Một số sai lầm của những người Bolshevik khi thiết lập liên bang Xô Viết

100174

Ở nước Nga Sa hoàng không có khái niệm “dân tộc” trong lý lịch của mỗi người. Mọi người được phân định theo tôn giáo, tín ngưỡng. Bản thân các cư dân của đế chế thường không thể xác định chính xác quốc tịch của mình. Đây là đặc điểm điển hình của Trung Á, nơi người Tajik trong những năm đầu tiên sau Cách mạng tự gọi mình là “người Hồi giáo nói tiếng Ba Tư”, còn người Uzbekistan và Kazakhstan tự gọi mình là “người Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ”. Và ở các khu vực phía tây nam, nông dân thường không phân chia thành người Ukraine và người Nga gốc. Vì thế, chính quyền Xô viết buộc phải tạo ra các quốc gia trên những mảnh vỡ của một đế chế hợp nhất và tạo ra biên giới giữa chúng.

Sau Cách mạng, những người Bolshevik phải đối mặt với những nhiệm vụ lớn lao. Cần phải thay đổi hoàn toàn cấu trúc xã hội Nga. Nhưng ngoài khía cạnh giai cấp, yếu tố dân tộc cũng đóng vai trò quan trọng. Trong vài năm đầu tiên sau Cách mạng, những người Bolshevik chắc chắn rằng dân tộc là một khái niệm trống rỗng, không cần thiết. Nhưng họ sớm nhận ra quan điểm sai lầm này, vì người dân Liên Xô nói nhiều thứ tiếng khác nhau, có những đặc điểm văn hóa khác nhau. Do đó cần tái cấu trúc để phục vụ chính quyền mới.
Vào giữa những năm 1920, những người Bolshevik đã bắt đầu thực hiện các dự án lớn về xây dựng quốc gia và dân tộc tự trị. Chính quyền Xô Viết đã phân định ra nhiều dân tộc – đây không phải là việc phát sinh ra những dân tộc mới, mà là để hợp nhất các cộng đồng xung quanh một nền văn hóa duy nhất. Những người Bolshevik nghiên cứu ngôn ngữ và truyền thống, sau đó thống nhất các nhóm dân tộc gần gũi (nhưng vẫn có sự khác biệt) thành các quốc gia riêng biệt. Thí dụ, người Mordovian được hình thành từ những người nông dân Erzya và Moksha. Nhờ những người Bolshevik, ở Dagestan đã xác lập được nhiều dân tộc, mà dưới thời Sa hoàng chỉ đơn giản là cư dân của các làng khác nhau nói tiếng địa phương gần giống nhau.
Nhưng chính sách thực sự nhân văn này đôi lúc đôi nơi đã được thực hiện một cách thô thiển trên thực tế. Thí dụ, người Avars được chia thành 15 nhóm dân tộc nhỏ, để hai người dân Avars từ các làng khác nhau không thể trò chuyện vì không thể hiểu nhau: ngôn ngữ Dargin bao gồm 10 phương ngữ, và Kumyk – 5 phương ngữ. Ban lãnh đạo Liên Xô cũng tỏ ra chưa có tầm nhìn xa trong một số việc khác dẫn đến xung đột chính trị – sắc tộc trong những năm 1990: người Kyrgyzstan với người Uzbek, ở Transnistria, và cuối cùng là ở Donbass.
Khi Liên Xô mới được thành lập (1922), Trung Á bao gồm hai nước cộng hòa tự trị khổng lồ – Kirghiz và Turkestan (có quy chế tự trị bên trong Nga), cũng như Cộng hòa tự trị Bukhara. Sự phân chia này là di sản của hệ thống chính quyền Nga hoàng, đã bỏ qua yếu tố sắc tộc. Nhưng vào nửa sau thập niên 1920, quá trình phân định các dân tộc đã được khởi động. Chính quyền Xô Viết bắt đầu thành lập các quốc gia từ những người nông dân Maverannahr và Sogdian trước đây, mỗi quốc gia nhận được quốc hiệu của mình. Năm 1924, nhờ một cuộc cải cách hành chính lớn, biên giới giữa các nước cộng hòa cũng được xác lập.
