Vận mệnh đứt đoạn: Lịch Sử Thế Giới Qua Mắt Người Hồi Giáo- Bài 5

CHƯƠNG 5 : ĐẾ CHẾ UMAYYAD 40-120 SH [661-737 CN]

Đế Chế Umayyad

Tamim Ansary

 Trần Quang Nghĩa dịch

Tất nhiên,  Mu’awiya không tự thể hiện mình là người người đã kết thúc kỷ nguyên tôn giáo. Ông tự phong là kha-lip và tuyên bố mình tiếp tục sứ mạng vĩ đại như các nhà tiền nhiệm. Vào cuối đời,  tuy nhiên, ông họp một hội đồng các thủ lĩnh bộ tộc Ả Rập để bàn thảo về việc tìm người kế vị mình, một buổi họp bề ngoài có vẻ như một saura, một ủy ban tư vấn như ủy ban mà Omar đã thành lập. Các thủ lĩnh tưởng rằng các ý kiến của mình sẽ được trân trọng nên bắt đầu thảo luận về các mặt mạnh của ứng viên này ứng viên nọ. Thình lình một tên tay sai của vị kha-lip  đứng bật dậy và trừng mắt nhìn khắp hội đồng. “Ngay lúc này,” y  cau có, “đây là Tư lệnh của tín đồ.” Y chỉ tay về phía Mu’awiya. “Sau khi ngài mất, thì đến người này.” Y chỉ tay về hướng Yazid, con trai cả của hoàng đế. “Và nếu có ai trong các người chống đối, thì là cái này!” Y rút gươm ra.

Các thủ lĩnh hiểu ý. Họ tiếp tục duyệt qua các hình thức dân chủ kiểu Hồi thích đáng và tranh cãi ồn ào và vung vẫy tay một cách thích hợp, nhưng cuối cùng họ riu ríu chọn Yazid làm vị kha-lip tiếp theo của mình, và khi họ trở về nhà đêm đó, tất cả đều biết rằng nguyên tác kế thừa sẽ không bao giờ được đem ra bàn cãi lần nữa 

Khi Yazid kế vị ngôi vua, tuy nhiên,  ông biết cha mình đã không loại bỏ mà chỉ đàn áp các phần tử nổi loạn. Vì vậy Yazid  cho vào sổ đen tất cả ai có khả năng thách thức quyền lực của mình, đặc biệt các thân thích và hậu duệ của Ali.

Lúc này Hassan đã qua đời, nhưng em trai ông Hussein vẫn còn sống, và để an toàn, hoàng đế quyết định cho người ám sát ông vào dịp hành hương tiếp theo của ông đến Mecca. 

Hussein giờ đã ngoài 40. Ông biết đồng bọn của cha mình luôn coi ông là vị kha-lip thực thụ; ông biết những tín đồ nhiệt huyết mong đợi ông làm sống lại cuộc cách mạng tâm linh; nhưng không người nào có thể gánh vác một công việc quan trọng nặng nề đến thế  Hussein đã chọn ra khỏi chính trị và sống một cuộc đời trầm lặng chỉ biết cầu nguyện và đắm mình trong suy tư suốt các năm tháng qua, cố quán niệm về sứ mạng của ông ngoại mình. 

Khi nghe tin vụ âm mưu sát hại mình, và bọn sát nhân của Yazid lên kế hoạch hạ thủ ngay trong Ka’ba, Hussein không thể cầm lòng được nữa. Nhưng ông không có binh lính và không có kinh nghiệm quân sự. Yazid có cả một mạng lưới gián điệp, một ngân khố và một quân đội. Dù vậy,  vào năm 60 SH (680 CN), Hussein thông báo mình sẽ đi thách thức Yazid và rời Medina với một lực lượng 72 người. 

Đúng ra, gọi đó là một “lực lượng” thì quá đáng: 72 người luôn cả vợ con Hussein và một số họ hàng già cả run lẫy bẫy. Chỉ có một nhúm người nam ở độ tuổi có thể đánh đấm được. Hussein đang nghĩ gì vậy? Có thực ông nghĩ mình có thể đánh ngã vương triều Umayyad với  băng nhóm tí tẹo này? Có phải ông nghĩ rằng chỉ cần mình lên đường là sẽ đốt lên một cơn bão lửa nổi dậy và khích động các bộ tộc tiến theo lực lượng mình?

