thành một học thuyết cố kết về hiện đại hóa Hồi giáo. Đệ tử ruột và là bạn của Abduh là Rashid Rida tiếp tục khám phá làm thế nào một nhà nước hiện đại có thể thực sự được quản trị dựa trên các nguyên tắc Hồi giáo.
Rồi đến Hassan al-Banna, có lẽ là dòng dõi trí tuệ quan trọng nhất của Sayyid Jamaluddin. Giáo viên Ai Cập này là nhà hoạt động hơn là triết gia. Vào năm 1928, ông thành lập một câu lạc bộ có tên Hội Huynh Đệ Hồi giáo, gốc là một hoạt động giống như một phiên bản Hồi giáo của Hội Hướng Đạo Sinh. Đây là một sự kiện quan trọng cho đạo Hồi, nhưng lúc đầu gần như không ai chú ý tới.
Banna sống và dạy học trong Vùng Kênh đào Suez, nơi mỗi ngày ông có thể cảm nhận sự cọ xát của phương Tây với phương Đông. Gần như mọi hoạt động mậu dịch giữa châu Âu và các thuộc địa phía đông đều đi qua kênh này, vốn là công trình hiện đại thành công nhất ở Ai Cập, và mỗi chuyến hàng qua đây phải trả một phí quá cao. Một công ty Âu châu do tập đoàn Anh và Pháp sở hữu vận hành kênh đào và thu 93 phần trăm lợi tức kếch xù mà nó tạo ra. Do đó các kĩ thuật viên nước ngoài nhan nhản ở Vùng Kênh Đào, khiến dải đất này là hiện thân trần trụi nhất của sự giao lưu giữa hai thế giới. Toàn bộ cơ sở hạ tầng gồm cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê, phòng khiêu vũ, quán ba, và các dịch vụ khác phục vụ tận tình cộng đồng Âu châu. Một cơ sở hạ tầng khác gồm chợ búa, tiệm cà phê, và các thứ linh tinh được người Ai Cập thuộc tầng lớp khiêm nhường hơn lui tới: hai thế giới đan quyện nhau nhưng hoàn toàn khác biệt.
Hassan Banna chứng kiến đồng bào Ai Cập của mình đua nhau đi học ngôn ngữ và phép lịch sự Âu châu, đầu tư quá nhiều công sức cốt cho được nước sơn bóng Tây phương để bước vào thế giới Tây phương, cho dù chỉ làm công nhân thuộc giai tầng hạng bét. Nhìn thấy cảnh tượng ham hố và phục tùng của người Ai Cập lòng tự hào của ông bị xúc phạm. Ông thành lập Hội Huynh Đệ Hồi giáo để giúp các bé trai Hồi tương tác lành mạnh với nhau, học tập nền văn hoá của mình, và phát huy lòng tự trọng. Các bé trai tạt vào Hội Huynh Đệ sau giờ học ở trường để chơi thể thao, đồng thời nhận được những bài học về lịch sử Hồi giáo do Banna và các huấn luyện viên của ông giảng dạy.
Sau đó phụ huynh các bé trai cũng bắt đầu tạt vào để xem, vì thế hội bắt đầu mở các chương trình buổi chiều tối dành cho người lớn. Số người tham gia ngày càng đông phải mở thêm nhiều trung tâm mới. Vào giữa thập niên 1930, Hội đã vươn vai từ một câu lạc bộ cho bé trai để trở thành một tổ chức huynh đệ cho nam giới.
Từ đây, nó chầm chậm biến hình thành một phong trào chính trị, một phong trào tuyên ngôn đạo Hồi thế tục và tầng lớp cai trị “bị Tây phương hóa” của riêng Ai Cập chính là kẻ thù chính yếu của đất nước. Huynh đệ Hồi giáo chống đối chủ nghĩa dân tộc, tác động muốn đạt được tính chủ quyền cho các nhà nước nhỏ riêng biệt như Syria, Libya, hoặc Ai Cập. Thay vào đó họ kêu gọi người Hồi làm sống lại một Umma xuyên quốc gia vĩ đại, một triều đại kha-lip mới hiện thân cho sự thống nhất của tất cả người Hồi. Như Sayyid Jamaluddin, họ thuyết giảng về sự hiện đại hóa liên Hồi mà không cần Tây phương hóa.
