Thương mại Đông Á thời cận đại: Hoa Kiều đối đầu thực dân Châu Âu ở Đông Nam Á.

Phạm Duy

Phần 1: Cướp biển Nụy Khấu.

1

Cướp biển Nụy Khấu, còn gọi là Oa Khấu hay Uy Khấu là cụm từ ko còn xa lạ với nhiều người, thường được biết đến trong bối cảnh đại chúng qua những nhân vật như Từ Hải hay Vương Trực. Nghĩa đen của từ này là “giặc lùn”, nhằm ám chỉ cướp biển Nhật Bản. Đây là thuật ngữ đã ra đời từ thế kỷ thứ 4, nhưng được biết đến là tên gọi chung để chỉ các lực lượng cướp biển đã tấn công vùng duyên hải TQ, Triều Tiên và cả Nhật Bản trong thế kỷ 13-16. Có 2 giai đoạn riêng biệt của cướp biển Nụy Khấu, giai đoạn thứ nhất giới hạn trước năm 1500, đánh dấu bằng hoạt động của các nhóm cướp biển có sào huyệt ở các đảo xa xôi và những vùng nghèo khó trên đảo Kyushu Nhật Bản, thường nhận chống lưng từ các Daimyo địa phương (cũng từ đó mà các lực lượng này bị mặc nhiên là “cướp biển Nhật”). Giai đoạn 2 được xem là bắt đầu từ 1500 cho tới khi lực lượng này tan rã dần sau 1600, đặc trưng với việc phần lớn những “cướp biển Nhật” này lại ko phải người Nhật mà chủ yếu là người TQ, có cả người Bồ Đào Nha, thậm chí nhiều kẻ trong số đó còn ko phải cướp biển. Trong phần này ta chỉ tập trung nói về cướp biển Nụy Khấu giai đoạn 2, thời kỳ thế kỷ 16.

Ở TQ – thỏi nam châm của thương mại thế giới, trong suốt phần lớn thời kỳ cai trị của nhà Minh, triều đình luôn ban những sắc lệnh đặt việc buôn bán độc quyền vào tay nhà nước và cấm tiệt tư thương trên biển, gọi là Hải cấm. Hoàng đế Vĩnh Lạc và số ít nhà cai trị khác đã nới lỏng lệnh cấm, đi cùng các chuyến hải trình của Trịnh Hòa, song đó chỉ là những ngoại lệ ít ỏi. Triều đình cần tập trung nguồn lực cho cuộc chiến với người Mông Cổ phía bắc, và từ lâu họ vẫn lo sợ rằng việc giao thương ko kiểm soát sẽ dẫn tới sự hỗn loạn, phá hủy ổn định xã hội. Các Hoàng đế nhà Minh luôn muốn củng cố thêm quyền lực trung ương, việc triều đình cấm đoán tư thương chẳng phải vì ghét giới kinh doanh do tư tưởng Khổng giáo mà vì khao khát kiểm soát nó để phục vụ quyền lực nhà nước. Ngoại lệ hợp pháp duy nhất là “việc triều cống”, ở đó sứ thần các nước chư hầu được tiếp đãi và cho phép dâng cống vật lên nhà vua, đổi lại Hoàng đế cũng ban cho họ những vật phẩm Trung Hoa trong 1 hoạt động mang tính ngoại giao, thể hiện sự thần phục đề cao oai đức Thiên triều, cùng lúc cho phép họ bán những thứ triều đình ko cần đến, điều này giúp đưa mọi diễn biến ngoại thương vào tầm tay nhà nước kiểm soát. Trong thời gian tồn tại, triều đình nhà Minh đã tiếp sứ đoàn triều cống của ko dưới 38 quốc gia. Cái triều đình ko muốn là các thương nhân ngoại quốc, hàng hóa bên ngoài thì được chấp nhận, còn người thì ko. Lẽ dĩ nhiên, triều đình sẽ ko cần hao tổn chi phí để duy trì 1 lực lượng gìn giữ trật tự cho việc giao thương ấy. Trong nửa cuối thế kỷ 15 nhà Minh đã thu gọn lực lượng Hải quân xuống chỉ bằng phần rất nhỏ so với trước kia, quá yếu để kiểm soát bờ biển TQ. Sự bùng nổ của nạn buôn lậu và hải tặc là kết quả ko có gì bất ngờ, có thể tóm tắt vấn nạn này qua câu: Nếu làm thương nhân là phạm pháp thì chỉ có kẻ phạm pháp mới làm thương nhân!

Ngày nay khi nhắc đến “Hải quân TQ thời Minh” nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hạm đội bề thế của Trịnh Hòa – điểm sáng chói lọi của thời gian đầu triều đại. Quả thực là trong thời kỳ này TQ sở hữu 1 hệ thống tuần tra ven biển và căn cứ trên các đảo tương đối đồ sộ, tuy vậy tất cả đã xuống dốc không phanh trong triều đại của Minh Anh Tông – vị Hoàng đế bị người Mông Cổ bắt trong trận Thổ Mộc Bảo. Lý do đưa ra cho việc rút bớt sức mạnh trên biển vì đây là gánh nặng cho quốc khố, mối đe dọa ngoài biển khơi với vài vụ tấn công nhỏ nhặt khi đó rõ ràng chẳng là gì so với hiểm họa Mông Cổ, tất cả đã hiểu điều này sau thảm bại ở Thổ Mộc Bảo. Đại vận hà được cải tạo hoàn thiện và hoạt động hết công suất, các xưởng dần bị đóng cửa, thợ thuyền bỏ đi. Các tàu Trung Hoa giờ đây dành chủ yếu thời gian chỉ để chôn chân trong các cảng, dần mục nát và bị bỏ quên. 1 ví dụ điển hình là cảng Đặng Châu ở Sơn Đông từng có 100 tàu chiến thời Vĩnh Lạc, nhưng đến đầu thế kỷ 16 chỉ còn 3 chiếc bị hư hại sau nhiều năm ko hoạt động. Khi Hoàng đế Gia Tĩnh lên ngôi ở Phúc Kiến chỉ có 68 tàu, và số tiền nhỏ giọt triều đình cấp cho hoạt động đóng mới liên tục bị biển thủ. Ngoài sự hoen gỉ của các con tàu, hàng thập kỷ ít va chạm chiến đấu đã khiến quân đội xuống cấp, các đơn vị đồn trú thiếu nhân lực nặng do đào ngũ, thậm chí họ phải tự tăng cường lực lượng bằng cách tuyển các nhóm dân quân hay cả bọn lưu manh địa phương.

Sự yếu kém trên biển của nhà Minh đã biến thế kỷ 16 thành thời hoàng kim của hải tặc Nụy Khấu. Như đã nói, phần lớn “Nụy Khấu” giai đoạn này ko phải người Nhật Bản, thậm chí nhiều kẻ còn ko phải cướp biển. Nhiều khi họ có hang ổ ở Nhật, nhưng phần lớn các nhóm Nụy Khấu được lãnh đạo bởi thương nhân TQ, những kẻ đã chuyển sang buôn lậu khi sắc lệnh của triều đình triệt đường kiếm sống. Các tàu Nụy Khấu được vận hành bởi đoàn thủy thủ chắp vá gồm những lương dân vướng vào rắc rối, nho sinh thi trượt, thương nhân phá sản, thanh niên trốn lính, thư lại mất việc, nông dân gặp nạn đói, thầy tu phá giới, tội phạm bỏ trốn… cả những Ronin lang thang. Và dĩ nhiên, thuyền trưởng các con tàu đó luôn là những tay buôn lậu chuyên nghiệp thực thụ, những kẻ bị cám dỗ vào con đường này vì mộng ước giàu sang. Các tàu Nụy Khấu giai đoạn này thực chất ko hề cướp bóc vô tội vạ như định kiến về cướp biển mà khi nào có thể, họ sẽ buôn bán như những thương nhân bình thường. Danh từ “cướp biển” đã bị gán cho toàn bộ tư thương tìm đường sống duy nhất bằng cách đứng ngoài vòng pháp luật.

Nỗ lực của triều đình trong việc kiểm soát hải tặc bị cản trở bởi sự thiếu năng lực lẫn quyết tâm của chính quyền trung ương. Cướp biển Nụy Khấu đạt đỉnh cao vào thời Hoàng đế Gia Tĩnh, thời kỳ có đến 601 cuộc đột kích của Nụy Khấu vào Trung Hoa, nhiều hơn tất cả các đời Hoàng đế khác cộng lại. Triều đại của Gia Tĩnh chứng kiến quyền lực đất nước rơi vào tay bè lũ quyền thần, những người quan tâm tới sự thăng tiến của bản thân hơn là nạn cướp biển, và trên thực tế chính họ cũng hưởng lợi từ hoạt động hải thương của Nụy Khấu vốn luôn bị triều đình ngăn cản. Ngày nay, ta thường nhớ về chiến công của 2 danh tướng tham gia thảo phạt Nụy Khấu là Thích Kế Quang và Du Đại Du (người đương thời gọi là “Du long Thích hổ”). Những chiến dịch của họ đã đạt nhiều thắng lợi, song ko thể chấm dứt hoàn toàn nạn hải tặc, thậm chí còn ko khiến Nụy Khấu suy yếu đi vì theo Minh sử thì:”…Đánh đuổi bọn hải tặc ngoại quốc thì dễ, nhưng đánh đuổi hải tặc Trung Hoa rất khó. Đánh đuổi bọn cướp Trung Hoa dọc bờ biển vẫn khá dễ dàng, song việc xua đuổi những tên cướp Trung Hoa ở vùng hiểm yếu lại vô vàn khó khăn…”!

Việc sử dụng rộng rãi súng và đại bác Bồ Đào Nha là đặc trưng của hải tặc Nụy Khấu trong tâm thức đại chúng, đây cũng là lý do khiến quan binh địa phương được cho là đặc biệt sợ hãi khi chạm trán hải tặc. Nhà Minh dĩ nhiên ko lạ gì những thứ này, người Bồ Đào Nha đã giới thiệu chúng cho họ từ đầu thế kỷ 16, song các loại vũ khí mới đó chủ yếu chỉ được triển khai ở biên giới phía bắc, chứ ko phải trên bờ biển. Cũng trong quãng thời gian này ở ngoài khơi phía đông, vào ngày 25/8/1543, bước ngoặt đến với đảo quốc Nhật Bản: 1 con tàu Trung Hoa thuộc về hải tặc Vương Trực dạt vào đảo Tanegashima, chở theo 2 người Bồ Đào Nha là Antonio Mota và Francisco Zeimoto. Những khẩu súng hỏa mai mua được ngày hôm đó ngay lập tức làm thay đổi tư duy chiến tranh và mở ra thời đại mới với nước Nhật. Đổi thay lớn đến nỗi chỉ trong chưa đầy 50 năm, Nhật Bản từ chỗ đứng ven rìa trong hệ thống triều cống Trung Hoa nay đủ tự tin vượt biển khơi và thách thức Thiên triều.

—————————————–

→Từ “Cận đại” trong tiêu đề tương ứng với quãng thời gian trong lịch sử phương tây (khoảng 1500-1800) thay vì “Cận đại” trong thực tế Á Đông vốn muộn hơn rất nhiều<(“)

Tham khảo:

-Charles C.Mann (1493 diện mạo tân thế giới)

-Ian Morris (Tại sao phương tây vượt trội)

Phần 2: Mậu dịch Nanban.

2

Mậu dịch Nanban (Nam Man) là 1 giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản trùng với thời Chiến Quốc (1467-1615), được xem là bắt đầu từ cuộc đổ bộ của 2 người Bồ Đào Nha tại đảo Tanegashima năm 1543, và chính thức khép lại sau cuộc khởi nghĩa Công giáo Shimabara năm 1638. Giai đoạn này mang đặc trưng với sự nở rộ của thương mại Nhật Bản trước khi tất cả lắng xuống trong thời Sakoku (Tỏa quốc). Ngày nay ta thường nhớ về Mậu dịch Nanban qua cuộc xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản, qua các thương nhân người Nhật đến Hội An, cả qua mức độ dày đặc của súng trong quân đội Nhật. Ngoài việc du nhập Thiên Chúa giáo, người phương tây đã đem đến những đổi thay quan trọng về vũ khí, áo giáp, kỹ thuật đóng tàu, nghệ thuật, ngôn ngữ (xuất hiện nhiều từ vựng phiên âm từ ngôn ngữ phương tây) và cả ẩm thực (đường tinh luyện, giống cây trồng mới, 1 số loại đồ ngọt…). Đây là bước đệm quan trọng cho cuộc Minh Trị Duy tân thế kỷ 19, nền móng mà các nước đồng văn Đông Á khác đã ko thể trải qua.

  • Một hướng đi khác:

Thế kỷ 16 là giai đoạn nhiều biến động với Nhật Bản, ngoài việc diễn ra các sự kiện trong thời Chiến Quốc, thời kỳ này cũng chứng kiến việc nước Nhật tìm hướng đi riêng khác với “trật tự Trung Hoa” vốn thống trị vùng Đông Á, chen chân vào nền thương mại nhộn nhịp ở Đông Nam Á, là những tiền đề quan trọng giúp họ có tính “tiền Duy tân” hơn các nước đồng văn khác. Mọi thứ truy về giai đoạn 100 năm trước vào những thập niên đầu nhà Minh.

Vào năm 1402, năm Hoàng đế Vĩnh Lạc giành lấy ngai vàng từ người cháu Minh Huệ Đế. 1 phái bộ Nhật Bản đã đến yết kiến Hoàng đế nhà Minh kèm theo cống phẩm là 1000 lạng vàng, Nhật Bản trở thành nước triều cống của Trung Hoa. Năm 1404, Hoàng đế Vĩnh Lạc ban cho Shogun Ashikaga Yoshimitsu danh hiệu “Quốc vương Nhật Bản”, chính thức xem Nhật như 1 chư hầu. Song thực chất Yoshimitsu là 1 Shogun – nhà cai trị trên thực tế, còn “Quốc vương Nhật Bản” thực sự – Thiên hoàng lại chỉ đóng vai trò danh nghĩa. Các vật phẩm cống nạp của người Nhật giai đoạn này bao gồm ngựa, lưu huỳnh, các sản phẩm thủ công như bình phong, quạt, bút mực, đồ sơn mài, cùng cả kiếm và nhiều vũ khí khác. Đổi lại, nhà Minh ban cho Nhật bạc, lụa, lượng lớn tiền đồng, đồ sứ, thổ cẩm và đồ đồng. Sứ đoàn Nhật cùng lúc mang theo gỗ sappan, đồng, hạt tiêu, kiếm, lưu huỳnh, đá mực, quạt, bình phong, đồ sơn mài để bán ở TQ. Đổi lại họ nhận từ người TQ đồ sơn mài, đồ đồng, muối, gốm sứ, sách, cuộn thư pháp, lụa, sợi gai dầu, bông và thuốc men. Việc chiếm 1 chân thành viên trong hệ thống này, dẫu là “mâm dưới” cũng là cách duy nhất để Nhật bước vào cuộc giao thương đầy lợi nhuận với Trung Hoa. Nếu thoát khỏi hệ thống này hay phá hủy trật tự vốn có của nó, họ sẽ ngay lập tức chấm dứt quan hệ với TQ, thậm chí có thể nhận kết cục bi thảm. Dẫu vậy, tình hình chính trị của Nhật lại ko hề giống các chư hầu khác của Trung Hoa, như Triều Tiên hay Đại Việt, điều này được thể hiện qua 1 biến cố tác động mạnh tới tư cách chư hầu của Nhật Bản.

  • Cảng Ninh Ba:

Tháng 5/1523 ở Ninh Ba, thành phố cảng được giao làm nơi tiếp sứ bộ Nhật đến nộp cống đã xảy ra 1 chuyện kỳ quặc – các thành viên phái đoàn Nhật đụng độ lẫn nhau, thậm chí họ còn cướp phá dân cư địa phương gây thiệt hại lớn. Trên thực tế đó là người của 2 gia tộc Daimyo – Ouchi và Hosokawa xích mích nhau vì câu hỏi: Ai là sứ thần Nhật Bản? Thực ra, ban đầu Hoàng đế Vĩnh Lạc trao danh hiệu “Quốc vương Nhật Bản” cho Mạc phủ Ashikaga. Tuy nhiên khi Chiến tranh Onin nổ ra năm 1467 bắt đầu thời Chiến Quốc, Mạc phủ Ashikaga bị suy giảm quyền lực đến nỗi quyền kiểm soát thương mại với Trung Hoa giờ là chuyện tranh chấp giữa 2 gia tộc – Hosokawa ở Kyoto và Ouchi ở Yamaguchi.

Hẳn nhiên, cả Ouchi lẫn Hosokawa đều ko muốn bỏ lỡ đợt đi sứ này. Họ đi theo những phái bộ riêng biệt (mỗi đoàn trên 100 thành viên) và nhà Ouchi, dẫn đầu bởi Sosetsu Kendo đến trước, sở hữu con dấu hợp pháp từ Hoàng đế Chính Đức (phải có thứ này mới được ủy quyền sứ bộ hợp pháp, đi lại và buôn bán trong lãnh thổ nhà Minh). Nhà Hosokawa, dẫn đầu bởi Ranko Zuisa và So Sokei tới muộn hơn, lại chỉ có trong tay con dấu cũ từ Hoàng đế Hoằng Trị. Nhưng Hosokawa lại lợi dụng mối quan hệ và tiền bạc để mua chuộc viên hoạn quan đứng đầu cục hải vận, vì vậy nhóm Hosokawa được tiếp đón và nhận ưu đãi như 1 sứ bộ. Giận dữ, người của Ouchi ra tay giết Ranko Zuisa, đốt cháy tàu Hosokawa. Khi ko bắt được So Sokei và bị quan binh địa phương ngăn cản (họ được chỉ thị Hosakawa mới là sứ bộ hợp pháp), nhà Ouchi tiến hành cướp bóc và đốt phá trước khi lên đường ra khơi. 1 đội tàu TQ đuổi theo, nhưng bị người Nhật đánh bại và viên chỉ huy bị giết.

1 trong những tàu Ouchi trên đường về Nhật Bản bị bão đánh dạt vào Joseon, người Joseon đã giết 30 người trong số đó và bắt 2 tù nhân: Nakabayashi và Magotaro. Khi hay tin về vụ việc ở Ninh Ba, họ liền giao cho TQ xử lý. Ở TQ 2 người của Ouchi cùng So Sokei bị điều tra, So Sokei nói rằng Ouchi ăn cắp con dấu của họ, khiến họ ko còn cách nào khác ngoài việc dùng con dấu cũ, song những lời này bị cho là ko đáng tin. Kết quả là vào năm 1525 cả 3 bị xử tử sau 2 năm mòn mỏi trong tù. 1 phái đoàn Lưu Cầu được chỉ thị chuyển thông điệp tới Nhật Bản, yêu cầu Sosetsu Kendo chịu tội và nước Nhật có sự tạ lỗi đúng mực với tư cách 1 chư hầu, nếu ko TQ sẽ đóng cảng của họ với Nhật Bản và xem xét 1 cuộc viễn chinh trừng phạt. Vế sau chỉ là đòn ngoại giao, vì vị thế chư hầu của Nhật thấp hơn hẳn Triều Tiên hay Đại Việt, và xa xôi đến nỗi 1 cuộc viễn chinh tốn kém như vậy là ko thể tiến hành với những gì nhà Minh đang có.