Chắc là không. Trong bài thuyết giáo cuối cùng trước khi lên đường  Hussein bảo với những người theo mình rằng ông chắc chắn sẽ bị giết chết nhưng ông không sợ, vì cái chết “bao quanh con cháu của Adam như vòng chuỗi bao quanh cổ thiếu nữ.” Ông lưu ý một vần thơ trong Qur’an kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại các tên cai trị bất công như Yazid. Nếu con trai của Ali và Fatima,  cháu ngoại của Nhà Tiên Tri,  không đứng lên chống độc tài, thì ai sẽ đứng đây? Như được thể hiện trong các ghi chép truyền thống, vì vậy Hussein quyết tâm lấy mạng mình làm tấm gương: ngay từ đầu, ông thấy mình tiến hành cuộc hành hương với ý nghĩa mang tính nghi thức. Theo một nghĩa, ông đang tìm cái chết trong sự cao quý.

Lộ Trình Đến Karbala của Imam Hussein

Khi Yazid nghe tin cháu ngoại của Nhà Tiên Tri đang trên đường đi, y phái một đạo quân đến hạ thủ ông. Hussein không đặt ra mối đe dọa nào đối với đế chế, nhưng Yazid muốn nghiền nát ông với một lực lượng áp đảo nhằm cảnh cáo bọn người cực đoan khác có thể bị xúi giục muốn chơi lá bài Allah-chọn-ta. Đoàn quân y gửi đi có quân số áp đảo nhóm người nhỏ nhoi của Hussein đến nỗi không cần phải đánh. Các truyền thuyết cho quân số đâu đó giữa 400 và 40,000.

Dù kích cỡ thế nào,  đoàn quân đế chế bắt kịp Hussein ngay trên sa mạc phía nam Karbala, một thành phố gần biên giới phía nam Iraq. Nếu bạn nhìn vào dự báo thời tiết tại vùng này vào bất kỳ ngày hè nào, bạn sẽ thấy nhiệt độ lên đến 46 độ. Vào một ngày nóng bức như thế, đoàn quân của hoàng đế chặn được nhóm của Hussein không cho đến được bờ sông Euphrates  tại một khoảng  cách có thể ngửi được mùi nước ngọt. Tuy nhiên,  Hussein làm điều mà vua cha không làm được. Ông từ chối thương lượng, hòa giải, hoặc  trả giá. Thượng Đế đã chọn ông lãnh đạo cộng đồng đức hạnh, ông nói, và ông sẽ không chối bỏ sự thật đó.

Từng người một, các chiến binh của Hussein xông tới kẻ địch.  Từng người một ngã xuống. Trong khi đó,  đàn bà, trẻ em, và người già đều chết hết vì khát. Khi người cuối cùng của nhóm đã hy sinh, tên tướng đắc thắng lướt tới, cắt đầu Hussein,  và mang trình cho hoàng đế với một báo cáo hả hê.

Thủ cấp đến nơi đúng lúc Yazid đang chiêu đãi một  phái bộ Byzantine,  khiến buổi tiệc mất vui. Phái viên Byzantine nói, “Người Hồi các ông cư xử như thế này sao? Người Cơ đốc chúng tôi không bao giờ đổi xử với con cháu Jesus theo cách đó.” Lời chỉ trích khiến Yazid nổi giận, và y tống tên “La Mã” vào ngục thất. Tuy nhiên,  sau đó thấy giữ lại thủ cấp có thể gây bất mãn trong dân chúng, nên y gửi đầu Hussein trở lại Karbala để được chôn cất chung với phần thân.

Chắc chắn  Yazid tin rằng mình đã giải quyết được vấn đề: ắt hắn hậu duệ của Ali sẽ không đám gây rối lần nữa.  Tuy nhiên,  y đã hoàn toàn sai. Bằng cách đè bẹp Hussein ở Karbala, tên hoàng để này đã đốt lên tia lửa.  Phong trào nồng nhiệt ôm lấy chính nghĩa của Hussein giờ đã thành đám cháy trên đồng cỏ khô gọi là giáo phải Shi’ism. Giáo phái Shi’ism là gì? Người ta thường nghe nói về nó như thể đây là một vụ tranh chấp quyền kế vị vương triều,  như các trận chiến giữa Maud và Stephen vào thế kỷ 12 ở nước Anh. Nếu đúng như thế, phong trào ắt sẽ tàn lụi sau khi Ali mất. Ngày nay có ai tự xưng mình là người theo Maud hoặc Stephen không? Ngày nay có người nào thậm chí quan tâm ai trong hai người này có quyền hợp pháp hơn để lên ngôi vua nước Anh không? Ngược lại, Ali vẫn chiêu mộ được những người gia nhập mới sau khi ông mất. Hàng ngũ những Shi’i (người theo giáo phái Schi’ism) của Ali vẫn tiếp tục phồng to. Những người thậm chí chưa ra đời khi Ali mất lớn lên vẫn đi theo chính nghĩa của ông và tạo nên bản sắc của mình quanh niềm xác tín rằng ông ấy đáng ra phải là vị kha-lip đầu tiên. Vì đâu nên nỗi này?

