Lịch Sử Nghệ Thuật- Phần 11

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

Chương 18

Thấy Gì Hiểu Nấy: Trường Phái Hiện Thực

 

Trong Chương Này

  • Đối mặt với cuộc đời không đeo cặp kính màu hồng
  • Nắm bắt bản chất cách mạng của hiện thực
  • Tìm sự uy nghi trong cái bình thường
  • Giải thích tính biểu tượng Tiền-Raphael

“Cứ giữ sự chân thật” là một diễn đạt hiện đại, nhưng không phải là một ý tưởng hiện đại. Người ta đã cảm thấy nhu cầu thổi xẹp sự cường điệu và lược bỏ những thiên kiến kể từ khi, vâng, chắc chắn kể từ khi trong thời ăn lông ở lỗ một gã ba hoa nào đó trở về sau một chuyến đi săn và “nổ” là một tay mình đã hạ được 50 con bò rừng.

Vào giữa thế kỷ 19, các nghệ sĩ ở Pháp bắt đầu cảm thấy rằng chủ nghĩa Lãng mạn và Tân cổ điển đã kéo dài sự chân thật hoặc không coi trọng nó. Họ cho rằng hoạ sĩ  Lãng mạn bóp méo hiện thực, soi rọi tình cảm thần thánh của họ lên phong cảnh và nhân vật, hoặc họ đã vẽ những nơi chốn xa lạ thay vì vẽ vườn sau của mình (chẳng hạn, Cái Chết của Sardanapalus của Delacroix lấy khung cảnh ở Babylon cổ).

Lãnh tụ của phong trào Hiện thực, Gustave Courbet,nói, “TÔi không thể vẽ một thiên thần vì tôi chưa hề gặp thiên thần nào.” Những hoạ sĩ Hiện thực cắm sào trên mặt đất, nắm bắt cuộc sống thường nhật lên giấy vẽ: những thợ đập đá, nông dân cày ruộng, một người thợ làm bánh nằm nghỉ trên bao bột mì.

Phái hiện thực cũng chống lại Tân cổ điển và những hình thức hoặc chủ thể được lý tưởng hóa. Họ sẽ không mặc cho những chiếc áo choàng La mã cho người nông dân hoặc làm tình cảm ủy mị, vì sợ sẽ bóp méo sự hài hòa của hình dạng con người! Họ vẽ các cơ bắp cuồn cuộn và những bộ mặt cùng khổ, dạn dày __ cũng như những gương mặt xinh xắn. Nói cách khác, họ cứ giữ sự chân thật.

Mặt khác, như trường phái Lãng mạn, nhiều nhà Hiện thực Pháp khao khát muốn cải tạo xã hội, muốn làm cuộc sống những người thấp cổ bé miệng tốt đẹp hơn, nhất là các nông dân và thợ thuyền. Vào năm 1848, một cuộc cách mạng bùng nổ ở Paris, lật đỗ ông vua cuối cùng của Pháp, Louis-Philippe, người được mệnh danh là “Vua Công dân.” Đây là cuộc quật khởi của tầng lớp lao động. Họ thắng lợi trong cuộc đấu tranh, giành được quyền đi đầu phiếu, và bầu ra được một tổng thống, nhưng điều kiện làm việc vẫn không thay đổi.

Ở Pháp, cách mạng 1848 chào đón các hoạ sĩ Hiện thực như Gustave Courbet, Honore Daumier, Jean-Baptiste-Camille Corot, và Jean Francois Millet. Họ tiếp tục cuộc chiến bằng cọ vẽ, dân chủ hóa nghệ thuật bằng cách vẽ những kẻ nghè khó và vẽ chung những tầng lớp xã hội trên khung vải vẽ. Đó là một hành động khiêu khích nếu xét sự kiện năm 1832, Daumier bị tống giam sáu tháng vì tội châm biếm nhà vua. Bức biếm họa khổng lồ vẽ Vua Louis-Philippe thè lưỡi ra. Lưỡi là một tấm ván dài 40 bộ (gần 13 mét). Những công nhân ốm đói đẩy những chiếc xe rùa đầy ắp hàng đi lên tấm ván, cho thấy nhà vua nuốt hết những hàng hóa mà giai cấp lao động tạo ra trong khi họ bị bỏ đói.