Hội Huynh Đệ Hồi giáo đang thành hình gần như vào lúc Hoa Kỳ đang đấu tranh chật vật với Đại Suy Thoái . Cũng thời gian này, phe Quốc Xã đang nắm quyền ở Đức, và Stalin đang củng cố gọng kềm lên Liên bang Sô-viết. Bên ngoài Ai Cập, không ai biết nhiều về hội huynh đệ, không phải vì nó hoạt động bí mật (lúc đầu) mà vì nó có ít thành viên trong giới ưu tú Ai Cập và ít quan tâm đến nhà báo nước ngoài. Thậm chí báo chí Ai Cập đăng ít chuyện về các hoạt động của hội còn báo chí phương Tây thì không. Tại sao họ phải đăng chứ? Đây hầu như là phong trào của người lao động nghèo đô thị, và người nước ngoài qua lại Ai Cập hiếm khi chú ý đám người di chuyển như những cái bóng qua đường phố, làm những công việc khuân vác nặng nhọc, phục dịch, và xin tiền típ.
Khi việc Tây phương hóa và kỹ nghệ hóa tiến triển, số người lao động nghèo Ai Cập ở đô thị sinh sôi. Với tầng lớp này bành trướng, hội huynh đệ phát triển nhân dạng như một phong trào chính trị và trở thành giống một sự nổi dậy cấp thấp lan tràn như bệnh dịch – âm ỉ chống lại chủ nghĩa thế tục và ảnh hưởng Tây phương, âm ỉ chống lại tầng lớp thống trị hiện đại hóa, chống lại chính quyền, chống lại mọi chính quyền theo chủ nghĩa dân tộc trong các xứ Hồi giáo , thậm chí chống lại bộ máy dân chủ phản ảnh các giá trị Tây phương.
Rồi vào cuối thập niên 1930, các nhà lãnh đạo thế tục, trong khắp thế giới Hồi giáo, hoặc đang nắm giữ quyền lực nhà nước hoặc đang cầm đầu các phong trào độc lập, bỗng thấy mình bị trên đe dưới búa giữa hai lực lượng: các đế quốc Âu châu vẫn còn từ trên đập xuống; trong khi đó, phe nổi dậy Hồi giáo từ bên dưới đẩy lên. Lãnh đạo phải làm gì?
Dưới loại áp lực này, các nhà chính trị điển hình ra sức liên kết mình với nguồn nhiệt tình quần chúng nào đó để tích lũy hậu thuẫn; và thường nguồn nhiệt tình họ trông cậy đến cho mục đích này là tôn giáo. Nhưng tôn giáo là thứ nhiệt tình mà các nhà hiện đại thế tục không thể kêu gọi đến, vì tôn giáo chính là thứ mà họ đang ra sức tách nó ra xa xã hội. Vì thế họ vẫy cả hai lá cờ khác nhau. Một là lá cờ “phát triển” và sự phồn thịnh vật chất mà nó hứa hẹn mang lại; và lá cờ kia là chủ nghĩa dân tộc, mà họ tuyên bố là mình đại diện. Ở Iran, chẳng hạn, chế độ Pahlavi ra sức kết nối với Ba Tư tiền-Hồi giáo. Ở Afghanistan, chế độ Nadir Shah tuyên bố Pushto là ngôn ngữ quốc gia cho dù chỉ có một thiểu số nói tiếng đó trong xứ. Khắp nơi, những vinh quang của quốc gia, những rực rỡ của văn hoá, và lịch sử đầy kiêu hãnh của dân tộc được tung hô.
