
Bản đồ Tiểu vương quốc Granada
Jason Ho
Vương triều Nasrid là vương triều Hồi giáo cuối cùng trên Bán đảo Iberia. Vương triều Nasrid cai trị Tiểu vương quốc Granada trong suốt thế kỷ 13. Tiểu vương quốc này là thành trì Hồi giáo cuối cùng của khu vực Al-Andalus (còn được biết tới là Andalusia) và chỉ bị chinh phục bởi các chiến binh Cơ Đốc giáo khoảng cuối thế kỷ 15. Người ta cho rằng Tiểu vương quốc Granada có thể tồn tại lâu dài hơn nữa nếu những nhà cai trị chịu trở thành chư hầu cho Vương quốc Castile của người Cơ Đốc giáo. Hơn nữa, Vương triều Nasrid không phải là mối đe dọa lớn đối với người Cơ Đốc giáo và có thể tiếp tục tồn tại. Mặc dù người Nasrid mất lãnh thổ cho người Cơ Đốc nhưng thủ phủ của họ, Granada, vẫn là trung tâm văn hóa Hồi giáo quan trọng trong khu vực cho tới khi sụp đổ. Cung điện Alhambra là một trong những ví dụ điển hình cho thành tựu văn hóa của Vương triều Nasrid còn tồn tại tới ngày nay.
VƯƠNG TRIỀU NASRID Ở AL-ANDALUS VÀ CUỘC THẬP TỰ CHINH ĐÃ ĐÁNH BẠI HỌ
Vương triều Nasrid tiến tới nắm quyền vào năm 1212, sau khi đánh bại người Almohad (người Hồi Berber cai trị khu vực Al-Andalus) tại Trận Las Navas de Tolosa, một phần trong chiến dịch “Reconquista”. Tại Trận Alarcoa năm 1195, Alfonso VIII xứ Castile chịu đựng một thất bại cay đắng dưới bàn tay của người Almohad. Do đó, Rodrigo Jiménez de Rada, Tổng Giám mục xứ Toledo, khuấy động nỗi phẫn nộ vì chiến thắng của người Hồi trước người Cơ Đốc. Kết quả là một cuộc Thập Tự Chinh được Giáo Hoàng phát động, nhận được sự ủng hộ từ các Hồng Y nước Pháp. Vào mùa xuân năm 1212, một nhóm dự phòng các Hiệp sĩ Pháp, đồng thời có các Hiệp sĩ Dòng Đền tới Toledo. Cuộc Thập Tự Chinh có sự tham gia của Vương quốc Aragon, Castile và Bồ Đào Nha.
Các chiến binh thánh chiến bắt đầu hành quân về phía Nam vào ngày 21 tháng 6, và thành công khi chiếm giữ 2 pháo đài quan trọng của người Hồi. Tuy nhiên, nhiều chiến binh thánh chiến không phải người Tây Ban Nha đã nản lòng vì khí hậu khắc nghiệt nên quay về nhà. Nhưng đồng thời đội quân còn lại được bổ sung thêm từ Navarre. Cùng lúc đó, người Almohad mang quân đội tới bao vây khu vực vùng núi xung quanh Baeza. Vị Caliph lúc đó là Muhammad al-Nasir, lên kế hoạch chặn đầu những chiến binh thánh chiến tại cánh đồng ở Las Navas de Tolosa. Các chiến binh thánh chiến tới đây vào ngày 12 tháng 7, chiếm giữ vùng Castroferral, hy vọng tấn công người Hồi qua ngã La Llosa. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì khu vực này được canh phòng cẩn thận. May mắn nghiêng về các chiến binh thánh chiến khi họ được một người chăn cừu địa phương chỉ một lối khác để tới được trại của người Hồi. Quân Almohad bị đánh úp bất ngờ và dễ dàng bị loại.
Việc bị đánh bại tại Trận Las Navas de Tolosa đánh dấu sự suy tàn cho người Almohad. Tranh đấu nội bộ cộng thêm việc không có nhà lãnh đạo tài năng làm trầm trọng thêm những vấn đề người Almohad phải đối mặt, và họ đánh mất sự kiểm soát lên vùng Al-Andalus. Khoảng trống quyền lực trong khu vực được các lãnh tụ Hồi giáo địa phương tận dụng, lập nên các “taifas” độc lập.