Trong chương này, tôi khám phá những tác phẩm của các danh họa Hiện thực, bao gồm trường phái Barbizon và Sông Hudson, cũng như trường phái Tiền-Raphael Anh, và xem những điều kiện xã hội phổ biến đã ảnh hưởng tác phẩm của họ như thế nào.

Cách Mạng 1848

Năm 1848 là một năm của cách mạng. Chúng bùng nổ khắp nơi trên khắp châu Âu ở Paris, Berlin, Budapest,Vienna,Milan,Venice, và Prague. Nhiều cuộc cách mạng chỉ xảy ra cách nhau vài ngày.

Ai đã đốt lên ngọn lửa của các cuộc nổi dậy này? Âu châu đã chịu đựng sự suy thoái kinh tế và mùa màng thất bát trong thập niên 1840. Thu hoạch kém cỏi đẩy giá lương thực tăng vọt, và dân chúng lâm vào cảnh đói kém. Những điều kiện làm việc khủng khiếp tràn lan khắp các nhà xưởng, và Chủ nghĩa Xã hội đưa ra một giải pháp xem ra đầy hi vọng với khẩu hiệu “Các công nhân hãy đoàn kết lại.” Sự kết hợp các lực lượng này đã đốt lên những bùng phát đầu tiên và những bùng phát tiếp theo nổ ra như phản ứng dây chuyền.

Hầu hết các cuộc cách mạng lụi tàn. Nhưng chúng đặt nền tảng cho sự thay đổi, dù nó tiến lên chậm như sên trong vài thế hệ tiếp theo. Cách mạng Pháp năm 1848 phần nào đó thành công. Tất cả đàn ông qua 21 tuổi cuối cùng cũng có quyền đi bầu, và họ thay vua bằng một tổng thống dân cử, Louis-Napoleon. Pháp lại là nước cộng hòa. Nhưng bốn năm sau, Louis-Napoleon lại lật đỗ chính quyền của mình và trở thành Hoàng đế Napoleon III.

Courbet và Daumier: Vẽ Nông Dân và Cảnh Cùng Khổ nơi Đô Thị

Courbet và Daumier là những người Hiện thực có đầu óc chính trị. Courbet đã từng thổ lộ với một nhà báo sau Cách Mạng 1848, ”Tôi không chỉ là người theo chủ nghĩa xã hội , mà còn là người Dân chủ và Cộng hòa . . .  một người ủng hộ hoàn toàn cách mạng!”

Gustave Coourbet

Vào năm 1847, Courbet (1819-1877) viếng thăm Hà lan. Các bức tranh về con người bình dân của Frans Hals, Rembrandt, và Jan Steen đã tạo cảm hứng cho ông. Courbet muốn vẽ những bức tranh như thế tại Pháp.

Một hôm, Courbet chú ý hai người đàn ông đang đập đá trên con đường  đất. Ông phác họa họ ngay tại chỗ và mời họ vào xưởng vẽ để làm mẫu biến phác họa thành tranh sơn dầu. Hiển nhiên, họ mang theo bữa ăn trưa của mình, gồm súp, ổ bánh mì và muỗng. Thay vì những cảnh tượng Lãng mạn của tự nhiên như trong Con Tàu Nô Lệ của Turner hay Kẻ Lang Thang Trên Đỉnh Sương Mù của Friedrich (xem Chương 17), Courbet giao phó cho tự nhiên __một ngọn đồi tối, một miếng vá và vài bụi cây __ vào hậu cảnh. Tiêu điểm là công việc nặng nhọc. Ngay cả cá tính của người lao động cũng không quan trọng. Mặt người trẻ quay đi khỏi mắt người xem; một chiếc nón che dấu các đặc điểm trong bóng tối của người lớn tuổi hơn. Họ đơn giản chỉ là những người lao động đặc trưng.

