Bảo vệ tổng thống Mỹ- Phần 1

in-the-president-s-secret-service-2

Tác giả Ronald Kessler

Trần Quang Nghĩa dịch

1 .GIÁM SÁT

Thậm chí trước khi tuyên thệ nhậm chức, Abraham Lincoln là mục tiêu của những âm mưu bắt cóc hoặc ám sát ông. Trong suốt Nội Chiến, ông nhận được nhiều thư hăm dọa. Vậy mà, như hầu hết các tổng thống trước và sau ông, Lincoln ít sử dụng đến lực lượng bảo vệ cá nhân. Ông không đồng ý các biện pháp mà  bạn bè, cảnh sát, và quân đội bày ra để giữ gìn an ninh cho mình. Cuối cùng, vào cuối nội chiến, ông mới đồng ý cho phép bốn sĩ quan cảnh sát Washington làm vệ sĩ cho ông.

Vào ngày 14/4/1865, John Wilkes Booth, một cảm tình viên cuồng tín của phe Liên minh miền Nam, biết tin Lincoln sẽ đi xem kịch  tại Nhà hát Ford tối hôm đó. Vệ sĩ bảo vệ tổng thống hôm đó là cảnh sát tuần tra John F. Parker của lực lượng cảnh sát Washington. Thay vì ở yên vị trí bảo vệ bên ngoài lô tổng thống, Parker bỏ vị trí để đi xem kịch, rồi đến một phòng gần đó để uống nước. Do hành động sơ suất này của Parker, Lincoln trở thành miếng mồi ngon của sát thủ.

Ngay sau 10 giờ tối, Booth lần mò đến lô ngồi xem hát của Lincoln, lẻn vào và bắn ông sau ót. Tổng thống qua đời vào sáng hôm sau.

1

Abraham Lincoln Tổng thống thứ 16

Dù có bài học đó, công tác bảo vệ tổng thống vẫn thất thường. Một thời gian ngắn sau Nội Chiến, Bộ Chiến tranh cắt đặt binh sĩ bảo vệ khu vực Nhà Trắng. Trong những trường hợp đặc biệt, các sĩ quan cảnh sát Washington giúp duy trì trật tự và ngăn đám đông tụ tập. Nhưng phân đội thường trực gồm bốn sĩ quan cảnh sát đã được phân công bảo vệ tổng thống trong nhiệm kỳ của Lincoln rút xuống chỉ còn ba. Những sĩ quan này chỉ bảo vệ Nhà Trắng và không được huấn luyện một cách đặc biệt.

Do đó, Tổng thống James A. Garfield không được bảo vệ khi ông đi bộ qua phòng đợi về phía tàu hỏa tại ga Đường sắt Baltimore và Potomac ở Washington vào buổi sáng ngày 2/7/1881. Charles J. Guiteau tiến lên từ đám đông và bắn trúng tổng thống ngay cánh tay và rồi trúng lưng giết chết ông. Guiteau khai là mình vô cùng bất mãn vì Garfield phớt lờ lời thỉnh cầu được bổ nhiệm làm lãnh sự ở châu Âu của ông ta.

Alexander Graham Bell, người sáng chế điện thoại, cố tìm ra viên đạn bằng thiết bị điện cân bằng cảm ứng mà ông đã sáng chế. Trong khi thiết bị hoạt động hiệu quả khi thí nghiệm, nó thất bại không tìm được viên đạn. Mọi nỗ lực khác cũng thất bại. Vào ngày 19/9/1881, Garfield qua đời vì vết thương.

2

James A. Garfield -Tổng thống thứ 20 (4/3/1881 – 19/9/1881)

Mặc dù vụ ám sát làm rúng động quốc gia, không có biện pháp nào được tiến hành để bảo vệ tổng thống tiếp theo, Chester A. Arthur. Sự chống đối rút lại nằm ở vấn đề thường trực là làm thế nào hoà giải nhu cầu bảo vệ nhà lãnh đạo đất nước với nhu cầu ông cần hòa mình với đám đông để thể hiện sự kết nối với quần chúng.

Thật ra, sau vụ ám sát Garfield, tờ New York Tribune lên tiếng chống lại việc tăng cường an ninh. Tờ báo cho rằng xứ sở không muốn tổng thống trở thành “nô lệ của chức vụ, tù nhân của các hình thức và hạn chế”.

Xung đột giữa nhu cầu cởi mở và bảo vệ đi ngược trở về với việc thiết kế của chính Nhà Trắng. Theo dự tính ban đầu của kiến trúc sư Pierre L_Enfant và được George Washington tán thành trên nguyên tắc, thì Nhà Trắng phải là một “cung tổng thống.” Như được dự kiến, nó sẽ rộng hơn năm lần so với công trình xây dựng thực tế. Nhưng sự chống đối của đảng Cộng Hòa, dẫn đầu bởi Thomas Jefferson, bác bỏ thiết kế của đảng Liên bang, cho rằng nó không thích hợp với chế độ dân chủ. Những chỉ trích gán cho nó tính cách hoàng gia – bao quanh tổng thống với triều thần và vệ binh, và vật dụng như cung điện Vương quốc Anh.

Để giải quyết bế tắc, Jefferson đề nghị với Tổng thống Washington rằng thành trì hành pháp sẽ được xây dựng theo bản thiết kế tốt nhất qua một cuộc thi quốc gia. Washington chấp thuận ý kiến ông và cuối cùng thiết kế của kiến trúc sư James Hoban được chấp nhận. Các công nhân đặt viên đá móng đầu tiên vào ngày 13/10/1792. Khi tòa nhà được quét lớp vôi trắng vào năm 1797, dân chúng liền gọi nó là Nhà Trắng.

3

George Washington-Tổng thống đầu tiên 3(0/4/1789 – 4/3/1797)

4

Thomas Jefferson- Tổng thống thứ 3 (4/3/1801 – 4/3/1809 )  

5

Nhà Trắng lúc ban đầu

Bởi những mục đích xung đột nhau giữa tính cởi mở và an ninh, nên không có gì lạ khi việc bố trí Cục Mật Vụ  bảo vệ tổng thống chỉ được tính toán sau cùng. Cục bắt đầu hoạt động như một phòng ban thuộc Bộ Ngân Khố vào ngày 5/7/1865, để theo dõi và bắt bớ những tay làm bạc giả. Tại thời điểm đó, người ta ước tính một phần ba giấy bạc lưu hành là giả. Các tiểu bang phát hành giấy bạc riêng của mình in tại 1600 ngân hàng tiểu bang .

Mỉa mai thay, hành động chính thức cuối cùng của Abraham Lincoln là ký luật cho phép thành lập Cục Mật Vụ. Xếp đầu tiên của nó William P. Wood, một cựu binh của Cuộc Chiến  Mexico-Mỹ, một người bạn của Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, và là quản đốc Nhà tù Old Capitol.

Một trong những mục tiêu đầu tiên của Cục Mật Vụ là William E. Brockway. Y đang làm ăn khấm khá nhờ làm giả những công trái (trái phiếu kho bạc) trị giá 1,000 đô mà chính kho bạc đã thanh toán đến 75 tờ. Xếp Wood đích thân truy ra Brockway đến tận New York, tại đó y sống dưới cái tên giả. Được xem là Vua Làm Giả, y bị kết án và tống vào tù.

Vào năm 1867, Cục Mật Vụ đã gần như khống chế hoạt động làm tiền giả và nhận được lời ca tụng của báo chí.