TQ chỉ có thể trả đòn bằng cách đóng Ninh Ba, hậu quả của hành động này là Nhật chỉ cử sứ thần trở lại 1 thời gian dài sau đó (1540 và 1549), và cũng chỉ được 2 lần nữa (đều do Ouchi gửi). Rồi vào năm 1557, chính nhà Ouchi cũng sụp đổ, giao thương chính thức Minh-Nhật khép lại. Việc dừng hoạt động ngoại thương với Nhật Bản khiến các thương nhân vùng duyên hải muốn buôn bán với Nhật chỉ còn cách làm ăn phi pháp, hệt như việc hắt 1 can dầu vào ngọn lửa Nụy Khấu đang ở thời hoàng kim vậy, để rồi lệnh cấm giao thương lại càng siết chặt hơn nữa để trừng phạt bọn cướp biển. Nhật Bản mất nhiều quyền lợi, nhưng lại có sự tự chủ nhất định. Nếu thực sự cấp thiết họ vẫn có thể quay về trật tự Trung Hoa, song 1 vị khách ko ngờ tới đã thúc đẩy họ đi trên con đường độc lập: Những người Bồ Đào Nha đến rất đúng lúc!

  • Thay đổi quan niệm chiến tranh:

Năm 1543, khoảng 100 người TQ và 2 người Bồ Đào Nha bị bão đánh dạt vào đảo Tanegashima trên con tàu thuộc về hải tặc Vương Trực. Lãnh chúa của đảo là Tanegashima Tokitaka đã ngay lập tức mua lại 2 khẩu súng, sau khi chứng kiến người Bồ quảng cáo súng bằng cách bắn vào 1 con vịt. Tokitaka ra lệnh cho gia thần học cách chế tạo cũng như sử dụng súng, và chỉ thời gian ngắn sau, súng đã đầy rẫy Nhật Bản (do có nguồn gốc từ đảo Tanegashima nên người Nhật gọi là “súng Tanegashima”). Dĩ nhiên trong thực tế mọi chuyện ko dễ dàng đến vậy, công nghệ này chưa xuất hiện ở Nhật Bản nên ko ai có đủ trình độ để chế tạo thành công ngay được nòng súng. Súng cũng là thứ phức tạp và đắt đỏ (gần như phải mất công lao động của 1 người trong 1 tháng mới cho ra lò 1 khẩu sẵn sàng sử dụng), nhiều nguyên liệu phải nhập bên ngoài vào như thuốc súng. Vấn đề được giải quyết 1 phần khi 2 người Bồ Đào Nha sửa xong tàu và quay lại 1 năm sau cùng 1 thợ rèn súng người Bồ, chỉ sau 10 năm, đã có 300.000 khẩu súng xuất xưởng ở Nhật Bản.

Người Nhật tỏ ra đặc biệt tích cực trong việc tiếp nhận súng, bởi chúng du nhập vào Nhật giữa thời Chiến Quốc loạn lạc. Lợi ích là thế nhưng trong thời gian đầu, súng ko được nhiều lãnh chúa quan tâm. Lý do là bởi nó chưa thể hiện ưu thế gì quá vượt trội so với các vũ khí khác, nếu ko muốn nói là còn yếu hơn khi đứng 1 mình. Vào thế kỷ 16, súng hãy còn sơ khai và cồng kềnh. Ước tính, thời gian để một xạ thủ bắn, nạp rồi chuẩn bị cho lượt bắn tiếp theo thì một cung thủ có thể bắn 15 phát. Tầm sát thương hiệu quả cũng kém cung nỏ, chỉ từ 80-100m. Ko chỉ vậy, súng Tanegashima còn rất kỵ nước và trong điều kiện mưa ẩm thì coi như vô hiệu. Tuy nhiên, sự vượt trội của súng lại nằm ở chỗ tạo ra những vết thương rất nặng và dễ sử dụng, chỉ trong thời gian ngắn 1 nông dân bình thường có thể thuần thục cách dùng súng, khiến nó được trang bị hàng loạt cho lính nông dân hay Samurai cấp thấp mà chẳng cần đào tạo lâu dài. Trong thời gian sau, những đội quân bắn cung truyền thống nhanh chóng bị áp đảo bởi những kẻ vừa cầm súng ít ngày.

Năm 1549, Oda Nobunaga cho xuất xưởng 500 khẩu súng, vào thời điểm việc ứng dụng súng rộng rãi còn bị các Daimyo nghi ngờ. Người Nhật vô cùng tích cực trong việc nghiên cứu các kỹ thuật nâng cao hiệu quả của súng. Để khắc phục điểm yếu tốc độ, họ tiến hành bắn theo lượt, nhiều hàng luân phiên trong khi hàng khác nạp đạn, tạo ra những loạt mưa đạn liên tục vào đối thủ. Về nhược điểm uy lực thì họ phát triển những khẩu có cỡ nòng lớn hơn tăng sức sát thương. Điểm yếu thuốc súng cũng được khắc phục khi có thêm 1 hộp bảo vệ bằng sơn mài ngăn nước thấm vào, ngoài ra 1 thước ngắm cũng được phát triển để tăng độ chính xác. 1 cải tiến nữa là hayago – 1 hộp bằng tre được dùng để tạo điều kiện nạp đạn nhanh hơn. Vào năm 1567, Takeda Shingen nói rằng:”Sau này súng sẽ là vũ khí quan trọng nhất, nên hãy bỏ bớt giáo đi và đầu tư thêm súng cho quân đội”! Rồi cũng chỉ 8 năm sau, đội kỵ binh và Samurai trứ danh nhà Takeda bị 3000 xạ thủ dưới trướng Oda Nobunaga bắn tan tác trong trận Nagashino. Ước tính, lượng súng xuất xưởng của Nhật trong giai đoạn này nhiều hơn bất cứ nước châu Âu nào, dĩ nhiên chưa bàn về uy lực (series này chủ yếu nói về hải thương, nên ko đi sâu vào diễn biến chiến trường Đông Á).

  • Giải phóng tiềm năng thương mại:

Phía ngoài biển khơi, 1 đổi thay khác cũng diễn ra đồ sộ ko kém đổi thay về chiến tranh – đổi thay về thương mại. Điều này được thúc đẩy bởi những kẻ lạ mặt đang lảng vảng khắp vùng biển Trung Hoa – người Bồ Đào Nha. Sự xuất hiện của những con tàu phương tây như làn gió mới khai mở nhiều tiềm năng còn bị chôn giấu của thương mại Á Đông, và trên thực tế, ở thời điểm này có lẽ nước đồng chí hướng nhất với Nhật Bản lại là Bồ Đào Nha. Người Bồ đã đến bờ biển TQ từ năm 1513, song mọi nỗ lực của họ nhằm đạt được thương mại chính thức với Trung Hoa đều bất thành. Sự hiện diện của người Bồ ở Quảng Đông cũng như khả năng làm nước triều cống trong trật tự Trung Hoa đã bị mất sau trận Tunmen 1521 và trận Xicaowan 1522, gần như cùng lúc với vụ việc ở Ninh Ba khiến TQ đóng cảng với Nhật. Bị loại khỏi thị trường TQ, Nhật và Bồ Đào Nha đều tiến hành buôn lậu để tiếp cận hàng hóa Trung Hoa, đây là tác nhân chính khiến nạn Nụy Khấu bùng lên dữ dội (đã có những vụ tấn công của Nụy Khấu giai đoạn này đủ lớn để được coi là “cuộc xâm lược nhỏ”).

Vào thời Trung đại, Nhật Bản thường hiện lên trong suy nghĩ của người châu Âu như 1 đất nước giàu có dồi dào kim loại quý với những lâu đài mạ vàng – theo lời kể của Marco Polo. Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng cũng đúng 1 phần: Quả thật nước Nhật có sự phong phú tương đối của trữ lượng quặng bề mặt đặc trưng của 1 quốc gia nhiều núi lửa, đã được khai thác với quy mô khá lớn kể cả trước kỷ nguyên công nghiệp với trang thiết bị tốt hơn. Nhật là nước xuất khẩu đồng, bạc và sắt hàng đầu thế giới thời điểm này. Mỏ bạc Iwami Ginzan phát hiện năm 1526 đã đạt sản lượng cao nhất vào đầu những năm 1600 với 38 tấn mỗi năm, xuất khẩu 130-160 tấn bạc trong giai đoạn 1615-1625, chỉ kém núi bạc vô tận của Tây Ban Nha ở Nam Mỹ. Vào thời đỉnh cao, 1/3 lượng bạc trên thế giới đến từ Nhật. Việc dồi dào các quặng kim loại quan trọng đã giúp đẩy nhanh ngành sản xuất súng của Nhật Bản.

Thương nhân luôn nhanh nhạy nhất với sự thay đổi, người Nhật lập tức tuồn bạc sang Trung Hoa để mua hàng TQ vốn khan hiếm ở Nhật, nhiều quan địa phương biết nhưng chỉ làm ngơ để đổi lấy bạc là thứ đang thiếu hụt với nhà Minh, và Bồ Đào Nha nhanh chân nhảy vào chỗ trống. Năm 1554, thuyền trưởng Leonel de Sousa đàm phán thành công về việc hợp pháp hóa thương mại Bồ Đào Nha ở TQ bằng cách đóng thuế, dẫn đến việc Macau ra đời năm 1557. Tình trạng nội chiến ở Nhật cũng có lợi cho người Bồ, vì mỗi lãnh chúa đều tìm cách thu hút thương mại đến lãnh thổ của mình bằng cách đưa ra các ưu đãi tốt hơn, và người Bồ sẵn sàng buôn bán với bất cứ ai trả giá cao nhất. Năm 1571, làng chài Nagasaki được cấp làm cảng giao dịch của Bồ Đào Nha, nhanh chóng phát triển từ 1 làng vô danh thành 1 cộng đồng thương nghiệp thịnh vượng. Theo thời gian, thành phố được trang hoàng với 1 trường dạy mỹ thuật châu Âu, 1 bệnh viện, 1 tổ chức từ thiện, 1 trường cao đẳng Dòng tên… tính “quốc tế” của Nagasaki suốt 300 năm sau đó đã tác động ko nhỏ tới Nhật Bản.

  • Tàu:

Loại tàu phổ biến nhất trong thương mại Nanban là carrack, đã được thay đổi để thuận tiện hơn cho giao dịch Á Đông. Chậm nhưng đủ lớn để mang thêm nhiều hàng hóa, trong khi vẫn giữ các tiêu chuẩn an toàn cho 1 hành trình dài và nguy hiểm. Những con tàu này ban đầu có tải trọng 400-600 tấn, về sau có thể đạt 1200-1600 tấn, với thiểu số hiếm hoi lên tới 2000 tấn. Đây là loại tàu lớn nhất vào thời điểm đó, hơn 1 tàu galleon thông thường, ngang với galleon Tây Ban Nha chạy tuyến Philippines-Mexico nhưng có chi phí rẻ và tuổi thọ dài hơn. Đa phần tàu carrack trong giao dịch Nanban được đóng trong các xưởng ở Goa, làm từ gỗ tếch Ấn Độ vốn chất lượng hơn gỗ thông châu Âu. Người Bồ chỉ chuyển sang dùng các loại tàu nhỏ và linh hoạt hơn khi liên tục bị Hà Lan đánh phá. Trong Mậu dịch Nanban, những con tàu của tư nhân Bồ Đào Nha thường đi cùng tàu Nhật Bản, tầm 2-3 chiếc cùng nhau. Cũng từ đây người Nhật bắt đầu gọi chung tàu phương tây là Kurofune (thuyền đen), vì những con tàu Bồ Đào Nha thời kỳ này thường sơn nhựa đen nhám chống thấm nước.

  • Hàng hóa giao dịch:

Mặt hàng tiêu biểu nhất trong Mậu dịch Nanban là lụa TQ đổi lấy bạc Nhật, ước tính 1 nửa lượng bạc khai thác hằng năm của Nhật là dành cho xuất khẩu, phần lớn qua tay Bồ Đào Nha, người Bồ cũng xuất khẩu số lụa thặng dư sang châu Âu và Ấn Độ. Nhiều hàng hóa khác cũng được giao dịch như vàng, đồ sứ Trung Hoa, sơn mài Nhật Bản, xạ hương, đại hoàng, ngựa Arab, hổ Bengal, vải và chim công Ấn Độ… trong khi các mặt hàng trên tàu châu Âu được lùng mua là thuốc lá, hạt giống cây trồng, đồ ngọt, đồ lông thú, đồng hồ cơ học, thủy tinh, rượu vang, kiếm thép cùng vũ khí như súng và pháo.

Không nổi bật bằng, nhưng nô lệ cũng là 1 phần của Mậu dịch Nanban. Nhiều bại binh người Nhật bị bắt trong các trận chiến bị chính đồng hương của mình bán cho người Bồ, và nhiều Nụy Khấu gốc Hoa cũng sẵn sàng bán tù nhân của họ. Năm 1587, Toyotomi Hideyoshi đã phải ra sắc lệnh cấm nô dịch đối với người Nhật Bản, nhưng cũng chính Hideyoshi sau đó đã bán các tù binh Triều Tiên làm nô lệ cho Bồ Đào Nha. Cũng có ghi nhận là trong thời kỳ này đã có người Nhật, Trung Hoa và cả Joseon mua nô lệ da đen. Chiều ngược lại, thiểu số người Đông Á bị bán cho Bồ Đào Nha đã lưu lạc tới tận châu Âu hay tân thế giới.

  • Kết:

Năm 1578 ở chính quốc Bồ Đào Nha xảy ra biến cố: Vua Sebastian thiệt mạng trên chiến trường Maroc khiến Bồ Đào Nha chịu khủng hoảng kế vị. Người cậu của ông là vua Tây Ban Nha Philip II ngồi vào ngai vàng Bồ Đào Nha năm 1580, 2 nước hợp thành Liên minh Iberia (được coi là bắt đầu cho sự suy yếu của người Bồ). Dù hợp thành Liên minh với Tây Ban Nha nhưng với những người ở các xứ hải ngoại, Bồ Đào Nha vẫn là 1 nước riêng, chỉ phải chia sẻ lợi ích với Tây Ban Nha và tham chiến vì các mục tiêu của họ. Vị thế cường quốc thương nghiệp ở viễn đông của 2 nước Iberia vẫn tồn tại 1 thời gian dài nữa, nhưng ngay lúc này họ đã cảm thấy bị cạnh tranh bởi những lớp thương nhân Trung Hoa “cởi dây trói”, bởi những Châu ấn thuyền Nhật Bản ngang dọc Đông Nam Á, và bởi 1 nước châu Âu khác chen vào thế độc quyền của bán đảo Iberia – Hà Lan. Con đường dẫn vài người Anh và Hà Lan hấp hối đến Nhật trên chiếc tàu sứt mẻ là cả 1 câu chuyện dài, và chính Hà Lan sẽ xây đắp 1 cuộc cách mạng nhỏ âm ỉ trong lòng Nhật Bản.

—————————————–

Tham khảo:

Daniel J.Boorstin (Những nhà khám phá)

David S.Landes (Sự giàu và nghèo của các dân tộc)

Wiki.

Phần 3: Báu vật trên những con tàu ngoại quốc.

3

Vào năm 1635 ở Mexico City – nơi cách Đông Á nửa vòng trái đất, hàng trăm thợ cạo (thợ cắt tóc) đồng loạt ngưng làm việc và gửi thư lên Phó vương thuộc địa Tân Tây Ban Nha, yêu cầu trục xuất ra ngoại thành lượng lớn lao động Trung Hoa hành nghề thợ cạo, vì họ áp giá thấp hơn mặt bằng chung cướp mất việc làm của họ. Bên kia đại dương ở thủ phủ Manila của Philippines, hàng chục ngàn thương nhân, thợ thuyền, thợ thủ công đến từ Trung Hoa đại lục đã khiến chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha đề phòng cảnh giác, dồn họ vào 1 khu phố Hoa riêng biệt để kiểm soát gắt gao. Ở nhiều nơi khác cũng vậy: Hàng nghìn thương nhân, chủ cửa hàng, thợ thủ công lành nghề gốc Hoa đã cư ngụ ở đảo Java khi người Hà Lan đến, nhiều người trong số đó hợp tác với Hà Lan xây dựng Batavia đầu thế kỷ 17. Ở Malacca, nơi người TQ đã đặt chân đến và có quan hệ thân thiết kể từ chuyến viễn dương của Trịnh Hòa, làn sóng Hoa kiều đổ về buôn bán bắt đầu tăng mạnh từ cuối thời Minh. Di cư qua lại giữa Malacca, quần đảo Indo, đảo Singapore và cả 1 phần Thái Lan…

Có thể thấy, bất chấp việc nhà Minh để mất vùng biển của mình vào tay Nụy Khấu và chính sách cấm hải khắt khe của triều đình, số lượng đông đảo người Trung Hoa vẫn có mặt ở những nơi rất xa đại lục kể cả trước khi nhà Minh sụp đổ. Ở TQ, nơi đi đầu trong làn sóng dịch chuyển ấy là 1 tỉnh miền đông nam nằm đối diện đảo Đài Loan. Chính tại nơi này, triều đình Trung Hoa dù bảo thủ đến đâu cũng ko thể chống lại dòng chảy thương nghiệp.

  • Biến động ở Phúc Kiến:

Vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn Nụy Khấu là 1 tỉnh nghèo ven biển Trung Hoa lúc đó – tỉnh Phúc Kiến. Phần lớn địa hình của tỉnh này được tạo thành từ những ngọn núi tuy ko cao nhưng lởm chởm, trong khi đất đai có thể canh tác được bị giới hạn ở những thung lũng ven sông hay dải hẹp dọc bờ biển. Vùng núi Phúc Kiến nhiều đá và khó đi lại, khiến người nông dân luôn phải làm việc vất vả hơn bình thường, trong khi những nơi thấp hơn lại có nhiều vùng nước mặn ko thể trồng cấy (từ lâu nơi này được ví như “Bát sơn, nhất thủy, nhất phân điền”). Vì lẽ đó, Phúc Kiến ko thể sản xuất đủ lương thực nuôi sống mình, phần lớn lượng gạo tiêu thụ ở tỉnh này phải nhập từ nơi khác. Chuyện này cũng ko đơn giản, vì những ngọn núi đã khiến Phúc Kiến biệt lập với phần còn lại đất nước. Dù vậy Phúc Kiến lại sở hữu 1 lợi thế tự nhiên, đó là những vịnh biển ghồ ghề khoét sâu vào đất liền. Vì những tác nhân địa lý, Phúc Kiến phụ thuộc vào biển cả.

Địa thế kích thích việc đi biển khiến Phúc kiến từ lâu đã là thủ phủ của hoạt động hải thương Trung Hoa. Cho nên khi nhà Minh ban lệnh cấm biển, Phúc Kiến nhanh chóng hóa thành 1 nơi nghèo đói. Ngay từ năm 1500, cuộc sống khó khăn đã đẩy hàng loạt thường dân cấu kết với cướp biển tìm hướng mưu sinh, bởi có rất nhiều thương gia ở Phúc Kiến đồng thời là chủ tàu cướp biển và cướp biển cũng chính là thương gia Phúc Kiến, khiến vùng biển này trở thành 1 mớ hỗn tạp giữa lòng trung thành và sự phản loạn, giữa những hội thương gia và các nhóm cướp biển từ nhiều nơi khác nhau giành giật quyền kiểm soát thương mại. Khi tình hình tồi tệ đến mức báo động, triều đình đã phải ra sắc lệnh chia dân cư nơi đây thành các nhóm gồm 10 hộ gia đình, và phải báo cáo về mỗi thành viên 5 ngày 1 lần, chỉ cần 1 gia đình làm gì đó phạm pháp thì cả 10 nhà đều bị phạt.