Khi ông giới thiệu bức Người Đập Đá (xem Hình 18-1) với công chúng, Paris cho rằng nó thô kệch, chẳng khác nào một số người hôm nay có thể quay mặt khỏi một bức tranh vẽ công nhân làm đường  đang khoan vỉa hè. Vào thời đó, những người thuộc giai cấp trung và thượng lưu thích quay mặt đi tránh nhìn những cảnh bụi bặm của cuộc sống thường nhật, không nhìn những bức tranh vẽ cảnh ấy trong các cuộc triển lãm. Người Đập Đá nhắc họ nhớ đến cuộc cách mạng của tầng lớp lao động gần đây. Trông vô hại đối với chúng ta, nhưng bức tranh có thể được nhận thức như một lời đe dọa __ và chắc hẳn Courbet muốn như vậy. Trong một lá thư gủi bạn, được viết năm 1850, ông nói, ”Trong xã hội rất văn minh của chúng ta, tôi cần phải sống như một tên hoang dã. Tôi phải tự do không lệ thuộc ngay cả chính quyền. Tôi trao trọn tình cảm cho nhân dân. Tôi phải nói chuyện với họ một  cách trực tiếp.”

Ngoài việc vẽ những người bình thường và cảnh tượng tự nhiên, Courbet tạo cho tác phẩm của mình một chấm phá “bụi bậm” để chúng trông thô ráp như đời thực. Không làm bóng, không sơn vec-ni, không tô điểm __ chỉ là sự thật trần trụi.

1

Hình 18-1

 Honore Daumier

Daumier (1808-1879) chia sẻ quan điểm của Courbet, nhưng thay vì vẽ những cảnh quê, ông tập trung vào cuộc sống thành thị. Thương hiệu Hiện thực của ông thiên về biểu hiện. Nắm bắt tâm trạng và cá tính quan trọng với ông hơn là hiện thực chi tiết. Những hậu cảnh mờ nhòe và bóng tối là những đặc điểm điển hình của tác phẩm Daumier. Bức tranh  Toa Hạng Ba (xem hình dưới) trông như một bức phác họa. Daumier cho ta thấy những gương mặt mệt mõi của người cùng khổ.  Ôm túi xách vào lòng và vị trí trung tâm cho thấy bà là người kiếm cơm trong gia đình nhỏ này. Có thể người mẹ cho con bú chưa kết hôn. Những nhân vật hậu cảnh không cần được làm rõ nét để người xem hiểu được họ cảm thấy ra sao trong toa xe chen chúc, tù túng này. Những tông màu nâu xám, ánh sáng vàng bẫn thỉu, và nét phác họa của tranh cho phép bạn cảm nhận được kết cấu của cái nghèo đói và chuyến đi ngược thời gian về khung cảnh đô thị điển hình vào giữa thế kỷ 19 ở Pháp.

2

Trong cuộc sống, Daumier nổi tiếng vì những bức biếm họa hơn là những tranh sơn dầu. Vừa lúc đó thuật in thạch bản cũng vừa được sáng chế __ khoảng 10 năm trước khi ông ra đời. Ông làm chủ kỹ thuật này và trở thành nhà in thạch bản và nhà biếm họa vĩ đại nhất của Pháp. Phần lớn tranh biếm họa của ông chế giễu các viên chức nhà  nước,  luật lệ bọn quý tộc, và thói hư của tầng lớp trung lưu. Như đã đề cập trong đoạn đầu của chương này, một tranh biếm họa đã mang ông vào tù sáu tháng. Một ít năm sau, Daumier vẽ một thạch bản mô tả sự đàn áp dữ dội một cuộc đình công. Để đáp trả, nhà vua ra lệnh tiêu hủy mọi sao chép của ảnh.