Với sự thành công của cơ quan, Quốc hội trao cho Mật Vụ quyền hành rộng rãi hơn để điều tra những tội ác khác, kể cả tội gian lận đối với nhà nước. Năm 1894, Mật Vụ điều tra một âm mưu ám sát Tổng thống Grover Cleveland của một nhóm “tay bạc miền tây, bọn vô chính phủ, hoặc lập dị” ở Colorado. Làm hơn nhiệm vụ của mình, cục phái hai người đang tiến hành cuộc điều tra đi bảo vệ Cleveland khỏi bị những nghi can ám hại. Thế là hai đặc vụ leo lên xe độc mã lẽo đẽo theo sau chiếc xe ngựa chở tổng thống một khoảng thời gian sau đó. Nhưng sau khi hành động này bị các đối thủ chính trị chỉ trích, Cleveland bảo các đặc vụ mình không cần sự giúp đỡ của họ nữa.

Khi số thư từ đe doạ gởi đến tổng thống gia tăng, đệ nhất phu nhân Cleveland thuyết phục chồng nên gia tăng sự bảo vệ tại Nhà Trắng. Số cảnh sát được phân công tại đó tăng từ 3 đến 27. Năm 1894, Mật Vụ bắt đầu tăng cường sự bảo vệ bằng cách cung cấp các đặc vụ trên cơ sở không chính thức, kế cả khi tổng thống đi xa.

Nhưng cũng không tác dụng gì đối với vị tổng thống tiếp sau, William McKinley. Không như Lincoln và Garfield, McKinley được canh gác khi  Leon F. Czolgosz bắn ông vào ngày 6/9/1901. McKinley đang dự buổi tiếp tân hôm đó ở Temple of Music trong Cuộc Triển Lãm Xuyên Mỹ tổ chức ở Buffalo, New York. Những hàng dài dân chúng đi qua giữa hai hàng cảnh sát và binh lính để đến bắt tay ông. Hai đặc vụ đứng cách ông một mét khi tên sát thủ 28 tuổi bước vào hàng và bắn tổng thống hai phát bằng khẩu súng lục giấu trong khăn tay. Đạn ghim vào ngực và dạ dày của McKinley. Tám ngày sau ông chết vì nhiễm độc máu.

6

William McKinley- Tổng thống thứ 25 (4/3/1897 – 14/9/1901)

Năm sau – 1902 – Mật Vụ mới chính thức lãnh trách nhiệm bảo vệ tổng thống. Thậm chí lúc đó nó vẫn chưa được hợp thức hóa để làm việc đó. Trong khi Quốc hội bắt đầu phân phối ngân sách cụ thể cho hoạt động đó, nó chỉ làm từng năm, như một phần của Đạo Luật Chi phí Dân sự Linh tinh.

Khi những biện pháp bảo vệ được tăng cường, Tổng thống Theodore viết cho Thượng Nghị sĩ Henry Cabot Lodge là ông coi Mật Vụ là “một cái gai rất nhỏ đâm vào da thịt nhưng rất cần thiết. Tất nhiên, họ không ích lợi gì nhiều trong việc ngăn cản người ta tấn công tôi. Tôi không cho rằng có gì nguy hiểm về một cuộc tấn công như thế, còn nếu có, thì như Lincoln nói, ‘Cho dù một tổng thống sẽ an toàn hơn nếu sống trong lồng, nhưng như thế sẽ bị cản trở công việc.'”

Những vụ mưu sát không thành công nhằm vào Tổng thống Andrew Jackson  ngày 30/1/1835, Theodore Roosevelt ngày 14/10/1912; và Franklin D. Roosevelt ngày 15/2/1933, trước khi ông làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Thậm chí cho dù Quốc hội tiếp tục xem xét các dự luật coi việc ám sát tổng thống là một tội ác liên bang, bộ phận làm luật không hành động gì cả. Dân chúng tiếp tục được tự do đi lẩn quẩn trong Nhà Trắng vào ban ngày.  Nhớ lại khi Nhà Trắng lần đầu tiên mở cửa, một gã tâm thần lang thang bước vào và hăm dọa giết Tổng thống John Adams. Không hề gọi hỗ trợ, Adams mời gã vào văn phòng và trấn an gã.

Cuối cùng, theo khuyến nghị của Mật Vụ, khu vực Nhà Trắng lần đầu tiên bị cấm vào trong thời Thế Chiến II. Muốn được vào, khách phải trình diện ở cổng bên ngoài vòng rào. Quốc hội đã chính thức thành lập Cảnh sát Nhà Trắng vào năm 1922 để giữ an ninh cho phức hợp và khu vực. Vào năm 1930, Cảnh sát Nhà Trắng trở thành một bộ phận của Mật Vụ. Đơn vị trong Mật Vụ đó giờ đây được gọi là Bộ phận Đồng phục của Mật Vụ. Đúng theo tên gọi, những sĩ quan trong bộ phận đều mặc đồng phục.

Trái với Bộ phận Đồng phục, Mật Vụ mặc áo vét. Họ chịu trách nhiệm cho an ninh của đệ nhất gia đình và đệ nhị gia đình, trong khi an ninh khu vực chung quanh họ thì Đồng phục lo. Họ cũng chịu trách nhiệm bảo vệ các cựu tổng thống, các ứng cử viên tổng thống, và các nguyên thủ viếng thăm, và an ninh tại các sự kiện đặc biệt có tầm vóc quốc gia như lễ nhậm chức tổng thống, Thế Vận Hội, và những buổi lễ đề cử ứng viên tổng thống.

Vào cuối Thế Chiến II số các đặc vụ của Cục Mật Vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống đã tăng đến 37 người. An ninh tăng cường đã được đền đáp. Vào 2:20 chiều ngày 1/11/1950, hai người Puerto Rico theo chủ nghĩa dân tộc cố xông vào tòa nhà Blair House để giết Tổng thống Harry S. Truman. Các sát thủ, Oscar Collazo, 36 tuổi, và Griselio Torresola, 25 tuổi, hi vọng gây được tiếng vang cho phong trào đòi độc lập của hòn đảo khỏi Hoa Kỳ.

Hai tên đem theo một cặp súng lục Đức và lên chuyến tàu hỏa từ New York đến Washington. Sau đó họ lên taxi đến Nhà Trắng. Hóa ra hôm đó Nhà Trắng đóng cửa để tu sửa, và mục tiêu của họ hiện không ở đó.  Từ tài xế taxi  Collazo và Torresola biết được rằng trong thời gian tu bổ, Truman, mật danh Supervise (Giám Sát), đang cư trú tại Blair House bên kia đường.  Họ quyết định tấn công vào.

Bước ra Đại lộ Pennsylvania, Torresola bước về phía mặt tây tòa nhà Blair House, trong khi Collazo tiến đến từ hướng đông. Họ lên kế hoạch đến tòa nhà cùng một luc, khai hỏa tấn công hạ thủ lực lượng an ninh, và sau đó xông vào tìm tổng thống. Là một thiện xạ, Torresola bắn tốt hơn nhiều; trong khi Collazo chỉ mới qua huấn luyện trước khi đảm nhận công tác. Nhưng số phận có câu trả lời riêng cho mỗi người.

Đặc vụ Floyd Boring và sĩ quan Cảnh sát Nhà Trắng Joseph Davidson đang gác ở phòng bảo vệ phía đông. Tại phòng bảo vệ phía tây có sĩ quan Cảnh sát Nhà Trắng Leslie Coffelt. Còn sĩ quan Cảnh sát Nhà Trắng Donald Birdzell thì đang đứng trên bậc thang ở mặt trước dưới hiên tòa nhà, lưng anh quay ra đường, khi Collazo tiến lên phía sau anh.

Chưa quen với khẩu súng lục tự động mang theo, Collazo khai hỏa,  cò súng kêu clic, nhưng không có gì xảy ra. Birdzell quay lại và thấy sát thủ đang loay hoay. Rồi súng nổ. Một viên đạn xé toạc đầu gối phải của Birdzell.