Song giới thương gia đã đi trước triều đình 1 bước về độ ứng biến. Các thương nhân Phúc Kiến cùng nhau góp tài lực, xây dựng đội thuyền làm ăn với cướp biển dưới dạng mạng lưới kinh doanh. Các thương gia phụ trách việc kết nối với thị trường quốc nội, trong khi đám buôn lậu đảm nhiệm việc tiếp cận nguồn hàng ngoại quốc. Họ vui vẻ hợp tác ở thành Nguyệt Cảng thuộc cửa sông Long Giang, bảo vệ hoạt động của khu vực này trước sự dòm ngó của triều đình hay cả những kẻ giống họ. Chỉ sau thời gian ngắn, Nguyệt Cảng từ 1 cảng vô danh bỗng trở thành vùng thương cảng nhộn nhịp nức tiếng, nơi các tàu ngoại quốc và cướp biển lặng lẽ trờ tới và giao dịch mỗi đêm. Hoạt động lách luật diễn ra hằng ngày của đám thương nhân đã buộc Chu Hoàn – quan tuần phủ Chiết Giang phải hành động.

  • Cái chết của quan tuần phủ Chu Hoàn:

Vốn nổi tiếng là người chính trực liêm khiết, Chu Hoàn đã nhiều phen chọc vào nơi-không-nên-động-đến bằng cách phanh phui nạn tham nhũng ở mọi cấp độ, vậy nên có rất nhiều kẻ thù ghét ông. Vào năm 1548, Chu Hoàn triệt phá 1 căn cứ quan trọng của dân buôn lậu Chiết Giang, đánh đắm 1200 tàu cướp biển. 3 tháng sau, ông phá tan 1 hang ổ lớn khác của hải tặc ở Phúc Kiến, giết hàng trăm tay buôn lậu Trung Hoa, Nhật Bản và Bồ Đào Nha. Chỉ khi đó Chu Hoàn mới vỡ lẽ, rằng những kẻ cầm đầu các đường dây kia hóa ra toàn là gia đình có máu mặt ở Phúc Kiến. Cay đắng trước vấn nạn này, họ Chu tiếp tục điều động binh sĩ với mục tiêu quét sạch nạn cướp biển, trong lúc bản tấu chương ông gửi lên triều đình thậm chí còn ko tới được tay Hoàng đế Gia Tĩnh. Chu Hoàn đã đi quá xa, vì những kẻ thù của ông đã lập tức liên kết. Các gia đình giàu có ở Phúc Kiến chung tay gửi thỉnh nguyện lên các phụ chính đại thần bên cạnh Hoàng đế Gia Tĩnh, kết quả là họ Chu bị giáng cấp rồi cách chức. Khi đối diện với nguy cơ bị phán xử trong 1 buổi luận tội sắp đặt, Chu Hoàn uống thuốc độc tự sát, ông than rằng:”Nếu Hoàng thượng không giết ta thì bọn gian thần sẽ giết ta, và nếu chúng không xử ta thì đám giàu có ở Chiết Giang cùng Phúc Kiến sẽ làm điều đó”!

Cái chết của Chu Hoàn là ví dụ điển hình cho sự bế tắc của chính sách nhà nước trước nạn tham ô. Túi tiền của các thương gia Phúc Kiến bắt đầu phình lên trông thấy, thành viên các gia đình giàu có hưởng lợi nhờ buôn lậu xuất hiện dày đặc trong bộ máy công quyền, trong khi quân triều đình ở các tỉnh ven biển liên tục bị cắt giảm 1 cách bí ẩn cả về quân số lẫn trang bị. Cuối cùng khi tân Hoàng đế Long Khánh lên ngôi năm 1567, triều đình phải chịu thua đám thương gia. Hoàng đế hủy bỏ lệnh cấm tư nhân buôn bán với nước ngoài đã tồn tại suốt 200 năm, bởi ông biết có cấm thế nào cũng vô nghĩa, người Trung Hoa đang trong cơn thèm khát cháy bỏng với 1 thứ chất đầy trên các tàu ngoại quốc.

  • Bài toán về tiền:

Rất lâu về trước từ thời Xuân Thu, người Trung Hoa đã bắt đầu lưu hành tiền xu đúc bằng kim loại. Đến thời Hán, tiền bắt đầu được đúc bằng đồng thau và mang giá trị tương đương khối lượng đồng đúc nên nó. Hệ thống này có khuyết điểm: Vì đồng ko quý lắm nên 1 đồng xu sẽ chẳng mấy giá trị. Để tạo ra tập hợp giá trị lớn hơn, người ta phải xâu nhiều đồng lại với nhau thành vài chục, 100 hay đến 1000 đồng xu. Những xâu tiền này rất cồng kềnh, trong khi còn phải chi cho công tác vận chuyển trong các chuyến giao dịch xa vì dễ trở thành mục tiêu trộm cướp. Khi nền kinh tế dần mở rộng về quy mô, cộng với hạn chế trong công nghệ khai mỏ, 1 bộ phận người dân bắt đầu tích trữ kim loại quý dẫn đến tiền kim loại trong lưu thông ngày càng thiếu hụt. Thêm vào đó, triều đình đã bắt đầu cạn đồng để đáp ứng nhu cầu về lượng tiền quá khổ. Đến thời Đường, tình trạng này đã khiến nhiều người dùng đến các súc lụa như tiền tệ.

Giới thương gia nhà Đường thế kỷ thứ 9 đã né lượng tiền vướng víu bằng cách dùng hối phiếu, cụ thể họ ký thác tiền, tài sản, vàng bạc của mình ở kinh đô rồi cầm hối phiếu đi các tỉnh, đem về địa phương đổi lấy hàng hóa. Đến thời Tống, các thương gia địa phương cho thử nghiệm loại tiền in giấy đầu tiên – tiền Giao tử lưu hành ở Tứ Xuyên. Đây là 1 dạng tiền bản vị hay ngân phiếu (giấy chứng nhận đại diện cho 1 lượng kim loại quý nhất định) được đảm bảo bằng các khoản ký thác, có giá trị trong 3 năm kèm ngày phát hành và thu hồi. Về lý thuyết, người dân chỉ cần đem tiền đồng tới 1 nơi được chỉ định rồi cầm giấy chứng nhận, sau đó đem giấy tới nơi hợp pháp đổi lấy lượng tiền tương ứng. Tính gọn nhẹ giúp tiền giấy nhanh chóng chiếm tỉ lệ lớn trong xã hội TQ, dù cho nó dễ bị làm giả và sinh ra lạm phát trầm trọng khi phần lớn ko có khoản ký thác, mỗi lần như vậy triều đình thường phải thay bằng 1 dạng tiền mới. Nhà Tống cũng nghĩ ra nhiều biện pháp tinh vi ngăn nạn tiền giả như in nhiều màu, vẽ hình phức tạp lên tiền, trộn tơ vào giấy…

Dù sao thì giờ đây triều đình cũng nhẹ gánh lo về thiếu hụt tiền trong lưu thông. Tuy vậy cả nhà nước lẫn giới thương gia đều nhận ra việc in ngân phiếu sẽ làm giảm nhu cầu tiền đồng, điều này cho phép họ xuất tiền đồng sang 1 số nước như Nhật Bản – nơi đang lưu hành tiền đồng của TQ. Nhà nước càng in ngân phiếu bao nhiêu người ta càng muốn xuất tiền đồng ra bên ngoài bấy nhiêu, kết quả là đến thời Nguyên, tiền bản vị thoát ly khỏi tiền đồng và trở thành tiền pháp định (tồn tại song hành cùng tiền đồng và tiền giấy ký thác bằng lụa). Từ góc nhìn chính phủ, tiền hàng hóa (giá trị ngang với nguyên liệu làm ra chúng) như tiền đồng là 1 rắc rối, vì nhà nước ko thể hoàn toàn kiểm soát nguồn cung tiền, nền tiền tệ của quốc gia phải phụ thuộc vào biến cố ngẫu nhiên như đột ngột tìm thấy mỏ đồng khổng lồ ở đâu đó, chỉ cần 1 biến cố như vậy hệ thống tiền tệ sẽ chao đảo trong nháy mắt. Kiểu áp lực đó ko ảnh hưởng tới tiền pháp định, vì nhà nước gần như kiểm soát hết nguồn cung tiền. Song điểm mạnh cũng chính là tử huyệt của nó, nhất là trong thời kỳ kinh tế mà series đề cập: Chỉ cần chính phủ có 1 bước đi sai lầm cũng khiến tiền hóa thành những mảnh giấy lộn vô giá trị.

  • Khủng hoảng:

Vào năm 1368, Hoàng đế khai quốc nhà Minh Chu Nguyên Chương đánh đuổi người Mông Cổ và giành được thiên hạ, nhưng ông ngay lập tức chứng kiến 1 kho tàng trống rỗng cùng các mỏ đồng suy kiệt trên toàn cõi Trung Hoa. Thế là vào năm 1375 Hoàng đế ra lệnh phát hành tiền giấy với tên gọi “Đại Minh bảo sao” với 6 mệnh giá: 100, 200, 300, 400, 500 văn (1 văn bằng 1 đồng xu cổ) cùng 1 quán (1000 văn). Đến năm 1389 thì tiếp tục ban hành tiền với mệnh giá nhỏ hơn: 10, 20, 30, 40, 50 văn. Khác với tiền giấy thời Tống và Nguyên, tiền giấy nhà Minh ko có giới hạn thời gian hay địa lý gì cả. Ngụ ý rằng chúng sẽ lưu hành mãi mãi,”nhà Minh sẽ trường tồn và chấp nhận loại tiền này mãi mãi”.

Đầu thế kỷ 15, Hoàng đế Vĩnh Lạc ban lệnh cấm dùng vàng bạc trong mua bán để duy trì tiền giấy, nhưng vô nghĩa, tiền giấy nhà Minh ko được hỗ trợ bằng bất cứ hình thức dự trữ nào, ko đảm bảo giá bằng vàng bạc làm chúng mất giá thê thảm. Lạm phát tương đối sau 12 năm đầu ở ngưỡng 400%, tới năm 1404 là 10000%. Cùng lúc, giá đồng tăng vọt 1 cách tự nhiên do các mỏ đồng cạn kiệt, chi phí để đúc ra các đồng xu còn tốn kém hơn giá trị của chính chúng, vậy nên ko có nhiều tiền xu được phát hành (sản lượng đúc hằng năm chỉ bằng 3% thời Bắc Tống). Nhà Minh ưu ái tiền giấy cũng vì lý do này, cộng với nạn làm giả tràn lan càng làm tăng sự khan hiếm của đồng xu mới, khiến chúng mất giá trị trong vai trò 1 đồng tiền. Tiền đồng nhà Minh trở nên hiếm hoi đến nỗi ai ai cũng nghi ngại trong việc tiếp nhận chúng, mọi người có quá ít kinh nghiệm với loại tiền này để biết chúng là thật hay giả. Điều này giúp đẩy cao giá trị những loại tiền xu cũ, thứ mọi người biết rõ và tin tưởng. Ngay lập tức, nạn tiền giả tăng chóng mặt. Những đồng xu giả nhìn chung dễ dàng phân biệt bằng mắt thường, song các nhà buôn quá cần 1 phương thức thanh toán đến mức họ đành nhận luôn tiền giả, chỉ cần đi kèm 1 khoản phí chênh lệch.

Các thương nhân vơ vét tất cả những đồng xu, cả cũ cả giả mà họ tìm thấy, trong lúc giá trị tiền giấy tụt xuống mức thảm hại. Các Hoàng đế nhà Minh tiếp tục cấm tiền đồng vào các năm 1394, 1397, 1403, 1404, 1419, 1425, lần nào cũng thất bại, trong khi tiền giấy vẫn in ra 1 cách vô độ. Cần có phương tiện thanh toán, các nhà buôn và khách hàng đều quả quyết như vậy, họ sẽ dùng những loại tiền cũ cho đến khi đồng tiền hợp pháp của vị Hoàng đế được ban hành tới nơi. Căn cứ vào việc cạn đồng và quy trình chậm chạp của triều đình thì việc này sẽ mất 1 thời gian rất dài, rồi họ sẽ cố gắng dùng tiền của mình trước khi chúng bất thình lình bị cấm hay mất đi giá trị.

  • Lối thoát:

Đã từ lâu, bạc được xem là kim loại cực kỳ có giá (trước đó đã được các tỉnh đông nam chấp nhận như 1 phần các khoản thuế), chúng ít được dùng trong giao dịch bình thường do quá khan hiếm và đắt đỏ. Giờ đây tình hình đã xoay chuyển, tính bất định của các loại tiền đã lên tới mức các thương gia tuyệt vọng dần dà cầm theo những nén bạc nhỏ. Khi các nhà buôn gặp nhau, họ dùng bạc để mua bán, cân chúng bằng loại cân của các thợ kim hoàn, cắt phần bạc họ cần bằng 1 chiếc kéo đặc biệt để đánh giá độ tinh khiết nhờ những thợ bạc. Dù bất tiện, song hệ thống này vẫn tốt hơn nhiều việc dùng những đồng tiền có thể mất giá trị bất cứ lúc nào. Vào năm 1570 thời điểm đã hợp thức hóa việc tư nhân buôn bán với ngoại quốc, lượng giao dịch dùng tiền đồng trên thị trường chỉ còn chưa tới 1/10. Nguồn cung bạc hoàn toàn tư nhân hóa – điều khó tin ở 1 nơi như TQ. Bất kỳ ai có bạc đều được quyền yêu cầu thợ bạc cấp chứng nhận cho số bạc ấy, và lập tức mua được hàng. Trung Hoa đã bị “bạc hóa”.

1 cách do dự, cuối cùng triều đình phải công nhận hệ thống này tốt hơn hẳn sự èo uột suốt 200 năm qua. Hàng chục triệu người TQ có của đột nhiên thèm khát những thỏi bạc, thổi bùng lên 1 nhu cầu vô tận. Song các mỏ bạc TQ gần như đã cạn kiệt giống hệt các mỏ đồng, khiến các thương gia bế tắc trong việc kiếm đủ bạc để giao dịch bất cứ thứ gì. Họ phải trông cậy vào đám Nụy Khấu để tiếp cận nguồn bạc Nhật Bản, tặng Macau cho Bồ Đào Nha 1 cách vui vẻ để những con tàu chật ních bạc cập bờ TQ. Triều đình luôn lo sợ việc giao thương với bên ngoài sẽ làm tăng tài sản và quyền lực cho đám thương gia, nhưng buộc phải chấp nhận sự thật rằng bấy lâu nay đã đánh vào chính nguồn cung tiền của mình. Họ quyết định dung hòa mâu thuẫn, miễn cưỡng để giới thương gia Phúc Kiến tiến hành giao dịch với ngoại bang mà ko sợ bị trừng phạt.

  • Sóng triều ở Philippines:

Như bầy chim sổ lồng, ngay lập tức hàng chục nghìn người, từ những đại gia đình tiếng tăm đến nông dân cơ hàn ùn ùn tham gia vào hải thương. Chỉ sau 4 năm, đã có hàng trăm người TQ cư ngụ ở Manila trước cả khi Tây Ban Nha thiết lập thuộc địa. Khi trông thấy những đội galleon Tây Ban Nha chật cứng bạc kéo tới từ phía đông, những Hoa kiều này ko nghĩ gì khác ngoài 1 món quà ông trời ban tặng. Đợt sóng di cư cuối thời Minh khiến người TQ bấy giờ cơ bản đã tràn khắp Đông Nam Á, 1 bộ phận còn theo nhiều cách khác nhau đến được tân thế giới của Tây Ban Nha, nhiều năm trước khi người Mãn nhập quan kéo theo đợt di cư kế tiếp còn dữ dội hơn nhiều. Cũng trong lúc này, thương gia TQ ở Đông Nam Á mục kích những thương thuyền đến từ đối tác bạc của họ – Nhật Bản. Song ko như các thương thuyền Nhật rồi sẽ sớm về quê hương, những Hoa kiều rời khỏi TQ kể từ sắc lệnh ở Phúc Kiến đã ko còn trong tầm tay triều đình, với họ chỉ thị của 1 vị Hoàng đế lạ lẫm nào đó giờ đây chẳng có ý nghĩa gì, những người Trung Hoa ly hương đã mọc rễ ở bản quốc.

—————————————–

Tham khảo: Wiki, Charles C.Mann, Peter Frankopan.

Phần 4: Châu ấn thuyền.

4

  • Chuyến viếng thăm của tàu Liefde:

Năm 1598, 5 con tàu Hà Lan với những cái tên đầy hứng khởi: Liefde (Tình yêu), Hoope (Hy vọng), Geloof (Niềm tin), Trouw (Kiên trung), Blijde Boodschap (Tin tốt đẹp) rời Hà Lan hướng về bờ tây Nam Mỹ, với mục tiêu trao đổi hàng hóa lấy bạc Tây Ban Nha, và nếu ko thành thì vượt Thái Bình Dương sang mua bạc Nhật Bản. 4 tàu trong số đó lần lượt bị bão đánh chìm, bị Liên minh Iberia chiếm giữ hoặc bỏ cuộc quay về nước. Cuối cùng sau 19 tháng lênh đênh, chỉ còn tàu Liefde dạt vào Nhật Bản tháng 4/1600 trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, chở theo 23 người ốm yếu và cận kề cái chết.

Cuộc đổ bộ của kẻ thù truyền kiếp Hà Lan ngay lập tức làm người Bồ Đào Nha lo sợ, họ loan tin đây là cướp biển, hối thúc Tokugawa Ieyasu xử tử hết đám người này. Ieyasu, khi đó là Daimyo của Edo và 1 trong những Nhiếp chính cho Toyotomi Hideyori (con trai nhỏ của Hideyoshi) tống giam tất cả trong thành Osaka. Tịch thu tàu Liefde (bị chìm ngay sau đó trong quá trình lai dắt), 11 rương hàng hóa thương mại, 19 khẩu pháo cùng 500 súng hỏa mai. Mặc cho bao thúc giục, Ieyasu ko hề nghi kỵ đám tù nhân ngoại quốc, trái lại ông còn tò mò về họ. Đặc biệt là với 1 người sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về đóng tàu, toán học, kỹ thuật hàng hải, tên là William Adams.

William cùng vài người khác đã được Tokugawa Ieyasu triệu kiến 3 lần. Ieyasu hỏi họ rất nhiều thứ, từ việc họ đến nơi xa xôi này làm gì, quê hương họ ở đâu hay trông như thế nào? Cho đến việc họ tới đây bằng cách nào, con đường gì? Họ tin vào điều gì hay đất nước của họ đang chiến tranh với ai? Từ điều này sang điều khác, những tường thuật của William làm Ieyasu chăm chú đến tận nửa đêm. Hôm sau, ông thả đám tù nhân và tặng thưởng hậu hĩnh cho họ, cũng như cho phép tất cả buôn bán ở Nhật. Hầu hết thủy thủ còn sống của tàu Liefde rời Nhật trước năm 1605, riêng William cùng 2 người Hà Lan khác bị giữ lại. William được giao trọng trách giúp đóng những con tàu kiểu phương tây đầu tiên của Nhật Bản. Qua thời gian, anh ta chiếm được sự tín nhiệm của Ieyasu, hưởng những đặc quyền mà ngay cả các cận thần Nhật Bản cũng phải ghen tỵ. Ieyasu cho phép William đến thăm bất cứ khi nào, cùng nhau đàm đạo về khoa học kỹ thuật cũng như văn minh phương tây. Trao chức cố vấn ngoại giao và thương mại cho mọi vấn đề về ngoại giao châu Âu, ban tặng 2 thanh kiếm đại diện cho uy quyền của Samurai. Ieyasu ra lệnh William Adams đã ko còn và Miura Anjin – 1 Samurai được sinh ra, 1 cách “giải phóng” và khiến William ở lại phục vụ ông vĩnh viễn.