Trường Phái Barbizon và Ngoài Trời là Tuyệt Vời

Một năm sau Cách mạng 1848, nghệ sĩ Jean-Francois Millet rời Paris gần như khánh kiệt. Millet kết thân với  một nghệ sĩ chết đói khác, Theodore, tại Barbizon, một ngôi làng nhỏ đông nam Paris cách Paris 30 dặm, trên bìa rừng Fontainebleau. Cùng với hai hoạ sĩ khác, Corot và Daubigny, họ dẫn đầu trường phái Barbizon. Tất cả cùng đến Barbizon để vẽ phong cảnh ngay ngoài trời.

Thực Nghiệm Chủ Nghĩa Cộng Sản: Công Xã Paris

Năm 1870, Napoleon III tuyên chiến với nước Phổ, và chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ. Trong vòng một năm, Pháp bại trận và chính quyền Napoleon III sụp đỗ. Trong 72 ngày, sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết, chính phủ theo chủ nghĩa Xã hội gọi là Công xã Paris cai trị thủ đô. Gustave Courbet là một trong số 92 lãnh đâọ của Công xã.  Hành động đáng nhớ nhất của Courbet trong vai trò một thành viên Công xã là đề nghị các thành viên Công xã đập bỏ trụ cột Vendome, vì nó dựng lên để tưởng niệm những chiến công quân sự của Napoleon I ở Ý. Courbet nói:

  Cột trụ Vendome là một đài tưởng niệm chẳng những không có giá trị nghệ thuật nào, mà còn mãi mãi ca tụng hành động gây ra chiến  tranh và  xâm lược của triều đại vừa qua. Tôi, công dân một quốc gia Cộng hòa, lên án hành động ấy và bày tỏ mong muốn chính quyền Phòng vệ Quốc gia ủy quyền cho tôi phá bỏ cột trụ này.

  Sau đó quân đội Pháp bao vây Paris và chiếm lại nó. Hàng ngàn người của Công xã bị bắt xếp hàng dựa vào tường và tàn sát. Chính thể mới bỏ tù Courbet sáu tháng và phạt ông 500 franc __khoảng 1,300 đô-la ngày nay). Trong thời gian bị giam, Courbet vẽ trên tường những phác họa mô tả cuộc sống trong tù. Những bức vẽ, được gọi là Các Công xã viên Trẻ trong Tù, mô tả một số trẻ em bị giam vì giúp đỡ Công xã.

Năm 1873, chính quyền Cộng hòa mới của Pháp quyết định dựng lại cột trụ Vendome đã bị Courbet ra lệnh phá hủy. Họ ra lệnh cho Courbet phải tài trợ một phần __ 10,000 franc một năm kéo dài 33 năm. Ông đào thoát qua Thụy Sĩ và chết trước khi đến kỳ hạn nộp tiền đầu

Millet: Những nông dân cao quý

Trong khi Rousseau giao tiếp với tự nhiên, bị mê hoặc bởi “âm thanh của cây cối,” Millet (1814-1875) vẽ những nông dân đang làm ruộng. Điều này không có gì mới đối với Millet; ông đã lớn lên cày cấy trên mảnh đất của mình ở Normandy. Tình yêu của ông cho cuộc sống nông thôn đã thể hiện trong tranh phong cảnh của mình như một hoạ sĩ Lãng mạn. Một bài thơ dịu dàng tràn ngập trong tranh ông. Những cảnh tượng thôn dã của người lao động gieo mạ, thu hoạch, và những cánh đồng cày bừa quá đẹp đến nổi bạn muốn lấy cuốc và tham gia lao động.