Tất nhiên,  câu trả lời là việc tranh giành địa vị kha-lip không chỉ là cuộc đấu tranh giành vương triều.  Các vấn đề tôn giáo cốt lõi gắn chặt trong đó, vì sự lựa chọn liên quan không chỉ về ai mà còn về nhân thân của nhà lãnh đạo. Đồng chí của Ali nhìn thấy ở ông một điều gì đó họ không thấy ở những người tranh chấp chức kha-lip khác: một phẩm chất tinh thần được Thượng Đế ban tặng khiến ông hơn hẳn một người phàm trần bình thường, một phẩm chất họ tìm thấy ở Mohammed.  Không ai nói Ali là một Sứ Giả khác của Thượng Đế. Không ai dám đưa ra tuyên bố như thế  (ít ra, tại thời điểm đó), vì thế họ trao cho Ali một danh hiệu khác. Họ gọi ông là bậc imam.

Về xuất xứ, imam chỉ là người dẫn dầu buổi cầu nguyện cộng đồng. Đối với phần đông người Hồi, ngày nay cái từ đó cũng có nghĩa như thế. Đó là một danh hiệu được quý trọng, đúng là như vậy,  nhưng không quá đỗi phi thường đến mức tôn kính.

Tóm lại, mỗi lần một nhóm người Hồi tụ tập để cầu nguyện chung,  một người trong số đứng ra dẫn đầu buổi cầu nguyện; ông ta không làm gì khác hơn người khác; ông chỉ đứng một mình trước nhóm để giữ cho nhóm được hành lễ nhịp nhàng theo nghi thức. Mỗi thánh đường có một imam, và khi ông không dẫn dắt buổi cầu kinh, ông ta có thể quét sàn hoặc sửa mái lợp thánh đường.

Nhưng khi người Shi’i nói đến “imam”, ý họ chỉ một điều gì đó cao tột hơn nhiều. Đối với người Shi’i trên thế giới luôn tồn tại một đấng imam, và không bao giờ hơn một. Họ lập luận từ tiền đề rằng Mohammed  sở hữu một chất liệu thần bí hiển hiện mà Allah ban cho ông, một loại năng lực nào đó, một thứ ánh sáng nào đó, mà họ gọi là baraka của Mohammed.  Khi Nhà Tiên Tri qua đời, ánh sáng đó truyền lại vào người Ali, ngay lúc đó Ali trở thành vị imam thứ nhất. Khi Ali mất, cũng nguồn sáng đó truyền vào người con trai Hassan của ông,  và Hassan trở thành vị imam thứ hai. Sau đó,  ngọn lửa truyền vào em trai Hussein của Hassan,  và trở thành vị imam thứ ba. Khi Hussein tử vì đạo ở Karbala, toàn bộ ý niệm về imam đâm hoa kết trái thành một quan niệm thần học phong phú  nhằm giải quyết khát vọng tôn giáo còn chưa được các học thuyết dòng chính của thời kỳ đó nuôi dưỡng.

Học thuyết dòng chính, được làm rõ bởi Abu Bakr và Omar, cho rằng  Mohammed chính là một sứ giả rao giảng kim chỉ nam về cách sống. Thông điệp là điều vĩ đại và độc nhất. Ngoài việc thuyết giảng Qur’an, ý nghĩa tôn giáo của Mohammed chỉ là sunna của ông, tấm gương ông đưa ra bằng cách sống của mình, một tấm gương người khác có thể noi theo nếu họ muốn sống trong ân điển của Thượng Đế. Người nào nhìn nhận học thuyết này được biết dưới tên Sunni, và họ chiếm 9 phần 10 cộng đồng Hồi giáo ngày nay.

Người Shi’i, trái lại, cảm thấy rằng mình không xứng với thiên đường chỉ bằng các nỗ lực của mình. Đối với họ, việc  tu tập thì không đủ. Họ muốn tin rằng sự khải đạo trực tiếp từ Thượng Đế vẫn còn xảy ra trên thế giới, qua một người được chọn nào đó sẽ tắm gội các tín đồ trong nguồn ân sủng cứu rỗi linh hồn, một con người bằng xương bằng thịt nào đó có thể giữ thế giới được ấm áp và tinh khiết. Họ công nhận thuật ngữ imam cho nhân vật trấn an này. Sự tồn tại của ông ta trên thế giới bảo đảm phép lạ có thể tiếp tục xảy ra.