Tình cảm dân tộc không thiếu thốn; nó bắn tung tóe khắp Trung Thế Giới vào thời gian này. Vấn đề rắc rối là, phần nhiều các nhà nước-quốc gia khá giả tao. Afghanistan, chẳng hạn, đã được Nga và Anh tạo ra. Iran, mãi đến gần đây, từng là một kết hợp lỏng lẻo các phần tạp nham, một đế chế, không phải một xứ sở. Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà nước-quốc gia vì Atatürk nói thế. Về phần Ấn Độ, một nhà nước-quốc gia thậm chí còn chưa bắt đầu.
Nhưng vùng có vấn đề nhất cho chủ nghĩa dân tộc là trung tâm Ả Rập. Đây là lý do tại sao.
Sau Thế Chiến I, các bên chiến thắng họp nhau ở Versailles, Pháp, để định hình lại thế giới. Như một khúc dạo đầu cho hội nghị đó, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã đọc một bài diễn văn trước Quốc Hội Mỹ trình bày tầm nhìn “14 luận điểm” trong một trật tự thế giới mới mà hầu hết các dân tộc thuộc địa lấy làm phấn khởi. Đối với người Ả Rập, điểm hấp dẫn nhất trong 14 luận điểm mà Wilson tuyên bố cho rằng quyền tự trị của mỗi dân tộc phải được tôn trọng và đáp ứng. Wilson cũng đề xuất thành lập “Hội Quốc Liên” trung lập để xét xử các vấn đề quốc tế, chẳng hạn số phận của các vùng đất người Ả Rập cư trú trước đây do Ottoman cai trị. Tại Versailles, “những người kiến tạo hòa bình” đã thành lập một cơ quan như thế.
Nhưng khá kinh ngạc, Hoa Kỳ lại từ chối già nhập cơ quán này! Và ngay lập tức Hội Quốc Liên (HQL) bắt tay làm việc, các bên chiến thắng Âu châu trong Thế Chiến I biến nó thành một công cụ theo ý mình. Về nguyên tắc, chẳng hạn, HQL hậu thuẫn ý tưởng tự trị trong thế giới Ả Rập, nhưng về thực tế, nó áp đặt thỏa ước Sykes-Picot, chia vùng này thành những khu vực “ủy thác”, thưởng cho Anh và Pháp. Văn kiện dựng lên các khu uỷ thác này gọi chúng là lãnh thổ “được cư ngụ bởi các dân tộc chưa có khả năng tự đứng vững một mình dưới các điều kiện ngặt nghèo của thế giới hiện đại” và cho rằng “việc giám hộ các dân tộc như thế nên được giao phó cho các quốc gia tiến bộ mà với lý do… họ có nhiều kinh nghiệm … họ có thể đảm đương tốt nhất trách nhiệm này.” Tóm lại, nó cho người Ả Rập là bọn trẻ con còn người Âu là kẻ đã trưởng thành có thể chăm sóc chúng cho đến khi chúng có thể tự mình làm được công việc của người lớn như tự nuôi sống mình.
Pháp được uỷ thác Syria, và Anh gần như được mọi khu vực khác ở “Trung Đông.” Pháp chia vùng uỷ thác của mình thành hai xứ Syria và Lebanon, xứ sau là một nhà nước giả tạo với các biên giới sắp xếp gian lận để bảo đảm đa số dân số là người Cơ đốc Maronite, mà Pháp coi như thân chủ đặc biệt của mình trong vùng đó.
Anh cũng có các thân chủ để làm vừa lòng, bắt đầu với nhà Hashimite đã cầm đầu Cuộc Khởi nghĩa Ả Rập quá hữu ích, vì thế người Anh gom ba tỉnh trước đây của Ottoman để tạo một nước mới gọi là Iraq và phong một người nhà Hashemite lên làm vua của nó. Người may mắn đó là Faisal, con trai thứ hai của thủ lĩnh Mecca.
Tuy nhiên, Faisal có một người anh tên Abdullah, và dường như không phải phép khi em trai có một nước mà anh lớn thì không, vì thế một xứ khác được cắt ra từ vùng uỷ thác của Anh và giao cho Abdullah, và đó là Jordan.