Rời phòng bảo vệ phía đông, đặc vụ Boring và sĩ quan Davidson rút súng và khai hỏa về phía Collazo. Nghe tiếng súng, đặc vụ Stewart Stout, đang ở trong tòa nhà Blair House, chụp lấy khẩu tiểu liên Thompson từ giá súng. Anh đứng gác ở đường vào sảnh, canh giữ cầu thang và thang máy dẫn lên tầng hai, nơi tổng thống Truman đang nghỉ trưa. Bess Truman – mật danh Sunnyside – như thường lệ đang ở ngoài thành phố. Bà ghét Washington.

Đứng trước nhà bảo vệ phía tây, Torresola rút ra khẩu Luger và bắn nhiều phát vào bụng dưới sĩ quan Coffelt. Coffelt ngã quị xuống đất. Torresola đi vòng qua nhà bảo vệ và chạm trán một mục tiêu khác – sĩ quan Cảnh sát Nhà Trắng Joseph Downs, đang mặc đồ dân sự. Torresola bắn trúng anh ba phát – vào hông, vài, và bên trái cổ.

Rồi Torresola nhảy qua một bờ giậu và đi về phía cửa vào nơi sĩ quan Birdzell bị thương đang nhắm bắn phát đạn thứ ba hay bốn gì đó vào Collazo. Thấy Torresola, Birdzell bắn một phát vào y nhưng trượt. Torresola bắn trả, và viên đạn ghim vào đầu gối kia của viên sĩ quan.

Trong hành động quả cảm cuối cùng, Coffelt rướn người lên và dựa lưng vào nhà bảo vệ. Anh nhắm súng lục vào đầu Torresola và bóp cò. Viên đạn rít qua tai của Torresola. Tên sát thủ ngã chúi tới, nằm chết trên đường.

Các sĩ quan và đặc vụ khác nã đạn vào Collazo. Cuối cùng y sụm xuống khi một viên đạn ghim vào ngực. Trong khi đó, đặc vụ Vincent Mroz bắn y từ cửa sổ tầng hai.

Cuộc đọ súng dữ dội nhất trong lịch sử Mật Vụ kết thúc trong vòng 40 giây. Tổng cộng có 27 viên đạn dược bắn ra.

Đã giết Torresola, sĩ quan Coffefelt chết khi được giải phẫu không tới bốn giờ sau đó. Anh xứng đáng giành được một vị trí trong danh sách danh dự những chiến sĩ hi sinh khi đang làm nhiệm vụ của Mật Vụ. Collazo và hai cảnh sát Nhà Trắng khác phục hồi từ vết thương. Truman không hề hấn gì. Nếu các sát thủ vào được bên trong tòa nhà, Stout và những đặc vụ khác đã hạ thủ họ.

Đặc vụ Floyd Boring nhớ lại, “hôm đó là một ngày đẹp trời, ngoài trời khoảng 80 độ F. Anh nhớ mình đã trêu ghẹo Coffelt. “Tôi đã đùa về việc anh đã sắm một cặp kính mới. Tôi muốn tìm xem hôm đó ảnh có mang kính mới để ngắm bọn con gái hay không.”

Khi cuộc đọ súng kết thúc, Boring đi lên tầng trên để gặp Truman. Boring nhớ có nghe Truman hỏi, “Cái quái gì xảy ra ở dưới vậy?”

Năm sau, cuối cùng Quốc hội thông qua đạo luật ủy quyền vĩnh viễn cho Mật Vụ nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, vợ con tổng thống, tổng thống chưa nhậm chức và phó tổng thống nếu ông ta có yêu cầu.

“Tốt, thật tuyệt khi biết rằng công tác bảo vệ tôi cuối cùng đã được hợp pháp hóa,” Truman nói đùa khi ký vào đạo luật ngày 16/7/1951.

7

Harry S. Truman- Tổng thống thứ 33 (12/4/1945 -20/1/1953)

Nhưng còn vấn đề tổng thống sẽ nhận được bao nhiêu mức độ bảo vệ. Bởi lẽ theo chức năng tổng thống muốn lộ điện nhiều hơn, trong khi các đặc vụ muốn an ninh thắt chặt hơn. Như phụ tá Kenneth O’Donnell của Tổng thống Kennedy nói, “Quan điểm của tổng thống về trách nhiệm của mình là ông ta phải gặp gỡ dân chúng, đi đến nhà họ và thăm hỏi họ, và cho phép họ thăm viếng mình, và bàn luận, nếu có thể, về quan điểm thế giới theo cách ông nhìn thấy, và những vấn đề của đất nước theo cách ông nhìn thấy.”

Nhưng có một ranh giới mong manh giữa những mục tiêu đáng trân trọng này và tình trạng buông lỏng an ninh.

  2 . Lancer

Với bảy đặc vụ mỗi ca, phân đội bảo vệ Tổng thống John F. Kennedy gồm khoảng 24 người, kế cả những giám sát viên. Trước khi được thuê mướn, họ được dẫn đến trường bắn để được huấn luyện tác xạ bằng súng lục và được giao một cẩm nang. Không cần trải qua huấn luyện ban đầu nào khác.

“Vào ngày thứ hai trong  nghề đặc vụ, họ bố trí tôi ngồi băng ghế sau trên chiếc limousine của tổng thống,” cựu đặc vụ Larry D. Newman nói. “Một giám sát viên đặt khẩu tiểu liên Thompson lên lòng tôi. Tôi chưa hề thấy khẩu Thompson trước đây, nói chi sử dụng nó.”

Qua vài năm sau đó, Newman nhận được tổng cộng 10 tuần huấn luyện, trong đó 4 tuần học tập các thủ tục thi hành luật pháp tại Bộ Ngân Khố và 6 tuần huấn luyện Mật Vụ. Nhưng bạn không hề hiểu được tại sao các thùng đựng súng có khóa được cất giữ tại Nhà Trắng dành cho Mật Vụ, mà chia khóa của thùng lại do cảnh sát Nhà Trắng cất giữ.

Newman được lệnh hứng đạn cho tổng thống và câm miệng về đời tư của tổng thống. Là những camera quan sát bằng xương bằng thịt, các đặc vụ quan sát mọi thứ xảy ra chung quanh. Tận hôm nay, các giám đốc Mật Vụ còn thỉnh thoảng căn dặn các đặc vụ không được tiết lộ với bất cứ ai – nói chi với cánh báo chí – những gì họ nhìn thấy ở hậu trường. Các giám đốc thường nêu ra một cụm từ nói về lòng tin tưởng từ cẩm nang công tác mà mọi đặc vụ mang theo cùng với chứng minh thư của họ. Cẩm nang nói rằng đặc vụ là “một nhân viên đặc biệt được ủy nhiệm thích hợp của Mật Vụ Hoa Kỳ, được phép mang vũ khí, thì hành pháp lệnh, bắt giữ vì tội chống phá Hoa Kỳ, bảo vệ an ninh tổng thống và những người khác theo luật, thi hành những những nhiệm vụ được giao phó, và được kỳ vọng xứng đáng với niềm tin tưởng và lòng trông cậy.”

Newman và những đặc vụ được phân công bảo vệ Kennedy chẳng bao lâu biết rằng ông có hai cuộc sống. Ông là nhà lãnh đạo lôi cuốn của thế giới tự do. Nhưng trong cuộc sống khác, ông là người chồng gian dối, bê bối nhờ các phụ tá tuồn các phụ nữ vào Nhà Trắng để giải khát cơn thèm tình dục của ông.

Đặc vụ trước kia  Robert Lutz nhớ một tiếp viên hàng không hãng Pan Am người Thụy Điển tuyệt đẹp làm việc trên phi cơ báo chí đi theo Kennedy trên chuyên cơ Không Lực Một (dành cho tổng thống). Cô ta hình như thích Lutz, và anh dự định mời cô đi ăn tối. Xếp phân đội mật vụ để ý thấy họ có vẻ quá thân mật nên bảo đặc vụ hãy tránh xa.