SỰ TRỖI DẬY CỦA VƯƠNG TRIỀU NASRID VÀ TIỂU VƯƠNG QUỐC GRANADA
Tiểu vương quốc Granada là một trong những “taifas” nổi lên sau sự sụp đổ của người Almohad. Mặc dù quyền lực của người Almohad lung lay sau khi bị người Cơ Đốc đánh bại, nhưng họ vẫn còn đủ mạnh để kiểm soát Al-Andalus trong 2 thập kỷ tiếp theo. Sau này, họ đánh mất kiểm soát vào tay các “taifas” độc lập, và những “taifas” lại bị Vương quốc Tây Ban Nha của người Cơ Đốc thâu tóm.
Đầu thập niên 1230, Muhammad ibn Yusuf ibn Nasr ibn al-Ahmar (còn được biết tới là Muhammad I xứ Granada, hay Muhammad I al-Ghalib) là chỉ huy quân đội từ khu vực Jaén, thành lập nên Tiểu vương quốc Granada. Năm 1237, Muhammad xây dựng thủ phủ tại trung tâm Granada, cho tới khi vương triều suy tàn. Ngoài Granada, Muhammad còn kiểm soát các khu vực lân cận như Jaén, Almería, và Málaga. Nói cách khác, Vương triều Nasrid cai quản toàn bộ phía Nam Bán đảo Iberia.
Vương triều Nasrid coi người Cơ Đốc giáo là mối đe dọa đối với vương quốc của họ. Vì vậy, họ thừa nhận chủ quyền với Vua xứ Castile. Để đổi lấy hòa bình, người Nasrid trả một khoản cống nạp hàng năm cho xứ Castile, và đôi khi phải bổ sung lực lượng hỗ trợ cho Castile mỗi khi có chiến tranh. Bản thân Muhammad là một chư hầu của Ferdinand III, và tiếp tục làm chư hầu cho tới thời của Alfonso X, người kế thừa của Ferdinand. Đổi lại, người Castile không coi vương triều Nasrid là mối đe dọa.
So với các “taifas” khác, Tiểu vương quốc Granada sống hòa bình với các quốc gia Thiên Chúa giáo khác. Khi các “taifas” khác bị chinh phục bởi những người Cơ Đốc trong chiến dịch “Reconquista”, ngày càng nhiều người Hồi giáo buộc phải chạy khỏi quê nhà của họ. Nhiều người trong số đó đi về phía Nam, và cuối cùng đến Granada, nơi họ được chào đón bởi người Nasrid. Những người tị nạn này đến từ các thành phố như Seville, Valencia và Murcia, những nơi từng là trung tâm thịnh vượng của văn hóa Hồi giáo. Những người tị nạn mang theo kỹ năng của họ, điều này đã góp phần vào sự thạnh vượng của Granada và biến thành phố thành trung tâm văn hóa Hồi giáo mới trên Bán đảo Iberia. Nhờ sự thạnh vượng mới này, người Nasrid đã có thể bắt tay vào việc xây dựng Cung điện Alhambra, thành tựu được ghi nhớ cho đến ngày nay.
ALHAMBRA — DI SẢN CỦA VƯƠNG TRIỀU NASRID
Quần thể cung điện Alhambra
Cung điện Alhambra và quần thể pháo đài được gọi là “Lâu đài Đỏ”, nằm trên khu vực cao nguyên Đồi Sabika, phía Tây thủ phủ Granada. Từ trên đỉnh đồi, có thể nhìn toàn cảnh thành phố và những cánh đồng ở Granada. Ngọn đồi bao quanh bởi các dãy núi, với con sông Darro chảy khắp đồng bằng.