Khổ thay, cha của các chàng trai, thủ lĩnh Mecca, hóa ra không có gì, bởi vì vào năm 1924 một thân chủ khác của Anh trong vùng, Aziz ibn Saud, tấn công Mecca bằng một nhóm chiến binh tôn giáo, chiếm thành phố thánh, và đuổi cổ trưởng tộc Hashemite. Ibn Saud tiếp tục chinh phục 80 phần trăm Bán đảo Ả Rập. Chỉ có Yemen, Oman, và một it tiểu vương quốc vụn vặt ven bờ biển là ở ngoài vòng kiểm soát của ông. Các cường quốc Tây phương không làm gì để ngăn ông ta bởi vì ông ta còn thiếu nợ họ. Vào năm 1932, Ibn Saud tuyên bố lãnh thổ mình chiếm giữ là một xứ sở mới có tên Ả Rập Saudi.
SỰ PHÂN CHIA THẾ GIỚI Ả RẬP: CHƯƠNG TRÌNH ỦY THÁC
Trong khi đó, ở Ai Cập, Anh bị khuất phục trước lòng mộ đạo của họ và tuyên bố Ai Cập độc lập, tự chủ, và tự do – với một ít điều kiện. Thứ nhất, người Ai Cập không thể thay đổi hình thức chính quyền; họ phải giữ nguyên nền quân chủ. Thứ hai, người Ai Cập không thể thay thế người cai trị hiện nay của mình, họ phải giữ lại hoàng triều đang tồn tại. Thứ ba, người Ai Cập phải công nhận sự hiện diện tiếp tục của lực lượng quân sự Anh và căn cứ của họ trên đất nước. Thứ tư, người Ai Cập phải giao Kênh đào Suez cho người Anh mà không được chống đối. Thứ năm, công ty tư nhân do Anh và Pháp kiểm soát được tiếp tục thu phí từ còn kênh biển nhộn nhịp nhất và chuyển số tiền kếch xù về châu Âu.
Ai Cập sẽ có một nghị viện do dân bầu, nhưng các quyết định của nghị viện phải được đại điện Anh ở Cairo tán thành. Ngoài ít điểm này, Ai Cập phải xem mình là nước có chủ quyền, độc lập, và tự do. Ai Cập nhanh chóng phát triển một phong trào độc lập đủ lông đủ cánh (hiện đại hóa thế tục), tất nhiên, người Anh không hài lòng, bởi vì tại sao một đất nước độc lập lại cần đến một phong trào độc lập?
Người Pháp cũng đối mặt với một chút kháng cự, ở Syria. Tại đó, một nhà văn Ả Rập Cơ đốc học tại Sorbonne có tên Michel Aflaq đang soạn thảo một ý thức hệ dân tộc liên Hồi. Ông xác quyết về sự tồn tại của một linh hồn Ả Rập thần bí được đúc rèn bởi một ngôn ngữ chung và một trải nghiệm lịch sử cùng chia sẻ tạo nên tính cách đơn lẻ thống nhất đối với đại bộ phận dân chúng nói tiếng Ả Rập. Như tất cả người dân tộc chủ nghĩa khác của thế kỷ 20 được các triết gia Âu châu gây cảm hứng, Aflaq lập luận rằng “quốc gia Ả Rập” được quyền là một nhà nước đơn lẻ được cai trị bởi người Ả Rập.