  • Hà Lan tìm được chỗ đứng:

Dĩ nhiên trong câu chuyện vừa rồi, việc Tokugawa Ieyasu trọng dụng người như William là có cơ sở. Vào thời điểm tàu Liefde đổ bộ Nhật Bản, Ieyasu đang ráo riết chuẩn bị cho trận đại chiến Sekigahara chống lại phe cánh nhà Toyotomi. 2 năm trước, Toyotomi Hideyoshi qua đời, ông được kế vị bởi con trai Toyotomi Hideyori chỉ mới 5 tuổi. Trước khi mất, Hideyoshi triệu tập 1 cuộc họp quyết định 5 Tairo (Nhiếp chính) chịu trách nhiệm chính sự cho Hideyori – Ieyasu là 1 trong số đó, cũng là thế lực mạnh nhất. Để leo lên nấc thang quyền lực, Ieyasu liên thủ với rất nhiều Daimyo khác – những người cũng có quan điểm chống Toyotomi. Ông gặp may mắn khi Maeda Toshiie – người cao tuổi nhất và được kính trọng nhất trong các Nhiếp chính qua đời năm 1599, dẫn đến việc Ieyasu chiếm giữ Osaka vốn là nơi ở của Hideyori. Phe cánh chống Ieyasu tập trung quanh Ishida Mitsunari – 1 Daimyo hùng mạnh nhưng ko nằm trong các Nhiếp chính, chia gần như toàn bộ các Daimyo Nhật Bản thành 2 thế lực: Phe Ieyasu (Đông quân) và phe Mitsunari (Tây quân). Kết quả thì ai cũng rõ: Mitsunari đại bại ở Sekigahara, đưa Ieyasu lên ngôi vị Shogun 3 năm sau đó. Thời kỳ Chiến Quốc đi đến hồi kết, kỷ nguyên Mạc phủ Tokugawa mở ra và thống trị Nhật Bản trong 250 năm tiếp theo.

Khi tình hình nước Nhật đã cơ bản ổn định, Ieyasu hướng tầm mắt sang hoạt động thương nghiệp cũng như quan hệ với các thế lực ngoại quốc. Đến thời điểm này sau hơn 50 năm, chỉ có Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là các nước phương tây duy nhất đến Nhật Bản. Điều này khiến Ieyasu ko khỏi trăn trở, bởi hoạt động thương nghiệp của 2 nước Iberia luôn đi kèm sự truyền giáo. Khi tàu Liefde đến, William đã bày tỏ với Ieyasu về nguyện vọng của Hà Lan: Chống lại 2 nước Iberia, hòa bình với mọi quốc gia khác. Song điều khiến Ieyasu ưng ý nhất là việc đức tính của người Hà Lan dường như rất hợp để giao dịch với Nhật Bản: Thương gia Hà Lan theo Tin lành, họ ko hề đặt nặng chuyện tôn giáo hay các chế điển cầu kỳ như người Công giáo Iberia. Những kẻ này cũng rất có máu con buôn, quy đổi mọi thứ trên đời ra lợi nhuận và trong mắt họ chỉ có lợi ích kinh tế là cao cả nhất, với thương nhân Hà Lan thì có vẻ Chúa là Tiền!

Năm 1604, Tokugawa Ieyasu cử 2 cựu thành viên tàu Liefde sang Batavia liên lạc với công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), mời gọi Hà Lan sang Nhật giao thương phá thế độc tôn của bán đảo Iberia. Do chiến tranh với 2 nước Iberia và tiềm lực ở châu Á còn hạn chế, phải tới năm 1609 VOC mới cử 2 tàu đến Nhật cùng quốc thư từ Hoàng tử Maurice xứ Nassau, bắt đầu cho quan hệ thân thiết Nhật – Hà Lan kéo dài đến tận thế chiến 2. VOC lập tức được hưởng nhiều ưu đãi và cấp quyền thành lập nhà máy ở đảo Hirado, cho phép tự do kinh doanh trên khắp Nhật Bản. 2 nước Iberia thì ngược lại, ngày càng bị o ép và chỉ được giao dịch ở Nagasaki. Nghĩa là chỉ sau vài năm, Hà Lan đã làm được điều mà người Iberia ao ước suốt 60 năm trước đó! Nối bước Hà Lan, 1 nước châu Âu khác cũng thù ghét Tây Ban Nha ko kém xâm nhập Nhật Bản – Anh Quốc. Năm 1613, công ty Đông Ấn Anh (EIC) cử tàu Đinh hương (Clove) đến Nhật đáp lại sự mời gọi của William Adams – vốn là 1 người Anh. Cũng như VOC, EIC lập tức được cấp quyền thương mại ở Nhật. Nhật Bản giờ đây gần như sẵn sàng giao dịch với bất cứ đối tác phương tây nào, chỉ cần họ giống Hà Lan: Tập trung vào thương mại và đừng cải đạo cho bất cứ ai ở Nhật.

  • Xâm lăng Lưu Cầu:

Kể từ sự kiện Ninh Ba và cuộc chiến Nhâm Thìn, Nhật Bản xem như đã bị loại khỏi việc giao thương 1 cách tử tế với 2 nước láng giềng Đông Á. Do vậy để xác lập ảnh hưởng lên các quốc gia khác, Nhật trước tiên phải đi vào vùng thương mại Đông Nam Á rồi vươn xa hơn nữa! Đây ko chỉ là dự tính của Ieyasu mà là cả Toyotomi Hideyoshi trước đó. Nên vào năm 1592, cùng thời điểm với cuộc xâm lăng Triều Tiên, những đội tàu buôn vũ trang sơ khởi của Nhật đã bắt đầu xâm nhập Đông Nam Á. Trước đó nữa vào năm 1577, các thương thuyền Nhật đầu tiên đã cập vào đất Thuận Quảng dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nạn cướp biển Nụy Khấu vốn làm mưa làm gió 1 thời nay bỗng lắng xuống 1 cách kỳ diệu, ngay sau quyết định của triều đình nhà Minh thả tự do cho thương nhân Phúc Kiến. Việc Trung Hoa hợp thức hóa hải thương khiến hành động buôn lậu giờ đây ko còn ý nghĩa, dẫn đến việc các nhóm hải tặc có gốc gác thương nhân hết đất diễn, chỉ còn lại đám cướp biển – Nụy Khấu thực sự, những kẻ rồi cũng sớm lụi tàn! Tuy nhiên, nếu Nhật muốn chen vào hải thương Đông Nam Á 1 cách trọn vẹn thì cần giải quyết 1 vật cản: Vương quốc Lưu Cầu.

Lưu Cầu (Ryukyu) là 1 cường quốc hải thương ở Đông Á thế kỷ 15-16. Họ chỉ là đảo quốc nhỏ bé, dân số và tài nguyên ít ỏi nhưng bù lại, nước này có ưu thế nằm trên vùng hải lộ nhộn nhịp Đông Á-Đông Nam Á. Nhờ việc chiếm vị trí đẹp trong giao thương, Lưu Cầu tự biến mình thành quốc gia có ưu thế về thương mại hàng hải, nơi tàu buôn 3 nước Đông Á và 1 số nước Đông Nam Á khác ghé đến và giao dịch thường xuyên. Chiều ngược lại, người Lưu Cầu cũng chủ động tìm về Đông Á hay Đông Nam Á để trao đổi buôn bán. Vị thế Lưu Cầu có nét tương tự với Nhật ngày trước: Đều là những quốc đảo phía đông và là “mâm dưới” trong hệ thống chư hầu TQ (Lưu Cầu thậm chí 10 năm được cống 1 lần). Sau mỗi lần cống, Lưu Cầu sẽ được triều đình Trung Hoa tặng nhiều vật phẩm giá trị, gồm cả những tàu đi biển cỡ lớn mà TQ ko dùng do lệnh cấm hải. Với 1 nước nhỏ như Lưu Cầu, lợi ích họ nhận được từ việc tiến cống nhà Minh gần như là vô giá. Nên dù địa thế xa xôi cách trở hay mang phận chư hầu chiếu dưới, Lưu Cầu vẫn trung thành với Trung Hoa.

Qua thời gian và đi cùng sự cạnh tranh quyết liệt từ các tàu phương tây, hoạt động thương nghiệp vốn rất thịnh vượng của Lưu Cầu ngày trước nay đã phải chùng xuống. Vậy nhưng trong mắt Ieyasu, quốc đảo này vẫn là chướng ngại cần xử lý nếu muốn xâm nhập Đông Nam Á 1 cách vẹn toàn. Năm 1609, Tokugawa Ieyasu cho phép phiên Satsuma của gia tộc Shimazu tiến hành viễn chinh Lưu Cầu, với lý do họ đã trợ giúp quá ít cho cuộc xâm lược Triều Tiên khi được Nhật Bản đề nghị. Sở dĩ phiên Satsuma được trao quyền thực hiện chiến dịch là bởi gia tộc Shimazu đã có liên kết lâu đời về ngoại giao/kinh tế với quần đảo Ryukyu qua hàng thế kỷ, nên chỉ họ mới sở hữu hạm đội đủ lớn và đủ gần cho cuộc viễn chinh, đồng thời nắm rõ những yếu điểm của quân đội Lưu Cầu.

Tháng 3/1609, quân viễn chinh Satsuma nhổ neo với khoảng 100 tàu cùng 3000 quân – lực lượng ko nhiều, nhưng chừng đó là đủ để đánh gục tiểu quốc Lưu Cầu vốn cũng chỉ có trên 3000 quân bảo vệ đô thành Shuri. Đây là 1 thảm họa cho Lưu Cầu: Quân Satsuma đã bắt quốc vương Sho Nei cùng hơn 100 triều thần, án ti đem về Nhật Bản. Lưu Cầu bị buộc trở thành chư hầu của nhà Shimazu, trong khi vẫn được phép giữ quan hệ triều cống với TQ. Điều khoản cũng quy định người Lưu Cầu nay chỉ được phép buôn bán với ngoại quốc chừng nào được phiên Satsuma chấp thuận. Phải đến năm 1879 sau cuộc Minh Trị Duy tân Lưu Cầu mới bị sáp nhập (tỉnh Okinawa), họ vẫn độc lập về danh nghĩa, cấu trúc chính quyền và dòng dõi tông thất ko có gì xáo trộn. Nhưng giờ đây mọi bước đi của Lưu Cầu đều ko còn theo ý họ nữa, quốc đảo này đã vĩnh viễn chia tay với quá khứ hoàng kim của thương mại hàng hải.

  • Hệ thống Châu ấn thuyền:

Lưu Cầu gần như đã bị loại khỏi dòng chảy thương nghiệp, khiến chặng đường đưa tàu buôn Nhật vào Đông Nam Á chưa bao giờ dễ dàng đến thế – vì quần đảo Ryukyu là 1 trạm trung chuyển giá trị cho những hải trình hàng nghìn km băng đại dương. Người Nhật cũng tham khảo những trải nghiệm của Lưu Cầu trong thương mại Đông Nam Á, vì tổng cộng đã có 150 tàu Lưu Cầu được ghi nhận giao dịch với Đông Nam Á trong thế kỷ 15-16 (61 tàu đến Đại Việt, 10 đến Malacca, 8 đến Java…). Trên thực tế, tàu buôn Nhật vẫn có thể giao dịch nhiều nơi ở Đông Nam Á mà ko phụ thuộc vào kết quả cuộc viễn chinh Lưu Cầu, song việc loại bỏ 1 đối trọng có kinh nghiệm và án ngưỡng cửa vào Đông Nam Á như Lưu Cầu đã giúp thương gia Nhật đi xa hơn ở phía nam.

Sớm nhất là từ năm 1592 dưới thời Hideyoshi, những đội tàu buôn Nhật có vũ trang (Châu ấn thuyền) đã xuất hiện, tuy nhiên thứ làm nên thương hiệu của nó – những giấy phép có dấu triện đỏ (Ngự chu ấn trạng) thì phải đến 1604 mới ra đời. Tokugawa Ieyasu đã ban hành những giấy phép đầu tiên, với dấu triện do chính tay vị Shogun đóng cho các thân phiên, gia đình thương nhân có uy tín hay các nhà buôn cá nhân đáng tin cậy. Giấy phép này vừa giúp quản lý hoạt động xuất nhập cảng (phải có nó mới được ra nước ngoài buôn bán cũng như trở về, tàu buôn ngoại quốc cũng phải có để giao dịch ở Nhật Bản), vừa giúp các thương nhân bảo vệ mình tốt hơn trước cướp biển hay cả những quốc gia thù địch, vì các Shogun đã bảo hộ tàu buôn Nhật Bản bằng quyền lực và uy tín của bản thân. Trong thời gian đầu, các đối tác phương tây cũng như phần lớn quốc gia bản địa Đông Nam Á cơ bản đều tán thành và bảo vệ Châu ấn thuyền, vì dù ít hay nhiều tất cả các nhà cai trị này đều có quan hệ tốt với Mạc phủ Tokugawa, và đều hưởng lợi từ hoạt động thương nghiệp của Nhật Bản. Bên cạnh các thương gia Nhật, 11 người TQ và 12 người phương tây khác cũng sở hữu Ngự chu ấn trạng. Nổi bật là 2 cựu thành viên tàu Liefde: William Adams và Jan Joosten, cá biệt, Jan Joosten còn sở hữu tới 10 tàu để buôn bán. Trong khi William Adams đã giao dịch ở cả Đàng Trong, Đàng Ngoài và Ayutthaya với dấu triện từ Mạc phủ Tokugawa.

  • Thiết kế, nhân sự và hàng hóa giao dịch:

1 Châu ấn thuyền thông thường có tải trọng khoảng 500-750 tấn, nhỏ hơn các tàu buôn tiêu chuẩn châu Âu ở Đông Á, mớn nước thấp giúp nó dễ dàng hơn khi buôn bán ở khu vực cửa sông hay vùng nước ven bờ, trong khi vẫn đủ rộng để mang nhiều hàng hóa hay vật tư dự trữ. Những con tàu này được đóng ở nhiều nơi khác nhau trên khắp các lãnh địa Daimyo Nhật Bản, kể cả ở trạm giao dịch của người Nhật ở Ayutthaya (vì chất lượng gỗ Xiêm và vì người Thái đặt hàng). Nhưng phần lớn chúng xuất xưởng ở 1 nơi có tính quốc tế cao là Nagasaki, kết hợp các thiết kế thân tàu, cánh buồm và cả vũ khí giữa phương tây, Nhật Bản và Trung Hoa. Yếu tố châu Âu trong từng chiếc tàu buôn thực sự đã khơi dậy các chuyến hải trình mạo hiểm của Châu ấn thuyền.

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng thủy thủ đoàn Châu ấn thuyền chỉ có các thương gia Nhật, trên thực tế thành phần nhân sự Châu ấn thuyền có tính quốc tế khá cao. Mọi vị trí từ hoa tiêu, lái tàu, thông dịch cho đến phu khuân vác đều có sự hiện diện đại trà của người Trung Hoa, Lưu Cầu, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Khi tàu buôn Nhật bắt đầu mon men xâm nhập Đông Nam Á, mọi Châu ấn thuyền đều phải có hoa tiêu và lái tàu người Bồ Đào Nha – vì họ thông thuộc vùng biển này hơn người Nhật. Các hải đồ mà Bồ Đào Nha dùng ở châu Á cũng là nguồn tham khảo để người Nhật vẽ nên hải đồ của riêng mình, với các ghi chú địa danh bằng tiếng Nhật. Qua thời gian cùng quan hệ xấu đi với Bồ Đào Nha, Nhật Bản bắt đầu tin dùng các cố vấn Hà Lan hoặc tự phát triển kỹ thuật hàng hải của riêng mình.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của người Nhật trong thương mại Châu ấn thuyền là bạc, kim cương, đồng, sắt, lưu huỳnh, giấy, kiếm, đồ sơn mài và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ… trong khi các hàng hóa nổi bật họ mua là lụa và đồ sứ Trung Hoa ở Philippines, gia vị ở Malacca và quần đảo Indo, trầm hương và kỳ nam ở xứ Đàng Trong, gỗ tô mộc và da hươu ở Ayutthaya… cả 1 số loại trái cây còn lạ lẫm với người Nhật như chuối, mít, sầu riêng… trong số đó, lượng tàu Nhật cập cảng Đàng Trong là nhiều hơn cả (87 tàu, chưa kể những chiếc ko có giấy phép trước năm 1604). Kế đến là Ayutthaya (56 tàu), Philippines (54 tàu), Campuchia (44 tàu), Đàng Ngoài (37 tàu), đảo Đài Loan (35 tàu)… tất cả tính trong giai đoạn 1604-1635. Cũng trong thời gian trên, tổng cộng đã có 350 Châu ấn thuyền rời Nhật Bản, tức trung bình 10 tàu mỗi năm, giá trị hàng xuất khẩu khoảng 1.053.750 kg bạc. Có thể so sánh, vào cùng giai đoạn thì tàu Bồ Đào Nha trong Mậu dịch Nanban cũng chỉ xuất ngang 813.375 kg bạc, tàu Trung Hoa của thương nhân Phúc Kiến là 429.825 kg, tàu Hà Lan là 286.245 kg.

  • Châu ấn thuyền và thương cảng Hội An:

Hội An là 1 tâm điểm thương mại của tàu buôn Nhật Bản, ko chỉ ở Việt Nam mà là cả Đông Nam Á. Theo thống kê Hội An đã tiếp đến 71 Châu ấn thuyền, tính từ giai đoạn 1601 khi Chúa Nguyễn Hoàng gửi quốc thư cho Tokugawa Ieyasu đến 1635 khi Mạc phủ ban lệnh tỏa quốc. Ko chỉ riêng với thương gia Nhật, mà các đời Chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17 còn thi hành những chính sách rất cởi mở nhằm thu hút tàu ngoại quốc đến buôn bán ở Đàng Trong, bởi các Chúa đang cần thêm sức mạnh để chống lại thế lực họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Trong số đó tàu buôn Nhật được ưu ái hơn cả bởi khác với người châu Âu, Nhật là nước đồng văn và họ hầu như đến đây chỉ để buôn bán (mặc dù cũng có 1 số thương gia Nhật là nhà truyền giáo Dòng tên). Địa lý xa xôi khiến người Nhật dễ chiếm được lòng tin hơn người TQ ở Đông Nam Á, vì họ ko thể xâm nhập Đông Nam Á với số lượng lớn nên ko thể là mối đe dọa tiềm tàng.

Câu chuyện của những người Nhật ở Hội An bắt đầu với nhân vật Shirahama Kenki, Kenki là 1 thương gia-cướp biển người Nhật đã đến Đàng Trong với 5 tàu vào năm 1585, tiến hành cướp bóc tàu buôn ngoại quốc và cướp phá các vùng ven biển. Kenki bỏ chạy khi bị ít nhất 10 tàu chỉ huy bởi Nguyễn Phúc Nguyên – công tử thứ 6 của Chúa Nguyễn Hoàng tấn công, phá hủy 2 tàu hải tặc. 14 năm sau, tàu của Kenki bị đắm gần cảng Thuận An trong 1 chuyến giao dịch ở Đàng Trong, ông bị bắt và bỏ tù. Chúa Nguyễn Hoàng đã gửi thư cho vị Shogun mới của Nhật Bản – Tokugawa Ieyasu hỏi cách đối phó với những nhân vật như Kenki trong tương lai. Chúa Nguyễn Hoàng mong Ieyasu bỏ qua nhầm lẫn và tiếp tục cử tàu đến Đàng Trong buôn bán, vì “Hiển Quý (Kenki) là 1 thương gia tốt”!