“Cô nàng thuộc kho lưu trữ của tổng thống đấy, bé ạ,” ông cảnh cáo Lutz.

Ngoài những tình nhân một đêm, Kennedy còn có vài cung tần trong Nhà Trắng. Một người trong số đó là  Pamela Turnure, từng là thư ký ông khi ông còn là Thượng Nghị sĩ, rồi làm thư ký báo chí cho Đệ Nhất Phu nhân Jackie trong Nhà Trắng. Hai nàng khác , Priscilla Wear và Jill Cowen, là thư ký, có biệt danh Fiddle and Faddle, theo thứ tự. 

Khi Jackie đi khỏi, Pam Turnure sẽ đến với JFK vào ban đêm tại khu cư trú,” cựu đặc vụ Chuck Taylor nói. “Còn Fiddle and Faddle điện nước phong phú sẽ bơi cùng với JFK trong hồ bơi. Họ chỉ mặc áo sơ mi ngắn tay dài đến rốn. Bạn có thể thấy đầu vú của họ. Chúng tôi có liên lạc điện đài với phân đội của Jackie đề phòng bà trở về bất ngờ không báo trước.”

Một buổi chiều, Kennedy đang đùa cợt với họ thì đặc vụ của phân đội bảo vệ Jackie báo tin bà đang trở về Nhà Trắng một cách bất ngờ.

“Jackie sẽ có mặt trong mười phút nữa, thế là JFK phóng ra khỏi hồ bơi,” đặc vụ Anthony Sherman đang công tác khi đó nói. “Ông đang mặc đồ bơi và tay cầm chai Bloody Mary.”

Kennedy nhìn quanh và trao chai rượu cho Sherman. “Uống đi, khá lắm,” tổng thống nói.

Theo các đặc vụ, Kennedy có quan hệ tình ái với Marilyn Monroe ở những khách sạn tại New York và trong một gác xép phía trên văn phòng Bộ Tư pháp khi đó Robert Kennedy, em trai của tổng thống, làm Bô trưởng Tư pháp. Giữa tầng 5 và 6, gác xép chứa một giường đôi được bộ trưởng sử dụng khi cần qua đêm để giải quyết những vấn đề khẩn cấp. Cuối phòng nối với cầu thang riêng khiến cho Kennedy và Monrọe dễ dàng đi vào từ tầng hầm Bộ Tư pháp mà không ai bắt gặp.

Nếu Kennedy tỏ ra bừa bãi trong quan hệ, ông ta cũng cẩu thả trong vấn đề an ninh. Trước chuyến đi đến Dallas vào 22/11/1963, ông nhận được cảnh báo về bạo lực có thể xảy ra ở đó. Đại sứ Liên Hiệp Quốc

Adlai Stevenson gọi điện cho phụ tá Kennedy là Arthur Schlesinger, Jr., thúc giục ông hãy khuyên tổng thống đừng đến Dallas. Ông cho biết mình vừa đọc diễn văn ở Dallas và bị những người biểu tình chống đối chửi rủa và phun nước bọt vào ông. Stevenson nói Thượng Nghĩ sĩ  J. William Fulbright cũng cảnh báo Kennedy.

“Dallas là nơi rất nguy hiểm,” Fulbright bảo ông. “Ở địa vị anh tôi sẽ không đi đến đó đâu. Anh đừng đi.”

Vậy mà phụ tá Kennedy là O’Donnell bảo với đội Mật Vụ là trừ khi trời mưa, tổng thống muốn ngồi trong một xe mui trần, theo Báo cáo Ủy ban Warren (Ủy ban được thành lập để điều tra vụ ám sát tổng thống), phần lớn dựa vào kết quả điều tra của FBI. Nếu trời mưa, Kennedy sẽ sử dụng một mui nhựa, không chống đạn. Chính Kennedy – mật danh Lancer – đã bảo với các đặc vụ là ông không muốn họ đứng trên các bậc để chân phía sau xe chở ông.

Sau 11:50 sáng một chút, chiếc limousine của tổng thống tiến đến từ phi trường Love Field hướng về buổi ăn trưa ở Trade Mart như dự kiến. Chiếc ô tô đi xuống đường Elm chầm chậm về phía cầu vượt  đường sắt trước khi đến Xa lộ Stemmons tại Dealey Plaza. Kho Sách Trường Học Texas ở bên tay phải của Kennedy.

Chỉ có 2 đặc vụ đã đi tiền trạm tới Dallas để chuẩn bị trước cho chuyến đi. Vẫn như hôm nay, cục Mật vụ trông cậy một phần lớn vào lực lượng cảnh sát địa phương và các văn phòng đóng tại địa phương của các cơ quan liên bang khác. Vào thời điểm đó, nghi thức tiền sát không yêu cầu thanh sát các tòa nhà dọc theo lộ trình đoàn xe tổng thống đi qua, vốn đã được loan báo cho dân chúng trước đó đứng ra chào đón.

Lúc 12:30 trưa, chiếc limousine của tổng thống đang chạy với tốc độ khoảng 11 dặm một giờ. Một loạt đạn bắn ra từ Kho Sách Trường Học Texas. Một viên đạn ghim vào phía dưới gáy của tổng thống. Một viên khác bắn ngay ót, gây ra vết thương trí mạng. Ông ngã sang trái gục xuống lòng phu nhân Jackie.

Đặc vụ William R. Greer đang lái chiếc limousine, và đặc vụ Roy H. Kellerman đang ngồi bên phải y. Nhưng không ai có thể nhanh chóng phóng đến hỗ trợ Kennedy, chỉ có đặc vụ đứng phía sau xe, nếu đã được phép bố trí, mới có thể làm thế được. Vấn đề còn gây khó khăn hơn, chiếc limousine của tổng thống có hàng ghế thứ hai giữa hàng ghế trước và hàng ghế sau, nơi tổng thống ngồi. “Phát súng chết người” vào sau đầu tổng thống đến 4.9 giây sau phát thứ nhất trúng dưới gáy.

Greer không được huấn luyện đặc biệt về lái lẫn tránh. Sau phát đạn thứ nhất, y đáng lẽ phải lập tức tăng tốc hoặc có hành động né tránh. Trái lại, y còn tạm thời lái chậm hơn và đợi lệnh của đặc vụ Kellerman.

“Lái khỏi đây mau! Trúng đạn rồi,” Kellerman hét lên.

Đặc vụ Clinton J. Hill, đang đứng trên bậc để chân bên trái của ô tô chạy sát phía sau, chạy bay về phía chiếc Limousine của Kennedy. Anh rướn người lên phía sau chiếc limousine khi nó tăng tốc độ. Anh đẩy Jackie  – mật danh Lace – cúi gập người xuống rồi lấy thân che chắn bà và tổng thống, nhưng tất cả đã muộn màng.

“Nếu đặc vụ được phép đứng trên bậc để chân phía sau xe, họ có thể ấn tổng thống xuống và nhảy chồm lên người ông để bảo vệ ông khỏi trúng viên đạn định mạng,” Chuck Taylor nói, người trong phân đội Kennedy đã kể lại với tôi như vậy.

Khẳng định điều này, Giám đốc Mật Vụ Lewis Merletti sau đó nói, “Một cuộc phân tích vụ ám sát – trong đó có đạn đạo của những viên đạn cướp đi mạng sống của Tổng thống – chỉ ra rằng nó có thể bị ngăn trở nếu các đặc vụ được phân công đứng  trên bậc để chân của xe.”

Được mang đến Bệnh viện  Parkland Memorial cách hiện trường bốn dặm, Kennedy được tuyên bố chết vào lúc 1 giờ chiều. Các đặc vụ trong Mật Vụ đều bàng hoàng.