Khi  Hussein  đi đến Karbala,  ông không có cơ may thắng lợi. Hy vọng duy nhất của ông là một phép lạ của Allah – vì khi đó ông chính là hiện thân của  nguyên lý Thượng Đế có thể tiếp tục làm phép lạ. Ông và anh em mình chọn cái chết như là sự phủ nhận mang tính biểu tượng việc bác bỏ điều khả dĩ này, và, phân tích đến mức cuối cùng, thì đối với người Shi’i,  một phép lạ đã thực sự xảy ra tại Karbala, phép lạ của việc Hussein tử vì đạo.

Tận ngày nay, người Shi’i trên khắp thế giới còn kỷ niệm ngày mất của Hussein bằng một ngày than khóc đầy xúc động. Họ tụ tập trong “các ngôi nhà tang lễ” để kể lại câu chuyện tử vì đạo, một câu chuyện tôn giáo phân cho Hussein vai trò người cứu chuộc trên quy mô khải huyền. Với việc tử vì đạo của mình,  Hussein đã có được một chỗ đứng bên cạnh Allah và đạt được đặc quyền xin tội cho kẻ phạm tội. Những ai đi theo ông và tin tưởng ông sẽ được cứu rỗi và đi đến thiên đường, dù lý lịch của y có tệ hại đến đâu.  Hussein mở cho người Shi’i cánh cửa hậu đến phép lạ mà họ từng mong mỏi bấy lâu. Tin vào Hussein có thể không cho bạn vàng bạc hoặc chức cao hoặc may mắn, nhưng nó có thể đưa bạn vào thiên đường: đó là phép màu.

Và bây giờ đến diễn tiến lịch sử sau khi Mu’awiya lên nắm quyền lực. Dòng họ Umayyad lên ngôi có thể đã chấm đứt việc ra đời của đạo Hồi như một sự kiện tôn giáo, nhưng nó phát động tiến trình đưa đạo Hồi thành một nền văn minh và một đế chế chính trị. Trong các niên giám của lịch sử Tây phương quy ước, Umayyad đánh đấu sự khởi đầu của vĩ đại Hồi giáo. Họ đặt đạo Hồi lên bản đồ bằng cách khởi động một thời đại vàng son kéo dài rất lâu sau khi chính họ đã sụp đổ. 

Dù khiếm khuyết để là một vị thánh, Mu’awiya sở hữu kỹ năng chính trị phi thường. Ngay chính phẩm chất giúp ông đánh bại Ali tội nghiệp biến ông thành một quân vương thành công,  và thời trị vì của ông chế định những thông lệ và thủ tục sẽ thống nhất đế chế qua hàng thế kỷ.

Điều này nghe rất mỉa mai bởi vì, chúng ta đừng quên, khi sự nghiệp tiên tri của Mohammed bắt đầu, dòng họ Umayyad là một bộ tộc cầm đầu trong giới ưu tú của Mecca. Khi Mohammed như một sứ giả lên án kẻ giàu có xấu ác phớt lờ kẻ nghèo khổ và lạm dụng góa phụ và trẻ mồ côi, thì người Umayyad lại thuộc tầng lớp mà ngài đang đề cập. Khi Mohammed còn sống ở Mecca, người Umayyad thi nhau quấy rối những đệ tử của ngài. Họ tiếp tay vạch ra âm mưu ám sát Mohammed trước sự kiện Hijra và cầm đầu một số lực lượng tìm cách dập tắt Umma ngay từ trong nôi sau khi người Hồi di dân đến Medina. 

Nhưng một khi người Hồi bắt đầu trở thành một sức mạnh hủy diệt, thì người Umayyad quay ra cải đạo, gia nhập Umma, và trèo lên chóp xã hội mới; và ở đây một lần nữa, họ trở lại giới ưu tú mới. Trước đạo Hồi, họ chỉ thuộc giới ưu tú của một thành phố. Giờ đây, họ là bậc ưu tú chóp bu của một đế chế toàn cầu. Tôi chắc rằng nhiều người trong số họ đang gãi đầu, cố nhớ lại trước kia mình không thích tín ngưỡng mới này ở điều gì.

Là những nhà cai trị, người Umayyad  sở hữu một số công cụ chính trị quyền lực  thừa hưởng từ các người tiền nhiệm, đặc biệt Omar và Othman. Omar đã ban cho họ một đặc ân lớn lao khi thánh hóa trận chiến công kích thành jihad miễn là chúng được tiến hành nhằm chống lại bọn phản giáo vì chính nghĩa Hồi giáo. Định nghĩa jihad này khiến các nhà cai trị mới có thể duy trì tình trạng chiến tranh thường trực trên biên giới của họ, một chính sách có các lợi ích nổi bật.