Mặc dù theo Cơ đốc giáo, Aflaq đặt đạo Hồi ngay trung tâm của chủ nghĩa Ả Rập, nhưng chỉ như một di tích lịch sử. Đạo Hồi, ông nói, đã đánh thức linh hồn Ả Rập tại một thời khắc nào đó trong lịch sử và biến nó thành mũi tiên phong trong cuộc truy vấn toàn cầu cho công lý và tiến bộ, vì thế người Ả Rập thuộc mọi tôn giáo nên trân quý đạo Hồi như một sản phẩm của linh hồn Ả Rập. Tuy nhiên, điều đáng kể là linh hồn Ả Rập, và do đó người Ả Rập nên tìm đến sự tái sinh của tinh thần mình, không phải trong đạo Hồi, mà trong “Quốc gia Ả Rập.” Aflaq là một nhà hiện đại chủ nghĩa thế tục cực đoan và trong năm 1940 ông cùng một người bạn thành lập một đảng chính trị để theo đuổi tầm nhìn của mình. Ông đặt tên đảng là Ba’ath, tức đảng “Phục Sinh.”
Bốn xứ sở mới được cắt xén ra từ các vùng uỷ thác của châu Âu, xứ thứ 5 xuất hiện một cách độc lập, và Ai Cập đạt được tính giả-độc lập. Nhưng còn một vấn đề chưa được giải quyết: điều gì nên làm với Palestine? Nguyên tắc tự trị phán rằng nó cũng nên trở thành một xứ sở tự mình cai trị, nhưng ai là “mình?” Đây có phải là “quốc gia” tự nhiên của người Ả Rập chiếm đến 90 phần trăm dân số và đã sống ở đây nhiều thế kỷ? Hoặc là của người Do Thái, phần đông đều đến đây từ châu Âu trong hai thập niên vừa qua nhưng tổ tiên họ đã sống ở đây cách đây hai ngàn năm? Hừm: câu hỏi gay go rồi đây.
Đối với người Ả Rập, câu trả lời dường như là hiển nhiên: đây phải là một xứ sở Ả Rập có thêm nữa. Đối với di dân Do Thái từ châu Âu, câu trả lời cũng dường như hiển nhiên: cho dù có dàn xếp pháp lý đúng đắn nào, thì mảnh đất này phải trở thành quê hương Do Thái được bảo đảm, bởi vì người Do Thái đều gặp nguy hiểm ở mọi nơi khác trên thế giới chỉ trừ Palestine mới là một nơi có ý nghĩa để họ có thể gọi là quê hương của mình. Ngoài ra chính Balfour của Anh đã từng đưa ra lời hứa hẹn đáng nhớ đó.
Anh quyết định không đưa ra quyết định nào hoành tráng về Palestine, mà chỉ giải quyết các sự kiện trên thực tế khi chúng xuất hiện và nhìn xem sự việc tiếp diễn ra sao.
Làm thế nào các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa hiện đại thế tục có thể sử dụng chủ nghĩa dân tộc để ràng buộc các quốc gia hay ngờ vực của họ lại với nhau, nhất là một số họ đang kêu gọi một quốc gia Ả Rập vượt quá mọi ranh giới đang tồn tại – trong khi đồng thời các người Hồi giáo cực đoan và phe Wahhabis đang bất cần quốc gia, bất cần nền chính trị nhân dạng sắc tộc; tất cả chúng ta đều người Hồi; hãy xây dựng lại vương triều kha-lip.
Rốt cục, trong môi trường này, sự thành công của chủ nghĩa hiện đại thế tục nằm trên hai điều. Thứ nhất, vì các nhà hiện đại thế tục chủ nghĩa cứ vẫy cao lá cờ “phát triển”, họ phải phát triển thứ gì đó và đem lại thịnh vượng mà họ kêu gọi. Thứ hai, vì họ nhắm đến tính hợp pháp qua chủ nghĩa dân tộc, họ phải đạt được độc lập thực sự cho quốc gia mình.
Vào các thập niên sau Thế Chiến I, tuy nhiên, họ thất bại không đạt được mục tiêu nào cả. Họ thất bại bởi vì, mặc dù lối tu từ hấp dẫn của 14 Luận Điểm Wilson, không hề có cơ may thực sự là các cường quốc Tây phương sẽ nới lỏng quyền lực lên phần nòng cốt của thế giới Hồi giáo.