Một lần nữa, vụ ám sát đã thay đổi tiến trình của lịch sử. Đối với Mật Vụ, họ sẽ học được bài học đắt giá để có thể ngăn ngừa một vụ ám sát khác.

8

John F. Kennedy- Tổng thống thứ 35 (20/1/1961 – 22/10/1963) .Vài phút trước vụ ám sát 

 

3. VOLUNTEER

  Nếu các đặc vụ thấy Kennedy sống bừa bãi, thì Lyndon B. Johnson lại thô lỗ, hư hỏng, và hay say sưa. Đặc vụ Taylor nhớ lại đi xe chở Johnson, khi đó là phó tổng thống của Kennedy, với một đặc vụ khác từ Điện Capitol đến Nhà Trắng để họp với Kennedy lúc 4 giờ chiều. Johnson – mật danh Volunteer (tình nguyện viên) – đến 3:45 còn chưa sẵn sàng để lên xe. Vì lưu thông tấp nập trên Đại lộ Pennsylvania, nên họ có thể đến muộn.

“Johnson bảo cứ phóng xe lên vỉa hè,” Taylor nói. “Nhưng có người đi làm về đang sử dụng vỉa hè. Nên tôi bảo ông, ‘Không.’ Ông liền gắt, ‘Tôi nói cứ leo lên lề.’ Rồi ông cầm tờ báo đánh vào đầu đặc vụ đang cầm lái. Ông quát, “Cho tụi bây nghĩ việc hết.'”

Khi họ đến Nhà Trắng, Taylor bảo với Evelyn Lincoln, thư ký Kennedy, “Tôi đã bị đuổi việc .”

Lincoln lắc đầu bực tức. Nhưng Taylor vẫn không bị cho nghỉ việc.

Sau khi trở thành tổng thống vào ngày 22/11/1963 sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát chết, Johnson lăng nhăng với một vài thư ký trẻ quyến rũ của mình. Khi bà xã ông, Lady Bird Johnson đi vắng, Mật Vụ sẽ chở ông đến nhà một cô thư ký. Ông khăng khăng bảo các đặc vụ rời đi để ông thoải mái hú hí với cô ta.

Có lần, Lady Bird – mật danh Victoria – bắt gặp ông đang quan hệ với một cô thư ký trên ghế sofa trong Phòng Bầu Dục. Johnson nổi dóa vì Mật Vụ không báo động với ông.

“Ông nói, ‘Tụi bây phải làm gì chứ,'” một đặc vụ giám sát nhớ lại.

Sau sự kiện này, chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức, Johnson ra lệnh lắp đặt một thiết bị báo động phát ra tiếng như ve kêu để các đặc vụ trực trong khu vực cư trú của Nhà Trắng có thể báo động cho ông biết mỗi khi bà xã bát ngờ về đến. Thiết bị được gắn tại những  khu vực trên các tầng nơi vị trí thang máy dẫn đến Phòng Bầu Dục. Nếu họ thấy Lady Bird hướng đến thang máy hoặc cầu thang bộ, họ sẽ nhấn nút thiết bị.

Johnson không giới hạn với các phụ nữ ông thuê làm thư ký. Ông có cả một “hậu cung” để giải khuây, kế cả một số ở trang trại khi Lady Bird ở nhà, một cựu đặc vụ cho biết.

“Ông và Lady Bird ở phòng ngủ, rồi nửa đêm ông sẽ thức dậy và đi đến một phòng khác. Lady Bird biết tỏng chuyện ông làm. Một thiếu nữ tóc vàng khêu gợi. Một bà khác là vợ một người bạn của ông. Ông được chồng bà ta cho phép hú hí với vợ mình. Thật kinh ngạc!”

Johnson “sẽ chịch bất cứ thứ gì biết bò, cơ bản là vậy,”  đặc vụ William F. Cuff nói. “Ông ta là một lão già dê. Nhưng ông ta cũng có những bộ hạ Nhà Trắng trung thành tuyệt đối. Mọi người trong Nhà Trắng có một kẻ thù chung, và đó là ông (Johnson). Do đó, mọi người đều đoàn kết nhau vì ai cũng sợ ông.”

Năm 1986 trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, được hỏi về tin đồn lăng nhăng của chồng mình, Lady Bird Johnson nói, “Bạn biết đấy, chồng tôi yêu thương dân chúng. Tất cả dân chúng. Và nửa số dân chúng trên thế giới là phụ nữ.”

Những thành viên phi đoàn của Không Lực Một thường nói Johnson hay đóng kín cửa dẫn đến phòng tiếp tân và trải hàng giờ ở đó kín cửa với các ả thư ký xinh đẹp, thậm chí khi bà xã có mặt trên tàu.

“Johnson bước lên phi cơ (Không Lực Một), và ngay khi khuất tầm mắt dân chúng đưa tiễn, là ông sẽ đứng chắn ngang khung cửa vào và nghiến răng chửi thề, ‘Lũ chó chết ngu ngốc các người. Tao muốn tiểu lên tất cả chúng mày,'” Robert M. MacMillan, một tiếp viên Không Lực Một nhớ lại. “Rồi ông bước đi và bắt đầu cởi quần ảo. Lúc ở phòng tiếp tân, ông chỉ mặc quần đùi và vớ. Ông cũng rất thường cởi luôn quần đùi, bất kể ai có mặt trong phòng.”

Johnson không quan tâm dù cho có các bà hiện diện. “Ông ta hoàn toàn trần truồng khi có mặt con gái, bà xã, và các nữ thư ký,” MacMillian nói. “Ông có hòn bị quá cỡ. Vì thế mọi người bắt đầu gọi ông là bi bò. Khi ông biết được, ông rất bực mình.”

Johnson thường hay say xỉn. Ông giữ những chai uýt kì trong ô tô ở trang trại. Một buổi chiều khi đã là tổng thống, ông trở về Nhà Trắng say khướt, la hét ầm ĩ sao để đèn sáng trưng, tốn điện.

“Ông là vị tổng thống duy nhất tôi thấy say xỉn,” Frederick H. Walzel, xếp trước đây của Bộ phận Đồng phục Nhà Trắng, cho biết.

“Ông ta say có cơn,” George Reedy, thư ký báo chí của ông, bảo với tôi. “Có lúc ông uống hết ngày này sang ngày khác. Bạn sẽ nghĩ chắc ông nghiện rượu rồi’ Nhưng thình lình, ông ngưng uống. Khi uống, ông thường nốc cạn ly, chứ không nhấp môi thưởng thức.”

Khi uống, ông dễ nổi cáu. Có lần ông cầm một khay thức ăn có một miếng bò bít tết vừa chín tới, quát lên, “Chó chết tụi bây, cho tao ăn thịt sống à.” Rồi ông mang khẩu phần xuống nhà bếp, quát, “Hai thằng chó chết, nhìn này. Thịt còn sống. Trên máy bay tao tụi bây phải nấu thịt chín. Tụi bây phục vụ người của tao thịt sống à. Khốn kiếp, nếu hai đứa còn phục vụ thịt sống trên máy bay tao một lần nữa, tao cho tụi bây qua Việt Nam hết.” Nói xong, ông ném khay úp mặt xuống sàn nhà và lồng lộn bước ra. Thật ra, đối với thịt bò bít tết như vậy là chín quá đỗi với người sành điệu.

Gerald F. Pisha, một tiếp viên Không Lực Một khác, cho biết có lần Johnson không thích cách pha rượu của một người phục vụ, ông ném ly nước xuống sàn phòng.