Trước hết, chiến tranh thường trực rút bạo lực ra bờ biên của đế chế và giúp bên trong được yên bình, củng cố học thuyết về một thế giới bị phân chia giữa cảnh giới hòa bình (đạo Hồi) và cảnh giới chiến tranh (mọi thứ khác), được phát triển trong những ngày các kha-lip đầu tiên. 

Chiến tranh thường trực trên biên giới giúp cụ thể hóa quan niệm về chiến tranh và hòa bình này, trước hết, bằng cách khiến cho chuyện kể dường như có thật – biên giới thường là một nơi sôi sục, trong khi bên trong thường là chốn yên bình và an toàn – và thứ hai, bằng cách giúp nó thành sự thật. Bằng cách đoàn kết các bộ tộc Ẳ Rập chống lại Bọn Khác bao quanh,  quan niệm về jihad này làm giảm thiểu tình trạng huynh đệ tương tàn vốn là đặc điểm nổi bật của cuộc sống bộ tộc Ả Rập trước khi có Hồi giáo và do đó thực sự đã giúp biến thế giới Hồi giáo thành một cảnh giới của  hòa bình (tương đối)!

Bạn có thể thấy động lực này rõ ràng hơn khi bạn xem xét ai chiến đấu trong các cuộc chiến bành trường thuở ban đầu. Thường không phải là trường hợp các hoàng đế phái các đạo quân chuyên nghiệp tác chiến theo kế hoạch đầu não nào đó. Các chiến dịch được các đạo quân bộ tộc tiến hành, họ ra trận ít nhiều theo ý họ muốn, như các tình nguyện viên chiến đấu vì lòng tin, đáp ứng nguyện vọng hơn là mệnh lệnh của vị kha-lip. Nếu họ không đánh đấm ở biên giới để mở rộng lãnh thổ dưới quyền cai trị của người Hồi,  thì có lẽ họ sẽ đánh đấm tại nhà để đoạt chiến lợi phẩm của người hàng xóm.

Chiến tranh thường trực cũng có tác dụng khẳng định lời tuyên bố của người Hồi là được Allah phê chuẩn, miễn là họ tiếp tục thắng lợi. Ngay từ đầu, thành tích chính trị và quân sự đáng kinh ngạc đã có chức năng khẳng định phép lạ, vốn là hạt nhân của đạo Hồi. Jesus có thể đã chữa lành người mù và làm người chết sống lại. Moses có thể đã biến một cây gậy thành con rắn và dẫn đầu đoàn xuất hành xẻ nước qua Biển Đỏ. Các phép lạ thấy được loại này chứng tỏ tính thần thánh hoặc sự trợ giúp thần thánh của các nhà tiên trị đó. Còn Mohammed, ông không hề gạ gẫm các đệ tử bằng cách phô trương quyền năng đi ngược với luật của tự nhiên. Kỳ tích siêu phàm độc nhất  của ông, quả vậy, là việc ông cưỡi một con bạch mã bay lên trời từ thành phố Jerusalem, nhưng đây không phải là một phép lạ được thực hiện cho đám đông xem. Nó chỉ xảy ra cho ông mà không ai nhìn thấy, và ông kể lại sau đó cho các bạn đồng hành của mình. Người ta có thể tin hay không tin, tùy họ; việc đó không tác động đến sứ mạng của ông, bởi vì ông không đưa ra việc ông thăng thiên như một chứng cứ rằng thông điệp của ông là thật.

Không, phép lạ của Mohammed  (ngoài Kinh Qur’an và sức tác động mà nó mang đến cho quá nhiều người nghe nó) là việc người Hồi thắng trận thậm chí khi quân sô của họ kém quân địch đến ba lần. Phép lạ này tiếp diễn dưới thời các kha-lip đầu tiên  khi lãnh thổ  Hồi giáo không ngừng bành trướng đến một tốc độ nghẹt thở, và điều gì có thể lý giải cho kỳ tích này trừ sự can thiệp của thần thánh?

Phép lạ tiếp tục dưới thời Umayyad. Các thắng lợi không đến nhanh cũng không đầy kịch tính như trước,  nhưng rồi, cơ hội cho các thắng lợi thực sự ấn tượng giảm dần theo thời gian đơn giản bởi vì người Hồi hiếm khi thấy mình bị áp đảo về quân số như thời kỳ đầu. Điểm mấu chốt là các thắng lợi tiếp tục đến và lãnh thổ tiếp tục mở rộng  – nó không hề thu nhỏ. Chừng nào mà điều này còn đúng, chiến tranh thường trực tiếp tục khẳng định chân lý của đạo Hồi, điều này nuôi dưỡng nhiệt tình  làm nên chiến thắng tiếp theo, giúp khẳng định chân lý … và cứ thế, quay vòng, quay vòng.