3

Nhưng không phải ai cũng cảm nhận như vậy khi Millet trưng bày tác phẩm của mình ở Phòng Tranh năm 1850. Các nhà phê bình tấn công bức Người Gieo Mạ của Millet (xem hình trên)  và kết án ông là người theo chủ nghĩa Xã hội. Điều ấy bây giờ nghe có vẻ vô lý, nhưng vào năm 1850, tầng lớp trung và thượng lưu của Âu châu rất dị ứng với bất cứ điều gì có mùi xã hội chủ nghĩa. Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản vừa được Karl Marx xuất bản hai năm trước, 1848, kêu gọi lật đỗ chủ nghĩa tư bản và xã hội không giai cấp. Một bức họa cho thấy nông dân ngang hàng và lao động tay chân cao quý và cao đẹp làm nhiều người e sợ. Người nông dân năng động, gương mặt trong bóng tối có thể đang gieo mầm cách mạng. Bức Người Mót Lúa (xem Hình 18-2), trưng bày ở Phòng Tranh năm 1857, làm dấy lên trận phê bình Millet lần nữa, với cùng những lý do tương tự __  có vẻ như là ông đang cổ vũ cho quyền của dân lao động. Bức tranh mô tả ba người phụ nữ cùng khổ đang mót lúa mì còn sót lại sau khi cánh đồng đã được thu hoạch xong. Mặc dù mô tả cảnh nghèo khó, bức tranh của Millet đề cao công việc của người lao động bằng cách tắm gội cảnh vật bằng thứ ánh sáng hoài hương

4

Hình 18-2

Dù bị chỉ trích (hoặc có thể bởi vì bị chỉ trích), các bức tranh của Millet được bán sạch và ảnh hưởng của trường phái Barbizon vươn xa khỏi biên giới Pháp (chẳng hạn, hoạ sĩ Hà lan Vincent van Gogh đã vẽ nhiều bản sao tác phẩm của Millet vào thập niên 1880).

Jean-Baptiste-Camille Corot: Từ hiện thực trần truồng đến hiện thực ăn vận

Corot (1796-1875) chắc chắn là nghệ sĩ vĩ đại nhất của trường phái Barbizon. hoạ sĩ Ấn tượng Claude Monet đã nói về ông,”Ở đây chỉ có một bậc thầy duy nhất __ Corot. Chúng tôi không là gì nếu so sánh với ông, không là gì.”

Những bức tranh ban đầu của Corot như Thánh đường  Chartes (1830) và Khung Cảnh Volterre (1838) đầy tự nhiên tính như tranh của Courbet; mọi vật thể được xác định rõ ràng; hậu cảnh, trung cảnh và tiền cảnh đều phân biệt với nhau. Nhưng khoảng năm 1850, Corot thay đổi phong cách: Tranh ông trở nên có tính thi vị. Ông tràn ngập tranh mình với thứ ánh sáng lan tỏa mềm mại, như ánh nắng lọc qua sương mù. Những tranh này đã mời gọi và gây cảm hứng cho các hoạ sĩ  Ấn tượng như Monet một thế hệ sau đó.

Buổi sáng: Khiêu vũ của các Tiên nữ (1850, xem hình dưới) được che bằng thứ ánh sáng bạc. Hậu cảnh bắt đầu từ trung cảnh, hai vùng hòa quyện nhau một cách thần bí. Lá trên một số cây cối ở trung cảnh mờ nhòe và lẫn vào hậu cảnh như những đám mây xanh lá bềnh bồng. Ngay cả các nàng tiên ngực trần giỡn hớt ở tiền cảnh hình như sắp sửa tan biến vào sương mờ. Corot đã khiến gần và xa hình như cách người xem một khoảng như nhau, khiến bức tranh có một sức mạnh thi vị và hầu như ma thuật.