Tại trang trại của mình ở Texas, Johnson còn cộc cằn hơn ở Nhà Trắng.  Tại một cuộc họp báo ở trang trại, có lần ông bước sang bên một khoảng, quay nghiêng người và “móc thằng nhỏ ra và xịt nước” xuống sân cỏ trước tầm nhìn các phóng viên,” D. Patrick O’Donnell, một kỹ sư phi hành của Không Lực Một nói. “Bạn có thể trông thấy tia nước tiểu bắn ra. Thật là bối rối. Tôi không tin vào mắt mình. Đây đường hoàng là một tổng thống Hoa Kỳ, và ông ta đứng tiểu ngay trên sân cỏ trước mắt một nhóm người.”

Lúc 6 giờ sáng, đặc vụ trực bên ngoài cửa dẫn thẳng vào phòng ngủ của Johnson. “Tôi đang ngắm mặt trời mọc và nghe chim hót. Bỗng có âm thanh gì kỳ lạ, tôi quay lại, và kìa con người quyền lực nhất thế giới đang đứng tiểu ngay hiên sau nhà. Và tôi nhớ lại một câu nói tôi được nghe ở Texas  khi vào làm ở phân đội đó: Mỗi lần LBJ (tổng thống) về thăm trang trại, lũ bò cúi đầu xấu hổ. Ông già này sở hữu một công cụ thượng thặng bạn không thể tin được.”

Sau khi Robert F. Kennedy (em ruột của Tổng thống Kennedy) bị ám sát, một đặc vụ được lệnh đánh thức Johnson vào buổi sáng để ông có thể gặp thư ký báo chí của mình. “Tôi gõ cửa phòng ngủ của ông,” đặc vụ kế. “Lady Bird nói cứ vào, tổng thống đang ở phòng tắm. Johnson đang ngồi trên bồn cầu. Giấy vệ sinh vương vãi khắp nơi. Thật kỳ cục.”

“Nếu Johnson không làm tổng thống, ông có thể đã ở bệnh viện tâm thần,” cựu đặc vụ Richard Roth tâm sự là mình thường nghĩ như vậy khi còn làm việc cho ông ta.

“Johnson là một tên trộm cỡ lớn,” phụ tá Nhà Trắng Gulley của ông nói. “Ông ta biết ở đâu có tiền. Ông bảo chúng tôi lập ra một quỹ mật danh Green Ball. Đó là quỹ Phòng Vệ được giả định nhằm phụ giúp Mật Vụ mua sắm vũ khí. Họ sử dụng quỹ cho bất cứ thứ gì Johnson muốn mua, như mua súng săn cao cấp. Johnson và bạn của ông ta cất giữ chúng.

Lúc nào Johnson cũng tô điểm hình ảnh minh là người tiết kiệm tiền thuế của nhân dân. Như một phần của trò phát động phong trào tiết kiệm, Johnson thông báo mình đã ra lệnh tắt hết đèn trong phòng vệ sinh các bà ở khu vực bảo chí.

Khi Johnson rời chức vụ, Gulley cho biết mình đã sắp xếp cho ít nhất 10 chuyến bay chở tài sản của chính quyền về trang trại Johnson. O’Donnell, kỹ sư phi hành Không Lực Một, nói rằng anh bay ba chuyến, chở đồ đạc anh biết là những vật dụng của Nhà Trắng về trang trại Johnson. “Chuyến bay thường lúc 7:50 hoặc 8:50 tối  hoặc sáng sớm. . . Tôi nghĩ ông ta lấy đi chiếc giường điện ra khỏi bệnh viện quân đội Walter Reed. Thật là xấu hổ.”

Thành tựu lớn nhất của Johnson là vượt qua được sự chống đối của miền Nam để thông qua đạo luật về quyền dân sự của người da màu, vậy mà ở nơi riêng tư, ông lúc nào cũng nêu đích danh họ là “mọi đen”.

Sau khi  Johnson mất, các đặc vụ bảo vệ Lady Bird ngạc nhiên khi thấy thậm chí mặc dù nhà họ chứa chật ních hình ảnh của Johnson chụp với những người nổi tiếng, nhưng không thấy có tấm hình nào chụp ông với Kennedy (Johnson là phó của tổng thống Kennedy, và được lên làm tổng thống sau khi Kennedy chết do ám sát: ND).

11

Lyndon B. Johnson- Tổng thống thứ 36

 

4. NHỮNG MỐI ĐE DOẠ

 Mỗi ngày, Mật Vụ nhận được trung bình 10 vụ đe doạ chống lại những người được cơ quan bảo vệ, thường là tổng thống. Mỉa mai thay, chỉ sau khi Kennedy bị ám sát, việc sát hại tổng thống mới được coi là tội ác liên bang. Trong khi vào năm 1917, Quốc hội đã xem sự đe doạ có chủ tâm đối với tổng thống – nhưng không giết hại ông – là vi phạm liên bang. Sau khi được tu chính, luật đưa ra hình phạt lên đến 5 năm tù và phạt tiền 250,000 đồng, hoặc cả hai. Cũng khung hình phạt ấy dành cho hành động đe đọa tổng thống chưa tuyên thệ nhậm chức, và phó tổng thống, phó tổng thống chưa tuyên thệ nhậm chức, hoặc bất kỳ viên chức nào tiếp theo.

Để bảo đảm một vụ tấn công vào nhân vật được bảo vệ không xảy ra, Mật Vụ sử dụng một loạt biện pháp nghiệp vụ, công cụ, chiến lược, và thủ tục. Một trong những công cụ đó là hồ sơ sâu rộng mà Tình báo Bảo vệ Mật Vụ và Bộ phận Định giá lưu trữ về những đối tượng tiềm năng có thể đe doạ tổng thống.

 Đối với những sát thủ tiềm năng nhất, giết được tổng thống chẳng khác nào trúng số.

“Chúng tôi muốn biết về những đối tượng này,” một cựu đặc vụ hoạt động tình báo cho biết. “Sớm muộn gì, họ sẽ trực tiếp chú ý đến tổng thống nếu họ không thỏa mãn với thượng nghị sĩ hoặc thống đốc.”

Mật Vụ có thể phát hiện các mối đe doạ ở khắp nơi, trừ những đe đọa nhắm vào Nhà Trắng đến bằng thư điện tử, thư thường, và điện thoại. Khi nghe một cú gọi đe doạ, các người trực máy được hướng dẫn phải nối máy với một đặc vụ ở bộ chỉ huy. Được xây dựng vào năm 1997, bộ chỉ huy Mật Vụ là một tòa nhà gạch nâu đỏ chín tầng vô danh tại H Street ở phố Số 9 NW ở Washington. Vì những lý do an ninh, không được đặt thùng rác trước tòa nhà. Một camera an ninh quan sát được lắp đặt dưới mái hiên ở lối vào.

Ngay bên trong là một thiết bị phát hiện kim loại. Trên bức tường là dòng chữ bạc to “Xứng Đáng Niềm Tin Yêu và Lòng Tin Cậy.” Không đề cập gì đến Mật Vụ, thậm chí trên thẻ đeo mà bộ phận tiếp tân phát cho khách đến liên hệ. Chỉ khi bạn bước vào chính điện bên trong bạn mới thấy một bức tường báo cho biết Tòa Nhà Tưởng Niệm Mật Vụ Hoa Kỳ, dành cho 35 đặc vụ, sĩ quan, và nhân viên khác đã hi sinh khi làm nhiệm vụ.

Bên trong, quanh một khoảng trung tâm lộ thiên, những lối đi hẹp kết nối  những hàng văn phòng phía sau những vách kính. Đối với những đặc vụ khẩn trương không thể đợi thang máy, cầu thang mở xoắn ốc bên trong khu lộ thiên dẫn họ lên những tầng trên nhìn xuống đến chóng mặt. Các sảnh treo đầy những bức ảnh chụp tự nhiên các tổng thống đã từng được bảo vệ. Một khu triển lãm tưởng niệm những người đã hi sinh khi thi hành nhiệm vụ, với nhiều chỗ còn để trống.