Chiến tranh thường trực cũng có lợi ích sờ sờ ra đó. Nó mang lại thu nhập. Như người Hồi thường nói, một số kẻ thống trị thách thức Allah đánh thuế thần dân cho đến khi két bạc của họ đầy ứ; rồi thì người Hồi xuất hiện,  quật ngã họ khỏi ngai vàng, giải phóng thần dân khỏi bị bóc lột, và bị tước đoạt của cải. Điều này khiến dân chúng được giải phóng sung sướng còn người Hồi thì giàu có: mọi người rốt cục khá lên trừ các ông hoàng bại trận.

Một phần năm chiến lợi phẩm gửi về kinh đô, và lúc ban đầu tất cả đều được phân phối cho cộng đồng Umma, người cần nhất nhận trước. Nhưng với mỗi vị kha-lip, số phần trăm xung vào công quỹ cứ tăng dần: Khi Umayyad  lên ngôi, họ bắt đầu rót gần như tất cả thu nhập vào công quỹ và sử dụng nó để trang trải chi phí nhà nước, bao gồm các dự án xây dựng xa hoa,  các công trình công cộng đầy tham vọng, và chi tiêu từ thiện rộng rải. Do đó thu nhập từ các cuộc chiến thường trực ở biên giới khiến chính quyền Umayyad có thể hoạt động như một lực lượng tích cực trong xã hội,  ban bố phúc lợi cho công dân mà không cần tăng thuế.

Rồi lại có các tiền lệ trao lại cho triều Umayyad từ Kha-lip Othman,  theo đó ông cho phép người Hồi tiêu tiền theo bất cứ kiểu nào họ muốn, miễn là họ phải tuân theo các giáo luật. Dựa vào các điều luật của Othman, chính quyền Umayyad cho phép người Hồi tậu đất đai trong lãnh thổ bị chinh phục với tiền vay mượn từ quốc khố. Tất nhiên người vay phải giỏi móc nối mới vay được khoản tiền ấy, thậm chí được vay nhiều hơn thời Othman,  và vì đạo Hồi cấm ngặt cho vay nặng lãi, nên các khoản vay này không tính lãi, nên là nguồn tài chính ngon lành nếu bạn xoay sở được.

Omar đã có lệnh rằng các binh lính Ả Rập di chuyển vào các lãnh địa mới phải đồn trú trong các doanh trại cách xa khu dân cư, một phần để tránh xâm phạm quyền lợi và tính nhạy cảm của dân địa phương, một phần để ngăn người Hồi khỏi bị tiêm nhiễm các lạc thú ngoại giáo, một phần để giữ cho thiểu số người Hồi khỏi bị hấp thu vào nhóm người bản địa chiếm đa số. Trong thời Umayyad, các doanh trại đồn trú này tiến hóa thành các thành phố thành lũy Ả Rập  nơi dung thân của bọn quý tộc mới nổi, sở hữu và hưởng lợi từ những điền trang mênh mông trong vùng quê bao quanh.

Tuy vậy xã hội Hồi giáo không giống với châu Âu  phong kiến, nơi các trại ấp là các đơn vị kinh tế tự cung tự cấp, sản xuất hàng tiêu dùng tại chỗ. Đế chế Umayyad nhộn nhịp hoạt động thủ công, và được liên kết với nhau bởi một mạng lưới mậu dịch phức tạp. Sản phẩm vắt ra từ các điền trang rộng lớn không chỉ ở tại chỗ mà nhập vào khối hàng hóa mậu dịch chảy đến các miền đất xa xôi và mang trở lại các hàng hóa mậu dịch khác. Các thành phố đồn trú biến thành các nhà kho thương mại bận rộn. Thế giới Hồi giáo lấm tấm những thành phố năng động. Nó là thế giới đô thị.

Chính Mu’awiya, luôn bị tín đồ thuần thành sỉ vả là quá tệ so với các nhân vật tâm linh khổng lồ như Các Kha-lip Được Khải Đạo Đúng Đắn, chứng tỏ mình là một nhà quản lý kinh tế và chính trị gia xuất sắc. Nhẫn tâm nhưng duyên dáng, ông tranh thủ được sự hợp tác của các thủ lĩnh Ả Rập ương ngạnh, phần nhiều bằng sự thuyết phục, sử dụng sức mạnh quân sự và cảnh sát để dẹp tắt các cuộc nổi dậy và áp đặt luật lệ và trật tự, đem lại lợi ích cho ông cũng như dọn đường phẳng phiu cho cuộc sống văn minh.