Không cơ may vì tại thời điểm này mọi cường quốc Tây phương đang chạy đua xem ai kỹ nghệ hóa nhanh hơn. Các cường quốc Tây phương đang di chuyển về cuộc quyết đấu khải huyền được đốt cháy lên bằng các ý thức hệ, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, dân chủ. Vốn đặt cược là tuyệt đối. Thắng lợi tùy thuộc vào sức mạnh kỹ nghệ, kỹ nghệ hóa giờ đây phụ thuộc vào dầu hỏa, và hầu hết dầu hỏa của thế giới nằm dưới lòng đất của người Hồi giáo.
Các giếng dầu đầu tiên đã được phát hiện vào cuối thế kỷ 19 ở Pennsylvania và Canada nhưng vào thời điểm đó các phát hiện này ít gây được phấn khích vì sản phẩm duy nhất được chế biến từ dầu hoả lúc đó là dầu hôi, và dầu hôi chỉ được sử dụng duy nhất cho đèn dầu, mà hầu hết người tiêu thụ đều thích xài dầu cá voi hơn.
Vào năm 1901, mỏ dầu lớn đầu tiên ở Trung Đông được phát hiện ở Iran bởi nhà thăm dò Anh William Knox D’Arcy. Ông nhanh chóng mua độc quyền khai thác dầu hỏa của Iran từ nhà vua Qajar thời đó, để đổi lấy một số tiền tọng ngay vào túi vị shah, và 16 phần trăm lợi nhuận trả cho quốc khố Iran sau này, tiền nộp được tính trên “lợi nhuận ròng” thu được từ dầu hoả Iran, không tính trên tổng thu nhập. Điều đó có nghĩa hợp đồng thuê của D’Arcy không bảo đảm Iran nhận được bao nhiêu tiền từ số dầu của họ.
Bạn có thể tự hỏi loại vua gì mà lại bán toàn bộ trữ lượng dầu mỏ biết rõ hay không biết rõ của mình để lấy tiền mặt từ một gã ma cà bông lang thang khắp đất nước và tại sao các công dân của đất nước ấy không lập tức hạ bệ một tên vua như thế. Câu trả lời là, trước tiên: truyền thống. Các vị vua Qajar đã làm loại việc này cả trăm năm nay rồi. Thứ hai, đất nước đã vừa mới đấu tranh dữ dội để hủy bỏ thế độc quyền thuốc lá, mà nhà vua của họ đã bán cho tập đoàn Anh, một cuộc đấu tranh đã khiến các nhà hoạt động của xứ sở mệt phờ. Thứ ba, dầu hình như không mấy quan trọng; nó không phải là thuốc lá, trời ạ (hoặc dầu cá). Thứ tư, các nhà hoạt động đang xắn tay cho một cuộc đấu tranh dường như quan trọng hơn dầu hỏa và thuốc lá gộp lại: đấu tranh cho một hiến pháp và một nghị viện. Việc thương lượng về dầu hỏa vì vậy không được mấy chú ý.
Tuy nhiên, ngay đúng lúc Iran đang cho đi dầu hỏa của mình, tầm quan trọng của dầu chuẩn bị lên như diều gặp gió, nhờ một phát minh mới: động cơ đốt trong. Các động cơ đốt ngoài như máy hơi nước chạy trên bất cứ thứ gì cháy được, trong thực tế có nghĩa là gỗ hoặc than; nhưng động cơ đốt trong chỉ chạy được trên dầu hỏa đã được chưng cất.
Vào thập niên 1880, một nhà phát minh Đức đã sử dụng loại động cơ này để chạy một xe ba bánh lớn. Xe ba bánh này tiến hóa thành ô tô. Vào năm 1904, ô tô đang trở thành phổ biến đến nổi ở châu Âu và Hoa Kỳ một số đường xá được tu bổ lại cho thích hợp với ô tô. Chẳng bao lâu sau, tàu hỏa bắt đầu chạy bằng dầu. Rồi vào năm 1907 phi cơ được sáng chế. Sau đó, các tàu viễn dương bắt đầu có mặt.