Một sảnh trưng bày bức thư năm 1865  của cố vấn bộ ngân khố bổ nhiệm William P. Woods làm trưởng đội Mật Vụ đầu tiên, một bản sao khẩu súng của Lee Harvey Oswald đã sử dụng để giết Kennedy, và những mẫu giấy bạc giả đi kèm những giấy bạc thật.

Trung tâm đầu não của Mật Vụ nằm trên tầng 9. Ở đây, trong Trung tâm Hoạt động Phối hơp, một nhóm các đặc vụ theo dõi những di chuyển của người được bảo vệ, mà các mật danh và địa điểm được thể hiện trên bảng ánh sáng trên tường. Khi yếu nhân được bảo vệ đến một vị trí mới, đặc vụ hiện nhiệm đang đi cùng ông báo tin về Trung tâm Hoạt động Phối hợp. Khi các đối tượng được bảo vệ đổi hành trình ngoài dự đoán, các đặc vụ được giao nhiệm vụ mới hiện lên. Kế sau Trung tâm Hoạt động Phối hợp là Trung tâm Khủng hoảng của Giám đốc được sử dụng để chỉ đạo hành động trong những trường hợp khẩn cấp như sự kiện 11/9.

Khi có cuộc điện thoại đáng ngờ gọi đến tổng đài Nhà Trắng, một đặc vụ ở bộ chỉ huy được kết nối để theo dõi, đặc vụ này giả bộ là một nhân viên tổng đài khác đang hỗ trợ. Anh này đang chờ đợi tin hiệu của một một cảnh báo đe đọa với tổng thống và lần theo đường dây ấy.

Bộ phận Dịch vụ Pháp lý khớp tiếng nói người gọi với dữ liệu những tiếng nói đe doạ đã lưu trữ. Không có lời đe dọa nào bị bỏ qua. Nếu phát hiện được đối tượng, Mật Vụ phỏng vấn y và đánh giá mức độ nghiêm trọng của lời đe dọa. Các đặc vụ cố phân biệt giữa lời đe doạ thực với lời nói hợp pháp mà các quyền theo Tu Chính Án I cho phép.

“Nếu bạn không thích các chính sách của tổng thống, bạn có thể nói ra điều đó. Đó là quyền của bạn. Chúng tôi tìm những lời vượt qua ranh giới và mang tính đe doạ: ‘Tao sắp sửa tóm lấy mày. Tao sắp sửa giết mày.’ Thế thì tên anh ta sẽ được cho vào máy tính.”

Bị bắt vì những lời đe doạ ấy là chuyện thường ngày. Chẳng hạn, Mật Vụ bắt giữ Barry Clinton Eckstrom, 51 tuổi, sống ở Thượng St. Clair, Pennsylvania, sau khi một đặc vụ, được báo tin là có người đang gởi thư điện tử đe doạ, nhìn thấy y đang đánh máy những dòng sau đây vào bức thư điện tử y đang gởi đi từ một thư viện công cộng khu Pittsburgh: “Tao ghét và khinh bỉ đồ Tổng thống Bush cặn bã! Tao sẽ giết hắn trong tháng 6 vào ngày sinh nhật bố hắn.”  Eckstrom bị kết án hai năm tù và hai năm giám sát sau khi mãn hạn.

Nếu có vấn đề tại Nhà Trắng, Trung tâm Hoạt động Phối hợp có thể theo dõi hiện trường bằng cách điều khiển từ xa những camera giám sát đặt bên ngoài lẫn bên trong khu phức hợp Nhà Trắng. Bất kỳ thư hoặc cuộc gọi đe dọa nào cũng gởi đến Mật Vụ. Hầu hết những đe doạ là thư tay gởi đến tổng thống, hơn là thư điện tử hoặc điện thoại. Những sát thủ tiềm năng lấy làm hả hê khi đi bỏ thư. Họ nghĩ rằng nếu họ bỏ thư, thì tổng thống sẽ tự tay đọc lấy.

Nếu bức thư nặc danh, Bộ phận Dịch vụ Pháp lý của Mật Vụ sẽ kiểm tra dấu vân tay và phân tích chữ viết và loại mực, đối chiếu nó với 9500 mẫu mực trong Thư viện Mực Quốc tế. Công việc này dễ dàng hơn vì hầu hết những nhà sản xuất mực giờ có thêm thẻ để Mật Vụ có thể lần theo loại mực.  Đặc tính của mỗi mẫu được viết theo dữ liệu số. Các kỹ thuật viên cố đối chiếu mực với các bức thư đe doạ khác trong một nỗ lực truy nguyên nguồn gốc. Họ có thể quét bức thư để tìm DNA.

Bộ phận Định giá và Tình báo Bảo vệ của Mật Vụ phân loại đối tượng theo mức độ đe doạ mà chúng đặt ra.

“Có một công thức mà chúng tôi sử dụng,” một đặc vụ cho biết. “Nó dựa trên liệu đối tượng này có qua khóa huấn luyện quân sự nào chưa, huấn luyện vũ khí chưa; có tiền sử bệnh tâm thần chưa; và liệu y có khả năng thực hiện âm mưu đến mức nào. Bạn phải xem xét những yếu tố này dựa vào cuộc phỏng vấn với đối tượng, và rồi đánh giá cấp độ nghiêm trọng của mối đe doạ.”

Đe dọa cấp III là nghiêm trọng nhất. Gần 100 người có mặt trong danh sách này. Những đối tượng này được liên tục kiểm tra. Các tòa án đã cung cấp cho Mật Vụ một biên độ rộng để giải quyết những mối đe doạ cận kề với tổng thống.

“Chúng tôi sẽ phỏng vấn những mối đe doạ nghiêm trọng mỗi ba tháng và phỏng vấn những hàng xóm của đối tượng,” một đặc vụ nói. “Nếu chúng tôi cảm thấy đối tượng đó nguy hiểm, chúng tôi sẽ theo dõi sự di chuyển của y gần như mỗi ngày. Chúng tôi kiểm tra thư từ. Nếu y ở trong viện tâm thần, chúng tôi sẽ làm việc với viện để họ báo tin chúng tôi khi y được cho về. Nếu đối tượng đang ở viện và được phép về thăm nhà, chúng tôi sẽ được báo tin và nhất định trong vùng lân cận nhà y sẽ có một ô tô đỗ sẵn để bảo đảm y có mặt ở nhà.”

“Nếu có một cuộc gọi đến, nếu có một mẫu thư từ, bắt kỳ hình thức liên lạc nào, thậm chí một sự đe doạ được che đậy, chúng tôi đều tìm hiểu tận chân tơ kẽ tóc cho đến khi quyết định ngưng điều tra hay phải theo dõi đối tượng trong một khoảng thời gian dài nữa,” Paula Reid, đặc vụ thuộc Bộ phận Đánh giá và Tình báo Bảo vệ, cho biết.

Nếu tổng thống đi đến một thành phố nơi một đối tượng cấp III không bị giữ trong viện sinh sống, một đặc vụ  sẽ xuất hiện trước cửa nhà y tại một thời điểm nào đó trước lúc tổng thống đến. Các đặc vụ tiền trạm tình báo sẽ hỏi liệu đối tượng có dự định ra ngoài và, nếu có, thì đi đâu. Sau đó họ sẽ tiến hành giám sát ngôi nhà và đi theo y khi y ra khỏi nhà.

Cho dù đối tượng cấp III bị nhốt ở viện, một đặc vụ tiền trạm tình báo cũng sẽ đến thăm viếng y. Không có gì phó mặc cho may rủi.