Chúa Nguyễn cho phép thương gia 2 nước Nhật và Trung Hoa tìm địa điểm thích hợp để dựng phố buôn bán lâu dài, từ đó ra đời phố Nhật và phố Khách (của người Hoa) ở Hội An. Hội An được xem là vị trí đẹp, vì nơi này nằm trên thương lộ quan trọng TQ-Đông Nam Á, được che chắn bởi cù lao Chàm, lại cách ko xa dinh trấn Quảng Nam – thủ phủ thứ 2 của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Điều kiện thuận lợi đã giúp Hội An trở thành nơi có tính quốc tế cao suốt thế kỷ 17-18, vị thế có nét tương tự với Nagasaki ở Nhật Bản, dù rằng tầm mức phát triển về thương nghiệp và đô thị ở Đàng Trong còn hạn chế, khiến Hội An vẫn chỉ là thương cảng mang tầm khu vực. Khi cảng thị được thành lập đầu thế kỷ 17, người Nhật đã ở đó từ trước và là những người ngoại quốc đầu tiên sống ở khu vực này. Qua thời gian, các thương gia Nhật được Chúa Nguyễn ưu ái về mọi mặt: Họ ko bị kiểm soát, được tự do buôn bán và chỉ phải nộp thuế với mức thấp, thậm chí được các Chúa tin tưởng trao cho những vị trí quan trọng. Vào thời đỉnh cao, phố Nhật ở Hội An có khoảng hơn 1000 kiều dân Nhật định cư, và có 10 dòng họ thương gia giàu có mang quan hệ thân thiết với Mạc phủ đến buôn bán.

Hệ thống Châu ấn thuyền chính thức khép lại năm 1635 với lệnh tỏa quốc của Mạc phủ, thương gia Nhật bị buộc trở về quê hương và ko 1 tàu buôn nào được phép xuất ngoại nữa. Những cơ sở kinh doanh của người Nhật phần lớn bị mua lại bởi các thương nhân Trung Hoa, song phố Nhật hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn. Rồi sau những cuộc chiến liên miên của nhà Tây Sơn cuối thế kỷ 18, người Việt và người Hoa tái thiết lại đô thị Hội An theo khả năng và cách làm của riêng mình, xóa sổ gần như toàn bộ dấu ấn Nhật Bản. Chỉ còn lại Chùa Cầu hay cầu Nhật Bản – công trình được các thương gia Nhật góp tiền xây nhằm trấn yểm thủy quái Namazu gây động đất và lụt lội. Dù cho qua nhiều lần trùng tu Chùa Cầu đã mất đi các yếu tố Nhật, thay vào đó là kiến trúc mang phong cách Việt-Trung.

  • Người Nhật hồi hương:

Giữa thập niên 1630 ở vùng phụ cận Nagasaki xảy ra biến cố: Các thương nhân, thợ thủ công, nông dân, ngư dân và cả Ronin vô chủ, vì chịu ảnh hưởng từ nạn đói và bất mãn với chế độ thuế khóa nặng nề đã nổi dậy chống lại Mạc phủ Tokugawa. Sự kiện này diễn ra chủ yếu ở 2 khu vực: Bán đảo Shimabara và quần đảo Amakusa (nên được gọi là khởi nghĩa Shimabara). Nguồn cơn của cuộc nổi dậy đã nhen nhóm từ nhiều năm trước khi Shimabara là phiên thuộc của nhà Arima – vốn là tín đồ Công giáo, vì lẽ đó, có rất nhiều cư dân ở Shimabara và cả vùng xung quanh là Kitô hữu. Khi nhà Arima bị chuyển đi năm 1614 và thay thế bởi gia tộc Matsukura, vị Daimyo mới – Matsukura Shigemasa đã hy vọng thăng tiến trong hệ thống cấp bậc Mạc phủ bằng cách tham gia nhiều dự án tốn kém: Như xây dựng và mở rộng lâu đài Edo, chống lại thực dân Tây Ban Nha ở Philippines, xây cất 1 số lâu đài mới ở Shimabara. Kết quả là nhà Matsukura đã đặt 1 gánh nặng thuế khóa quá khổ lên lưng người dân của mình, cộng với việc Mạc phủ đã bắt đầu đàn áp khốc liệt cư dân Công giáo – trước đây vẫn khá yên ổn dưới thời Arima hay Tokugawa Ieyasu. Chính sách của phiên Shimabara đã làm lớp lớp dân địa phương căm phẫn và tiến hành nổi dậy, với lực lượng nòng cốt là người Công giáo. Họ chọn Amakusa Shiro – 1 thiếu niên 16 tuổi có uy tín làm thủ lĩnh.

Tháng 12/1637, quân nổi dậy của Amakusa Shiro tiến hành vây hãm lâu đài Tomioka và Hondo của nhà Terasawa, nhưng đã vượt biển rút sang bán đảo Shimabara khi quân từ các phiên lân cận vùng Kyushu tràn đến. Sau nỗ lực ko thành trong việc chiếm thành Shimabara, quân của Shiro tập trung tại thành Hara (vốn trước đây của nhà Arima) và cố thủ khu vực này, dựng phòng tuyến từ gỗ các con tàu họ dùng để vượt biển. Lượng lương thực cùng vũ khí mà quân Shiro cướp được của nhà Matsukura đã giúp thành Hara gây tổn thất đáng kể cho quân Mạc phủ, kể cả khi Mạc phủ được giúp sức bởi 2 tàu Hà Lan từ Hirado. Tháng 4/1638, khi tương quan lực lượng là khoảng hơn 27.000 phiến quân đối mặt 125.000 binh sĩ Mạc phủ, thành Hara sụp đổ khi quân nổi dậy đã cạn kiệt thức ăn và thuốc súng. Quân Mạc phủ chém đầu khoảng 37.000 phiến quân và những kẻ có liên hệ, toàn bộ quần thể thành Hara bị thiêu rụi và chôn vùi cùng thi thể tất cả những ai đã chết.

Quả quyết rằng 2 nước Iberia đã kích động và hỗ trợ quân phiến loạn, Mạc phủ càng tăng thêm quyết tâm thi hành chính sách tỏa quốc mà mình theo đuổi. Tất cả người Bồ Đào Nha lập tức bị trục xuất, việc thực hành đạo Công giáo bị cấm trên toàn nước Nhật. Riêng Hà Lan, vốn đã trợ giúp Mạc phủ chống lại quân nổi dậy và chiếm được sự tin tưởng, trở thành nước châu Âu duy nhất được quyền tiếp cận Nhật Bản (người Anh đã rời Nhật năm 1623 vì kinh doanh thua lỗ). Tuy nhiên, mối hiểm họa của Hà Lan lại ko đến từ tôn giáo mà từ 1 thứ khác còn nguy hiểm hơn – vũ khí và các tư tưởng phương tây. Kết cục là vào năm 1641 người Hà Lan bị buộc rời Hirado, được cấp thương điếm mới là đảo nhân tạo Dejima ở Nagasaki – nơi trước đó được xây cho Bồ Đào Nha nhằm tách biệt các tư tưởng ngoại lai khỏi xã hội Nhật Bản. Suốt hơn 200 năm kế tiếp, mảnh đất nhỏ bé và dường như vô hại của Hà Lan trở thành đầu cầu duy nhất nối Nhật với thế giới bên ngoài. Nagasaki, dù đã được biến tấu thành nơi hoàn hảo cho việc cô lập các nhóm người cũng như vũ khí, nhưng lại ko hề được thiết kế để ngăn trừ các ý tưởng, và những cư dân thành thị hiếu kỳ đã chẳng thể ngồi yên khi sống cạnh đám người ngoại quốc.

—————————————–

Tham khảo: Wiki, quora, Bảo tàng lịch sử quốc gia.

Phần 5: Cách mạng ẩm thực

5

Trong kho tàng điển tích Việt Nam có lưu truyền câu chuyện của cụ Phùng Khắc Khoan (tục gọi là Trạng Bùng) đi sứ sang nhà Minh cuối thế kỷ 16 thời Hoàng đế Vạn Lịch. Theo tích này thì dạo ấy khoảng tháng 3/1597, đoàn sứ của cụ Phùng, suốt chặng đường từ xứ Lưỡng Quảng lên Bắc Kinh đã trông thấy rất nhiều sườn đồi, triền núi Trung Hoa xào xạc 1 thứ cây trồng xanh ngắt. Lấy làm lạ ko biết là cây gì, cụ bèn lân la dò hỏi. Mãi về sau mới biết đó là “Ngọc mễ” theo cách gọi của Trung Hoa, 1 hạt to gấp mấy lần hạt gạo, có thể làm cây lương thực thay gạo trong khi vẫn phát triển tốt ở những khu vực ko đủ điều kiện canh tác lúa nước hay lúa mì. Cụ Phùng nghĩ:”Dân nơi đây có tới hàng vạn, hàng triệu người sống chỉ bằng thứ ‘gạo ngọc’ này, nên phải tìm mọi cách chuyển hạt giống về nước để giúp người dân”!

Ở đô thành Bắc Kinh, nhờ tài năng đối đáp và học vấn uyên thâm, Phùng Khắc Khoan đã khiến Hoàng đế Vạn Lịch hết lời khen ngợi, cho là kỳ tài hiếm có, phê rằng:”Thế mới biết, nhân tài không đâu là không có”! Khi trở về, Hoàng đế đãi sứ đoàn 1 bữa yến sào thịnh soạn, cụ Phùng chối từ:”Tâu Hoàng thượng, thần bấy lâu nay ăn Ngọc mễ đã quen dạ, xin phép ăn thay yến”! Vua Minh tin là thật, sai người mang cho ông 1 bát Ngọc mễ ngon lành. Cụ Phùng còn xin phép đem theo thật nhiều Ngọc mễ để ăn dọc đường, Hoàng đế ưng thuận. Kể từ đó, hằng ngày Phùng Khắc Khoan ăn 1 bữa, nhịn 1 bữa, dành dụm thật nhiều hạt giống đem về nước. Xui rủi thay khi gần đến Ải Nam Quan, đoàn sứ bị 1 tốp lính phi ngựa tới chặn lại, họ nói:”Thưa tiên sinh, pháp lệnh của Hoàng thượng không cho phép mang hạt giống này ra khỏi biên giới”!

Chẳng còn cách nào khác, cụ Phùng đành phải vốc 1 nắm Ngọc mễ nhét vội vào áo, còn lại bao nhiêu dỡ cả xuống đường cho đám quan quân. Khi đến chỗ vắng, ông lệnh cho cả sứ đoàn:”Ở đây có thứ gạo quý dễ trồng, năng suất cao, nên bằng cách nào cũng phải đưa 1 ít về làm giống. Mỗi người phải mang về cho được 2 hạt”! Khi tất cả đã giấu Ngọc mễ vào đâu đó trên người, họ tiến vào Ải Nam Quan. Ở quan ải, quân Minh khám xét kỹ càng, từ đầu đến chân, tuyệt nhiên ko tìm thấy gì. Mãi đến khi vào địa phận Đại Việt, sứ đoàn mới thở phào nhẹ nhõm. Vì hạt Ngọc mễ này phát tích từ đất Ngô nên gọi là “lúa Ngô”, về sau đọc thành Ngô (người Việt thế kỷ 15-17 từng gọi TQ là “Ngô” vì nhà Minh vốn dựng nghiệp ở đất Ngô). Trong khi miền nam gọi là Bắp vì “Bắp” là từ để chỉ những thứ có hình dạng tròn dài, 2 đầu thuôn lại.

  • Bài toán nông sản:

Câu chuyện sứ đoàn Đại Việt lén mang hạt ngô về nước rất hấp dẫn, nhưng vẫn chỉ là giai thoại. Vì theo Vân đài loại ngữ, đoàn sứ của Trần Thế Vinh đi sứ Trung Hoa thời Khang Hy mãi 100 năm sau đó mới mang ngô về nhân giống ở Việt Nam. Các thế hệ sau nếu gieo trồng cũng ko phát triển tốt nếu chỉ có vài hạt, và người Việt cũng hoàn toàn có thể tuồn hạt giống về nước bằng đường cửu vạn. Tuy nhiên thông qua câu chuyện này hay cả trong thực tế, ta đều nhận thấy triều đình Trung Hoa quý trọng Ngọc mễ đến mức nào đúng như tên gọi của nó. Càng đặc biệt hơn khi ở thời điểm cụ Phùng đi sứ, người TQ mới chỉ biết đến Ngọc mễ ngót nghét 40 năm. Nó đã du nhập từ người Bồ Đào Nha khi họ sở hữu Macau năm 1557, chính người Bồ lại lấy nó từ người Tây Ban Nha kiểm soát vùng Trung Mỹ, đất cũ Đế chế Aztec – quê hương của Ngọc mễ.

Vào thời điểm bắt đầu canh tác ngô đại trà, TQ là nước đông dân nhất, sở hữu thành phố lớn nhất và chiếm 1/4 dân số thế giới – điều ko có gì lạ với 1 nước như TQ. Song hành với lượng dân số khổng lồ qua nhiều nghìn năm, TQ luôn có nhu cầu cấp thiết phải sản xuất ít nhất gấp đôi lượng lương thực trong khẩu phần ăn toàn quốc. Điều này thoạt nghe chẳng phải vấn đề quá khó, vì họ sở hữu vùng châu thổ đồng bằng của 2 con sông Hoàng Hà và Dương Tử, trù phú bậc nhất thế giới, cộng cả hệ thống công cụ/thủy lợi tiên tiến và nguồn nhân lực dồi dào. Song trái với quan niệm đó, các khu vực sản xuất lương thực của TQ thật ra cũng có giới hạn. Những vùng địa hình đồi núi chia cắt như Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Vân Nam… hoang mạc cằn cỗi như Nội Mông, Cam Túc đều khó có thể cung ứng đủ lúa nước, lúa mì hay kê – cây trồng chủ lực để đáp ứng nhu cầu của chính nó.

Tựu chung, khác với đường bờ biển châu Âu khiến họ lệ thuộc vào thương mại biển, suốt chiều dài lịch sử TQ luôn có xu hướng phụ thuộc vào dòng chảy 2 con sông Dương Tử và Hoàng Hà – những nơi đóng vai trò huyết mạch trong việc nuôi sống quốc gia, và cả 2 đều dễ dàng xảy ra những trận lụt tàn khốc. Vậy nên, mọi nền cai trị từ thời đại truyền thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế đều đặt ưu tiên hàng đầu là giữ gìn ổn định hệ thống sản xuất nông nghiệp, nhu cầu kiểm soát thủy lợi lớn đến nỗi Karl Marx cho rằng đây là truyền thống quan trọng nhất của TQ. Việc trị thủy và sản xuất lương thực luôn đòi hỏi 1 lượng nhân công khổng lồ, là tiền đề tạo nên mô thức điển hình của xã hội TQ qua hàng nghìn năm: Văn minh nông nghiệp, nhà cai trị chuyên chế, hệ thống quan liêu cấp bậc, trung ương tập quyền, đề cao tính tập thể và thiếu tính tự do cá nhân, người dân đông đúc và làm việc chăm chỉ dưới sự lãnh đạo của nhà nước.

Xấp xỉ năm 7000TCN, từ khi những cư dân Tiền sử vùng châu thổ sông Dương Tử thuần hóa cây lúa nước, lúa gạo đã luôn là biểu tượng văn hóa TQ gắn liền với lịch sử/xã hội nước này. Vào thời Tống khoảng năm 1000, các thương gia Phúc Kiến đã mang về từ Đông Nam Á giống lúa Chiêm chín sớm, chu kỳ mùa vụ ngắn và sinh trưởng rất nhanh, khiến nó được canh tác đại trà ở những nơi có mùa sinh trưởng thấp hơn, cho phép người nông dân trồng 2 vụ 1 năm trên cùng 1 mảnh đất – 1 vụ lúa và 1 vụ cao lương. Với việc đạt sản lượng cao hơn trên cùng 1 diện tích đất, các nông trang Trung Hoa giờ đạt năng suất tốt hơn bất kỳ nông trang nào trên thế giới. Nhà Tống tích cực khuyến khích phát triển giống lúa mới, phát lúa miễn phí cho dân, ban hành những cáo thị hướng dẫn cách trồng có cả hình minh họa, cử người xuống từng địa phương giải thích kỹ thuật canh tác và thậm chí cung cấp 1 khoản vay lãi suất thấp giúp các tiểu nông thích nghi. Kết quả chỉ có 1: Dân số thời Tống tăng mạnh, chạm mốc 100 triệu người trong thế kỷ 11 thời Bắc Tống (trước đó cao nhất khoảng 90 triệu người năm 750 thời cực thịnh nhà Đường), 140 triệu người khoảng năm 1200 thời Nam Tống. Phải sau gần 200 năm hòa bình ổn định thời Minh mới vượt qua con số tương tự, với ước tính 145 triệu người năm 1550.

Cũng từ đây Trung Hoa đối diện 1 vấn đề: Áp lực về nhu cầu sản xuất lương thực trở nên lớn hơn khi diện tích đất có thể canh tác 1 cách đơn giản hầu như đã được tận dụng triệt để. Lượng dân số tăng khiến nguồn nhân lực cho sản xuất cao hơn, song đồng nghĩa với việc sản lượng cũng phải đẩy lên mức tương xứng, trong khi diện tích đất canh tác hay kỹ thuật canh nông ko bắt kịp theo tỉ lệ thuận. Vào nửa cuối thế kỷ 16 – thời điểm dân số Trung Hoa thời Minh đạt đỉnh cũng là giai đoạn cao trào của Kỷ băng hà nhỏ, thảm họa động đất Thiểm Tây năm 1556 (ước tính 830.000 người thiệt mạng) cùng nhiều đợt khí hậu/thiên tai khắc nghiệt bất thường đã khiến những vụ mùa thất bát diễn ra đều đặn hơn. Đó luôn là điều khiến các triều đại Phong kiến Trung Hoa sợ hãi: Nạn đói và mất mùa – điềm xấu báo trước cho sự bất mãn và nổi dậy, cho sự suy bại mục nát, và có thể là ngày tàn của cả vương triều trong tương lai.

Cách tiếp cận của nhà Minh trong bối cảnh đó là cách cần thiết và hợp lý nhất với cục diện Trung Hoa: Hải cấm và ức chế thương mại, tập trung nguồn lực cho việc gìn giữ ổn định hệ thống sản xuất nông nghiệp. Vậy nhưng những luồng di dân ở cấp địa phương vẫn diễn ra, với nòng cốt là nông dân nghèo, phải rời bỏ quê hương khi diện tích đất canh tác đạt giới hạn và dân số vượt ngưỡng, trong khi những loại cây lương thực chủ lực đều kém thân thiện với những khu vực khó canh tác nơi các luồng di dân đến khai hoang lập trại. Cần phải qua nhiều công đoạn như cải tạo đất, làm thủy lợi, làm ruộng bậc thang… để có thể trồng cây lương thực trên những sườn núi dốc hay khu vực thổ nhưỡng xấu, đó đều là các dự án tốn kém mà những di dân cơ hàn khó lòng thực hiện. Gần như ko tránh khỏi (cộng với cuộc khủng hoảng bạc đề cập trong chap 3), các thương nhân miền duyên hải liều lĩnh lách khỏi chính sách Hải cấm để tiếp cận nguồn bạc cũng như nguồn hàng ngoại quốc. Chính vào thời điểm đó người Bồ Đào Nha được hợp thức hóa thương mại ở Trung Hoa, với thỏa thuận được ký năm 1554 và cảng thị Macau ra đời 3 năm sau. Ở đầu cầu Macau kết nối với thương mại toàn cầu, vị thế của “gạo ngọc” đi từ những bao chứa trong khoang tàu Bồ Đào Nha ẩm ướt đến những triền đồi Trung Hoa xào xạc dưới nắng và gió.