Vị trí chiến lược của Alhambra giúp vương quốc dễ dàng kiểm soát thành phố và các khu vực lân cận. Người ta cho rằng đã từng có một pháo đài La Mã ở trên Đồi Sabika. Những tài liệu đầu tiên về Alhambra xuất hiện từ thế kỷ 9 Công Nguyên, khi đó một người đàn ông tên là Sawwar ben Hamdun đã ẩn nấp tại Alcazaba trong cuộc chiến giữa người Hồi và người Muladis (lai giữa người Ả Rập và người Âu bản xứ). Alcazaba là một pháo đài cổ xưa nhất thuộc quần thể pháo đài ở Alhambra.
Mặc dù Sawwar ben Hamdun và những người Hồi khác tỵ nạn tại Alcazaba đã khởi xướng các công trình xây dựng mới ở đó, địa điểm này lại chìm vào màn sương mờ trong suốt thế kỷ 10. Thế kỷ 11, Vương triều Zirid thành lập “taifas” tại Granada, và quyết định định cư tại Alcazaba Cadima ở Albaicín. Theo một số tài liệu, vị “vizier” (tương đương tể tướng) khi đó là một người Do Thái tên là Samuel ibn Naghralla, đã tìm cách bảo tồn một khu định cư quan trọng của người Do Thái trên Đồi Sabika, do đó ông cho xây dựng một cung điện mới trên tàn tích cũ ở đó. Các nguồn khác lại cho rằng những người cai trị Granada chỉ thiết lập nơi cư trú của họ trên Đồi Sabika từ thế kỷ 13 trở đi, tức là trong thời kỳ Nasrid.
Tuy nhiên, phần lớn quần thể Alhambra chúng ta thấy ngày nay đều được xây dựng dưới thời Vương triều Nasrid. Khi Muhammad, Tiểu vương đầu tiên của Granada, lên nắm quyền, ông ngay lập tức đóng đô tại Albaicín, giống như Vương triều Zirid trước đó. Khi đó, các công trình trên Đồi Sabika đều đã cũ xưa nhưng mau chóng lọt vào mắt của vị tiểu vương. Ông cho khôi phục lại hoàn toàn các công trình cũ cũng như cho xây dựng thêm các công trình mới trên đồi. Mặc dù Muhammad cho xây dựng lại Alhambra, nhưng những thừa kế của Vương triều Nasrid sau ông đã thêm vào nhiều công trình tạo thành quần thể và Alhambra chánh thức hoàn thành vào thế kỷ 14.
Ban đầu, Alhambra chủ yếu phục vụ mục đích phòng thủ. Muhammad cho xây dựng ba tòa tháp mới trên Đồi Sabika, và khôi phục những tòa tháp đã bị đổ nát. Vị tiểu vương cũng bắt đầu xây dựng các cung điện và thành lũy. Để giúp nơi này có thể sinh sống được, Muhammad cho đào kênh lấy nước từ sông Darro. Những người kế vị của Muhammad đã tiếp tục công cuộc xây dựng Alhambra.
Các công trình nổi tiếng nhất của Alhambra được xây dựng dưới thời trị vì của Yusuf I và Muhammad V, cả hai đều cai trị Granada trong thế kỷ 14. Những đóng góp cho Alhambra bao gồm Nhà tắm lộ thiên, Cung Comares và Cổng Công Lý, trong khi phần bổ sung đáng chú ý nhất sau này cho quần thể là Cung Sư Tử. Một trong những trang trí ấn tượng nhất của Alhambra là tác phẩm thạch cao, bao phủ hầu hết mọi bề mặt tường, vòm, mái vòm và trần nhà. Tác phẩm thạch cao của Alhambra bao gồm các dòng chữ thư pháp, các đồ hình họa tiết và các đồ trang trí bằng hoa và thực vật.