5

Nghệ thuật của Corot mang về cho ông một khối tiền, và ông thích chia sẻ tiền bạc của mình. Ông tài trợ một trung tâm chăm sóc hàng ngày ở Paris để phụ giúp các phụ huynh đang lao động. Khi bạn ông Millet mất, ông tặng người vợ góa của bạn 10,000 franc. Ông cũng giúp Daumier về cuối đời bị đui mù. Không thể làm việc được, Daumier thành người vô gia cư. Corot mua cho bạn một mái nhà tranh.

Cứ Giữ Tính Chân Thật ở Mỹ

Một số người Mỹ đi theo truyền thống được phát triển ở châu Âu. Một số khác thích phong cách xứ mình hơn. Chủ nghĩa Hiện thực rất tự nhiên đối với những người Mỹ chuộng thực tế, nhất là khi nó vinh danh cảnh vật tự nhiên hùng vĩ hoặc thú vui thôn dã như chèo thuyền và câu cá hay những bức tranh biển cả.

Đi về Tây nào! Với Albert Bierstadt

Bierstadt (1830-1902) sinh ra tại Solingen, Đức; lớn lên ở New Bedford,Massachusetts; trở về Đức bốn năm để học vẽ; và trở lại Mỹ để hành nghề. Chuyên môn của Bierstadt là cảnh núi non hùng vĩ. Ông phác họa và chụp ảnh cảnh vật, thường tại những nơi chốn hiểm nghèo; từ những ảnh chụp này, ông vẽ nên những phong cảnh gây kính sợ. Chẳng hạn, ông hướng về Tây với một đoàn người mạo hiểm năm 1859 và, vào mùa hè năm 1861, ông phác họa xứ Đông Shoshone trong miền Sông Gió ở Wyoming.

Trong bức Dảy Núi Rocky, Đỉnh Lander (xem hình dưới) ông dùng ánh sáng ngày tự nhiên để làm nổi bật những mảng phong cảnh như thể ông chiếu chúng bằng đèn spot. Mặc dù ở tiền cảnh và trung cảnh là người Mỹ da đỏ và các con thú đang sinh hoạt, họ không biểu lộ cá tính gì __ họ chỉ là một thứ màu sắc và vật thể bản địa. Chính ánh sáng trong tranh mới có cá tính. Bierstadt luôn đi theo góc chụp rộng, chụp viễn, có thể nói như thế, và không bao giờ theo cận cảnh thân thiết.

1920px-Albert_Bierstadt_-_The_Rocky_Mountains,_Lander's_Peak

Đi theo mặt trời, bảo tố, và biển cả với Winslow Homer

Những bức tranh sớm nhất của Winslow Homer (1836-1910) là về cuộc Nội Chiến, mà ông làm việc như một phóng viên ảnh (người phác họa) cho tờ Harper’s Weekly vào năm 1862. Sau chiến tranh, ông học vẽ ở Paris một năm (1867), nhưng có vẽ ông không tiếp thu được nhiều từ phong trào Ấn tượng Pháp, đang nở rộ lúc đó. Thật ra, sau khi trở lại quê nhà, Homer vẽ hầu hết là phong cảnh hiện thực về đời sống nông thôn hạnh phúc. Ông bắt đầu thực nghiệm màu nước và chẳng bao lâu làm chủ được kỹ thuật này để trở thành hoạ sĩ màu nước vĩ đại nhất trong lịch sử.

Các tranh đẹp nhất của Homer là cảnh biển bằng màu nước chủ yếu trong những năm 1880 ở Maine. Con người chống lại tự nhiên là chủ đề “Maine” đi qua hàng loạt bức tranh biển của ông. Trong Đêm Mùa Hè, ta thấy các bóng đen các nhân vật ngồi thu mình trên những tảng đá đen nhìn ra biển trong suốt. Hai người đàn bà mặc váy ngủ __một người có nét mặt bâng khuâng __ đang khiêu vũ trang trọng trên bải biển như thể theo tiếng nhạc của sóng vỗ, nhưng đám người khác không mãy mai chú ý đến họ. Cảnh tượng biển cả đã hút hồn họ.