  • “Củ ngoại quốc”:

Chiến thắng của giới thương gia Phúc Kiến trước chính sách cấm hải đã đưa tỉnh này về với điều họ làm tốt nhất: Thành trì của hoạt động hải thương Trung Hoa. Phúc Kiến cùng Quảng Đông, dù còn nhiều giới hạn nhưng đã bước đầu giữ vai trò như những cực nam châm thu hút thương mại toàn cầu, với dòng chảy tiêu biểu nhất là bạc (nhập vào Phúc Kiến từ người Tây Ban Nha ở Philippines và vào Quảng Đông từ Nhật Bản qua trung gian Bồ Đào Nha). Dù vậy, dòng chảy quan trọng hơn cả và tác động lớn nhất tới Trung Hoa về lâu dài là 1 thứ khác: Những loại cây lương thực hoàn toàn mới lạ với thế giới Á Đông. Ngô, khoai lang, khoai tây, thuốc lá, ớt, cà chua, đậu phộng, đu đủ, dứa, điều, khoai mì… tất cả đổ về Phúc Kiến, Macau, Miến Điện (thông qua Bồ Đào Nha) và cả Joseon (nhập từ Nhật Bản, người Nhật lại lấy nó từ Hà Lan), nhanh chóng trở thành phần ko thể thiếu trên bàn ăn của cư dân TQ. Bên cạnh ngô – hạt giống được mọi giai tầng quý trọng gọi bằng danh xưng Ngọc mễ và cấm tuồn ra bên ngoài, 1 loại cây trồng khác thì trên đường trở thành nguồn lương thực chính cho người nghèo và góp công quan trọng cho sự bùng nổ dân số thời Thanh – khoai lang.

Khoai lang là đại diện tiêu biểu cho tính nhạy bén của thương nhân Trung Hoa với thương mại. Khoảng năm 1593, gần 30 năm sau làn sóng Hoa Kiều đổ về Philippines, 1 thương gia Phúc Kiến là Chen Zhenlong (1543-1619) đã tình cờ bắt gặp khoai lang trong 1 chuyến giao dịch ở Manila. Vì thích mùi vị khoai lang, họ Chen cũng nảy ra ý định giống cụ Phùng Khắc Khoan người Đại Việt: Quyết tâm mang khoai lang về quê nhà. Ông đút lót cho người Tây Ban Nha để sở hữu những khúc dây khoai dài chừng vài tấc, giấu chúng bằng cách quấn quanh những sợi dây thừng rồi ném vào 1 chiếc rổ, thế là qua mặt được hải quan Tây Ban Nha (lúc đó, Tây Ban Nha đang ngăn chặn việc xuất cảng khoai lang, hệt như TQ cấm ngặt xuất Ngọc mễ khỏi biên giới). Bằng cách đó, Chen đã đưa lậu khoai lang vào TQ. Kể cả khi những dây khoai bị héo sau chuyến đi biển dài ngày, sức sinh trưởng của khoai lang vẫn khiến ông kinh ngạc: Chúng vẫn phát triển tốt tươi sau khi cắm những cành giâm xuống mảnh đất cằn cỗi.

Họ Chen ko phải người đầu tiên hay duy nhất nhập lậu khoai lang, còn 1 câu chuyện khác, ly kỳ ko kém nói về hành động “yêu nước” này, liên quan đến Đại Việt thời Lê Trung Hưng và 1 thầy thuốc Trung Hoa tên Lin Huailan. Vào năm 1581, Lin Huailan – nhờ công chữa khỏi bệnh cho con gái vua Lê Thế Tông đã được triều đình tặng thưởng hậu hĩnh và khoản đãi 1 buổi yến tiệc thịnh soạn. Khi trông thấy khoai lang trên bàn tiệc (du nhập vào Việt Nam trước), họ Lin quyết tâm lén mang về 1 ít (cũng giống TQ hay Tây Ban Nha, Đại Việt cấm tiệt tuồn khoai lang ra bên ngoài để tạo lợi thế thương mại). Khi qua quan ải, họ Lin bị khám xét bởi 1 người lính Đại Việt, Lin thành thật kể lại mọi chuyện và đề nghị cho ông đi qua. Người này nói:”Tôi sẽ là kẻ bất trung nếu cho ông qua. Nhưng, vì cảm phục đức hạnh của ông, nếu tôi từ chối ông thì việc đó thật không đúng đạo lý”! Người này sau đó lội xuống sông tự vẫn, họ Lin thì trở về nước và khoai lang nhanh chóng lan rộng khắp Quảng Đông(*).

(*) Những mẩu chuyện trên được ghi chép trong các nguồn TQ thời Thanh do hậu duệ những nhân vật này biên soạn, được tổng hợp trong cuốn “Global History and new Polycentric Approaches: Europe, Asia and the Americas in a World Network System” của 2 tác giả Manuel Perez Garcia và Lucio de Sousa.

  • Biến động dân số:

Ta có thể phần nào mường tượng lịch sử Trung Hoa chỉ bằng việc nhìn vào biểu đồ dân số nước này: Lượng dân số sẽ tụt xuống mỗi lần xảy ra nội loạn hoặc thay đổi triều đại, và tăng lên chạm đỉnh trong những thời thịnh thế kéo dài, như năm 750 thời Đường hoặc 1350 thời Nguyên. Ko thể phủ nhận rằng việc thống kê dân số hậu các đợt giao thời loạn thế là thiếu chính xác, song qua đó vẫn có thể thấy các cuộc thay triều đổi vận ở Trung Hoa là thảm khốc như thế nào. Tuy nhiên công thức đó đã khác đi đôi chút kể từ những năm giữa thế kỷ 17 – thời điểm người Mãn tiếp quản Trung Nguyên. Việc người Mãn nhập quan và nhà Minh sụp đổ, nhìn từ góc độ lịch sử cũng như bao cuộc giao thời loạn thế khác, đã khiến dân số Trung Hoa tụt xuống xấp xỉ 140 triệu người năm 1650 sau lần đạt đỉnh khoảng 197 triệu người năm 1600. Nhưng cũng kể từ đó, dân số Trung Hoa ko giảm lần nào nữa nếu tính theo chu kỳ, kể cả khi trải qua cuộc nội loạn Thái Bình Thiên Quốc đẫm máu thế kỷ 19 (với hầu hết số người chết là do nạn đói và dịch bệnh). Trái lại, tỉ lệ tăng dân số thời Thanh còn vượt trội so với các triều trước: Cán mốc 200 và 300 triệu người chỉ trong thế kỷ 18, 400 triệu người trong thế kỷ 19. Lịch sử Trung Hoa chưa từng có triều đại nào tiệm cận mức tăng phi thường đó, nhưng chẳng lẽ nhà Thanh cai trị tốt như vậy? Nhìn lại 1 chút, ta sẽ thấy ko chỉ thời Thanh, mà triều đại trước đó là nhà Minh cũng có dấu hiệu cho thấy 1 mức tăng khá tương đồng, nằm ở quãng 100 năm cuối thời Minh. Đó chính là thời điểm những cây lương thực châu Mỹ du nhập Trung Hoa thông qua dòng chảy thương nghiệp.

Kỷ băng hà nhỏ là 1 thời kỳ khốc liệt, ko chỉ ở Trung Hoa mà là toàn thế giới. Giai đoạn này đã để lại những di chứng tai hại cho tiến trình sản xuất lương thực Trung Hoa: Khoảng độ 10 thập niên cuối cùng của nhà Minh được đánh dấu bởi thảm họa động đất Thiểm Tây 1556, vụ phun trào siêu núi lửa Huaynaputina năm 1600. Cả bởi những thời kỳ khí hậu khắc nghiệt bất thường, những đợt thiên tai cực đoan và những trận mưa như trút nước. Lũ lụt làm ngập các thung lũng, cuốn trôi ruộng lúa và nhấn chìm mùa màng. Nạn đói kéo theo sau, có ghi chép rằng trong các đợt mất mùa những thập niên cuối thế kỷ 16, các gia đình nghèo khó ở Giang Nam đã phải ăn cả vỏ cây, cỏ, côn trùng và thậm chí là những loại hạt tìm thấy trong phân ngỗng trời. Đây dường như là mô típ quen thuộc báo trước sự suy vong của triều đại, khi chính quyền trung ương đã mục nát và sự tham nhũng hủ bại tràn lan ở khắp cấp độ. Vậy nhưng trong giai đoạn tưởng chừng “khí số đã tận” đó dân số Trung Hoa vẫn tăng lên, với tỉ lệ cao hơn cả nhà Tống những năm 1000, tăng xấp xỉ hơn 50 triệu người trong 50 năm từ 1550-1600 và gần như chạm mốc 200 triệu người trong quãng thời gian nhà Minh tồn tại.

  • Cách mạng trên bàn ăn:

Ở Phúc Kiến và Quảng Đông, nơi những nhân vật như Chen Zhenlong hay Lin Huailan nhập lậu khoai lang, loại “củ ngoại quốc” này được đón nhận ko khác gì vị cứu tinh: Ngô, khoai lang, khoai tây có thể phát triển tươi tốt trên những vùng đất xấu đến lạ thường và sinh trưởng rất nhanh, tốn ít thời gian để trưởng thành cũng như công chăm sóc. Khoai lang thậm chí còn ko cần nhiều ánh sáng, 1 ghi chép vào năm 1628 viết rằng:”Thậm chí trong những ngõ hẻm nhỏ, chật hẹp, ẩm thấp, chỉ vài tấc đất… chỉ cần có thể nhìn thấy bầu trời khi ngẩng đầu lên thì khoai lang vẫn có thể mọc được ở đấy”! Khắp nơi tại Giang Nam, khoai lang được phân phát rộng rãi cho những người nông dân bị cái đói bủa vây, hướng dẫn họ cách trồng cũng như dự trữ, hệt như giai đoạn 600 năm trước khi nhà Tống cho phổ cập giống lúa Chiêm từ Đông Nam Á. Kết quả cực kỳ tốt đẹp: Kể từ những năm 1590 lượng lương thực bắt đầu dư dả và cái đói ko còn là mối đe dọa thường trực nữa. Ở Phúc Kiến, sẽ có đến 80% cư dân sống nhờ vào khoai lang trong những thập niên cuối cùng nhà Minh.

Ở vùng Giang Nam, khẩu phần ăn của nhiều nông dân quanh đi quẩn lại gồm: Khoai lang luộc, khoai lang nướng, khoai lang nghiền thành bột để làm mì, khoai lang nấu nhừ ăn với dưa chuột muối, khoai lang chiên giòn ăn với mật ong, khoai lang xắt nhỏ hầm với củ cải và sữa đậu nành… thậm chí nó còn được lên men để làm 1 loại rượu. Trong khi Giang Nam là lãnh thổ của khoai lang thì miền bắc cũng như phía tây là thánh địa của Ngọc mễ. 1 ví dụ điển hình là tỉnh Tứ Xuyên miền tây TQ – tỉnh có diện tích lớn bậc nhất Trung Hoa nhưng lượng dân số luôn xếp rất thấp, trong giai đoạn trước khi người Mãn nhập quan. Nguyên nhân có lẽ ai cũng rõ: Tứ Xuyên có ít đất đai phù hợp để canh tác những loại cây lương thực truyền thống. Mọi thứ chỉ thay đổi khi người Mãn tiến vào Trung Nguyên: Khác với nhà Minh – hạn chế người dân rời xa quê hương của họ vì mục tiêu ổn định xã hội. Nhà Thanh thì ngược lại: Khuyến khích 1 làn sóng di dân tìm về các tỉnh phía tây hoang vắng. Bằng việc đưa người từ vùng trung tâm đến những khu vực thưa dân, nhà Thanh đã dùng sức mạnh nhân khẩu để đè bẹp những nền văn hóa vốn trước đây tự trị, cũng như sáp nhập chúng vào Trung Hoa.

Bị quyến rũ bởi việc giảm sưu thuế và đất đai giá rẻ bạt ngàn, di dân từ vùng lõi dần tràn về “biên giới mới” phía tây. Hầu hết những người này đều nghèo, họ khai hoang lập ấp ở những vùng địa hình chia cắt ghồ ghề, những nơi lởm chởm đá, những mảnh đất phong hóa bạc màu… những vùng vốn trước đây chẳng cư dân Trung Hoa nào sống nổi thì giờ được lấp đầy bởi những hoa màu châu Mỹ. Các luồng di dân tiêu thụ hết ngày này qua ngày khác là ngô, khoai tây, khoai lang, cà chua, thuốc lá… diện tích đất canh tác tăng vọt, kéo theo sản lượng thu hoạch, kế đến là dân số. Chỉ trong vài thập niên, Tứ Xuyên từ 1 tỉnh thưa dân đã tăng quỹ đất nông nghiệp lên gần 3.700 dặm vuông. Khi năng lực canh tác gia tăng, dân số cũng tự động tăng vọt. Ngày nay Tứ Xuyên luôn nằm trong danh sách những tỉnh đông dân nhất TQ, với lượng dân số gần bằng Việt Nam. Và trên hết, đặc sản của ẩm thực Tứ Xuyên: Ớt, cũng có xuất xứ từ cách đó nửa vòng trái đất.

  • Kết:

Các loại nông sản du nhập từ hoạt động thương nghiệp đã giúp đảm bảo an ninh lương thực và khiến dân số Trung Hoa bùng nổ ở mức chưa từng có. Điều đó đúng nhưng chưa phải tất cả, chỉ là chúng đến vào lúc người Mãn đang làm biến đổi TQ. Nhà Thanh đã có những quyết sách chống lại nạn đói và bệnh dịch, 2 kẻ giết người hàng đầu xuyên suốt nghìn năm lịch sử. Bằng cách ban hành 1 chương trình chống lại bệnh đậu mùa đầu tiên trên thế giới, mở rộng hệ thống kho chứa lương thực để thu mua nông sản thừa và bán ra khi thiếu để nhà nước kiểm soát giá lương thực trong thời kỳ khan hiếm, và áp dụng những biện pháp mà vào thời đó có thể xem là chương trình cứu trợ thảm họa công phu (1 số chỉ đơn giản như việc giảm 1 nửa giá thuế ngũ cốc ở những vùng bị nạn đói tấn công). Cùng lúc, người Mãn tấn công vào tập tục của tầng lớp nghèo Trung Hoa: Giết bé gái sơ sinh. Nhiều đàn ông TQ đã từng phải sống cảnh cô độc khi tục giết bé gái sơ sinh tước nhiều phụ nữ khỏi dân số. Giờ đây số người có thể lập gia đình và sinh con đẻ cái nhiều hơn, nguy cơ con họ chết vì nạn đói giảm xuống, các gia đình nông dân cơ cực ít còn phải chịu cảnh bần cùng. Năm 1713, Hoàng đế Khang Hy ra sắc lệnh ko tăng thuế cơ bản đối với đất canh tác, mặc dù nguồn thuế này tạo ra những nguồn thu khổng lồ cho hệ thống vận chuyển mà từ đó nông dân có thể bán những gì họ thu hoạch và tăng thêm thu nhập. 1 số chính sách trong số này đã được nhà Minh đặt ra đầu tiên, nhưng chỉ nhà Thanh mới vận hành chúng 1 cách tốt nhất. Tất cả những điều trên giúp làm tăng số lượng trẻ em cũng như tỉ lệ trẻ trong số đó sống sót tới tuổi trưởng thành (hệ lụy dòng chảy thương nghiệp gây ra cho nhà Thanh cũng như sự suy tàn của nền quân chủ Trung Hoa sẽ nói đến trong các phần sau).

Dù sao, những cư dân miền duyên hải cũng cảm thấy may mắn khi trên bàn ăn giờ đầy ắp hoa màu châu Mỹ cũng như gia vị từ xứ Đông Ấn, chúng còn lan ra đúng thời điểm sụp đổ của nhà Minh – đánh dấu bởi hàng thập kỷ hỗn loạn và chết chóc. Những tỉnh ven biển phía nam lập tức trở thành thành trì của các lực lượng phản Thanh phục Minh. Trong buổi giao thời loạn thế, nhiều nhánh ủng hộ triều Nam Minh tách ra, hoạt động trên biển (như Trịnh Thành Công) hay dạt về Đông Nam Á (như Mạc Cửu). Để cắt mối liên kết giữa những kẻ còn trung thành với Nam Minh, nhà Thanh ép buộc cư dân sống ven biển từ Quảng Đông đến Sơn Đông – 2500 dặm dọc bờ biển phải đồng loạt chuyển vào nội địa.

Bắt đầu từ năm 1652, quân Thanh hành quân vào các làng mạc ven biển, đốt phá, giật sập tường, đập phá mồ mả tổ tiên. Các gia đình thường chỉ được báo trước 1 ngày, nên nhiều người phải chạy nạn mà ko kịp mang theo nhiều tài sản. Thành Nguyệt Cảng hưng thịnh 1 thời ở Phúc Kiến bị tàn phá, tất cả tàu thuyền do tư nhân sở hữu bị đốt hoặc đánh chìm, bất kỳ ai tụt lại phía sau đều bị giết. Cảnh tượng ly tán khắp nơi: Chỉ trong 3 thập kỷ đường bờ biển đã là 1 vùng trống trải rộng đến 50 dặm vào đất liền. Lưu dân hoặc chạy nạn về những vùng núi trong nội địa hoặc ly hương sang Đông Nam Á. Trong hoàn cảnh đó, những Hoa Kiều chạy nạn về Philippines, Malacca, Java hay nhiều nơi khác cũng xem như đã cắt đứt mối liên hệ với quê hương, mặc dù trước đó những nơi này cũng đã nằm ngoài tầm với triều đình. Giờ đây, những cộng đồng Hoa Kiều phải tự tìm cách tồn tại giữa các sắc dân bản địa cũng như những ông chủ Tây Dương – vốn đã thay đổi cách nhìn nhận xứ Viễn Đông từ 1 mảnh đất huyền thoại ngập tràn tơ lụa sang những con người yếu kém đáng để xem thường.

—————————————–

Nguồn tham khảo:

-Jack Weatherford (Indian Givers: How the Indians of the Americas Transformed the World).

-Charles c.Mann (1493: Uncovering the New World Columbus Created).

Phần 6: Biến động ở phố Tàu.
6

Vào tháng 10/1740, năm trị vì thứ 5 của vị Hoàng đế trẻ Càn Long. Ở quần đảo Indonesia – nơi cách thế giới Trung Hoa hàng vạn dặm biển xảy ra 1 vụ việc nghiêm trọng: Ít nhất 10.000 kiều dân Trung Hoa bị tàn sát bởi quân đội công ty Đông Ấn Hà Lan. Khi biến cố rò rỉ ra bên ngoài và truyền đến Đại lục, người Hà Lan – lo sợ trước các lệnh trừng phạt kinh tế đã cử đại diện đến Quảng Châu “xin lỗi”, xin được bỏ qua sai lầm và tiếp tục duy trì hoạt động thương mại. Song trái với tầm vóc của vấn đề, viên đặc sứ Hà Lan – kẻ tưởng chừng đã 1 đi ko trở lại đã hết sức bất ngờ trước phản ứng của triều đình Mãn Thanh: Tất cả đều dửng dưng, ko ai giận dữ chút nào trước thảm kịch của 1 vạn kiều dân ở xứ sở xa lạ, Càn Long Đế cũng ko trách hay trừng phạt gì người Hà Lan. Triều đình như ko quan tâm những kẻ đã chết là ai và cũng chẳng cần biết vụ việc diễn ra như thế nào. Cứ như vậy, mọi thứ chìm xuống và trôi vào quên lãng.