SỰ SUY TÀN CỦA VƯƠNG TRIỀU NASRID BỞI CÁC THẾ LỰC CƠ ĐỐC
Trận Las Navas de Tolosa
Vương triều Nasrid không phải là một thế lực đáng gờm ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, có một khoảnh khắc ngắn ngủi khi người Nasrid nghiêm túc với ý tưởng phục hồi nền thống trị của người Hồi giáo ở Bán đảo Iberia. Mặc dù thần phục Vương quốc Castile, nhưng Vương triều Nasrid đã thành lập một liên minh với Vương triều Marinid ở vùng Tây Bắc Châu Phi. Năm 1340, người Marinid vượt qua Eo biển Gibraltar, và xâm lược Tây Ban Nha, với hy vọng giành lại các lãnh thổ mà người Hồi đã mất trong chiến dịch “Reconquista” thế kỷ trước. Tuy nhiên, những người xâm lược và đồng minh người Nasrid bị đánh bại bởi liên quân Castile-Bồ Đào Nha trong Trận Rio Salado.
Mặc dù Tiểu vương quốc Granada suy yếu nghiêm trọng sau thất bại này, nhưng người Cơ Đốc chưa thể chấm dứt Vương triều Nasrid một lần và mãi mãi. Vua Castile, Alfonso XI, qua đời 10 năm sau Trận Rio Salado, trong khi những người kế vị của ông không mấy quan tâm đến việc tiếp tục chiến dịch “Reconquista”. Kết quả là, người Nasrid tiếp tục giữ vững tiểu vương quốc của mình trong 150 năm nữa.
Năm 1469, người Cơ Đốc ở Tây Ban Nha cuối cùng cũng quy về một mối, nhờ cuộc hôn nhân giữa Ferdinand II xứ Aragon với Isabella I xúi Castile. Cùng lúc đó, người Nasrid từ chối cống nạp cho Castile nên cuộc chiến giữa Castile và Tiểu vương quốc Granada bùng nổ. Tình hình ở Granada trở nên trầm trọng hơn bởi sự chia rẽ nội bộ và đấu tranh phe phái.
Mùa xuân năm 1491, Vương triều Nasrid để mất toàn bộ lãnh thổ vào tay người Cơ Đốc, ngoại trừ thủ phủ Granada. Người cai trị cuối cùng của Granada, Muhammad XII (còn được người Châu Âu gọi là Boabdil) không thể chống lại cuộc bao vây thành phố. Tuy nhiên, ông xoay sở để đàm phán một thỏa thuận đình chiến kéo dài 4 tháng với người Tây Ban Nha. Nếu không nhận được sự giúp đỡ nào vào cuối hiệp định đình chiến, ông sẽ phải giao thành phố cho họ. Những nỗ lực của Muhammad để xin viện trợ từ Vương triều Marinid không thành công. Do đó, vào ngày 2 tháng 1 năm 1492, khi hiệp định đình chiến hết hạn, thủ phủ Granada đầu hàng người Tây Ban Nha.
KẾT THÚC VƯƠNG TRIỀU NASRID VÀ DI SẢN ĐỘC ĐÁO CỦA HỌ
Sự sụp đổ của Granada đánh dấu sự kết thúc của Vương triều Nasrid, cũng như sự cai trị của người Hồi ở Bán đảo Iberia. Vương triều Nasrid được nhớ đến nhiều nhất ngày nay với tư cách là nhà nước Hồi giáo cuối cùng trên Bán đảo Iberia, cũng như là “taifas” tồn tại lâu nhất. Quan trọng hơn, có lẽ là di sản mà họ để lại, trong đó đáng chú ý nhất là quần thể Cung điện Alhambra.
Trong nhiều thế kỷ tiếp theo sau sự sụp đổ của Granada, Alhambra phải chịu một số phận tồi tệ. Ngay sau khi Vương triều Nasrid bị lật đổ, phần lớn nội thất và đồ trang trí của Alhambra đã bị phá hủy hoặc di dời. Trong thế kỷ 16, Charles V cho xây dựng lại các phần của Alhambra theo phong cách Phục Hưng và phá bỏ những phần khác để ông có thể xây dựng một cung điện theo trường phái Tân Cổ Điển. Vào đầu thế kỷ 19, một số tòa tháp của Alhambra đã bị người Pháp cho nổ tung trong Chiến Tranh Bán Đảo và thiệt hại do một trận động đất. May mắn thay, trong cùng thế kỷ, việc sửa chữa và tái xây dựng được bắt đầu. Quần thể Alhambra đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1984, và việc khôi phục và bảo tồn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.