Hãy xem xét chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong cảnh báo này gửi đến dân chúng Basra, được em nuôi của Mu’awiya là Ziyad, thống đốc Basra, ban ra: “Các ngươi ưu ái thân nhân và đặt tín ngưỡng xuống hạng thứ hai; các ngươi bào chữa và che giấu tội phạm và phá bỏ các mệnh lệnh mà đạo Hồi đã phê chuẩn nhằm bảo vệ các ngươi. Coi chừng đừng lẻn ra ngoài vào đêm tối. Ta sẽ giết bất cứ kẻ nào tìm thấy trên đường phố khi đêm xuống.  Coi chừng đừng kêu cứu người thân; ta sẽ cắt lưỡi bất kỳ ai đưa ra lời kêu cứu đó. .. Ta cai trị với sự toàn năng của Thượng Đế và ta nuôi dưỡng các ngươi bằng của cải của Thượng Đế. Ta yêu cầu các người tuân phục và các người có thể yêu cầu ta chính trực… Ta sẽ không bao giờ sơ suất trong ba việc: lúc nào ta cũng có mật ở đó để mọi người thưa chuyện với ta.  Ta sẽ luôn trả lương các người đúng kỳ hạn và ta sẽ không đưa các ngươi ra chiến trường  trong một thời gian quá dài hoặc ở quá xa. Đừng để thù hận và sân hận lôi kéo các ngươi chống lại ta, nó chỉ khiến các ngươi mang thêm tai vạ. Ta đã thấy nhiều cái đầu lăn lông lốc. Các ngươi hãy trông chừng xem đầu mình có còn đứng trên vai mình hay không!”

Dù là những gã thô bạo phàm tục, người Umayyad cũng nuôi dưỡng các định chế tôn giáo của đạo Hồi.  Họ hậu thuẫn các học giả và nhà tư tưởng tôn giáo, xây dựng thánh đường, và áp đặt các luật lệ cho phép lối sống Hồi giáo nảy nở.

Dưới thời Umayyad, không chỉ tính năng động thương mại được đạo Hồi gây cảm hứng đã thấm nhuần thế giới Hồi giáo  mà các lý tưởng xã hội còn được đạo Hồi cổ xúy. Các lãnh chúa nhà giàu mới tài trợ hậu hĩnh cho các cơ sở từ thiện tôn giáo  gọi là waqf. Sức ép xã hội thúc đấy họ đến với hoạt động đó, nhưng các động cơ tôn giáo cũng góp phần: mọi người đều muốn được xã hội mình quý trọng, và người giàu có có thể đạt được điều đó bằng cách tài trợ một waqf.

Về lý thuyết, waqf không thể bị người thành lập nó đóng cửa. Một khi ra đời, nó tự sở hữu chính mình và có một vị thế tối cao. Hãy nghĩ nó như một phiên bản Hồi giáo của công ty phi lợi nhuận lập ra vì mục đích từ thiện. Theo luật Hồi giáo, các waqf không thể bị đánh thuế. Chúng nhận được tiền đóng góp và phân phát lại cho người nghèo, xây dựng và điều hành thánh đường, hoạt động trường học, bệnh viện,  và trại mồ côi, và thường tạo cho các tầng lớp trên mới nổi cơ hội thể hiện tính từ thiện và sùng đạo của mình cũng như cảm thấy tự mãn trong khi vẫn lăn lộn kiếm tiền.

Tất nhiên, ai đó phải quản trị cơ sở waqf. Ai đó phải điều hành hoạt động của nó, đặt ra chính sách,  và quản lý tài chính, và không thể là bất cứ người nào. Để có được uy tín tôn giáo, waqf phải có dàn nhân sự gồm  những người có tiếng sùng đạo và uyên thâm giáo lý. Nhân sự càng có tiếng mộ đạo, waqf càng có nhiều uy tín và người thành lập và mạnh  thường quân của nó càng được tôn trọng.

Vì các waqf rốt cục sẽ kiểm soát bất động sản, cơ sở, và các quỹ hiến tặng, nên sự quản lý chúng cung ứng một đại lộ của tính cơ động xã hội trong xã hội Hồi giáo  (cho dù nhiều waqf biến thành một công cụ qua đó các gia đình giàu có bảo vệ tài sản của mình khỏi bị đánh thuế). Nếu bạn được tiếng là uyên bác về giáo lý, bạn có thể hy vọng tìm được một vị trí trong một waqf, điều này cho bạn một vị thứ nếu không muốn nói là của cải, và bạn không cần phải xuất thân từ một gia đình giàu có mới trở thành một học giả tôn giáo tiếng tăm.  Bạn chỉ cần phải có trí não và một ý chí thực hành đạo pháp và học tập kiên trì.