Với Hà Lan thì sự thờ ơ này thật kỳ lạ, bởi nếu đặt vào thế giới quan của họ thì Hà Lan hẳn sẽ bị trừng trị bằng biện pháp cao nhất và viên đặc sứ kia sẽ bị ném vào ngục ngay khi vừa tới Quảng Châu. Phản ứng của Càn Long như bản tóm tắt về cách tiếp cận của Trung Hoa với thương mại toàn cầu, điều sẽ định hình cục diện thế giới cũng như gây nên sự suy tàn của nền quân chủ Trung Hoa. Series này là thương mại Đông Á, nhưng trong phần này ta sẽ nói về bối cảnh của Hoa Kiều ở 2 nước đông dân nhất và dường như kém nổi bật khi bàn về lịch sử Đông Nam Á: Indonesia và Philippines. Ta có thể hình dung phần nào bức tranh toàn cảnh của Hoa Kiều bên ngoài TQ thông qua hành trình của họ ở Indonesia, cùng với Philippines – nơi mà sự ra đời cũng như vận hành với tư cách 1 thực thể thống nhất có liên hệ mật thiết với dòng chảy thương mại ở Hoa lục.

  • “Dân Do Thái Á Đông”:

Những ai từng đọc về Indonesia hẳn sẽ chú ý 1 điểm: Đó là người gốc Hoa ở quốc đảo này dù chỉ chiếm thiểu số nhỏ nhoi (khoảng 2,7% dân số) nhưng lại có ảnh hưởng cực kỳ lớn mạnh, phần nhiều các cơ sở kinh tế tư nhân cũng như giới nhà giàu Indonesia đều là người gốc Hoa! Kiểm soát 70% nền kinh tế quốc gia trong khi 250 triệu người bản xứ thuộc về 30% còn lại. Sự thịnh vượng 1 cách tách biệt của cộng đồng gốc Hoa – ko chỉ ở Indo mà trên toàn Đông Nam Á là nguyên nhân hàng đầu dấy lên tâm lý chống trả của người dân xứ vạn đảo. Minh chứng qua rất nhiều vụ bạo động/thanh trừng nhắm vào Hoa Kiều xuyên suốt lịch sử, diễn ra vào các năm 1912, 1913, 1918, 1942, 1943, 1946, 1965, 1998… trong số đó, nổi bật hơn cả là các sự kiện diễn ra trong cuộc thanh trừng Cộng sản của Suharto năm 1965 và vụ bạo động năm 1998. Nguồn cơn mối bất hòa giữa Hoa Kiều và người Indonesia ko phải chỉ gần đây mới có mà đã nhen nhóm từ rất lâu về trước, khi người Indonesia là thành phần đắc lực cộng tác với Hà Lan gây ra vụ thảm sát Batavia.

Vào những năm 1600, 1 thời gian ngắn trước khi người Hà Lan bắt đầu thực dân hóa Indonesia. 1 số lượng lớn thương nhân, chủ cửa hàng gốc Hoa cùng gia đình họ đã chuyển đến lập nghiệp và buôn bán ở 2 đảo lớn của quần đảo Indo: Java và Sumatra. Đa số họ là thương gia và đến từ 2 tỉnh dẫn đầu về hoạt động thương mại biển: Quảng Đông và Phúc Kiến. Với việc sở hữu rất nhiều nghệ nhân cũng như thợ thủ công lành nghề, hàng loạt người gốc Hoa đã thuê hợp đồng với công ty Đông Ấn Hà Lan (từ đây sẽ gọi là VOC) để gây dựng Batavia (thủ đô Jakarta ngày nay), với tham vọng trở thành thủ phủ của công ty cũng như trái tim thương mại Hà Lan ở châu Á. Qua thời gian cùng sự bùng nổ kinh tế Indonesia kích hoạt bởi VOC, làn sóng nhập cư của Hoa Kiều tăng theo tỉ lệ thuận. Ước đạt khoảng 15.000 người và 2500 căn nhà ở Batavia vào thời điểm cuộc thảm sát, và hàng chục vạn người nữa ở Java cũng như trên khắp các đảo Indonesia. Batavia là 1 phần nổi bật trong bức tranh toàn cảnh Đông Nam Á quãng thời gian này: Kể từ trước đó 10 thập niên theo sau sự sụp đổ của nhà Minh, những đợt sóng nhập cư mang tên Hoa Kiều liên tục ập vào các trọng điểm thương mại ở Đông Nam Á, hình thành những “Trung Hoa bên ngoài Trung Hoa” sớm nhất trên thế giới – các khu phố Tàu.

Trải qua nhiều thập niên cùng sự phát triển nền mậu dịch ở quần đảo Indo, cộng đồng gốc Hoa tại đây cũng dần sở hữu khối tài sản trội hơn qua mỗi thế hệ, dần tách biệt so với dân Indonesia về địa vị cũng như độ giàu có. Ảnh hưởng bao trùm lên toàn nền kinh tế và trở thành trung gian trong cấu trúc của VOC, như thu thuế quan xuất nhập khẩu hay quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên. Điều này dấy lên mối bất hòa, vì phần lớn dân bản địa Java đều nghèo và có địa vị thấp. Họ dần bị khối lao động gốc Hoa đông đảo và tay nghề cao lấn át việc làm khi nhóm người này đáp ứng tốt tiêu chuẩn mà Hà Lan cũng như lớp chủ xưởng gốc Hoa đặt ra.

Như đã nói ở phần trước, những Hoa Kiều rời TQ kể từ sự kiện người Mãn nhập quan cũng xem như cắt đứt liên hệ với đại lục. Vì thiếu 1 chính quyền bảo hộ mạnh mẽ – minh chứng qua thái độ của Càn Long, đã khiến những Hoa kiều ly hương hình thành các cộng đồng gắn kết và có tính bản sắc cao. Phải cố gắng gấp đôi, nỗ lực gấp bội lần để tồn tại giữa vòng vây các ông chủ châu Âu hay xã hội bản quốc. Điều này làm dân Indonesia thiếu tin tưởng: Vì người gốc Hoa – dù đến bất cứ nơi nào cũng hình thành những cộng đồng, phường hội có tính bản sắc cao và cực kỳ gắn kết, bảo vệ người trong giới và kháng lại sự hòa nhập với xã hội bản quốc. Đứng trước tình huống trên, 1 số giới chức Hà Lan nhanh tay so sánh người Hoa với dân Do Thái ở châu Âu, gọi họ là “người Do Thái của Á Đông” trong những thư từ gửi về mẫu quốc.

Vượt trội so với dân Indonesia về năng lực buôn bán, tốc độ học hỏi, tính chăm chỉ, chịu khó và khả năng làm giàu – theo chính đánh giá của Hà Lan. Đó cũng là lý do khiến người Hoa chiếm sự thịnh vượng đáng kể cũng như sở hữu lượng lao động đông đảo trong các nhà máy hay công xưởng. Qua thời gian, người Indonesia hình thành ác cảm với cộng đồng Hoa Kiều. Yếu tố kinh tế đóng vai trò quyết định: Vì mặc dù lớp người nghèo gốc Hoa cũng chỉ sống trong những khu nhà tạm bợ và làm việc trong các nhà máy, song những ông chủ Hoa Kiều có của thì điều hành nhiều khu xưởng và có nhu cầu gia tăng sản lượng mía đường (ngành kinh tế trọng điểm của Indonesia). Họ tạo điều kiện thu hút nguồn lao động gốc Hoa nghèo và tay nghề cao tiếp tục dời đến, càng làm tăng số lượng Hoa Kiều vốn đã rất lớn và chiếm lĩnh sự phồn thịnh. Trong trường hợp nguồn lao động gốc Hoa ko đáp ứng đủ, thì chính những Hoa Kiều này cũng sẵn sàng áp chế dân địa phương hay tiến hành buôn người (nhằm vào chính đồng hương của mình). Sau cùng thì mâu thuẫn cũng nảy nở: Người Hoa cần thêm tiếng nói trong hệ thống kinh tế xứng với vị trí của mình, trong khi những kẻ thực dân Hà Lan – vốn chỉ là thiểu số rất ít lại nắm trong tay sự độc tôn trong việc định giá mía đường. Họ cũng ko muốn nhân nhượng bất kỳ lợi ích nào hòng giữ vững thứ quyền lực bấp bênh ở Viễn Đông, vì cùng lúc, giá đường hạ xuống do sản lượng tăng ở vùng Caribbean.

Cũng như người Indonesia, VOC rất dè chừng người Hoa, song họ khó mà vận hành hiệu quả nếu thiếu cộng đồng này: Người gốc Hoa cung cấp 1 nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao và ko thể thay thế cho các nhà máy mía đường cũng như các ngành thương nghiệp khác của công ty, nghĩa là Hà Lan đang phụ thuộc vào người Hoa chứ ko phải ngược lại. Để giải bài toán khó mang tên cộng đồng gốc Hoa, cách tốt nhất và duy nhất là kìm hãm sự phát triển của họ. Cho nên vào các năm 1727 và 1736, chính quyền thuộc địa ra sắc lệnh trục xuất tất cả người Hoa thất nghiệp hoặc ko có giấy cư trú ở Batavia. Đến năm 1740, mâu thuẫn đẩy lên cao trào: Được VOC châm ngòi, các viên chức Hà Lan tham nhũng tiến hành tống tiền những Hoa Kiều có của, trong khi những cư dân địa phương bất mãn thì phối hợp cùng thực dân châu Âu gây ra hàng loạt vụ bắt bớ, trục xuất và sát hại nhắm vào cộng đồng gốc Hoa. Ngày 25/7, Toàn quyền Adriaan Valckenier ra sắc lệnh tất cả người Hoa “đáng ngờ” sẽ bị trục xuất tới Ceylon (Sri Lanka) – 1 thuộc địa khác của Hà Lan. Mặc cho những lời của công ty, cộng đồng gốc Hoa có thể lờ mờ đoán được ý đồ thực sự – đó là ép họ lên tàu rồi cho chìm xuống biển.

  • Cuộc đàn áp:

Ngày 7/10, dưới sự dẫn đầu của 1 nhân vật tên Liên Phú Quang. Nhân công nhà máy đường gốc Hoa, dùng vũ khí tự chế, dao làm bếp và tất cả khí giới cướp được nổi dậy đốt phá nhà máy, giết 50 binh sĩ Hà Lan, cuộc nổi dậy của người Hoa chính thức bắt đầu. Nhưng giọt nước tràn ly chỉ đến vào 2 ngày sau đó, khi 1 kẻ phản bội tên Lâm Chu tiết lộ chiến dịch liên minh với Vương quốc Mataram của người gốc Hoa. Valckenier đi đến quyết định cực đoan nhất: Rằng nếu ko nhanh kiểm soát tình hình thì Batavia rồi sẽ thuộc về người Hoa trong sớm muộn và hệ thống kinh tế Hà Lan ở Viễn Đông sẽ sụp đổ, chỉ có 1 cách duy nhất: Tiến hành thảm sát.

Được VOC treo thưởng và kích động, hàng loạt sắc dân bản địa vùng lân cận Batavia như giải tỏa sự bức bách bấy lâu: Tất cả đứng lên cầm vũ khí và săn lùng người Hoa, phối hợp cùng thực dân Hà Lan đốt phá nhà cửa và sát hại tất cả người Hoa họ trông thấy – từ người già, trẻ em đến phụ nữ có thai. Cùng lúc, quân Hà Lan nã pháo vào các khu nhà ở của kiều dân Trung Hoa, làm chúng bắt lửa và cháy rụi. Hàng nghìn người chết cháy, bị bắn khi thoát ra ngoài hoặc tự tìm đến cái chết bằng cách lao xuống sông, trong khi các nhóm dân binh địa phương thì lùng sục từng ngõ ngách và giết tất cả người Hoa nào còn động đậy. Bạo lực vẫn leo thang trong những ngày sau, toàn bộ tù binh hay thậm chí bệnh nhân trong 1 bệnh viện cũng bị lôi ra sát hại, nạn cướp bóc và hãm hiếp diễn ra liên miên. Chỉ sau 2 tuần, toàn bộ tài sản và cơ nghiệp cộng đồng gốc Hoa tích lũy qua hơn 100 năm bị mất trắng. Thiểu số sống sót chạy vào vùng rừng núi, nơi họ vẫn bị săn lùng bởi các băng nhóm địa phương tới tận cuối tháng 11 bất chấp lệnh ngừng chiến của Hà Lan. Đương thời, sự kiện này gọi là Chinezenmoord (giết người Hoa) hoặc “con lạch đỏ”, vì những nhánh sông quanh Batavia đều chuyển thành màu đỏ sau vụ thảm sát.

Mặc dù Hà Lan đã phong tỏa tin tức 1 cách nghiêm ngặt, 1 vài người Trung Hoa vẫn trốn thoát được và tin tức chẳng mấy chốc truyền đến đại lục. Lo sợ trước hành động trả thù hay ít nhất là cấm cửa thương mại, VOC lập tức cử sứ thần đến Bắc Kinh xin lỗi vào năm 1741. Càn Long từ chối mong muốn vào Bắc Kinh của sứ đoàn Hà Lan, lệnh cho Tổng đốc Quảng Đông tiếp đón họ. Viên Tổng đốc này – vốn là 1 quý tộc Mãn Châu và rất xem thường người Hán, đã viết 1 bản tấu chương gửi triều đình mà ko nhắc 1 lời nào về tội lỗi của Hà Lan. Thay vào đó, ông ta sỉ nhục những người Trung Hoa bị giết, nói rằng đây là bọn phản trắc xấu xa, việc ra ngoài rồi bị giết hoàn toàn là tự chuốc lấy hậu họa. Cũng như viên Tổng đốc, mặc dù Càn Long hằng ngày rao giảng về nền hòa bình giữa Mãn tộc và Hán tộc, nhưng trong thâm tâm ông luôn nghi ngờ người Hán, đặc biệt là Hoa Kiều. Sau khi đọc tấu chương, Càn Long ra chỉ thị: Cuộc thảm sát là điều không may, nhưng vì Hà Lan đã biết lỗi nên không cần trách họ làm gì! Hơn nữa, những người Trung Hoa kia là bọn phản bội chống lại chính pháp, việc ra ngoài rồi bị giết là tự chuốc họa vào thân và không liên quan gì đến Thiên triều!

Vậy là cả 2 nỗi sợ của Hà Lan đều biến mất: Họ sẽ ko bị tấn công và việc giao thương vẫn tiếp tục như ko có gì xảy ra. Ko chỉ Hà Lan mà tất cả các nước châu Âu đều tỏ ra hài lòng, khi biết giờ đây họ có thể mặc sức bóc lột người Hoa mà chính quyền đại lục chẳng thể làm gì. Hậu quả duy nhất mà Hà Lan gánh chịu lại đến từ chính họ, vì như đã nói, VOC phụ thuộc vào người Hoa. Nên việc số lượng Hoa Kiều giảm mạnh khiến hoạt động thương nghiệp của công ty như rơi vào ngõ cụt, làm Valckenier lập tức bị cách chức, triệu về Hà Lan và chết trong ngục ko lâu sau đó. Hà Lan 1 mặt trải thảm đón người Hoa quay lại, thiết lập Glodok như khu phố Tàu đầu tiên cũng như để kiểm soát tầm ảnh hưởng của họ. Mặt khác đặt ra 1 hạn ngạch nhằm giữ số lượng Hoa Kiều dưới mức mà chính quyền cảm thấy bị đe dọa.

  • Triều dâng ở Philippines:

Có thể thấy, mặc cho việc Hà Lan đã dùng biện pháp cực đoan nhất mà ko nhiều quốc gia có thể làm, số lượng người Hoa ở Batavia lại phục hồi như cũ chỉ sau vài thập niên (dù giờ đây họ bị siết chặt kiểm soát hơn và vị thế cũng ko còn như trước). Mô típ này dường như lặp đi lặp lại ở nhiều nơi: Người Trung Hoa cứ tiếp tục quay lại nơi mà họ đã bị đàn áp, xây dựng cả cơ ngơi để rồi 1 thời gian sau lại bị cướp phá lần nữa kéo theo vô số người bỏ mạng, rồi lại tràn ngập lại lần nữa và tiếp tục bị đàn áp ko lâu sau đó. Dưới góc nhìn ngày nay thì điều này thật kỳ quặc: Vì sao họ cứ liên tục tìm về những nơi mà nguy cơ bị giết hay mất trắng tài sản là rất lớn? Thêm vào đó, dù trải qua biết bao cuộc đàn áp, số lượng đông đảo và ko ngừng gia tăng của Hoa Kiều vẫn khiến thực dân châu Âu cũng như các nước bản địa Đông Nam Á phải sợ hãi. Sức sống kỳ lạ này của cộng đồng gốc Hoa, ko chỉ ở Đông Nam Á mà trên toàn thế giới có thể được lý giải qua việc tìm về nơi đi đầu trong làn sóng Hoa Kiều – Philippines.

Vào những năm 1580, chỉ hơn 10 năm sau khi các thương nhân Phúc Kiến được giải phóng. Phúc Kiến đều đặn hằng năm sẽ cử ít nhất 20 tàu junk đến Philippines trước mùa mưa (trước đó chỉ có tối đa 1-2 tàu mỗi năm kể cả khi việc giao thương nhộn nhịp nhất). Các tàu này đều nhồi nhét chật cứng thương nhân, thủy thủ đoàn cùng vô vàn loại hàng hóa khác nhau: Ngoài lụa, đồ sứ và trà dĩ nhiên phải có. Các thương gia TQ còn đem theo vải bông, sắt, đồ sơn mài, đồ đồng, đường, bột, muối, giấy, sợi gai dầu, gia cầm sống, vàng, bàn ghế, gia súc, ngựa, thuốc men… nói chung là tất cả những gì họ nghĩ sẽ bán được cho dân châu Âu. Thông thường, mỗi lô hàng này đều được đặt trước và các tàu được 1 phú thương thuê trọn gói, họ lại cho các thành viên thương hội hay tư nhân khác thuê chỗ, thường với giá 20% doanh số bán được của cá nhân ấy. Những lô đồ sứ dễ vỡ được đóng thành từng kiện hàng, đổ đầy gạo tránh va xóc, bơm nước đều vào giúp chúng khó vỡ hơn. Trong khi để né hạn mức nhập khẩu, họ ép những súc lụa chặt đến nỗi phải 6 thanh niên khỏe mạnh mới khuân nổi 1 rương hàng hóa.

Sau 10 ngày lênh đênh đối đầu bao hiểm nguy về hải tặc và sóng dữ, những con tàu Trung Hoa sẽ cập bến Manila, nơi có 1 đám đông lái buôn TQ đợi sẵn. Các thương gia xuống tàu và nhanh chân tìm thành viên phường hội của mình, thống kê hàng hóa để những người này nâng hoặc hạ giá niêm yết với Tây Ban Nha, họ cũng có những đầu mối thân thiết lót tay cho các viên chức thực dân để việc giao dịch tiến hành thuận lợi, và sẽ tính phí 20-30% tiền bán hàng cho dịch vụ này. Chỉ sau khi hàng hóa được kê khai, các nhân viên thuế vụ mới tiến hành kiểm tra tàu và đánh thuế 3% cho các lô hàng, sau đó cuộc đổi chác nhộn nhịp diễn ra. Mọi người sẽ có tối đa 3 tháng để chốt các thương vụ, vì những con tàu Trung Hoa sẽ về Phúc Kiến vào tháng 6 để tránh mùa bão. Giờ đây, mọi nẻo đường ở Phúc Kiến đều dẫn về Philippines.