Thế Chiến I chứng kiến xe tăng được sử dụng lần đầu tiên, các tàu chiến chạy xăng đầu tiên, và các máy bay ném bom đầu tiên. Lúc trận đại chiến kết thúc, ai cũng biết rằng bộ máy chiến tranh chạy bằng xăng dầu rồi hẳn sẽ trở nên tinh xảo hơn và bất kì ai sở hữu trữ lượng dầu của thế giới sẽ cuối cùng sở hữu thế giới.
Đối với Iran, biết điều đó đã quá muộn. William D’Arcy đã bán quyền khai thác dầu Iran cho một công ty do chính quyền Anh sở hữu (công ty đó còn tồn tại: đó giờ là British Petroleum, gọi tắt là BP). Vào năm 1923, theo Winston Churchill, nước Anh đã kiếm được 40 triệu bảng từ dầu của Iran, trong khi Iran chỉ nhận được 2 triệu.
Trong khi đó, công ty Anh này đã tham gia lực lượng với Royal Dutch Shell và một vài công ty Hoa Kỳ để thành lập một siêu công ty (“the Turkish Petroleum Company”) đề xuất việc thăm dò dầu khí trong các tỉnh Ottoman dọc Vịnh Ba Tư. Lúc mà siêu công ty sẵn sàng để khoan dầu, khu vực đang xét lại là một phần trong “vùng uỷ thác” của Anh. Chính lúc đó Anh tạo ra Iraq và giao thân chủ Hashemite của họ giữ gìn. Tổ hợp dầu khí ngay lập tức tiếp cận Vua Faisal xin độc quyền nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, và ông ta vui mừng đáp ứng. Đi sâu vào thương lượng, người Iraq hy vọng được 20 phần trăm vốn cổ phần trong công ty, nhưng họ thỏa thuận ở mức 0 phần trăm, đổi lấy một phí cố định cho mỗi tấn dầu được rút ra, số tiền đó không liên hệ gì với giá dầu hoặc lợi tức của công ty, ít nhất trong 20 năm đầu tiên. Vốn cổ phần trong công ty được phân chia trong vài cường quốc Âu châu và Hoa Kỳ, và cuộc tranh cãi thực sự duy nhất là giữa họ xem ai chiếm được bao nhiêu phần trăm. Vào năm 1927, sau khi mọi vấn đề đã được giải quyết xong, công ty tìm được mỏ dầu khổng lồ đầu tiên của Iraq. Chín năm sau, đến lượt Aziz ibn Saud ăn mừng vì dầu được phát hiện trong lãnh thổ của ông.
Đúng là Ả Rập Saudi hóa ra có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Nhà Saudi chỉ vừa mới bắt đầu bơm số dầu đầu tiên lên thì Thế Chiến II bùng nổ và ý nghĩa chiến lược của dầu hỏa càng vút cao hơn nữa. Trong cuộc đại chiến đó, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt gặp gỡ Ibn Saud, và hai người đi đến một sự cảm thông mà cả hai bên đều gắn kết trung thành kể từ đó, cho dù nó chưa hề được cất giữ trong bất kì hiệp ước chính thức nào.
Thỏa thuận bảo đảm Hoa Kỳ được tiếp cần với dầu khí Saudi; đổi lại, hoàng gia Saudi nhận được nhiều trang bị quân sự và công nghệ Hoa Kỳ nhiều như cần thiết để duy trì sức mạnh chống lại mọi kẻ gây hấn. Một cách gián tiếp, sự cảm thông này đã gắn kết sự đối tác giữa Hoa Kỳ với định chế giáo phái Wahhabi và biến bản lĩnh quân sự Mỹ thành người bảo vệ cho phong trào cải cách Wahhabi. Và lúc mà Thế Chiến II bùng nổ, người Wahhabi, và Hồi giáo Cực đoan trên khắp Dar al-Islam đang tập hợp sức mạnh cho một cuộc tấn công toàn bộ vào phe hiện đại thế tục.