Ngược lại, bạn ắt phải biết tiếng Ả Rập,  vì đó là ngôn ngữ thiêng liêng: đối với người Hồi,  Kinh Qur’an,  bằng tiếng Ả Rập, viết hay nói, là sự hiện diện của Thượng Đế trên trần gian; các bản dịch Kinh Qur’an không phải Kinh Qur’an. Ngoài ra, mọi sách học thuật liên quan đều viết bằng tiếng Ả Rập.  Và bạn ắt phải, tất nhiên,  là người theo đạo Hồi. Còn gì nữa, người Umayyad chẳng bao lâu tuyên bố tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức của chính quyền, thay thế tiếng Ba Tư ở phía đông và tiếng Hy Lạp ở phía tây và các phương ngữ tại mọi nơi khác. Vì thế thời kỳ Umayyad  chứng kiến sự Ả Rập hóa và Hồi giáo hoá trong thế giới Hồi giáo. 

Khi tôi nói Hồi giáo hóa, ý tôi là ngày càng có nhiều  người sống tại các lãnh thổ do các kha-lip cai trị bỏ tín ngưỡng trước đây của mình- Hỏa giáo, Cơ đốc giáo, ngoại giáo, hoặc giáo phái nào đó – và cải sang đạo Hồi.  Một số cải đạo để khỏi phải đóng thuế đánh vào người ngoại đạo, nhưng điều này không phải là toàn bộ câu chuyện, vì người cải đạo có khả năng bị đánh thuế từ thiện vốn là phận sự bắt buộc của  người Hồi nhưng không là phận sự của người ngoại đạo.

Một số có thể đã cải đạo nhằm theo đuổi các cơ hội thăng tiến sự nghiệp, nhưng điều này cũng có thể cường điệu,  bởi vì việc cải đạo chỉ thực sự mở ra cơ hội cho sự nghiệp có liên quan đến tôn giáo.  Người không cải đạo vẫn có thể sở hữu đất đại, mở cửa hàng,  buôn bán, và theo đuổi các cơ hội kinh doanh. Họ cũng có thể làm việc cho chính quyền nếu họ có năng lực cống hiến. Giới ưu tú Hồi giáo không ngại chọn người tùy theo khả năng của đương sự. Nếu bạn rành nghề thuốc,  bạn có thể làm y sĩ; nếu bạn giỏi xây dựng,  bạn có thể trở thành một kiến trúc sư. Trong đế chế Hồi giáo,  bạn có thể giàu có và nổi tiếng cho dù bạn theo đạo Cơ đốc  hoặc  Do Thái, là các đạo giáo có tổ phụ là Abraham, và thậm chí đạo thờ lửa, cho dù đạo này xa lạ với đạo Hồi hơn.

Nhưng theo tôi, hầu hết người sống trong thế giới mà người Hồi giáo đến cai trị, cải sang đạo Hồi vì đạo Hồi  có vẻ là Chân Lý. Chắc chắn,  không có lực lượng hoặc phong trào nào khác trong Trung Thế Giới vào thời điểm đó có sự tự tin chắc nịt và vầng hào quang thành tựu không lay chuyển. Ai không muốn gia nhập Umma nếu được cơ chứ?

Và họ gia nhập được. Thật dễ dàng! Tất cả điều người muốn vào đạo phải làm là nói “La illaha il-Allah wa Muhammad ur-Rasulillah”: “Không tồn tại thần linh nào trừ Allah và Mohammed là sứ giả của ngài.” Đó là tất cả điều cần thiết để nhận được thẻ thành viên vào câu lạc bộ huy hoàng này. 

Nhưng tín điều cốt lõi thì nặng nề hơn không như mới thoạt nhìn bề ngoài.

“Không có thần linh nào trừ Allah” – chỉ cụm từ này thôi cũng đã sinh ra hàng ngàn quyển sách luận bàn, và chưa ai hiểu được đến tận cùng ý nghĩa. 

Và bên trên của điều đó: “Mohammed là sứ giả của ngài!” Hãy đăng ký vào giáo điều đó, và bạn đã chấp nhận mọi điều mà Mohammed đã đề ra với tư cách Sứ giả. Bạn đã cam kết thực hành 5 lần cầu nguyện mỗi ngày; tránh ăn thịt lợn; thi hành tháng chay Ramadan; không say xỉn; và nhiều nhiều nữa.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s