“Nếu họ ở ngoài viện, chúng tôi sẽ đến nhà và ngồi canh họ,” cựu đặc vụ William Albracht nói. “Bạn thường đã có mối quan hệ với những tên này rồi vì bạn đã phỏng vấn họ mỗi quí chỉ để biết họ ra sao, họ đang làm gì, họ còn sử dụng thuốc không, vân vân. Chúng tôi sẽ gõ cửa. Chúng tôi nói, “Khỏe không, Freddy? Tổng thống sắp đến thành phố rồi đó; kế hoạch cậu thế nào?’ Điều chúng tôi muốn nghe là y trả lời, ‘Tôi sẽ tránh ra xa thôi'”

“Vậy là tốt,” một đặc vụ sẽ nói. “Chúng tôi sẽ ở bên cậu, hãy nhớ điều đó. Đừng bao giờ nghĩ đến việc đi dự sự kiện mà tổng thống đến dự, vì chúng tôi sẽ theo cậu như bóng với hình. Cậu đi đến đâu, mình đi đến đó. Chúng tôi sẽ liên lạc với cậu thường xuyên và biết cậu ở đâu mọi lúc. Vậy đừng kiếm chuyện nghe bồ.”

John W. Hinckley Jr. vẫn còn được coi là mối đe doạ cấp III. Vào tháng 3, 1981, y được tuyên vô tội vì lý do tâm thần trong vụ bắn Tổng thống Reagan, thư ký báo chí của tổng thống James Brady, đặc vụ Timothy McCarthy, và sĩ quan cảnh sát  D.C. Thomas Delahanty. Kể từ đó, y bị nhốt trong Bệnh viện St.Elizabeth ở Washington. Nhưng Hinckley được cho phép định kỳ rời bệnh viện tâm lý để về thăm mẹ sống ở Williamsburg, Virginia. Nếu y thăm Washington, gia đình y phải báo tin cho Mật Vụ, và các đặc vụ có thể tiến hành giám sát y.

Trái với đe doạ cấp III, đối tượng cấp II đã đe doạ nhưng có vẻ không có khả năng thực thi việc ấy.

“Y có thể thiếu một yếu tố, như một tên nghĩ đơn giản là mình có thể giết tổng thống và đã lên tiếng đe doạ, nhưng y là người bị liệt cả tứ chi hoặc không có năng lực hình thành một kế hoạch đủ để thực hiện nó,” một đặc vụ nói.

Đe doạ cấp II thường gồm những người đang ở tù hoặc bị nhốt ở viện tâm thần. Theo một tin đồn độc địa trong các nhà tù tiểu bang, nếu một tù nhân đe doạ tổng thống và bị kết tội ở mức liên bang, y sẽ được chuyển đến một nhà tù liên bang, nơi có điều kiện thường thoải mái hơn ở nhà tù tiểu bang. Vì lý do đó, Mật Vụ thường gặp những đe đọa từ các tù nhân. Chẳng hạn, vào tháng 11 2008, Gordon L. Chadwick, 27 tuổi, đe doạ giết Tổng thống Bush trong khi đang thi hành bản án 4 năm tù tiểu bang ở Houston vì tội đe doạ một viên chức trại giam.  Như vụ án Chadwick cho thấy,  một bản án tù liên bang vì tội đe dọa tổng thống bị ghép lên, chứ không phải thay thế,  bản án tù tiểu bang.

Sau khi một tù nhân tiểu bang khác viết một bức thư đe doạ đến Tổng thống Bush, một đặc vụ sắp xếp để gặp y. Sau khi lái xe ba tiếng đến nhà tù, đặc vụ hỏi y liệu y có biết tại sao đặc vụ đến đó hay không.

“Biết chứ. Khi nào tôi được chuyển đến nhà tù liên bang đây?” Tên tù hỏi.

Tên tù nói thêm rằng y hi vọng được đi xem phong cảnh và, vì y nhận bản án tù chung thân, đây chính là cơ hội tốt nhất của y. Khi đặc vụ giải thích rằng y phải thi hành bản án tiểu bang trước, tên tù nói y đã nghe nói đe doạ tổng thống là cách để được chuyển đến nhà tù liên bang.

“Tôi thiếu điều muốn xiết cổ y,” người đặc vụ nói.

Đối tượng cấp I – mối đe doạ ít nghiêm trọng nhất – có thể đã buột miệng nói tại một quán rượu rằng mình muốn giết tổng thống.

“Bạn phỏng vấn y, và y tuyệt đối không có ý định thực hiện hành động đe doạ,” một đặc vụ nói. “Đặc vụ sẽ đánh giá y và cho kết luận, ‘Vâng, y có nói gì đó ngu ngốc; vâng, y vi phạm hình tội liên bang. Nhưng chúng tôi sẽ không kết tội hoặc theo dõi gã đó’. Bạn phải thận trọng và suy xét chính xác.”

Trong hầu hết mọi trường hợp, được đặc vụ đến viếng cũng đủ làm cho bất cứ ai phải nghĩ lại về việc lập mưu ám hại. Khi Giáo hoàng John Paul II đến thăm St. Louis vào tháng giêng 1999, Mật Vụ, được cử bảo vệ ngài, nhận được một báo cáo về một gã đàn ông lái một ô tô sinh hoạt (vừa ô tô vừa  là nhà ở lưu động) trong thành phố. Bên hông ô tô có ghi dòng chữ “Giáo Hoàng Phải Chết” và “Giáo Hoàng là Quỷ Dữ”.

Qua bảng số xe báo cáo về, Mật Vụ truy ra địa chỉ người đàn ông, hóa ra là nhà của mẹ gã không xa St. Louis. Khi bị các đặc vụ đến cật vấn, người mẹ cho biết thằng con đang lái xa đi về miền núi ở phía tây Montana gần Kalispell để đến thăm người anh.

Norm Jarvis, đặc vụ chuyên trách, lái xe đến vùng Kalispell nơi ông anh đang sinh sống. Vùng rừng núi thật là rộng lớn. Như nhiều người sống trong khu vực, ông anh không có địa chỉ. Jarvis hi vọng lực lượng cảnh sát địa phương sẽ chỉ dẫn được anh phải tìm kiếm từ đâu.

“Tôi đang lái xe trên đường, bổng kìa, trước mặt một ô tô đang tiến đến ngược chiều, chính là chiếc ô tô sinh hoạt,” Jarvis nói. “Giáo Hoàng Phái Chết” và “Giáo Hoàng là Quỷ Dữ” được viết trên hông xe. Người đàn ông đang cầm lái khớp với mô tả đối tượng. Jarvis không thể tin được vào may mắn của mình.

“Tôi quành xe lại, chớp đèn và hú còi,” Jarvis nói. “Tôi ép xe sát chiếc ô tô và vẫy tay ra hiệu cho y dừng lại.”

Với bà vợ ngồi bên cạnh, Jarvis phỏng vấn người đàn ông. Y cho biết mình đã chữa trị ở viện tâm thần và đã ngưng uống thuốc. Y không có vũ khí, và Jarvis khẳng định là y không có khả năng làm hại Giáo Hoàng. Như vậy, y là mối đe doạ cấp II. Jarvis lấy dấu vân tay của y và chụp ảnh y. Anh cảnh báo y phải tránh xa Saint Louis trong thời gian Giáo Hoàng viếng thăm, và anh đề nghị người đàn ông cần được giúp đỡ.

Jarvis gọi cho bộ chỉ huy để báo cáo việc anh tiếp xúc với nghi can và kết quả của những phát hiện ban đầu. Trong một vài ngày, anh viết xong báo cáo và gọi cho văn phòng là mình chuẩn bị gởi đi.

“Họ cho hay là người đàn ông đã tự sát bằng khẩu súng lục của anh mình,” Jarvis nói. “Anh y báo cáo rằng y quá sốc sau khi nói chuyện với tôi đến nỗi y quyết định kết liễu đời mình. Y cảm thấy mình không thể thoát tay quỷ dữ; quỷ dữ sắp tìm ra y. Thế là y tự bắn vào mình.”


Bình luận về bài viết này