6

Đi thuyền qua nước Mỹ  với Thomas Eakins

Như Homer, Eakins(1844-1916) học ở Paris vào thập niên 1860. Nhưng ông ở lại lâu hơn Homer và có vẻ đã tiếp thu các phong cách nghệ thuật nhiều hơn.

Các bức họa nổi tiếng nhất của ông là về đua thuyền. Nhưng ông cũng thành công trong nhiều chủ đề khác. Bức Bệnh viện Agmew (xem hình dưới), một bức tranh vẽ cảnh giải phẩu một bệnh nhân nữ tại giảng đường y khoa (nhắc ta nhớ đến danh tác Bài Học Giải Phẫu của Rembrandt), là một tranh nghiên cứu về tính cách nhân vật. Ông khảo sát những cá tính của các sinh viên y khoa cẩn thận như các bác sỹ giải phẫu đang thăm khám bệnh nhân trên bàn mổ.

7

Hội Huynh Đệ Tiền-Raphael: Tầm nhìn Trung cổ và

Văn chương Hội họa

Ba sinh viên nghệ thuật Anh __ Rossetti, Millais, và Hunt __ thành lập Hội Huynh Đệ Tiền-Raphael vào năm 1848. Tại trường, họ tránh dùng kỹ thuật tóe màu và những chủ thể phong cách hóa của các thầy dạy tại Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Hoàng Gia. Hội Huynh Đệ lấy tên Raphael để tỏ lòng tôn kính đối với chủ nghĩa tự nhiên của ông ta, và để nhắc nhở tất cả những người theo Raphael đã hiểu sai nghệ thuật ra sao bằng cách làm nó kiểu cách và giả tạo. Như các nhà Hiện thực Pháp, họ chọn cách vẻ tự nhiên như nó vốn có, với tính hiện thực gần như nhiếp ảnh. Vậy mà các Tiền-Raphael không phải là các nhà Hiện thực. Họ không vẽ nông dân lam lũ trên đồng ruộng (như Courbet và Millet) hoặc người dân thành thị nghèo khó. Họ tìm đến nghệ thuật và văn chương trung cổ làm mẫu.

Họ vẽ những nhân vật hư cấu hơn là có thực từ các truyện tình lãng mạn trung cổ, Alighieri, Shakespeare, Tennyson, và các thi si Lãng mạn. Các hoạ sĩ Tiền-Raphael đặc biệt thích các câu chuyện lãng mạn của vua Arthur và hiệp sĩ bàn tròn. Họ cũng vẽ tranh trên kính màu.

Như các nhà Hiện thực Pháp, các Tiền-Raphael hy vọng cải tạo xã hội. Họ vứt bỏ chủ nghĩa vật chất của tầng lớp trung lưu và chống đối việc sản xuất hàng loạt vì nó biến nhân công thành người máy và tẩy chai những sản phẩm chức năng mà không có giá trị thẫm mỹ. Tại Anh, giai cấp trung lưu mua nghệ thuật phản ảnh giá trị của nó và vinh danh cuộc Cách mạng Kỹ nghệ đã nâng cao địa vị xã hội của  họ. Họ có khynh hướng mua nghệ thuật trông giống Cách mạng Kỹ nghệ, ưa thích màu sắc u ám và sắc thái nâu khiến bức tranh như bị ám khói của các xưởng dệt Luân đôn.

Để chống lại khuynh hướng chuộng màu nâu này, nhóm Tiền-Raphael dùng màu sắc rực rỡ vừa được sáng chế. Để nổi bật những màu này hơn nữa, đầu tiên họ vẽ lót toan vẽ bằng một lớp màu trắng sáng. Điều này làm màu sắc nổi bật như muốn hét lên, “Tôi đỏ đây; tôi xanh đây!”.