  • “100 người đến cư trú, 1 vạn người bám trụ lại”:

Mặc cho việc giúp Trung Hoa thu nguồn lợi khổng lồ từ cuộc giao dịch bạc, thì nhà Minh, hay cả nhà Thanh sau này vẫn luôn nhìn Philippines với ánh mắt dè chừng. Với họ, những con buôn Phúc Kiến trôi dạt xuống mảnh đất này là bọn phản loạn đáng ngờ về lòng trung thành. Là bọn bất kính với quê hương tổ tiên, cả gan tạo dựng 1 khu vực gồm toàn người Hoa nhưng lại nằm ngoài tầm tay Đại lục. Sự nghi kỵ của Bắc Kinh càng giúp Tây Ban Nha được nước làm tới trong việc đàn áp Hoa Kiều. Bởi cũng như mọi nước châu Âu khác, Tây Ban Nha xem cộng đồng này là những kẻ tăng lên như bầy châu chấu, mưu mô xảo quyệt, chiếm đoạt việc làm. Định kiến này được thúc đẩy bởi số lượng Hoa Kiều cứ lớn dần theo tỉ lệ thuận của sự phát triển thương mại. Lo sợ trước sự đông đúc của người Hoa, vài trăm người Tây Ban Nha tách biệt họ bằng việc xây những bức tường bao bọc khu phố Tàu. Để vào Manila hợp pháp, họ phải băng qua 1 hào nước và tới 1 cổng được canh gác nghiêm ngặt, và bất kỳ người Hoa nào bị bắt gặp ngoài phố Tàu sau hoàng hôn sẽ bị giết.

Có lẽ ít nơi nào mà Hoa Kiều bị đàn áp nhiều như Philippines. Ngay từ năm 1596, Manila đã cho trục xuất 12.000 người TQ. 1 vài viên chức bài Hoa còn cho rằng nên trục xuất hết Hoa Kiều, song những lời này khác xa thực tế, vì các ông chủ thực dân sẽ tìm đủ mọi cách để thuê mướn lao động bất hợp pháp. Kết quả là mọi thứ chẳng đi đến đâu: Chỉ vài năm sau người Hoa lại đông như cũ và tiếp tục bị đàn áp. Giận dữ, Hoa Kiều tiến hành nổi dậy năm 1603. Kết quả là 1 nhóm liên kết gồm Tây Ban Nha, người Nhật Bản và dân bản địa Philippines tàn sát khoảng 25.000 cư dân Phúc Kiến, cùng lúc có đến 1/3 số thực dân ở quốc đảo này phải bỏ mạng.

Điều kỳ lạ là những cuộc đàn áp này có vẻ ko để lại hậu quả gì! Chỉ vài tháng sau vụ việc năm 1603, Manila lại vui vẻ đón người Hoa quay lại. Trường hợp này cũng hệt như Indonesia, đó là thực dân châu Âu vừa cảm thấy Hoa Kiều là mối họa, vừa ko thể nào sống mà thiếu Hoa Kiều. Đây là 1 phần nguyên nhân tạo nên sức sống mãnh liệt của người gốc Hoa: Các vụ bạo loạn thi nhau nổ ra ở Philippines, kéo theo vô số cuộc trục xuất và thảm sát. Lặp đi lặp lại vào các năm 1639, 1662, 1686, 1709, 1755, 1763, 1820… mỗi lần đều đi kèm lượng người tử vong ko dưới 5 con số. Song cũng đều đặn sau mỗi biến cố đó, Tây Ban Nha lại làm đủ mọi cách khiến người Hoa quay về, kể cả đưa lậu di dân phi pháp. Đến mức 1 viên chức thuộc địa còn nói rằng:”Nếu cho 100 người Trung Hoa cư trú hợp pháp thì sẽ có 10.000 người bám trụ lại”!

  • “Made in China”:

Ở Parian – khu phố Tàu đầu tiên trên thế giới, cảnh tượng bắt gặp mỗi ngày suốt gần 300 năm sau là việc người bản địa Philippines lẫn thực dân châu Âu tranh nhau mua hàng của Hoa Kiều – cộng đồng sở hữu các đầu mối và đại lý cung cấp tất cả những gì mà thị trường cần với mẫu mã bắt mắt nhất, và trên hết là có giá rất rẻ! Parian được thiết lập vào năm 1583 như 1 nỗ lực kiểm soát lượng Hoa Kiều tăng theo cấp số nhân. Qua thời gian, khu phố Tàu mọc lên san sát những cửa hàng, hiệu thuốc, quán trà, nhà hàng, tiệm hớt tóc, tiệm giặt, nhà may… ngày ngày đông nghẹt kẻ mua người bán, chật ních những con buôn vận quần áo Trung Hoa trôi dạt đến mảnh đất này vì sức hút của những thỏi bạc.

Chẳng ai cưỡng lại được khu phố Tàu: Hàng hóa do người Hoa cung cấp giờ có ở khắp mọi nơi, dần tràn sang cả châu Mỹ hay thậm chí là châu Âu. Từ những xa xỉ phẩm như đồ sứ, trang sức đến những vật dụng cá nhân như quần áo, giày dép hay thậm chí là tượng Chúa để cầu nguyện (dù rằng 1 phần đáng kể trong số chúng bị làm giả). Ngay từ năm 1591, Parian đã có gần 1 vạn cư dân, khiến vài trăm thực dân Tây Ban Nha bỗng trở nên nhỏ bé và lệ thuộc. Những thương gia TQ đã tạo ra 1 mảnh đất màu mỡ cho khả năng buôn bán của họ và chưa từng có tiền lệ: 1 Trung Hoa bên ngoài Trung Hoa, nơi họ có thể tự quản bằng các thương hội mà ko cần thông qua ý chỉ của đại lục. Còn với Tây Ban Nha, Philippines đại diện cho uy quyền của Đế chế ở Viễn Đông cũng như kho báu mà cả châu Âu đang thèm khát – Trung Hoa. Ở đó, người TQ trong cơn sốt bạc cực độ sẵn sàng trả giá gấp đôi cho những nén bạc Nam Mỹ, và những lô hàng sản xuất ở Giang Nam nay có vẻ là “bình oxi” của Philippines. Ngay từ thế kỷ 16-17, cơn lũ “hàng TQ” đã làm cường quốc hàng đầu châu Âu phải rung chuyển.

Dẫu nằm cách nửa vòng trái đất, Tây Ban Nha vẫn phải oằn mình chống trả trước đợt lũ hàng TQ: Họ dĩ nhiên có ngành dệt may và dây chuyền sản xuất thủ công nghiệp của riêng mình, ở cả mẫu quốc lẫn châu Mỹ. Song quy mô nền kinh tế TQ là lớn đến nỗi hàng hóa châu Âu ko cạnh tranh nổi: Lụa Trung Hoa sẽ bị đội giá gấp đôi, 3 hay 4 lần khi đến châu Mỹ, thậm chí có thể cao hơn nữa khi tràn vào thị trường châu Âu. Kể cả vậy thì nó vẫn rẻ hơn chi phí sản xuất của ngành dệt may lục địa già, khiến lụa Trung Hoa “chính hãng” nay có giá thấp hơn cả lụa sản xuất ở châu Âu!

Nhà Minh – trong cơn khát bạc cực độ đã ra chỉ thị buộc các nông dân miền duyên hải phải trồng cây dâu tằm: Những ai sở hữu 5-10 mẫu đất đều phải trồng nửa mẫu dâu tằm và nửa mẫu bông, có từ 10 mẫu trở lên phải trồng ít nhất 1 mẫu, và những ai ko trồng dâu tằm phải nộp thuế là 1 súc lụa mỗi năm – tất cả nhằm sản xuất nhiều lụa nhất có thể để cung cấp cho “đám man di phía nam”. Dưới sắc lệnh này, khắp nơi tại vùng duyên hải Giang Nam ngập tràn cây dâu tằm. Trong khi các ngôi làng ở Chiết Giang và Giang Tô thì biến thành xưởng dệt lụa quy mô nhỏ, thu hút nhân công từ các vùng khác của TQ và xuất ra 1 sản lượng khổng lồ. Tất cả số lụa này sẽ tràn về Phúc Kiến rồi kéo sang Philippines, khiến các thương gia Phúc Kiến – mới chục năm trước còn sống trong nghèo đói và lén lút buôn lậu thì nay bỗng đảm đương 1 trọng trách cao cả: Đảm bảo an ninh tiền tệ cho toàn Trung Hoa.

  • Thương chiến:

Lúc đầu, Trung Hoa chỉ xuất tơ lụa dưới dạng các súc vải. Nhưng qua thời gian khi nắm được thị hiếu khách hàng, họ bèn mua các mẫu quần áo, đồ dùng, vải vóc châu Âu rồi tạo ra những bản sao hoàn hảo theo mẫu mã mới nhất của phương tây ngay tại TQ. Madrid trằn trọc ngày đêm khi nền kinh tế bị đe dọa, cố giành lại lợi thế bằng việc phát động cuộc “thương chiến” đầu tiên giữa TQ với 1 nước bên ngoài. Họ áp vô số luật lệ, kể cả những điều rất vô lý hòng chống lại Trung Hoa: Như tăng thuế hải quan, phí vận chuyển, phí đăng ký, phí bảo kê hoạt động, giới hạn việc nhập khẩu lụa dưới dạng thành phẩm, giới hạn lượng tàu thuyền cập cảng, chỉ cho phép đi lại trực tiếp giữa Philippines với Mexico, giới hạn lượng lụa nhập khẩu ở 1 lượng rương và kích cỡ cụ thể…

TQ lập tức trả đũa, họ hạn chế hoạt động giao dịch và giảm nguồn cung từ đại lục, hòng bỏ cho Manila chết đói. Tây Ban Nha liền thành lập 1 tổ chức hòng quét sạch các nhà bán lẻ Trung Hoa, họ sẽ mua lại hàng của người Hoa sắp cập cảng rồi phân phối chúng. Mô hình này có vô vàn lỗ hổng – vì các cá nhân trong tổ chức hiếm khi trong sạch, nên họ sẽ tìm mọi kẽ hở để ăn chặn và đánh lẻ các hợp đồng. Hàng loạt thỏa thuận lách luật diễn ra, những thương gia Phúc Kiến nay có dịp làm điều mà họ rất giỏi trong thời hoàng kim của Nụy Khấu: Buôn lậu và né luật. Họ đóng những chiếc rương có thành và đáy giả để giấu lượng lụa thành phẩm, cử người sang tận châu Mỹ dọn đường cho việc nhập lậu, tạo ra 1 thiết bị đặc biệt để ép lượng lụa khổng lồ vào 1 chiếc rương nhỏ. Kết cục là mọi thứ chẳng đi đến đâu: Tây Ban Nha, hay các nước châu Âu khác đều trải qua cùng 1 tình huống – bế tắc trong việc làm suy yếu Hoa Kiều, đơn giản vì lợi ích kiếm được từ cộng đồng này là quá lớn.

  • Con dao 2 lưỡi:

Vậy nhưng trên thực tế, Trung Hoa ko hề hưởng lợi, trái lại 2 nước còn giết nhau trong cuộc giao thương này: Thị trường TQ đã làm Tây Ban Nha – “nước ngồi trên mỏ vàng” liên tục vỡ nợ trong thế kỷ 17-18, khi Madrid tự tin vào nguồn cung bạc đến mức chi vào vô số chiến dịch tham vọng khắp địa cầu. Song thực tế đã có ko dưới 3/4 lượng bạc chảy về TQ – nơi đang khát bạc đến cực điểm. Kể cả khi Madrid tìm mọi cách siết chặt hạn mức xuất khẩu, thì bạc vẫn cứ tràn về TQ theo cách nào đó đơn giản vì thị trường Trung Hoa là quá đỗi béo bở. Kết quả đã khiến “Đế quốc mặt trời ko bao giờ lặn” đầu tiên – Tây Ban Nha suy yếu bởi chính thứ đã nâng nó lên. Trong khi ở TQ, mọi thứ còn tệ hại hơn: Nhà Minh – cũng hệt như đối tác bạc cách đó nửa vòng trái đất, dần tin tưởng đến mức lệ thuộc vào nguồn bạc. 1 mặt, bạc Tây Ban Nha là nguồn thu chính giúp nhà Minh giữ vững an ninh tiền tệ và chi vào những chiến dịch đồ sộ ở biên giới phía bắc, bao gồm việc sửa sang và xây đắp 1 đoạn dài của Vạn lý trường thành. Mặt khác, bạc cũng là mối họa lớn nhất với nhà Minh, vì triều đình ko thể kiểm soát cả việc giao thương lẫn nguồn tiền. Trong đó, các Hoàng đế dù muốn cũng ko biết làm cách nào để hạn chế dòng bạc chảy vào vì ko dưới 2/3 chúng là bạc lậu.

Quả nhiên, ko phải người Mãn, cũng chẳng phải Lý Sấm, mà chính bạc mới là kẻ giết nhà Minh: Việc có quá nhiều bạc rót vào khiến nó cuối cùng cũng rớt giá. Vào thời điểm 1640, bạc TQ cũng ko giá trị hơn thế giới là bao. Khi triều đình lệnh cho dân chúng đóng thuế bằng bạc, điều này thiết lập những mức thuế tính theo trọng lượng bạc thay vì giá trị của số bạc ấy. Các mức thuế ko được điều chỉnh theo lạm phát, khiến giá trị quy ra tiền của cùng 1 khối lượng thuế thu được giảm xuống khi bạc rớt giá. Nhà Minh lập tức lâm vào đường cùng vì cảnh thâm hụt ngân sách, họ cũng ko thể nào lạm chi bằng cách in thêm tiền. Kết cục là 1 cách bất ngờ, nhà Minh rơi xuống vực thẳm khi ko còn tiền để chi cho quốc phòng.

Như vậy, trong suốt 7 thập kỷ cuối cùng của mình, nhà Minh đã dành 1 phần đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội để đổi lấy thứ quặng trắng khai thác ở Nhật và Tây Ban Nha làm xương sống cho nền kinh tế. Cũng trong thời gian trên, những cư dân duyên hải đã làm việc ngày đêm để cung ứng lụa, đồ sứ và trà xuất khẩu nhằm thay thế những tờ tiền giấy vô giá trị. Trong hoàn cảnh đó, nguồn dự trữ bạc phải bổ sung liên tục và làm phát sinh thêm nhiều chi phí, vì thứ kim loại này liên tục hao mòn khi đi từ tay người này sang kẻ khác. Do vậy, cũng như trường hợp của quốc gia cách đó 2 đại dương, bạc vừa là đấng cứu tinh vừa là kẻ đạp nhà Minh xuống vực thẳm.

  • “Singapore của thế kỷ 18”:

Hơn 100 năm sau khi nhà Minh sụp đổ vì thiếu thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, kéo theo hàng loạt cuộc di tản về Đông Nam Á của những người mà ta quen gọi là Minh Hương. Vào năm 1777, ở đảo Borneo thuộc quần đảo Indo đã diễn ra 1 sự kiện quan trọng với cộng đồng Hoa Kiều: 1 người Khách Gia gốc Quảng Đông tên La Phương Bá đã thành lập nền Cộng hòa đầu tiên ở châu Á – Cộng hòa Lan Phương. Sự ra đời của nền Cộng hòa Á Đông này ko bắt nguồn từ 1 sự kiện nhất thời mà đã nhen nhóm từ nhiều năm về trước, xấp xỉ thời điểm người Hoa bị đàn áp ở Batavia.

Trong thế kỷ 18, trước sự xâm nhập thị trường Viễn Đông ngày càng tăng của châu Âu, các cộng đồng khai mỏ gốc Hoa – vốn trước đó được các Sultan ở Borneo thuê mướn đại trà trong các mỏ vàng và thiếc, cũng dần được hưởng 1 số quyền tự trị chính trị và hình thành các mô hình công ty mậu dịch lấy ý tưởng từ công ty Đông Ấn, gọi là Kongsi (Công ty). Dĩ nhiên sức mạnh về vũ khí của những liên đoàn này kém xa các công ty thương mại châu Âu, song với trình độ tổ chức cao và tính cộng đồng gắn kết của Hoa Kiều, họ liền chiếm được sự tín nhiệm của các Tiểu vương Indonesia, Malacca hay cả Brunei, được hưởng 1 số đặc quyền tự trị trong vài lĩnh vực như khai khoáng. Đứng đầu trong các liên đoàn này là 1 chức vị mà Bồ Đào Nha gọi là Kapitan – là những người có uy tín cao được bầu lên để lãnh đạo cộng đồng. Với sự khôn khéo lọc lõi của con buôn hay cách hành xử tôn trọng văn hóa bản địa, các Kongsi nhanh chóng tạo dựng quan hệ hữu hảo với những Tiểu vương hay liên đoàn khác để chống lại VOC, và trong vài trường hợp còn là trung gian trong việc dung hòa mâu thuẫn giữa các bên. Do đó, phạm vi của những liên đoàn này ngày 1 mở rộng, thậm chí trở thành những thực thể độc lập trên thực tế – dưới quyền lãnh đạo của người Hoa dẫn đầu bởi các Kapitan.

La Phương Bá – người cha của nền Cộng hòa là 1 Kapitan như vậy. Khi tầm ảnh hưởng của VOC dần lan đến đảo Borneo, ông đã thành lập Cộng hòa Lan Phương năm 1777 nhằm bảo vệ cộng đồng gốc Hoa trước sự áp bức tiềm tàng của Hà Lan. Trái với tư tưởng Quân chủ thế tập truyền thống Á Đông, La Phương Bá đã thực hiện nhiều nguyên tắc dân chủ học hỏi từ Hà Lan, bao gồm ý tưởng rằng mọi vấn đề nhà nước đều phải có sự tham vấn của công dân nước Cộng hòa. Nền Cộng hòa của người Hoa ko có quân đội thường trực, song có 1 bộ “Quốc phòng” quản lý lực lượng dân quân quốc gia dựa trên nghĩa vụ. Qua thời gian, Lan Phương trở thành 1 nền Cộng hòa mang tính nền móng cho ý tưởng về 1 Singapore trong tương lai: 1 nhà nước hòa hợp sắc tộc với đại đa số là người gốc Hoa, mang đậm bản sắc Á Đông dưới 1 nền Cộng hòa dân chủ.

Đứa con tinh thần của La Phương Bá đã ko tồn tại lâu, Cộng hòa Lan Phương sụp đổ vào năm 1884 trước cuộc tấn công của quân đội Hà Lan – lực lượng đã thay chân VOC khi công ty giải thể và thuộc địa Đông Ấn Hà Lan ra đời. Trong 107 năm tồn tại, nền Cộng hòa của người Hoa là 1 trong những chư hầu triều cống cho nhà Thanh – triều đại có cách nhìn nhận về thương mại dường như ko khác mấy so với nhà Minh tiền nhiệm. Mặc cho việc luôn giữ cái nhìn cảnh giác với người Hán hay Hoa Kiều, thì nhà Thanh – cũng lặp lại thứ mà nhà Minh đương đầu, đó là bị giằng co giữa quyền lợi trung ương và quy luật thị trường. Trong các phần qua series ít nhắc tới Anh Quốc – nước gây nên Chiến tranh thuốc phiện, đơn giản vì người Anh chưa gây ảnh hưởng nhiều ở Viễn Đông và thời hoàng kim của Đế quốc này chưa đến. Song, chính Anh Quốc chứ ko ai khác sẽ là nước gỡ bỏ chiếc mặt nạ rực rỡ của Thiên triều.

Phần tiếp: Hệ thống Quảng Châu và sự suy tàn của nền Quân chủ Trung Hoa.

—————————————–

Nguồn tham khảo:

-Peter Frankopan (Silk Roads).

-Charles c.Mann (1493: Uncovering the new World Columbus Created).

-William j.Bernstein (Lịch sử Giao thương).

-Wikipedia.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s