Trên cơ sở nghiên cứu dân tộc học, các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố đồng nhất ngôn ngữ của các bộ lạc và thị tộc: Kirghiz-Kaisaks (người Kazakh), Kara-Kyrgyz (đơn giản là Kirghiz), Uzbek, Karakalpaks, Turkmens. Người Tajik nói tiếng Iran được tách riêng – chính quyền Xô viết gọi tất cả các dân tộc nói tiếng Iran trong khu vực rộng lớn này bằng cái tên không mấy phổ biến trong khu vực – Tajik Ba Tư, và xác lập các vùng đất định cư liên tục của họ trong khuôn khổ một nền tự trị riêng biệt. Đáng tiếc, quá trình này được thực hiện một cách thiếu chuyên nghiệp. Các ranh giới thường được vẽ ra bất chấp các yếu tố sắc tộc. Do đó, mộtvùng đất nguyên thủy của Nga đã trở thành một phần của Kazakhstan.
Một mặt, chính phủ Liên Xô đã ưu ái tạo điều kiện cho các dân tộc Trung Á: họ có được ý thức dân tộc, nhận được quyền tự trị quốc gia, và điều này đã thúc đẩy sự phát triển của họ. Nhưng mặt khác, cách tiếp cận khiên cưỡng để thiết lập bản đồ của các nước cộng hòa và đôi khi bỏ qua ranh giới dân tộc thực sự đã dẫn đến những xung đột lớn hơn trong tương lai.
Trong những năm đầu sau Cách mạng, giới lãnh đạo Liên Xô có ý tưởng hợp nhất tất cả các vùng đất ở Donbass về thành một khu vực để dễ quản lý hơn về mặt kinh tế. Do đó, từ các vùng Kharkov, Yekaterinoslav, Rostov, Lugansk và Donetsk vào năm 1919, tỉnh Donetskaya được hình thành (với thủ phủ là thành phố Lugansk), trở thành một phần của Cộng hòa Ukraina. Phần lãnh thổ khá lớn của Cộng hòa Liên bang Nga đã được đưa vào khu vực này. Và, theo ý kiến ​​phổ biến, điều này được thực hiện để cân bằng giữa nền kinh tế nông nghiệp của Ukraina với ngành công nghiệp nặng của Nga. Tuyệt đại đa số cư dân của tỉnh Donetskaya là người Nga, nhưng giới lãnh đạo đảng và chính quyền phần đông lại là người Ukraina. Một cuộc xung đột đã diễn ra. Nhưng Moskva đã tìm ra giải pháp: vào năm 1924, các huyện phía đông gây tranh cãi nhất của tỉnh được chuyển trở về Nga, Taganrog và Shakhty và một phần khá lớn của vùng Rostov hiện đại được trả lại cho Nga. Nhưng tất cả những khu vực này chỉ chiếm không quá 1/3 tổng số lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của Nga trước khi tỉnh Donetsk được thành lập.
Chính quyền Xô viết non trẻ đã mắc nhiều sai lầm trong việc thiết lập ranh giới các nước cộng hòa, và điều này sau đó đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Ai biết được thế giới ngày nay sẽ như thế nào nếu Tajikistan vẫn là quyền tự trị bên trong Uzbekistan, và Taganrog ở lại với Ukraina? Tuy nhiên, cũng không nên đổ lỗi mọi thứ cho nền chính trị của những năm 1920-1930, vì lúc đó, những người Bolshevik đã tin chắc 100% rằng quyền lực của họ đã được thiết lập mãi mãi, và họ đã tạo ra một quốc gia Xô viết đa dân tộc duy nhất. Quả thực, trong thời gian họ nắm quyền, các chủ trương của họ đã phát huy tác dụng – ở Liên Xô, tất cả các dân tộc đều thực sự sống khá thân thiện cùng nhau. Chỉ đến tận ngày nay, sau khi Liên Xô tan rã, thì mới nổ ra những xung đột vũ trang quy mô lớn ngang tầm chiến tranh giữa các quốc gia như cuộc chiến 5 ngày giữa Nga – Gruzia (năm 2008) và hiện nay là Nga với Ukraina đang choảng nhau sứt đầu mẻ trán…

Tác giả: PHẠM BÁ THỦY (Theo Russian7).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s