Rossetti: Lãnh tụ nhóm Tiền-Raphael

Rossetti (1828-1882), lãnh tụ nhóm Tiền-Raphael, vừa là thi sĩ vừa là hoạ sĩ. Ông đôi khi làm thơ song song với các họa phẩm của mình, mà ông gọi là “tác phẩm kép.” Những bài thơ thường sinh động làm gia tăng ý nghĩa của bức tranh.

Rossetti là thành viên thần bí nhất của Huynh đệ Tiền-Raphael. Bức Beata Beatrix phỏng theo nàng thơ Beatrice của thi hào Dante đến thiên đường . Vợ của Rossetti, Elizabeth Siddal, đã mất, có thể vì tự tử cùng năm đó (1862). Rossetti liên kết bà với Beatrice trong bức tranh. Với đôi mắt nhắm nghiền, Beatrice/Elizabeth nhìn qua vịnh của tử thần và trông thấy hình ảnh Dante/Rossetti mơ hồ như cố đến với nàng từ thế giới khác (nhân vật kia là Tình yêu). Một đồng hồ mặt trời vàng sáng kề bên vai nàng ghi dấu thời gian trần thế lẫn giờ khắc của vĩnh cữu. Một con chim có hào quang đặt một nhành anh túc vào lòng Beatrice /Elizabeth,một biểu tượng của ký ức.

8

John Everett Millais và biểu tượng

Trong bức Christ trong Ngôi Nhà Mẹ Cha (xem hình dưới), Millais (1829-1896) mô tả Jesus lúc 8, 9 tuổi trong tiệm làm mộc của cha mình. Millais ghép vào đó những biểu tượng tự nhiên gợi ý việc Christ bị đóng đinh sau này. Các cây đinh trên bàn là vật đương nhiên bạn có thể tìm thấy trong xưởng mộc, nhưng chúng cũng gợi đến sự đóng đinh. Joseph cầm một que nhọn ngay sát bàn tay xòe ra của Jesus, gợi ý Jesus chấp nhận số phận của mình, cho dù khi chỉ là một đứa trẻ. John Baptist trẻ tuổi, bên phải, vừa mang một bình nước (biểu thị máu), vừa nhìn Jesus. Một con chim bồ câu đậu trên thang, tượng trưng Thánh Linh đi xuống từ trời, và một bầy cừu nhìn vào phòng như thể đang tìm người chăn chiên.  

Tất cả biểu tượng đều ăn khớp với khung cảnh. Bức vẽ vừa có nét hiện thực của một ảnh chụp nhanh vừa có tính biểu tượng của thi ca. 

9

Bức tranh nổi tiếng nhất của Millais là Orphelia (xem hình dưới). Trong tác phẩm này Millais mô tả cảnh tự tử của Orphelia trong vở kịch Hamlet của Shakepeare, lấy cảm hứng từ dòng thơ mà Gertrude, mẹ của Hamlet mô tả.

Millais nắm bắt cảnh tượng với một sức mạnh thi ca phong phú, kết hợp hiện thực tự nhiên với việc mô tả cảnh tự tử đẹp đẽ đã xui khiến Orphelia khi nàng ngỡ tình yêu mình không được đền đáp. Orphelia chấp nhận cái chết với đôi bàn tay ngữa ra khi nàng chìm trong dòng nước một cách hài hòa. Miệng hé mở, mắt nửa nhắm nửa mở, và nước da đã tái xanh của người chết càng làm tăng cảnh đau xót mà bức họa đem lại.

Để vẽ Orphelia, Millais dùng Elizabeth Siddai, vợ của Rossetti, làm mẫu, nằm trong một bồn tắm hàng giờ liền trong mùa đông. Ông cho đun ấm bồn nước bên dưới bằng đèn. Nhưng một hôm đèn tắt ngấm.

Ông mãi miết làm việc nên không chú ý, nhưng Siddal vẫn không phàn nàn. Bà suýt chết sau đó và không bao giờ phục hồi hoàn toàn như trước.

10

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s